Đinh Ngọc Thu / Vương Sinh

Bí Ấn Về Cuộc Đời Của Lý Chiêu Hoàng

Nghi Vấn Sử
Lý Chiêu Hoàng, vị nữ vương nhỏ tuổi và là vị vua cuối cùng của triều Lý, được nhiều
người biết đến vì bà là vị vua chuyển tiếp giữa hai triều đại: từ triều Lý sang triều Trần. Thế
nhưng có nhiều điều bí ẩn xung quanh cuộc đời của vị nữ vương này mà chúng ta chưa

được biết, nhất là quãng đời của bà sau khi bị truất phế ngôi vị hoàng hậu và trở thành công
chúa. Có phải bà vẫn tiếp tục sống ở trong cung, sau đó được người chồng cũ của mình là
vua Trần Thái Tông gả cho vị tướng của ông là Lê Phụ Trần rồi sinh con đẻ cái và có một
cuộc sống hạnh phúc như chính sử đã ghi?




Lý Chiêu Hoàng là ai?

Lý Chiêu Hoàng có tên huý là Lý Phật Kim (1), trước khi lên làm vua bà được phong làm
công chúa Chiêu Thánh. Bà sinh ngày 4 tháng 9 năm 1218, là con gái thứ hai của vua Lý
Huệ Tông (2) và Kiến Vũ hoàng hậu Trần Thị Dung (3). Bà có hai chị em, chị lớn là công
chúa Thuận Thiên được gả cho Trần Liễu (4).

Khi Lý Phật Kim vừa được sinh ra thì vua Lý Huệ Tông bị bệnh. Suốt mấy năm liền bệnh tình
của ông chẳng những không khỏi mà ngày càng trở nên trầm trọng và vì vua không có con
trai nối dõi nên triều đình bàn cách lập Chiêu Thánh làm thái tử (5). Đến tháng 10 năm
1224, vua Lý Huệ Tông xuống chiếu nhường ngôi cho Chiêu Thánh. Lý Huệ Tông lên làm
thái thượng hoàng, sau đó ông bị ép đi tu ở chùa Chân Giáo (6), lấy pháp danh là Huệ
Quang đại sư.



Vị vua cuối cùng của triều Lý

Công chúa Chiêu Thánh lên ngôi vua, lấy miếu hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Lúc này quyền hành
trong tay Trần Thủ Độ (7), hiện đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ (8). Trần Thủ Độ đã
cùng với Trần Thị Dung sắp xếp cho cháu mình là Trần Cảnh (9) vào cung hầu hạ và chơi
với vua. Rồi sau đó cũng nhờ sự sắp xếp của hai người này mà Trần Cảnh và Lý Chiêu
Hoàng nên vợ nên chồng ở lứa tuổi “thiếu nhi”.

Tháng 10 năm 1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.
Cũng tháng 12 năm đó, tại điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng khi đó mới 7 tuổi đã trút bỏ long
bào và mời Trần Cảnh lên ngôi, tức là vua Trần Thái Tông. Từ ngôi nữ vương, Lý Chiêu
Hoàng bước xuống trở thành hoàng hậu Chiêu Thánh.



Nhà thơ Tản Đà có làm bài thơ về Lý Chiêu Hoàng lấy chồng như sau:



Quả núi Tiêu Sơn (10) có nhớ công?
Mà em bán nước để mua chồng? (11)
Ấy ai khôn khéo trò gian díu?
Cái nợ huê tình có biết không?
Một gốc mận già (12) thôi cũng phải.
Hai trăm năm lẻ (13) thế là xong.
Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo (14)
Đám cưới nhà ai mũ áo đông



Hoàng hậu bất hạnh

Sau khi nhường ngôi cho chồng, hoàng hậu Chiêu Thánh có những năm tháng sống hạnh
phúc bên người chồng của mình. Đến năm 1233, Chiêu Thánh được 15 tuổi đã hạ sinh một
con trai và được phong ngay làm thái tử, đặt tên là Trần Thịnh. Không may, thái tử Trần
Thịnh ra đời chưa được bao nhiêu ngày thì mất. Liên tiếp mấy năm liền, hoàng hậu vẫn
không có con. Vì lo cho hậu vận của nhà Trần nên năm 1237, Trần Thủ Độ bàn với Trần Thị
Dung ép vua Trần Thái Tông giáng hoàng hậu Chiêu Thánh xuống làm công chúa và lập
công chúa Thuận Thiên đang là vợ của Trần Liễu và có mang ba tháng về làm vợ vua (15).
Công chúa Thuận Thiên trở thành hoàng hậu Thuận Thiên và người em là hoàng hậu Chiêu
Thánh bị giáng xuống làm công chúa, khi ấy mới 19 tuối.



Làm vợ Lê Phụ Trần

Theo chính sử ghi lại, sau khi bị giáng xuống làm công chúa, bà Chiêu Thánh vẫn tiếp tục
sống lặng lẽ trong cung cho đến năm 1258 thì bà được vua Trần Thái Tông gả cho tướng
Lê Phụ Trần (16), người đã có công cứu vua trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ
lần thứ nhất. Một năm sau bà sinh được một con trai và đứa con này được ban tước
Thượng Vị hầu Tông (17), những năm kế tiếp bà sinh thêm một đứa con gái, được phong
làm Ứng Thuỵ công chúa Khuê (18). Bà sống hạnh phúc với Lê Phụ Trần được 20 năm, đến
năm1278 thì bà mất.



Nghi vấn về quãng đời sau này của nàng công chúa bất hạnh

Có nhiều nghi vấn về cuộc đời của công chúa Chiêu Thánh sau khi bị truất ngôi hoàng hậu
và bị giáng xuống làm công chúa. Thật sự bà Chiêu Thánh có sống trong cung thêm 21
năm, đến khi bà được 40 tuổi thì được gả cho Lê Phụ Trần hay không? Có phải bà đã có với
Lê Phụ Trần 2 đứa con như chính sử đã ghi lại?

Như sử sách đã ghi, công chúa Chiêu Thánh có hai con với Lê Phụ Trần khi đã ngoài 40
tuổi, ở lứa tuổi này một người phụ nữ bình thường vào thời điểm hiện tại cho dù muốn có
con cũng không phải dễ, huống hồ chi chuyện đó xảy ra đối với một người phụ nữ vào cái
mốc thời gian cách nay gần 750 năm. Khó có thể tin được rằng Thượng Vị hầu Tông và
Ứng Thuỵ công chúa Khuê là con của công chúa Chiêu Thánh.

Thêm một điểm nghi vấn nữa, sử sách đã ghi lại rằng khi bà Chiêu Thánh mất ngày 23
tháng 9 năm 1278, mái tóc bà vẫn đen, đôi môi vẫn đỏ và gương mặt trông vẫn còn đẹp.
Mặc dù khi mất bà đã 60 tuổi nhưng bà “Chiêu Thánh” vẫn còn trẻ đẹp như một thiếu nữ.
Như vậy, bà “Chiêu Thánh” này có phải là công chúa Chiêu Thánh người đã từng làm vợ
vua Trần Thái Tông và là con vua Lý Huệ Tông với bà Trần Thị Dung khi xưa hay không?

Sự thật như thế nào?

Theo những nguồn tin có được từ các gia phả hoàng tộc họ Trần ghi lại, sau khi Chiêu
Thánh bị giáng xuống làm công chúa, vì quá uất ức nên bà đã rời khỏi kinh thành mà không
cho ai biết. Sau đó bà đi tu, lấy pháp danh Vô Huyền (19) và sống cuộc sống “mai danh ẩn
tích”.
Thời gian đầu, Trần Thủ Độ cho người đi tìm Chiêu Thánh nhiều lần nhưng không gặp. Trần
Thủ Độ lo sợ bà vẫn còn hận ông với nhà Trần mà đứng ra tập hợp những người trong tôn
thất nhà Lý rồi âm thầm kéo quân về triều đình “làm loạn”, đòi lại ngôi vua cho nhà Lý. Vì
vậy, Trần Thủ Độ đã cho một cung nữ có gương mặt giống bà, giả làm công chúa Chiêu
Thánh rồi loan tin rằng công chúa Chiêu Thánh vẫn đang sống ở trong cung.

Trần Thủ Độ dự tính, nếu công chúa Chiêu Thánh thật có cùng với tôn thất nhà Lý đưa
quân về để giành lại ngôi vua thì ông sẽ cho triều đình và quần thần biết đó là “Chiêu Thánh
giả” vì công chúa “Chiêu Thánh thật” vẫn còn sống ở trong cung. Có nghĩa là dưới mắt mọi
người thì “Chiêu Thánh giả” đã biến thành “Chiêu Thánh thật” và “Chiêu Thánh thật” lại là
“Chiêu Thánh giả”. Đây là cái kế mà Trần Thủ Độ đã dùng để giữ ngôi vua cho nhà Trần.



Hai đứa con của Lê Phụ Trần với công chúa Chiêu Thánh như chính sử đã ghi, cũng không
phải là con của bà Chiêu Thánh thật, mà là con của Lê Phụ Trần với nàng cung nữ giả làm
công chúa Chiêu Thánh. Vì vậy cho nên ngoài 40 tuổi mà “công chúa Chiêu Thánh” vẫn còn
đẻ được hai con, một gái một trai. Cũng vì lý do đó mà khi mất ở cái tuổi 60 nhưng “công
chúa Chiêu Thánh” vẫn còn đẹp như một thiếu nữ với mái tóc đen huyền, đôi môi vẫn còn
đỏ như sử sách ghi lại.

Đinh Ngọc Thu

18-09-2008

Ghi chú:

Tài liệu tham khảo:

– “Anh Hùng Đông A Dựng Cờ Bình Mông” của Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sĩ.

– “Bão Táp Cung Đình” của Hoàng Quốc Hải, Tân Mùi 1991.

– Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển IV và V: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên
soạn năm 1272 – 1697, do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992).

– Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – chính biên, quyển V và quyển VI, Quốc
Sử Triều Nguyễn, biên soạn năm 1856-1881 và do Viện Sử Học dịch năm1957-1960.

– Việt Nam Sử Lược, phần IV: tác giả Trần Trọng Kim. Bản dịch điện tử tại đây: http:
//www.iet.ntnu.no/~duong/vn/vnsl/vnsl04.html
– Ngoài các nguồn tài liệu kể trên, các nguồn tài liệu khác còn được sử dụng như: các
bài tranh luận ở các diễn đàn lịch sử, các các tài liệu nghiên cứu về Phật giáo và các gia
phả Trần tộc.

(1) Lý Phật Kim: còn có một tên khác nữa là Thiên Hinh.

(2) Lý Huệ Tông: tên thật là Lý Hạo Sảm, hay Lý Long Sảm. Ông là vị vua thứ 8 thời nhà
Lý. Lý Huệ Tông là con vua Lý Cao Tông và bà hoàng hậu Đàm Thị.

(3) Trần Thị Dung: là con gái ông Trần Lý, bà là em ruột Trần Thừa và Trần Tự Khánh.
Bà còn là chị em chú bác với Trần Thủ Độ và là cô ruột và cũng là mẹ vợ của vua Trần Thái
Tông. Khi còn là vợ vua Lý Huệ Tông bà được phong làm Kiến Vũ hoàng hậu. Đến khi Lý
Huệ Tông bị ép đi tu, bà bị giáng xuống làm công chúa Thiên Cực, sau được gả cho Trần
Thủ Độ. Bà có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất (1257-
1258) và được vua Trần Thái Tông phong là Linh Từ Quốc Mẫu.

(4) Trần Liễu: (1211-1251) là cha của Đức Trần Hưng Đạo. Vợ chính của ông là công
chúa Thuận Thiên, sau bà bị ép về làm vợ vua Trần Thái Tông.

(5) Mặc dù công chúa Thuận Thiên là chị nhưng lúc đó đã đi lấy chồng là Trần Liễu,
nên triều đình (đúng ra đây là ý của Trần Thủ Độ với Trần Thị Dung) bàn với vua Lý Huệ
Tông lập công chúa Chiêu Thánh làm thái tử.

(6) Lúc đầu Lý Huệ Tông đi tu ở chùa Bút Tháp, sau mới chuyển đến chùa Chân Giáo
và bị ép treo cổ tự tử tại chùa này năm 1226, thọ 32 tuổi.

(7) Trần Thủ Độ: là con của Trần Thủ Huy với công chúa Lý Đoan Nghi. Công chúa Lý
Đoan Nghi là con của vua Lý Anh Tông với bà thần phi Bùi Chiêu Dương, nên Trần Thủ Độ
là cháu ngoại vua Lý Anh Tông. Vua Lý Huệ Tông là cháu nội vua Lý Anh Tông.

(8) Điện tiền chỉ huy sứ: chức quan võ chỉ huy các đội quân cấm vệ và các đội quân
trực thuộc triều đình cùng các sắc lính bảo vệ nhà vua và kinh thành. Một người giữ chức vụ
này có thể lật đổ triều đình. Vua Lý Thái Tổ trước khi lên làm vua cũng đã giữ chức Tả thân
Điện tiền chỉ huy sứ trong triều Lê. Dưới thời Tiền Lê có 2 chức: Tả thân Điện tiền chỉ huy
sứ và Hữu thân Điện tiền chỉ huy sứ.

(9) Trần Cảnh: tức vua Trần Thái Tông, ông là con thứ của Trần Thừa. Trần Cảnh là
em của Trần Liễu và anh của Trần Nhật Hiệu và Trần Di Ái.

(10) Tiêu Sơn: là tên của một ngôi chùa và cũng là tên của một ngọn núi thuộc châu Cổ
Pháp thời Lý. Tiêu Sơn là nơi có ngôi mộ thân sinh ra vua Lý Thái Tổ, người xưa tin rằng
nhờ ngôi mộ kết phát mà họ Lý làm vua được 216 năm, từ năm 1009-1225. Vì thế người ta
thường gọi triều Lý là triều Tiêu Sơn. Bây giờ núi Tiêu Sơn thuộc xã Tiêu Sơn, huyện Yên
Phong, tỉnh Bắc Ninh.

(11) “Mà em bán nước để mua chồng”: câu thơ này, thi sĩ Tản Đà muốn nhắc lại chuyện
Lý Chiêu Hoàng nghịch ngợm tát nước vào mặt Trần Cảnh khi Trần Cảnh đem nước hầu
Chiêu Hoàng rửa mặt, để rồi sau này hai người thành vợ thành chồng. “Bán nước để mua
chồng” còn có nghĩa nữa là cuộc mua bán, đổi chác, Chiêu Hoàng đem ngôi vua của mình ra
để đổi lấy chồng, có chồng để bị mất ngôi vua.

(12) Gốc mận già: mận có nghĩa là lý, gốc mận già ý nói triều Lý đã hết.

(13) Hai trăm năm lẻ: ý nói triều Lý làm vua được hơn 200 năm. Triều Lý làm vua tổng
cộng là 216 năm từ 1009-1225.

(14) Sư cụ chùa Chân Giáo: chỉ vua Lý Huệ Tông, sau khi nhường ngôi cho Lý Chiêu
Hoàng, ông đi tu ở chùa Chân Giáo, lấy pháp danh là Huệ Quang đại sư.

(15) Đứa con mà bà Thuận Thiên đang mang thai lúc đó chính là Tĩnh Quốc vương
Trần Quốc Khang sau này. Về danh nghĩa, Trần Quốc Khang là con trai trưởng của vua
Trần Thái Tông nhưng thật ra ông là con của Trần Liễu với công chúa Thuận Thiên. Trần
Liễu và công chúa Thuận Thiên đã có với nhau một đứa con là Vũ Thành vương Trần Quốc
Doãn trước khi bà Thuận Thiên mang thai ba tháng về làm vợ vua Trần Thái Tông.
(16) Lê Phụ Trần: còn có tên là Lê Tần. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống
quân Mông Cổ lần thứ nhất năm 1257-1258 và có công cứu vua Trần Thái Tông bằng cách
lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc, nên được vua gả công chúa Chiêu Thánh
và được đổi tên thành Lê Phụ Trần, có nghĩa là phụ giúp nhà Trần.

(17) Có hai nguồn tin về Thượng Vị hầu Tông: 1. Ông là Lê Phụng Hiến, làm quan dưới
thời vua Trần Anh Tông, 2. Cũng có nguồn tin cho rằng Thượng Vị hầu Tông là Bảo Nghĩa
vương Trần Bình Trọng. Mặc dù Trần Bình Trọng họ gốc là Lê (dòng dõi Lê Đại Hành) và
cũng được sinh vào năm 1259 nhưng vẫn chưa tìm được tài liệu đáng tin cậy để có thể nói
hai người này là một.

(18) Có nguồn tin cho rằng Ứng Thuỵ công chúa Khuê là bà Lê Ngọc Khuê, vợ của
Trạng nguyên Trần Cố.

(19) Vô Huyền: theo gia phả của hậu duệ Trần Quốc Toản mà GS Trần Đại Sĩ tìm được
ở bên Trung Quốc thì Trần Quốc Toản là đệ tử của sư Vô Huyền, tức công chúa Chiêu
Thánh. Trong gia phả có thuật lại rõ về chuyện bà Chiêu Thánh đi tu chứ không phải còn
sống trong cung như chính sử đã ghi. Không biết năm mất chính xác của bà, chỉ biết bà
“Chiêu Thánh giả” mất năm 1278.



Vịnh Lý Chiêu Hoàng

Tạt nước đùa vui, tưởng giỡn chơi
Ai ngờ duyên nợ bụộc nhau rồi!
Thâm cung réo rắt lời ong bướm
Bí sử ngậm ngùi tiếng tiếng lệ rơi
Tác hợp, thân vàng trao thế tộc
Chia lìa, phận bạc gửi bề tôi
Lý triều rực rỡ bao năm đó
Tan nát vì ...Tình, Chiêu Thánh ôi!

Vương Sinh





Chúng tôi cho đăng tải những bài biên khảo của các tác giả nơi đây trong một tinh thần hết
sức thận trọng. Mọi ý kiến, thảo luận nếu có về bài viết, kính mong quí vị thức giả gửi về
email: webmasterhungsuviet@yahoo.com.

Như thường lệ, những ý kiến của tác giả không hẳn là ý kiến và chủ trương của Ban Biên
Tập Trang website Hùng Sử Việt

Song Thuận
Trích dịch, đăng lại, xin vui lòng ghi xuất xứ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét