Nguyễn Gia Kiểng 004

Mưu sự tại nhân...

Độc giả đọc tới đây có thể rút ra một kết luận tương đối bi quan. Chúng ta đất hẹp, người đông, thiên nhiên bị tàn phá, lại đang rất nghèo nàn lạc hậu. Lợi thế của chúng ta là biển và vị trí thì lại hầu như hoàn toàn chưa được khai thác và dân ta còn phải học
hỏi nhiều mới có thể sử dụng được. Như thế có lẽ tương lai của ta mờ mịt lắm. Tôi xin cảnh giác trước độc giả về hai điều mâu thuẫn với nhau. Điều thứ nhất là độc giả sẽ còn phải chờ đợi ở những phần sau nhiều yếu tố tiêu cực hơn nữa, việc kiềm kê những điểm yếu của nước ta mới chỉ bắt đầu mà thôi. Điều thứ hai là, ngược lại, tất cả những nhược điềm vừa kể về địa lý thiên nhiên thực ra không quan trọng lắm và không đáng khiến ta phải quá bi quan, nhất là địa lý của chúng ta cũng không đến nỗi quá bất lợi.

Xin dẫn chứng một câu chuyện có thực mà tôi đã sống. Trại học tập cải tạo của chúng tôi ngoài các sĩ quan công chức của chế độ cũ ra còn có cả một số thường phạm. Điều đó chứng tỏ là chúng tôi là tù chứ chẳng phải là cải tạo viên gì cả. Số tù thường phạm gồm đủ loại: móc túi, đánh bài, buôn lậu, ăn trộm, ăn cướp và có một số cán bộ cộng sản bị phạt tù vì những lý do ngoài chính trị thí dụ như một anh được sĩ bán thuốc nhà nước cho chợ trời, một anh đại đội trưởng bắn chết người.

Trong số những thường phạm có Nguyễn Văn Khánh, một thành phần bất hảo rất nguy hiểm bị giam chung với tôi. Khánh là cháu ngoại Sáu Cường, võ sĩ khét tiếng miền Nam hồi thập niên 1930 đã từng thi đấu nhiều lần và chưa hề thua ai bao giờ. Mẹ Khánh cũng là một cao thủ võ lâm với cuộc sống rất phóng đãng. Khánh nói với tôi: Ông thầy biết không, mẹ tôi đã qua tất cả mọi binh chủng . ý Khánh muốn nói mẹ nó đã chung chạ với rất nhiều người, trong đó có những quân nhân thuộc mọi binh chủng của quân đội miền Nam. Khánh cũng như các anh em của nó đều mang họ mẹ vì không biết cha là ai. Khánh vạm vỡ khỏe mạnh và lúc nào cũng sẵn sàng ẩu đả, lại sân có máu con nhà võ nên chẳng sợ ai cả. Lúc đó Khánh mới 20 tuổi mà thành tích đã ghê gớm, không biết bao nhiêu lần vào tù ra khám dưới chế độ cũ và chỉ sáu tháng dưới chế độ cộng sản Khánh đã là bộ mặt rất quen thuộc đối với công an tỉnh Cà Mau. Tất cả là những tội trạng giống nhau : trộm cướp, đánh lộn, đưa dẫn và làm tiền gái bán dâm. Khánh không biết đọc, không biết viết không biết gì cả, lại rất lười biếng và chỉ có một trí thông minh dưới mức trung bình. Khánh bị bắt trong một đợt càn quét tệ đoan xã hội và bị đưa đi cải tạo vô hạn định. Vì là thành phần bất hảo, gan lì, Khánh bị quyện cả hai chân. Lúc vào tù, Khánh chỉ có một bộ quan áo, và dĩ nhiên không có người thăm nuôi. Mẹ Khánh không biết đã lưu lạc nơi nào, các anh em Khánh hoặc đang sống lang thang vô gia cư, hoặc cũng đang ở tù với một tội trạng tương tự như Khánh. Nói chung, Khánh đang ở trong một hiện tại bi đát, không có một tương lai nào và cũng không có ai ưa Khánh đễ có thể dìu dắt, giúp đỡ. Trong một đêm giao thừa Khánh nói với tôi: Cuộc đời tôi tàn rồi! .
Đêm hôm đó, từ chiếc radio của người công an gác đêm vọng ra lời chúc Tết của chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cả nước biết ông Tôn Đức Thắng đã xấp xỉ chín mươi tuổi và đã yếu lắm. Tôi hỏi Khánh :

─ Mày nói đời mày tàn rồi, thế nếu đổi cuộc đời mày lấy cuộc đời của chủ tịch Tôn Đức Thắng mày có chịu không?

Khánh giẫy nẩy lên:

─ Đâu được? Ông nói giỡn sao, ông ấy sắp chết đến nơi rồi.

Cả hai chúng tôi đều phá ra cười.

Thì ra, cũng như hầu hết mọi người, Khánh quá chú tâm đến những thành công và danh vọng đề quên rằng thực ra điều quí giá nhất trong một đời người là sức khỏe và tuổi trẻ. Còn sức khỏe và còn trẻ là còn hy vọng. đối với một đất nước, điều quan trọng nhất là con người, còn con người là còn tất cả dù tình trạng hiện tại ra sao. Bởi vì con người có thể làm ra tất cả.

Nước Pháp không xa Hòa Lan. Tôi có nhiều người bạn ở đó, và có cả một nghĩa tử. Năm nào tôi cũng qua Hòa Lan nhiều lần. Đường đi lại dễ dàng, chỉ cần vài giờ lái xe. Từ cửa nhà tôi tới cửa nhà Đặng Minh Kỷ, phối trí viên của nhóm Thông Luận Hòa Lan, chỉ có 500 cây số.

Nước Hòa Lan chỉ rộng bằng một phần mười diện tích của Việt nam, với một dân số 15 triệu. Hòa Lan có mật độ dân số cao vào bậc nhất thế giới, gần gấp hai lần Việt nam, gấp bốn lan nước Pháp. Ngoài một mỏ khí đốt ở miền Bắc, tại Groningen, Hòa Lan không có một tài nguyên nào đáng kề cả. Đất của Hòa Lan thấp hơn mức nước biền nên ngập lụt là một đe dọa thường trực. Tên của nước Hòa Lan là Nederland, có nghĩa là đất thấp. Đất hẹp và bất lợi, người đông, tài nguyên thiên nhiên ít ỏi, nhưng Hòa Lan là một thiên đàng hạ giới, do chính con người tạo ra. Người Hòa Lan thường tự hào: Thượng Đế đã tạo ra thế giới, nhưng chính chúng tôi đã làm ra đất nước này. Hoàn toàn đúng. Dù nhỏ bé về cả đất đai lẫn dân số, nhưng Hòa Lan là một cường quốc kinh tế. Tổng sản lượng quốc gia của Hòa Lan trên 300 tỷ USD, gần 15 lần tổng sản lượng của Việt nam với 78 triệu dân, gấp rưỡi tổng sản lượng gộp lại của tất cả lục địa châu Phi với trên 600 triệu dân. Hòa Lan có mặt một cách tích cực trên mọi thị trường thế giới. Trên thềm thế kỷ 21, ngoại thương của Hòa Lan cao hơn hẳn ngoại thương của Trung Quốc ngay cả sau hơn hai thập niên theo đuổi chủ trương giàu có là vinh quang, gấp năm lần ngoại thương của ấn Độ và lúc nào cũng xuất siêu. Các công ty lớn của Hòa Lan như Philips, Royal Dutch, Unilever có chi nhánh trên khắp các lục địa và tại tất cả các quốc gia phát triển. Nông phẩm của Hòa Lan, nhất là sữa và thịt, tràn ngập các thị trường châu Âu.

Đất nước Hòa Lan đẹp đẽ với những xa lộ tuyệt vời chạy qua những cánh đồng xanh tốt, với những đàn bò béo mập và những cây xanh rất thẩm mỹ. Hòa Lan chưa phải trải qua một cuộc cách mạng nào, nhưng Hòa Lan là một nước dân chủ và tự do nhất thế giới. Không ở đâu con người được quí trọng như ở Hòa Lan và có lẽ cũng không ở đâu cái thú làm dân lại có thể lớn hơn ở Hòa Lan. Tôi ưa sang Hòa Lan vì những người bạn quí ở đó, nhưng cũng vì tôi ngưỡng mộ vô cùng đất nước và con người Hòa Lan. Người Hòa Lan đã làm cho tôi hiểu một cách âm thầm và chắc chắn rằng mưu sự tại nhân mà thành sự cũng tại nhân. Tôi cám ơn sâu xa và thành thực Hòa Lan đã cho tôi hy vọng và niềm tin, nhờ đó mặc dầu những khó khăn và trở ngại ngày hôm nay tôi không bao giờ mất niềm tin rằng vẫn còn có thể có một nước Việt nam tương lai xứng đáng đề những người Việt hôm nay đầu tư cố gắng và đề cho các thế hệ ngày mai có thể yêu mến và tự hào.

Một dân tộc tinh anh ?

Trong cuốn sách Việt nam Sử Lược quen thuộc với mọi người, Trần Trọng Kim viết về người Việt nam như sau: Về đằng trí tục và tính tình thì người Việt nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỉ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.
Tâm địa nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma tin quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.

Trần Trọng Kim, xuất thân là một giáo viên, được gởi đi học và tốt nghiệp Trường Thuộc Địa (Ecole Coloniale) tại Pháp. Trường Thuộc Địa Pháp vào đầu thế kỷ này là một trường có trình độ trung học, có mục đích khai mở nền văn minh Pháp nói riêng và phương Tây nói chung cho những trí thức Việt nam dầu tiên để họ về nước phục vụ cho chính quyền thuộc địa. Năm 1911, ông Hồ Chí Minh, lúc đó làm bồi tàu và mới tới Pháp, cũng có làm đơn với lời lẽ thống thiết viện cớ có cha đậu tiến sĩ Hán học để xin vào trường này, nhưng bị từ chối.
Tuy vốn liếng khoa bảng không có bao nhiêu (nhưng vào thời đó trình độ của Trường Thuộc Địa cũng đã là cao lắm rồi), nhưng ông Trần Trọng Kim đã dày công học hỏi và nhờ trí tuệ xuất sắc ông trở thành một học giả lớn. Ngoài kiến thức uyên bác, Trân Trọng Kim còn là một người liêm khiết, lương thiện. Ông có uy tín rất lớn trong thời đại của ông. Năm 1945, khi nhật đảo chánh pháp, trả độc lập trên nguyên tắc cho Việt nam, ông Trần Trọng Kim, lúc đó đã về hưu, được vua Bảo Đại mời ra làm thủ tướng theo ý của người Nhật. Sự kiện ông được chỉ định làm thủ tướng là một ngạc nhiên cho rất nhiều người. Phần đông giới theo dõi thời cuộc lúc đó chờ đợi ông Ngô Đình Diệm, một cựu thượng thư, có uy tín, có tham vọng chính trị và nhất là đã giao dịch với Nhật từ lâu. Ông Diệm đã tham gia từ 1941 tổ chức Việt nam Phục Quốc Hội của hoàng thân Cường Để do Nhật đỡ đầu. Người ngạc nhiên nhất chính là ông Ngô Đình Diệm. Thực ra ngay từ khi đỗ bộ vào Việt nam, Nhật cũng đã có ý định dùng Trần Trọng Kim như một lá bài thay thế cho Ngô Đình Diệm, có lẽ vì họ nghĩ Ngô Đình Diệm là một chính khách sắc bén hơn và có thể đòi hỏi họ nhiều hơn là Trần Trọng Kim. Tuy vậy ông Trần Trọng Kim cũng đã dần dần đòi hỏi được nơi người Nhật tất cả những nhượng bộ cần thiết. Nếu người Nhật coi Trần Trọng Kim là người không đáng lo ngại thì người Pháp sau này lại lo ngại Trần Trọng Kim và làm áp lực để Bảo Đại chọn Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng năm 1948 thay vì Trần Trọng Kim. Sau đó Trần Trọng Kim qua Phnom Penh sống với người con gái, ông mất vài năm sau đó, khi vừa trở về Việt nam.
Trần Trọng Kim tóm lược cuộc đời chính trị của ông trong thiên hồi ký ngắn Một cơn gió bụi . Có lẽ những ai có ý định viết hồi ký đều nên đọc cuốn sách nhỏ này trước đã. Đó thực sự là một cuốn hồi ký. Nó được viết một cách thực thà, lương thiện, rành mạch, điều ít thấy trong các cuốn hồi ký khác. Hồi ký là một loại sách đặc biệt. Nó có tác dụng chính, và có thể nói là duy nhất, là ghi chép các sự kiện đễ làm chứng cho một giai đoạn. Đòi hỏi duy nhất của nó là phải trung thực, phải có giá trị của một tài liệu. Người Việt nam, nhất là các tướng tá quân đội miền Nam cũ, hay dùng hồi ký đề bóp méo sự thật, tán dương hay chạy tội cho mình, bôi nhọ người khác. Những hồi ký như vậy không thể dùng làm tài liệu. Trần Trọng Kim được mọi người kính trọng, người ta kính trọng kiến thức của ông và người ta còn kính trọng hơn nơi ông nhân cách của một trí thức chân chính. Nếu không phải Trần Trọng Kim mà một người khác viết ra những dòng trên, thì chắc chắn sẽ bị cả một loạt bài đả kích và mạt sát thậm tệ vì đã dám coi thường người Việt Nhưng vì là do Trần Trọng Kim viết ra nên không ai cãi lại, và hầu hết nhìn nhận là đúng. Tôi cũng có đọc trong nhiều cuốn sách cũ của các học giả Pháp một nhận định tương tự như vậy về người Việt, không biết có một sự tham khảo nào không. Điều chắc chắn là Trần Trọng Kim chỉ viết những điều ông tin là đúng.

Nói chung, Trần Trọng Kim nhận định người Việt nam có cấu tạo cơ thể tốt có trí óc tương đối tốt, siêng năng, hiếu học, biết trọng đạo đức, nhưng tâm lý thì rất dở. Ông không nói người Việt Nam nói chung có yêu nước hay không, đó cũng là một điều lạ trong cuốn sách sử.

Tôi đã đề cập phần trước tới nước Hòa Lan như là một kỳ quan của thế giới. Quan sát kỹ người Hòa Lan, thành thực tôi không thấy họ thông minh hơn người Việt, hay có hơn cũng không hơn bao nhiêu. Họ cũng không chăm chỉ hơn người Việt nam, hay có hơn cũng không hơn bao nhiêu. Vậy mà họ đã tạo nên được quốc gia đáng phục nhất thế giới. Tôi làm việc với người Pháp và cũng đi tới một nhận định tương tự. Riêng người Anh thì phải nói tuy họ có nét độc đáo riêng, nhưng trí tuệ của họ cũng chỉ xấp xỉ như người Hòa Lan và người Pháp, ngoài ra họ lười biếng hơn hẳn người Việt nam.

Vậy mà tại sao các quốc gia đó giàu mạnh đến thế, trong khi nước ta nghèo nàn lạc hậu và tang tóc đến thế.

Khi một máy vi tính hoạt động dở thì chỉ có hai giải thích : một là cái hardware (phần vật liệu hay phần cứng) của nó dở, hai là cái software (phần trí liệu hay phần mềm) của nó dở. Chất liệu, nghĩa là cấu tạo cơ thẻ và trí óc của người Việt nam tốt. Vậy thì phải chăng cái software, nghĩa là cái văn hóa và tâm lý, của người Việt nam tồi dở? Tôi tin như thế. Một người bạn tôi sau hơn một thập niên làm cố vấn cho các chính phủ châu Phi đã chỉ rút ra được một kết luận rõ nét: các nước đó không vươn lên được vì trở ngại văn hóa và tâm lý.
Đọc những bài đóng góp gần đây của các tác giả Việt nam về vấn đề phát triển đất nước, phần đông có giá trị, nhiều bài rất xuất sắc tôi ít thấy đề cập đến yếu tố tâm lý (hay văn hóa cũng thế vì tâm lý và văn hóa rất gần nhau), trong khi đó tất cả các nhà bác học có thẩm quyền ở tam vóc thế giới về vấn đề phát triển đều coi yếu tố tâm lý là ye~u tố cốt lõi. Nhiều tác giả còn gọi phát triển là một cấu trúc tâm lý (structure mentale).

Tâm lý của một dân tộc, nhiều người thích dùng cụm từ hồn tính dân tộc, một phần do điều kiện thiên nhiên tạo thành, nhưng một phần lớn là do các giá trị đã được nhìn nhận từ lâu đời và đã tạo ra một nếp sống. Các giá trị ấy hình thành có khi do sự khám phá trong cuộc sống của dân tộc, có khi được du nhập và hấp thụ, được kiểm chứng và xét lại theo kinh nghiệm lịch sử. Lịch sử vì thế đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành tâm lý dân tộc. Lịch sử là trí nhớ tập thể của dân tộc, một nguồn tài liệu và gợi ý. Lịch sử cũng là tấm gương đề một dân tộc nhận diện được mình, hiểu mình, biết mình nên làm gì và có thể làm gì. Muốn như thế, lịch sử phải chính xác và cũng phải được phân tích và khai thác một cách sáng suốt và khách quan.

Nhưng một mặt lịch sử của ta không chính xác, và, mặt khác, chúng ta rút ra từ lịch sử những kết luận và những bài học sai lầm.

Một dân tộc hiếu học ?

Người Việt nam rất hiếu học. Tính hiếu học của người Việt là có thực. Điều này mọi người đều đồng ý và chính tôi cũng có thể kiểm chứng trong những môi trường mà tôi đã sống và những người mà tôi đã biết, ngay cả trong gia đình tôi.
Tại trung học Trần Lục, nơi tôi theo học từ đệ thất (lớp 6 bây giờ) tới đệ Tứ (lớp 9), các học sinh phần lớn là di cư từ ngoài Bắc vào, chính trường Trần Lục cũng là một trường di chuyền từ Phát Diệm vào. Trường do các linh mục Phát Diệm thành lập và mang tên linh mục Trần Lục, còn gọi là cha Sáu, một tu sĩ có đức hạnh và rất tha thiết với văn hoá Việt nam. Ông Trần Lục có làm một tập thơ, mà tôi không nhớ tên, giáo huấn về đạo đức. Ông cũng xây dựng một nhà thờ lớn theo kiến trúc cổ truyền Việt nam được coi là rất thành công về nghệ thuật. Nhìn trên ảnh, nhà thờ này giống như một ngôi chùa. Tôi vào học trường Trần Lục vì một lý do tình cờ. Anh em tôi sau tiểu học định thi vào trường Chu Văn An, trường mà mẹ tôi vẫn ca tụng là hay và mơ ước chúng tôi sẽ học tại đấy. Nhưng năm đó, bà có ý định mua một căn nhà trong một ngõ hẻm gần Tân Định nên chúng tôi thi vào Trần Lục để đi học cho gần. Về sau tuy việc mua nhà này không thành chúng tôi vẫn tiếp tục học ở đó. Lúc đó là những năm 1955-1956, các học sinh trừ một hai ngoại lệ, đều rất nghèo, gia đình họ vốn đã không giàu có lại mất hết của cải trong đợt di cư nên càng nghèo. Đã thế, trường Trần Lục lại là một thứ trường tầm gửi, một thứ trường không có trường, phải học nhờ trường tiểu học Đồ Chiểu. Giải pháp tìm ra là học buổi trưa. Trường tiểu học Đồ Chiểu học sớm đi một chút buổi sáng và trễ một chút buổi chiều. Trường Đồ Chiểu tan học buổi sáng, vào lúc 10g30, trường Trần Lục học từ 10g30 đến 14g30, rồi trường Đồ Chiểu lấy lại trường sau đó. Học buổi trưa là cả một cực hình dưới trời nóng gay gắt. Cả thầy lẫn trò đều mệt mỏi, học sinh phần lớn đều không có tiền mua sách, có khi còn thiếu cả tiền mua vở và bút. Một cây bút chì, một quyển vở đều quí báu cả. Hầu hết các gia đình chúng tôi đều ở trong những căn nhà lụp xụp, nhiều nhà không có điện, tối phải thắp sáng bằng đèn dầu, vừa học vừa đập muỗi. Những buổi tập thể dục mặc quần xà lỏn để lộ đùi ra thì thấy đứa nào cũng đầy dấu muỗi chích. Vậy mà cả trường đậu học hành chăm chỉ và đậu giỏi cả.

Trong khu tôi ở cũng có nhiều học sinh, họ không sáng dạ lắm nhưng học chăm chỉ một cách kỳ lạ, họ học tới khuya, nhiều người uống thuốc Maxiton cho đỡ buồn ngủ. Tờ mờ sáng họ đã thức dậy, học to tiếng để chống buồn ngủ, tiếng họ học đánh thức anh em tôi dậy. Có nhưng anh đã bắt đầu luyện thi tú tài khi tôi mới lên trung học, đến khi tôi đậu xong tú tài họ vẫn rớt dài dài, nhưng vẫn tiếp tục học. Có chí thì nên, khi tôi ở Pháp về, sau 12 năm vắng mặt, phần lớn đậu đã tốt nghiệp đại học làm giáo sư, luật sư, được sĩ. Điều không may cho họ là trong thời gian 12 năm ấy xã hội miền Nam đã đổi mới, nhưng nghề trí óc không còn vinh hiển nữa và họ không sung túc bao nhiêu sau những cố gắng thật phi thường. Người khá nhất trong bọn họ là một anh thi mãi không đậu tú tài đi làm bánh mì, sau trở thành chủ. Những lần đi ăn nhậu với nhau anh ta đều trả tiền.

Tôi học xong đệ tứ thì bỏ trường Trần Lục đi làm ban ngày, buổi tối theo học lớp Khuyến Học Bổ Túc của Hội Bình Dân Giáo Dục và lại gặp một loại người khác. Họ là công chức, quân nhân, muốn lấy thêm một mảnh bằng để thăng tiến, là những người đã di làm, và phần lớn đã có gia đình, muốn có thêm học vấn, hay những học sinh nghèo ban ngày phải đi làm kiếm tiến. ở hàng đầu là các cô phần lớn đã đi làm, có người đã có chồng con. Trong một lớp bên cạnh có ông Cao Văn Viên, sau này là đại tướng tổng tham mưu trưởng Quân Lực Việt nam Cộng Hòa. Họ học say mê, miệt mài mặc dầu học rất khó khăn.

Lớp học của tôi sau này có nhiều người khá thành công. Trương Văn Vân sau học khoa học rồi tình nguyện đi sĩ quan Dà Lạt, làm tiểu đoàn phó binh chủng Dù, vợ Vân là Thúy, do tôi giới thiệu làm được sư, con một thương gia giàu có, học trò cũ của tôi lúc tôi đi dạy kèm để kiếm tiền. Vân đi học tập cải tạo 12 năm sau ngày 30-4-1975. Vân và Thúy hiện định cư ở Seattle, Hoa Kỳ. Nguyễn Thiện Tường sau làm luật sư. Tường thi rớt tú tài 1, tôi phải dành cả mùa hè năm đó đễ kèm Tường. Chúng tôi hẹn nhau ở mái hiên sau của Thư Viện Quốc Gia, bên cạnh trường Petrus Ký và Chu Văn An, nơi có một số bàn ghế vứt bỏ. Tôi đem theo tiễu thuyết đễ đọc Tường ngồi học bên cạnh, có gì bí thì hỏi tôi. Anh của Tường là Nguyễn Thiệu Hùng cũng là một gương hiếu học. Anh đậu tú tài trước chúng tôi và đi dạy trung học vừa học văn khoa. Không những thế, anh còn làm thơ và làm thơ hay. Tập thơ Bốn Mươi Bài Thơ của Hùng (bút hiệu Mai Trung Tĩnh) làm chung với Lê Đức Vượng (bút hiệu Vương Đức Lệ) được giải nhất Thơ Văn Toàn Quốc năm 1960. Nguyễn Thiệu Hùng và Lê Đức Vượng gần đây tham gia nhóm Diễn Dàn Tự Do với Đoàn Viết Hoạt và bị bắt. Tháng 7- 1993, Hùng bị kết án bốn năm tù, Vượng bị năm năm. Ra trước tòa, Vượng chỉ xin chính quyền trả lại cho anh tập thơ hai mươi ngàn bài mà anh đã sáng tác trong gần hai mươi năm qua, nhưng chính quyền trả lời là tập thơ đã thất lạc.
Trịnh Văn Thi sau này tốt nghiệp cử nhân luật, làm thiếu tá cảnh sát, không biết bây giờ ở đâu. Đinh Văn Hoạt cũng tốt nghiệp cử nhân khoa học, vừa làm giáo sư vừa dạy võ Việt nam.

Một hôm đi ăn tiệm ở Paris, ông chủ nhận ra tôi, rồi tự giới thiệu là Nguyễn Văn Ngọ, học lớp bên cạnh, cùng với ông Cao Văn Viên. Ông ta sau này cũng đậu cử nhân luật, làm tham vụ ngoại giao và ở nước ngoài nên thoát nạn ngày 30-4-1975. Chính ông Viên, sau khi đậu tú tài và làm tướng vẫn tiếp tục học và đậu cử nhân văn chương.

Mỗi lần hồi tưởng lại thời gian ấy, tôi vẫn cảm thấy một sự cảm phục xâu xa và một niềm hãnh diện vô cùng về tính hiếu học của người Việt. Tôi còn nhớ mãi đôi mắt quầng thâm của chị bạn ngồi bàn trên tôi. Có lẽ chị đã thức đêm nhiều lắm để học. Tôi vẫn tin tính hiếu học là hy vọng lớn nhất của dân tộc ta để vươn lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét