Nguyễn Gia Kiểng 017

Kinh nghiệm Cao Ly

Chúng ta đều biết nước Cao Ly là nước nào. Tuy nhiên ngay việc gọi tên nó cũng làm nhiều người phân vân: Triều Tiên hay Hàn Quốc? Quốc hiệu của nước này đã thay đổi nhiều lần trong lịch sử và ngay bây giờ cũng không đồng nhất. Từ sau thế chiến II trên bán đảo Cao Ly có hai nước được thành lập và xung đột với nhau, Cộng Hòa Dân
Chủ Nhân Dân Triều Tiên tại miền Bắc và Đại Hàn Dân Quốc tại miền Nam. Như vậy miền Bắc tự gọi là Triều Tiên trong khi miền Nam là Đại Hàn. Tuy vậy khi giao thiệp với các nước Tây Phương họ lại dịch giống nhau và đều dùng chữ Cao Ly (Korea, Corée). Miền Bắc là Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Cao Ly (Democratic Peoples Repubhc of Korea, République Démocratique ét Populaire de Corée), miền Nam là Cộng Hòa Cao Ly (Republic of Korea, République de Corée). Vậy khi cần nói đến cả hai miền của đất nước này la có thể tạm dùng chữ Cao Ly, một danh xưng mà ngôn ngữ Việt nam ít dùng, vì thường sử dụng thẳng quốc hiệu chính thức của hai chế độ, nghĩa là Triều Tiên hay Đại Hàn.

Triều Tiên là quốc hiệu được Trung Quốc nhìn nhận từ năm 1391; Cao Ly là tên gọi của nước này trong năm thế kỷ trước đó; trong khi Hàn là tên một con sông ở chính giữa nước, và cũng là tên của một dân tộc đã sinh sống tại miền Nam bán đảo Cao Ly và là nguồn gốc của đa số dân Cao Ly. Một ngày nào đó, nếu nước này được thống nhất có rất nhiều triển vọng họ sẽ sử dụng tên Cao Ly. Vả lại những danh xưng Triều Tiên, Đại Hàn ngay từ bây giờ đã không có công dụng quốc tế.

Cao Ly có một lịch sử bình thường hơn nước ta. Đất nước này đã thành hình do sự sát nhập và thống nhất nhiều vương quốc nhỏ trên bán đảo. Kể từ thế kỷ 13 lãnh thổ của họ không thay đổi nữa, gồm toàn bộ bán đảo, ngăn cách với Trung Quốc bởi con sông áp Lục.

Nhiều người Việt nam không am hiểu lịch sử Cao Ly, và do tự ái dân tộc, thường cho rằng trước đây không lâu nước ta còn tiến bộ và hùng mạnh hơn Cao Ly, sự thua kém của ta chỉ là gần đây mà thôi. Sự thực rất khác. Dân tộc Cao Ly từ lâu đã tiến bộ hơn ta nhiều về mọi mặt. Họ đã được độc lập trong suốt dòng lịch sử. Đôi khi vì suy yếu hơn nước Trung Hoa họ đã phải nhận vai trò chư hầu nhưng vẫn giữ được nền tự chủ, ít ra là tự trị, trái với Việt nam bị sát nhập làm một phần của Trung Quốc trong hơn một ngàn năm. Di sản của một ngàn năm nô lệ này vẫn còn để lại trong hồn tính và tư tưởng của chúng ta nhưng tật nguyền mà người Cao Ly, vì là một dân tộc độc lập không có. Họ có tinh thần dân tộc cao hơn ta, có óc sáng tạo hơn ta và đã tiến triển rất sớm. Những tranh vẽ còn lại trong các ngôi mộ từ thế kỷ 4 chứng tỏ một trình độ nghệ thuật rất cao, không thua gì người Trung Hoa. Cũng tại các ngôi mộ này ta thấy các dấu tích về quần áo, kiến trúc, công nghiệp, giải trí và binh bị rất đáng ngạc nhiên về sự tinh vi. Nếu ngày nay nước Cao Ly, ít nhất phần phía Nam được gọi là Đại Hàn Dân Quốc, tiến bộ mau chóng cũng nhờ họ được thừa hưởng một di sản văn hóa rất phong phú và đặc sắc.

Điều đặc sắc nhất là họ đã có một ngôn ngữ Cao Ly riêng, đã để lại nhưng bài thơ có giá trị triết lý, văn học ngay từ thế kỷ thứ 6. Ngôn ngữ này được sáng chế ra bằng cách sử dụng những bộ chữ của người Trung Hoa, gần giống như chúng ta đã dựa vào chữ Hán để chế ra chữ Nôm, nhưng sớm hơn. Ngay từ thế kỷ thứ 7, người Cao Ly đã biết kỹ thuật in sách. Cho tới nay, theo một số nhà nghiên cứu, bản in xưa nhất thế giới là bản in một cuốn sách của người Cao Ly. Ngay từ thế kỷ 7, người Cao Ly đã quan tâm học hỏi các môn toán thiên văn, y học. Năm 717 họ đã lập ra các học vị tiến sĩ Toán, tiến sĩ Y khoa, tiến sĩ Thiên văn. Trước đó, năm 692 họ đã có những tiến sĩ Luật. Nếu nhìn lại lịch sử của ta thì phải thấy ta thua họ xa lắm và từ lâu rồi. Cho đến đầu thế kỷ 20 ta vẫn chỉ có những cử nhân tiến sĩ về văn chương mà thôi.

Kinh nghiệm Cao Ly mà tôi muốn nói tôi ở đây là kinh nghiệm về ngôn ngữ. Người Cao Ly rất hiếu học và cầu tiến. Từ thế kỷ thứ 10 họ say sưa học hỏi văn hóa Trung Hoa, treo giải thưởng cho những ai tìm được sách của Trung Hoa, rồi sao chép và phổ biến trong giới ưu tú. Lúc đó nước Trung Hoa lại may mắn gặp những thời kỳ thịnh trị qua suốt các triều đại Đường, Tống, Nguyễn, Minh. Văn học, triết lý và chính trị của Trung Hoa đều rất thịnh trong các triều đại này. Trí thức Cao Ly say mê học hỏi rồi dần dần bỏ quên cả ngôn ngữ gốc của mình. Chữ Hán với thời gian chiếm vai trò của ngôn ngữ chính thức, át hẳn tiếng Cao Ly. Hậu quả của việc tôn sùng tiếng Trung Hoa là dần dần Cao Ly thua kém Trong Hoa và suy thoái đi, bởi vì chữ Hán chỉ phổ biến trong giới thượng lưu mà thôi. Quần chúng Cao Ly vẫn chỉ sử dụng tiếng Cao Ly bản xứ. Vì ngôn ngữ này không được phát triển, trình độ văn hóa của quần chúng không vươn lên được.

Sau hơn bốn thế kỷ bỏ rơi ngôn ngữ của chính mình để chạy theo một ngôn ngữ và một văn hóa nước ngoài, người Cao Ly đã nhận ra sự sút kém của mình. Đầu thế kỷ 15 họ quay trở lại phát triển tiếng Cao Ly và lần này họ làm một phát minh độc đáo: một tiếng Cao Ly mới xuất hiện với một mẫu tự riêng, gom 26 chữ cái, mỗi chữ cái diễn tả một âm riêng giống như các ngôn ngữ phương Tây, nhưng các mẫu tự dĩ nhiên là khác với các mẫu tự la tinh ABC vì lúc đó Cao Ly chưa biết tới châu Âu.

Cuộc cách mạng văn hóa này đã gặp nhiều chống đối của giới sĩ phu sính chữ Hán, nhưng nhờ quyết tâm của chính quyền nó đã thành công và nước Cao Ly vươn lên mạnh mẽ. Cho tới nay, đây vẫn là ngôn ngữ chính thức của nước Cao Ly và đã được phong phú hóa rất nhiều để trở thành một ngôn ngữ đầy đủ khả năng để chuyên chở mọi kiến thức văn học, khoa học kỹ thuật.

Vào đầu năm 1998, một bài báo của một thân hữu được đăng trên tờ Cánh én tại Đức và Thông Luận đã phê phán một bài báo khác của tôi. Tác giả phê phán tôi cực đoan trong cách nhận định văn hóa và lịch sử dân tộc và đưa ra nhận định là hình như những người hoạt động chính trị Việt nam đều có chung nhau một điểm là hay chọn lựa thái độ cực đoan. Đề cập tới hai khuôn mặt chính trị Việt nam hồi đầu thế kỷ, tác giả nhận định Phan Bội Châu đã cực đoan trong thái đõ thân Nhật, một chọn lựa mà nếu thành công vào lúc đó sẽ là một thảm kịch cho dân tộc Việt nam; Phan Chu Trinh đã quá khích trong cố gắng cỗ võ dùng chữ quốc ngữ thay chữ Nho với hậu quả là người Việt nam đã mất mát rất lớn vì bị đoạn tuyệt với văn hóa Trung Hoa, văn hóa gốc của mình. Tác giả viện dẫn trường hợp Cao Ly để nói rằng người Cao Ly, cũng như người Nhật, đã tiến mạnh nhờ tiếp tục sử dụng tiếng Hán. Tôi chia sẻ với bạn đó nhận định về Phan Bội Châu nhưng không thể đồng ý về trường hợp Phan Chu Trinh và chữ quốc ngữ, nhất là về thí dụ Cao Ly. Cao Ly đã sùng ái chữ Hán trong vòng bốn thế kỷ nhưng vẫn có ngôn ngữ riêng của họ và từ năm thế kỷ gần đây ngôn ngữ riêng là ngôn ngữ chính thức chứ không phải chữ Hán. Họ tiến nhờ ngôn ngữ riêng chứ không phải nhờ chữ Hán mà họ chỉ sử dụng như một ngoại ngữ. Theo chỗ tôi biết, trong tiếng Cao Ly hiện nay chỉ có khoảng hai ngàn chữ có gốc chữ Hán mà thôi, nghĩa là rất ít so với sự hiện diện của chữ Hán trong tiếng Việt. Các chữ Hán vay mượn này cũng đã được Cao Ly hóa, nghĩa là viết bằng mẫu tự Cao Ly, chẳng khác gì ta viết chữ gốc Hán như ân nhân bằng mẫu tự la tinh. Sử dụng ngôn ngữ của riêng mình là một bắt buộc đối với mọi dân tộc muốn trường tồn. Suy nghĩ và diễn tả là hai hành động cơ bản nhất của loài người. Chúng ta suy nghĩ và diễn tả bằng một ngôn ngữ, và chúng ta chỉ thoải mái và chỉ thành công tối đa trong ngôn ngữ của chính mình. Sử dụng một ngoại ngữ chúng ta sẽ bị giới hạn trong cả suy nghĩ lẫn diễn đạt, chúng ta sẽ thua kém. Đó mới chỉ là nói về giới trí thức. Đối với cộng đồng dân tộc việc sử dụng ngoại ngữ thay vì quốc ngữ còn nguy hiểm gấp bội. Quần chúng chỉ có thể dùng ngôn ngữ của mình chứ không thể thấu hiểu một ngoại ngữ. Bỏ rơi quốc ngữ là bỏ rơi đại bộ phận dân tộc và chấp nhận vĩnh viên số phận nhược tiểu, trừ trường hợp dám thẳng thắn xóa bỏ văn hóa của mình để chấp nhận một văn hóa mới. Nhưng cố gắng xóa bỏ văn hóa của chính mình này sẽ đòi hỏi nhiều thế kỷ và tới nay chưa dân tộc nào làm được. Nước Việt nam của chúng ta đã thử nghiệm trong mười thế kỷ Bắc thuộc và hơn bốn thế kỷ độc lập sau đó nhưng đã không thành công.
Đất nước ta đang mở ra với thế giới vào giữa lúc mà tiếng Anh đang thời thượng. Chẳng bao lâu một cuộc thảo luận lớn sẽ diễn ra: nên đầu tư tích cực vào tiếng Anh để hội nhập mau chóng vào sinh hoạt thế giới hay nên dồn một cố gắng vĩ đại vào việc phát triển tiếng và cải tiến tiếng Việt? Nhiều người lý luận rằng với tiếng Anh chúng ta sẽ hiểu được cả thế giới và ngược lại cũng được cả thế giới hiểu. Tiếng Việt có rất nhiều trở ngại: tiếng đơn âm, khó kết hợp và biến hóa để tạo ra những từ mới, diễn tả những ý niệm mới; dấu phức lạp, khó dùng trong truyền thông và tin học; hơn nữa lại không được thế giới biết đến, đằng nào cũng vẫn phải dùng tiếng Anh trong các giao dịch quốc tế.

Mặc dầu tất cả những trở ngại rất lớn và có thực đó, lập trường của tôi rất rõ rệt: phải dùng tiếng Việt và phải đầu tư vào tiếng Việt. Lập trường của tôi không xuất phát từ một tinh thần quốc gia mà từ một nhận định thực tiễn: người Việt chỉ thành công qua tiếng Việt mà thôi. Chúng ta sẽ không có hy vọng nào để cả nước thông thạo tiếng Anh, mà có thông thạo đi nữa thì cũng không bao giờ thông thạo được bằng người Anh hay người Mỹ. Chúng ta sẽ học tiếng Anh, nhưng đó sẽ chỉ là ngôn ngữ giao dịch với bên ngoài. Tiếng Việt sẽ vẫn là ngôn ngữ để học hỏi, để suy nghĩ, để giáo dục, huấn luỵện, đào tạo và trao đổi giữa chúng ta. Đó là chọn lựa duy nhất của chúng ta. Chúng ta đã có kinh nghiệm chữ Hán và chữ Nôm. Chúng ta đã chỉ thực sự tiến bộ khi chữ Nôm trưởng thành. Dân tộc Cao Ly cũng đã có một kinh nghiệm tương tự về ngôn ngữ của họ sau khi đã sùng ái chữ Hán. Các dân tộc châu Âu cũng đã chỉ vươn lên nhờ biết sáng tạo và cải tiến tiếng mẹ đẻ của họ để thay thế cho tiếng La Tinh.

Chúng ta cũng có một kinh nghiệm ngược lại đầy ý nghĩa. Tỉnh Québec của Canada gom đại đa số là người gốc Pháp, và họ có đủ điều kiện để phát triển tiếng Pháp, nhưng họ không phải là một phần của nước Pháp cho nên mặc dầu có phương tiện dồi dào và có ý chí mạnh mẽ giữ gìn tiếng Phấp, họ đã không sáng tác được gì đáng kể bằng tiếng Pháp. Nước Việt nam ta với điều kiện địa lý và nhân văn có triển vọng để trở thành một nước lớn và giàu mạnh, nhưng triển vọng đó sẽ chỉ được thực hiện với tiếng Việt. Vậy chúng ta chỉ có một chọn lựa: xây dựng, cải tiến và phong phú hóa tiếng Việt.
Đoạn Trường Tân Thanh

Khi Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều để về quê sau một thời gian say sưa ân ái, Nguyễn Du tả cảnh chia tay bằng hai câu thơ bất hủ:

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.

Kẻ ra đi, người còn bịn rịn nắm áo giữ lại, đến lúc biệt ly mới ngỡ ngàng nhận ra là mùa thu đã đến từ lúc nào không hay, lá vàng đã phủ đầy lối đi. Thì ra đôi uyên ương đã quá say sưa đến quên cả thời gian.

Nhưng vần thơ trác tuyệt như vậy đầy rẫy trong truyện Kiều. Thiên tài của Nguyễn Du là đã vừa viết truyện vừa sáng tác ra ngôn ngữ để viết. Và những sáng lạo ngôn ngữ của ông quả là tuyệt vời. Nhưng cụm từ của ông đã trở thành những thành tố quan trọng của tiếng Việt. Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, rạch đôi sơn hà, hàng thần lơ láo, đội trời đạp đất, tài tử giai nhân, sở khanh, v.v... Kiến thức về văn học của tôi không có bao nhiêu, nhưng tôi cũng đã đọc khá nhiều tác giả lớn bằng tiếng Pháp và tiếng Anh và nhiều truyện Tàu. Tôi chưa hề thấy một nhà văn nào sáng tạo ra ngôn ngữ nhiều như Nguyễn Du.
Những về một khía cạnh khác, truyện Kiều lại đem đến cho tôi một tâm sự chua chát. Đoạn Trường Tân Thanh là tên của một tiểu thuyết vô danh của một tác giả vô danh bên Trung Quốc, Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyễn Du đã giữ nguyên tên tác phẩm và, theo một số nhà nghiên cứu văn học, cũng giữ nguyên cả cốt truyện, kể cả những chi tiết ngớ ngẩn như hồn ma Đạm Tiên, Từ Hải chết đứng, Thuý Kiều chết đi sống lại và gặp vãi Giác Duyên... Ông cũng giữ nguyên cái triết lý tài mệnh tương đố bi quan và rẻ tiền. Nói chung, Nguyễn Du không có cảm hứng và tư tưởng của chính mình mà chỉ hòa nhịp theo cảm hứng của một tác giả tầm thường của Trung Quốc và đi theo mạch tư tưởng rất tầm thường của người này. Nguyễn Du là khuôn mặt văn học lớn nhất và cao nhất của nước ta cho tới ngày nay, cho nên nhưng thiếu sót của ông càng đáng tủi hổ cho chúng ta hơn là nơi những tác giả khác. Hình như không có câu thơ nào trong Cung Oán Ngâm Khúc mà lại không có một điển tích văn hóa hay lịch sử Trung Hoa và quyết nhiên không có một qui chiếu Việt nam nào cả. Chinh Phụ Ngâm là tác phẩm hoàn toàn của người Việt nam, bản chữ Nho của Đặng Trần Côn cũng như bản chữ Nôm của Đoàn Thị Điểm, nhưng đó lại là một truyện Tàu, bối cảnh và các nhân vật của nó đều là Trung Hoa. Tâm hồn của người chiến sĩ lên đường được diễn tả qua hai câu thơ:

Săn lâu lan rằng theo Giới Tử

Tới Man Khê bàn sự Phục Ba.

Nhưng sự Phục Ba là sự gì? Đó là việc tướng nhà Hán Mã Viện, có tước Phục Ba Tướng Quân, đem quân đánh bại Hai Bà Trưng, dẹp cuộc khởi nghĩa giành độc lập đầu tiên của Việt nam, và đặt ách đô hộ một ngàn năm trên nước ta. Một sự kiện như vậy mà lại gây hứng khởi trong lòng hai danh sĩ xuất sắc bậc nhất của nước ta đủ chứng tỏ cảm hứng của sĩ phu Việt nam vào thời đó đều chỉ hoàn toàn là vay mượn.

Trong thế kỷ 19 thơ văn Việt nam đã làm một bước nhảy vọt vĩ đại cả về phẩm lẫn lượng. Bước nhảy vọt này đã được tiếp nối và tăng cường trong thế kỷ 20 với sự bành trướng của chữ quốc ngữ, thơ mới và tiểu thuyết theo kiểu phương Tây. Cũng trong thế kỷ 20 mà chúng ta bắt đầu làm quen với văn nghị luận và biên khảo. Nhưng chúng ta vẫn chưa có một tác phẩm nào lớn, có tầm vóc quốc tế. Cảm hứng vụn vặt, đam mê chốc lát - di sản của một nền văn hóa nhàn dư - đã chỉ đẻ ra những tác phẩm nhỏ, hoặc họa hiếm lắm là trung bình như trường hợp truyện Kiều. Chúng ta thiếu óc sáng tạo và thiếu sự dài hơi. Tại sao?
Không phải chúng ta thiếu tài năng. Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, v.v... đều đáng được coi là những thiên tài của ngôn ngữ.

Không phải chúng ta thiếu đề tài và chất liệu. Mười lăm thế kỷ đấu tranh với thiên nhiên để khai mở đồng bằng sông Hòng, đấu tranh với ngoại bang, vua quan và sĩ phu để giữ gìn căn cước. Cả một cuộc nam tiến vĩ đại kéo dài bảy thế kỷ trong đó những tấm áo nâu đã dắt dìu nhau vào tới Cà Mau. Hơn một trăm năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, ba mươi năm tranh hùng Nguyễn ánh - Tây Sơn; cuộc xâm lăng của người Pháp và gần một thế kỷ Pháp thuộc mang theo một cuộc đụng độ dữ dội chưa từng có giữa hai thế giới và hai nền văn hóa khác hẳn nhau. Thế rồi cuộc chiến đấu giành độc lập, cuộc can thiệp của Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh Nam - Bắc kéo dài hai mươi năm, nhưng cuộc di tản lịch sử đem người Bắc vào Nam và đem người Việt trải rộng ra khắp thế giới, v. v... Biết bao đổi thay bị hùng tráng lệ, biết bao đau khổ, mừng vui, tình nghĩa, phản trắc. Tất cả những đảo lộn dồn dập đó, nhất là trong hơn bốn thế kỷ gần đây, đã có thể cũng cấp đề tài cho những tác phẩm tầm cỡ lớn hơn Chiến Tranh và Hòa Bình, Anh em Karamazov, Les Hommes de Bonne Volonté, Les Thibault, Gon withthe Wind, Grapes of Wrath, A Farewell to Arms... Chúng ta không sáng tác được vì chúng ta thiếu tầm nhìn và cách nhìn để thấy được cái vĩ đại ngay chung quanh chúng ta. Chúng ta thiếu tư tưởng.

Sự thiếu tư tưởng của chúng ta là quá rõ rệt. Chúng ta không có một đóng góp nào cho tư tưởng thế giới đã đành nhưng chúng ta cũng không nhận thức được về chính mình. Việc du nhập một cách cuồng tín chủ nghĩa cộng sản vào Việt nam, cũng như sự kéo dài dai dẳng của nó, và của lập trường chống cộng, tố giác một cách phũ phàng sự yếu kém về tư tưởng của chúng ta. Hiện tượng Kim Dung trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 mới thực là kỳ quái? Truyện kiếm hiệp của Kừn Dung chỉ có giá trị tương đương với một bộ truyện giải trí nhi đồng, một bộ truyện bằng tranh hay một phim hoạt họa. Nó không dựa trên một sự thực nào, không có một giá trị văn học nào mà cũng không chuyên chở một tư tưởng nào, hay một nhãn quan nào về cuộc sống và thế giới. Nó chỉ có cái khác với các bộ sách kiếm hiệp cổ điền ở chỗ nó tương đối hóa tất cả, pha trộn thiện ác, chính tà. Hình như nó cũng có tham vọng qua các nhân vật và phe phái phản ảnh phần nào thế tranh hùng trên thế giới. Nhưng nó trình bày một cách ngây ngô hời hợt. Và nhất là nó hoàn toàn không có giá trị văn học. Vậy mà cả miền Nam say mê, ngay cả các trí thức được coi là lớn cũng bỏ công nghiên cứu và bàn luận. Tôi cũng có đọc một số truyện nổi tiếng nhất của Kim Dung với mục đích phân tích tâm lý của trí thức miền Nam lúc đó. Thể thực là tôi rất thất vọng, thất vọng về truyện Kim Dung thì ít vì dầu sao nó cũng có giá trị giải trí, nhưng thất vọng lớn về sự thấp kém bi đát của trí thức miền Nam lúc đó. Thiếu tư tưởng và cảm hứng thì dĩ nhiên ta không thể sáng tạo mà phải đi vay mượn của nước ngoài. Nhưng có những bộ môn nghệ thuật trong đó chúng ta bắt buộc phải sáng tạo, phải có cảm hứng của chính mình, dựa trên những chất liệu quanh mình, chẳng hạn như hội họa, điêu khắc và, ở một mức độ bớt gay gắt hơn, ca múa. Chúng ta yếu trong những bộ môn này là lẽ dĩ nhiên. Điều đáng buồn là, ngoại trừ thơ văn, những sáng tạo ít ỏi của chúng ta cho đến dầu thế kỷ 20 này, dù là hội họa, kiến trúc, âm nhạc, múa, v.v... dều không do những phần tử sĩ phu mà do dân gian.

Điều cũng đáng buồn là hầu hết những người lỗi lạc nhất của chúng ta, những Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, v. v... Đều nhờ đã từng đi sứ hay xuất ngoại và học hỏi được ở nước ngoài. Như thế phải nói ngay rằng nền giáo dục của chúng ta không đào tạo ra được nhân tài. Cái gì đã giam hãm trí tuệ Việt nam, không cho nó vượt thoát, sáng tạo và bay bổng?

Giải thích đầu tiên là do lịch sử nước ta, mà chúng ta đã cùng nhau lược qua trong cuốn sách này. Chúng ta không phải là một dân tộc tự do. Trong hai ngàn năm sau công nguyên, nghĩa là gần như trọn chiều dài lịch sử đích thực của chúng ta, chúng ta đã bị ngoại thuộc hơn một ngàn năm, chúng ta đã phải chịu đựng những cuộc chiến thảm khốc trong phần lớn thời gian còn lại; ưu tư phải dành cho sự sống còn thay vì cho suy nghĩ và sáng tạo. Các chế độ tự chủ của ta chẳng qua cũng chỉ là những bạo quyền bản xứ. Chúng ta không có tự do. Và một con người không có tự do thì cũng không thể có óc sáng tạo.

Giải thích thứ hai là do địa lý. Nước ta được dựng lên từ châu thổ sông Hồng. Các công trình thủy lợi, đắp đê ngăn nước, đào kênh dẫn nước là chuyện sinh tử của xã hội. Chúng ta cần những chế độ bạo ngược áp đặt những hy sinh tàn nhẫn để chống cự với thiên nhiên cho sự sống sót của tập thể. Đó là số phận nô lệ chung trong quá trình hình thành của mọi dân tộc sống quanh những con sông lớn, với lưu lượng thay đổi đột ngột. Sau hàng ngàn năm bị chà đạp và hành hạ như thế, chúng ta hấp thụ bản chất nô lệ cộng thêm với cuộc sống nông dân cơ cực phải vật lộn với đất để lấy từ đất ra miềng ăn cho từng ngày. Kết quả là chúng không biết nhìn xa và sáng tạo. Cái địa lý đã nuôi ta cũng đồng thời để lại cho chúng ta những tì vết. Vậy thì để vươn lên chúng ta phải thắng được di sản lịch sử và địa lý đó. Các tiến bộ kỹ thuật đã giải tỏa chúng ta khỏi ách nô lệ của đê điều. Còn lại là di sản tâm lý do quá khứ để lại. Chúng ta cần một quyết tâm sống như những con người tự do và xây dựng đất nước trên tự do, bởi vì chỉ có những con người tự do mới có khả năng sáng tạo.

Lịch sử và địa lý không giải thích tất cả. Còn những yếu tố khác mà chúng ta có lẽ đã chấp nhận do hoàn cảnh lịch sử và địa lý, nhưng với thời gian chúng đã đóng một vai trò còn quan trọng hơn.

Thua kém và nguyên nhân

Cuối thế kỷ 19 chúng ta bị người Pháp đánh bại và khuất phục một cách dễ dàng. Thất bại này đầy hổ nhục vì nước Pháp lúc đó cũng đang chao đảo mạnh. Năm 1872 là năm quân Pháp đánh hạ Thăng Long, nghĩa là chỉ hai năm sau khi Pháp đại bại trước quân Đức, hoàng đế Napoléon III, cháu của Napoléon I, thua trận, bị bắt sống và đế quốc thứ hai của Pháp sụp đổ. Nhưng đạo quân viễn chinh của Pháp cũng không có bao nhiêu. Cả hai lần hạ thành Thăng Long họ đều chỉ cần vài trăm quân.

Cuối thế kỷ 20, khi nhiều quốc gia châu á khác cũng ở một tốc độ phát triển tương đương với chúng ta trong thế kỷ trước đã tiến lên mạnh mẽ, sự thua kém của chúng ta so với phương Tây vẫn tiếp tục trầm trọng thêm. Lợi tức bình quân trên mỗi đầu người của ta vào năm 2000 được ước lượng là 300 USD, nghĩa là chỉ xấp xỉ bằng 1/100 của Hoa Kỳ, Nhật và các nước Tây Âu mà thôi. Tóm lại trong hơn một thế kỷ đổi mới tuy chúng ta đã tiến triển khá nhiều, nhưng các nước tiên tiến còn tiến bộ nhanh hơn và khoảng cách giữa họ và chúng ta không hẹp lại mà còn rộng ra, trong khi nhiều nước cũng chậm tiến như chúng ta trước đây đã vươn lên mạnh mẽ.

Tại sao có sự thua kém đó?

Cần phải gạt đi ngay những câu trả lời quanh co: chúng ta không may mắn, chúng ta bị chiến tranh nhiều quá, các lãnh tụ của chúng ta tồi tàn quá, v. v... Đó không phải là những câu trả lời thực sự. Thế tại sao chúng ta lại gặp toàn những xui xẻo, tại sao lại chiến tranh nhiều quá, tại sao lại chỉ có những người lãnh đạo tồi? Định mệnh nào khiến chúng ta cứ, như Nguyễn Du nói, tìm toàn những ngả đoạn trường mà đi?

Khi một quốc gia thua kém mặc dù những điều kiện địa lý không đến nỗi quá bất lợi thì chỉ có thể có hai giải thích, một là con người tồi, hai là văn hóa tồi mà thôi. Nhưng có thực là có hai giải thích không hay chỉ có một? Tất cả các nhà bác học về nhân chủng, y khoa, tâm lý đều đã đồng ý với nhau về một kết luận: chỉ có một giống người trên thế giới này mà thôi và mọi dân tộc đều có những khả năng như nhau hay ít ra gần như nhau. Chỉ có những phần tử cực đoan và kỳ thị, thường thường vô học, mới phủ nhận kết luận này. Với thời gian càng ngày nó càng được xác nhận. Có thể vẫn có những người hồ nghi về sự bình đẳng khả năng trí tuệ thực sự giữa những con người, coi đó là một xác quyết có tính cách triết học và nguyên tắc hơn là một sự kiện khoa học và khách quan nhưng cho tới nay họ chưa đưa ra được một lập luận giá trị nào. Nhưng ngay cả nếu chúng ta chấp nhận để tạm không bàn cãi về sự hồ nghi đó thì vấn đề vẫn không đặt ra đối với người Việt nam. Người Việt nam qua tiếp xúc với văn hóa, khoa học và kỹ thuật phương Tây đã chứng tỏ khả năng hấp thụ nhanh chóng bất cứ một kiến thức nào. Hơn hai triệu người Việt hải ngoại, sau một thời gian thích nghi rất ngắn ngủi, đã đạt được một mức sống và một trình độ gần tương đương với dân tộc các nước tiếp cư. Con người Việt nam không tồi.

Nguyên nhân của sự thua kém bi đát hiện nay như vậy chỉ là vì văn hóa của chúng ta quá tồi mà thôi. Vậy chúng ta phải thay đổi văn hóa nếu muốn vươn lên.

Mà văn hóa là gì? Đó lại là cả một câu hỏi phức lạp có thể tranh cãi vô cùng tận. Nhưng trong sự suy nghĩ để đi tìm tiến bộ chung, chúng ta có thể tạm chấp nhận một định nghĩa thu hẹp: văn hóa của một dân tộc là toàn bộ những nhận thức và những giá trị đã tạo ra cho dân tộc đó một cách suy nghĩ và hành động, một cách tiếp cận và ứng xử với môi trường chung quanh.

Đến đây cần nhấn mạnh, và nhấn thực mạnh, một điều. Đó là nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy tất cả mọi giá trị, tốt cũng như xấu, đều hiện diện trong mọi nền văn minh, hay cũng như dở. Điều khác biệt là tầm quan trọng tương đối của các giá trị trong mỗi nền văn hóa. Các nền văn hóa khác nhau không phải vì chúng chứa dựng những giá trị khác nhau mà vì chúng dành cho các giá trị những trọng lượng khác nhau. Và sự khác biệt này có thể đưa đến những hậu quả cực kỳ lớn. Con sên cũng chuyển động, con ngựa cũng chuyển động, nhưng hai con vật này không chuyển động với cùng một vận tốc. Như vậy, trong cuộc thảo luận về văn hóa, chúng ta đừng nên mất thì giờ để biện luận Khổng Giáo cũng có cái này, Công Giáo cũng có cái kia, Phật Giáo cũng có cái nọ, v.v... Khi chúng ta nói cần thay đổi văn hóa (hay cần làm một cuộc cách mạnh văn hóa) là chúng ta muốn nói cần thay đổi trọng lượng tương đối của các giá trị dựa trên kinh nghiệm của những dân tộc tiến bộ chứ không phải là cần nhập cảng giá trị này, loại bỏ giá trị kia. Không phải là một tình cờ mà Việt nam và Trung Quốc có thân phận gần giống nhau. Cả hai nước đều chịu những thảm kịch lớn, đều vướng mắc với một chủ nghĩa đã bị đào thải, đều thua kém bi đát trong khi những người dân của cả hai nước lập nghiệp tại nước ngoài đều khá thành công. Cũng không phải là một sự tình cờ mà Đảng cộng Sản Việt nam luôn luôn lẽo đẽo chạy theo Đảng cộng sản Trung Quốc như các vua chúa nhà Nguyễn lẽo đẽo chạy theo triều Thanh. Cùng một văn hóa đưa tới cùng một cách suy nghĩ và hành động, và cuối cùng đưa tới những chọn lựa giống nhau. Việt nam cùng một văn hóa với Trung Quốc, nghĩa là cùng đề cao một số giá trị và cùng xem thường một số giá trị khác, bởi vì đã bị lệ thuộc Trung Quốc trong hơn một ngàn năm và đã cố gắng rập khuôn theo Trung Quốc trong gian một ngàn năm sau đó.

Ngày nay, trước hoàn cảnh bi đát của đất nước, nhiều người đã thao thức đặt vấn đề làm thế nào để đưa đất nước đi lên. Đại đa số những phát biểu này thuộc hai loại.

Loại thứ nhất phân tích những sai lầm hoặc tố giác những đã tâm trong quá khứ đã đưa đến tình trạng hiện nay.

Loại thứ hai quay lưng lại với quá khứ và hướng về tương lai, gồm những đề nghị về kế hoạch và kinh tế, đôi khi dựa trên những thống kê được sưu tập khá công phu.

Tôi cho cả hai cách tiếp cận này đều không đúng. Nếu vẫn giữ nguyên một văn hóa cũ thì dù không làm sai lầm này người ta cũng sẽ làm sai lầm khác. Còn các kế hoạch kinh tế tài chánh thì tôi hoàn toàn dị ứng. Không phải vì ta thực hiện kế hoạch kinh tế này thay vì kế hoạch kinh tế khác mà đất nước ta sẽ khá hơn. Những chuyên gia nghĩ như vậy không hiểu gì về kinh tế và tạo ra cho người khác những ảo tưởng sai lầm. Họ không đóng góp mà còn đánh lạc hướng những suy tư khỏi nguyên nhân chính của mọi đau khổ của chúng ta hiện nay.
Chúng ta đã như ngày nay bởi vì chúng ta đã có một văn hóa tồi tệ. Chúng ta chỉ vươn lên được nếu ý thức được rằng văn hóa của ta tồi, cần phải thay thế bằng một văn hóa khác. Ngay cả nếu chỉ giới hạn trong phát triển kinh tế mà thôi thì cũng cần ý thức rằng phát triển kinh tế chủ yếu vẫn chỉ là một vấn đề tâm lý và văn hóa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét