Ôn Như Hầu

Tây hồ thi tập
Ôn Như Hầu - Nguyễn Gia Thiều
Tiểu sử

Ôn như Hầu tức Nguyễn Gia Thiều sinh ngày 5 tháng 2 năm Tân Dậu, tức ngày 22 tháng 3 năm 1741, cuối thời vua Lê chúa Trịnh, ở làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, xứ Kinh Bắc, nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc
Ninh. Ông xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, có nhiều người làm tướng, làm quan cho triều đình.
Ông nội Nguyễn Gia Thiều là Nguyễn Gia Châu, một võ quan nhưng thông kinh sử được phong tước công. Cha của Nguyễn Gia Thiều là Nguyễn Gia Cư, một võ quan cao cấp được phong tước hầu. Mẹ của ông là quận chúa Quỳnh Liên, con gái chúa Trịnh Cương. Nguyễn Gia Thiều gọi chúa Trịnh Doanh đang cầm quyền lúc bấy giờ là cậu ruột, và là anh em họ với chúa Trịnh Sâm. Vợ của Nguyễn Gia Thiều là con gái trưởng của quan Chưởng phủ sư Đại tư đồ Bùi Thế Đạt.

Vì gia đình bên ngoại thuộc họ nhà chúa, nên từ lúc lên năm, sáu tuổi Nguyễn Gia Thiều đã được vào học trong phủ chúa. Năm 1759 khi mới 18 tuổi, ông giữ chức Hiệu úy, quản Trung mã tả đội. Sau đó ông làm chỉ huy Thiêm sự, năm 1782 thăng Tổng binh coi giữ xứ Hưng Hóa. Nguyễn Gia Thiều là một người rất được chúa Trịnh tin dùng. Vì có công nên ông được phong tước hầu - Ôn Như Hầu. Các em của ông cũng lần lược được phong tước hầu, tước bá, như Nguyễn Gia Thưởng là Thưởng Vũ Bá; Nguyễn Gia Xuyên là Du Lãnh Bầu.

Thời gian làm Tổng binh ở Hưng Hóa, mặc dù có công được khen thưởng, Nguyễn Gia Thiều vẫn thường hay bỏ về nhà riêng ở gần hồ Tây để vui chơi, làm thơ và cùng bạn bè bàn luận về triết học. Ông tự xưng là Hy Tôn tử và Như ý thiền, lấy biệt hiệu là Tân Thi viện tử và Sưu Nhân. Có người bảo giai đoạn này chúa Trịnh không còn tin ông như trước, mới đẩy ông đi trấn giữ Hưng Hóa, và Nguyễn Gia Thiều biết điều đó, nên ông chán nản bỏ về.
Năm 1786, khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt chúa Trịnh, Nguyễn Gia Thiều trốn lên miền núi xứ Hưng Hóa. Năm 1789, Nguyễn Huệ đánh thắng quân Thanh, lập ra triều Tây Sơn. Vua Quang Trung trọng người tài, thu dụng một số quan lại cũ của triều đình Lê - Trịnh, Nguyễn Gia Thiều được mời ra làm quan, nhưng ông cáo bệnh từ chối. Nguyễn Gia Thiều về lại làng cũ, sống ở đấy cho tới khi mất vào ngày 9 tháng 5 Mậu Ngọ, tức ngày 22 tháng 6 năm 1798, thọ 57 tuổi.

Sự nghiệp văn học :
Bản thảo chữ Nôm, tác phẩm Tây Hồ Thi Tập

Nguyễn Gia Thiều là người có sự hiểu biết sâu rộng về văn học, sử học và triết học. Ông còn tinh thông nhiều bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, kiến trúc, trang trí. Về âm nhạc, Nguyễn Gia Thiều sở trường các bài ca, bài tán, ông là tác giả các bản Sơn trung âm và Sở từ điệu. Về hội họa, ông có bức tranh lớn Tống sơn đồ, dâng vua xem được khen thưởng. Về kiến trúc, trang trí, ông là người được chúa Trịnh giao cho trông nom việc trang hoàn phủ chúa và điều khiển xây tháp chùa Thiên Tích. Các công trình nghệ thuật của Nguyễn Gia Thiều đến nay không còn được lưu lại.
Về sáng tác, Nguyễn Gia Thiều có hai tập thơ chữ Hán là Ôn Như thi tập, khoảng một nghìn bài, nhưng đã thất truyền. Những tác phẩm chữ Nôm, ngoài Cung oán ngâm khúc, ông còn có Tây hồ thi tập và Tứ trai thi tập, hiện cũng chỉ còn vài ba bài chép trong tập Tạp ký của Lý Văn Phức như Cảnh trong vườn và Miếng tình.

Nguyễn Gia Thiều tuy thuộc tầng lớp quý tộc, nhưng sống trong một thời kỳ nhiều biến động, loạn lạc. Tác phẩm Cung oán ngâm khúc của ông nói lên tâm trạng ai oán của một cung phi sống trong hoàng cung. Nhiều nhà phê bình đánh giá Cung oán ngâm khúc chịu ảnh hưởng bởi Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn qua bản dịch của Đoàn Thị Điểm, từ thể loại ngâm khúc viết bằng song thất lục bát đến cách phát triển chủ đề cũng như bút pháp nghệ thuật.

Nguyễn Gia Thiều có nhiều con, trong số đó bốn người con đầu giỏi văn chương, có một tác phẩm chung là Tứ trai thi tập, gồm sáng tác của Tâm Trai - tức Nguyễn Gia Thiều, Kỷ Trai - Nguyễn Gia Cơ, Hoà Trai - Nguyễn Gia Diễm và Thanh Trai - Nguyễn Gia Chu.

Tên của ông được đặt cho một phố yên tĩnh, có nhiều biệt thự kiến trúc Pháp ở thủ đô Hà Nội, gần hồ Thiền Quang và ở nhiều thành phố khác của Việt Nam./.

Những tác phẩm của họ Nguyễn Gia Thiều

─ Cung oán ngâm khúc

─ Tây hồ thi tập

─ Ôn Như thi tập

─ Tứ trai thi tập

─ Tạp ký của Lý Văn Phức như Cảnh trong vườn và Miếng tình.

─ Tâm Trai - tức Nguyễn Gia Thiều,

─ Kỷ Trai - Nguyễn Gia Cơ,

─ Hoà Trai - Nguyễn Gia Diễm

─ Thanh Trai - Nguyễn Gia Chu.

Với số lượng hàng ngàn bài thơ, nhưng đến nay đều mất cả (chắc do tình cảnh loạn lạc Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn thời kỳ này) chỉ còn vài ba bài chép trong Tạp Ký của Lý Văn Phức.

Vừa qua nhân đọc cuốn Tạp Ký của Lý Văn Phức có nói đến đoạn chép về Nguyễn Gia Thiều.

Nay xin dịch tạm để trình bạn đọc ( văn Hán chen Nôm, nên dịch nghĩa luôn không phiên âm nữa )

Ôn Như Hầu tiên sinh sở trường nhất ở lối thơ quốc âm. (Ông) có hai lối làm thơ, một là ứng khẩu thành chương mà lời lời đều khiến mọi người ưng ý; cách nữa là chau chuốt gọt giũa, thì lời lời đều khiến mọi người phải kinh ngạc. Có bận ông gọi đứa ở tên là Cam đi lấy đồ ở các nơi hiên viện, thế này:

"Cam, tốc ra thăm gốc hải đường;
Hái hoa về để kết làm tràng.
Những cành mới chiếng đừng vin nặng;
Mấy đoá còn xanh chớ bứt quàng.
Với lại tây hiên tìm liễn xạ;
Rồi sang đông viện lấy bình hương.
Mà về cho chóng đừng thơ thẩn;
Kẻo lại rằng chưa dặn kỹ càng."

Lại có hôm nhàn toạ trong vườn nhỏ, thấy mấy loại rau nho nhỏ như gừng, tỏi, đều bị mưa gió dập rụng, ông cảm khái nói:

"Lép nhép vài hàng tỏi;
Lơ thơ mấy luống khương.
Vẻ chi tẻo tèo cảnh;
Thế mà cũng tang thương."

Đó là lối ứng khẩu vậy.
Lại có câu vịnh Canh Năm rằng: 

“Dế gọi người nằm thiên cổ dậy;
Sương trùm cảnh đứng tứ canh đi”

Lại có câu khóc vợ rằng:

“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng;
Xếp tàn y lại để dành hơi”

Lại có câu vịnh cảnh:
“Đưa lọt kẽ mành khuôn gió dẹp;
Luồn qua cửa sổ dáng trăng thô” 

Đó là lối chau chuốt gọn giũa vậy.
Lại có bài thơ gửi tình nhân rằng:

“Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào;
Miếng tình nghẹn mãi biết làm sao?
Muốn kêu một tiếng cho to lắm;
Rằng ối ai ơi khốn thế nào!”


Bài này thì lại kiêm dùng cả hai lối vậy.
Học làm thơ quốc âm, mà đến được như Ôn Như Hầu tiên sinh, đáng gọi là tột bậc vậy!

Trong Hợp Tuyển Thơ Văn VN thấy có chép hai bài thơ nôm của N.G.T đặt tên là "Bảo Cam đi hái hoa" và "cảnh trong vườn" chắc là do các cụ tự đặt tên thế. Thực đáng tiếc là mấy tập thơ của Ôn Như Hầu đều không còn. Nếu không có thể chúng ta đã được đọc nhiều hơn thơ Nôm của ông.

Tuy nhiên qua đoạn ngắn trên có thể thấy hai câu thơ khóc vợ rất hay của Ôn Như Hầu đã được chọn lại, tuy không chép đủ bài thơ. Nhưng có thể thấy Lý Văn Phức (sống ngay thời Tự Đức) thì không thể chép thơ của Vua ra rồi bảo của người khác được. Mặt khác câu thơ cũng đã hoàn chỉnh, không có chuyện sửa hai chữ (4 chữ) "cổ kính", "tàn y".
Đọc thơ người xưa
Huỳnh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét