Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu. P02

Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu
Quyển thứ II
Thế Tổ Cao Hoàng Đế

Năm Nhâm Tuất, Gia Long thứ 1 (1802), tháng 5, ngày mồng 1 Canh Ngọ, lập đàn tại xã An Ninh, hiệp tế trời đất, cáo việc đặt niên hiệu. Ngày Tân Vị, kính cáo Liệt Thánh; lễ rồi, Ngài ngự trên đền, cho quần thần làm lễ tế triều hạ, đặt niên hiệu Gia Long, đại
xá trong nước, ban ân điển 6 điều. Từ lúc ấy, cáo, dụ, mạng, lạnh điều dùng chữ "chiếu"; chương sở dùng chữ "tấu".
Ngài dùng các quan bàn việc thông sứ qua Tàu, cho Trịnh Hoài Đức làm Thượng thơ bộ Hộ sung Chánh sứ, Ngô Nhơn Tĩnh làm Hữu Tham Tri Bộ Binh, Hoàng Ngọc Uẩn làm Hữu Tham Tri Bộ Hình đều sung Phó sứ qua Tàu; sai đem quốc thơ, phẩm vật, sách ấn Tàu phong cho Tây Sơn và giải giặc Tàu Ô là bọn Mạc Quan Phò, Lương Văn Canh, Phan Văn Tài đi hai chiếc thuyền hiệu Bạch Yến và hiệu Huyền Hạc vào cửa ải Hổ Môn tỉnh Quảng Đông, giao thơ cho Tổng đốc Quảng Đông là Giác La Cát chuyển đệ. Vua Tàu vẫn ghét Tây Sơn vô đạo, lại chiêu nạp bọn Mạc Quan Phò, làm ngạnh trở ngoài biển đã lâu ngày; lúc ấy được tin, mừng lắm, liền sai quan tỉnh Quảng Đông giết Mạc Quan Phò, Văn Canh và Văn Tài; lưu bọn Trịnh Hoài Đức ở trong tỉnh thành, cung cấp hậu lắm.

Ngài toan cử binh ra đánh ngoài Bắc, truyền dụ Bắc Hà quân dân cả thảy 5 điều. Ngài duyệt thủy binh, bộ binh, thần sức 8 điều quân chánh.

Sai Nguyễn Văn Trương lãnh thủy binh, Lê Văn Duyệt, Lê Chất lãnh bộ binh đi trước.

Sai Quốc Thúc Quận Công Tôn Thất Thăng, Đô thống Nguyễn Văn Khiêm, Tham Tri Nguyễn Đăng Hựu ở giữ Kinh, cho phép tùy tiện làm việc.

Ngài giá từ Kinh sư ra đi, ông Hoàng Tử thứ 4 theo hầu. Tháng 6, ngày Canh Tý, ngự trú tất tại dinh Hà Trung.

Thủy binh ta vào cửa biển Hội Thống đánh phá Đổng Lý giặc là Nguyễn Văn Thận, bộ binh ta ra đến Nghệ An, bắt được con Nhạc là Lân, thừa thắng đi thẳng đến đồn Tiền Lý (thuộc phủ Diễn Châu), Đô đốc Ý đem quân ra hàng; cả tỉnh Nghệ An không còn tên giặc nào kháng cự vương sư.

Ngày Quý Mão, trú tất ở trấn Nghệ An, Thiếu úy giặc là Đặng Văn Đằng, Đô đốc Đào Văn Hổ đem 7 con voi đến hàng ở Hành tại. Quân tiền đạo ra lấy Thanh Hóa, bắt được con Nguyễn Văn Huệ là Đô đốc trấn Nguyễn Quang Bàn, Đổng lý Nguyễn Văn Thận và quân sĩ. Phó đô thống chế Võ Doãn Văn lại bắt được Trần Quang Diệu ở thượng đạo Nghệ An.

Ngày Canh Tuất, Ngự giá từ tỉnh Nghệ An ra đi, sai Đặng Trần Thường ở lại giữ đó.
Đánh thuế đinh, thuế điền, thuế cửa biển, thuế đò và thuế sản vật, để cấp quân lương.
Ngày Quý Sửu, Ngự giá đến Thanh Hóa, xem tình thế núi sông, đòi mấy người hương lão làng Bố Vệ hỏi việc miếu nhà Lê; tôn tộc nhà Lê đem trầu rượu ra bái tạ, Ngài ủy dụ rồi cho lui.

Người xã Ngọ Xá (thuộc huyện Nông Cống) là Phạm Ngọc Phát, Phạm Ngọc Thụy bắt Võ Văn Dõng và ba người bộ hạ, giải đến Hành tại, Ngài truyền đóng xiềng nghiêm giam.

Khoan binh, diêu, tô thuế cho tỉnh Thanh. Dụ rằng: "Thanh Hóa là chỗ "Thang Mộc Ấp (1), phải nên phủ dưỡng nơi căn bản trước, vậy chuẩn khoan thuế cho dân".
Ngày Bính Thìn, Ngự giá đến Thanh Hóa ngoại trấn (2), phát tiền kho cho quân lính; rồi sai Phạm Văn Nhơn ở lại giữ đó.

Ngày Đinh Tỵ, Ngự giá đến Sơn Nam Thượng Trấn (tỉnh Hà Nội bây giờ) sai Phó tướng Nguyễn Đình Đắc ở lại giữ đó.

Ngày Canh Thân, Ngự giá đến thành Thăng Long (thành phố Hà Nội bây giờ) Nguyễn Quang Toản bỏ thành chạy cùng với em là bọn Quang Thụy qua sông Nhị Hà, đến sông Xương Giang (thuộc Bắc Ninh) trú trong chùa Thọ Xương, dân toan bắt, Quang Thụy thắt cổ chết, Quang Toản và Quang Duy, Quang Thiệu, Văn Dụng, Văn Tứ đều bị dân bắt, bỏ cũi đem nạp tại thành Thăng Long. Khi ấy mới dẹp hết giặc Tây Sơn, nhất thống cả Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Ngài trú tất ở Thăng Long, ngự đền Kính Thiên, các quan làm lễ triều hạ.

Bố cáo trong ngoài biết rằng Bắc Hà đã đại định rồi.

Bàn việc sai các quan văn võ làm quan các trấn ngoài Bắc; mỗi trấn đặt một quan Trấn thủ, một quan Hiệp Trấn, một quan Tham Tán.

Đòi Nguyễn Văn Thành đến Hành tại. Thành tuy ở trong cung mà thông sách vở và hiểu phép chính trị, cho nên đòi đến.

Tháng 7, ban ấn đồng cho các trấn từ Nghệ An ra Bắc. Đòi Đặng Trần Thường đến Hành tại, cho Hoàng Văn Toản làm Trấn thủ Nghệ An.

Dụ cựu thần nhà Lê và bọn Hương cống, học trò rằng: "Lâu nay ngụy tặc trái đạo cương thường, vận hội suy đốn; nhiều người ở ẩn, không chịu ra làm ngụy quan, giữ đức dấu tài, để chờ minh chúa. Nay đảng giặc đã bình, việc binh điền đã xong, buổi này là buổi dấy điều giáo hóa và sửa việc chánh trị, nhơn tài ở đời, lẽ nào cả đời bạn cùng cây cỏ? Vậy nên chuyển báo với nhau đến nơi Hành tại, trình Tiền quân Nguyễn Văn Thành; Lễ Bộ Đặng Đức Siêu, Tán Lý Đặng Trần Thường, Tham Tri Phạm Như Đăng, Học sĩ Nguyễn Huân đem vào yết kiến; Trẫm sẽ xét lời nói, thử công việc, tùy tài bổ dụng; để cho người hiền kẻ tài có chức vị, hiệp ý bày mưu, giúp nên chánh đạo". Từ đó các người ẩn dật ở ngoài Bắc đều ra hiệu dụng nhiều lắm.

Lục các quan trung nghĩa ở ngoài Bắc Hà. Lúc trước có ai tuẩn nghĩa bỏ mình, nay cho con cháu đem việc tâu lên; Ngài sẽ lượng cho tuất điển.

Khiến lựa con cháu họ Trịnh để coi việc tế tự.

Tha thuế mùa Hạ cho Bắc thành, Nghệ An, Thanh Hóa ngoại trấn. Ngài nghĩ võ công mới định, dân chưa khỏi cực, cho nên tha thuế mùa Hạ; như làng nào đã nạp rồi, thời cho khấu trừ thuế mùa Đông. Chỉ có dân Hải Dương bị tàn hại quá, thuế mùa Đông cũng tha luôn.

Quan trấn Hải Dương tâu rằng: "Văn miếu nguyên trước có 40 mẫu tự điền, xin tha thuế để cúng việc tế tự". Ngài cho.

Ngài thân yết miếu vua Lê Thái Tổ.

Tống Phúc Lương và bọn Nguyễn Văn Vân phá tan giặc Tàu ở châu Vạn Ninh, chém và bắt sống được nhiều lắm. Ngài sai quan tỉnh An Quảng đem những tên bắt được trả cho Tàu.

Ngài nghĩ rằng: giặc Tây Sơn đã dẹp yên rồi, liền đưa thơ cho Lưỡng Quảng Tống đốc nước Tàu hỏi việc bang giao; sai Thiêm sự Lê Chánh Lược, Trần Minh Nghĩa quan Nam Quan chờ Tàu trả lời.

(1) Thang Mộc Ấp là quê hương của vua.

(2) Thanh Hóa ngoại trấn tức nay là tỉnh Ninh Bình.

Truyền lập miếu Công thần ở Bình Định và Phú Yên. Bình Định 2 miếu; một miếu ở trong thành đàng trước lầu bát giác, thờ Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, và 260 người tử trận; một miếu ở cửa Thi Nại núi Độc Sơn, thờ Võ Di Nguy, Tống Viết Phúc và 619 người lính tử trận tại tỉnh Quảng Nghĩa; Phú Yên; lập miếu ở hòn Na cửa Cù Mông, thờ Mai Đức Nghị và 526 người tử trận ở Gò Thị.
Con cháu Lê, Trịnh, văn võ cựu thần nhà Lê và bọn quan Mường dâng biểu xin Ngài lên ngôi Hoàng Đế, Ngài còn chưa chịu.

Nguyễn Văn Thành dâng 10 quyển Trinh Quán Chánh Yếu (1). Ngài ham coi sách sử xưa, thường khen vua Văn Hoàng nhà Đường làm cho nước thạnh trị, phép chánh trị, đáng xem. Cho nên Thành dâng sách ấy.

Săc đình thần tham chước hình luật đời Hồng Đức nhà Lê định làm 15 điều luật lệ nói về việc từ tụng.

Định phép giản binh: Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam Dương-Sơn Nam Hạ và Thanh Hóa ngoại, cứ 7 suất đinh lựa một tên lính; Tuyên, Hưng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên thời cứ 10 suất đinh lựa một tên lính; còn thành Thăng Long thời nhiều tạp dịch, tha cho khỏi cấp lính giản.

Tháng 9, phong cho con cháu nhà Lê là Lê Duy Hoán làm Diên Tự Công, cấp 1.016 tên từ phu, 10.000 mẫu tự điền, lại tha binh diêu và thuế thân cho con cháu nhà Lê; cấp 500 mẫu tự điền cho họ Trịnh, khiến Trịnh Tư coi việc tế tự, lại tha binh diêu thuế thân cho 240 người con cháu họ Trịnh.

Cho con cháu mấy ông Khai quốc công thần và Trung hưng công thần nhà Lê đều được dự vào hàng Nhiêu Ấm(2).

Đặt Đốc học các trấn Bắc thành.

Ngài toan ngự về Phú Xuân, cho Văn Thành làm Tổng trấn, ban cho sắc ấn, trong ngoài 10 trấn thuộc về Bắc thành, đều thuộc quyền ông kiêm quản, lại đặt 3 tào (Hộ, Binh, Hình) ở Bắc thành cho Hộ Bộ Nguyễn Văn Khiêm, Binh bộ Đặng Trần Thường, Hình bộ Phạm Như Đăng, theo quan Tổng trấn mà coi việc 3 tào ấy.

Ngài ngự giá từ thành Thăng Long về, dụ Nguyễn Văn Thành rằng: "Việc Bắc thành nầy giao cho ngươi, ngươi phải gắng sức". Thành lạy thọ mạng.
Tháng 10, mồng 1 ngày Kỷ Hợi, Ngài ngự tới Thanh Hóa yết lăng miếu ở Thiên Tôn Sơn (3). Ngày Quý Sửu đến Kinh sư. Ngày Đinh Mão thân yết Thái Miếu, rồi vào Từ cung (4) làm lễ khánh an (5).

Mở mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ kẽm, mỏ đồng ở tỉnh Tuyên Quang và Hưng Hóa; khiến Thổ mục là ma Doãn Điền, Hoàng Phong Bút, Cầm Nhơn coi việc ấy, định năm sau sẽ đánh thuế.

Gia Định đói lắm, sai quan trấn phát gạo kho cho dân mượn.

Tháng 11, cáo việc Võ thành (6), ngày Quý Dậu tế Trời, Đất, Thần Kỳ; ngày Giáp Tuất đem tù cáo trước Thái Miếu, rồi đem anh em Nguyễn Quang Toản và bọn Diêu xử trị hết phép.

Ban thưởng cho các quân thủy và quân bộ, hậu cấp lương tiền cho các công thần về hưu và các công thần Vọng Các; xét những người theo Ngài từ năm Mậu Thân trở xuống, năm Canh Thân trở lên, chia làm ba hạng, tùy hạng phân cấp.

(1) Trinh quán chánh yếu là sách vua Văn Hoàng nhà Đường làm ra.

(2) Nhiêu Ấm là tha việc quan và đi lính.

(3) Thiên Tôn là núi Triệu Tường lăng đức Triệu tổ ở đó (huyện Tống Sơn tỉnh Thanh Hóa).

(4) Từ cung là cung đức Quốc mẫu ở.

(5) Khánh an là lễ chúc mừng bình an.

(6) Võ thành là việc đánh giặc đã thành công rồi.

Cho Tham tri Lê Quang Định làm Thượng Thơ Bộ Binh sung chức Chánh sứ, Thiêm sự Lê Chánh Lộ và Đông Các Học Sĩ Nguyễn Gia Cát sung chức Giáp Ất Phó Sứ, sai qua sứ Tàu. Nguyên lúc ấy được Bắc thành rồi, ta đã đưa thơ cho Tổng đốc Lưỡng Quảng nhờ chuyển đạt việc ban giao với vua Tàu; vua nhà Thanh sai phúc thơ rằng: "Nước ta đã thống nhất toàn hạt An Nam, nên làm biểu sai sứ sang cầu phong; còn sứ bộ trước là bọn Trịnh Hoài Đức thời phải sang tỉnh Quảng Tây ở chờ sứ cầu phong đến, rồi sẽ vào Yên Kinh (1) một lần cho luôn". Bọn Chánh Lộ tâu lên, Ngài sai Quang Định đem quốc thơ và phẩm vật sang Tàu xin phong, lại xin đổi quốc hiệu là nước Nam Việt.

Sắc quan Bắc thành sửa sang Hàng cung và Sứ quán (2).

Giảm thuế ruộng cho tỉnh Gia Định, giảm 5 năm thuế thân cho Bình Thuận, Bình Hòa, 10 phần giảm 2 phần.

Bắc thành tâu: "Các trấn ẩn lậu ruộng đất và đất bãi cát nhiều quá, xin cho dân cứ thiệt khai trưng cho hết, xã nào còn ẩn lậu, thời xin cho xã gần đó nhận trưng". Ngài y theo lời tâu.

Tháng 12, quan Bắc thành tâu rằng: "Bắc Hà bị loạn đã lâu, dân xiêu tán nhiều lắm, lâu nay như có làng nào thiếu lính, thời quan quân lại trách cứ làng gần một bên phải cấp cho đủ, vậy nên những làng gần thường cày chiếm ruộng đất của mấy làng xiêu lưu; xin trừ tệ ấy". Ngài sắc quan địa phương lập giới hạn cho phân minh, chia cấp ruộng cho dân canh trưng mà tha thuế.

Năm Quý Hợi thứ II (1803), tháng giêng, sắc thủy quân tập chèo thuyền, Ngài ngự xem. Từ lúc ấy hễ đến đầu năm thời đem quân ra tập (đến năm Minh Mạng thứ X, đổi làm lễ tế cờ).

Đúc 9 khẩu súng đồng (đặt tên là: xuân, hạ, thu đông, kim, thủy, mộc, hỏa, thổ). Khi đúc xong rồi, làm bài minh để ghi cho nhớ (năm Gia Long XV Ngài mạng danh là "thần oai vô địch thượng tướng quân").

Làm phép duyệt tuyển từ Quảng Bình trở vào. Dụ rằng:"phép duyệt tuyển là thải người già mà đem người mạnh thế vào và để cho phân biệt dân nào là trù mật, dân nào điêu hao. Nhà nước đã có phép cũ rồi. Bọn mầy phải giữ phép công bằng để cho xứng công việc ta đã ủy thác".

Đắp đàn ở xã An Ninh, hiệp tế Trời Đất; sai bộ Lễ xét lễ tế Giao, châm chước mà làm.

Bài lễ làm chay. Xưa nay cứ mỗi năm đến tiết xuân thời lập đàn làm chay, đến bây giờ Ngài truyền rằng: "làm chay vô vị quá, việc hủ lậu nên bỏ".

Đắp thành Thăng Long. Sắc các trấn lập Văn Miếu.

Tháng 2, giải ngụy Thượng Thơ Ngô Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Gia Phan đem về Bắc thành. Quan Bắc thành tâu rằng: "Ngụy quan ra thú thời tha, đã có minh chiếu rồi, xin tha cho bọn Ngô Nhậm khỏi giết, nhưng phải đánh đòn để cho biết xấu". Truyền chỉ đem bọn ấy đến trường học phủ Phụng Thiên, kể tội mà đánh; Nhậm bị đánh chết.

Định phép đánh thuế tô và thuế dung. Ban chiếu rằng: "Không phải trốn thuế mà nhà mới đủ, cũng không phải lấy thuế nặng mà nước mới giàu. Từ đức Thái Vương ta gầy cơ nghiệp đến bây giờ, phép thâu thuế không nặng cũng không nhẹ; ruộng thời có ba bậc, dinh thời có chánh hộ và khách hộ khác nhau; bởi vì đất có chỗ xấu, chỗ tốt không đồng, dân có nhà giàu nhà nghèo không cân; nên phải tuỳ hạng đánh thuế. Lúc trước Tây Sơn dấy loạn, bỏ hết phép cũ, nó cho là dân gian ít ruộng nhất đẳng, nhị đẳng, mà ruộng tam đẳng thời nhiều, nên không chia hạng, cứ thâu mỗi mẫu 35 thăng lúa làm thường, còn như thuế thân cũng kông chi người chánh người ngụ, bắt nạp một hạng. Lúc ấy đánh thuế nặng quá, dân bị hại đã gần vài mươi năm rồi. Trẫm khôi phục dư đồ, thiên hạ nhất thống; đã biết các việc hại dân, nên phải bỏ hết tệ đoan. Vậy truyền Đình thần định thuế lại cho nhẹ, để dân gian biết ngạch thuế chánh cung, Nhà nước có ngạch thuế nhất định; từ rày về sau dùng làm phép thường".

(1) Yên Kinh là Kinh đô nhà Thanh nước Tàu, tức Bắc Kinh.

(2) Sứ quán là chỗ tiếp sứ Tàu.

Giảm thuế điền năm ấy cho các trấn từ Nghệ An trở ra Bắc thành, thời mỗi mẫu giảm 5 bát lúa; còn 6 trấn phía ngoài Bắc thành thời mỗi mẫu giảm 2 bát rưỡi.

Tháng 3, đắp Kinh thành lại. Ngài sai Giám thành Nguyễn Văn Yến tiêu đạt bốn bề thành Phú Xuân, làm cho rộng thêm; rồi Ngài thân chế kiểu xây thành, ban ra bắt quân lính làm.

Quan Bắc thành là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Khiêm, Đặng Trần Thường, Phạm Như Đăng dâng sớ tâu: "Làm nhơn chánh, trước phải chia ruộng cho dân và định bổng lộc các quan; bởi vì phép chia ruộng làm thành, thời quan mới có lộc, mà dân cũng mới có của, không lo hào cường chiếm đoạt. Nhưng chúng tôi xin trước hãy hạ chiếu dụ cho dân biết rằng: bây giờ đổi cũ làm mới, cũng muốn ích lợi cho dân; lại xin giảm thuế điền thuế thân làm ơn cho dân, khiến dân ai cũng đẹp lòng, rồi sẽ thi hành phép chia ruộng. Chúng tôi có điều trần 3 việc sau nầy xin lượng Thánh xét: 10 sửa sổ ruộng cho tiện quân cấp; 20 xét sổ đinh cho biết số dân; 30 lựa người hiền tài bổ quan". Ngài hạ chiếu rằng: "Các ngươi điều trần cũng phải, nhưng việc binh mới xong, việc nước đang gấp, triều đình định làm việc gì phải có thứ tự mới được; ta sẽ làm dần dần".

Tháng 4, định lệ cấm những thâu thuế ngoài Bắc thành. Vì quan Bắc thành có tâu rằng: "Lâu nay trường thâu thuế thường có mấy tên Nha lại làm gian, thời dân bị hại, mà thuế Nhà nước vẫn thiếu; xin ban lệ cấm rõ ràng để bỏ lệ cũ. Chúng tôi xin mỗi năm Đông, Hạ hai kỳ thâu thuế, hạn trong hai tháng thâu cho rồi; dân nạp thuế thời cho 20 ngày làm một kỳ, cấm bọn lại dịch không được thâu quá lệ vàkhông được sách nhiễu dân; nếu mấy tên coi kho còn dám làm gian, nhận riêng thuế dân và thác cớ khác không chịu thâu liền cho dân, thời sẽ trị tội". Ngài y theo lời tâu.

Nước Nam Chưởng xin làm tôi nước ta. Nguyên lúc trước tatrấn Hưng Hóa dịch thơ Nam Chưởng rằng: "Nam Chưởng ước với Vạn Tượng cử binh đánh Man Hãn để chiêu dụ 12 châu thuộc về Hưng Hóa hiệp sức với chúng nó". Bắc thành tâu rằng: "Nam Chưởng ở xa cách nước ta, còn Vạn Tượng thần phục bổn triều, không nên theo lời dịch mà sanh sự; xin sai quan trấn Hưng Hóa cho người dò thám và đưa thơ qua Nam Chưởng tỏ oai đức Triều đình, để xem nó động tĩnh thế nào". Ngài y theo. Đến bây giờ Nam Chưởng sai tên Nại Khai đem thơ xin đi đàng Châu Ninh Biên vào cống; Ngài hạ chiếu truyền Bắc thành hậu đãi sứ Nam Chưởng và viết thơ trả lời cho vua nước nó rằng: "cho như lời nó xin".

Lê Văn Duyệt phá tan mọi Đá Vách. Ngài hạ chiếu khen thưởng.

Tháng 5, định lệ các quan Đình thần hiệp nghị: Võ từ Phó tướng sắp lên, Văn từ Tham tri sắp lên, hễ ngày 1, ngày 8, ngày 15, ngày 23, phải hội tại Hữu Vu (1); phàm việc gì chưa quyết đoán, phải thương đồng xử quyết cho xong, còn như sự quan trọng cũng nên châm chước bàn định, rồi sẽ tâu lên, để Ngài định đoán.

Định điều lệ cấm mua bán công điền, công thổ. Phép cũ thời công điền, công thổ quân cấp cho dân; ai mà dám đem bán tư thời phải tội; thiệt là lợi ích cho dân lắm. Từ khi gặp loạn Tây Sơn, phép cũ bỏ hết, dân gian thường đổi ruộng công làm ruộng tư, hoặc nhơn việc công mà cho mướn ruộng đất công để làm công tiêu trong làng, thời hạn cho 3 năm, quá hạn thời trọng trị; có ai phát giác được thiệt trạng thời thưởng cho cày một mẫu ruộng nhất đẳng ba năm, hết hạn giao lại cho dân.

Các quan Bắc thành tâu: "Nước sông Nhĩ Hà chảy mạnh quá, đàng đê vỡ nhiều lắm, xin thuê dân đắp lại để phòng nước lụt mùa Thu". Ngài y cho.

Quan coi việc Hộ ngoài Bắc thành là Nguyễn Văn Khiêm vào chầu, nhơn tâu: "bạc đời Tây Sơn đúc có pha trộn kẽm và thiếc nhiều lắm; vậy nên phân lượng không đủ; bây giờ đúc bạc xin phải khắc chữ làm tin". Ngài cho là phải, sắc Nhà đổ (2) ở Bắc thành là Trần Bình Phủ làm dấu "Trung bình", phàm đính vàng đính bạc của công hay của tư có in dấu Trung bình mới được thông dụng, ai làm đồ gian sẽ phải trị tội.

(1) Hữu Vu là nhà bên hữu điện Cần Chánh.

(2) Nhà đồ là sở đúc bạc, đính bạc nén.

Tháng 6, nước Hồng Mao sai sứ tới dâng đồ phương vật, xin lập phố buôn ở núi Trà Sơn tỉnh Quảng Nam. Ngài sắc trả đồ lại và bảo họ trở về, đến sau quan Hội Thương Trọng (1) hai ba lần đem thơ sang xin. Ngài cũng không cho.

Tháng 7, Bắc thành lụt, vỡ đàng đê. Ngài sắc các quan Bắc thành phải thân hành phát chẩn; lại phải khám xét lú ruộng tổn thương hết mấy phần, tâu lên Ngài biết.
Tháng 8, thân phụ ông Duyệt là Lê Văn Toại vào chầu, Ngài hỏi rằng: "Duyệt có mấy người em?- Tâu rằng: 5 người. - Ngài hỏi: đã có con chưa? - Tâu rằng: em Duyệt là Phong có 2 đứa con, đứa đầu tên là Yên, Duyệt nhận làm con thừa tự. -Ngài nói: con anh em như con mình, Duyệt có người thừa tự rồi!". -Ngài nhân nói chuyện cũ hồi lâu, rồi ban khăn áo cho ông Toại về (Em Duyệt là Văn Phong có võ công, mất tại năm Minh Mạng thứ 5, tặng Thiếu Bảo, thụy là Tráng Nghị).
Ngài bàn việc ngự Bắc Tuần. Lúc ấy nước Tàu sai quan Án sát tỉnh Quảng Tây là Tề Bố Sum sang tuyên phong.

Ngài ngự đến tỉnh Quảng Bình, xét thấy châu Bố Chánh đói, truyền phát gạo kho cho dân.

Ngự giá đến địa đầu tỉnh Nghệ, trú tất trong Hành cung Hà Trung, sắc cho dân sở tại đắp đàng quan, mỗi 15.000 trượng cấp cho 10.000 phương gạo.
Truyền phát chẩn cho dân tỉnh Nghệ, lại cho thuế biệt nạp năm ấy trong 10 phần hoãn 5 phần. Truyền sắc các dân xã từ Nghệ An ra Bắc ai có điều gì oan uổng cho đến Hành tại mà tâu, cấm mấy tên điêu hoạt, ức chế mấy tên hào cường và cấm đặt các danh sắc riêng, như là Thông huyện, Thông xứ.

Ngài trú tất ở Hành cung tỉnh Nghệ. Người huyện Nghi Xuân là Nguyễn Công Trứ dâng 10 việc điều trần, Ngài giao cho bộ Lại xét rồi tâu lên.

Đổi thuế biệt nạp gỗ lim cho tỉnh Nghệ. Lệ cũ thời 24 xã thôn chịu thuế biệt nạp gỗ lim, mỗi năm mỗi người nạp một phiến ván lim dài 30 thước. Đến bây giờ dân kêu thuế nặng xin giảm; Ngài định lại cho nạp cả cây gỗ lim và trước còn thiếu thuế ván lim bao nhiêu, bây giờ tha hết.

Ngự giá từ tỉnh Nghệ An ra trú tất ở Hành cung tỉnh Thanh, sai Đặng Đức Siêu yết cáo Nguyên Miếu (2), đổi làng Gia Miêu ngoại trang làm Quý Hương, huyện Tống Sơn làm Quý Huyện, cho dân thuộc hạt canh giữ Nguyên Miếu.

Tháng 10, ngày Canh Ngọ, thuyền ngự từ Lương Giang ngự ra, ngày Quý Dậu lên núi Dục Thúy (thuộc tỉnh Ninh Bình) ngự xem hình thế. Truyền đem huyện Vọng Dinh và huyện Đại An ở trấn Sơn Nam Hạ cho thuộc về trấn Thanh Hóa ngoại.

Ngày Đinh Sửu, Ngự giá đến Hành cung Thăng Long; cho quan, lại, sĩ, thứ Bắc thành đều được phép điều trần lợi hại về việc đàng đê. Ngài ban chiếu chỉ rằng: "Làm điều lợi bỏ điều hại là việc chánh trị nên làm trước nhất, xét việc đời xưa mà tham với việc đời nay, chẳng qua lẽ thời thôi. Các huyện ở gần sông nầy lúc trước đắp đê phòng nước lụt, nhân tuần đã lâu, mỗi khi gặp nước lụt thời đê lại vỡ, đến nỗi đồng lúa và nhơn vật cũng bị hại. Chúng mầy hoặc sanh ở chổ nầy, hoặc làm quan đất này, địa thế nhơn tình cũng đã hiểu rõ. Vậy thời đàng đê nên đắp hay là nên phá? Lợi hay là hại?. Cho phép điều trần ý kiến; nói ra mà dùng được, thời sẽ có thưởng".

Ngài ngự sang Thanh Trúc (thuộc về huyện Thanh Trì) xem đàng đê. Quan và dân dâng sớ, hoặc người nói nên đắp, hoặc người nói nên phá, phân vân chưa định. Ngài sai bộ Hộ Nguyễn Văn Khiêm đi khám mấy con đàng đê, phải xem chỗ nào nước chảy quanh co và thủy thế phân hiệp thế nào, vẽ đồ dâng lên.

(1) Hội Thượng Trọng là tên quan nước Hồng Mao.

(2) Nguyên miếu là miếu thờ đức Triệu Tổ ở núi Triệu Tường thuộc về tỉnh Thanh.

Mở cuộc đúc tiền ở Bắc thành, cho Chánh cơ Nguyễn Văn An làm giám đốc, Lê Duy Đạt làm phó. Cho mấy tên thợ kiếm đồng riêng làm lò, y theo thức tiền mới mà đúc, cấm không được đúc tư và đúc trộm; tiền mỏng hay là pha chế nhiều thời sẽ bị trị tội. Ngài truyền các quan rằng: "bây giờ đúc tiền mà giá đồng cao, vì dân ham lợi mua sỉ hết đồng, nên chi giá cao, muốn cấm tệ ấy, phải xét đến gốc mới đặng, Trẫm nghĩ rằng mua đồng ở dân thời giá đồng cao, thâu đồng ở quan thời giá đồng rẻ, ấy là lẽ tất nhiên". Liền sắc cho từ rày về sau ai có đồng đỏ, đồng linh tinh, cho đem bán tại sở đúc tiền, không được mua bán riêng. Lại sai Giám đốc xét mấy tên chủ lò đúc ở sở công, nếu không có tư bản thời cho lãnh tiền công mua đồng, đúc thành tiền nạp vào kho, được lãnh tiền ngoại phụ.
Tháng 11, đặt miếu phu để coi sóc trong đền Lịch Đại đế vương ngạch miếu phu ấy l ấy về dân sở tại.

Sai các quan trấn từ Nghệ An ra Bắc, phải xét tình thế ở trấn ly, vẽ đồ dâng lên Ngài xem.

Tháng 12, tên Chiêu Nội (1) ở Trấn Ninh xin làm tôi nước ta, đem bộ hạ chạy sang xứ Trà Lân (tức là phủ Tương Dương; lúc ấy tên Xà Cương tranh lập, Nội là con Chiêu Xanh, thấy vậy không phục cho nên chạy qua nước ta). Truyền chỉ quan trấn Nghệ An phát gạo cho.

Năm Giáp Tý thứ III (1804), tháng giêng, Ngài trú tất ở Hành cung Thăng Long.

Sứ Tàu là Tề Bố Sâm đến cửa Nam Quan. Lúc trước Ngài sai bọn Lê Quang Định sang cầu phong, lại xin đổi quốc hiệu. Trong quốc thơ nói: "Mấy đời trước mở đất Viêm Giao, càng ngày càng rộng, gồm cả nước Việt Thường và nước Chân Lạp, đặt quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay tôi lấy hết cõi Nam, có toàn cả đất Việt, nên theo hiệu cũ để chánh quốc danh". Vua Tàu nghĩ rằng hiệu Nam Việt cũng giống như Việt Đông, Việt Tây (là Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ) ý không ưng cho. Ngài đưa thơ bài bác hai ba lần; lại nói: nếu không cho đổi quốc hiệu, thời không thọ phong, vua Tàu sợ mất lòng nước ta, mới cho đặt hiệu Việt Nam. Trong thơ Tàu trả lời rằng: "Lúc trước có đất Việt Thường, đã xưng là nước Nam Việt; nay lại có toàn cõi đất An Nam, xét ra cho kỹ, thời nên gồm cả đất đai mở mang trước sau mà đặt danh hiệu tốt. Vậy thời định lấy chữ "Việt" để trên, nghĩa là tỏ nước ta giữ đất cũ mà nối nghiệp trước; lấy chữ "Nam" đặt dưới, nghĩa là tỏ nước ta mở cõi Nam Giao mà chịu quyến mạng mới (2), như thế thời danh xưng chánh đại, nghĩa chữ tốt lành, so với hai đất Việt nước Tàu khác nhau xa lắm". Lúc ấy vua Tàu sai Bố Sâm đem cáo sắc và Quốc ấn sang tuyên phong, lại cho gấm đoạn và các phẩm vật, Ngài nghe tin, cho Trương Tấn Bửu, Đặng Trần Thường sung chức quan thượng hầu mạng sứ, lại sai đình thần lựa người đẹp tiếp sứ.

Ngày Quý Mão, Ngài ngự cửa Châu Tước (3) Hoàng Thân và các quan theo sứ Tàu vào đền Kính

Thiên làm lễ tuyên phong; lễ rồi, đãi sứ uống trà; Sâm trở về, Ngài sai quan hậu mạng hộ tống ra cửa ải.

Cho Lê Bá Phẩm sung chức Chánh sứ, Trần Minh Nghĩa và Nguyễn Đăng Đệ sung chức Giáp Aát phó sứ, đem thơ và phẩm vật sang tạ vua Tàu (200 lượng vàng, 1.000 lượng bạc, lụa và the mỗi thứ 100 cây, 2 cái sừng tê ngu, ngà voi và quế tốt mỗi thứ 100 cân). Lại dâng 2 lễ cống năm Quý Hợi và năm Ất Sửu luôn.
Ngày Tân Hợi, Ngài từ Thăng Long ngự về.

Ngày Ất Mão, ngự về tỉnh Thanh, yết Nguyên miếu.

Truyền chiếu các trấn ngoài Bắc Hà làm sổ điền. Chiếu rằng: "Ruộng thời theo sổ mà định ngạch, thuế thời tùy ruộng mà chia hạng; nếu sổ không định thời thuế không cân, không phải ý Tiên vương chia điền thổ và định cống phú như thế đâu. Các người phải biểu dân khai ruộng thu, ruộng hạ được mấy mẫu, sào, thước, tấc, tọa lạc ở nơi nào, kê khai cho thiệt để biên vào sổ".

(1) Mường phủ Tương, phủ Quỳ tỉnh Nghệ thường gọi mấy tên đầu mục là Chiêu.
(2) Quyến mạng là mạng trời.

(3) Cửu Châu Tước, đền Kinh Thiên nguyên ở trong thành Hà Nội, đời nhà Lê làm ra.

Định điều lệ trong hương đảng, ban cho các xã dân ngoài Bắc Hà. Chiếu rằng: "nhiều làng nhóm lại thành ra một nước, từ làng rồi mới đến nước; vậy nên Vương chánh phải lấy sự dạy dân thành phong tục tốt làm trước. Lâu nay việc dạy trễ nải, việc chánh suy đồi, cho nên trong làng không có tục tốt, theo thói đã lâu, lại càng bại hoại lắm, như là khi yến ẩm, lễ cưới hỏi, việc táng tế, việc thờ thần phật, đều làm phá phép và tiếm lễ; mấy tên hào mục nhơn đó làm hại dân cùng, đến nỗi dân phải phiêu lưu là vì cớ ấy. Bây giờ phải châm chước sửa lại, bớt những điều thái quá, cho hiệp đạo trung bằng, để làm lệ thường trong hương đảng. Aáy là ý ta muốn trừ bỏ điều lệ mà dắt dân lên đàng văn minh đó. Những sự lễ tang tế thờ thần, phụng phật đều có điều cấm rõ ràng".

Khiến Chiêu Nội về Trấn Ninh. Vì Vạn Tượng đưa thơ qua nói rằng: "Người Thổ không chịu theo Xà Cương mà muốn lập Chiêu Nội" cho nên Ngài sai quan trấn Nghệ An cấp lương cho Chiêu Nội về.

Tháng 2, ngày Mậu Thình, ngự về Kinh sư. Ngài yết Thái miếu rồi vào Từ cung làm lễ khánh an.

Đặt hiệu nước là Việt Nam, lấy việc ấy cáo Thái miếu.

Đúc ấn 6 Bộ (1).

Tháng 3, từ Quảng Bình trở vào Nam trời đại hạn, truyền chỉ giảm thuế năm ấy. Sai quan Bắc thành chế cân, thước, thăng, hộc, phương; đều khắc chữ làm tin. Nứơc Lữ Tống đói, xin đong gạo Gia Định, Ngài cho đong 500.000 cân gạo.
Dời miếu nhà Lê vào Thanh Hóa. Nguyên miếu trước ở Thăng Long; bây giờ con cháu Lê xin dời về làng Bố Vệ (2). Ngài truyền quan trấn Thanh Hóa bắt dân làm miếu lại; rồi cho 100 dân làng Bố Vệ làm miếu phu.

Ban chương trình về việc học cho các dinh, các trấn. Sai Tham tri Nguyễn Thế Trực, Quốc tử giám guyễn Viết Ưng lựa thể thưc mới về kinh nghĩa, văn sách, ban cho các trấn.

Cấp cho Thái úy quốc công Võ Tánh 200 từ phu và 300 mẫu điền, cho con là Võ Khánh coi việc tế tự.

Tháng 4, xây Cung thành và Hoàng thành, giao cho Ngài Văn Trương, Lê Chất coi việc ấy.

Sắc cầu các hiệu sách còn cất ở dân gian. Con Lê Quý Đôn là Lê Duy Thanh (Đôn người làng Diên Hà, đậu Bảng nhã đời Lê, học rộng lắm, làm nhiều sách) đem dâng 6 quyển Tạp lục và 2 quyển Quần thơ khảo bợn của Đôn làm ra.

Định lệ quân cấp công điền, công thổ (vì mấy tên hào cường chiếm đoạt phần ruộng của dân, vậy nên định từ nhất phẩm cho đến cửu phẩm và cô nhi, quả phụ phần ruộng có khác nhau cả).

Sai Lê Văn Duyệt, Lê Quang Định thúc binh dân Quảng Nghĩa làm cơ Thập kiên, dùng người Thổ trước để phòng ngự giặc Mọi.

Tháng 6, sắc bộ Lễ bàn định về việc 1015 người tử tiết được dự tế trong đền Hiển trung, giao ra các quan trấn chế bàn vị mà thờ.

Dời thành tỉnh Thanh, tỉnh Nghệ. Khi Ngài ngự Bắc tuần, xem địa thế, lựa xã Thọ Hạc thuộc huyện Đông Sơn làm tỉnh lỵ Thanh Hóa; xã An Trường làm tỉnh lỵ Nghệ An; bây giờ truyền chỉ bắt dâ làm dinh xây thành, dời tỉnh lỵ tới đó (thành tỉnh Thanh nguyên trước ở làng Dương Xá, thành tỉnh Nghệ An nguyên trước ở làng Dũng Quyết).

Tháng 8, quan tài vua Lê Chiêu Thống ở Tàu về, Ngài sai quan Bắc thành sửa sang quan tài, cấp tiền gạo cho lính hộ tống về táng tại tỉnh Thanh; quan tài các người vong thần đưa về, cũng truyền phát tiền vải cấp cho gia quyến.

(1) 6 Bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công.

(2) Bố Vệ thuộc về huyện Đông Sơn, tỉnhThanh Hóa.

Tinh biểu Cung nhơn vua Lê là bà Nguyễn Thị Kim. Bà Thị Kim là người huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, nghe quan tài vua Lê ở Tàu về, ba ra đưa, khóc thương lắm, rồi uống thuốc độc tự tử. Ngài sắc cho bức điển; dựng bia đá ở trong làng, trong bia có khắc 10 chữ rằng: "Khâm tứ an trinh tuẫn tiết Nguyễn Thị chi môn", nghĩa là: ban cho Nguyễn Thị Kim là người an trinh tử tiết theo vua Lê; lại cho 2 người mộ phu, 20 mẫu ruộng, giao họ Lê coi việc tế tự.

Tháng 11, Ngài nghĩ rằng: Gia Định là nơi hệ trọng miền Nam Kỳ, sai quan tỉnh phải trữ lúa thuế vào kho cho nhiều, nhưng mỗi năm chở về dâng 1.000 phương lúa ngự.

Tháng 12, truyền dụ rằng: "Các trấn đều đã đặt học thần, chỉ Quy Nhơn chưa có, nay phải lựa người mà bổ, dạy cho được nhiều học trò giỏi để chấn chỉnh văn phong". Bèn cho Đặng Đức Huy làm Đốc học Quy Nhơn, kiêm coi việc khóa hạch học trò Quảng Nghĩa và Phú Yên.

Cấp 50 tên từ phu, 75 mẫu tự điền cho con nuôi con Lễ bộ thượng thơ Ngô Tùng Châu là Tùng Quang giám thủ việc tế tự.

Quản tàu Phi long là Nguyễn Văn Thắng dâng 1 quyển toán tây và một quyển Thiên chỉ minh yếu luận.

Cấp tự điền cho Đinh Bạt Biểu (Thanh Hóa Chiêu thảo sứ), và Võ Nguyên Lượng (Nghệ An Chiêu thảo sứ). Lại cấp riêng tự điền 10 mẫu cho vợ ông Lượng là Hoàng Thị Hân.

Năm Ất Sửu thứ IV (1805), tháng giêng, định lệ thuế chánh hộ, khách hộ từ Quảng Bình đến Phú Yên. Chiếu rằng: "Từ khi loạn đến bây giờ, dân các địa phương đi xiêu tán khắp các nơi, mấy tên phụ hộ chịu thuế cũng như người chánh hộ, mà xã dân sở tại lại cho là khách hộ, thế là trái nghĩa: đều ở đất vua, đều làm dân vua. Nay thiên hạ đã định rồi, sổ đinh nên phải sửa lại; phàm mấy tên ở ngụ mà đã biên vào sổ tuyển năm Quý Hợi, thời cho làm chánh hộ, ruộng đất khẩu phần ngạch thuế thân thuế dung, cũng như lệ chánh hộ; còn mấy tên mới ngụ từ năm Giáp Tý về sau, thời theo lệ khách hộ mà nạp thuế".

Định lệ khám báo lúa ruộng bị tổn thương: Hễ gặp năm đại hạn, nước lụt, hoàng trùng, thời khi chưa tới mùa gặt, phụ huyện phải thân hành đi khám, quan tỉnh cũng phải ủy người tới khám, hạn trong

10 ngày, làm sách tâu tổn thương hết mấy phần cho thiệt, Ngài sẽ lượng giảm thuế cho dân. Như báo không thiệt và giấu thiên tai không báo, thời tội đồng nhau.
Tháng 2, đòi cựu thần nhà Lê là bọn Lê Duy An, Trịnh Hiến, Lý Bỉnh Đạo, Nguyễn Hữu Cung về Kinh. Bọn ấy theo vua Lê quan Tàu đã 16 năm, lắm lúc cực khổ, Ngài khen là có nghĩa, đòi vào yết kiến, cho ngồi, Ngài hỏi thăm và hậu đãi; rồi cho Hiến và Bỉnh Đạo làm Thị trung học sĩ, Cung làm Chánh cơ.
Tháng 4, đắp Kinh thành; bắt lính Kinh và binh dân các tỉnh làm việc, ban cấp tiền gạo rất hậu, tên nào có bệnh thời cho thuốc.

Định trình hạn thâu thuế: từ Quảng Bình đến Bình Thuận mỗi năm thâu 1 lần, tháng 4 khởi thâu, tháng 7 hết hạn; từ Nghệ An đến Thanh Hóa ngoại mỗi năm thâu hai lần, thuế mùa hạ thâu từ tháng 4 đến tháng 6 hết hạn; thuế mùa đông thâu từ tháng 10 đến tháng 11 hết hạn; lại sắc cho mấy người đốc trưng không được thâu ngoài lệ, trái phép thời có tội.

Tháng 5, định lệ lãnh trưng đất ruộng cho mấy tên lưu dân mới phục hồi từ Nghệ An trở ra Bắc. Chiếu rằng: "Dân các địa phương khổ vì Tây Sơn hà khắc đã lâu, nay việc binh mới xong, chưa kịp vỗ yên dân, dân đi lưu tán chưa về làng cho hết, tình cũng nên thương! Bây giờ định rằng: dân nào lưu tán từ năm Nhân Tuất về trước mà điền thổ đã cho quân lính nhận canh rồi, thời nay không cho lính cày nữa, phải để cho nó mà chờ lưu dân trở về cho nó cày, lại tha thuế và tha kén lính; nếu từ năm nay đến năm Đinh Mão lưu dân chưa về, thời điền thổ ấy cho dân làng khác ai xin lãnh trưng trước thời được, nhưng hễ năm nay vào sổ nhận trưng thời sang năm phải nạp thuế và đi lính; còn dân nào lưu tán từ năm Quý Hợi về sau, thời điền thổ hãy cho quan quân cày, chờ khi n ào dân về sẽ cấp lại, đến như sự nạp thuế và lính cũng phải chờ qua năm sau khởi hành; không được theo lệ tha co 3 năm".

Tháng 6, giảm biệt nạp sản vật (1) cho Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Nghĩa và Bình Định. Chiếu rằng: "xây đắp Kinh thành, dân hạng biệt nạp cũng ra làm việc. Vậy cho ngạch thuế năm nay 10 phần giảm 5, để tỏ ơn trên dồi dào, không ai không dự".

Tháng 7, truyền chỉ các quan địa phương mỗi năm đến tháng 4 phải làm sổ Chấp bằng quan lại binh đinh, cuối năm phải làm sổ Đinh điền tiêu tống, mỗi sổ làm một bản giáp và một và bản ất, y kỳ hạn đệ về Bộ duyệt (sổ chấp bằng thuộc về Bộ binh, sổ tiêu tống thuộc về Bộ hộ).

Ngài bàn việc dân với các quan rằng: "Từ Gia Định đến Kinh, đàng sá xa xôi, từ năm về sau như có mấm mùa, cho quan tỉnh phát lúa kho chẩn cấp cho dân, rồi sẽ tâu lên".

Tháng 8, truy thụy Đông cung nguyên soái quận công Cảnh làm Anh duệ Hoàng Thái Tử, lập tẩm viên tại xã Vỹ Dạ.

Cấp mộ phu, tự điền cho các ông quốc sơ công thần (Tôn Thất Khê, Tôn Thất Thiệp, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh, đều là thượng đẵng công thần. Triều đình cho mỗi ông một tên cháu ấm thọ đội trưởng, cấp 6 tên mộ phu, 15 mẫu tử điền nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng).

Sắc Bộ Hình phải xét những án còn đồi tích lại cho đặng mau xong. Khiến các quan bàn định luật lệnh.

Tháng 9, đình thần xin lập Thái tử, Ngài dụ rằng: "Hoàng tử, Hoàng tôn còn nhỏ, ta đương giao cho Sư phó dạy biểu cho đặng thành đức, rồi sẽ lựa người hiền lập làm Thái tử, cũng chưa lấy gì làm muộn".

Tháng 10, sắc các trấn thông sức cho dân gian biết rằng: Vay nợ hạn cho một vốn một lời mà thôi, nếu người cho vay trái phép và người vay gạt nợ đều có tội.
Tháng 12, cho công thần tùng tự Thái miếu (Tôn Thất 7 người, công thần 6 người).
Năm Bính Dần thứ V (1806), tháng giêng, các quan lại xin Ngài lên ngôi Hoàng Đế. Ngài y theo, sắc Bộ Lễ lựa ngày đúc sách vàng.

Tháng 2, lập đàn Nam Giao.

Tháng 3, lập đàn Xã Tắc. Định lệ hễ đến ngày Mậu tháng 2 và tháng 8 thời tế Xã Tắc (2).

Tháng 4, truyền lựa các hệ Tôn Thất từ 8 tuổi trở lên, 12 tuổi trở xuống, ai mà chăm học, cho gia cấp lương vào trường Quốc Tử Giám học tập.

Định phẩm phục các quan văn, võ.

Ngài nghe các quan phủ, huyện bị dân kiện thời quan trên thường bắt giam lại mà hỏi, nên Ngài dụ rằng: "Phủ, huyện có chức trách trị xã dân, nếu bị dân kiện chưa phân biệt việc nhẹ, việc nặng mà đã gông cùm, làm cho nhục, vậy thời làm sao biểu suất lại dân được? Từ nay phủ, huyện như có bị kiện, quan trên đòi lên chất vấn mà thôi, hễ tình lý nhẹ thời phát lạc cho rồi, tình lý nặng thời tâu tham, không được gông trói. Nếu việc phải đòi đến, thời cấm người đi đòi không được ỷ thế lăng mạ".

Tháng 5, ngày Ất Vị, Ngài lên ngôi Hoàng Đế ở điện Thái Hòa; chuộng sắc vàng, hạ chiếu cáo khắp trong ngoài đều biết và ban 8 điều ân xá.

Định ngày triều: ngày sóc, ngày vọng thiết đại triều tại điện Thái Hòa; ngày 5, ngày 10, 22, 25 thiết thường triều tại điện Cần Chánh.

(1) Sản thuế: như thuế gỗ, thuế quế, thuế đường, thuế tơ, thuế sắt v.v...

(2) Tế thần Thái xã và thần Thái tắc. Trong sách Lễ thơ Trần Thi nói rằng: "xã tắc thần lớn trong 5 thổ thần, 5 thổ thần không có thể tế hết, cho nên tế thần Xã; Tắc là quý hơn trong ngũ cốc, ngũ cốc không có thể tế hết, cho nên tế thần Tắc. Tắc mà không có Xã thời không sinh trưởng được, Xã mà không có tắc thời không thành hiệu gì, cho nên hiệp tế Xã, Tắc là vì công lợi ngang nhau".

Bàn đổi sổ thường hành (1) các trấn ngoài Bắc thành. Khi trước Ngài muốn làm lại sổ đinh, có bàn hỏi cựu thần nhà Lê là Nguyễn Đàng, Đàng tâu chưa có thê làm được. Đặng Trần Thường vào chầu,

Ngài lại hỏi Thường, Thường tâu rằng: "Thánh nhơn trị dân, chỉ có thể khiến nó noi theo khi việc đã thành hiệu, không có thể cùng nó bàn định khi việc mới khởi đầu; phong tục phải đổi dần dần, ấy là cội gốc trong việc chánh trị". Ngài cho là phải.

Tháng 6, truy tôn huy hiệu các Liệt Thánh và Đế Hậu.

Tháng 7, cải định lệ tha thuế cho lưu dân phục hồi từ Nghệ ra Bắc. Chiếu rằng: "Trong số lưu dân mới về đó, hễ dân nào lưu tán từ Nhâm Tuất về trước, thời tha thuế 3 năm; dân nào lưu tán từ năm Quý Hợi về sau, thời không được theo lệ ấy; vẫn trước ta đã định lệ như vậy. Nhưng lại nghĩ dân khổ vì Tây Sơn hà khắc, đến nỗi điêu hao; lại gặp tai biến nước lụt, đại hạn, dân phải phiêu lưu, thiệt là thế bất đắc dĩ! Vậy cho từ năm nay về trước bao nhiêu lưu dân đã thành ngạch, phải chiêu dụ chúng nó về nhà làm ăn; như về tại năm Aát Sửu hoặc năm Bính Dần thời thuế từ năm ấy đến năm Kỷ Tỵ đều cho tha cả; như đến năm Đinh Mão mới về, cũng tha thuế từ năm Đinh Mão đến năm Kỷ Tỵ; chớ không cần nệ theo niên hạn mà năm ngoái đã định".

Tháng 8, Xiêm La sai sứ sang dâng 3 chiếc thuyền chiến, quan trấn Gia Định tâu lên, Ngài sai sứ Xiêm về Kinh chiêm bái, rồi cấp tiền cho về.

Tháng 9, định lệ thử lúa nạp thuế: lấy một thăng lúa đổ vào nước, lúa nổi hạn trong 2 thược (2) mà thôi, hễ quá 2 thược thời không thâu, lúa ướt cũng không thâu; còn lúa thử trả lại cho dân.

Tháng 11, tha thuế thiếu cho lưu dân ngoài Bắc, khiến quan sở tại phải phủ ủy chúng nó.

Làm xong sách Nhất thống địa dư chí. Lúc trước Ngài giao cho Binh bộ thượng thơ Lê Quang Định tra xét sách sổ trong nước, từ Kinh sư phía Nam đến Hà Tiên, phía Bắc đến Lạng Sơn, bao nhiêu núi sông hiểm gì, đàng xá xa gần, giới hạn, nguồn sông, cửa biển, cho đến cầu sông, chợ, phố, phong tục, thổ sản, phải biên chép cho hết, đóng 10 quyền. Nay sách ấy thành rồi, Quang Định dâng lên Ngài xem.

Năm Đinh Mão thứ VI (1807), tháng giêng, mới bói ngày tế Giao, Khâm thiên giám phải lựa tâu 3 ngày tốt trong tháng 2; trung tuần tháng giêng Ngài sai quan sát bói trong 3 ngày ấy lựa một ngày tốt hơn (dùng tiền bạch kim thần giao, bói được một chữ sấp, một chữ ngửa là tốt): trước khi tế Giao 3 ngày và ngày chánh lễ, cấm không được làm việc hình và giết trâu bò bán thịt; từ rày định làm lệ thường.
Mấy người công thần ngày trước hầu Ngài qua Vọng Các, đến nay hoặc người chết trận, hoặc người chết bệnh, Ngài truyền chia làm 5 hạng, tùy hạng mà cấp mộ phu và tiền gạo cho vợ con, nếu con đã lớn thời cho ấm thọ một chức nhàn tản.
Tháng 2, sắc quân Bắc thành lựa hơn 100 người thợ trong các công xưởng đưa vào Kinh làm việc.

Truyền làm thêm 100 chiếc thuyền chiến.

Định lệ thi hương, thi hội (tháng 10 năm nay thi hương, năm sau thi hội, nhưng vì người văn học còn ít, rồi lại bàn định việc thi hội).

Quan trấn Nghệ tâu rằng: "Dân biệt nạp gỗ lim cũng có nạp long hiếp cốt, nhưng không ý thức, xin thâu giá tiền cho tiện dân Ngài cho.

Ngày Tân Mão, tế Nam Giao, thăng phối đức Thái tổ Gia Dũ hoàng đế (3). Lễ rồi, ngự về, lại cáo trong Thái miếu như trước.

(1) Sổ đinh nhà Lê thời người sanh thêm không kể, người chết rồi cũng không trừ, cho nên gọi là sổ thường hành.

(2) Trong một thăng chia làm 10 cáp, 1 cáp chia làm 10 thược, đem thử một thăng lúa mà chỉ có hai thược lúa nổi, thời biết lúa ấy trong 100 phần chỉ có hai phần lúa xép.

(3) Thăng phối nghĩa là rước đức Thái tổ phối hưởng cùng Trời, Đất.

Truyền 5 trấn phía trong Bắc thành và phủ Hoài Đức sửa lại sổ đinh: hễ đinh khẩu từ 18 tuổi trở lên, 59 tuổi trở xuống cho vào hạng thiệt nạp.

Tháng 6, gặp lễ Thánh tuần khánh tiết đức Hoàng thái hậu, mỗi trấn một ông quan văn, và một ông quan võ về chúc mừng. Con cháu Lê, Trịnh cũng xin về Kinh chầu khánh tiết. Ngài cho.

Định phép thi hương: trúng 4 trường gọi là Hương cống, trúng 3 trường gọi là Sanh đồ, đều tha thuế thân; nhưng Hương cống được ban áo, mão và ăn yến, gọi là Lộc minh yến.

Tháng 9, nước Chân Lạp tới xin thọ phong, Ngài phong Nặc Chân làm Cao Man quốc vương, định lệ 3 năm cống một lần, bắt đầu từ năm nay.

Tháng 10 mới mở khoa thi Hương, từ Nghệ An trở ra Bắc, lấy đậu Hương cống tất cả được 62 người.

Năm Mậu Thìn thứ VII (1808), tháng giêng, Ngài nghĩ trấn Gia Định địa thế rộng quá, giao đình thần bàn việc sửa sang để cho vững vàng bờ cõi. Rồi đổi Gia Định trấn làm Gia Định thành, Phiên trấn dinh làm Phiên An trấn, Trấn Biên dinh làm Biên Hòa trấn, Trấn Vĩnh dinh làm Vĩnh Thanh trấn, Trấn Định dinh làm Định Tường trấn.

Lại sai Lê Văn Duyệt đánh giặc mọi. Lúc ấy mọi khổ vì Phó quản cơ Lê Quốc Huy nhiễu hại quá, cho nên làm phản, Duyệt xét được việc ấy, bắt Quốc Huy tâu xin chém, quân mọi liền ra đầu hàng.

Tháng 2, làm lại Văn miếu. Miếu cũ ở làng Long Hồ chật hẹp quá, bây giờ dời về làm tại xã An Ninh, để miếu cũ làm Khải thánh từ.

Tháng 5, Quảng Đức, Bình Định, Phú Yên đại hạn, ruộng tổn thương nhiều; các quan dinh đem bản án khám tâu lên, Đình thần bàn rằng; "trong 10 phần tổn 4 phần xin cho giảm thuế 2 phần, tổn 5 phần giảm thuế 3phần, tổn 6 phần giảm thuế 4 phầ, tổn 7 phần giảm thuế 5 phần, tổn 8 phần giảm thuế 6 phần, tổn 9 phần giảm thuế 7 phần, nếu tổn thương hết, thời xin tha cả". Ngài cho tổn 7 trở lên cũng tha thuế hết thảy, còn thời y như lời đề nghị.

Các trộm cướp ngoài Bắc thành đã được bình rồi. Quan Tổng trấn xét các đạo quan quân đánh giặc trước sau hơn 30 trận, chia công trạng làm 4 hạng, làm sách tâu lên. Ngài thưởng 30.000 quan tiền, khiến quan Tổng trấn tùy hạng cấp phát, còn mà ai chết tại trận thời theo lệ cấp tiền tuất (1). Quan Tổng trấn lại tâu rằng: "Khi giặc khởi loạn, trong tỉnh Sơn Nam Hạ có 4 xã Cổ Tiết, Đồng Kỷ, An Vị, Lệ Bửu; trong tỉnh Hải Dương có 6 tổng: Cổ Trai, Kỳ Vỹ, Cẩm Khê, Phú Khê, Kinh Khê, Tử Đôi; hoặc có người thám tình thế giặc mà báo quan, hoặc có người đem lúa để giúp quân, đều có lòng hiếu nghĩa; xin gia ân thưởng để khuyên người khác". Ngài cho là phải. Lúc trước mấy bọn trộm cướp ngoài Bắc thành giả danh tôn nhà Lê, ngu dân mắc lầm cũng nhiều, Nguyễn Văn Thành sai Trần Hựu làm khúc "điểm mẽ" bằng tiếng nôm để hiểu thị cho dân, dân Bắc thành lại làm bài hát "tố khuất", trong bài ấy nói quan lại tham nhũng, đến nỗi sanh ra trộm cướp, ông Thành lại sai quan sở tại đi khắp hiểu dụ, dân tình mới an.
Tháng 6 nhuận, Ngài truyền từ nay về sau, hễ ngày sóc, ngày vọng tháng nhuận đều tha thiết triều.

Ngài ngự xem đào sông Dương Xuân, thưởng tiền cho biền binh.

Tháng 7, đắp đập Hà Trữ (thuộc huyện Phú Lộc), bởi vì đất ruộng gần biển, nước mặn thường trào vào ruộng, nên đắp đập để giữ, các nhà làm ruộng đều lấy làm tiện lợi.

Tháng 9, quan trấn Nghệ tâu rằng: "Trong kho những muối và cây mây còn chứa để nhiều, từ rày cho dân nạp tiền hay là vải, để thay các hạng thuế ấy". Ngài cho y.
Quan dinh Quảng
Nam tâu rằng: "Dân nguồn Hữu bang, lệ cũ mỗi năm nạp 1.000 cân dầu rái; nay xin theo như lệ nguồn Ô Gia mỗi 100 cân nạp thuế 5 quan tiền". Ngài cho.

(1) Chết tại trận, hoặc đương làm quan mà chết, thời nhà nước có cấp tiền gọi là tiền tuất.

Tháng 10, sắc cho Hương cống được bổ Tri huyện. Lại đem những ý chỉ triều đình dùng người truyền dụ cho biết, khiến cho ai nấy đều giữ phép quan, trọng danh phận. Nhưng ban cho phẩm phục, sai lính đưa đến lỵ sở. Từ đó chức huyện lại càng được trọng lắm.

Chuẩn định cho các nha coi việc hình: từ nay về sau, phàm trọng án mà phủ, huyện kết nghĩa rồi, quan địa phương xét lại, bộ Hình thẩm duyệt, nếu ý kiến khác nhau đều cho tâu lên, Ngài sẽ xét; còn án nào tình tội hơi nhẹ, thời cho sở tại nha môn xử đoán mau phát lạc cho rồi, không được làm lôi thôi phiền dân.

Tháng 11, trấn Nghệ đói, quan trấn xin hoãn những việc bắt linh đào, xét tạp tụng và hỏi nợ tư. Ngài cho y cả, lại cho hoãn thuế ruộng thuế thân năm ấy.
Bộ Lễ tâu rằng: "Lâu nay hễ qua đầu năm thời khai bửu (1) duyệt binh; đến cuối năm thời yết lặng, lạp tế (2), hạp bửu (3); đều phải lựa ngày tốt; nay xin định ngày nào cho rõ". Ngài chuẩn định ngày 7 tháng giêng khai bửu, duyệt binh, ngày 13 tháng 12 yết lăng; ngày 24 lạp tế, ngày 25 hạp bửu. Kể từ năm sau (Kỷ Tỵ) làm đầu.

Năm Kỷ Tỵ thứ VIII (1809), tháng giêng, đặt nha Bắc thành đề chánh, cho Hộ bộ Đặng Trần Thường làm Tổng lý, tham tri Nguyễn Khắc Thiệu làm Tham lý. Nguyên khi trước Đề chánh thuộc vê tào hộ, quan Tổng trấn nghĩ rằng việc nào hộ nhiều quá, thế không kiêm có cho xiết, tâu xin đặt quan coi việc Đề chánh, nên Ngài cho Thường và Thiệu lãnh chức ấy.

Lập miếu vua Lê Thánh Tôn. Dụ rằng: "Vua Thánh Tôn phá Chiêm Thành, mở đất đến Phú Yên, đem dân vào ở, công khai thác từ đó làm đầu; lúc trước tế trong miếu các Đế vương đời xưa, là nhớ công đức Ngài vậy. Nay nên lập miếu làm nơi sùng tự, cho 18 tên dân làng Phú Xuân làm miếu phu, hễ đến ngày Nhâm mùa xuân, mùa thu, sai quan đến tế".

Bắc thành tâu: "Văm miếu ngoài Bắc, từ đời nhà Lê trở lên thời Sĩ Vương, Châu An đều được tùng tự, bây giờ xin định thế nào?". Đình thần bàn rằng: Châu An, Sĩ Vương chưa được tùng tự Văn miếu ở Kinh, các trấn nên theo như Kinh sư mới phải. Ngài y. Lại khiến bộ Lễ kê cứu việc tế tự, thời Châu An, Sĩ Vương đều đã có nhà thờ, bèn truyền chỉ chuẩn cho dân sở tại 61 điều tên miễn diêu coi việc tế tự hai ông ấy.

Lập miếu Đô Thành Hoàng ở bên hữu Kinh thành (Chánh vị thờ Đô Thành Hoàng, bên tả thờ các vị Thành Hoàng từ núi Hoàng Sơn trở vô, bên hữu thờ các vị Thành Hoàng từ Nghệ An trở ra), cho 15 tên dân Phú Xuân làm miếu phu.
Tháng 3, cho Tham tri bộ lại Nguyễn Hữu Thận làm Chánh sứ, sang Tàu dâng hai lễ cống năm Đinh Mão và năm Kỷ Tỵ.

Tháng 4, đắp đàng quan các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận và Khánh Hòa. Ngài nghĩ đàng cũ quanh co, khiến Nguyễn Hoàng Đức, Lê Chất giăng dây cho thẳng, bắt dân sửa lại; nhưng hoãn việc trưng binh, đình việc tạp tụng; chỗ nào có mồ mả thời cấp tiền cho dân dời đi chỗ khác, và trồng cây hai bên đàng.

Phạm Như Đăng vào chầu, dâng sớ nói hết việc lợi hại ngoài dân, xin theo phép tuần thú ngày xưa, nhơn việc ấy mà xét địa phương, xem phong tục, dấy việc lợi, bỏ việc hại, để làm cho sĩ dân tai nghe mắt thấy oai nghi trên Triều đình, dốc chí bền lòng trung nghĩa với Nhà nước, khiến trong thiên hạ ai cũng biết lượng Thánh Hoàng thương dân trong ngoài như một. Đăng đã tâu việc ấy rồi, lại nhơn điều trần 12 việc: 10 mở tòa Kinh diên (4) để giảng sách; 20 mở khoa thi để lựa nhơn tài; 30 bàn việc hình ngục;

40 xử trọng án; 50 đặt Đô sát viện ngự sử xét việc ngoài Bắc thành; 60 cấp ruộng lương cho lính giản

(1) Ấn vua gọi là bửu, khai bửu là đóng ấn.

(2) Lạp tế là tề về tiết tháng Chạp.

(3) Hạp bửu là niêm ấn lại.

(4) Kinh Diên là nơi Hoàng Đế đọc sách

ngoài Bắc; 70 lựa nghĩa binh; 80 trọng dân lực; 90 trưng tô thuế; 100 khám xét lưu dân; 110 chiêu tập lưu dân; 120 nghiêm phòng các bến tàu và các cửa ải. Sớ dâng lên, Ngài khen lắm.

Rước Tử cung (1) đức Duệ Tôn hoàng đế ở Gia Định về. Ngài toan ngự vào Quảng Nam đi đón, cho nên truyền dụ dân Quảng Nam rằng: "Quảng Nam gần Kinh đô, Triều đình cho là quận chân tay (2), từ lúc khôi phục Kinh thành đến bây giờ, ta chưa đi tuần hành, nên dân tình u uẩn, chưa biết cho hết; nay Tử cung đức Duệ Tôn ở Gia Định về, ta sẽ đem các quan đi rước; vậy nên sai quan Đại thần đi trước vào xứ chúng mầy, dân có điều gì oan uổng, cho làm đơn kêu, Đại thần sẽ duyệt tâu lên, để cho biết rõ tình ngoài dân gian. Khi nào ta ngự tới, quan quân và dân không được dâng đồ chi hết".

Tháng 6, ninh thổ Tử cung đức Duệ Tôn tại lăng Trường Thiệu (ở núi La Khê).
Định trình hạn nạp thuế sản vật ngoài Bắc thành: mỗi năm 2 hạn, từ tháng 2 đến tháng 6 làm một hạn, tháng 7 đến tháng 12 làm một hạn. Lại cấp mộc triện cho Tổng trưởng và Xã trưởng để làm việc quan lấy đó mà chất nghiệm.

Tháng 7, ba huyện thuộc về Quảng Trị thường có hổ hoạn, truyền chỉ đem 200 dân làng Phú Bài và làng Thủy Ba ra đó bắt cọp.

Tháng 8, định điều lệ thuế buôn Hà Tiên, Xiêm La, Hạ Châu.

Tháng 9, ban điều lệ Đề chánh ra Bắc thành. Ngài lưu ý về việc phòng giữ nước lụt, nên khi trước đã truyền chỉ quan Tổng trấn tham chước việc cũ tâu lên, rồi lại sai Đình thần phúc nghĩ; nay mới định thành điều lệ ban ra thi hành.

Bắc thành bị bão, nước biển tràn lên, Hai Dương, An Quảng và Sơn Nam Hạ lại càng hại lắm; quanTổng trấn tâu lên và xin phái người khám sát sẽ bàn việc chẩn cấp. Ngài xuống chiếu rằng: "Chờ khám rồi mới phát chẩn, lấy gì mà cứu cấp nạn cho dân!". Bèn sai Đặng Trần Thường, Phạm Như Đăng xét tai nạn nhẹ nặng thế nào, truyền quan trấn sở tại phải đem lúa kho phát chẩn cho mau.
Tháng 11, định điều lệ trị tội kẻ cướp: phàm hai lần ăn cướp đều lấy được của, hoặc trong hai lần chỉ có một lần lấy được của, thế là cố phạm, cho quan trấn lập tức đem chánh pháp rồi sẽ tâu lên, nếu hai lần đều chưa lấy được của và mới ăn cướp một lần mà lấy được của, thời phải tâu lên chờ chỉ.

Mới đặt Thượng thơ 6 Bộ: Lê Quang Định làm Thượng thơ bộ Hộ, Trần Văn Trạc Thượng thơ bộ Lại, Đặng Đức Siêu Thượng thơ bộ Lễ, Đặng Trần Thường Thượng thơ bộ Binh, Nguyễn Tử Châu Thượng thơ bộ Hình, Trần Văn Thái Thượng thơ bộ Công; còn Phạm Như Đăng làm Thượng thơ bộ Hình nhưng lãnh việc tào hình Bắc thành.

Tháng 12, quan Trấn thủ Hà Tiên là Mạc Tử Thiêm mất. Tự khi Mạc Tử Thiêm dâng đất Hà Tiên đến bây giờ, triều đình nhớ đến công lao, cho con cháu đời đời làm trấn thủ Hà Tiên. Đến khi Thiêm mất rồi, con là Công Tài, Công Thê còn nhỏ, cháu là Công Du vì tội bắt vợ hầu Thống chế Phạm Văn Triệu bán cho người Xiêm, bị giao đình nghị; Ngài bèn truyền chỉ Chánh đội Ngô Y Nghiễm, Tham luận Lê Tấn Giảng quyền lãnh trấn Hà Tiên; Âm thọ Công thê làm Chánh đội để coi việc tế tự và cho 53 tên mộ phu. Ngài lại truyền quan Tổng trấn Gia Định đem việc Công Du báo với Xiêm, Xiêm xin tha tội Công Du, mà cho tập chức Trấn thủ, Ngài không cho, truyền bộ Lại viết thơ trả lời cho Xiêm, Xiêm tiếp được thơ, không dám xin nữa.

Giảm thuế điền mùa thu cho 5 trấn phía trong Bắc thành. Vì các trấn ấy bị đại hạn hoặc bị gió bão, nên giao bộ Hộ chiếu lệ tổn thương mà giảm thuế điền.
Năm Canh Ngọ thứ IX (1810), tháng giêng, dân Bắc thành đói. Khi trước quan Tổng trấn báo đại hạn và nước lụt, Ngài truyền đình việc bắt lính và tạp tụng, bãi việc làm xâu; lại giao quan Tổng trấn bàn

(1) Tử cung là quan tài.

(2) Quận chân tay nghĩa là gần Kinh thành.

việc cứu hoang (1). Nguyễn Văn Thành dâng sớ xin cho dân vay hoặc phát chẩn để cứu dân đương lúc tai biến; lại xin cấm không được lựa tiền tốt, xấu, để cho thông dụng. Ngài y cho.

Định ngôi thứ các công thần: 4 người Khai quốc công thần; 114 người Trung tiết, công thần; 258 người Trung hưng công thần.

Tháng 2, đắp đập Kim Đôi và đập An Xuân, vì nước biển hay trào vào ruộng.
Lập lại ngạch lính cũ trong Gia Định, tha thuế thân cũng như mấy người đương ở lính. Dụ rằng: "lính cũ Gia Định, đi trận khó nhọc đã lâu, nay tuy về làm dân, mà có việc lại ra làm lính, không nên đãi chún nó như hạng dân mới phải".

Tháng 3, phát chẩn thêm cho dân đói Bắc thành 50.000 phương lúa. Quang Tổng trấn lại tâu: "Cửa sông Thiên Đức ngăn lấp, hay bị nước ngập; đàng đi sứ qua tỉnh Lạng Sơn, thời thú rừng rậm rạp, xin bắt dân đói đào sông dọn đàng, mỗi ngày phát cơm cho ăn". Ngài y cho.

Đặt thêm lính trạm từ Quảng Bình đến Bình Thuận, mỗi trạm 100 tên, tha khỏi đi lính giản, khỏi làm việc quan và tha thuế thân, cũng như quân hạng.
Nguyễn Văn Thành ở Bắc thành vào chầu, nhơn có tang mẹ, xin táng ở Bắc Hòa. Ngài ban rằng: "con cáo lúc chết, trở đầu vào gò, thế là lễ vậy. Tổ quán của khanh ở Bác Vọng phủ Triệu Phong, sao mà không táng ở đó?". Văn Thành lạy xin thọ mạng.

Tháng 4, Nguyễn Hữu Thận ở Tàu về, dâng một quyển Đại lịch tượng khảo thành thơ và tâu rằng: "lịch vạn toàn nước ta và sách Đại Thanh thời hiến bên Tàu, đều theo lịch đại thống nhà Minh (2), hơn 300 năm chưa hề sửa lại, càng lâu lại càng sai lắm; đời Khương Hy nước Tàu, mới tham dùng phép lịch Thái Tây, làm ra quyển lịch nầy, mà sách nầy tuy xét sổ tinh tường hơn sách Đại thống, phép tam tuyến bát giác lại tinh xảo lắm. Xin giao học trò Khâm thiên theo lịch nầy để khảo cứu làm phép lịch, thời biết đúng độ số trời mà nhằm tiết hậu". Ngài cho là phải.

Tháng 5, Ngài nghĩ các trấn ngoài Bắc, năm nào cũng đói, truyền chỉ hoãn thi Hương năm nầy. Từ đó rồi cứ 6 năm thi một khoa.

Định thuế người Tàu mua gỗ lim. Lúc trước cấm người Tàu mua gỗ lim, có một tên thuyền trưởng Quảng Đông vào cửa Hội (Nghệ An) xin buôn bán, quan trấn tâu lên, Ngài truyền chỉ cho thông thương không cấm, nhưng tăng thuế xấp hai; sừng tê, ngà voi thời 20 phần đánh thuế một, gỗ lim 10 phần đánh thuế một.

Giặc Tàu ô trốn ngoài biển thuộc hạt phủ Cao, phủ Liêm, phủ Quỳnh và phủ Lôi (đều về hải phận Tàu); quan Khâm Châu đưa thơ qua Bắc thành xin nhờ đem quân đón đánh. Việc tâu lên, Ngài sai Nguyễn Văn Hạnh đem binh thuyền đến Châu Vạn Ninh, đảng giặc tới xin đầu hàng quân ta; Ngài truyền quan Bắc thành đem quân giặc giao cho quan Khâm châu.

Tháng 6, Trung quân Nguyễn Văn Trương mất, Văn Trương là Khai quốc nguyên huân, tặng chức Thái bảo, Thụy Trung dõng, ban cho một cái quan tài gỗ giáng hương và 1.000 quan tiền. Ngày táng ông Trương, Ngài ngự thuyền rồng đi đưa tại sông Hương Giang. Lại cấp cho 10 tên mộ phu (năm Minh Mạng thứ 5 cho tùng tự Thái miếu, phong Đoan Hùng quận công).

Tha tạp thuế cho trấn Hà Tiên. Lúc trước Hà Tiên không có ngạch thuế, Mạc Tử Thiêm mới thâu thuế mổ heo, thuế nha phiến và thuế cờ bạc; Ngô Y Nhiễm lại chia thuyền buôn làm 3 hạng mà đánh thuế. Đến lúc Tống Phúc Ngoạn ở Xiêm về, tâu nói tệ đánh thuế trong Hà Tiên, Ngài liền xuống chiếu tha hết các thuế, dân vui mừng lắm.

(1) Cứu hoang là cứu dân khi mất mùa.

(2) Minh là tên nước Tàu.

Lựa thêm 600 lính huyện Tống Sơn bổ vào vệ Thị nội Tín oai, để làm việc trong Nguyên miếu (1) hoặc đòi về Kinh chầu chực.

Tháng 8, ban thước Kinh đạc điền cho các trấn trong ngoài. Thước ấy nhà Lê chế ra, dân gian thường dùng đã lâu. Đến năm Gia Long thứ 5, mới dùng thước trung bình; thước trung bình nầy hơi dài, vì thế số ruộn sai nhiều. Ngài sai tìm thước Kinh, tìm được tại dân làng Cổ Linh, huyện Gia Lâm; rồi theo thức chế ra thước đồng, ban cho các dinh trấn. Mấy sở ruộng công, ruộng tư trước đã đo đạc bằng thước trung bình rồi, thời nay phải làm sổ để lại mà tra cứu; từ nay về sau, nếu có việc tranh địa phận, cáo giác ẩn lậu điền thổ và báo khai khẩn ruộng đất, đều phải dùng thước Kinh mà đo.

Ban sắc thần. Bộ Lễ bàn nên gia tặng cho Đế vương và Hậu phi ngày xưa. Ngài truyền rằng: "lịch đại Đế vương đã định danh vị rồi, nếu lại ban tặng thêm thiệt là trần độc quá. Truyền các xã dân cứ thờ như cũ; còn như thần Thượng đẳng, Trung đẳng, Hạ đẳng thời gia tặng ban sắc".

Tháng 9, khiến các trấn trong Gia Định phải lập hương binh; lại sai quan Tổng trấn làm đồ khí giới chế thuốc súng và giữ gạo lương để phòng binh nhu. Vì lúc ấy Chân Lạp cùng Xiêm hiềm khích với nhau, Gia Định gần thành Nam Vang, phải phòng giữ trước.

Tháng 10, sai Đô thống chế Lê Văn Phong, Nguyễn Văn Trí, Chưởng cơ Nguyễn Văn Giám đem quân tuần phòng ngoài bờ cõi; xuống chiếu truyền quan trấn Gia Định là Nguyễn Văn Nhơn chia ba đạo quân đến phòng giữ xứ Tân Châu, như Chân Lạp có việc gì, phải tới thành La Bích mà cứu.

Nguyễn Văn Thành tâu 4 điều phong sự: 10 thuộc lại các điạ phươmg, lệ định thường cho dân ngoại tịch, nên nhiều tên không có căn cước, hay bỏ việc trốn về; xin từ nay mà khuyết thuộc lại, không kể tội nội tịch, ngoại tịch, hễ ai có sản nghiệp mới được bổ; 20 mỏ đồng ngoài Bắc thành, thời xứ Tụ Long nhiều hơn, từ khi cấm không được lấy đồng Tụ Long đến bây giờ, dân thường thiếu tiền; xin khai khoản ấy lấy đồng để cho của nhiều, dùng đủ, cũng là một các sanh tài; 30 thuế lệ cửa ải, bến tàu đã định ngạch rồi, nhưng tôi có nghe sở tại lạm thâu nhiều; xin thân minh điều cấm, đừng cho làm hại mấy người buôn bán; 40 năm trấn phía trong Bắc thành đã bỏ sổ thường hành rồi, còn 6 trấn phía ngoài và trấn Thanh, trấn Nghệ chưa bỏ sổ thường hành; nay xin sửa lại cho y như một. Sớ dâng lên, Ngài giao Đình thần bàn, để mà thi hành.

Định lệ canh trưng, ruộng đất lậu: hễ điền thổ đã cày mà chưa nạp thuế, thời cứ kể năm phát giác làm đầu, biên vào sổ mà khởi trưng, lại phải xét lậu một năm hay là hai ba năm, tính năm truy thu tô thuế, như lậu bốn, năm năm trở lên, cũng chỉ lấy ba năm làm hạn. Còn điền thổ ẩn lậu đó, ai trưng trước thời được nhận trưng, nếu không có ai trưng, thời điền thổ tư giao cho chủ, điền thổ công giao cho dân, theo lệ canh trưng

Tháng 12, khai mỏ kẽm tại xã An Lãng trấn Hải Dương.

Năm Tân Vị thứ X (1811), tháng giêng, khiến Đình thần soạn định luật lệ, cho Nguyễn Văn Thành sung chức Tổng tài (đến khi bộ luật làm rồi; cả thảy 398 điều, 22 quyển).

Bãi hương binh Gia Định cho về cày ruộng.Tháng 2, dân Bắc thành trốn thuế nhiều lắm, quan Tổng trấn cho là vì phủ, huyện không hết lòng thôi đốc, xin giam trị tội. Ngài truyền rằng: "huyện lệnh là quan thầy dân, làm nhục phủ, huyện không phải phép, thời dân quan chiêm sao đặng?". Ngài không cho.

Mới đắp đê An Lăng thuộc trấn Sơn Tây.

Đòi Mạc Công Du, Mạc Công Tài về Kinh, cho con cháu bọn ấy cả thảy 50 người dự hạng miễn diêu.

Khi trước Nặc Chân giận Xiêm, nhưng ỷ có nước ta bảo hộ; đến khi nghe sứ Xiêm sang nước ta,

Nặc Chân tưởng rằng ta giao hiếu với Xiêm, sợ lắm; Ngài khiến Đình thần làm thơ đưa cho Nặc Chân, trong thơ kể hết những lời sứ Xiêm vấn đáp với ta, để cho Nặc Chân an tâm. Lại gặp lúc Xiêm có tang

(1) Nguyên miếu là miếu Triệu Tường ở làng Quý Hương, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Phật Vương, Ngài dụ Chân phải sai sứ sang Xiêm hội táng, kết nghĩa giao hiếu; Chân được thơ mừng lắm, dâng biểu trần tạ.

Tháng 3, sai Chưởng cơ Tống Phúc Ngoạn sung chức Chánh sứ sang Xiêm, Ngài sai bộ Lại làm thơ đưa qua Xiêm nói việc khu xử nước Chân Lạp. Sứ Xiêm cũng xin về nước, Ngài ban thưởng hậu lắm, cho về luôn với sứ ta.

Quan trấn Nghệ An tâu rằng: "châu Trà Lân và châu Quy Hiệp ở về thượng du, khi có việc quan, báo tin tức gì, phải tất do đàng ấy, xin đặt mỗi châu một quan trấn thủ coi việc thâu thuế và báo tin tức cho mau". Ngài cho y.

Tháng 4, Quảng Đức Cơi bộ là Lý Gia Du giám đốc sở đúc tiền ngoài Bắc thành và coi các mỏ đồng, mỏ kẽm, Gia Du tâu rằng: "nhà Lê lập ba sở đúc tiền, thường đúc luôn luôn, cho nên thừa tiền tiêu, đến đời Tây Sơn đúc không phải phép, tiền mỗi ngày một ít, giá lúa hạ mà dân chịu đói, lụa vải rẻ mà dân chịu rét; nay nhờ có Thánh minh soi xét, cho mở trường đúc tiền, cho dân được phép đúc tiền kẽm, nhưng mấy người đúc tiền, nhà giàu thì ít, tay không thời nhiều, mua đồng, mua kẽm, nhà giàu phần nhiều mua được giá hạ, mấy người tay không phải mua giá cao. Vả lại lấy tiền mới đổi tiền cũ, thời lúc thâu lúc phát, mấy tên tư lại thường hay sách nhiễu; vì cớ ấy cho nên người ta không dám đúc tiến. Xin từ nay về sau, hễ mua bán đồng, kẽm, thời quan định giá, để cho vật giá không đến nỗi cao hạ; đã đúc thành tiền, cho đem ra tiêu dùng. Như thế thời người ta giành nhau mà đúc, tiềng càng thêm nhiều". Ngài y cho, kiến lập thêm sở đúc tiền, sức cho dân biết rằng: ai có đồng, kẽm, phải nạp cho Nhà nước, sẽ theo quan giá trả tiền, cấm không được mua bán riêng.

Tháng 5, Đặng Trần Thường, Nguyễn Gia Cát có tội, bắt giam trong ngục. Vì lúc ấy Thanh, Nghệ, Bắc thành có dâng sự tích bách thần, trong số ấy có đem lầm Trịnh Tướng, Hoàng Ngũ Phúc cũng dự vào, Ngài giao xuống đình nghị rồi Thường và Cát đều phải án giam hậu.

Tháng 6, bàn làm Quốc triều thiệt lục, đòi Phạm Thích, Nguyễn Đàng, Trần Toản làm Biên tu sử; và hạ chiếu cầu những sự tích cũ. Lại ban chiếu cho các trấn từ Quảng Bình trở vào phải tìm kiếm việc cũ từ năm Quý Tỵ trở xuống, năm Nhâm Tuất trở lên; hễ có quan hệ việc nước mà đã biên chép thành sách rồi, cho đem tới quan Sở tại mà nạp; mấy người kỳ lão mà có ai nhớ việc cũ, thời quan sở tại phải mời đến mà hỏi, rồi biên chép cho kỹ, tâu lên ngự lãm. Ngài sẽ xét xem trong lời nói như có thể chép vào sử được, thời sẽ ban thưởng, nếu có việc gì phạm đến kỵ húy cũng không làm tội.

Bàn làm sách sử nhà Lê; chiếu cho các trấn Bắc thành rằng: "Ai mà thâu lục sự tích nhà Lê và Tây Sơn, thời đem sách dâng lên". Tự đó ai có sách cất trong nhà, đều đem ra dâng.

Định chương trình xét công các phủ, huyện. Ngài nghĩa rằng: phủ, huyện là chức thân dân, phải phân biệt kẻ hay người dở; hay thời tăng, dở thời giáng, để cho biết khuyên biết sợ. Bèn định lệ ba năm xét một lần, hai lần xét làm một khóa, kể từ năm Gia Long thứ 7 làm đầu; các thượng ty địa phương phải thông tính công việc phủ, huyện trong 3 năm, ai mà xử các án đều nhằm tình lý là bậc thượng khảo; ai mà trong 10 phần xử nhằm được 8, 9 phần cũng là bậc thượng khảo; trong 10 phần xử nhằm được 6, 7 phần là bậc trung khảo; còn ai xử đoán phải ít sai nhiều và tuy rằng phải nhiều mà có sai một cái án thất nhập (1) là bậc rốt; đều phải phân biệt tâu lên để chờ chỉ. Từ năm nay về sau, hễ đến cuối năm phải kê biên các án đã xử đoán rồi để đến hạng 3 năm sẽ xét công; chỉ có người nào chánh trị xuất sắc, thời cho đem lên tâu ngay, không kể niên khóa.

Tháng 7, Hiệp trấn trấn Nghệ An là Ngô Nhơn Tĩnh vào chầu. Tĩnh thường dâng sớ về Kinh tâu các việc ngoài dân, Ngài cho. Khi vào chầu, Nhơn Tĩnh tâu hết tình trạng điêu háo trấn Nghệ, lại xin hoãn thâu tiền lúa lưu khiếm từ năm Nhâm Thân trở lên; và sản thuế biệt nạp như là vải trắng, dầu, nếu chưa nạp đủ, thời xin cho nạp tiền. Ngài cho y. Nhơn Tĩnh đã ở Kinh hơn một tháng, rồi lại về tỉnh.

Tháng 8, Kinh sư bị lão (gió từ giờ Vị đến giờ Sửu), nước lên hơn ngày thường 8 thước, nhà cửa hư nhiều. Ngày truyền đội Tiểu sai hội đồng với quan dinh Quảng Đức, đi ra các huyện khám xét tình trạng tâu lên. Bao nhiêu thuyền chở thuyền buôn bị chìm, đều cấp tiền tuất. Các hạt Trị, Bình, Nam, Ngãi

(1) Thất nhập là tội nhẹ làm nặng. cũng có bị bão. Ngài sắc cho các dinh ấy như có thiếu thuế và binh đinh nào tử, đều cho hoãn trưng một năm; các việc tạp diêu, tạp tụng, thổ mộc mà không cần lắm, đều cho bãi hết.

Cửa Tư Dung lở (lở rộng đến 27 trượng 5 thước, sâu 7 thước).

Cho Quản đạo Kiên Giang Trương Phúc Giáo làm Trấn thủ Hà Tiên, Định Tường Ký lục Bùi Đức Mân làm hiệp trấn. Ngài nghĩ rằng: Hà Tiên là một chỗ quan yếu, hai người ấy biết rõ biên tình, cho nên Ngài bổ qua trấn ấy. Bọn Phúc Giáo đến trấn chánh sự khoan giản, không làm phiền nhiễu; chỉnh đốn trại quân, chiêu tập lưu dân, lập trường học, khạ3n ruộng hoang, sửa sang phố chợ, phân biệt người Nam, người Tàu, người Cao Man và người Đồ Bà, người nước nào thời ở chỗ nấy; thành một nơi đô hội lớn trong Nam Kỳ.

Tháng 9, ngày Bính Tuất, đức Hoàng thái hậu se. Trước khi ấy có sao chổi mọc, đức Hoàng thái hậu buồn, daỵ rằng: "Sao chổi mọc ra đó, nên ứng vào mình ta!". Đến bây giờ đức Thái hậu se, buổi mai buổi chiều Ngài thường hầu luôn. Ngày Kỷ Sửu đức Hoàng thái hậu băng, thọ 74 tuổi. Đình thần xin từ tam phẩm sắp lên đều phục một năm. Ngài cho phục 3 tháng; Công chúa hạ giá rồi thời để phục kém Hoàng nữ một bậc; Ngài phục trong 3 năm tại trong cung; lệ triều hội tháng ấy đều tha hết; Ngài chỉ ngự tiền điện xem việc quốc chánh.

Tháng 10, Bình Định, Phú Yên lụt to, trại lính và nhà cửa dân gian đều trôi mất hết, cũng có người chết đuối. Ngài sai vệ úy Tôn Thất Bình, tham tri Nguyễn Hữu Thân đi vào phát chẩn. Vào tới nơi thời quan trấn Bình Định là Vương Văn Học đã đem muối gạo phát chẩn rồi. Ngài khen lắm.

Truyền các địa phương phát chẩn không nên chờ báo, nhưng mất mùa và điền hòa tổn thương thời tâu trước.

Tháng 11, Ngài bàn dân tình và lại tệ với các quan. Dụ rằng: "thương trâu trước phải trừ loài hại trâu, thương dân trước phải trị kẻ hại dân". Sắc các địa phương đến khi thâu thuế, quan dinh quan trấn phải có một người ngồi thâu, để nghiêm cấm mấy tên coi kho không được lưu nan yêu sách; ai mà làm hại dân, thời giết không tha. Quan Bắc thành tâu rằng: "các chỗ quan, tân, thuộc về Cao Bằng, Thái Nguyên, đời đời nhà Lê đã định sở rồi. Từ khi Tây Sơn đặt thêm nhiều sở tại để thâu thuế cho nhiều, người buôn lấy làm khổ lắm". Ngài giao đình nghị, hễ Tây Sơn đặt thêm sở nào thời bớt hết. Từ đó người buôn mới khỏi cực.

Tháng 12, Võ Trinh dâng lên các thể lệ làm sử. Ngài cho Nguyễn VănThành sung chức Tổng tài, Phạm Như Đăng làm phó Tổng tài. Nguyễn Văn Thành dâng sách Võ bị chí và sách Tứ di loại chí, Ngài đều giao Thị thơ viện thâu cất.
Nước Vạn Tượng sai Sứ sang cống; nhơn đưa 30 tên lính đào về nước ta. Ngài hạ chiếu khen Vạn Tượng có lòng thành thiệt.

Năm Nhâm Thân thứ XI (1812), tháng giêng, thân định điều lệ cấm không được chở lậu và mua tư những đồ đồng, kẽm.

Cho Tham tri bộ Hộ Nguyễn Hữu Thận kiêm quản việc toà Khâm thiên giám; Thận tinh thiên văn và lịch học; lúc sang sứ Tàu, học được phép làm lịch lại càng thêm tinh. Ngài thườn bàn thiên văn với Thận, khen lắm.

Tháng 3, em Nặc Chân (vua Chân Lạp) là Nặc Nguyên đem lính Xiêm sang cướp thành La Bích, Nặc Chân bỏ thành chạy sang Nam Vang, dâng biểu xin viện binh, Ngài dụ rằng: "Anh em chúng mầy không hòa với nhau, để nỗi sanh điều lo lắng, ta đang nghĩ xử trí để làm cho yên Nhà nước nầy, mầy cũng phải tự cường để yên dân mầy, hễ nhơn tâm yên, thời mầy sẽ có ngày về nước".

Tháng 5, xuống chiếu năm sau là năm Quý Dậu sẽ mở khoa thi hương, cấp lương nhật trình cho học trò đi thi.

Tháng 6, mấy tên mật thám ở Gia Định đều nói Diến Điện đánh Xiêm, Xiêm phải rút binh về; Nguyễn Văn Nhơn tâu lên Ngài biết, Xiêm sai bọn Sạ Trật đem dâng đồ hương liệu và dâng thơ nói rằng: "Anh em Nặc Chân không hòa hiệp, nên phải sai trọng thần sang giữ, ấy là muốn cho anh em nó khỏi tranh nhau, chớ nước Xiêm tôi không có ý gì". Đòi Sứ Xiêm vào, Ngài quở rằng: "nước mầy vô cớ đem quân sang đóng đất Chân Lạp, làm cho Nặc Chân phải chạy; Chân Lạp đời đời thần phục nước ta, nếu có việc gì, ta cũng phải cứu. Mầy về nói với vua mầy rằng: Nặc Chân rồi cũng trở về, vua mầy chớ dối ta, mà cũng đừng làm lo cho Nặc Chân, thế mới phải nghĩa hậu nước láng giềng, thương nước nhỏ mọn".
Sai các dinh trấn, phải lựa trong các tổng người nào học giỏi mà tuổi hơn 50, cho làm chức Tổng giáo để dạy lớp sơ học. Bắc thành xin cử mấy người 40 tuổi, Ngài y cho.

Nguyễn Văn Thành tâu 4 điều phong sự: 10 xin lập Thái tử và phong tước cho các Hoàng tử để định nhơn tâm; 20 xin Ngài ngự lãm sách luật rồi khắc ban ra cho rõ phép nước; 30 xin lựa nho thần sung bổ Sử cuộc; 40 xin chế phục các nước phiên quốc để yên bờ cõi. Ngài đều khen phải.

Đòi Nguyễn Văn Nhơn về, cho Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định. Trương Tấn Bửu làm phó Tổng trấn. Duyệt vào chầu xin đi, Ngài ban dụ sang công việc trong Nam Kỳ. Duyệt đến Gia Định, rõ lập điều cấm, cho nên không có trộm cướp, dân được yên ổn. Duyệt và Ngô Nhơn Tĩnh, Trương Tấn Bửu dâng sớ tâu: "khi trước có việc biên phòng, nên phải mộ thêm hương binh, ấy là quyền tạm một lúc, không phải thành lệ. Nhưng nhơn tình nghi sợ, thường hay giấu giếm cho nhau, tập thành thói quen, xin phải trừ tệ ấy. Vả chăng, đội trời đạp đất, ai cũng dâng vua; trong thiên Châu Quang có nói rằng: mỗi hạng dân phải cho ở phân biệt; đều là trọng việc dân chánh. Xin truyền cho sở tại biết rằng mấy tên đinh đã đến tuổi, phải biên vào sổ, ai có tình nguyện bổ sung số quân các nha các cơ và các đội thuyền, thời quan Thượng ty các sở ấy phải cứu xét biên tên vào sổ cho khỏi ghi lậu và xét trá mạo cho dễ". Ngài cho là phải.
Tháng 9, tha lệ cống năm ấy cho nước Chân Lạp, chờ vua nước ấy về nước rồi sẽ theo lệ cống. Tháng 10, trời không mưa đã lâu, Ngài lo lắm, truyền cho hoãn trưng thuế thiếu một năm cho các địa phương; lại khiến hình nha xét những tù phạm, thân kẻ oan uổng và hạ chiếu cầu trực ngôn. Mới hạ chiếu ngày Đinh Vị, mà ngày Canh Tuất trời mưa.

Định lệ thanh tra các trấn. Ngài nghĩ tiền lúa thâu vào phát ra, thiệt là quan hệ quốc khóa lắm, để lâu ngày thời khó xét. Giao cho bộ Hộ chước định điều lệ, 3 năm một khóa, sai quan sát hạch. Bốn dinh thuộc về Trực Kỳ và Quảng Nghĩa, Thanh Hóa, Nghệ An, Thanh Bình thời cứ năm Thìn, năm Tuất, năm Sửu, năm Vị là khóa thanh tra; mà kể từ năm Giáp Tuất làm khóa đầu; bốn trấn Gia Định, Bình Thuận, Bình Hòa, Phú Yên, Bình Định thời cứ năm Dần, năm Thân, năm Tỵ, năm Hợi là khóa Thanh tra, mà kể từ năm Thân này làm khóa đầu; các trấn Bắc thành thời cứ năm Tý, năm Ngọ, năm Mão, năm Dậu là khóa Thanh tra, mà kể từ năm Quý Dậu làm khóa đầu.

Định điều lệ về các sở quan, tân ngoài Bắc thành và Thanh Nghệ .

Mới đúc thứ bạc đính nặng một lượng để phòng khi gặp số lẻ thâu vào phát ra cho tiện; ban cho thiên hạ tiêu dùng.

Định giá vàng ngoài Bắc thành; một lượng vàng giá 10 lượng bạc; vàng của dân đổi lấy vàng công, phải nạp một quan tiền đóng dấu.

Tháng 11, Ngài truyền rằng: "Từ nay về sau, phàm các quan dinh trong ngoài và thợ các sở, có việc về Kinh, hoặc đổi ban về, hoặc sai đi việc quan, thời bộ Công, bộ Binh phải cấp tiền thẻ "Yêu bài". Lại khiến từ dinh Quảng Đức trở vào Gia Định, trở ra Bắc thành, mỗi dinh trấn phải lập một sở "Dưỡng tế", nếu lính và thợ đi đàng có bệnh hoạn gì, xét trong mình nó có Yêu bài, thời cho vào sở Dưỡng tế thâu dưỡng, hễ tên nào chết, thời cấp tiền vải chôn cất".

Tháng 12, định điều lệ thôi khoa.

Năm Quý Dậu thứ XII (1813), tha thuế thiếu cho các trấn: Từ năm Gia Long thứ 7 trở lên, dân các trấn nạp thuế còn thiếu tiền, lúa hoặc thổ sản gì, nay đều tha cả. Nhưng ai có lấy của công hoặc mấy người giữ kho lấy của kho thời không tha.

Truyền các quan trấn thủ (1) phải đo cửa biển, chỗ nào sâu, cạn, rộng, hẹp, mỗi năm đến mùa xuân, mùa đông vẽ bản đồ dâng lên, bộ Công phải đem đồ bản ấy giao cho các đội lính thủy, để cho biết đàng thủy chỗ nào hiểm, chỗ nào không.
Tháng 2, làm đài Điện Hải và đồn An Hải ở cửa Đà Nẵng, giao cho Nguyễn Văn Thành coi việc

ấy, lưu 500 quân phòng giữ.

Định lệ thâu tạp thuế, giao bộ Hộ bàn định thi hành: một quan tiền nạp 6 đồng "khán tiền" (2), một lượng bạc nạp một đồng khán tiền, nếu thâu quá lệ sẽ theo luật trị tội.

Đổi tên cửa Nhuyến Hải làm cửa Thuận An, lập đài Trấn Hải (chỗ ấy bãi cát quanh co, cạn, hẹp, thuyền không đi được; từ khi đổi tên Thuận An đến bây giờ, ghe thuyền dễ đi, thật ích lợi cho muôn đời).

Cho tha hoặc giảm thuế ruộng năm nay.

Truyền chiếu cho Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt và Hiệp trấn Ngô Nhơn Tĩnh đem 13.000 lính thủy đưa Nặc Chân về nước Cao Man. Xiêm cũng sai bọn Phi Nhã, Ma Kha và A Mặc làm Sứ Xiêm đem quân đưa theo. Nặc Chân vào thành La Bích, Duyệt sai quan Cao Man là Cao La Hâm đem 500 quân phòng giữ, Duyệt truyền hiệu lệnh cấm quân cướp phá, bày oai tín vỗ dân làm ăn, Cao Man nhờ được yên ổn. Nguyên trước Nặc Chân chạy về với ta, Xiêm giận lắm, ý muốn lấy thành Bắc Tầm Bôn phong cho Nặc Nguyên; đến khi nghe Nặc Chân trở về, nước Xiêm bề ngoài thời giả dạng hòa hiếu, sai Sứ sang hội với quân ta đưa Nặc Chân về; mà bề trong thời sắp đặt việc quân, muốn thừa cơ đánh để thư cơn giận. Đến đây Duyệt đem quân đến, Xiêm không dám lộ mưa ra; nhưng quân Xiêm còn đóng ở Long Úc chưa về, muốn đưa Nặc Nguyên về mà cũng chưa được. Duyệt tâu rằng: "Xiêm muốn lấy Chân Lạp, phải lấy Nặc Nguyên làm mồi, ta muốn che đỡ Gia Định, phải cho Nặc Chân làm tôi; ta nạp Nặc Chân thời người Xiêm mất lợi nhiều lắm.Chưa chắc người Xiêm khỏi sanh mưu khác, cũng chưa chắc Phiên Vương (tức là Nặc Chân) khỏi có việc lo. Bây giờ quân ta ở đó lâu, thời quân mệt mà tốn của, rút quân về hết, thời Phiên vương đơn nhược, không có người phòng giữ. Vả lại thành La Bích nhỏ, thế không giữ được; xin đắp thành Nam Vang cho Phiên vương ở, đắp thành lô Yêm để trữ lương, hễ đắp thành xong rồi, sẽ lưu binh bảo hộ Chân Lạp, đại binh thời rút về Gia Định, để xem động tĩnh thế nào. Như vậy thời sẽ thuận nghịch rõ ràng, hình lao dật phân minh, muốn đánh thời đánh, muốn hòa thời hòa, thế là ta được chước hơn vậy". Ngài cho là phải, truyền ông Duyệt đem quân thủy giữ sông Xà Năng, đem quân bộ đóng các chỗ quan yếu, mà viết thơ trách vua Xiêm rằng: "Xiêm vương cũng muốn Nặc Chân, Nặc Nguyên (Nặc Chân là anh Nặc Nguyên) nguôi lòng thù oán, trọn nghĩa anh em; nay Chân đã về Chân Lạp, cớ sao Xiêm chưa rút quân về? Cứu tai nạn thương lân quốc, làm nhơn đức mà thỏa lòng người, ấy là đạo đời xưa đó. Nếu trước làm nhơn đức mà sau gây thù oán, kéo quân sang đóng Chân Lạp, chẳng là trái lẽ hay sao? Huống chi Nặc Nguyên phản anh mà giữ nước, tội không kể xiết; nước ta và vua Xiêm bỏ qua không làm tội, cũng nghĩ là Nặc Nguyên đương còn tính con trẻ, muốn cho đổi lỗi mà thôi. Bây giờ Nặc Chân đã biếu vua Xiêm khoan thứ là đức, Nặc Nguyên lẽ nào không nghĩ nước ta tha tội là ơn hay sao? Cớ sao đến nỗi u mê như thế! Thử nghĩ rằng thằng giặc mà thiên hạ ai cũng muốn giết, lại có nước nào dung cho nó trốn hay sao?". Xiêm tiếp được thơ rồi sai tướng Xiêm rút quân ở Bắc Tầm Bôn về, lại sai Nặc Nguyên viết thơ tạ Nặc Chân; nhưng mà Nguyên cũng chưa về Chân Lạp. Ngài nghĩ rằng: Phiên quốc mới yên, kho tàng thiếu thốn, cho Nặc Chân 3.500 lượng bạc, 5.000 quan tiền, 10.000 hộc lúa. Nặc Chân sai người đem biểu trần tạ.

Quân ta xây thành Nam Vang và thành Lô Yêm. Làm đài An Biên, trên đài có một cái nhà gọi là Nhu Viễn Đàng, để cho Phiên vương vọng bái.

Sửa nhà thờ Khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh (nhà thờ ở Nam Vang, xưa Hữu Cảnh làm Kinh lược Chân Lạp, đóng quân ở đó; khi mất rồi, người Chân Lạp lập đền thờ, gọi là đền thờ Lễ Công.

Tha thuế thân năm ấy cho Hương binh Gia Định đóng ở La Bích.

(1) Trấn thủ là chức quan giữ các cửa biển.

(2) Khán tiền là tiền phụ.

Chế cân thiên bình và cân trung bình: cân thiên bình để cân sắt, đồng, chì, thiếc; cân trung bình để cân vàng, bạc.

Tháng 6, giặc Thổ ở Nghệ An ăn cướp các huyện. Tổng trấn Hoàng Viết Toản đem quân đánh, lại viết thơ cho Vạn Tượng đón đàng phòng giữ, quan quân bắt được giặc nhiều lắm.

Tháng 7, mới mở khoa thi hương từ Quảng Bình trở vào Nam Kỳ.
Làm xong thành Nam Vang và thành Lô Yêm. Truyền sắc Lê Văn Duyệt đem quân về, giao Nguyễn Văn Thụy lãnh 1.000 quân giữ thành Nam Vang để bảo hộ Chân Lạp.

Tháng 8, Chân Lạp dân 88 voi, Ngài nghĩ nước Chân Lạp mới khôi phục, khiến quan Gia Định phát bạc kho trả cho Chân Lạp.

Tháng 9, tha tử tội cho Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát. Ngài xét sổ thu thẩm (1), nghĩ hai ông ấy có công, truyền tha tội, nhưng tước ngạch làm quan, mà phải ở Kinh.

Cho Trần Đàng làm Tham tri bộ Binh cùng với Nguyễn Văn Thụy lãnh chức bảo hộ Chân Lạp. Dụ rằng: "nước Chân Lạp mới định, nhơn dân chưa yên; ngươi nên thể đức ý Triều đình, chớ nên mưu lợi, chớ dung quân giặc, chớ hiếp nạt dân Mường, cũng chớ nhiễu hoại ngoài biên phương. Ngươi nên kính vâng mạng ta".

Tháng 10, Chân Lạp sai Sứ sang tạ. Đình thần bàn rằng: "triều phục Phiên vương nên theo triều phục bậc trên nhất phẩm". Bèn chế áo mảng bào sắc đỏ và mão đai, ban cho Phiên vương.

Khiến Gia Định nhắm đất Chân Lạp, làm 3 con đàng quan: một đàng từ sông Cam Bà đến khe Răng xứ Quang Hóa, một đàng từ thành Lô Yêm đến Chế Lăng, bắt dân Chân Lạp làm, mỗi 4.000 trượng làm một trạm, mỗi trạm đặt 50 tên lính trạm để chạy công văn.

Tháng 11, có một người học trò Bắc thành tâu rằng: "xứ Trấn Ninh và xứ Ninh Biên đất rộng quá, tiếp giáp nước Xiêm, nước Lạp, xin sai quan đại thần phòng giữ ở đó, để xem xét tình thế hai nước, nếu Xiêm và Chân Lạp có việc gì, thời mình hội với Diến Điện hai bề đánh lại, thế là dùng người Mọi mà đánh người Mọi". Ngài truyền dụ rằng: "Xiêm giao hiếu với ta đã lâu, còn Chân Lạp là Phiên thần nước ta không nên sanh sự". Bèn truyền chỉ ủy lạo người học trò ấy cho về.

Tháng 12, Ngài cùng Đình thần bàn việc bổng lệ quan văn, quan võ, châm chước theo sách Tấn thân lục nước Tàu mà làm. Dụ rằng: "Khi trước ta nghĩ bổng lộc chỉ có một thăng một đấu mà thôi, phụng sự cha mẹ, nuôi vợ con, cũng nhờ vào đó, nên ta đã không nỡ lòng đoạt bổng, ai có lỗi thời đánh đòn hoặc quở trách; làm vậy tuy có lòng lễ tất thần hạ, mà không phải lệ đãi thần hạ như thế. Vua Thái tổ nhà Tống không đánh người trước điện bệ, không khinh mắng bực công khanh. Nay nên theo từng bậc cấp bổng; hễ ai có tội cho cứ theo lệ phạt bổng; tình mà có lễ, phép mà có ơn, thế mới là phải".

Năm Giáp Tuất thứ XIII (1814), tháng giêng, Ngài lưu ý cho học, bảo quan Thị thần rằng: "nhà học hiệu là chỗ chức người anh tài, ta muốn theo phép xưa, lập trường học, dạy học trò, để sau dùng giúp việc Nhà nước".

Tháng 2, Hoàng hậu Tống Thị băng hà! Nguyên trước Hoàng tử thứ 4 mới 3 tuổi, Ngài khiến Hoàng hậu nuôi làm con, Bà đòi văn khế, Ngài sai Lê Văn Duyệt, viết một tờ giao cho Bà. Đến bây giờ gặp việc tang bà Hoàng hậu, Đình thần bàn cho Hoàng tôn Đán (con Đông cung Cảnh tức là Mỹ Đàng) chủ việc tế tự. Ngài dụ rằng: "Hoàng tử thứ 4 đã làm con Hoàng hậu, chủ tự là phải, không nên nệ lễ "đích tôn thừa trọng". Nguyễn Văn Thành nói: "Vậy thời trong văn tế khó xưng hô lắm". Ngài dạy rằng: "Con vâng mạng cha mà tế mẹ, danh chính ngôn thuận, việc gì mà không được". Lúc ấy bàn định mới xong. Thành có ý bất bình.
Tháng 3, từ Thanh, Nghệ ra Bắc có bệnh dịch. Truyền chỉ lập đàn tế.

(1) Hễ đến mùa thu, bộ Hình phải làm sách viết tên mấy người phải tội chế dâng lên, Ngài xét lại, tha hay làm tội tự quyền Ngài định.

Vì mưa nắng trái tiết, Ngài truyền chỉ giảm thuế ruộng năm nầy cho các trấn. Gia Định giá gạo cao, truyền chỉ sổ lúa năm nay đáng tải về Kinh, thời cho cứ để lại Gia Định, để cấp phát cho đủ.

Làm Thọ Lăng ở Thọ Sơn thuộc làng Định Môn, Ngài muốn theo cách hiệp lăng đời xưa, khiến Tống Phúc Lương, Phạm Như Đăng lãnh chứ Sơn Lăng sứ, sai đi xem các núi với Lê Duy Thanh; bói đến 7 lần, thời làm lăng tại Thọ Sơn tốt hơn; lại khiến Hoàng tử thứ 4 bói một lần nữa, bói được quẻ Dự, lời Chiêm rằng: "Đại cát hanh" nghĩa là rất tốt và rất hanh thông. Bèn bắt quân dân làm, gọi là lăng Thiên Thọ, phong núi ấy làm Thiên Sơn.

Tháng 4, đào sông An Cựu để chứa nước khi hạn, tháo nước khi lụt (tức là sông Lợi Nông, ở phía Nam sông Hương Giang, đến xã Thần Phù, giáp phá Hà Trung).
Lựa lính Gia Định, quan Tổng nghĩ tâu rằng: "Gia Định là nơi quan trọng xứ Nam Kỳ, tâu xin kén lính để phòng giữ bờ cõi. Ngài chuẩn cho theo sổ sách tuyển năm Quý Dậu, 8 đinh lấy một, chia làm 5 ban, một ban ở, 4 ban về nhà, hễ đến tháng 3 và tháng 11, phải tới trấn tập võ 1 tháng, rồi sẽ cho về. Dụ rằng: "Gia Định là nơi trung hưng, ngày xưa chỉ có một đám đất và một toán quân mà khôi phục đất cũ; nay đã đại định rồi, cũng muốn cho dân nghỉ. Nhưng ta nghĩ nhà nước tuy đã yên rồi, cũng không nên quên việc phòng giữ, huống chi Gia Định tiếp giáp biên phương, phải phòng bị mới khỏi lo. Nay chuẩn y theo lời Đình thần, kén lính thúc thành cơ đội. Chúng mầy sanh trưởng ở chỗ ấy, biết rõ thủy thổ, không việc thời chia phiên luyện tập, có việc thời hết sức chống giữ, dùng người xứ mầy mà giữ giữ đất mầy, không như lính giản các xứ thường phải đi xa đâu. Chúng mầy phải để ý ta, dân lo làm ăn, lính vui làm việc, chớ nên kinh sợ".

Tháng 5, bọn Nguyễn Văn Thụy lãnh chứa Bảo hộ Chân Lạp, việc gì cũng chuyên quyết mà làm, không hề bàn với Phiên vương, Phiên vương cũng chịu bó tay, nhơn tình nghi sợ. Ngài ban chiếu cho Thụy rằng: "phàm việc Chân Lạp giao cho Phiên vương với Phiên liêu xử đoán, không được hiếp chế; chỉ có chương sớ và công văn thời bọn Ngươi phải tường duyệt tham chước rồi sẽ phát đệ về, để cho hiệp sự thể mà thôi".

Tháng 6, bãi thuế đánh bạc cho xứ Long Xuyên, Kiên Giang và Trà Vang. Ngài nghĩ rằng: cờ bạc sanh ra trộm cướp, cho nên truyền bỏ thuế ấy; hễ ai mở sòng bạc sẽ có tội.

Xiêm sai Sứ sang dâng phẩm vật và tâu rằng: "Triều đình hậu đãi Chân Lạp, vua nước tôi cám ơn lắm. Nhưng Nặc Chân vốn là phiên phụ với nước tôi, nếu Chân không sang chầu nước tôi, thời nước tôi cũng không cho Nặc Nguyên về". Nguyễn Văn Thành biết ý trong thơ có hơi bất hòa, cật hỏi sứ Xiêm. Lê Văn Duyệt cũng có một cái mật thơ tin cho Nguyễn Đức Xuyên; Xuyên tâu lên, Ngài dụ rằng: "Xiêm La nếu có nói gì, không lấy làm điều, ta thường giao hiếu với Phật vương trước, tình nghĩa với cha mà lại đánh con, lân quốc coi mình ra gì; vả lại giặc mới vừa yên, ai cũng muốn nghỉ, ta không ưng làm nhọc tướng sĩ xông pha trong vòng tên đạn; được một nước Chân Lạp mà để cho lo cho đời sau, thời không làm, ngươi phải tỏ ý ta cho Duyệt biết". Sứ Xiêm ở lại hơn một tháng, tiếp đãi hậu lắm. Khi Sứ Xiêm về, Ngài tặng hảo Phật vương hơn 40 lượng vàng, 500 lượng bạc; cho vua thứ hai 20 lượng vàng, 100 lượng bạc.

Tháng 7, Ngài dụ bộ Lại rằng: "Muốn cho tôi trung, phải cầu trong những người con hiếu: Phủ huyện có tang cha mẹ chờ tâu chuẩn đến tuần nhật, mới được về nhà liệu tang, thời e có đau lòng hiếu lắm! Từ nay về sau, phủ huyện có tang cha mẹ, quan trên phải phái người quyền nhiếp ngay để cho về chịu tang, rồi sẽ tâu lên ta biết".

Ngài nghe lính giản Thanh, Nghệ, Bắc thành, dân sợ tại có cấp thêm ruộng lương và tiền diêm tương, lại ước niên hạn ở lính. Dụ rằng: "phụ thêm tiền để nuôi lính, lệ đã cấm rồi, ấy cũng là muốn bớt tốn cho dân; nay tình nguyện phụ cấp, không phải yêu sách đâu, nên theo lòng dân. Còn như tư ước cùng nhau mà thế tên nầy, đổi tên khác và lính có ý sách nhiễu dân, thời cứ như lệ cũ".

Tháng 8, định thêm điều lệ "thiết đạo". Ngài nghĩ trong luật thiết đạo, tính tang làm tội chưa có thể làm cho đứa gian phải sợ; giao Đình thần định thêm: phàm ăn trộm ba lần trở lên, mà lấy được của, thời không kể đã chạm chữ vào mặt hay chưa, cũng không cần tính tang nhiều ít, đều làm tội tích phỉ (1) ăn trộm ba lần, phải 60 trượng, đồ một năm; bốn năm lần trở lên, thời cứ tính mà làm tội nặng thêm; đến tám lần thời bị trượng 100, đày 3.000 dặm; tội chỉ đến trượng lưu mà thôi, nhưng đều phải chạm chữ vào mặt; như hai lần thích chữ mà phạm một lần nữa, thời phải tội "giảo giam hậu".

Tháng 11, giảm thuế cho các nguồn thuộc về Gia Định.

Ngài truyền chém tên Quản cơ Nguyễn Văn Khánh ngoài Bắc thành; vì phát giác rằng Khánh lấy tiền của lính. Dụ quan Bắc thành rằng: "binh là nanh vuốt nhà nước, tướng là đầu mục quân lính, ngày bình nhật mà có lòng yêu nhau, gặp khi có việc, mới có thể giúp nhau. Khánh tham lam quá phạm phải tội chết, không có lẽ tha được; Quản quân chúng mầy xem đó là gương; từ nay về sau, như có việc công tác, cho chi cấp tiền công, ai nhơn việc công mà góp riêng, thời theo phép quân trị tội, mà quan thượng ty cũng can liên".

Năm Ất Hợi thứ XIV (1815), tháng giêng, Bắc thành tâu: "Lâu nay ngạch thuế cửa ải, bến tàu phải nạp toàn bạc, mấy tên lãnh trưng không ưng đều xin giảm giá, tính ra thời giảm hơn 80.000 quan". Ngài dụ rằng: "Nhà nước không thiếu chi của, không nên so tính với dân". Truyền cho giảm giá.

Tháng 2, Ngài nghĩ các quan tùng vong (2) nhà Lê hết lòng trung nghĩa, truyền chỉ quan Bắc thành hỏi thăm và ban cấp tiền gạo cho gia quyến.

Truyền chỉ các phủ, huyện trữ tiền ân tuất mỗi nhà 50 quan, để cấp cho mấy người đi đàng mang bệnh mà chết.

Tháng 3, ninh thổ tử cung đức Hoàng hậu tại phía hữu huyền cung lăng Thiên Thọ.

Tháng 6, đúc bạc đính trung bình để thâu phát số lẻ cho tiện (mỗi đính nặng 5 đồng cân, hai mặt có dấu in, một mặt in 4 chữ: "Gia Long niên tạo", một mặt in 6 chữ: "Trung bình ngân phiếu ngũ tiền", mỗi đính giá 4 quan tiền).

Định lệ các cửa Hoàng thành tối đóng sớm mở, đều phát hai tiếng súng.
Tháng 8, ban Quốc triều luật lệ cho các trấn. Luật ấy tham chước phép cũ bổn triều, luật lệ đời Hồng Đức nhà Lê và điều lệ nước Tàu, cả thảy 22 quyển, từ nay xử kiện và làm án đều theo luật ấy.

Tháng 9, Chưởng hữu quân quận công Phạm Văn Nhơn mất. Ngài khiến Nguyễn Văn Thành trị việc tang; y theo lệ năm thứ 23 đời nhà Hồng Võ nhà Minh, đình triều 4 ngày (trước 3 ngày và 1 ngày chôn), cho 4.000 quan tiền, tặng Thái bảo, thụy Trung hiến. Công thần mất mà bãi triều từ đây là lần đầu (Văn Nhơn người huyện Tống Sơn, năm Minh Mạng thứ 5 cho tùng tự Thái miếu, phong Tiên Hưng quận công).

Tháng 10, Ngài dụ các quan rằng: "Việc hình ngục quan hệ tính mạng dân; nên Kinh Thơ có nói: thẩm năm lần để xét tình lý; Nguyệt Lệnh có nói: phúc ba lần để cho công bằng. Từ nay có trọng án, bộ Hình trước hết xét đoán, đình thần sẽ hội đồng duyệt nghị, văn từ Tham tri lên đến Thượng thơ, võ từ Phó thống chế lên đến Chưởng quân, cứ thứ tự mà bàn trước, dẫu bàn giống nhau hay là khác nhau thể nào đều phải tâu lên, chờ ta đoán định. Việc gì ta giao đình nghị và dân tâu đơn giao xuống, cũng đều theo như cách ấy". Lại dụ bộ Hình rằng: "Trong khi xử án, ta và nhơn có giận việc gì xử đoán nặng, các người phải cứ phép nói thẳng, nếu không nói thời các ngươi cũng có lỗi".

Tháng 11, cho Thái bảo quận công Nguyễn Văn Trương liệt tự trong miếu Trung hưng công thần.

Ngài bảo Tham tri Nguyễn Hữu Thận rằng: "khảo xét công trạng các huyện lệnh rất khó, thôi

khoa thiếu thuế, tội nên phân xử thế nào?". Thận tâu rằng: "ngạch thuế trong hạt, xin chia làm 10 thành, thiếu một thành trở lên, theo phép trị tội; như thiếu không đầy một thành thời xin tha". Ngài cho là phải.

(1) Tích phỉ là làm giặc nhiều lần.

(2) Tùng vong là theo vua qua nước khác.

Tháng 12, sửa cống nước huyện Nam Xương. Huyện ấy có 7 tổng, bốn mặt đều giáp sông; quan Tổng trấn tâu rằng: "Trong 7 tổng ấy ruộng mùa thu một nữa, ruộng mùa hạ một nữa, đàng đê giữ được nước ngoài, mùa hạ tiện mà mùa thu không tiện; chi bằng làm cống thời chứa nước tháo nước đều tiện lợi cả hai mùa; vậy xin cho phép sửa cống nước". Ngài y cho; và truyền phát 6.000 quan tiền kho làm việc ấy.

Năm Bính Tý thứ XV (1816), tháng giêng, Bắc thành không mưa đã lâu, Ngài lo lắm, truyền chỉ bao nhiêu thuế thời tha cho, và hoãn việc bắt lính, việc tạp tụng.

Đắp đồn Châu Đốc. Ngài nghĩ rằng: Châu Đốc là trọng trấn cõi Nam, phải đắp mà phòng giữ. Dụ Phiên Vương Nặc Chân rằng: "Nước mầy giữ gìn phiên phong, một lòng kính thuận, triều đình đã hết lòng chiếu cố; bây giờ có việc xây thành, không phải làm phiền dân đâu, ấy là có muốn giữ trấn Hà Tiên để làm nơi tiếp ứng cho thành Nam Vang của mầy đó". Lại truyền chỉ quan Tổng trấn phải sai người biên công trình cho rõ, 10 ngày tâu một lần. Dụ rằng: "Bất đắc sĩ phải đắp lũy xây thành, mà một lần công tác động đến binh dân; chúng ngươi nên hết lòng sửa sang, chớ nên quá hạn đến nỗi làm hại việc nông".

Tháng 12, từ Quảng Trị đến Bình Hòa giá gạo cao lắm. Ngài truyền các địa phương cho dân mượn lúa, nhưng phải xét mỗi tên chủ ngạch thuế phải nạp lúa bao nhiêu, thời cho mượn một nữa. Tỉnh Quảng Trị tâu: "Triều đình cứu dân trong lúc đói khát, thế là rất may. Nhưng cho mượn mà còn tính số thuế ruộng làm hạn, thời người có ruộng được mượn mà người không ruộng chưa được nhờ ơn triều đình". Ngài ban rằng: "Dân có người giàu, người nghèo không đều nhau, có lẽ nào làm đều cho được; nhưng cho mượn nhiều thời giá gạo rẻ, người không ruộng cũng được nhờ".

Tháng 3, thiết triều trong điện Cần Chánh, cho các quan ngồi, đòi Thượng thư bộ Lại Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự viết chữ "lập ông Hoàng tử thứ tư làm Hoàng thái tử", truyền cho các quan biết. Ngài dụ rằng: "Cha truyền con nối, là đạo xưa nay; từ đời nhà Hán, đời Đàng trở xuống, không mấy đời mà không theo như vậy. Hoặc có người nói "đích tôn thừa trọng", ta thiệt không hiểu là nghĩa gì; chỉ có vua Thái tổ đời Minh nghe lắm lời nói Lưu Tam Ngô, bỏ con là Yên Vương mà lập đích tôn là Doãn Mân đến nỗi gây việc họa loạn. Vả lại biết con có ai bằng cha, nếu Minh thái tổ quả cho Yên Vương là người hiền, thời đương lúc triều hội đại định, phát lời minh dụ, cho làm Thái tử, tự mình nói ra, ai lại không làm theo; làm như vậy, thời loạn từ đâu mà sanh được". Các quan ai cũng vui lòng kính phục.

Ban chiếu hoặc tha hoặc giảm thuế thân và thuế ruộng các trấn từ Quảng Bình trở vào phía Nam. Chiếu rằng: "Mấy năm nay dân làm việc khó nhọc, lại gặp mất mùa, ta rất thương lắm, nên khoan miễn cho dân. Kể từ năm Gia Long Nhâm Tuất trở lên, từ Quảng Bình đến Gia Định, còn thiếu tiền, thiếu lúa, thiếu thuế sản bao nhiêu; và năm Quý Dậu, năm Giáp Tuất còn thiếu thuế chánh cung bao nhiêu, đều tha cả; Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Hòa thời thuế thân và thuế điền năm nay trong 10 phần giảm 5 phần; Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận trong 10 phần giảm 2 phần, thuế thân thời 10 phần giảm 4 phần".

Bọn Bùi Đức Mân, Nguyễn Kim Đôi ở Xiêm về. Vì cớ Nặc Nguyên ở thành Phủ Lật, ngày trước Xiêm giận Nặc Chân lắm; vua thứ hai nói với Phật vương rằng: "Nặc Chân ỷ có Nam triều mà khi dễ mình, nếu mình đánh Nặc Chân thời Nam triều phải cứu, nhơn đó đánh cả hai bên, có lẽ thư được lòng mình tức giận". Phật vương không chịu, nói rằng: "Tự mình gây ra hiềm thù, thế là không phải hạnh phước; nếu ngươi muốn làm việc ấy, ta xin nhường nước cho ngươi". Vua thứ hai liền thôi. Cách vài tháng, người Xiêm kinh sợ tưởng rằng quân ta sẽ tới đánh; Phật vương sợ lắm, khiến làm thuyền chiến và sửa đồn ải để phòng giữ, lại nghi mấy người An Nam sang buôn bán bên Xiêm có ý thăm dò tình hình đều bắt giam hết. Khi Đức Mân đến, Phật vương hỏi rằng: "Việc binh ở thành Phủ Lật, Nguyễn Văn Thụy có biết không?. Mân nói rằng: "Không" - Phật vương lặng thinh. Phật vương lại hỏi: Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt ở đâu? (Thành, Duyệt là tướng giỏi, Duyệt làm Tổng trấn Gia Định, ai cũng nghe tiếng, người Xiêm sợ lắm, hễ Sứ qua ta, thời nó cứ hỏi thăm ông Duyệt). Đức Mân nói công việc Thành, Duyệt với Phật vương; Phật vương tiếp đãi hậu lắm; lại tha mấy người bị giam. Đến đây Đức Mân về tâu, Ngài không muốn sanh sự, khiến Nặc Chân thông sứ với Xiêm. Dụ rằng: "Nước mầy thần phục nước Xiêm đã lâu, bây giờ tuy chưa giao hiếu, cũng nên sai Sứ sang như lúc trước, không nên trước hậu mà sau bạc". Khi ấy Chân Lạp mới giao thông với Xiêm.

Tháng 4, thâu ấn Chưởng trung quân của Nguyễn Văn Thành, giam con Thành là Nguyễn Văn Thuyên vào ngục. Nguyên có người tỉnh Thanh là Nguyễn Trương Hiệu làm gia khách Nguyễn Văn Thuyên, Thuyên có làm một bài thơ giao cho Hiệu đem ra Thanh mời bọn Nguyễn Đức Khuê, thờ rằng: Văn đạo Ái Châu đa toán kiết, hư hoài trắc tịch dục cầu ty; Vô tâm cửa bảo Kinh sơn phác, thiện tướng phương tri Ký bắc kỳ; U cốc hữu hương thiên lý viễn, Cao cương minh phụng cửu cao tri; Thử hồi nhược đắc sơn trung tể, tá ngả kinh luân chuyển hóa ky. Nghĩa là: "Đồn rằng Châu Ái lắm anh tài, trống chiếu, lòng riêng những đợi hoài; Ngọc phát non Kinh nào giấu mãi, Ngựa kỳ nội ký mấy người hay; Lan sang hang thẳm hương ngàn dặm, Phụng đậu gò cao tiếng khắp nơi; trong núi có ai là Tể tướng, ra tay giúp đỡ chuyển cơ trời". Hiệu đem thơ nói với Lê Văn Duyệt, Duyệt cho lời thơ có ý bội nghịch, cùng với Phạm Đăng Hưng tâu lên Ngài biết. Ngài khiến bắt Thuyên bỏ ngục; các quan xin làm tội Thành, Ngài truyền: "Thành vốn có tội, nhưng phải tồn thể diện cho Đại thần mới phải", khiến thâu ấn, cho về nhà.

Tháng 5, đúc ấn bạc cho Hoàng thái tử, khắc 4 chữ: "Đông triều thị tín".
Định thứ tự bài ban khi làm lễ triều hạ.

Ngài bàn việc chánh trị với các quan, nhơn nói đến chuyện dân gian hay sùng phụng dâm từ. Thống chế Hoàng Công Lý tâu rằng: "dân trong Kinh thành cũng hay tin chuộng đạo ngoài, thường thổi còi và đánh thanh la; xin thần định luật điều nghiêm cấm". Ngài cho là phải.

Mọi Đá Vách ở Quảng Nghĩa lại nhiễu hại ngoài biên, Trấn thủ Phan Tấn Hoàng đánh bị thua. Ngài nghe tin, khiến Lê Văn Duyệt đem quân tới đánh; Phó đô thống Nguyễn Văn Trí, Vệ úy Phan Văn Tuyên, Nguyễn Văn Trượng đều theo đạo quân ông Duyệt. Duyệt đến thời các mọi hay chạy trốn cả. Ngài truyền chỉ lưu bọn Văn Trí, Văn Trượng ở lại phòng giữ, đòi Duyệt về.

Tha thuế mùa đông từ Nghệ An ra Bắc. Khi ấy mùa xuân ít mưa, lúa mất; truyền chỉ cho thuế mùa đông thời trấn Nghệ, trấn Thanh 10 phần giảm 5, Thanh Bình 10 phần giảm 4, Bắc thành 10 phần giảm 3.

Tháng 7, ban áo mũ thường triều cho các quan nước Chân Lạp. Khi trước quan nước Lạp thấy triều phục cho vua nó, nó đều lấy làm tốt lắm, muốn theo y phục nước ta; đình thần bàn: "Phẩm phục quan nước Lạp từ thập phẩm đến thất phẩm theo như phẩm phục quan tam phẩm nước ta trở xuống; còn từ lục phẩm trở xuống thời không được ban phẩm phục" (Cao Man lấy thập phẩm làm bậc nhất, cửa phẩm làm bậc nhì,v.v...). Ngài khiến chế 23 bộ áo mũ thập phẩm và cửa phẩm, ban cho 23 người; lại cho 4 bộ áo mũ bát phẩm, thất phẩm để làm thức. Vua Chân Lạp lạy tạ ở nhà Nhu Viễn. Từ đó y phục, khí tụng Cao Man theo cách nước ta phần nhiều, đồ mọi biến đổi lần lần.

Cho các quan phủ, huyện, ở Kinh bổ ra, được bắt trạm và lãnh tiền lộ phí: Tri phủ 15 quan, Tri huyện 10 quan.

Phạm Đăng Hưng xin đặt xã thương (1) để chẩn cấp trong khi mất mùa. Ngài truyền rằng: "Ta đã nghĩ rồi, cách làm xã thương thiệt khó lắm; nếu chủ thủ không đáng người, e lại làm hại dân, chi bằng đánh thuế chánh cung cho phải, trữ tiền lúa cho nhiều, gặp năm mất mùa thời phát chẩn, hay là cho mượn, thế cũng là một chước hay". Ngài lại thường truyền Đăng Hưng rằng: "ngày xưa chia ruộng, lập sản nghiệp cho dân, làm như thế cũng phải; nhưng mấy đứa du thủ du thực, tuy có ruộng cũng không chăm làm, rồi cũng bán cho người khác; bây giờ muốn ức chế nhà giàu, lấy ruộng mà quân phân cho dân, chẳng qua là làm nhiễu dân mà thôi; ta đã nghĩ kỹ, việc ấy thế không làm được.

Tháng 9, cấm các thuyền buôn không được chở lúa, gạo bán cho các nước ngoài, ai phạm cấm lệ thời chiếu theo luật "lén đi sang nước khác" và luật "trái phép mà xuống tàu" để trị tội, của trong thuyền thời nạp vào kho, quan sở tại biết mà tha đi thời tội cũng đồng như thế.

Quan Bảo hộ Chân Lạp là Nguyễn Văn Thụy xin từ chức. Ngài cho Chưởng cơ Lưu Phúc Tường sang thế. Ngài nghĩ rằng việc bảo hộ là một chức trọng ở ngoài bờ cõi, cho Tường làm thống chế và cấp ấn "bảo hộ" bằng đồng cho trọng quyền.

(1) Mỗi xã làm một cái nhà trữ lúa gọi là xã thương.

Phát tiền Gia Long thông bửu.

Tháng 10, Chân Lạp dâng biểu xin cứ mỗi năm sai Sứ sang chầu. Ngài truyền các quan rằng: "Ta coi thiên hạ như một nhà, đâu cũng thương cả, trong ngoài như một; nay Chân Lạp có lòng hướng mộ, nên y theo lời nó xin; nhưng hành lý qua lại đón rước rất phiền, ta không muốn làm nhọc dân. Gia Định mỗi năm lệ có thuyền tải về Kinh, nhơn đó mà hộ tống Sứ Chân Lạp cho luôn; vậy thời trong không làm nhọc dân mình, ngoài khỏi mất lòng người nước xa. Nay nên truyền cho Lai sứ biết rằng: mỗi năm phải theo truyền tải Gia Định mà về Kinh". Chân Lạp mỗi năm sai Sứ sang chầu một lần, từ đó là đầu (phẩm vật sang dâng là: 2 cái sừng tê, 1 cặp ngà voi, 10 bình sơn đen, đậu khấu, sa nhơn, sáp vàng, cánh kiến, và trần hoàng mỗi thứ 50 cân).

Ngài nghe quân dân trong Gia Định thường hay chiếm đất ruộng của người Cao Man và người Cao Man cũng vào trong các nha làm đầy tớ. Ban chiếu cho quan Tổng trấn Gia Định rằng: "Cao Man đời nào cũng thần phục nước ta, một tấc đất, một tên dân đều nhờ ơn Triều đình; nay dân mình chiếm lấy ru6ọng Cao Man bao nhiêu, các nha làm việc chứa người Cao Man bao nhiêu, đều phải trả lại cho nước nó cả".

Gạo ở Quảng Đức, Quảng Nam mắt quá, Ngài truyền phát 40.000 hộc lúa kho bớt giá bán cho dân, giá bạc ngoài dân hạ hơn giá bạc nhà nước, nếu dân đem bạc mua lúa kho cũng cho tính theo bạc quan giá. Ngài truyền quan lưu thủ Quảng Đức là Nguyễn Huy rằng: "Dân gian kém ăn, ta rất thương lắm, thà là bớt của nhà nước để thêm cho dân; mầy nên thể lòng ta, cho dân được nhờ, đừng cho mấy tên hào cường nhơn việc ấy mà chuyên làm lợi riêng chúng nó".

Ngài truyền các quan rằng: "Lúc nhà nước mới khai sáng, các việc mới sắp đặt, cho nên pháp luật chưa được kỹ càng. Lệ định: ai phải tội giết người thời tịch ký gia sản và nạp 30 quan tiền mai táng, cấp cho người bà con, chẳng qua quyên tạm một buổi để các nha tra án làm việc cho dễ mà thôi. Nay luật lệ đã định: hễ giết người thời phải tội, không có lệ nạp tiền mai táng và tịch ký gia tài; nhưng lỡ lầm mà đến nỗi giết người, thời cho nạp bạc chuộc tội; như vậy tuy là nhạ nặng khác nhau, nhưng cũng có điều lý. Mấy lâu nay quan hữu ty chỉ theo luật lệ cũ, trái luật lệ mới, từ rày các nha tra án phải theo luật mới mà làm".

Đặng Trần Thường có tội bị giết. Thường được tha ở Kinh, nguyên vì khi trước Thường làm quan ở Bắc thành có giấu thuế đầm ao và thuế đinh điền, Lê Chất phát giác việc ấy, lại bị bắt giam trong ngục; Thường uống rượu nói càn, có ý hờn giận. Đình thần xét án, ai cũng nói rằng: tội Thường nên giết. Liền xử tội giảo (1), tịch biên gia tài.

Tháng 11, có người phát giác rằng: Diên tự công Lê Duy Hoán mưu làm phản, bắt giam trong ngục.

Cho Trịnh Hoài Đức làm hiệp trấn Gia Định, sai Lê Đăng Dinh sang thành Nam Vang theo quan Bảo hộ Lưu Phúc Tường coi việc giấy mực.

Định lại điều lệ thanh tra. Lúc trước quan Khâm sai thanh tra thường hay sách nhiễu về việc cung đốn, Ngài biết rõ các tệ ấy; từ khi Lê Viết Nghĩa bị tội, Ngài truyền bộ Hộ phải tùy theo đàng sá xa hay gần, công việc nhiều hay là ít, định làm trình hạn, gia cấp nguyệt bổng.

Nghệ An đói, giảm thuế năm ấy, lại phát 30.000 hộc lúa kho, giảm giá cho dân mua.

Tháng 12, Trấn thủ Hải Dương Trần Công Hiến mất. Công Hiến ở trấn thường cùng với Đốc học Nguyễn Thế Trung và học trò trong hạt thâu góp các sách sử và thi văn các các nhà văn học xưa, khắc thành bản in, gọi là "Hải học đàng".

Ngài xem địa đồ xứ Châu Đốc, truyền các quan thị rằng: "Xứ nầy nếu mở đàng lũy thông với Hà Tiên, thời nông thương đều lợi cả; ngày sau dân ở càng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to". Ngài lại nghĩ rằng dân Cao Man mới theo, nếu bây giờ bắt làm việc quan khó nhọc, e chúng nó kinh sợ không yên. Rồi nhơn vì có Nguyễn Văn Nhơn tâu can, Ngài liền bãi đào sông trong xứ Châu Đốc.
(1) Giảo là thắt cổ.

Năm Đinh Vị thứ XVI (1817), tháng giêng, vua Chân Lạp là Nặc Chân xin đi tuần trong nước, để thám xét dân tình, Bảo hộ Lưu Phúc Trương tâu lên, Ngài dụ rằng: "Đi tuần trong nước mà xem xét phong tục; cũng là việc cần, y theo lời vua Chân Lạp xin, nhưng khi đi phải có quân hộ vệ cho đông, phòng có việc gì bất trắc".

Cấm dân ta không được lãnh mua các chỗ thủy lợi (1) của Chân Lạp.
Ngài nghĩ rằng: xứ Châu Đốc đất tốt, mà người ít, có nghe quan An phủ Chân Lạp là Diệp Hội (người Tàu làm quan bên Chân Lạp) là người mẫn cán, xử việc gì dân cũng bằng lòng; liền cho Diệp Hội làm Cai phủ Châu Đốc, khiến chiêu tập người ta, người Thổ, người Tàu vào đó cho đông, hễ có biết nghề trồng cây, nuôi các thứ súc vật, buôn bán hay làm nghề gốm, cho tùy nghề nghiệp mà làm; người nào thiếu vốn thời Nhà nước cho vay. Lại truyền dụ quan Tổng trấn Gia Định rằng: "dân mới phủ tập, nên dạy làm các việc lợi ích, khiến dân đều an cư lập nghiệp; chờ các việc thành rồi sẽ tâu lên".

Quảng Nam có hoàng trùng; Quảng Trị, Quảng Bình và Nghệ An thời giá gạo mắc quá. Truyền chỉ khiến quan trấn phát lúa kho, thân hành phát chẩn cho dân.
Cho Quảng Bình Ký lục Hồ Công Thuận làm Cần Chánh điện học sĩ sung Chánh sứ, Lạng Sơn Tham hiệp Nguyễn Huy Trinh làm Giáp phó sứ, Hàn Lâm viện Phạm Huy Trực làm Ất phó sứ sai qua đi sứ nước Tàu.

Tháng 3, truyền các địa phương đày các tên tù phạm tội bị lưu vào trong Bình Hòa, Tham Độc (2). Ngài bảo bộ Hình rằng: "Đất xứ ấy tốt lắm, lúc xưa vẫn có dân ở, cày ruộng làm ăn; sau khi binh hỏa rồi, dân vật điêu hao, chỗ ấy thành ra đất hoang; bây giờ đem người vô ở đó, cũng là một cách nuôi dân". Lại truyền chỉ quan trấn rằng: "Hễ tù phạm đã tháp vào đó, thời phải mở gông, mở xiền cho chúng nó, cấp trâu bò và đồ làm ruộng, để chúng nó khai khẩn ruộng đất làm lấy mà ăn; nếu có tên nào bỏ trốn, thời tha tội cho người coi tù".

Người xã Thôi Ngôi thuộc trấn Sơn Nam hạ giác ruộng tâu xin trưng. Xét ra thời ruộng ấy đã có người cày rồi mà xã trưởng thâu thuế không nạp. Ngài bảo bộ Hộ rằng: "ruộng ấy không nên xử theo lệ; "ai trưng trước thời được lãnh ruộng"". Liền truyền sắc giao ruộng lại cho chủ, nhưng phải truy thâu thuế

3 năm trước; xã trưởng bị trượng 100, lại cứ mỗi mẫu bắt chủ ruộng và xã trưởng phải nạp 3 quan tiền để thưởng cho người cáo giác. Nhưng truyền cho các trấn, dinh biết rằng: từ rày mà có án lậu điền, đều chiếu theo lệ ấy mà làm.

Tháng 4, Ngài bảo các quan rằng: "Đất trong Gia Định rất tốt, Liệt thánh mở mang bờ cõi, chưa được một trăm năm, mà lính mạnh của giàu; ta đem lính đánh Tây Sơn, một trăm người địch được một vạn người; vài trăm năm nữa càng giàu mạnh thêm, cũng chưa biết chừng". Lại bảo rằng: "Địa thế Châu Đốc, Hà Tiên cũng không kém Bắc thành".

Khiến lục dụng con cháu các công thần mà ngày trước theo Ngài qua Vọng Các. Nguyên Văn Trương, Hà Hĩ Văn đều có công lớn, cũng cho dự vào hàng Vọng Các công thần.

Các địa phương ít mưa mất mùa; truyền chỉ giảm bớt thuế mùa hạ năm ấy.
Tháng 5, Nguyễn Văn Thành tử tử. Lúc ấy giam Thành và mấy người con ở trong trại quân Thị trung; đình thần tra án rồi, Thành ra nói với Thị trung Thống chế là Hoàng Công Lý rằng: "Án xong rồi, vua khiến tôi phải chết, nếu không chết thời không phải là tôi trung". Liền uống thuốc chết ở trại quân. Có người đem bài biểu trần tình lên Ngài xem; Ngài khóc rất thương, khiến một chánh đội Trung quân và

30 tên lính coi việc tang, ban 500 quan tiền, cho lại áo mão (3); lại ban thêm 3 cây gấm, 10 cây vải, 40 cây lụa; mấy người con bị giam đều được tha cả.

Lê Duy Hoán, Nguyễn Văn Thuyên có tội phải giết.

(1) Thủy lợi là các chỗ đánh cá kiếm lợi.

(2) Tam Độc là Ba Ngòi, thuộc về tỉnh Khánh Hòa.

(3) Khi trước ông Thành can án, Triều đình thâu áo mão, nên bây giờ cho lại.

Nước sông Ngưu Chữ ( ở Gia Định) đương đục trở nên trong. Khi trước khôi phục Gia Định rồi, nước sông ấy đã trong một lần, đến bây giờ mới lập Thái tử, nước sông lại trong, người ta cho là điềm thánh.

Tháng 6, vua Chân Lạp là Nặc Chân viết thơ cho quan Tổng trấn Gia Định, xin qua Gia Định hỏi việc chánh. Quan Tổng trấn phúc thơ rằng: "Chánh sự Phiên quốc, nên thương bàn với quan Bảo hộ, huống chi biến trong nước mới yên, lòng dân mới phục, chưa nên đi xa". Quan Tổng trấn đem việc ấy tâu lên, Ngài ban chiếu rằng: "Phiên vương muốn qua Gia Định hỏi việc chánh, mầy lại lấy điều thần dân hệ thuộc mà cản trở không cho đi, lý thời phải đó. Nhưng Phiên vương xưa nay làm việc cô tức, nên nhơn lúc nó qua mà chấn tác dạy biểu cho nó, khiến nó biết siêng lo việc chánh, thời phải hơn. Nay mầy phải phúc thơ cho nó qua Gia Định. Nếu Phiên vương đến thành Gia Định, mầy nên đem mấy điều ích lợi về việc đào sông Châu Đốc, hiểu dụ cho nó, khiến nó phải trù nghĩ trước; hễ tiếp được chiếu văn, thời bắt quân dân đào ngay cho mau thành".

Khiến Hữu Tham tri bộ Công Nguyễn Đức Huyên, Tả Tham tri Đoàn Viết Nguyên làm sách Duyên Hải lục, Nam đến Hà Tiên, Bắc đến Yên Quảng, các cửa biển sâu hay là cạn, đàng sá xa hay là gần, đều chép vào sách (bộ sách ấy có 2 quyển; chép cả thảy 4 dinh, 15 trấn, 143 cửa biển, dài 5.902 dặm, mỗi dặm 540 trượng).

Thuyền sứ Xiêm sang Tàu, thuyền tấp vào cửa Đà Nẵng (Tourane), rồi lại bị lửa cháy hết. Ngài nghe việc ấy, truyền rằng; "thuyền sứ bị cháy, cũng như thuyền buôn bị nạn". Khiến quan dinh Quảng Nam cấp 200 phương gạo.

Chân Lạp sai Sứ sang chầu. Ngài truyền dụ rằng: "Ta sẽ đào sông Châu Đốc thông với Hà Tiên, tuy là lợi cho nước mầy, nhưng cũng lợi chung cho mấy người đi cày và mấy người đi buôn nữa. Về nói vua mầy phải hiểu ý ấy mới được".

Định phẩm cấp tập ấm cho con cháu mấy ông Vọng Các công thần có bảy bậc.
Bộ Hộ tâu rằng: năm Gia Long thứ chính định lệ rằng: ; hễ có phát giác việc lậu đất ruộng, tuy rằng lậu đã lâu năm mà truy thâu ngạch thuế cũng lấy 3 năm làm hạn. Trong luật "trốn thuế lậu ruộng" lại nói rằng: cứ tính năm mà truy nạp. So luật với lệ thời không giống nhau". Ngài nói: "luật như vậy thời nặng quá, nên theo lệ mà làm".

Tháng 8, Chân Lạp đói, xin sang Gia Định đong lúa. Ngài cho đến các xứ Long Hồ, Sa Đếch đong 10.000 hộc lúa.

Cho Tả quân phó tướng, Nguyễn Văn Xuân quyền lãnh việc Bảo hộ Chân Lạp, vì Lưu Phúc tường sách nhiễu, bắt về Gia Định trị tội.

Đặt thêm điều lệ lậu đinh và khai gian dân đinh đào tử, xã trưởng ẩn lậu khai gian và xã dân hoặc biết rõ đều lỗi xã trưởng, hoặc đồng mưu với xã trưởng, đều hạn trong một tháng phải thú giác, trái phép thời theo luật trị tội.

Tháng 9, cho Lễ bộ Thiêm sự Ngô Văn Duyệt làm Chánh sứ, Hàn lâm Trương Quagn Khải làm Phó sứ qua sứ nước Xiêm. Vì Xiêm có tang vua thứ hai, sai Long An Nổ, Lạc Phu Thích tới báo tang, nên ta sai sứ qua điếu và tặng hảo (tặng cho Phật vương 300 cây lụa trắng, thao trắng và 300 cây vải trắng; điếu vua thứ hai 300 cân sáp vàng, 100 cây vải trắng, 300 cân đường phổi và đường phèn, 2.000 cân đường cát). Đến khi Sứ ta về, Xiêm đưa thơ, trần tạ và đem các đồ phẩm vật.

Tháng 10, Ngài nghĩ huyện Quỳnh Lưu, huyện Đông Thành thuộc về Nghệ An rừng rậm liên tiếp nhau, giặc thường ra vào chỗ ấy, truyền quan trấn lập đồn Hoàng Mai, đồn Khe Nước Lạnh để mà phòng giữ.

Tháng 11, đào sông Tam Khê. Sông ấy cách trấn Vĩnh Thanh đến 214 dặm (từ phía Tây 4 dặm rưỡi chảy qua sông Tam Kỳ, rồi hiệp với sông Cần Đăng; phía Tây Nam 59 dặm chảy qua sông Lạc Dục; từ phía ấy qua phía Nam 57 dặm rưỡi đến khe Song). Ngài nghĩ chỗ ấy gần Chân Lạp, địa thế rậm rạp lắm, đàng thủy đi qua Kiên Giang thời bùn và cỏ, thuyền không đi được, Ngài khiến trấn thủ Nguyễn Văn Thụy sửa sang đàng sông, bắt dân mình và dân Cao Man 1.500 người phát tiền gạo cho, khiến nhơn đàng cũ mà đào cho rộng, hơn một tháng mới xong (rộng 10 trượng, sâu 18 trượng), lợi ích cho dân lắm. Ngài khen công ông Thụy, đặt tên sông là Thụy Hà; phía đông có núi Lạp cũng gọi là Thụy Sơn; cấm dâng không được chặt cây.

Từ Nghệ An ra Bắc; lúa mùa thu mất hết nhiều. Truyền chỉ tha thuế mùa đông năm ấy. Nghệ An 10 phần tha 1 phần, Thanh Hóa, Thanh Bình 10 phần tha 3 phần, Bắc thành 10 phần tha 5 phần.

Hạn cho mồ mả ngoài dân gian, tả, hữu hai bên cách nhau 7 thước 5 tấc, phía trước 9 thước, phía sau cũng 9 thước.

Tàu Đại Pháp vào cửa Đà Nẵng đem thơ nói với Nguyễn Văn Thắng rằng: "Quốc vương đã về nước rồi, truyền kéo cờ đi khắp các cửa biển, để cho các nước biết; xin đem phẩm vật vào Kinh chiêm yết". Ngài nghĩ rằng không có quốc thơ, bèn không cho thâu nhận; nhưng khiến quan dinh Quảng Nam tiếp đãi rất hậu, rồi đưa tàu ấy ra. Ngài lại sắc quan Tấn thủ Đà Nẵng rằng: "Nếu tàu Đại Pháp có kéo cờ và phát 12 tiếng súng mừng, thời trên đài Điện Hải cũng phát 21 tiếng súng. Từ nay về sau như tàu nước khác vào cửa biển ta, dẫu nó phát súng nhiều nữa, mình chỉ phát 3 tiếng làm hiệu mà thôi".

Tháng 12, khiến quan Bắc thành lựa một người con cháu nhà Lê để coi việc tế tự. Truyền các địa phương từ Quảng Bình trở vô Nam Kỳ phải tiêu dùng tiền kẽm.

Năm Mậu Dần thứ XVII (1818), tháng giêng, hoãn thuế thiếu cho lưu dân Bắc thành mới phục hồi.

Định lệ tuyển bổ ti thuộc: ai giỏi thời cử, ai dở thời bỏ, không kể tư cách.
Tháng 2, truyền chỉ trong trấn Gia Định bao nhiêu dân cày ruộng cao, ruộng thấp và cày đồn điền cho phụ nạp vỏ gai và được tha thuế thân.

Tháng 3, giặc Thổ ở trấn Nghệ nổi lên, Tôn Thất Bình đem quân đóng đồn Tiên Lý, giặc ra thú và bị bắt cả thảy hơn 170 người. Ngài truyền chỉ cho quan trấn rằng: "trong những tên ra thú, tên nào phục tội thiệt tình thời tha; còn tên nào có tình lý khác, theo luật trị tội, tâu lên chờ ta xử đoán".

Tháng 5, Nghệ An bị lụt. Quan trấn xét rằng: Những nơi trong 10 phần tổn 2 phần, 3 phần, lệ không tha thuế. Ngài ban chiếu rằng: "Trấn mầy trong hai năm nay đã mất mùa lại có tật dịch, vậy ta cho thuế mùa hạ trong 10 phần tha 3 phần".
Tháng 6, sông Kiến Đăng lở (thuộc về tỉnh Định Tường), ruộng lở xuống sông nhiều lắm, dân xiêu tán cũng nhiều, quan trấn và phủ, huyện sai thuộc lại ra khám, rồi tâu việc ấy lên. Ngài quở rằng: "tới khám tai thương, không phải phần việc thuộc lại, quan địa phương vâng mạng vua tuyên đức hóa cho dân, như thế có phải hay không?". Ngài truyền dụ quở trách nhơn sắc các địa phương rằng: "hễ có thủy, hạn, tai thương, thời quan trấn và phủ, huyện cứ thứ tự tới nơi khám xét, không được khinh ủy thuộc lại. Truyền chép lời sắc nầy để làm lệ thường".
Tháng 7, giặc Thổ ở Thanh Hóa cướp ngoài thành phủ Tĩnh Gia, quan phủ là Nguyễn Khoa Thường đóng cửa mà giữ. Quan tâu rằng: Thường có bệnh; Ngài ban rằng: "ngươi Giả Phục nhà Hán buộc chỗ bị thương mà ra trận, ngươi Hàn Hoằng nhà Đàng có bệnh mà ngồi xe đánh giặc, mấy người danh tướng đời xưa không phải là không có bệnh; Thường nếu có bệnh, cớ sao khi trước không xin từ chức quan?". Truyền giải về Kinh, giao bộ Hình nghị tội.

Tháng 8, Chân Lạp sai Sứ sang cống, xin thông thương như ngày trước. Ngài y cho.
Tháng 9, đến kỳ thu thẩm. Phan Tấn Quý phạm tội tham tang, phải án giảo hậu

(1), đình thần bàn xin hoãn quyết. Ngài truyền rằng: "Tấn Quý làm chức ti mục (2) mà lấy của dân, tang số nhiều lắm, tội không tha được". Truyền phải thắt cổ và thông báo cho các trấn biết.

(1) Giảo hậu là phải tội thắt cổ, nhưng chưa làm tội liền.

(2) Ti mục là quan thủ hiến các tỉnh.

Tháng 11, tu bổ đồn Châu Đốc. Vì nước lụt lở đồn, nên phải sửa lại mà phái binh đóng giữ. Ngài nghĩ rằng: phía sau đồn nhiều đất hoang, khiến quan trấn Vĩnh Thanh chiêu tập người Tàu, người Chân Lạp, người Đồ Bà cho ở đó, lập phố, lập chợ, khai khẩn ruộng hoang, cấm dân ta không được nhiễu hại.

Tháng 12, Trần Chấn, Nguyễn Hữu Nhơn từ tỉnh Quảng Đông về. Ngài hỏi tình thế nước Tàu - tâu rằng: "Các tỉnh đều yên, nhưng tháng 4, năm nay ở Yên Kinh gió bão to lắm, đến nỗi đá lăn, cát bay, trời đất tối tăm, chỉ có việc ấy lạ mà thôi".
Năm Kỷ Mão thứ XVIII (1819), tháng giêng, đào sông từ thành Phiên An thông đến sông Mã Trường. Khiến Phó tổng trấn Hoàng Công Lý đem 10.000 dân, cấp tiền gạo cho đào sông. Đào xong rồi, Ngài đặt tên sông là An Thông. Đàng sông đã thông, thuyền bè qua lại đêm ngày luôn luôn; chỗ ấy thành một chỗ đô hội lợi ích cho dân lắm.

Khiến Hữu quân Lê Văn Duyệt kinh lược trấn Thanh, trấn Nghệ. Ngài nghĩ rằng: hai trấn ấy năm nào cũng mất mùa, lưu dân tụ nhau trộm cướp, quan sở tại không kiềm chế được; nên khiến ông Duyệt ra đó tùy nghi xử đoán cho xong, nhưng việc lớn phải tâu lên Ngài biết. Dụ dân hai trấn ấy rằng: "Người Thanh Hóa thời hiếu nghĩa, thiệt là ấp thang mộc của nhà nước; người Nghệ An thời tục phát dân thuần, cũng là quận chân tay của ta đó. Lâu nay thủy hạn và đói khát luôn luôn, tuy rằng triều đình đã điều tể nhiều cách, thường ban ân xá; mà năm nào dân cũng mắc tai nạn, chưa được yên ổn, đến nỗi tiểu nhân nhóm nhau mà ăn cướp, làm rối thôn dân, ta cũng thương lắm. Nên chi sai quan Kinh lược đại thần ra mà kiểm xét quan lại, yên ủy nhơn dân, yên tập mấy tên lưu tán, xử đoán các việc oan uổn; ai mà về theo Triều đình thời tha tội, hoặc xin ra hiệu lực thời được thưởng, ấy là ý ta muốn dạy bảo khuyên ngăn để cho dân đều được sanh dưỡng an toàn mà thôi".

Đào vũng Cù Úc (thuộc tỉnh Định Tường) thông vào sông Mỹ Tho, Ngài mạng danh là sông "Bảo Định".

Tháng 2, Lê Văn Duyệt ra đến Nghệ An, bọn trộm cướp nghe tiếng bỏ chạy. Duyệt dâng sớ tâu:

"Nghệ An điêu hóa quá, xin tha thuế và bãi việc quan, lại phải lựa quan trấn để an tập dân". Ngài y cho.

Lưu Phúc Tường, Lê Đắc Tần, Trần Bá Bảo có tội bị giết. Dụ quan dân Vĩnh Thanh rằng: "Trấn mầy tiếp giáp biên phương, làm phiên ly cho nhà nước; đương khi khởi binh đánh giặc, trấn mầy là một chỗ chiến trường; ta trọng việc yên dân, cho nên không dám khinh suất dùng người dở; lâu nay mấy người ty mục, ta đều lựa kỹ càng lắm. Ai ngờ bọn Phúc Tường riêng bỏ phép công, không kể luật nước, tội chún nó nặng hơn điều trong luật đã định; không ngờ gian tham đến như thế! Ta nghĩ trấn mầy gặp mấy người quan lại độc dữ, lấy làm thương lắm! Bây giờ tiền dân có thể trả được, mà điều khổ dân khó cứu cho lại; sức quân có thể thư được, mà lòng giận chúng khôn giải cho nguôi; việc đã đến như thế, chỉ có tỏ phép nước để nghiêm quan trường, giết đứa gian tham để cho yên lòng dân mà thôi. Nay bọn Phúc Tường đã chịu tội chết chém, ta cũng đã sai quan Tổng trấn tịch ký gia tài trả lại cho dân; ta cùng dân chúng mầy giữ pháp công nhà nước, chưa hề tha đứa gian để làm hại dân bao giờ; vậy nên báo cáo cho dân chúng mầy đều hiểu ý ta".

Tháng 3, Lê Văn Duyệt đến Thanh Hóa dâng sớ nói việc tật khổ ngoài dân; Ngài khiến tha thuế thiếu trấn Thanh và Ninh Bình.

Tháng 4, xứ Quảng Nam đại hạn. Truyền chỉ tha thuế ruộng năm ấy.

Tháng 4 nhuận, huyện Quỳnh Lưu (thuộc Nghệ An) đất sập (giờ Mão ngày ấy, trời đương trong lặng, tự nhiên ở giữa thanh không có một tiếng như sấm, đất ruộng sập xuống sâu lắm, nước mặn phun lên; chỗ đất sập thời bề ngang 60 thước, sâu 6 thước).

Tháng 5, truyền trấn Nghệ An,Thanh Hóa, Thanh Bình làm sổ đinh. Vì ông Duyệt tâu rằng: sổ đinh trấn Nghệ bớt số nhiều quá (nguyên sổ thường hành là 130.000 đinh số, năm trước dân đi lưu tán các nơi nhiều lắm, hiện nay đinh chỉ còn 100.000; nên Triều đình bàn giảm cho 20.000). Ngài hạ chiếu rằng: "Sửa lại sổ đinh, là ý Triều đình muốn biết số dân nhiều hay ít mà thôi, chớ không phải bắt thêm cho nhiều đinh đâu; nhưng Nghệ An là một trấn lớn, cớ sao điêu hóa như thế?. Ấy là dân thường có thói trốn tránh mà quan lại thời không chịu hết sức làm việc. Mầy nên hết lòng coi ngó, mới xứng ý ta".

Tháng 6, xây lầu Phu Văn.

Cho Khoách Tất Công, Khoách Tất Tại làm chức Phòng ngự thiêm sự. Tất Công, Tất Tại đều là con Khoách Tất Tự, đi quân thứ với Lê Văn Duyệt, ông Duyệt xin cho làm quan (khiến quản xã Sơn Âm, xã Chân Lại, xã Trường Môn và xã Bằng Lương, phòng giữ đồn Chi Nê).

Tháng 9, tha thuế thân cho cháu ông Xử sĩ Võ Trường Toản là Võ Tài Đồng. Toản văn học uẩn tạ; đương lúc loạn Tây Sơn, ở ẩn Gia Định dạy học trò; bọn Ngô Tùng Châu và Trịnh Hoài Đức đều là học trò ông Toản; lúc Ngài ở Gia Định nghe tiếng Toản, Ngài khen lắm; nay Toản đã mất rồi, cho nên tha thuế thân cho Võ Tài Đồng.

Đào sông Châu Đốc thông với Hà Tiên, gọi là sông Vĩnh Tế. Ngài nghĩ trấn Vĩnh Thanh, trấn Hà Tiên gần nước Chân Lạp mà không có đàng thủy, qua lại không tiện. Lúc ấy có quan Chiêu thùy Chân Lạp là Đông Phò sang chầu, Ngài đòi vào hỏi việc đào sông, tâu rằng: "nếu đào sông ấy thời ích lợi cho dân Chân Lạp lắm, Phiên vương cũng muốn mà không dám xin". Ngài vui lòng, liền truyền dụ dân Vĩnh Thanh rằng: "Công trình đào sông ấy rất khó, việc Nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Chúng mầy tuy là khó nhọc một lần, mà ích lợi cho muôn đời ngày sau; dân mầy phải báo cáo cho nhau biết, chớ nên sợ nhọc".

Đòi Trần Văn Tuân ở Chân Lạp về Gia Định, nhưng lãnh việc tào Hình. Ngài dụ các quan rằng: "Vì Phiên vương nên phải đặt quan Bảo hộ nước Chân Lạp. Nay Nặc Chân không nghĩ đến điều lo về sau, hay sanh nghi ngại; nếu cưỡng bức quá thời e sanh biến loạn, lưu quan Bảo hộ ở lại thời tổn oai Triều đình; chi bằng bãi chức Bảo hộ để Phiên vương giữ nó thời tiện hơn. Nếu sau nó có xin, sẽ phái quan sang bảo hộ; vậy thời trọng thể thống Triều đình mà tỏ được ân oai". Bèn đòi Tuân về, lưu một đội quân tam ngự đóng lại thành Nam Vang.

Đòi Lê Văn Duyệt về Kinh, Duyệt vào chầu. Ngài hỏi thăm một hồi lâu, Duyệt tâu rằng: "Chúng tôi ra đi đó cũg nhờ thiên oai miếu toán, may mà hai trấn đều được ninh thiếp; chỉ có ngoài dân gian khi trước thường lậu đất ruộng, mới rồi đây biên thêm vào sổ đánh theo thuế công, thuế nặng dân lấy làm khổ, xin sửa sổ điền lại, cho bằng lòng dân". Ngài cho.

Tháng 11, cho con cháu các tôi Vọng Các công thần được tập ấm.

Tháng 12, trong đạo Phú Yên nghe trên trời có tiếng như sấm. Ngày Ất Hợi, Ngài mệt lắm, đòi Hoàng thái tử và các ông Hoàng tử vào; đại thần là bọn Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng đều thọ di chiếu (1) khiến Lê Văn Duyệt kiêm coi quân 5 đinh Thần sách. Ngày Đinh Vị Ngài băng!.

Bài Sử thần kính bàn - Ngài vừa trung hưng vừa sáng nghiệp, công đức cao dày; từ đời Hồng Bàng đến nay, chưa có vị đế vương nào sánh kịp. Lúc mới khai quốc, Ngài truyền xây thành quách, sửa lăng tẩm, lập nền Nam Giao, dựng nhà Tôn miếu, đắp nền Xã Tắc, định phẩm tước và chế bổng lộc, mở khoa thi mà lựa người tài, dấy lê nhạc, lập trường học, sửa pháp độ, ban luật điều, phong con cháu Lê, Trịnh, thương dòng dõi công thần, khước lễ cống hiến bên Thái Tây, nghiêm việc phòng bị nước Xiêm La, bảo hộ Chân Lạp, thương yêu Vạn Tượng; thiệt là oai vang phương xa, nhơn khắp nước nhỏ, quy mô rộng rãi sâu xa biết chừng nào!

(1) Di chiếu là tờ chiếu di chúc của Hoàng Đế trong khi Ngài gần mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét