Nguyễn Gia Kiểng 002

Sơn hà gấm vóc
  Tôi còn nhớ một bài thơ học thuộc lòng lúc ở lớp Nhất tiểu học, không biết của tác giả nào :
Trên dải đất chạy ven bờ biển cả
Dưới trời Đông Nam á rạng màu xanh
Một giống người nhỏ bé nhưng tinh anh
Đã xây đắp một sơn hà gấm vóc...

Trong trí óc non yếu của tôi, nước Việt Nam ta rộng rãi và phì nhiêu, người Tàu chen chúc nhau phải di dân sang nước ta lập nghiệp. Đất nước ta, theo những bài học đầu đời của tôi và được nuôi dưỡng cho đến tuổi thanh niên, đầy tài nguyên phong phú. Nước ta đầy hứa hẹn và có một tương lai vô cùng xán lạn. ý nghĩ đất nước ta có tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú là ý nghĩ rất lan tràn. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu người quả quyết như vậy. Sau 30-4-1975, trong trại cải tạo, tôi được nghe rất nhiều sĩ quan, công chức của miền Nam cũ lên án đế quốc Mỹ là đã tới Việt Nam dề cướp bóc tài nguyên. Một anh cựu trung úy và tốt nghiệp văn khoa còn phát biểu rằng sở dĩ đế quốc Mỹ lập căn cứ Khe Sanh là vì ở đấy có một mỏ uranium lớn. Một công chức khác nói rằng Mỹ đến Việt Nam, hất Pháp ra là vì những giếng dầu khổng lồ của Việt Nam. Có anh còn nói các giếng dầu của Việt Nam, so với các giếng dầu ở Trung Đông như con voi so với con tem. Anh ta không giải thích tại sao Mỹ lại rút lui, bỏ rơi những giếng dầu khổng lồ đó. Dĩ nhiên họ phát biểu vì hoàn cảnh. Họ thua trận, họ vào tù, họ phải mạt sát chế độ Việt Nam Cộng Hòa và đế quốc Mỹ đề mong được khoan hồng. Nhưng những điều họ nói về tài nguyên đất nước là thành thực. Họ tin như thế. Tôi hỏi anh sĩ quan đã nói về mỏ uranium ở Khe Sanh thì anh ta không có một dữ kiện nào cụ thề cả, nhưng anh ta tin như thế và tin chắc như đinh đóng cột. Không hiểu vì lý do nào mà hầu hết mọi người Việt Nam đều có niềm tin sai lầm rằng đất nước Việt Nam bao la, tài nguyên của việt Nam vô tận. Cuốn Địa Lý Kinh Tế Việt Nam (Văn Trai, chủ nhiệm bộ môn Địa Lý Kinh Tế Trường Đại Học Kinh Tế Thành Phố Hò Chí Minh, xuất bản lần thứ 4 năm 1990) khẳng định: Các tài nguyên quặng mỏ nước ta có nhiều loại trữ lượng lớn, chất lượng cao, dễ khai thác, bảo đảm phát triển công nghíệp trong nước lâu dài và mạnh mẽ, đồng thời còn có thể xuất khẩu nữa. Niềm tin ở tài nguyên to lớn của đất nước rất thường gặp trong nhiều bài viết, bài nói và tác phẩm của các tác giả thuộc mọi khuynh hướng chính trị. Niềm tin này tạo ra một sự yên tâm tai hại. Hình như mọi người Việt Nam đều tin rằng đất nước mình thế nào rồi cũng sẽ phú cường, do đó mà mất đi sự lo lắng cần thiết đề giữ gìn đất nước và xây dựng tương lai. Và cũng vì thế mà có tâm lý phá hoại và vô trách nhiệm.

Sự yên tâm này không những chỉ tai hại mà còn làm chết người. Đó là tâm lý ngự trị trong đầu óc những người lãnh đạo đảng cộng sản. Năm 1945 họ thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, họ đập phá tất cả các thành phố, đường bộ, đường sắt. Trong chiến tranh họ không bao giờ lưỡng lự khi phá hoại bất cứ một công trình nào. Một bài tình ca yêu nước của người cộng sản có hai câu:
Em đi phá lộ Đông Dương,. Anh về đánh bốt Mỹ Lương, Đông Hà. (Đánh bốt có nghĩa là đánh đồn. Trẻ em thường hát sai thành đánh đốt). Thơ mộng quá! Còn ông Hồ Chí Minh? ông phát biểu quyết tâm chinh phục miền Nam như sau: Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy khôn thể nào thay đổi? Ghê gớm không? Sẵn sàng chấp nhận chiến tranh đến sông cạn, núi mòn, không lý gì đến sự tàn phá mà đất nước có thể phải chịu đựng. Một lần khác ông tuyên bố rằng đế quốc Mỹ có thể gia tăng ném bom tại Bắc Việt, có thể phá hoại đường sá, hay tiêu hủy nhiều thành phố nhưng sẽ không bao giờ làm cho đảng cộng sản Việt Nam nhụt ý chí đấu tranh. Độc giả đừng vội nghĩ rằng tôi đang chống cộng và kề tội người cộng sản. Tôi nghĩ rằng trong thâm tâm không nhiều thì ít ai cũng yêu nước, và người cộng sản cũng thế. Có lẽ sai lầm cơ bản là chúng ta không đánh giá đúng tiềm năng của đất nước và mức độ chịu đựng tối đa của nó. Chúng ta nghĩ rằng nước ta có tiềm năng vô tận và vì thế có bị đập phá cũng không sao. Nếu ngược lại ta ý thức rằng đất nước ta nhỏ bé chật hẹp, tài nguyên của ta ít ỏi, có lẽ ta sẽ hành xử rất khác. Ta sẽ quí từng con đường nhỏ, từng cây cầu, từng dãy phố, từng căn nhà. Chúng ta sẽ tránh được những phí phạm và những cuộc chiến tranh làm chết hàng triệu người và tàn phá đất nước. Mà sự thực ta có gì đâu? Mỏ quan trọng nhất trong đất liền của ta là than đá anthracite với trữ lượng 6 tỷ tấn. Sản lượng hàng năm là 8 triệu tấn, nếu khai thác tối đa có thể đạt tới 20 triệu tấn. Có nên khai thác tối đa hay không lại là một vấn đề khác. Nhưng ngay cả như thế sản lượng than dá của ta cũng chỉ bằng ba phần ngàn sản lượng hàng năm của thế giới, thua xa Cao Ly (77 triệu tấn), Ba Lan (150 triệu tấn), Đức (77 triệu tấn), Anh (93 triệu tấn). Đó chỉ là để kể một vài nước có diện tích tương đương hay nhỏ hơn nước ta. Và tất cả những nước này còn nhiều tài nguyên phong phú khác mà ta không có. Mỏ sắt của ta, được kể như một tài nguyên lớn, chỉ có trữ lượng tổng cộng 540 triệu tấn - nghĩa là rất khiêm nhường, tương đương với sáu tháng sản xuất trên thế giới -, đã thế lại phân tán ra trên 200 mỏ, cho nên không thể khai thác qui mô được. Các mỏ khác của ta đều không đáng kể. Thí dụ như nickel, một trong những tài nguyên được coi là quan trọng của ta chỉ có một trữ lượng tổng cộng cho các mỏ là 3 triệu tấn, nhưng phần lớn lại pha lẫn trong chrome, ở Cổ Định (Thanh Hóa), tương đương với một năm sản xuất của hòn đảo nhỏ xíu Nouvelle Calédonie. Ngoài ra ta có hai mỏ khác có triển vọng khá là mỏ chrome ở Thanh Hóa (trữ lượng 21 triệu tấn) và mỏ apathite ở Lào Cai (trữ lượng công nghiệp 135 triệu tấn). Từ vài năm gần đây, Việt Nam trông đợi rất nhiều vào đầu khí. Nhưng đây cũng chỉ có thể là một hy vọng rất khiêm nhường. Trữ lượng của ta, theo những ước đoán lạc quan, không bao nhiêu, chỉ vào khoảng 400 triệu tấn (thế giới: 400 tỷ tấn). Sản lượng dầu lửa hợp lý của ta sau này chỉ có thể đạt tới mức tối đa 15 triệu tấn mỗi nam, nghĩa là tương đương với một tuần lễ sản xuất của Mỹ, hoặc Nga, hoặc Saudi Arabia, trừ khi ta áp dụng chính sách ăn xổi ở thì, khai thác cho hết thực nhanh chóng và bất chấp tương lai. Trong trường hợp này những đầu tư thiết bị vào dầu lửa sẽ thành vô dụng sau một thời gian ngắn. Mặt khác, nhu cầu năng lượng của ta sẽ tăng lên mau chóng (ít ra ta phải hy vọng như vậy) cùng với đà phát triển, và các mỏ dầu chỉ giúp ta giảm nhẹ hóa đơn dầu nhập cảng mà thôi. Khí đốt hy vọng mới của Việt Nam cũng vậy, với một trữ lượng 100 tỷ mét khối (hy vọng rằng ta còn tìm được thêm), 1 % của trữ lượng trong vùng và 7 phần mười ngàn (7/10.000) trữ lượng thế giới, ta cũng chỉ có thể hy vọng bớt đi phần khí đốt phải mua vào mà thôi. Nếu cần một con số nói lên sự nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên của ta thì đó là con số 13. Hiện nay, năm 2000 chúng ta đứng hàng thứ 1 3 trên thế giới về dân số với 78 triệu người, nếu không kiểm soát được đà gia tăng thì đến đầu thế kỷ 21 chúng ta sẽ qua mặt Đức (80 triệu dân) để lên hàng thứ 12, nhưng ta không đứng trong số 13 nước đầu, mà cũng không đứng trong số 30 nước đầu, về một tài nguyên nào cả. Tài nguyên đã giới hạn như thế hiện nay chúng ta lại rất nghèo, rất lạc hậu, rất thua kém. Liệu chúng ta có một tương lai nào không? Và nếu muốn có thì phải làm thế nào? Hãy khoan trả lời những câu hỏi đó. Nhưng ngay tại đây ta có thể nói rằng ý thức được hoàn cảnh khó khăn của mình tự nó cũng đã là một hành trang quí báu, bởi vì nó cho ta một cách ứng xử đúng đắn, nó đem lại cho ta một thái độ lo lắng và thận trọng trong việc dựng nước, nó giúp ta ý thức được sự cần thiết của cố gắng .
Rất đượm hương và rộn tiếng chim
Không biết ông Tố Hữu có phải là nhà thơ theo đúng nghĩa của một nhà thơ không. Nhưng ông có tài làm thơ, hiểu theo nghĩa những câu ngắn có vần ở cuối, và tài làm thơ đã góp phần quyết định đưa ông lên gần tới tột đỉnh của danh vọng và quyền lực. ông biết dùng những hình ảnh rất đẹp và giản dị ngay cả khi đề diễn tả những tình cảm giả tạo với những mục đích rất thực tiễn. Như khi ông dùng hình ảnh đứa bé tập nói để ca tụng Stahn, hay khi ông dùng hình ảnh một người con ân cần nắm tay cha để nịnh Hồ Chí Minh. Bài thơ Từ ấy của ông được người cộng sản ca tụng như một bài thơ hay.
Nó bắt đầu như sau:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chiếu qua tim
Hon tôi là một vườn xanh lá
Rất đượm hương và rộn tiếng chim.
Qua những câu thơ này, ông Tố Hữu muốn diễn tả nỗi hân hoan của ông khi tìm ra chân lý Mác-Lênin và dấn thân tranh đấu trong Đảng Cộng Sản Việt Nam. Còn gì đẹp bằng màu xanh của lá và tiếng hót của chim? ông Tố Hữu đã tranh đấu và đã thành công. Lý tưởng của ông đã đạt được. Con đường thắng lợi của đảng ông đã đi qua hàng triệu xác chết. Để đi đến kết quả nào? Trong mùa hè 1992, một người bạn Pháp, sau chuyến đi công tác một tháng tại Việt Nam, kề cho tôi nghe là anh ta thường thức dậy sớm vì sai biệt giờ giấc. Anh ta nói khu anh ta ở không có chợ vì nằm ngoài thành phố và buổi sáng im lặng một cách lạ thường vì hoàn toàn không có một tiếng chim.

Anh ta có nhiều chuyện quan trọng hơn đề nói cho tôi nghe và tôi cũng có nhiều chuyện để hỏi anh ta; những số liệu, những cuộc gặp gỡ, những nhân vật đã tiếp xúc, nhận định, cảm tưởng v.v. Và tôi không lưu ý tới chi tiết này.
ít lâu sau, lại một người bạn khác, hay đi về Việt
Nam, kể cho tôi nghe chuyện qua bắc Mỹ Thuận. Tôi thình lình nhớ tới những quán bán chim nướng và hỏi anh ta có ăn chim nướng ở đó không. Anh ta trả lời rằng có, nhưng đó chỉ là gà con mới nở được đem chiên thay cho chim chứ chim không còn nữa. Tôi bắt đầu lưu ý tới đàn chim Việt Nam. Trong mùa hè 1993, nhiều anh em trong nhóm Thông Luận về thăm nhà. Tôi dặn mọi người đễ ý xem Việt Nam còn nhiều chim không. Họ đem thuật lại như nhau, và điều họ nói làm tôi sửng sốt: Việt Nam không còn chim? Chỉ có một người bạn đi từ Nam ra Bắc mới thấy một con chim ở Vịnh Hạ Long, anh ta vội vã lấy máy hình ra chụp ảnh con chim ấy đem về cho tôi. Cà Mau trước đây có một rừng cò lớn, có rất nhiều loại cò, nhiều đến nỗi có nhưng người chuyên đi vào rừng lượm trứng cò và mỗi ngày lượm được cả rổ đem ra chợ bán. Tôi dặn một người bạn nhớ viếng khu rừng cò đó và anh ta cho tôi hay khu rừng cò chỉ còn rất ít cò ít một cách không đáng kể. Thế là cuộc cách mạng của ông Tố Hữu thành công và Việt Nam hết chim. Còn màu xanh của lá? Những người qua lại Việt Nam đều đồng ý. Rừng bị phá hoại thẳng tay. Cho tới năm 1993, hàng ngàn công ty thi nhau đốn cây lấy gỗ xuất khau. Hàng trăm ngàn gia đình sống bằng nghe phá rừng lấy củi đem bán cho hàng triệu gia đình cần chất đốt. Chỉ tới giữa năm 1993, nhà nước mới ra lệnh cấm xuất cảng gỗ, và mới bắt đầu có một cố gắng rất hình thức để trồng lại rừng, nhưng rừng vẫn tiếp tục bị phá nhanh chóng. Nhà nước cộng sản cũng không giấu giếm việc này, và nhiều báo chí đã lên tiếng báo động. Nhưng còn gì để báo động? Những con số đã thực kinh khủng: 3/4 rừng Việt Nam đã bị phá, chỉ riêng trong 20 năm từ 1975 đến 1995, kể từ ngày đất nước thống nhất hơn một nửa diện tích rừng trên toàn quốc bị phá hủy. Mùa hè 1999, tôi lại được đọc một nguồn tin của nhà nước theo đó thì khoảng 1/3 diện tích rừng đã bị phá từ năm năm qua. Rừng Việt Nam còn lại bao nhiêu có lẽ không ai biết được một cách chính xác nhưng tôi nghĩ sự thực có lẽ còn bi đát hơn các con số. Báo chí thế giới đã nói tới rất nhiều, và chính quyền còn nói nhiều hơn, về những tàn phá gây ra cho rừng vì những thảm bom B52 và nhất là chất độc màu da cam của Mỹ. Điều đó đúng, và rừng cây Việt Nam đã bị thiệt hại rất nhiều. Nhưng không thấm vào đâu so với những tàn phá của 25 năm quản lý đất nước bất chấp môi sinh. Người ta cứ tưởng đất nước Việt Nam vô tận, thiên nhiên Việt Nam vô tận nên cứ thẳng tay tàn phá.
Vô lý nhất là việc cho phép xuất cảng gỗ cho tới vài năm gần đây cũng vô lý và đần độn như việc xuất khẩu kim loại phế thải trước đây với giá rẻ mạt, rồi bây giờ phải mua lại với giá đắt gấp mấy chục lần. Việt Nam chưa bao giờ dư gỗ cả. Chúng ta có gỗ để xuất khẩu chỉ vì chúng ta quá nghèo. Không cần nói tới miền Bắc và miền Trung, nơi cuộc sống nông thôn chỉ là một sự đầy đọa và ở đó chẳng làm gì có chuyện sắm bàn ghế, giường gỗ, tủ gỗ. Tôi đã đi qua các tỉnh miền Tây Nam phần trù phú, ở đó hầu như tất cả các căn nhà đòng quê đều dựng lên bằng tre, và mỗi gia đình chỉ có một hai chiếc giường bằng gỗ; bàn ghế hầu như không có. Khi mức sống đã tăng lên, và phải hy vọng là mức sống sẽ tăng lên, chúng ta sẽ phải nhập cảng một số lượng gỗ lớn. Đất nước ta đã chật hẹp, đã không có tài nguyên thiên nhiên, còn bị phá hủy và trở thành cằn cỗi. Không còn rừng xanh và bặt tiếng chim!
Ngày xưa, Nguyễn Trãi kể tội quân Minh tàn phá nước ta: Tàn hại cả côn trùng thảo mộc? Quân Minh không phải là người Việt Nam và vì thế có thể không quí trọng thiên nhiên Việt Nam. Ngày nay chính người Việt Nam tàn phá đất nước Việt Nam. Khi đất nước Việt Nam đã bị tàn phá đến nỗi không còn sinh sống được nữa thì cũng không còn gì để nói và làm nữa. Tôi đã có dịp ghé thăm nước Tunisie. Quốc gia bé nhỏ này đang bị thiên nhiên tiêu diệt từ từ. Sa mạc ngày càng lấn lên từ miền Nam, nước Tunisie đã nhỏ lại càng nhỏ lại. Sự thiếu thốn thảo mộc đang làm thay đổi cả thời tiết. Mưa đổ ào xuống trong vòng 10 ngày mỗi năm, rồi sau đó là hạn hán. Những con sông trung bình chỉ có nước một hai ngày mỗi năm, những ngày còn lại chúng đề trơ lòng sông nứt nẻ. Cả một cố gắng vĩ đại và tuyệt vọng được tung ra dễ trồng cây ngăn chặn sự gậm nhấm của sa mạc. Nhưng đó là một thiên tai. ởViệt Nam tai họa do con người và do người Việt Nam.
Tuy vậy Tunisie vẫn còn chim, mắt tôi đã nhìn thấy nhiều đàn chim. Việt Nam không còn chim.
Sơn xuyên chi cương vực ký thù
Nguyễn Trãi (1380-1442) mở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo như sau:
Nhân nghĩa chi cử yếu tại an dân,
Điếu phạt vi sư mạc tiên khử bạo.
Như nói chuyện Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bằng,
Sơn xuyên chi cương vực ký thù,
Bắc Nam chi phong tục diệc dị.
Trong Việt nam Sử lược, học giả Trần Trọng Kim cung cấp một bản dịch mà nhiều người nói là của cụ Bùi Kỷ: Việc nhân nghĩa cốt yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác. Bình Ngô Đại Cáo là một áng văn bất hủ, lời lẽ hùng tráng mà ý kiến cũng rất sâu sắc. Được sáng tác vào năm 1427 khi nước ta vừa giành lại được độc lập từ tay quân Minh, Bình Ngô Đại Cáo có giá trị của một bản tuyên ngôn độc lập. Nó xác nhận văn tài xuất chúng và ý thức chính trị phi thường của Nguyễn Trãi, một trong những anh hùng kiệt xuất nhất trong suốt dòng lịch sử của nước ta. Hầu hết mọi người Việt nam đều chỉ biết đến Bình Ngô Đại Cáo qua bản dịch của Trần Trọng Kim (hay Bùi Kỷ?). Bản dịch đó cũng là một tuyệt tác. Tuy nhiên, phù hợp với văn phong của thời các cụ Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, nó chú trọng đến lời văn và âm hưởng nhiều hơn là ý, và địch giả đã bỏ qua một chi tiết có tầm quan trọng rất lớn trong sự tồn tại của đất nước ta mà Nguyễn Trãi đã nêu ra. Sơn xuyên chi cương vực ký thù được dịch là Sơn hà cương vực đã chia thay vì núi sông bờ cõi riêng biệt hay lãnh thổ có núi ngăn chia, bỏ qua mất cụm từ sơn xuyên , có nghĩa là núi sông nhưng cũng có thể có nghĩa là cách núi. Nguyễn Trãi muốn nhấn mạnh sự kiện Việt nam và Trung Quốc cách nhau một dãy núi. Câu mở đầu của Bình Ngô Đại Cáo có thể dịch sát nghĩa hơn như sau:
Chính trị chuyên mưu tìm hòa bình, chiến tranh chỉ là để khử trừ bạo ngược. Nước Việt nam là một nước văn hiến, lãnh thổ có núi ngăn chia, phong tục Bắc Nam khác nhau.... Bỏ qua vách núi là bỏ qua một yếu tố rất quan trọng của nước ta. Chính nhờ núi mà nước ta còn đến ngày nay. Dọc theo biên giới Trung Quốc là cả một vùng núi non dày đặc, dày gần một trăm cây số. Dọc theo biên giới Lào là dãy Trường Sơn. Hai dãy núi này kết hợp với nhau làm một tường thành kiên cố che chở và cô lập các đồng bằng miền Bắc và miền Trung nước ta. Chính nhờ núi mà Trung Quốc đã không thể thôn tính và đồng hóa nước ta, và cũng nhờ núi mà nước Lào đã không bị Việt hóa. Trước đây khi nước ta chưa thực sự hình thành, thế lực còn đơn sơ đến độ một đạo quân nhỏ cũng đủ đề chinh phục, Trung Quốc đã đặt được sự thống trị lên quận Giao Chỉ, nhưng số người Tàu đủ mạo hiểm để vượt núi qua nước ta lập nghiệp đã rất giới hạn. Vì thế mà một ngàn năm Bắc thuộc đã không thể biến Việt nam thành một vùng hoàn toàn hội nhập vào Trung Quốc. Khi người Việt nam trở thành đông đảo với thời gian và giềng mối xã hội trở thành gắn bó, ta đã đuổi được quan cai trị người Tàu rồi bảo vệ được nền độc lập. Từ khi giành hẳn được độc lập, năm 939 ta chỉ bị rơi vào ách Bắc thuộc hai mươi năm, từ 1407 đến 1427, trong một bối cảnh suy đồi đặc biệt. Cuộc chiến tranh giải phóng do Lê Lợi cầm đầu đã rất vẻ vang, nhưng khách quan mà nói lực lượng Trung Quốc xa hậu cứ và khi phải đương đầu với cuộc chiến tranh giải phóng Trung Quốc đã không chứng tỏ một quyết tâm đặc biệt nào đề duy trì nền thống trị. Các đạo quân xâm lăng phải vượt qua những đường mòn chật hẹp dài cả trăm cây số nên vận tải lương thực rát khó khăn, và làm mồi ngon cho các cuộc phục kích. Muốn xâm nhập nước ta, quân Trung Quốc thường phải đi đường biển đổ bộ xuống vùng Nghệ An, rất xa địa điểm xuất phát xét theo phương tiện di chuyển ngày xưa, hay cửa Bạch Đằng, tuy gần hơn nhưng vẫn còn phải đi một chặng đường hiểm trở đề tiến về Hà Nội.
Nhờ thường xuyên đánh thắng quân xâm lăng phương Bắc, chúng ta thường tự hào về sức sống mãnh liệt của dân tộc, mà ít khi chịu khiêm tốn đề nhìn nhận rằng sự tồn tại của nước ta chỉ được bảo đảm nhờ vách núi dày đặc và hiểm trở. Nhiều nhà lý luận nặng đầu óc dân tộc đã biện bạch rằng dân ta đứng vững được nhờ có một nếp sống riêng, một nền văn hóa dân tộc cao, một tinh thần dân tộc cao và một tinh thần chiến đấu đặc biệt kiên cường.
Những yếu tố đó đều đúng nhưng chỉ đúng một phần mà thôi. Ta đã phóng đại và huênh hoang quá đáng. Thực ra tinh thần dân tộc của ta không lấy gì làm mạnh và khả năng chiến đấu của ta tuy khá nhưng không thể nói là phi thường. Về văn hóa, ta đã bắt chước người Tàu một cách mê mải và vô điều kiện. Nếu văn hóa của ta vẫn còn khác văn hóa Tàu thì cũng chỉ vì ta bắt chước chưa xong mà thôi. Văn hóa ta khác văn hóa Trung Hoa không phải ở chỗ ta thực sự khác mà là ở chỗ ta chưa bằng. Sự khác biệt ở trình độ nhiều hơn là ở bản chất. Sau này khi lệ thuộc người Pháp, chúng tà cũng đã mê mải chạy theo văn hóa Pháp. Nhiều người còn muốn quên hẳn gốc gác Việt nam.
Những người vong bản này không hẳn là những người phản quốc, ngay cả phản quốc hiểu theo nghĩa cộng sản. Năm 1980, tôi có dịp nghe một bài nói chuyện của ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam. Ông Phạm Văn Đồng là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc chiến tranh cam go chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Đồng là người đã giữ chức vụ thủ tướng lâu nhất tại Việt nam trong gần 40 năm. Trong các lãnh tụ cộng sản, ông là người được các đảng viên kính trọng nhất sau ông Hồ Chí Minh. Ông được coi là lãnh tụ cộng sản kỳ cựu có văn hóa cao. Điều đặc biệt là ông Phạm Văn Đồng, mặc dầu đảm nhiệm chức vụ chính trị quan trọng đã tỏ ra đặc biệt ưu tư tới tiếng Việt ông viết một loạt bài dưới đề tựa Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Và tôi đã nghe ông Đồng nói những gì? Bài nói chuyện của ông có ít nhất 20% là tiếng Pháp. Ông chêm tiếng Pháp bất cứ lúc nào ông có thể chêm được. Có khi ông nói cả những câu hoàn toàn bằng tiếng Pháp mà hầu hết cử tọa không hiểu. Tôi hỏi một người bạn đảng viên khá cao cấp đã nhiều lần nghe ông Đồng thuyết trình, anh ta cho hay ông Đồng lúc nào cũng nói như vậy vì ông ấy học giỏi và quen miệng nói tiếng Pháp. Thực ra bác sĩ Đặng Văn Hồ (mà tôi gọi bằng chú do một liên hệ gia đình gián tiếp), bạn học của ông Đồng, cho tôi hay ông Đồng chưa học hết trung học bản xứ và đã từng nói với bác sĩ Đặng Văn Hồ rằng: Mày đậu tú tài thì học tiếp tao không có tú tài thì đi làm cách mạng. Như thế vốn liếng tiếng Pháp của ông Đồng tuy có thực nhưng không nặng đến nỗi sau hơn một nửa thế kỷ đấu tranh chống Pháp ông vẫn còn phải chêm tiếng Pháp luôn miệng như vậy. Tôi học và sử dụng tiếng Pháp nhiều hơn hẳn ông Đồng, tôi cũng sinh sống tại đất Pháp lâu năm, nhưng không có nhu cầu phải pha thêm tiếng Pháp trong khi viết và nói tới mức độ như ông Đồng. Ông Đồng chêm tiếng Pháp vì ông thích tiếng Pháp, cho rằng nói tiếng Tây là sang. Và ông nghĩ như vậy, bởi vì những người chung quanh ông cũng nghĩ như vậy, người Việt nam rất vọng ngoại về mặt văn hóa.
Đã nói tới người cộng sản thì cũng phải nói đến người quốc gia. Ông Nguyên Văn Thiệu tuy vốn liếng tiếng Pháp chẳng hơn gì ông Đồng là mấy nhưng cũng luôn miệng nói tiếng Pháp. Trong biên lai mà ông ký cho tướng Trần Văn Đôn đễ nhận một triệu đồng tiền thưởng của tình báo Mỹ sau cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, ông viết Bon pour 1.000.000 piastres. Một biên lai giữa người Việt với nhau lại viết bằng tiếng Pháp. Như thế mới sang. Trong thời gian làm việc tại Ngân Hàng Việt nam Thương Tín và Bộ Kinh Tế, tôi đã được đọc nhiều hồ sơ. Hồ sơ nào hầu như cũng pha tiếng Pháp, có hồ sơ hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Đó là sau khi Pháp đã ra đi gần 20 năm!
Sức chiến đấu kiên cường của ta cũng cần xét lại. Quả thật ta đã có những chiến công hiển hách, nhưng cũng có những lúc mà sức chiến đấu của ta kể như không có. Bảy người lính Pháp đã có thể vào chiếm tỉnh Ninh Bình, bắt quan quân Việt nam quì gối hạ khí giới. Vài trăm lính Pháp đã có thể hạ được Thăng Long, đánh tan nhiều ngàn quân Việt nam, một lần bắt sống Nguyễn Tri Phương, một lần buộc Hoàng Diệu phải tuẫn tiết. Hồ Quí Ly chuẩn bị một đạo quân đông đảo và hùng hậu dề đương đầu với quân Minh. Nhưng chỉ một đạo quân nhỏ của Trương Phụ đã đánh tan được toàn bộ quân nhà Hồ và bắt sống Hồ Quí Ly trong một thời gian chớp nhoáng. Vậy phải giải thích thế nào những chiến công của ta? Quan sát kỹ ta thấy người Việt nam có tâm lý sợ và phục tùng uy quyền. Khi có những cấp chỉ huy cứng cỏi, họ chiến đấu có hiệu lực. Nhưng không nên vội đồng hóa tâm lý sợ và phục tùng cấp trên với ý chí sẵn sàng chiến đấu và chấp nhận hy sinh vì đất nước. Trong một đoạn khác tôi sẽ trở lại vấn đề này. Tôi nói văn hóa đặc thù của ta không có bao nhiêu, tinh thần dân tộc và khả năng chiến đấu của ta chỉ giới hạn hoàn toàn không phải nhằm mục tiêu hạ nhục dân tộc ta. Để làm gì?
Tôi chỉ muốn lưu ý rằng khả năng tự vệ của dân tộc ta thực ra chỉ vừa phải, chúng ta đã tồn tại được chủ yếu là nhờ có núi làm biên giới thiên nhiên. Ngày nay, trong thế giới hiện đại này, núi không còn là mộc che thân của ta nữa và biển lại là cửa vào xâm nhập lý tưởng; sự xâm nhập không còn bằng quân sự mà bằng văn hóa, kinh tế, thương mại, sách báo, phim ảnh, âm nhạc. Ta phải hết sức lo lắng để giữ nước vì bài toán giữ nước đã thay đổi hoàn toàn. Chúng ta không còn trông vào núi được nữa. Muốn giữ nước từ đây ta phải có khả năng tự vệ thực sự, tinh thần dân tộc thực sự, lòng yêu nước thực sự. Làm thế nào đề có những yếu tố đó phải là ưu tư của mọi người quan tâm tới đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét