Việt Sử Tiêu Án .P02

Việt Sử Tiêu Án
Ngô Thời Sỹ
Nước Tề dùng Phòng Pháp Thừa làm Thứ sử Giao Châu. Pháp Thừa chỉ thích đọc sách, không làm việc. Trưởng lại là Phục Đăng Chi nhân thế mới được chuyên quyền, thay đổi tướng lại, Pháp Thừa giận giam Đăng Chi vào ngục. Đăng Chi đút lót cho Thôi Cảnh Thục là chồng của em gái Pháp Thừa, được tha ra. Bèn mang quân bộ hạ của
mình đánh úp châu thành, bắt Pháp thừa giam ở nhà riêng, Pháp Thừa lại xin chỉ đọc sách. Đăng Chi không cho, bảo rằng: "Sứ quân tĩnh dưỡng còn sợ nổi bệnh, không nên đọc sách". Đăng Chi tâu về triều đình rằng: "Pháp Thừa có bệnh ở tâm, không làm việc được". Vua Tề cho Đăng Chi làm Thứ sử (đọc sách là việc hay, duy đọc sách mà bỏ việc, đến nỗi để người khác chuyên quyền, cho đến mất quan, là cái lỗi nghiện sách đó, phàm việc gì làm quá mức trung bình, thì cũng là không hay). Chưa được mấy lâu, nước Tề cho Lý Khải làmThứ sử; gặp lúc nước Lương nhận sự nhường ngôi của Tề, Lý Khải nhân thế giữ Giao Châu làm phản; Trưởng sử là Lý Tắc đánh bình được. Vua Lương cho Lý Tắc làm Thứ sử.

Nước Lương chia Giao Châu, đặt ra Ái Châu.

Nguyễn Nghiễm bàn rằng: Đời Nhị đế, tam vương đạo đức, giáo hóa lan khắp mọi nơi, nước nào muốn được dự, thì thanh giáo đến nơi, nước nào không muốn dự, thì cũng không cưỡng bách. Xuống đến mạt thế, ở trong nước thì trống rỗng, đối với nước ngoài thì tham lam, mình đã không ra gì mà mưu toan thôn tính người khác, chia ra quận huyện, đặt ra thú mục, kể những đồ lấy được như là minh châu, tê giác, ngà voi đều là vật vô ích, chỉ đầy túi cho bọn hoạt lại đấy thôi, nhất đán có việc gì khẩn cấp, vẫn phải sai đến tướng sĩ, dấn thân chạy hàng muôn dặm để cứu đỡ, quân sĩ mỏi mệt, vận lương hao tổn Ngạn ngữ có câu rằng: muốn được rộng đất, thì đất tất phải bỏ hoang. Vậy người làm việc nước chớ nên thích làm việc to lớn mà lầm.



Trên đây nói về nước ta ngoại thuộc nước Ngô, nước Tấn, nước Tống, nước Tề, nước Lương, khởi từ năm Canh Dần, năm thứ 15 niên hiệu Kiến An nhà Hán, cuối là năm Canh Thân, năm thứ 6 niên hiệu Đại Đồng nước Lương cộng 323 năm.

Sách Thông sử bàn rằng: Giao Châu ta đất rộng, ruộng tốt, tục dân nhu thuận và chậm chạp, người Bắc lợi kỳ nước ta giàu, mà may được dân ta yếu, cho nên tự đời Triệu Vũ thôn tính nước ta, các đời sau nhân đó chia ra làm quận huyện. Nếu gầy nghèo như Ngụy, cứng rắn như Tần họ cũng chẳng dòm ngó làm gì. Lại xem sau Sĩ Nhiếp thì Mục, Thú thay đổi luôn luôn, tha hồ vơ vét, bên trong nước thì Ngô, Ngụy tranh nhau, bên ngoài thì Đạt và Mại quen thói bóc lột, giặc cướp của Thục, Tù trưởng đất Quảng không ngày nào không dòm ngó. Quận Nhật Nam, quận Cửu Đức không năm nào không bị binh đao. Dân ta khổ vì tham tàn, sợ việc đánh nhau, không lúc nào quá lắm hơn lúc này. Trong kinh Dịch có cái lý thuyết bĩ và thái tất nhiên. Đất nước Nam ta vua nước Nam ta ở, câu thần ngữ không dối mà đạo giời không sai, người Minh có câu: Trong dải đất non xanh nước biếc, tất có người mặc áo vàng xưng là Trẫm. Trời sinh ra muôn nước, cái gì không phải là trời đặt ra, sao lại giận việc trước làm gì mà không cố gắng để tự cường ?.



Tiền Lý

TIỀN NAM ĐẾ

Tiền Nam Đế, họ Lý, tên là Bí, người làng Thái Bình huyện Long Hưng(1). Tiên tổ Ông là người Tàu, di cư sang nước Nam vào cuối đời Hán, và bảy đời sau thành người nước Nam, đuổi Thái thú nước Tàu, bình nước Lâm Ấp, tự xưng là Nam Đế, ở ngôi vua 8 năm, mất ở Động Khuất Liêu. Vua Nam Đế chán cảnh nội thuộc, khởi nghĩa binh đuổi Tiêu Tư, dựng thành một nước, đổi niên hiệu, cũng là vị hào kiệt thời bấy giờ, bị Trần Bá Tiên đè nén, ôm chí khí đưa xuống thuyền đài, thật đáng thương.

Nam Đế là con nhà hào hữu thế gia có tài văn võ, làm quan với Lương, bất đắc chí bỏ về Thái Bình; bấy giờ Thứ sử là Tiêu Tư, hà khắc tàn bạo, làm mất lòng dân chúng, Vua khởi binh đánh đuổi Tiêu Tư. Lúc bấy giờ có Tinh Thiều là người giầu, giỏi văn chương, đến chỗ tuyển người cầu xin làm quan, Lại bộ là Thái Tốn cho Thiều không phải là họ có danh tiếng, chỉ cho làm quan Lang ở Quảng Dương môn. Thiều lấy làm xấu hổ bỏ về làng, theo Vua Nam Đế khởi nghĩa. Tù trưởng quận Châu Diên là Triệu Túc, là người đầu tiên đem quân đi theo Vua, bởi thế các hào kiệt đều hưởng ứng. Tư biết tin, chạy về Quảng Châu, vua Nam Đế bèn ra giữ châu thành. Gặp lúc vua nước Lâm Ấp đánh cướp. quận Nhật Nam, vua Nam Đế sai tướng là Phạm Tu đánh phá quân Lâm Ấp; oai thế lừng lẫy, nhân thế tự xưng là Nam Việt Đế, đổi niên hiệu là Thiên Đức, quốc hiệu là Vạn Xuân, là ý mong xã tắc lâu dài đến muôn đời vậy.

Vua xây dựng điện Vạn Xuân, làm nơi triều hội, cho Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều và Phạm Tu đều làm tướng võ và tướng văn.

Nước Lương do Thương Phiếu làm Thứ sử Giao Châu và Trần Bá Tiên làm Tư mã mang quân xâm lăng Giao Châu. Bá Tiên biết quân của mình sợ đi đánh xa, mới bảo Dương Phiếu rằng: "Chúng ta phụng mệnh Vua đi đánh kẻ có tội dù sống dù chết cũng không quản, không nên lần chần không tiến quân, làm cho thế giặc thêm to, nản chí quân mình", tức thời giục quân đi trước làm tiên phong. Trận thứ nhất đánh ở Chu Diên, trận thứ hai đánh ở Gia Ninh, hai lần đều thắng trận. Vua Nam Đế lui về trong chỗ dân Leò Tân Xương, đóng nhiều chiến thuyền, và ra đóng đồn ở Điển Triệt. Quân Lương sợ lắm, đóng ở cửa hồ không dám tiến. Bá Tiên nói:

"Quân ta già yếu không có viện binh, vào chỗ đất tâm phúc người ta, nếu một trận đánh mà không thắng, toàn tính mệnh sao được. Nay nhờ lúc bên địch bị chạy luôn, lòng người chưa vững chắc, chính là lúc ta nên quyết đánh cho kỳ được". Đêm hôm ấy nước sông lên mạnh cao đến 7 thước, chảy vào trong hồ, Bá Tiên mang quân bản bộ theo dòng nước tiến lên trước, quân Lương đánh trống reo hò tiến theo, vua Nam Đế phải lui giữ trong động Khuất Liêu, sai Triệu Quang Phục điều khiển quân đánh Bá Tiên, quân Bá Tiên rất mạnh, Quang Phục tự liệu thế không chống nổi, lui về giữ Dạ Trạch. Dạ Trạch ở quận Chu Diên, quanh co không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây rậm rạp, ở giữa có đất bãi nổi lên có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người và ngựa khó đến được, chỉ có thuyền độc mộc đẩy bằng sào đi trên nước, cỏ mới có thể đến được. Nếu không phải người thuộc đơờng thì hoang mang không biết đường nào, lỡ sa xuống nước, chỉ làm mồi cho rắn rết. Quang Phục đem 2 vạn quân đóng ở trong Dạ Trạch(2), ban ngày thì tắt hết khói lửa và dấu vết chân người đi, ban đêm thì đem quân ra đánh úp trại quân Lương, lấy những lương thực cướp được của địch, làm lương ăn để chống giữ lâu dài. Bá Tiên cho quân theo gót mà tiến đánh, không thể đánh được. Người trong gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương đốt hương khấn cầu trời, được cái giáo dài bằng móng rồng, cùng để đánh goặc; tự đó thế quân lừng lẫy, đi đến đâu cũng không ai địch nổi.

Tục truyền: Đời Hùng Vương, con gái Vua là Tiên Dung Mỵ Nương ra chơi cửa bể, khi thuyền trở về, đến bãi lang Chử Gia, đi bộ gặp Chử Đồng Tử trần truồng nấp trong bụi cỏ rậm. Nàng Tiên Dung cho là có duyên trước với nhau, bèn cùng nhau kết làm vợ chồng. Vua nghe biết chuyện ấy, nàng Tiên Dung sợ, trốn ở trên bờ sông, ở đâu thì chỗ đó thành đô hội.

Vua giận cho quân đi đánh, Đồng Tử và Tiên Dung chờ chịu tội, bỗng nhiên nửa đêm có mưa to gió lớn, tất cả nhà cửa người và gà, chó đều cùng bay lên trên không chỉ còn lại nền nhà trơ trọi, nhân thế gọi bãi ấy là Tự Nhiên Châu, cái chằm ấy gọi là Nhất Dạ Trạch, Đồng Tử cưỡi rồng vàng trên trời bay xuống, trút cái móng rồng trao cho Vua, bảo Vua để trên cái đầu mâu mà đánh giặc. Truyện xuất xứ ở sách Lĩnh Nam Trích Quái.

Sử thần bàn rằng: Nam Đế tuy gọi là kiến quốc nhưng Lương vẫn còn sai Thứ sử cai trị châu ấy; Viên Đàm Hoãn mật gửi về nước giả nợ và cho con gái 4, 5 trăm lạng vàng. Âu Dương Thịnh mang về nhiều trống bằng đồng và nhiều đồ châu báu, những quan lại tham tàn đi lại liền liền, dân thì hoặc phục dịch cho Lương, hoặc làm tôi nhà Lý, khổ sở nhiều bề, không biết kêu ai được, sao mà nước ta không may đến thế?.

Vua Nam Đế mất ở động Khuất Liêu. Anh Vua là Lý Thiên Bảo cùng tướng người trong họ là Lý Phật Tử thu họp những quân linh tinh được 3 vạn người vào quận Cửu Chân vây Ái Châu, bị Bá Tiên đánh phá Thiên Bảo chạy sang nước Ai Lao, thấy chỗ đầu nguồn sông Đào Giang có cái động Dã Năng, đất rộng màu tốt, bèn xây thành ở đó, dựng quốc hiệu là nước Dã Năng, dân chúng suy tôn lên làm vua.

Xét trong binh pháp: "Có ba vạn quân đều sức nhau, thiên hạ khó ai địch được". Nay Lý Bảo, Lý Bí có quân đến năm vạn người mà không giữ được nước, có phải kém tướng tài đâu, không may gặp phải Bá Tiên là người khéo dụng binh. Tóm lại giời không có lòng giúp, cơ biến xẩy ra bất thường, xem lúc trước có câu sấm "nhật phụ mộc lai" nếu 5 vạnj người ấy ngầm thay đổi cái móng rồng, rồi lấy cớ xin về thăm cha, cáo từ về Ô Diên, mưu tính cùng c đều có sức mạnh như hổ, beo, không có nước dâng mạnh, sâu đến năm thước, cũng đến bại vong mà thôi. (Dã sử chép: thời bấy giờ có con trâu đen đẻ ra trâu con trắng, có chữ rằng: "nhật phục mộc lai", là chữ Trần, sau Trần Bá Tiên xâm lăng nước Nam quả nhiên đúng câu sấm ấy).



ĐÀO LANG VƯƠNG

(Tên là Thiên Bảo, là anh vua Nam Đế, dựng nước ở trong động Dã Năng, chúng suy tôn là Đào Lang Vương).



PHỤ THÊM:



TRIỆU VIỆT VƯƠNG

(Tên là Quang Phục, là con Triệu Túc, theo Nam Đế đánh dẹp có công, Nam Đế mất, bèn xưng là Vua, đóng đô ở Long Biên giữ nước được 24 năm).

Xét cựu sử lấy Triệu Việt Vương tiếp theo chính thống Tiền Nam Đế, mà phụ thêm Đào Lang Vương; nhưng mà Quang Phục ở đất Đào Giang, chưa thấy được Long Biên, nhưng đối với danh nghĩa thì là thuận, vì nước của anh mình nên vẫn cứ theo cách chép sử của Tử Dương(3) thì thống kỷ mới không rối loạn, mà phép làm sử có chuẩn đích. Trần Bá Tiên cho là Triệu Việt Vương ở chỗ hiểm trở chưa thể phá ngay được, gặp lúc Lương có việc loạn Hầu Cảnh, Bá Tiên phải mang quân về, chỉ lưu Tỳ tướng là Dương Xàn ở lại, giữ nhau với Triệu Việt Vương. Việt Vương tung quân ra đánh giết được Xàn, quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Việt Vương tiến về ở trong thành Long Biên.

Đào Lang Vương mất ở nước Dã Năng, không có con, dân chúng suy tôn Lý Phật Tử làm thừa tự, thống trị dân chúng.



HẬU NAM ĐẾ

Hậu Nam Đế tên là Phật Tử, là tướng có họ với Tiền Nam Đế, đánh Việt Vương mà phục quốc, làm vua 32 năm.

Vua biết dưỡng sức để đợi thời, mà lấy lại được cơ đồ cũ; nhưng lấy nước bằng cách man trá là người bất nghĩa và trông thấy địch là đầu hàng, là người vô dũng, thật đáng khinh bỉ. Vua tự nước Dã Năng xuốgn miền đông, đánh nhau với Triệu Việt Vương ở Thái Bình, năm lần tiếp chiến, quân hơi lùi, ngờ rằng Triệu Việt Vương có thuật lạ, bèn giảng hòa và đính ước với nhau; Việt Vương thấy Vua họ là Tiền Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở châu Quân Thần, (nay là đất Thượng Hạ Cát, huyện Từ Liêm) cho ở phía tây nam trong nước. Vua bèn dời kinh đô sang thành Ô Diên. Nam Đế có con là Nhã Lang có dị chí, bảo vợ rằng: "Xưa kia hai cha chúng ta là thù địch với nhau, nay kết làm hôn nhân, chả hay lắm sao, nhưng mà ông bố vợ ta ngày trước đánh lui được quân địch, cũng phải có mẹo gì chứ?". Vợ mật đem cái đâu mâu rồng cho xem, Nhã Lang ha đánh úp Triệu Việt Vương. Quân Nam Đế đến, Triệu Vương không ngờ, thảng thốt đốc quân ra, mở cái đâu mâu để đợi quân địch. Quân Nam Đế tiến lên, Triệu Vương không chống được, bèn dắt con gái chạy về phương Nam, muốn chọn chỗ đất hiểm để ẩn mình, nhưng đến đâu quân Nam Đế cũng đuổi theo sau, chạy đến cửa biển Đại Nha(4), bị nước ngăn trở, than rằng: "Ta cùng đường rồi", than rồi, tự nhảy xuống biển. Triệu Việt Vương mất, người đời sau cho là linh dị, lập đền thờ, nay đền thờ ở huyện Đại An, cửa biển Đại Nha.

Lý Phật Tử đã diệt được Triệu Việt Vương, tự xưng là Nam Đế, đóng đô ở Ô Diên(5).

Nhà Tùy muốn mang quân sang xâm lăng Giao Châu, hỏi Lý Nghiệp xem ai làm tướng được. Lý Nghiệp tiến cử Lưu Phương là người có tài làm tướng, Vua cho Lý Nghiệp làm Tổng quản. Lý Nghiệp có quân lệnh nghiêm chỉnh, mà đối với dân chúng thì nhân từ, sĩ tốt sợ và mến phục, tiến quân vào thành nào thì hiểu dụ cho biết họa phúc. Nam Đế sợ và thấy quân Lưu Phương mạnh nên xin đầu hàng, người nhà Tùy mang Nam Đề về Bắc, họ Lý mất nước.

Trên này là Tiền và Hậu Lý, 3 vua, khởi từ năm Tân Dậu, năm thứ bảy niên hiệu Đại Đồng nhà Lương, đến hết năm Nhâm Tuất năm thứ hai niên hiệu Nhân Thọ nhà Tùy, cộng 62 năm.

Sách Thông luận bàn rằng: Vua Tiền Nam Đế là nhà hào hữu khởi binh, có Long Thiều giúp mưu mô, Triệu Túc giữ việc quân, đuổi được Tiêu Tư, phá nước Lâm Ấp, xưng làm vua nước Nam Việt, quốc hiệu là Vạn Xuân, chống cự với nhà Ngô, giữ được quốc thống, ở vào tình thế rất khó, mà lập nên công nghiệp ấy, nước Lâm Ấp không dám dòm ngó, công của vua Tiền Nam Đế thực là rõ ràng. Tiếc cho một lần thứ nhất bị thua ở Ô Diên, lần thứ hai bị tan vỡ ở hồ Điển Triệt phải lánh ẩn ở Động Khuất Liêu, rồi đến mất nước, đó không phải là tại Vua bất tài, tướng súy bất võ, cái cơ sự thắng hay bại và thời vận dài hay ngắn ăn khớp với nhau, đều là tại trời cả.

Vua Đào Lang là người đồng bào với Vua, giữ nghĩa cứu giúp khi hoạn nạn, kết hợp các đồng chí, theo đuổi trong buổi gian nan, đương khi gấp rút suy yếu mà khởi lên được, tuy chưa địch được với Bá Tiên, nhưng má chiếm cứ nơi hiểm trở, dựng thành một nước, lấy lại được nước trong khi đã mất, không thể bảo là vô chí được. Gặp phải Triệu Quang Phục là tay cường hào, có lòng tự lợi, không có chí lập nền chính thống, rồi nuốt giận đến chết, cũng đáng thương lắm. Hậu Đế nhờ cơ nghiệp cũ của Đào Lang, thu thập nắm lửa tàn của nước Dã Năng. Năm trận đánh ở Thái Bình, chia cương giới với Triệu, liền đánh úp Triệu, nối được chính thống nhà Lý, còn có điều đáng khen. Tiếc rằng dàn xếp với Triệu, bình hết Dán Lèo, đã có cái thế nổi dậy được, túng xử chưa dứt khoát được với Triệu, thì nên nghĩ dần mưu chước đánh hay là giữ, chứ không nên chia đất và thông hôn; đã cùng nhau hòa, lại còn bội ước, cái giáo thần đâu mâu chả đáng là gì, mà nghe gian mưu của trẻ con, theo lối cũ của Triệu Đà, bất trí quá lắm! Đến khi quân Tùy kéo đến, chưa bắn một mũi tên nào, đã chịu nhục dâng ngọc dắt dê xin đầu hàng, sao trước thì trí mà sau lại ngu, trước thì hùng mà sao hèn nhát thế? Thật là làm lạ!.

1) Thái Bình. Vấn đề quê hương Lý Bí hiện có nhiều cách giải thích khác nhau. Có ý kiến chỉ định Thái Bình nay thuộc tỉnh Thái Bình; có ý kiến chỉ định Thái Bình là huyện Thái Bình nay thuộc vùng thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Riêng chúng tôi (Đinh Văn Nhật - Bùi Thiết) cho rằng đất Thái Bình nay thuộc xã Tiền Phong, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, ở đây còn nhiều dấu vết liên quan đến Lý Bí.

2) Nay thuộc vùng huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

3) Tên hiệu Chu Tử đời Tống.

4) Đại An. Cửa biển cũ, nay là vùng các xã Độ Bộ Quần Liêu cũ, nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

5) Ô Diên. Nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngoại Thuộc Tùy và Đường

Sau khi Lưu Phương đã bình được Giao Châu vua Tùy lại nghe người nói nước Lâm Ấp nhiều của báu lạ, bèn lại sai Lưu Phương đi kinh lược nước Lâm Ấp. Lưu Phương đem quân bộ kỵ ra lối Việt Thường, quân chiến thuyền ra lối Tỷ Cảnh. Vua nước Lâm Ấp là Phạm Chí chống cự lại, dùng quân cỡi voi to, quân Lưu Phương đánh không lại, bèn đào nhiều hố nhỏ, phủ cỏ lên trên, ra khiêu chiến giả thua chạy. Quân Lâm Ấp đuổi dấn, voi sa xuống hố, đổ ngã chạy rối loạn, quân tinh nhuệ theo đó tiến lên, mấy trận đều thắng, đi quá về phía đồng trụ của Mã Viện, 8 ngày đến kinh đô Lâm Ấp. Phạm Chí bỏ thành chạy ra biển. Lưu Phương vào trong thành lấy được 18 cái thần chủ thờ trong miếu, các thần chủ đó đều bằng vàng; rồi khắc bia đá ghi chiến công và mang quân về. Trận đánh này, quân sĩ bị phù thũng chết mất đến 4,5 phần 10, Lưu Phương cũng bị bệnh chết ở dọc đường.

Nhà Tùy cho Khâu Hòa làm Thái thú Giao Châu. Khi nhà Tùy nội loạn, Tiêu Xằn sai người chiêu dụ Khâu Hòa. Hòa không theo. Xằn nghe tin Hòa có nhiều châu báu, giàu ngang nhà Vua, bèn sai Ninh Trường Chân đánh Hòa. Hòa muốn ra nghinh tiếp, Cao Sĩ Liêm can rằng: "Quân của họ đi xa đến đây, thế không ở được lâu, trong thành ta có quân mạnh, còn có thể đánh được, làm sao mới trông thấy mà đã chịu ngay?". Hòa nghe lời, cho Sĩ Liêm làm Tư mã, mang quân ra đón đánh, phá được quân Ninh Trường Chân. Sau nhà Tùy mất nước, Hòa theo về nhà Đường, nhà Đường cho làm chức Đại Tổng quản Giao Châu. Nhà Đường đặt ra An Nam hộ phủ, đóng ở Giao Châu. Tại nước An Nam, có việc khởi loạn của Lý Tự Tiên. Nguyên theo lệ trước các lái hộ Lĩnh Nam chỉ phải nộp một nửa thuế, Đô hộ là Lưu Duyên Hựu bắt phải nộp cả toàn số. Các lái hộ mới oán, mưu với nhau làm loạn. Tự Tiên làm mưu chủ, Duyên Hựu giết Tự Tiên, đảng của Tự Tiên là Đinh Kiến tụ họp dân chúng vây phủ thành, giết Duyên Hựu. Quan Tư mã Quế Châu là Tào Huyền Tĩnh đánh giết được Kiến.

Ngươi Châu Hoan là Mai Thúc Loan giữ châu tự xưng là Hắc Đế, bên ngoài giao kết với nước Lâm Ấp và Chân Lạp, có đế 30 vạn quân, nhà Đường sai tướng quân là Dương Tư Húc đánh bình được.

Thúc Loan người làng Hương Lãm, huyện Nam Đường(1), nay có đền thờ ở thôn chợ Sa Nam(2), tức là nơi nhà ở của Thúc Loan.

Thời nhà Đường có Tống Chi Đễ bị tội đầy ra quận Chu Diên, gặp lúc Loan vây hãm châu Hoan, vua Đường bèn trao cho Đễ chức Tổng quản để đánh ông Loan. Đễ mộ được 8 người tráng sĩ mặc áo giáp dày, kéo đến tận chân thành mà hô to rằng: "Hễ bọn người Lèo hành động tức thì giết chết"; 700 quân đều phục xuống không dám đứng dậy, mới bình được. Đương thời nội thuộc, Mai Hắc Đế không chịu bọn ngược lại kiềm thức, cũng là người xuất chúng trong đám thổ hào. Việc thành thì làm nên Lý Bí hay Triệu Quang Phục, không thành thì làm Phùng Hưng, Mai Thúc Loan. Cho nên nêu rõ ra, viết hai chữ to "châu dân" là khen việc làm ấy đó.

Một người dân Giao Châu là Đào Tề Lượng họp đảng, đánh cướp thành ấp. Mẹ Tề Lượng là Kim Thị thường lấy trung nghĩa dạy Lượng, Lượng ngoan cố không nghe. Bà mẹ tuyệt tình với Lượng, tự làm ruộng mà ăn, tự dệt vải mà mặc. Vua Đường nghe tiếng, xuống chiếu cho hai người đinh tráng hầu hạ, nuôi nấng, sứ giả ở bản đạo phải quanh năm đi lại hỏi thăm bà suốt đời.

Nước ta có người quận Cửu Chân là Khương Công Phụ có tài cao, đỗ Tiến sĩ, làm quan với nhà Đường, dần dần thăng đến chức Hàn Lâm Học sĩ. Công phụ tâu bày việc gì đều tường tận xác đáng, vua nhà Đường trọng lắm, tiến lên chức Trung Thư môn hạ Bình chương sự. Vì việc nói thẳng trái ý Vua (can việc hậu táng Đường An công chúa) mà bị bãi. Công Phụ người làng Sơn Ôi đất An Định, cha là Đĩnh, em là Công Phụ cũng đỗ Tiến sĩ. Công Phụ thường theo việc trong lúc hiểm nghèo, tâu bày việc gì đều có ích cho nhà Vua, việc gì xảy đến đều đúng như ông đã dự liệu từ trước. Công Phụ khéo làm văn, làm bài phú "Bạch vân chiến xuân hải", người Đường khen bài ấy là kiệt tác.

Tại làng Đường Lâm(3) thuộc Phong Châu có Phùng Hưng một nhà hào phú có sức mạnh kéo trâu, đánh hổ. Thời bấy giờ Kinh lược sứ là Cao Chính Bình thu thuế nặng. Ông Hưng cùng với em là Hải, xuất phục được các làng ấp ở chung quanh, tự hiệu là Đô quân, Hải là Đô bảo, dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ, Chính Bình lo phẫn mà chết, ông Hưng vào ở trong phủ, cho Hải làm Thái úy, rồi ông mất. Dân chúng lập con Hưng là An làm Đô Phủ Quân.

Ông Hưng đồng lòng với dân chúng, lập em là Hải. Bồ Phá Lặc có sức khỏe đẩy được núi, không chịu theo Hải, lánh ở động Chu Nham. Bồ Phá Lặc lập An là con ông Hưng. An tôn cha là Hưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha mẹ là Bố Cái), dân Thổ cho là linh dị, lập đền thờ ở phía tây đô phủ để thờ Hưng.

Nhà Đường cho Lý Phục làm Tiết độ sứ Lĩnh Nam, khi Lý Phục đã đến nơi, dân Nam đều yên lặng; Phục dạy dân làm nghề nung ngói. Nước Nam biết làm nhà ngói là do Lý Phục dạy cho.

Nhà Đường cho Triệu Xương làm Đô hộ. Xương đến nơi, sai sứ dụ Phùng An. An đem quân đầu hàng. Xương đắp thêm La thành cho lại được vững chắc, ở châu 10 năm, dân theo giáo hóa tốt, không dám có lòng chống đối, sau vì có bệnh đau chân, phải xin về nước. Nhà Đường cho Bùi Thái thay làm Kinh lược sứ. Thái san phẳng ao chuôm ở trong thành, họp làm một thành. Nha tướng của Thái là Vương Lý Nguyên đánh đuổi Thái. Thái chạy về quận Chu Diên. Vua Đường triệu Triệu Xương về, hỏi tình hình, bấy giờ Xương đã 70 tuổi, tâu các việc tinh tế rõ ràng. Vua Đường lấy làm lạ, lại cho làm Đô hộ. Khi Xương đến, người châu vui mừng, mới định xong việc biến loạn.

Sử thần bàn rằng: Vì Duyên Hựu ngược đãi các lái buôn, mà gây ra loạn Đinh Kiến, vì Chính Bình thu thuế nặng nề, mà Anh Hàn phải động binh. Triệu Xương mới đến mà dân chúng đã yên, đến lần thứ hai thì bình được loạn; quan lại kén chọn được các người giỏi hay xấu là hệ trọng thế đó, vậy thì sự kén Mục, Thú không thận trọng được chăng?.

Nhà Đường cho Trương Chu sang làm Đô hộ, đắp thêm thành Đại La, sắm 300 thuyền chiến (mỗi thuyền chở được 25 người, phu chèo thuyền 33 người) thuyền đi lại nhanh như bay. Thời bấy giờ Hoàn Vương không chịu triều cống nhà Đường. Trương Chu sai quân đánh phá, bắt được voi và gậy, giáo rất nhiều, 2 châu thành Hoan và Ái bị Hoàn Vương đốt phá, Chu sai dân sửa sang lại hoàn toàn.

Liễu Tôn Nguyên làm bài mộ chí Trương Chu, nói rằng: "Trương Công tự khi làm lại đã tập quen việc bang giao, đến khi được mệnh chuyên chinh, mới có chỗ thực hành sở học của mình. Đắp thành lũy, hiểm trở hơn gò núi, muôn đời không phải lo gì, sự lợi do Trương Công làm ra lớn hơn sự đào cảng của Cao Biền, công của Trương Công lớn hơn việc dựng đồng trụ của Mã Viện".

Đông hộ là Lý Nguyên Bỉnh (có tên là Gia) lấy cớ cửa thành có dòng nước chảy nghịch, sợ người trong châu sinh ra lòng phản trắc, rời phủ lỵ ra sông Tô Lịch ngoài cửa Đông. Quân đương xây thành nhỏ, có người xem tướng nói: "Ông không đủ sức đắp nổi thành lớn, 50 năm sau nữa sẽ có người họ Cao đóng đô ở đó". Đến niên hiệu Hàm Thông, Cao Biền xây La thành, quả đúng như lời người xem tướng.

Thứ sử Phong Châu Vương Thăng Triều làm phản, nhà Đường cho Hàn Ước lĩnh chức Đô hộ An Nam, đánh bình được. Sau Phủ Quân khởi loạn, Hàn Ước chạy về Quảng Châu.

Kinh lược sứ là Vũ Hồn sai tướng sĩ sửa thành, Quân làm loạn đốt lầu thành, cướp kho phủ. Vũ Hồn chạy về Quảng Châu. Giám quân là Đoàn Sĩ Tắc vỗ về dẹp yên được bọn khởi loạn, châu mới được yên.

Nhà Đường cho Vương Thức một người có tài lược làm Đô hộ. Khi đến phủ lỵ Thức cho trồng cây gai làm giậu chung quanh thành. Ngoài hào sâu trồng tre gai, bọn giặc cướp không thể xấn vào được. Thời bấy giờ có bọn người Mán ở Vân Nam vào cướp, đường đi còn cách châu nửa ngày, Vương Thức vẫn an nhàn, sai người thông ngôn dụ cho họ biết rõ điều lợi và hại, một đêm họp kéo nhau đi hết, lại sai người tạ lỗi nói rằng: "Chúng tôi đi bắt bọn dân Lèo làm phản đấy thôi, chứ không phải vào ăn cướp đâu".

Quan Kinh lược sứ trước là Lý Trác, hà khắc, có lần bắt ép mua một con trâu của người Mán chỉ giả một đấu muối thôi. Người Mán oán giận lắm, xui người Nam Chiếu vào cướp phá biên thùy (Vua Nam Chiếu là Phong Hựu sai tướng vây hãm phủ lỵ, gọi là bạch y một mệnh quân, lại đưa ra 30 người kêu là "chu nỗ khư thư" giữ núp) Phong Châu trước đó có quân đồn thú, gọi là quân Phòng thu, Trác bỏ đi hết, chỉ chuyên giao cho Thủ phiên lĩnh là Lý Do Độc một mình phòng giữ; khi quân Mán đến, Do Độc cô thế phải hàng. Tự đấy nước An Nam mới có cái lo về người Mán. Lại có bọn ác dân muốn làm loạn, nói là nghe tin Kinh lược sứ là Chu Nhai sai bộ hạ là Hoàng Đầu Quân đi đường biển đến tập kích ta. Ngay đêm hôm ấy vây thành đánh trống reo hò, Vương Thức đương ăn cơm, có người khuyên Thức nên lánh đi. Thức nói: "Ta mà bước đi thì thành vỡ ngay" bèn mặc áo giáp, lên trên thành trách móc, bọn làm loạn chạy hết.

Nước Chiêm Thành, Chân Lạp lại sai sứ đi lại như cũ, nhà Đường triệu Vương Thức về, đổi đi làm Quán sát sứ đất Triết Đông.

Nước Nam Chiếu vây hãm phủ thành, Đô hộ là Lý Hu bỏ châu chạy trốn, nhà Đường cho Vương Khoan thay làm Đô hộ, nước Nam Chiếu lại vào cướp. Thừa cơ đánh phủ thành, Khoan sai sứ cáo cấp với nhà Đường, nhà Đường ra 3 vạn quân châu Kinh, châu Tương, sai Thái Tập chống cự, thế quân thịnh quá, nước Nam Chiếu sợ không dám kéo quân ra, bấy giờ có chiếu sai Thái Kinh đ kinh chế Lĩnh Nam, Kinh lo Tập sẽ thành công, mới tâu về Đường rằng: "Nước An Nam không đáng lo, bọn vũ phu muốn lập công, tụ tập nhiều quân, hao tổn lương thực, xin rút quân phòng thú về". Thái Tập cố nói rằng: "Không nên, quân Nam Chiếu tất nhiên trở lại, xin lưu lại 5.000 quân, nếu không thế thì quân và lương thực đều thiếu, mười phần tất chết". Tờ tâu về tòa Trung thư, Tể tướng thời bấy giờ tin lời Thái Kinh, không xét đến; quả nhiên vua Nam Chiếu là Mông Thế Long lại kéo đến đánh rất gấp, quân tả hữu Thái Tập đều có sức đánh khi kiệt sức, nhảy xuống nước chết cả. Tướng Mán là Dương Tự Tấn vào chiếm giữ phủ thành, những Di, Lèo ở các khê động, không cứ xa gần, đều về hàng với Mán tướng. Trong trận đánh này, tướng và quan lại nhà Đường nhiều người ẩn núp tại khê động. Nhà Đường xuống chiếu dụ các quan sở tại chiêu dụ họ về và cứu giúp, chẩn tuất cho họ, lại thêm cho 2 vạn quân sai Trương Nhân đi kinh lược nước An Nam, mưu đồ lấy lại phủ thành. Trương Nhân lần chần không dám tiến quân. Lúc bấy giờ viện binh nhà Đường đóng ở Lĩnh Nam, chuyển vận lương thực không được kế tiếp. Trần Phàn Thạch xin đóng thuyền to chở được 1.000 hộc, chở gạo đi đường biển đến Quảng Châu, quân mới đủ lương ăn; nhưng các nhà cầm quyền mượn tiếng cố khoán, rồi cướp thuyền của dân buôn, bỏ hàng hóa của họ lên bờ, cho thuyền vào biển, có khi bị sóng gió, thì lại bắt ức người ta phải đền, dân rất khổ sở.

Nhà Đường cho là Trương Nhân nhu nhược không làm được việc, mới cho Cao Biền thay làm Đô hộ. Biền đóng quân ở cửa biển, chưa tiến. Giám quân là Lý Duy Cố ghét Biền, muốn khử Biền đi, giục phải tiến quân; Biền cho 5.000 quân sang sông, hẹn với Duy Cố đem quân cứu viện. Biền đi rồi, Duy Cố đóng quân ở cửa biển không chịu tiến. Biền đến Nam Định, người Man đương gặt lúa, Biền tập kích thu lấy cả số lúa đã gặt được để làm lương cho quân, rồi tiến thẳng đến Giao Châu, đánh nước Nam Chiếu, phá được luôn. Những báo tiệp đến cửa biển, Duy Cố đều giấu đi cả. Vài tháng mà vua Đường không được tin báo, cho Vương Yến Quyền sang thay Biền. Cũng tháng ấy Biền lại phá được nước Nam Chiếu, hơn vạn người đầu hàng. Tướng Mán thu quân còn lại, vào châu thành cố thủ, Biền vây thành càng gấp, quân Mán khốn quẫn quá. Biền hạ được thành lại nhận được tiệp báo của Vương Yến Quyền, là đã cùng Duy Cố đem đại quân ra cửa biển. Biền lập tức giao việc quân cho Vi Trọng Tể, rồi cùng hơn 100 người bộ hạ đi về Tàu. Trước kia Biền cùng với Trọnh Tể sai tiểu hiệu là Vương Tuệ

Tán và Tăng Cổn mang thư báo tiệp đưa về nhà Đường, bọn này đi đến cửa biển trông thấy cờ xí ở phía đông kéo đến, hỏi bọn du thuyền, chúng nói rằng: "Đó là Kinh lược sứ mới và Giám quân đi đến". Hai người bàn nhau rằng: Duy Cố tất nhiên đoạt cờ biểu để lưu chúng ta lại, bèn ẩn náu ở hòn đảo ngoài biển, đợi Duy Cố đi qua rồi, liền đi vội đến kinh đô. Vua Đường được tờ tấu mừng lắm, lập tức giao cho Biền chức Kiểm hiệu Thượng thư, lại sai sang đánh quân Mán. Khi Cao Biền tự cửa biển trở về, vì Yến Quyên thì mờ ám và lười biếng, động có việc gì thì bẩm mệnh với Duy Cố, mà Duy Cố là người tham bạo, chư tướng không chịu để Duy Cố sai khiến, bèn giải vây, người Mán trốn đi quá nữa. Cao Biền đến nơi lại đốc thúc đánh thành, quân lính trèo qua lũy mà vào, chém được tướng Mán tự là Thiên, lại phá cả bọn Thổ Mán theo làm hướng đạo cho quân Nam Chiếu, bình được hết 2 động giặc Mán. Trước kia tự Lý Trác tham tàn, đến nỗi người Mán làm loạn đến hơn mười năm, đến bây giờ Cao Biền lấy lại được phủ lỵ, lại đắp cao thêm thành Đại La.

Thành Đại La(4) chu vi 1.982 trượng 5 thước, thân thành cao 3 trượng 6 thước, chân rộng 2 trượng 5 thước, 55 sở vọng lâu, 5 sở cửa cống, 3 ngòi nước, 34 vòm canh. Cao Biền lại đắp con đê vòng quanh 2.125 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, rộng 2 trượng, và làm 40 vạn gian nhà. Thành xây gạch để cho vững chắc, san phẳng tất cả gò đống, cho nên làm tổn hại địa hình và tổn thương đến long mạch. Nay nền cũ của thành vẫn còn, xây toàn bằng đá xanh.

Cao Biền tự là Thiên Lý, người U Châu, cháu Cao Sùng Văn đời đời chuyên giữ cấm binh, chịu khó theo học, thích bàn luận việc kim cổ. Lúc ít tuổi thờ Chu Thúc Minh làm thày, trông thấy 2 chim điêu bay đều nhau, giương cung lên bắn, khấn rằng: "Nếu sau này ta được phú quí thì bắn trúng". Bắn một phát trúng luôn hai con, mọi người đều cho là kỳ, vì thế gọi là Lạc điêu Thị ngự (nghĩa là quan Thị Ngự bắn rơi chim điêu). Khi giặc làm phản, Biền lĩnh cấm binh đi đánh, lập được nhiều công, đến bây giờ làm đến chức Đô hộ.



CAO BIỀN ĐÀO HẢI CẢNG DONG CHÂU

Biền đi tuần đến Dong Châu thấy cửa sông hẹp mà hiểm trở, nhiều đá to ở lòng sông, thuyền đụng phải đá là đắm. Biền bèn sai bọn Lâm Phúng, Dư Tồn Cố dẫn hơn 1000 thuỷ thủ đến khơi đào cho sâu, và dụ bảo rằng, trời vẫn giúp kẻ thuận, thần thì phù người thẳng, nay đào cửa biển để giúp cho dân, nếu ta không có tư tâm, thì có việc gì là khó. Bọn Phúng mộ nhân công khơi đào, hơn một tháng gần lưu thông được, duy giữa dòng nước có 2 tảng đá lớn đứng dựng, búa cũng không thể hạ được, đã toan bỏ dở, đến ngày 26 tháng 5, ban ngày bỗng có mây kéo đến tối đen, gió rất to, có sấm sét đến vài trăm tiếng, một lúc trời lại sáng, thì hai tảng đá vỡ tan mất rồi. Cao Biền lại lấy cớ rằng, sứ giả năm nào cũng đến, muốn khơi ra làm 5 lối để ở đó mà hộ tống. Những lối tắt có đá xanh ấy tương truyền rằng Mã Viện không làm nổi, mọi người thợ đều cho là khó khăn. Ngày 21 tháng 6 lại sấm động như trước, các tảng đá lớn đều tan vỡ, đường mới lưu thông được, nhân thế đặt tên là "Thiên oai cảng", hiện nay ở phía tây nam huyện Bác Bạch, Bạch Châu 100 dặm.

Lê Văn Hưu bàn rằng: Vì một Lý Trác tham tàn, đến nỗi gây nên họa người Mán cướp phá đến vài mươi năm, huống chi lại có người quá tệ hơn Lý Trác nữa. Được một Cao Biền biết đốc thúc, mà bình được vài vạn giặc Mán, huống chi có người hơn Cao Biền nữa. Vậy thì người khéo trị nước nên cẩn thận việc kén chọn Mục và Thú lắm.

Sử thần bàn rằng: Cao Biền phá Nam Chiếu để cứu vớt dân đời bấy giờ, xây thành Đại La, làm mạnh thế đô ấp muôn năm, công to tát lắm. Đến như việc khơi cửa sông, đặt ra trạm, làm việc công bằng, hkông hề có chút tư tình nào, vẫn là việc có thể cảm được thần minh, mà được nhiều điểm tốt. Thời Ngũ Đại, Vương Thẩm Chi ở đất Mân, những người buôn bán qua lại, có sự ngăn trở ở Hoàng Kỳ, thế mà có một hôm sấm động, chỗ ấy thành ra hải cảng, người Mán theo về với Thẩm Chi, vì có đức chính cảm động đến người, nên gọi tên là Cam Đường Cảng. Việc của Cao Biền cũng giống như thế.

Cao Biền đổi đi Thiên Bình, tiến cử cháu là Cao Tầm thay mình (lúc trước Cao Biền đánh Nam Chiếu, Tầm đã làm tiền phong, xông vào rừng tên đạn, xướng xuất cho quân sĩ). Biền đi rồi, tù trưởng Nam Chiếu tên là Pháp lại ngạnh trở, nhà Đường dùng chính sách hoà thân, đem con gái tôn thất gả cho Pháp, Pháp sai tướng là bọn Triệu, Long, My, ba người đi rước vợ về. Cao Biền ở Dương Châu, dâng thư nói ba người ấy đều là người tâm phúc của Nam Chiếu, xin đánh thuốc độc cho chết đi, thì mới tính được quân Mán. Vua Đường nghe theo, ba người ấy chết rồi Nam Chiếu hết bọn mưu thần, suy yếu dần, tự đấy chúng không dám dòm ngó đất nước ta nữa.

Xét lúc Cao Biền làm Đô hộ, những công nghiệp cũng nhiều đáng kể, tự ghi đổi sang Tây Xuyên, trong lòng sinh ra oán vọng, để tha hồ cho Hoàng Sào vây hãm hai kinh đô, người Đường mong Cao Biền còn lập được công, cho Biền lên làm Bột hải Quận vương, nhưng Biền nhờ lúc Trung Quốc điên bái, âm mưu chiếm cứ đất đai, nhất đán thất thế, oai vọng mất hết, tự đấy phải về để ý việc tu tiên, bao nhiêu việc quân giao cho Lã Dụng Chi. Dụng Chi là quân tiểu nhân, gian tà, đem lời phù phiếm dối trá mà coi Biền như đứa trẻ con, từng bị kẻ điên cuồng là Chư Cát Ân nói dối rằng: "Thượng đế cho thần đến giúp đỡ mình", lại hiến Cao Biền một thanh kiếm mà nói dối là của thượng đế vẫn đeo. Cao Biền lấy làm báu, giữ bí mật, xây cất cái lầu cao 8 thước, gọi là lầu Nghênh Tiên, ở trên lầu ăn chay thắp hương mong được gặp tiên. Biền lại làm con chim hộc bằng gỗ ở trong sân, có đặt máy, chạm vào người thìbay được; Biền mặc áo lông cưỡi lên, làm ra dáng tiên bay, Dụng Chi giam giữ cho Biền chết. Sau Dương Hành mật sai đào dưới đất, bắt được người bằng đồng cao 3 thước, thân bị gông cùm, đóng đanh vào miệng, khắc tên Tiền vào sau lưng. Đó là Dụng Chi làm mê hoặc yểm đảo Cao Biền, nhất đán Cao Biền trở nên ngu muội đến thế; coi với xưa kia có mưu lược phá quân Mán, trí khộn xây La thành(5), và đào hải cảng động đến thiên oai, thành ra 2 hạng người khác hẳn là sao thế? Người trong nước truyền lại rằng Biền rắc hạt đậu xuống đất, dùng phù chú cho hoá ra quân thật, trước kỳ hạn đã đào lên, thì đều là non yểu, không thể đứng được. Lại truyền rằng: Cao Biền cưỡi cái diều giấy đi tìm đất; truyện này cũng chỉ nghe người ta nói thôi. Biền học phép tiên, cùng với chuyện cưỡi chim hộc đều là ngoa truyền. Ở sách địa lý di cảo ai cũng đều cho đấy là môn học địa lý của Cao Vương. Biền ở nước ta, bận việc quân, không có thời giờ nhàn rỗi, xách túi địa bàn đi tìm phong thủy, tất là đời Trần có người học địa lý, mượn tên Cao Biền để làm cho thuật của mình thần kỳ đó thôi, sách địa lý di thảo của Hoàng Phúc đại khái cũng thế.

Trên đây nước ta ngoại thuộc về Tùy, Đường tự năm Quí Hợi đến năm Bính Dần cộng 304 năm.

Sách thông luận bàn rằng: Nước ta là một đại đô hội ở phương nam. Ruộng thì cấy lúa, đất thì trồng dâu, núi sản ra vàng, bể sản ra ngọc. Bọn nhà buôn nước Tầu, đến nước ta nhiều người làm nên giàu có. Người Tầu thích lắm, có ý lấy nước ta đã lâu lắm, cho nên tự Triệu Đà trở về sau, hơn 1000 năm đã nắm được, đâu còn chịu bỏ, để cho nước ta làm một nước lớn ở ngoài Ngũ Lĩnh; chia ra quận, đặt ra quan, làm cho cõi đất ta như cái bàn cờ, có một người thổ hào nào nổi lên, thì diệt đi ngay, một quận thú nổi lên, thì Thứ sử họp lại đánh ngay, như Lý Tốn, Lương Thạc ở đời Tấn, Mai Thúc Loan, Vương Thăng Triều ở đời Đường là thế cả. Hai vua Lý và vua Triệu, đương lúc Lương, Trần ở thiên về một nơi miền nam, Giang tả nhiều việc, không có thì giờ để ý đến Giao Châu, cho nên giữ được cảnh thổ mà xưng thế được 50 hay 60 năm, cũng là thời thế xui nên đó.

Đến như quân Mán Nam Chiếu hàng năm vào cướp bóc, vượt sóng gió, qua hiểm trở tranh nhau với người Đường, cũng là tham cái lợi của nước ta giàu có đấy. Trương Chu đánh phá được nước Chiêm, đắp thành Hoan, Ái. Cao Biền trị Nam Chiếu, bảo toàn được Long Biên, đều là có công với đất nước; duy Cao Biền làm quan lâu hơn là Chu, cho nên đàn bà con trẻ trong nước còn nói đến tên Cao Biền, còn những quan Thú, Mục trước hay sau, đều không nói đến.



NAM BẮC PHÂN TRANH

Nước Lương cho Lưu Ẩn làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải, và phong làm Nam Bình Vương. Ẩn chiếm cứ đất Phiên Ngung, người Giao Châu là Khúc Hạo chiếm cứ Châu, hai bên đều tự xưng là Tiết độ sứ, lập chí mưu đồ lẫn nhau. Ít lâu Ẩn chết, em là Lưu Nghiễm lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiền Hanh, quốc hiệu là Nam Hán, Hạo sai con là Thừa Mỹ làm Hoan hiếu sứ, đến Quảng Châu dò xem hư thực thế nào? Hạo mất, Thừa Mỹ nối ngôi, sai sứ cầu nhà Lương, cho quan chức nhà Lương làm Tiết độ sứ, chia đất làm 12 châu, Vua nhà Hán nghe tin giận lắm, sai tướng là Lý Khắc Chính đánh Giao Châu, bắt Thừa Mỹ đưa về Tàu. Vua Hán ngồi ở Nghị Phượng nhận tù binh, bảo Thừa Mỹ rằng: "Mày cho ta là triều đình ngụy, nay lại bị trói đưa về đây cớ là sao?". Thừa Mỹ cúi đầu chịu phục, bèn được tha.

Họ Khúc là người Hồng Châu, là họ to nối đời, tiên tổ là Thừa Dụ, tính khoan hòa, yêu người, được nhiều người qui phục, khi Tăng Cổn bỏ phủ thành, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ, xin với triều đình Đường, vua Đường nhân thế nhận cho làm chức ấy. Ông Hạo nhờ cơ nghiệp cũ, chiếm giữ La thành, tự xưng là Tiết độ sứ, chia nước ra làm các xứ, phủ, huyện, châu, xã; đặt chức lịnh trưởng chánh và tá, chia đều thuế ruộng, tha không bắt dân làm nhân công; làm sổ hộ, biên ghi họ tên và niên canh, quán chỉ người dân, Giáp trưởng đốc xuất làm sổ ấy. Chính sự khoan hồng và giản dị, dân được yên ổn làm ăn.

Họ Khúc truyền 3 đời, cộng 51 năm.

Nước Nam Hán có Lưu Nghiễm là thế gia. Tổ tiên ông là An Nhân lấy nghề buôn bán sang ở Nam Hải, cha là Khiêm, anh là Ẩn, gặp thời buổi nhiều biến cố, vẫn có công với Lĩnh Nam, bèn chiếm giữ cả Nam Hải. Nghiễm đã lên làm vua, là lúc các tay anh hùng ở Lĩnh Nam, chia nhau giữ các nơi. Nghiễm đã lấy được châu Ung, châu Dong, lại bắt được Thừa Mỹ ở Giao Châu, vì tính hay khoe khoang, đã từng nói là nhà mình vốn ở đất Hàm Tần, lấy sự gọi là Man Vương, Man lại làm sỉ nhục, gọi vua Đường là Lạc Châu Thứ sử. Vua Đường Trang Tôn cũng không thể đánh được. Khi chết truyền ngôi cho con là Phần, cháu là Trành, tự lúc xưng đế đến khi mất nước cộng được 55 năm, cũng là tay cừ hiệt đó.

Dương Đình Nghệ (chữ Đình có chỗ viết là chữ Diên), người Ái Châu lúc trước làm tướng cho Khúc Hạo, đến khi Lý Khắc Chính bắt được Thừa Mỹ, lập cách báo thù cho họ Khúc, bèn đặt ra trường đánh vật, chiêu tập các hào kiệt, lấy đại nghĩa khuyến khích họ, đồng mưu với nhau cử binh đánh đuổi tướng Hán là Lý Khắc Chính. Vua Hán cho Lý Tiến thay làm Thứ sử Giao Châu, Đinh Nghệ lại vây hãm thành đánh Tiến. Vua Hán sai Trần Bảo đem quân cứu Lý Tiến. Đình Nghệ đón đánh chém được Trần Bảo, bèn giữ lấy thành, tự xưng là Tiết độ sứ nhận lĩnh việc châu. Chưa được bao lâu, nha tướng của Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn lại giết Đình Nghệ mà lên thay.

Đình Nghệ nuôi 3.000 giả tử (con nuôi) mưu đồ khôi phục, Lý Tiến biết việc ấy, sai người cấp báo vua Hán.

Sử thần bàn rằng: Cuối đời Hán, Đường phần nhiều nuôi giả tử, là vì đương lúc trí, lực chọi nhau, hay là trong khi hoạn nạn cùng theo nhau, đắc lực trong lúc hoãn cấp, tức thì nhận làm giả tử, không biết rằng lòng lang khó dạ. Dấu của hớ hênh, là xui cho người lấy trộm, thiên tính như thế không thể làm khác được. Đình Nghệ nuôi giả tử đến 3.000 người, thì bị nạn, còn hối sao được nữa.

Nha tướng của Đình Nghệ là Ngô Quyền khởi binh từ Ái Châu đánh Công Tiễn. Công Tiễn cầu cứu với Hán, vua Hán nhân lúc loạn, muốn lấy nước Nam, bèn sai con là Hoằng Tháo đi trước, mà tự mình đóng quân ở cửa biển để làm quân cứu viện. Vua Hán hỏi mưu kế với Tiêu Ích, Ích nói: "Đường bể hiểm và xa, Ngô Quyền là người kiệt hiệt, không nên khinh thường". Vua Hán không nghe, Hoằng Tháo cho quân thuyền từ sông Bạch Đằng tiến vào. Bấy giờ Ngô Quyền đã giết được Công Tiễn, nghe Hoằng Tháo sắp đến, nói rằng: "Thằng trẻ con kéo quân đi xa mỏi mệt, quân ta đương nhàn rỗi, đối phó với quân của chúng mỏi mệt sẵn, tất nhiên phá được chúng". Sau đó, ông sai người cắm gỗ nhọn bịt sắt ở lòng sông, đợi nước thủy triều lên to, thuyền quân của Tháo vào rồi, lập tức khiêu chiến, giả cách thua chạy, để cho quân địch đuổi theo. Nước thủy triều rút xuống rất chóng, thuyền của địch đều mắc vào gỗ nhọn lật úp cả. Quyền thừa thắng đánh mạnh, bắt giết được Hoằng Tháo, Nghiễm thương khóc, thu nhặt tàn quân bỏ về nước.

Sử thần bàn rằng: Lưu Nghiễm ngấp ngó Giao Châu, thừa lúc Đình Nghệ mới mất, cậy có quân ứng viện của Công Tiễn, chắc rằng có thể đánh một trận phá được Ngô Quyền, nhân thế lấy được nước nam dễ như móc túi vậy. Nếu không có một trận đánh to để hỏa nhuệ khí của Lưu Nghiễm, thì cái tình hình ngoại thuộc lại dần dần thịnh lên, cho nên trận đánh ở Bạch Đằng là cái căn bản khôi phục quốc thống đó. Sau này Đinh, Lê, Lý, Trần còn phải nhờ dư liệt ấy. Võ công hiển hách của Ngô Quyền, tiếng thơm nghìn đời, đâu có phải chỉ khoe khoang một lúc bấy giờ mà thôi.

Trên đây là Nam, Bắc tranh giành, từ năm Đinh Mão niên hiệu Khai Bình thứ 1 nhà Lương, đến năm Mậu Tuất niên hiệu Thiên Phúc thứ 3 nhà Tấn, cộng 32 năm (cha con Khúc Hạo 24 năm, Đình Nghệ 8 năm).

Sách Thông luận bàn rằng: Chu Ôn cướp ngôi vua Đường ở một xó đất Lương Biện, còn các trấn thì chia nát ra, đất Quảng thuộc về Lưu Ẩn, bỏ Giao Châu mà không tranh đến, tự nhà Lương đến nhà Chu không có chiếc xe ngựa nào đến cảnh thổ Giao Châu. Lưu Nghiễm tuy có chí hăng hái muốn thôn tính Giao Châu nhưng một trận thua Đình Nghệ, một trận bị nhục với Ngô Quyền, thì cái lòng chực cướp đất Giao Châu nguội như đống gio tàn. Họ Ngô được thời cơ ấy mới dựng nước, truyền cho con, cũng làm vua một phương như Bắc triều là do ở đó. Khúc Thừa Mỹ nhận chức quan của Lương mà bị cầm tù ở Ngụy Đình; Dương Đình Nghệ đuổi tướng Hán nhận lấy châu, mà bị nha tướng giết hại. Truyện có nói rằng: nếu không có người bị ngã, thì mình nổi lên sao được, là nghĩa thế. Tóm lại, cũng là bởi lòng trời yếm loạn, muốn mở cơ nghiệp nước ta là một đời trị bắt đầu từ đấy.

1) Mai Thúc Loan, quê ở xã Mai Phụ, huyện Thanh Hà, tỉnh Hà Tĩnh, theo mẹ ra sống ở Nam Đường, nay là huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

2) Sa Nam. Nay là thị trấn của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

3) Nay là xã Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây.

4) Đại La, nay là khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm của Hà Nội.

5) La Thành, là toà thành luỹ bao quanh Đại La (nay thuộc Hà Nội).

Nhà Ngô



TIỀN NGÔ VƯƠNG

Tiền Ngô Vương, họ Ngô, tên Quyền, người Đường Lâm, giết giặc trong nước để phục thù cho chúa, giết địch bên ngoài để cứu nạn cho nước, dựng quốc đô, nối lại chính thống, công nghiệp thật to lớn lắm. V

ua Ngô đời đời là quý tộc ở Đường Lâm(1), cha là Mân làm quan Mục bản châu. Khi sinh ra vua có hào quang sáng khắp nhà, ở trên lưng có 3 mụn nốt ruồi, người xem tướng cho là kỳ, bảo rằng có thể làm vua một địa phương, bèn cho đặt tên là Ngô Quyền. Mắt Vương sáng như điện, sức cất nổi được cái vạc, làm nha tướng của Đình Nghệ, Nghệ gả con gái cho, sai quản trị Châu Ái.

Vương giết Công Tiễn, phá Hoằng Tháo, tự lập làm vua, tôn Dương Thị làm Hoàng hậu, đặt đủ 100 quan, dựng ra nghi lễ triều đình, định các sắc áo mặc, đóng đô ở Cổ Loa thành, làm vua được 6 năm rồi mất.



HẬU NGÔ VƯƠNG

Tên là Xương Văn, là con thứ vua Tiền Ngô. Dương Tam Kha nuôi làm con, 3 năm sau truất Tam Kha, lấy lại chính quyền, làm vua được 15 năm, quang phục được cơ nghiệp cũ, nhưng vì ở trong nước xảy ra việc binh đao luôn, rồi bị giết chết, đáng thương.

Phụ thêm: Dương Tam Kha người làng Dương Xá, huyện Đông Sơn con Dương Đình Nghệ,anh bà Dương Hậu, tiếm xưng là Vua, bị Ngô Quyền truất ngôi.

Cựu sử để Dương Tam Kha lên đầu, nay theo lối Hán sử chép lớn lên là Hậu Ngô Vương, mà chỉ để Tam Kha phụ theo, để cho rõ là thống hệ nhà Ngô chưa mất hẳn.

Khi Ngô Vương Quyền đau nặng, dặn lại Tam Kha giúp con mình. Tam Kha cướp ngôi, tự xưng là Bình Vương. Con trưởng Ngô Vương là Xương Cập, chạy về nhà phạm Lệnh Công, ở làng Trà Hương, Nam Sách. Tam Kha sai Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đi tìm, ba lần đi đều không tìm được. Lệnh Công sợ, bèn giấu Xương Cập vào trong sơn động. S

ử thần bàn rằng: Tam Kha đã cướp ngôi, lại nuôi Xương Văn làm con, là cớ sao? Xương Văn tất là con bà Dương Hậu, cho nên có tình cậu cháu mà dung cho, còn như tìm bắt Xương Cập đến 3 lần, thì làm được, ấy cái họa họ ngoại như thế đó. Ngô Quyền không biết soi gương xưa, đến nỗi ngôi báu bị mất, đàn con không chỗ nương tựa, Xương Văn sống bên tặc thần, Xương Cập phải nhờ tay nghĩa sĩ, đều tại sốt trời. Ngô Quyền báo ơn cho Đình Nghệ, Lệnh Công cũng lại báo ơn cho ông, lòng trung nghĩa được trời đền lại, quả là không sai.
Con thứ Ngô Vương là Xương Văn truất phế Tam Kha.

Tam Kha sai Xương Văn và 2 ông Dương và Đỗ, đem quân đánh hai thôn Thái Bình, Đường Nguyễn, đi đến huyện Từ Liêm, Xương Văn bảo 2 ông rằng: "Ân đức của Tiên Vương ta dân được nhờ nhiều lắm, không may Ngài mất sớm, Bình Vương làm điều bất nghĩa, cướp ngôi của anh em ta, nay lại sai ta đi đánh dân vô tội, nếu dân khôi phục, thì làm thế nào? Hai ông nói: "Xin theo mệnh lệnh của ông". Xương Văn nói: "Ta muốn mang toàn quân về đánh úp Bình Vương, để lấy lại cơ nghiệp Tiên Vương ta, có nên không?" Hai ông nói: "Được lắm". Bèn kéo quân về đánh úp Tam Kha, dân chúng thì muốn giết Tam Kha, nhưng Xương Văn nghĩ rằng Tam Kha có ân tình với mình, không nỡ giết, giáng làm Trương Dương Công, cho có thực ấp (ở bến Chương Dương Độ(2)) để thu thuế nơi đó mà chi dùng. Vương đã truất Tam Kha rồi, lên ngôi Vua tự xưng là Nam Tấn, rước anh là Xương Cập về, cùng làm việc nước. Xương Cập xưng là Thiên Sách Vương. Thời bấy giờ có người Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh, cậy có núi khe hiểm trở, không chịu làm tôi. Hai Vương khởi binh đánh Bộ Lĩnh, Lĩnh sợ, sai con là Đinh Liễn vào làm con tin; Hai Vương bắt Liễn lên ngọn cây tre, bảo Lĩnh rằng: "Không hàng thì giết". Lĩnh nói: "Trượng phu phải lập công danh có đâu lại bắt chước cách đàn bà yêu con?", nói rồi sai 10 người cầm nỏ nhằm vào Liễn mà bắn. Hai Vương nói: "Ta treo con nó lên, cốt để buộc lòng nó phải hàng, nay nó tàn nhẫn như thế, giết cũng vô ích". Bèn thu quân về. S

ử thần bàn rằng: Đinh Tiên Hoàng nhằm bắn con, cùng với việc chia bát canh của Hán Cao Tổ, đều là dùng cách gợi thiên tính để thử xem sao. Nhưng Hán Cao Tổ cậy có Hạng Bá giúp đỡ, nên dám thế, còn Đinh Tiên Hoàng chắc đâu vào lòng bất nhẫn của Ngô Vương, mà dám nói như thế, là vì trong tâm đã không có Liễn lâu rồi. Cho nên sau khi lấy được nước, bỏ Liễn mà lập con út là Hạng Lang vậy. T

hiên Sách Vương chuyên quyền, Xương Văn không dự vào chính quyền nữa. Hai Vương bèn có hiềm khích với nhau. Chưa được bao lâu thì Thiên Sách Vương mất, Xương Văn trở lại ngôi vua sai quân đánh 2 thôn Đường Nguyễn và Thái Bình, khi kéo quân vào, bỏ thuyền lên bộ, Vua bị tên lạc của phục binh bắn tin mà chết, Đinh Liễn trở về Hoa Lư.



CHÉP PHỤ CÁC SỨ QUÂN

Thời bấy giờ vua Nam Tấn mất, trong nước loạn to, các nơi đua nhau nổi lên giữ huyện ấp, cùng xâu xé lẫn nhau.

Ngô Xương Xí tự xưng là Ngô Sứ Quân chiếm cứ Bình Kiều. (Lúc Thiên Sách Vương là Xương Cập tị nạn có lấy người con gái ở Nam Sách sinh ra Xương Xí tức là cháu Nam Tấn Vương Xương Văn).

Kiều Công Hãn tự xưng là Kiều Tam Chế chiếm cứ Phong Châu (nay là Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). N

guyễn Khoan tự xưng là Thái Bình Công, chiếm cứ Tam Đới (nay là huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, chiếm cứ Đường Lâm (có chỗ gọi là Giao Thủy. (Nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây).

Đỗ Cảnh Thạc tự xưng là Đỗ Cảnh Công chiếm cứ Đỗ Động Giang (nay thuộc huyện Thanh Oai, Hà Tây, chân móng thành cũ hiện còn).

Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, chiếm cứ Siêu Loại. (Nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).

Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công chiếm cứ Tiên Du (nay thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ở đó hiện có đền thờ).

Lã Đường tự xưng là Lã Tá Công chiếm cứ Tế Giang (nay là huyện Văn Giang, Hưng Yên).

Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công chiếm cứ Tây Phù Liệt. (Nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Kiều Thuận tự xưng là Kiều Lệnh Công chiếm cư Hồi Hồ (nay là làng Trần Xá, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, chữ Hoa nay đổi ra chữ Cẩm).

Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át chiếm cứ Đằng Châu (nay là huyện Kim Động, Hưng Yên).

Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công chiếm cứ Bố Hải Khẩu (nay là xã Kỳ Bá thị xã TháiBình, tỉnh Thái Bình). Các ông trên này gọi là 12 sứ quân.

Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con, đến theo nương tựa. Minh Công cho làm con nuôi, cho giữ binh quyền để đánh các vị anh hùng khác, đều đánh tan được. Đến khi Minh Công mất, Bộ Lĩnh thống suất cả đám quân ấy. Khi bấy giờ bọn đệ tử của Ngô Tiên Chúa có 500 người từ Đỗ Mộng Giang kéo đến đánh, độ 80 người vào Ô Man, bị người làng là Ngô Phó Sứ đánh thua rồi trở về. Bộ Lĩnh nghe tin cử binh đánh vào động ấy, quân đi đến đâu các bộ lạc đều phải hàng phục, bởi thế lại và dân ở các châu, phủ đều tâm phục mà theo Bộ Lĩnh, suy tôn ông làm Giao Châu súy.

Xét sách Thập quốc Xuân thu chí, Bộ Lĩnh đánh được Lã Xứ Binh, đảng giặc tan vỡ. Sách này lại chép rằng đánh được Ngô Phó Sứ, thế thì Phó Sứ tất là Xứ Bình không sai nữa.

Vua Tiên Hoàng bình được 12 sứ quân, trận này là trận đánh then chốt.
Trên đây là đời nhà Ngô có 2 vua và Tam Kha tiếm ngôi, khởi từ năm Kỷ Hợi đến năm Đinh Mão, cộng 29 năm.

Sách Thông luận bàn rằng: Ngô Tiến Chúa phát tích là danh gia, giết Công Tiễn để báo thù cho Đình Nghệ liền có trận đánh ở sông Bạch Đằng, làm bại được Cường Hán, quốc thế từ đó mạnh lên, đất Nam bình yên, người Tàu sợ chạy, công nghiệp họ Triệu và họ Lý cũng chưa hơn được, vì mấy năm sau phó thác không được người giỏi, thật đáng cảm khái. Tam Kha ở địa vị là họ ngoại, lân la cướp ngôi vua, bắt chước Vương Mãng, Tào Tháo, làm đầu nêu cho Quý Ly, Đăng Dung, tội ác ấy không bút nào tả xiết. Hậu Ngô Vương ở chỗ thâm cung, nên tặc thần không ngờ đến, ở giữa đường quay về, mà chư tướng không dám trái ý, truất phục được kẻ gian tà dễ như thay bàn cờ, 15 năm giữ cơ nghiệp, đáng gọi là Lương Chúa, đẻ con như thế Ngô Quyền cũng như là không chết. Đến như Thiên Sách chuyên quyền mà mình không được dự chính quyền, Tam Kha cướp ngôi vua mà không nỡ gia hình, luận giả cho Xương Văn là cô tức, nhưng xét bản tâm của Xương Văn thì chỉ biết cung kính anh, để kính nhường dòng con trưởng, không giết cậu, để mẹ được yên lòn, cũng là người có tư chất tốt, không thế, thì nếu không giết anh là Xương Cập, cũng không để Tam Kha được sống. Duy chỉ có lỗi là để lộ cơ mưu, đến nỗi bị mũi tên lạc, chí khí hăng hái của thiếu niên chưa bỏ đi được, là đáng tiếc đó thôi. Ngô Sứ Quân là con ngành thứ, nối chí lớn của cha chú, khó nhọc lẩn lút ở chỗ thôn quê, mưu đồ giữ lại cơ nghiệp đã mất, chí cũng đáng khen, nhưng vì vô tài, và ít người giúp, thế cùng lực kiệt, được một năm rồi mất ngay, cũng đáng thương. Vì rằng lòng trời muốn thu nhặt lại cho họ Đinh, tất nhiên trước hết phải có người khu trừ. Tạo hóa đã có khí số nhất định, người ta làm thế nào mà ra ngoài vòng đúc nặn của tạo hóa cho được. Tự cổ đến nay, chứng nghiệm đã nhiều không phải một việc này, ta có thể biện hộ cho Nam Tấn Vương được.

1) Hiện nay có ý kiến khác nhau về Đường Lâm (quê của Ngô Quyền), một số ý kiến chỉ định là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Tây; còn có người cho rằng Đường Lâm thuộc Hà Tĩnh hiện nay.

2) Nay thuộc xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Tây.

Nhà Lý

Thái Tổ Hoàng Đế

(Ngày trước Viện Vảm Tuyển ở chùa Thiên Tâm châu Cổ Pháp, có con chó đẻ ra con sắc trắng, lưng có lông đen, nổi lên hai chữ "thiên tử", người ta bàn đó là cái điềm báo rằng người sinh tuổi Tuất sẽ được đại quý, quả nhiên vua Lý đẻ vào năm Giáp Tuất niên hiệu Thái Bình thứ năm).



THÁI TỔ HOÀNG ĐẾ

Vua họ Lý, tên là Công Uẩn, người Cổ Pháp(1), tỉnh Bắc Ninh, vua Ngọa Triều mất, tự lập làm vua, ở ngôi mười tám năm, là người khoan nhân từ thứ, có độ lượng Đế Vương, nhưng vì chưa tôn chính học, chỉ thích dị đoan, là điều đáng tiếc.

Sách sử chép Phạm Thái Hậu đi chơi núi Tiên Sơn(2), cùng với thần giao hợp mà sinh ra Vua. Lý Khánh Vân nuôi làm con, nhận là họ Lý. Bài ký ở chùa Tiên Sơn có nói: "Thái Hậu cảm tinh anh của Bạch Hầu mà sinh ra Vua, nhà sư Vạn Hạnh rước về nuôi".

Ngoại truyện lại nói: Mẹ Vua năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt và bà đương ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra Vua". Thế thì thật không biết người nào là cha Vua Lý nữa.

Năm Thuận Thiên thứ nhất, Vua về chơi làng cổ Pháp, yết lăng Thái Hậu, theo thứ bậc mà thưởng tiền và lúa cho các bô lão.

Dã sử nói: "Mẹ Vua ở quanh quẩn trong rừng Cổ Pháp hốt nhiên chết, kiến, mối xông đất đẩy thành mả, cao bảy thước được chỗ đất tốt chung linh. Đến bây giờ Vua về yết lăng, trông thấy cây cối xanh tốt, loài chim bay liệng cảm động rớt nước mắt, sai đo quanh mộ mỗi bên vài mươi thước làm cấm địa, sau này các triều có phụ táng ở đó đều gọi là Thọ lăng".

Vua sai sứ sang Tống cầu phong, vua Tống nói:: "Họ Lê thay họ Đinh, họ Lý lại bắt chước

mà thay họ Lê, chả khác gì nhau", nên mới nhận lễ xính (lễ hỏi thăm).

Vua lấy cớ ở Hoa Lư thành thì hẹp, đất thì thấp, muốn thiên đô về Đại La, tay viết chiếu rằng: "Xưa kia nhà Thương đến vua Bàn Canh đã năm lần thiên đô, nhà Chu đến vua Thành Vương đã ba lần thiên đô, không phải là theo ý riêng một mình, là nghĩ đến kế muôn năm về sau. Nhà Đinh và Lê không theo lối cũ của Thương, Chu, cứ để kinh đô ở mãi nơi này, trẫm rất đau lòng. Duy có thành Đại La ở giữa khu vực của trời đất, có cái thế long, hổ vững bền, địa thế rộng và bằng phẳng, đất thì cao mà sáng sủa, rõ là khu vực phồn thịnh. Đã xét khắp đất Việt, chỉ có nơi ấy là thắng địa, là nơi đô hội thật là kinh đô của muôn đời sau. Lũ các ngươi nên hiểu ý trẫm. Bách quan tâm đều tâu: "Bệ hạ nghĩ đến kế lâu dài cho thiên hạ, lập nên cơ nghiệp lớn và làm cho nhân dân được giầu thịnh, còn ai dám không theo". Vua bằng lòng lắm, liền sắp sửa di kinh đô, khi thuyền vua mới đến đậu ở dưới thành, thấy có con rồng vàng hiện ra, nhân thế đặt tên là Thăng Long, liền lâp nhiều cung điện, cộng 13 sở, xây thành lũy, sửa sang phủ khố; thăng cháu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, Bắc Giang gọi là Thiên Đức Giang, thành Hoa Lư gọi là Phủ Thiên Tường, trong phủ. Thiên Đức lập ra tám ngôi chùa, đều có lập bia ghi chép công đức.

Sử thần bàn rằng: Vua Lý Thái Tổ sinh trưởng nhờ cửa Phật, Khánh Vân nuôi lớn, Vạn Hạnh dạy dỗ, thuyết nhân quả ăn sâu ở trong lòng, cho nên khi mới kiến quốc, đã sáng tạo nhiều chùa, cấp điện độ tăng chúng, muốn đưa cả thế giới vào nước Phật, bất luận hiền ngu muốn cho qui Phật, đến đời sau nhà Lý mới khởi lên ngôi chùa cao sát mây, lập nên cột chùa bằng đá cao vót, lấy sự thờ Phật làm việc thường phải có của một nước (lập hơn 300 ngôi chùa, đúc quả chuông nặng đến một vạn hai nghìn cân đồng). Khi khánh thành chùa thì mở hội, xá các tội nhân; một nhà sư tự thiêu, mà cũng tạ ơn Phật, bụt mọc ở chùa Pháp Vân, mà lập nên chùa tự dối mình và dối đến người khác, trên dưới như điên như dại, khiến cho ảo thuật của sư Đại Điên dám hoành hành ở trong cung vua, tà thai của Nguyễn Bông đầu thai làm con thừa tự của nước; đến nỗi vua Huệ Tôn bỏ nước cho con gái nhỏ mà xuất gia đầu Phật; Vì nhà sư mà hưng quốc, lại vì nhà sư mà mất nước, Phật cũng không đem chén nước công đức mà độ cho vua cho nước được, phải chăng tại vì vua Thái Tổ, cho nên đến nỗi thế?.

Vua xá hết các thứ thuế cho thiên hạ trong ba năm. Những người Mán trước bị vua Ngoại Triều bắt làm tù binh, đều cấp cho áo mặc và lương ăn mà tha về.

Nhà Tống sai sứ sang phong Vương cho vua Lý.

Sử thần bàn rằng: Vua Thái Tôn mới lên ngôi vua, tức thì xuống chiếu tha thuế; năm thứ 7, 8 và 9 lại tha cho dân thuế ruộng, không biết lấy gì mà chi dùng cho đủ? Đại để chính sự triều Lý chỉ cốt chăm nghề nông làm cho nước được giàu. Nguồn tài chính gồm các thứ thuế gỗ rừng, cá biển, buôn bán, thuế thổ sản, thuế đất, đồ cống hàng năm, trong 6 hạng thuế này thì chỉ thu 4 hạng, còn 2 hạng thì khoan thu, cũng vẫn làm cho nước có đủ dùng, thật có phong tục cũ của đời vua Văn Đế, Cảnh Đế nhà Hán.

Vua đặt ra quân tả, hữu túc vệ, mỗi quân có 500 người.

Phong Thái tử Phật Mã làm Khai Thiên Vương, lập ra cung Long Đức ở ngoại thành cho Thái tử ở đó, ý muốn cho hiểu thấu các việc ở trần gian.

Sử thần bàn rằng: Muốn cho Thái tử biết việc ở dân gian, thì nên kén các quan sư phó hiền mà dạy, để biết sự khó nhọc của nhà nông, hà tất phải lập cung ngoài thành mà bắt ra ở đó; đến khi Vua mất, các thân vương Chinh Đông và Dực Thánh nổi tà dâm mà gây ra đại biến, nếu không có Phụng Hiểu trung thành, thì ngôi vua của nhà Lý nguy hiểm như treo bằng sợi tóc .

Điều này là không biết coi trọng căn bản của nước và giữ thể thống.



NƯỚC CHÂN LẠP ĐẾN CỐNG

Nước này ở về phía nam Chiêm Thành, đi thuyền mất 2 ngày mới đến nước ta. Tục nước ấy phía đông là trên, tay bên hữu là sạch. Đời Đường chia nước ấy ra làm 2, nửa về bắc nhiều núi, gọi là Lục Chân Lạp, nửa về phía nam, gần biển gọi là Thủy Chân Lạp, đất được 800 dặm, vua nước ấy ở thành Bà La, nay là Đồng Nai; Lục Chân Lạp đất rộng được 700 dặm, gọi là Hạ Khuất quốc tức nay là Cao Miên. Vua thân hành đi đánh Diễn Châu, khi trở về đến Biện Loan, gặp mưa to gió lớn, Vua đốt hương khấn rằng: "Tôi là kẻ có đức, không dám cậy có quân mạnh, chỉ vì Diễn Châu không theo giáo hóa, không thể đánh được. Đến như trong lúc giao chiến, kẻ hay, kẻ dở đều chết cả, đến nỗi trời quở phạt dù có bị chết cũng chả dám oán trách gì, chỉ có quân lính xét ra tội cũng đáng tha, xin Thượng đế rộng lòng tha thứ". Nói xong, thì gió yên mưa tạnh.

Vua đổi 10 đạo trong nước làm 24 lộ, hai châu Hoan và Ái gọi là Trại.

Vua định thể lệ các hạng thuế ở thiên hạ:

1. Đầm ao, điền thổ,

2. Đất giồng dâu, và cấy lúa,

3. 3. Sản vật ở núi và ở cao nguyên,

4. Thuế quan ải và muối mắm,

5. Hương thơm của Mán Lào,

6. Cây gỗ ở rừng.

Bấy giờ trong tầu ngựa có con ngựa trắng, khi sắp đem cưỡi thì tất nó phải kêu lên trước, nên gọi tên nó là Bạch Long thần mã.

Châu Vị Long làm phản, qui phụ với Mán, nước Nam Chiếu dẫn tướng Mán là Dương Trường Trung vào cướp, qua đồng trụ đến Kim Hoa Bộ, bố trí quân dinh, gọi là trại Ngũ Hoa, Vua sai Dực Thánh Vương đi đánh, bắt được hơn một vạn quân và ngựa. Xuống chiếu sai Phùng Châu sang Tống báo tin thắng trận, và dâng vua Tống 100 ngựa Mán.

Hoan Châu dâng Vua con kỳ lân.

Lân và phượng là loài mà người không trông thấy, cho nên là điềm lành. Người ta đã không thường được trông thấy, thì con chim có vằn, loài thú có sừng mà bảo là phượng và lân, còn ai phân biệt được. Nhà Lý đã từng đem dâng vua Tống, bị Tư Mã Quang khước từ, biết đâu con lân đem dâng ấy, chả phải là con lân của Hoan Châu đem dâng đó chăng?

Vua đắp thành đất Thăng Long.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét