Nguyễn Gia Kiểng 006

Người Việt, người Nhật

Rất nhiều người Việt nam gán cho người Nhật một câu so sánh giữa người Nhật và người Việt mà chính tôi dù quen biết khá nhiều người Nhật chưa bao giờ nghe họ nói: Một người Việt hơn một người Nhật, nhưng ba người Việt nam hợp lại thua ba người Nhật. Câu nói đó có vẻ như một nhận xét khiêm nhường, nhìn nhận sự thua kém về khả
năng làm việc tập thể của người Việt, nhìn nhận khuyết điềm chính của người Việt là thiếu đoàn kết. Tuy vậy trong cách nói vẫn có sự thỏa mãn : Một người Việt hơn một người Nhật, vế đầu này có vẻ được nhấn mạnh hơn vế sau.

Nếu quả thực người Nhật nào đã có nói câu đó thì nó cũng chỉ là một câu khẳng định sự hơn hẳn của dân tộc Nhật, nó phải được hiểu là: Ngay cả nếu một người Việt nam có hơn một người Nhật đi nữa, thì ba người Việt nam hợp lại vẫn thua ba người Nhật. Nói một cách khác, sự thua kém của dân tộc Việt nam so với dân tộc Nhật là tuyệt vọng, hết thuốc chữa. Còn một người Việt nam có hơn một người Nhật hay không lại là một vấn đề khác. Tôi tin là không, theo nhưng kinh nghiệm sống.

Lúc còn đi học và ở cư xá đại học Paris, tôi đã có dịp làm quen với nhiều bạn Nhật.

Trước hết họ là những người đáng tin. Họ hứa điều gì, họ làm hết sức để giữ lời hứa, rủi làm không xong họ khiêm tốn và thành thực nhận lỗi, không viện dẫn một lý do nào cả. Thứ hai là họ thực sự chuyên cần, làm cái gì đều làm đến nơi đến chốn, học cái gì đều cố gắng học cho hiểu thật tường tận, không như người mình chỉ làm cho xong, học tắt, học tủ đẻ thi đậu, bất chấp có thực sự hiểu hay không. Người Nhật hiểu biết một cách chắc chắn, vì họ học đễ lấy kiến thức, nhưng thi có thể thua người Việt vì người Việt học để đi thi lấy bằng. Bằng cấp của người Nhật có thể thấp hơn bằng cấp của người Việt mà sự hiểu biết của họ vẫn hơn. Tôi có được đọc một luận án của một sinh viên Nhật về xã hội Việt nam dưới thời Tự Đức. Anh ta dày công sưu tập tài liệu, suy nghĩ chín chắn và nhận định rất chính xác. ít có một công trình biên khảo nào của người Việt về nước Việt có giá trị như thế, nhưng luận án của anh chỉ là một luận án tiến sĩ đệ tam cấp, nghĩa là một bằng cấp tiến sĩ thấp nhất trong thứ bậc các bằng tiến sĩ, và anh ta ghi rõ như vậy trong luận án. Dầu vậy, luận án của anh ta được đánh giá cao, và được một nhà xuất bản Pháp in, được quần chúng Pháp đọc, trong khi nhiều luận án tiến sĩ quốc gia, cấp tiến sĩ cao nhất, của người Việt về nước Việt không được như vậy.

Người Nhật rất yêu nước, và vì yêu nước họ học hỏi rất kỹ về những khả năng của đất nước họ. Các bạn Nhật của tôi thường nói: Nước Nhật chúng tôi kẹt lắm, đất hẹp, người đông, tài nguyên thiên nhiên không có, con người lại không thông minh, chúng tôi cố gắng làm cũng không thể bằng được các nước khác . Nhờ sự lo âu thường trực đó mà họ đã xây dựng ra cường quốc số một tại châu á, và trên nhiều địa hạt cũng số một trên thế giới. Họ không tự hào là có giang sơn gấm vóc, dân tộc tinh anh.

Nhưng trên thực tế họ rất thông minh. Tôi đã đọc trên tuần báo Newsweek, một bài so sánh hệ số thông minh (I.Q.) của các dân tộc, và thấy người Nhật đứng đầu khá xa. Tuy vậy tôi chưa hề gặp một người Nhật nào tự hào dân tộc họ là thông minh. Thì ra họ vừa thông minh vừa khiêm tốn. Sự khiêm lốn đó tôi đã thấy ngay trong các bạn Nhật của tôi.

Trong cư xá đại học tôi có một cô bạn người Nhật là Ichiko học về hội họa và điêu khắc. Thân nhau rồi, Ichiko rủ tôi về phòng và cho tôi xem các tác phẩm của cô, con mắt mỹ thuật kém cỏi của tôi cũng phải bắt buộc tôi nhìn nhận đó là những tác phẩm rất hay. Tôi rủ một người bạn Pháp mê hội họa và điêu khắc tới xem, ra về anh ta tấm tắc khen hay. Thế nhưng khi tôi bảo Ichiko nên làm triển lãm thì cô dẫy nẩy từ chối, bảo rằng mình còn dở quá. Dầu vậy, Ichiko có lý do để tin mình không dở, cô đã được giải nhất về điêu khắc trong một cuộc triển lãm của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật.

Người Việt nam, nhất là đám sinh viên Việt nam tại Paris chúng tôi, thường hay chê người Nhật là kém về ngôn ngữ. Quả thật họ nói tiếng Pháp rất dở. Ông thày dạy võ của tôi chẳng hạn, sang Pháp đã mười mấy năm mà tiếng Pháp chẳng ra đâu vào đâu cả. Ông nói những tiếng thật tức cười như levez pieds (nhắc chân lên), baissez bras. Nhưng khi tới thăm ông, tôi gặp ông đang đọc một cuốn sách tiếng Nhật, hỏi ra thì được biết thú tiêu khiền chính của ông là đọc sách tiếng Nhật. Nhìn cách bố trí căn phòng có thể thấy ngay là ông chuẩn bị rất chu đáo đẻ tận hưởng thú đọc sách. Ông có cả một cái bàn thấp để ngòi xếp bằng đọc sách, trên bàn là một cái giá sách nghiêng do ông đóng lấy. Cách sắp xếp trong phòng rõ ràng là để có thể đọc sách trong những điều kiện tốt nhất. Các bạn Nhật của tôi đâu nói tiếng Pháp kém cả, nhưng bù lại họ nói rất dề hiểu, bởi vì họ hiểu rõ những gì họ nói và khi không hiểu họ nói rõ ràng không hiểu chỗ nào. Dần dần tôi hiểu rằng họ không nói giỏi tiếng Pháp là vì họ chú trọng học lấy kiến thức và vì họ coi trọng văn hóa của họ. Là một dân tộc lớn, họ cho học tiếng mẹ đẻ là quan trọng hơn cả, họ học hỏi tiếng nước ngoài như một phương tiện đễ hiểu và học hỏi người khác. Người Nhật chác chắn không phải là một dân tộc có biệt tài về hùng biện, nhưng tôi phải thú nhận họ diễn tả rõ ràng và mạch lạc hơn người Việt. Người Việt là một trong những dân tộc dở về truyền thông nhất, điêu này tôi sẽ có dịp đề cập đến.

Nhưng hãy trở lại với người Việt mình. Nếu ngay cả lấy ba người Việt có khả năng hơn ba người Nhật mà kết quả cũng chỉ là để tạo ra một nhóm ba người dở hơn nhóm của ba người Nhật kia thì chắc chắn là người Việt mình không có khả năng làm việc chung. Mà đã không cố khả năng làm việc chung được thì không thể nói là mình hay được bởi vì khả năng quan trọng nhất, khó khăn nhất chính là khả năng làm việc chung. Nó đòi hỏi trước hết sự lương thiện, bơi vì một tập hợp của chung con người chơi gian, chơi xấu, chơi gác nhau không thể kéo dài. Nó cũng đòi hỏi vô số đức tính khác : nhạy cảm, biết lắng nghe, biết truyền đạt ý kiến, có ý kiến hay, đủ bao dung để hiểu cái lý của người khác và nhất là đủ thông minh đễ thấy sự cần thiết của tổ chức và để thích ứng quyền lợi của mình với quyền lợi của tổ chức. Nếu con người chỉ sống và làm việc một mình thôi thì sự hay dở có lẽ không đặt ra, mình làm mình hưởng, mình làm mình biết, làm sao đánh giá được hay, dở? Cái trí thông minh lớn nhất chính là khả năng làm việc chung. Đã không biết làm việc trong khuôn khổ một tổ chức thì không thể nói là mình thông minh.

Một dân tộc bất khuất và tự hào ?

... Ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào
Sài Gòn ơi ta vẫy tay chào
cờ sao đang tung bay cao...
Xuân Hồng
(trích bài Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh)

Các nhà bình luận chính trị và lịch sử của ta dù là cộng sản hay không cộng sản đều đồng ý rằng dân tộc ta rất bất khuất và giàu tự ái dân tộc. Các thế hệ Việt nam lớn lên đều được huấn luyện để tin như vậy và tự hào về tính tự hào dân tộc của ta. Đó là một niềm tin cần thiết, và cũng có căn bản, nhưng tính bất khuất và lòng tự hào dân tộc có được thể hiện một cách thường trực hay không lại là cả một vấn đề.

Trong cuốn Mặt Thật , Bùi Tín, một cựu đại tá phó tổng biên tập báo Nhân Dân đã ly khai với đảng cộng sản, viết về quan hệ giữa các cấp lãnh đạo đảng cộng sản và các cố vấn Trung Quốc sang Việt nam hướng dẫn họ làm cải cách điền địa năm 1955 như sau:

[ ] Mỗi lần các vị học trò này gặp đoàn phái viên quý báu của Mao chủ tịch, về Thủ ti cải cờ (Thổ địa cải cách, theo tiếng Bắc Kinh), họ chỉ có thái độ tiếp nhận ý kiến của chuyên gia, không dám hỏi lại, cũng không dám cãi lại. Anh bạn của tôi làm ở văn phòng ban Chỉ đạo hồi ấy (năm 1954, 1956) kể lại: Triết cố vấn, Triệu cố vấn và Vương cố vấn chuyên ngồi dựa vào ghế bành lớn, ưõn bụng ra phía trước, có lúc gác đại cả hai chân lên bàn, tay cam ly rượú mao đài, nhổ nước bọt ồn ào xuống đất, để phán bảo cho những người nắm vận mệnh của đất nước Việt nam. Thật thê thảm cho đất nước này [...]

Những người nắm vận mệnh của đất nước Việt nam mà Bùi Tín nói tới là các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc việt, Hồ Viết Thang, v.v... những lãnh tụ cộng sản nỗi tiếng sắt đá và độc đoán. Họ không coi ý kiến của người Việt nam ra gì cả, đến ngay sinh mệnh của người Việt nam cũng không có một tầm quan trọng nào dưới mắt họ. Họ tàn sát thẳng tay những người không đồng ý với chủ nghĩa cộng sản. Những ai đọc những sách báo của đảng cộng sản ngày trước, và cho tới gần đây, khó có thể không ngượng vì những lời tâng bốc không một chút dè dặt đối với Trung Quốc đàn anh, Liên xô vĩ đại, Lênin vĩ đại, Stalin vĩ đại, Mao chủ tịch vĩ đại. Họ xưng hô với khách ngoại quốc bằng Ngài, một tiếng mà họ không bao giờ dùng đối với người Việt. Sự kính nể người ngoại quốc không phải chỉ được thể hiện với các nước xã hội chủ nghĩa anh em mà ngay cả với các nước tư bản thù địch.

Trong hội đàm Paris (1968-1973), họ nhất định đòi nói chuyện với Mỹ chứ không thèm nói chuyện với phía Việt nam Cộng Hòa. Có người nói đó là một thái độ chính trị cần có để tự xác nhận như là đại diện cho toàn dân Việt nam và phủ nhận mọi tư cách của Việt nam Cộng Hòa. Nhưng kết quả của cuộc thương thuyết có bao giờ tuỳ thuộc ở thái độ này hay thái độ nọ đâu, nó luôn luôn chỉ tùy thuộc vào yếu tố duy nhất là tương quan lực lượng. Chọn lựa chiến lược của Mỹ dã như thế và tương quan lực lượng dã như thế thì dù Hà Nội có khinh miệt hay kính trọng chính quyền Sài Gòn, kết quả của cuộc thương thuyết vẫn như thế. Thái độ khinh miệt phe quốc gia của Hà Nội chẳng có ảnh hưởng cụ thể nào lên cuộc thương thuyết cả, nó chỉ nói lên một tâm lý tôn kính người ngoại quốc và coi thường đồng bào của mình. Nếu thực sự có tự ái dân tộc, họ đã phải tìm kiếm một giải phấp giữa người Việt nam với nhau. Nhưng tâm lý của họ là tâm lý trọng ngoại.

Cái tâm lý trọng người ngoài khinh người nhà được thể hiện một cách ô nhục qua vụ xử án những người trong Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Miền Nam Việt nam của Lê Quốc Túy cuối năm 1984. Năm người bị kết án tử hình là Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch và Huỳnh Vĩnh Sanh. Dù chẳng có cảm tình gì với Mặt Trận này nhưng lúc đó tôi cũng tham gia tranh đấu để các bị cáo được xét xử một cách đứng đắn. Đó chỉ là một thái độ bảo vệ công lý, thái độ này cũng được kích thích bởi tình bạn với Trần Văn Bá mà tôi quen thân từ hồi còn hoạt động với nhau trong Tổng Hội Sinh Viên Việt nam tại Paris. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng tham gia đắc lực cuộc vận động này với chúng tôi.

Một sự kiện ngộ nghĩnh là một hôm tôi nhận dược một thư của Tòa Đại Sứ Hà Nội tại Paris. Thư gồm một phiếu gởi có en-tête và con dấu của tòa đại sứ, kèm với một cáo trạng đối với các can phạm. Theo cáo trạng này thì Mai Văn Hạnh là người chủ chốt nguy hiểm nhất, Trần Văn Bá là một người nông nổi nhiều anh hùng tính, Lê Quốc Quân là một người hoạt động đắc lực, hai người kia là tòng phạm.

Trong buổi họp tối hôm đó, tôi đưa văn thư này cho Nguyễn Ngọc Huy xem, Nguyễn Ngọc Huy nói: Mai Văn Hạnh có thẻ thông hành Pháp, Huỳnh Vĩnh Sanh hồi trước đã có sắc lệnh nhập tịch Pháp dù không tới lấy thông hành, hai người này có thể thoát chết, nhưng ba người kia thì nguy.

Quả đúng vậy. Mai Văn Hạnh, người được coi là chủ chốt nguy hiểm, và Huỳnh Vĩnh Sanh được ân xá, còn ba người kia - Bá, Quân và Bạch - bị đem xử bắn ngay một tuần sau đó. Hai năm sau, Mai Văn Hạnh được trả tự do cho đi Pháp. Tội nặng hơn nhưng nhờ có quốc tịch Pháp thì thoát, tội nhẹ hơn nhưng mang quốc tịch Việt nam thì bị bắn. Thực là một quan niệm kỳ cục về người Việt. Tự hào dân tộc ở đâu?

Lúc còn ở Sài Gòn, năm 1981, một hôm tôi gặp một anh chuyên gia Việt kiều mà tôi quen biết từ lâu. Anh ta du học tại Pháp, học rất kém, lận đận mãi rồi bỏ qua Canada. Tôi biết quá rõ anh ta để có thể bảo đảm là anh ta không có khả năng nào đáng kể. Nhưng anh ta có xe đưa đón trọng vọng và được rất nhiều quan chức cao cấp tham khảo. Trong khi đó những kỹ sư giỏi gấp nhiều lần anh ta, tốt nghiệp từ Mỹ, từ Pháp, từ úc, lừ Canada không thiếu gì, nhưng được xếp cho ngồi đánh cờ trong các cơ quan. Họ chỉ được tuyển dụng để nhà nước kiểm soát chứ không được sử dụng. Không ai cần biết ý kiến của họ. óc khinh thường người Việt nam mạnh đến nỗi ngay cả những người tốt nghiệp ở nước ngoài mà phần nào đã được Việt nam hóa cũng bị coi thường. Nếu nói là vì chúng tôi là ngụy quân ngụy quyền cũ nên không được trọng vọng như nhưng trí thức Việt kiều yêu nước, thì cung không đúng, bởi vì các kỹ sư có thẻ đảng hẳn hoi, tốt nghiệp từ Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan... cũng khá đông và nhiều người rất giỏi nhưng cũng chẳng được ưu đãi hơn chúng tôi bao nhiêu. Cũng có cả những chuyên viên tốt nghiệp từ Mỹ và Tây Âu tự nguyện về nước vì nhiệt tình với chế độ nhưng cũng không được trọng vọng như anh chuyên viên Việt kiều kia, bởi vì họ được coi là Việt nam.

Người cộng sản không có độc quyền về đặc tính thiếu tự hào dân tộc. Tôi đã ở trong lòng chế độ Việt nam Cộng Hòa để có thể xác nhận cái tính trọng ngoại khinh nội của chế độ. Tốt nghiệp ở nước ngoài là cái chìa khóa mở hầu hết các cửa, tốt nghiệp ở trong nước là cả một trở ngại lớn cho sự thăng tiến. Có phải là vì ở nước ngoài được huấn luyện kỹ hơn chăng? Lý cớ hơn là lý do. ở các Bộ Kinh Tế, Tài Chánh, sự nể vì người ngoại quốc nặng đến nỗi các tổng giám đốc các công ty nước ngoài không bao giờ thèm biết tên các giám đốc Việt nam, có chuyện gì họ gõ cửa thẳng các ông bộ trưởng và họ luôn luôn được tiếp đón niềm nở. Một tổng giám đốc công ty Pháp tại Sài Gòn cho tôi hay là ông ta bắt buộc phải tuyển dụng các cấp giám đốc, phó giám đốc người Pháp chính cống từ Pháp qua dù đắt gấp bốn năm lần một người Việt nam tài giỏi hơn bởi vì một người Pháp chính cống dễ nói chuyện với chính quyền Việt nam hơn là một người Việt nam. Ông ta nói với tôi như vậy giữa bữa ăn và tôi muốn độn thổ vì xấu hổ.

Sự khinh thường người Việt không phải chỉ có nơi những người cầm quyền mà còn có trong quần chúng Việt nam. Mới đây cháu tôi tốt nghiệp ở Hòa Lan xin đi làm cho một hãng Hòa Lan có chi nhánh ở Việt nam và bị từ chối. Ban giám đốc giải thích rằng họ không tuyền dụng cấp chỉ huy người Việt cho chi nhánh tại Việt nam vì lý do một người Hòa Lan da trắng mắt xanh dễ điều khiển người Việt hơn một người Hòa Lan gốc Việt. Người Hòa Lan học bài nhanh thật!
Tôi quen biết một nhà bình luận thời cuộc viết nhiều bài về Việt nam và khá nổi tiếng. Anh ta vẫn thường hỏi ý kiến tôi mỗi khi viết bài, và bù lại cũng giúp tôi một số việc. Bài của anh hay được các báo Việt nam đăng lại và được ca tụng như là rất đúng, rất thâm thúy, ngay cả bởi những tờ báo đả kích tôi một cách nặng nề, mặc dù những điều anh ta viết không khác gì những điều tôi viết vì một lý do giản dị: phần lớn những ý kiến của anh ta là ý kiến của tôi. Những người ca tụng anh ta và đả kích tôi không biết rằng chúng tôi quen nhau. Tôi cũng không dám nói cho anh ta biết là những người ấy chống tôi. Vì ngượng, vì tự hào dân tộc.

Xem lại phim thời sự trong những ngày cuối tháng 4-1975, có một cảnh làm tôi thực sự đau lòng. Một đại tá quân đội Việt nam Cộng Hòa đến phút chót vẫn còn hiên ngang trấn giữ cửa vào Sài Gòn. Tôi thán phục sự dũng cảm của ông, nhưng ông lại nói một cách hãnh diện trước ống kính của đài truyền hình Pháp: Tôi không sợ bởi vì tôi đã từng là trung sĩ trong quân đội Pháp. Làm đại tá quân đội Việt nam nhưng lại hãnh diện vì đã là trung sĩ quân đội Pháp!

Tôi còn có thể kể vô số những trường hợp khác mà tôi đã thấy và đã biết. Có phải vì chúng ta quá đinh ninh mình là một dân tộc bất khuất và giàu tự hào dân tộc rồi không thấy cần nuôi dưỡng tự hào dân tộc thực sự, hay vì trong thâm tâm mỗi người chúng ta không đánh giá cao chính mình, cho nên chúng ta coi thường những người giống mình?

Khi người ta có thể khinh bỉ, mạt sát và buộc tội một cách thậm tệ một người mà mình chỉ biết qua một số dư luận thôi thì phải chăng là người ta đang mạt sát chính mình? Điều người ta thực sự nói qua sự hung hăng vô căn cứ đó là: Tao không cần biết mày là ai, đã thực sự nói và làm những gì, nhưng tao vẫn có thể mạt sát mày mà không sợ sai lầm, vì mày cũng là người Việt như tao, mà đã như tao thì mày chỉ có thể là lưu manh xằng bậy thôi. Một người có niềm tự hào thực sự bao giờ cũng quí trọng những người giống mình. Nhưng thực tế là chúng ta thiếu một cách tuyệt vọng tự hào dân tộc. Chúng ta cần khẳn cấp nghĩ lại mình. Một lòng tự hào dân tộc thực sự có thể thay đổi con người chúng ta và đất nước chúng ta. Chúng ta sẽ kính trọng lẫn nhau và ngồi lại với nhau để giải quyết những bất đồng thay vì khinh miệt lẫn nhau và chỉ tìm giải quyết với người ngoại quốc, hay cầu cạnh người ngoại quốc giải quyết giùm mình những vấn đề của mình.

Mà sự thực người Việt nam có thiếu anh tài đâu. Nguyễn Trãi đã từng viết : Nước Việt nam ta là một nước văn hiến... dù có lúc mạnh lúc yếu nhưng không thời nào thiếu hào kiệt
Yêu nước

Ta không cố tự hào dân tộc, mà đã không có tự hào dân tộc thì không thể yêu nước. Làm sao có thể yêu một cái gì mà ta coi thường? Cho nên lòng yêu nước của người Việt, mà mọi người quả quyết là mạnh, có thể chì là một sự hiểu lầm.

Có một lập luận mà cả hai phe cộng sản và quốc gia đều đồng ý nhưng rất sai, là những người cộng sản đã chiến đấu dũng cảm vì lòng yêu nước chứ không phải vì chủ nghĩa cộng sản. Lập luận này tiện cho cả đôi bên. Đảng cộng sản dĩ nhiên phải nói rằng họ tranh đấu vì lòng yêu nước, có như thế họ mới tranh thủ được sự hưởng ứng của những người chưa vào đảng cộng sản, mới có thể kết tội những đối thủ của họ là phản quốc, là bán nước, mới tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận các nước không cộng sản. Còn bên chống cộng dĩ nhiên cũng phải nói rằng đa số những người theo phe cộng sản đã chỉ theo vì lòng yêu nước mà thôi. Có như thế họ mới có thể buộc tội đảng cộng sản là đã lừa bịp những người yêu nước nhẹ dạ, là tiếm đoạt hy sinh xương máu của nhân dân vì độc lập dân tộc; có như thế họ mới nói được chủ nghĩa cộng sản phi nhân bất nghĩa, chẳng ai theo nếu biết thực chất. Gần đây những người công sản ly khai cũng lại sử dụng lập luận này vì nó cũng tiện cho họ. Họ đã đoạn tuyệt với đảng cộng sản, đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản rồi thì tự nhiên họ phải biện minh cho hoạt động trong quá khứ của mình bằng điều mà họ nghĩ mọi người chấp nhận, nghĩa là lòng yêu nước.
Kết quả là một sự dối trá khổng lồ từ cả mọi phía. Và cứ thế cuộc tranh cãi thiếu lương thiện này tiếp tục gây ngộ nhận trong đầu óc mọi người.

Tôi đã nghiên cứu, quan sát, và tâm tình với rất nhiều người cộng sản ở mọi trình độ và đi tới kết luận quả quyết rằng đại đa số những đảng viên cộng sản dã theo đảng vì chủ nghĩa chứ không phải vì lòng yêu nước. Người cộng sản cũng yêu nước như mọi người Việt nam khác, không kém nhưng cũng không hơn. Lòng yêu nước có thực nhưng chỉ đóng một vai trò rất thứ yếu trong chọn lựa của ho. Nó đã chỉ được dùng làm một chiêu bài, nó không phải là động cơ.
Vả lại lòng yêu nước làm sao có thể là động cơ dược, nếu nó không mạnh? Độc giả sẽ tự nhận ra nhưng tôi cần cảnh giác trước hết rằng tôi hoàn toàn không có ý định làm một cáo trạng đối với người cộng sản và đảng cộng sản. ở đây tôi chỉ muốn nhận diện đất nước, điều tôi muốn làm sáng tỏ là lòng yêu nước rất mờ nhạt trong lòng người Việt nam, dù là cộng sản hay không cộng sản. Đã đến lúc chấm dứt sự ngộ nhận này để đem lại cho cuộc thảo luận về đất nước sự nghiêm túc phải có.

Chúng ta cần thắng một đặc tính rất kỳ lạ của người Việt là thường đặt nền tảng quan hệ và trao đổi trên một căn bản giả dối, không ai thực sự nghĩ nhưng mọi người đều muốn người khác tin là mình nghĩ. Thí dụ các tổ chức chống cộng hải ngoại đều kêu gọi ngồi lại với nhau nhưng trong thâm tâm không ai thực sự muốn ngồi lại với nhau cả, mà chỉ muốn ngồi lên đầu nhau. Kết quả tất nhiên là rất khó đồng ý với nhau. Tôi mong độc giả lưu ý cái dân tộc tính này trước khi đọc những dòng kế tiếp.

Ai đã có dịp vào thăm Viện Bảo Tàng Cách Mạng đều có thể nhìn thấy lá cờ lịch sử của Phong Trào xô Viết Nghệ Tĩnh, cái nôi tình cảm của đảng cộng sản Việt nam. Lá cờ màu đỏ này chỉ có tám chữ Vạn Tuế Sô Nga, Sô Nga Vạn Tuế, chỉ có thế. (Chữ Sô viết bắt đầu bằng chữ S trên lá cờ). Vả lại cái tên Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng đã đủ nói lên bản chất của phong trào. Cái gì đã thực sự làm nức lòng người, không phải là lòng yêu nước mà là giấc mơ cộng sản, giấc mơ được giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột và chà đạp. Giấc mơ ấy đã khiến những người nông dân cùng khổ miền Nghệ Tĩnh vùng lên, chấp nhận chết chứ không chấp nhận tiếp tục cuộc sống tôi đòi. Phong Trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã thẳng tay tàn sát những kẻ thù của giai cấp vô sản, bất luận họ có yêu nước hay không yêu nước. Nó đã bị đàn áp trong một biển máu, sau khi đã làm đổ ra một biển máu. Sự dũng cảm của những con người của Phong Trào xô Viết Nghệ Tĩnh đã rất phi thường, nhưng nó hoàn toàn không do lòng yêu nước mà đã chỉ được thúc đẩy bởi giấc mơ một cuộc sống không còn áp bức.

Tôi đã nói chuyện với vô số người cộng sản và cố gắng vượt qua cái vỏ bề ngoài của họ, tôi luôn luôn tìm thấy giấc mơ đó đằng sau cái bình phong yêu nước. Đó mới chính là lý tưởng đã khiến họ chấp nhận mọi gian khổ, nếu cần hy sinh cả tính mạng. Tôi cũng đã quan sát và trao đỗi với các trí thức cộng sản. Điều tôi có thể quả quyết là không ai lầm lần cả. Tất cả đều đã tán thành chủ nghĩa cộng sản, hay ít ra đã chấp nhận nó. Không có một người nào đã theo phong trào cộng sản vì tưởng rằng nó không phải là cộng sản cả.

Đảng cộng sản cũng không hề giấu mục tiêu của họ. Họ sử dụng danh nghĩa giải phóng dân tộc song song với lý tưởng cộng sản chứ không phải thay cho lý tưởng cộng sản. Lúc nào họ cung đề cao đấu tranh giai cấp, ngay cả khi họ giải tán một cách tượng trưng Đảng cộng sản Đông Dương. Vả lại, ngay cả cái tên Đảng cộng Sản Đông Dương cũng đủ để nói lên rằng yếu tố Việt nam không hề có trong ưu tư của họ. Không thể nói là họ đã lường gạt. Sự bội ước này có thực, nhưng không phải ở chỗ họ đã đem áp dụng chủ nghĩa cộng sản, mà ở chỗ đảng cộng sản đã không thực hiện được lý tưởng công bằng xã hội mà chủ nghĩa cộng sản đã hứa hẹn, thay vào đó là một chế độ đầy rẫy bất công và tham nhũng. Cũng có những người đã thất vọng vì nhận ra chủ nghĩa cộng sản là không tưởng. Nhưng không có ai không biết ngay từ đầu rằng mục đích của mặt trận Việt Minh là để thiết lập một chế độ cộng sản cả. Nói như vậy là không thành thực.

Vả lại, năm 1976, khi, sau chiến thắng, Đảng Lao Động được đỗi tên thành đảng cộng sản và chế độ cộng sản được chính thức tuyên bố, tôi hoàn toàn không thấy ai ngạc nhiên hay phẫn nộ cả. Tất cả nhưng người đã đóng góp cho thang lợi của đảng cộng sản đều hân hoan, hay ít ra không thất vọng. Thất vọng chỉ đến sau đó khi chế độ trở thành tham nhũng và đất nước bị suy thoái, đời sống nhân dân trở thành cơ cực.

Tôi không lên án người cộng sản là không yêu nước, tôi chỉ muốn nói là lòng yêu nước của người Việt mình nói chung là rất yếu. Trong thời kỳ Pháp thuộc, có lẽ chỉ có Việt nam Quốc Dân Đảng và một số hệ phái Đại Việt là thực sự chỉ lấy lòng yêu nước làm nền tảng. Nhưng Việt nam Quốc Dân Đảng đã không mạnh lên được, một phần vì thiếu tổ chức, một phần bị mọi thế lực đánh phá, nhưng lý do căn bản, theo tôi, vẫn là vì lòng yêu nước, lý tưởng duy nhất của Việt nam Quốc Dân Đảng, không đủ mạnh trong lòng người Việt nam để có thể động viên được sự hy sinh của nhiều người, như lý tưởng cộng sản.

Để đối đầu với đảng cộng sản, các chính quyền quốc gia đều chủ yếu do những người không yêu nước cầm đầu. Các chính quyền Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, ngoại trừ một vài nhân vật của Đại Việt và Việt nam Quốc Dân Đảng xuất hiện ngắn ngủi trong một thỏa hiệp giai đoạn, gồm toàn bộ những người đã hợp tác với chính quyền thuộc địa Pháp. Nhưng họ đã thất bại vì tham ô, kém cỏi chứ không phải vì không được coi là những người yêu nước.

Ông Ngô Đình Diệm xuất hiện đột ngột vào chính trường Việt nam và cầm quyền. Ông cũng không phải là một người yêu nước trái lại ông có một quá khứ dài hợp tác với người Pháp và đàn áp các phong trào yêu nước. Nhưng ông đã suýt nữa thành công. Ông thất nhân tâm vì vụng về, thiển cận chứ không phải vì bị lên án là không yêu nước. Yêu nước chưa bao giờ là một yếu tố quyết định để tranh thủ lòng người tại Việt nam. Người Việt nam hoặc không yêu nước, hoặc chỉ yêu nước một cách rất tương đối. Người cộng sản yêu chủ nghĩa của họ hơn đất nước. Người Công Giáo coi trọng tôn giáo của họ hơn đất nước. Những người cầm quyền phe quốc gia đặt quyền lợi của họ trên đất nước. Nhóm Phật Giáo ấn Quang tranh đấu để giành quyền lực và ảnh hưởng cho họ hơn là cho đất nước. Quần chúng Việt nam lo âu quyền lợi và sự yên ổn của mình hơn là cho tương lai đất nước. Tại sao và làm thế nào để khắc phục là những câu hỏi mà ta cần đặt ra. Nhưng ít nhất phải nhìn nhận sự thực đó, phải coi nó là một dữ kiện trong đầu đề của bài toán đất nước, để đừng tiếp tục cường điệu với nhau, đeo mặt nạ và nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của lưỡi gỗ.

Lòng yêu nước của người Việt nam không phải là không có nhưng rất mờ nhạt. Nó đã chỉ được thổi phồng lên do sự chia rẽ trầm trọng của dân tộc Việt nam. Nó không phải là một tình yêu vì người ta chỉ nhân danh tổ quốc để giết nhau chứ có bao giờ nhân danh tổ quốc để tha thứ và nhường nhịn nhau đâu. Sự xung đột đã khiến mọi phe phái đều phải đề cao một điều duy nhất mà mọi người có thể chấp nhận, đó là lòng yêu nước. Nhưng sự xung đột này tự nó cũng là bằng cớ rằng người Việt nam không yêu nước. Nếu thực sự yêu nước thì người Việt nam trước hết phải thương yêu nhau đã, chứ không thể phủ nhận, mạt sát, lên án, tiêu diệt nhau một cách dề dàng như vậy. Có thể nào tưởng tượng được một gia đình trong đó mọi người đều tha thiết yêu gia đình, nhưng lại xung đột, xâu xé nhau và sẵn sàng giết nhau hay không?

Một bằng cớ khác chứng tỏ người Việt nam không yêu nước lắm là có một số đông vẫn chống lại tinh thần hòa giải dân tộc. Vấn đề giản dị như thế này: khi một dân tộc đã có xung đột gay gắt thì chỉ có hai chọn lựa, một là hòa giải với nhau để quốc gia tiếp tục tồại và đi tới hai là không hòa giải và chấp nhận tan vỡ.

Nhưng dầu sao thì lòng yêu nước cũng vẫn là mẫu số chung của dân tộc này để tồại và tiến lên. Lòng yêu nước đó chưa có ở một mức độ cần có, chúng ta phải tạo ra hay phát minh lại. Trong khi chờ đợi, không nên lợi dụng và nhảm nhí hóa nó, vì nó vẫn là hy vọng thoát nguy duy nhất của ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét