Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu. P01

Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu
Nguyễn Cao Xuân Dục chủ biên
Miếu Hiệu Liệt Thánh
Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng Đế
( phụ chép )
Khi Ngài 28 tuổi, chiếu thứ tự được lập, sau bị quyền thần Trương phúc Loan hiếp chế, Ngài phiền lo mà băng, thọ 33 tuổi.

I. Thế Tổ Cao Hoàng Đế (1778-1820)
Năm Mậu Tuất (năm thứ 39 hiệu Cảnh Hưng nhà Lê : năm thứ 43 hiệu Càn Long nhà Thanh bên

Tàu : 1778), Ngài mới 17 tuổi, đóng ở Sài gòn, các quan tôn Ngài làm Nguyên Soái, quyền coi việc nước.

Năm Canh Tí (năm thứ 41 hiệu Cảnh Hưng nhà Lê : năm thứ 45 hiệu Càn Long nhà Thanh :

1780), Ngài 19 tuổi, lên ngôi Vương.

Năm Nhâm Tuất (năm thứ 7 hiệu Gia Khánh nhà Thanh : 1802) Ngài 41 tuổi mới lên ngôi Hoàng

Đế, kỷ nguyên Gia Long, ở ngôi 18 năm, thọ 58 tuổi.

II. Thánh Tổ Nhơn Hoàng Đế (1820-1841)

Năm Canh Thìn (năm thứ 25 hiệu Gia Khánh nhà Thanh : 1820), Ngài 30 tuổi,

nối ngôi, kỷ nguyên Minh Mạng, ở ngôi 21 năm, thọ 50 tuổi.

III. Hiến Tổ Chương Hoàng Đế (1841-1848)

Năm Tân Sửu (năm thứ 21 hiệu Đạo Quang nhà Thanh : 1841), Ngài 35 tuổi, nối ngôi, kỷ nguyên Thiệu Trị, ở ngôi 7 năm, thọ 41 tuổi.

IV. Dực Tôn Anh Hoàng Đế (1848-1884)

Năm Mậu Thân (năm thứ 28 hiệu Đạo Quang nhà Thanh : 1848), Ngài 18 tuổi, nối ngôi, kỷ nguyên Tự Đức, ở ngôi 36 năm, thọ 55 tuổi.

Cung Tôn Huệ Hoàng Đế (1884)

(Phụ chép)

Khi Ngài 32 tuổi, Đình thần phụng di chiếu lập lên, cư tang mới được 3 ngày, bị bỏ, đến triều Thành Thái mới truy tôn.



Phế Đế (1884)

(Phụ chẽp)

Nguyên phong Lãng Quốc Công ; khi Ngài 37 tuổi thời Tự Quân là Đức Cung Huệ bị bỏ, Đình thần rước Ngài nối ngôi, nghị định năm sau sẽ đặt niên hiệu Hiệp Hòa, nhưng nối ngôi mới được 4 tháng

10 ngày, bị thí, việc ấy cũng đương trong năm Tự Đức thứ 36.

V. Giản Tôn Nghị Hoàng Đế (1884-1885)

Năm Giáp Thân (năm thứ 10 hiệu Quang Tự nhà Thanh : 1884) , Ngài 15 tuổi, nối ngôi, kỷ nguyên Kiến Phúc, ở ngôi 1 năm, thọ 16 tuổi.

Xuất Đế (1885)

(Phụ chép)

Năm Ất Dậu (năm thứ 11 hiệu Quang Tự nhà Thanh : 1885), Ngài 14 tuổi, nối ngôi, kỷ nguyên

Hàm Nghi, ở ngôi 11 tháng (từ tháng 6 năm Giáp Thân đến tháng 5 năm Ất Dậu), rồi cũng bá thiên (1).

VI. Cảnh Tôn Thuần Hoàng Đế (1886-1888)

Năm Bính Tuất (năm thứ 12 hiệu Quang Tự nhà Thanh : 1886), Ngài 22 tuổi, nối ngôi, kỷ nguyên Đồng Khánh, ở ngôi 3 năm, thọ 25 tuổi.

Lời Phụ Chú: Sách này biên chép khởi từ năm Nhâm Tuất là năm thứ 1 hiệu Gia Long, đức Thế

Tổ lên ngôi Hoàng Đế, cho đến năm Mậu Tý là năm Đồng Khánh thứ 3, cộng 87 năm.

Nếu kể từ năm Mậu Tuất, đức Thế Tổ nhiếp chính (2) cho đến năm Mậu Tý,

cộng được 111 năm. Thống kê từ năm Mậu Ngọ, đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế

(3) vào trấn Thuận Hóa cho đến năm

Đồng Khánh thứ 3, cộng được 331 năm.

*  * *

(1) Bá thiên: nghĩa là qua nước khác.

(2) 1777: năm Nguyễn Vương lên ngôi ở Gia Định.

(3) Nguyễn Hoàng

* * *



QUỐC TRIỀU CHÍNH BIÊN TOÁT YẾU

Quyển thứ I

Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế

Niên hiệu Gia Long

Tên húy Ngài là:

1. Bên tả chữ Nhật, bên hữu chữ Viện (1)

2. Bên tả chữ Nhật, bên hữu chữ Anh (2)

3. Bên tả chữ Thái, bên hữu chữ Trọng (3)

Ngài sinh năm Nhâm Ngọ, 17 tuổi lên ngôi vương tại Gia Định được 22 năm. Đến lúc Ngài lấy được kinh đô Huế, thiên hạ định rồi, Ngài lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long; ỏ ngôi 18 năm, hưởng thọ 58 tuổi, lăng Ngài là lăng Thiên Thọ.

Ngài là con thứ ba đức Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng Đế. Khi đức Hưng Tổ băng, Ngài mới 4 tuổi. Ngài lớn lên, thông minh đã sẵn; Năm Giáp Ngọ quân Trịnh tới xâm, Ngài theo đức Duệ Tôn vào tỉnh Quảng Nam. Mùa xuân năm Ất Vị vào Gia Định. Đức Duê Tôn cho ngài làm Chưởng Sứ Tướng Tá Dực Quân. Ngài tính liệu việc binh giỏi lắm, các tướng tá ai cũng phục tùng.

Ngài đi theo đức Duệ Tôn, một ngày kia bỗng nghe giặc tới, đức Duệ Tôn đưa ngực dục Ngài trước, Ngài bất đắc dĩ phải thọ mạng, đi một chặp, dừng ngựa mà chờ, rồi thời giặc đi chỗ khác; đức Duệ tôn đi tới, Ngài đó rước bên đàng, đức Duệ Tôn nói rằng: "Cháu có lòng tốt, trời cũng biết cho".

Mùa đông năm Bính Thân, Ngài qua xứ Tam Phụ (thuộc tỉnh Định Tường) chiêu tập binh Đông Sơn; Tây Sơn chiếm Sài Gòn (thuộc tỉnh Gia Định), đức Duệ Tôn vào Đăng Giang (thuộc tỉnh Định Tường), Ngài đem binh Đông Sơn ứng tiếp, hầu đức Duệ Tôn qua Cần Thơ (thuộc tỉnh An Giang), rồi qua Long Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tiên); đức Duệ Tôn tuẫn nạn4.

Ngài muốn nhân ban đêm qua biển để tránh giặc, có cá sấu đón ngang trước thuyền ba lần, rồi Ngài không đi; sáng ngày dò biết đêm ấy có thuyền giặc đón đằng trước.

Ngài ra cù lao Thổ Châu; đem binh Long Xuyên đến Sa Đéc (thuộc An Giang). Chưởng dinh Đỗ Thành Nhơn cùng thuộc tướng là chánh đội Lê Văn Duân cử hiệp quân nghĩa đóng ở Tam Phụ, chạy giấy cho các đạo là bọn Nguyễn Văn Hoằng, Tăng Phúc Khuông, Tống Phúc Lương đều đem binh hội, ba quân đều mặc đồ trắng, từ đó quân thanh lừng lẫy. Tháng 11, đánh phá giặc ở dinh Long Hồ, lấy được Sài Gòn.

(1) Thành chữ Noãn.

(2) Thành chữ Ánh

(3) Thành chữ Chủng

(4) Tuẫn nạn là vì nước mà bỏ mình.

Mậu Tuất năm đầu (năm thứ 39 Cảnh Hưng nhà Lê, 1778) mùa xuân, tháng giêng, Ngài trú tất ở Sài Gòn. Ông Đỗ Thành Nhơn cùng với các tướng tôn Ngài làm Đại Nguyên Soái, quyền coi việc nước (bấy giờ Ngài mới 17 tuổi).

Tháng 3, sai Đỗ Thành Nhơn giữ Sài Gòn, Ngài đóng ở Lật Giang, kéo cờ "Tam quân tư mạng" (1) để sai khiến các tướng sĩ. Mùa hạ, tháng 5, ông Lê Văn Duân đánh phá được giặc luôn, rồi tới lấy Bình Thuận.

Tháng 6, sai Lưu Phước Trưng sang nước Xiêm. Nguyên lúc ấy tỉnh Long Xuyên thất thủ, Mạc Thiên Tứ, Tôn Thất Xuân sang Xiêm cầu cứu, vua Xiêm hậu đãi, lưu các ông ở lại, nay Ngài lấy lại thành Gia Định, sai Sứ qua Xiêm thông hiếu và hỏi tin tức bọn Thiên Tứ cho luôn.

Năm ấy Nguyễn Văn Nhạc tự xưng là Hoàng Đế, đặt ngụy hiệu (2) là Thái Đức.
Năm Kỷ Hợi (1779) thứ II, người ở tỉnh Sơn Nam Hạ (tức là tỉnh Nam Định) là Trần Xuân Trạch, Nguyễn Kim Phẩm tụ đảng ở ngoài biển hơn 300 người vào Gia Định ứng nghĩa theo Ngài. Ngài cho làm chức Tả Hữu Chi Chưởng Cơ, mấy người khác cũng phong chức cả. Hai người ấy có biết võ nghệ, Ngài sai tập quân các dinh.

Tháng 6, sai Đỗ Thành Nhơn, và Hồ Văn Lân đem quân đánh nước Chân Lạp (Cao Man), lập con Nặc Tôn là Nặc Ấn làm vua, rồi cho Văn Lân ở lại bảo hộ.

Tháng 11, duyệt xem đồ bản các dinh trong Gia Định, chia giới hạn ba dinh (3) cho liên tiếp với nhau: 1o dinh Tổng Biên, lãnh 1 huyện (Phúc Long), 4 tổng (Tân Chánh, Bình An, Long Thành, Phước An); 2o dinh Phiên Trấn, lãnh 1 huyện (Tân Bình), 4 tổng (Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc, Bình Thuận); 3o dinh Long Hồ đổi làm Hoằng Trấn, lãnh 1 châu (Định Viễn), 3 tổng (Bình An, Bình Dương, Tân An). Đạo Trường Đồn là chỗ đất quan yếu ở trong ba dinh, cho nên đặt tên dinh Trường Đồn (tức là tỉnh Định Hưng, Kiến Hòa) đặt quan Lưu Thú Cơi (4) Bộ, Ký Lục để coi việc chính trị các dinh. Khi bản triều mới khai sáng trong Nam Kỳ, đất Nam Định phần nhiều là Cao Miên lầy rừng rậm, mộ dân vô ở đó, cho tùy tiện lập ấp, khai khẩn được bao nhiêu chỉ tính đại số, không kể tốt xấu; lập trường Cửu Khố (5) để thu thuế, thuế thâu nhiều ít cũng không cân bằng nhau. Đến bây giờ mới chia giới hạn các dinh, bãi trường Cửu Khố, khiến các dinh phải châm chước các lệ thuế điền thổ cũ mà thâu cho cân.
Năm Canh Tý thứ I (1780) (năm ấy Ngài mới lên ngôi vương, cho nên lại chép năm đầu, tức là năm thứ 41 hiệu Cảnh Hưng nhà Lê). Tháng giêng, lên ngôi vương ở Sài Gòn, văn thơ ban xuống gọi là "chỉ", truyền sai gọi là "chỉ sai", bửu thời dùng cái bửu khắc chín chứ "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trân Chi Bửu" (Đức Hiếu Minh chế ra để làm truyền Quốc bửu) nhưng còn dùng niên hiệu nhà Lê, các quan đình thần dâng biểu chương gọi là "bẩm".

Ngài xét công dực đới: Đỗ Thanh Nhơn làm Ngoại Hữu Phụ Chánh Thượng Tướng Công, bọn Tống Phúc Khuông, Tống Phúc Lương, Nguyễn Đình Thuyên, Trần Đại Thể và các tướng sĩ đều được thăng cả.

Tháng 3 ngày Tân Tỵ, bà Nguyên Phi Tống thị sanh ông Hoàng tử Cảnh "bà Nguyên Phi là con gái ông Tống Phúc Khuông. Nguyên trước người ở làng Bùi Xá, thuộc huyện Tống Sơn, theo đức Thái Tổ vào Nam, ở làng An Quán, tỉnh Quảng Nam; bà Phi theo ông Tống Phúc Khuông vào Gia Định, Ngài đem lễ tới cưới".

Tháng 4, sai Đỗ Thành Nhơn đánh phủ Trà Vinh "thuộc tỉnh Vĩnh Long", bắt được tướng là Oác Nha Suất, chiêu phủ mấy tên du đảng; phủ Trà Vinh yên được.

(1) Tam quân tư mạng nghĩa là có quyền phép coi việc ba quân.

(2) Ngụy hiệu là hiệu của người tiếm ngôi vua tự đặt ra.

(3) Dinh tức là Tỉnh.

(4) Chữ cơi vì biết chữ a vào giữa phạm húy cho nên đổi ra chữ ơ.

(5) Cửu khố trường là tên kho.

Tháng 7, sai các đội quân làm thuyền binh "từng trên thời gác giáo mác, hai bên gài tre, lính thủy ở dưới để mà chèo thuyền, lính bộ ở trên để mà xung trận"; cho nên đi đàng biển thuận lợi mà thủy sư lại càng thêm giỏi.

Năm Tân Sửu thứ II (1781), tháng giêng, Đỗ Thành Nhơn có tội, phải giết, các tướng hiệu theo Nhơn thời tha cả; vì Nhơn có công mà sanh kiêu tứ, cho nên phải tội.

Tháng 10, nước Xiêm La sai tướng là Chất Tri và Sô Si (hai anh em) xâm nước Chân Lạp, vua Chân Lạp là Nặc Ân tâu với Ngài.

Năm Nhâm Dần thứ III (1782), tháng giêng, sai Chưởng Cơ Nguyên Hữu Thụy cùng với Hồ Văn Lân đem thuyền binh vào cứu Chân Lạp. Khi ấy vua Xiêm La là Trịnh Quốc Anh có bệnh điên, giam vợ con Chất Tri, Sô Ri; bọn Chất Tri giận quá, sai người tới hội ước với ông Thụy để đánh vua Xiêm, Thụy nghe lời. Hôm sau Thụy đi với 10 tên lính hầu vào trong trại quân Xiêm, bọn Chất Tri tiếp đãi rất hậu; uống rượu đã say rồi bẻ tên cung mà thề, Thụy cho Chất Tri ba món đồ quý là: dao, cờ và gươm; rồi về. Gặp lúc nước Xiêm nổi giặc, Trịnh Quốc Anh nghe có việc biến, vào chùa đi trốn. Chất Tri về thành Vọng Các (tức là Băng Cốc bây giờ, kinh đô nước Xiêm), sai người giết Trịnh Quốc Anh, tự lập làm vua, gọi là vua phật, phong cho em là Sô Si làm vua thứ hai, cháu là Ma Lặc làm vua thứ ba. Mấy người dân nước ta khi trước bị Trịnh Quốc Anh đày, bây giờ tha cho về thành Vọng Các, cấp phát tiền gạo cho mà tiêu dùng. Thụy về tâu việc ấy với Ngài, Ngài khiến đem quân về.

Tháng 3, Nhạc, Huệ vào đánh cửa Cần Thơ, Ngài sai Tống Phúc Thiêm đem binh thủy bày trận ở sông Thất Kỳ, giặc nhơn thắng thế xông tới, quân ta phải lui. Chánh Cơ là Mạn Hòe (người Đại Pháp) đi tàu tây, hết sức chống cự, giặc bỏ lửa đốt tàu, ông Mạn Hòe chết; (tặng chức hiệu Nghĩa phụ quốc Thượng tướng quân). Ngài khi nghe tin, lập tức đem binh thuyền ứng tiếp, gặp giặc ở sông Tam Kỳ, Ngài ngự áo nhung, nón chiến, đứng đầu thuyền truyền quân lính đánh cho gấp, Ngài cầm súng điểu thương bắn lại thuyền giặc, mà sai quân lính vừa đánh vừa lui.

Ngài vào Tam Phụ, giặc lại chiếm lấy Sài Gòn. (Ngài bắn súng điểu thương hay lắm, bắn đâu trúng đó, triều Minh Mạng phong khẩu súng ấy tên là Võ công lương khí (1) rồi tống tàng khẩu súng ấy vào áo nhung nón chiến ở trong điện).

Tháng 4, quan Tiết Chế tỉnh Bình Thuận là Tôn Thất Đủ đem bọn Trần Xuân Trạch, Trần Văn Tự và đạo quân Hòa Nghĩa là Trần Công Chương vào cứu, chém hộ giá giặc Phạm Ngạn tại cầu Tham Lương. Văn Nhạc nghĩ rằng: đạo quân Hòa Nghĩa đều là người Tàu; rồi bắt hơn 10.000 người Tàu ở Gia Định không kể binh dân hay là người thương mãi, đều giết hết cả, bỏ thây đầy sông, không ai giám uống nước.

Ngài ngự vào Hà Tiên, đi thuyền ra biển, đêm tối quá, không biết đàng đi, tự hồ có vật chi đội dưới đáy thuyền, mờ sáng mới biết là một bầy rắn. Các người tùng thần ai cũng sợ hãi, Ngài dục đi cho mau, một chặp bầy rắn đi hết, rồi thuyền ngự ra cù lao Phú Quốc.

Tháng 8, quân mình lấy thành Gia Định. Từ khi thua trận tại cửa Cần Thơ, thời Ngài ngự ra ngoài; ông Châu Văn Tiếp đem binh vào cứu, kéo cờ viết 4 chữ: "Lương Sơn Tá Quốc" cùng với thiếu phó Tôn Thất Mân (con thứ 5 đức Hưng Tổ). Sai các tướng đi mỗi người mỗi đạo, Văn Tiếp đem quân lính tốt mà ứng tiếp. Giặc đem hết binh mà chống cự, các đạo binh ta ra đánh, giặc thua chạy về Quy Nhơn; Văn Tiếp lấy được Sài Gòn, sai người ra cù lao Phú Quốc tâu việc thắng trận, mà Tiếp tự đem quân ra rước Ngài, Ngài nghe tin mừng quá; ngự về đến sông Tứ Kỳ, Tiếp lạy bên đàng khóc rằng:"Ai ngờ hôm nay lại được trông thấy Chúa Thượng, ấy là phước nhà!". Ngài ngự về Sài Gòn. Ngài thường lo Tây Sơn năm nào cũng vào xâm lược. Dụ rằng: "Tuy bây giờ giặc bị thua, đến mùa xuân chắc lại vào cướp, chi bằng thông hiếu với Xiêm để nhờ khi hoãn cấp". Khiến làm hoa vàng hoa bạc, giao cho bọn Phúc Điển đem qua làm lễ giao hiếu.

Tháng 11, Chức Tham Quân họ Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh về theo Tây Sơn. Chỉnh người Đông Hải, tỉnh Nghệ An thuộc tướng của Hoàng Tố Lý; binh họ Trịnh giết Tố Lý, Chỉnh muốn mượn thế Tây

(1) Võ công lương khí là đồ khí giới về việc võ.

Sơn để trừ kiêu bịn họ Trịnh, rồi vượt biển theo Nhạc, Nhạc trọng tài Chỉnh, cho làm Đô đốc. Chỉnh ngày

đêm bày mưu cho Tây Sơn, đến nỗi làm rối Bắc Hà.

Năm Quý Mão thứ IV (1738) Nguyễn Văn Lữ, Nguyễn Văn Huệ vào cướp, Ngài ngự qua Tam Phụ, các tôi đi theo chỉ có bọn Nguyễn Kim Phẩm và năm sáu người mà thôi.

Ngài ngự qua sông Lật, binh giặc theo sau, nước sông chảy mạnh quá, không có đò qua sông; Ngài thường tập lội nước, cho nên Ngài lội qua được. Đến sông Đăng, thời sông ấy nhiều cá sấu, không lội qua được. Có một con trâu nằm bên bờ sông, Ngài cỡi trâu mà qua, nhưng nước lên chảy mạnh quá, trâu chìm xuống nước, có cá sấu đỡ trâu lên. Rồi Ngài bơi vào bờ Mỹ Tho, thâu thập ghe thuyền, phụng đức Vương Mẫu và cung quyền ra trú ở Phú Quốc.

Tháng 6, Ngài trú ở Phú Quốc, tướng giặc là Phab Bá Thuận kéo binh đến. Ngài ngự ra Côn Lôn, giặc bắt bọn Tôn Thất Cốc; và muốn dỗ ông đi theo, nhưng ông mắng rằng: "Thà làm quỷ Đông Phố, không làm tôi Tây Sơn" rồi bị hại cả.

Tháng 7, Huệ nghe Ngài ở Côn Lôn, đem hết lính thủy vây ba vòng; tự nhiên giông tố nổi lên, mây kéo tối tăm, đến nỗi không thấy thuyền và người, sóng biển to quá, thuyền giặc chìm hết nhiều lắm; lúc bấy giờ thuyền ngự ra khỏi được, đậu tại cù lao Cổ Cốt, rồi trở về Phú Quốc. Quân lương hết cả, quân lính phải kiếm rau khoai mà ăn; có một người thương phụ ở Hà Tiên là Thị Uyển dâng một ghe gạo. Ngài khen lắm.

Ngài sai người mời ông Bách Đa Lộc tại Chân Bôn (tên đất nước Xiêm).

Oâng người nước Pháp, thường qua lại giảng đạo ở Chân Lạp, Gia Định; đã vào yết kiến xin hiệu dụng, Ngài lấy lễ khách mà đãi; đến lúc này đòi vào; Ngài dụ rằng: "bây giờ giặc Tây Sơn chưa dẹp được, bốn phương chưa được yên ổn, khi ở Thổ Châu, khi ra Phú Quốc, chỗ ở chưa an, vận nước đương lúc gian truân, ngươi cũng biết rõ; ngươi có thể về bên Đại Pháp nhờ quý quốc đem quân sang giúp ta được không?. Oâng Bách Đa Lộc xin đi, tâu xin ban cho cái gì làm tin. Ngài nói rằng: "các nước giao hiếu với nhau, đem con làm tin; con ta là Cảnh mới 4 tuổi, vừa rời tay mẹ; ta giao Cảnh cho người, nhờ người trông nom cho; núi sông cách trở, đàng sá khó đi, như có biến cố gì thời người bảo hộ Cảnh mà tránh". Oâng Bách Đa Lộc lạy, xin thọ mạng. Ngài và bà Phi lau nước mắt đưa ông Hoàng Tử Cảnh qua Pháp, sai bọn Phó huệ uý Phạm Văn Nhơn, Chánh cơ Nguyễn Văn Liêm đi theo. Lúa ông Cảnh đi rồi, Ngài ban cho bà Phi nửa thoi vàng (1 thoi là 20 lượng) mà nói rằng: "con ta đi rồi, ta cũng sẽ đi, bà phải ở đây phụng thờ Đức Mẹ, chưa biết gặp nhau lúc nào và ở chỗ nào, vậy lấy vàng này mà làm tin!".

Ngài ra cửa biển Ma Ly thám tình thế giặc, gặp thuyền giặc hơn 20 chiếc vụt tới vây sát thuyền ngự, thuyền ngự kéo buồm chạy về phía đông, lênh đênh ngoài biển bảy ngày đêm, trong thuyền hết nước, quân lính đều khát, Ngài lấy làm lo, ngửa mặt lên trời khấn rằng: "Như tôi có mạng làm vua, xin cho thuyền ghé vào trong bờ để cứu tánh mạng mấy người trong thuyền trong thuyền! Nếu không, thời thuyền chìm xuống biển, tôi cũng cam tâm"! Rồi thời gió lặng sóng im, đứng trước thuyền ngó thấy mặt nước tự nhiên chia ra dòng trắng dòng đen, thấy một vùng nước trong, trong thuyền có một người múc uống nước nếm thấy ngọt, liền la to lên rằng: "Nước ngọt! Nước ngọt! Lúc bấy giờ ai cũng giành nhau mà uống; Ngài mừng, khiến múc 4, 5 chum; rồi nước mặn lại y như trước. Khi thuyền giặc đã lui rồi, thuyền ngự lại trở về Phú Quốc. Bà Quốc Mẫu nghe tin Ngài về, mừng quá; Ngài thuật lại những tình trạng khổ sở khi ở biển, bà Quốc Mẫu than rằng: "con đi khắp chân trời mặt biển, nhiều lúc gian nan; nhưng ở núi thời gặp gió lớn, ở biển thời gặp nước ngọt, coi đó cũng đủ biết ý trời, con đừng lấy gian hiểm mà ngã lòng!". Ngài lạy tạ rằng: "xin vâng lời mẹ dạy". Ngài tuy còn dưỡng hối** mà gió núi nước ngọt, ứng nhiều điềm tốt, thức giả ai cũng biết có mạng làm vua.

Thuyền ngự đến cửa biển Đốc Công gặp thuyền giặc, bắt được tướng giặc là Quán Nguyệt, sai đem thanh gương Quy y mà chém, (Thanh gươm ấy nguyên là bửu kiếm Tiền triều, khi nào giết người, thời trước đêm ấy gươm đã thoát ra khỏi bao; Ngài ghét thanh gươm ấy ưa giết, đem dâng cửa Phật, cho nên gọi là gươm Quy y). Khi trước Nguyệt ở Long Xuyên, tàn hại dân lắm; nay nghe Nguyệt bị giết, ai cũng lấy làm sướng.

Tháng 8, thuyền ngự đậu ở hòn Chung, rồi qua đậu hòn Thổ Châu.
Năm Giáp Thìn thứ V (1784) tháng 2, Ngài ngự sang Xiêm. Nguyên trước khi bị thua ở tại sông Ngưu Chữ, Châu Văn Tiếp sang Xiêm xin binh, vua Xiêm nhận lời, bảo Tiếp đi đàng núi mà về; rồi sai tướng Xiêm là Thát Xỉ Đa đem binh thủy qua Hà Tiên, tiếng là qua cứu, kỳ thiệt ám chúc rước Ngài qua Xiêm; Tiếp cũng có mật biểu, sai người đi theo binh Xiêm về tâu; Ngài được biểu mừng lắm, liền vào Long Xuyên để hội với tướng Xiêm, tướng Xiêm cố xin Ngài sang Xiêm, Ngài bất đắc dĩ phải theo, nhưng trước sai Chánh cơ Ngô Công Quý hầu bà Quốc Mẫn và cung quyến dời qua ở Thổ Châu.

Tháng 3, Ngài đến thành Vọng Các, vua Xiêm đón rước cực kỳ lễ phép, Ngài tự nghĩ buồn bực không biết chừng nào. Vua Xiêm nói rằng: "Chiêu Nam cốc (nghĩa là vua nhà trời nước Nam Việt) sợ hay sao?"- Ngài nói rằng: "không phải sợ, nhà nước tôi trải đời truyền nối hơn 2.000 năm, bây giờ quốc vận trung suy, tôi thời ít đức không tài, không giữ gìn cơ nghiệp được, vì thế mà buồn; nghĩ muốn trả thù, bắt giặc Tây Sơn làm thịt mà ăn, trải dỏỉ aùn mà nằm, dẫu chết cũng cam tâm, có sợ gì đâu". Vua Xiêm nghe nói, cho là khảng khái; nhơn hỏi việc nước; nói chưa xong lời, thời thấy Châu Văn Tiếp ở ngoài đi vào, tới trước Ngài ôm đầu gối quỳ mà khóc mãi. Vua Xiêm cảm động, nói với quần thần Xiêm rằng: "Chiêu Nam cốc có người tôi như vậy, coi đó là biết ý trời". Bèn chịu giúp binh để lo việc khôi phục. Vua thứ hai Xiêm nhơn nói: "Năm trước có giảng hòa với ông Nguyễn Hữu Thụy đã ước thệ rằng: hoạn nạn phải giúp nhau, bây giờ xin giúp sức". Rồi đem cờ, dao, gươm của ông Thụy tặng cho lúc trước để làm tin, hẹn ngày cử binh.

Cho Mạc Tử Sanh làm Chánh cơ. Nguyên Mạc Thiên Tứ bị hại bên Xiêm, chỉ có con thứ là Sanh, Toán, Thiêm, và cháu là Công Bính, Công Du, Công Thê, Công Tài vì tuổi nhỏ khỏi bị hại; bây giờ tới chỗ Hành Tại bái yết, Ngài nghĩ con cháu công thần, bèn cho Sanh làm Chánh cơ theo hầu.

Tháng 6, Ngài từ Xiêm đem binh về Gia Định, vua Xiêm sai cháu là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 20.000 lính thủy, 300 chiếc thuyền chiến giúp Ngài.

Tháng 7, quan quân lấy được đạo Kiến Giang, lại phá quân Đô đốc giặc là Nguyễn Hóa ở Trấn Giang, kéo thẳng đến các xứ Ba Thắc, Trà Oân, Mân Thiết, Sa Đéc, chia quân đóng giữ.

Cho Mạc Tử Sanh làm Tham tướng trấn Hà Tiên, quản lý việc binh dân.

Tháng 11, Thái giám Lê Văn Duyệt, Đội trưởng Nguyễn Văn Khiêm bái yết ở Hành Tại. Khi trước trận đánh tại Đồng Tuyên, Văn Khiêm, Văn Duyệt theo Ngài không kịp, bị giặc bắt, bây giờ mới trốn về.

Ngài nghĩ rằng binh Xiêm tàn bạo quá, dân ta đều than oán, muốn lui quân về.

Tháng 12, Nhạc nghe báo tin nguy cấp, sai Huệ đem thuyền binh vào Sài Gòn, Nhạc thời đem binh mạnh phục tại sông Sầm Giang và sông Xuy Miệt, mà dụ Xiêm ra đánh; tướng Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu Sương không biết địa lý, lại quen thắng trận luôn, liền kéo quân xuống thẳng Mỹ Tho, gặp quân phục binh chặn đánh, quân Xiêm thua, theo đàng núi Chân Lạp chạy về; Ngài sai Mạc Tử Sanh và Chánh cơ Trung sang Xiêm báo tin.

Phạm Văn Nhơn, Nguyễn Văn Liêm, và ông Bách Đa Lộc đem Hoàng Tử Cảnh sang Đại Tây Dương; đi đến Tiểu Tây Dương, thời nghe nước Đại Pháp có việc; rồi ở lại thành Bông Đi Sê Ri (thuộc về Aán Độ).

Năm Ất Tỵ thứ VI (1785), tháng giêng, Ngài trú tất ỏ Thổ Châu.

Tháng 4, Ngài qua Xiêm đến thành Vọng Các, vua Xiêm hỏi sự trạng bị thua, Ngài nói hết chuyện Tăng, Sương tàn bạo, dân đều ta thán, cho nên thua. Xiêm vương giận lắm, muốn chém Tăng, Sương, Ngài lại hòa giải rằng: "hai tướng vẫn có tội, nhưng việc nên cùng không, cũng là tại trời, sẽ chờ cơ hội thôi! Xin tha cho bọn ấy". Xiêm vương mới nguôi giận.

Tháng 5, Lê Văn Duân đem 600 người bái yết ở Hành Tại, các tướng sĩ cũng tìm đàng theo đến, ngày càng thêm đông.

Ngài khiến tướng sĩ chuyên làm việc đồn điền để cho đủ quân lương, lại khiến làm thuyền chiến ở ngoài cù lao, hoặc lén về Gia Định mộ thêm quân nghĩa dõng để tính việc khôi phục.

Năm Bính Ngọ thứ VII (1786) tháng 2, có ba toán quân Diến Điện xâm đất Sài Nặc nước Xiêm, Xiêm vương đi đánh, xin Ngài định mưu kế cho, Ngài nói: "Từ Diến Điện đến đây đàng đi ngàn dặm, vận tải quân lương, công tình cũng đã khó nhọc, tôi giúp sức cho, đánh cho gấp thời chắc được". Xiêm vương lập tức tấn binh, Ngài đem quân đánh giúp Xiêm, sai Lê Văn Duân, Nguyễn Văn Thành đi trước, lấy ống hỏa hổ xổ lửa ra đánh, binh Diến Điện sợ chạy, chết nhiều lắm, bắt sống đến 500 người. Khi trở về, vua Xiêm đem vàng lụa làm lễ tạ. Vua Xiêm lại muốn giúp binh để thâu phục Gia Định. Ngài bàn với các tướng; Nguyễn Văn Thành tâu rằng: "Xưa vua Thiếu Khương chỉ có một toán binh còn khôi phục được nhà Hạ, ta nên dưỡng sức chờ thời, việc còn làm được, chớ nên đem giặc vào trong nước". Ngài cho là phải, không dùng binh Xiêm nữa.

Tháng 5, Nguyễn Văn Huệ đánh Phú Xuân, quân họ Trịnh bị thua, Nguyễn Huệ đuổi ra đến Quảng Bình, tướng Trịnh chạy trốn.

Tháng 6, Hữu Chỉnh đem quân Tây Sơn đi đàng biển ra thẳng An Nam Đô Thành (tức Hà Nội). Ông Bách Đa Lộc đem Hoàng Tử Cảnh qua Đại Pháp, Phạm Văn Nhơn, Nguyễn Văn Liêm, Hồ Văn Nghị đem biểu về tâu nơi Hành Tại thành Vọng Các rồi ở lại hầu Ngài.

Tháng 7, vua nhà Lê băng, con là Duy Kỳ nối ngôi đặt niên hiệu Chiêu Thống, Huệ đã phá được Bắc Hà, muốn về Huế tự lập làm vua, bèn kể tội Nhạc, đem quân vây thành Quy Nhơn, rồi anh em lại giảng hòa với nhau, Huệ chiếm giữ từ phủ Thăng, phủ Điện trở ra, đóng ở Phú Xuân, tự xưng là Bắc Bình Vương. Từ đó Tây Sơn sanh ra nổi loạn, không rảnh mà mưu xâm Nam Kỳ nữa.

Năm Đinh Vị thứ VIII (1787) tháng giêng, (năm thứ 1 Chiêu Thống nhà Lê) Ngài trú tất ở Vọng Các.

Ngài nước Ba Tu Kê là An Tôn Lợi đem quốc thơ và vải tây, súng điểu thương dâng ở Hành Tại; nói rằng: "ông Hoàng Tử có xin giúp binh, bây giờ đã sắm đủ 56 chiếc tàu binh, đậu ở thành Cô Á để giúp Ngài". Lại đem lễ vật cho Xiêm mà xin rước Ngài về. Vua Xiêm thấy Ba Tu Kê giúp binh, ý không bằng lòng; Ngài mật dụ An Tôn Lợi cáo về.

Tháng 2, Giám quân Tống Phúc Đạm bái yết ở Hành Tại, nhơn tâu: "anh em Tây Sơn tự làm hại nhau, Đặng Văn Trấn đã đem hết quân về cứu Quy Nhơn; bây giờ Gia Định đốn nhược có thể lấy được". Ngài lấy làm phải.

Nhạc sai Nguyễn Văn Lữ giữ thành Gia Định, ngụy xưng Đông Định Vương.
Tháng 7, Ngài ở Xiêm về, đóng tại hòn Trúc Dự. Từ năm Giáp Thìn bị thua về sau, biết Xiêm không giúp nổi, nếu giúp cũng vô ích, nên Ngài quyết kế trở về, liên nhơn ban đêm để thơ tạ ở chỗ Hành Tại, rước bà Quốc Mẫu và cung quyến xuống thuyền, sai quân chèo đi gấp lắm. Thuyền ngự về đến hòn Cổ Cốt. Hà Văn Hi (người tỉnh Tứ Xuyên nước Tàu theo đảng Bạch Liên Giáo, tự xưng Thiên Địa Hội, ăn cướp các tỉnh Mân, Việt, khi trước ở cù lao Côn Lôn đã có ý muốn theo Ngài, đến bây giờ đem binh thuyền phụ theo, Ngài cho làm Tuần Hải đô đinh đại tướng quân, 10 người thuộc hạ cũng cho làm chức Tổng binh, Phi kỵ úy.

Tháng 5, Ngài cấm các tướng không được dung túng quân lính lấy của và bắt con gái ở dân gian, ai mà phạm tội thời chém, quản suất cũng bị tội lây. Có quan Điều khiển là Hương, Chánh đội là Lan nhiễu hại dân; việc ấy phát giác ra, bắt chém ngay, rao cho chúng biết.

Ngài nghĩ rằng: quan quân xứ Thuận Hóa nhiều người bị Tây Sơn bức hiếp phải theo, hoặc sợ có đứa trốn xuống dân gian, không cho ai dung nạp; bèn sắc dân Gia Định: ai mà thu dưỡng được một người lính Thuận Hóa, thời tha thứ cho một nửa binh diêu; thu dưỡng được hai người, thời tha cả thuế thân; ba người trở lên, lượng cho ưu hưởng.

Lại dụ quan quân Thuận Hóa rằng: "Xưa Đức Thái Tổ ta gầy dựng cơ nghiệp ở cõi Nam, hơn 200 năm, thần dân trong ngoài đều là xích tử triều đình; mà xứ Thuận Hóa lại là chỗ Tôn miếu Xã Tắc Liệt Thánh ta ở đó; nên chi ta coi dân xứ ấy cũng như tình cốt nhục; khi ta còn nhỏ, gặp lúc gian nan, ở ngụ nước láng giềng, thường muốn dựng lại cơ đồ đem về đất cũ. Bây giờ trời còn giúp nhà Hán, người chưa quên nhà Đàng, binh triều vừa tới, quân giặc đã tan. Tây Sơn lại bắt dân Thuận Hóa hãm dưới binh đao, đến nỗi thây chất đầy nội, máu chảy thành sông. Vả lại chúng mầy đều là thần tử, đội ơn nhà nước cũng nhiều, con em mà đánh lại cha anh, tưởng chúng mầy không nỡ làm như vậy đâu; chẳng qua là bức vì quên thời, nên chúng mầy phải bỏ bà con cha mẹ, đến đất khách quê người, tới lui đều khó! Ta nghĩ ra thương xót lắm! Vì thế ta đã hạ lệnh thâu dưỡng, để cho có chổ nương thân; chúng mầy phải đầu ngục các làng cho mau, chờ khi nào ta lấy được Sài Gòn, ai muốn ở lại thời ở, hoặc muốn về quê nhà cũng được. Nếu không như vậy, thời sợ e chỗ chiến trường chúng mầy không tránh khỏi, rồi ra lửa cháy núi Côn, ngọc tan mà đá cũng tan, phàn nàn không kịp được".

Tháng 7, Ngài đóng ở Tam Phụ gặp Tôn Thất Hội, Võ Tánh đem quân vây Đốc chiến giặc là Lê Văn Minh ở đồn Ngũ Kiều, Ngài đem binh thủy giáp đánh, rồi bỏ lửa đốt trại, giặc sợ bỏ chạy, bắt sống được nhiều lắm.

Nguyễn Văn Nghĩa đánh phá được giặc tại Đồng Nai.

Tháng 8 ngày Đinh Dậu, lấy lại thành Gia Định, cấm quân không được cướp của dân; bỏ các phép dử Tây Sơn, hiểu dụ nhơn dân làm ăn như thường. Lúc ây nhơn dân đem dâng những tiền, lúa, ván, gỗ và đồ đồng để trợ quân nhu.

Nước sông Ngưu Chữ, trong được ba ngày, (nước sông ấy vẫn đục, không khi nào trong, bây giờ tự nhiên mà trong, ấy là điềm trời sanh vua thánh).

Đặt sở công đồng, để làm chỗ văn võ hội nghị, có chỉ dụ thời gọi rằng "công đồng", ấn khắc bốn chữ: 'Thiêm Ngôn Doãn Hiệp".

Cho Nguyễn Văn Thành làm Trung Quân dinh Tiền chi Hiệu Uùy khâm sai tổng nhung chánh cơ. Thành người làng Bác Vọng, huyện Phong Điền, tánh trì trọng và nhiều mưu lược; lúc trẻ đi đánh giặc với cha là Chánh đội Nguyễn Văn Hiền, Hiền chết tại trận, Đức Duệ Tôn cho Thành làm Chánh đội; từ lúc Sài Gòn thất thủ, Thành lén ẩn ngoài dân gian; năm Giáp Thình ngự giá ở Xiêm về, lại theo Ngài đi đánh giặc, đến đây mới được phong chức ấy.

Thái Bảo giặc Phạm Văn Sâm chiếm giữ Ba Thắc, Ngài khiến chia quân đóng ở các cửa biển, đón hàng giặc chạy; để Tôn Thất Hội ở lại coi tướng sĩ dinh Vĩnh Trấn và điều bất bình các đạo đi đánh.

Sai Nguyễn Văn Nhơn sang Xiêm báo tiệp (1).

Tháng 9, bọn Nguyễn Văn Nhơn, Trương Phúc Giáo qua Phú Quốc rước bà Quốc Mẫu và cung quyết về Gia Định.

Định lệ cấm không được đại khống và việt khống (2). Tháng 10, định lệ cấm đánh bạc.

Lê chúa là Duy Kỳ nhờ quân Tàu lấy lại được An Nam Đô thành. Nguyễn Văn Huệ tự xưng là Hoàng Đế, đặt ngụy hiệu là Quang Trung. Làm thùng bỏ thơ. Ngài nghĩ rằng: dân gian làm thơ nặc danh, là chuốc tội lội cho người, bèn đặt một cái thùng bỏ thơ ở dưới cửa khuyết, để cho ai có việc vì oan uổng muốn kêu thời làm đơn bỏ vào thùng ấy. Dụ rằng: "pháp luật là phép chung trong thiên hạ, không phải riêng một người, không nên theo lời nói vô căn cứ mà bắt lỗi người ta, từ rày về sau, không kể quan hay dân, hoặc có điều oan uổng và bị người ta hãm hại, thời cho viết lên, họ quê quán vào đơn bỏ vô trong thùng; Triều đình sẽ xét việc quả gian hay là ngay, để thân oan khuất. Như còn thói quen cũ nói bậy cho người mắc lừa, phát giác ra thời trọng trị".

Năm Kỷ Dậu thứ X (1789) (năm ấy nhà Lê mất nước), tháng giêng, thưởng các Tướng sĩ đóng ở Ba Thắc.

(1) Báo tiệp là báo việc đánh được giặc.

(2) Đại khống là kêu đơn thế; việt khống là bỏ qua nha môn này tới kêu nha môn khác.

Tha thuế thiếu cho dân. Nguyên lúc mới lấy lại Sài Gòn, lương gạo, đồng, thiếc và gỗ, chiếu theo số định năm Đinh Vị mà bắt dân nạp, dân đi trốn nhiều quá, không nạp đủ thuế; nay tiết Xuân thu làm ơn tha cho dân.

Nguyễn Văn Huệ đánh quân Tàu ở huyện Thanh Trì, quân Tàu thua, tướng Tàu là Tôn Sĩ Nghị chạy về Điền Châu, vua Lê cũng chạy qua Tàu.

Tướng giặc Phạm Văn Sâm ở Ba Thắc, đem thuyền binh muốn vượt biển về Quy Nhơn. Ngài sai Lê Văn Duân, Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Văn Trương nhóm binh đánh tại Hổ Châu, giặc thua chạy tan, Sâm lại lui về Ba Thắc.
Định lệ thuế cảng để thu thuế các thuyền buôn Tàu: phàm hóa hạng trong thuyền buôn mà quan hệ dùng về việc binh, như kẽm, sắt đồ đồng, diêm, lưu huỳnh, các thứ đồ ấy phải nạp cho nhà nước. Nhà nước trả tiền cho; như đem những thứ ấy mua bán riêng, thời có tội.

Nguyễn Hoàng Đức ở Xiêm về Gia Định. Đức người huyện Kiến Hưng, dinh Trấn Định, sức mạnh hơn người, người ta khen là hổ tướng. Ngài thường dục ngựa tránh giặc, ngựa sa xuống lầy, Đức phò Ngài lên bờ, rồi kéo ngựa lên khỏi chỗ lầy, giặc không theo kịp. Lại có một hôm Đức đi hầu thuyền ngự, Ngài ở trong thuyền mệt lắm, gối vế Đức mà nằm, Đức suốt đêm không ngủ, lấy tay đuổi muỗi để Ngài nằm yên, Ngài khen Đức cũng như tôi nhà Nguyên giăng bức chiên che cho vua Nguyên lúc đêm tuyết (1). Sau Đức bị giặc bắt, giặc biết sức mạnh, muốn dùng, mà Đức không chịu. Sau lại theo tướng Nhạc, là Nguyễn Duệ ra đóng Nghệ An. Duệ là tướng Nhạc cho nên Huệ không ưa dùng; Đức khuyên Duệ lén về Quy Nhơn mà hiệp với Nhạc, để mình nhơn tiện lại về Bản triều. Đi hơn một tháng, có một đêm, Đức tránh đi đàng khác, theo đàng Lạc Hoàn, qua nước Vạn Tượng, đàng đi khuất khúc, quân sĩ hết lương, (đã hai ngày rồi hết lương, chỉ hái lá cây mà ăn, bỗng trông thấy một bầy chim đậu trên ngành cây, không biết chừng nào, chạy lại chụp bắt, thời đều là là cây hóa ra, đã thành hai cánh, mà mình với đầu còn dính vào ngành cây, ăn ngon lắm, nhờ đó mà khỏi đói; ai cũng cho là trời báo cho người trung nghĩa.). Các nơi nghe tiếng Đức, đều cấp lương cho đi sang đến Xiêm, vua Xiêm thấy Đức trung nghĩa, kính trọng lắm. Lúc Ngài lấy được Gia Định, nghe Đức còn ở bên Xiêm, sai người nói với vua Xiêm mượn thuyền chiến đưa quân Đức về, vua Xiêm cấp cho 50 chiếc thuyền và lưu huỳnh, diêm, đồ súng ống. Đức về đến Gia Định, vào yết kiến, Ngài ủy lạo, phong Trung Dinh Giám Quân Cưởng Cơ.

Thái bảo giặc Phạm Văn Sâm đầu hàng. Gia Định đều dẹp yên.

Cho những Phủ binh giữ các đồn bảo tại dinh Phiên Trấn đều về nhà làm ruộng. Dụ rằng: 'Lúc trước bờ cõi chưa yên, việc quân đương gấp, chia binh đóng giữ, khó nhọc đã lâu. Nay oai thanh xa khắp, đảng nghịch đã yên, giặc đã không núp lén núi rừng, quân nên được vui vầy nhà cửa. Vậy tinh binh các đồn lũy ở lại phòng giữ, còn bao nhiêu phủ binh đều tha cho về".

Tháng 4, nước Xiêm đại hạn, đói lắm, sai thuyền đến nước ta xin đong gạo, Ngài cho hơn 8.800 phương gạo (được 200 xe Xiêm).

Cấm thuyền buôn các nước ngoài không được chở các đồ cấm như lúa, gạo, kỳ nam, trầm hương, ngà voi và sưnụg tê.

Tháng 5, nghị định thuyền người Tàu chở sắt, gang, lưu huỳnh, chì sang nước ta, thời nhà nước mua. Nhưng tùy nhiều ít chia hạng mà tha thuế nhập cảng cho chở gạo về nước Tàu. Từ đó người buôn vui việc buôn bán; các đồ binh khí cũng được dồi dào.

Tháng 5 nhuận, cấm đạo phù thủy và đồng bóng, cấm con hát không được trước vào sở lính. Tháng 6, Hoàng Tử Cảnh ở Pháp về. Nguyên trước lúc ông Bách Đa Lộc đem Hoàng Tử qua cầu cứu bên nước Pháp, hơn hai năm mới tới nước, vua Đại Pháp dùng lễ quốc vương mà tiếp đãi Hoàng Tử Cảnh; nhơn nước Pháp có việc, vua Đại Pháp sai Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn theo ông Bách

(1) Vua Nguyên Thái Tổ thua trận, gặp lúc trời xuống tuyết nhiều lắm, vua Thái Tổ nằm trong đám cỏ rậm, bầy tôi là Mộc Ba Lê và

Bác Nhĩ Mộc giăng bức chiên che Ngài từ tối đến sáng không rời một bước.

Đa Lộc đưa Hoàng Tử về. Về đến nơi, Ngài mừng lắm, ông Thắng, ông Chấn đều xin ở lại làm tôi, Ngài đều cho làm chức Chánh đội và cho hơn 1.000 quan tiền (Thắng, Chấn đều là tên Ngài đặt).

Mới đặt quan Điền Toán (1), cho bọn Hàn Lâm Chế Cáo là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, Hoàng Minh Khánh, cả thảy 12 người kiêm việc Điền Toán, đi các dinh Phiên Trấn, Vĩnh Trấn, Trấn Định đốc sức dân chăm việc làm ruộng. Theo sổ đinh kể từ hạng Phủ binh cho đến hạng cùng cố đều khiến chăm làm ruộng, tên nào không làm ruộng, phải cấp làm lính phủ binh; đến lúc đạp lúa rồi, thời xét số lúa được bao nhiêu, giả như một người cày ruộng sâm mà được 100 thúng lúa (mỗi thúng 42 bát, cày ruộng cao mà được 70 thúng trở lên, phu binh thời tha một năm khỏi đi đánh giặc, dân thời tha một năm khỏi đi làm việc quan; nếu lúa không đúng số ấy, lệ không được tha. Lại mộ dân ngoại tịch làm lính cày ruộng, thuộc về quan Điền Toán cấp ruộng hoang cho cày, như thiếu ngưu canh, điền khí thời quan cho mượn tiền mua, chờ khi có lúa, nạp lúa trả lại.

Sai các dinh lựa quân chiến tâm (2). Dụ rằng: "tướng quý hồ có mưu, quân quý hồ sức mạnh. Cho nên ba người đồng sức, gầy dựng nhà Tây Châu; hăm tám tướng giúp công, trung hưng nghiệp Đông Hán; đều lấy võ dũng làm công vậy. Bao nhiêu binh đã vào sổ chiến tâm, hậu cấp lương tiền, phải theo quyền phép dinh Trung quân, gia công luyện tập".

Hàng tướng Phạm Văn Sâm ám thông với Nguyễn Văn Huệ phải giết.

Tháng 11, sai các tướng lập trận. Ngài nghe Nguyễn Đình Đắc biết binh pháp, sai Đắc đem phép bố trận luyện tập cho lính. Ngài nghĩ quân lính đi theo đánh giặc đã lâu, ai cũng muốn nghỉ, bây giờ chia ra làm ba phiên, mỗi tháng đổi một lần, một phiên ứng trực, hai phiên về nhà.

Khiến dinh Trấn Biên hòa mãi đàng cát, phòng khi đổi binh khí cho người Thái Tây.
Tháng 12, truy lục công đánh giặc. Dụ rằng: "thượng để trả công là phép thường nhà nước; tướng sĩ các dinh vất vả trăm trận, thiệt là khó nhọc; xưa nay dẫu đến trâu, ngựa còn không ai nỡ quên công, huống chi công tướng sĩ! Vậy bấy lâu ai có quân công, sống cho gia phong, thác cho truy tặng để báo đáp công lao".

Năm Canh Tuất thứ XI (1790), nước Tam Hoạt sai sứ thần là Giáp Tất Đơn, Điền Hoà sang dâng đồ binh khí. Khi về, Ngài ban cho Quốc trưởng nước ấy một cái tàn vàng, 10.000 cân gạo.

Xây thành đất trấn Gia Định. Ngài nghĩ đồn cũ ở làng Tân Khai còn hẹp, bàn đắp ruộng thêm. Nguyễn Văn Huệ xưng tên là Nguyễn Quang Bình cầu phong với Tàu, sai người giả thế mình qua chầu, vua Tàu ban cấp hậu lắm. Huệ lấy làm đắc sách, càng thêm kiêu ngạo.

Tháng 4, sai Chưởng tiền quân Lê Văn Duân đem lính thủy, lính bộ hơn 6.000 người vào lấy Bình Thuận, nhưng sai Tiền Phong dinh Võ Tánh và phó tướng Nguyễn Văn Thành đem binh thuyền đi trước, quan quân tới lấy Phan Rí, rồi thâu phục Bình Thuận.

Tháng 7, Ngài nghĩ rằng: đương mùa gió bắc vận tải không tiện, chi bằng nghỉ quân để chờ lần sau, bèn dụ các tướng rút quân về.

Sai Chánh Cơ Nguyễn Đình Đắc ra xem tình thế ngoài Bắc Hà Ngài nghe quân Tàu thua Tây Sơn, đã không dám đánh, lại phong cho Tây Sơn, cho nên sai Đình Đắc ra thám tin tức nhà vua Lê, nhơn đó mà chiêu dụ mấy người hào kiệt ngoài Bắc.
Tháng 10 mới đặt sở Đồn điền, dụ các quan văn rằng: "phép trị nước trước hết phải tính cho đủ ăn; bốn dinh trong Gia Định, đất ruộng rộng lắm, bấy lâu nay binh cách chưa rồi, đói khát luôn luôn, đến nỗi ruộng vườn bỏ hoang, dân chưa chăm nghề cày ruộng; nên chi của Nhà nước lương quân lính, chưa được đầy đủ. Vậy khiến các đội túc trực dinh Trung quân và quân các vệ thuyền, khẩn ruộng tại Thảo Mộc Câu gọi là trại Đồn Điền. Nhà nước cấp ngưu canh điền khí, và lúa giống, đậu, bắp; hễ gặt hái xong rồi đem nạp vào kho; cho Tiền Dực Hiệu Chánh Cơ Nguyễn Bình coi việc ấy"!. Lại sai văn, võ các nha mộ

(1) Điền Toán là quan coi về sự cày cấy làm ruộng.

(2) Chiến tâm quân là lính hết lòng đánh giặc.

dân lập đội Đồn điền, mỗi năm mỗi người nộp 6 hộc lúa, dân có ai mộ được 10 người trở lên cho làm quản trại, trừ tên trong sổ làng.

Làm lại phép duyệt tuyển. Quốc sơ thời 3 năm duyệt một lần gọi là tiểu điển; 6 năm duyệt một lần gọi là đại điển; hễ dân đinh đến 18 tuổi phải tăng tục vào, già và có tật thời thải. Đến đây lại theo phép cũ.

Tháng 12, Ngài ngự các Triều Dương, ban lịch năm sau cho các quan. Từ đó dùng làm lệ thường. Năm Tân Hợi thứ XII (1791), tháng giêng, lấy ngày 15 tháng ấy là ngày "thánh đản" (1) làm tiết Vạn Thọ.

Ngài nghĩ rằng các dinh thâu thuế, lại điển và hào lý thường nhiều tệ sách nhiễu, xâm khi, bèn hạ lịnh nghiêm cấm.

Tiền quân Lê Văn Duân phải tội, tự sát. Ngài nghĩ Duân có công, không nỡ giết, cách chức quan; Duân lấy làm hổ thên, tức giận, uống thuốc chết. Ngài lấy làm tiếc lắm, cho tám tên lính của Duân ở giữ mả và thêm 2 tên mộ phu; Duân còn mẹ già Ngài sai thuộc tướng Duân bảo dưỡng trọn đời, con là Chánh đã lớn, cũng tha thuế dân. Duân người huyện Kiến Hưng, dinh Trấn Định, sức khoẻ mạnh, đánh giặc giỏi, theo Ngài nhiều lúc khó nhọc, lấy lại được Gia Định, quân công nhiều lắm.

Khiến dân các dinh lãnh trưng ruộng đất hoang; định 3 năm mới thâu thuế, hạn đầu đơn lãnh trưng trong 20 ngày mà thôi, ngoại hạn thời cho quân cày, dân không được giành nữa.

Người nước Ba Tu Kê là Châu Gi Nô Nhi sang thông thương, Ngài nhơn gởi thơ cho Quốc trưởng mua đồ binh khí (20.000 súng điểu thương, 2.000 súng gang, 2.000 đạn).

Tháng 4, ngày Đinh Mão, bà nhị Phi Trần Thị (tức là đức Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, con gái ông Trần Hưng Đạt) sanh Hoàng Tử thứ 4 (tức là Đức Thánh Tổ).

Lập nhà thờ Hiển Trung, bàn định lệ tặng cho tướng sĩ tử trận ở Mỹ Lung và Ba Thắc như Lê Phúc Cảnh, Hoàng Văn Trung, cộng hơn 600 người.

Xử sĩ ở làng Thai Dương, huyện Hương Trà là Huỳnh Quang làm bài ca Hoài Nam: trước kể công Liệt Thánh mở mang khó nhọc, nhơn ân ra khắp thiên hạ, sau kể tội quyền thần (2), căm giận ngụy tặc; lời ca bằng tiếng Nôm, cực kỳ bi tráng, Ngài truyền đọc trong đám quân lính, ai nghe cũng chảy nước mắt. Ngài ban rằng: "xưa nhơn tâm nhớ nhà Hán, mà vua Quang Võ trung hưng; nhơn tâm nhà Đường mà vua Túc Tôn tái tạo; nay nhơn tình như vậy, thời dẹp giặc cũng không khó gì".

Mở khoa thi, lấy trúng cách là Nguyễn Đình Quát cộng 12 người.

Năm Nhâm Tý thứ XIII (1792), tháng giêng, làm thuyền hiệu Huỳnh Long và thuyền hiệu Xích Nhạn.

Ngài quyết ý đánh giặc: đến mùa gió nam, đem quân đi dánh, gió thuận ra đi, gió trái trở về; khi đi thời quân lính nhóm họp đầy đủ, về thời cho lính ở nhà; đến nỗi quân giặc phải lo giữ chỗ này, chống chỗ khác, không biết tính bề nào.
Tháng 3, nước Xiêm đem thơ xin giúp binh đi đằng thượng đạo đánh Tây Sơn.
Nguyễn Văn Nhạc làm thuyền binh nhiều lắm, đậu ở cửa Thi Nại toan vào xâm cướp. Ngài muốn đi đánh trước, để áp chế giặc; gặp lúc gió nam, thuyền ngự ra cửa Cần Thơ, đi thẳng cửa Diên Úc, biết cửa Thi Nại không phòng bị, liền sai quân lên bộ phóng hỏa đốt trại giặc, quan quân tiếp tới, giặc sợ bỏ chạy, lấy được thuyền và khí giới nhiều lắm.

Ngài ở cửa Thi Nại, khiến rút quân về. Từ khi đem quân đi đánh cho đến ngày thắng trận, chỉ

trong 40 ngày mà thôi, người ta cho là thần binh.

(1) Ngày Thánh đản là ngày sinh nhật vua.

(2) Quyền thần là Trương Phúc Loan.

Tháng 7, Nguyễn Văn Huệ chết; con là Quang Toản nối ngôi, ngụy hiệu là Cảnh Thạnh năm thứ 1 Toản còn nhỏ tuổi, công việc giao cho Bùi Đắc Tuyên, từ đó thế giặc suy lần.

Năm Quý Sửu thứ XIV (1793), tháng 3, ngày Giáp Dần, lập HoàngTử Cảnh làm Đông cung (14 tuổi), ban ấn Đông Cung, phong chức Nguyên Soái, lãnh Tả quân dinh; dinh ở gọi là "Soái phủ", giấy tờ đưa xuống gọi là "giáo", Ngài nghĩa Đông cung tuổi còn trẻ, muốn kiếm kẻ hiền sư phó để giúp Đông cung, bèn làm nhà Thái Học, đặt một quan Phụ đạo, hai quan Thị giảng, cho Hàn lâm chế cáo là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định làm chứ Đông cung Thị giảng.

Ngài ra đánh Quy Nhơn, giao Đông cung giữ thành Gia Định. Sai Tôn Thất Hội đem các đạo quân bộ đánh Phan Rí; Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hoàng Đức cũng đi theo; thuyền ngự ra cửa biển Cần Thơ, sai Nguyễn Văn Trương đem quân thủy ra trước, Võ Tánh hộ giá.

Tháng 5, thuyền ngự đến cửa Phan Rang, sai Đô đốc Nguyễn Kế Nhuận đánh đồn Mai Lang, giặc trông chừng chạy trốn, quan quân tới đóng ở cửa Nha

Trang, lấy lại phủ Diên Khánh.

Thuyền ngự tới đóng vụng Hòn Khói, giặc theo bỏ chạy, đến cửa quân đầu hàng; thâu phục phủ Bình Khương.

Tôn Thất Hội đem quân bộ đánh lấy phủ Bình Thuận. Ngài sai người đi dục Hội tấn binh cho mau để hội với quân thủy.

Thuyền ngự đến cửa Xuân Đài, sai Võ Tánh đánh đồn La Hai, Tham đốc giặc là Phạm Văn Điềm thua chạy; thâu phục phủ Phú Yên.

Thuyền ngự đóng tại cửa Thi Nại. Nguyễn Văn Nhạc sai con là Văn Bửu (ngụy xưng Tiểu triều) đem binh và voi ra đánh; gặp bọn Tôn Thất Hội đem lính bộ đi xuyên trên núi Hà Nhao, đèo Cù Mông, chia ra hai ngã giáp lại. Bửu làm thêm đồn ải từ núi Thỏ cho đến núi Đô để kháng cự quan quân; Ngài mật dụ Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Thành phải đi đêm qua núi Kỳ Sơn hội với Võ Tánh mà đánh sau lưng đồn giặc, binh tượng giặc giẫm đạp nhau mà chết, Văn Bửu và Đào Văn Hổ chạy về Quy Nhơn. Từ đó quan quân thủy bộ đều được thông cả.

Quan quân và dân Quảng Nghĩa dâng biểu xin theo đánh giặc. Ngài dụ rằng: "Đời nào cũng có người trung nghĩa, chúng mầy chán người Mảng, nhớ họ Lưu (1), lòng ấy đáng khen; bây giờ vương sự vào thẳng Quy Nhơn, đất ấy đã lược binh rồi, bốn mặt thành bọc rồi; Nhạc ở trong thành cũng như hồ Côn Dương nước ngập, Vương Mảng còn ngồi trông sao Đẩu; ta sẽ sai đem một toán quân, tới cứu phủ mầy, để bớt thế giặc mà thỏa lòng dân. Chúng mầy phải đồng tâm giúp sức, nghe quân Võ Tánh đến, ra mà đi theo. Quan quân thời trở giáo mà đánh mặt sau, dân thời đốn cây mà làm binh khí; một là đền ơn cho đất nước, hai là rửa giận cho cha anh; dõng mà có nghĩa, ắt cũng thành công, chúng mầy phải gắng!".
Sai Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Văn Thành đem các đạo binh tới ngoài thành Quy Nhơn, làm rào lũy mà vây thành.

Ngài muốn dùng phép Thái Tây thả diều đốt lửa, đốt thành Quy Nhơn; nhưng Ngài lại nghĩ rằng: nhơn dân bị hiếp theo giặc phần nhiều, đốt thành vạ lây đến dân, không nỡ làm như vậy. Ngài sắc cho quân không được đốt lửa gấp, để cho dân ra.

Tháng 8, quân ta bọc thành Quy Nhơn đã lâu, Nhạc khuẩn bức quá, sai người ra Phú Xuân cáo cấp với Nguyễn Quang Toản đem quân vào cứu.

Ngài sai Nguyễn Văn Thành thống lãnh các vệ, Nguyễn Kế Nhuận, Nguyễn Công Thái đều theo Thành sai bát. Dụ rằng: "Công việc đánh và giữ trong Quảng Nghĩa, giao quyền cho ngươi, phải làm sao mà ngoài thời ngăn quân giặc, trong thời yên nhơn dân, mới xứng trách đại tướng mà ta đã ủy thác cho ngươi". Lại dụ rằng: "Hàng tướng cũng nhiều, chỉ có Nguyễn Công Thái là người trọng hậu, thạo giỏi việc binh, phải đãi tử tế, không nên coi như người thường".
(1) Vương Mãng là giặc nhà Hán, chán Mảng nhớ Lưu nghĩa là bỏ Vương Mảng mà theo vua Quang Võ; ví cũng như bây giờ dân bỏ Tây Sơn mà nhớ Hoàng Triều.

Tháng 9, Ngài nghĩ quân ta vây thành Quy Nhơn, mà hai mặt đều là giặc, lại gặp mùa mưa, liền sai các tướng rút quân về. Ngài ngự về Diên Khánh. Ngài xét đồn Hoa Bông là chỗ đất hình thắng, đánh hay là giữ cũng được, bèn khiến đắp thành; vừa một tháng đắp gọi là thành Diên Khánh (tức là tỉnh Khánh Hòa).
Nguyễn Văn Nhạc chết.

Tháng 10, đòi Nguyễn Văn Thành về giữ thành Diên Khánh, Nguyễn Hoàng Đức giữ dinh Bình Khương; Ngài đem quân về Gia Định.

Tháng 11, cho Thái giám Lê Văn Duyệt làm chức thuộc nội vệ úy. Duyệt người huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Nghĩa, sanh ra là người giám; lúc làm chức Thái giám, có đem binh đánh giặc, người mạnh dữ mà đánh giỏi, có công tùng chinh, nên phong cho chức ấy.

Sai Chánh đội Quang Nói Ve, Đội trưởng Ba Đờ Chê (đều người Đại Pháp) qua thành Cô Á và Ma La Kha để mua binh khí.

Sai Đông cung Nguyên Soái Cảnh quận công giữ Diên Khánh, cho ông Bách Đa Lộc và các quan Thị học theo hầu, khiến phó tướng Phạm Văn Nhơn, Giám quân Tống Phúc Khê đều theo sai bát.

Năm Giáp Dần thứ XV (1749), tháng 2, sửa lại Văn Miếu dinhTrấn Biên. Lúc trước đức Hiếu Minh Hoàng Đế làm ra, bây giờ sai Lễ bộ Nguyễn Đô coi việc ấy; ở giữa thời đền Đại Thành, cửa Đại Thành phía tây có Dục Thánh Từ, tả có cửa Kim Thanh; hữu có cửa Ngọc Chấn; phía trước thời làm các Khuê Văn để treo chuông trống; đặt 50 tên lễ sanh, 50 tên miếu phụ.

Thống lãnh Thanh Hoá thượng đạo là Hà Công Thái dâng biểu xin theo, Ngài khiến chiêu tập quân nghĩa dõng để ứng theo Vương Sư.

Tháng 3, Quang Toản sai tướng là bọn Nguyễn Văn Hưng đem lính thủy, lính bộ vào Quy Nhơn. Nguyễn Văn Hưng đem 40.000 quân bộ vào lấy Phú Yên.
Trần Quang Diệu đem quân thủy vào cửa Nha Trang vây thành Diên Khánh, Đông cung chia quân chống giữ, để chờ quân cứu viện. Ngài đem quân thủy đi đánh, thuyền đến cửa Diên Uùc, giặc nghe đại binh đã đến, giải vây thành Diên Khánh, quân thủy chạy về Quy Nhơn, quân bộ lui ra Phú Yên. Ngài nghe tin, dụ Nguyễn Văn Thành giao quân cho Đông cung để chống cự với giặc, còn Thành phải giữ thành Diên Khánh.

Tháng 5, thuyền ngự đến cửa Thi Nại, Tôn Thất Hội đánh lấy được đồn Tiều Cơ, đồn Mai Hương; Nguyễn Đình Đắc đuổi giặc đến núi Tam Tòa, bắt quân giặc được hơn 800 người.

Tháng 6, Ngài nghĩ rằng: thủy binh giặc còn giữ chổ hiểm, chưa có thể phá được, mà lại gió mạnh sóng lớn, thuyền không đậu được, sai Tôn Thất Hội đem thuyền về đậu cửa Xuân Đài, mật dụ Đông cung rút quân về ở đồn Tân Thị chờ ngự giá, Nguyễn Văn Thành đem quân đóng đồn La Hai để phòng giặc.

Tháng 8, Ngài nghĩ rằng: Đông cung ở ngoài đã lâu, sai ông đem tướng sĩ Dinh Tả quân về Gia Định.

Tháng 9, Ngài kéo quân về Gia Định, để Hậu quân Võ Tánh giữ thành Diên Khánh.
Cho Đặng Trần Thường làm quan Tham Tri Bộ Lại. Thường người huyện Chương Đức (nay về Hà Nội), tỉnh Sơn Nam Thương, đậu sanh đồ nhà Lê, gặp loạn nên phải giấu tài, Thường có chí lớn, cùng với người huyện Thanh Oai là Nguyễn Bá Xuyên theo Nguyễn Đình Đắc vào cửa Cần Thơ. Đắc đem bài biểu của Thường dâng lên, Ngài khen lắm, dục vào yết kiến; Ngài hỏi sự thể ngoài Bắc Hà, Thường tâu việc chi cũng xứng chỉ cả; trận đánh ở cửa Thi Nại, Thường cũng tùng quân bày mưu chước, đến đây cho làm chức ấy. Nguyễn Bá Xuyên cũng được làm Chánh Đội, phụng chỉ ra Bắc Hà chiêu dụ mấy người hào kiệt.
Năm Ất Mão (1795), tháng giêng, Trần Quang Diệu đánh thành Diên Khánh.
Ngài mật dụ Võ Tánh rằng: "Năm ngoái ta đem quân về Diên Khánh, sửa đồn bảo, trữ lương hướng ngươi đã biết trước rằng đến tiết gió bấu, giặc hẳn kéo quân vào đánh, mà ngươi xin giữ một mặt, nên ta giao thành ấy cho ngươi; bây giờ quả thiệt như vậy, nay quân thủy quân bộ đã định ngày ra đi, người nên khuyến khích tướng sĩ đồng tâm giúp sức, chờ khi nào quân thủy đến cửa Cù Huân sẽ lừa thế đánh, một trận chắc chắn thành công được".

Tháng 3, Ngài đem thuyền binh ra cứu thành Diên Khánh, lưu Đông cung Cảnh giữ thành Gia Định.

Tháng 5, đang lúc ban đêm, Võ Tánh đem quân mở cửa thành, đốt bốn sở tại giặc, quân giặc bỏ chạy, bao nhiêu đồ khí giới bị quân ta lấy hết. Tánh chia quân chiếm đất ấy lập đồn phòng giữ.

Ngài nghe Tư Khấu giặc là Võ Văn Dõng giết cha con Thái sư Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở, Ngài dạy các tướng rằng: "giặc chém giết nhau, có thể thừa cơ được".
Tháng 6, Ngài khiến các quân lập đồn điền liên tiếp nhau, giặc không dám phạm; từ đó quân giặc đầu hàng nhiều lắm, Trần Quang Diệu thế cô, mật báo Lê Trung Mưu chạy thoát. Ngài dụ bọn Trương Phúc Luật phải giữ cho kỹ.

Ngài dục Tôn Thất Hội lập tức đem quân hội tiễu.

Tháng 7, quân giặc chiếm giữ núi Kho, quân ta đêm qua sông Ngư Tường, phóng hỏa đốt trại; Ngài đem đại binh tiếp đến, tiếng quân reo ầm trời, gió thổi lửa cháy, đốt hết 12 cái đồn giặc, Trần Quang Diệu giải vây chạy trốn; Ngài khiến Nguyễn Văn Thành đem quân đuổi theo. Ngài đem thuyền quân tới Chữ Châu, Trần Quang Diệu chạy vào Quy Nhơn.

Võ Văn Dũng đã giết Bùi Đắc Tuyên, lại nghĩ Trần Quang Diệu, Lê Trung đều là bè đảng với Tuyên, Dõng sai Nguyễn Văn Huân vào Quy Nhơn giết Diệu, việc làm không xong, chạy về Thuận Hóa; Diệu cũng đem quân đuổi theo. Đi đến nơi, Nguyễn Quang Toản giải hòa, cho Diệu làm Thiếu Phó, Huấn làm Thiếu Bảo, Dõng làm Tư đồ, Nguyễn Văn Danh làm Tư Mã; gọi là tứ trụ. Từ đó bọn giặc thường giết nhau, Quang Toản không kiềm chế được.

Tháng 8, tu bổ thành Diên Khánh, làm thêm kho lúc; dụ các tướng rút quân về, giao Tôn Thất Hội giữ thành ấy.

Tháng 9, Ngài ngư về Gia Định, ban yến cho tướng sĩ, tùy theo công trạng phong thưởng.

Năm Bính Thìn thứ XVIII (1796), tháng giêng, cho Nguyễn Tấn Lượng, Nguyễn Văn Thụy làm Chanh phó sứ sang Xiêm. Truyền bắt trạm đệ trà và bánh ra Diên Khánh; và dụ Tôn Thất Hội rằng: "ấy là lòng thành ta ban cho quân lính, người phải phân phát cho tướng sĩ, để cho ai cũng đội ơn vua".

Tháng 6, chở tiền gạo ở Gia Định, Bình Thuận, ra trữ tại Diên Khánh.

Đòi Tôn Thất Hội về, sai Nguyễn Hoàng Đức giữ thành Diên Khánh, phó tướng Nguyễn Văn Lượng đem binh đi theo, Tán lý Đặng Trần Thường hiệp tán việc quân.
Tháng 11, cho Tống Hữu Xuân làm Khâm sai chiêu thảo sứ, sai ra mật thám Quy Nhơn, Thuận Hóa và mộ nghĩa binh đánh giặc.

Tháng 12, làm Thái miếu (1) Ngài thân ngự bái yết.

Đúc tiền "Gia Hưng thông bửu".

Các đội Tiểu sai, Tiểu hầu thường sai lính ra ngoài dân lường gạt kiếm tiền, Đông cung dâng sớ tâu hết tình lệ, Ngài sai xét việc ấy mà nghiêm trị.

Năm Đinh Tỵ thứ XVIII (1797), tháng giêng, nhơn tiết Vạn thọ, ban áo cho các quan.
Ngài thường bàn việc binh với Lê Văn Duyệt, Duyệt nhơn nói: "Nguyễn Văn Thành có mưu mà ít dõng cảm, Tống Viết Phúc dõng cảm mà ít mưu; chỉ có Tôn Thất Hội đủ cả trí dõng, thiệt là tướng giỏi, Ngài cho là phải".

(1) Thái miếu là miếu thờ đức Thái Tổ trở xuống.

Tháng 4, Ngài sai đem thuyền binh đánh Quy Nhơn, Đông cung Cảnh đi theo, sai Tôn Thất Hội giữ thành Gia Định.

Thuyền ngự đến cửa biển Cù Huân, đòi Hữu quan Nguyễn Hoàng Đức theo Ngài đi đánh, giao phó tướng Nguyễn Văn Khánh giữ Diên Khánh.

Ngài nghĩ rằng thành Quy Nhơn hiện có trọng binh ở đó, thế chưa đánh được; Ngài đem hơn 100 chiếc thuyền chiến ra cửa Đà Nẵng (ở tỉnh Quảng Nam), sai Đông cung đem binh Tả quân vào cửa biển Đại Chiêm đánh lấy Chiêm dinh (tức là dinh Quảng Nam), đòi Võ Tánh ở Phú Yên đem quân ra hội chiến. Đông cung đến Chiêm dinh, Võ Tánh đóng ở Hà Thân, thanh thế mạnh lắm.

Tháng 6, cho Võ Nguyên Lượng làm Khâm sai chiêu thảo sứ. Lượng người huyện Đông Thành tỉnh Nghệ An, lúc vào Gia Định làm chức Nạp Ngôn; bây giờ làm Khâm sai để chiêu dụ mấy người hào kiệt ngoài Hà Bắc; giặc thám dò được, bắt Lương giết ngay, vợ là Hoàng Thị Hân xin về để xem tình thế giặc, cũng bị hại.

Tháng 7, Ngài nghĩ rằng: đại binh xông vào đất hiểm, đồ quân nhu không đủ; liền truyền dụ các tướng rút quân về, lưu Nguyễn Văn Thành giữ Diên Khánh, Đặng Trần Thường cũng ở đó bàn định việc quân.

Tháng 9, sai Trần Phúc Chất đem quốc thơ sang Xiêm để báo việc binh; lại nói với Xiêm rằng: "Có nghe nước Diến Điện thuê binh thủy Hồng Mao để đánh Xiêm, quả như vậy, ta sẽ đem quân thủy đón đàng mà đánh". Người Xiêm phúc thơ cảm tạ, dâng 100.000 cân diêm; trong tờ nói rằng: "như ngày sau đi đánh giặc, binh khí có thiếu cái gì, thời Xiêm xin giúp. Lại xin phái người nào quen việc, hội với lính bộ nước Xiêm, theo đàng thượng đạo đi băng qua nước Vạn Tượng để lấy tỉnh Nghệ An, một là ngăn đón quân ở ngoài Hà Bắc vào, hai là đánh mặt sau Thuận Hóa; quân nhu đã có các mọi cung cấp, mình không phải lo". Ngài vẫn muốn giao thông với Vạn Tường, bây giờ được thơ Xiêm, Ngài mừng lắm.

Tháng 12, lập nhà thờ Tinh Trung trên núi Hà La ở thành Diên Khánh (tế 250 người tướng sĩ chết trận, núi ấy ở phía bắc cửa Cù Huân).

Năm Mậu Ngọ thứ XIX (1798), tháng 12, Diến Điện đánh Xiêm, Xiêm sai sứ sang xin quân cứu viện, Ngài sai Hữu quân Nguyễn Hoàng Đức, Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương đem 7.000 lính thủy 100 chiếc thuyền chiến sang cứu, quân đi tới Côn Lôn, thời Xiêm đã đánh được Diến Điện rồi, liền rút quân về.
Tháng 4, cho Lễ bộ Ngô Tùng Châu và Nguyễn Thái Nguyên phụ đạo Đông cung. Tùng Châu học hành thuần chánh, hết lòng can răn, Đông cung lễ trọng lắm.
Tháng 5, Diên Khánh lưu trấn là Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường dâng sớ tâu rằng: "Đánh những người giao hiếu với giặc (1) mà cầu cứu với nước khác, là chước vạn toàn; từ lúc Tàu thua Tây Sơn đến bây giờ, hờn giận lắm, còn đương chờ dịp trả thù. Nay vua Gia Khánh nước Tàu mới nối ngôi, công việc sắp đặt, không phải như đời Kiền Long; quân ta từ khi thắng trận tại cửa Đà Nẵng đến giờ, bắt sống giặc Tàu Ô cũng nhiều, chúng tôi muốn nhơn việc ấy tính việc khác, dâng biểu tâu với vua Tàu và nạp vài chiếc thuyền Tàu Ô, để làm mồi hiến khoản (2) cho Tàu, chắc là vua Tàu ưng nhận. Như được vào yết kiến vua Tàu, sẽ tùy nghi mà cải lẽ; một lẽ làm cho Tàu ghét mà kết oán với Tây Sơn, một lẽ thời hỏi thăm vua nhà Lê, để tiềm thông tin tức, xin với vua Tàu, có lẽ nào vua Tàu làm thinh mà không hỏi. Nhưng chức sứ thần ít người làm được, tôi xin cử Đông cung Thị Học là Ngô Nhơn Tĩnh, Vĩnh Trấn Ký Lục là Phạm Thuận đều có trì thủ, có học vấn, không đến nỗi làm nhục mạng vua". Ngài cho là phải.

Tháng 6, cho Ngô Nhơn Tĩnh làm Binh Bộ Tham Tri, đem quốc thơ sang Quảng Đông, hỏi thăm tin tức nhà Lê, Tĩnh đến thời vua Lê đã mất rồi, lập tức trở về.

(1) Tôn Tử nói rằng: phép dùng binh phải đánh người giao hiếu với giặc.
(2) Hiến khoản là tỏ lòng thành.

Tháng 10, đòi Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường về, sai Đông cung giữ Diên Khánh; cho ông Bách Đa Lộc, Tống Viết Phúc, Nguyễn Công Thái theo hầu Đông cung.

Cho Hàn Lâm Đặng Đức Siêu làm Trung Quân Tham Mưu, ông Siêu văn học uyên súc, nhơn loạn ở ẩn, Tây Sơn đòi không đến; Ngài nghĩ Siêu là cựu thần, mật sai đòi, đến bây giờ lén vào Gia Định, bày mưu chước đánh Tây Sơn; Ngài khen, liền phong cho chức ấy.

Tiểu Triều Nguyễn Văn Bửu dâng biểu xin đầu hàng, quân ta chưa đến, Quang Toản bắt giết Tiểu Triều. Tánh Quang Toản hay nghi, lại giết Thiếu Bảo Nguyễn Văn Huấn; lúc âý các tướng ai cũng có ý bỏ Tây Sơn mà về theo Ngài.

Tháng 11, Bình Tây Đại Tướng Quân là Tôn Thất Hội mất. Ông Hội hai lần hộ giá, công trạng nhiều, tánh nghiêm trang, giữ gìn phép tắc, các tướng ai cũng kính sợ; ông mất, Ngài thương tiếc lắm, tặng chức Nguyên Phụ Công Thần, Đặc Tấn Thượng Trụ Quốc chưởng Dinh (Minh Mạng thứ 5, cho tùng tự Thái Miếu, năm thứ 42, phong Lượng Giang Quận Công).

Năm Kỷ Vị thứ XX (1799), tháng 2, sai Nguyễn Văn Thụy, Lưu Phúc Tường sung chức Chánh Phó Sứ, đem quốc thơ sang nước Xiêm, nói với Xiêm đem quân lính Chơn Lạp, Vạn Tường đi xuyên đàng thượng đạo xuống tỉnh Nghệ An để trợ thanh thế cho mình. Vua Xiêm bằng lòng.

Tháng 3, ban 30 điều quân chánh, rồi định lại bốn điều.

Ngài ra đánh Quy Nhơn, lưu Hoàng Tử Hy giữ thành Gia Định, bọn Nguyễn Văn Nhơn ở hầu, giữ gìn thành quách, sai quân chở lương, chẳng hề thiếu thốn.
Tháng 4, thuyền ngự vào thẳng cửa Thi Nại, sai Hậu Quân Võ Tánh, Hữu quân Nguyễn Hoàng Đức đem quân đóng ở Phú Trung; lại sai các vệ thần sách qua sông Kiền Dương đánh giặc tại đồn cũ, hai trận đánh đều được cả, quân ta thừa thắng tới đóng ở làng Trúc Khê.

Đại Đô Đốc giặc là Lê Chất đầu hàng. Chất người huyện Phù Ly, tỉnh Bình Định, trong đảng giặc Chất thời đánh giỏi hơn hết. Ngài phủ ủy thâu dùng, cho theo Võ Tánh sai phái; bọn tướng giặc là Võ Đình Giai, Nguyễn Văn Điểm cũng ra đầu hàng, Ngài khiến bọn hàng tướng chiêu tập lính cũ để đi đánh giặc.

Nguyễn Văn Thành đánh phá đồn Hội An, Tham đốc Phạm Văn Điềm đầu hàng; thâu phục dinh Phú Yên; báo tin đến, Ngài dục tấn binh ứng tiếp với Võ Tánh.
Tháng 5, quân ta đến gần thành Quy Nhơn; Trần Quang Diệu, Võ Văn Dõng đi đến tỉnh Quảng Nghĩa, nghe quân ta giữ tại xứ Tân Quan, đều bỏ thuyền lên bộ, kéo đi hơn 20.000 quân, Diệu ở ngoài đèo Bến Đá giả làm thanh thế, Dõng đem quân đi xuống Chung Xá mưu lên đánh quân ta; ban đêm đi qua khe, có một con nai trong rừng nhảy ra, quân đạo tiền ngó thấy la lên: "Nai ! Nai!" quân sau vội vàng cũng la rằng" "đồng nai" (1) giặc sợ bỏ chạy, sập xuống hầm hố nhiều lắm; Tống Viết Phúc biết giặc kinh sợ, đem vài trăm quân ra đuổi, giặc thua chạy, bắt được quân giặc và khí giới nhiều lắm; báo tin thắng trận, Ngài khen, thưởng 3.000 quan tiền.

Võ Tánh đánh phá quan Thái Phủ giặc là Lê Văn Ưng( đón đàng mà đánh ở xứ Kha Đáo lấy hết binh tượng).

Quân ta lấy lại thành Quy Nhơn, Văn Ưng đã thua, trong thành hết lương, Tổng quản là bọn Lê Văn Thanh đầu hàng, Ngài đổi tên là thành Bình Định.

Tháng 7, Ngài đóng ở Bình Định, sai sứ sang Xiêm báo tiệp.

Nguyễn Quang Toản đem lính Thuận Hoá vào cứu. đóng tại sông Trà Khúc, thường dục các tướng tới xâm. Trần Viết Kiết nói rằng: "bây giờ trái gió, đánh t2hủy không đươc"; bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dõng xin Quang Toản về Thuận Hóa, Quang Toản trở về, Diệu, Dõng cũng về Quảng Nam, giao Nguyễn Văn Giáp giữ Trà Khúc

(1) Nghĩa là giặc tưởng quân ở Đồng Nai.

Tháng 9, Ngài ngự về, giao Võ Tánh, Ngô Tùng Châu giữ Bình Định.

Ông Bách Đa Lộc mất; ông tham dự việc quan, đem Đông cung sang Đại Pháp, hết lòng bảo hộ, Ngài khiến Đông cung đãi ông như Quan sư; lúc ấy ông theo đánh Quy Nhơn, rồi mất tại cửa Thi Nại, tặng chức Thái Tử Thái Phó Bi Nhu Quận Công, thụy hiệu là Trung Ý, đem về táng tại Gia Định.

Ngài ngự về Gia Định, đi ngang qua tỉnh Phú Yên, tha thuế thiếu cho dân. Cho Nguyễn Văn Tánh, Đặng Trần Thường lưu trấn thành Diên Khánh. Tháng 10, ngự đến Gia Định, cho lính về nhà nghỉ.

Tháng 11, giặc toan vào lấy Bình Định, Trần Quang Diệu đem quân bộ, Võ Văn Dõng đem quân thủy, định tháng 12 kéo quân vào Bình Định.

Ngài nghĩ Diên Khánh là chỗ xung yếu, dụ lưu trấn Nguyễn Văn Tánh, Đặngg Trần Thường phải phòng giữ cho nghiêm; lại sai Nguyễn Văn Trương đem thuyền binh ở Thi Nại trở vào cửa Cù Huân, để hiệp sức mà giữ thành Diên Khánh.
Năm Canh Thân thứ XXI (1800), tháng giêng, Diệu và Dõng đem quân đến gần thành, thường ghẹo đánh, ông Tánh đóng cửa thành không cho quân ra, Diệu nói với Dõng rằng: "Tánh không ưng đánh, muốn làm cho Nguyễn Văn Tánh mỏi mệt"; rồi đắp lũy chung quanh thành để vây bọc quân Nguyễn Văn Tánh và giữ gìn cho lâu.

Ngài nghĩ nước Hồng Mao quen nghề thủy chiến, khiến thuyền trưởng Chánh đội là Ba La Gi nhóm các thuyền buôn, sắm sửa đồ khí giới để theo Ngài sai phái.
Sai Chánh Đội Nguyễn Văn Chấn coi chiếc tàu Phụng Phi, Nguyễn Văn Thắng coi tàu Long Phi, Lê Văn Lăng coi tàu Bằng Phi, theo đạo Trung quân sai phái đánh giặc.

Thượng Đạo Tướng Quân Nguyễn Văn Thụy ở Vạn Tượng về mật tâu việc binh; Ngài sai đi hội với Vạn Tượng đánh lấy tỉnh Nghệ.

Tháng 4, Phiên Thần tỉnh Thanh Hóa là Chánh Thống Lãnh Hà Công Thái dâng biểu xin củ hiệp thổ tù các mán theo Nguyễn Văn Thụy đi đánh giặc.

Ngài đem quân cứu Bình Định, lưu Đông cung giữ Gia Định.

Tháng 4 nhuận, thuyền ngự đến cửa Cù Huân, sai Hoàng Tử Hy lưu trấn Diên Khánh, thân dụ tướng sĩ các dinh thủy bộ.

Tháng 5, Nguyễn Văn Thành kéo quân đến cửa Xuân Đài, khiến Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc, Trương Tấn Bửu chia làm ba đạo đều kéo tới một lần, đánh phá giặc, lấy đồn Hội An.

Tháng 6, Tướng quân Nguyễn Văn Thụy, Điển quân Lưu Phúc Tường đem quân mình và quân Vạn Tượng đánh đảng giặc ở Nghệ An. Quân Thượng đạo ở Thanh Hóa là Hà Công Thái, thổ ty ở Hưng Hóa là Phan Bá Phụng đều khởi binh, các xứ Bắc Hà cũng đều khởi quân theo cả, khi ấy quân giặc chống cự rất là mỏi mệt.

Thuyền ngự đóng tại cửa Cù Mông, chia lập đồn trại, đối lũy với giặc.

Tháng 7, Phó thống lãnh giặc là tên Thụy đem 150 chiếc thuyền lương ở Bắc Hà, Thuận Hóa, Quảng Nam vào đậu cửa Đề Gi (Bình Định), quân Nguyễn Văn Tánh dò biết; Ngài đem thuyền binh giữ cửa Thi Nại, lại sai Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương đem thuyền binh đón đánh, Thụy bỏ thuyền lên bộ mà chạy, quân Nguyễn Văn Tánh bắt được hơn 30.000 vuông gạo và thuốc, đạn, binh khí cũng nhiều.

Tháng 9, Ngài đóng tại Hòn Nần (trong cửa Cù Mông).

Tháng 10, Võ Tánh sai người dâng biểu ở chỗ Hành tại (1). Ngài lại sai người lén vào thành hỏi thăm, quân lính đều cảm kích, xin ra sức đánh giặc.

Tháng 11, Nguyễn Văn Thành bắt người mường đem đàng, biêt rằng đi đàng tắt phía Tây Nam thời đánh mặt sau đồn giặc, liền vẽ địa hình dâng biểu xin thêm binh; Ngài xem biểu, mừng nói rằng: "Giặc ở trong con mắt ta thấy rõ rồi". Sai Tống Viết Phúc, Lê Văn Duyệt đem quân đến Gò Thị theo tiết chế ông Thành; Thành sai Duyệt giữ đồn làm chánh binh, còn mình đem quân các đạo làm kỳ binh (2), đêm đi đàng tắt, qua núi Bột Khê, nhơn lúc trời mưa đi quanh ra sau đồn giặc, bỏ lửa đốt đồn, ước với ông Duyệt hai đầu đánh lại, giặc thua bỏ chạy, Đô đốc Thu đem quân đầu hàng; quân ta lấy được voi, ngựa, súng và binh khí nhiều lắm. Báo tiệp, Ngài khen lắm. Trận ấy ông Thành, ông Duyệt đều cầm cờ tướng chỉ biểu quân lính, Thành hay uống rượu, lúc gần ra trận, cầm hồ rót rượu, rót cho Duyệt một chén mà nói rằng: "uống rượu để thêm sức mạnh". Ông Duyệt nói: "Ai tánh hay sợ mới uống rượu để cho thêm sức mạnh, còn như tôi thời trước mắt coi không trận dữ, cần chi phải uống rượu". Thành có ý thẹn, từ đó giận Duyệt.

Năm Tân Dậu thứ XXII (1801), tháng giêng, quân thủy ta đánh giặc ở cửa Thi Nại. Nguyên trước khi Võ Văn Dõng đem hai chiếc thuyền hiệu Định Quốc và hơn 100 chiếc thuyền chiến, đậu ngang cửa biển; lại lập hai đồn bên cửa biển: bên tả tại Nhạn Châu, bên hữu tại núi Tam Tòa; hai đồn ấy đều đặt súng lớn để chống cự quân ta. Đến bây giờ các đạo quân ta đều sắm đồ hỏa công đủ hết; canh ba đêm

16, Ngài sai Nguyễn Văn Trương chèo thuyền nhỏ lén vào nơi Hổ Cơ đốt đồn thủy giặc; Võ Di Nguy đem mấy chiếc thuyền lớn xông tới, Văn Duyệt theo sau; Nguy bị đạn chết, Duyệt không ngó đến, càng gắng sức đánh, từ giờ Dần đến giờ Thân đốt phá hết thuyền giặc; ai cũng khen trận ấy là "Võ công đệ nhất".(Di Nguy người huyện Phú Vang; Minh Mạng năm đầu được tùng sự Thế Miếu; năm thứ 12, được phong Bình Giang quận công).

Ngài trú tất tại cửa Thi Nại, sai báo tiệp cho Gia Định, Phú Yên, Bình Khương, Bình Thuận đều biết; lại sai quan trấn Gia Định làm thơ báo với nước Xiêm, nước Lạp.

Tháng 2, lựa thêm lính Gia Định, thúc thành đội ngũ, đem đi quân thứ đánh giặc; sai Nguyễn Văn Trương đem lính thủy ra đánh Quảng Nam, Quảng Nghĩa.
Đông cung Nguyên Soái Quận Công Cảnh mất. Lúc Đông cung ở Đại Pháp về, thường đi theo đánh giặc; bây giờ giữ thành Gia Định, lên đậu mà mất, mới 22 tuổi; Ngài thương tiếc lắm (năm Gia Long thứ 4, truy thụy là Anh Duệ Hoàng Thái Tử, lập tẩm viện ở xã Vỹ Dạ).

Tháng 3, Nguyễn Văn Trương lấy lại dinh Quảng Nam. Tháng 4, Hoàng Tử Hy mất, đem về táng tại Gia Định.

Quân ta giữ thành Bình Định gần hết lương; bọn Diệu, Dõng vây càng nghiêm ngặt. Ngài truyền các tướng rằng: "thà là mất thành Bình Định, không thà mất tướng giỏi ta!". Liền sai người lặn nước đưa thơ dụ Võ Tánh bỏ thành chạy ra hội với đại quân; Tánh xin chịu chết giữ thành, tâu rằng: "lúc nầy binh tướng giỏi Tây Sơn đều ở Bình Định, Phú Xuân chắc là bỏ trống, nên thừa hư ra đánh lấy Phú Xuân, được Phú Xuân cũng đủ thường một mạng tôi!". Ngài than thở hồi lâu, rồi sai Thành đem các đạo binh kháng cự với Diệu, Dõng; mà Ngài đem thuyền binh ra Phú Xuân.

Tháng 5, ngày Bính Tý, đại binh vào cửa Tư Hiền, Lê Văn Duyệt, Lê Chất đánh phá giặc ở núi Quy Sơn (tức là núi Linh Thái).

Ngày Đinh Sửu, Ngài đốc các đạo quân tới sông Trừng Hà, Lê Văn Duyệt bắt được Nguyễn Văn Tri và đô đốc Phan Văn Sách, giặc đầu hàng hơn 500 người; đại binh kéo thẳng vào cửa Duyên Hải.

Ngày Mậu Dần, thâu phục Kinh Đô. Giặc nghe đại binh đến, bỏ chạy cả, lấy được hết thảy thuyền và khí giới; đại binh kéo thẳng vào Phú Xuân, Quang Toản đem đồ quý báu bỏ thành chạy ra Bắc; Ngài

(1) Hành tại là nơi vua đóng quân ở đó.

(2) Chánh binh là quân ra trước trận cho giặc thấy; kỳ binh thời đi lén đàng khác, hoặc núp đánh đàng sau không cho giặc biết.  ngự vào thành coi khắp các cung khuyết, lấy được 13 cái ngụy ấn, 33 bản ngụy sách; niêm phong kho tàng, tịch biên tiền của, cấm quân không được nhiễu hại, để cho yên dân.

Sai Lê Chất đem binh bộ đuổi Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Văn Trương đem lính thủy ra sông Gianh để đón đàng giặc chạy. Phạm Văn Nhơn giữ cửa biển Duyên Hải (1), Phan Văn Triệu, Tống Phúc Châu giữ Tả Trạch nguyên và tam ải.
Sai Điển quân Lưu Phúc Tường đem bộ hạ đi đàng Cam, đưa thơ cho Vạn Tượng và các mường, bảo chúng nó giữ chỗ hiểm yếu, phòng quân giặc chạy trốn.
Thanh Hóa Thống Lãnh Hà Công Thái sai người dâng biểu tâu việc binh, Ngài dụ rằng: "ta nay thu phục Kinh đô, đã sai Lưu Phúc Tường hội với Vạn Tượng đánh Nghệ An; mầy nên đem bộ hạ đánh Thanh Hóa; chờ ta sắp đặt xong việc, sẽ ra lấy Bắc Hà để thống nhất thiên hạ, mầy phải gắng đó".

Sai Trương Công Vỹ chiêu dụ hào kiệt ngoài Bắc. Phó Vệ Úy Nguyễn Đình Hoằng cũng xin tới tỉnh Thanh, tỉnh Nghệ chiêu tập nghĩa binh; Ngài bằng lòng cho.
Nội hầu giặc là Lê Văn Lợi, Thượng thơ giặc là Hồ Văn Diệu đều xin hàng, Ngài cho theo sai phái. Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường mật tâu rằng: "từ Tây Sơn khởi loạn đến giờ, bọn ấy nhờ đó mà được giàu sang, mấy người trung nghĩa ở Thuận Hóa, Bắc Hà phải khuất thân làm lính, để cho bọn ấy sai khiến, thường có ý trông vương sư đến, để đổi lối cũ. Bây giờ lại cho bọn ấy coi quân, nghiễm nhiên làm quan ở trên người ta, e thiên hạ mất lòng trông cậy; nếu sợ đánh giặc còn nhiều, không dung bọn ấy e những đứa khác ngờ không dám tới, thời xin tha bọn ấy đừng giết cũng được, không nên cho giữ binh quyền". Cho xử sĩ Nghệ An là Nguyễn Thiếp về nhà. Thiếp người làng Nguyệt Úc, huyện La Sơn, đậu hương cống (là cử nhơn) làm tri huyện Thanh Chương, bỏ quan về nhà; lúc nhà Lê mất, Quang Toản mời ra ở Phú Xuân. Bây giờ vào bái yết xin về, Ngài dụ rằng: "Tuổi ngươi đã nhiều, lại có đức độ, người ta vẫn kính phục lắm; từ rày người về nhà, nên dạy cho được nhiều học trò giỏi để giúp nhà nước, thế mới không phụ lòng ta trọng người hiền"; rồi sai quan đưa về.

Sai Lê Văn Duyệt đem quân bộ vào Quảng Nam, Tống Viết Phúc đem quân thủy, chia đàng vô cứu Bình Định; Lê Chất đem quân tả đồn và lính hai vệ Chấn Võ, Tề Võ, theo tiết chế ông Duyệt. Ngài lại truyền Nguyễn Văn Thành sắm sửa binh mã để đợi.

Lê Văn Duyệt và Lê Chất đánh viện binh giặc tại Cao Đồi, bắt được bọn Đô đốc Lê Văn An, báo tin thắng trận. Ngài sai giải mấy tên bắt được về Kinh, chỉ có tên nào là người Thuận Hóa và người Bắc Hà thời cho nhập vào đội ngũ vào Quảng Nam đánh giặc.

Thành Bình Định lương hết; Đại tướng quân Quận Công Võ Tánh, Lễ Bộ Ngô Tùng Châu đều tuẫn tiết. Khi quân giặc vây thành, ông Tánh tùy thế chống cự, nhờ tướng sĩ hết lòng đánh giặc, lớn nhỏ hơn mười trận, không hề thua. Đến bây giờ lương hết, quân lính phải làm thịt voi ngựa mà ăn, cũng không có ý làm phản. Ông Tánh lo rằng: nếu thành bị phá, quân lính không khỏi bị hại, liền sai quân kiếm củi khô chất đầy dưới lầu bát giác, toan đốt mình tự tử. Sáng sớm mai Tùng Châu tới hỏi Tánh định mưu kế gì, Tánh chỉ lầu bát giác nói rằng; "kế tôi ở đó". Tùng Châu nói: "Tướng quân hay liều mình với nước, tôi lại không hay hết trung với vua sao?". Tùng Châu uống thuốc độc chết, Tánh liệm táng cực kỳ tử tế; rồi để thuốc súng dưới lầu, mặc Triều phục lên lầu ngồi, gảy tàn thuốc xuống, mình đốt lấy mình, Chánh Cơ Nguyễn Tấn Huyên cũng nhảy vào lửa mà chết. Giặc kéo quân vào thành, cũng không làm hại đến các tướng sĩ trong thành; rồi các tướng sĩ ta đều lén trở về, không ai theo giặc (Nền Bát giác lầu ở trong thành, khi nhà nước đại định rồi, lập đền thờ hai ông ở đó; năm Gia Long thứ 5, hai ông được tùng tự Thái Miếu; năm Minh Mạng thứ 5 đổi qua tùng tự Thế Miếu; năm thứ 12, ông Tánh được phong Hoài Quốc Công, Tùng Châu được phong Ninh Hòa Quận Công).

Ngài nghe Võ Tánh và Tùng Châu tử tiết, khóc mãi không thôi, Ngài nói rằng: "Hoàn tiết như vậy, dẫu Trương Tuần, Hứa Viễn nhà Đàng cũng không hơn được". Truyền sắc trấn Gia Định châu cấp gia quyến, lại nghĩ Nguyễn Tấn Huyên cũng đồng tử tiết, cũng sai quan tỉnh Quảng Nghĩa hỏi thăm mẹ và vợ con, ban cấp rất hậu.

(1) Năm Gia Long thứ 12 đổi tên là cửa Thuận An

Nguyễn Quang Toản chạy ra Bắc thành, đổi niên hiệu là Bửu Hưng, sai người sang Tàu xin viện binh, Tàu không cho, Diệu, Dõng đã giữ thành Bình Định, toan đắp lũy ngang ở Vân Thê để đón đàng quân ta chở lương qua cửa Thi Nại, nó lại sai Tham đốc Phạm Văn Điềm giữ tỉnh Phú Yên để ngăn trở quân ta. Nguyễn Văn Thành dâng sớ xin phái Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Đức Xuyên đánh phá Phú Yên, để thông với Tam Lãnh; Ngài sai Tống Phúc Lương đi thuyền chiến ra biển vào Tam Lãnh hội với Nguyễn Văn Tánh đánh giặc. Quân Tống Viết Phúc, Lê Văn Duyệt, Lê Chất đến Quảng Nghĩa đánh giặc ở đồn Trà Khúc, bắt sống quân giặc hơn 3.000 người, tâu việc thắng trận. Ngài truyền giải tướng giặc là Nguyễn Khôn, Hồ Tự về Kinh, còn lính giặc thời nhập vào các vệ để thêm số lính cho nhiều.

Đòi các hậu vệ quân về Kinh, lưu Nguyễn Văn Tồn ở quân thứ đánh giặc. Lúc trước thành Bình Định hãm, Tồn bị giặc bắt, Tồn giả đò hết sức giúp giặc đánh mình, quân mình kêu mà Tồn không ngó, giặc lấy làm tin; đến bây giờ lén trốn về. Có người hỏi Tồn rằng: "khi đi theo giặc sao mà đánh dữ thế?". Tồn nói: "như không làm cho quân ta bị thương, thời giặc không tin; nó đã không tin làm sao đem hết quân lính mà về được?". Ai cũng phục là có trí.

Cho Giám quân Nguyễn Văn Trương làm Khâm sai Chưởng Trung Quân Đại Tướng Quận Công. Tánh ông ấy rất trọng hậu, chẳng hay giết người. Khi trước có một trận quân ta bị thua, lội qua sông mà chạy, giặc xúm nhau đâm quân ta; lúc ấy Trương còn làm tướng giặc, không cho giặc giết quân ta, nói rằng; "nhơn khi nguy cấp mà giết người, ấy là bất nhơn". Giặc trở lui; Ngài khen rằng; "làm tướng có nhơn như Trương là ít lắm". Khi về theo Ngài, lập nên công lớn, ai cũng khen là phúc tướng.

Đổng Lý giặc là Nguyễn Văn Thận đem lính giữ dinh Hà Trung; Nguyễn Văn Trương dâng sớ xin thừa cơ ra đánh, Ngài dụ rằng: "Tướng quân là trụ thạch lão thần, Nhà nước ỷ trọng lắm; ngày nào đem quân ra đánh, phải chia thủy bộ hai đạo, kéo qua Thanh, Nghệ, hội với binh thượng đạo, để bắt cho hết đảng giặc; nay mai bắt được Diệu, Dõng, ta sẽ sai các tướng ra lấy Thăng Long để yên định Hà Bắc". Ngài lại nghĩa rằng: Tham tán phải có quan văn, phải cần người nào thuộc tất địa thế và dân tình ngoài Bắc mới làm chức Tham tán được; liền đòi Đặng Trần Thường, Nguyễn Trí Hòa về Kinh hầu chỉ.

Huyện thừa ở Nghệ An là Hoàng Thạch Phỏng, sanh đồ là Phạm Kiến Tích xin đi đánh giặc, Ngài cho Phỏng làm Chánh Cơ, Tích làm Chánh đội, khiến đem lính Hưng Nghĩa theo Nguyễn Văn Trương sai phái.

Sai Giám thành Nguyễn Văn Yên đo lũy Trấn Ninh (tức là lũy Đồng Hới) từ núi Đâu Mâu đến cửa Nhật Lệ, xem xét tình thế, rồi vẽ địa đồ dâng lên Ngài xem. Lũy ấy dài 1120 trượng.

Tháng 7, phong cho Nguyễn Văn Thành làm Khâm sai Chưởng Tiền quân, Bình Tây Đại Tướng Quân, điều bát chư đạo bộ binh Quận Công; cho Lê Văn Duyệt làm Thần Sách quân chưởng tả dinh đô thống chế, Quận Công. Ngài dụ rằng: "Ngươi với Duyệt nên ở cùng nhau cho có đạo nghĩa, có thành thiệt, không nên lấy khí thế, tài danh làm cao thấp, đồng tâm lo việc, để cho thành công; mới gọi là tôi của Xã tắc, báu của nước nhà; ngươi phải nghĩ cho kỹ".

Cho Ngô Đức Toản làm chức Hà Bắc Chiêu Phủ Sứ, sai đem đạo quân mình đi với Chánh Vệ Nguyễn Đình Hiệu vượt biển ra đến Biện Sơn, Phó vệ Nguyễn Đình Hoằng, Thống binh Hoàng Văn Quý và mấy người hào mục ra theo cũng nhiều. Rồi chiêu tập nghĩa binh và quân Tàu Ô, ước chừng hơn 400 người, 20 chiếc thuyền, đánh lấy được hơn 300 người. Nghe báo tiệp, Ngài dụ lập đồn trại cho kiên cố để chờ vương sự. Đắp đàng quan từ Phú Xuân đến Đồng Hới.

Tháng 8, sai Thị Thơ Viện làm sách Cương Mục Chánh Biên Tiền Biên để tấn lãm. Ngài ưng xem sách, tuy ở trong quân, thường lấy sách vở làm vui, thường đòi văn thần vào giảng sách, nửa đêm mới thôi.

Tán Lý Đặng Trần Thường đến Kinh, đòi vào yết kiến, rồi sai ra đồn Đồng Hới hiệp với Nguyễn Văn Trương tham tán việc quân.

Ngày Đinh Hợi nước sông Hương Giang trong. Từ khi loạn năm Giáp Ngọ, nước sông đục luôn; đến bây giờ thâu phục Kinh Đô, nước lại trong hơn khi trước; ai cũng cho là triệu thái bình.

Tháng 10, Nguyễn Văn Trương và Phạm Như Đăng dâng sớ tâu: "lính Nam chưa thuộc đàng biển ngoài Bắc, xin mộ thêm mấy đội lính thuyền ở Lý Hòa, lập thành đội Hòa Hải, để phòng sai bát". Ngài cho.

Ngài dụ bọn Nguyễn Văn Trương rằng: "Cách dùng binh phải dự phòng trước. Nay quân đóng ở Thi Nại, lính giỏi lương nhiều, lại được Nguyễn Văn Thành đêm ngày chăm lo, làm việc chắc là vạn toàn, không nghi ngại gì; quân thứ ở núi Thanh Hảo, thời có Lê Văn Duyệt và Lê Chất giữ gìn nghiêm nhặt, nếu giặc muốn đánh đàng trước hoặc đàng sau, cũng không làm chi được; ta chỉ lo việc ngoài Bắc Hà mà thôi. Ngươi phải phủ ủy tướng sĩ, việc gì cũng nên chỉnh bị, để giữ vững phía Bắc cho ta".

Nguyễn Văn Thành đánh đồn Chỉ Lư, đuổi giặc đến sông Tân An, phá luôn hơn 20 đồn. Lê Văn Duyệt, Lê Chất đánh phá giặc tại núi Phong Yêu. Ngài sợ các tướng ra trận giết bậy, truyền dụ rằng: "phủ Quy Nhơn là dân cũ của ta, từ Tây Sơn tụ hội ở đó, hiếp dân phải theo, nhưng dân còn giữ được bổn tánh, chưa mất lương tâm; kịp khi ta duyệt binh năm Quý Sửu, vây thành năm Aát Vị, dân đều hết sức theo ta, khiến giữ trong thành đã hơn một năm, trải nếm đủ mùi cay đắng; chim lồng cá chậu, không đàng bay nhảy cho thoát. Bây giờ Tây Sơn lại thải người già, lựa người mạnh, bắt lương dân theo vòng tên đạn, thế dân không biết làm sao được, tình rất nên thương. Từ rày về sau gặp quân giặc, mà chư tướng giết tại trận thời không kể; như bắt sống giữa trận, không cần phải tra xét gì, hễ người Quãng Nghĩa trở ra thời cho lưu dụng; người Quy Nhơn trở vào thời cấp tiền gạo cho về; ấy là nghĩa phải đánh mà nhơn nên thương vậy. Nếu ai cố ý giết càn, sẽ theo phép quân trị tội".

Nguyễn Quang Toản đem quân thủy quân bộ hơn 30.000 người vào xâm, để làm thanh thế cho Diệu, Dõng ở Quy Nhơn; vợ Diệu là Bùi Thị Xuân cũng đem 5.000 quân theo Quang Toản đến dinh Hà Trung.

Ngài bàn định việc thân chinh (1), ngày Ất Vị, Ngự giá từ Kinh sư ra đi, ngày Nhâm Dần trú tất ở Đồng Hới, sắc chư tướng giữ các đồn cho nghiêm.

Tháng 12, Tống Phúc Lương đem binh thuyền đến cửa Nhật Lệ.

Năm Nhâm Tuất thứ XXIII (1802), tháng giêng (tháng 5 năm ấy về sau, là Gia Long nguyên niên), Ngài trú tất ở Đồng Hới; tỉnh Quảng Nam dâng trái Nam Trân, Ngài ban cấp cho các tướng sĩ.

Nguyễn Quang Toản sai Nguyễn Quang Thùy và Tổng quản Siêu xâm lũy Trấn Ninh, Tư Lệ Đinh Công Tuyết, Đô đốc Nguyễn Văn Kiên xâm núi Đâu Mâu, thiếu úy Đặng Văn Đằng và Đô đốc tên Lực kết đảng với 100 chiếc Tàu Ô, bày thủy trận ngoài cửa Nhật Lệ.

Ngài sai Nguyễn Văn Trương đem thủy binh ra biển kháng ngự, Phạm Văn Nhơn và Đặng Trần Thường đem bộ binh chia đàng chống cự, quân giặc kéo đến hết núi Đâu Mâu, trèo lên như kiến; vợ Diệu là Bùi Thị Xuân cỡi voi cầm quân liều đánh, từ sớm đến trưa, chưa chịu lui quân; nhờ có gió đông bắc, Nguyễn Văn Trương đốc thủy binh phá tan thuyền giặc ngoài biển, lấy được 20 chiếc thuyền; bộ binh giặc nghe tin, sợ bỏ chạy, Quang Toản chạy ra Đông Cao (thuộc huyện Bố Trạch), Nguyễn Văn Kiên đem quân tới hàng.

Ngài biết thuyền lương giặc đậu ở sông Gianh, sai Tống Phúc Lương, Nguyễn Văn Vân đón đánh, lấy hết thuyền lương, đuổi giặc đến hang Tiên Cốc, bắt được Thượng thơ Nguyễn Thế Trực, Đô đốc Trần Văn Mô.

Ngài sai các đạo biên số binh mã và binh khí mà lấy được của giặc, dâng lên Ngài biết. Trận nầy giặc bị phá tan hết thảy; Hoàng triều khôi phục giang sơn, thế dễ như chẻ tre

Ngài ngự về, sai Tống Phúc Lương, Đặng Trần Thường giữ sông Gianh, Nguyễn Văn Trương giữ xứ Đồng Hới, Hoàng Văn Điểm giữ cửa Ròn. Lại sai Lê Văn Duyệt đánh thành Bình Định, Duyệt phá tan giặc ở núi Lộ Bôi, bắt được Đô Đốc Châu Hữu My đem về Kinh sư

(1) Thân chinh là vua tự đem quân ra đánh giặc.

Ngài sai giải bọn Trần Văn Mô ra nơi quân thứ cho giặc biết, giặc trông thấy mất hồn. Tháng 3, quân ta thâu phục thành Bình Định. Lúc ấy ba đạo quân ta xông vào, thế cấp quá, bọn Diệu, Dõng kéo quân bỏ thành chạy trốn. Nghe báo tiệp, Ngài mừng lắm; truyền Quảng Nam và Cam Lộ đều phải phái binh phòng giữ chổ nguyên đấu để đón đàng giặc chạy; lại đưa thơ cho Xiêm La và Vạn Tượng biết.

Lê Văn Duyệt bắt Đô Đốc Trần Đại Cựu đem về Kinh. Ngài truyền tha, rồi đòi hỏi rằng: "đảng Diệu còn nhiều, tại sao không đánh mà chạy?" - tâu rằng: "binh Diệu ngoài còn mạnh mà trong yếu, nên phải bỏ đồn mà chạy trốn, chỉ cầu cho sống mà thôi, không có mưu kế chi đâu". Ngài cho là phải, ban cho một cái áo. Lúc ấy bắt sống được tướng giặc, đều tha tội cả, nhưng sai hàng tướng Lê Đình Chính giám quản; rồi bổ làm quân túc trực, đêm ngày chầu hầu chung quanh; mấy người có lòng nghi sợ, bây giờ mới an tâm.

Đúc 5 cái Quốc Bửu; một cái khắc chữ "thảo tội an dân chi bửu", một cái khắc "sắc chính vạn dân bửu"; một cái khắc chữ "mạng đức chi bửu"; một cái khắc chữ "chế cáo chi bửu"; một cái khắc chữ "quốc gia tính bửu". Lại đúc "công đồng chi ấn", "chư quân chi ấn".

Truyền sắc rút quân thủy, quân bộ ở Bình Định về, giao Nguyễn Văn Thành giữ thành ấy để phủ tập cư dân, kiềm chế đảng giặc.

Cải phủ Gia Định làm trấn; sai Hoàng Viết Tỏn rước đức Quốc mẫu về Kinh. Lúc Ngài đương đi đánh giặc, đức Quốc mẫu ở lại Gia Định; nay thâu phục Bình Định rồi, sai người rước về.

Giảm sưu thế cho trấn Gia Định. Dụ rằng: "Từ khi Quốc vận trung vi, Tây Sơn dấy loạn, ta phụng Quốc mẫu ở Gia Định, thần dân xứ ấy ai cũng đồng tâm tôn kính; nay rước Từ giá về Kinh, vậy nên suy ơn cho thoả lòng dân; từ năm Quý Hợi về sau, các hạng sưu thế cho trong ba phần giảm một".

Tháng 4, đắp Hoàng thành.

Các quan dâng biểu xin Ngài lên ngôi Hoàng đế, cải niên hiệu. Dụ rằng: "Lúc mới thâu phục Gia Định, đã lên ngôi vương, nhơn tâm tôn ta đã lâu. Nay tuy rằng khôi phục Kinh đô cũ, mà quốc tặc chưa từ, thời việc đăng tôn1 chưa nên bàn vội. Nhưng vương giả đổi họ chịu mạng trời làm vua, phải nên đổi cũ theo mới, có năm phải có hiệu, đổi niên hiệu là phải; các ngươi nên bàn mà làm".
Lục các công thần tử trận hơn 500 người, đều truy phong tước khác nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét