Phạm Văn Sơn

Bách Việt

Căn cứ vào các sử sách của Tàu trong đời nhà Chu, ta thấy Bách Việt có mặt ở lưu vực sông Dương Tử rồi sau này tản mác khắp miền Nam Bộ Trung Hoa . Nói là Bách Việt,
người ta căn cứ vào thuyết truyền kỳ về Lạc Long Quân kết duyên cùng bà Âu Cơ sinh ra trăm con trai. Sự thực, về thời thượng cổ giống Bách Việt có nhiều nhóm , nhiều bộ lạc sinh sống rời rạc như các dân tộc thiểu số ngày nay tại các miền Thượng du . Đến đời nhà Chu, các bộ lạc này đi dần đến chỗ thống nhất do những biến thiên của lịch sử , các bộ lạc nhỏ dần bị các bộ lạc lớn kiêm tính và hợp lại thành năm nhóm lớn sau đây đã đạt đến hình thức quốc gia là:

Đông Việt hay Đông Âu,
Mân Việt,
Nam Việt ,
Tây Việt hay Tây Âu
Lạc Việt .

Sau này ba nhóm bị đồng hoá theo Hán Tộc, còn lại trên lịch sử ngày nay là nhóm Tây Âu và Lạc Việt .

Vào thế kỷ thứ 9, một số thị tộc người Việt ở Chiết Gian có lẽ có quan hệ với những Việc Tộc ở Nam bộ Trung Hoa và đối với lịch sử của chúng ta là người Việt Nam ngày nay nữa . Họ lập thành nước Việt do một nhà quý tộc họ Mị thuộc về thị tọc Mị cùng họ với vua nước Sở. Buổi đầu trên bốn thế kỷ trước đời Câu Tiễn, nước Việt chỉ là một nước phụ dung của nước Ngô, một nước lớn ở lưu vực sông Giang và sông Hoài. Cuối thế kỷ thứ 6 vua nước Ngô là Hạp Lư giận vua nước Việt là Doãn Thường không theo mình đi đánh nước Sở nên đem binh đánh nước Việt, thắng Doãn Thường ở Tuy Lý (phủ Gia Hưng ) Doãn Thường chết, con là Câu Tiễn đem quân quyết tử trả thù giết được Hạp Lư. Cháu Hạp Lư là Phù Sai, cũng trả thù cho ông, diệt được nước Việt. Sau này Câu Tiễn nhờ được bề tôi giỏi là Văn Chủng và Phạm Lãi khôi phục được nước Việt, phá được Ngô, xưng bá miền Giang Hoài (năm 402) . Ngôi bá chủ này, con cháu Câu Tiễn còn giữ được ba đời nữa , đến đời thứ 4 thì thất bại ở Giang Đông . Bốn mươi tám năm sau đời Câu Tiễn thì nước Việt suy. Bốn mươi sáu năm sau nữa, nước Việt bị Sở thôn tính .

Trong lịch sử 600 năm của nước Việt, Câu Tiễn đã là người anh hùng làm nước Việt nhỏ bé bán khai ở miền Giang Nam nổi lên thành một nước mạnh trung hoành non một thế kỷ ở một phương, mở rộng cương vực choán một phần lớn Tỉnh Giang Tây về phía Bắc, tuy miền Giang Tây chỉ là phạm vi thế lực .

Trạng thái sinh hoạt vật chất của nước Việt đại khái như sau đây: cũng như người nước Ngô, người Việt vẫn sinh nhai bằng nghề đánh cá là nghề chính. Nông nghiệp của họ chưa phát đạt vì đất xấu, kỹ thuật canh tác còn thô sơ, lại chưa biết dùng cày bừa, và trâu bò. Có lẽ người Việt chỉ trồng được lúa nếp ở trên các khoảng đất cao và đồ ăn trọng yếu là tôm cá, sò hến .

Về y phục , người Việt dệt bằng sợi gai hay đay, và biết dệt vải hoa như người Mường, Thổ là một thứ sản phẩm rất được người Hán ham chuộng . Người Việt biết pha đồng như đinh ba chân, dao, thương, dao găm, mũi giáo, chuông nhỏ, chuông lớn, nhất là thứ kiếm đồng hai lưỡi là vật quý báo ở đời Xuân Thu .

Họ sinh hoạt dưới nước nhiều hơn là ở trên cạn nên bơi lội rất giỏi, biết làm các thứ thuyền nhỏ là Linh và thứ thuyền nhỏ dài là Đĩnh, thuyền lớn gọi là Tu lự , thuyền có lầu tức là Lâu thuyền và thứ thuyền có gắn mũi qua tức là Qua Thuyền . Ba thứ thuyền sau là thuyền chiến. Các sách chép: người Việt rất sở trường về thủy chuyện. (Điều này làm ta nhận thấy dân tộc Việt Nam quả có tài chiến đấu đặc biệt về mặt thủy trong các xung đột với Trung Quốc từ 20 thế kỷ nay ).

Về kiến trúc , hình như họ ở nhà sàn bằng tre và gỗ, tuy họ biết xây mộ và thành bằng đá gạch. Việt tuyệt thư chép: nước Việt có rất nhiều thành và lăng mộ, còn di tích đến đời Hậu Hán .

Về văn hoá , tinh thần của người Việt chúng ta chưa được nhiều thi liệu để xét đóan, về ngôn ngữ chẳn hạn . Ta chỉ biết rằng tiếng nói của người Việt khác với tiếng nói của người Hán nhiều , thường một tiếng Việt phải phiên âm bằng hai ba tiếng Hán .

Về phong tục thì có tục xâm mình, cắt tóc, là đặc tục của toàn thể Việc Tộc . Họ còn tục khắc cánh tay để ăn thề, khác với tục xâm mình của người Giao Chỉ . Họ thờ quỷ thần, tin điều hoạ phúc, chuộng phù pháp, thờ người chết rất thành kính. Các nhà quý tộc xây mộ bằng đá và bằng gạch lớn, bỏ đồ binh khí bằng đá, đất hay đồng vào áo quan để người chết có các thứ dùng .

Xét các đồ đồng và đồ gốm khai quật được ở Chiết Giang , các nhà khảo cổ buộc các nghệ thuật của các đồ ấy vào một nghệ thuật lớn gọi là nghệ thuật Đông Sơn, có nhiều đặc điểm tương tự với nghệ thuật đời chiến quốc ở miền sông Hoài. Những đặc điểm ấy là hình trôn óc cặp đôi và hình giây bện. Ông Đào Duy Anh cho rằng nghệ thuật ấy chính ở miền Ngô Việt lúc thịnh thời đã có rồi. Sau đó sự tiếp xúc với người Hán miền Bắc, nghệ thuật đó có ảnh hưởng đến nghệ thuật Chu mạt hay Chiến quốc và do sự di cư của Việt Tộc xuống miền Nam thành nghệ thuật Đông Sơn .

Về tính tình, người Hán cho người Man Di (Việt ) có tính khinh bạc, hiếu chiến, sắc xảo về việc binh, không sợ chết. Việt tuyệt thư viết: Họ ở núi mà đi đường thủy lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa, đến thì như gió thoảng, đi thì khó đuổi theo. Sử ký chép: Vì dễ kiếm ăn, họ không lo xa, dành dụm, bon chen. Tóm lại người Hán có ý ghê sợ tinh thần quật cường của Việt tọc, luôn luôn chống trả kịch liệt các cuộc xăm lăng của họ, ngoài ra người Việt lại thường hoài vọng phát triển về miền Bắc nữa. Đáng chú ý là cái tinh thần bất uý tử của người Việt mà Câu Tiễn trong khi đánh Ngô, đã có dịp phô trương. (Câu Tiễn sai quân đến trước quân Ngô khiêu chiến, la ó om sòm, rồi tự cắt cổ mà chết . Giữa khi quân Ngô ngạc nhiên ngắm cái trò tự sát này , thì quân chủ lực của Việt ập đến ).

Về chính trị, nước Việt dưới đời Câu Tiễn đã vượt qua chế độ bộ lạc và thành một quốc gia theo chế độ quân chủ phong kiến. Sau khi đánh được Ngô thì Việt vẫn xưng thần với nhà Chu. Sau một trăm năm cường thịnh, nước Việt lại suy vi. Bao nhiêu chế độ kinh tế, chính trị phỏng theo người Hán lại sụp đổ và người việt lại trở về chế độ bộ lạc, một phần phiêu lưu về miền Lĩnh Nam, một phần bị đồng hoá với người Hán tộc .

Các nhóm khác là Đông Việt, Mân Việt và Nam Việt là thế nào, ngoài U Việt hay Vu Việt mà di chủng hiện còn lưu trên lịch sử là dân tộc Việt Nam do những quan hệ xa gần ? Các nhóm này có từ bao giờ, chưa sử gia nào có thể trả lời một cách thoả đáng, chỉ biết rằng họ đã có mặt ở các miền Nam bộ Trung Quốc đã lâu đời, trước khi nhà Tần đem quân vượt núi Ngũ Lĩnnh xuống chinh phục họ. Bấy giờ họ đã thành các quốc gia tuy tổ chức về mọi phương diện chưa được quy củ lắm .

Đây số phận của họ từ triều đại nhà Tần qua triều đại nhà Đông Hán năm 218, năm đạo quân Tần gồm những người lưu vong, những rể thùa và lái buôn mở cuộc Nam chinh. Đạo quân thứ năm ngừng lại trên sông Dư Can trong tỉnh Quảng Tây ở phía Nam hồ Phiên Dương phụ trách việt đánh Đông Việt và Mân Việt khi đó còn là những quốc gia chớm nở. Hai nhóm này xưa kia thần phục Sở. Sau Trung Quốc rối loạn, họ nhân đó mà giành lấy độc lập .

Đông Việt bấy giờ đóng ở trung tâm điểm miền Vĩnh Gia thuộc Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang về phía Nam Tâm Môn Loan. Mân Việt ở trung tâm điểm Mân huyện, thuộc Phúc Châu trong địa hạt Phúc Kiến ngày nay .

Thế quân Tần bấy giờ đang mạnh, việc bình định được Trung nguyên với cái kết quả rực rở huy hoàng của nó khiến hai nhóm Đông Việt và Mân Việt khiếp sợ, nhờ vậy mà quân Tần thắng nhanh chónh, dễ dàng ngay trong năm đầu. Việc chinh phục xong, Tần hợp hai nước lại làm một, đặt thành quận Mân Trung. Quốc vương bản xứ hạ xuống là quân trưởng (tù trưởng ) để cai trị dân như cũ .

Đến ít năm sau Tần suy biến, Đông Việt và Mân Việt theo chư hầu đánh Tần rồi lại giúp Hán đánh Sở. Hán Cao Đế năm thứ 5 (202) thưởng công cho tù trưởng Mân Việt là Vô Chu bằng tước Mân Việt vương.

Sau này Mân Việt và Đông Việt xung đột với nhau đã là cơ hội rất tốt cho sự kiêm tính của nhà Hán. Buổi đầu hai nước này thần phục nhà Hán nhưng vẫn nuôi hoài vọng tiến về phương Bắc nếu có dịp thuận tiện cho nên cả hai đã phụ lực cho Ngô Vương Tỵ và Hoài Nam Vương trong việc phả Hán. Nhà Hán e ngại Mân Việt hơn hết. Rồi Hán dụ được Đông Việt giết Tỵ mà quay về mới mình. Con Tỵ là Tu Câu xin Mân Việt đánh Đông Việt năm thứ ba đời Vũ Đế (138) . Đông Việt thế nguy cầu cứu Hán nhưng khi tướng Hán là Nghiêm Trợ xuất binh thì quân Mân Việt đã rút lui về Nam, vì trong nước có loạn, Nghiêm Trợ đến Đông Âu về Giang Hoài có ý rút bớt thực lực của Đông Âu để tránh hậu hoạ sa này. Có lẽ một phần dân Đông Âu chống lại chính sách này nên theo vua di chuyển xuống miền Nam gần Tuyên Sơn tỉnh Phúc Kiến .

Năm thứ 6 hiệu Kiến Nguyên (135) , Mân việt đem quân đánh Nam Việt. Nam Việt cũng cầu cứu nhà Hán - Vương Khôi được Hán Đế cử đi đánh Mân Việt cùng Hàn An Quốc một do đường Dự Chương, một do đường Cối Kê, nhưng chưa tới cõi Mân thì Mân Việt vì nội loạn phải xin hàng .
Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét