Dân tộc Tày

Dân tộc Tày

Tên gọi khác
Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí

Nhóm ngôn ngữ
Tày - Thái

Dân số
1.200.000 người.

Cư trú
Sống ven các thung lũng, triền núi thấp ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Quảng Ninh và một số vùng thuộc Hà Bắc.

Đặc điểm kinh tế
Người Tày có một nền nông nghiệp cổ truyền khá phát triển với đủ loại cây trồng như lúa, ngô, khoai... và rau quả mùa nào thức đó.

Tổ chức cộng đồng
Bản của người Tày thường ở chân núi hay ven suối. Tên bản thường gọi theo tên đồi núi, đồng ruộng, khúc sông. Mỗi bản có từ 15 đến 20 nóc nhà. Bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ.

Hôn nhân gia đình
Gia đình người Tày thường quí con trai hơn và có qui định rõ ràng trong quan hệ giữa các thành viên trong nhà. Vợ chồng yêu thương nhau, ít ly hôn. Đã từ lâu không còn tục ở rể.
Văn hóa
Người Tày có một nền văn nghệ cổ truyền phong phú, đủ các thể loại thơ, ca, múa nhạc... Tục ngữ, ca dao chiếm một khối lượng đáng kể. Các điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn, hát đám cưới, ru con.

Người Tày mến khách, cởi mở, dễ làm quen và thích nói chuyện. Họ rất trọng người cùng tuổi, khi đã kết nghĩa bạn bè thì coi nhau như anh em ruột thịt, bà con thân thích của mình.

Nhà cửa
Nhà ở có nhà sàn, nhà đất và một số vùng giáp biên giới có loại nhà phòng thủ. Trong nhà phân biệt phòng nam ở ngoài, nữ ở trong buồng.

Trang phục
Có đặc trưng riêng về phong cách thẩm mỹ. Người Tày thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm.

Trang phục nam
Y phục của nam giới Tày gồm loại áo cách 4 thân (slửa cỏm), áo dài 5 thân, khăn đội đầu, quần và giày vải. Áo cánh 4 thân là loại xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải (7 cái) và hai túi nhỏ phía dưới 2 thân trước. Trong dịp tết, lễ, hội nam giới mặc thêm loại áo dài 5 thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hay cúc đồng. Quần (khóa) cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiễu quần đũng chéo, độ choãng vừa phải dài tới mắt cá chân. Quần có cạp rộng không luồn rút, khi mặc có dây buộc ngoài. Khăn đội đầu màu chàm (30cm x 200cm) Quấn trên đầu theo lối chữ nhân.

Trang phục nữ
Y phục của nữ thường gồm áo cánh, áo dài năm thân, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Aáo cánh là loại 4 thân xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi nhỏ phía dưới hai vạt trước, thường được cắt may bằng vải chàm hoặc trắng. Khi đi hội trường được mặt lót phía trong áo dài. Vì vậy người Tày còn được gọi là cần slửa khao (người áo trắng) để phân biệt với người Nùng chỉ dùng màu chàm. Aáo dài cũng là loại 5 thân, xẻ nách phải cài cúc vải hoặc đồng, cổ tròn ống tay và thân hẹp có eo. Trước đây phụ nữ mặc váy, nhưng gần đây phổ biến mặc quần; đó là loại quần về nguyên tắc cắt may giống nam giới kích thước có phần hẹp hơn. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu 'mỏ quạ' của người Kinh. Nón của phụ nữ Tày khá độc đáo. Nón bằng nan tre lợp lá có mái nón bàng và rộng. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích... Có nơi còn đeo túi vải.

Cái độc đáo đáng quan tâm của trang phục Tày là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ cũng như lối mặc áo lót trắng bên trong áo ngoài màu chàm. Cái lưu ý không phải là lối tạo dáng mà là phong cách mỹ thuật như đã nói trên. Nhiều tộc người cũng dùng màu chàm nhưng còn gia công trang trí các màu khác trên trang phục, ở người Tày hầu như các màu ngũ sắc được dùng trong hoa văn mặt chăn hay các tấm thổ cẩm. Riêng nhóm Pa dí (Lào Cai) có phong cách tạo dáng và trang trí khá độc đáo ở lối đội khăn và y phục.
Trời và đất trong tín ngưỡng của người Tày, Nùng
Hai dân tộc Tày và Nùng ở Lạng Sơn quan niệm rằng: phong tục và tín ngưỡng của dân tộc mình như hệ giá trị và chuẩn mựa xã hội. Trong cuộc sống, người Tày và người Nùng nhận thức và hành động theo tình cảm và theo phong tục truyền thống của dân tộc họ. Các phong tục được biểu hiện thường xuyên trong đời sống văn hóa - xã hội, trong tín ngưỡng, trong nghệ thuật, lễ hội truyền thống. Ngoài ra, phong tục và tín ngưỡng còn được thể hiện lên những bộ tranh đều mô tả những hoạt động diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Đó chính là cách ứng xử của từng cá nhân, hoặc cộng đồng đối với thiên nhiên và xã hội. Điều đó được coi là sự hiểu biết, là trí khôn và những đúc kết kinh nghiệm trong quá trình hình thành đời sống của con người.

Những nghi lễ, phong tục truyền thống có ảnh hưởng sâu sắc tới tín ngưỡng của hai dân tộc Tày và nùng. Cũng như những dân tộc khác ở Lạng Sơn, họ cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo, nhưng ở mức độ đậm nhạt khác nhau. Người Tày và người Nùng tin là có rất nhiều thứ thần thánh và ma quỷ, được gọi chung là phi. Phi có trên trời, mặt đất và âm phủ. Thí dụ:

─ Phi phạ ở trên trời.
─ Phi đông ở trong rừng.
─ Phi pấu pú chính là tổ tiên.

Mới đầu là sự sợ sệt, sùng bái cái sức mạnh mơ hồ trong vũ trụ, sau đó họ tiến đến sùng bái cả trời đất, cây cỏ, núi sông, rồi sùng bái cả loài vật. Khi đó con người chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa thần thánh và con người. Họ đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, sự mênh mông chứa đầy bí hiểm và sức mạnh, như mặt trời, mặt trăng, những vì tinh tú như sao kim, sao hỏa, sao mộc, sao thủy, sao thổ, hoặc sấm sét, mưa bão, v.v... Đã bao phen làm cho con người sợ hãi. Từ đó, nhiều câu hỏi "tại sao" được đặt ra và không tài nào giải thích nổi. Cuối cùng, câu giải đáp đối với những hiện tượng mạnh mẽ vô cùng ấy của tự nhiên đối với họ là sức mạnh của thánh và thần, ma và quỷ.

Tất cả thành, thần, ma, quỷ đó được chia làm hai loại: lành và dữ. Làng là Ngọc Hoàng thượng đế, Phật Bà Quan âm, Thần Nông, Bụt Luông, Mé Hoa (mẹ BJoóc), Tổ tiên, Thần mụ, Thần Bếp, Thần Bản... Tất cả những vị thần đó thường được thờ những nơi trang nghiêm, công cộng như: bàn thờ, đền, chùa, miếu... để bảo vệ người, gia súc, mùa màng, sẵn sàng giúp con người trừ diệt các loại tà ma, quỷ quái. Các vị thường ban phúc lành cho con người, trừng phạt ai đó làm điều ác, gian, tham.

Thần dữ như: ma rừng, sấm, sét, thuồng luồng, yêu tinh, quỷ dữ... chuyên hại người và hại mùa màng. Trong các làng bản dân tộc Tày và Nùng thường thờ các vị thần linh như: thổ công, thổ địa, thành hoàng, thờ Phật Bà Quan âm, thờ Thần Nông, Thần Mưa, Thần Gió, v.v. Trong gia đình, ngoài việc thờ tổ tiên, họ còn thờ các vị Phật, Thánh khác như: Ngọc Hoàng thượng đế, Phật Bà Quan âm (thường đặt trên bán thờ tổ tiên). Thờ ngũ hổ (thường đặt dưới bàn thờ tổ tiên). Sở dĩ ban thờ được đặt chồng nhau ba bốn tầng như vậy là theo quan niệm: ban thờ là nơi tượng trưng cho tổ tiên, xã hội, vũ trụ, trời và đất. Do đậy, ban thờ thường để ở gian giữa - là nơi trang nghiêm nhất để nhìn ra cửa chính. Riêng ở Chi Lăng, Bắc Sơn (Lạng Sơn) ban thờ để ở gian đầu hồi. Khách lạ và nữ giới cần tránh nơi linh thiêng ấy. Ban thờ không chỉ do gia chủ đặt, mà phần lớn các thầy mo, then được mời đến cúng lễ nhà mới, cầu phúc, cầu an, chọn ngày, chọn giờ để đặt ban thờ và bát hương. Những việc này, người Tày và người Nùng gọi là "An phi".

Hai dân tộc Tày và Nùng ở Lạng Sơn, cũng như các lệ mang sắc thái văn hóa tín ngưỡng cũng là điều dễ hiểu. Ngay từ thuở sơ khai cho tới ngày nay, người ta đã coi núi sông, đất đá, những vì tinh tú, mặt trăng, mặt trời, cây cỏ đều mang tính thiêng liêng, có linh hồn trong đó. Đứng trước sự vận hành của vũ trụ, họ nhận thấy con người thật bé nhỏ trước thiên nhiên bao la, do vậy mà họ coi "vạn vật hữu linh". Vì thế, họ thường mượn những câu chuyện huyền thoại và những lễ thức trong các lễ hội truyền thống để biểu thị tín ngưỡng và tôn giáo, về đời sống văn hóa - xã hội của họ, dân tộc mình. Hơn nữa, họ coi đồ vật cũng có linh hồn, có thần linh ẩn nấp bên trong, do đó đã có vô số đồ vật được thờ phụng. Điều đó coi như những lý giải đơn giản về cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội. Nó giúp con người (ít nhất về tư tưởng và tâm lý) hoàn thiện bản thân, thúc đẩy đời sống đi lên. Nói cho cùng tất cả những điều đó đều hướng tới sự khuyến thiện, trừ ác trong thiên nhiên, trong xã hội, mà con người là nhân tố tích cực tham gia quá trình cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính mình.

1 nhận xét:

  1. Ngày nay với sự phát triển làm ăn trong kinh tế, sự tín ngưỡng và thờ phụng các phật đã được mọi người dân luôn chăm lo và nghĩ tới, nhiều nơi hẻo lánh, nơi thường xảy ra tan nạn, ... được người dân dựng lên những am thờ, miếu với mục đích cầu mong sự bình an che chở của các thần linh am thờ

    Trả lờiXóa