Nguyễn Gia Kiểng 003

Nước non nghìn dặm

  Người Việt nam nào hình như cũng biết câu ca dao Nước non nghìn dặm ra đi. Cụm từ nước non nghìn dặm cũng đã là đầu đề của nhiều tác phẩm, và được dùng trong vô số bài hát, bài thơ. Nó đã làm cho nhiều người nghĩ đất nước ta rộng rãi, bao la. Sự thực thì chúng ta rất thiếu đất. Với 78 triệu người (năm 2000) trên một diện tích
330.000 km2, nghĩa là 237 người trên một kilômét vuông, chúng ta là một trong những nước có mật độ cao ngất, gần gấp đôi Trung Quốc (120 người / km2) và xấp xỉ bằng ấn-độ (270 người / km2), hai nước được coi là có nạn nhân mãn trầm trọng.
Nhưng không phải chỉ có thế. Tình trạng thiếu đất thật ra còn trầm trọng hơn nhiều. Nếu núi đã giúp ta giữ nước, thì núi và đồi cũng đã chiếm mất của ta ba phần tư lãnh thổ. Tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ, đồi và núi chiếm hơn 80% lãnh thổ. Tỷ lệ đất đai canh tác được của ta không tới 25 %. Nếu trừ đi thành phố, nhà cửa, đường sá sông ngòi thì diện tích còn lại để trồng lúa tối đa của ta không quá 7 triệu héc-ta.

Nói đến thiếu đất người ta nghĩ ngay đến hạn chế sinh đẻ. Chính quyền hiện nay theo đuổi một chính sách hạn chế sinh đẻ vừa rời rạc vừa hung bạo.
Trong truyện ngắn nỗi tiếng Tướng về hưu, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện một vị tướng cộng sản về hưu đã phải bỏ ra đi tìm lại đơn vị cũ của mình đề rồi thiệt mạng vì không thể chịu đựng được cảnh cô con dâu, một bác sĩ sản khoa, đem những thai nhi đã bị phá về nhà làm thức ăn nuôi chó béc-giê kỹ nghệ. Trong cuộc Hội Luận Dân Chủ Đa Nguyên tháng 10-1990, nhà nghiên cứu Đinh Trọng Hiếu, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Pháp, vừa từ Việt nam sang sau một chuyến nghiên cứu dài ba tháng về đời sống nông thôn, đã lên diễn đàn mô tả lại cảnh mà ông đã nhìn thấy, cảnh ba bốn phụ nữ bị bắt buộc phá thai trong các trạm y tế. Họ nằm trần truồng bên nhau, dạng cẳng cố trục xuất thai nhi ra, sau khi đã nhận thuốc phá thai. Vì thiếu phương tiện, việc phá thai được phối hợp giữa thuốc và các biện pháp tay chân. Đinh Trọng Hiếu vừa kể vừa khóc.

Đọc báo trong nước, người ta cũng vẫn thường gặp những bài nói về các cán bộ, đảng viên bị phê bình, hay có khi bị kỷ luật vì có tới ba con.
Nhưng mặc dầu vậy, dân số nước ta vẫn tiếp tục gia tăng xấp xỉ 2%, tức khoảng một triệu rưỡi người mỗi năm. Các biện pháp hạn chế dân số dã man đã chỉ làm xuống cấp con người chứ không ngăn chặn được nạn nhân mãn. Có lẽ vì con người trở thành rẻ rúng mà chính quyền không còn quan tâm tới sức khỏe. Sách báo không thầy đăng (hay có đăng mà tôi không đọc được?) tỷ lệ người chết hàng năm. Tôi tìm được một cuốn sách địa lý trung học (Địa lý lớp 9 - Nguyễn Trọng Điều, Nhà xuất bản Giáo Dục, 1989) hai con số: tỷ lệ người chết là 6,3 phần ngàn năm 1979 và 6,95 phần ngàn năm 1986. Như thế có nghĩa là trong vòng 7 năm tỷ lệ người chết đã tăng lên 10%. Năm 1986 là năm bắt đầu chính sách mở cửa theo qui luật kinh tế thị trường. Từ đó hệ thống y tế của nước ta bị bỏ rơi và xuống cấp không ngừng. Hiện nay, năm 2000, y tế của ta có thể nói là đã sụp đổ hoàn toàn. Theo thống kê của nhà nước, số trẻ em chết trước khi được một tuổi đã tăng 10% trong năm 1998.

Hạn chế đà gia tăng dân số chắc chắn phải là ưu tư lớn của bất cứ một chính quyền Việt nam nào. Nhưng trước hết phải nhìn vấn đề một cách đúng đắn, phải nhận định rằng vấn đề sinh đẻ nhiều trước hết là một vấn đề văn hóa, xã hội và nhân sinh quan chứ không phải là một vấn đề thuần túy kinh tế, và do đó không thể giải quyết bằng những quyết định hành chánh, duy ý chí chính quyền cộng sản đã có một thái độ thiếu lương thiện trên vấn đề này. Trước năm 1975, đảng cộng sản hoàn toàn không đặt ra vấn đề hạn chế sinh đẻ. Lúc đi cải tạo sau ngày 30-4-1975, tôi còn được nghe một bài học tập lên án gay gắt ngụy quyền Sài gòn là đã tiếp tay cho chính sách diệt chủng bằng cách hạn chế sinh đẻ. Chỉ sau Đại hội IV, năm 1976, vấn đề mới đặt ra. Và sau đó những dụng cụ và thuốc ngừa thai mới được khuyến khích, cùng với những quyết định hành chánh rất thô bạo.

Cũng cần phải phân biệt hai vấn đề hạn chế sinh đẻ và giải quyết tình trạng dân số cao. Có lẽ tất cả vấn đề là ở chỗ đó. Nếu chỉ hạn chế sự gia tăng dân số mà thôi thì phải nói rằng đó là một cố gắng vô ích ngay cả nếu thực hiện được. Bởi vì ngay bây giờ với 78 triệu dân, chúng ta đã tuyệt vọng rồi nếu vẫn cứ là một nước nông nghiệp. Tỷ lệ đất canh tác của ta hiện nay là 10 người một héc-ta. Với tỷ lệ này thì dù có tăng năng suất tối đa và dù có luôn luôn mưa thuận gió hòa, chúng ta vẫn sẽ là một nước nghèo khổ

Vấn đề thực sự đề giải quyết nạn đất hẹp người đông là phải thay đổi chức năng của đất nước từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp. Trong dài hạn, nông nghiệp của Việt nam chỉ có thể đảm bảo đời sống xứng đáng cho khoảng 10 triệu người, trong khi chúng ta sắp có 80 triệu dân. Phần còn lại phải chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Cuộc chuyển hóa này sẽ phải được coi là cố gắng vĩ đại nhất vì từ ngày lập quốc và sẽ chỉ có thể giải quyết bằng một cố gắng liên tục trong nhiều thập niên. Ngay từ bây giờ những người làm chính sách phải luôn luôn có trong đầu viễn ảnh này.

Cho tới nay, chính quyền cộng sản luôn luôn có một chính sách cư trú mâu thuẫn. Đại hội IV của đảng cộng sản (năm 1976) chủ trương tiến lên sản xuất công nghiệp lớn xã hội chủ nghĩa nhưng đồng thời đảng lại thi hành chính sách đuổi dân ra khỏi thành phố, đưa dân về nông thôn hay đi các vùng kinh tế mới. Cho đến ngay bây giờ chuyển hộ khẩu về miền quê vẫn là chuyện dễ đàng, ngược lại chuyền hộ khẩu từ nông thôn ra thành phố vẫn là chuyện đội đá vá trời.

Nông thôn Việt nam từ lâu đã dư người rồi và càng ngày càng dư người hơn nữa. Thêm người ở nông thôn chỉ có tác dụng chuyển sự nghèo khổ từ thành thị về nông thôn, cho khuất mắt các vị lãnh đạo chứ không giải quyết được gì cả. Không những không giải quyết được gì cả mà còn làm giảm năng suất nông nghiệp. Đông người quá thì không thể cơ giới hóa và còn phải hạ thấp mức cơ giới hóa đề sử dụng lao động dư thừa, mà đã không cơ giới hóa thì năng suất dĩ nhiên là thấp. Năng suất trung bình của ngành trồng lúa chỉ là 3,5 tấn hàng năm cho một héc-ta trong khi ruộng đất Việt nam có thể đạt năng suất 6 tấn.

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình

Trong cuộc chuyển hóa vĩ đại từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp và dịch vụ chúng ta gặp một trở ngại lớn: khí hậu. Chúng ta là một nước nhiệt đới, gần như nóng quanh năm, nhất là ở miền Nam. Sự phá hủy cây rừng từ nhiều năm nay, và vẫn chưa chấm dứt hẳn dù rừng không còn bao nhiêu, lại càng cho khí hậu thêm phần gay gắt khó chịu.

Khí hậu nóng làm cho con người uể oải, thiếu quyết tâm và mất kiên nhẫn. Các nước phát triển mạnh thường không phải là những nước nhiệt đới. Singapore là một ngoại lệ, nhưng Singapore không phải là một quốc gia theo đúng nghĩa của nó, mà là một thành phố và một hải cảng. Vả lại, đó là một đảo, được biển bao quanh và nhờ vậy gió biển cũng làm dịu bớt khí hậu, như tại Mã Lai. Có nhiều nhà nghiên cứu khẳng định phát triển là đặc tính của các nước hàn đới và ôn đới. Bắc Mỹ phát triển hơn hẳn Nam Mỹ, Bắc Âu vượt hẳn Nam Âu. Các nước châu á phát triển mạnh cũng thé: Nhật, Triều Tiên, Hương Cảng, Đài Loan và có lẽ sau này Hoa Lục, cũng đều là những nước lạnh, hoặc ít ra không nóng. Có những nhà nghiên cứu xã hội lớn, như Max Weber và Alain Peyrefitte, không tin như vậy và giải thích bằng lý do văn hóa. Bắc Mỹ và Bắc Âu, theo họ, phát triển được nhờ tư tưởng Tin Lành phóng khoáng, trong khi Nam Mỹ và Nam ăn không phát triển vì ảnh hưởng giáo điều thủ cựu của Công Giáo. Phân tích này có phần đúng, nhưng cũng có thể giải thích rằng tại vì miền Bắc Âu lạnh, mà con người có nhiều sâu, phát triển óc phê phán và sáng tạo rồi chấp nhận Tin Lành.

Dầu sao thì khí hậu nóng cũng vẫn là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đồng ý các vùng bờ biển phát triển mạnh hơn các vùng lục địa. Biển là kho tàng hải sản vô tận, là sự nới rộng của bờ cõi, và, quan trọng hơn hết, là khả năng giao thông vận tải quan trọng và quí giá vô cùng.
Khi vừa mới tốt nghiệp kỹ sư, tôi làm việc cho hãng Pechiney, công ty đứng hàng thứ nhì thế giới và thứ nhất tại châu Âu vào đầu thập niên 1970 về kỹ nghệ nhôm. Pechiney nhập cảng quặng nhôm từ úc và châu Phi. Nhà máy luyện nhôm nơi tôi làm việc nằm ở trung tâm nước Pháp, cách cảng Marseille chừng 400 km. Chi phí chuyên chở bằng đường biền từ úc tới Marseille gần 20.000 km, nhẹ hơn chi phí chuyên chở 400 km đường sắt từ Marseille đến nhà máy.
Ưu thế bờ biển - lục địa quan trọng không kém ưu thế lạnh - nóng. Người ta có thể quan sát rằng từ hai mươi năm nay tại Trung Quốc, vùng duyên hải đã phát triển vượt hẳn vùng lục địa. Ưu thế của bờ biển càng rõ nét trong trường hợp Trung Quốc nếu người ta nhớ lại rằng trong thập niên 1950 Mao Trạch Đông đã cho thi hành kế hoạch đệ tam tuyến, chuyển hết kỹ nghệ vào lục địa đề phòng ngừa một cuộc đổ bộ của Hoa Kỳ. Kế hoạch này đã biến Trùng Khánh thành thành phố đông dân nhất Trung Quốc, nó đã làm phá sản các vùng bờ biển.
Biển cũng làm cho khí hậu nóng bớt đi rất nhiều phần gay gắt. Nhờ biển và gió biển, khí hậu nước ta dễ chịu hơn nhiều so với khí hậu ở cùng vĩ độ tại Lào và Thái Lan. Trừ một vài tháng đặc biệt, ở vài nơi và trong vài năm khác thường, hàn thử biểu ít vượt quá 35oC. Nhiệt độ trung bình những tháng nóng nhất của nước ta chỉ là 28 hoặc 29 oC, nghĩa là một nhiệt độ tuy không thoải mái nhưng vẫn còn chịu đựng được.

Chúng ta có rất nhiều bờ biển và biển của ta rất tốt. Bờ biển của ta dài 3.200 km, còn dài hơn cả chiều dài thực sự của nước ta. Cả nước ta là một dải bờ biển, điểm sâu nhất trong đất liền tại miền Bắc là 600 km, trung bình bề dày của đất nước ta là 150km, tại Đồng Hới (Quảng Bình) bề dày này chỉ có 50 km. Dọc theo bờ biển, chúng ta có khả năng thiết lập vô số hải cảng tốt. Hiện nay ta mới chỉ sử dụng một phần rất nhỏ của khả năng này với các hải cảng: Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Sài gòn. Tiềm năng hải cảng hứa hẹn một tương lai xán lạn cho kỹ nghệ đóng tàu, bảo trì và sửa chữa tàu và chuyên chở hàng hải. Những ngành này cho tới nay ta hoàn toàn không khai thác. Tuy có nhiều cảng thiên nhiên nước sâu, nhưng nói chung bờ biển nước ta lại rất xoải và có cát mịn, đo đó chúng ta có nhiều bãi biển thiên nhiên tuyệt vời. Đó là những tiềm năng du lịch nếu được khai thác sẽ đem lại một nguồn lợi rất lớn vì bờ biển của ta giữ nhiệt độ quanh năm trên 25 oC. Chúng ta là cửa mở ra Thái Bình Dương của cả bán đảo Trung-ấn. Người ta có thể làm việc và kiếm tiền ở Thái Lan, Lào, Vân Nam, nhưng người ta bắt buộc phải nghỉ ngơi và tiêu xài tại bờ biển Việt nam. Kỹ nghệ du lịch của nước ta, nếu được phát triển đầy đủ, trong trung hạn có khả năng thu hút vài chục triệu du khách mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người trong ngành du lịch cũng như trong các ngành liên hệ. Vùng biền thuộc lãnh hải Việt nam có khả năng cung cấp hai triệu tấn cá mỗi năm. Bờ biển dài và thuận lợi của Việt nam cho phép đánh bắt thêm dễ dàng một trọng lượng cá tương đương trên biển cả. Ngư nghiệp và công nghiệp thực phẩm do nguồn hải sản cho phép ta nuôi sống một số người tương đương với nông nghiệp.

Bờ biển miền Nam còn cho ta một tiềm năng nuôi tôm cá rất quan trọng mà ta hiện chỉ khai thác được một phần rất nhỏ. Ngoài ra, vùng Đồng Tháp thuộc đồng bằng Nam Bộ, với nguồn nước và nguồn cá to lớn của sông Mê Kông, còn là một tài nguyên lớn lao nuôi cá nước ngọt mà ta hầu như chưa khai thác. Biển là tài sản quí báu nhất của non sông hoa gấm, có khả năng cao hơn nhiều so với nông nghiệp. Nhưng không phải ta chỉ có biển tốt mà ta còn có một vị trí vô cùng thuận lợi. Chúng ta là đường ra biển của Cam-bốt, Lào, Thái Lan và miền Tây-nam Trung Quốc, chúng ta nằm sát các trục giao thông hàng hải quan trọng và ở ngay trung tâm của một vùng phát triển mạnh. Chức năng thiên nhiên của ta do biển đem lại là chức năng của một nước du lịch, công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ. Nguồn lợi chính mà biển đem lại là nguồn lợi của giao thương với thế giới.

Nhưng muốn phát huy chức năng đó, điều bắt buộc tự nhiên là ta phải hội nhập với thế giới, có một chế độ chấp nhận được cho cả thế giới. Nghĩa là dân chủ.

Nước non nghìn dặm ( II )

Cái cảm giác nước non nghìn dặm là có thực, và có ba lý do khiến cho người Việt, ngay cả khi có số liệu rõ ràng trong tay, vẫn có cảm giác đất nước xa xôi, bao la. Lý do thứ nhất là vì nước ta dài thực, dài 2500 km từ Bắc tới Nam, chiều dài đó khiến cho các miền của đất nước khác nhau về địa hình, địa chất, về khí hậu và cả về con người. Chúng ta chỉ có một điểm giống nhau lớn và cũng là một điều may: chúng ta nói cùng một ngôn ngữ thuần nhất. Toàn bộ 85% dân số được gọi là người Kinh sử dụng tiếng Việt, và càng ngày số người của 15 % còn lại thuộc cấc sắc tộc ít người sử dụng được tiếng Việt càng thành đa số.
Ngay từ miền Thượng Du Bắc Việt xuống đồng bằng sông Hòng kế cận nhau mà con người và cách sinh sống đã rất khác biệt rồi. Vào đến miền Trung với những cánh đồng dài, hẹp và khô cằn, khí hậu và con người lại khác, ngay cả giọng nói nhiều khi cũng khó hiểu đối với người miền Bắc hay miền Nam. Giữa miền Trung và miền Cao Nguyên Trung Phần, mà hiện nay được gọi bằng danh xưng khó hiểu là Tây Nguyên, sự khác biệt trước đây còn lớn hơn cả giữa đồng bằng sông Hồng và miền Thượng Du Bắc Việt. Vào đất miền Nam mưa nắng hai mùa, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, thì cảnh trí lại càng khác, và con người cũng khác.

Lý do thứ hai là người Việt nam ta, do truyền thống nông nghiệp, do chiến tranh và do chính sách kiềm soát cư trú và hạn chế đi lại của chính quyền, không hay di chuyển. Đối với một người ở Thái Bình, Huế và Sài Gòn cũng xa xôi như Paris. Sự thiếu di chuyển không những làm cho nhận thức hạn hẹp và lệ thuộc vào thành kiến, mà còn tạo ra một tâm lý từ chối tìm hiểu đất nước mình.
Nước non nghìn dặm cũng là nước non rất xa xôi, không liên hệ gì đến tôi ngoại trừ việc các quan chức bắt tôi phải đóng thuế và bắt con tôi đi lính!
Lý do thứ ba là sự coi thường môn địa lý của trí thức Việt nam. Trí thức Việt nam chủ yếu học đề thi lấy bằng chứ không phải lấy kiến thức nên chỉ chú trọng học những môn cần cho thi cử. Địa lý không phải là một trong những môn đó. ở trung học, không có môn học nào chán bằng môn địa lý. Thầy cũng dốt, học trò cũng dốt, sách lại dở. Trong các kỳ thi, môn địa lý chỉ có một hệ số không đáng kể. Những người điều khiển đất nước, bất luận chế độ nào, và ngay cả các chuyên viên về kế hoạch cung chỉ có một sự hiểu biết rất đại khái và mơ hồ về địa lý của đất nước.

Không nói gì xa xôi, ngay tại Sài Gòn cũng rất ít người biết rằng vào mùa thu cả một miền Đồng Tháp biến thành một biển nước ngọt mênh mang, sâu tới sáu mét, tàu biển cỡ trung bình chạy dễ dàng. Cũng rất ít người Sái Gòn biết rằng nông thôn miền Tây Nam Phần có một quan hệ nam nữ tự do vào bậc nhất thế giới. ở đây rất ít đàn ông nào chỉ có một vợ - con số trung bình là ba - và cũng khó kiếm ra một người đàn bà nào chỉ có một dời chồng. ở đó người ta hỏi nhau một cách tự nhiên Xin lỗi thím Tư, thức Tư là vợ cưới hay vợ dắt? Cưới hay dắt không quan hệ lắm. Con trai tới tuổi thanh niên gặp bạn gái vừa ý có thể dắt về nhà ở chung với cha mẹ. Sau một thời gian, nếu không hạp, bà mẹ không có thể dắt cô con dâu về trả lại cho cha mẹ. Trai gái làm quen nhau dễ dàng, luyến ái dễ dàng và chia tay nhau cũng rất dễ dàng.

Trong khi ở mọi nước phát triển môn địa lý được coi là tối quan trọng thì tại Việt nam nó lại bị coi thường quá đáng. Sự thiếu hiểu biết về địa lý đất nước cũng là một trở ngại lớn cho những nhận thức. Chính vì không hiểu địa lý nước ta mà cho tới nay nhiều người vẫn tự hào rằng ta đã giữ được nước vì ta oai hùng chứ không phải vì nhờ lãnh thổ có núi ngăn chia. Chính vì thiếu kiến thức địa lý mà cho tới nay, trong những đề nghị về phát triển kinh tế, người ta chỉ thấy những chính sách chung cho cả một nước, như thể là tỉnh Hòa Bình có thể phát triển theo cùng một mô thức với Minh Hải. Tôi còn được đọc một đề nghị phát triển cho cả nước và cho suốt thế kỷ có thể kiến thức địa lý có trong đầu óc những người làm kế hoạch và những chuyên viên nhưng nó chưa hiện diện đủ mạnh đề ảnh hưởng đến cách suy nghĩ.

Xin nêu hai thí dụ.

Nếu có phản xạ của nhà địa lý thì không thể có một đồng thuận kỳ quặc là cả nhà cầm quyền lẫn các chuyên gia mỗi khi có dịp đều bày tỏ quan điểm lo âu về một hiểm họa rời bỏ nông thôn (exode rural) của dân chúng. Thế rồi các chuyên gia lên tiếng báo động, và nhà cầm quyền khuyến khích hay bắt buộc dân chúng di dân về miền quê. Đó là vì chúng ta nhắc lại những gì đã được các chuyên gia viết ra cho các nước châu Mỹ La Tinh hay Pháp. Và một số nước tương tự, nơi mà nhiều khu đất mầu mỡ phì nhiêu bị nông dân rời bỏ. Không làm gì có một mối nguy như thế tại nước ta. Trãi lại chúng ta cần một exode rural. Hiện nay hơn sáu mươi triệu người Việt nam sống nhơ nông nghiệp trong khi ruộng đất của chúng ta chỉ đủ cho từ năm tới mười triệu người. Ta cũng không còn rừng để phá. Rừng của ta đã bị phá quá nhiều rồi, và vong hồn rừng đang báo oán chúng ta: lũ lụt đã trở thành thông lệ hàng năm tại miền Trung, kế tiếp là hạn hán vì không còn rừng để giữ nước nữa. Nông thôn của ta quá dư người, mà đông người quá thì không thể dùng nhưng phương pháp canh tác hiện đại được và năng suất sẽ thấp mãi mãi. Chức năng của chúng ta là chức năng của một nước ngư nghiệp, hàng hải, công nghiệp và dịch vụ. Cằn tổ chức cho nông dân rời nông thôn. Đi đâu và làm gì là một vấn đề khác sẽ được bàn tới trong một phần sau. Nhưng ngay từ bây giờ không nên ngăn cản người dân rời nông thôn. Trong giả thuyết xấu nhất ta cũng có thể nói như thế này: hiện nay với sáu mươi triệu người ở nông thôn chúng ta không đủ gạo ăn (ta có xuất cảng gạo nhưng bù lại một tỷ lệ quan trọng dân chúng lại thiếu đói), nếu chỉ có năm triệu người tại nông thôn thôi ta sẽ có năng suất cao, sản xuất dư gạo cho một trăm triệu người và còn có thể dư thừa đề xuất khẩu.

Một thí dụ thứ hai về sự thiếu ý thức địa lý có thể tìm thấy trong nhiều dự đoán dài hạn. Mọi người hình như đều lo âu về sự nghèo khó tại miền Trung. Đó là một lo âu chính đáng, nhưng là một vấn đề tương đối ngắn hạn. Trong cuộc chuyển hóa bắt buộc ta từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp và dịch vụ, với hai ngành phụ là nông nghiệp và ngư nghiệp, bản đồ kinh tế của ta sẽ dần dần thay đổi, và trong vài thập niên nữa sẽ thay đổi hẳn (với điều kiện là nước ta vẫn còn tồn tại, một điều không hoàn toàn chắc chắn, trái với sự yên tâm chắc nịch của đại đa số người Việt!). Các tỉnh miền Trung nhờ bờ biển sẽ là những vùng phát triển mạnh nhất, trong khi vùng đồng bằng sông Hồng và miền Tây Nam Phần, nghĩa là những vùng nông nghiệp còn lại, sẽ tụt hậu vì giới hạn tự nhiên của nghề nông và vì tình trạng đất hẹp người đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét