Philippin: sự bịp bợm của Marcos
Cho đến năm 152 1, khi Magellan, một nhà mạo hiểm người Tây Ban Nha đặt chân đến, Phi-líp-pin là một quan đảo không tên không tuổi với hơn 7.000 đảo và hàng trăm bộ lạc nhỏ. Quốc gia tân lập này đã hoàn toàn do người Tây Ban Nha tạo dựng ra, tên của nó cũng được đặt theo tên vị vua Tây Ban Nha đương thời. Như thế Phi-líp-pin
đã được Tây phương hóa ngay từ thời thành lập. Trước đó không hề có một dấu tích đáng kể nào của nền văn minh châu á, dù là Phật Giáo, Khổng Giáo, Hồi Giáo hay ấn Độ Giáo. Hiện nay tôn giáo chính của Phi-líp-pin là Công Giáo, do người Tây Ban Nha mang tới, với trên 60% dân chúng. Tuy là một quốc gia rất mới, nhưng nhờ ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, Phi-líp-pin lại là một trong những dân tộc có tinh thần quốc gia đầu tiên tại châu á, trong khi Việt nam và Trung Quốc chỉ có tinh thần trung quân. Các phong trào đòi độc lập đã xuất hiện ngay từ thế kỷ 18 và được nuôi dưỡng bởi những tư tưởng của các nhà văn. Năm 1896, một phong trào dân tộc được ủng hộ rộng rãi đã tuyên bố độc lập. Hai năm sau Tây Ban Nha bối rối phải nhượng bộ trước áp lực của Hoa Kỳ sau khi bị đại bại trong một cuộc hải chiến và đã chấp nhận bán lại toàn bộ quần đảo Phi-líp-pin cho Hoa Kỳ với giá tượng trưng 20 triệu USD. Hoa Kỳ không có truyền thống thực dân và cũng không cần đất đai mà chỉ tìm kiếm các đầu cầu thương mại, nên đã lập tức chuẩn bị trả độc lập cho quốc gia tân lập này. Tuy vậy một nửa thế kỷ tiếp xúc với Hoa Kỳ vẫn không lay chuyển được ba thế kỷ rưỡi do Tây Ban Nha nhào nặn. Nền văn minh phương Tây mà Phi-líp-pin tiếp nhận vẫn là nền văn minh Tây Ban Nha với những nhược điểm của nó: thiếu tinh thần trách nhiệm và đối thoại, tập tính giáo điều và ưa bạo lực. Có thể nói Phi-líp-pin đã tiếp thu văn hóa phương Tây ở dạng kém nhất. Tuy chỉ có một chế độ dân chủ xô bồ, Phi-líp-pin vẫn tiếp tục phát triển một cách tương đối khả quan cần nhấn mạnh tĩnh từ tương đối - từ ngày được độc lập, năm 1946. Tình hình Phi-líp-pin đã xấu đi từ 1965 khi Ferdinand Marcos, với sự hỗ trợ của giai cấp giàu có, đã đắc cử tổng thống. Marcos đã khéo dùng mọi thủ đoạn mị dân như tô vẽ thành tích chống Nhật trong thế chiến II, tạo cho mình hình ảnh một anh hùng võ nghệ cao cường, dũng lược hơn người, có vợ từng là hoa hậu, để thu hút quần chúng. Để kéo dài vô hạn định thời gian tại chức thay vì hai nhiệm kỳ bốn năm như hiến pháp qui định, Marcos ban hành lệnh giới nghiêm năm 1971, rồi quân luật năm 1972. Những năm cuối trào của Marcos đã là những năm cực kỳ đen tối cho Phi-líp-pin: loạn quân Hồi Giáo, loạn quân cộng sản, cướp bóc, đàn áp, thủ tiêu và biểu tình bạo động v.v... trong một bối cảnh tham nhũng cực kỳ trắng trợn; kinh tế Phi-líp-pin hoàn toàn suy sụp và nợ nước ngoài chồng chất. Hoa Kỳ và các định chế tiền tệ quốc tế thấy không còn tiếp tục ủng hộ Marcos được nữa, các áp lực càng ngày càng tăng cao đòi Marcos từ chức, giới giàu có cũng cảm thấy quyền lợi của họ không còn đi đôi với chế độ Marcos nữa. Giọt nước làm tràn ly là cuộc ám sát lãnh tụ đối lập Benigno Aquino trên cửa chiếc máy bay đưa ông từ Mỹ về nước. Chống đối bùng lên dữ đội, buộc Marcos phải chấp nhận bầu cử lại quốc hội năm 1984 đúng hạn kỳ hiến định. Đối lập dân chủ tuy không giành được đa số nhưng đã thắng lớn tại Manilla. Đây là tiếng chuông báo hiểu ngày tàn của chế độ Marcos vì trước đó, những cuộc đầu phiếu và trưng cầu dân ý luôn luôn đem lại cho ông ta gần như toàn bộ số ghế trong quốc hội và những đa số 80%, 90%. Lúng túng trước áp lực trong nước cũng như ngoài nước, Marcos chơi bạo tổ chức bầu cử tổng thống năm 1986 trước hạn định một năm. Tính toán của Marcos là buộc đối lập phải tranh cử vào lúc chưa kịp chuẩn bị. Marcos đã có lý vì quả nhiên ông ta đã thắng bà quả phụ Cory Aquino trên 500.000 phiếu. Nhưng đối lập dân chủ đã dựa vào hậu thuẫn của trí thức và hỗ trợ quốc tế, nhất là của Hoa Kỳ, đã tự tuyên bố bừa là thắng cử và phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử mà họ cho là gian lận, dù sau này các tài liệu chứng tỏ Marcos đã thực sự thắng cử. Quân đội và giới tài phiệt bỏ rơi Marcos, ông ta đào thoát khỏi Phi-líp-pin và chết trong cảnh lưu vong.
Từ đó dân chủ được tái lập, sinh hoạt chính trị và kinh tế dần dần trở lại bình thường, hòa bình cũng dần dần được vãn hòi. Từ đó Phi-líp-pin tiến những bước đều đặn và chắc chắn trên đường phát triển với một mức độ tăng trưởng rất khả quan, và may mắn hơn, không bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng châu á mùa hè 1997. Nhiều nhà bình luận bắt đầu nói tới một phép mầu Phi-líp-pin. Những điều không may cho người Phi-líp-pin là họ đã không biết rút kinh nghiệm của bài học Marcos và vẫn duy trì chế độ tổng thống, một chế độ rất dễ đưa đến lạm quyền trong những nền dân chủ non trẻ. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống bình thường, năm 1998 một tài tử kịch ảnh là Joseph Estrada đắc cử tổng thống và lợi dụng chức quyền để tham nhũng và ăn chơi trác táng, gây nhiều thiệt hại lớn về vật chất cũng như tinh thần cho Phi-líp-pin. Tuy nhiên dân chủ đã được thiết lập và người dân Phi-líp-pin nhiều lắm cũng chỉ phải chịu đựng viên tổng thống tồi này trong một nhiệm kỳ.
Nhưng gì đã xảy ra tại Phi-líp-pin chứng tỏ rõ rệt hai điểm:
Một là, trái ngược hẳn với luận điểm của Marcos, dân chủ đã không đem lại hỗn loạn, nó đem lại hòa bình và trật tự. Trái lại, chính chế độ độc tài đã đem đến hỗn loạn và suýt nữa đẩy Phi-líp-pin xuống vực thẳm.
Hai là, dân chủ đã đem lại phát triển và một lần nữa dân chủ đã đi trước phát triển.
Nước đuy nhất có thể coi là độc tài trong khối ASEAN cho tới gần đây là Indonesia. Nhưng Indonesia cũng là nước lạc hậu nhất trong sáu nước thành viên kỳ cựu của khối ASEAN, với lợi tức bình quân trên mỗi đầu người là 800 USD mỗi năm. Cần lưu ý là con số bi đát này dầu sao cũng cao gấp ba lần lợi tức của người Việt nam.
Một nước độc tài quân phiệt rồi bị nghèo khó lạc hậu thì có gì đáng nói? Indonesia cùng lắm chỉ chứng minh một chế độ độc tài quân phiệt không đến nỗi tai hại bằng một chế độ cộng sản như tại Việt nam. Nếu có gì cần ghi chú, nhưng ngoài khuôn khổ của cuộc thảo luận ngắn này mà mục đích là tìm ra tương quan giữa dân chủ và phát triển, thì đó là thực ra chế độ quân phiệt tại Indonesia không đến nỗi độc tài như người ta tưởng.
Ngay trong thời gian bị Hòa Lan đô hộ, các đảng phái chính trị vẫn được phép thành lập và hoạt động nhưng họ quá yếu để có thể để dọa guồng máy cai trị của Hòa Lan. Sau thế chiến II, dưới chế độ Sukamo, các chính đảng còn gặp thời cơ thuận tiện hơn, đặc biệt đảng cộng sản phát triển mạnh nhất. Vào năm 1965, trước khi âm mưu đảo chánh thất bại và bị tiêu diệt, đảng cộng sản Indonesia đã có tới ba triệu đảng viên và hai mươi triệu đoàn viên. Từ năm 1965 trở đi quân đội khống chế chính trường Indonesia nhưng cũng không cấm đoán các đảng đối lập; báo chí vẫn còn được hưởng một mực độ độc lập tương đối.
Nhưng khó khăn của Indonesia thực ra là những khó khăn của một quốc gia đang thành lập một cách vội vã, dựa trên bạo lực và bất chấp đồng thuận. Cho tới khi người Hòa Lan đến, vào thế kỷ 16, Indonesia hoàn toàn không có đặc tính nào của một quốc gia, mà là cả một thế giới phức tạp với khoảng 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, trải rộng 5.000 km từ Đông sang Tây và 2.000 km từ Bắc xuống: Nam, với hàng trăm sắc dân và thổ ngữ. Vô số vương quốc không tên không tuổi được thành lập rồi bị tiêu diệt. Một cuộc kiểm kê không đầy đủ năm 1939 cho thấy trên quần đảo Indonesia còn có 269 vương quốc hoàn toàn độc lập với nhau. ánh sáng leo lét của văn minh đã chỉ dừng lại tại hai hòn đảo Sumatra và Java; càng về phía Đông sự bán khai càng gia tăng. Mặc dầu đã tiến bộ khá nhiều nhờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phần lớn các bộ lạc trên các đảo phía Đông vẫn còn ở trong tình trạng tiền sử, một số vẫn còn ăn thịt người, chiến tranh giữa các bộ lạc không cần một lý do nào cả vì là một tập quán. Việc thành lập nước Indonesia với lãnh thổ hiện nay trên thực tế chỉ là trao cho đảo Java trách nhiệm khai hóa các đảo miền Đông: Borneo, Irian Jaya, Sulawesi, v.v..., một trách nhiệm hoàn toàn vượt quá khả năng của đảo Java nghèo nàn và lạc hậu. Hoa Kỳ đã phản đối việc thành lập này và đều có lý. Đáng lẽ đã phải đặt các đảo này dưới quyền sở hữu của Liên Hiệp Quốc và sau đó Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm cho các quốc gia tiên tiến và giàu mạnh khai phá. Với sự thành lập duy ý chí như vậy, đảo Java không có cách gì để giữ sự gắn bó giữa các đảo ngoại trừ quân lực, cho nên việc quân đội nắm chính quyền có thể coi như cái giá mà Indonesia đã phải trả cho tham vọng thành lập nhanh chóng một nước lớn. Điều đáng lưu ý là quân đội Indonesia do người Hòa Lan thành lập ra và chịu ảnh hưởng của tinh thần Hòa Lan, một tinh thần không quân phiệt chút nào, do đó quân đội Indonesia rất hợp hiến, họ không trực tiếp nắm chính quyền mà luôn đứng sau một chính quyền dân sự. Quân đội cũng tôn trọng chính quyền dân sự đó, chỉ can thiệp trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả là vẫn có một mức độ tự do dân chủ tương đối và quân đội một phần nào đó còn xuất hiện như một bảo đảm cho dân chủ trước những tham vọng chuyên chính của đảng cộng sản và của các lực lượng Hồi Giáo sau đó.
Nếu muốn nhận diện tương quan giữa dân chủ và phát triển thì có lẽ nên nhìn vào sự thay đổi nhanh chóng của đảo Java, trung tâm quyền lực của Indonesia. Nhờ một sinh hoạt ít nhiều dân chủ, hòn đảo bán khai này đã tới một mức độ phát triển khả quan, cao hơn cả Trung Quốc, một nước đi trước họ cả ngàn năm với tài nguyên và nhân lực hơn hẳn. Nếu không mang gánh nặng khai phá các đảo phía Đông chắc chắn đảo Java còn mở mang hơn nhiều. Indonesia, mặc dầu khởi hành rất sau Trung Quốc với những điều kiện khó khăn hơn nhiều, đã phát triển hơn Trung Quốc vì đã mở cửa tiếp nhận các giá trị tự do và dân chủ trong khi Trung Quốc đã chỉ chọn một thứ chế độ Khổng Giáo hiện đại hóa, nghĩa là cộng sản.
Tháng 5-1998, chế độ độc tài quân phiệt Suharto sụp đổ sau gần một năm chao đảo vì cuộc khủng hoảng tài chính châu á. Một năm sau, một cuộc tổng tuyển cử đã đem lại thắng lợi cho các lực lượng đối lập dân chủ. Cuộc chuyển hóa về dân chủ của Indonesia sẽ không dễ đàng bởi vì tình hình Indonesia quá phức tạp và vì chính các lực lượng dân chủ cũng chưa đủ trưởng thành. Nhưng dù gặp khó khăn thế nào đi nữa, Indonesia cùng đã khá hơn trước và chắc chắn sẽ vươn lên, trừ trường hợp các thế lực quân phiệt một lần nữa phản công bẻ gãy tiến trình dân chủ hóa.
Đài Loan: từ một chiến khu tới một quốc gia
Trường hợp duy nhất tại châu á có vẻ như chứng minh rằng có thể phát triển mà không cần dân chủ là Đài Loan. Càn nhấn mạnh là có vẻ vì đó chỉ là một cái nhìn phiến diện. Quả thực từ năm 1949, khi đám tàn quân của Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan và thiết lập tại đó một quốc gia ly khai với Hoa Lục, Đài Loan đã chỉ có nhưng chính quyền xuất phát từ Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Hai cha con Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc kế tiếp nhau làm tổng thống trong gần bốn mươi năm cho tới năm 1988. Quân luật được thi hành cho tới 1987. Mặc dầu vậy, kinh tế Đài Loan vẫn tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ và hiện nay Đài Loan đã trở thành một nước dân chủ với một sức sống gần tương đương với Tây Âu, với một nền kinh tế lành mạnh hơn hẳn: thất nghiệp hầu như không có, dự trữ ngoại tệ tính trên mỗi đầu người cao hơn hẳn mọi quốc gia trên thế giới.
Trường hợp Đài Loan đã được một số người viện dẫn để bảo vệ lập trường cho rằng có thể bỏ qua dân chủ, tập trung mọi sức lực xây dựng kinh tế rồi phát triển kinh tế sẽ đem đến dân chủ. Sự thực như thế nào?
Đảo Đài Loan cho tới thế kỷ thứ VIII gần như hoang vu, với một số ít thổ dân gốc Mã Lai (điều này cho thấy các sắc dân gốc Mã Lai từ ngàn xưa đã trải rộng khắp Đông á). Dần dần người di dân từ hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến đã khiến người gốc Hoa trở thành đa số, nhưng những người gốc Hoa này coi họ là người Đài Loan hơn là người Trung Hoa. Từ cuối thế kỷ 15 đảo này đã bị người Tây Ban Nha, rồi Hòa lan chiếm đóng và khai thác. Giữa thế kỷ 17, sau những đợt di dân lớn từ Hoa Lục, Đài Loan trở thành một vương quốc độc lập, rồi bị nhà Thanh chinh phục và sáp nhập thành một tỉnh của Trung Quốc. Năm 1895, nhà Thanh thua trận phải nhường đảo này cho Nhật. Lưu Vĩnh Phúc, viên chủ tướng tài ba của quân Cờ Đen từng tận lực giúp Việt nam chống Pháp, đã cùng với tổng đốc Đài Loan Dương Tinh Tùng tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Đài Loan. Nước cộng hòa đầu tiên lại châu á này đã bị quân Nhật đánh bật khỏi Đài Bắc trong vòng một tuần lễ, dù Lưu Vĩnh Phúc vẫn còn kháng cự tại miền Nam gần mười năm nữa. Sau thế chiến II, Đài Loan, với khoảng 10 triệu dân, được trao trả lại cho Trung Quốc. Bước ngoặt lớn của Đài Loan xảy ra năm 1949 khi Tưởng Giới Thạch bỏ lục địa đem gần hai triệu người gồm gia đình, đảng viên và quân đội Quốc Dân Đảng sang đây. Trong những thập niên đầu Đài Loan không phải là một quốc gia mà là một chiến khu. Lực lượng Quốc Dân Đảng di tản sang đây tự coi là một chính phủ Hoa Lục di tản, với đầy đủ quốc hội, chính phủ và quân đội; họ ván tiếp tục tự nhận là chính quyền của toàn thể Trung Quốc và chỉ coi Đài Loan là một tỉnh. Qui chế chiến khu là một thực tế. Chiến tranh vẫn tiếp tục xảy ra tại eo biển, cạnh các hòn đảo Kim Môn, Mã Tổ, Trần Thành: Bên ngoài thì Hạm đội 7 của Mỹ túc trực.
Cần hiểu rõ tình trạng này khi nhận định về vấn đề dân chủ tại Đài Loan. Dân chủ là một phương thức sinh hoạt quốc gia cho phép đạt tới một đồng thụân được chấp nhận giữa các khuynh hướng khác nhau dù không thỏa mãn mọi người. Nhưng tại Đài Loan vấn đề đồng thuận không đặt ra. Những người Quốc Dân Đảng sang đây hoàn toàn đồng ý với nhau trên hầu như tất cả và rất đoàn kết trong một mục tiêu chung là chống lại Hoa Lục, dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch mà họ coi là một lãnh tụ anh minh. Vấn đề dân chủ thực sự chỉ đặt ra vài thập niên sau đó, khi những người bản địa Đài Loan đã tiến lên về kinh tế và văn hóa, và đòi hỏi tổ chức Đài Loan như một quốc gia. Trong những thập niên đầu, đoàn người di tản từ Hoa Lục sang hơn hẳn dân bản địa về mọi mặt. Họ là tập hợp tinh nhuệ nhất của Trung Quốc, đồng thời họ cũng mang theo những tài sản rất lớn. Có thể nói vào năm 1949 đại bộ phận chất xám và tư bản Trung Quốc đã tản cư qua Đài Loan làm sinh hoạt kinh tế và mức sống Đài Loan gia tăng mau chóng, cải thiện một cách ngoạn mục mức sống của những người bản địa Đài Loan. Đối lập với Quốc Dân Đảng trên đảo Đài Loan cũng không có vì các thành phần cộng sản đã bị tiêu diệt hoàn toàn một năm trước cuộc di tản, vào năm 1948, khi các cuộc bạo động xuống đường bị đàn áp trong một biển máu, với hơn mười ngàn người bị hành quyết trong vài ngày, phần đông là đảng viên cộng sản.
Sự sáng suốt của chính quyền Quốc Dân Đảng là đã hiểu ngay rằng họ sẽ phải biến Đài Loan thành một quốc gia thật sự. Họ đã nỗ lực nâng cao mức sống và trình độ văn hóa người địa phương, mà đại đa số có gốc Trung Hoa, để hội nhập người địa phương vào sinh hoạt chính trị. Mức sống và trình độ văn hóa càng tiến triển họ càng nới rộng tự do và dân chủ, và luôn luôn đi trước yêu cầu. Trường hợp Đài Loan về thực chất là một cố gắng xây dựng một quốc gia và một chế độ dân chủ từ một chiến khu. Điều mà thế giới đang chứng kiến là sự ra đời của một quốc gia thật sự tại Đài Loan.
Thất bại mau chóng của Quốc Dân Đảng tại Hoa Lục cũng như hào quang của chế độ cộng sản và lãnh tụ Mao Trạch Đông sau đó đã khiến dư luận thế giới miệt thị tập đoàn Tưởng Giới Thạch như một tập đoàn bất lực và tham nhũng, nhưng ngày nay chúng ta đã có bước lùi cần thiết để nhìn lại lịch sử cận đại Trung Quốc. Tưởng Giới Thạch và bộ tham mưu của ông không tồi dở như người ta tưởng. Chính di sản Trung Quốc do nhà Thanh để lại mới là tồi tàn. Kinh tế lụn bại, đất nước phân tán dưới những sứ quân tham tàn và xâu xé nhau. Tưởng Giới Thạch đã phải có bản lãnh lắm mới thống nhất được Trung Quốc, nhưng ông đã thất bại trước Mao Trạch Đông vì thử thách mà chính quyền của ông tự đặt cho mình quá lớn: đó là xây dựng một Trung Quốc theo mô hình dân chủ phương Tây, điều mà người Trung Quốc không hiểu và do đó không chia sẻ. Cuộc tương tranh quốc - cộng tại Trung Quốc cũng như tại Việt nam chủ yếu là một cuộc xung đột giữa hai mô hình xã hội được đề nghị để thay thế ý thức hệ Nho Giáo đã lỗi thời và sụp đổ. Một bên là mô hình dân chủ kiểu phương Tây và một bên là mô hình cộng sản. Về bản chất, chủ nghĩa cộng sản là một thứ Khổng Giáo cải tiến khá gần gũi với xã hội Nho Giáo: cũng đặt nền tảng trên một chủ nghĩa nửa chính trị nửa tôn giáo, cũng giáo điều độc tôn, cũng tập trung tuyệt đối, cũng khống chế tư tưởng, cũng bóp nghẹt xã hội dân sự và đè bẹp cá nhân, cũng cấm đoán thương mại và sự giàu có, nhưng quan tâm tới quần chúng hơn và có tổ chức tinh vi hơn. Chính vì thế mà chủ nghĩa cộng sản dễ hiểu đối với người dân các nước thuộc văn hóa Khổng Giáo và đã được ủng hộ. Ngược lại mô hình dân chủ phương Tây đòi hỏi một đoạn tuyệt văn hóa quá lớn nên đã không được hưởng ứng. Tưởng Giới Thạch đã thua vì xã hội Trung Hoa sau hơn hai ngàn năm Nho Giáo chưa chín muồi cho thay đổi, chứ không phải vì ông ta kém Mao Trạch Đông. Giờ này chắc không còn ai ngờ vực là nếu Tưởng Giới Thạch thắng, thay vì Mao Trạch Đông, thì Trung Quốc đã khá hơn rất nhiều so với hiện nay.
Không thực hiện được cuộc canh tân theo mô hình phương Tây trên đất nước Trung Quốc bao la và phân rã, phe Quốc Dân Đảng đã thực hiện nó trên khuôn khổ hạn hẹp của Đài Loan và họ đã thành công. Điều cần chú ý là tại Đài Loan chính quyền Quốc Dân Đảng đã luôn luôn chủ động, nới rộng tự do một bước trước khi những thay đổi về kinh tế xã hội đòi hỏi. Chính vì vậy mà Đài Loan đã ổn vững và liên tục tiến lên. Ngay từ 1969, chính quyền Quốc Dân Đảng đã tổ chức những cuộc bầu cử bổ túc các dân biểu địa phương vào quốc hội, các quyền tự do phát biểu và hội họp đã được thừa nhận. Năm 1986, các chính đảng được phép thành lập và tranh cử. Năm 1987, quân luật được bãi bỏ hẳn. Từ 1991 mọi đạo luật của thời kỳ quân luật đều được bãi bỏ, Đài Loan trở thành một nước dân chủ thật sự, và cũng là nước dân chủ nhất châu á, ngoại trừ Nhật Bản. Đa số những cấp lãnh đạo tối cao của Đài Loan hiện nay là người địa phương. Sự thành công của Quốc Dân Đảng chính là ở chỗ họ đã biết thăng tiến người địa phương và sau đó tự hội nhập vào với người địa phương. Trong cuộc bầu cử quốc hội hoàn toàn tự do và lương thiện năm 1998 họ đã thắng lớn. Họ đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 vì chia rẽ chứ không phải vì không được cử tri tín nhiệm.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu á bắt đầu từ mùa hè 1997, Đài Loan đã là nước ít bị thiệt hại nhất, bởi vì nó là quốc gia dân chủ và lành mạnh nhất trong những nước vừa vươn lên.
Không, Đài Loan không phải là một ngoại lệ của qui luật dân chủ đi trước và tạo ra phát triển. Đó chỉ là quốc gia ra đời trong một trường hợp đặc biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét