Nguyễn Gia Kiểng 033

Đi xa hơn dân chủ

  Vì chỉ là một phương tiện để xây dựng tự do và hạnh phúc, dân chủ cần được thích nghi với tiến hóa của xã hội. Cuộc thảo luận để cải thiện dân chủ và đi xa hơn mức độ dân chủ tối thiểu (tự do ngôn luận và báo chí, tự do thành lập và gia nhập các tổ chức, tự do bầu cử và ứng cử) luôn luôn phải tiếp tục.
Một hướng tìm kiếm là giới hạn ở mức thực sự cần thiết tầm vóc và vai trò của nhà nước để nhường không gian tối đa cho cá nhân và xã hội dân sự. Thế nào là mức thực sự cằn thiết đang là trọng tâm của cuộc tranh luận chính trị tại hầu hết các quốc gia. Hướng thứ hai là mở rộng sự thụ hưởng tự do và dân chủ cho thật đông người, nói cách khác là đem các quyền tự do có trên nguyên tắc vào thực tại. Đằng sau những cuộc thảo luận quanh khái niệm dân chủ, đang hình thành một khái niệm dân chủ mới, một thứ hậu dân chủ là dân chủ đa nguyên.
Khái niệm dân chủ đa nguyên sau một thời gian ngắn bị phản bác đã mau chóng được người Việt nam chấp nhận. Đó là điều đáng mừng, nhưng hình như sự chấp nhận này chưa đi đôi với nhận thức rằng dân chủ đa nguyên không phải chỉ là một thuật ngữ mới mà là một ý niệm mới, một bước tiến mới của dân chủ. Phần đông vẫn chỉ hiểu đa nguyên là đa đảng, do đó dân chủ đa nguyên chủ yếu là một khẩu hiệu để chống độc tài, để phản bác dân chủ tập trung của đảng cộng sản. Về điểm này tôi phải nhìn nhận là đảng cộng sản tỏ ra hiểu biết hơn nhiều người chống cộng. Họ phân biệt đa nguyên và đa đảng khi họ đưa ra cương lĩnh chống đa nguyên, đa đảng.

Mặc dầu thảo luận về tương lai của dân chủ là một khuynh hướng thời thượng, cho tới nay trong các tác phẩm chính trị nổi tiếng trên thế giới chưa có một định nghĩa rõ rệt cho dân chủ đa nguyên. Nhóm Thông Luận đã đưa ra một định nghĩa rõ rệt với năm đặc tính của dân chủ đa nguyên. Từ khi định nghĩa này được đưa ra năm 1992, qua các thảo luận trực tiếp với các nhà nghiên cứu chính trị cũng như qua những tác phẩm mới, chúng tôi đã chỉ nhận được nhưng bổ túc chứ chưa gặp một phản bác nào.

Định nghĩa đó như sau:

[ ] Dân chủ đa nguyên là dân chủ nhưng không phải dân chủ nào cũng là dân chủ đa nguyên.

Dân chủ đa nguyên là một hệ thống chính trị mới với những đặc tính bắt buộc của nó. Ta có thể nhấn mạnh năm đặc tính: Một là, dân chủ đa nguyên nhìn nhận và tôn trọng chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người thuộc mọi thành phần xã hội, mọi tín ngưỡng và mọi khuynh hướng chính trị. Dân chủ đa nguyên lên án mọi phân biệt đối xử, nó chống đối quyết liệt chế độ độc đảng. Một cách cụ thể bản hiến pháp của một thể chế dân chủ đa nguyên không thể chứa dựng bất cứ một qui chiếu nào về một chính đảng một chủ nghĩa hay một tôn giáo.

Hai là, ngoài nguyên tắc phân quyền phải có trong mọi nền dân chủ xứng đáng với tên gọi của nó, dân chủ đa nguyên đòi hỏi tản quyền để tôn trọng sự khác biệt giữa các địa phương. Một chính quyền dù xuất phát từ bầu cử tự do đi nữa cũng không phải là dân chủ đa nguyên nếu phần lớn quyền hành tập trung trong tay chính quyền trung ưong. Trong một thể chế dân chủ đa nguyên các chính quyền địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, phải có những quyền luật định rộng rãi để tổ chức cuộc sống phù hợp với hoàn cảnh riêng của mỗi vùng. Mỗi vùng phải có diện tích và dân số ở mức độ thoả đáng để có thể là những thực thể đủ tầm vóc để tự quản được và phát triển được. Như thế một số nguyên nhân xung đột sẽ tự nhiên được giải tỏa. Các sắc tộc ít người sẽ có được tiếng nói đáng kể tại các địa phương mà họ tập trung đông đảo. Các chính đảng không có được đa số trong các cuộc bầu cử toàn quốc vẫn có thể nắm được chính quyền tại những địa phương nơi họ được tín nhiệm. Dân chủ đa nguyên làm nhẹ đi mối căng thẳng chính quyền - đối lập và bẻ gãy mối xung khắc được làm vua thua làm giặc. Tản quyền dưa tới hệ luận là chính quyền trung ương không cai trị trực tiếp mà chỉ đảm nhiệm các sứ mạng quóc phòng, ngoại giao, tiền tệ và phối họp giữa các địa phương. Một vai trò khác của chính quyền trung ương là thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng trên qui mô cả nước và trợ giúp các chương trình địa phương đáng khuyến khích.

Ba là, dân chủ đa nguyên đặt nền tảng trên xã hội dân sự. Bên cạnh các chính đảng, các cộng đồng sắc tộc, địa phưong và tôn giáo, các hiệp hội công dân tổ chức theo ngành nghề quyền lợi, nhân sinh quan, sở nguyện, ưu tư, v.v... Được hoạt động độc lập với chính quyền, được nhìn nhận một chỗ đứng trọng yếu, được có tiếng nói và ảnh hưởng trong sinh hoạt cũng như trong sự tiến hóa của xã hội. Nhà nước tự coi mình là có sứ mạng phục vụ xã hội dân sự chứ không khống chế xã hội dân sự, không định đoạt sinh hoạt thường ngày thay cho xã hội dân sự. Về mặt kinh tế điều này có nghĩa là nền kinh tế quốc gia phải dặt nền tảng trên các xí nghiệp tư, khu vực quốc doanh phải được giói hạn ở mức tối thiểu và nếu không có thì càng hay. Vai trò nền tảng của các hiệp hội công dân đa dạng là một bảo đảm chắc chắn cho sự chuyển hóa thường trực, tự nhiên và liên tục của xã hội, tránh những xáo trộn đột ngột và đầy đổ vỡ của các cuộc cách mạng.

Bốn là, dân chủ đa nguyên kính trọng các thiểu số và luôn luôn mưu tìm thỏa hiệp. Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, nguyên tắc thiểu số phục tùng đa sổ không được sử dụng một cách tự động và máy móc mà chỉ được dùng tới sau khi đã tận dụng mọi cố gắng để tìm đồng thuận. Dân chủ đa nguyên chống lại mọi hình thức chuyên chính, kể cả chuyên chính của đa số. Bình thường trong một thể chế dân chủ sự chính đáng của một chính quyền dựa trên kết quả của cuộc bầu cử cuối cùng, nhưng trong dân chủ đa nguyên sự chính đáng của một chính quyền còn nằm cả trong sự thành khẩn tìm đồng thuận trong mọi quyết định quan trọng.

Năm là, dân chủ đa nguyên trong bản chất của nó tôn trọng mọi thành phần dân tộc và không thể để một thành phần này bóc lột và chà đạp một thành phần khác. Vì thế dân chủ đa nguyên coi rất trọng công bằng xã hội và không thể đi đôi với cái thưòng được gọi là tư bản rừng rú

Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, nhà nước không còn là người chỉ huy tuyệt đối. Vai trò của nhà nước chỉ là đảm nhiệm ba chức năng: trọng tài trong các quan hệ giữa các thành tố của xã hội, chế tài những vi phạm, và hòa giải những đòi hỏi mâu thuẫn của các thành phần dân tộc. Nhà nước hòa giải thay vì nhà nước chỉ huy là nét đậm của dân chủ đa nguyên. Nó phân biệt hẳn dân chủ đa nguyên với các chế độ chuyên chính, nhưng nó cũng khiến dân chủ đa nguyên khác với nhiều chế độ dân chủ trong đó chính quyền vẫn còn tham vọng định đoạt thay cho xã hội dân sự. [... ] (Trích Thử Thách và Hy Vọng - Dự án Chính trị Dân Chủ Đa Nguyên 1996, Thông Luận, Paris 1996, trang 17-19).
Tầm quan trọng của xã hội dân sự đã được Alexis de Tocqueville nhấn mạnh rất sớm ngay từ đầu thế kỷ 19, mặc dù ông chưa đạt tới khái niệm đa nguyên. Ông đã cảnh giác rằng đặc tính cốt lõi của các chế độ độc tài là đè bẹp xã hội dân sự. Ông nhận định ràng các chế dộ độc tài không cần người dân thương yêu họ mà chỉ cần người dân dừng thương yêu nhau và đừng kết hợp với nhau để cho chúng để khống chế một xã hội phân rã. Nâng cao tầm quan trọng của xã hội dân sự lên hàng một thành tố nền tảng của sinh hoạt quốc gia có hệ luận tự nhiên là chính quyền phải triệt thoái về mức độ tối thiểu cần thiết để nhường không gian tự do tối đa cho các công dân. Đó cũng là điều mà các nhà tư tưởng thuộc trường phái tự do đã đề nghị từ lâu. Nhiều nhà tư tưởng khác cũng đã báo động về nguy cơ của một sự chuyên chính của đa số. Dĩ nhiên cũng không thể quên ưu tư của các nhà tư tưởng thuộc khuynh hướng xã hội là ngăn cản sự khống chế của người giàu trên người nghèo. Phong trào cộng sản thế giới đã sụp đổ nhưng vấn đề mà nó đặt ra vẫn còn rất thời sự trước sự bành trướng của các công ty lớn ảnh hưởng một cách quan trọng trên cuộc sống của rất nhiều người, đôi khi trên cả một số quốc gia. Các công ty đa quốc gia đã có từ lâu và cũng đã ảnh hưởng trên chính sách của các nước nhược tiểu từ lâu, nhưng sự bện rất mới và cần được cảnh giác là gần đây ngày càng xuất hiện những công ty quá lớn. Một số công ty có trị giá tích sản tương đương với tổng sản lượng của cả khối ASEAN. Các công ty đa quốc gia lớn là những trung tâm quyền lực khổng lồ mới trong đó lãnh đạo hoàn toàn không bị chi phối bởi những nguyên tắc dân chủ. Một giải pháp kỹ thuật vẫn cần được tìm ra cho vấn nạn này trừ khi, như niềm tin của nhiều người, một mặt chính phát triển kinh tế sẽ khiến các công ty cần công nhân hơn là công nhân cần xí nghiệp, mặt khác các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thẻ thao sẽ tiến lên, giảm bớt trọng lượng của sinh hoạt kinh tế. Một trường phái tư tưởng mới cũng đang xuất hiện với niềm tin vào một chủ nghĩa dân chủ chứng khoán, theo đó các công ty, vì nhận vốn từ quần chúng qua thị trường chứng khoán và lệ thuộc quần chúng trong việc bán hàng và dịch vụ sản xuất ra, sẽ dần dần bị kiểm soát bởi quần chúng, nghĩa là cũng sẽ dân chủ hóa. Tuy giải pháp chưa tìm ra nhưng nguyên tắc đã rõ rệt: mọi người phải có chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau độc lập với trọng lượng kinh tế.

Dân chủ đa nguyên là tổng hợp chính trị ở giai đoạn này của nhiều đột phá trong kho tàng suy tư của nhân loại.

Chúng ta chưa có dân chủ mà đã nghĩ đến dân chủ đa nguyên có phải là quá sớm và quá không tưởng không? Đúng, nếu ta nghĩ rằng một học sinh trung học chỉ nên nghĩ tới bằng tú tài chứ không cần nghĩ tới đại học. Có nhiều triển vọng cô hay cậu học sinh thực tiễn này sẽ không đi xa trên đường học vấn.

Các giá trị châu á ?

Có một lần tôi được coi một hoạt cảnh tức cười trong một phim hài hước. Một nhà mô phạm đang thao thao bất tuyệt giảng giải giá trị thiêng liêng của gia đình trước một cử tọa trẻ. Ông đang hùng hồn thuyết phục đám thanh niên về những tệ hại của quan hệ tình dục ngoài khuôn khổ vợ chồng thì một bất ngờ xảy đến. Một chàng trai, với tất cả bộ dạng của một người đồng tính luỵến ái, từ ngoài xông vô nắm lấy ông đánh ghen. Thì ra ông không những ngoại tình mà còn ngoại tình với người cùng phái. Bài giảng dĩ nhiên chấm dứt ở đây.
Cuộc khủng hoảng kinh tế châu á bắt đầu từ mùa hè 1997 cũng đã cắt ngang cuộc tranh luận đang sôi nổi về các giá trị châu á một cách tương tự. Nó lố bịch hóa những người đang rêu rao là các quốc gia Đông á đã phát triển mạnh nhờ các giá trị châu á, và như thế người châu á không cần những giá trị phương Tây như dân chủ và nhân quyền. Nhưng kết thúc một cuộc tranh cãi vì một bên tranh luận bị quê là một kết thúc không ổn. Người tranh luận bị cụt hứng nhưng chắc gì nhưng điều họ nói đã sai? Như thể cuộc tranh luận về các giá trị châu á có thể sẽ còn được phát động lại trong tương lai, trong một hoàn cảnh khác và với mục mục đích khác Do đó chúng ta cũng cần xem thực chất của cuộc tranh cãi này là cái gì.

Điểm thứ nhất là cuộc tranh cãi về các giá trị châu á đã được tung ra hồi đầu thập niên 1990, hầu như cùng một lúc tại Singapore và Malaysia. Đây là một điều nghịch lý bởi vì Singapore và Malaysia chính là hai nước có ít tư cách nhất để phát biểu nhân danh văn hóa và truyền thống châu á.

Singapore là một thương cảng hơn là một quốc gia, do người phương Tây thành lập cách đây hai thế kỷ, bắt đầu từ một làng đánh cá nhỏ với vài chục ngư dân. Nó đã được tạo ra và cai trị hoàn toàn theo khuôn mẫu phương Tây. Dân chúng Singapore, ba triệu người hiện nay, chu yếu là những người Hoa đã chạy trốn hệ thống chính trị và văn hóa châu á tại quê hương cũ.

Malaysia cho tới cuối thế kỷ 14 chỉ là một bán đảo hoang vu và là trạm dừng chân cho các thuyền buôn qua lại giữa ấn Độ và Sumatra. Dữ kiện lịch sử đầu tiên là cuộc thăm viếng của một sứ giả Trung Quốc dưới triều Minh năm 1405. Lúc đó Malaysia chỉ có vài vương quốc nhỏ hoàn toàn cô lập với phần còn lại của châu á. cho tói khi được tuyên bố là thuộc địa của Anh, đặt dưới quyền quản trị của công ty British North Borneo Company, vào năm 1881, Malaysia không có gì giống với một quốc gia cả. Malaysia không có lịch sử và cũng không có một văn hóa riêng, chưa nói tới văn hóa châu á. Như Singapore, Malaysia được thành lập và cai trị hoàn toàn theo khuôn mâu phương Tây. Cũng giống như Singapore, người Malaysia rất hài lòng với chính quyền thuộc địa Anh và không đòi độc lập họ đã chỉ được độc lập sau một quyết định của nước Anh. Hệ thống chính trị của họ không khác bao nhiêu di sản mà người Anh để lại.

Tóm lại, các giá trị châu á đã được đề cao bởi hai nước không hề thể hiện chúng. Điểm nghịch lý thứ hai là cả Lee Khan Yew (Lý Quang Diệu) của Singapore lẫn Mahathir Muhamad của Malaysia, hai người hô hào tích cực nhất cho những giá trị châu A, đều là những người đã rất Tây phương hóa. Cả hai đều đã đóng vai trò then chốt trong việc Tây phương hóa sinh hoạt của đất nước họ. Lý Quang Diệu chỉ bắt đầu nói tới các giá trị Khổng Giáo sau khi ông từ chức thủ tướng. Việc ông nhấn mạnh tới truyền thống tôn trọng các bậc trưởng thượng của người châu á có thể được nhìn như một phản ứng tự vệ dể cố kéo dài ảnh hưởng trên chính trường. Lý Quang Diệu tỏ ra khó chịu trong qui chế hai bên của ông: ông đi kháp nơi, ban phát những lời khuyên cho mọi người trên mọi vấn đề. Các lập luận về các giá trị châu á của ông có vẻ đã thành công cho cá nhân ông vì ít ra chúng đã làm ông nổi bật.. Mahathir thuộc một thiểu số trong sắc tộc Mã Lai được giáo dục theo văn hóa Anh. Nếp sống của ông hoàn toàn là nếp sống của người Anh. Các con ông cũng thế, con gái út ông có chồng người Pháp. Mahathir rất sợ bị coi như là một người Mã Lai mất gốc. Vì thế những lời tuyên bố của ông về các giá trị châu á cũng chỉ nhằm một mục đích sửa đổi hình ảnh của ông, để ông có vẻ Mã Lai và Hồi Giáo hơn là sự thực. Từ một năm nay vụ án Anwar Ibrahim đã gây rất nhiều tiếng vang. Dư luận thế giới coi Anwar như một chính khách tiến bộ và hiện đại, nạn nhân của Mahathir, một người cầm quyền thủ cựu. Thực ra Anwar từng là một người Hồi Giáo toàn nguyên và quá khích trong giai đoạn đầu của sự nghiệp chính trị. Ông ngưỡng mộ Khomeini và phấn khởi vì cuộc cách mạng Hồi Giáo tại Iran đến nỗi ông từng hành hương sang Teheran để bày tỏ sự cảm phục đối với Khomeini. Mahathir đã chỉ chọn Anwar làm người thừa kế chính thức của mình để tranh thủ cử tri Hồi Giáo Mã Lai cho ông. Chính vì thế mà ông đã rất giận dữ và thù ghét Anwar khi Anwar muốn tỏ ra hiện đại hơn ông..

Tóm lại, hai nhân vật đề cao các giá trị châu á nhất cũng là những người không chấp nhận chúng cho chính mình. Cuộc tranh cãi đã thiếu thực thà ngay từ đầu.

Điểm thứ ba mà tôi muốn lưu ý độc giả là các giá trị châu á chỉ là một diễn văn chứ hoàn toàn không phải là một chủ thuyết. Không hề có một luận cương hay một cẩm nang nào cả. Tất cả chỉ là những bài viết ngắn và những cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh được đăng trên nhật báo The Intemational Herald Tribune và tập san Foreign Affairs. Trong số những người chủ xướng và hô hào cho các giá trị châu á, người ta không thấy một triết gia, một nhà tư tưởng hay một nhà văn lớn nào, người ta chỉ thấy những công chức thuộc hai chính quyền Singapore và Malaysia. Cuộc vận động cho các giá trị châu á giống như một chiến dịch tuyên truyền hơn là một cuộc thảo luận trí tuệ.

Một đặc điểm khác là những ồn ào về các giá trị châu á đã chỉ giới hạn trong khuôn khổ ASEAN. Các quốc gia châu á khác đã không tham gia cuộc hòa tấu này. Không có khuôn mặt chính trị hoặc trí thức lớn nào của Nhật tỏ ra quan tâm. ấn Độ, Pakistan và Bangladesh hoàn toàn không biết tới. Nam Cao Ly và Đài Loan gạt bỏ thẳng thừng các luận điệu về các giá trị châu á và quả quyết chọn lựa con đường dân chủ hóa. Ngay trong khối ASEAN, Indonesia, Thái Lan và Phi-líp-pin tỏ ra dửng dưng. Chỉ có Hà Nội, Bắc Kinh và Rangoon tỏ ra hưởng ứng. Báo chí và quan chức Việt nam thỉnh thoảng ca tụng nhưng quan điểm đứng đắn của Lý Quang Diệu và Mahathir, dù không đề cập đến cụm từ giá trị châu á. Cũng nên lưu ý rằng trong mọi phát biểu về các giá trị châu á của họ, cả Lý Quang Diệu lẫn Mahathir cùng những cộng sự viên của hai ông đều không bao giờ đề cập đến ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Đối với họ, hình như châu á chỉ là Đông á. Nhưng những giá trị châu á được nêu ra là gì?

Lý Quang Diệu và Mahathir lại xung khắc một cách tràm trọng về nội dung của chúng. Đối với họ Lý, các giá trị châu á chỉ có thể là các giá trị Khổng Giáo trong khi đối với Mahathir chúng lại chủ yếu là các giá trị Hồi Giáo. Hai nhân vật này tuy ghét nhau nhưng hình như cũng đồng ý với nhau rằng người châu á quan tâm đến xã hội, cố gắng, giáo dục, tiết kiệm, phát triển và ổn định hơn là tới cá nhân, tiện nghi, tiêu thụ, nhân quyền và dân chủ; ngoài ra người châu á kính trọng tổ tiên, người lớn tuổi và chính quyền. Dân chủ và nhân quyền có vẻ như là hai đối tượng đánh phá quan trọng nhất của những diễn văn về các giá trị châu á. Nhưng ở đây các quan chức Singapore và Malaysia lại tỏ ra bối rối. Thông thường họ phản bác dân chủ và nhân quyền như những giá trị của phương Tây, nhưng cũng có khi họ lại nói đó là những giá trị phổ cập chỉ cần thích nghi với hoàn cảnh châu á.

Lý Quang Diệu hô hào một cách rất hăng say cho kinh tế thị trường và sự minh bạch (transparency), hai cột trụ của dân chủ. Có những lúc ông nói rằng dân chủ và nhân quyền cũng quan trọng đấy nhưng không quan trọng bằng kỷ luật và sản xuất. Người kế vị ông, đương kim thủ tướng Singapore Goh Chok Tong còn đi xa hơn, đối với ông: Các quyền kinh tế và xã hội cũng quan trọng không kém các quyền dân sự và chính trị . Không kém nhưng cũng không hơn. ở một dịp khác ông Goh Chok Tong còn tuyên bố mạnh dạn hơn: Chúng tôi tin tưởng ở dân chủ, nhưng dưới một hình thức đảm bảo được kỷ luật và đồng thuận. Bà Chan Hăng Chen, cựu giám đốc Viện Nghiên Cứu Đông Nam á và đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên The Intemationa Herald Tribule: Dân chủ và nhân quyền là những giá trị phổ cập nhưng những điều kiện để thể hiện chúng tại châu á có phần khác. Còn Mahathir? Trong một dịp, ông đã chỉ xin thêm thời gian: Đừng đòi hỏi chúng tôi phải thay đổi ngay tức khắc. Chúng tôi sẽ thay đổi, nhưng chúng tôi sẽ không thay đổi nhanh như người ta đòi chúng tôi. Có lẽ ít ai đòi Mahathir phải thay đổi ngay tức khắc vì thực ra Malaysia, hơn cả Singapore, đã là nước dân chủ hóa sớm nhất trong khối ASEAN. Chính nhưng lời tuyên bố mâu thuẫn này đã khiến Bắc Kinh, Hà Nội và Rangoon, những chế độ thực sự chống dân chủ và nhân quyền, không ủng hộ nhiệt tình những phát biểu về các giá trị châu á của Singapore và Malaysia.

Hiển nhiên là cộng đồng, kỷ luật, cố gắng, giáo dục, và ngay cả gia đình, không phải là những giá trị đặc biệt của châu á. Người phương Tây cũng quí trọng những giá trị này, có khi còn hơn. Lấy một thí dụ: liên đới xã hội là yếu tố cốt lõi của xã hội, như thế tinh thần liên đới trên nguyên tắc phải rất cao trong các xã hội châu á vì tại đó cộng đồng được coi là một giá trị nền tảng, nhưng sự thực là liên đới mạnh hơn hẳn ở phương Tây so với châu á. Trong những nước châu á, khi một người bị sa thải hay gặp tai nạn đó chỉ là chuyện cá nhân của người đó, không có an sinh xã hội, không có trợ giúp của nhà nước, hoàn cảnh bi đát của người đó không là quan tâm của bất cứ ai.

Hiển nhiên, về cơ bản, những cái gọi là giá trị châu á không có nội dung nào đặc biệt. Nhưng sự gay gắt đã thay thế cho lý luận. Phương Tây được mô tả là đang suy thoái vì dựa trên những giá trị bệnh hoạn, châu á sẽ qua mặt phương Tây vì xã hội châu á được xây dựng trên những giá trị lành mạnh. Kế đó là cáo trạng. Người phương Tây đã tỏ ra xấc xược và bá quyền khi mưu toan áp đặt những giá trị của họ lên toàn thế giới, nhưng sự ngạo mạn này không thể tiếp tục được nữa vì tình thế đã thay đổi và tương lai sẽ thuộc về châu á v.v.. cả những người hô hào các giá trị châu á, Kishore Mahbubani, đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc, là người quá khích nhất. Ông hô hào: Bạn trẻ ơi, hãy quay về phương Đông? , ông quả quyết:! Địa Trung Hải là biển của quá khứ, Đại Tây Dương là đại dương của hiện tại, Thái Bình Dương là đại dương của tương lai. Những người khác tỏ ra ôn hòa hơn nhưng tất cả đều cùng một luận điêu chống phương Tây và cũng đều cùng một giọng điều đắc tháng.Thái độ đác thắng này dĩ nhiên là lố lăng vì, trừ trường hợp của Nhật và hai thành phố Singapore và Hồng Kông, tất cả các quốc gia châu á vẫn còn thua xa các nước dân chủ phương Tây. Malaysia chẳng hạn, chỉ có một sản lượng trên mỗi đầu người tương đương với 20% mức độ của Hoa Kỳ và các nước Tây Âu.

Nhưng tại sao cuộc tranh luận về các giá trị châu á đã ồn ào như vậy? Chúng ta sẽ sai lầm nếu gạt phăng đi với thái độ khinh thường. Có ít nhất hai lý do đã khiến cuộc tranh luận về các giá trị châu á gây sôi nổi trên báo chí.

Lý do thứ nhất là châu á đang đòi hỏi một chỗ đứng xứng đáng hơn. Hơn hai thập niên tập trung đều đặn ở một tỷ lệ cao đã gia tăng rất nhiều trọng lượng của châu á. Từ 4% năm 1960, tổng sản lượng của các nước châu á đã lên mức 25% tổng sản lượng của thế giới vào năm 1992 khi cuộc tranh cãi về các giá trị châu á vừa bắt đầu. Châu á cũng đạt tới 25 % trọng lượng của ngoại thương trên thế giới vào năm 1994 và cũng giữ trong tay một phần ba trữ kim của thế giới. Năm 1990, châu á đã mua của các nước phương Tây một số lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 650 tỷ USD, gấp đôi con sổ của con số năm 1980, nhưng chỉ xấp xỉ bằng một nửa con số hiện nay. Châu á đã trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nước phương Tây và trọng lượng của nó sẽ càng ngày càng tăng lên. Rõ ràng là châu á xứng đáng được trọng nể hơn. Quan hệ giữa châu á và phương Tây phải thay đổi để phù hợp với tương quan lực lượng mới. Các nước phương Tây đều hiểu như vậy. Đó là lý do khiến họ đã chú ý đặc biệt đến những diễn văn về giá trị châu á. Mặt khác cũng vì sức mạnh thực sự của diễn văn về các giá trị châu á là sự thành công về mặt kinh tế của các nước châu á mà nó đã yếu hẳn đi sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu hồi tháng 7-1997.

Lý do thứ hai là những phát biểu về các giá trị châu á thực ra chỉ là một phần của một cuộc tranh luận quan trọng và to lớn hơn nhiều đang diễn ra tại châu á và sẽ có ảnh hưởng lớn trên tương lai của thế giới. Các quốc gia châu á đang ở trong một khúc quanh lịch sư đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng kinh tế đã cải thiện một cách đáng kể đời sống con người nhưng đồng thời cũng mang đến những đòi hỏi thay đổi chính trị mạnh mẽ theo chiều hướng gia tăng tự do, dân chủ và nhân quyền. Cuộc chuyển hóa đe dọa nền tảng chính đáng của nhiều người cầm quyền và buộc họ đi tìm một biện minh văn hóa và tư tưởng cho quyền lực của họ. Trong bối cảnh ấy, so với ảo tưởng đấm máu của ý thức hệ cộng sản trước đây, các giá trị châu á là một phản ứng khá hiền lành, một chủ thuyết ít độc hại hơn hẳn.

Thực sự có những giá trị châu á không và những giá trị nào? Các nước châu á được thành lập một cách riêng biệt và chỉ có một sự hiểu biết lẫn nhau rất sơ sài. Nhiều quốc gia châu á đã do người phương Tây lập ra và phần lớn các biên giới quốc gia đều hoặc do người phương Tây quyết định hoặc chịu ảnh hưởng của họ. Nếu chỉ muốn nói một cách sơ sài thì ta có thể nói. Đông á chịu ảnh hưởng Trung Hoa và, ở những mức độ khác nhau, mang nhưng đặc tínhcủa văn hóa Khổng Giáo; Tây á là một sự đan xen giữa văn hóa ấn Độ Giáo và văn hóa Hồi Giáo, trong khi ở phía Nam, Indonesia à Malaysia là những quốc gia Hồi Giáo. Nhưng ngay cả cách mô tả sô sài đó cùng không đúng, Thái Lan và Miến Điện là hai nước Phật Giáo, trong khi Phi-líp-pin lại là một nước đa số Công Giáo. Và cũng không nên quên từ thế kỷ 20 văn hóa và các phương pháp làm việc của phương Tây cũng đã mọc rễ khắp nơi.

Mặt khác cũng không hề có một tình cảm liên đởi nào giữa các quốc gia châu á. Người Nhật cho rằng họ là một dân tộc riêng biệt, thông minh và hùng mạnh hơn mọi dân tộc khác. Người Thái cũng nghĩ rằng họ là một dân tộc tinh nhuệ hơn hẳn, đã giữ được độc lập trước cuộc chinh phục của phương Tây. Quan hệ đáng kể nhất của Miến Điện với thế giới bên ngoài nói chung và châu á nói riêng trong lịch sử dài hơn một ngàn năm của họ là những cuộc chiến tranh với Thái Lan, mà những thù hận vẫn chưa chấm dứt hằn. Còn người Trung Hoa thì dù đã trải qua nhiều thăng trầm và tủi hổ họ vẫn chưa bỏ hẳn được mặc cảm tự tôn của thời xa xưa khi họ tự coi là trung tâm của thế giới trong khi các dân tộc láng giềng chỉ là những thiểu số man rợ. Coi châu á như một thực thể tự nó đã là điều vô lý. Chỉ có những người thiếu hiểu biết mới có thể nói tới một văn hóa hay một triết lý phương Đông.

Tuy nhiên, nếu chúng ta cố hết sức để nhận ra nhưng nét giống nhau trong nếp sống và suy nghĩ của các dân tộc châu á thì chúng ta cũng có thể tìm thấy một số điểm. Những điểm này, phải nói ngay, không phải chỉ có ở châu á mà hiện diện ở mọi xã hội ngoài phương Tây và ở cả phương Tây trước đây vài thế kỷ, dù có lẽ ở một mức độ thấp hơn. Đó là:

Cơ cấu đại gia đình liên hệ cá nhân trước hết với người cùng một dòng máu. Tâm lý này có thể nhận thấy trong hầu hết các nước châu á với những hậu quả quan trọng về cả kinh tế lẫn chính trị. Các công ty lớn ở Nhật, Hồng Kông, Nam Cao Ly được điều hành như những vương quốc gia đình. Các nhà độc tài trước hết dựa trên gia đình, dành cho con cái, họ hàng những đặc quyền lớn. Các bà nội trợ thay chồng, con trai và con gái kế vị cha mẹ làm lãnh tụ các chính đảng hay làm tổng thống tại Phi-líp-pin, Indonesia, Bangladesh, Pakistan, ấn Độ, Miến Điện và Bắc Cao Ly.

Quan niệm quyền lực chính trị như là sự tưởng thưởng cho địa vị và thành tích trong quá khứ hơn là một trách nhiệm đòi hỏi khả năng và tầm nhìn. Chức quyền thay vì chức trách. Do đó người lãnh đạo quốc gia không cần phải thành công mà chỉ cần sống xứng đáng với địa vị của mình. Sự chống đối lại chính quyền bị xem như chống lại trật tự xã hội và như một thái độ không phải đạo. Chừng nào người cầm đầu quốc gia chưa mắc phải những tội ác tày trời thì không có lý do gì chính đáng để đòi thay thế ông ta hay bà ta. Tâm lý này giải thích sự kiện một đảng hay một lãnh tụ có thể cầm quyền liên tục trong nhiều thập niên. Dĩ nhiên tâm lý người châu á đã thay đổi nhiều, nhưng một thắng lợi như của Bill Clinton trước George Bush năm 1992 vẫn còn là điều không thể có tại châu á. Sự lẫn lộn giữa tôn giáo và chính trị. Về điểm này phải nói rằng sự phân biệt giữa tôn giáo và chính trị, giữa Thiên Chúa và Ceasar, quả là một đặc tính của tư tưởng phương Tây. Tại các nước châu á, Thượng Đế và Vua liên hệ rất mật thiết với nhau, khi không phải là một. Tại Trung Quốc, dưới ảnh hưởng Khổng Giáo, vua là thượng đế; tại các nước Hồi Giáo như Pakistan và Bangladesh, thượng đế là vua, còn tại ấn Độ và hai nước theo Phật Giáo là Thái Lan và Miến Điện, thượng đế chỉ là phụ tá ngoan ngoãn của vua. Người ta có thể nghĩ rằng sở dĩ chủ nghĩa cộng sản đã thành công và đứng vững tại Đông á hơn là lại Tây Âu, nơi nó được phát minh ra, là vì chính nó cũng là một hệ thống nửa tôn giáo nửa chính trị như Khổng Giáo trước đây. Về điểm này cũng thế, đã có nhiều thay đổi, nhưng chưa thay đổi hẳn.

Cả ba yếu tố trên đây xét cho cùng đều là những trở ngại cho phát triển và tiến bộ. Cần nhận xét là những quốc gia từ bỏ chúng sớm nhất cũng là những quốc gia phát triển nhất. Khối ASEAN trước cuộc khủng hoảng kinh tế được các ông 1ý Quang Diệu và Mahathir coi, đúng hơn là lạm coi, như là thành trì của cái mà các ông ấy gọi là các giá tri châu á. Nhưng tình thế đã thay đổi.

Ngày nay cả năm nước sáng lập và có trọng lượng nhất trong khối đều đã là những nước dân chủ. Khi Việt nam xin gia nhập ASEAN, ban lãnh đạo cộng sản hy vọng tìm được ở ASEAN một chỗ dựa cho chế độ độc tài; từ nay và sắp tới, trong những cuộc gặp gỡ thường xuyên của khối, họ sẽ chỉ gặp những nhà lãnh đạo dân chủ thôi thúc họ cải tổ nhanh hơn. Từ nay, trong không khí mới của ASEAN, độc tài không còn gì là oai hùng nữa mà chỉ là lố bịch, thiếu văn minh, mất vệ sinh.

Ngày nay, nếu có một giá trị châu á mới nhưng đích thực, thì đó là khát vọng của mọi người châu á muốn được sung túc hơn và được kính trọng hơn. Khát vọng này đang thôi thúc mọi dân tộc châu á. Họ đã ý thức được tiềm năng chưa được khai thác của họ, họ cảm thấy hổ nhục vì nghèo khổ và thiếu tự do, họ tin rằng họ có thể, và phải, rút ngắn khoảng cách với các dân tộc phương Tây. Họ không quan tâm gì đến những cái gọi là giá trị châu á, họ chỉ quan tâm đến những giá trị làm cho cuộc sống của họ đáng sống và đáng tự hào hơn. Ngay cả một cô hầu bàn tại Sài Gòn hay một anh tài xế xe tuk-tuk tại Bangkok cũng đã hiểu rằng phát triển và phồn vinh phải đi đôi với dân chủ và nhân quyền.

Thập nhị sứ quân

Đinh Bộ Lĩnh, tức vua Đinh Tiên Hoàng, được coi là một trong những đại anh hùng của nước ta vì đã có công dẹp mười hai sứ quân và qui đất nước về một mối. Sự nghiệp của ông gây ấn tượng mạnh đến độ ngày nay khi tiếng Việt đã phát triển nhiều rồi chúng ta vẫn còn nhắc tới giai đoạn trước nhà Đinh bằng cụm từ thập nhị sứ quân thay vì mười hai sứ quân. Hơn thế nữa, thập nhị sứ quan đã trở thành một thành ngữ để chỉ nguy cơ đất nước bị tan rã thành nhiều mảnh. Nó như một tai họa ám ảnh chúng ta. Mỗi dân tộc thường có những nhân vật có sức thu hút đặc biệt, ngôn ngữ phương Tây ngày nay nói là họ có charisma. Sức thu hút~ đó có tác dụng làm cho nhân vật được đề cao hơn công lao thực sự của mình, và đem lại cho những hành động của vị ấy một dấu ấn tâm lý sâu đậm.

Huyền thoại của Đinh Bộ Lĩnh là đã tỏ ra anh hùng và độc đáo ngay từ thời thơ ấu. Ông mồ côi cha từ nhỏ, ở với chú và chăn trâu cho chú, ông bắt những đứa trẻ chăn trâu khác tôn mình làm minh chủ, bắt chúng làm kiểu rước mình như vua, tổ chức chúng thành quân đội lấy lau làm cờ rồi đi đánh nhau với trẻ con các làng khác. Có lần thắng trận, ông giết trâu của chú khao quân. Nếu chỉ có thế thì Đinh Bộ Lĩnh chỉ là một đứa trẻ ngỗ nghịch và vô giáo dục, nhưng sau này Đinh Bộ Lĩnh diệt các sứ quân, gom thâu đất nước và lên làm vua nên những hành động ngang ngược của ông thời thơ ấu được coi là biểu hiểu của chí lớn. Đinh Bộ Lĩnh trở thành thần tượng của thiếu nhi Việt nam. Tội nghiệp cho thiếu nhi Việt nam, một mặt người ta dạy chúng ngưỡng mộ Đinh Bộ Lĩnh nhưng, mặt khác nếu chúng thực sự làm nhưng gì Đinh Bộ Lĩnh đã làm (ăn hiếp bè bạn, lập đảng đánh nhau, phá tài sản) thì chác chắn chúng sẽ bị ăn đòn, mà ăn đòn không oan chút nào vì thực ra đó chỉ là hành động của một đứa trẻ hư hỏng.
Một lần nữa chúng ta thấy rõ sự nghèo nàn về tư tưởng của người Việt. Chúng ta không suy luận và phê phán mà chỉ biết tâng bốc kẻ thắng. Hễ kẻ nào đã thành công và trở thành chúa tể thì những hành động của kẻ đó, dù xằng bậy đến đâu cũng được bào chữa và đánh bóng để đưa lên làm mẫu mực cho thời đại và cho đời sau. Chúng ta viết sử một cách không đứng đắn và chúng ta cũng đọc sử một cách không đứng đắn.

Bài hát Hoa Lư mà các thầy cô tôi dạy tôi ở trường tiểu học bắt đầu bằng câu: Ta cùng nhau đi thăm nơi hùng xưa... và kết thúc bằng câu ca tụng Đinh Bộ Lĩnh là đấng anh hùng vì nước quên mình. Thực ra Đinh Bộ Lĩnh chẳng bao giờ quên mình cả. Trái lại ông luôn luôn chỉ biết có mình thôi. Ông bất chấp tất cả, ông chỉ biết tham vọng quyền lực và thể vui của riêng mình. Lúc nhỏ ông ở với chú, lập băng đảng đánh lộn và phá tài sản của chú. Lớn lên ông đi làm giặc rất sớm vì theo sử chép ông theo sứ quân Trần Lãm, được Trần Lãm tin dùng và gả con gái cho, rồi lên thay Trần Lãm làm sứ quân khi Trần Lãm chết, sau đó rời bản doanh từ Thái Bình về Hoa Lư. Vậy mà năm 951, mới 26 tuổi, ông đã lừng lẫy ở Hoa Lư đến nỗi hai ông vua nhà Ngô (Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn, con Ngô Quyền) phải thân chinh đi đánh mà không được. Đúng là một tay anh chị, lúc bé thì du côn, lớn lên đi làm giặc. Và việc làm giặc chống nhà Ngô này là hoàn toàn vô đạo vì anh em nhà Ngô rất chính đáng, cha họ là Ngô Quyền có công đánh bại quân xâm lược Nam Hán, chính thức xác nhận nền độc lập dân tộc, hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn đều là những người nhân nghĩa. Nhưng Đinh Bộ Lĩnh táo bạo và đánh trận giỏi. Nhờ vậy ông đã diệt được mọi sứ quân và cả nhà Ngô, gom thâu lãnh thổ nước ta rồi lên ngôi hoàng đế. Sử sách ca tụng Đinh Bộ Lĩnh có công dẹp loạn sứ quân mà quên rằng chính ông cũng gây ra loạn sứ quân.

Nhiều người cho rằng việc xưng đế của Đinh Bộ Lĩnh, tức vua Đinh Tiên Hoàng, tương đương với một tuyên ngôn độc lập. Trên thực tế nước ta đã dần dần hình thành trong hơn mười thế kỷ Bắc thuộc. Nhờ những đóng góp về dân số và văn hóa từ phương Bắc và những cố gắng khai mở của các quan cai trị nặng tình với quê hương mói như Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp, một xã hội văn minh mới đã dần dần hình thành tại đồng bằng sông Hồng. Vách núi hiểm trở ngăn cách đã khiến sự đi lại giữa Giao Châu và Trung Quốc còn khó khăn hơn đường biển. Xã hội Giao Châu ngày càng phát triển và ngày càng khác với xã hội Trung Quốc. Giao Châu là một xã hội Phật Giáo trong khi Trung Quốc là một xã hội Khổng Giáo. Sự thống trị của Trung Quốc yếu dần đi, để rồi tới một lúc không còn duy trì được nữa. Năm 906, guồng máy cai trị của Trung Quốc tại Giao Châu tự nó sụp đổ. Trung Quốc loạn lạc, quan cai trị bỏ về nước, người Giao Châu tôn một hào kiệt bản xứ là Khúc Thừa Dụ lên thay, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc và mở đầu kỷ nguyên tự chủ.

Cần lưu ý là nền độc lập của nước ta đã đến một cách tự nhiên như là sự chín muồi của tiến trình hình thành của một xã hội mới chứ không phải do ý chí muốn độc lập và chống lại Trung Quốc. Ba đời họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ) và cả Dương Đình Nghệ sau đó, dù tự lập nên và chống với quân xâm lăng phương Bắc vẫn chỉ xưng là tiết độ sứ, một chức quan do Trung Quốc lập ra để cai trị Giao Châu. ý thức quốc gia của chúng ta tiến chậm hơn thực tại xã hội, địa lý và nhân văn. Ngô Quyền sau khi thắng được quân Nam Hán đã xưng vương, chính thức xác nhận nền độc lập. Hành động có ý nghĩa lịch sử trọng đại này hình như đã không được ghi nhận một cách phấn khởi, nên ngay sau khi Ngô Quyền qua đời hào kiệt khắp nơi đã thi nhau xưng hùng xưng bá. Sự triệt thoái của Trung Quốc đã tạo ra một khoảng trống quyền lực tại Giao Châu cho các thủ lãnh địa phương. Đinh Bộ Lĩnh là một trong những thủ lãnh này. Việc ông nổi loạn chỉ là do tham vọng cá nhân chứ không phải là để chống lại một chính quyền bất chính. Đinh Bộ Lĩnh đã thắng được không phải vì có chính nghĩa, trái lại ông đã chống lại một chính quyền rất có chính nghĩa, mà chỉ vì ông đánh trận giỏi. Việc ông xưng đế cũng chỉ nằm trong một tiến trình độc lập tự nhiên sau họ Khúc, họ Dương và họ Ngô mà thôi. Nhưng nếu Đinh Bộ Lĩnh là một tướng giỏi thì Đinh Tiên Hoàng lại chỉ là một ông vua tồi và bạo ngược. Ông không làm được điều gì ích quốc lợi dân trong mười ba năm cầm quyền (967-980). Ông bày ra nhưng trò gớm ghiếc: lập vạc dầu để luộc người, dựng cột đồng nung đỏ để nướng người, nuôi hỗ báo để xé xác phạm nhân, chặt chân tay, cắt tai, mũi, v.v... Ông cũng hoang dâm vô dộ, bỏ con trưởng lập con thứ một cách bất công để đến nỗi các con ông giết nhau. Cuối cùng ông bị phản thần giết chết giữa lúc đang say rượu nằm ngủ. Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đem sự hung bạo vào chính trị nước ta, trước đó xã hội ta là một xã hội Phật Giáo lấy sự hiền hòa làm nền tảng. Ông cũng là người khởi xướng ra một cách ứng xử chính trị mới, đó là dùng nội chiến để tiêu diệt lẫn nhau thay vì giải quyết những quan hệ quyền lực qua thỏa hiệp và hợp tác. Nước Việt nam vừa tự chủ, như một đưa trẻ sơ sinh, đã bị tiêm những độc tố kinh khủng.

Đinh Tiên Hoàng, một cách vô tình, cũng còn khai sinh ra một chủ trương chính trị khác tại Việt nam, đó là quan điểm nhà nước tập trung và toàn quyền. Việc ông gom thâu các sứ quân khác đã được tôn vinh triệt để, đã khiến sự tập trung mọi quyền lực quốc gia về một mối trở thành một lẽ dĩ nhiên trong tâm lý tập thể của chúng ta, và đã khai sinh ra cả một phản xạ tập trung mà các diễn biến lịch sử sau này tăng cường thêm. Họ Trịnh đã coi việc cất quân đánh họ Nguyễn ở phương Nam là giải pháp duy nhất. Nguyễn Huệ cất quân diệt họ Trịnh và đánh cả ông anh là Nguyễn Nhạc. Hồ Chí Minh và đảng cộng sản quyết tâm đánh gục chế độ Việt nam Cộng Hòa ở miền Nam cho dù sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhiều thành phố có thể bị tiêu diệt. Gần đây khi nhóm Thông Luận đưa ra chủ trương tản quyền và địa phương tự quân (không nên sợ những từ ngữ, đó quả thực là một chủ trương gần giống với một chế độ liên bang) thì ngay trong nội bộ đã có những tiếng nói rất thành thực bày tỏ mối lo đất nước bị đưa vào tình trạng thập nhị sứ quân, nghĩa là tan rã.

Nhưng có những hiển nhiên không đúng chút nào nếu ta quan sát và suy luận một cách bình tĩnh.

Trung Quốc từ lúc hình thành đã tiến những bước vĩ đại cả về kỹ thuật lẫn tư tưởng cho đến thời Đông Chu Liệt Quốc dưới chế độ phong kiến tản quyền, và đã dẫm chân tại chỗ trong hơn hai ngàn năm sau, từ nhà Tần trở đi, dưới chế độ quân chủ tập trung. Hoa Kỳ đã chỉ biết có chế độ liên bang và đã trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới chỉ sau một trăm năm lập quốc. Cộng Hòa Liên Bang Đức đã hơn hẳn các nước châu Âu khác. Liên Bang Xô viết đã thất bại nhưng nó chỉ là một liên bang giả hiệu, mọi quyền hành, kế cả quyền sinh sát tuỳ tiện, tập trung vào một điện Kremlin. Nước Pháp tập trung đang vùng vẫy từ nhiều thập niên để tản quyền. Chế độ tản quyền hơn hẳn chế độ tập quyền. Không phải là một ngẫu nhiên mà nó đang là phương thức mọi quốc gia hướng tới.. Điều cần được đặc biệt lưu ý là nó cũng là giải pháp cho những quốc gia tụt hậu và thiếu dân chủ.

Trước hết nó là một đảm bảo cho dân chủ. Các vùng tự quản dĩ nhiên không thể có chế độ độc tài vì thẩm quyền của chính quyền địa phương chỉ là điều hành các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội trong khuôn khó của luật pháp quốc gia. Ngược lại, chính quyền trung ương cũng không thể độc tài vì phần lớn sinh hoạt quốc gia nam trong tay các chính quyền vùng hay tiểu bằng. Trung ương và địa phương kiểm soát lẫn nhau với kết quả sau cùng là mọi bên đều phải khiêm tốn và chừng mực. Một chính quyền địa phương tồi dở không thể cấm đoán bầu cử tự do và cũng không thể gian lận bầu cử mà không bị chính quyền trung ương chế tài tức khắc. Ngược lại, một chính quyền trung ương không được nhân dân tín nhiệm cũng chắc chắn bị thay thế vì không thể khống chế được dân chúng, dân chúng tùy thuộc các chính quyền vùng nhiều hơn chính quyền trung ương. Sinh hoạt chính trị chỉ có thể là dân chủ. Hơn nữa mọi âm mưu đảo chính đều vô vọng. Một viên tưởng nếu điên rồ đảo chính và lật dỗ được chính quyền trung ương sẽ bị bó tay sau đó trước các chính quyền địa phương tự trị và sẽ may mắn lắm nếu tìm được máy bay để kịp thời tẩu thoát. Tản quyền đem dân chủ tới mọi nơi và mọi người qua các cuộc tranh luận và tranh cử địa phương. Trong một nước chưa có truyền thống dân chủ, một chính quyền tập trung ngay cả có thiện chí cũng có thể chỉ thực hiện được dân chủ đối với một thiểu số trí thức ở thủ đó.

Tản quyền có lợi cho mọi sinh hoạt, đặc biệt là những sinh hoạt kinh tế. Nó tránh được những đường dây hành chánh dài và phức tạp, tiết kiệm được thì giờ và phí tổn; nó kích thích văn hóa và báo chí địa phương, nó cho phép mỗi địa phương chọn lựa phương thức sinh hoạt phù hợp nhất với đặc tính và điều kiện của mình, đồng thời lấy những quyết định nhanh chóng. Các vùng nghèo khó sẽ có được một chính quyền riêng dành tất cả ưu tư cho vùng thay vì phải chờ đợi, và thường thường bị quên lãng, ở một chính quyền trung ương bận rộn với những vấn đề dồn dập của những vùng đã phát triển và hoạt động mạnh, như chúng ta đã thấy hiện nay chính quyền Việt nam dành hết thì giờ giải quyết những vấn đề của Sài gòn và Hà nội. Không ai báo động một cách thành tâm và chính xác những khó khăn của một vùng bằng chính quyền vùng. Một chính quyền địa phương tự quản vừa có khả năng tự giải quyết một số khó khăn, vừa có khả năng động viên cử tri vùng làm áp lực buộc chính quyền trung ương phải quan tâm đến những khó khăn ngoài tầm tay của chính quyền vùng.

Tản quyền đóng góp một cách quyết định vào sự ổn vững của quốc gia. Nó khoanh vùng nhiều vấn đề và tránh cho quốc gia nhiều khủng hoảng đáng lẽ chỉ xảy ra trong một vùng, đối với chính quyền vùng. Hơn nữa, nó còn giúp cho quốc gia có thể thực hiện những cải tổ lớn mà không rơi vào hỗn loạn.

Tôi sinh sống nhiều năm tại Pháp để nhận xét điều đó. Nước Pháp có một tổ chức giáo dục mà mọi người đều nhận định là lỗi thời và cần cải tổ, nhưng hễ chính phủ nào cải tổ giáo dục là sẽ bị đánh đổ nhanh chóng, lý do là vì cải tổ nào cũng đụng chạm tới quyền lợi của một loại người và bị chống đối. Người ta có thể đồng ý trên 90% nhưng biện pháp cải tổ nhưng bất mãn với 10% còn lại và như thế là đủ để xuống đường phản đối. Điều nhức nhối là đòi hỏi của số 10% không đồng ý lại thay đổi tùy thành phần; sửa đổi để vừa ý thành phần này thì lại gây phẫn nộ thêm cho nhiều thành phần khác. Nguyên nhân là chính quyền Pháp tập trung, hệ thống giáo dục áp dụng cho cả nước, cho nên mọi kế hoạch cải tổ đều bị phải được cả nước chấp nhận trong khi các vùng và các thành phần xã hội có những quyền lợi khác nhau. Vấn đề cải tổ giáo dục vẫn còn nguyên vẹn dù đã làm gãy đỗ sự nghiệp của nhiều vị thủ tướng (kể cả đương kim tông thống Jacques Chirac lúc ông còn là thủ tướng, may mà sau một thời gian ông gượng dậy được). Chúng ta hãy tưởng tượng tình hình sẽ ra sao nếu nước Pháp là một nước tản quyền thay vì tập trung? Vấn đề cải tổ giáo dục sẽ thuộc quyền của các chính quyền địa phương thay vì thuộc chính quyền trung ương và sẽ thực hiện tại từng địa phương, ở những thời điểm khác nhau, thay vì cùng một lúc trên cả nước. Các phản đối cải tổ nếu có, cũng sẽ chỉ ở mức độ địa phương và chính quyền địa phương sẽ được sự hỗ trợ của đại đa số dư luận trong nước (vì 90% những biện pháp cải tổ là đúng và những người ngoài vùng sẽ chỉ nhìn thấy sự đúng đắn của kế hoạch cải tổ chứ không bị đụng chạm về quyền lợi), các phản đối sẽ giảm hẳn đi cường độ. Tóm lại, cùng lắm sẽ chỉ có xung đột nhỏ ở cấp địa phương mà thôi, cuộc cải tổ sẽ thực hiện được, sẽ được lấy làm mẫu mực cho các vùng khác. Nhưng thực ra có tất cả mọi triển vọng là sẽ không có xung đột nào cả, bởi vì nguyên nhân đưa tới nhu cầu cải tổ lớn chính là vì hệ thống giáo dục tập trung quá kềnh càng (Pháp có tới hơn một triệu công chức riêng trong ngành giáo dục) nên khó cải tổ, do đó nhiều điều đáng lẽ phải sửa đổi đã không được sửa đổi, dần dần tích lũy lại thành quá lớn và đòi hỏi một cải tổ sâu rộng. Tương tự như vấn đề giáo dục, nước Pháp còn ba cuộc cải tổ lớn nữa cần phải làm là nông nghiệp, hệ thống an sinh xã hội và hệ thống vận chuyển công cộng. Ba vấn đề cùng một lý do hiện hữu: tập trung, và cùng một lý do bế tắc: tập trung. Trong một nước tản quyền, phần lớn những vấn đề kinh tế, xã hội đặt ra ở từng địa phương và ở những thời điểm khác nhau. Mỗi địa phương là một thí điểm cho một sáng kiến giải quyết và là một kinh nghiệm cho các địa phương khác. Tổ chức tản quyền như vậy giúp quốc gia tiến tới trong sự ổn vững. Một ưu điểm vô cùng quan trọng khác của tản quyền là nó làm giảm bớt xung đột đảng phái, bảo đảm hòa hợp dân tộc và văn minh hóa sinh hoạt chính trị. Một chính đảng có thể cầm quyền ở cấp trung ương nhưng lại là đối lập trong nhiều vùng. Ngược lại các đảng đối lập có thể cầm quyền ở một sổ địa phương. Xung khắc chính quyền - đối lập sẽ bớt hẳn sự gay gắt. Trong hoàn cảnh hiện nay của Việt nam, tản quyền giúp chúng ta chấm dứt tâm lý tồi tệ được làm vua (và lộng hành), thua làm giặc (và phá hoại)!. Đó là một giải đáp cho yêu cầu hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Tản quyền còn một đóng góp quan trọng khác, đó là bảo đảm một chính quyên trung ương tài giỏi, vì tất nhiên đa số những người cầm quyền ở cấp trung ương đều đã trải qua giai đoạn đầu của sự nghiệp chính trị trong các chính quyền vùng và khả năng đã được kiểm chứng.

Tản quyền cũng là một trong những thành tố căn bản của dân chủ đa nguyên, nó cho phép các khuynh hướng chính trị, các sắc tộc và tôn giáo thiều số có được một trọng lượng đáng kể tại những vùng mà họ hiện diện đông đảo, do đó nó làm dịu bớt những tâm trạng bất mãn và những ý đồ ly khai.

Tóm lại, tản quyền có tất cả mọi phúc lợi. Nhưng muốn tản quyền có nội dung và lác dụng mong muốn của nó, tản quyền phải hội đủ hai điều kiện: một là mỗi vùng phải có khả năng tồn tại và phát triển được, hai là tản quyền không khuyến khích những ý đồ ly khai.

─ Điều kiện thứ nhất đòi hỏi mỗi vùng phải có diện tích, dân số, tài nguyên hay điều kiện n địa lý tương đối đủ. Nước ta hiện có gần 80 triệu dân (hy vọng là dân số rồi sẽ ấn định ở mức 100 triệu), chúng ta có thể chia làm từ mười đến mười lăm vùng (và tại sao không mười hai?), mỗi vùng với dân số từ năm tới mười triệu người. Để tránh những phiền toái về hộ tịch, mỗi vùng sẽ là sự kết hợp của một số tỉnh hiện nay. Các vùng sẽ có một nghị viện, một chính quyền dân cử và một guồng máy hành chánh riêng. ở đơn vị tỉnh, ta có thể hình dung một hội đồng tỉnh do dân bầu ra và một tỉnh trưởng xuất phát từ hội đồng tỉnh, trong khi guồng máy hành chánh vãn là một bộ phân của guồng máy hành chánh vùng.

Điều kiện thứ hai đòi hỏi giới hạn rõ ràng thẩm quyền của chính quyền vùng. Các vùng dĩ nhiên không được quyền có quân đội số cảnh sát vùng cũng phải nằm trong một tỷ lệ nào đó so với số cảnh sát trung ương có mặt trong vùng, thí dụ 1- 1; luật pháp của vùng không được mâu thuẫn với luật pháp trung ương.

Các vùng không có tiền tệ riêng, không được có đại diện ngoại giao, không được quyền ký hiệp ước với nước ngoài, không được làm chủ các công ty có mục đích kinh doanh, không được tổ chức nhưng cuộc trưng cầu dân ý có nội dung chính trị. Các vùng cũng không được ký kết các hiệp ước với nhau. Với tất cả những giới hạn trên đây chúng ta không cần lo ngại một âm mưu ly khai nào; ngược lại, những giới hạn này không hề làm suy giảm thẩm quyền văn hóa, kinh tế và xã hội nào của vùng.

Hiện nay đất nước ta tuy thống nhất về mặt hành chánh nhưng vẫn còn rất chia rẽ trong lòng người, chia rẽ vì quá khứ chính trị, chia rè về tôn giáo, sắc tộc, v.v... nhưng nặng nề nhất là chia rè Bắc- Nam. Với sự phân vùng và tản quyền như trên, mối chia rẽ Bắc- Nam sẽ không còn nữa, bởi vì sẽ không còn miền Bắc, miền Nam mà sè chỉ còn vùng này và vùng nọ. Các sắc tộc ít người sẽ có trọng lượng lớn lại các vùng thượng du miền Bắc và cao nguyên miền Trung, đồng bào gốc Khmer sẽ có tiếng nói đáng kể ở miền Tây Nam phần. Các tín đò Cao Đài, Hòa Hảo sẽ có một chỗ đứng quan trọng ở các tỉnh Tây Ninh và Long Xuyên. Tinh thần địa phương là bước đầu của tinh thần quốc gia dân tộc nếu được phép phát huy một cách tự nhiên. Khi các địa phương được phát triển tự nhiên, họ sẽ không còn cảm thấy muốn ly khai nữa. Vả lại, đà tiến hóa của thế giới hiện nay là kết hợp chứ không phải ly khai. Các nước châu Âu đang kết hợp thành Liên Hiệp Châu Âu, các nước Bắc Mỹ và Nam Mỹ cùng đang cố gắng kết hợp thành khối. Cộng đồng nào, địa phương nào cũng muốn được hội nhập trong một thực thể lớn hon. Trừ khi nhà nước là xiềng xích, bạo ngược, khống chế và bóc lột, không ai muốn ly khai.. Chúng ta nên sợ độc tài, bạo ngược chứ không nên sơ tản quyền. ám ảnh thập nhị sứ quân không còn lý do tồn lại.
Trong một cuộc thảo luận có người bạn đã chất vấn tôi: Lòng người đã phân hóa như thế này, anh còn đòi tản quyền để chia cắt lãnh thổ, anh muốn đỗ dầu vào lửa hay sao?. Tôi đã trả lời: Không. Tản quyền không làm đất nước tan vỡ, trái lại nó khiến cho đất nước được quản trị một cách hợp lý hơn và thông minh hơn, nó cũng góp phần hòa giải người Việt với đất nước mình vì nó xoa dịu những bực bội. Tản quyền không phải là đỗ dầu vào lửa mà là đem nước chữa cháy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét