Đinh Ngọc Thu / Phạm Tú Châu

Vì Sao Lý Thường Kiệt Trở Thành Hoạn Quan ?


Lý Thường Kiệt (1019-1105)

Hoạn quan còn được gọi là thái giám (1), dùng để chỉ những người có thể là do bẩm sinh
hoặc tự nguyện chịu tĩnh thân (2) để làm công việc hầu hạ vua chúa, hoàng hậu và các phi
tần trong cung cấm ngày xưa. Hoạn quan thường bị người đời khinh khi một phần là do

không còn khả năng có con để nối dõi tông đường. Hơn nữa, hoạn quan còn bị khinh rẻ là
vì có nhiều người bất tài, chỉ vì ham tiền bạc và danh vọng mà chịu tĩnh thân để làm hoạn
quan mong kiếm địa vị hoặc tiền bạc lo cho bản thân và gia đình. Không những thế, hoạn
quan còn bị mang tiếng xấu vì ở trong cung họ thường kết bè kết đảng để có quyền hành và
nhiều người đã sử dụng quyền hành đó mưu hại trung thần hoặc làm suy yếu hay làm sụp
đổ cả một triều đại mà chúng ta có dịp đọc qua trong sử sách.


Xưa nhất phải kể đến Triệu Cao, một hoạn quan được giữ chức thừa tướng dưới thời nhà
Tần và đã làm sụp đổ cả triều đại này. Triệu Cao đã giả di chiếu của Tần Thuỷ Hoàng, buộc
con trưởng là Phù Tô phải tự sát để nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hợi lên làm vua, tức
hoàng đế Tần Nhị Thế, rồi Triệu Cao cướp ngôi nhà Tần dẫn đến việc nhà Tần rơi vào tay
nhà Hán. Hay như dưới thời vua Hán Linh Đế (3) có loạn “Thập thường thị” (4), mười hoạn
quan thao túng triều đình, làm tan rã nhà Hán và quyền hành rơi vào tay Đổng Trác, mở
đường cho Tam Quốc phân tranh.

Trong lịch sử nước ta, không biết hoạn quan có từ bao giờ nhưng một trong những hoạn
quan được sử sách ghi lại dưới thời nhà Lý là Lý Thường Kiệt (5), vị tướng tài giỏi bậc nhất
và là anh hùng của dân tộc ta. Mặc dù có nhiều người phục cái tài của Lý Thường Kiệt,
ngưỡng mộ những công trạng mà ông đã lập được cho đất nước, nhưng cũng có không ít
nho gia đã khinh khi ông chỉ vì ông là một hoạn quan. Để biết được Lý Thường Kiệt có đáng
phải nhận thái độ khinh khi của các nho gia dành cho ông hay không, chúng ta hãy cùng
nhau tìm hiểu xem nguyên nhân nào ông trở thành hoạn quan.

Thân thế Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, sinh năm 1019 vào thời vua Lý Thái Tổ và mất năm
1105 dưới thời vua Lý Nhân Tông (6). Khi còn trẻ ông rất đẹp trai và được phong “Đệ nhất
mỹ nam tử” thời bấy giờ. Ông có tên tự là Thường Kiệt, sau được vua ban quốc tính đổi
sang họ Lý nên có tên là Lý Thường Kiệt (7). Ông là con của Sùng Tiết tướng quân (8) Ngô
An Ngữ (9), và bà Hàn Diệu Chi (10). Ngô An Ngữ là tướng của Khai Quốc vương Lý Long
Bồ (11), người con trai thứ hai của vua Lý Thái Tổ.

Ngô An Ngữ có công với triều Lý và tuẫn quốc (12), chẳng bao lâu sau thì vợ ông, bà Hàn
Diệu Chi cũng qua đời. Do cha mẹ mất sớm nên hai đứa con còn nhỏ của họ là Thường Kiệt
và Thường Hiến được Lý Long Bồ nhận làm con nuôi. Đến đời vua Lý Thánh Tông (13),
ông được vua nhận làm thiên tử nghĩa nam, tức con nuôi của vua. Ngoài ra, Lý Thường Kiệt
còn là cháu gọi bà Ngô Thuần Trúc (14), bằng cô. Ngô Thuần Trúc là phu nhân của tướng
Tạ Đức Sơn, người giữ chức Điện tiền Chỉ huy sứ, thống lĩnh ngự lâm quân của triều đình.
Ngoài ra, Lý Thường Kiệt còn có quan hệ họ hàng với bà Ngô Cẩm Thi (16), vợ của tướng
Tôn Đản (17).

Trong đời, ông đã từng giữ qua nhiều chức vụ quan trọng. Trước tiên là chức Thái tử Mật
thư tỉnh sự (18), giúp thái tử Lý Nhật Tôn (19) ở Đông cung, tức vua Lý Thánh Tông sau
này. Sau khi bị hoạn, ông được cho giữ chức Hoàng môn chi hậu (20), rồi được thăng đến
chức Nội thị sảnh đô tri (21), sau được cho giữ chức Đình Uý sứ, trông coi các việc về hình
án trong triều. Năm 1042, vua Lý Thái Tông giao cho ông cùng với một số đại thần soạn
thảo bộ Luật “Hình thư”, bộ luật này được xem là bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta.

Đến đời vua Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt được thăng đến chức Thái bảo (22), sau đó
do lập được nhiều chiến công trong trận đánh với Chiêm Thành nên ông được phong chức
phụ quốc Thái phó (23), tước Khai Quốc công (24). Đến tháng 8 năm 1075 ông được
phong chức Đôn quốc Thái uý (25). Đến khi mất, ông được vua Lý Nhân Tông truy phong
chức Kiểm hiệu Thái uý Bình chương sự (26) và ban tước Việt Quốc công.

Các đại công Lý Thường Kiệt đã lập

Các đại công Lý Thường Kiệt đã lập phải kể đến trận đánh Tống kinh thiên động địa cuối
năm 1075. Trận đánh này do Lý Thường Kiệt tổng chỉ huy (27) quân Đại Việt vượt biên giới
phía bắc đánh các châu phía nam của nhà Tống như: Khâm, Liêm và Ung châu (28) nhằm
phá huỷ đường xá, cầu cống, các kho lương thực và vũ khí mà Tống tích trữ để chuẩn bị
đánh Đại Việt.

Đây là kế hoạch của Linh Nhân hoàng thái hậu Ỷ Lan khi nhận được tin từ Khu Mật Viện Đại
Việt (29) rằng Tống đang luyện binh và tích trữ lương thực chuẩn bị đưa quân tấn công
nước ta theo kế hoạch nam tiến của Tể tướng nhà Tống là Vương An Thạch (30). Kế hoạch
đánh Tống của bà Ỷ Lan đã được Lý Thường Kiệt và các tướng lúc bấy giờ ủng hộ. Theo
kế hoạch này, Đại Việt phòng thủ bằng cách chủ động tấn công trước, đánh phủ đầu quân
Tống, phá kho lương thực, vũ khí, đường xá và cầu cống nhằm ngăn cản cuộc xâm lăng của
nhà Tống. Sau khi hoàn thành kế hoạch, hạ thành cuối cùng là thành Ung Châu, quân Đại
Việt rút về nước (31).

Dân gian có câu ca dao ca tụng việc Lý Thường Kiệt đưa quân qua biên giới phía bắc đánh
Tống trong trận này như sau:

Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng
Hoặc là:
Đem chuông đi đánh xứ người
Chẳng kêu cũng đánh vài hồi lấy danh

Chiến thắng này đã làm cho nhà Tống mất mặt đến mức vua Tống Thần Tông (32) đã phải
nhượng bộ nước Hạ ở phía tây và chấp nhận cắt đất dâng cho nước Liêu ở phía bắc để
rảnh tay đối phó với Đại Việt. Năm 1076, nhà Tống đã huy động toàn bộ lực lượng binh lính
ở phía bắc và phía tây tham gia vào cuộc chiến đánh trả thù, quyết tâm chiếm Đại Việt.
Trong trận này, hai tướng Quách Quỳ (33) và Triệu Tiết (34) cùng 12 tướng (35) đã từng
đánh trận ở Tây Hạ đem khoảng 30 vạn quân (36) tấn công Đại Việt. Nhưng với sự chỉ huy
tài giỏi của Lý Thường Kiệt, quân Tống đã bị đại bại ở trận chiến trên sông Như Nguyệt (37)
và buộc phải rút quân. Trận thắng Tống lần này đã làm đảo lộn cả giang san nhà Tống và
đã phá vỡ kế hoạch của Vương An Thạch (38).

Các lần cầm quân đánh quân Chiêm phải kể đến trận chiến năm 1069 (39), Lý Thường Kiệt
bắt được vua Chiêm là Chế Củ và các tôn thất, sau đó Chế Củ xin dâng 3 châu Bố Chính
(40), Địa Lý (41) và Ma Linh (42) để chuộc mạng. Tháng 10 năm 1103, mặc dù tuổi cao
nhưng Lý Thường Kiệt đã xin vua cho đi đánh Lý Giác (43) ở Diễn Châu nổi lên làm phản.
Năm 1104, ở tuổi 85 nhưng Lý Thường Kiệt vẫn còn cầm quân trực tiếp đi đánh Chiêm
Thành khi vua Chiêm là Chế Ma Na đem quân đánh lấy lại ba châu do Chế Củ đã dâng cho
Đại Việt để chuộc tội trước đây. Lý Thường Kiệt đã đánh thắng trận này, buộc Chế Ma Na
phải nộp lại vùng đất đó cho Đại Việt.

Vì sao Lý Thường Kiệt trở thành hoạn quan?

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra rằng tại sao vị anh hùng của dân tộc ta là một hoạn quan?
Hoạn quan thường không được trọng dụng trong những việc quốc sự và đánh giặc nhưng
Lý Thường Kiệt được cầm quân đánh giặc và lập được nhiều đại công làm cho quân Tống
phía Bắc, quân Chiêm phía Nam phải khiếp sợ. Điều này chứng tỏ Lý Thường Kiệt không
giống như những hoạn quan khác. Vậy việc tĩnh thân của Lý Thường Kiệt có một lý do đặc
biệt nào khác chăng? Hay ông là một hoạn quan bẩm sinh? Hoặc việc tĩnh thân của ông là
một tai nạn hay chính ông là một nạn nhân?

1. Lý Thường Kiệt là một hoạn quan bẩm sinh?

Lý Thường Kiệt chắn chắn không phải là một hoạn quan bẩm sinh vì trước khi trở thành
hoạn quan ông đã có một mối tình với Dương Hồng Hạc, tức hoàng hậu Thượng Dương sau
này. Dương Hồng Hạc là cháu của hoàng hậu Thiên Cảm (44), vợ vua Lý Thái Tông. nên
hoàng hậu Thiên Cảm đã sắp xếp cho cháu bà là Hồng Hạc trở thành vợ của thái tử Lý Nhật
Tôn, tức vua Lý Thánh Tông sau này.

Việc Dương Hồng Hạc trở thành vợ của thái tử Nhật Tôn có thể gây nguy hiểm cho Lý
Thường Kiệt nếu triều đình khám phá ra mối tình của ông với Hồng Hạc trước đây. Vì vậy,
cha nuôi của ông là Lý Long Bồ đã sắp xếp cho Lý Thường Kiệt đính hôn với Tạ Thuần
Khanh (45), là con gái của quan Điện suý Tạ Đức Sơn và bà Ngô Thuần Trúc. Trong khi
chờ đợi chính thức nên vợ nên chồng với Tạ Thuần Khanh thì Lý Thường Kiệt trở thành
hoạn quan, cho nên ông đã từ hôn với người vợ chưa cưới.

2. Lý Thường Kiệt tự hoạn vì tiền?

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích việc Lý Thường Kiệt trở thành hoạn quan. Có
người tin rằng vì vua Lý Thái Tông thấy Lý Thường Kiệt “mặt mũi đẹp đẽ” nên cho 3 vạn
quan tiền bảo tự hoạn để vào cung hầu hạ (46). Lập luận này không mấy có lý bởi vì, thứ
nhất số tiền 3 vạn quan là một số tiền rất lớn thời bấy giờ (47). Sử sách còn ghi lại rằng
năm 1254 vua Trần Thái Tông cho Phạm Ứng Mộng 400 quan bảo “tự hoạn” để vào cung
hầu hạ vua (48). Không thể nào trước đó 213 năm (49), số tiền vua cho Lý Thường Kiệt lại
lớn gấp 75 lần.

Thứ hai, Lý Thường Kiệt không thể vì túng tiền mà phải tự nguyện tĩnh thân để có 3 vạn
quan. Mặc dù cha mẹ mất sớm nhưng cha ông, Ngô An Ngữ là một công thần của nhà Lý
nên anh em Lý Thường Kiệt thừa hưởng gia sản của người cha để lại đủ để anh em ông
sống một cuộc sống không thua gì con cái của các quan lại trong triều, cho nên Lý Thường
Kiệt không thể nào “túng thiếu” đến mức phải tĩnh thân vì lý do tiền bạc.

3. Tự nguyện tĩnh thân để được vào cung?

Với cương vị là con của một công thần đã vì nước hy sinh và gia đình nối đời làm quan, Lý
Thường Kiệt đã có sẵn cánh cửa mở rộng để “tập ấm làm quan” mà không cần phải qua thi
cử dành cho những dân thường khác. Hơn nữa, ông còn là người tài trí thông minh, văn võ
song toàn thì việc vào cung không phải là chuyện khó; chỉ cần tham dự một kỳ thi ứng thí võ
công do triều đình mở ra, ông có thể đậu và trở thành một võ quan một cách dễ dàng.

4. Lý Thường Kiệt bị vua phạt?

Có một thuyết nữa cho rằng: “vua Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành bắt được Nùng Trí Cao
lại tha về, Lý Thường Kiệt can ngăn, vua cho là thất lễ bắt phải tĩnh thân, sau đó triệu cho
vào hầu cận” (50). Thứ nhất, Nùng Trí Cao (51) cai quản các khê động ở phía bắc giáp với
Tống, trong khi Chiêm Thành ở phía nam, nên vua Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành không
thể bắt được Nùng Trí Cao. Thứ hai, nếu cho rằng vua Lý Thái Tông vì lòng nhân từ mà tha
cho một người “nổi lên làm giặc” như Nùng Trí Cao thì không lý nào vua lại trở nên “hung
ác” đến độ “đem thiến” một người thân cận chỉ vì người đó can ngăn chuyện này.

5. Lý Thường Kiệt bị hại?

Có thuyết cho rằng Lý Thường Kiệt bị hại bằng cách cho đánh thuốc mê rồi hoạn ông trong
đợt tuyển hoạn quan dưới thời vua Lý Thái Tông và trong thời gian dài Lý Thường Kiệt
không biết ai đứng đàng sau chuyện này. Lập luận này có lý hơn khi nhìn lại những chuyện
“thâm cung bí sử” trong cung đình lúc bấy giờ.

Nếu không biết chuyện tình cảm trước đây của Lý Thường Kiệt với Dương Hồng Hạc cũng
như chuyện lộng quyền của gia đình họ Dương đối với triều Lý dẫn đến việc họ Dương làm
gian tế cho Tống như thế nào, có thể chúng ta nghĩ rằng Lý Thường Kiệt trở thành hoạn
quan là do những nguyên nhân kể trên. Để hiểu thêm chuyện cung đình lúc bấy giờ, xin
nhắc vài sự việc để chúng ta có thêm dữ kiện liên quan đến câu chuyện của Lý Thường Kiệt.

Dương Hồng Hạc là hoàng hậu, vợ vua Lý Thánh Tông, sau này trở thành thái hậu Thượng
Dương. Thái hậu Thượng Dương là người mà chính sử ghi rằng đã bị hoàng thái hậu Linh
Nhân, tức bà Ỷ Lan chôn sống với 72 cung nữ sau khi vua Lý Thánh Tông băng hà. Mặc dù
chính sử ghi nguyên nhân của câu chuyện này không rõ ràng lắm nhưng các nguồn tư liệu
khác có nói việc chôn sống này là do thái hậu Thượng Dương cùng với 72 cung nữ là “tay
chân” của bà và những người thân thuộc họ Dương đã làm gian tế cho Tống, được nhà
Tống sắp xếp cướp ngôi khi vua Lý Thánh Tông mất (52).

Dương Hồng Hạc là con của Dương Đức Uy và là cháu gọi hoàng hậu Thiên Cảm, vợ vua
Lý Thái Tông, bằng cô. Khi hoàng hậu Thiên Cảm được vua Lý Thái Tông sủng ái, cha của
bà là Dương Đức Thành được phong làm Tể Tướng. Từ đó thế lực họ Dương được hình
thành như: Dương Đạo Gia (53), Dương Đức Uy (54), Dương Đức Thao (55), Dương Đức
Huy (56)…ba thế hệ lần lượt nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều.

Để tạo thêm thế lực cho họ Dương, hoàng hậu Thiên Cảm đã đem đứa cháu gọi bằng cô
ruột là Dương Hồng Hạc gả cho con chồng là thái tử Lý Nhật Tôn để khi Nhật Tôn lên làm
vua thì Hồng Hạc trở thành hoàng hậu. Trước khi lấy Hồng Hạc, thái tử Nhật Tôn đã được
cảnh giác về việc họ Dương lộng quyền có thể dẫn đến cướp ngôi vua như Vương Mãng
cướp ngôi nhà Hán, vì vậy Nhật Tôn không muốn gần gũi với Hồng Hạc vì lo sợ nếu có con
sẽ trúng kế họ Dương.

Mặc dù làm vợ thái tử nhưng Dương Hồng Hạc chẳng hề được chồng đoái hoài tới nên
Hồng Hạc nhớ tới người tình cũ – Lý Thường Kiệt, người đang giữ chức Thái tử Mật thư tỉnh
sự, giúp thái tử Nhật Tôn ở Đông cung. Mặc dù giữa Thường Kiệt với Nhật Tôn bên ngoài là
quan hệ chúa – tôi nhưng bên trong hai người rất gần gũi và thân với nhau vì hai người đều
là con nuôi của Lý Long Bồ, cùng chơi đùa với nhau từ thời thơ ấu. Vì vậy, Dương Hồng Hạc
đã nhờ Thường Kiệt giúp mình nói với Nhật Tôn để được “ban hồng ân”.

Có lẽ vì lo cho hậu vận nhà Lý nên Thường Kiệt đã không nhận lời giúp đỡ Hồng Hạc. Phải
chăng vì lý do đó mà ông đã bị Hồng Hạc và hoàng hậu Thiên Cảm ra tay bức hại trong một
đợt tĩnh thân tuyển hoạn quan vào cung? Hậu quả của việc này cũng giải thích phần nào lý
do tại sao Lý Thường Kiệt đã đứng về phe của bà Ỷ Lan chứ không phải là phe của hoàng
hậu Thượng Dương trong việc tranh giành quyền “nhiếp chính” sau khi vua Lý Thánh Tông
mất.
Riêng về cuộc đời của Dương Hồng Hạc, sau khi thái tử Nhật Tôn lên ngôi tức vua Lý Thánh
Tông, hoàng hậu Thiên Cảm lúc đó trở thành thái hậu và đã ép vua Lý Thánh Tông phong
Hồng Hạc làm hoàng hậu, tức hoàng hậu Thượng Dương. Nhưng từ khi được tiến cung đến
khi trở thành hoàng hậu cho tới khi vua Lý Thánh Tông mất, Dương Hồng Hạc hay hoàng
hậu Thượng Dương sau này chưa một lần được vua “ban ân sủng”. Bà đã sống âm thầm
lặng lẽ trong cung với mối hận nhà Lý không nguôi nên đã cùng với bác là Tể tướng Dương
Đạo Gia và tay chân họ Dương âm mưu cướp ngôi nhà Lý khi vua Lý Thánh Tông mất. Vì
vậy mới có câu chuyện thái hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ bị giam và bị chôn sống
theo vua Lý Thánh Tông mà chúng ta đã biết qua sử sách.

Tâm ý của người viết:

Bài viết này chỉ muốn phân giải phần nào nguyên nhân trở thành hoạn quan của Lý Thường
Kiệt, người mà cho dù đã lập được nhiều đại công nhưng vẫn bị các nho gia khinh khi.
Đứng trên phương diện nhìn về lịch sử đã qua, cho dù Lý Thường Kiệt là hoạn quan với bất
kỳ lý do nào khác, lòng tôn kính của hậu thế chúng ta đối với ông phải dựa trên những công
trạng ông đã đóng góp cho đất nước, trong đó chiến công hiển hách nhất là đánh Tống để
giữ vững nền độc lập cho nước Đại Việt. Công trạng đối với đất nước mới là điểm chính yếu
xác định ai là anh hùng dân tộc, là người mà muôn dân phải luôn tôn kính và ghi nhớ.
17-10-2008
Đinh Ngọc Thu
Ghi chú:

(1) Mặc dù hoạn quan và thái giám được dùng cùng một nghĩa nhưng trước đây hoạn
quan không hẳn là thái giám mà hoạn quan dùng để chỉ những người phục dịch, hầu hạ
vua, không nhất thiết phải là người bị thiến. Cho đến thời Đông Hán mới có lệnh ban ra là
hoạn quan phải là người đàn ông bị thiến. Đến đời nhà Minh, từ “thái giám” xuất hiện và
người được giữ chức thái giám phải là hoạn quan. Từ đó, thái giám được dùng để chỉ hoạn
quan.
(2) Tĩnh thân: còn gọi là hoạn, thiến, yêm cát, cung hình, hủ hình, âm hình, tàm
thất…chỉ việc cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn bộ phận sinh dục người nam hoặc làm cho
người đó không còn khả năng quan hệ với phụ nữ nhưng không nhất thiết phải thiến hoặc
cắt bỏ.

(3) Hán Linh Đế: là vua thứ 12 thời Đông Hán, cai trị từ năm 168-189.

(4) Loạn “thập thường thị”: mười tên hoạn quan hợp nhau khuynh đảo triều chính:
Trương Nhượng, Triệu Trung, Phong Tư, Tào Tiết, Hầu Lãm, Kiển Thạc, Trình Khoáng, Hạ
Huy, Quách Thắng.

(5) Hoạn quan đầu tiên nhiều người cho là Đỗ Thích, người được cho là đã giết vua
Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn. Nhưng chính sử ghi hoạn quan đầu tiên là Lý
Nhân Nghĩa, giúp thái tử Lý Đức Chính (tức Lý Phật Mã) dẹp loạn chư vương (Dực Thánh
vương, Đông Chinh vương, Vũ Đức vương) lên ngôi, tức vua Lý Thái Tông. Hoạn quan
được biết sau đó là Lý Thường Kiệt.

(6) Lý Nhân Tông: là con của vua Lý Thánh Tông và bà Ỷ Lan, có tên huý là Lý Càn
Đức, là vua thứ tư nhà Lý. 1. Lý Thái Tổ – Lý Công Uẩn, 2. Lý Thái Tông – Lý Phật Mã hay
Lý Đức Chính, 3. Lý Thánh Tông – Lý Nhật Tôn, 4. Lý Nhân Tông – Lý Càn Đức.

(7) Có nguồn tin cho rằng Thường Kiệt được ban họ Lý vì công lao của cha ông đối với
triều Lý nên sau khi cha ông - Ngô An Ngữ - mất, ông được ban quốc tính đổi họ. Nhưng
cũng có nguồn tin cho rằng ông được đổi sang họ Lý khi lập được đại công sau này.

(8) Sùng Tiết tướng quân: tức Sùng ban Lang tướng.

(9) Ngô An Ngữ: là cháu đời thứ năm của Ngô Quyền. Ngô An Ngữ là con Ngô Ích Vệ,
cháu nội Ngô Xương Xí, cháu cố (chắt) Ngô Xương Ngập, chút của Ngô Quyền.

(10) Hàn Diệu Chi: là bạn của Ngô Thuần Trúc, phu nhân của tướng Tạ Sơn.

(11) Lý Long Bồ: là con trai thứ hai của vua Lý Thái Tổ. Ông là em của công chúa An
Quốc (vợ tướng Đào Cam Mộc) và công chúa Bảo Hoà (vợ Thân Thừa Quý). Lý Long Bồ là
người có nhiều mưu lược và cũng chính là người đứng đằng sau chỉ huy nhiều trận đánh
trong các cuộc đụng độ ở biên giới giữa ta với Tống. Vì sự hiểu lầm giữa ông với triều đình
(cho rằng ông làm phản) nên các công lao của ông không được chính sử ghi lại. Ông có hai
con trai là hoàng tử Lý Hoằng Chân và Lý Chiêu Văn là những anh hùng đã chỉ huy trận
đánh Tống năm 1075 và cả hai đã tử trận trong trận đánh Tống trên sông Kháo Túc (Nham
Biền) sau đó.

(12) GS Lê Văn Lan cho rằng: năm 1031 Ngô An Ngữ đi tuần ở Thanh Hoá và mất tại
đó. Nhưng theo các nguồn sử liệu khác thì Ngô An Ngữ chết năm 1028 trong trận triều đình
dẹp loạn các chư vương, khi quân của chư vương đánh phá Trường Yên. Vì vậy, Ngô An
Ngữ đã được vua ban hai câu đối như sau:

“Đã đem xương máu đền non nước,

Còn mãi tinh thần với gió trăng”

Sau khi mất, vua chiếu công lao truy phong chức tước cho ông là Tả kim Ngô Thượng
Tướng quân, Đồng Trung thư Môn hạ Bình chương sự, Trường Yên Tiết độ sứ.

(13) Lý Thánh Tông: có tên huý là Lý Nhật Tôn, là vua thứ ba triều Lý.

(14) Ngô Thuần Trúc: là em gái của Ngô An Ngữ, cháu đời thứ năm của Ngô Quyền.

(15) Tạ Đức Sơn: tức Điện Suý Tạ Sơn vì ông giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, bảo vệ an
ninh hoàng cung.

(16) Ngô Cẩm Thi: theo gia phả họ Ngô, bà là con của Ngô Quảng Thiên, tức Ngô
Xương Anh. Ngô Cẩm Thi là cháu đời thứ năm của Ngô Quyền, dòng Ngô Xương Văn. Lý
Thường Kiệt, tức Ngô Tuấn là cháu đời thứ sáu của Ngô Quyền, dòng Ngô Xương Ngập.

(17) Tôn Đản: là tướng cùng với Lý Thường Kiệt chỉ huy các trận vượt qua biên giới
đánh các châu của Tống nhằm ngăn chặn kế hoạch xâm lược quân Tống. Mặc dù có công
lớn với đất nước nhưng cả đời ông chưa từng nhận chức tước hoặc bổng lộc của triều Lý.
Tôn Đản không phải là Nùng Tông Đán, người đứng đầu các châu mục bắc biên, như một
số sách lầm tưởng. Tôn Đản lớn hơn Nùng Tông Đán khoảng 40 tuổi và là con của Tôn
Trung Luận, còn Nùng Tông Đán là con của Nùng Tồn Thương. Nùng Tông Đán đã từng bỏ
ta theo Tống.

(18) Thái tử Mật thư tỉnh sự: tức là chức Mật thư Tỉnh sự thuộc phủ Thái tử (Đông
cung). Thường khi thái tử 13 tuổi được cho ra ở Đông cung để “tập làm vua”. Mỗi tháng
cũng thiết triều 3 lần nhưng không cùng ngày với vua. Chức Thái tử Mật thư Tỉnh sự là chức
quan nửa võ nửa văn, ngang với chức Tham tri (thứ trưởng ngày nay). Người giữ chức vụ
này luôn ở bên cạnh thái tử và có nhiệm vụ trình và đọc tất cả mọi tấu chương cho thái tử.
Khi thái tử ban lệnh ra thì người này có nhiệm vụ truyền lệnh và theo dõi xem lệnh đó có
được thi hành không.

(19) Lý Nhật Tôn: ông có tước Khai Hoàng vương, là vua Lý Thánh Tông sau này. Ông
là con của vua Lý Thái Tông và bà Triệu Liên Phương nhưng chính sử ghi mẹ ông là Linh
Cảm hoàng hậu – Mai Thị.

(20) Hoàng môn chi hậu: là hoạn quan theo hầu hạ vua. Ngoài ra, người giữ chức này
cùng với Hoàng môn Tổng quản chịu trách nhiệm khám tuyển các phi tần nạp vào hoàng
cung cho vua và các thân vương.

(21) Nội thị sảnh đô tri: người giữ chức này chịu trách nhiệm giám sát các công việc
hàng ngày trong hoàng cung.

(22) Thái bảo: là một chức quan trong hàng Tam sư: Thái sư, Thái phó, Thái bảo.

(23) Thái phó: cao hơn chức Thái bảo một bậc, cũng là một chức quan trong hàng Tam sư: Thái sư, Thái phó, Thái bảo.

(24) Khai Quốc công: Khai Quốc là tước hiệu, công là tước công.

(25) Thái uý: Chức quan đầu triều trong hàng tam công: Thái uý, Tư Đồ, Tư không. Thái uý tương đương với chức Tổng tư lệnh quân đội ngày nay.

(26) Tên đầy đủ của chức này là “Nhập nội Điện đô tri Kiểm hiệu Thái uý Bình chương
quân quốc trọng sự”.

(27) Trận bắc phạt Tống năm 1075: tổng chỉ huy là Lý Thường Kiệt cùng các tướng
Tôn Đản, Nguyễn Căn, Lý Kế Nguyên, Trung Thành vương Lý Hoằng Chân và Tín Nghĩa
vương Lý Chiêu Văn. Hoằng Chân và Chiêu Văn là cháu nội vua Lý Thái Tổ, hai ông là con
của Lý Long Bồ.

(28) Sử Việt ghi có ba châu là: Khâm, Liêm và Ung châu nhưng Tống sử ghi sáu châu:
Ung, Khâm, Liêm, Dung, Nghi và Bạch châu. Theo Việt Sử Kỷ Yếu thì sau khi hạ Ung Châu, Lý Thường Kiệt kéo quân lên Tân Châu. Viên quan coi châu này nghe tin quân ta kéo lên
liền bỏ trốn.

(29) Khu Mật Viện: tương đương với Hội đồng An ninh Quốc gia ngày nay ở Việt Nam,
gồm Bộ Công an, Cục Tác chiến, Cục Quân báo và Cục Phản gián.

(30) Vương An Thạch: được xếp trong “Đường Tống Bát Đại Gia”, tức là tám nhà thi
hào lỗi lạc nhất đời Đường – Tống. Ngoài ra, ông còn là Tể tướng thời vua Tống Thần Tông. Vương An Thạch đã đưa ra Tân Pháp nhằm cải cách tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Tống lúc bấy giờ. Trong Tân Pháp có nhiều điểm tiến bộ mà nhiều người cho rằng nếu việc thực hiện thành công có thể Trung Hoa sẽ qua mặt cả châu Âu và châu Mỹ sau này.

Tiếc rằng do bị các quan trong triều chống đối Tân Pháp nên Vương An Thạch đã xui vua
Tống đánh Đại Việt để lấy lại uy tín nhưng sự thất bại ở Đại Việt đã làm cho ông mất chức
Tể tướng và Tân Pháp cũng bị huỷ bỏ.

(31) Quân Đại Việt bắt đầu rút quân ngày 23 tháng giêng năm Bính Thìn, tức 1-3-1076.

(32) Tống Thần Tông: tên là Triệu Húc, con của vua Tống Anh Tông – Triệu Thự.
Tống Thần Tông là vua thứ sáu nhà Tống: 1. Tống Thái Tổ - Triệu Khuông Dẫn, 2. Tống
Thái Tông - Triệu Khuông Nghĩa, 3. Tống Chân Tông - Triệu Hằng, 4.Tống Nhân Tông -
Triệu Trinh, 5. Tống Anh Tông - Triệu Thự, 6. Tống Thần Tông - Triệu Húc. Nhưng Triệu
Thự không phải là con ruột của vua Tống Nhân Tông. Triệu Thự là cháu cố của vua Tống Thái Tông, vì vua Tống Nhân Tông không có con trai nên nhận ông làm con nuôi và
nhường ngôi cho ông.

(33) Quách Quỳ: dòng dõi Quách Quân Biện, người đã bị bắt sống trong lần quân Tống xâm lược nước ta năm 981 dưới thời vua Lê Đại Hành. Quách Quỳ từng giữ chức Tuyên vũ sứ Quảng Nam (Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay), sau được cử làm Kinh lược chiêu thảo sứ, kiêm Nguyên soái, Tổng quản, Chánh sứ trong cuộc chiến chinh phạt Đại Việt.

(34) Triệu Tiết: từng giữ chức An phủ sứ Quảng Nam Tây Lộ, tức Quảng Tây, sau được cử làm phó Nguyên soái, phó Tổng quản, cùng với Quách Quỳ sang đánh Đại Việt.

(35) Tên của 12 tướng này là: Khúc Chẩn, Vương Mẫn, Diêu Tự, Lôi Tự Văn, Lý Hạo,
Dương Vạn, Trương Chi Giám, Lữ Chân, Trương Thế Cự, Lê Hiếu Tôn, Địch Tường, Quảng
Vi. Các tướng này đã qua kinh nghiệm trận mạc và có chức tước, đã chính thức giữ chức chỉ
huy các đạo binh. Nhưng theo chính sử Việt thì chỉ có 9 tướng.

(36) Chính sử Việt ghi chỉ có 10 vạn quân. Nhưng theo các nguồn sử liệu khác thì con
số này hơn 30 vạn. Theo nhật ký hành quân của Quách Quỳ và Triệu Tiết trong “Quách Thị
Nam Chinh” và “Triệu Thị Chinh Tiễu Giao Chỉ Ký” thì tổng số quân sang đánh nước ta
trong trận đó là 96 vạn, được chia ra như sau: 30 vạn binh triều, 16 vạn binh các lộ, châu, 5
vạn kỵ binh, 5 vạn thuỷ binh, 40 vạn bảo binh (quân đi theo vận chuyển lương thảo, nấu ăn,
tắm rửa cho ngựa. Khi cần có thể xung trận). Thiết nghĩ, con số phải là trên 10 vạn vì theo
tài liệu thì số quân này từ biên giới phía bắc và phía tây được điều động về cùng với quân
triều đình đưa sang đánh nước ta. Nếu cần 10 vạn quân cũng có thể lấy thiên tử binh của
triều đình, không cần phải điều động quân thêm từ các chiến trường. Vả lại mục đích tiến
quân lần này là để trả thù cho 10 vạn quân, dân bị chết trong trận vừa rồi và cũng để “làm
cỏ” Đại Việt thì không thể mang chỉ có 10 vạn là đủ.

(37) Sông Như Nguyệt: tức sông Cầu ngày nay. Lý Thường Kiệt đã cho quân lập ba
phòng tuyến chặn quân Tống trên sông này ở ba đoạn: Phú Lương, Kháo Túc (tức Nham
Biền) và Như Nguyệt. Sau khi các nơi khác bị thất thủ thì phòng tuyến trên sông Như Nguyệt
là nơi cuối cùng chặn giặc không cho tiến vào Thăng Long. Nơi đây đã xảy ra trận đánh
kinh thiên động địa, hơn ½ số quân Tống bị giết, buộc Quách Quỳ phải lui binh.

(38) Trong lúc giữa Tống và Liêu với Tây Hạ còn đang cầm cự, Vương An Thạch xin
vua Tống Thần Tông đem quân đánh Đại Việt. Khi Đại Việt thua thì các nước phía nam như:
Đại Lý, Lão Qua, Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm La sẽ thần phục nhà Tống, lúc đó Tống
đưa quân các nước này lên đánh dẹp Liêu và Tây Hạ dễ dàng. Vua Tống nghe lời, cho
luyện tập binh mã, tích trữ lương thực, xây dựng đường xá chuẩn bị đánh Đại Việt, đồng thời
cấm không cho buôn bán qua lại giữa hai nước để nước ta không biết việc làm này. Tống
âm thầm chuẩn bị được 3 năm thì Đại Việt biết được và kéo quân qua đánh. Thất bại ở Đại
Việt đã làm cho Vương An Thạch bị phe chống đối buộc vua Tống Thần Tông cách chức,
năm 1076 An Thạch về quê sống ở Giang Ninh.

(39) Trận đánh Chiêm 1069: có nhiều nguyên nhân quân ta đánh Chiêm trong trận
này nhưng nguyên nhân chính là do Tống xúi Chiêm tràn qua biên giới giết người Việt. Vì
vậy, Đại Việt đánh Chiêm cũng với mục đích là dằn mặt Tống.

(40) Bố Chính: nay là đất các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, tỉnh Quảng
Bình.

(41) Địa Lý: sau còn gọi là châu Lâm Bình, nay là đất huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình.

(42) Ma Linh: sau còn được gọi là châu Minh Linh, nay là đất huyện Bến Hải, tỉnh
Quảng Trị.

(43) Lý Giác: người học được tà thuật, tự xưng là tướng nhà trời nên nhiều người ở
Diễn Châu theo về. Nhân đó Lý Giác giữ Diễn Châu làm phản, chống lại triều đình. Sau khi
bị Lý Thường Kiệt đánh dẹp, Lý Giác qua Chiêm xúi vua Chế Ma Na đánh Đại Việt.

(44) Hoàng hậu Thiên Cảm: tức Dương hậu. Bà là con của Tể tướng Dương Đức
Thành và là em của Dương Đức Uy, tức cô ruột của Dương Hồng Hạc. Dương hậu là người
thiếp yêu của vua Lý Thái Tông, tháng 7-1035 bà được lập làm hoàng hậu.

(45) Tạ Thuần Khanh: là em con của người cô của Lý Thường Kiệt.

(46) Xin xem: “Hoạn quan”, Nguyễn Thị Chân Quỳnh:

http://vietsciences.free.
fr/vietnam/vanhoa/phongtuc/hoanquan.htm
(47) Vào thời điểm đó, mỗi quan tiền là 600 đồng, 30.000 quan bằng 18.000.000 đồng.
Giá một thùng gạo (10.75 kg) là 5 đồng, vậy 30.000 quan có thể mua được 3.600.000 thùng
gạo, tức 38.700.000 kg gạo. Nếu 1 kg gạo nuôi 2 người lính trong một ngày, thì số gạo trên
có thể nuôi 75.000 lính trong khoảng 3 năm, một số tiền rất lớn.

(48) Phạm Ứng Mộng: xem Đại Việt Sử Ký Toàn Thư quyển V, phần I.

(49) Nguồn tin này cho rằng Lý Thường Kiệt bị hoạn khi 23 tuổi, tính theo tuổi ta tức
năm 1041.

(50) Xin xem: “Hoạn quan”, Nguyễn Thị Chân Quỳnh: http://vietsciences.free.

fr/vietnam/vanhoa/phongtuc/hoanquan.htm
(51) Nùng Trí Cao: con của Nùng Tồn Phúc và bà A Nùng. Nùng Trí Cao là thủ lĩnh các
khê động ở biên giới phía bắc giáp Tống và đã nhiều lần nổi dậy chống Tống với sự trợ
giúp của nhà Lý đứng đằng sau. Sau đó Nùng Trí Cao chiếm đất Tống lập nên nước Đại
Nam, tồn tại khoảng ba năm.

(52) Các nguồn sử liệu Tống có ghi lại việc này như sau: vua Tống cho người sang Đại
Việt với lời hứa sẽ phong cho Dương Đạo Gia làm Giao Chỉ Quận Vương nếu cướp được
ngôi nhà Lý. Nhà Tống muốn Dương Đạo Gia tổ chức binh biến cướp ngôi với lời hứa nếu
thất bại thì họ sẽ gửi quân Tống sang giúp. Họ Dương tin lời và đã tổ chức cướp ngôi ngay
khi vua Lý Thánh Tông mất, đưa hoàng hậu Thượng Dương lên làm thái hậu, nắm quyền
trong triều. Ỷ Lan là mẹ vua Lý Nhân Tông chỉ được làm thái phi mặc dù bà rất tài giỏi, trước
đây đã làm nhiếp chính khi vua Lý Thánh Tông cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Nhờ có sự
giúp đỡ của Lý Thường Kiệt nên phe bà Ỷ Lan lật đổ được phe hoàng hậu Thượng Dương
rồi lên nắm quyền nhiếp chính, bà Ỷ Lan được tôn lên làm hoàng thái hậu Linh Nhân. Sau
khi thất bại, quân Tống đã không qua giúp họ Dương như lời hứa nên phe họ Dương đã bị
diệt.

(53) Dương Đạo Gia: tức Dương Đức Minh. Ông giữ chức Tể tướng kế tiếp cha ông,
Dương Đức Thành. Dương Đạo Gia là bác của Dương Hồng Hạc.

(54) Dương Đức Uy: tức Dương Đức Khai, là cha của Dương Hồng Hạc. Đức Uy giữ
chức Tham tri bộ Lại, tương đương chức Thứ trưởng bộ Nội Vụ ngày nay.

(55) Dương Đức Thao: Anh trai của Dương Hồng Hạc.

(56) Dương Đức Huy: là con của Dương Đức Thao, cháu gọi Dương Hồng Hạc bằng
cô.

Tài liệu tham khảo :

- “Battlefronts Real and Imagined: War, Border, and Identity in the Chinese Middle
Period”, edited by Don J. Wyatt. Phần “Shifting Frontier Alliances in the Breakdown of Sino-
Vietnamese Relations on the Eve of the 1075 Border War”, của James A. Anderson.

- “Chế độ hoạn quan ở Việt Nam có từ khi nào”? http://www.sggp.org.

vn/bandocdatcauhoi/2006/12/75072/

- Danh nhân đất Việt: “Lý thường Kiệt”, của PTS Văn Khuê.

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển II và III: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên
soạn thảo năm 1272 – 1697, do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992).

- “Hà Nội ngàn năm” của GS Lê Văn Lan. Tạp chí Thăng Long, số 7-2002.

- “Hoạn quan”, Nguyễn Thị Chân Quỳnh: http://vietsciences.free.

fr/vietnam/vanhoa/phongtuc/hoanquan.htm
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – chính biên, quyển II và quyển III, và quyển VI, Quốc Sử Triều Nguyễn, biên soạn năm 1856-1881 và do Viện Sử Học dịch năm1957-1960.

- “Kinh đô Rồng”, “Một mất một còn” và “Thời vàng son” trong “Thăng Long ký”, của
Nguyễn Khắc Phục. Nhà Xuất Bản Thanh Niên, 2004.

- “Lý Thường Kiệt: Lịch sử, ngoại giao và tôn giáo triều Lý”, của GS Hoàng Xuân Hãn.
- “Lý Thường Kiệt” của Nguyễn Mộng Khôi.

- “Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc”, phần: “Chiến thắng Như

Nguyệt” của các tác giả: Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phan Thị Tâm và
Trần Bá Chí.

- Nam Quốc Sơn Hà” của GS Trần Đại Sĩ.

- Nhật ký hành quân: "Quách Thị Nam Chinh" của Quách Quỳ và "Triệu Thị Chinh Tiễu
Giao Chỉ Ký" của Triệu Tiết, hai người là chánh và phó Nguyên soái của Tống trong cuộc
nam chinh đánh Đại Việt vào năm 1076.

- “Nhị trình di thư”, của Trình Di & Trình Hạo, phần “Tống – Lý giao bang tập lục”.

- “Những dấu tích Lý Thường Kiệt trên đất Hà Nội” của Vân Ngọc: http://www.suutap.
com/default.asp?id=858&muc=3

- Nùng Trí Cao: “Người Choang, các dân tộc ít người vùng biên giới Việt – Hoa trong
triều đại nhà Tống”, của Jeffrey G. Barlow.

- “Song-Lý War of 1075-77, detailed account of the conflict with Dai Viet”, Chiến tranh
Tống – Lý năm 1075-1077, chi tiết dẫn tới cuộc khủng hoảng với Đại Việt.
China History
Forum: http://www.chinahistoryforum.com/index.php?showtopic=26426

- “The Rebellion of Nong Zhigao” (Sự nổi dậy của Nùng Trí Cao) by Jeffrey G. Barlow.

- Việt Nam Sử Lược, phần IV. Trần Trọng Kim.

- “Việt Sử Kỷ Yếu”, của Trần Xuân Sinh. Nhà Xuất Bản Hải Phòng, 2004.

- Ngoài các nguồn tài liệu kể trên, bài viết này còn sử dụng nhiều nguồn tài liệu tranh
luận trên các Diễn đàn Lịch sử, Diễn đàn Sử học, Diễn đàn Viện Việt học…

Đính kèm :
PHẠT TỐNG LỘ BỐ VĂN


Thiên sinh chưng dân, quân đức tắc mục. Quân dân chi đạo, vụ tại dưỡng dân. Kim văn,
Tống chủ hôn dung, bất tuần thánh phạm. Thính An Thạch tham tà chi kế, tác "thanh miêu",
"trợ dịch" chi khoa. Sử bách tính cao chi đồ địa, nhi tư kỳ phì kỷ chi mưu.

Cái vạn dân tư phú ư thiên, hốt lạc na yếu li chi độc. Tại thượng cố nghi khả mẫn, tòng tiền
thiết mạc tu ngôn.

Bản chức phụng quốc vương mệnh, chỉ đạo Bắc hành: dục thanh yêu nghiệt chi ba đào,
hữu phân thổ vô phân dân chi ý; yếu tảo tinh uế chi ô trọc, ca Nghêu thiên thưởng Thuấn
nguyệt chi giai kỳ.

Ngã kim xuất binh, cố tương chửng tế. Hịch văn đáo nhật, dụng quảng văn tri. Thiết tự tư
lường, mạc hoài chấn bố.

BÀI VĂN LỘ BỐ KHI ĐÁNH TỐNG

Trời sinh ra dân chúng, Vua hiền ắt hoà mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe
vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương
An Thạch, bày những phép "thanh miêu","trợ dịch", khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà
riêng thỏa cái mưu nuôi mình béo mập.

Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại.
Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc từ trước, thôi nói làm gì!

Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng
yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ
bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thăng bình!

Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi
người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi!

Dịch giả Trần Văn Giáp

THỈNH ĐẾ XUẤT QUÂN THẢO LÝ GIÁC


Đế vị quần thần viết:
- Tặc Giác kiệt hiệt, trạch tráng giả đương chi. Thường Kiệt cửu tòng nhung trướng, kim lão
hỹ: Phục uỷ dĩ quân sự, phi trẫm sở đãi lão thần dã.

Thường Kịêt tấu viết:

- Thần sơ niên vị nhàn tướng lược, chinh Chiêm phạt Tống, hạnh nhi thành công, giai bệ hạ
chi linh, tướng thần chi lực dã. Kim mông quốc ân, vị lộc chí thử, nhược tọa thị tặc Giác
tuyên kiêu, thần tử bất minh mục hĩ

XIN VUA CHO CẦM QUÂN ĐI ĐÁNH LÝ GIÁC


Vua bảo bầy tôi rằng:

- Giặc Giác là tay kiệt hiệt, phải chọn viên tướng mạnh mới đối địch được.Thường Kiệt ở
trong quân trướng đã lâu, nay già rồi. Nếu lại đem việc binh giao cho thì đó không phải là
cách trẫm đối xử với bậc lão thần.

Thường Kiệt tâu:

- Thần trước kia chưa thông thạo mưu lược làm tướng; bình Chiêm, phá Tống may mà
thành công, đều nhờ oai linh của bệ hạ và sức lực của các tướng. Nay nhờ ơn nước, được
hưởng ngôi cao lộc hậu đến thế, nếu cứ ngồi nhìn tên giặc Giác mặc sức kiêu rông thì thần
chết không nhắm mắt được.
Dịch giả Phạm Tú Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét