Đinh Ngọc Thu / Vương Sinh

Bí Ẩn Về Cuộc Đời Trần Quốc Toản
Nghi Vấn Sử :
Trần Quốc Toản, vị anh hùng trẻ tuổi mà chúng ta được học trong các bài học lịch sử khi
còn nhỏ, là một tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ Việt Nam suốt hơn 700 năm qua. Tuy
nhiên có nhiều điều về vị anh hùng trẻ tuổi này mà chúng ta chưa biết, nhất là về cái chết

của ông. Có phải ông đã mất năm 1285 trong cuộc kháng chiến chông quân Mông - Nguyên
lần thứ hai như sử sách đã ghi? Vì sao ông lập được nhiều chiến công nhưng không được
phong tước vương mà chỉ được phong tước hầu?


Bài học lịch sử thuở nào:
Chúng ta đã từng được học về Trần Quốc Toản trong các bài học lịch sử ở bậc Tiểu học như
sau: Năm 1282 vua Trần Nhân Tông tổ chức hội nghị Bình Than họp mặt các vương hầu để
bàn cách chống giặc Mông-Nguyên. Được tin, Hoài Văn hầu1 Trần Quốc Toản cùng với Hoài
Nhân vương Kiện cưỡi ngựa đến Bình Than tham dự. Nhưng đội quân thánh dực của vua
Trần Nhân Tông ngăn lại không cho vào vì Quốc Toản còn nhỏ, chưa đủ tuổi bàn việc nước.
Quốc Toản tức lắm, tay cầm trái cam bóp nát đi lúc nào không biết.

Sau đó chàng về tập hợp người thân và gia nhân của mình, mua vũ khí sắm chiến thuyền và
luyện tập võ nghệ chờ ngày đánh giặc. Chàng cho may một lá cờ thêu sáu chữ vàng "Phá
cường địch báo hoàng ân", nghĩa là "Phá giặc mạnh báo ơn vua" để làm cờ hiệu riêng cho
đội quân mình. Đội quân của chàng đã giúp tướng Trần Nhật Duật2 đánh lui quân giặc trong
cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và chàng cũng đã tử trận trong trận chiến
này.

Cuộc đời Trần Quốc Toản:

Theo như kết quả những nghiên cứu gần đây, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản là con của Vũ
Uy vương Trần Nhật Duy3 và vương phi Trần Ý Ninh4. Trần Nhật Duy là con trai vua Trần
Thái Tông nên Trần Quốc Toản là cháu nội của vua Trần Thái Tông, vị vua Trần đầu tiên
của nước ta.

Khi quân Mông Cổ xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất (1257-1258), Trần Nhật Duy đang làm
Tổng trấn biên giới phía Bắc. Sau chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258, vua
Trần Thánh Tông5 cử Trần Nhật Duy và vợ là Trần Ý Ninh cùng một số tướng lãnh sang giúp
nhà Tống, vì nghĩ rằng nếu Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống thì quân Mông Cổ sẽ kéo quân sang
đánh Đại Việt lần nữa.

Trần Quốc Toản được mẹ sinh ra ở đất Tống vào năm 1267. Ông có nhiều bạn bè là con
cháu trong hoàng tộc nhà Tống. Năm 1279, sau khi nhà Tống bị nhà Nguyên tiêu diệt hoàn
toàn, một số người Tống kéo sang Đại Việt lánh nạn và giúp nhà Trần đánh giặc Mông -
Nguyên. Một đội quân do hoàng tử Tống tên là Triệu Trung cầm đầu chiến đấu dưới sự chỉ
huy của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Em của hoàng tử Triệu Trung là công chúa Triêu
Ngọc Hoa cùng chiến đấu trong đội quân này. Trần Quốc Toản cũng cầm đầu một đội quân
khác chiến đấu dưới sự chỉ huy của tướng Trần Nhật Duật. Sau đó Trần Quốc Toản và Triệu
Ngọc Hoa cảm mến, yêu thương nhau và hai người thành vợ chồng.

Vì lấy vợ Tống, cho nên mặc dù trung nghĩa và lập được nhiều chiến công nhưng Trần Quốc
Toản chỉ được phong tước hầu (Hoài Văn hầu) chứ không được phong tước vương6.



Nghi vấn về cái chết của Trần Quốc Toản năm 1285

Về cái chết của ông, theo chính sử Việt Nam ghi lại thì ông mất năm 1285 nhưng không nói rõ ông mất ở đâu, trong trận nào7. Riêng các quyển sử của nhà Nguyên viết rằng ông chết
trong trận đánh ở sông Như Nguyệt8. Nhưng theo gia phả của hậu duệ Trần Ích Tắc (chú
Trần Quốc Toản) để lại thì Trần Quốc Toản cùng vợ trở về Trung Quốc khởi binh khôi phục
triều Tống9. Riêng gia phả của hậu duệ Trần Quốc Toản mang tên "Viêm phương Trần tộc
Lưu phả" và mộ chí ở Trung Quốc10 vừa tìm thấy được có nói về người vợ Tống của ông là
vị công chúa cuối đời Tống tên Triệu Ngọc Hoa. Trong gia phả và mộ chí này có nói rằng
Trần Quốc Toản sống rất thọ và mất ở Tống chứ không phải chết trong trận đánh với quân
Nguyên năm 1285 như chúng ta đã biết.

Cali ngày 25-07-08

Đinh Ngọc Thu



Ghi chú:

(1) Hoài Văn hầu: Hoài Văn là tước hiệu, hầu là tước hầu. Dưới thời nhà Trần, những người
thuộc bà con dòng họ của vua thường được phong tước vương và hầu. Tước vương chính là
tước công, tước cao nhất trong 5 tước quan đại thần mà triều đình ngày xưa đặt ra: công,
hầu, bá, tử, nam.

(2) Trần Nhật Duật: là con của vua Trần Thái Tông với một người vợ thứ của vua. Trần Nhật Duật có tước là Chiêu Văn vương

(3) Trần Nhật Duy: có tước hiệu là Vũ Uy vương. Ông là con trai lớn tuổi nhất của vua Trần
Thái Tông nhưng vì ông là con của một bà vợ thứ của vua nên không phải là con trưởng.
Dưới thời vua Lý Thái Tổ, có một người anh của vua cũng được phong tước Vũ Uy vương.
(4) Trần Ý Ninh: Theo GS Trần Đại Sĩ thì bà là em gái của Trần Tử Đức. Hai người là con
của ông Trần Hiến và bà Lê Thị Đạt. Khi Trần Thủ Độ ép Trần Liễu nhường vợ của mình là
công chúa Thuận Thiên cho vua Trần Thái Tông - Trần Cảnh, Trần Liễu nổi loạn đem quân
tấn công triều đình. Trần Hiến chỉ huy binh lính của Trần Liễu tấn công phủ của Thái sư Trần
Thủ Độ. Sau khi Trần Liễu đầu hàng, toàn bộ binh lính dưới quyền của ông bị sát hại trong
đó có vợ chồng Trần Hiến.

(5) Trần Thánh Tông: là vua thứ hai dưới thời nhà Trần. Trên thực tế ông không phải là con
trai lớn hay con trưởng của vua Trần Thái Tông nhưng ông là con trai đầu của vua Trần Thái
Tông với bà hoàng hậu Thuận Thiên nên được nối nghiệp cha. Con lớn tuổi nhất của vua
Trần Thái Tông là Trần Nhật Duy nhưng vì ông là con của bà vợ thứ nên không phải là con
trưởng. Về danh nghĩa, con trưởng của vua là Trần Quốc Khang nhưng thật ra Trần Quốc
Khang là con ruột của Trần Liễu với bà hoàng hậu Thuận Thiên nên không được nối ngôi.

(6) Theo GS Trần Đại Sĩ: “Hoài Văn trung nghĩa, đại công nhi bất vương do thú ư ngoại
nhân": Hoài Văn hầu mặc dù trung nghĩa và lập được đại công, nhưng không được phong
tước vương vì lấy vợ nước ngoài.

(7) Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên viết dựa theo quyển Đại Việt Sử Ký của
Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử Ký Tục Biên của Phan Phu Tiên nói về đoạn cuối cuộc đời của
Trần Quốc Toản như sau: “Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ,
giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch. Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm
văn tế”

(8) Theo An Nam truyện của Nguyên sử có ghi: "Quan quân đến sông Như Nguyệt, thì Nhật
Huyên sai Hoài Văn hầu đến đánh... Theo Kinh Thế Đại Điển Tự Lục trong Nguyên sử có viết

:"...Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn Hầu đến đuổi thì bị giết".

(9) Gia phả này do GS Trần Đại Sĩ tìm đọc của hậu duệ Trần Ích Tắc hiện còn sống bên
Trung Quốc.

(10) Hai tài liệu này do cô Vũ Khánh Ngọc, du học sinh tại tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc tìm
giúp GS Trần Đại Sĩ. 1) Năm trang gia phả mang tên Viêm phương Trần tộc Lưu phả của hậu
duệ Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản. 2) Ảnh chụp mộ chí nội dung nói về một vị công chúa
cuối đời Tống kết hôn với Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản.



Tài liệu tham khảo

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên soạn thảo năm

1272 – 1697, do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992).

- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Triều Nguyễn biên soạn năm 1856-1881
và do Viện Sử Học dịch năm1957-1960.

- Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Bản dịch điện tử tại đây: http://www.iet.ntnu.
no/~duong/vn/vnsl/index.html
- An Nam Chí Lược của Lê Tắc (hay Lê Trắc). Do Uỷ Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt
Nam

dịch, Viện Đại Học Huế phát hành năm 1961 (11).

- Anh Hùng Đông A – Dựng Cờ Bình Mông và Anh Hùng Đông A – Gươm Thiêng Hàm
Tử của Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sĩ và thư trả lời của GS Trần Đại Sĩ.

Ghi chú

(11) Độc giả nên cẩn thận suy xét khi đọc quyển sử này vì khi viết Lê Tắc là phiên thần
nhà Nguyên, mặc dù trước đó ông là con dân Đại Việt. Lê Tắc là gia thuộc của Trần Kiện.
Khi Trần Kiện đem cả nhà đầu hàng Toa Đô, Trần Kiện bị gia tướng của Trần Hưng Đạo là
Nguyễn Địa Lô (có sách nói Nguyễn Thế Lộc) giết chết, Lê Tắc cướp được xác Trần Kiện.
Sau đó Lê Tắc trốn sang Trung nguyên và viết bộ sử này.





Thơ Ca Vịnh
Nghi vấn ngày giỗ Trần Quốc Toản

Tuổi trẻ tài cao, lại nhiệt tình
Giương cờ sáu chữ, quyết hy sinh
Hết lòng đánh giặc Nguyên quân sợ
Một dạ phò vua, Tống đế kinh
Oanh liệt chiến công thời nể trọng
Cao dày công đức thế sao khinh?
Anh hùng ngày giỗ không ghi chép
Sách sử thờ ơ hay bất minh?


Vương Sinh
Trần Quốc Toản

Cờ thêu sáu chữ vẹn câu tình
Tuổi trẻ màng chi chữ tử sinh
Phá địch báo hoàng*, dân Việt phục
Quên thân cứu nước, giặc Nguyên kinh!
Tình cho gia tộc luôn xem nặng
Nghĩa với đồng bào dễ dám khinh!
Sức mạnh non sông là thế đó
Muôn đời sử sách vẫn phân minh


Sơn Khê
*Từ câu: Phá cường địch báo hoàng ân

Hoài Văn Vương (1)

Hoàng gia báo đáp vẹn ân tình
Vị quốc vong thân đã vãng sinh
Tây Kết (2) oai hùng quân Việt đảm
Chương Dương (3) anh dũng giặc Nguyên kinh
Hoài Văn lừng lẫy tài vang dội
Chiêu Quốc (4) đớn hèn đức đáng khinh
Hết sức tận trung lòng đã thỏa
Mỉm cười Như Nguyệt (5) chốn u minh



1-Gọi là Hoài Văn Vương vì khi còn sống anh hùng Trần Quốc Toản được phong là Hoài
Văn Hầu, khi chết theo như ĐVSK Toàn Thư: “Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làmvăn tế, lại gia phong tước vương”.

2- Trận Tây Kết, theo ĐVSKTT: “Mùa hạ, tháng 4, vua sai bọn Chiêu Thành Vương (khuyết
danh), Hoài Văn hầu Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh giặc ở
bến Tây Kết”.

3- ĐVSKTT: “Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn
Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh
Thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn. Bọn thái tử Thoát Hoan, Bình chương A Lạt
rút chạy qua sông Lô”.

4- ĐVSKTT: “Kế đó, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn,

Trịnh
Long đem gia thuộc đầu hàng quân Nguyên”.



5- Nguyên sử, quyển 209, An Nam truyện : "Quan quân đến sông Như Nguyệt, thì Nhật
Huyên sai Hoài Văn Hầu đến đánh” .



Nguyên văn: “ , : Hựu quan quân chí Như
Nguyệt giang, Nhật Huyên (Trần Thánh Tông) khiển Hoài Văn hầu lai chiến, hành chí
Sách giang”,



Theo TS Lê Mạnh Thát trong sách Toàn tập Trần Nhân Tông, trang 97: “ Kinh thế đại điển
tự lục trong Nguyên Văn loại 41 tờ 27b 1-2 viết:
“Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai
Hoài Văn Hầu đến đuổi thì bị giết”.”



Thiển ý của tvb về nghi vấn này:

1- Tham khảo sử liệu từ những truyện dã sử sẽ gây nên nhiều mối nghi ngờ và sự chính xác
sẽ bị đặt câu hỏi. Ông Trần Đại Sĩ viết chuyện dã sử theo lối “tam hư thất thực” mà ông đã
nói lên điều này nhiều lần (nếu tìm trong Google với 4 chữ này sẽ thấy).

2- Dù rất thích các bộ truyện dã sử của tác giả Trần Đại Sĩ và mua gần đủ các bộ này,
nhưng tvb không dám tham khảo từ những gì ông viết! Vì trên bìa sau các bộ truyện tác gỉa
đã viết về mình như sau: “…Được ông ngoại là một đại khoa bảng triều Nguyễn, giảng dạy
rất sâu sa về Nho học, làu thông kinh, sử, tử, tập, Bách gia, Chư tử, Cửu lưu, Tam giáo, …”.

Chúng ta biết là : “…"Tứ khố toàn thư" tổng cộng thu thập hơn 3400 "loại", hơn 79000
quyển, 36000 sách, chia làm 4 bộ là: Kinh, Sử, Tử, Tập. Để bảo tồn kho kinh điển văn hiến
do Hoàng đế "Ngự phê giám chế", triều đình đã trưng tập hơn 3800 văn nhân học sĩ trong cả
nước tập trung tại Kinh thành, làm việc trong 10 năm…”

(http://www.viethoc.org/phorum/read.php?10,8080,page=3)
3- Tham khảo sử liệu từ gia phả sẽ đưa ra nhiều nghi vấn và sẽ tạo thêm nhiều nghi vấn
khác!
4- Chính sử của cả Việt Nam và Trung quốc đã viết về nhân vật lịch sử là anh hùng Trần
Quốc Toản, dù đơn giản. Chứng minh sự sai biệt trong chính sử là một việc cực khó khăn
ngoại trừ với bằng chứng chắc chắn và rõ ràng.

5- Vấn đề phiên dịch từ Hán văn cổ có thể gây ra nhiều sự ngộ nhận, vì một chữ Hán có
nhiều phiên âm Nôm và ngược lại.


ý kiến của tác giả Ngọc Thu

Thưa anh TVB,

VS nhận được ý kiến "phản hồi" của tác giả Ngọc Thu về bài: "Bí ẩn về cuộc đời Trần Quốc
Toản".
Đối với VS, quả thực có ý nghi ngờ về cái chết của Trần Quốc Toản, nhung chưa có thì giờ
tra cứu. Lời chép trong DVSKTT do anh TVB dẫn chứng, (VS chưa tìm thấy) không rõ rệt:
"Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước vương”. (Mất ngày
nào? Ở đâu? Mất lúc già hay mất lúc ra trận?). Chỉ biết, ngày 10 tháng 3 năm 1285 DVSKTT
còn ghi tên Hoài Văn Hầu Quốc Toản (tr.56 - tập II), sau đó không thấy nữa. Trong khi đó,
Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim) tr. 133 , lại chép vào năm 1287, khi "Thoát Hoan sang
đánh lần thứ hai", Hưng Đạo Vương sai "Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái, dẫn 3 vạn quân lên
giữ mặt Lạng Sơn; sai Trần Quốc Toản, Lê Phụ Trần dẫn 3 vạn quân vào giữ mặt Nghệ An;
tự mình thống đại quân ra giữ mặt Quảng Yên..." Như vậy Trần Quốc Toản còn sống tới năm
1287 ?_

Tài liệu của nhà Nguyên (Nguyên Sử), là kẻ thù của Đại Việt, ta tin được bao nhiêu phần
trăm?
VS nghĩ rằng khi sử chép không rõ ràng, sẽ gây ra "nghi vấn", và VS đặt ra chủ đề "Nghi
Vấn Sử". Đối với "nghi vấn", ai cũng có thể nêu lên ý kiến của mình với những dẫn chứng
thuyết phục người đọc. "Còn thắc mắc, còn nghi vấn", vì mỗi lời giải đáp mới chỉ là một "giả
thuyết".
Sau đây là nguyên văn ý kiến của tác giả Ngọc Thu:

"Kính chào chú,

Cháu có vài lời feedback qua những ý kiến của nick TVB post bên forum Viet Bao như sau:

1. TVB nói: "Tham khảo sử liệu từ những truyện dã sử sẽ gây nên nhiều mối nghi ngờ và sự
chính xác sẽ bị đặt câu hỏi ". Cháu hoàn toàn không đồng ý với ý kiến này. Theo cháu, cho
dù là chính sử, dã sử, hay là bất kỳ nguồn sử liệu hay nguồn sách nào đi nữa, bất cứ người
nào đọc sách mà tin hoàn toàn theo sách, không sử dụng cái bộ óc của mình để kiểm chứng
lại xem sự việc có make sense hay không, nhất là người đọc/ người sử dụng không có khả
năng suy luận, không có óc logic, không có khả năng về critial thinking hoặc không biết cách
đối chiếu các nguồn thông tin từ các nguồn sách khác nhau thì những nguồn thông tin người
đó viết ra đều không có giá trị tham khảo chứ không riêng gì thông tin lấy từ dã sử. Kể cả
chính sử, nếu không make sense mà người viết cứ trích dẫn đưa vào bài viết thì cũng chẳng
ai tin.

2 . Bản thân cháu đọc sách và các bài tham khảo của GS Trần Đại Sĩ không phải cháu đều
tin tất cả các nguồn thông tin đó, nếu nó không make sense. Ví dụ như chuyện mẹ của ông
Trần Nhật Duy khi gặp vua Trần Thái Tông (năm 1237 - năm vua bị bắt ép bỏ bà Chiêu
Thánh), GS Trần Đại Sĩ nói rằng vua đã không dám đưa về cung là vì sợ mẹ (bà Quốc
Thánh thái hậu - Lê Thị) nên vua đã đưa về ở chung với bà nội (vợ ông Trần Lý, chị của Tô
Trung Từ).

Mặc dù GS Trần Đại Sĩ nói rằng thông tin này tìm được trong gia phả Trần Tộc nhưng cháu
không tin chuyện này vì năm 1237, bà Quốc Thánh thái hậu đã qua đời 7 năm rồi (bà mất
năm 1230). Vả lại theo một nguồn thông tin khác thì lúc đó Nhật Duy khoảng 2-3 tuổi (nhưng
mọi người vẫn lo sợ vua Trần Thái Tông không có con trai nối dõi vì Nhật Duy không phải
cháu ngoại của vua Lý Huệ Tông, tức không phải con của bà Chiêu Thánh hay Thuận Thiên
với vua). Vì những thông tin từ các nguồn trái ngược nhau nên vài điều cháu không tin bởi
nó không make sense với cháu.

Đa số các nguồn thông tin cháu đều có check từ các nguồn khác nhau. Ví dụ như, GS Trần
Đại Sĩ cho rằng không biết Tuệ Trung Thượng Sĩ là Trần Tung hay Trần Quốc Tảng và GS
đã đưa điều này vào trong ba điều bí ẩn của nhà Trần. Trong khi cháu khẳng định rằng Tuệ
Trung Thượng Sĩ là Trần Tung vì cháu tìm được bản Hán văn nói về hành trạng của "Tuệ
Trung Thượng Sĩ" (mời chú xem bài đính kèm "Thượng Sĩ hành trạng" được cho là của vua
Trần Nhân Tông viết). Ngoài ra cháu còn có 53 bài Hán văn của Trần Tung, đọc xong các
bài này thì sẽ biết Trần Tung là ai.

3. Nói về sự chính xác của lịch sử, chỉ có thể có tất cả các điều kiện sau đây xảy ra:

a. Người viết đang sống và viết về những điều đang xảy ra.

b. Người viết phải tận mắt chứng kiến sự việc xảy ra chứ không được nghe người khác thuật
lại.

c. Người viết có quyền tự do viết, không bị chi phối bởi bất kỳ quyền lực nào.

d. Người viết không thiên vị, không thành kiến với bất kỳ nhân vận nào mình đang viết.
e. Người viết chỉ viết về facts, sự kiện đang xảy ra, không được bình luận, không đưa ý kiến
chủ quan của mình vào.

Nếu một trong các điều kiện nêu trên không xảy ra thì những điều các sử gia viết không
"hoàn toàn" chính xác. Vì vậy, các nguồn tin mà họ viết, thế hệ sau này có quyền nghi vấn
nếu nó không có lý, và những nghi vấn đó có quyền xem xét lại. Khi xem xét lại thì phải dựa
vào facts và các nguồn tin khác (other sources) tìm được sau này.

4. TVB nói rằng:"Tham khảo sử liệu từ gia phả sẽ đưa ra nhiều nghi vấn và sẽ tạo thêm
nhiều nghi vấn khác". Vậy nguồn sử liệu nào mới không tạo ra nghi vấn? Theo cháu bất kỳ
nguồn sử liệu nào cũng có nghi vấn nếu nó không make sense, kể cả nguồn sử do người
đương thời viết ra nếu không hội đủ các điều kiện vừa nêu trên. Kể cả chính sử Việt, có
nhiều nguồn không thể tin cậy được nếu người viết bị ảnh hưởng bởi chế độ họ đang phục
vụ, hoặc họ bị cấm không được viết những điều cấm kỵ (chuyện này rất thường hay xảy ra).
Và gia phả cũng như các nguồn thông tin khác, chúng ta cũng chỉ xem xét mức độ tin cậy
của nguồn thông tin đó như thế nào.

5. TVB nói: "Vấn đề phiên dịch từ Hán văn cổ có thể gây ra nhiều sự ngộ nhận, vì một chữ
Hán có nhiều phiên âm Nôm và ngược lại" Cháu không hiểu TVB nói câu này với ý gì. Phải
chăng TVB muốn nói rằng chúng ta không nên tham khảo các nguồn Hán văn vì "có thể gây
ngộ nhận do chữ Hán có nhiều ý nghĩa"?

Cháu nghĩ, trừ khi người tham khảo không biết gì về Hán văn thì có thể gặp chuyện này.
Điều đó không có nghĩa là những bản phiên dịch từ Hán văn cổ đều bị hiểu sai vì các lý do
TVB đã nêu. Hơn nữa, không riêng gì Hán văn cổ mà Việt văn hay Anh văn cũng vậy, một
chữ có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Người đọc không đọc kỹ hoặc không có khả năng
hiểu hết những gì mình đọc thì cũng gây ngộ nhận, chứ không riêng gì Hán văn. Câu nói này
"Vấn đề phiên dịch từ Hán văn cổ có thể gây ra nhiều sự ngộ nhận, vì một chữ Hán có nhiều
phiên âm Nôm và ngược lại" không make sense chút nào.

Tóm lại, có lẽ TVB khuyên chúng ta không nên xem xét lại các nghi vấn sử, hoặc có nghi
ngờ thì không nên tham khảo các nguồn thông tin lấy từ: dã sử, thông tin từ GS Trần Đại Sĩ,
Hán văn cổ...Không biết có đúng vậy không? Cháu không có thời gian tham gia vào diễn đàn Việt Báo, nhờ chú chỉ vào nên hôm nay tình cờ đọc được ý kiến của TVB, nên cháu có vài ý kiến feedback.Chào chú,

Ngọc Thu"

PS: VS nghĩ có thể tác giả NT trong một lúc bối rối, đã lý luận hơi cứng rắn, mong anh TVB
thông cảm.

Vương Sinh



Chúng tôi cho đăng tải những bài biên khảo của các tác giả nơi đây trong một tinh thần hết
sức thận trọng. Mọi ý kiến, thảo luận nếu có về bài viết, kính mong quí vị thức giả gửi về
email:
webmaster@hungsuviet.com.

Như thường lệ, những ý kiến của tác giả không hẳn là ý kiến và chủ trương của Ban Biên
Tập Trang website Hùng Sử Việt.
Webmaster www.hungsuviet.us

Song Thuận
Trích dịch, đăng lại, xin vui lòng ghi xuất xứ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét