Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. P05

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

Phong Châu: Xem Hùng Vương (Tb. I, 1).
Đặt Đằng Châu lên làm phủ Thái Bình.
Nhân dịp đem quân về đến Đằng Châu, nhà vua sai đặt Đằng Châu lên làm phủ.
Lời chua - Đằng Châu: Xem ngang với Tống, Thái tổ, năm Kiền Đức thứ 4 (Tb. V, 28).
Thân đi đánh mán Cử Long.
Trước đây, nhà vua đóng ở xã Phù Lan, có tin chạy trạm đến tâu rằng mán Cử Long vào cướp, đã kéo đến cửa biển Thần Đầu. Khi đã dẹp yên Phong Châu, rút quân về đến sông Tham, nhà vua liền vào Ái Châu để đánh giặc mán Cử Long.
Lời chua - Cử Long: Tên một dân tộc Mán. Xem Lê Đại Hành năm Ứng Thiên thứ 8 (Chb. I, 34).
Cửa Thần Đầu: Ở địa giới huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Nhà Lê đổi là Thần Phù; bây giờ là cửa Chính Đại.

Tham: Tên sông, chưa rõ ở đâu.

Ái Châu: Tức Thanh Hóa. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20).

Bính Ngọ, năm thứ 13 (1006). (Đế Long Đĩnh vẫn theo niên hiệu cũ: năm Ứng Thiên thứ 13. - Tống, năm Cảnh Đức thứ 3).

Tháng 2, mùa xuân. Lập con là Sạ làm Khai phong vương; con nuôi là Thiệu Lý làm Sở vương, Thiệu Hưng làm Hán vương.

Lời cẩn án - Long Đĩnh giết anh mà tự lập, hoang dâm thành bệnh, nằm mà coi chầu, nhân gọi là Ngọa Triều. Sử cũ chép là "Ngọa Triều hoàng đế", có lẽ là theo tên gọi thời bấy giờ, chứ không phải là tên thuỵ. Chép vậy thật là trái thường quá lắm! Này, đã không có tên thuỵ, thì cứ chép thẳng tên thực, đó là biến lệ của sử Cương mục (Trung Quốc). Nay đổi lại, chép là "Đế Long Đĩnh" để cho hợp với ý nghĩa và thể lệ của Cương mục dẫn trên. Đặt lại quan chế và triều phục.

Đặt lại quan chế văn vũ và triều phục, đều theo như kiểu mẫu của nhà Tống.

Lời chua - Triều phục nhà Tống thế này: có ba hạng mũ: 1) Mũ tiến hiền, là phẩm phục hàng nhất phẩm và nhị phẩm; 2) Mũ điêu thiền là phẩm phục hàng tam phẩm các ti, hàng tam phẩm ngự sử đài, và hàng ngũ phẩm hai sảnh; 3) Mũ giải trãi, là phẩm phục từ tứ phẩm đến lục phẩm. Công khanh trở lên mặc màu tía; ngũ phẩm trở lên mặc màu đỏ; thất phẩm trở lên mặc màu lục ; cửu phẩm trở lên mặc màu xanh.

Tháng 6, mùa hạ. Sứ nhà Tống sang.

Trước đây, các vương tranh nhau nối ngôi, trong nước rối loạn. Vua Tống nghe tin, sai Tri châu ở Quảng Châu là Lăng Sách cùng với An phủ sứ nơi duyên biên là Thiệu Việp tùy tiện liệu tính công việc rồi tâu bày. Bọn Lăng Sách dâng thư nói rằng:

Quyển thứ II

Từ Mậu Thân (1008). Lê đế Long Đĩnh, năm Cảnh Thuỵ thứ 1 đến hết Kỷ Mão (1039), Lý Thái Tông, năm Kiền Phù hữu đạo thứ 1, gồm 32 năm (1008-1039).

Mậu Thân (1008), Lê đế Long Đĩnh năm Cảnh Thuỵ thứ 1 (Tống, năm Đại Trung tường phù thứ 1).

Lập con nuôi của Hoàng hậu là Lê Ốc Thuyên làm Tam Nguyên vương.

Lời chua - Hoàng hậu: Cảm thánh hoàng hậu.

Tam Nguyên: Sử cũ chua "có chỗ chép là Nhị Nguyên".

Kỷ Dậu, năm thứ 2 (1009). (Tống, năm Đại Trung tường phù thứ 2. Năm này nhà Lê mất).

Đào sông ở Ái Châu.

Đô đốc Kiểu Hành Hiến xin đào sông, đắp đường và lập đồn dựng mốc ở Ái Châu. Nhà vua nghe theo, xuống chiếu cho quân và dân châu ấy đào sông từ cửa ải Chi Long qua núi Đính Sơn đến sông Vũ Lũng.

Lời chua - Ái Châu: Tức Thanh Hóa. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20).

Cửa ải Chi Long: Theo Thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư , cửa ải Chi Long ở huyện Chi Nga, Chi Nga bây giờ là huyện Nga Sơn.

Vũ Lũng: Tên châu. Xem Lê Đại Hành, năm Hưng Thống thứ 4 (Chb. I, 27).

Nhà vua đi Ái Châu, đến sông Vũ Lũng.

Tục truyền: Ai bơi lội qua sông Vũ Lũng thường hay bị hại, nhà vua sai đóng thuyền để chở người qua lại.

Tháng 7, mùa thu. Nhà vua thân đi đánh châu Hoan Đường và châu Thạch Hà.

Nhà vua đến sông Hoàn Giang, sai phòng át sứ Hồ Thủ Ích đem hơn năm nghìn quân sửa sang mở mang đường sá, từ sông Châu Giáp đến cửa Nam Giới. Nhà vua đi thuyền ra ngoài biển bỗng dưng sóng gió sôi nổi, mây mưa mờ mịt, bèn sai quay thuyền trở lại, đi đường bộ về kinh đô.

Lời chua - Hoan Đường: Thuộc đất Hoan Châu. Nhà Đinh, nhà Lê (Lê Đại Hành) gọi là châu Hoan Đường; khi thuộc Minh đổi là Thạch Đường; về sau, nhà Lê đổi là huyện Nam Đường. Nay vẫn theo như tên cũ, thuộc phủ Anh Sơn tỉnh Nghệ An.

Thạch Hà: Xem Lê Đại Hành năm Ứng Thiên thứ 12 (Chb. I, 38).

Cửa biển Nam Giới: Xem Đinh Tiên Hàng, năm Thái Bình thứ 10 (Chb. I, 12).

Sông Hoàn Giang: Không khảo được.

Tháng 10, mùa đông. Lê đế Long Đĩnh mất.

Nhà vua có tính hiếu sát: Những súc vật dùng làm món ăn, tất phải chính tay mình đâm chết trước. Dùng nhiều hình phạt tàn ngược để giết người: hoặc quấn cỏ vào thân người rồi lấy lửa đốt; hoặc sai Liêu Thủ Tâm, tên phường chèo người Tống, cầm con dao cùn lóc thịt người để cho không chết ngay được, thấy người bị hành hình ấy đau đớn kêu gào, Thủ Tâm nói khôi hài rằng nó không quen chịu chết, thì nhà vua ha hả cười. Đi đánh dẹp, bắt được tù binh, đều tống vào cái "thủy lao" để cho nước triều dâng lên thì sặc nước, há mồm mà chết; có khi bắt họ trèo lên ngọn cây rồi ở dưới chặt cây, cây đổ, người ngã chết, thì khanh khách cười, lấy làm vui thích. Hồi đi đánh Án Động, bắt được tù binh người Mán, nhà vua sai đánh bằng gậy; người Mán đau đớn gào, nhiều lần xúc phạm đến tên húy vua Đại Hành, thì lấy làm hả hê lắm. Lại tự làm tướng đi đánh Hoan Châu, bắt được người Mán, đem nhốt vào cái vựa mà đốt.

Mỗi khi coi chầu, thể nào nhà vua cũng sai những kẻ khôi hài đứng hầu ở hai bên, nếu có ai nói gì thì chúng liến láu nói theo mà cười ồ, để làm át và đánh lạc những tiếng tâu bày việc nước của các quan.

Minh Sưởng từ bên Tống về, dụ được này Tiêu thị, người Tống, đem dâng, nhà vua cho vào cung làm cung nhân.

Nhà vua hoang dâm tửu sắc, dần mắc bệnh trĩ, nằm mà coi chầu, nên người ta gọi là "Ngoạ Triều". Ở ngôi 4 năm, thọ 24 tuổi.

Lời cẩn án - Thể lệ chép sử Cương mục (Trung Quốc): đối với những vua chính thống, lúc mất, lúc táng đều có chép cả. Sử cũ (của ta) không chép táng Lê đế Long Đĩnh; nay không khảo được. Lời chua - Hoan Châu: Tức là Nghệ An. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21).

Đây trở lên, nhà Lê từ Đại Hành niên hiệu Thiên Phúc thứ 2, năm Tân Tị (981), đến Long Đĩnh niên hiệu Cảnh Thuỵ thứ 2, năm Kỷ Dậu (1009), cộng 3 vua, 29 năm (981-1009).

Tả thân Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn tự lập làm vua.

Công Uẩn, người làng Cổ Pháp, thuộc Bắc Giang, tư chất thông sáng, hình dạng tuấn tú khác đời. Khi còn nhỏ, thường học nhà sư Vạn Hạnh. Sư Vạn Hạnh lấy làm lạ, nói rằng: "Người này không phải tầm thường, mai sau tất làm chúa cả nước". Kịp khi lớn lên, Công Uẩn khảng khái có chí lớn. Khoảng giữa niên hiệu Ứng Thiên nhà Lê, làm cấm quân dưới triều Trung Tông. Ngoạ Triều khi đã cướp ngôi làm vua, thăng Công Uẩn lên điện tiền chỉ huy sứ. Trước đó, sét đánh vào cây gạo làng Diên Uẩn, vết hằn có bài thế này.

"Thụ căn diểu diểu, Mộc biểu thanh thanh Hòa đao mộc lạc Thập bát tử thành, Đông A nhập địa, Dị mộc tái sinh, Chấn cung hiện nhật, Đoài cung ẩn tinh, Lục, thất niên gian, Thiên hạ thái bình" .

Sư Vạn Hạnh tán riêng rằng: "Hòa đao mộc" là chữ Lê. "Thập bát tử" là chữ Lý. "Đông A" là họ Trần. "Nhập địa" là giặc Bắc phương vào lấn cướp. "Dị mộc tái sinh" là họ Lê lại nổi lên. Ý nói họ Lê đổ, họ Lý lên, trong khoảng sáu bảy năm, thiên hạ thái bình". Rồi Vạn Hạnh bảo Công Uẩn: "Gần đây suy đoán lời sấm, thì họ Lý chắc khởi nghiệp lớn". Sợ lời đó lộ liễu, Công Uẩn sai người giấu sư Vạn Hạnh đi; nhưng cũng lấy thế làm tự phụ. Ngoại Triều thường ăn quả khế, thấy có hạt mận , lại ngẫm nghĩ đến lời sấm nên ngầm tìm dòng dõi họ Lý mà giết đi: nhưng Công Uẩn ở ngay bên mình, thế mà không biết. Kịp khi Ngoại Triều mất, vua kế tự còn thơ ấu; Công Uẩn vào túc trực ở trong cung, chi hậu Đào Cam Mộc nhân dịp, nói: "Mới đây, chúa thượng là người mờ tối, tàn bạo, lòng trời ghét bỏ. Con kế tự hãy còn trẻ thơ, không cáng đáng nổi lúc nước nhà lắm nỗi hoạn nạn. Dân tình đâu đấy nhao nhao, cũng muốn kiếm được một vị chân chúa. Quan thân vệ sao không nhân lúc này, nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, trông gương Thang, Vũ ngày xưa, theo lối Đinh, Lê gần đó, trên thuận lòng trời, dưới theo nguyện vọng của dân, còn khư khư giữ tiểu tiết làm chi nữa?". Công Uẩn thấy nói, trong bụng bằng lòng, nhưng bề ngoài vẫn cứ giả vờ trách móc Cam Mộc. Hôm sau, Cam Mộc lại nói: "Người trong nước bây giờ đều biết họ Lý chắc khởi nghiệp, lời sấm đã rõ rệt rồi, không còn che giấu được nữa. Đổi vạ ra phúc, chỉ ở chốc lát bây giờ. Quan thân vệ lại còn ngờ gì nữa?". Công Uẩn nói: Tôi biết ý ông không khác ý thày Vạn Hạnh. Nếu quả như lời, thì mưu tính sao?". Cam Mộc nói: "Quan thân vệ là người công bằng, rộng lượng và nhân đức, được lòng mọi người. Hiện nay trăm họ kiệt quệ, mệt mỏi không chịu đựng nổi chính lệnh triều đình. Quan thân vệ nhân dịp này, đem ân đức vỗ về họ, chắc họ sẽ đổ xô theo về như nước chảy chỗ trũng, còn ai ngăn cản được?". Cam Mộc sợ việc chậm lại, sẽ sinh biến chăng, mới đem việc đó nói với khanh sĩ và các quan, thì không ai dám có ý gì khác cả. Ngay hôm ấy, mọi người hội họp ở nhà triều đường, cùng nhau bàn rằng: Ngày nay, đối với nhà Lê, ức triệu người đều khác lòng, quan và dân đều lìa bỏ. Nếu không nhân dịp này, tôn quan thân vệ lên làm thiên tử, lỡ có biến cố gì xảy ra, thì bọn ta liệu có giữ được khỏi mất đầu không?

Bấy giờ các quan mới cùng nhau phò Công Uẩn đến nhà chính điện lên ngôi hoàng đế. Trăm quan thụp lạy, đâu đấy tung hô "vạn tuế". Công Uẩn đại xá cho cả nước, lấy sang năm làm năm đầu một niên hiệu mới. Đốt hết lò lưới , xóa bỏ việc tù ngục và kiện tụng; xuống chiếu cho phép từ nay hễ ai có việc tranh giành thưa kiện, được đến tận triều đình mà tâu bày, nhà vua sẽ thân ra phân xử.

Bầy tôi dâng tôn hiệu.

Bầy tôi dâng tôn hiệu đặt cho nhà vua là Phụng Thiên chí lý ứng vận tự tại thánh minh long hiện duệ văn anh vũ sùng nhân quảng hiếu thiên hạ thái bình khâm minh quang trạch chương minh vạn bang hiểu ứng phù cảm uy chấn phiên man duệ mưu thần trợ thánh trị tắc thiên đạo chính hoàng đế.

"Thập bát" (thập = mười; bát = tám) mọc thành cây.

Họ "Đông A" (Trần: một nửa là chữ "đông", một nửa là chữ "A") vào đất.

Cây khác lại mọc lên.

Cung đằng đông (Chấn, một quẻ trong bát quái (kinh Dịch), thuộc về phương đông) có mặt trời mọc.

Cung đằng tây (Đoài: như trên, phương tây) có sao lờ mờ.

Sáu bảy năm đây

Cả nước thái bình.

Lời phê - Nhà Lý được nước, cũng không phải chính nghĩa cho lắm, nhưng đương buổi Lê Ngoạ triều, lòng người lìa tan, sinh dân vô củ, không về với Công Uẩn còn biết theo ai? Cho nên, nhà Lý thì dường như được trời tựa, người theo; nhà Lê thì rõ là thoán đoạt. Còn việc làm của hai nhà ấy, đằng nhân nghĩa, đằng bạo ngược, rõ rệt khác nhau; mà các vua kế tự, bên hiền tài, bên hư hỏng, cũng sai biệt hẳn. Vì thế, một nhà thì ngắn ngủi, một nhà thì lâu dài: phải lắm! Lời phê - Tôn hiệu phiền phức dài dòng quá lắm! Rất trái với lẽ thường, cũng rất tỏ rõ cái thói bợ đỡ. Lời chua - Bắc Giang: Tức Kinh Bắc. Xem Lê Thánh Tông, Quang Thuận năm thứ 100 (Chb. XXI, 28).

Cổ Pháp: Tên châu. Từ Đinh về trước gọi là châu Cổ Lãm; nhà Lê đổi là Cổ Pháp; nhà Lý đặt lên làm phủ Thiên Đức; nhà Trần đổi là huyện Đông Ngàn. Về sau, nhà Lê vẫn theo tên cũ. Bây giờ là huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh.

Diên Uẩn: Tên làng, thuộc châu Cổ Pháp.

Truy tôn cha làm Hiển Khánh vương, mẹ là Phạm thị làm Minh Đức hoàng thái hậu.

Mẹ ngài là Phạm thị, đi chùa Tiêu Sơn, gặp thần nhân giao cấu, do đấy có thai, sinh ngài năm Giáp Tuất, Thái Bình thứ 5 (974) đời Đinh. Khi ngài lên ba tuổi, sư chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn nuôi làm con, nhân đấy lấy theo họ Lý.

Lời cẩn án - Lý Thái Tổ làm con nuôi sư Lý Khánh Văn, còn bố đẻ không biết là ai. Sử cũ ở đây chép truy tôn cha mà không chép tên, lại không nói rõ là bố đẻ hay là bố nuôi, về sau chép phong cho anh, phong cho chú, lại không thấy nói họ tên. Vậy hãy tạm để lại, sẽ khảo sau. Lời chua - Chùa Tiêu Sơn: Tức chùa Trường Liêu, ở xã Tiêu Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Chùa Cổ Pháp: Ở xã Đình Bảng, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh.

Lập sáu Hoàng hậu.

Riêng người vợ cả gọi là Lập Giáo hoàng hậu. Những đồ ăn mặc và xe đi đều khác với các bà hậu kia.

Lập con là Phật Mã làm thái tử.

Phật Mã là con trưởng, thiên tư đĩnh ngộ, tinh thông Lục nghệ và Lược thao . Khi còn nhỏ, chơi với trẻ con, Phật Mã hay tập làm nghi vệ bách quan rước xách. Nhà vua nói bỡn rằng: "Con nhà tướng nên tập quân sự, chứ chơi trò rước xách làm gì?". Phật Mã thưa: "Họ Lê lên thay họ Đinh, chẳng phải là nhà tướng đấy dư? Chẳng qua là tự trời cho đó mà thôi!". Nhà vua lấy làm lạ. Đến đây lập làm thái tử.

Bấy giờ, các con đều phong tước hầu, 13 người con gái đều phong công chúa. Và phong anh làm Vũ Uy vương, phong chú làm Vũ Đạo vương. Lại phong Trưng Hiển, con Vũ Uy vương làm thái uý, và phong Phó, con Dực Thánh vương, làm tổng quản.

Lời chua - Vũ Uy vương, Vũ Đạo vương, Dực Thánh vương: đều không rõ tên là gì. Theo sách Thiên Nam trung nghĩa lục của Phạm Phi Hiển, Dực Thánh vương là con thứ hai Lý Thái Tổ.

Phong Đào Cam Mộc làm Nghĩa tín hầu.

Cam Mộc có công phò giúp lên ngôi, nhà vua phong cho tước hầu và gả cho công chúa An Quốc.

Ban áo mặc cho hàng tăng đạo.

Năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ hoàng đế năm Thuận Thiên thứ 1. (Tống, năm Đại Trung tường phù thứ 3).

Tháng 2, mùa xuân, sang chơi châu Cổ Pháp, ban tiền và lụa cho các kỳ lão có thứ bậc khác nhau.

Xa giá nhà vua đến châu Cổ Pháp, yết lăng Thái hậu, sai các quan đo đất vài mươi dặm đặt làm cấm địa thuộc sơn lăng; nhân dịp ấy ban tiền và lụa cho các kỳ lão.

Lời chua - Cổ Pháp: Tên châu. Xem Lê Long Đĩnh năm Cảnh Thuỵ thứ 2 (Chb. II, 7).

Sai sứ sang nhà Tống.

Sai viên ngoại lang là Lương [Nhậm] Văn và Lê Tái Nghiêm đem sản vật địa phương sang biếu nhà Tống. Các quan nhà Tống muốn từ chối, nhưng vua Tống nói: "Họ Lê thay nhà Đinh, họ Lý cũng bắt chước làm theo. Ta đối với Lê hay Lý, nào có khác gì!". Bèn nhận lễ sính.

Tháng 7, mùa thu, dời kinh đô đến thành Thăng Long.

Nhà vua cho rằng thành Hoa Lư trũng thấp, chật hẹp, nên muốn dời kinh đô đi chỗ khác, dụ bầy tôi rằng: "Xưa kia, nhà Thương năm lần thiên kinh đô, nhà Chu ba lần thiên kinh đô, thảy đều trên kính vâng mạng trời, dưới thuận theo lòng dân, để làm chước lâu dài hàng muôn đời. Gần đây, nhà Đinh, nhà Lê theo ý riêng mình, ở đâu yên đấy, không biết lo xa, nên hưởng nước không được lâu dài; trẫm lấy làm đau lòng lắm! Trẫm nay mở xem địa đồ, Đại La thành, kinh đô cũ của Cao Biền, ở trung tâm đất nước, có hình thế hiểm yếu như rồng bò hổ phục, bốn phương sum họp, người và vật đông nhiều, thực là chỗ kinh đô quý nhất của đế vương. Trẫm muốn nhân chỗ địa lợi ấy đóng làm kinh đô. Ý các khanh nghĩ thế nào?". Bầy tôi đều thưa: "Bệ hạ nói đến việc ấy thực là lợi cho thiên hạ muôn đời".

Nhà vua bằng lòng lắm, mới từ Hoa Lư dời kinh đô đến Đại La thành. Thuyền ngự đến bên thành, có con rồng hiện ra. Nhà vua sai đổi tên là thành Thăng Long .

Ở trong thành, khởi công xây dựng cung điện: phía trước là điện Kiền Nguyên, dùng làm chỗ coi chầu, hai bên tả, hữu làm điện Tập Hiền và điện Giảng Vũ, đều có thềm rồng. Lại mở ba cửa: cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân; cửa Đan Phụng thông với cửa Uy Viễn. Đằng sau điện Kiền Nguyên có điện Long An và điện Long Thuỵ, làm chỗ nhà vua nghỉ ngơi. Hai cung Thúy Hoa và Long Thuỵ để cho các phi tần ở. Lại lập kho đụn, xây thành, đào hào. Mở bốn cửa thành: phía Đông là cửa Tường Phù, phía Tây là cửa Quảng Phúc, phía Nam là cửa Đại Hưng, phía Bắc là cửa Diệu Đức.

Lời chua - Hoa Lư thành: Xem Nam tấn, Ngô Xương Văn, năm thứ 1 (Tb. V, 24).

Đại La thành: Xem thuộc Đường, Ý Tông, năm Hàm Thông thứ 7 (Tb. V, 10).

Thăng Long thành: Theo Hà Nội sách , nhà Lý gọi là thành Thăng Long; nhà Trần đổi làm Đông Đô, khi thuộc Minh gọi là Đông Quan thành; nhà Lê gọi là Đông Kinh, năm Gia Long thứ 4, đổi là Thăng Long. Bây giờ là tỉnh thành Hà Nội.

Đổi thành Hoa Lư làm phủ Trường Yên. Đặt châu Cổ Pháp lên làm phủ Thiên Đức.

Đặt châu Cổ Pháp lên làm phủ Thiên Đức, lại đổi sông Bắc Giang làm sông Thiên Đức.

Lời chua - Phủ Trường Yên: Nhà Lý đặt làm phủ, nhà Trần, nhà Lê đều để theo tên cũ. Bây giờ là phủ Yên Khánh tỉnh Ninh Bình.

Châu Cổ Pháp: Xem Lê đế Long Đĩnh, năm Cảnh Thuỵ thứ 2 (Chb. II, 6).

Sông Thiên Đức: Có tên nữa là sông Diên Uẩn hoặc sông Đông Ngàn. Đó là dòng sông do sông Nhị Hà tách ra, chảy qua huyện Đông Ngàn và huyện Quế Dương đổ vào sông Lục Đầu. Bây giờ là sông Chiêm Đức, tỉnh Bắc Ninh.

Dựng chùa ở phủ Thiên Đức.

Phát hai vạn quan tiền, dựng tám cảnh chùa, đều lập bia ghi công đức. Lại ở trong thành Thăng Long, dựng chùa Hưng Thiên ngự tự, cung Thái Thanh và chùa Vạn Tuế; ở ngoài thành dựng chùa Thắng Nghiêm, chùa Thiên Vương, chùa Cẩm Y, chùa Long Hưng, chùa Thái Thọ, chùa Thiên Quang và chùa Thiên Đức, những đền chùa ở các làng mạc, có ngôi nào đổ nát, đều sai sửa chữa lại cả.

Lời phê - Nịnh Phật quá chừng, gây nên mối tệ về sau, hay là Lý Thái Tổ mê hoặc là mình xuất thân từ cửa Phật chăng? Dầu sao cũng không phải là chính đạo. Tháng 12, mùa đông. Cung Thúy Hoa làm xong. Đại xá.

Xá thuế ba năm cho cả nước. Phàm những thuế các năm trước còn thiếu đều xóa bỏ cho cả. Những người Mán bị bắt làm tù binh từ năm Cảnh Thuỵ nhà Lê, đều phát quần áo, tha cho về.

Sứ nhà Tống sang.

Từ Đinh, Lê đến nay, sứ Tống sang sách phong, trước phong chức Kiểm hiệu Thái uý, rồi đến chức Tiết độ, đô hộ, sau mới phong là Quận vương. Đến đây, bắt đầu phong ngay là Giao Chỉ quận vương, lĩnh Tĩnh Hải quân tiết độ sứ. Việc này về sau trở thành lệ thường.

Đổi mười đạo làm hai mươi bốn lộ; Ái Châu và Hoan Châu làm trại.

Lại lập trại Định Phiên ở Hoan Châu nam giới, dùng Lý Thai Giai làm chủ trại.

Lời cẩn án - Nhà Đinh đặt thập đạo quân; nhà Lê chia mười đạo làm lộ, phủ, châu; đến nay nhà Lý lại chia mười đạo làm hai mươi bốn lộ. Tên đạo và tên lộ ra sao, Sử cũ đều không chép rõ. Vả, ở đây chép đổi mười đạo làm hai mươi bốn lộ, đặt Hoan Châu và Ái Châu làm trại, thì bấy giờ các châu đều gọi là châu, hoặc giả đặt châu làm lộ, còn Hoan Châu và Ái Châu là đất biên viễn, nên lại gọi là trại để phân biệt đó chăng? Lời chua - Ái Châu: Tức Thanh Hóa.

Hoan Châu: Tức Nghệ An. Cả hai đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20-21).

Hoan Châu nam giới: Theo Nghệ An phong thổ ký của Bùi Dương Lịch, Hoan Châu nam giới là ở đất huyện Kỳ Hoa. Bây giờ Kỳ Hoa là huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tân Hợi, năm thứ 2 (1011). (Tống, năm Đại Trung tường phù thứ 4).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua tự làm tướng đi đánh và diệt được mán Cử Long.

Mán Cử Long giữ nơi hiểm yếu, cậy sức kiên cố, từ Đinh, Lê đến nay vẫn không chinh phục được. Đến Lý bây giờ, Cử Long ngày càng quá rông rỡ, nhà vua thống suất sáu quân đi đánh: bắt được tên đầu sỏ của chúng, rồi rút về. Từ đó Cử Long mới bị diệt hẳn.

Lời chua - Cử Long: Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 8 (Chb. I, 34-35).

Tháng 4, mùa hạ. Sai sứ sang nhà Tống.

Sai Viên ngoại lang là Lý Nhân Nghĩa và Đào Khánh Văn sang Tống biếu sản vật địa phương. Khánh Văn lẩn trốn ở lại bên Tống; người Tống bắt, giao trả lại. Nhà vua sai đánh bằng trượng giết chết.

Dựng điện Hàm Quang ở bến sông Phú Lương.

Làm điện ở bên sông Phú Lương là để dùng trong những lúc đi chơi, vãn cảnh.

Lời chua - Sông Phú Lương: Sông này trên liền với sông Bạch Hạc tỉnh Sơn Tây, dưới thông với sông Đại Hoàng tỉnh Nam Định chảy suốt ra biển. Bây giờ là sông Nhị Hà thuộc Hà Nội.

Nhâm Tí, năm thứ 3 (1012). (Tống, năm Đại Trung tường phù thứ 5).

Tháng 4, mùa hạ. Sụa lại hai điện Long An và Long Thuỵ.

Hai điện này làm từ năm Thuận Thiên thứ 1 (1010); đến đây sửa lại.

Lập thái tử Phật Mã làm Khai Thiên vương.

Nhà vua thấy thái tử sinh trưởng ở nơi cung cấm, chưa am hiểu việc dân, nay phong cho tước vương và làm cung Long Đức ở ngoài thành để cho ở.

Lời cẩn án - Thái tử là vị hoàng tử trong nước. Lý Thái Tổ lập Phật Mã làm thái tử thế là người trù bị nối ngôi đã định rõ rồi. Nếu muốn cho Thái tử biết khắp mọi việc dân gian thì nên chọn lấy những bậc sư phó có hiền đức mà dạy bảo chỉ dẫn cho thì hơn. Nay lại phong tước vương, cho ở ngoài thành, không khác gì các vương khác, như thế không phải đạo tôn trọng người nối dõi tông đường và thống nhất lòng dân. Về sau, Lý Thái Tông lập Thái tử Nhật Tôn làm Khai Hoàng vương, cũng bắt chước làm như thế, thực là trái thường lắm . Tháng 7, mùa thu. Nhà vua đi xem bơi trải.

Bơi thuyền thi ở sông Phú Lương, nhà vua ngự điện Hàm Quang để xem. Suốt đời nhà Lý, việc xem bơi trải trở thành lệ thường.

Tháng 12, mùa đông. Nước Chân Lạp sang cống.

Nước Chân Lạp ở phía nam nước Chiêm Thành, khoảng niên hiệu Thuận Thiên (1010-1026), tất cả bốn lần sang triều cống nước ta.

Lời chua - Nước Chân Lạp: Xem thuộc Đường, Tuyên Tông, năm Đại Trung thứ 12 (Tb. IV, 39).

Nhà vua thân đi đánh và dẹp được Diễn Châu.

Người Diễn Châu chống lại mệnh lệnh triều đình, nhà vua tự cầm quân đi đánh. Khi quân về đến cửa Biện, gặp cơn gió mưa mờ mịt, sấm chớp ầm ầm, mọi người đều sợ có sự bất trắc. Nhà vua đốt hương, khấn trời rằng: "Tôi là người ít đức, đứng đầu quan và dân, vẫn nơm nớp sợ hãi, như lo lỡ sa xuống vực sâu. Chỉ vì người Diễn Châu ngang ngạnh, không theo giáo hóa, nên bất đắc dĩ phải đi đánh dẹp. Trong vòng gươm giáo, chắc không khỏi có sự oan uổng tới dân lành, đến nỗi làm cho hoàng thiên nổi giận; một mình tôi đây dù phải chịu nạn cũng không dám ân hận gì, nhưng còn sáu quân vô tội thì sao? Kính xin lòng trời soi xét cho". Khấn vừa dứt lời, sấm gió yên ngay.

Lời phê - Lời Lý Thái Tổ khấn trời, tỏ ra rất có đức độ đế vương; thật chẳng khác Thành Thang nhà Thương đem sáu việc , trách mình trong khi gặp nạn bảy năm hạn hán: thảo nào giữa người và trời có sự cảm ứng không sai.

Lời chua - Diễn Châu: Tên phủ. Xem thuộc Đường, Cao Tông, năm Điều Lộ thứ 1 (Tb. IV, 20).

Cửa Biện: Ở địa phận huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bây giờ vẫn là cửa Biện.

Quý Sửu, năm thứ 4 (1013). (Tống, năm Đại Trung tường phù thứ 6).

Tháng 2 mùa xuân. Đặt thể lệ thuế khóa.

1) Thuế đầm, ao, ruộng đất; 2) Thuế tiền bãi dâu; 3) Thuế sản vật ở núi rừng; 4) Thuế mắm muối dưới sự kiểm soát của các nơi quan ải; 5) Thuế sừng tê, ngà voi và hương liệu ở nơi thổ mán; 6) Thuế gỗ lạt, hoa quả ở miền núi. Thảy đều đặt rõ lệ ngạch để đánh thuế. Cho các vương, hầu và công chúa được quản lĩnh các thuế có từng thứ bậc khác nhau.

Tháng 6, mùa hạ. Lập con là Bồ làm Khai Quốc vương.

Tháng 10, mùa đông. Châu mục Vị Long là Hà Trắc Tuấn làm phản. Nhà vua tự cầm quân đi đánh, Trắc Tuấn chạy trốn.

Trước đó, người Mán đến châu Vị Long đổi chác, mua bán; nhà vua sai người đến bắt, tước được hơn một vạn con ngựa. Đến đây, Trắc Tuấn làm phản, lại ngả theo người Mán. Nhà vua thân đi đánh: Trắc Tuấn sợ, chạy trốn.

Bấy giờ tàu ngựa của vua có một con ngựa, hễ ngự giá sắp đi đâu thì nó thể nào cũng hí lên. Nhà vua đặt tên cho là Bạch Long thần mã.

Lời chua - Vị Long: Tên châu. Nhà Đinh, nhà Lê gọi là Vị Long; nhà Lý, nhà Trần vẫn theo tên như thế. Khi thuộc Minh đổi là Đại Man. Về sau, nhà Lê vẫn để tên ấy. Bây giờ là đất châu Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Người Mán: Tức là mán Hạc Thác. Xem năm Thuận Thiên, thứ 5 (Chb. II, 17). Theo Ngu Hành chí của Phạm Thành Đại nhà Tống, đất Nam Chiếu liền với rợ Tây Nhung, có sản nhiều ngựa; ngựa ở đây là giống tốt nhất của tây nam phiên. Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn cũng chép: Về miền Nam Chiếu sản nhiều ngựa tốt, nhân dân mua bán trao đổi với nhau lan tràn cả sang xứ lân cận.

Giáp Dần, năm thứ 5 (1014). (Tống, năm Đại Trung tường phù thứ 7).

Tháng giêng, mùa xuân. Quân Mán vào cướp. Nhà vua sai Dực Thánh vương đi đánh, phá được giặc.

Tướng mán Hạc Thác là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người vào cướp, đóng ở bến Kim Hoa, cắm dinh dàn đồn, gọi là trại Ngũ Hoa. Châu mục Bình Lâm là Hoàng Ân Vinh tâu việc ấy về triều. Nhà vua sai Dực Thánh vương (không rõ tên) đi đánh, phá được giặc, chém hàng vạn thủ cấp, bắt được quân và ngựa của địch, rồi rút về. Nhà vua sai bọn viên ngoại lang Phùng Chân đem một trăm con trong số ngựa đã bắt được ấy đưa biếu nhà Tống. Vua Tống hậu đãi họ, ban cho họ mũ, đai, đồ dùng và lụa có từng thứ bậc khác nhau.

Lời cẩn án - Sử cũ ở đây chỉ chép là "người Mán" chứ không nói rõ là Mán nào. Nay theo sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng, chép là mán Hạc Thác . Lời chua - Hạc Thác: Theo Minh sử , Nam Chiếu cũng có tên gọi nữa là Hạc Thác.

Bình Lâm: Theo Độc sử phương dư kỷ yếu của Cố Tổ Vũ, nhà Đường đặt châu Bình Lâm, rồi lại chia ra cho lệ thuộc vào các châu khác. Bây giờ là đất các huyện Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng.

Tháng 10, mùa đông. Đắp thành đất ở Thăng Long.

Bốn bề xung quanh ngoài kinh thành đều sai đắp thành đất cả.

Đổi phủ Ứng Thiên làm Nam Kinh.

Lời chua - Phủ Ứng Thiên: Thuộc tỉnh Hà Nội. Nhà Lý gọi là Ứng Thiên; khi thuộc Minh gọi là Ứng Bình; nhà Lê lại gọi là Ứng Thiên. Bây giờ là phủ Ứng Hòa323 .

Ất Mão, năm thứ 6 (1015). (Tống, năm Đại Trung tường phù thứ 8).

Tháng giêng, mùa xuân. Đào Cam Mộc mất.

Cam Mộc có công giúp Thái tổ lên ngôi, được phong tước hầu, đến đây mất, tặng phong thái sư.

Tháng 2. Hà Trắc Tuấn lại làm phản. Nhà vua sai đi đánh giết được Trắc Tuấn.

Trắc Tuấn lại nổi lên làm phản ở các châu Vị Long, Đô Kim, Thường Tân và Bình Nguyên. Nhà vua sai Dực thánh vương và Vũ Đức vương đi đánh, bắt được Trắc Tuấn điệu về kinh đô, chém đầu, bêu ở chợ Cửa Đông.

Lời chua - Đô Kim: theo Đường thư Địa lý chí , nhà Đường đặt châu Đô Kim, rồi lại chia ra, cho lệ thuộc vào các châu khác. Bây giờ là đất tổng Đô Kim, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Bình Nguyên: Từ khi thuộc Minh trở về trước gọi là châu Bình Nguyên. Nhà Lê ban đầu vẫn để tên cũ, rồi đổi là Vị Xuyên. Bây giờ là châu Vị Xuyên, tỉnh Tuyên Quang.

Châu Thường Tân: Không khảo được.

Bính Thìn, năm thứ 7 (1016). (Tống, năm Đại Trung tường phù thứ 9). Tháng 3, mùa xuân. Lại lập ba hoàng hậu.

Ba hoàng hậu là: Tá quốc, Lập nguyên và Lập giáo.

Lời cẩn án - Sử cũ chép Lý Thái Tổ trước đây đã lập sáu hoàng hậu. Lập Giáo hoàng hậu đứng đầu: đồ mặc và xe đi đều khác với các hoàng hậu kia. Đến đây lại chép lập ba hoàng hậu, mà Lập Giáo thì ở sau cùng. Điều này Sử cũ chắc có lầm lẫn; nhưng hãy cứ chép lại đó, sẽ khảo sau. Động đất.

Sứ nhà Tống sang.

Gia phong nhà vua làm Nam Bình vương.

Đâu đấy được mùa cả.

Tha tô thuế 3 năm cho cả nước.

Đinh Tị, năm thứ 8 (1017). (Tống, năm Thiên Hi thứ 1).

Tháng 3, mùa xuân. Điện Kiền Nguyên bị sét đánh.

Vì điện Kiền Nguyên bị sét đánh, nhà vua coi chầu ở điện phía đông.

Lời chua - Điện phía đông: Tức điện Tập Hiền.

Mậu Ngọ, năm thứ 9 (1018). (Tống, năm Thiên Hi thứ 2).

Tháng 2, mùa xuân. Mới truy tôn và đặt tên thuỵ cho bà của nhà vua.

Lời phê - Gốc tích họ Lý lờ mờ không khảo được, còn làm thế nào được việc truy tôn? Nhưng ý trời chung đúc cho thì có khi người thường không thể lường biết được. Lời cẩn án - Những đời trước của vua Lý Thái Tổ, thế thứ ra sao, tên và hiệu là gì đều không rõ cả. Ở đây chép truy tôn bà mà không nói đến ông. Ngô [Thì] Sĩ bảo "bà"

đây là mẹ của thái hậu. Đối với những điều không lấy gì làm bằng cứ được, xin hãy chép lại để sẽ khảo sau. Tháng 6, mùa hạ. Sai sứ sang nhà Tống xin kinh Tam tạng.

Sai viên ngoại lang Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc Như sang nhà Tống dâng biểu xin kinh Tam tạng; vua Tống ưng cho. Kịp khi sứ bộ quay về, nhà vua xuống chiếu cho Phí Trí sang tỉnh Quảng Tây đón kinh về để kho ở Đại Hưng.

Lời chua - Kinh Tam Tạng: Kinh Phật. Tam tạng của nhà chùa gồm có Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng.

Tháng 10, mùa đông. Lập con là Lực làm Đông Chinh vương.

Tha một nửa tô ruộng cho cả nước.

Kỷ Mùi, năm thứ 10 (1019). (Tống, năm Thiên Hi thứ 3).

Tháng giêng, mùa xuân. Dựng nhà thái miếu ở lăng Thiên Đức.

Lời cẩn án - Cổ giả lập kinh đô phía trước là triều đình, phía sau là đô thị1, bên tả là miếu thờ tổ, bên hữu là nền tế xã. Tổ miếu sở dĩ ở bên tả quốc đô, là cốt để hết lòng tôn kính về việc tế lễ thờ cúng. Đời sau, như Hán, Đường, Tống, nhà thái miếu đều dựng ở kinh đô, chứ chưa có đời nào lập thái miếu ở chỗ lăng tẩm. Lý Thái Tổ được nước ta mười năm rồi mà không thấy sử chép xây dựng nhà thái miếu ở kinh thành; đến đây, mới thấy chép lập nhà thái miếu ở lăng Thiên Đức. Có lẽ vì bấy giờ những người bàn định lễ nghi chưa khảo kỹ được pháp chế đời xưa, hay là Sử cũ bỏ sót không chép việc dựng thái miếu ở kinh đô, mà lại nhận lầm tẩm miếu ở lăng Thiên Đức là thái miếu chăng? Nay hãy chép lại đó để sẽ khảo sau. Lời chua - Thiên Đức: Tên phủ, Lý Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 1 (1010) đặt châu Cổ Pháp lên làm phủ; bây giờ là huyện Đông Ngàn325 . Sử của Ngô [Thì] Sĩ chua rằng các vua triều Lý đưa về táng ở phủ Thiên Đức đều gọi là Thọ Lăng.

Độ dân trong nước làm thày chùa.

Trước đó, độ dân ở kinh đô; đến đây, lại độ dân trong cả nước, lập đàn giới ở chùa Vạn Thọ, sai các tăng đồ đến thụ giới. Phát vàng đúc chuông lớn để ở các chùa Hưng Thiên, Đại Giáo và Thắng Nghiêm.

Canh Thân, năm thứ 11 (1020). (Tống, năm Thiên Hi thứ 4).

Tháng 12 mùa đông. Sai Khai Thiên vương Phật Mã đi đánh và phá được nước Chiêm Thành.

Nhà vua sai Khai Thiên vương và Đào Thạc Phụ đem quân đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính, tiến thẳng đến núi Long Tị, chém được tướng Chiêm là Bố Lệnh tại trận; người Chiêm chết mất quá nửa.

Lời chua - Chiêm Thành: Tức nước Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb. III, 20-21).

Bố Chính: Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ thứ 1 (Chb. III, 29).

Long Tị: Ở địa phận xã Thuần Chất, huyện Bình Chính, tỉnh Quảng Bình. Hình thế núi này nhô lên như vòi rồng, nên gọi là "Long Tị".

Điện phía đông bị sét đánh.

Vì điện phía đông bị sét đánh, nhà vua coi chầu ở điện phía tây. Lại dựng lên ba ngôi điện: điện ở đằng trước dùng làm nơi để coi chầu, hai điện ở đằng sau dùng để làm việc chính trị.

Lời chua - Điện phía tây: Tức là điện Giảng Vũ.

Điện phía đông: Xem năm Thuận Thiên thứ 8 (Chb. II, 19).

Tân Dậu, năm thứ 12 (1021). (Tống, năm Thiên Hi thứ 5).

Tháng 2, mùa xân. Ngày tiết Thiên Thành, thết yến tiệc các bầy tôi.

Đặt ngày sinh nhật nhà vua làm tiết Thiên Thành. Ngoài cửa Quảng Phúc kết trúc làm núi, gọi là Vạn Thọ nam sơn; trên núi làm nhiều hình trạng chim bay, thú chạy, lắm vẻ ly kỳ. Nhân đó ban yến cho bầy tôi để mua vui.

Lời chua - Cửa Quảng Phúc: Cửa Tây kinh thành Thăng Long.

Nhâm Tuất, năm thứ 13 (1022). (Tống, năm Kiền Hưng thứ 1).

Tháng 2, mùa xuân. Bỏ việc kết trúc làm núi giả.

Nhà vua thấy việc kết trúc làm núi, nhọc sức nhân dân nên bãi bỏ. Ngày tiết Thiên Thành chỉ đặt tiệc thôi.

Sai Dực Thánh vương đi đánh và phá được mán Đại Nguyên Lịch.

Mán Đại Nguyên Lịch khuấy nhiễu nơi biên giới, nhà vua sai Dực Thánh vương đi đánh, phá được giặc. Quan quân ta vượt bờ cõi, tràn sang đất Tống, đến trại Như Hồng, thiêu đốt kho đụn ở đấy rồi rút về.

Lời chua - Đại Nguyên Lịch: Sử cũ chua là tên một dân tộc Mán, ở khoảng giữa trại Như Hồng và trấn Triều Dương. Theo sách Khâm Châu chí nhà Thanh, trại Như Hồng ở về phía tây Khâm Châu, giáp giới với trấn Như Tích, cách châu Vĩnh An thuộc Giao Chỉ 20 dặm.

Quý Hợi, năm thứ 14 (1023). (Tống, Nhân Tông, năm Thiên Thánh thứ 1).

Tháng 9, mùa thu. Đổi trấn Triều Dương làm châu Vĩnh An.

Lời chua - Triều Dương: Xưa là bộ Ninh Hải; nhà Đinh, nhà Lê gọi là trấn Triều Dương; nhà Lý đổi làm châu Vĩnh An; nhà Trần đổi làm lộ Hải Đông; khi thuộc Minh gọi là châu Tĩnh An; nhà Lê cho lệ thuộc vào An Bang. Bây giờ là đất các châu Tiên Yên và Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên.

Giáp Tý, năm thứ 15 (1024). (Tống, năm Thiên Thánh thứ 2).

Mùa xuân. Xuống chiếu sai Khai Thiên vương Phật Mã đi đánh Phong Châu. Khai Quốc vương đi đánh châu Đô Kim.

Lời chua - Phong Châu: Xem Hùng Vương (Tb. I, 1-2).

Đô Kim: Xem năm Thuận Thiên thứ 6 (Chb. II, 18).

Sửa sang kinh thành Thăng Long.

Thành Thăng Long khởi đắp từ năm Thuận Thiên thứ 1 (1010) đến đây sửa lại.

Tháng 9, mùa thu. Dựng chùa Chân Giáo.

Làm chùa Chân Giáo ở trong thành, sai thày chùa tụng kinh, nhà vua ngự đến vãn cảnh.

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Lý Thái Tổ xây dựng chùa này và sai tụng kinh ở đây; Lý Huệ Tông xuất gia đi tu cũng ở chùa này. Sách Tả truyện có câu rằng: "Quân dĩ thử thủy, diệc dĩ thử chung", nghĩa là lúc bắt đầu xuất phát từ việc gì, thì lúc cuối cùng lại kết quả bằng việc ấy. Câu này thật đáng tin lắm. Ất Sửu, năm thứ 16 (1025). (Tống, năm Thiên Thánh thứ 3).

Tháng 8, mùa thu. Định danh hiệu binh làm giáp, đổi chức hỏa đầu làm chánh thủ.

Mỗi giáp 15 người, dùng một người làm quản giáp. Lại đặt các sắc mục quản giáp. Con hát cũng gọi là quản giáp.

Lời chua - Hỏa Đầu: Sách Kiến văn lục của Lê Quý Đôn chép rằng: Hỏa đầu cũng như đội trưởng đời Lê. Không rõ đặt ra từ đời nào.

Bính Dần, năm thứ 17 (1026). (Tống, năm Thiên Thánh thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Sửa Ngọc Điệp .

Tháng 11, mùa đông. Xuống chiếu cho Khai Thiên vương Phật Mã đi đánh Diễn Châu.

Đinh Mão, năm thứ 18 (1027). (Tống, năm Thiên Thánh thứ 5).

Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán.

Tháng 8, mùa thu. Xuống chiếu cho Khai Thiên vương Phật Mã đi đánh châu Thất Nguyên, Đông Chinh vương Lực đi đánh Văn Châu.

Lời chua - Châu Thất Nguyên: Thuộc tỉnh Lạng Sơn. Nhà Lý gọi là Thất Nguyên; nhà Lê gọi là Thất Tuyền. Nay là huyện Thất Khê.

Văn Châu: Thuộc tỉnh Lạng Sơn. Nhà Lý gọi là Văn Châu; khi thuộc Minh gọi là châu Thượng Văn và châu Hạ Văn; nhà Lê gọi là châu Văn Uyên. Nay vẫn là châu Văn Uyên.

Mậu Thìn, năm thứ 19 (1028): (Từ tháng 3 trở đi là niên hiệu của Lý Thái Tông hoàng đế năm Thiên Thành thứ 1). (Tống, năm Thiên Thánh thứ 6).

Mồng 1, tháng 3, mùa xuân. Nhật thực.

Lý Thái Tổ mất.

Nhà vua ở ngôi 19 năm, thọ 55 tuổi.

Đông Chinh vương Lực cùng Dực Thánh vương và Vũ Đức vương làm loạn. Bọn nội thị Viên ngoại lang là Lý Nhân Nghĩa và Vũ vệ tướng quân là Lê Phụng Hiểu đánh dẹp được yên: Vũ Đức vương phải chịu giết chết.

Khi Lý Thái Tổ mới mất, bầy tôi đều đến cung Long Đức đón Thái tử Phật Mã, vâng theo lời di chếu, lên ngôi. Hay tin ấy, Đông Chinh vương Lực cùng Dực Thánh vương và Vũ Đức vương đều kéo quân của phủ mình vào Cấm Thành. Đông Chinh vương Lực phục quân ở phía trong Long Thành, Dực Thánh vương và Vũ Đức vương phục quân ở phía trong cửa Quảng Phúc, đợi Thái tử đến thì đổ ra tập kích. Một lát, Thái tử từ cửa Tường Phù vào, đến điện Kiền Nguyên, thấy động, cho đóng các cửa điện lại, sai các vệ sĩ bố trí phòng bị. Thái tử bảo những người ở bên mình rằng: "Ta đây ở với anh em không phụ ai một tí nào, thế mà bây giờ các vương ấy làm sự bất nghĩa để nguy hại đến xã tắc! Vậy ý các khanh nghĩ sao?". Lý Nhân Nghĩa thưa: "Tình nghĩa anh em là ở chỗ trong có thể hiệp mưu với nhau, ngoài có thể cùng nhau chống kẻ khinh thường nhà mình. Nay các vương ấy như thế thì còn gọi là anh em được nữa không? Tôi xin được phép ra đánh một trận để quyết định sự được thua". Thái tử nói: "Tiên đế mới nằm xuống, chưa kịp táng; mà bây giờ anh em ruột thịt hại lẫn nhau, để thiên hạ và đời sau chê cười thì sao?". Nhân Nghĩa thưa lại rằng: "Tôi nghe nói, người lo việc xa thì phải bỏ sự gần, kẻ giữ đạo công thì phải cắt đứt tình riêng. Xưa kia Chu Công giết Quản, Thái để yên nhà Chu; Đường Thái Tông giết Kiến Thành và Nguyên Cát để giữ vững nhà Đường. Nay điện hạ nếu làm được như Chu Công và Đường Thái Tông ngày trước để yên xã tắc, thì người ta khen ngợi còn không ngớt, chứ còn chê cười nỗi gì?". Thái tử hãy còn chần chừ chưa quyết định, Nhân Nghĩa lại nói thêm: "Tiên đế thấy điện hạ là người hiền có thể nối được chí, tài có thể làm nên được việc lớn, cho nên phó thác thiên hạ cho điện hạ, nay giặc đã đến sát cửa cung, mà điện hạ còn trùng trình lặng thinh hồi lâu rồi nói: "Ta đây không phải không nghĩ đến thế đâu, nhưng chỉ muốn cho các vương ấy tự ý rút lui, khỏi lộ tội lỗi, để cho vẹn toàn ân tình máu mủ anh em đó thôi".

Bấy giờ quân ba phủ các vương hành động đã gấp rút. Thái tử liệu thế không thể kìm lại được nữa, mới bảo bọn Nhân Nghĩa: "Bây giờ sự thể đã đến thế này, ta đây chỉ biết thờ phụng Tiên đế, còn ngoài ra phó mặc các khanh, ta không biết đến". Bọn Nhân Nghĩa lạy hai lạy, nói: "Chết vì hoạn nạn của vua, là phận sự của chúng tôi; ngày nay nếu được chết cũng là chết đúng chỗ".

Nói đoạn, liền mở cửa thành, kéo ra đánh, ai nấy hăng hái sẵn sàng hy sinh: một người có thể địch được trăm người. Lê Phụng Hiểu tuốt gươm thẳng xông đến cửa Quảng Phúc, hô to lên rằng: "Bọn Vũ Đức vương trong bụng ngấm ngầm làm điều phản trắc, trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con; Phụng Hiểu đây xin dâng lưỡi gươm này". Đoạn, xông thẳng đến bên ngựa Vũ Đức vương: ngựa bị đánh quỵ, bắt sống được Vũ Đức vương, giết chết tại trận. Quân của ba vương phủ thua chạy. Quan quân đuổi chém hầu không còn sót một mống nào. Riêng Đông Chinh vương và Dực Thánh vương chạy được thoát thân thôi.

Phụng Hiểu quay về báo tin với Thái tử. Thái tử yên ủi rằng: "Ta sở dĩ gánh vác được cơ nghiệp của Tiên đế, là nhờ sức của các khanh đấy. Ta xem sử nhà Đường thấy có Uất Trì Kính Đức giúp vua qua cơn hoạn nạn, vẫn nghĩ bụng rằng người làm tôi đời sau không còn ai sánh bằng. Thế mà Phụng Hiểu ngày nay lại còn trung dũng hơn Uất Trì Kính Đức". Phụng Hiểu lạy hai lạy, nói: "Đức độ điện hạ cảm động được đến trời đất, hễ kẻ nào dám manh tâm toan tính gì khác thì các vị thần linh trong thiên hạ đều làm hết chức phận mà tru diệt đi, chứ như lũ tôi nào có công gì!".

Lời phê - Lúc nối ngôi vua mà gặp chỗ phải đối xử với anh em ruột thịt khó khăn như thế này, thật rất rầy rà! Bấy giờ danh vị của thái tử đã được ổn định từ lâu, mà công đức thái tử trước đây vốn đã rõ rệt, vậy mà còn xảy ra biến loạn đến như thế; huống chi những đám khác ư? Lời bình luận của Sử cũ chỉ là câu nệ ở việc phong vương mà không xét kỹ.

Lời chua - Phụng Hiểu: Người làng Băng Sơn, thuộc Ái Châu, có sức khỏe; Lý Thái Tổ nghe tiếng vời ra làm tướng, thăng đến Vũ Vệ tướng quân: đến đây vì có công dẹp loạn, được phong Đô thống thượng tướng quân, tước hầu. Làng Băng Sơn bây giờ là xã Dương Sơn thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Cung Long Đức: Ở ngoài kinh thành Thăng Long, dựng lên từ năm Thuận Thiên thứ 3 (1012).

Cửa Quảng Phúc1: Xem năm Thuận Thiên thứ 12 (Chb. II, 23).

Cửa Tường Phù: Cửa Đông Kinh thành Thăng Long.

Thái tử Phật Mã lên ngôi. Đổi niên hiệu. Đại xá.

Ngày Mậu Tuất, Lý Thái Tổ mất; ngày Kỷ Hợi, Thái tử Phật Mã lên ngôi, bầy tôi dâng tôn hiệu: Khai Thiên thống vận tôn đạo quý đức thánh văn quảng vũ sùng nhân thượng thiện chính lý dân an thần phù long hiện thể nguyên ngự cực ức tải công cao ứng chân bảo lịch thông huyền chí ảo hưng long đại định thông minh từ hiếu hoàng đế (tức là Lý Thái Tông).

Tôn mẹ là Lê thị là Linh Hiển hoàng thái hậu.

Tha tội cho Đông Chinh vương và Dực Thánh vương, lại cho khai phục vương tước.

Hai vương đến cửa cung khuyết xin chịu tội. Nhà vua xuống chiếu tha cho.

Ban tiền và lụa cho thiên hạ.

Nhà vua vì mới lên ngôi, muốn ra ơn cho thiên hạ, nên xuống chiếu ban phát tiền và lụa trong kho Nội phủ cho trong nước.

Hội họp bầy tôi tuyên thệ ở miếu thần Đồng Cổ.

Trước đây, các vương âm mưu làm loạn, triều đình không ai biết cả, nhà vua đêm chiêm bao thấy thần núi Đồng Cổ báo mộng rằng: Các vương Vũ Đức Đông Chinh và Dực Thánh nổi loạn đấ, nên kíp điều khiển quân lính để đánh dẹp! Lúc tỉnh dậy, nhà vua sai người bố trí phòng bị; quả đúng như thế. Đến đây, xuống chiếu lập miếu thờ Đồng Cổ ở bên hữu thành Thăng Long, xây đàn ở giữa miếu, hội họp bầy tôi, giết con sinh vật, cùng nhau uống máu ăn thề, tuyên thệ rằng: "Làm con mà bất hiếu, làm tôi mà bất trung, thì Thần linh chu diệt" . Từ đấy về sau, năm nào cũng đặt làm lệ thường. Người nào lẩn tránh không đến dự lễ tuyên thệ thì phải phạt 50 trượng.

Lời phê - Đế vương đã có mạng trời xếp đặt, bách thần cũng phải đem hết anh linh ra giúp đỡ. Việc biến loạn ở triều Lý, nếu bảo rằng Thái tử nhân chiêm bao mà biết trước, thì sao khi đã vào đến cung điện mới nghe biết tin biến động. Vậy việc lập miếu thờ đã là bậy rồi, đến việc hội họp thề nguyền lại càng hỏng nữa! Lời chua - Núi Đồng Cổ: Xem Lê Đại Hành, năm Thiên Phúc thứ 4 (Chb. I, 20).

Miếu thần Đồng Cổ: Ở thôn Đông, phường Yên Thái341 , huyện Vĩnh Thuận, bây giờ vẫn còn.

Khai Quốc vương Bồ làm phản. Tháng 4, mùa hạ nhà vua thân đi đánh: Khai Quốc vương ra hàng.

Trước đây, Bồ ở phủ Trường Yên, cậy đó là nơi hiểm trở kiên cố, chiêu nạp những kẻ vong mạng, đi cướp bóc dân; người xung quanh không ai dám nói gì cả. Kịp khi Vũ Đức vương đã bị giết. Bồ có ý bất bình, mới đem quân trong phủ mình nổi dậy làm phản. Nhà vua giao Lý Nhân Nghĩa giữ kinh đô, ra nối ngôi. Chế độ như thế không rõ dụng ý thế nào, nhưng danh vị của ngôi hoàng tử không định rõ từ trước, đến lúc vội vàng mới chọn người nối ngôi, thì khó có thể giữ cho khỏi xảy biến loạn (Toàn thư quyển 3, tờ 13). Tự cầm quân đi đánh. Khi quân kéo đến phủ Trường Yên, Bồ xin hàng, nhà vua ưng thuận, ra lệnh: "Hễ kẻ nào cướp bóc của nả của dân thì chém!". Quân sĩ răm rắp nghiêm giữ kỷ luật, không dám tơ hào của dân. Khi vào trong thành, dân chúng ganh nhau dâng bò, biếu rượu; nhà vua vỗ về yên ủi, dân rất hả hê. Rồi rút quân về, xuống chiếu đổi bọn Bồ và liêu thuộc của hắn về kinh thành Thăng Long.

Nhà vua từ Trường Yên về triều, tha tội cho Khai Quốc vương Bồ và cho khai phục lại vương tước.

Tháng 5. Lập con là Nhật Tôn làm Thái tử.

Bầy tôi xin với nhà vua rằng: Thái tử là căn bản của nước, nên sớm lập người con có thánh đức chính vị đông cung để yên lòng mong muốn của thiên hạ. Nhà vua theo lời, lập Nhật Tôn làm Thái tử.

Lập bảy hoàng hậu.

Cho những thân phụ các Hoàng hậu là bọn Mai Hựu, Vương Đỗ, Đinh Ngô Thượng làm Thượng tướng .

Thân phụ bà Mai hậu là Hựu làm An quốc thượng tướng; thân phụ bà Vương hậu là Đỗ làm Phụ quốc thượng tướng, thân phụ bà Đinh hậu là Ngô Thượng làm Khuông quốc thượng tướng.

Lời chua - Mai Hựu, Vương Đỗ, Đinh Ngô Thượng: Đều không rõ lý lịch ra sao.

Dùng Đàm Toái Trạng làm Đô thống, Nguyễn Khánh làm Định thắng đại tướng.

Đặt mười vệ cấm quân.

Một là vệ Quảng Thánh, hai là vệ Quảng Vũ, ba là vệ Ngự Long, bốn là vệ Phủng Nhật, năm là vệ Trừng Hải: mỗi vệ đều chia ra tả và hữu, để bảo vệ cấm thành.

Tháng 6. Gặp tiết Thiên Thánh, ban yến cho bầy tôi.

Đặt ngày sinh nhật nhà vua làm tiết Thiên Thánh. Kết trúc làm núi Vạn Thọ nam sơn, núi có 5 ngọn: ngọn giữa gọi là núi Trường Thọ, còn 4 ngọn bên gọi là núi Bạch Hạc, làm nhiều hình trạng chim bay muông chạy. Sườn núi cắm đầy cờ xí, treo xen vàng ngọc; cho phường chèo đến trong núi, thổi kèn, thổi sáo, múa hát để mua vui. Ban yến cho bầy tôi. Lối chơi núi 5 ngọn bắt đầu từ đấy.

Lời phê - Chưa an táng cha, còn đang có trở đã vội yến tiệc vui chơi như thế, thật thất lễ quá! Tháng 10, mùa đông. An táng Lý Thái Tổ ở Thọ lăng, phủ Thiên Đức.

Đặt tên Thụy là Thần Vũ hoàng đế, miếu hiệu là Thái Tổ (1010-1028).

Năm Kỷ Tị (1029). Lý Thánh Tông hoàng đế năm Thiên Thánh thứ 2. (Tống, năm Thiên Thánh thứ 7).

Tháng 2, mùa xuân. Làm xong miếu thờ Lý Thái Tổ.

Tháng 3. Gả công chúa Bình Dương cho Châu mục Lạng châu là Thân Thiệu Thái.

Thời bấy giờ không đặt tiết trấn; các việc quân sự và dân sự ở các châu đều do châu mục coi quản. Các châu miền thượng du lại giao cho bọn tù trưởng địa phương quản lĩnh. Nhà vua sợ khó khống chế được họ, nên mới kết mốt giao hảo bằng cuộc hôn nhân để ràng buộc họ. Lại gả công chúa Kim Thành cho châu mục Phong Châu là Lê Tông Thuận, và gả công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà Thiện Lãm. Từ đó việc gả công chúa cho châu mục trở thành lệ thường của nhà Lý.

Lời chua - Lạng Châu: Xem Đinh Toàn, năm Thái Bình thứ 11 (Chb. I, 14).

Phong Châu: Xem Hùng Vương (Tb. I, 1-2).

Châu Thượng Oai: Không khảo được.

Giáp Đãn Nãi thuộc Ái Châu nổi loạn. Tháng 4, mùa hạ, nhà vua thân đi đánh, dẹp yên được.

Nhà vua sai Thái tử coi việc nước, tự cầm quân đi đánh, phá tan được giáp Đãn Nãi. Rồi sai Trung sứ đôn đốc nhân dân trong giáp ấy đào sông, gọi là sông Đãn Nãi, nhà vua kéo quân về.

Lời chua - Ái Châu: Tức Thanh Hoá. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20-21).

Đãn Nãi: Tên một giáp, không rõ nay ở đâu.

Tháng 6. Dựng điện Thiên An.

Bấy giờ điện Kiền Nguyên đã bỏ, bỗng có con rồng hiện ở nền điện; nhà vua bảo những người ở xung quanh rằng: "Nền điện đã bỏ mà nay có rồng hiện, ý chừng đất ấy là nơi quý địa dựng lên cơ nghiệp đế vương chăng?". Rồi sai ở chổ đó dựng điện Thiên An, hai bên tả hữu làm điện Tuyên Đức và điện Diên Phúc. Sân đằng trước gọi là sân rồng; phía đông và phía tây sân rồng làm điện Văn Minh và điện Quảng Vũ; hai bên tả hữu sân rồng dựng gác chuông; bốn xung quanh sân rồng đều làm hành lang và giải vũ. Phía trước làm điện Phụng Tiên, trên điện có lầu Chính Dương, người giữ thẻ đồng hồ và báo canh, báo khắc ở tại đó. Phía sau làm điện Trường Xuân, trên điện có gác Long Đồ. Ngoài đó đắp một lần thành bao xung quanh gọi là Long Thành.

Lời phê - Bậy (Kô hiểu từ này ý nói gì đây ???) . Mồng 1, tháng 10, mùa đông. Trời mưa ra gạo.

Trước chùa Vạn Tuế, mưa xuống thành đống gạo trắng.

Lời chua - Chùa Vạn Tuế: Ở trong thành Thăng Long.

Sứ nhà Tống sang.

Sứ Tống là Chương Dĩnh sang làm lễ tế viếng Lý Thái Tổ, sách phong nhà vua (Lý Thái Tông) làm Giao Chỉ quận vương.

Canh Ngọ, năm thứ 3 (1030). (Tống, năm Thiên Thánh thứ 8).

Tháng 2, mùa xuân. Dựng điện Thiên Khánh.

Dựng điện Thiên Khánh ở phía trước điện Trường Xuân làm nơi làm việc chính trị. Điện này làm kiểu bát giác; phía trước và phía sau điện đều bắc cầu, gọi là cầu Phượng Hoàng.

Tháng 4, mùa hạ. Sai sứ sang nhà Tống.

Nhà vua sai đại liêu ban là Lê Ốc Thuyên và Viên ngoại lang là Nguyễn Viết Thân đem sản vật địa phương sang biếu nhà Tống.

Lời chua - Đại liêu ban: Sử của Ngô [Thì] Sĩ chua là tên một tước phong.

Đặt ra các kiểu áo mũ tước công, tước hầu, quan văn, quan võ.

Tháng 10, mùa đông. Đâu đấy được mùa cả.

Nhà vua đi thăm đồng Ô Lộ, xem xét việc gặt, nhân đó đổi tên xứ đồng ấy là Vĩnh Hưng.

Lời chua - Ô Lộ, Vĩnh Hưng: Chưa rõ đích xác ở đâu, nhưng xét huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên, có tổng Vĩnh Hưng, có lẽ là đấy chăng.

Tân Mùi, năm thứ 4 (1031). (Tống, năm Thiên Thánh thứ 9).

Tháng giêng, mùa xuân. Người Hoan Châu làm phản. Tháng 2, nhà vua thân đi đánh và hàng phục được họ.

Giao cho Thái tử trông coi việc nước, nhà vua tự làm tướng đi đánh. Quân kéo đến Hoan Châu: người Hoan Châu xin hàng. Ban chiếu tha tội cho các viên thú mục ở châu ấy, sai sứ đi vỗ về hiểu dụ nhân dân, rồi trở về.

Lời chua - Hoan Châu: Tức Nghệ An. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21-23).

Tháng 8, mùa thu. Các đền, chùa làm xong. Đại xá.

Trước đó, nhà vua từ Hoan Châu về, sai làm chín trăm năm mươi cảnh chùa và đền. Đến đây làm xong, mở hội chùa. Đại xá cho cả nước.

Tháng 10, mùa đông. Cho các đạo sĩ nhận ký lục ở cung Thái Thanh.

Đó là theo lời đạo sĩ Trịnh Trí Không.

Lời chua - Cung Thái Thanh: Ở trong thành Thăng Long.

Nhâm Thân, năm thứ 5 (1032). (Tống, năm Minh Đạo thứ 1).

Tháng 4, mùa hạ. Nhà vua chính mình đi cày ruộng tịch điền.

Nhà vua đi Đỗ Động Giang, cày ruộng tịch điền. Có người nông dân dâng lúa có điềm lạ: một rò được chín bông. Nhà vua hạ chiếu đổi gọi ruộng ấy là Ứng Thiên.

Lời chú - Đỗ Động Giang: Xem ngang với Tống, Thái Tổ, năm Kiến Đức thứ 4 (Tb. V, 29). Tháng 9, mùa thu. Nhà vua đi Lạng châu xem bắt voi.

Lời chua - Lạng Châu: Xem Đinh Toàn, năm Thái Bình thứ 11 (Chb. I, 14).

Tháng 11, mùa đông. Ban yến cho bầy tôi ở điện Thiên An.

Quý Dậu, năm thứ 6 (1033). (Tống, năm Minh Đạo thứ 2).

Tháng giêng, mùa xuân. Nước Chân Lạp sai sứ đến triều cống.

Lời chua - Chân Lạp: Xem thuộc Đường, Tuyên tông, năm Thái Trung thứ 12 (Tb. IV, 39).

Châu Định Nguyên làm phản. Tháng 2, nhà vua thân đi đánh dẹp yên.

Nhà vua giao cho thái tử trông coi việc nước, tự làm tướng đi đánh, dẹp yên được châu Định Nguyên, rồi kéo quân về. Lúc mới ra quân từ kinh đô, đóng ở châu Chân Đăng, có Đào thị đem con gái mình dâng tiến, nhà vua nhận lấy làm cung phi.

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Đem quân đi, đem gái về, binh uy vũ lực như thế thành ra nhảm nhí! Lời chua - Châu Chân Đăng: Thuộc tỉnh Sơn Tây, tức là phủ Lâm Thao bây giờ.

Châu Định Nguyên: không khảo được.

Tháng 7, mùa thu. Sai sứ đi tìm ngọc trai.

Châu mục châu Vĩnh An là Sư Dụng Hòa nói ở châu ấy có vực sản ngọc trai; nhà vua sai sứ giả kiếm và lấy được.

Lời chua - Vĩnh Yên: Tức là trấn Triều Dương. Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 14 (Chb. II, 23-24).

Vực sản ngọc trai: Theo Minh Nhất thống chí , trong biển thuộc châu Vĩnh An ở An Nam sản ngọc trai. Những người lái buôn ngoài biển nói rằng hễ năm nào trăng rằm tháng tám mà sáng tỏ thì năm ấy nhiều ngọc trai.

Tháng 8. Lập thái tử Nhật Tôn làm Khai Hoàng vương.

Tháng 9. Châu Trệ Nguyên làm phản. Tháng 10, mùa đông nhà vua thân đi đánh, dẹp yên.

Nhà vua giao cho Khai Hoàng vương trông coi việc nước, tự làm tướng đi đánh, dẹp yên được châu Trệ Nguyên rồi kéo quân về.

Lời chua - Châu Trệ Nguyên: Bây giờ ở đâu, không khảo được.

Giáp Tuất, năm Thông Thụy thứ 1 (1034). (Tống, năm Cảnh Hựu thứ 1).

Tháng 4, mùa hạ. Xuống chiếu cho bầy tôi tâu việc phải gọi vua là "Triều đình".

Phàm ai tâu việc gì ở trước vua thì phải gọi vua là "Triều đình".

Lời bàn của Lê Văn Hưu - Bầy tôi gọi vua là "Bệ hạ" lấy nghĩa rằng do người thấp đề đạt lên người cao. Lý Thái Tông bắt bày tôi gọi là "Triều đình", sau này, Lý Thánh Tông tự xưng là "Vạn thặng" , Lý Cao Tông bắt người ta gọi mình là "Phật", đều không có phép tắc ở Kinh điển nào cả, thực lầm lẫn quá! Tháng 8, mùa thu. Sai sứ sang nhà Tống.

Nhà vua sai Viên ngoại lang là bọn Hà Thụ và Đỗ Khoan đem biếu nhà Tống con voi đã thuần thục. Nhà Tống tặng bộ kinh Đại tạng để đáp lễ lại.

Bấy giờ có sư Nghiêm Bảo Tính và sư Phạm Minh Tâm đều làm lễ thiêu mình: xá lị thành thất bảo . Nhà vua cho thế là điềm tốt lành, sai đem thất bảo ấy để thờ ở chùa Trường Thánh; nhân đó đổi niên hiệu là Thông Thụy.

Lời phê - Lầm lỗi quá lắm! Lời chua - Kinh Đại tạng: Xem Lê Long Đĩnh, năm Ứng Thiên thứ 14 (Chb. I, 43).

Ất Hợi, năm thứ 2 (1035). (Tống, năm Cảnh Hựu thứ 2).

Tháng 7, mùa thu. Làm lễ sách lập354 bà Thiên Cảm hoàng hậu.

Hoàng hậu này là người vợ lẽ yêu của nhà vua, không rõ họ gì. Bấy giờ phong 13 người làm hậu phi, 18 người làm ngự nữ, hơn 100 người làm ca nữ.

Lập con là Nhật Trung làm Phụng Kiền vương.

Nhật Trung được phong tước vương, còn các con khác đều phong tước hầu.

Tháng 9. Ái Châu làm phản. Tháng 10, mùa đông, nhà vua thân đi đánh, dẹp yên.

Cho Phụng Kiền vương Nhật Trung làm kinh sư lưu thủ, nhà vua tự làm tướng đi đánh, dẹp yên được Ái Châu; trị tội các mục trưởng châu ấy, sai sứ phủ dụ nhân dân rồi về.

Lời chua - Ái Châu: Tức Thanh Hóa. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XI, 20-21).

Tháng 11. Nhà vua từ Ái Châu về, đặt tiệc linh đình khao các tướng sĩ.

Bọn tướng quân Nguyễn Khánh mưu làm phản, đều bị giết.

Trước đó, Khánh cùng với em nuôi là Đô thống Đàm Toái Trạng, nhà sư là họ Hồ và em vua là bọn Thắng Kiền, Thái Phúc mưu làm phản. Kịp khi nhà vua đi đánh Ái Châu, Khánh bấy giờ là Định thắng đại tướng cũng theo đi. Việc mưu phản bị phát giác. Phụng Kiền vương Nhật Trung đem tình trạng việc ấy tâu lên, nhà vua xuống chiếu bắt bọn Nguyễn Khánh, đóng cũi đưa về kinh đô. Đến đây, nhà vua ngự ở điện Thiên Khánh, tra xét, bọn Nguyễn Khánh, Toái Trạng và nhà sư họ Hồ đều bị giết, còn thì xử phạt có khác nhau thùy theo tội nặng hay nhẹ. Trước đây, nhà vua đi đến hành doanh ở Ái Châu, mở tiệc khao tướng sĩ, Nguyễn Khánh có dự. Nhà vua ngầm trỏ Nguyễn Khánh mà bảo các phi tần: "Nguyễn Khánh, trong lòng xao xuyến, trông thấy trẫm, y có vẻ thẹn, cử động thất thố, thế nào y cũng làm phản đấy". Kịp khi có tin báo đế, các phi tần đều lạy hai lạy mà tâu: "Thiếp nghe danh ngôn xưa có câu: "Bậc thánh nhân ngầm thấy được việc từ lúc chưa bộc lộ, đoán trước được việc từ lúc chưa nảy ra". Ngày nay chính mắt bọn thiếp được thấy rõ nghĩa câu nói ấy".

Bính Tí, năm thứ 3 (1036). (Tống, năm Cảnh Hựu thứ 3). Tháng giêng, mùa xuân. Tượng Phật làm xong. Đại xá.

Pho tượng Phật Đại nguyện đã tô xong, mở hội ăn mừng ở sân rồng; đại xá cho cả nước.

Tháng 4, mùa hạ. Đổi Hoan Châu làm Nghệ An châu trại.

Nhà Tùy đặt là Hoan Châu; nhà Đinh, nhà Lê vẫn theo như trước. Đến đây, vì đặt hành doanh, nên đổi tên như vậy. Lại đặt ra những kho như Tư Thành, Lợi Nhân và Vĩnh Phong tất cả 50 sở.

Lời chua - Hoan Châu: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 21-23).

Đinh Sửu, năm thứ 4 (1037). (Tống, năm Cảnh Hựu thứ 4).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua thân đi đánh Lâm Tây, dẹp yên được. Tháng 3, trở về cung.

Trước đây, đạo Lâm Tây cùng với các châu Đô Kim, Thường Tân và Bình Nguyên làm phản, xâm lấn châu Tư Lăng nhà Tống, cướp lấy trâu ngựa của dân sở tại đem về. Đến đây, nhà vua sai Phụng Kiền vương Nhật Trung coi giữ kinh đô .

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét