Việt Sử Tiêu Án .P06

Việt Sử Tiêu Án
Ngô Thời Sỹ
Ông người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, vị là danh tướng đời bấy giờ, khi mất đã 66 tuổi, chỗ nhà ông ở nay làm đền thờ, có liệt vào hàng quốc tế. (Danh tướng đời Trần như Hưng Đạo có bài hịch, Ngũ Lão thích làm thơ, không phải chuyên về võ mà thôi đâu).

Con gái Ngũ Lão là thứ phi vua Anh Tôn, khi Anh Tôn mất, về chùa Đăng Bảo Sơn, làng Phù Ủng, than rằng: "Chùa này do Tiên quân lập ra, làm nhà ở nơi đây có thể ở để thờ phụng Tiên quân, toàn cả trung và hiếu là ý nguyện của tôi", liền sửa lại chùa mà đến ở đó.

Bầy tôi nhà Trần có Đặng Tảo, Lê Chung người thì bưng cái hồ ở trong cung cấm, người thì xách cái túi ở trong dinh trại, chức quan còn nhỏ chưa được ngôi cao sang như Tam Công, giàu có đến vạn chung, duy được có vinh hạnh tri kỷ, chỉ một mình biết thôi; cho nên có tấm lòng nhớ mến vua, đến ở nơi lăng tẩm mà thờ phụng, để báo ơn tri ngộ đến trọn đời cũng là một cách tỏ lòng trung với vua, cũng đáng khen.

Đời bấy giờ các quan trong triều như là: Trần Thời Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Độ Thiên Lư, Mạc Đĩnh Chi (Vua biết Đĩnh Chi là người liêm khiết, sai người đem 10 vạn quan tiền để trong cửa nhà ông, Đĩnh Chi đem việc đó tâu Vua biết, Vua nói: "Không ai nhận tiền ấy, thì cho khanh lấy mà chi dùng"), Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Phạm Ngộ (2 ông này họ Chúc, Vua lấy cớ họ Chúc không phải là phong tộc, cho đổi là họ Phạm. Các ông này làm quan có phong độ, ngạnh trực dám nói thẳng, có phong độ đại thần).

Nguyễn Trung Ngạn (nguyên tên là Cốt, vua Anh Tôn cho đổi tên là Trung Ngạn), Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy (người làng Cổ Đinh, huyện An Khang), Lê Cư Nhàn, là lúc nhân tài thịnh nhất hơn triều các vua khác. (Thời bấy giờ sứ giả nhà Nguyên là Ô Hợp Mưu đến báo vua Nguyên mới lên ngôi, cưỡi ngựa đi đến tận cầu Tây Thấu mà không xuống ngựa, người bạn tiếp tranh biện không được; Vua sai Trung Ngạn ra đón, lấy lý mà biện chiết, Hợp Mưu lập tức xuống ngựa đi bộ).

Trần Bang Cẩn làm quan Đại Hành khiển, là người nho nhã có thao thủ, giản dị, trầm tĩnh không lòe loẹt, Vua cho bài thơ vào bức tượng vẽ của ông rằng:

"Hình dung cốt cách nại đông hàn.

Tướng mạo đường đường riệc khả khan,

"Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận,

Tân lỳ nan miêu cảnh cảnh đan"(1)

Niên hiệu Khai Thái thứ nhất, Vua đúc tiền kẽm rồi lại cấm liền.

Cải chức Hành khiển làm chức Môn Hạ sảnh, chức Nội thư Hỏa cục vẫn theo cũ gọi là Nội Mật viện.

Nguyễn Trung Ngạn làm chức Tri Thánh Từ Cung sự, tính ông sơ lược, bấy giờ có Bảo Võ Vương được ban áo đen ở vào hàng Thượng vị hầu, Trung Ngạn lại để vào hàng áo tía. Vua thương người có tài, việc ông làm đó chỉ là lầm lẫn, nên cho ra làm chức An Phủ sứ Thanh Hóa. Ông có bài thơ tự phụ rằng:


"Giới hiên tiên sinh lang miếu khí,

"Diện linh dĩ hữu thôn ngưu chí,

"Niên phương thập nhị Thái Học sinh,

"Tài đăng thập lục xung Đình Thí.

"Nhị thập hữu từ nhập gián quan.

"Nhị thập hữu lục Yên Kinh sứ"(2)


Người ta bàn tán là khoe khoang. Sau ông vào làm quan trong triều chính cũng giữ được tiếng tốt trọn đời.

Trương Hán Siêu làm quan Hành khiển, hạch Phạm Ngộ làm hình quan mà nhận hối lộ, Vua sai khám xét ra sự thật. Hán Siêu nói tư với người rằng: "Tôi ở trong triều chính, được Vua tin, nên phải nói, biết đâu còn có khám xét nữa", Vua biết, nói: "Hành khiển là quan ở Sảnh (Hành chính), Thẩm hình là quan ở Viện (tư pháp) đều do ta ủy nhiệm, có đâu lại tin người này mà nghi người kia. Đến khi khám xét, thì Hán Siêu bị lý khuất, bị phạt 300 quan tiền, thăng Ngộ lên chức Tham tri, ngang hàng với Hán Siêu.

Giết quan Thượng tể là Quốc Chân, khi ấy tuổi Vua đã cao, mà chưa định người nào để nối ngôi, Quốc Chân tự cho mình là cố mệnh đại thần (mệnh Vua trước để lại), và là cha bà Hoàng hậu, nhất quyết phải đợi Hoàng hậu sinh ra con cả rồi hãy lập; Văn Hiến muốn lật đổ Hoàng hậu mà lập Hoàng tử Vượng, mới đem vàng hối lộ Trần Phẫu là gia thần Quốc Chân, bảo phải vu cáo Quốc Chân mưu phản, Vua lại tin lời, đem việc ấy hỏi Trần Khắc Chung: Khắc Chung là đồ đảng với Văn Hiến, và cùng mẹ Hoàng tử Vượng đều là người ở Giáp Sơn, liền thưa rằng: "Bắt hổ về, tha hổ ra thì khó"; vì thế Quốc Chẩn bị tội, sau vợ cả, vợ lẽ tên Phẫu ghen tuông đem việc Văn Hiến nhận hối lộ tâu lên Vua, cứu xét ra sự thực, xử tên Phẫu phải lăng trì; chưa kịp đem hành hình, thì gia nô của Triệu Võ (là con Quốc Chân), cắt thịt tên Phẫu mà ăn sống gần hết; Văn Hiến bị giáng làm thường dân, tịch thu cả gia sản.

Sử thần bàn rằng: Chưa sinh con cả mà có con thứ đã lớn, lẽ nào lại bỏ trống ngôi Thái tử mà để đợi? Huống chi việc Hoàng hậu sinh con sớm hay muộn, có hay không, chưa biết chắc được, tôn xã là trọng, kể gì con cả với con thứ nữa; lại nữa, đã lấy người nối ngôi rồi, bấy giờ mới sinh con cả, tai mắt thần dân đã quen rồi, có lẽ nào đưa một đứa trẻ mới lọt lòng mà thay giữ quyền giám phủ, thay đổi cả sự ngưỡng vọng của thần dân hay sao? Xưa kia vua Đế Ất tin lời quan Thái sử mà dòng dõi nhà Thương bị mất, những việc đó đủ để làm gương cho đời sau.

Sách lập Hoàng tử Vượng lên làm Thái tử, liền truyền ngôi vua cho, Thái tử Vượng lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Khai Hựu.

Các Hoàng tử ngồi hầu, Thượng hoàng bàn đến nhân vật dạy Hoàng tử, chỉ nên lấy người thiện, không nên dùng đến người ác, sợ rằng Hoàng tử bắt chước. Thượng hoàng nói: "Nghe biết điều thiện thì bắt chước, điều ác thì nên tránh. Vậy thì thiện và ác đều là thầy mình cả". Thượng hoàng xuất gia đi tu, thường ăn chay, Văn Bích vốn bài xích đạo Phật, nhân nói rằng ăn chay thì có ích lợi gì. Thượng hoàng nói: "Tổ khảo ta thường ăn chay, nên ta bắt chước, còn lợi ích gì thì không biết đến" Hiệu Khả khen Thượng hoàng hơn vua Anh Tôn, Thượng hoàng đổi sắc mặt mà nói: "Khen người ta mà bảo người đó hơn cha, có thể biết người nói ấy là bất hiếu". Hiệu Khả xấu hổ lạy phục xuống đất.

Thượng hoàng đi tuần thú Đà Giang. Quân Mán Ngưu Hống làm phản, Thượng hoàng định đi thân chinh, Trần Khắc Chung nói "Sông Đà nhiều khí độc, nước chảy mạnh, không lợi cho sự hành quân, Chiêm Thành không chướng khí độc, các triều trước đã có đánh, bắt được chúa nó, nay không gì bằng đưa quân ấy đi đánh nước Chiêm Thành". Thượng hoàng nói: "Giặc quấy nhiễu biên dân, nên cứu gấp ngay, sao lại so sánh tình thế khó với dễ, đương giận người này lại sang giận người kia bao giờ". Khắc Chung cúi rạp xuống tạ lỗi (Thượng hoàng đi đến sông Bạch Hạc, có đống đá ở giữa dòng sông, các thuyền phần nhiều mắc cạn ở đó, cầu đảo vị thần sông ấy. Phụ Võ Đại Vương nói: "Thuyền ngự đi được yên lành, thì sẽ có khen thưởng". Sau nằm mộng vó vị thần nói chưa được phong thưởng gì, liền phong thêm cho 2 chữ).

1) Hình dung là cốt cách, tướng mạo đẹp, vẻ được hết, duy có trong tâm tốt khó vẽ nổi.

2) Tự kể hành trạng: Khi ít tuổi đã có chí lớn; 12 tuổi là Thái học sinh; 16 tuổi đỗ thi Đình, 24 tuổi đi sứ sang Yên Kinh.

Hiến Tôn Hoàng Đế

Tên là Vượng, con thứ của vua Minh Tôn, ở ngôi vua được 12 năm, Vua có thiên tư sáng suốt, lại gặp lúc nước thái bình, tiếc rằng làm vua không bao lâu, chưa thấy làm được việc gì.

Niên hiệu Khai Hựu thứ hai, Bảo Từ Thái hậu mất. Tính bà rất nhân từ, yêu con các thứ thiếp cũng như con mình sinh ra, đối đãi phi, tần rất có ân huệ; ức chế các tư gia, không đem ân điển cho bậy ai bao giờ. Đời bấy giờ khen là hơn cả các vị mẫu hậu.

Chiêu Văn Vương là Nhật Duật mất (77 tuổi). Ông thông hiểu khắp thư sử, biết rõ âm luật, đời bấy giờ khen là người uyên bác, các chế tác ở triều đình đều do tay ông làm ra. Có sứ thần Chiêm Thành hay sứ Mán đến, thì ông nói chuyện bằng tiếng Chiêm hay tiếng Mán, vua Nhân Tôn khen là người phiên lạc thác sinh, sứ giả nhà Nguyên đến, không cần ai phải phiên dịch, ông tiếp chuyện vui vẻ như thường, sứ Nguyên ngờ ông là người Chân Định (nước Tầu) sang làm quan ở nước Nam. Ông rất giỏi về liệu tình thế của bên địch, trận đánh Chương Dương, là chiến công của ông to nhất trong năm Trùng Hưng. Cao sang vị thân vương, thờ 4 triều vua, 33 lần chuyên giữ một trấn quan trọng; ở trong nhà không ngày nào là không có chèo hát vui chơi, người ta ví ông cũng như Quách Phần Dương đời Đường.

Trần Khắc Chung mất, Khắc Chung là người kiểu mà tâm địa nhỏ nhặt, làm ra bộ cẩn thận, mà vẫn không giấu được bản tính. Thường cùng Sĩ Cố đánh cờ bạc, suốt ngày không hề nghỉ, có được hay thua một vài quan tiền, lấy làm khổ tâm lắm. Bạn bè có tiệc đầy tuổi con, khánh thành nhà mới, mời đến là đi liền; nhà lang thuốc có món ăn ngon cũng đến; quân lính có biếu món ăn, thì khen nịnh vợ nó; người thức giả khinh y lắm.

Khắc Chung đã vô lễ làm ô nhục bà Huyền Trân, mưu đồ giết Quốc Chân vô tội, cười đùa với thiên tai không lòng kính trời; đại hạn mà đổ lỗi cho Long vương, khinh khi cả quỉ thần; chỉ việc xiểm nịnh luồn cúi, mà các vua đời bấy giờ không biết là kẻ gian tà.

Khi phụ táng Bảo Từ Thái hậu ở Thái Lăng, Vua sai bách quan chọn ngày tốt, có người nói năm nay bất lợi, bác bỏ ngày đã chọn ấy đi. Thượng hoàng hỏi rằng: "Người biết sang năm ta chết hay sao?". Thưa rằng:

"Không biết". Lại hỏi: "Nếu sang năm chưa chết thì nên hoãn việc hỏa táng; nếu sang năm chết mà đã táng được Mẫu hậu, chả hơn chết mà không làm được việc hay sao? Trong lễ có sự chọn ngày là trọng việc đó mà thôi, sao lại câu nệ việc họa hay phúc thế được". Việc táng vẫn thi hành. Xưa kia: Khi đưa đám tang vua Đại Tôn đời Đường, vua Đức Tôn thấy xe tang không đi chính đường đã đặt sẵn lại đi tránh sang hướng Đinh và Vị, hỏi cớ tại sao? Các quan thưa: "Vì bản mệnh Bệ hạ tại hướng Ngọ, nên xe tang tránh hướng Ngọ". Vua nói: "Có lẽ nào mưu đồ tư lợi cho mình, mà bắt xe tang đi không chính hướng như thế", liền truyền lệnh cứ thẳng hướng Ngọ mà đi. Nay vua Minh Tôn bác lời chọn ngày, đều là có hiếu tâm, không mê hoặc về hủ tục.

Thượng hoàng thân đi đánh nước Ai Lao, cử Nguyễn Trung Ngạn làm Phát Vận sứ, thanh thế quân lừng lẫy, quân nước Ai Lao trông thấy phải trốn xa, Vua xuống chiếu cho Trung Ngạn mài vách núi đá ghi chép chiến công vào đó, rồi kéo quân về, chưa được mấy lâu, lại kiến nghị vua thân đi đánh nữa, nhưng bị chứng đau mắt, có người xin hoãn việc ấy, Vua không nghe; đi đến Nghệ An, nghe tin nước Ai Lao xâm lấn Nam Nhung, đương đau cũng cố đi, sai Đoàn Nhữ Hài làm đốc tướng, các đạo quân đều do ông điều khiển, Nhữ Hài nghĩ rằng quân Ai Lao yếu thế, đánh tất phải được, muốn lập kỳ công để kiêu ngạo với đồng bối; đến khi đánh nhau, quân giặc phục sẵn voi mà đánh giáp vào, quan quân to thua to, Nhữ Hài cũng ngã xuống nước, Thượng hoàng nghe tin nói: "Không phải Nhữ Hài không biết liệu tình thế quân giặc, chỉ vì làm to quá mà đến nỗi". Thế mới biết người ta không nên mong ước quá phận hạn của mình.

Trong việc này, Đỗ Thiên Lư cũng đương đau mà cố xin hỗ giá, nói rằng: "Thà chết ở ngoài quân dinh, chứ không chịu chết ở trên giường đệm". Thượng hoàng khen là khí khái, cho đi theo, cũng bị chết ở đất giặc.

Vua thì gượng đau mà xuất quân, Tướng thì gượng đau mà đi hỗ giá, lấy sự chết ở trên giường đệm là hèn, lấy sự chết bọc thây bằng da ngựa làm hùng tráng; ở đời có người mang chăn vào trúc trực, mới có một đêm; vắng nhà, đã tự kiêu ngạo với bọn tỳ thiếp, thật đáng cười.

Cử Nguyễn Trung Ngạn làm Tao Vận sứ, kiến nghị lập ra kho chứa thóc, chức các thóc thuế điền để phòng chẩn cấp cho dân bị đói, vua xuống chiếu bắt các lộ phải thi hành.

Đó là di ý kho Thường Bình đời cổ, đến mùa thì bán và đong, khi chẩn cấp đã có sẵn, không đến nỗi lâm sự mới hốt hoảng đi làm, dân không phải dắt nhau đi lại khổ sở, quan không phải đốc thu phiền bận, phát ra được chóng chia ra khắp, cũng là một chính sự hay.

Hưng Hiếu Vương đi đánh quân Mán Ngưu Hống bình được. Khi kéo quân về, viện lệ cũ khi Nhân Huệ định được Nam Nhung, mà xin thưởng cho kẻ giữ thuyền. Thượng hoàng nói: "Khi xưa Khánh Dư đánh Nam Nhung, phải lấy gỗ đóng lấy thuyền, đó là thuyền coi giữ ở đất giặc, không phải thuyền giữ Nghệ An của mình. Việc này nay khác với việc trước". Thưa rằng: "Nếu không có thuyền để giữ, thì chiến sĩ giữ lâu thế nào được?" Thượng hoàng nói: "Nếu thế, trước hết phải thưởng người ở trong triều đình; Kinh đô không giữ được yên, quân sĩ đi đánh giặc thế nào được?". Hưng Hiếu không trả lời được. Vua đổi quyển lịch Thụ thời gọi là Hiệp kỷ lịch. Bấy giờ Đặng Lộ là quan Hậu Nghi Lang, làm ra "Linh lung nghi", để khảo nghiệm hình tượng ở trên trời, đều được phù hợp.

Vua mất, (hiệu là Hiến Tôn) Hoàng tử Cao lên ngôi, Vua cải niên hiệu là Thiện Phong.

Cử Nguyễn Trung Ngạn làm chức Tri Khu mật viện sự. Quy chế cũ: Cấm quân thuộc vào Thượng Thư sảnh đến khi ấy đặt ra viện Khu mật quản lĩnh đạo quân ấy. Trung Ngạn kén đinh tráng xung vào số khuyết trong cấm quân, lập ra sổ sách. Viện Khu Mật quản lĩnh cấm quân từ Trung Ngạn trước nhất.

Dụ Tôn Hoàng Đế

Tên là Cao, con thứ 10 của vua Minh Tôn, ở ngôi vua 38 năm. Việc văn võ đều sửa sang chu đáo, trong nước bình yên, ngoại bang mến phục, khi nước được đại trị rồi, thì sinh ra ham mê chơi bời, cơ nghiệp nhà Trần từ đấy suy dần.

Phụ chép: Hôn Đức Công Dương Nhật Lễ.

Niên hiệu Thiệu Phong thứ hai, sửa lại tòa Ngự sử đài đã xong. Thượng hoàng đến thăm, về cung rồi quan Giám sát Doãn Định mới đến, dâng sớ kháng nghị: Thượng hoàng không nên đến Ngự sử đài, lời lẽ rất kích thiết, Thượng hoàng nói: "Đài cũng là một ở trong cung điện, sao lại không vào được? Vả lại trong đài trước kia có chỗ Thiên tử giảng học, đó là lệ cũ được vào Ngự sử đài". Định còn cố sức tranh chấp, bèn bị mất chức (Định cũng là điên cuồng, nói điều không đáng nói, cốt để che lỗi mình không ở công sở, bị mất chức là phải).
Bấy giờ đói kém, mất mùa, phần nhiều dân tụ họp làm trộm cướp, cũng có nhiều người làm thầy tăng và làm đứa ở cho các thế gia; gia nô các nhà Vương hầu càng nhiều lắm.

Đặt ra 20 đô phong đoàn ở các lộ để bắt trộm cướp (Dân bị cùng khổ đi làm trộm cướp, không phát thóc kho để chuẩn cấp cho dân lưu vong, chỉ nhờ vào sức Phong đoàn để lùng bắt bọn giặc cỏ, thật là cùng kế).

Thi Thái học sinh. Cách thi: ám tả cổ văn, kinh nghĩa và thơ phú.

Nhà Nguyên sai Vương Sĩ Hành đến hỏi việc lập đồng trụ, Vua sai Phạm Sư Mạnh đến biện luận.

Xưa kia, thuyền buôn nguời nhà Tống đến nước ta, tiến người Tiểu Nhân Quốc (thân dài 7 tấc, tiếng như ruồi nhặng, không hiểu tiếng nói) lại tiến vải Hỏa cán (giặt bằng lửa, giá mỗi thước 300 quan tiền, chế ra áo ngự dụng để ở Nội Phủ). Bảo Oai Vương tên là Nghiễn tư tình với cung nữ, ăn trộm thứ áo ấy; một hôm mặc vào trong mà vào chầu, khi tâu việc lộ cửa tay áo ra, Thượng hoàng trông thấy lấy làm nghi, sai kiểm duyệt lại, quả nhiên có bị mất, cung nhân bí mật lấy lại, đem vào cung tiến lên, Nghiễn vì việc ấy mà bị tội.

Cho người học sinh Đỗ Tử Bình làm chức Thị giảng.

Lời bàn: Nước đến khi sắp mất, thì trời tất sinh ra một người để phá hoại.

Từ đây trở đi, việc hấn khích ở biên giới Nhật Nam ngấm ngầm mở ra dần, tai họa của Duệ Tôn đã phục sẵn, cho nên đem chuyện một người học sinh mà chép lên sách, là đánh dấu bắt đầu loạn từ đấy.

Vua đặt ra trấn Vân Đồn. Xưa đời Lý các thuyền buôn do các cửa biển thuộc Diễn Châu đi đến, đến lúc bấy giờ đường biển đổi rời dần, cửa biển thì nông cạn, phần nhiều các thuyền buôn đến đậu ở Vân Đồn buôn bán, cho nên mới có lệnh đặt ra trấn này.

Làng Thiên Cường, trấn Nghệ An, có người con gái biến thành con trai.

Trâu Canh có tội, được tha khỏi chết. Xưa Vua mới lên 4 tuổi, đêm trung thu chơi thuyền trên Tây hồ, bị chìm xuống nước, tìm thấy ở trong cái đò đánh cá, gần tắt thở, Thượng hoàng sai lang thuốc là Canh cứu chữa, Canh nói: "Châm chích thì sống lại, nhưng chỉ bị dương nuy thôi". Đến khi Vua lớn lên, Canh lại tiến phương thuốc lấy mật người đồng nam hòa với Dương khởi thạch mà uống, rồi tư thông với người con gái cùng cha mẹ, thì ứng nghiệm; Vì thế Vua tư thông với Thiên Ninh Công chúa, quả nhiên kiến hiệu; Canh vì cớ ấy được ra vào trong cung trông nom thuốc, liền tư thông với cung nữ; việc phát giác, vì có công chữa Vua sống lại, nênđược miễn tội chết.

Tên Canh là người nước Tàu, con Trâu Tôn, khi quân Nguyên sang xâm lấn nước ta, vì có nghề làm thuốc được theo quân lính đi, đến lúc quân Tàu thua, ở lại núi Long Châu, làm nghề thuốc nên giàu, và cũng nhân vì đó mà thất bại, người ta truyền lại vì nơi ở có núi đá bức áp, nên giàu có không được lâu).

Chế Mỗ nước Chiêm Thành chạy sang nước ta, dâng một con kiến lớn dài 1 thước 9 tấc, và voi trắng, ngựa mỗi thứ một con.

Lúc trước chúa Chiêm là A Nan còn sống, con là Chế Mỗ làm con rể Bố Điền; Bố Để và Bố Đề bề ngoài tuy thân với nhau, nhưng bên trong vẫn tranh quyền, đến khi A Nan chết, Bố Để đuổi Chế Mỗ đi mà tự lập làm vua, Chế Mỗ phải chạy sang nước ta, xin cho quân đưa về nước. Khi bấy giờ Hưng Hiếu Vương trấn ở Hoá Châu, phải đảm nhận việc ấy, nhưng để chậm trễ ngày này sang ngày khác; chưa biết bao giờ được có thời kỳ về nuớc. Chế Mỗ nhân kể chuyện cũ Chiêm Thành: Xưa quốc vương nuôi một con khỉ, rao hỏi người trong nước có ai dạy khỉ biết nói, thì cho vạn bạc, có một người đến xin nhận, nói rằng phải dùng hết 100 bạc thuốc mới kiến hiệu, quốc vương mừng mà nhận lời. Ý người đó nghĩ rằng trong thời gian 3 năm, quốc vương , chính mình và con khỉ, tất có một người chết, thế là chỉ nhận bạc mà bất tất phải thành việc. Chế Mỗ sang cầu xin, mong được về nước, cũng giống như thế. Triều đình nghe biết chuyện ấy, mới nghị cất quân đi, sau ngăn trở về việc vận tải lương, quân lại kéo về, Chế Mỗ liền sau đó cũng chết.

Sử thần bàn rằng: Nước nhỏ phụng sự nuớc lớn, là vì nước lớn làm yên được hoạn nạn mà giữ cho nước nhỏ khỏi bị mất nước; sao lại không đem quân cứu giúp, làm mất lòng thành của Chế Mỗ qui thuận, cho bố đẻ được thành tội ác giết nghịch; để cho chúng thấy mình bất lực, tỏ lòng coi khinh; chưa mấy lúc mà nước Chiêm vào cướp Hoá Châu, quan quân bị thua, đến nỗi chúng kéo quân bức bách đến kinh đô, đuổi xe Vua. Nước Chiêm quấy rối mãi đến khi nhà Trần mất nước, thật là tại việc này làm cho chúng coi khinh đó, Trung Ngạn không nhận lỗi được, khi bấy giờ binh quyền ở tay

Trung Ngạn, mà không biết mưu tính việc nước, cho nên bị chê trách.

Trần Hữu Lượng khởi binh ở Giang Châu, sai sứ giả sang nước ta xin hòa. (Hữu Lượng là con của Ích Tắc, cuối đời Nguyên cùng vua Minh Thái Tổ khởi binh).

Cháu Hưng Đạo Vương tụ họp các gia nô trốn chủ của các nhà Vương, Hầu làm trộm cướp bóc các xứ Lạng Sơn và Nam Sách.

Lúc nhà Trần đương thịnh, đánh được nhà Hồ, nhờ sức các gia nô của Vương, Hầu nhiều lắm; đến khi nhà Trần gần suy, chúng tụ tập làm trộm cướp, bị tai hại về gia nô của Vương, Hầu lại càng nhiều; có người nói vì nhà Trần cho Vương, Hầu được mở phủ đệ riêng, nuôi riêng gia nô cho nên di hại về sau đến thế, nhưng không phải. Lúc mới đầu có nhiều vị tôn thất hiền tài như là Quốc Tuấn, Nhật Duật, ông nào cũng sáng suốt tri nhân, biết chế ngự người dưới, người lớn người nhỏ ai cũng tỏ hết tài năng, người lương thiện, người hạ tiện ai cũng được lòng; hơn thì như Phạm Ngũ Lão kém thì cũng được như Dã Tượng, Yết Kiêu nhờ vào sức các người ấy rất nhiều còn đến các ông Huệ Túc, Bảo Oai thì kém cỏi, gian tà, chỉ biết đua ngựa, chơi chim và thích ăn ngon, bọn môn khánh mới có câu ca nghĩ đến cá ngon, gia nô mới có ước nguyện được miễn roi vọt; cho nên kẻ thác thỉ(1) thì thích nghêu ngao trong phong trần, kẻ hèn kém thì chỉ nghĩ đến cái miệng bụng, như thế không xoay ra làm trộm cướp sao được? Ôi! Ví khiến, Phàn Nhược Thủy được một chức quan, thì không ai qua vượt nổi nơi hiểm Thái Thạch; Vương Đình Tấu được thuộc vào đạo quân nào, thì chưa đến nỗi phát ra cái nạn Lư Long. Người làm việc nước phải biết rõ những việc đó.

Trương Hán Siêu mất. Siêu có tài văn chương và chính sự, rất thích bài kích di đoan. Vua chỉ gọi ông là thầy chứ không gọi tên, nơi ông ở là Phúc Am, cách An Đăng có một bến sông, ông yêu mến sơn thủy núi Dục Thúy, dựng nhà ở đó, nay hãy còn di tích khắc vào đá, ai trông thấy cũng mến chuộng. Có điều sở đoản là: không cho giao du với người đồng liệt, chỉ quen thân bọn trung quan (hầu cận vua); như tên tù trưởng Lạng Giang, tên thày tớ chùa Quỳnh Lâm, đều mộ chúng giàu mà gả con gái cho bọn phi loạn, đời bấy giờ chê lắm. Lê Cư Nhân đã gọi ông là người nhà quê đá cầu, vì người thôn quê đá cầu phần nhiều không trúng, để ví với ông tính việc nhiều điều không đúng lẽ phải.

Lê Cư Nhân mất, Cư Nhân làm Hình quan, xét việc án ở nhà riêng, bị Đài quan hạch, Vua hỏi đến, ông tâu thật, Vua nói: "Sao không hồi hộ nói tránh đi". Ông thưa: "Thà rằng thần bị tội, chứ không dám bưng bít vua, làm quan mà nói dối quân thượng, thì còn làm gương mẫu chi liên thuộc sao được?".

Chu Đức Dụ khởi binh (người làng Thái Bình nước Tầu, sau đổi tên là Chu Nguyên Chương, là vua Minh Thái Tổ).

Thượng hoàng đi chơi núi Kiệt Đặc, khi trở về, trong thuyền ngự có con ong vàng đốt vào má bên tả, bị đau rồi mất, (người đời nói là Quốc Chân hóa yêu mà làm ra thế đó).

Vua Minh Tôn lên ngôi vua đã lâu, rồi bà đích mẫu mới sinh ra con trai, đến ngày đầy năm, có người xin hành lễ theo Thái tử, các quan lấy làm việc khó xử. Vua Minh Tôn nói: "Còn lễ nghi gì nữa? Trước vì chưa sinh con cả, nên tạm ơ ngôi vua thôi, nay đã sinh rồi, đợi lớn lên thì ta trả lại ngôi, có khó gì đâu". Nói rằng: Việc như thế từ tiền cổ đến giờ sinh nhiều sự nguy hiểm. Vua Minh Tôn nói: "Cứ thuận nghĩa phải mà làm, có gì đáng lo" rồi phải làm theo lễ Thái tử, nhưng chưa được bao lâu thì con vị con cả ấy chết.

Vua Minh Tôn khuyên bảo các con rằng: "Biển lận mà được giàu, chả thà tán tài cho nghèo, dù có bị thiếu thốn, nhưng không mất hạnh kiểm của quí nhân".

Đến lúc Vua đau nặng triều đình nghị làm chay, muốn đem thân thay cho Vua, nhưng Vua không nghe. Bà Thái hậu thả các sinh vật cầu cho Vua bình phục, Vua nói: "Thân ta không thể đem dê, lợn ra mà đổi được".


Trâu Canh xem mạch, nói là chứng phiền muộn; lập tức Vua đọc ra bài thơ:

"Chẩn mạch hưu ngôn phiền muộn đa,

"Y sinh lương lễ yếu điều hòa,

"Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết,

"Chỉ khủng trùng chiêu phiền muộn đa"(2).


Vua lại sai lấy tập thơ của Vua làm ra mà đốt đi, thị thần chần chờ mãi, Vua nói: "Vật đáng tiếc gì còn chả tiếc được, thì còn tiếc gì cái ấy nữa". Các con đến thỉnh giáo, Vua nói rằng: "Chúng mày xem cổ nhân, điều thiện thì theo, còn phải dạy gì".

Thời bấy giờ liền năm đói kém, một thăng gạo giá một tiền đồng. Vua đại xá cho thiên hạ, cải niên hiệu là Đại Trị, xuống chiếu cho các người giàu ở các lộ bỏ thóc ra cho người nghèo, các quan sở tại ước lượng giá tiền mà phát cho.

Ngô Bệ tụ tập dân chúng ở núi Yên Phụ, kéo cờ yết bảng rằng: "Chẩn cứu bần dân" từ Đại Liêu đến Chí Linh thuộc về y hết. Vua xuống chiếu cho các lộ phải bắt nã tên ấy, đưa về kinh đô chém đầu. Vua Minh Thái Tổ đánh nhau với Trần Hữu Lượng sai sứ sang nước ta thông hiếu, Vua sai Lê Kính Phủ đi sứ sang nước Tàu để xem tình hình hư thực thế nào.

Vua ngủ ngày ở Lương Phong Đường, chỉ một mình Tạ Lai hầu ở bên, rút gươm ra xem, Vua

thức dậy, sai đem chém Tạ Lai.

Vua bắt các nhà Vương, Hầu làm các trò hát vặt, Vua duyệt định, người nào hơn thì thưởng. Khi trước lúc đánh phá Toa Đô, bắt được con hát là Lý Cát hát giỏi, các thiếu niên, con hầu đều tập lối hát Bắc, thuật tích cổ Tây Vương Mẫu hiến đào, 12 người mặc áo gấm đánh trống, thổi tiêu, thay nhau trở ra, trở vào làm trò vui (Tiếng hát rất thê thảm, làm cho ai cũng động lòng cảm khái). Nước ta có truyện tích hát chèo trước đây. Lại họp các nhà giàu như là làng Đình Bảng, ở tỉnh Bắc Giang, làng Nga Đình ở Quốc Oai, vào trong cung đánh bạc làm vui, một tiếng bạc nghìn quan tiền. Lại sai trồng vườn hành, làm cái quạt đem bán để lấy lợi. (Có những khúc hát Giáng Hoàng Long, Yến Giao Trì, âm và điệu gần đều như cổ).

Làm vua một nước mà mở sòng đánh bạc để lấy hồ, trồng rau bán lấy lợi, ví với Tây Viên đời Hán, thì càng đáng bỉ hơn nữa.

Có tên Ngô Dẫn là Trại chủ Đại Lại, cha tên ấy được viên ngọc con rết, mang sang Vân Đồn bán cho thuyền buôn, nhân vì thế mà giàu, vua Minh Tôn gả Nguyệt Sơn công chúa cho nó, tên Dẫn cậy giàu, chỗ nó ở đặt riêng có tỳ thiếp, lại còn có nhiều câu khinh khi Công chúa, công chúa tâu lên Vua, tịch thu gia sản của nó. Lúc trước thì mộ nó giàu mà gả con gái cho, đến sau nhân cái lỗi của con rể si ngốc mà tịch thu tài sản; lòng thích của nặng quá lắm.

Vua khởi làm các viện thổ mộc lớn, đào ao ở vườn rau, xếp đá làm núi, 4 mặt đều khơi sông lưu thông, trồng hoa cỏ khắp nơi, nuôi nhiều giống cầm thú; phía tây ao trồng hai cây quế. Dựng cung điện đặt tên là Lạc Thanh Điện, lại đào riêng cái ao nhỏ, bắt người Hải Đông trở nước biển mặn về chứa ở đó, để nuôi con đồi mồi, cá, thuồng luồng và các giống hải vật; bắt người Hóa Châu chở cá sấu về thả ở đó. (Chứa nước mặn, nuôi cá sấu, lại là kỳ tưởng, vua Tùy Dưỡng Đế, Tống Huy Tôn cũng có núi có biển, lại không được cái chân thú này).

Nước Chiêm Thành cướp biên giới Hóa Châu. Tục Hóa Châu hàng năm cứ đầu mùa xuân thì hội cả trai gái chơi đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm phục ở ngọn nguồn, nhân ngày hội ập đến, bắt người chơi xuân đem về nước.

Quan Phòng Ngự sứ ở Lạng Giang là Thiều Thốn (người Thanh Hóa) khéo vỗ về quân sĩ, ai cũng vui vẻ, sau vì có em kiêu ngạo bị tội lây, mất chức, quân sĩ làm câu ca rằng: "Trời không rõ oan, Thiều Công mất quan". Khi xếp hành trang sắp về, lại có câu: "Thiều Công tây qui, lòng ta thương bi". Triều đình nghe biết chuyện, lại cho phục chức, lại có câu: "Trời đã rõ oan, Thiều Công phục quan". Thiều Thốn là vị biên tướng, mà trong quân ngũ nhớ tiếc và vui mừng rõ ra ở ba câu ca như thế, vì khi ở trong quân một lòng vỗ về an ủi, cùng nhau cam khổ mà không đẩy chúng vào nơi đau buồn. (Lê Quát là quan Hữu Bộc Xạ, người Thanh Hóa, khi nhỏ tuổi du học ở kinh đô, có người bạn đi sứ sang Yên Kinh, Quát có thơ tiễn rằng:


(3)"Dịch lộ tam thiên quân cứ yên,

"Hải môn thập nhị ngã hoàn sơn,

"Trung triều sứ giả yên ba khách,

"Quân đắc công danh ngã đắc nhàn".

Thức giả biết ngày sau Quát tất được sang. Quả nhiên đỗ cao làm quan đến sử tướng, hơn cả

ông bạn).


Vua ngự thuyền nhỏ đến chơi nhà Trần Ngô Lang ở làng Mễ Sở đêm về kinh đô, đến sông Chử Gia, mất cả bảo kiếm và bảo tỷ; thấy thế tự biết rằng đời mình ngắn, lại càng buông lòng vui chơi. Vua Thái Tổ nhà Minh lên ngôi, sai Dịch Tế Dân sang hỏi thăm nước ta, vua sai Đào Văn Đích sang nhà Minh đáp lễ lại.

Vua sai triệu Huyền Vân là đạo sĩ ở Chí Linh đến kinh, hỏi phương pháp tu luyện, đặt tên cái động của Huyền Vân ở là Huyền Thiên động.

Trước khi Vua mất, nhân vì vua chơi trăng, hóng gió, uống rượu say quá, triệu Bùi Khoan đến cùng uống, Khoan dùng kế giả tảng uống hết một trăm thăng rượu, được thưởng lên hai bậc. Vua thân ra tắm ở sông, liền bị đau, rồi mất, tên hiệu là Dụ Tôn. Thời bấy giờ sứ nhà Minh là Ngưu Lượng mang ấn mới sang, đến nước ta, thì vua Dụ Tôn đã mất, Lượng có thơ viếng. Cung Định Vương Chân ra đón tiếp và có thơ tiễn Lượng, có câu rằng:

"Viên Tản sơn thanh Lô thủy bích,

Tùy phong trực nhập ngũ vân phi"(4)

Lượng đoán rằng ngày sau tất lên ngôi vua, quả đúng như lời.

Bà Hiến Từ Thái hậu đưa con thứ của Dục, (Cung Túc Vương) là Nhật Lễ lên làm vua, cải niên hiệu là Đại Định (Nhật Lễ là con người hát chèo Dương Khương, mẹ y đóng tấn hát Tây Vương Mẫu hiến đào, lúc ấy đương có thai, nhan sắc kiều diễm, Dục yêu vì sắc đẹp lấy làm vợ, đến khi đẻ, nhận làm con mình. Bà Thái hậu lấy cớ Dục là đích trưởng mà mất sớm, nên lập con làm vua). Nhật Lễ đã lên ngôi, có người nói là hát chèo vô loài, giám mạo nhận để được ngôi báu, Thái hậu hối hận lắm, Nhật Lễ ở trong cung bỏ thuốc độc cho bà, bà mất. Thái hậu có tính nhân hậu, tuy là phận vợ cả, vợ lẽ khác nhau, nhưng vẫn ăn ở nhân từ, trong tình cốt nhục không điều gì đáng chê trách, ở hết đạo làm mẹ, đời gần đây chưa được người nào được như bà. Khi xưa vua Minh Tôn ngự ở Bắc Cung, người giữ cửa bắt được con cá trong giếng Nghiêm Quang, trong mồm có vật gì, móc ra, có lời chú yểm tên húy vua Dụ Tôn, Cung Túc và Thiên Ninh, xét hỏi kín biết rằng bà thứ phi mua con các đó. Cung Tĩnh Vương Nguyên Trác là con thứ phi. Vua Minh Tôn muốn xét cho ra mà trị tội, Thái hậu xin bỏ việc đó đi; đến đời vua Dụ Tôn, có người lại đem việc ấy ra, Thái hậu cố sức cứu, nhiều người can vào việc đó mới khỏi tội).

Nghệ Tôn Hoàng Đế

Vua Nghệ Tôn tên là Chân, con thứ ba vua Minh Tôn, ở ngôi vua được ba năm. Vua bình được nạn ở trong triều, lấy lại được ngôi báu, có công dựng nền Trung Hưng, sáng tỏ trong trời đất, mà vẫn để tâm về sự điềm đạm, không cho sự được ngôi làm vui thích, cũng là vị hiền quân đời Trần. Tiếc rằng đức nhân từ thì có dư, mà tính cương đoán thì không đủ, để cho nước ngoài xâm lấn, trong triều có kẻ gian thần, nhòm ngó ngôi báu, dần dà đến nỗi mất nước.

Niên hiệu Thiệu Khánh thứ nhất, Nhật Lễ được ngôi vua rồi, chỉ chăm chơi bời yến tiệc; lại quay lại họ Dương, bách quan và tôn thất đều thất vọng, quan Thái tể là Nguyên Trác cùng Thiên Ninh Công chúa đương đêm đưa các tôn thất vào trong thành giết Nhật Lễ. Nhật Lễ trèo qua tường phục ở dưới Tân Kiều, tìm không được, liền tan tác kéo về. Đến khi trời gần sáng, Nhật Lễ vào cung, chia người lùng bắt 18 người chủ mưu; Nguyên Trác bị hại, Thiên Ninh Công chúa mật bảo Cung Định Vương rằng: "Thiên hạ của tổ tiên ta, sao lại bỏ cho người khác, ông nên tránh đi, tôi đưa gia nô đi bình cái nạn này". Nguyễn Nhiên cũng biết Nhật Lễ muốn hại Cung Định Vương khuyên ông phải đi ngay, Cung Định Vương liền đi Đà Giang, ước hẹn kín với em là Kính hội với quân Thanh Hóa mà khởi binh. Lúc ấy Nhật Lễ tin dùng tên Ngô Lang, Ngô Lang âm mưu với Cung Định Vương. Mỗi lần đem quân đi đánh, thì lại mật bảo phải theo Cung Định Vương, nên bao lần cho quân đi không có người nào trở về cả. Ngô Lang làm nội ứng, bách quan cũng thứ đệ đi theo, cố nài xin Cung Định Vương trở về triều, để quét sạch nội nạn. Quân của Cung Định Vương đi đến Kiến Hưng, hạ lệnh phế Nhật Lễ làm Hôn Đức Công; rồi làm lễ cáo Thái miếu, nói rằng: "Việc ngày nay thật ý tưởng tôi không có ngờ, vì để cho xã tắc khỏi rối loạn mà tôi không tránh được, thật tự hổ thẹn lắm". Ngay hôm ấy lên ngôi vua, đổi niên hiệu, xuống chiếu các xe kiệu đều dùng sơn đen, không được sơn son thếp vàng. Quân tiến đến đóng ở bến Đông Bộ Đầu, Ngô Lang bảo Nhật Lễ phải tự tay viết thư kể tội mình, bỏ ngôi ra đón. Vua trông thấy Nhật Lễ úy lạo mãi, các tướng đều có lòng phẫn, rút gươm hô to rằng: "Kẻ có tội đã bắt được rồi, sao lại lấy nhân đức đàn bà mà bỏ mất ý nghĩa việc đánh giặc này". Liền đuổi Nhật Lễ ra, bắt giam ở phường Giang Khẩu. Nhật Lễ triệu

Ngô Lang đến, nói dối rằng: "Có lọ vàng chôn cất ở trong cung, nhờ lấy hộ"; Ngô Lang quỳ xuống nghe lời. Lễ liền đánh Lang đến chết, việc đó đến tai Vua, Vua sai đánh bằng tay chân không giết Nhật Lễ và truy tặng cho Ngô Lang chức Nhập nội Tư mã, tên thụy là Trung Mẫn. Nhất thiết các chế độ đều theo như cũ.

Vua nói: "Tiên triều ta lập quốc cũng đã có pháp độ riêng, không theo chế độ nhà Tống, vì rằng Nam và Bắc mỗi bên làm vua một nước, không nên rập theo của họ, trong năm Đại Trị, bọn thư sinh làm việc nước, không hiểu rõ sơ ý khi lập pháp, liền bỏ cả pháp độ cũ của tổ tiên, theo về tục Bắc. Nay là lúc sơ chính, nhất thiết theo thể lệ trong năm Khai Thái". Vua lấy cớ Nguyễn Nhiên có ơn với mình, cho làm chức Hành khiển, Nhiên không biết chữ, phê phó việc gì phải vạch chữ rõ mà bảo cho y viết. Quan Quốc tử Tư nghiệp là Chu Văn An mất, Vua sai quan dụ tế, cho tên là Văn Trinh, được thờ ở Văn Miếu theo hàng tiên hiền.

Văn An là người thanh tĩnh, giữ tiết hạnh rất khắc khổ, không cầu gì lợi lộc cao sang, chỉ ở nhà đọc sách, có nhiều học trò làm nên to, như các ông Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm đến chức Hành khiển, cũng phải giữ lễ thày trò, lạy ở dưới giường ông ngồi; có điều gì không phải là trách mắng ngay; ông là người nghiêm nghị đáng sợ là thế. Vua Minh Tôn cử làm quan Tư nghiệp, dạy Thái tử; vua Dụ Tôn ham chơi nhiều quyền thần làm phạm pháp, ông dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần, không có trả lời, ông liền treo trả mũ áo rồi trở về quê. Ông mến cảnh núi Chí Linh, đến làm nhà ở đó. Vua Dụ Tôn muốn ủy thác chính quyền cho ông, nhưng ông không nhận. Thái hậu nói: "Bậc hiền sĩ thanh cao, vua cũng không bắt người ta làm tôi được, giao chính quyền cho ông ta thế nào được". Thiên hạ ai cũng khen là có khí tiết cao. Khi bình xong nội nạn, ông mừng lắm, chống gậy lên yết mừng Vua, rồi lại trở về núi.

Chu Văn An người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm(5), chỗ ông ở liền với trường Đại học, ông xây một nhà đọc sách ở gò lớn, trước là cái đầm nước trong, hiện nay có đền thờ ông ở nơi đó. Ông ẩn cư ở núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh. (Đền thờ có bài văn bia là Nguyễn Công Thái, tiến sĩ triều Lê, soạn ra. Ở núi Phượng Hoàng có bia và bài ký, do tiến sĩ Lê Duy Đản lập lên). Lê Quát hiệu là Mai Phong học trò cao của Chu Văn An.

Sách Xưu Dị Ký: Long vương có con út ham học, nghe biết Chu Văn An dạy học trò, liền lên ở cõi trần để vào học, mà không ai biết, gặp lúc nắng hạ, nhà làm ruộng mất mùa, tiên sinh giảng xong bài, ngồi yên có vẻ lo buồn, mới đến hỏi tiên sinh cớ sao lại buồn, Tiên sinh nói: "Vì gian thần cầm quyền, không biết việc điều hòa âm dương, đến nỗi có đại hạn, người có lòng nhân đều phải đau xót, ta cũng không sao quên được", liền đứng ra thưa rằng: "Tiểu sinh có tài gì đâu, làm thế nào kéo được máy tạo hóa được, nhưng cũng xin thử làm chút ít, may ra cũng đủ sức" bèn cầm hồ nước đổ vào nghiên mực, một lúc có cơn mưa như giội; rồi lạy tạ thầy, từ đây xin thôi học. Khi về đến bên sông Nhuệ Giang, chợt gặp vị thiên sứ hỏi cớ làm mưa đó; liền ngã xuống đất hóa ra con giao long, người trong làng đào đất lấp lên, gọi là "giao long hạc túc", đối ngạn với Quán sở, hơn tháng sau thấy có linh ứng, người làng đó lập đền thờ, nay vẫn hãy còn.

Vua trừ bỏ cách cắt chân ruộng bãi cát bồi, bỏ lệnh điểm duyệt tài sản.

Trước kia, vương hầu có ruộng ở ven sông thì bãi cát mới bồi ở liền ruộng, đều thuộc quyền sở hữu; đến thời bà Chiêu Từ Thái hậu mới lập ra pháp luật cắt chân, chận lấy ruộng mới bồi, để thu lấy thuế. Nhà quyền quý nào chết hay bỏ đi, thì tài sản thuộc về con cháu, đến đời vua Dụ Tôn mới có lệnh phải kiểm duyệt, châu báu nộp hết vào công, đều là những người bầy tôi chỉ thu nhặt mở mào ra đó. Nay đều bỏ hết cả lệ ấy đi.

Nước Chiêm Thành vào cướp kinh đô, do cửa biển Đại An, theo chiều gió đi một đêm đến thăng cửa biển Thái Tổ (nay là phường Phục Cổ huyện Thọ Xương). Vua đi thuyền sang sông Đông Ngàn để đánh giặc. Khi bấy giờ thái bình đã lâu, biên giới và các thành không có quân phòng giữ, nên giặc đến không có quân lính để chống cự, quân giặc vào thành cướp của bắt người, cung điện rỗng không. Trước, mẹ Nhật Lễ trốn sang nước Chiêm Thành, dụ chúng vào cướp, để phục thù cho Nhật Lễ, người Chiêm đắc chí, hàng năm làm lo cho biên giới, quốc gia từ đấy mới sinh ra nhiều việc.

Nước Chiêm từ đời Dương Mại, Phạm Chí trở về sau, vẫn làm mối lo cho nước ta, thời gian nhà Lý và Trần tuy có bị nhiều trận thua to, cũng vẫn khi phục, khi phản vô thường, đến cuối đời Trần thì chúng lại quật cường lắm.

Vua lập em vua là Kính (Cung Tuyên Vương) là Thái tử chế ra 14 chương Hoàng Huấn cho Thái tử, đến khi truyền ngôi, lại làm bài châm 150 câu mà cho.

Vua lấy người họ ngoại là Lê Quý Ly làm Khu mật Đại sứ (2 người cô và chị Quý Ly đều là cung nhân của vua Minh Tôn, một thì sinh ra vua Duệ Tôn, nên lúc sơ chính Vua càng tin dùng, lại gả Công chúa cho nữa).

Vua truyền cho Thái tử Kính lên làm vua. Vua Nghệ Tôn là người hiếu hữu, bình xong loạn Nhật Lễ mà không có lòng tham vị, bỏ con mà lập em, làm cho người Minh khen là có lòng coi thiên hạ là công như Nghiêu, Thuấn.

Vua cho Trương Hán Siêu được tòng tự vào đền thờ Khổng Tử.

Nhà Trần cho 3 người được tòng tự vào đền thờ Khổng Tử: Chu Văn An là hơn cả, Hán Siêu là nhầm; còn đến Tử Bình thì chặt bỏ xác ra từng tấc một cũng chưa hết tội, sao lại được xen vào hàng cung đình lễ nhạc. Nay ở nhà phía tây Văn Miếu vẫn còn bài vị thời Chu Văn An. Còn Hán Siêu và Tử Bình thì đã tước bỏ đi rồi, không biết từ đời nào, xem thế có thể thấy lòng người ta cùng một nhân tâm, thiên lý.

Duệ Tôn Hoàng Đế

Tên là Kính, con thứ 11 vua Minh Tôn, em vua Nghệ Tôn, khi vua Nghệ Tôn chạy loạn, thì quân lính và binh khí đều do tay vua thu nhặt, cho nên mới được truyền ngôi.

Niên niệu Long Khánh thứ nhất, Vua bổ sung quân ngũ, sửa sang chiến thuyền để phòng có việc đánh Chiêm Thành.


Thi Tiến sĩ, lấy đỗ: Trạng nguyên: Đào Sư Tích, Bảng nhãn: Lê Hiếu Phủ, Thám hoa: Trần Đình Thâm. Và có các hạng xuất thân. Lệ cũ: 7 năm một lần thi, còn thi Đình không có lệ nhất định. (Học sinh Tam quân thuộc quan, học sinh thị thần, học sinh tướng phủ, đã có phẩm tước rồi, đều được dự thi).


Tuyển dân đinh xung vào quân ngũ, xưa kia quân túc vệ chỉ có đạo quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần, sau đặt thêm đạo Oai Tiệp, Bảo Tiệp, Tả Ban, Hữu Ban đều có đặt ra quân hiệu, có chức Đại Đội trưởng và phó.

Vua định ngạch quan hầu, đặt ra 6 cục Cận thị Chi hậu, lấy các vị vương hầu, tôn thất làm chức Chánh chưởng.

Vua cấm quân nhân không được mặc lối áo quần người Tàu và bắt chước tiếng nói nước Chiêm và Lào.

Vua đại duyệt cả quân thủy và quân bộ ở sông Bạch Hạc, xuống chiếu cho Thanh Hoá, Nghệ An vận lương đến Hoá Châu, đợi Vua sẽ thân đi đánh Chiêm Thành, quan Trung tán là Lê Tích nói: "Việc đem quân đi đánh là việc lớn nguy hiểm, về phần tướng súy thí không nên muốn được công trạng mà muốn đánh lúc nào cũng được; huống chi mới bình xong nội nạn, vết thương đau của dân, của nước chưa lành, thần trộm nghĩ không nên hưng sử". Vua không nghe, khi kéo quân đi đến sông Bát Tràng, có người dân quê đương cử hành đám tang, vua xuống chiếu bắt phạt 30 quan tiền.

Trước kia chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga quấy nhiễu biên giới, Vua sai Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ ở Hoá Châu, người nước Chiêm đem vàng dâng Vua, Tử Bình lấy vàng ấy làm của riêng mình, mà nói rằng người Chiêm vô lễ, nên đánh, Vua mới quyết ý thân đi đánh Chiêm, quan quân đi đường biển đến Nhật Lệ, thì đóng quân ở đó thao luyện, rồi lại tiến đóng ở động _ Mang; người Chiêm lập đồn lũy ở ngoài thành Đồ Bàn, nơi ấy đường núi thì hẹp, tứ vi đều là rừng rậm; quân giặc phục trong rừng

Tượng Lâm, quan quân ta không biết, giặc sai dâng thư trá hàng, nói rằng Chúa nó đã trốn đi rồi, chỉ còn thành trống không, nên tiến mau vào, không nên để lỡ cơ hội; Vua tin lời, lập tức cưỡi ngựa vẫy quân tiến lên. Đỗ Lê can rằng: "Chúng đã xin đầu hàng, thì ta hãy sai một người biện sĩ đưa thư vấn tội, để dò xét tình hình hư hay thực của chúng, như kế của Hàn Tín phá quân nước Yên khi xưa, mới được". Vua nói: "Quân ta đã đi vào sâu rồi, không một người nào dám xung phong; việc binh cần phải thần tốc, chần chờ thế nào được; người thật gan dạ đàn bà", bèn cho mặc áo đàn bà, rồi quan quân như đàn cá nối nhau kéo đi, đội trước đội sau xa cách nhau, bị phục binh giặc xông ra chặt đứt làm đôi, quân ta vỡ, Vua mất ở trong đám loạn quân, Đỗ Tử Bình thống lĩnh toán hậu quân không ứng cứu, chạy thoát lấy thân; Lê Quý Ly đốc vận lương, được tin trốn về trước. ngày hôm ấy ở kinh đô ban ngày mà mờ tối, chợ và phố xá phải đốt đuốc để buôn bán. Khi kéo quân về, Đỗ Tử Bình bị bắt xuống làm lính.

Việc hành binh này, họ Lê và Đỗ 3 lần dâng sớ can ngăn, mà Vua không nghe, liền treo trả mũ bỏ đi. (Đỗ là người Phù Đới, tính thích thảng, có chí khí lớn; khi nhỏ tuổi sang học ở Tây Hồ, xem các tướng tập bắn, nói rằng: "Nghề này làm không khó gì". Các tướng nói: "Mày có bắn trúng được không?", trả lời: "Xin bắn thử"; bắn ba phát trúng cả ba. Một tướng muốn đem về nuôi, nhưng ông không chịu theo, cứ du học, sau đỗ Tiến sĩ, làm quan thanh liêm và nghèo, không tậu nhà, ruộng; con cháu nối đời làm quan, vẫn giữ được nề nếp nhà, có tiếng ở đời bấy giờ).

Lời bàn: Vua Duệ Tôn mật mưu việc nghĩa cử, quét sạch nội nạn, không phải tài anh hùng không làm được thế; đến việc này thì nhận lời đầu hàng của giặc mà không xét là thật hay giả, vào nơi hiểm trở mà không dò xét cẩn thận, cứ kéo quân lũ lượt đến, đến nỗi mắc nưu trá hàng, ba quân tan hết, làm trò cười cho quân Mán, thật là lỗi khinh địch, cự gián, rước lấy tai vạ vào mình.

Thượng hoàng lấy cớ Vua bị chết vì quốc nạn, mới lập con Vua là Nghiễn nối ngôi vua, cải niên hiệu là Xương Phù. Nước Chiêm Thành lại vào cướp, do cửa biển Thiên Phù kéo vào, thẳng đến kinh đô.

Sử thần bàn: Lúc nhà Trần đương thịnh, mỗi lần quân Nguyên sang là bị thua kéo về; đến lúc nhà Trần suy, mỗi lần quân Chiêm đến, cướp bóc no chán rồi về; quân Nguyên là giặc mạnh, quân Chiêm là mán rợ nhỏ, sao nhà Trần đối với quân Nguyên thì mạnh thế, đối với quân Chiêm thì yếu thế, chả qua là tại người cả; Vua Nghệ Tôn, rút rát, không được bằng vua Nhân Tôn có hùng tài; mà bầy tôi càng kém nữa, không bàn mưu kế với ai được, không giao phó biên giới cho ai được, cửa biển không có quân phòng, trên sông không có đồn canh giữ, quân giặc đến thì mê man, quân giặc đi thì lại cô tức; thậm chí đem cả thần tượng chạy đến An Sinh, đem hết của báu giấu ở Thiên Kiện, không kế gì để tự thủ, thấy giặc đi làm mừng; nếu mà Bồng Nga chưa chết, không biết nhà trần lúc ấy chống đỡ bằng cách gì. Tử Bình giỏi về nghề ăn cắp vàng, không biết trù liệu việc binh, Quý Ly giỏi về ăn cướp nước, không biết cách làm tướng , đáng than phiền cho thời vận và nhân tài khi bấy giờ nhiều lắm.

Vua sai Trần Đình Tham sanh nhà Minh báo tang, nói rằng vua Duệ Tôn đi tuần về biên giới bị chết đuối. Nhà Minh từ chối rằng: "Theo lễ có 3 điều không nên viếng là: Bị khiếp sợ mà chết, bị áp bức mà chết và bị chết đuối". Đình Tham tranh biện mãi, nói rằng: "Vì Chiêm Thành bạn nghịch, vua Duệ Tôn vị việc nước mà bị nạn, thế là có công với dân, sao lại không viếng?". Nhà minh lại phải sai sứ sanh viếng thăm.

Thời bấy giờ nhà Minh đương nhòm ngó nước ta, chỉ muốn tìm cớ, Lý Thiện Trường nói: "Nước người ta em chết vì quốc nạn, mà anh lập ngay con người em làm Vua, nhân sự như thế, thì có thể biết thiên mệnh thế nào"; việc ấy mới bỏ đi.



Phế Đế

Phế Đế tên là Nghiễn, con trưởng vua Duệ Tôn. Vua Duệ Tôn đi đánh miền Nam mà bị mất, vua Nghệ Tôn mới lập làm vua, sau bị giáng làm Linh Đức Vương, ở ngôi vua 12 năm, là người hôn ám, hèn kém không làm được việc, để quyền về tay kẻ dưới, làm cho xã tắc nghiên đổ, đến thân cũng không giữ được, đáng thương lắm.

Niên hiệu Xương Phù thứ hai, nước Chiêm Thành lại vào cướp, Vua sai Đỗ Tử Bình chống cự, quan quân tự tan vỡ, quân giặc thứa kế đến kinh đô, Lê Giác bị giặc bắt, chúng bắt phải lạy chúng, Giác nói: "Ta làm đại thần một nước lớn, đâu phải lạy chúng mày", quân giặc giận đem giết đi. ( Giác là con Lê Quát, được truy phong là Trung Võ Hầu; con là bính làm chức Cận thị Chi hậu cục Chánh chưởng).

Thời bấy giờ đương có việc quân, mà phủ kho trống rỗng; Đỗ Tử Bình kiến nghị theo phép đánh thuế dong của nhà Đường, mỗi một hộ phải nộp 3 quan tiền, từ đấy thuế mới nặng thêm. ( Lệ cũ: ruộng cấy hay bãi dâu mới đóng thuế, không cấy trồng thì miễn thuế. Ruộng phải nộp thóc, bãi dâu phải nộp lụa, đã định sẵn thành nghạch, sinh thêm ra thì không tính đến, chết đi thì không trừ; đến bây giờ lại bắt phải cung rao dịch ( bắt đi làm việc).

Quý Ly tiến cử Nguyễn Đa Phương làm Tướng quân. ( Quý Ly khi nhỏ học Sư Tề, dạy cho nghề võ, Đa Phương là con Sư Tề, đã bị quân Chiên bắt, nay mới trốn về, được Quý Ly tiến cử, người đời bấy giờ bảo là đáng lo vì chúng gây nên vây cánh).

Vua sai quân dân chuyển vận của cải của nước đến giấu ở nước Thiên Kiện, các thần tượng ở lăng cũng về rước về An Sinh, phòng khi có quân Chiêm Thành lại vào cướp Diễn Châu, vua sai Lê Quý Ly thống lĩnh thủy quân, Tử Bình thống lĩnh bộ quân để phòng ngự. Khi giao chiến, Nguyễn Toàn Ngao quay thuyền trở lại tránh tên đạn của giặc, Quý Ly chém đầu đem rao các trại quân. Các trại quân thúc trống reo hò mà tiến lên, chúa Chiêm là Chế Bồng Nga thua trận trốn chạy. Từ đây Tử Bình kêu là có bệnh, xin giải binh quyền ( rồi chết liền), Quý Ly một mình lĩnh chức Nguyên nhung. Vua sai đốc xuất các người tăng chúng cường tráng ở thiên hạ tạm làm

lính, để đánh Chiên Thành. Bấy giờ quân Chiêm cướp Thanh Hóa, quan quân đóng ở núi Long Đại; Nguyễn Đa Phương cắm gỗ ngăn giữ cửa biển Thần Đầu, người Chiêm đưa cả quân thủy và bộ lên trên núi, lấy đá ném xuống, thuyền quân bị tổn hại nhiều, Đa Phương không đợi lệnh của Quý Ly mở gỗ cắm ở cửa biển ra mà đánh, quân Chiêm thua to, tản mát vào núi. Đa Phương đốt hết cả rhuyền của giặc, lại đốc quân vây núi, giặc chết đói nhiều, dư chúng phải bỏ chạy, quân ta đuổi theo đến Hóa Châu rồi mới về. Được tin thắng trận, Vua cho Đa Phương làm Kim Ngô Vệ Đại Tướng quân.

Khi Lê Quý Ly lĩnh chiến thuyền đi đánh Chiêm Thành, mới đóng thuyền lớn có hiệu là Diêm Dã, Ngọc Đột, Nha Tiệp, khi ra biển bị sóng gió đánh bể nát nhiều, liền trở về; người Chiêm nghe tin, dẫn quân đi đường bộ theo chân núi đường Quảng Oai mà đến kinh đô, Thượng hoàng sai Lê Mật Ôn chống giữ, đi đến chân Tam kỳ (thuộc Quảng Oai), quân giặc đã phục sẵn, lính và voi đều xông ra, quan quân ta thua chạy. Được tin báo, Thượng hoàng đi Đông Ngàn để tránh giặc, một người học trò là Nguyễn Mộng Hoa kéo thuyền ngự xin ở lại để đánh giặc, nhưng Thượng hoàng không nghe.

Từ đời nhà Lê và Lý trở lại, quân Chiêm Thành rất hèn nhát, hễ quân ta đến thì giặc chạy hoặc hàng; đến bấy giờ Bồng Nga nghĩ thay đổi tục cũ, dạy cho biết phương pháp đánh trận, người Chiêm từ ấy mới dũng mãnh chịu quen khổ sở, nên thường làm mối lo cho biên giới của ta. Thượng hoàng ở cung Bảo Hòa, các bầy tôi chia phiên trực ở bên, hỏi các việc cũ, biên tập thành tám quyển, nhan đề Bảo Hòa dư bút. Nhà Minh đánh Vân Nam, sai Dương Bàn đến đòi quân lương, Vua sai Trần Nghiêu Du vận lương đến đầu địa giới Thủy Vũ đưa cho; nhà Minh lại yêu cầu 20 thày tăng. Xưa kia nước ta đưa Nguyễn Tôn Đạo (hoạn quan) đến Kim Lăng, Tôn Đạo nói thầy tăng người Nam là đạo tràng khoa cúng lễ hơn thày tăng người Bắc, nên bấy giờ mới cầu xin. Tôn Đạo lại nói phương nam nhiều hoa quả tốt, nên nhà Minh cầu xin các cây cau, vải, mít, long nhãn, nước ta có đưa cho, nhưng vì không chịu được rét, chết khô cả. Tôn thất đại thần là Nguyên Đán thấy quyền bính ngày một xuống tay kẻ dưới, biết rằng Quý Ly tất cướp nước, mưu đồ tránh hậu họa, bèn xin cáo lão, về Côn Sơn vui cùng trúc đá, tự hiệu là Băng Hồ, ngầm ủy thác con là Mộng Dữ cho Quý Ly, sau này tôn thất nhà Trần đều bị giết hại, duy có con cháu Nguyên Đán là còn. (Nguyên Đán hay thơ, có tập thơ Băng Hồ phát hành ở đời, có thơ gửi cho liên hữu nói ý những việc hưng vong cổ kim có thể để làm gương, các ông sao nỡ không can gián gì. Lại gửi cho Trang Định, đại ý nói đêm nay cáo vào chuồng gà, chả xơi được mẹ tất là xơi con. Trang Định chỉ còn biết than thở). Minh sứ đến mượn đường đi đánh Chiêm Thành, đòi 50 con voi, từ Nghệ An đặt nhà trạm cấp lương cỏ, đưa đến Vân Nam. Lời bàn: Từ khi Tôn Đạo đưa tình hình trong nước mách cho nên nhà Minh, cực ngôn nhân vật thịnh, vàng ngọc giàu, cho nên nhà Minh mặc ý yêu cầu, nào đòi lương đòi voi, không năm nào ngơi. Quân gian nịnh kéo phùng nghênh dễ được lòng người. Nhà Trần sai Tôn Đạo sang Bắc mà hỏng việc nước, nhà Minh tin Tôn Đạo lấn đất Nam mà mở ra hấn khích ở biên giới, đến cả gia đình Tôn Đạo cũng tan nát theo, đáng lấy đó làm răn. Hồ Tôn Thốc làm quan An Phủ, có xâm đến của dân, vua Nghệ Tôn lấy làm lạ mà hỏi, thì tạ lỗi rằng: "Một người được ân vua, cả nhà được hưởng thiên lộc. " Vua tha tội cho (Tôn Thốc người ở Diễn Chân, Nghệ An, nhỏ tuổi đã đỗ, chưa có tiếng, gặp tiết Nguyên tiêu, có vị pháp quan họ Lê mở hội treo đèn, Tôn Thốc ở ngay trên đám tiệc làm 100 bài thơ, từ đấy tiếng lừng kinh đô). Vua cho Quý Ly là cờ và thanh kiếm: (là cờ đề rằng: "Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức"). Quý Ly lấy dụ chỉ của Thượng hoàng phế Vua làm Linh Đức Vương. Khi trước có sao chổi, Vua cùng Thái úy Thích bàn mưu nói: "Thượng hoàng yêu dùng họ ngoại, Quý Ly muốn làm gì được nấy; nếu không tính trước, tất sau này khó chế ngự được". Mưu ấy tiết lộ, Quý Ly biết, Đa Phương khuyên nên ra ở núi Đại Lại, để chờ biến chuyển, Cự Luận nói: "Không được, đã ra ngoài rồi, thì khó lòng giữ được toàn". Quý Ly nói: "Túng xử không phương kế gì, thì ta phải tự tận, không thể nhờ tay người khác được". Cự Luận nói: "Thượng hoàng có nhiều con trưởng đích xuất, mà lại lập cháu làm vua, tục ngữ có câu: "Chưa thấy ai bán con để nuôi cháu" đem câu ấy động đến tai, rồi cải lập Chiêu Định, trở tai họa thành ra phúc, dễ như trở bàn tay. Quý Ly mật tâu, Thượng hoàng cho là phải. Sáng sớm hôm ấy, nói thác rằng Thượng hoàng đi An Sinh, triệu Vua đến bàn việc nước, Vua chưa ăn cơm đã đến ngay, lập tức bị dẫn ra chùa Tư Phúc giam kín, rồi ra nội chiếu nói: "Vua Duệ Tôn mất không trở về, thì lấy con đích làm Vua, là theo lối cổ đó, những vì quan gia lên nối ngôi, hãy còn tính trẻ con, đức tính thất thường, không thể làm chủ một nước được", nên giáng làm Linh Đức Vương, rước Chiêu Định vào nối ngôi Vua. Chưa được mấy lâu, lại đem buộc cổ cho chết.

Cung nhân của vua Duệ Tôn, là mẹ Linh Đức Vương là em gái họ của Quý Ly. Vua Duệ Tôn đi đánh miền Nam bị chết, bà này đã cắt tóc làm ni cô, đến khi vua Nghệ Tôn lập Linh Đức làm vua, bà cố từ chối không được, lại vào ở trong cung, nói chuyện với Thái úy Thích có vẻ lo lắm: "Con tôi bạc phúc, khó kham được trách nhiệm to. Tiên hoàng mất đi, tôi không chết theo được, không còn muốn trông đến việc đời nữa, huống chi còn nỡ trông thấy con nguy đến thân hay sao". Rồi bà mất. Con út vua Nghệ Tôn là Chiêu Định Vương Ngung được lập lên làm vua, cải niên hiệu là Quang Thái. Lời bàn: Vua Nghệ Tôn già lẫn quá lắm, trước kia đã nhường ngôi cho em, lại lập cháu làm vua, không coi ngôi vua là của riêng, lòng đó sao quang minh thế. Đến khi tuổi già, mê hoặc về câu bán con nuôi cháu, chia ra khinh và trọng trong chỗ con cháu, không nghĩ rằng: xã tắc là trọng, người nào hiền đức thì lập lên, còn phân biệt con với cháu làm gì. Vả lại trong hàng con vua Nghệ Tôn duy chỉ Trang Định lớn tuổi mà hiền đức, Quý Ly vẫn sợ xưa nay, thanh ngôn rằng tất phải lập ông ấy làm vua, để cho ông có lời từ chối; ông đã từ chối rồi; liền khen ông là đại đức, để ngăn ý Nghệ Tôn không định kiến gì, lầm tin sự giả dối của nó làm cho thật. Lão già 60 tuổi, trao ngôi vua cho đứa trẻ 10 tuổi; gửi con cho quạ già, mà dặn nó: "Đừng thịt con ta, đừng phá hủy nhà ta", không biết rằng con quạ già có tin được đâu. Than ôi! Lòng người muốn làm mất nước của người ta, tất phải làm hôn mê trí lự của kẻ đương cực, như có vật gì che mất mắt đi, người đứng xem bên ngoài tuy có sáng suốt, nhưng vì hoàn cảnh dở dang trái ngược, không làm gì được, nên mới đến nỗi thế đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét