Nguyễn Gia Kiểng 018

Khổng Giáo và Khổng Tử

Đọc xong những dòng trước độc giả đã có thể đoán là tôi sắp đặt vấn đề Nho Giáo. Văn hóa truyền thống của ta là văn hóa Nho Giáo. Nói rằng văn hóa của ta cần được xét lại có nghĩa là chúng ta phải nhận định lại Nho Giáo.
Nhiều độc giả có Tây học, nhất là những độc giả trẻ, có thể sẽ phản ứng: tại sao lại cần
đặt vấn đề Nho Giáo? Văn hóa của chúng ta ngày nay đâu còn là văn hóa Nho Giáo nữa, người Việt nam đã thôi học chữ nho và tư tưởng Nho Giáo từ gần một thế kỷ nay rồi. Tôi có biết Tứ Thư, Ngũ Kinh là gì đâu? v. v... Xin các bạn bình tĩnh. Văn hóa của chúng ta vẫn là văn hóa Nho Giáo. Từ giã một nền văn hóa không dễ đâu; nó đòi hỏi một cố gắng tàn bạo đối với chính mình, điều mà cho tới nay chúng ta vẫn từ chối không làm. Kiến thức của chúng ta có thể đã đổi mới rất nhiều nhưng văn hóa không phải chỉ là kiến thức. Và văn hóa của chúng ta chưa thay đổi bao nhiêu. Một nếp sống mà chúng ta đã theo trong mấy ngàn năm không dề gì chúng ta có thể đoạn tuyệt trong vòng một thế kỷ, nhất là trong suốt thế kỷ đó chúng ta lại rất ít đặt vấn đề triết lý và tâm lý. Chúng ta vẫn giữ hồn tính cũ và nói chung chỉ tiếp thu những hiểu biết mới một cách thực dụng, để sử dụng chúng với tâm lý có sẵn nghĩa là tâm lý Nho Giáo. Đó là nói về những người có học thức, còn đối với đại đa số quần chúng thì lâm lý Nho Giáo lại còn tồn tại mạnh hơn.

Văn hoá và tâm lý chủ yếu nằm trong nếp sống, và một nếp sống có cách lưu truyền riêng của nó, qua sinh hoạt gia đình, qua hành động, cử chỉ, thái độ và những cái nhìn của cha mẹ và người chung quanh, qua những gương anh hùng, liệt sĩ, vĩ nhân mà chúng ta tiếp thu tại học đường, qua những chuyện quyền bà kể cho cháu, cô giáo kể cho học trò ở ngay đầu đời. Văn hóa là toàn bộ những ý niệm và giá trị mà chúng ta đã được giáo dục để coi là đúng và do đó quyết định cách suy nghĩ, hành động và ứng xử của chúng ta. Kiến thức chỉ là bề mặt của văn hóa, là những dụng cụ để thể hiện một văn hóa. Văn hóa không đến với chúng ta bằng lý trí để chúng ta có thể biện luận, chọn lọc và phản bác. Nó đến một cách kín đáo và vô tình; nó nằm trong vô thức của chúng ta, nó xâm nhập tâm hồn chúng ta, trở thành bản năng của chúng ta. Nó khống chế và chỉ huy chúng ta mà chúng ta không ý thức được nên càng khó cưỡng lại. Nó là một phần của chính chúng ta nên chúng ta chỉ có thể xét lại nó nếu dám ra khỏi mình để chống lại chính mình. Do đó văn hóa và tâm lý có sức sống cực kỳ dai dẳng. Chúng ta vẫn tiếp tục được đào tạo theo Nho Giáo ngay cả nếu chúng ta không ý thức được như vậy. Nho Giáo vẫn còn hiện diện rất mạnh mẽ trong xã hội Việt nam và trong con người Việt nam. Bởi vậy chúng ta phải tìm hiểu nó để biết chúng ta là ai.

Nho Giáo thường được gọi là Khổng Giáo. Mặc dầu cách gọi này không đúng nhưng với thời gian nó đã thành chính thức. Từ khi có trao đổi giữa phương Đông và phương Tây thì danh xưng Khổng Giáo đã thay thế hẳn danh xưng Nho Giáo, vì người phương Tây chỉ biết đến danh xưng Khổng Giáo (Confucianism) mà thôi. Trước khi bàn về Khổng Giáo cần đặt ra ngoài vòng trách nhiệm một nhân vật: ông Khổng Khâu. Ông này thường được gọi một cách tôn kính là Không Phu Tử hay Khổng Tử. Người á Đông, nhất là người Trung Quốc và người Việt nam, gọi ông là Đức Khổng, coi ông như một vị thánh, thánh tổ của một tôn giáo.

Không thiếu những tác phẩm nói đến Đạo Khổng.

Khổng Khâu sinh năm 551 trước Tây lịch và mất năm 479 trước Tây lịch, nghĩa là ngay chính giữa một thời đại dài 500 năm (722-221 trước Tây lịch) mà lịch sử gọi là thời Xuân Thu Chiến Quốc. Lúc đó Trung Quốc đã có gần bốn ngàn năm lịch sử rồi. Theo sử Trung Quốc thì vị vua đầu tiên là Phục Hi (4480-43 65 trước Tây lịch) đã đặt ra tám quẻ bói toán để dò ý trời đất, quỉ thần. Niên đại có thể không được chính xác, nhưng sự kiện này chứng tỏ rằng ngay từ một thời đại rất xa xưa, khi hầu như cả nhân loại còn rất bán khai thì xã hội Trung Quốc đã tiến hóa đến mức những băn khoăn siêu hình đã xuất hiện. Từ quá trình lịch sử rất dài đó đã hình thành một sinh hoạt văn hóa và chính trị có nền nếp: Nho Giáo.

Thời đại của Khổng Tử là thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng là thời nhà Chu, một triều đại kéo dài hơn 900 năm, từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 3 trước Tây lịch. Nửa đầu nhà Chu rất ổn định, nhưng từ nửa sau thế lực của chính quyền trung ương suy yếu đi, đến độ phải dời đô về phương Đông để tránh giặc. Các nước chư hầu không còn thần phục trung ương nữa, mặc sức tranh giành và thôn tính lẫn nhau. Khổng Tử sinh sống trong nửa sau này. Lúc đó Nho Giáo đã thành hình từ rất lâu rồi.

Nho Giáo là một hệ thống giáo dục và đào tạo những người phục vụ cho các vua chúa, vua nhà Chu cũng như các vua chư hầu. Chữ Nho trong tiếng Trung Quốc gồm một chữ Nhân, có nghĩa là người, bên cạnh một chữ Nhu có nghĩa là cần thiết. Như vậy nho có nghĩa là người cần thiết để giúp các vua chúa trị nước. Cần hiểu rõ như vậy để đừng ngộ nhận coi Nho Giáo là một triết lý. Nho Giáo chỉ là sự giảng dạy những đức tính và kiến thức phải có để được chọn ra làm quan; nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là một chương trình đào tạo công chức.

Không phải ai theo học đạo Nho cũng đều được làm quan.

Vào thời nhà Chu và trước đó, những người được chọn để ra làm quan được gọi là sĩ và được đặt dưới quyền quản lý của một quan tư đồ; họ được huấn luỵện sáu nghề: lễ (các nghi thức), nhạc, xạ (võ và ban cung), ngự (điều khiền xe, ngựa), thư (ghi chép tài liệu) và sổ (bói toán). Nếu lấy hình ảnh thời nay thì sĩ là những học viên của một trường quốc gia hành chính.

Xã hội Trung Quốc từ ngày lập quốc đến rất lâu sau khi Khổng Tử ra đời và mất đi, cần nhấn mạnh là rất lâu sau khi Khổng Tử mất, được chia làm ba giai cấp vương hầu, quân tử và tiểu nhân. Sự phân chia này thuần túy dựa vào chỗ đứng trong xã hội chứ không mang một nội dung đạo đức nào. Vương hầu là những quí tộc giàu có, có đất đai và nông nô. Tiều nhân, còn gọi là dân, là nhưng nông nô bần cùng sống dưới sự thống trị của giai cấp quí tộc, dĩ nhiên giai cấp tiểu nhân chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội. Quân tử là giai cấp trung gian giúp giai cấp quí tộc thống trị giai cấp tiểu nhân.

Phần lớn nhân sinh quan của Khổng Khâu được ghi chép lại trong sách Luận Ngữ. Khổng Khâu làm công việc đào tạo ra các quân tử, ông vạch ra một người quân tử kiểu mẫu. Thường thường những lời giáo huấn của Khổng Khâu có hai vế: Người quân tử thì... còn kẻ tiểu nhân thì... . Khổng Tử không tiết kiệm lời đề cao người quân tử và cũng không tiếc lời mạt sát đám tiểu nhân. Ông đứng hẳn về phía các vua chúa. Trong lịch sử Trung Hoa và thế giới chưa có ai có thái độ khinh bỉ đối với quần chúng bằng ông. Điều rất đáng ngạc nhiên là tuyệt đại đa số những người bàn luận về Khổng Giáo không hiểu ý nghĩa của những từ ngữ quân tử và tiểu nhân ở vào thời đại của Khổng Khâu (và rất lâu sau khi ông đã qua đời) nên họ thường hay coi sĩ và quân tử là những giá trị tinh thần, biểu tượng của một nhân cách, một đạo đức và họ hay đồng hóa sĩ và quân tử với sự cao thượng. Thực ra nho chỉ là những người học để ra làm quan, sĩ là những nho được tuyền chọn để được huấn luỵện thành quan, quân tử là một giai cấp, giai cấp của kẻ sĩ, nhưng kẻ làm tay sai cho các vua chúa để thống trị quần chúng. Còn tiểu nhân chỉ có nghĩa là quần chúng mà thôi. Có thể với thời gian ý nghĩa của những danh từ tiểu nhân, quân tử đã biến đổi, nhưng ở vào thời đại của Khổng Khâu và rất lâu sau khi ông đã qua đời đó chỉ là những thành phần xã hội.

Giai cấp quân tử, hay sĩ, do đâu mà có? Đó có thể là những người trong giai cấp tiểu nhân may mắn được các vua chúa tin dùng, nâng đỡ rồi nhờ chức vụ mà đạt tới sự hiểu biết hơn quần chúng. Đó cũng có thể là những quí tộc sa sút, hay những người thua trận được kẻ chiến thắng dùng làm tay chân.

Khổng Tử là một sĩ. Ông là con của một vị quan nhỏ nước Lỗ tên là Thúc Lương Ngột. Năm 19 tuổi ông được bổ nhiệm vào chức vụ một quan thu thuế, rồi sau đó được cử trông coi đàn súc vật dùng vào việc cúng tế. Vào thời đại đó, cúng tế trời đất quỉ thần là một việc quan trọng hàng đầu. Theo sử sách thì Khổng Tử say mê việc cúng tế ngay từ hồi còn thơ ấu cho nên thạo việc cúng tế rất sớm; ngay khi ông còn trẻ đã có những gia đình gởi con theo ông học nghề cúng. Như vậy nghề chính của Khổng Tử là nghè thầy cúng. Hai nghề thu thuế và thày cúng đã có ảnh hưởng quyết định lên cá tính của ông. Trong suốt cuộc đời, Khổng Khâu rất trọng sự chính xác và các nghi thức, ông tin vào những sự huyền bí mà không bao giờ thắc mắc. Rất xuất sắc trong cúng tế, Khổng Khâu được vua nước Lỗ gởi về kinh đô nhà Chu để học hỏi thêm về lễ nghi. Nhờ cuộc du học đó mà ông rất được kính trọng khi trở về nước Lỗ. Cần nhấn mạnh là vào thời đó cúng là việc quan trọng nhất. Các triều đình có hai loại quan, loại quan Chúc lo việc cúng tế và loại quan Sử lo việc lo việc thường ngày; nhưng quan Chúc cao hơn quan Sử vì cúng tế được coi là cao nhất. Tuy vậy, vua nước Lỗ vẫn không tin dùng ông. Mãi tới năm 51 tuổi, một tuổi rất cao vào thời đó, Khổng Tử mới được bổ nhiệm vào chức Trung Đô Tể và sau đó thăng dần tới chức tướng quốc, chức vụ đứng đầu các quan. Theo sách sử thì ông trị nước rất nghiêm minh và đã đem lại ổn định và phồn thịnh cho nước Lỗ. Nhưng chỉ một năm sau khi nhận chức tướng quốc, ông từ chức vì một lý do rất nhỏ mọn: vua nước Lỗ đã không chia phần thịt cho ông trong buổi tế Giao. Từ đó ông bắt đầu một cuộc hành trình vất vả dài 11 năm qua nhiều nước để xin làm quan, nhưng ông không được vua nào dùng cả. Khi ông chán nản trở về nước Lỗ thì đã 68 tuổi, ông bỏ mộng làm quan và tập trung cố gắng để viết sách.

Trong việc biên soạn sách, Khổng Khâu hoàn toàn không sáng tác gì cả mà chỉ ghi chép những gì đã có sẵn. Ông nói: Ta chỉ thuật lại mà không sáng tác, ta tin và thích những gì của đời xưa (thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ). Đó không phải là một câu nói khiêm tốn như ta có thể nghĩ mà là cả một tín chỉ của Khổng Khâu. Ông coi những triết lý và hiểu biết của người xưa là đầy đủ và hoàn chỉnh, đời sau cứ thế mà theo không được sửa đổi, thêm bớt gì cả.

Khổng Khâu chép lại năm cuốn sách được gọi là Ngũ Kinh, Kinh Dịch (bói toán), Kinh Thư (văn từ của các vua quan), Kinh Thi (các bài thơ và các bài hát), Kinh Lễ (các nghi thức về cúng tế và hội họp trong triều đình) và Kinh Nhạc. Ngoài ra Khổng Khâu còn soạn ra bộ sách Xuân Thu, cũng được gọi là kinh, chủ yếu kể chuyện về các vua chúa nước Lỗ. Các cuốn kinh này đều đã bị thất lạc. Đến khi nhà Hán trọng nho học mới cho tìm lại nhưng không được bao nhiêu. Các đệ tử hậu bối của Khổng Tử thêm bớt vào rất nhiều, tạo thành năm cuốn sách gọi là Ngũ Kinh: Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Thi và Kinh Xuân Thu. Riêng Kinh Nhạc chỉ còn lại một chương được cho vào Kinh Lễ.
Các nho sĩ đời sau còn viết ra bốn cuốn sách khác là Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử. Bốn cuốn sách này, được gọi chung là Tứ Thư Đại Học (do người học trò của Khổng Tử là Tăng Tử viết) và Trung Dung (do người học trò của Tăng Tử là Khổng Cấp viết) thật ra chỉ là một số chương đã có trong Kinh, Luận Ngữ (do Tăng Tử và các môn đệ soạn) ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử; Mạnh Tử là cuốn sách do Mạnh Tử, tên thật là Mạnh Kha, sinh ra hơn một trăm năm sau ngày Khổng Tử mất, và các môn đệ của ông, chép lại những lời nói của Mạnh Tử.

Tứ Thư và Ngũ Kinh được coi như những cuốn sách căn bản của Nho Giáo, trong đó Luận Ngữ quan trọng hơn cả. Khổng Giáo, hay đúng hơn là Nho Giáo, đã được nhiều đóng góp của nhiều nho sĩ qua nhiều thời đại. Trong nhưng nho sĩ này, người nổi tiếng nhất là Mạnh Tử; tên Mạnh Tử được ghép liền với Khổng Tử, Khổng Giáo vì thế còn được gọi là đạo Khổng Mạnh. Sau Mạnh Tử khoảng nửa thế kỷ còn một nho sĩ rất xuất sắc khác là Tuân Tử. Tuân Tử vừa có khả năng lý luận xuất chúng lại vừa có óc phê phán, ông bài bác tinh thần thủ cựu của những người đi trước đả phá sự mê tín vào thần linh, đề cao vai trò của giáo dục. Tuân Tử rất phóng khoáng, đi rất sâu vào tâm lý con người và phân tích khá cặn kẽ về sự hiểu biết. Ông là một triết gia thực sự và lẽ ra đã phải mở đường cho Nho Giáo đổi mới và tiến lên. Tiếc rằng ông bị cả một khối nho sĩ đông đảo chê bai, các vua chúa dĩ nhiên cũng không chấp nhận sự phóng khoáng của ông nên Tuân Tử không được coi là thánh hiền và tư tưởng của ông không được đề cao.

Sau thời Đông Chu Liệt Quốc, những đóng góp quan trọng nhất cho Nho Giáo là của Đồng Trọng Thư và Dương Hùng dưới thời nhà Hán (202-220 trước Tây lịch); Vương Thông vào thời nhà Tùy (581-618), Hàn Dũ vào thời nhà Đường (618-906); Vương An Thạch, Chu Đôn Di, Trương Tái, Trình Hạo, Chu Di vào thời nhà Tống (960- 1280); Vương Dương Minh đời nhà Minh (1368- 1648). Những đóng góp đó đã khiến các học giả bối rối khi bàn về Nho Giáo và thường đặt câu hỏi Nho Giáo nào? Hán Nho, Đường Nho, Tống Nho hay Minh Nho?. Tuy nhiên, các thay đổi này chỉ là những thay đổi về cách diễn đạt và áp dụng mà không thay đổi bản chất và tinh thần của Nho Giáo. Nho Giáo vẫn là một hệ thống ý thức tôn trọng chế độ quân chủ cực quyền, bảo thủ và bất dung. Đối với Nho Giáo, Khổng Tử không sáng tác gì cả. Đóng góp của ông không đáng kể so với Mạnh Tử và cũng kém hẳn các danh nho sau này. Ông đã chỉ chép lại các sách cũ và hơn nữa các sách của ông đều đã thất lạc. Như vậy khi phê phán tư tưởng Khổng Giáo, dù để bênh vực hay lên án, dù để khen hay chê, cần phải tách rời nó khỏi nhân vật Khổng Khâu. Về mặt tư tưởng, nên nhấn mạnh là về mặt tư tưởng, ông là một người vô can.

Sự nghiệp và nhân cách của Khổng Tử

Khổng Tử tuy không có đóng góp quan trọng nào về mặt tư tưởng nhưng lại có ảnh hưởng lớn trên sự phát triển của Nho Giáo, vì thế mà người ta đã gọi Nho Giáo là Khổng Giáo. Một cách gián tiếp Khổng Tử đã góp phần quyết định làm cho tư tưởng Nho Giáo bế tắc và không đổi mới được với thời gian. Đến lượt nó, Nho Giáo đã khiến các xã hội á Đông thuộc văn hóa Trung Hoa dẫm chân tại chỗ trong hơn hai ngàn năm.

Tôi có viết một bài báo phê phán Khổng Giáo và đã nhận được một số phản ứng, tán thành có mà phản đối cũng có. Các vị phản đối thường trách tôi một điều là đem ý thức thời nay để phê phán người xưa, nghĩa là đặt lầm bối cảnh. Thực ra chính các vị này làm lẫn lớn về thời gian, họ đem bối cảnh tâm lý và xã hội của thế kỷ 19 để bàn luận về Khổng Tử.

Dù vai trò thực sự của ông thế nào, Khổng Tử đã được coi là vị thánh, một vị thầy của muôn đời (vạn thế sư biểu); cung cách của ông và những lời ông nói được lấy làm mẫu mực lập thân cho nhiều dân tộc á Đông, trong đó có Việt nam, nên chúng ta cần hiểu ông. Trước hết là đóng góp của ông đối với Nho Giáo. Đóng góp này rất lớn, Khổng Tử là người đầu tiên ghi chép lại một cách công phu và toàn bộ những kiến thức của Nho Giáo. Nhờ ông mà người đương thời có được một cái nhìn tổng quát về Nho Giáo và có thể học hỏi Nho Giáo một cách dễ dàng hơn hẳn lúc trước. Tuy vậy ông không đóng góp gì cho tư tưởng Nho Giáo, đồng hóa ông với Nho Giáo cũng sai lầm như coi một giáo sư toán có công biên soạn một số sách giáo khoa toán là một nhà toán học.
Tại sao Khổng Tử lại được tôn vinh như một vị thánh? Không phải đợi đến khi Hán Cao Tổ (tức Lưu Bang) sang nước Lỗ lễ mộ Khổng Tử, hay Hán Vũ Đế đưa Nho Giáo lên làm quốc giáo Khổng Tử mới được tôn vinh. Trước đó đã có võ số sĩ tử sùng bái Khổng Tử. Phải hình dung bối cảnh thời đó mới hiểu được sự sùng bái Khổng Tử và đóng góp to lớn cho xã hội của ông.

Khổng Tử lưu lạc khắp nơi, không được vua chúa nào dùng phải quay về cố hương là nước Lỗ để mở trường dạy học. Nhờ uy tín Khổng Tử đã mở được trường tư đầu tiên tại Trung Quốc và đó là biến cố vô cùng quan trọng. Trước đó việc đào tạo kẻ sĩ là của triều đình và chỉ có những người được chọn làm sĩ mới được huấn luỵện để ra làm quan mà thôi, nhưng làm thế nào để có thể trở thành sĩ nếu không phải đã sẵn là con quan như chính Khổng Tử? Đám tiểu nhân, hay quần chúng, không có phương tiện nào để tiến thân cả trừ ra những cơ hội cực kỳ may mắn được các vua chúa đoái hoài tới. Chính nhờ Khổng Tử mà quần chúng có được một phương tiện để thăng tiến qua giáo dục. Đây là một cuộc cách mạng văn hóa lớn, thay đổi hẳn tương quan xã hội, tạo ra một quan hệ lưu thông giữa hai giai cấp quân tử và tiểu nhân. ở vào thời đại của Khổng Tử, số phận đám tiểu nhân chỉ là sự đầy đọa mà thôi. Khổng Tử đã tạo ra gần ba ngàn môn đồ, giúp họ ra khỏi sự đầy đọa đó, họ mang ơn ông và thờ ông là lẽ tự nhiên. Đến lượt họ cũng mở trường dạy học và cũng truyền bá sự tôn thờ sư tổ của mình, vì thế mà Khổng Tử trở thành sư tổ của mọi nho sĩ. Cũng cần nhạn định rằng chỉ sau khi Khổng Tử mở trường nho và sĩ mới đồng nhất. Trước ông nho là những người học, sĩ là những nho được chọn để được huấn luỵện. Từ Khổng Tử trở đi ai muốn học cũng được và cũng có thể được bổ nhiệm ra làm quan. Khổng Tử đã sát nhập được hai thành phần nho và sĩ và, cần nhắc lại một lần nữa công lao to lớn này của Khổng Tử, ông cũng đã giảm bớt sự ngăn cách khe khắt giữa hai giai cấp quân tử và tiểu nhân. Sự nghiệp lớn nhất của Khổng Tử như vậy là về mặt xã hội. Ông đã góp phần quan trọng trong thay đổi sinh hoạt chính trị Trung Quốc.

Nhưng phải nói, đây là một đóng góp rất vô tình, Khổng Tử không hề muốn xóa bỏ sự ngăn cách giữa hai giai cấp quân tử và tiểu nhân. Trong nhưng lời giáo huấn học trò, ông phân biệt rõ quân tử và tiểu nhân, như cái đúng và cái sai, như ánh sáng và bóng tối, sự cao thượng và sự hèn hạ, cái đẹp và cái xấu. Tiểu nhân dưới mắt Khổng Tử là hạng người không đáng được bất cứ một quan tâm nào, hay bất cứ một sự nể nang nào. Ông từng nói: Hình phạt không được dùng cho quan lớn, lễ nghi không được dùng đối với đám thứ dân (hình bất thướng đại phu, lễ bất há thứ dân). Khổng Tử đã đóng góp khai phóng quần chúng khi tạo ra trường tư, nhưng đó là điều hoàn toàn ngoài ý muốn của ông.

Một cách tương tự ta cũng có thể so sánh công trạng vô tình của Khổng Tử với một số sự kiện tích cực mà đảng cộng sản vô tình tạo ra. Họ khắc nghiệt quá khiến hàng triệu người bỏ trốn ra nước ngoài, nhờ đó mà Việt nam có một cộng đồng hải ngoại đáng kể từ sau ngày 30-4-1975. Đây là một sự kiện rất quan trọng và rất có lợi cho Việt nam, nhưng không phải do đảng cộng sản chủ ý tạo ra, trái lại họ đã hết sức cấm cản mà không được.

Đảng cộng sản cực lực bài xích và cấm đoán thương mại, nhưng những khó khăn mà chính sách của họ tạo ra sau ngày 30-4-1975 đã buộc mọi người phải xoay sở để sống, kết quả là hầu hết mọi gia đình Việt nam đều phải buôn bán một cái gì đó. Người Việt nam vì thế đã bỏ được phần nào tâm lý làm công ăn lương và chuyển sang tâm lý buôn bán kinh doanh. Đây cũng là một chuyển biến tâm lý rất đáng mừng nhưng không do chủ ý.

Khổng Tử xuất thân là một quan lại thu thuế và một thày cúng. Cả hai nghề này đều tập cho ông thói quen câu nệ thủ tục và hình thức. Nhất là nghề cúng tế mà không những chỉ hành nghề Khổng Tử còn say mê từ hồi thơ ấu. Suốt đời Khổng Tử không thay đổi từ cách ăn, cách mặc, cách đi đứng, cách cư xử, lúc nào ông cũng câu nệ và qui ước. Sách Luận Ngữ mô tả khá rõ rệt về ông: đồ ăn phải nấu thật chín, món ăn phải đúng mùa, phân lượng rau và thịt không thay đổi, chỉ có rượu là ông uống không đo lường, dù không khi nào say, đi dự tiệc thì kính cẩn đứng lên khi đồ ăn được đem ra, nhưng khi nhận quà tặng của bằng hữu thì chỉ nghiêng mình chào nếu là quà để dùng cho cúng tế; về y phục thì từ chối một số màu sắc, quần áo mùa đông và mùa hè có kiểu riêng, lễ phục thì cánh tay mặt phải dài hơn cánh tay trái, quần áo ngủ phải dài hơn quần áo ban ngày nửa thước; nằm nghiêng, không nói lúc nằm, không ngồi trên một chiếc chiếu trải không ngay ngắn, ngồi trên xe thì ngồi thẳng không nhìn về đàng sau; không nói nhanh và không dùng ngón tay để chỉ một vật gì. Trong triều đình cung cách của Khổng Tử thay đổi tùy người. Đối với các quan cấp dưới thì cứng cỏi, đối với các quan cấp cao thì uyển chuyển. Khi đưa khách vào yết kiến thì tỏ thái độ bối rối, rồi chắp tay và quay sang khách sau đó dang tay mà giới thiệu với vua. Sau buổi yết kiến khi khách ra về thì hô lên: Khách không quay lại nữa. Khi đi sứ gặp vua nước khác thì tỏ vẻ ân cần, kinh sợ. Tóm lại, tất cả đều theo một nghi thức được qui định một cách rất chi tiết từ trước. Đó là chân dung của một con người cực kỳ qui ước, hoàn toàn không tùy cơ ứng biến và không sáng tạo.

Khổng Tử được coi là một người cố đức lớn. Chữ đức vào thời đại đó phải được hiểu là làm đúng nghi lễ chứ không phải là có lòng tốt. Không thấy có sách nào ghi chép Khổng Tử giúp đỡ người nghèo khổ hay gặp khó khăn, hoạn nạn. Tuy vậy ông dạy học trò nên cư xử trung thực, giữ tín nghĩa với bằng hữu, phải phụng dương cha mẹ, giúp người già sống yên ổn, yêu trẻ thơ. Tất cả những đức tính đó đều đáng quí cả nhưng cũng chỉ là những đức tính thông thường đã được nhìn nhận từ lâu. Khổng Tử đã sống và truyền bá một cuộc sống lương thiện theo tiêu chuẩn lúc đó, ông là một người đứng đắn nhưng bảo rằng ông có đức lớn thì không đúng. Ông không có lòng thương bao la với cả nhân loại, hay ước vọng cứu đời, cứu người như Phật Thích Ca, Giê-su Ki-tô, Gandhi hay Mẹ Teresa. Hay như hàng ngàn hàng triệu người khác qua các thời đại lặn lội vào chốn sỏi đá, rừng sâu đem sự giúp đỡ và niềm an ủi tới cho những người xấu số. Hay như bao người trên khắp thế giới trong thời nay chịu giam cầm tù tội để tranh đấu cho quyền làm người. Khổng Tử là một nhà giáo đứng đắn và có tài, thế thôi. Vì ông đã có công giáo dục nhiều đệ tử, giúp họ ra khỏi số phận hầm hiu nên họ biết ơn và tôn kính ông. Vì chủ nghĩa thủ cựu và tôn quân của ông có lợi cho các chế dộ quân chủ mà các vua chúa về sau đã tôn ông lên làm thánh để làm mẫu mực cho mọi người, nhưng đó chỉ là vì một mục đích chính trị.
Khổng Tử có thực sự là một người có lòng nhân đạo không? Chắc chắn là không. Ông mạt sát những người thứ dân khốn khổ một cách thô bạo. Kẻ tiểu nhân đối với ông chỉ là đối tượng để khinh bỉ và chà đạp mặc dầu họ không có tội gì ngoài tội đã không may sinh ra vào giai cấp cùng khổ. Nhiều người biện hộ cho Khổng Tử, nói rằng quân tử và tiểu nhân là những giá trị đạo đức. Nói như vậy là đem bối cảnh thế kỷ 19 để áp đặt vào thời đại Xuân Thu Chiến Quốc của Khổng Tử và hoàn toàn sai: Như đã nói, vào giai đoạn đó quân tử và tiểu nhân chỉ là hai thành phần xã hội phân chia theo tương quan quyền lực và kinh tế mà thôi. Chính bản thân Khổng Tử không coi quân tử và tiểu nhân là những tiêu chuẩn đạo đức ông từng nói trong Luận Ngữ. Người quân tử mà có đạo thì yêu người, đứa tiểu nhân mà có đạo thì dễ sai (quân tử học đạo tác ái nhân, tiểu nhân học đạo tạc đi sử giả) hoặc quân tử có dũng mà không có nghiã thì làm loạn, tiểu nhân có dũng mà không có nghĩa thì đi ăn trộm (quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo). Sau này chính nhờ những giáo huấn của Khổng Tử mà quân tử được coi là đồng nghĩa với sự cao thượng và tiểu nhân được coi là đồng nghĩa với sự hèn hạ. Đó chẳng qua chỉ là sự xấc xược miệt thị những người yếu kém, cũng như sau này người cộng sản thóa mạ những người không đồng chính kiến với họ là phản động, phản quốc, v.v... Điều khác giữa cộng sản và Khổng Giáo là đảng cộng sản đã miệt thị những đối thủ tranh giành quyền lực với họ, trong khi Khổng Tử và các nho sĩ đã miệt thị những người cùng khổ không hề và cũng không dám chống lại họ. Đó chỉ là một sự tàn nhẫn thuần túy.

Còn một điểm khác chưa thấy học giả nào đặt ra khi bàn về lòng nhân của Khổng Tử. Ông là một chuyên viên cao cấp về cúng tế và rất say mê cúng tế, sử chép rằng hễ chỗ nào có tế lễ là đi xem rất chăm chú. Chắc chắn là chính ông cũng cử hành nhiều buổi tang lễ cho các vua chúa và các nhà quyền quí. Vào thời đó có tục chôn sống người trong các đám tang quí tộc để đưa đi hầu hạ người chết trong thế giới bên kia. Mãi đến đời Tần Thủy Hoàng (thống nhất và làm hoàng đế Trung Hoa năm 221 đến năm 210 trước Tây lịch) tục lệ dã man ấy mới bị cấm. Chắc chắn là Khổng Tử đã chứng kiến nhiều vụ chôn sống người và chính ông đã cử hành nhiều buổi lễ như vậy nhưng Khổng Tử không những không xúc động mà còn cho rằng nghi lễ của người xưa để lại là hoàn toàn đúng không có gì cần sửa đổi. Về điểm này Tần Thủy Hoàng còn nhân đạo hơn ông.
Tài trí của Khổng Tử ra sao? ông có vẻ khá tự tin về học vấn của mình, ông từng nói: Bảo ta là thánh thì ta không dám, nhưng ta làm việc thánh không biết chán, dạy người không biết mỏi (nhược thánh dù nhân tắc ngô khởi cảm, ức vi chi bất yếm, hối nhân bất quyền), hoặc ta không phải sinh ra đã biết, nhờ thích việc ngày xưa, có học mà được. Khổng Tử còn tin tưởng hơn về tài trị nước của mình, ông nói: Vua nào mà dùng ta thì chỉ một năm đã khá, ba năm là thành công . Sự tự tin này đã không được thực tế xác nhận. Khổng Tử làm quan lớn tại nước Lỗ trong sáu năm, từ chức Trung Đô Tể lên đến Đại Tư Khấu rồi sau này Nhiếp Tướng Sự nhưng không thấy nước Lỗ giàu mạnh được bao nhiêu. Ông làm Nhiếp Chính Sự (tướng quốc) được một năm thì từ quan và đi lưu lạc. Lý do khiến ông từ quan là vì vua nước Lỗ không chia phần thịt cho ông trong lễ Giao. Lý do này thực là nhỏ mọn và làm cho các nho sĩ đời sau rất phiền lòng. Chỉ vì miếng thịt mà bỏ chức tướng quốc thì còn thể thống gì, còn gì là chí lớn trị quốc, bình thiên hạ nữa. Vì vậy họ cố tình biện luận rằng đó chỉ là cái cớ, lý do thực sự khiến Khổng Tử bỏ đi là vì Khổng Tử thấy vua không còn biết giữ lễ nghĩa nữa. Nhưng đó chỉ là những giả thuyết được đưa ra để biện hộ cho cái đức của Khổng Tử chứ không dựa vào căn cứ nào. Người ta chỉ kể được những chuyện vua nước Lỗ say mê xem đám vũ nữ nước Te sang múa hát, bỏ việc ba ngày không nghị triều, nhưng Khổng Tử đã từng làm quan cho nước Lỗ sáu năm rồi, sao đến bây giờ mới bỏ đi. Vả lại, theo Luận Ngữ thì chính Khổng Tử cũng rất say mê đàn hát. Sang nước Tề học đàn ba tháng, không biết đến miếng thịt (văn thiều tam nguyệt bất tri nhục vị). Lập luận cho rằng Khổng Tử từ quan bỏ đi vì vua nước Lỗ say mê vũ nữ càng không đúng vì sau khi bỏ Lỗ sang Vệ, Khổng Tử lại bị lai tiếng về một vụ nữ sắc. Theo sách chép thì vua nước Vệ có người vợ là Nam Tử, rất đẹp và cũng rất dâm đãng. Khổng Tử muốn được làm quan nước Vệ nên phải vào yết kiến nàng này và còn đi theo xe du ngoạn, vì thế đã bị dư luận lúc đó chê cười. Khổng Tử cũng không trọng nguyên tắc như người ta vẫn đề cao ông, bởi vì trên bước đường bôn ba tìm chủ, có lúc ông định đi theo phò một phản thần là Phất Bật. Bị học trò là Tử Lộ chất vấn, ông biện bạch rằng người trong sạch thì dẫu có vào chỗ đen tối cũng vẫn trong sạch. Thật là ngụy biện.

Tại sao Khổng Tử lưu lạc khắp nơi trên mười năm trời xin làm quan mà không vua chúa nào dùng? Đó là vì ông hoàn toàn lỗi thời. Lúc đó nhà Chu đã mạt vận lắm rồi, chẳng còn uy tín nào nữa. Các chư hầu dù muốn hay không cũng phải tự quyết và trong thực tế mọi vua chư hầu đều mơ ước làm minh chủ, nhưng Khổng Tử đi đâu cũng đề cao nhà Chu. Ông nói: Việc lễ nhạc và chinh phạt phải do Thiên Tử (tức nhà Chu) khởi xướng, các vua chư hầu mà đặt lễ nhạc và chinh phạt là vô đạo (Thiên hạ hữu đạo tắc lễ nhạc chinh phạt tự Thiên Tử xuất; thiên hạ vô đạo tắc lễ nhạc chinh phạt tự chư hầu xuất). Muốn đi phò người ta mà lại bài bác người ta như vậy thì ai dùng? Khổng Tử cũng chủ trương tập trung mọi quyền lực vào tay vua, truất bỏ quyền tham gia chính trị của các đại thần (Thiên hạ hữu đạo, tắc chính bất tại đại thần). Một nhãn quan chính trị như vậy không những đã rất hủ lậu và thiển cận mà còn làm các quan đại thần bất bình. Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ khuyên các vua đừng nên dùng Khổng Tử. Vả lại nếu kiến thức và tài dạy học của ông được mọi người đương thời nhìn nhận thì ngược lại thành tích trị nước của ông chưa được bảo đảm. Với một lập trường tôn Chu tuyệt đối như vậy tại sao Khổng Tử không đến thẳng kinh đô nhà Chu không xa nước Lỗ bao nhiêu xin việc mà lại cứ dai dẳng xin phò các chư hầu không còn phục nhà Chu nữa? Lý do là vì triều đình nhà Chu lúc đó rất nghèo. Nhưng Khổng Tử vừa bỏ rơi nhà Chu và chạy theo các chư hầu lại vừa đòi họ phục tùng nhà Chu!

Khổng Tử cũng vô lý như người giữa mùa hè chính mình cũng cởi trần nhưng lại hô hào mọi người nên mặc đồ thật ấm. Khổng Tử có tâm hồn nghĩa hiệp không? Câu hỏi này hình như chưa ai đặt ra, và đó cũng là một sự kiện đáng lưu ý. Ông thấy nước nào thịnh thì tìm đến xin làm quan, thấy nước nào khó khăn thì bỏ đi, ông không phải là người để đương đầu với thử thách và vượt qua trở ngại. Quan niệm lập thân của ông chỉ giản dị là cầu an và cầu vinh. Ông nói: Nước lâm nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở, lúc thiên hạ có đạo lý thì ta xuất hiện, lúc không có thì ta lên ở ẩn (nguy bằng bất nhập, loạn bằng bất cư, thiên hạ hữu đạo tác kiến, thiên hạ vô đạo tắc ẩn). Khổng Tử xứng đáng được tôn làm ông tổ của tị nạn kinh tế. Cái triết lý ở ẩn, tránh khó khăn và gian nguy của ông, về bản chất là một thái độ thấp hèn, đã trở thành một thứ đạo lý cho nho sĩ về sau. Tại nước ta vào cuối thế ky 19 đầu thế kỷ 20 có ông Nguyễn Khuyến đáng được coi là tiêu biểu cho cái đạo lý tồi tàn này. Nguyễn Khuyến là nho sĩ danh giá nhất thời đó, ông đậu đầu cả ba kỳ thi hương, thi hội và thi đình nên được gọi là Tam Nguyên. Lúc đó ta mất nước về tay người Pháp, Nguyễn Khuyến làm gì? Ông rút về ở ẩn để ngâm vịnh, thỉnh thoảng cũng làm vài bài thơ châm biếm vua quan và xã hội thời Pháp thuộc. Với một thái độ trốn tránh trách nhiệm như vậy, Nguyễn Khuyến vẫn được ca tụng như một nhà nho đầy tiết tháo.

Chỗ đúng của Khổng Tử trong tư tưởng cần được nhận định như thế nào?
Xã hội Trung Quốc cho đến đời Khổng Tử đã tiến hóa rất nhiều cả về mặt kỹ thuật lẫn tư tưởng. Đến đời Xuân Thu thì các vấn đề xã hội đã trở nên rất phức tạp, chế độ tập quyền sơ sài vẫn có từ trước đến đời nhà Chu không còn hợp thời nữa. Tổ chức chính trị Trung Quốc lúc đó đã đến lúc cần phải xét lại. Một khuynh hướng tản quyền tự nhiên dần dần xuất hiện, và bởi vì nhà Chu không cải tiến gì cả để phù hợp với tình thế mới nên dần dần mất quyền lực và ảnh hưởng. Chỉ có hai con đường, một là chấp nhận sự tản quyền đó và tìm ra một giải pháp mới để phối hợp các chư hầu; hai là tổ chức lại bộ máy cai trị trung ương để nó có đủ sức mạnh đè bẹp các chư hầu và cai trị một đất nước đã trở thành rộng lớn, đông dân hơn và phức tạp hơn. Khổng Tử đã hoàn toàn không nhìn thấy điều đó, ông chủ trương phục hồi lại quyền hành nhà Chu với y nguyên lề thói cũ. Cho nên ông hoàn toàn lạc điệu và lỗi thời. Nhận thức chính trị của ông thực là kém cỏi.

Về mặt tư tưởng, các tiến bộ tích lũy từ hơn bốn ngàn năm đã lên tới cao điểm. Thời Xuân Thu Chiến Quốc là thời cực thịnh tư tưởng Trung Quốc. Ngay sau khi Khổng Tử qua đời, đoạn cuối của thời Xuân Thu Chiến Quốc đã xuất hiện cả một phong trào khai phá tư tưởng rộng khắp, với tầm vóc lớn hơn nhiều lần giai đoạn hoàng kim của tư tưởng Hy Lạp. Các nhà tư tưởng xuất hiện sau Khổng Tử như Tuân Tử, Mặc Tử, Hàn Phi, Công Tôn Long, v,v... Đã vượt rất xa Khổng Tử.

Tư tưởng Trung Hoa cho đến thời Xuân Thu Chiến Quốc vẫn chỉ là Nho Giáo. Chính sự trưởng thành của Nho Giáo đã làm nở rộ tư tưởng của thời Đông Chu Liệt Quốc. Tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị Trung Quốc trải qua một thời kỳ xét lại lộng lẫy và đầy hứa hẹn. Tiếc rằng nó đã khựng lại sau đó vì trong hai chiều hướng chuyển biến chính trị, đẩy mạnh tản quyền hoặc tăng cường sức mạnh tập trung, khuynh hướng thứ hai đã thắng. Nho Giáo được phục hồi và Trung Quốc đã dẫm chân tại chỗ từ đó.

Khổng Tử kém xa, rất xa, các nhà tư tưởng sau ông, nhưng phải nhìn nhận rằng ông đã có đóng góp quan trọng cho giai đoạn cực thịnh của tư tưởng Trung Hoa vào cuối thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nhờ trường tư của ông, ông đã đào tạo ra hàng ngàn sĩ tử và đến lượt họ đã đào tạo ra vô số sĩ tử khác. Các nhà trí thức lỗi lạc sau này dù vượt xa Khổng Tử và bài bác Khổng Tử cũng đều là những hậu bối tinh thần của Khổng Tử. Một lần nữa ta nhìn thấy vai trò khai phóng của giáo dục. Còn về sau, việc phục hồi Nho Giáo cũng như việc tôn thờ Khổng Tử làm thánh nhân mâu mực muôn đời hoàn toàn không do trách nhiệm của Khổng Tử. Đó chỉ là do ý đồ của các chế độ quân quyền dùng Nho Giáo và Khổng Tử để cũng cố nền tảng của họ. Ông chỉ là nạn nhân của một khai thác chính trị.

Khổng Tử là một nhà giáo có tài và một nhà biên soạn sách có tài. Ông nghèo về tình cảm, kém về tư tưởng và nhận thức xã hội. Toàn bộ quan điểm chính trị và triết học của ông đều lỗi thời ngay cả vào lúc đó Nhưng ông nghĩ như thế và phát biểu như thế, đó là quyền của ông, ông không thể tiên đoán được những lạm dụng về sau.

Di sản Xuân Thu Chiến Quốc

Có thể nói lịch sử của nước ta thực sự bắt đầu vào thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Giai đoạn này tương ứng với thời các vua Hùng mở nước. Theo huyền sử thì nguồn gốc của chúng ta cũng bắt đầu từ vua Thần Nông bên Trung Quốc. Huyền sử chỉ có một mức độ chính xác rất tương đối nhưng ít nhất nó nói lên một sự kiện, đó là người Việt nam và người Trung Hoa có cùng một cội nguồn. Chắc chắn là cũng đã có những người tiền sử sinh sống trên đất nước ta từ trước và đã hòa nhập với người di dân từ phương Bắc xuống vào giai đoạn này, họ đông đảo hơn nhưng thành tố phương Bắc là chế ngự. Ngày nay hầu hết các họ của chúng ta cũng là những họ Trung Quốc. Như vậy giai đoạn từ Xuân Thu Chiến Quốc trở về trước có thể coi là lịch sử chung của cả hai dân tộc trước khi hai quốc gia riêng biệt được hình thành. Nhưng chúng ta cũng chỉ mới được độc lập không được bao lâu thì lại bị sát nhập vào Trung Quốc trong hơn một ngàn năm. Hơn nữa, một quốc gia không phải chỉ là lãnh thổ và con người mà còn là một nền văn hóa, mà văn hóa của ta thì chủ yếu là văn hóa Khổng Mạnh đã được tổng hợp trong giai đoạn này.

Nếu thời Xuân Thu Chiến Quốc kết thúc một cách khác đi, nghĩa là nó không kết thúc với một chế độ quân chủ chuyên chính tập trung, và với Khổng Giáo được lấy làm quốc giáo độc tôn, thì số phận và lịch sử của nước ta đã khác hẳn.

Tư tưởng Trung Quốc hình thành một cách thực nghiệm với thời gian, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc nó đạt tới một mức độ trưởng thành vừa đòi hỏi một cố gắng hệ thống hóa vừa cho phép những khai phá lớn khác. Nền văn minh Trung Quốc lúc đó như một cây đã đủ lớn và đến lúc trổ hoa. Cả một phong trào tư tưởng rộ lên như hoa nở mùa xuân. Các sách còn lưu giữ được, nhất là bộ truyện Đông Chu Liệt Quốc, mô tả một không khí tưng bừng khai phá tư tưởng. Có những nhà hào phú nuôi cả trăm, ngàn thực khách chỉ để biện luận tìm ra chân lý về vũ trụ, xã hội và con người. Cũng có hàng trăm, hàng ngàn biện sĩ đi khắp các nước chư hầu đề nghị với các vua chúa các lý thuyết trị nước.

Khí thế của phong trào tư tưởng này thật là mạnh mẽ và nhưng thành lựu của nó lại càng lớn hơn. Có thể nói tất cả những triết lý và học thuyết của Trưng Quốc đều xuất hiện trong giai đoạn này. Và cũng có thể nói là mọi khái niệm triết lý và chính trị đều đã được đề cập tới và đẩy khá xa. Ngày nay nói tới tư tưởng thời Xuân Thu Chiến Quốc người ta thường hay nhắc tới Lão Tử, Mặc Tử, Tuân Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi, Công Tôn Long, v.v... nhưng thực ra các triết gia và lý thuyết gia này không phải là đơn độc, họ chỉ là những phát ngôn viên còn được nhớ lại của các trường phái tư tưởng. Thời đó chưa có sự tranh giành tác quyền về tư tưởng.

Trường phái Lão Tử chẳng hạn đã đưa ra cả một triết thuyết về vũ trụ mà ngay cả trong thời đại khoa học ngày nay người ta cũng không thể đánh giá là ngây ngô. Có thể coi những khai phá của Mặc Tử trong thuyết kiêm ái như là những viên đá đầu tiên cho một chủ nghĩa dân chủ xã hội nhân bản. Mặc Tử, Tuân Tử và Hàn Phi khởi xướng ra chủ trương nhà nước pháp trị. Kiêm ái và pháp trị nếu được phối hợp và phát triển chắc chắn dẫn tới dân chủ. Công Tôn Long đi rất xa về lô-gích trừu tượng, phân tích rất sâu về nguyên ủy và hậu quả (trứng có lông) về sự vật và cách nhìn sự vật (ngựa trắng không phải là ngựa).

Nhưng cả một rừng hoa đó cuối cùng đã không kết trái, hay đều kết trái nhưng trái đã không chín được để sinh ra những hạt giống cho sự sống tiếp tục. Tại sao?

Câu trả lời đầu tiên là, trái với văn minh phương Tây, thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có những tiến bộ về tư tưởng mà không có tiến bộ về khoa học thuần túy. Họ đã có những Socrate nhưng không có được những Archimède. Triết lý không có sự chuyên chở của khoa học kỹ thuật thì không bay bổng lên được và không ăn rễ được vào xã hội.

Giải thích như vậy cũng tạm ổn, nhưng chính sự thiếu vắng khoa học thuần túy cũng cần được giải thích.

Trung Quốc được thành lập trên lưu vực của hai con sông lớn, sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Cả hai con sông này đều là những dòng sông dũng mãnh đem phù sa và sự sung túc lại cho cái nôi đầu tiên của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng là một đe dọa kinh niên cho sự tồn vong của con người. Tới mùa lũ dòng sông có thể tràn bờ biến ruộng đồng thành biển cả, cuốn đi của cải và sinh mạng. Trong điều kiện như thế, ưu tiên thường trực nếu không muốn nói duy nhất của tập thể là chống lại nước. Các vị vua đầu tiên của Trung Hoa đều là những người có công trị thủy. Vua Thuần nhường ngôi cho vua Vũ vì ông Vũ có công đắp đê ngăn nước lụt.

Mọi xã hội hình thành bên cạnh nhưng dòng sông lớn với lưu lượng thay đổi đột ngột đều cần những vị vua có uy quyền tuyệt đối để áp đặt những cố gắng tập thể ghê gớm. Không phải là một sự tình cờ mà tất cả các chế độ được xây dựng bên cạnh những con sông lớn đều là những xã hội cực kỳ chuyên chế, dù là ở Trung Hoa, Việt nam, Cam-bốt, ấn Độ, Ethiopia, hay Ai Cập... nền tảng của các xã hội cổ xưa này là một khế ước bạo quyền bất thành văn nhưng rất rõ rệt giữa người chủ tể và dân chúng. Người chủ tể phải áp đặt những đòi hỏi thật dã man, đôi khi hy sinh cả một phần dân chúng, để đắp và bảo vệ đê điều, nhưng ngược lại chính nhờ những hy sinh kinh khủng đó mà cộng đồng tồn tại được thay vì bị nước cuốn đi. Các nạn nhân có thể nguyền rủa bạo chúa, nhưng con cháu họ lại mang ơn bạo chúa vì đã bảo đảm cho họ mùa màng và cuộc sống. Dần dần sự tàn bạo được chấp nhận như một định luật. Khổng Tử thừa hưởng di sản tinh thần của hệ thống xã hội đặt trên khế ước bạo quyền đó. Điều đặc biệt nơi ông là thay vì nhìn khế ước bạo quân đó như một cái tệ cần thiết ông lại thấy nó toàn thiện, toàn mỹ. Khổng Giáo chủ yếu là cố gắng để chính đáng hóa bạo quyền và nâng sự chấp nhận kiếp sống nô lệ lên hàng một đạo đức tuyệt đối.
Khổng Tử sống trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Với thời gian uy quyền của bạo chúa bị suy giảm vì hai lý do, một là đê điều tương đối đã ổn vững, công tác chủ yếu chỉ còn là giữ gìn và tu bổ, vai trò của bạo chúa không còn cần thiết như trước nữa; hai là xã hội ngày càng phát triển, mức sống cao hơn, dân số đông hơn, các nhu cầu mới xuất hiện, nhiều tiểu chủ địa phương xuất hiện và trở thành mạnh. Tới một mức độ chín muồi nào đó nhận thức về xã hội và cách tổ chức xã hội cần được xét lại. Đó là hiện tượng đã xảy ra dưới triều đại nhà Chu. Các sử gia vẫn thường nhận định là nhà Chu suy vì để mất uy quyền thiên tử, thực ra là vì xã hội đã tiến hóa và đòi hỏi một hệ thống chính trị khác.

Nhà Chu không còn uy quyền trấn áp các chư hầu nữa thì tất nhiên các chư hầu cạnh tranh và cấu xé lẫn nhau. ý hệ độc tôn quân quyền không còn hợp thời nữa thì tất nhiên xuất hiện những suy tư mới.

Thời Đông Chu Liệt Quốc chính là khúc quanh lịch sử vĩ đại đó. Nhưng tập quán chính trị chuyên chính đã kéo dài gần bốn ngàn năm và đã ăn rễ vào tâm lý con người nên các tham vọng chuyên chế dĩ nhiên còn rất mạnh và còn có chỗ dựa tâm lý mạnh. Phải có một phép mầu ghê gớm các xã hội thiết lập bên các dòng sông lớn mới lột xác và biến đổi được. Nhưng phép mầu đó đã không xảy ra tại Trung Quốc cũng như nó đã không xảy ra tại mọi nước khác. Người dân đã được điều kiện hóa để chấp nhận sự tàn bạo và như thế khi một chế độ tàn bạo cáo chung nó chỉ nhường chỗ cho một chế độ tàn bạo khác thích nghi hơn với thời đại mới. Giữa hai chuyền hướng bắt buộc phải có cho chế độ nhà Chu, một là chấm dứt khế ước bạo quyền, chính thức hóa sự tản quyền và nới rộng tự do cho dân chúng, hai là, ngược lại, tăng cường tới cực điểm bạo lực của trung ương để khuất phục các chư hầu và đập tan mọi ý đồ chống đối; cuối cùng Trung Quốc đã theo con đường thứ hai. Nhà Chu đã chấm dứt nhường chỗ cho nhà Tần với một bộ máy cai trị lớn hơn và mạnh hơn. Từ nhà Tần trở đi, một hệ thống chính trị khác, hệ thống quân chủ tập quyền và tuyệt đối dựa trên bạo lực không cần thiết đã ra đời thay thế cho hệ thống chính trị quân chủ dựa trên bạo lực cần thiết trước đó.

ở đây cũng cần mở một dấu ngoặc để nói về một sự kiện rất đáng chú ý. Sở dĩ, trong các chư hầu, nhà Tần đã mạnh lên để tiêu diệt các chư hầu khác và gom thâu thiên hạ là vì đã áp dụng lý thuyết của Hàn Phi, chủ trương xiết chặt về chính trị nhưng cởi mở về kinh tế. Cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay cũng không khác gì về nội dung, nó chỉ là một sự áp dụng lại một lý thuyết đã được đưa ra cách đây 22 thế kỷ. Nhà Tần đã chỉ tồn tại được vài chục năm bởi vì chính sách độc tài chính trị cởi mở kinh tế đã mau chóng tích lũy mâu thuẫn và đã sụp đổ. Đây là một bài học, lịch sử hình như đang diễn lại.

Nhà Hán sau khi đã tiêu diệt nhà Tần đã xiết lại luôn về kinh tế, đem Khổng Giáo làm quốc giáo độc tôn, cấm đoán mọi ý đồ xét lại. Từ đó chế độ chính trị Trung Quốc không còn thay đổi nữa và Trung Quốc dẫm chân tại chó hơn hai mươi thế kỷ.

Các xã hội nông nghiệp hình thành bên các dòng sông lớn đều mang một tật nguyền chung của các nền văn minh phù sa là tư tưởng và sáng kiến bị thui chột. Phải hàng ngàn năm mới đắp xong những con đê lớn với những chịu đựng ghê gớm. Cuộc sống đầy đọa và gắn chặt với đất đó đã nhồi nặn ra những con người chỉ quanh năm vất vả với đất để kiếm miếng ăn, dần dần sự thủ cựu và thiển cận biến thành một bản chất, không biết nghĩ và không dám nghĩ.

Chúng ta là một dân tộc như thế. Cả lịch sử lập quốc của ta đã chỉ là lịch sử con đê sông Hồng Hà. Ta hệ lụy với dòng sông hơn mọi dân tộc khác, đến nỗi gọi quốc gia là nước. Quốc gia của ta chỉ quanh quẩn là đất nước, núi sông, sơn hà. Chúng ta còn tật nguyền hơn mọi dân tộc phù sa khác. Trí tuệ của ta thui chột một cách thê thảm. Người Trung Quốc còn biết xét lại và đổi mới, dù chỉ là một cách vụn vặt, Khổng Giáo của họ qua các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyễn, Minh, Thanh; người Việt nam chúng ta thì hoàn toàn không. Người Trung Quốc còn biết dùng lịch phương Tây ngay từ đời nhà Minh; ta thì tới cuối thế kỷ 19 vẫn bám chặt lịch cũ thay đổi đã chỉ đến do sự áp dặt của người Pháp khi ta đã mất chủ quyền. Ta có một bờ biển dài và đẹp, mở thênh thang ra một đại dương hiền hòa nhưng ta vẫn chỉ sống đời này qua đời khác với đất như một dân tộc lục địa.

Đối với các dân tộc khác, tự do, dân chủ (hay nhân quyền cũng thế vì đó chỉ là những gốc nhìn khác nhau của cùng một sự kiện là con người được quí trọng, được phát huy hết khả năng của mình, được có ý kiến và sáng kiến) là một phương thức tổ chức xã hội; đối với chúng ta nó còn là một liều thuốc trị bệnh tê liệt trí não. Chúng ta là một bệnh nhân mà tự do là liều thuốc chữa. Chúng ta phải uống thuốc tự do nếu muốn lành bệnh để tranh đua với thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét