Cùng một hiện tượng
Điều ngạc nhiên và lý thể là dưới nhưng bề ngoài có vẻ rất khác nhau cùng một hiện tượng đã được lặp lại.
Hiện tượng diễn ra như sau: một cộng đồng quốc gia vào một lúc nào đó, do một tình cờ địa lý hay lịch sử, rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt, quyền lực khống chế không
quan tâm tới họ và để mặc họ sống với nhau. Một tổ chức xã hội mới đã dần dần hình thành với bốn đặc tính: một là vì không có chọn lựa nào khác họ đã tổ chức với nhau một chính quyền tối thiểu, thậm chí không chính thức, và sinh sống với nhau theo qui luật tự nhiên của thị trường; hai là do không thể có tham vọng quyền lực, mọi người tập trung cố gắng làm giàu; ba là do chính quyền không can thiệp vào đời sống hàng ngày, người dân được hưởng một mức độ tự do lớn, do đó phát huy tối đa sáng kiến; bốn là thương mại được ưa chuộng và tôn vinh. Yếu tố thứ tư thực ra chỉ là một hậu quả của yếu tố thứ hai và nhất là thứ ba. Đã chủ tâm làm giàu và lại được tự do phát huy sáng kiến thì chắc chắn con người trở thành mạo hiểm, thích trao đổi và buôn bán. Chính quyền nhẹ, tự do và dân chủ, kinh tế thị trường, ham mê làm giàu, trọng thương mại và cởi mở với thế giới bên ngoài là những yếu tố đem tới sự giàu có. Những yếu tố đó là nguyên nhân thực sự của phát triển, cho dù chúng xuất phát trong hoàn cảnh nào. Chúng ta có thể coi đó là một định luật đúng trong mọi trường họp. Ngay cả các thị trấn thương mại đã phát triển sớm nhất cũng không phải là ngoại lệ. Kiến thức của tôi rất nhiều giới hạn, nhưng nhưng kinh nghiệm phát triển mà tôi có dịp nghiên cứu, và tôi có cảm tưởng không bỏ sót trường hợp quan trọng nào, cho tôi một nhận xét là trong chiều sâu mọi phát triển trên phạm vi quốc gia đều có cùng một nguyên nhân, dù bề ngoài chúng có thể bộc lộ dưới một lý do đặc biệt: tôn giáo, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, v.v... Điều đáng lưu ý là thực ra nhiều chế độ độc tài hoặc thiếu dân chủ cũng đã nhận ra điều này. Đó là lý do khiến họ cho phép lập ra những khu chế xuất, vùng kinh tế đặc biệt, v.v... mà đặc tính là ở đó tự do được thả lỏng, các thủ tục được giảm nhẹ, sự hiện diện của chính quyền bớt lộ liễu. Các vùng này đều đã thành công và khiến nhiều kinh tế gia coi chúng như một giải pháp. Nhưng đây chỉ là một biện pháp nửa chừng. Nếu các khu chế xuất có lợi, tại sao không mở rộng cho cả nước?Nét đậm nhất cần ghi nhớ sau những dòng này là, một mặt, xã hội tự do dân chủ kích thích cố gắng và cho phép con người phát huy tối đa khả năng của mình, và mặt khác, tự do dân chủ không đòi hỏi một điều kiện nào, nó phù hợp với mọi xã hội và mọi trình độ. Các dân tộc vươn lên đầu tiên đã tình cờ đạt tới tự do và dân chủ trong trường hợp đặc biệt. Ngày nay, đã hiểu được phúc lợi của tự do và dân chủ, chúng ta có thể cố ý tạo dựng tự do và dân chủ để vươn lên.
Kết luận trên đây có phải là hiển nhiên quá đến độ nhạt nhẽo không? Nếu được như vậy thì còn gì hơn, nhưng điều đáng buồn là không. Tôi đã quá nhiều lần được nghe từ miệng nhưng vị khoa bảng cao, kể cả những vị tự coi và được coi là những chuyên viên kinh tế, kể cả một số người hoạt động chính trị dưới danh nghĩa dân chủ, nói tới một trình độ dân trí tối thiểu để có dân chủ, hay tự do quá trớn, dân chủ quá trớn, hay dân chủ tự do có nguy cơ dẫn tới vô trật tự và hỗn loạn v.v... Những lúc đó tôi chua chát nhớ tới lời nói của một ông thầy tôi: Có bằng cấp chưa phải là có kiến thức và thực học.
Trước khi chấm dứt bài này, tôi thấy cần thêm hai chú thích. Một là, những dòng trên có thể khiến độc giả nghĩ tôi phản bác Max Weber. Sự thực là không, Weber là một trong những nhà lý luận về kinh tế và xã hội mà tôi ngưỡng mộ nhất. Những đóng góp của ông thật là to lớn. Nếu nhìn mặt trăng thay vì chỉ nhìn ngón tay chỉ mặt trăng thì ta thấy Weber nói đúng. Đạo Tin Lành chỉ là ngón tay mà thôi, điều mà Weber thực sự khám phá ra cho chúng ta là tầm quan trọng quyết định của văn hóa. Chính vì thế mà các quốc gia tự do dân chủ như nhau đã có những nhịp độ phát triển khác nhau vì văn hóa khác nhau. Phát triển, kể cả phát triển kinh tế, chủ yếu là do tâm lý con người, mà tâm lý con người là sản phẩm của văn hóa. ở thời đại mà Weber nghiên cứu, thời đại của các thế kỷ 16, 17 và 18, tôn giáo là yếu tố áp đảo của văn hóa. Văn hóa Tin Lành cởi mở, phóng khoảng, lấy đối thoại làm căn bản thay cho giáo điều, khuôn phép. Đó là một văn hóa tự do. Đạo Tin Lành đã đem lại phồn vinh (không ai có thể chối cãi là các dân tộc theo đạo Tin Lành tiến bộ hơn hẳn các dân tộc theo các tôn giáo khác) vì nó chuyên chở văn hóa tự do và đối thoại. Nhưng chúng ta cũng có thể đạt tới một văn hóa tự do, lấy chính tự do, dân chủ và đa nguyên làm những giá trị căn bản, mà không cần cỗ xe Tin Lành. Hai là, nhưng biện luận trên đây có một chỗ yếu là đã gán ghép tự do và dân chủ, trong khi các kinh nghiệm chỉ chứng tỏ tự do đã đóng vai trò quyết định. Các nước phát triển đầu tiên đã bắt đầu phát triển ngay từ khi chưa hẳn có dân chủ, nếu hiểu dân chủ là thể chế chính trị trong đó những người cầm quyền được dân chúng tự do bầu ra trong một nhiệm kỳ giới hạn nhất định. Trong một phần khác tôi sẽ trở lại vai trò của dân chủ. ở đây chỉ xin nói một cách vắn tắt: quả thực tự do mới cần thiết và mới là cứu cánh, nhưng dân chủ là yếu tố cần thiết để đảm bảo tự do, để đà phát triển có thể tiếp tục thay vì bị gãy đổ giữa đường.
Những thí dụ phản bác ?
Tự do, dân chủ đi trước và tạo ra phát triển kinh tế chưa phải là một niềm tin phổ cập. Cho tới nay vẫn có một số khá đông người cho rằng phát triển kinh tế tạo ra dân chủ, với hệ luận là các dân tộc đang chịu ách độc tài hãy cứ tạm gác những đòi hỏi về tự do dân chủ để tập trung cố gắng phát triển kinh tế, sau đó chính phát triển kinh tế sẽ mang lại tự do dân chủ. Đây là một lý luận rất tiện nghi cho các chế độ độc tài như Việt nam; không có gì ngạc nhiên nếu họ sử dụng nó. Điều đáng tiếc là nhiều người khao khát tự do dân chủ cũng hoài nghi và không thể phản bác luận điệu kinh tế đi trước chính trị một cách thực dứt khoát.
Những phân vân về tương quan giữa dân chủ và phát triển có ít nhất ba nguyên nhân.
Một là, trên thực tế phát triển kinh tế cũng thúc đẩy dân chủ và tự do vì thế mà chúng ta dễ lẫn lộn hậu quả với nguyên nhân. Hai là do chính hiệu lực nhanh chóng của tự do dân chủ: nó lập tức đưa đến tiến bộ về mặt kinh tế, do đó một số người không nhận ra cái gì trước cái gì sau. Ba là, vì nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là sự kháng cự của những người lãnh đạo không chịu từ bỏ lập tức những đặc quyền đặc lợi, dân chủ và tự do không tới toàn bộ cùng một lúc mà thường tới từng đợt một, dưới sức ép của thực tại xã hội theo từng mức độ phát triển người quan sát thiếu chăm chú khó thấy được rằng ở mỗi giai đoạn một mức độ dân chủ tự do lớn hơn đã cho phép một mức độ phát triển lớn hơn. Trong cuộc kháng cự lồng lộn để cố giữ nguyên quyền lực của họ, các chế độ độc tài dùng đủ mọi lập luận, nhiều khi dựa vào những giải thích gian trá của chính hiện tượng phát triển tại các quốc gia đang dân chủ hóa. Những kinh nghiệm thường được viện dẫn để phản bác những đòi hỏi dân chủ và nhân quyền là trường hợp của những nước được mệnh danh là các con rồng châu á như Đài Loan, Nam Hàn, Mã Lai, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Brunei, và đói khi ngay cả Hồng Kông. Các chế độ độc tài châu á, nhất là Việt nam, thường căn cứ vào đó để nói rằng có thể phát triển mà không cần dân chủ và chính phát triển kinh tế sẽ đem lại dân chủ. Sự thực như thế nào? Chúng ta lại thử làm một vòng khảo sát.
Cần loại bỏ ngay trường hợp Hồng Kông. Đó là một nhượng địa của nước Anh cho tới ngày 30-6-1997. Một toàn quyền người Anh đại diện cho nước Anh, giao toàn bộ việc quản lý đời sóng hàng ngày cho một guồng máy hành chính người Hồng Kông. Vị toàn quyền không ở đó để áp đặt một ách thống trị, vai trò của ông là đảm bảo các quyền tự do theo quan niệm của nước Anh. Trong những năm cuối cùng trước khi trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh, toàn quyền Chris Patten còn xuất hiện như một người luật sư của tự do, dân chủ và nhân quyền tại châu á. Ông bị nhiều chế độ châu á đả kích như một nhân vật giáo điều nhân quyền.
Dưới sự giám sát và bảo vệ của nước Anh, Hồng Kông là một mẫu mực thành công của khuôn mẫu dân chủ tư bản phương Tây. Hồng Kông không những không chứng minh rằng có thể phát triển mà không cần dân chủ, trái lại nó còn là bằng chứng đầu tiên tại châu á về phép mầu dân chủ tư bản.
Cũng phải loại bỏ trường hợp của Brunei trong cuộc thảo luận về tương quan giữa dân chủ và phát triển. Đúng là vương quốc nhỏ bé này không có dân chủ, chế độ của nó là một chế độ quân chủ tuyệt đối mặc dầu vậy nó vẫn có một mức sống rất cao. Những trước hết Brunei chỉ giàu chứ không phát triển. Brunei là một quốc gia giàu có lạc hậu. Hãy cứ nhìn trong những phim tài liệu những rác rưởi trôi lềnh bềnh và ngập ngụa dưới chân những làng cất trên cọc cao bên mé sông, mé biển. Brunei cũng không phải là một quốc gia mà chỉ là một giếng dầu. 260.000 dân sống trên một diện tích nhỏ xíu chưa đầy 6.000 km2, trong đó quá ba phần tư là rừng hoang. Brunei không muốn độc lập mà đã bị nước Anh bắt phải độc lập và đã tự an ủi bằng cách xây một hoàng cung tốn kém 350 triệu USD, tốn kém này nếu đem chia cho dân số thì mỗi người phải đóng góp 1500 USD. Muốn hình dung sự hoang phí này phải tưởng tượng nước Mỹ bỏ ra 350 tỷ USD để xây tòa Bạch ốc. Sự giàu có của Brunei không do con người làm ra mà đã phun từ lòng đất lên. Con người ở đây không cần làm gì cả, cũng không phải đóng một loại thuế nào, mà được chu cấp tất cả một cách dồi dào. Chắc chắn họ có thể chấp nhận bỏ qua dân chủ và tự do với giá này. Nhưng thực ra là họ cũng không mất gì cả. Họ sống quá sung túc và không cần tranh đấu đòi hỏi bất cứ gì, do đó không có ý định chống lại nhà vua, và ngược lại nhà vua cũng không cần kiểm soát họ. Nhà vua cũng không cần cấm đoán họ đi đâu vì đi đâu họ cũng không sung túc như ở chính nước họ. Cũng không có một quốc gia nào ngăn cản những du khách Brunei tới nước họ để tiêu xài. Kết quả là do sự sung túc cực kỳ người Brunei có tất cả mọi quyền tự do, trừ quyền tự do trai gái hôn nhau ngoài đường do phong tục Hồi Giáo. Brunei vẫn thiếu mở mang.
Singapore: một thị trưởng xuất sắc
Singapore cũng là một trường hợp rất hi hữu. Nó là một thành phố thương cảng hơn là một quốc gia và cũng không phải là một thành phố lớn, với một diện tích 639 km2 và một dân số chưa đầy ba triệu. Nhưng Singapore không phải là một ngoại lệ đối với qui luật tự do dân chủ tạo ra phát triển. Được thành lập từ đầu thế kỷ 19 bởi một người Anh, bắt đầu từ một làng đánh cá với khoảng một trăm người, Singapore chưa hề biết tới một tổ chức xã hội nào khác hơn là khuôn mẫu tự do dân chủ phương Tây. Singapore được hoàn toàn tự trị dưới sự giám sát của người Anh tương tự như Hồng Kông từ 1959 và trở thành một nước độc lập từ 1965. Chính quyền nằm trong tay một quốc hội xuất phát từ bầu cử tự do và quốc hội chỉ định một thủ tướng. Chắc chắn Singapore không phải là một chế độ dân chủ gương mẫu. Đảng Nhân Dân Hành Đồng, cầm quyền từ ngày độc lập, đã sử dụng những biện pháp không mấy lương thiện để tiếp tục nắm chính quyền, chẳng hạn như trợ cấp cho những khu nào bầu cho đảng cầm quyền. Nhưng các đảng đối lập không bị cấm, người đối lập không bị bỏ tù, báo chí không là độc quyền của nhà nước. Đảng cầm quyền dùng các biện pháp bất chính để thắng cử nhưng không cấm đối lập ứng cử và không gian lận kết quả các cuộc bầu cử. Singapore cũng là một nước có luật lệ khá khe khắt, nhưng với một diện tích quá nhỏ và một mật độ dân số 5.000 người trên một cây số vuông, đó có lẽ là cái giá phải trả để giữ gìn trật tự an ninh. Vả lại luật pháp tuy khe khắt nhưng lại được áp dụng một cách đứng đán cho tất cả mọi người. Và dẫu sao nhu cầu dân chủ cũng không đặt ra cho một thành phố nhỏ như Singapore một cách gay gắt như đối với một quốc gia lớn. Dân chủ chủ yếu là phương thức sinh hoạt cho một nước có tầm vóc đáng kể, phải đương đầu với những chọn lựa lớn và phải cai trị một dân số đông đảo với nhưng điều kiện sinh hoạt, những ưu tư và nguyện ước khác nhau. Singapore không có nhưng vấn nạn đó. Chức năng của nó rất ro rệt vì con người ở đây không có mục đích nào khác hơn là làm giàu; điều mà họ mong muốn là được tự do sinh sống và làm ăn, và họ đã đạt được. Nhu cầu dân chủ chỉ là thứ yếu.
Trong những năm gần đây, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã có công dẫn dắt Singapore trong hơn ba mươi năm trên con đường đi tới phồn vinh, đã lên tiếng nhiều lần đề cao những giá trị châu á với một giọng điệu bài bác chung chung các giá trị của phương Tây. Vì tự do, dân chủ và nhân quyền được coi là những giá trị của phương Tây nên những phát biểu của họ Lý được hiểu là không thuận cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đã lập tức tôn ông Lý làm bậc thầy (trên thực tế họ đã mời ông làm cố vấn, để rồi có lúc bị ông mắng là không chịu cải tổ kịp thời).
Nhưng đối với Singapore, chúng ta không nên quên hai sự kiện rất cơ bản:
Một là, dù Singapore có phồn vinh đến đâu đi nữa nó cũng chỉ là một thành phố trung bình và dù ông Lý Quang Diệu có thành công đến đâu đi nữa ông cũng chỉ có kinh nghiệm của một viên thị trưởng. Ông có thể lấy kinh nghiệm của mình để làm cố vấn cho một thành phố thương cảng như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng nhưng ông không thể dạy bảo một quốc gia với những vấn đề mà ông chưa bao giờ biết tới.
Một là, dù Singapore có phồn vinh đến đâu đi nữa nó cũng chỉ là một thành phố trung bình và dù ông Lý Quang Diệu có thành công đến đâu đi nữa ông cũng chỉ có kinh nghiệm của một viên thị trưởng. Ông có thể lấy kinh nghiệm của mình để làm cố vấn cho một thành phố thương cảng như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng nhưng ông không thể dạy bảo một quốc gia với những vấn đề mà ông chưa bao giờ biết tới.
Hai là, có một cái gì rất khôi hài trong những giá trị của châu á, mà Lý Quang Diệu đề cao khi đã về hưu. Hơn tất cả mọi quốc gia và hơn cả Hồng Kông, Singapore là nước châu á bị Tây phương hóa nặng nhất. Mọi người Singapore đều thạo tiếng Anh và đa số không viết thạo tiếng Tàu. Tập tính của người Singapore là tập tính buôn bán, tôn giáo của Singapore là của cải vật chất, cái Khổng Giáo mà ông Lý đề cao chỉ là một thứ Khổng Giáo đô-la. Trong suốt cuộc đời hoạt động của ông, Lý Quang Diệu đã dồn mọi có gắng để bắt chước phương Tây tối đa. Chỉ đến khi về già, ông mới bày tỏ một sự lưu luyến muộn màng với nguồn gốc Trung Hoa của ông. Đó chẳng qua là tâm lý lá rụng về cội thông thường của con người. Người ta có thể hiểu ông nhưng không thể lấy những lời nói của ông làm tiền mặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét