Trần Thế Pháp . P12

Lĩnh Nam chích quái
Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không


Từ tên Lộ, tự là Đạo Hạnh
Ông họ Từ tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, ở chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, cha tên là Vinh, làm chức tăng quan đô sát ở triều Lý, thường qua chơi làng An Lãng, lấy con gái người họ Lỗ tên là Loan, nhân thế ở lại đó. Lộ tức là con bà họ Lỗ vậy. Thuở niên thiếu, thích giao du hào hiệp, phóng khoáng, có chí
lớn, hành động ngôn ngữ không ai có thể lường được, thường cùng kẻ nho giả Mãi sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người con hát là Phan ất kết bạn. Đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì thổi sáo đánh cầu, vui sự chơi bời. Cha mẹ thường trách là trễ nải, một đêm ghé dòm qua khe cửa vào trong phòng thấy ngọn đèn gần tàn, sách vở chồng chất, Lộ gục xuống án mà ngủ, tay vẫn chưa rời khỏi sách; do đó cha mẹ không còn lo nghĩ nữa. Sau Lộ dự kỳ thi tăng hương thí, đỗ khoa Bạch Liên.

Nguyễn Minh Không ông tổ nghề đúc đồng

Không bao lâu, cha dùng tà thuật làm phật ý Diên Thành hầu, Diên Thành sai Đại Điên thiền sư dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi tới cầu An Quyết, đến trước cửa nhà Diên Thành hầu, hốt nhiên đứng dựng lên ở đấy suốt một ngày không trôi đi. Diên Thành hầu sợ hãi nói với Đại Điên, Đại Điên đến và hét lên rằng: "Người đi tu không được phép giận quá một ngày" Dứt lời thây đổ xuống mà trôi đi. Lộ nghĩ việc báo thù cho cha nhưng chưa nghĩ ra mưu kế. Một hôm, rình Đại Điên ra ngoài, gây sự định đánh, bỗng nghe thấy trên không trung có tiếng thét ngăn lại. Lộ sợ hãi quăng gậy mà đi. Muốn sang chùa ấn Quốc cầu phép lạ để đánh Điên, đường đi qua đất rợ Kim Sỉ (răng vàng) thấy hiểm trở bèn quay về, ẩn cư ở núi Phật Tích, thường ngày đọc kinh Đại-bi-đà-la, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần. Một hôm, thấy có thần nhân đến trước mặt mà nói rằng: "Kẻ đệ tử tức là Trấn Thiên Vương, cảm phục thày có công trì kinh nên lại đây để thày sai khiến". Lộ biết là đạo pháp đã thành, thù cha có thể rửa, bèn thân đến cầu An Quyết, cầm cây gậy chống ở tay ném xuống dòng nước chảy xiết. Gậy đi ngược dòng nước tới cầu Tây Dương thì dừng lại. Lộ mừng mà nói rằng: "Phép của ta thắng được Đại Điên rồi!" Bèn đến thẳng chỗ Điên ở, thấy Điên nói rằng: "Mày không nhớ chuyện ngày trước sao?" Nói rồi nhìn lên không trung, tịnh không thấy gì, bèn đánh liền. Điên phát bệnh mà chết. Từ đó, thù xưa đã rửa, tục lự nguội dần mới du ngoạn các miền rừng rú để tìm dấu Phật. Nghe tiếng Kiều Trí Huyền ở đạo Bình Hóa, bèn cung kính tới bái yết và hỏi về chân tâm, đọc câu kệ rằng: Lâu ngày bị gió bụi làm đục không thấy rõ được vàng, Không biết nơi nào mới thực là chân tâm. Mong được nghe lời chỉ giáo để mở đường phương tiện, Thấy được bồ đề thôi không phải khổ công tìm tòi (Dịch ý) Huyền đọc kệ đáp lại: Ngũ âm bí quyết biểu hiện rõ chân kim (vàng thực), Trong đó, đầy tháng sẽ lộ rõ lòng thiền. Bát ngát như cát ven sông đó mới thực là đạo Bồ đề, Hướng tới Bồ đề ngàn sự tìm tòi đều xa cách. (Dịch ý) Lộ hoang mang chưa hiểu hết, bèn đi tới chùa Pháp Linh Sơn yết kiến Phạm Hội thiền sư, hỏi rằng "Như thế nào là chân tâm? ". Phạm nói: "A-nan-cá chính là chân tâm". Lộ bỗng nhiên tỉnh ngộ, hỏi rằng: "Thế nào là phép hành trụ?" Phạm nói: "Đói thì ăn, khát thì uống". Lộ bèn từ mà đi, từ đó phép lực ngày càng mạnh, duyên thiền càng kết. Các giống rắn núi, thú đồng đến quấn quýt quanh mình. Lộ đốt ngón tay cầu đảo, chú phép vào nước trị bệnh, không lúc nào không nghiệm. Có vị sư hỏi rằng: "Phải chăng hành, trụ, tọa, ngọa đều là Phật tâm".

Lộ đọc kệ đáp rằng: Có làm thì mọi mối bụi cát đều có, Không làm thì tất cả đều là không. Có hay không đều như mặt trăng dưới nước, Vật thì trông rõ rệt nhưng lại là không. (Dịch ý) Hoặc lại nói: Mặt trời mặt trăng ra ở đầu núi, Người người đều cháy ra một khối lửa. Người về có con ngựa nhỏ, Đi bộ mà không cưỡi ngựa. (Dịch ý) Khi ấy vua Lý Nhân Tông không có con, tháng ba năm Hội tường Đại khánh thứ 3, có người ở phủ Thanh Hoa nói rằng: "ở bãi bể có đứa trẻ kỳ lạ, mới khoảng lên ba, tự xưng là hoàng đế, lấy hiệu Giác Hoàng, phàm vua làm điều gì đứa trẻ ấy cũng biết, đó chính là Đại Điên hóa sinh". Vua sai quan trung sứ tới xem, thấy đúng như lời nói, bèn đón về kinh sư, cho ở chùa Báo Thiên. Vua thấy đứa trẻ thông minh, rất lấy làm yêu dấu, muốn lập làm kẻ kế tự, quần thần đều cố khuyên can là không thể được, và nói: "Nếu kẻ kia thực là linh dị, tất phải thác sinh ở nơi cung cấm, sau mới có thể lập được". Vua nghe theo. Bèn mở đại hội bảy ngày đêm cho đầu thai. Pháp Lộ nghe tin, nói với chị gái rằng: "Đứa trẻ kia là yêu tà mê hoặc người ta quá đáng. Ta há chịu ngồi yên mà không cứu, để nó làm mê hoặc lòng người, rối loạn chính pháp sao?". Nhân sai chị gái giả đò làm người đi xem hội, mật đem mấy tấm bùa của Lộ treo ở trên rèm. Hội tới ngày thứ ba thì Giác Hoàng bị bệnh nói với mọi người rằng: "Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, tuy muốn thác sinh, sợ không có lối vậy". Vua nghe có kẻ phá mất bùa chú, bèn sai người đi tìm, quả nhiên bắt được Lộ ở Hưng thánh lâu, trói lại, họp quần thần lại để xét xử. Vừa lúc đó Sùng Hiền Hầu đi ngang qua, Lộ năn nỉ nói: "Xin ra sức cứu bần tăng khỏi phải chịu tội, ngày sau xin ngụ thai trong cung để báo đáp công đức này". Hầu gật đầu. Sau ngày hội, quần thần tâu với vua rằng: "Bệ hạ vô tự, nên cầu kẻ kia thác sinh, thế mà tên Lộ cuồng dại dám tự ý giải chú, thật là đắc tội". Hầu tâu rằng: "Thiết tưởng nếu Giác Hoàng có thần lực thì tuy có trăm tên Lộ giải chú, há đâu có hại được ru? Nay lại trái hẳn, Lộ hơn hẳn Giác Hoàng, thần trộm nghĩ nếu như giết, chẳng thà cho nó thác sinh". Vua bằng lòng. Lộ đến thẳng phủ đệ nhà Hầu, nhằm chỗ phu nhân tắm, nhìn khắp cả. Phu nhân giận quá, mách với Hầu. Hầu vốn hiểu ý, để mặc không hỏi đến. Phu nhân vì thế có thai. Lộ dặn Hầu rằng đến lúc phu nhân lâm bồn phải báo cho biết trước. Đến kỳ lâm bồn, Lộ được người báo tin, bèn tắm rửa thay quần áo, bảo học trò rằng: "Mối túc nhân của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa ở đời, tạm làm đế vương, kíp đến khi già chết làm nhị thập thiên tử. Nếu thấy thân thể tan ra đất, đó là ta đã thâm nhập vào bùn đất không còn ở trong cõi sống chết nữa".

Học trò nghe nói, ai cũng cảm động sụt sùi. Lộ đọc kệ rằng: Thu tới, không cho chim nhạn báo trước, Cười nhạt mà nhìn nhân gian đau xót. Khẽ bảo bọn môn nhân chớ nên luyến tiếc, Thày xưa mấy độ hóa thày nay. (dịch ý) Đọc dứt, nghiễm nhiên mà hóa. Hầu phu nhân bèn sinh con trai, đặt tên là Dương Hoán. Khi lên ba, vua nhân tông nuôi ở trong cung, lập làm hoàng thái tử. Nhân Tông băng hà, thái tử tức vị, ấy là vua Thần Tông do Lộ thác sinh ra vậy. Hình xác Lộ nay còn ở hõm đá trong chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, huyện Ninh Sơn. Xưa ở làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng (còn có tên là Gia Viễn) đất Trường An có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không quốc sư, lúc ít tuổi đi du học, gặp Đạo Hạnh, học được đạo giáo, trải hơn mười năm. Đạo Hạnh thấy người tiết tháo bèn truyền tâm ấn, lại đặt tên cho. Kíp tới khi Đạo Hạnh sắp tạ thế bảo Minh Không rằng: "Xưa tôn sư của ta tu đã tròn quả phúc mà còn bị cái nạn đao thương quả báo, huống chi ở cái thuở mạt thế huyền vi này, há có thể tự giữ mình được sao? Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau". Đạo Hạnh đã hóa, Minh Không trở về chùa cũ cày ruộng. Hơn hai mươi năm, không có tin tức gì. Khi đó Lý Thần Tông bỗng mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, tiếng kêu đau đớn gầm rú đáng sợ. Các lương y trong thiên hạ vâng chiếu mà đến, kể hàng ngàn hàng vạn, đều chịu khoanh tay. Khi ấy có đứa trẻ hát rằng: "Dục trị thiên tử bệnh, tu đắc Nguyễn Minh Không". (Nghĩa là: Muốn chữa bệnh nhà vua tất phải tìm Nguyễn Minh Không). Triều đình bèn sai sứ đi tìm được Minh Không. Minh Không thấy sứ giả đến, trong thuyền có rất nhiều lính chèo thuyền, muốn dọn cơm chay cho ăn, bèn lấy một cái nồi nhỏ đem cho họ cùng ăn, bảo họ rằng: "Anh em đông quá sợ không đủ no bụng, tạm ăn vậy". Thế mà bọn lính chèo thuyền hơn một trăm người cùng ăn cũng không sao hết. Lính ăn xong, sư lại bảo:

"Anh em hãy tạm ngủ say một lát nữa đợi nước triều dâng lên ta hãy bắt đầu ra đi". Chúng nghe lời, đều nằm ngủ say ở trên thuyền. Mới trong khoảnh khắc, thuyền đã trở về tới kinh đô. Bọn lính bơi chèo tỉnh dậy đều lấy làm lạ. Khi Minh Không đến, các bậc có tiếng là học rộng ở các nơi đều đang làm phép ở trên điện, thấy Minh Không quê mùa, không thèm chào. Minh Không bèn lấy một chiếc đinh lớn dài hơn năm tấc đóng vào cột điện, lớn tiếng nói rằng: "Có nhổ được đinh này hãy nói chuyện chữa bệnh". Nói như vậy hai ba lần, không có ai dám nhổ. Minh Không bèn lấy hai ngón tay trái mà nhổ, đinh bật phăng ra. Chúng đều kinh phục. Khi gặp Thần Tông, Minh Không lớn tiếng nói: "Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?". Vua nghe nói rất run sợ. Minh Không bèn lấy một cái vạc đựng dầu, đun lên sôi sùng sục, rồi lấy tay khoắng vào bốn lần, rắc vảy lên khắp mình vua, bệnh tức thì khỏi hết. Bèn phong Minh Không làm quốc sư, ban lộc mấy trăm hộ để thưởng công. Năm Tân Sửu, niên hiệu Thái Bình thứ 22, Minh Không tạ thế, thọ bảy mươi sáu tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét