Việt Sử Tiêu Án .P07

Việt Sử Tiêu Án
Ngô Thời Sỹ

Thuận Tôn Hoàng Đế Và Thiếu Đế
Thuận Tôn tên là Ngung, con út của vua Nghệ Tôn, ở ngôi vua 9 năm, bị Quý Ly giết. Tuy làm vua mà chỉ giữ hư vị, làm vị vua bù nhìn. Năm đẻ và ngày chết đều bị tà thần cầm vận mệnh, thật đáng thương.


Niên hiệu Quang Thái năm thứ hai, người ở Thanh Hóa là Nguyễn Thanh mạo xưng là Linh Đức, lánh nạn vào Lương Giang, dân hưởng ứng theo.

Người Chiêm Thành vào cướp Thanh Hóa, Quý Ly đem quân chống cự; quân giặc đắp ngăn thượng lưu sông, quan quân ta cắm gỗ ở Bàn Nha đối lũy với nhau. Quân giặc phục voi, giả tảng nhổ trại về, Quý Ly kén dũng sĩ đuổi theo, thủy quân mở cây gỗ ra đánh nhau, quân giặc tháo đập nước, đưa voi ra xông vào trận, quan quân ta thua to, Quý Ly trốn về, xin thêm chiến thuyền để chống cự. Thượng hoàng không cho, vì thế y xin trả lại binh quyền, không đi đánh nữa.
Thượng hoàng sai Trần Khát Chân đi đánh giặc, quân ra đến Hoàng Giang, gặp quân giặc, Trần Nguyên Diệu kéo quân đầu hàng giặc trước. Việc này Quý Ly trốn trước, Đa Phương trốn theo, thế mà còn cho rằng: toán quân đi giữ gìn sau cùng, là công của mình, có vẻ kheo khoang, thế là những người thua bỏ chạy 50 bước cười người chạy 100 bước, lại không xấu hổ với quân lính buộc thuyền giữ cây gỗ đó hay sao? Còn tài cán gì mà khoe khoang.

Quý Ly nói dèm pha với Thượng hoàng rằng mỗi trận ở Bàn Nha, vì Đa Phương mà đến nỗi thua. Thượng hoàng nói nên trừng phạt bằng tội nhỏ; Quý Ly nói: "Đa Phương dũng mãnh, thôi sợ nó sẽ bỏ đi sang Minh hay sang Chiêm mất, thả hổ di hoạn, không bằng giết đi là xong" liền bắt phải tự tử. Đa Phương than rằng: "Vì có tài mà được sang cũng lại vì có tài mà đến chết, ta chỉ tiếc rằng không chết ở trong chiến trận thôi". Yêu tăng là Phạm Sư Ôn chiêu tập bọn vô lại tụ ở Quốc Oai, 2 vua phải đi về phía bắc để trị nạn; Sư Ôn vào ở trong cung khuyết 3 ngày; Thượng hoàng sai Phụng Thế đánh bắt được, Sư Ôn chịu tội chết, các tên bị bắt phải theo, được tha chết không hỏi gì.

Cuối đời Trần, hễ quân giặc đến là lánh đi, đành rằng bọn cuồng khấu khó chống cự, đến lũ giặc đói ở thôn quê cũng vào được cung khuyết, mà cũng không dám kháng cự, sao lại nhát đến thế. Vua Nghệ Tôn trị quốc thì không sửa sang võ bị, Quý Ly giữ chủ bình thì không quen tướng lược, các thành trì, đồn canh chả lưu ý gì đến, một tên yêu tăng khởi lên mà vua phải chạy vất vả, thế còn gọi là trong nước có người tài sao? Trước kia vua Nhân Tôn không ngồi trong thành mà giữ, ra ngoài mà liệu cách đánh giặc, có hèn nhát như thế đâu?

Chúa Chiêm Thành Chế Bồng Nga cùng tướng là La Khải đem quân đến xâm lược nước ta, vua sai Trần Khát Chân chống cự, gặp nhau ở Hải Triều; người Chiêm chưa tụ quân được hết, Bồng Nga ra trước để xem tình thế, tiểu thần của y là Bỉ Lậu Kê bị tội, chạy về với quan quân ta, chỉ thuyền sơn màu xanh mà bảo rằng: đó là thuyền quốc vương; Khát Chân sai hỏa súng cứ nhằm thuyền ấy mà bắn đến một lúc, bắn suốt qua Bồng Nga, quân giặc tan vỡ cả. Nguyên Diệu lấy xác Bồng Nga chạy về với quân ta, Khát Chân đóng hòm thủ cấp dâng lên Vua, Thượng hoàng nói: "Ta và quân Chiêm giữ nhau mãi, nay mới được trông thấy đầu này, khác gì Cao Tổ trông thấy đầu Hạng Võ". Bách quan đều hô mừng "vạn tuế". Tướng Chiêm là La Khải thu tàn quân đi đường bộ theo ven núi chạy về nước, giữ nước tự lập làm vua, con Bồng Nga là Ma Nô sợ bị giết, chạy về nước ta.

Mở kho tàng ở núi Thiên Kiện lấy các của cải bán giấu ở đó khi trước, bị núi lở, không khai được, liền bỏ đó. Quan Tư đồ Nguyên Đán mất. Thượng hoàng đến hỏi thăm và hỏi về hậu sự, ông đều không nói gì, chỉ xin kính nhà Minh như cha, yêu nước Chiêm như con, thì nước được vô sự; ông có làm thơ rằng: "Nhân ngôn ký tử dữ lão nha. "Bất thức lão nha liên ái phần"(6). Là ý khuyên can Thượng hoàng việc gửi vua Thuận Tôn cho Quý Ly.

Nguyên Đán có cô con gái tên Thái, sai nho sinh Nguyễn Ứng Long dạy học, Ứng Long tư tình với cô Thái, Nguyên Đán liền gả cho, sau sinh ra con là Nguyễn Trãi khai quốc công thần đời Lê. Nguyên Đán ở động Thanh Hư, núi Côn Sơn, cháu ngoại là Nguyễn Trãi có làm bài ca. (Chép ở Hoàng Việt vặn tuyển).

Lời bàn: "Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, gặp vận nước không may, chỉ lấy sự rút lui để toàn thân là đắc sách, biết chơi thắng cảnh ở động Thanh Hư, mà không hỏi đến xã tắc ở Thiên Trường an hay nguy; chỉ mưu tính cho anh em Mộng Dữ, mà không nhìn gì đến cha con vua Nghệ Tôn được lợi hay bị hại; đến khi vua hỏi đến hậu sự, cũng không nói rõ; không biết rằng: Quý Ly đã không che chở gì cho mình, thì sao còn đưa Mộng Dữ gửi nó? Vua đã mất nước, bầy tôi toàn một mình thế nào được? Lời răn dạy của cố nhân đúng lắm.

Trang Định Vương xưa cùng Linh Đức mưu tính giết Quý Ly, việc tiết lộ, bị nó oán, vẫn để lòng nghi và lo sợ, phải trốn đi, đến Vạn Ninh, người trại đó không cho ở, Thượng hoàng sai Nhân Liệt chạy theo gọi về; Quý Ly ngầm sai người giết đi.

Lời bàn: Trang Định là con Vua mà trốn đi, gặp phải người trại đó có dã tâm, tên tướng mọn hạ độc thủ; trên có vua cha không xét cho cái cớ phải bỏ đi, cũng không biết đến nguyên do đến nỗi chết. Vua Nghệ Tôn già lẫn đến thế, thật đáng giận lắm.

Mùa hạ đại hạn, Vua xuống chiếu cầu có người nói thẳng việc triều chính bấy giờ. Bùi Mộng Hoa dâng thư: "Thần nghe câu trẻ con hát rằng: "Thâm tai Lê sư", tất nhiên Quý Ly có dị chí. Thượng hoàng đem lời ấy bảo Quý Ly, vì thế Mộng Hoa đành ẩn lánh không dám ra.

Không rõ Mộng Hoa xuất thân là hạng thế nào, túng xử ở nơi giang hồ mà có lòng lo cho Vua, lại càng tỏ là khí tiết chi sĩ, tự cao như chim hồng bay ở lưng trời, Quý Ly làm thế nào mà lưới bẫy được. Thật đáng là hào kiệt Đặt chức Giang quan Tuần thủ ở các xứ, để trông coi việc lùng bắt giặc cướp. Mông Trang bàn rằng: Kẻ ăn trộm cái vòng thì bị giết, kẻ ăn trộm cả nước thì được phong tước hầu; đặt ra chức phòng giữ giang quan, chả qua là kẻ bắt trộm nhỏ móc túi cướp níp đó thôi. Trong dân gian không có việc đào tường, lẻn cửa, mà nhà Trần đã có mối lo đổi ngọc thay vạc rồi. Quý Ly làm ra 14 thiên minh đạo dâng lên Vua; để Chu Công làm tiên thánh, ngồi hướng mặt phía nam, Khổng Tử làm tiên sư, ngồi hướng mặt phía bắc. Trong sách Luận Ngữ có 4 chỗ đáng ngờ, như là: Yết kiến Nàng Nam Tử, khi ở nước Trần bị Tuyết Lương và Công sơn Phật Mật mời. Khổng Tử muốn đến v.v... cho Hàn Dũ là đạo Nho, bọn Châu, Trình, Chu tử thì học bác tạp mà tài hèn, chỉ chăm trộm cắp ý nghĩa cổ nhân. Thượng hoàng khen ngợi lắm. Đoàn Xuân Lôi trợ giáo trường Quốc Tử chống lại nói là không nên làm thế, bị lưu đày ra châu gần. Lời bàn: Nhan Uyên nói: đạo của Phu tử lớn lắm, thiên hạ không chỗ dung nạp nổi, cho nên ở Lỗ bị trục, ở Tề bị cùng khốn, ở Vệ bị thiệt hại, ở Thái bị vây, bị Yến Anh dèm pha, bị Võ Thúc chê trách, là lời người đồng thời, lại có kẻ truất xuống làm trung hiến, giáng làm tiên sư, thật là người mù chê mặt trời, mặt trăng không ánh sáng, có làm tổn hại gì được các vì sáng đó. Còn đến bảo Xương Lê(7) là đạo Nho, Liêm, Lạc(8) là trộm cắp. Đạo học các vị này khi ở Bắc, đã bị khuất trong thời bấy giờ, sang đến Nam, lại cũng bị đời sau bài bác, các ông thật là gặp ách vận, đáng than.
Quý Ly tìm kím được dòng máu họ Hồ, muốn trở lại họ cũ, bèn lấy tên Hồ Cương làm người tâm phúc.

Thượng hoàng sai vẽ hình tượng Chu Công, Hoắc Quang, Chư Cát Lượng, Hiến Thành làm bức Tứ phụ đồ (4 vị giúp vua) cho Quý Ly, lại dụ rằng: "Nếu vua có thể giúp được thì giúp, nếu hèn kém quá thì cứ tự nhận lấy". Quý Ly thề rằng: "Đâu dám có mưu đồ khác, nếu có thì trời không chứng". Bấy giờ Thượng hoàng nằm mộng thấy vua Duệ Tôn đưa quân lính đến, miệng đọc thơ rằng:

Trung gian duy hữu xích chủy hầu,

"Ân cần tiềm thượng bạch kê lâu,

"Khẩu vương dĩ định hưng vong sự,

"Bất tại tiền đầu tại hậu đầu".



Thượng hoàng chiết bài thơ này rằng: Thượng hoàng sinh năm Tân Dậu là bạch kê (gà trắng), Quý Ly là mỏ đỏ (xích chùy), khẩu vương là chữ quốc, hưng vong sau này sẽ thấy. Vì thế nghĩ lo lắm, nhưng quyền binh đã về tay nó rồi, không thể làm gì được nữa, Thượng hoàng liền mất, hiệu là Nghệ Tôn.

Sử thần bàn rằng: Vua Nghệ Tôn lúc trước lầm cho rằng Quý Ly là người gửi con cháu được, đến lúc mất hết quyền, mới biết là trúng kế của nó, đến năm tàn sắp chết mới tỉnh ngộ, xem trong đồng tính, vây cánh tôn thất không có ai, xét ngoài triều thần, thân đảng của tên gian thần đã bền chắc, không còn sao được, hối thì đã muộn. Cho nó bức tranh tứ phụ, là mong còn kéo lại phần nào chăng? Cân nói: khả phụ, khả thủ, mặc nó muốn sao thì làm, chứ có phải thật bụng mong nó giúp Vua như 4 vị ở trong bức tranh đâu. Đến chuyện nhà Trần lấy vợ người cùng họ, là răn sợ bị họ ngoại lấy mất nước như nhà Lý, thế mà con cái họ Hồ vào làm phi tần nhà Trần sinh hai vị vua, để làm cái mầm Quý Ly nắm quyền, con gái họ Trần gả về họ Hồ, sinh một cháu ngoại, để làm câu nói cho Hán Xương xin quyền nhận việc nước; thật là trời mượn việc đó mà làm nhà Trần mất nước, báo thù cho vua Lý Huệ Tôn, con tạo xoay vần khéo đến thế. V

ua xuống chiếu, cho Quý Ly vào ở trong sảnh đài, gọi là Họa lư. Quý Ly biên tập thiên Vô Dật để dạy Quan gia; có lệnh gì thì xưng là Phụ chính Cai giáo Hoàng đế.

Ngày xưa nhà Lương có Hầu Cảnh tự hiệu là Vũ trụ Tướng quân, nay Hồ Quý Ly tự xưng là Cai giáo Hoàng đế, thật là một khoáng điển của bọn tà thân từ thiên cổ đến giờ.

Cấm bách quan không được dùng lối áo tay lớn, đồ dùng dân gian không được sơn son thếp vàng.

Nhà Minh sai Hanh Thái đến xin giúp cho quân, và voi, cùng lương thực cấp cho quân. Thời bấy giờ nhà Minh đánh quân Mán làm phản ở Long Châu, nên âm mưu đặt ra kế đó, muốn mượn tiếng để bắt người nước ta, Hanh Thái mật bảo cho Tri châu, vì thế nước ta không cho quân lính và voi, chỉ cấp cho lương, cũng không được nhiều, đưa đến Đồng Đăng rồi trở về.

Mới ban hành tiền giấy "Thông bảo hội sao". P

hương pháp làm tiền giấy: giấy 10 đồng vẽ rau tảo, giấy 30 đồng vẽ sóng nước, giấy một tiền vẽ mây, giấy hai tiền vẽ con rùa, giấy ba tiền vẽ con lân, giấy năm tiền vẽ con phượng, giấy một quan tiền vẽ con rồng. In xong, cho dân đổi lấy tiền; cấm không được chứa tư dùng tư thứ tiền bằng đồng.

Định thể cách thi cử nhân. Năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, thi trúng, lại phải thi một bài văn sách, rồi định thứ bậc, chia ra kinh và trại, có tuyển đủ tam khôi (ba vị đỗ đầu).

Thể cách thi: kỳ thứ một: một bài kinh nghĩa, có phá đề, tiếp ngữ, tiểu giảng, đại giảng, tiểu kết, hạn 500 chữ; kỳ thứ hai: Thơ Đường luật, phú cổ thể, hoặc là tao, tuyển, cũng từ 500 chữ trở lên; kỳ thứ ba: Bài chiếu như thể của đời Hán, bài Chế, Biểu như thể tứ luc đời Đường; kỳ thứ tư: một thiên văn sách hỏi về kinh, sử và thời vụ, hạn 1.000 chữ trở lên

Phương pháp khoa cử của nhà Trần đến đó mới đủ; các nhân tài thu dụng được, trong đó có Nguyễn Ức Trai là giỏi hơn cả, còn thì để giúp cho đầu đời Lê như là: Lý Tử Tấn, Võ Mộng Nguyên, Phan Phu Tiên, Nguyễn Thiên Túng đều là cự phách trong làng văn. Duy có kính nghĩa thì từ Minh có trước, cùng lý trí dụng không thiết gì yếu bằng, cũng có thể suy rộng ra mà thi hành được.

Định cách chức mũ và phẩm phục các quan văn và võ. (Nhất phẩm áo màu tía, nhị phẩm màu đại hồng, tam phẩm màu hoa đào, tứ phẩm màu lục, ngũ phẩm trở xuống màu xanh biếc). Quý Ly làm thơ và kinh nghĩa bằng quốc ngữ. Sai các thày đàn bà dạy các cung nhân. Các ý nghĩa thì theo ý kiến của mình, không theo tập truyện của Chu Tử.

Quý Ly lúc trước đỗ thi Hương, lại thi trúng khoa Hoành từ, cho nên mới dám xính thông minh, không biết rằng lối học chương cú của mình, đã biết thế nào chỉ qui của thánh hiền, như là 4 điều ngờ sách Luận ngữ, tự nghĩ ra thi nghĩa, thật là con ếch ngồi trong giếng nước, không thể nói chuyện biển cả được; cũng như con vượn xé trộm áo Chu Công.

Sai quan Thượng thư Đỗ Tĩnh xem xét và đo đạc động An Tôn ở Thanh Hóa, xây thành đào hào, lập nhà miếu và xã tắc để sẽ thiên kinh đô vào đó. Phạm Cự Luận can ngăn. Quý Ly nói: "Chí ta đã quyết định rồi, nhà ngươi còn nói gì?". Nhữ Thuyết nói: "Xưa kia nhà Chu và Ngụy thiên đô, đều có sự không may; đất Long Đỗ của ta có núi Tản, sông Lô, cao sâu, phẳng rộng; nước Việt ta mở nghiệp lấy nơi đó làm căn bản, người Nguyên chịu phục tru, giặc Chiêm nộp đầu, những việc trước có thể kinh nghiệm rõ, vậy xin nghĩ lại".

(Cự Luận đi đánh giặc cỏ Hồng y ở Tuyên Quang bị giặc vây hãm rồi chết).

Thành Tây Đô của Quý Ly ở tại các ấp Hoa Giai, Phương Giai, Tây Giai thuộc huyện Vĩnh Phúc(9), ra vào có 4 cửa thành, là các đường phố khi trước, nên đặt tên như thế, hiện nay còn vết xây đá; tả và hữu thành bách cận với núi đá, một con sông từ Ai Lao chảy đến là Lương Giang hợp lưu ở trước mặt; một cha con họ Hồ ở đó, thân bị bắt, nước bị mất, đành là ăn ở bất nghĩa nên tội, nhưng cũng là tình thế nơi này mà đến nỗi.

Đổi tên Nghệ An là Lâm An, Trường An là Thiên Quan, Lạng Giang là Lạng Sơn, Diễn Châu là Vọng Giang. Xuống chiếu rằng: Đời cổ nước có nhà học, hương đảng có nhà Tự, xóm ngõ có nhà Tường, đều là nơi để tỏ rõ giáo hóa, hậu phong tục; ngày nay đã lập ra quốc học mà ở các châu huyện hãy còn thiếu, nên phải đặt ra học quan, cho học điền; phủ thì được 15 mẫu, để cung cấp việc lễ ngày sóc và đèn sách; các giáo, Huấn sinh viên, hàng năm kén người ưu tú cống lên triều đình, sẽ thân hành thi để kén chọn. Lời bàn: Quý Ly thì phiền mà vụn vặt giống như Vương Mãng, xính học thuật thì lại quá hơn, thích việc đời cổ giống như Vũ Văn, tài kinh tế thì không bằng. Tự lúc đảm đương việc nước, đổi hết chế độ cũ, đặt ra Thượng Lâm tự mà bãi sở Đăng Văn, phát hành tiền giấy thông bảo, mà cấm dùng tiền thực chất, định lễ khoa cử lập quy chế học, đổi tên châu trấn, phân biệt cấp bậc mũ áo, để sửa sang nên đời thái bình; nhưng mà gốc đã lỗi rồi, còn thi hành điều gì được nữa? Huống chi nhà Minh đương chăm chú xâm miền Nam, lại không biết phòng bị, quên mất sự giữ vững cửa ngõ, chăm thay đổi hòn ngói, cái xà nhà hư nát, làm như thế chỉ chóng mất nước thôi. Xuống chiếu hạn chế người đứng tên ruộng. - Người thường dân không được có quá 10 mẫu, thừa ra phải tiến vào của công. Thời bấy giờ các nhà tôn thất cho gia nô riêng ra đắp đê ở miền duyên hải, ngăn nước mặn, khai khẩn thành điền, lấy làm trang ấp riêng; nên khi ấy mới có lệ hạn chế ruộng. Nhà Minh đưa 2 người họ Nguyên là Đại Hồ và Tiểu Hồ sang an trí ở nước ta, cho tên Đại Hồ là Địa Phục Cơ, tên Tiểu Hồ là Địa Bảo Lang. Lũ trẻ con hát rằng Thâm lai Lê sư, mà nhà Minh lại đưa tên Hồ sang an trí, đó là triệu chứng cha con Quý Ly phải bỏ nước mà đi, và lời sấm vua Lê Thái Tổ hưng sư.

Quý Ly bức bách Vua phải thiên đô. Ngự giá đi đến đồn Đại Lại, 2 người cung nhân là Trần Ngọc Cơ, Trần Ngọc Kiểm nói mật với Vua rằng: "Thiên đô tất có sự cướp ngôi, cướp nước". Quý Ly nghe biết, giết 2 cung nhân ấy đi; vì cớ đã trót có lời thề với vua Nghệ Tôn, (câu tình nguyện giúp con Vua) nhưng vẫn muốn trái lời thề đã lâu, mới ngầm sai đạo si Nguyễn Khánh thuyết với Vua rằng: "Nơi đó cảnh đẹp thanh u, khác chốn trần gian, bản triều chỉ sùng Phật giáo, chưa có theo tiên chân du, Chúa Thượng mệt nhọc về việc nước, không gì bằn truyền ngôi cho Đông Cung, để giữ lấy sức khoẻ", liền lập nên Bảo Thanh Cung ở phía nam núi Đại Lại, rước Vua đến ở đó, truyền ngôi cho Hoàng tử Án, đổi niên hiệu là Kiến Tân, Quý Ly lấy là Quốc Tổ nhiếp chánh, đề cái bảng rằng: "Cai giáo Hoàng đế thánh chỉ" ngay ngày hôm ấy lên ngự điện ở kinh đô mới.


THIẾU ĐẾ

Tên là Án, con trưởng vua Thuận Tôn, ở ngôi vua được 2 năm, Quý Ly phế làm Bảo Ninh Đại Vương.

1) Phóng đãng không giữ đức hạnh.

2) Xem mạch không nên nói phiền muộn, chỉ nên điều hòa thuốc mà chữa, nếu cứ nói đến phiền muộn mãi, e rằng sinh mãi phiền muộn không hết.

3) Đại ý: Ông đi sứ, tôi về ẩn dật, ông làm nên công danh, tôi được nhàn rỗi.

4) Theo luồng gió sẽ đưa tới nới có mây ngũ sắc.

5) Nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

6) Người ta bảo gửi con cho quạ già, biết quạ già có thương không?.

7) Tên Hàn Dũ.

8) Chu Đôn Di và Trình Tử.

9) Nay thuộc xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.



HẬU TRẦN

VUA GIẢN ĐỊNH ĐẾ


Vua tên là Ngỗi, con thứ vua Nghệ Tôn, hiệu là Giản Định. Cuối đời Hồ, Vua khởi binh phục hưng nhà Trần, ở ngôi vua hai năm, bị quân Minh bắt, đó tuy là lòng trời, nhưng cũng tại người làm hỏng việc. Tháng 2, niên hiệu Hưng Khánh thứ nhất, Hồ Trừng tiến quân đến Lỗi Giang, người Minh chiếm cứ hai bên bờ sông đánh giáp lại, quân Trừng thua, Quý Ly, Hán Thương cùng về Thanh Hóa, dân chúng kinh đô và các lộ, phần nhiều theo giặc Minh mà phản họ Hồ, rồi đầu hàng quân Minh, người Kinh và người các lộ bị người Minh xử tàn khốc, ai cũng có dị chí mưu phản lại Minh.

Nhà Minh xuống chiếu tìm con cháu họ Trần, kỳ lão nói: "Bị Lê Quý Ly giết hết cả, không còn ai nối dõi họ Trần được. An Nam vốn xưa là đất Giao Châu, xin phục lại quân huyện như xưa, để đổi mới cho dân". Nhà Minh bèn đặt ra quận Giao Chỉ, có chức Bố chính Án sát và các phủ huyện nha môn. (Nhà Minh cầu con cháu nhà Trần, đâu phải là chân tâm, cốt để che tai mắt người nước Nam đó; quốc dân cũng biết như thế, chẳng là thuận theo chúng cho xong, chứ có thích gì lập ra phủ huyện).

Quý Ly chạy ra cửa biển Điển Canh, người Minh đuổi theo, quân Hồ bỏ thuyền tự tan vỡ, Ngụy Thức xin 2 cha con Hồ tự đốt mình, nói rằng: "Vua nước đã mất, không chịu chết ở tay người khác". Quý Ly giận chém Thức; lại chạy đi Kỳ La(1), dân nơi ấy có bô lão đến yết kiến, nói: "Nơi này tên là Cơ Lê, có điềm không hay, xin đừng ở lại đây" (Bô lão này không muốn cha con Hồ ở đấy, nên phiên vận đi, để dọa y đó), Quý Ly lại chém người này. Người Minh kéo thẳng đến Nhật Nam, bắt được Quý Ly ở bãi biển Chỉ Chỉ, bắt được Hán Thương ở cửa biển Kỳ La, bắt được Quốc Trưng ở núi Cao Vọng, ngoài ra còn bao nhiêu người đều bị bắt hết; duy có quan Hành khiển Ngô Miễn nhảy xuống nước chết, vợ y là Nguyễn Thị nói: "Chồng tôi tử tiết, thế là đắc sở rồi; nếu tôi còn sống là phụ chồng tôi, tôi không nỡ thế"; rồi cùng nhảy xuống nước mà chết.

Kỳ La có núi Thiên Cầm(2), là nơi 2 cha con Hồ bị bắt, nên gọi tên là Thiên Cầm. Lại trong cựu sử: Khôi thường chơi ở đó, nghe tiếng sáo trời, nên gọi tên là Thiên Cầm, chữ Cầm là đàn viết lầm chữ cầm là bắt.

Người Minh tính lấy được 48 phủ, châu, 3.169.500 hộ, 121 con voi, 420 con ngựa, 35.700 con trâu, 8.865 cái thuyền.

Trước Hoàng Hối Khanh trấn Thăng Hoa, lấy thổ quan là Đặng Tất, Phạm Thế Căng làm người tâm phúc. Tất cùng Châu Phán, Nguyễn Lỗ, vì công trạng mà ghét nhau, gặp lúc ấy cha con Hồ bị người Minh bức bách, viết thư cho Hối Khanh sai Lỗ thống lĩnh dân thiên cư, làm quân cần vương, lại sắc phong Ma Nô làm quận vương, để vỗ về dân chúng Chiêm Thành; Hối Khanh đều ẩn giấu không bảo cho dân chúng. Đến khi Chiêm Thành ra quân muốn lấy lại đất cũ, Hối Khanh bỏ về Hóa Châu, có một mình Ma Nô kháng cự với Chiêm, sức kiệt bị hại. Lúc Hối Khanh trở về Hóa Châu, có lời thề với dân chúng, Lỗ biết Tất cùng Hối Khanh có dị đồ, lánh mặt không dự thề; Lỗ đưa dân thiên cư đi đường bộ hơi chậm, Tất đi đường thủy đến trước, quan trấn phủ Thuận Hóa là Nguyễn Phong cự không nhận. Tất cố sức đánh giết Phong rồi vào thành, lại đánh nhau với Lỗ, Lỗ bị thua, chạy đi Chiêm Thành, Tất nghe tin người Minh đã đến Nghệ An, xin đầu hàng Trương Phụ. Phụ sai người đưa Hối Khanh về, đi đến cửa biển Đan Thai, Hối Khanh tự vẫn, Phụ bêu đầu ở chơ Đông Đô.

Hối Khanh là quan Hành khiển ra làm Đốc trấn, ủy nhiệm không phải là không trọng, người Minh xâm phạm nước Nam, cha con Hồ chạy lang bạt, Hối Khanh nhận được thư mà không phó cứu, chỉ nghêng ngang ở Ô Lý lập bè đảng làm việc riêng, chết ở Đan Thai là muộn rồi.

Trương Phụ sai Liễu Thăng giải Quý Ly và Hán Thương về Kim Lăng, đến nơi, vua Minh nói: "Trung Quốc như thế, sao dám kháng cự". Rồi đem giết cả. (Xét trong sử Minh và Toàn Việt thì chép rằng: Quý Ly bị giam ở nhà ngục, con y là Trừng dâng phương pháp làm súng thần, được chức Lễ bộ Thượng thư, Trừng xin ân xá, Quý Ly đuợc tha, rồi sau mới chết, cùng với lời sử chép của nước ta hơi khác, vậy lục ra đây để sau khảo cứu).

Người Minh lấy cớ còn nhiều người ẩn dật ở sơn lâm, bèn đặt ra các khoa Minh kinh, Lực điền, Thư toán, Thợ thuyền; để sưu tầm các người ấy đến, mà đưa về Kim Lăng cho làm quan, những người hơi có tiếng tăm đều ra ứng tuyển; duy có Bùi Ứng Đẩu, Lý Tử Cấu kiên gan không chịu ra; bấy giờ có câu ca dao rằng: "Dục hoạt ẩn lâm san, dục tử tố Bắc quan"(3).

Nguyễn Đại cậy có công bắt họ Hồ, rút lại vẫn bị Trương Phụ giết.

Sử thần bàn rằng: Người Minh cấp về cầu nhân tài như thế, có phải thật có lòng hiếu hiền đâu; chỉ sợ người anh hùng không bao giờ hết, cuộc nội thuộc đã thành rồi, tất sẽ có người ra phá hoại mất, cho nên đưa lời nói ngọt, dử cho tước vị để ràng buộc lấy, làm cho loài kiến ham mỡ, con sâu thấy lửa đỏ, thì lăn vào, rồi chúng một mẻ bắt hết cả, xem như việc Nguyễn Đái và Bá Kỳ thì thấy rõ, còn Ứng Đẩu và Tử Cấu không bị phồn hoa bó buộc thân, thật là bậc kiệt sĩ.
Trương Phụ kéo quân về, để Hoàng Phúc ở lại làm Trấn thủ, (Phúc người Xương Ấp, tỉnh Sơn Đông). Phúc có tài ứng biến, hiểu cách trị dân, ai cũng khen là giỏi.

Vua Giản Định lên ngôi ở Mô Độ, thuộc đất Tràng An(4). Trước Trương Phụ yết bảng bắt tôn thất nhà Trần đem về, vua Giản Định trốn tránh đi đến Mô Độ, ngườ Thiên Trường là Trần Triệu Cơ xuất dân chúng lập lên làm vua. Người Minh đánh vào hành cung, quân mới tụ tập, chưa đánh đã tan vỡ, liền đi về phía tây chạy vào Nghệ An. Đại Tri châu Hóa Châu là Đặng

Tất được tin, giết quan của Minh, rồi đưa quân đến hội với quân Vua, Giản Định phong cho Tất làm Quốc công, cùng mưu toan việc khôi phục, bắt được Tri phủ của địch Phạm Thế Căng ở cửa biển Nhật Lệ, nhân thế điều động các lộ quân Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, tiến lên đánh Đông Đô. Quân đi qua Phúc Thành (nay là Phúc Am) gặp Tổng binh Mộc Thạnh của Minh ở Vân Nam đi đến, vừa đến Bô Cô, gặp khi thủy triều to, gió lớn, cho quân giữ các cây cắm sẵn, đắp lũy cả hai bờ sông. Thạnh cũng chia quân thủy và bộ ra giữ nhau, vua Giản Định cầm dùi đánh trống cho quân tiến, quân Minh thua chạy, Mộc Thạnh chỉ còn một thân thoát chết, chạy vào thành Cổ Lộng. Vua Giản Định bảo chư quân thừa thế đuổi dài, tiến đánh Đông Quan, tất là phá được, Tất nói: "Hãy đánh bọn giặc lẻ tẻ ở ngoài, chớ nên để có hậu loạn". Tất do dự không quyết định. Quân ở Đông Quan đến cứu viện, tiếp đón quân Mộc Thạnh; Tất chia quân vây các thành, truyền hịch cho quân các lộ phải đánh quân giặc. Vua đóng quân ở Hoàng Giang, bọn hầu ở trong cung là Nguyễn Quý, Nguyễn Trang mật tâu Vua rằng: "Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền, sợ sau này khó chế ngự nổi". Vua Giản Định triệu hai người đến, sai lực sĩ chẹt cổ giết chết.

Lời bàn: Bô Cô ở sông Thanh Quyết, theo thủy triều, đi thuyền 3 trống canh có thể đến Lạc Tràng, đi thẳng lên Đông Đô không đến một ngày, thừa trận được to ấy, mà không tán thành lời quyết định của vua Giản Định, ai chả biết là thất cơ. Nhưng mà Tất đã vất vả ở Bố Chính, bị Trương Phụ đuổi ở phía sau, Thế Căng ngăn ở mặt trước, mà phá được Thế Căng, lấy lại Tân Bình, mới điều động được quân ở các trấn Thuận, Quảng, Hoan, Ái, để có quân tiến đánh Đông Đô; lặn lội hàng tuần đến được Bô Cô, may mà bẻ gãy được gươm giáo của quân Điền và Kiềm. trương thanh thế quân Thanh, Nghệ, còn một bước nữa thì đến Thăng Long, nòn xa gì nữa mà phải dùng dằng không tiến. Tất cả trù tính kỹ lắm rồi, Mộc Thạnh mới sang, xa xôi nghìn dặm, quân bị đói khát mỏi mệt, thoát chết ở Bô Cô là may lắm. Còn Trương Phụ là tay cáo già, như con hổ ngồi nhìn ở Đông Đô, bây giờ là toán quân cô độc của ta xa xôi kéo đến, chưa kể thủ tắng, vạn nhất trước mặt, sau lưng đều có quân địch, ta không có quân, lương cứu viện, có phải là dẫn thân đến chỗ chết không ? Cho nên thà nghỉ ngơi để mà điều độ, mới là kế vạn toàn. Tất cũng là trí tướng đấy chứ. Nếu được dùng hết mưu đồ của ông, thì người Minh cũng phải có phen khốn đốn, quyết không dám bảo nước ta vô nhân. Tiếc thay ! Vua Giản Định tự phá hủy bức trường thành của mình đó !

Con Cảnh Chân là Cảnh Dị, con Đặng Tất là Đặng Dung đều giận rằng cha chết không đáng tội, lĩnh quân về Thanh Hóa rước Trần Quý Khoách đến Nghệ An lập làm Vua, đổi niên hiệu là Trùng Quang. Nguyễn Xuất làm chức Thái phó, Cảnh Dị làm Thái Bảo, Đặng Dung làm Tư mã, vua Giản Định giữ thành Ngự Thiên, lũ Xuất hội quân đến đánh úp bắt được. Lê Nguyên Đỉnh ngầm khởi binh ở Hát Giang, lập mưu đánh úp vua Trùng Quang, việc bị tiết lộ, vua Trùng Quang giết đi. Lũ Xuất liền dẫn vua Hưng Khánh(5) đến sông Chế thuộc Nghệ An, vua Trùng Quang ăn mặc hạ bậc ra đoán rước, khi ấy trời có mây tối âm, hốt nhiên có con rồng vàng hiện ra, dân chúng đều lấy làm kinh dị, bèn tôn vua Hưng Khánh làm Thượng hoàng, đồng góp sức đánh giặc. Vua Hưng Khánh tiến quân đến Hạ Hồng, vua Trùng Quang tiến quân đến Bình Than, các người hùng kiệt ở các lộ đều hưởng ứng; gặp lúc Trương Phụ dẫn quân đến, vua Hưng Khánh bỏ thuyền lên bộ, Trương Phụ chia quân đi đằng sau, bắt được vua Hưng Khánh giải về Kim Lăng, còn độc vua Trùng Quang giữ nhau với Trương Phụ ở Bình Than, chia cho Đặng Dung giữ cửa Hàm Tử, vì thiếu lương thực, quân tan vỡ, vua Trùng Quang được tin, tự liệu không chống nổi, lại về Nghệ An, Phụ đuổi theo, đến đâu cũng chém giết nhiều lắm.

VUA TRÙNG QUANG

Vua tên là Quý Khoách, con Mẫu Vương Thích, cháu vua Nghệ Tôn, hàng cháu vua Giản Định, ở ngôi vua 5 năm, vì trời không phò nhà Trần, có chí mà không làm được, nuốt giận mà chết, đáng thuơng.Niên hiệi Trùng Quang thứ hai. Vua đốc xuất tướng là Cảnh Dị tiến quân đến Hạ Hồng. Phá được quân của Giang Hiệu nhà Minh, đốt cháy gần hết thuyền của quân Minh; bấy giờ hào kiệt ở các nơi khởi lên hưởng ứng; Đồng Mặc người Thanh Hóa, Lê Nhị người Thanh Oai, Lê Khang người Thanh Đàm, Đỗ Cối người Nghệ An, giết và tàn phá quân Minh vô kể; lại có Nguyễn Ngân Hà, cũng là người hơn hết trong đám hào kiệt, cầm quân ra kháng cự với địch, nhưng vì sự tiết chế không thống nhất, không người sai khiến được quân, nên đều không được công gì.

Nhà Minh xuống chiếu, đại lược nói: "Giao Chỉ đã thuộc về bản đồ nước Tàu, dân đều là con của trẫm, vì nhất thời không nghĩ mà theo giặc, đến nỗi phải bị giết chóc, nhưng mà chả qua chỉ có vài người gian ác, nhân dân phải hiếp bức mà thôi, không phải là bản tâm. Nếu biết hối cải, thì cho được duy tân cùng vạn dân. Trong đó nếu có người kiến thức, bắt được lũ gian ấy đem dâng nộp, không những tha tội cho, lại còn cho làm quan chức nữa".

Vua Trùng Quang sai Hồ Ngạn Thần, Búi Nột ngôn làm sứ thần đi cầu phong. Trước đã sai Lê Ngân sang triều Minh xin phong, bị giết mất, đến khi ấy Ngạn Thần đến Yên Kinh, vua Minh hỏi sự thật quốc vương mạnh yếu thế nào. Ngạn Thần nói hết các việc; nhà Minh giả dối cho vua Trùng Quang chức Bố Chính Sứ, Ngạn Thần chức Tri phủ. Đến khi trở về nước, Nột Ngôn tâu rõ việc Ngạn Thần tiết lộ việc nước với Vua, Ngạn Thần liền bị giết.

Giải Tấn là Tham nghị của nhà Minh nói: "Chia Giao Chỉ ra làm phủ huyện, không bằng nhân theo lối phong kiến cũ". Vua Minh giận giam vào tù.

Người Minh bắt Giáo thụ Lê Cảnh Tuân đưa về Kim Lăng. Trước Cảnh Tuân là vạn ngôn thư đưa cho Bùi Bá Kỳ, có 3 kế sách: thượng, trung và hạ, đại lược nói: "Nhà Minh trước có sắc cho Bá Kỳ theo quân đi đánh giặc, hứa chờ khi bắt được cha con Hồ rồi, thì kén cho cháu nhà Trần mà lập làmVua, cho ở lại nước mà giúp Vua. Nay đen chia nước ta làm quận huyện, chỉ cấp cho tên xái phu để coi miếu thờ của nhà Trần. Nếu chấp lời trước mà tâu, biện bạch là kỳ lão nói vu, họ Trần chưa tuyệt tự, cố xin lại phong vương cho nhà Trần, đó là thượng sách. Nếu không được thế, thì xin làm quan coi từ đường nhà Trần, đó là trung sách. Còn đến làm chức Tham nghị của Minh, tham tước lộc thì là hạ sách. Làm được thượng sách thì xin đưa thân để ông dùng, như sâm quế trong tủ thuốc của ông; nếu trung sách nhận rõ người; phụ vội sang thuyền nhỏ chạy trốn, quân Minh tan vỡ mất nữa, lũ Xuất không góp lực thì xin để ông sai bảo cầm cái mâm, cái nâm rượu, trong khi tế lễ ở từ đường; không được thế, thì xin về quê nhà, nhàn tản cho qua tuổi già". Khi tịch biên nhà Bùi Bá Kỳ, bắt được thư ấy, sai bắt tra hỏi; gặp khi loạn không biết Cảnh Tuân đi đâu; đến khi đặt nhà học ở Giao Châu mới bắt được, giải về giam vào ngục.

Lời bàn: Bá Kỳ lặn lội nghìn dặm đi cáo nạn với Minh, có lòng trung như Thân Bao Tư đứng khóc ở sân nước Tần; Cảnh Tuân nghĩ ra 3 kế sách mong phục lại nhà Trần, có chí như Đào Uyên Minh vẫn giữ niên hiệu Nghĩa Hy; nhưng mà một người thì không từ bỏ quan, vì chức thổ ty mà thay đổi tiết tháo; một người không biết trốn ẩn, vì một giáo chức mà mất thân danh. Mới biết giữ được chí khí, giữ được tiết tháo khó là thế.

Trương Phụ, Mộc Thanh dẫn quân vào xâm Nghệ An, gặp Nguyễn Xuất, Cảnh Dị ở Mô Độ, hai bên đánh nhau chưa phân thắng phụ, vì Mô Độ đường xá hiểm trở, kỵ binh không tiến được, Phụ đi lẩn vào trong rừng nứa, nữa đêm đánh úp quân Nguyễn Xuất, Xuất không địch được, phải dùng thuyền ra biển để trốn. Phụ đuổi bức bách quá, Nghệ An, Diễn Châu đều bị hãm.

Nhà Minh sắc dụ đại lược nói: "Vâng mệnh trời mà thống trị, chỉ muốn dân thiên hạ đâu cũng được yên; Giao Châu là đất cũ của Trung Quốc, nay lại trở về; kén chọn người hiền để mà phủ trị, còn lo rằng nhân trạch chưa ra khắp mọi nơi. Lũ các ngươi phải thể ý trẫm, hưng lợi cho dân, dạy dân biết lễ nghĩa, biết chăm nghề nông trang, để cho yên nghiệp làm ăn, hưởng hạnh phúc thái bình".

Lời bàn: Người Minh thống trị nước ta, tự nghĩ có thể lấy oai lực mà áp chế được; nhưng từ tháng 5 Đinh Hợi bắt được Hồ rồi, tháng 10 vua Giản Định lại lên ngôi, nói đến vua Trùng Quang, trong 5, 6 năm, chiến tranh không thôi, mới biết là khó bình được. Bấy giờ cần quyền ban chiếu sắc, nghĩ cách úy dụ dân; nhưng mà Trương Phụ đi đến đâu, dữ hơn hổ cái, Hoàng Phúc ra mệnh lệnh rối như lông lươn, vua Minh ở xa cách, không biết dân thuộc quốc khốn khổ đến thế, bảo sao mà dân chả nhớ nước cũ, mà coi Minh là cửu thù.

Nông Văn Lịch ở Lạng Sơn tụ tập quân chiếm cứ đất ấy, chận đường đi lại của người Minh; Nguyễn Liễu ở Lý Nhân cũng chiêu tập người các huyện Lục Na, Võ Lễ, đánh cướp quân Minh. Vua Trùng Quang lại sai Nguyễn Xuất đem quân ra biển đến Vân Đồn, Hải Đông, đánh các đồn canh của Minh, chưa bao lâu, lại về Nghệ An, quân lính chỉ còn 3 hay 4 phần 10.

Trương Phụ nhà Minh vào cướp Hóa Châu, vua Trùng Quang đi hóa Châu, sai Nguyễn Biễu mang sản vật trong nước đến Nghệ An, Trương Phụ giữ lại, Biểu mắng Trương Phụ rằng; "Về ngoài giả dạng là quân nhân nghĩa, trong lòng vẫn ngấm ngầm tính kế đánh lấy nước người, đã hứa lập con cháu họ Trần, lại đặt ra quận huyện, cướp của hại dân, thật là quân ngược tặc". Phụ giận lắm, giết Biểu.

Trương Phụ cùng Mộc Thạnh bàn kế đánh lấy nước. Thạnh nói: "Hóa Châu núi cao biển rộng, chưa dễ đánh lấy được". Phụ nói: "Ta sống là tại Hóa Châu, chết cũng vì Hóa Châu; chưa bình được Hóa Châu, còn mặt nào trông thấy Chúa thượng nữa". Bèn hạ lệnh tiến đánh Hoá Châu, đánh nhau với Nguyễn Xuất ở cảng Thái Giá. Đặng Dung đương đêm đánh úp dinh quân Trương Phụ, lên được thuyền của Phụ, muốn bắt sống, mà không lượng với nhau mà đánh. Phụ thấy có một đạo quân của Dung, quay trở lại đánh, quân Dung tan vỡ chạy, từ đấy chỉ ẩn nấp ở hang núi, (trận đánh Thái Giá, Dung có một toán cô quân chống với giặc mạnh, không phải tay tướng giỏi không làm được, mà vẫn chịu thua, đó là tại trời ). Trương Phụ sai Hoàng Trung đi trước dò thám, Nguyễn Xuất sai 3 tên thích khách lẻn vào thuyền Trương Phụ, Phụ biết, lùng bắt được 2 người, buộc cho Hoàng Trung không phòng bị cẩn thận, đem chém; nhân vì thế lùng tìm khắp trong rừng bắt được Cảnh Dị, và Đặng Dung; hai người mắng Phụ rằng: "Ta muốn giết mày, lại bị mày bắt chúng ta, đó là lòng trời", Phụ giận giết cả, moi gan mà ăn.

Lời bàn: Chính khí ở trong trời đất, sấm sét, gió bão cũng không sợ, quỉ thần không dám gần, xem như lời Nguyễn Biểu, Cảnh Dị, Đặng Dung mắng quân giặc, như tiếng sét đánh tan mọi vật, sương mùa thu làm sém cỏ, coi sống chết là tầm thường, dù gươm giáo cũng không tan chí khí băng sương, nát tấm lòng vàng đá được.

Vua Trùng Quang chạy sang Lão Qua, Trương Phụ sai người đuổi theo bắt được Vua, nhà Trần mất nước từ đấy. Trương Phụ được vua Trùng Quang về Yên Kinh, đến giữa đường. Vua nhảy xuống nước chết, Nguyễn Xuất cũng nhảy theo xuống nước.

Hậu Trần khởi binh, bầy tôi cũ nhà Trần là Phan Quý Hựu có công tán thành. Đến khi Trương Phụ vào cướp Nghệ An, vua Trùng Quang phải đi Hóa Châu, Quý Hựu đầu hàng quân giặc, con y là Liêu đem cả số quân nhiều hay ít, núi sông chỗ hiểm hay không, bảo hết Trương Phụ, nên Phụ mới quyết tâm lấy Hóa Châu.

Nhà Trần có 12 vua, khởi từ năm Bính Tuất đến năm Kỷ Mão, cộng 174 năm, và Hậu Trần 7 năm.

Vua Giản Định và Trùng Quang đều là con cháu vua Nghệ Tôn, Trần Triệu Cơ lập lên để nối ngôi vua đã bị mất, Nguyễn Cảnh Chân dắt díu đi đánh chống bọn giặc mạnh; trận thắng ở Bô Cô, thanh thế cũng đã lừng lẫy, mà vội nghe lời dèm pha của 2 đứa hoạn quan, bỏ mất vị tướng trụ cột, tự chuốc lấy bại vong, chả đáng nói nữa. Đến vua Trùng Quang quật khởi lên được, duy chỉ 2 tướng Nguyễn và Đặng phụ trì hai bên, ngoài ra đều là người chắp tay xem thế sự; chỉ có một xó Nghệ và Diễn là nơi ra vào công thủ, ngoài ra không còn mảnh đất nào để dụng võ; lặn lội ở góc biển chân non, trận thắng ở La Tân, Bình Than không bù lại được những trận thua ở Linh Trường, Nguyệt Thường; tuy lũ Dung và Xuất có chí không chịu lùi, nhưng mà quân giặc vẫn chiếm phần tiện nghi hơn; đất Quảng, Thuận hiểm trở coi như có thể tựa nương được, nhưng tình thế đất ấy nào đã bị quân phản bội chỉ rõ cho giặc rồi, tai nạn bị bắt ở Lão Qua thật cũng đáng thương!


1) Núi Thiên Cầm, nay thuộc xã Cấm Long, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

2) Núi Thiên Cầm, nay thuộc xã Cấm Long, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

3) Muốn sống thì cứ ẩn ở sơn lâm, muốn chết thì làm quan Tàu.

4) Thuộc Yên Mô, Ninh Bình (còn gọi là Trường Yên).

5) Hưng Khánh là niên hiệu vua Giản Định.



NGOẠI THUỘC NHÀ MINH

Bắt đầu từ năm Giáp Ngọ đến năm Đinh Tỵ cộng 14 năm.

Năm Giáp Ngọ niên hiệu Vĩnh Lạc nhà Minh thứ mười hai, Trương Phụ chiêu phủ dân Tân Bình và Thuận Hóa, chia đặt quan thống trị, khám nhân khẩu, lập hộ tịch. Trước kia các quan ở kinh và lộ có người nào theo vua Trùng Quang ở Hóa Châu thì nay đều đem cả gia quyến hoặc đi Lão Qua, hoặc đi Chiêm Thành, từ đây người trong nước đều là tôi đòi của Minh, mà cả nước thuộc về Minh.

Nhà Minh thiết lập Văn Miếu, Xã Tắc, đàn tế thần Phong Vân, Sơn Xuyên, mở nhà học. Bắt mỗi phủ hàng năm phải cống sinh viên để xung vào Quốc Tử Giám. Cầu tìm các người nho, y, âm dương tăng đạo.

Nhà Minh cấm trai gái không được cạo bỏ tóc. Đàn bà, con gái mặc áo ngắn, dài tay, theo lối mặc của Tàu.

Dân khai khẩn ruộng lấy lương, trồng dâu lấy tơ. Về ruộng: mỗi hộ 10 mẫu ( 3 sào gọi là mẫu, thật chỉ có 3 mẫu), mỗi mẫu lấy 5 thăng thóc: mỗi hộ 1 mẫu thu 2 lạng tơ (mỗi 1 cân tơ, dệt được 1 tấm lụa). Khám trường lấy vàng, bạc, khởi dụng phu đi lọc lấy vàng bạc. Lập ra phương pháp nấu muối, đặt công trường để nấu. Lại đốc thúc dân bắt voi trắng, mò lấy trân châu. Thuế thu rất nặng, dân không sao chịu được.

Nhà Minh mở ra nhà trạm thủy Vĩnh An, Vạn Ninh thẳng đến Khâm Châu; nhà trạm mã thẳng đến Hoành Châu.

Nhà Minh duyệt sổ tên thổ quan, 3 hộ dân thì lấy một đi lính, chia ra mà cho thuộc vào các vệ, sở; không phải là vệ, sở mà là nơi xung yếu cũng lập ra đồn trại, lấy dân binh đóng giữ. Nội quan là Mã Kỳ tâu rằng: "Trương Phụ ở Giao Chỉ tuyển người bản thổ tráng dũng làm quân Vi tử thủ". Vua Minh ngờ, triệu Phụ về, sai Lý Bân sang làm Tổng binh thay để trấn thủ.

Ông Lê Lợi, người Thanh Hóa, khởi binh ở Lam Sơn xưng là Bình Định Vương. Vương khởi gia là Phụ đạo (tên gọi thổ tù), nối đời làm hào trưởng Lam Sơn, trước theo vua Trùng Quang, làm chức Kim ngô Tướng quân, sau Hoàng Phúc chiêu dụ đến cho làm Thổ quan Tuần kiểm; Vương thấy người Minh hà ngược, khẳng khái nói "Trượng phu sinh ở đời phải nên cứu nạn lập công, sao lại chịu khổ làm tôi tớ người ta". Bèn dựng cời khởi nghĩa, cử cháu là Lê Thạch làm Tướng quốc, truyền hịch đi các nơi kỳ cho

diệt được giặc Minh. Minh sai Mã Kỳ đánh, Vương tung phục binh ra đánh, đại phá quân Minh, bắt được quân và khí giới vô kể; vì Vương có tên tướng phản bội, dẫn quân Minh đến tập hậu, Vương phải lui về Lam Sơn, Lý Bân dẫn quân lùng bắt. Vương phục binh ở Mang Vấn bắn tên độc, Lý Bân thua chạy.

Nhà Minh bắt các phủ huyện trồng cây hồ tiêu, đến kỳ hái quả thì sai quân đi hái mà tiến vua, lệnh đốc thúc rất nghiêm cấp, mỗi gốc cây trị giá 5 quan tiền, bách tính rất khổ.

Nhà Minh ban cấp hộ thiếp, 110 hộ là một làng (mỗi năm một người Lý trưởng, 10 người giáp trưởng ứng hậu, rơi vọt đánh đập không kể hết nỗi khổ).

Lê Hành là thổ hào ở Hạ Hồng, Phạm Thiện ở Tân Minh, Nguyễn Trì ở Khoái Châu, Trần Nhuế ở Hoàng Giang, đều khởi binh, các châu huyện nhiễu loạn, duy còn Tam Giang, Tuyên Hưng hơi yên mà thôi. (Có tên Lê Ngã người Thủy Đường, trá xưng là huyền tôn vua Duệ Tôn, từ Lão Qua trở về, Bế Thuấn gả con cho nó mà lập lên, tiếm xưng là Thiên Thượng Hoàng đế, niên hiệu là Vĩnh Thiên, có tên Tri Cơ là gia nô của Trần Thiên Lại đến xem quả có thật, liền bị Lý Bân nhà Minh đánh phá).

Bình Định Vương đại phá quân Minh ở Mang Thôi. Trước Vương khởi binh ở Lam Sơn, thế quân kém và ít, người Minh lùng bắt mãi, bèn mưu cùng tướng tá rằng ai có thể đem thân ra thay ta, để cho ta đi ẩn nấp, giấu tông tích mà cho quân nghỉ, để mưu đồ cử binh lần sau. Lê Lai xin đem thân nhận lấy việc ấy, Vương lạy khấn trời nói: "Lê Lai đem thân thay chúa, nếu sau này không nhớ đến công, nguyện cung điện hóa thành rừng núi, bảo ấn hóa thành đổng, thần kiếm hóa thành dao cùn". Lê Lai liền tự xưng là Bình Định Vương, khiêu chiến với quân Minh rồi chết. Đâu cũng truyền đi là Bình Định Vương chết rồi, người Minh cũng tin là thật, không lưu ý. Đến lúc này Vương rời đồn đến Mang Thôi; Lý Bân, Phương Chính đem 10 vạn quân đến vây, Vương phục binh ở Thi Lang tập kích, Bân và Chính chỉ chạy thoát được thân, bỏ hết đồn lũy, lui về Tây Đô, từ đấy xa gần nghe tin hưởng ứng, quân thế nổi lên lớn lắm.

Bình Định Vương chiếm cứ Ba Lẫm, tham tướng nhà Minh là Trần Trí ước hội với Ai Lao đến đánh, Vương bảo tướng tá rằng: "Thắng hay bại tại tướng, không phải tại số quân ít hay nhiều; quân chúng ở xa đến, ta thư thả ngồi chờ quân của chúng đi vất vả, tất là phải thắng". Lập tức đương đêm đánh úp quân dinh của Trí, quân Trí hơi lùi, vừa gặp tù trưởng Ai Lao là Mãn Sát kéo quân đến, Vương thân ra đốc chiến, chém và bắt được rất nhiều. Trước Vương kết hiếu với Ai Lao, từ đây tuyệt giao.

Trần Trí lại đưa quân Ai Lao sang chia làm 4 đạo quân đánh quân của Vương ở cửa Ngọc Gia; Vương bảo chư tướng rằng: "Ta bốn mặt đều có quân địch, binh pháp gọi là tử địa, đánh mau thì còn, không đánh mau thì chết". Tướng sĩ đều đánh thù tử, đại phá được quân Minh, quân Ai Lao cũng trốn chạy, quân của Vương đến Linh Sơn tuyệt lương, hàng ngày phải ăn rau và măng tre; sai người đến quân Minh xin hòa, Mã Kỳ vì đánh bất lợi mãi, cũng cho hòa.

Năm ấy là năm Quý Mão, Vương sinh được con trưởng là Nguyên Long (sau là vua Thái Tôn). Vua Minh thân đi đánh Mông Cổ, mất ở sông Du

Mộc, di mệnh truyền ngôi vua cho Thái tử Cao Xí, cải niên hiệu là Hồng Hi. Thời bấy giờ vua Minh mới lập, quần thần phần nhiều nói đến sự lợi và hại về việc lấy hay bỏ An Nam, vua Minh không quyết định được, mới triệu Phúc về, hỏi việc biên giới. Phúc nói: "Nếu được người giỏi phủ ngự An Nam, thì có thể giữ được vô sự". Vua Minh cho là phải.

Bình Định Vương đưa quân đi tuần Nghệ An, lấy được phủ Trà Lân. Tướng Minh là Trần Trí và Phương Chính kéo quân đến cứu viện, Vương phục quân và voi ở trong rừng, đánh phá được; Trí chạy về Nghệ An, Vương thừa thế dẫn quân vây thành Nghệ An. Khi bấy giờ người Nghệ An đương khổ về chính sự bạo ngược của người Minh, thấy Vương đến, tranh nhau mang trâu bò và rượu đến rước khao quân, nói rằng không ngờ hôm nay lại trông thấy uy nghi của cố quốc. Gặp khi tướng Minh là Lý An từ thành Đông Quan kéo quân đến cứu viện. Trương Hùng lĩnh 300 thuyền lương thực cũng từ Đông Quan kéo đến. Vương chia các tướng phục binh ở hai bờ sông cửa Chuyết Giang đánh mạnh, quân Minh thua to; Trần Trí chạy về Đông Quan, Lý An cùng với Hùng lại vào thành Nghệ An cố chết giữ. Vương bảo chư tướng rằng: "Binh pháp nói: bỏ chỗ mạnh đánh chổ yếu, tránh nơi thật lực đánh nơi hư, thì ít dùng sức mà công gấp bội. Nay quân Minh cố chết giữ thành Nghệ An, tuyệt hẳn tin tức với Đông Đô đã lâu, Thuận Hóa và Tân Bình thì đường rất xa, không có thể thông tin với nhau được. Nay ta đem đạo quân khác đến đánh, tất là thắng". Bèn sai Trần Hãn, Lê Nỗ kéo quân đến thẳng Tân Thuận, Lê Ngân, Lê Bôi đem chiến thuyền đi đường biển mà tiếp ứng; quân và dân Tân Thuận hết thảy quy thuận với Vương, tướng Minh là Nhâm Năng đánh không lại, vào thành cố thủ, trong và ngoài cách tuyệt nhau, hiệu lệnh của Minh không thi hành được. Từ Tây Đô đến Tân Thuận đều vào tay Bình Định Vương, chư tướng tôn Vương là Đại Thiên Hành Hóa, sau có bảng dụ việc gì, đều dùng 4 chữ đó.

Vua Minh mất, Thái tử Chiêu Cơ lên nối ngôi, cải niên hiệu là Tuyên Đức, xuống chiếu đại xá, đại lược rằng: "Phương pháp thống trị nhất là yên dân; có lòng thương dân, trước hết phải tha lỗi lầm. Giao Châu thuộc vào nước Tàu đã 20 năm, vẫn giữ lòng bạn nghịch, để phải dùng đến quân. Nhân tình ai chả muốn yên, dùng đến binh cũng không bản chí triều đình; đều bởi người cầm quyền, phủ tuy không phải đường, mới sinh ra nguy biến, đó là bất đắc dĩ, bắt tội thật cũng đáng thương. Nay ra ân khoan tha, phàm các nghịch phạm đã bắt được hay chưa bắt được, đã làm tội hay chưa, thì ngày chiếu thư này đến, vô luận tội lớn hay nhỏ, đều khoan tha hết. Ngoại trừ thuế chính cung quân lương, còn nhất thiết các việc mò châu, đãi vàng, nấu muối, lấy chè đều phải đình bãi, trong nước được giao dịch với nhau, không cấm đoán". Đông Đô đều hưởng ứng với Vương, hiệu lệnh của Minh không thi hành được nữa.

Vương chia các lộ thuộc Đông Đô làm 4 đạo, đặt ra quan thuộc, và tuần kiểm cửa biển, để bắt quân Minh chực mang thư trốn về Bắc.

Thời bấy giờ thành Đông Quan cùng quẫn quá, Vương muốn nhân lúc chúng khốn đốn bắt hiếp chúng phải hòa kéo quân về Bắc. Vương Thông kế cùng, quân viện tuyệt, cũng phải sai người cầu hòa, mà lại sợ vua Minh bắt tội, xin theo chiếu thư năm Vĩnh Lạc, bảo phải lập con cháu nhà Trần, khuyên Vương tìm lấy con cháu nhà Trần mà lập lên. Gặp lúc bấy giờ có

Hồ Ông là con đứa ăn mày, giả xưng là cháu 3 đời Trần Húc tên là Du, Vương muốn nhờ vào đó để hưởng ứng với người Minh, mới lập tên ấy lên, đổi tên là Cao (niên hiệu Thiệu Khánh), từ đấy đưa thư cho người Minh lấy tên Trần Cao làm Thống quốc. Thông cũng mượn cớ đó cho chóng thành hòa nghị. Người trong nước có lũ tên Trần Phong đã nhận quan tước của Minh, sợ hòa nghị mà thành thì tất chết, đưa lời phản gián, viện dẫn việc Trần Hưng Đạo sai đục thuyền để cho người Nguyên chết chìm mà dọa Vương Thông, Thông tin lời đó, lại đào hào, đặt đồn canh, làm kế cố thủ, Vương giận, liền tuyệt giao với Vương Thông, sai chư tướng đánh thành Tam Giang. (Chỉ huy của Minh là Lưu Thanh đầu hàng, quân thổ có kẻ nói lời khinh mạn, Thanh mắng rằng: thằng Mán vô lễ, đấy là Hoàng đế của lũ mày) các thành lần lượt đưa tin xin qui thuận. Vương tiến đóng ở Bồ Đề (bờ bắc sông Nhĩ, có 2 cây bồ đề, nên lấy mà gọi tên đấy ấy), xây tầng lầu ở bờ sông, cao ngang tháp Báo Thiên, để xem động tĩnh của người Minh. Hào kiệt ở các lộ vốn ghét sự hà ngược của người Minh, tranh nhau đến dâng kế sách xin Vương đánh gấp (có Võ Cự Luyện, người Đường An dâng kiểu xe có mui gọi là Phi mã, Vương sai theo mẫu ấy mà chế ra). Thông ở trong thành không biết làm cách nào được, lại sai sứ cầu hòa, mà sai Phương Chính lén đem quân ra tập kích; Vương sai Lê Lễ, Lê Xí đưa quân thiết đột xông ra đánh quân Minh ở My Động (nay là Hoàng Mai); Thông đem hết quân tinh nhuệ ở trong thành ra giáp công, voi của Lễ và Xí sa xuống lầy, bị quân Minh bắt được (Lễ không chịu khuất, bị hại; Xí trốn thoát, đến yết kiến Vương ở Bồ Đề, kêu lên 3 lần sinh hoàn). Vương nói: "Lỗi tại Lễ quen thắng rồi khinh địch, ta đã nhiều lần răn bảo rồi, quả nhiên bị hại". Lại càng thúc quân vây cửa thành. Thông lại đưa thư cho Vương xin bãi binh mà cầu phong cho Trần Cao, sai sứ sang cống nhà Minh. Vương bằng lòng nghe theo.

Trước kia trận thua ở Tốt Động, Thượng thư Trần Hợp tử trận, việc đến tai vua Minh, đình thần Minh tranh nhau nói: "Từ khi Hoàng Phúc bị triệu về, trung quan Mã Kỳ sang thay, khích thành biến loạn ở Giao Chỉ, xin lại cho Hoàng Phúc sang nhậm chức cũ, thì loạn ở Giao Chỉ tự nhiên yên được, vua Minh nghe lời, sai Liễu Thăng đem quân cứu viện thành Đông Quan, và sai Phúc đi tòng quân, chia làm 2 đạo quân: Liễu Thăng đi ra cửa Pha Lũy (Lạng Sơn) là chính binh, Mộc Thạnh đi ra cửa Lê Hoa (Tuyên Quang) làm quân ứng cứu cho Liễu Thăng, Bình Định Vương nghe tin viện binh của Minh sắp đến, tướng sĩ đều khuyên Vương đánh gấp thành Đông Quan, để tuyệt quân nội ứng. Vương nói: "Đánh thành là hạ sách; không bằng dưỡng lực súc nhuệ để chờ viện binh của chúng, phá tan viện binh, tất chúng phải hàng: thế là nhất cử lưỡng đắc, mới là kế vạn toàn". Vương bèn đặt quân phòng thủ nghiêm mật, chuẩn bị đối phó với địch; lấy cớ thành Xương Giang là con đường mà người Minh đi hay về tất phải qua, trước hết sai Trần Hãn đánh lấy thành đó, và bắt các đạo Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Tam Đới dọn quang cánh đồng để tránh viện binh của địch. Vương lại bảo chư tướng rằng: "Quân giặc vốn khinh ta dút dát, chúng nghĩ rằng đại quân chúng kéo đến, ta nghe tất sợ, không bàn đến tình hình được hay thua, quân cứu cấp chỉ cần đến mau chóng là hơn. Đi gấp một ngày bằng hai ba ngày, chính là phạm vào binh pháp, trong binh pháp nói: "Đi hàng 500 dặm để xu lợi là thượng tướng què". Nay ta nhàn rỗi, đợi đối phó với quân chúng đi vất vả, khó nhọc, thì làm gì mà không thắng. Bèn sai Lê Sát, Lê Nhân đem quân mai phục ở ải Chi Lăng đợi quân địch. Bấy giờ Lê Lựu là tướng giữ cửa Pha Lũy bỏ quân ải lui về giữ ở Chi Lăng, Liễu Thăng thừa thắng đuổi theo, đi đến đâu cũng không ai dám kháng cự, càng tỏ ra mặt kiêu ngạo; Vương lại sai người đến quân môn của Thăng xin lập Trần Cao, Thăng nhận thư không thèm mở xem, cứ dẫn quân thẳng tiến. Trần Dong nói với Lý Khánh rằng: "Chí của Thống binh kiêu lắm rồi, quân địch quyệt trá lắm, biết đâu chúng không làm ra thế yếu để dử ta; huống chi trong sắc thư dặn rằng Lê Lợi chỉ chuyên dùng cách mai phục mà thắng, ta không nên khinh địch", Khánh bảo với Thăng, Thăng không hề để ý, đi thẳng đến chỗ mai phục, Lê Sát tung phục binh ra đánh giáp bốn mặt, chém Liễu Thăng ở núi Mã Yên. Thôi Tụ nghĩ rằng thành Xương Giang chưa bị phá, thu nhặt dư chúng kéo đến, khi đến nơi biết thành bị hãm rồi, liền đắp lũy ở giữa cánh đồng ruộng để tự vệ, gặp lúc có mưa gió to, người và ngựa chỉ trông nhau không đi được bước nào; Vương sai chư quân đến vây kín, bắt sống được Thôi Tụ, Hoàng Phúc và vài vạn tù binh. Tụ không chịu khuất, Vương truyền giết đi. Còn Phúc vì trước đã nhậm chức Bố chính, hơi được lòng dân, không nỡ gia hại. Phúc nhân xin tương kiến với Vương Thông để điều đình việc giảng hòa bãi binh.

Lúc bấy giờ quân Minh chạy trốn đều bị bắt về tay trẻ mục đồng, hoặc tay người tiều phu, không sót được mống nào.

Tổng binh Vân Nam là Mộc Thạnh giữ nhau với Lê Khả ở cửa Lê Hoa, Vương liệu tính Mộc Thạnh tuổi già từng trải nhiều, tất là ngồi xem Liễu Thăng thành bại thế nào, chưa chịu khinh tiến, bàn mật bảo Lê Khả cứ đặt phục binh mà chờ, chớ có đánh; đến khi quân Thăng bị hại, Vương lấy sắc thư, ấn tín đã bắt được đưa đến cho Thạnh biết, quân Thạnh sợ tan vỡ, Lê Khả thừa thế đại phá Thạnh ở ngòi Lãnh Thủy, Thạnh chỉ chạy được một người một ngựa. Vương đưa Hoàng Phúc đến thành Đông Quan, Thông lo sợ, tập họp tướng sĩ bàn luận rằng: "Thành không thể giữ được, mà đánh không thể thắng, không gì bằng toàn quân trở về Bắc". Bèn sai Sơn Thọ đưa thư cầu hòa, xin mở cho con đường về nước, Vương ưng cho, tướng sĩ và quốc dân phần nhiều oán giận quân giặc, xin với Vương giết hết đi, duy Nguyễn Trãi ở trong văn phòng của Vương, thấy thư bọc sáp của Thông nói rằng không nên vì một mảnh đất, mà bắt quân lính đi xa xôi vạn dặm, túng xử có lấy được, cũng không thể giữ được; cho nên Trãi chủ hòa nghị. Sau cùng, Vương cũng theo lời ấy, sau giải vây, cùng Vương Thông thề ở phía nam thành, hẹn đến ngày 12 tháng 12 thì ban sư. Vua Minh xuống chiếu bãi quân Nam chinh.

Trước kia Bình Định Vương sai Nguyễn Trãi làm bức thư đứng tên Trần Cao trần tình cầu phong (1 bản đưa vàio quân môn Liễu Thăng, 1 bản đưa quân môn Mộc Thạnh), thư đó đưa lên vua Minh họp quần thần bàn định. Trương Phụ nói: "Quân sĩ khó nhọc đến vài năm, mới lấy được đất ấy, sao lại nghe lời xin xảo quyệt của Lê Lợi, xin cứ cho quân đi đánh". Kiển Nghĩa, Hà Nguyên Cát cũng nói: "Không có danh nghĩa gì mà bỏ đất, chỉ để thiên hạ thấy sự suy yếu của mình". Chỉ có một mình Dương Sĩ Kỳ nói: "Từ năm Vĩnh Lạc đến nay, quân mỏi mệt, dân cùng khốn, không gì bằng theo y lời xin của địch, có thể chuyện họa ra phúc được, vả lại vua Thành

Tổ sơ tâm là lập con cháu họ Trần, đó là việc thịnh đức, sao lại bảo là vô danh? Đời Hán bỏ Châu Nhai, tiền sử cho là vinh, sao lại bảo là thị nhược?". Vua Minh nghe theo lời này. Đến khi Liễu Thăng bị hại, báo tin đến, liền sai La Nhũ Kính mang thư sang phong cho Trần Cảo làm An Nam Vương, mà triệu Vương Thông về Bắc. Chiếu thư chưa đến nơi, Vương Thông đã thiện tiện cùng Vương làm lễ ở dưới thành. Vương sai bồi thần Lê Cảnh Quang mở tờ biểu cùng gia nô của Thông đưa về Yên Kinh, và giả cả ấn Hổ phù bằng bạc của Liễu Thăng, cùng sách kê số mục quan quân và ngựa đệ đến Yên Kinh.

Vương Thông giải binh quyền về Bắc, quân bộ đi qua sông trước, quân thủy nối theo, quốc dân oán người Minh tàn khốc, xin Vương giết đi, Vương hiểu dụ rằng: "Phục thù báo oán là thường tình của dân chúng, nhưng không muốn giết người là lòng người có nhân; dữ kỳ thỏa lòng căm giận một lúc, để chịu tiếng giết người đã đầu hàng; sao bằng để sống mạng ức vạn người để tắt được nỗi khổ chiến tranh". liền truyền lệnh cấp cho thuyền, do Phương Chính nhận lĩnh, đường bộ cấp lương ăn, do Hoàng Phúc nhận lĩnh, đều đến dinh Bồ Đề bái biệt, lũ Phương Chính xấu hổ và cảm động đến chảy nước mắt. Vương Thông về Bắc, tính số tổn thương, còn sống trở về có 2 phần 10. Vua Minh hỏi tội Vương Thông bỏ đất mà ban sư, rồi giam vào nhà ngục Cẩm Y, tha khỏi chết, xóa bỏ tên trong quan tịch, và gửi tờ dụ sang nước ta, về việc triều cống nhất thiết phải theo lệ cũ năm Hồng Vũ.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét