Nguyễn Gia Kiểng 032

Quốc gia, nhà nước và dân chủ

  Như định nghĩa trên đây thì quốc gia là trên hết. Nhà nước tuy là đại diện toàn quyền nhưng cũng chỉ là công cụ của quốc gia với sứ mệnh phục vụ quốc gia. Như vậy dứt khoát nhà nước phải ở trong và ở dưới quốc gia. Nhưng đây chỉ là lý luận trọng tinh thần dân chủ. Trên thực té tùy ở bản chất của nhà nước mà nó cao hơn hay thấp hơn quốc gia.

Trong các chế độ quân chủ chuyên chính trước đây, chỉ có chính quyền của vua và những thần dân sống trên đất của vua chứ không có quốc gia đúng nghĩa. Nhà nước là tất cả và tất cả nhà nước qui vào vua.

Trong các chế độ độc tài, nhà nước định đoạt một cách tùy tiện. Nhà nước ban hành luật lệ nhưng lại không bị ràng buộc bởi chính các luật lệ đó. Vai trò của người dân hoặc bị phủ nhận (như trong các chế độ độc tài quân phiệt), hoặc bị thoán đoạt (như trong các chế độ cộng sản). Không làm gì có sự chia sẻ tự nguyện một tương lai chung, chỉ có một ước vọng chung là tự do và dân chủ, nhưng đó là một dự án tương lai chung bị cấm đoán. Nhà nước khống chế và ở trên quốc gia. Quốc gia, nếu có, cũng chỉ ở tình trạng thoi thóp.

Điều cần lưu ý là ngay trong các chế độ được coi là dân chủ chân chính như nước Pháp, tương quan giữa nhà nước và quốc gia cũng chưa rõ rệt. Các nhà tư tưởng chính trị Pháp vẫn còn đang đồng ý trên một điểm quan trọng, và trầm trọng, là vấn đề của nước Pháp vẫn còn là giảm nhẹ nhà nước xuống cho ngang hàng với quốc gia (réduction de l état à la Nation). Nhà nước Pháp vẫn chưa thực sự dân chủ, bởi vì nó vẫn còn quá nặng, quá lớn, quá tập trung và bởi vì quyền hành của tổng thống Pháp vẫn còn quá áp đảo. Chế độ tổng thống cộng với nhà nước tập trung đưa đến một chế độ có thể gọi là quân chủ cộng hòa, trong đó nhà nước ở trên quốc gia và áp đảo quốc gia. Kết luận này của các nhà tư tưởng Pháp thực đáng suy ngẫm.

Dân chủ thực sự chỉ đến khi nhà nước ở trong và ở dưới quốc gia với sứ mạng phục vụ quốc gia, có vai trò tạo điều kiện lý tưởng nhất để mọi người chia sẻ, hưởng ứng và cùng nhau xây dựng một tương lai chung. Nó phải nhẹ, phải tản quyền, phải kính trọng mọi người và liên tục mưu tìm đồng thuận của mọi người. Nói một cách khác, nó phải đa nguyên. Dân chủ thực sự là dân chủ đa nguyên. Đó là chế độ tương lai của loài người tiến bộ.

Đất nước ta

Tất cả phần trên chỉ là một sự ghi chép với đôi chút chủ quan, chẳng hạn như sự nhấn mạnh trên tầm quan trọng của một dự án tương lai chung trong định nghĩa quốc gia. Mong các vị học giả châm chước cho về một sự tóm lược quá đáng trên những khái niệm tư chúng vốn đã rất tế nhị mà lại còn bị ngôn ngữ chính trị thông thường làm mờ tối thêm. Sau lời cáo lỗi thành thực đó, tôi cũng xin được có một ý kiến cá nhân về đất nước mình.

Sự phát minh ra khái niệm quốc gia (và nhà nước hiện đại dựa trên đồng thuận dân tộc mà nó đi kèm) đã là phát minh trọng đại nhất từ xưa đến nay của loài người. Nó đã được quan niệm như là một không gian liên đới của một cố gắng chung. Nó đã tạo ra sức mạnh của các nước phương Tây. Nhưng ngày nay các quốc gia tiên tiến đã đạt đến một mức độ phát triển ở đó sự cần thiết của quốc gia không còn là tuyệt đối nữa. Họ đang xét lại ý niệm quốc gia trong ý định đi một bước tiến xa hơn nửa.

Những khái niệm quốc gia đã rất cần thiết và có ích cho một giai đoạn phát triển. Thảm kịch của chúng ta là chúng ta còn đang ở một giai đoạn phát triển rất cần quốc gia, nhưng chúng ta chưa hình thành nổi một quốc gia vào lúc ý niệm này đã sắp sửa bị vượt qua. Như vậy chúng ta vừa phải xây dựng một quốc gia vừa phải đúng hẹn với trào lưu tiến bộ của thế giới.

Công việc đã khó lại càng khó hơn vì phải nói người Việt chúng ta có rất ít suy tư về quốc gia và dân tộc. Chúng ta có lẽ là dân tộc duy nhất trên thế giới này gọi quốc gia là nước. Đối với chúng ta, quốc gia ván chỉ giản dị là nước, là đất nước, là sông núi, quanh quẩn vẫn là đất và nước, những yếu tố hoàn toàn vật chất và địa lý. Điều này tố giác rõ rệt sự thiếu vắng của một tư tưởng chính trị và một suy tư về quốc gia. Do đó tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của chúng ta dĩ nhiên là rất yếu. Chính vì lòng yêu nước của chúng ta quá yếu mà chúng ta vần chưa hình thành được một lực lượng dân tộc dân chủ có tầm vóc để chấp nhận thách đố của một đảng cầm quyền đã đưa đất nước từ đỗ vỡ này đến thảm kịch khác. Đừng chạy trốn sự thực, có hiểu được bệnh của mình mới có hy vọng lành bệnh.

Người Việt nam chúng ta rất cần một quốc gia, như là một không gian liên đới của một cố gắng chung, để nhờ đó cùng nhau vươn lên tới một cuộc sống phồn vinh và đáng tự hào. Và trong thế kỷ 21, với nhân quyền và dân chủ được coi như những giá trị cơ bản và phổ cập, sẽ chỉ tồn tại được những quốc gia không những được định nghĩa như một không gian liên đới, một tình cảm và một lương lai chung, mà còn phải thành công trong việc đem lại phúc lợi và niềm tự hào cho người dân. Nói một cách khác, những quốc gia thực sự dân chủ, đa nguyên và được quản lý một cách thông minh. Các quốc gia khác sẽ tan vỡ.
Hiện nay chúng ta chỉ có một chế đô độc tài, quản lý đất nước một cách tồi dở, với một dự án tương lai mà nhà nước áp đặt nhưng bị toàn dân khước từ là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự tồn vong của đất nước ta đang bị đe dọa nặng nề, không phải vì một ngoại bang nào dòm ngó xâm chiếm mà vì bị tụt hậu nhục nhã giữa trào lưu tiến bộ mãnh liệt của thế giới và vì, hơn thế nữa, dưới mắt người dân, quốc gia là một gánh nặng chứ không phải một chỗ dựa.
Chúng ta phải có dân chủ và phải có dân chủ thật mau chóng; đấu tranh cho dân chủ là tên gọi mới của cuộc đấu tranh giữ nước. Chúng ta phải tiến và phải tiến nhanh, nghĩa là phải vượt lên trên mọi hận thù, chia rẽ và ngờ vực để động viên được mọi khối óc, mọi trái tim và mọi bàn tay Việt nam trong một cố gắng chung; hòa giải và hòa hợp dân tộc là tiếng kêu cứu khẩn cấp của tổ quốc lâm nguy.

Vài vấn đề về dân chủ

Trong những trang trước, khi bàn về phát triển cũng như về những khái niệm quốc gia, dân tộc, chúng ta đã đề cập tới dân chủ. Dân tộc ta đã là nạn nhân của sự thiếu vắng dân chủ nhưng lại chưa thực sự ý thức được sự cần thiết của nó. Điều đáng ngạc nhiên là ít ai ngạc nhiên về sự nghịch lý này, kể cả đa số trí thức. Cần nhấn mạnh trạng từ thực sự vì quả nhiên đại đa số người Việt, nếu không muốn nói là tất cả, muốn có dân chủ, nhưng đó chỉ là một ý muốn bàng bạc thôi. Nếu đem dân chủ cho không thì chúng ta vui vẻ chấp nhận, nhưng nếu phải trả một giá nào đó thì rất ít người sẵn sàng, dù cái giá đó vào thời điểm này chỉ rất vừa phải. Chúng ta chưa có dân chủ vì chúng ta chưa thực sự tin tưởng vào sự cần thiết của nó. Chúng ta chưa thấy nó quan trọng cho đời sống của chính chúng ta. Nếu chúng ta thực sự muôn dân chủ chúng ta sẽ có dân chủ. Khi ngồi viết những dòng này, vào cuối năm 2000, tôi phải nhìn nhận một điều: chế độ cộng sản hiện nay dưới con mắt của một quan sát viên quốc tế khách quan không phải là một chế độ hung bạo. Độc tài, ngoan cố, lì lợm, gian trá thì đúng, nhưng đàn áp đối lập dân chủ một cách hung bạo thì không. Từ tháng Giêng 1996 đến nay, họ đã chỉ bắt giam một trí thức đối lập, Nguyễn Thanh Giang trong vòng hai tháng, quản chế và sách nhiễu bốn người, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự và Mai Thái Lĩnh, và cắt điện thoại của khoảng hai mươi người. Theo tiêu chuẩn quốc tế đó không phải là một chính sách đàn áp dã man. Sự dã man đã có trước đây: chỉ vì phát biểu lập trường của mình mà Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Đình Huy, Lê Công Minh, Đinh Thế Vinh, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thái và hàng trăm người khác đã bị xử những bản án rất nặng nề, chung thân, hai mươi năm tù, v.v... Nhiều người dân chủ khác như Phạm Quang Cảnh, Trần Thanh Đình, v.v... đã bị xử tử Nhưng ngày nay sự hung bạo đã giảm rất nhiều. Chế độ cộng sản đã nhượng bộ trước dư luận thế giới hay họ đã chỉ nhận ra là phong trào dân chủ không nguy hiểm? Đó còn là một câu hỏi, nhưng thực tế là hiện nay phong trào dân chủ yếu vì nó thực sự yếu chứ không phải vì bị đàn áp thẳng tay, và nó yếu vì ý thức dân chủ của chúng ta không mạnh.

Ý thức về dân chủ của người Việt nam yếu kém là một điều không thể chói cãi. Tôi rủ một trí thức rất có trình độ và thiện chí tham gia vận động dân chủ và được trả lời là anh không thích chính trị, anh chỉ dồn hết cố gắng để tranh đấu cho nhân quyền. Trong cách suy nghĩ của anh, tranh đấu cho nhân quyền là điều trong sạch, gần như một công tác từ thiện, trong khi đấu tranh cho dân chủ là làm chính trị với tất cả những phức tạp và xấu xa như thủ đoạn, lòng tham, v.v... Một trí thức từ trong nước ra nói với tôi rằng người trong nước (ý anh ta muốn nói trí thức trong nước) chỉ quan tâm tới những vấn đề cụ thể như công ăn việc làm thôi, còn dân chủ thì ít ai nghĩ tới vì không thực tiễn.

Vậy vấn đề dầu tiên cần được đặt ra là dân chủ là gì? Tôi xin đưa một định nghĩa ngắn gọn, hiểu được cho mọi người và cũng được mọi người chấp nhận, dù các học giả uyên thâm có thể nghi là chưa đầy đủ: dân chủ là một cách tổ chức xã hội, nói khác đi một chế độ chính trị, trong đó các quyền tự do ngôn luận và báo chí, tự do thành lập và gia nhập các tổ chức, tự do bầu cử và ứng cử được tôn trọng.

Tất cả tự do này, và nhiều quyền tự do khác nữa, được qui định rô ràng trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân Quyền năm 1948 (và được Liên Hiệp Quốc đưa vào hiến chương). Như vậy bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân Quyền cũng là bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Dân Chủ. Phân biệt nhân quyền và dân chủ là sai. Nhân quyền và dân chủ chỉ là hai cách nhìn của cùng một vấn đề. Nhân quyền là dân chủ dưới gốc nhìn cá nhân, dân chủ là nhân quyền dưới gốc nhìn quốc gia.

Đã là một cách tổ chức thì về phương diện triết lý dân chủ chỉ là một phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh là làm thế nào để con người ngày một tự do hơn và sung túc hơn. Nói một cách huỵch toẹt thì cứu cánh là vừa có tự do vừa có tiền. Nếu có một phương thức nào khác cho phép đạt tới một mức độ tự do lớn hơn và một mức sống sung mãn lớn hơn thì ta không bắt buộc phải chọn dân chủ. Nhưng dân chủ là kết quả của kinh nghiệm nhiều ngàn năm dò dẫm của loài người. Churchill đã nói một câu châm biếm bất hủ rằng dân chủ là chế độ chính trị dở nhất, trừ khi ta so sánh nó với mọi chế độ chính trị đã được biết tới. Cho tới nay dân chủ đã là chế độ chính trị duy nhất đem lại tự do và hạnh phúc, vậy thì cũng là một chọn lựa bắt buộc giữa nhưng chế độ chính trị đã được thử nghiệm. Một điều bắt buộc phải có mà ta chưa có cũng phải được coi như một mục đích giai đoạn trước khi nhìn xa hơn. ở thời điểm này chúng ta có quyền tiếp tục suy nghĩ về những phương thức khác hay hơn dân chủ để làm cho thế giới giàu đẹp và tự do hơn nhưng chúng ta không thể chấp nhận thái độ từ khước dân chủ, nhất là để ngoan cố duy trì một chế độ đã được thử nghiệm và đã thất bại.

Nhận định dân chủ chỉ là một phương tiện, hay một mục tiêu giai đoạn, là cần thiết cho chính cố gắng xây dựng dân chủ. Nếu ta coi tự do (và cái hệ quả đã được chứng minh của nó là phồn vinh) mới là cứu cánh thì chính quyền trước hết phải là một chính quyền tối thiểu đã. Chính quyền dân chủ, nghĩa là chính quyền tốt, cũng không bằng không có chính quyền nếu không thực sự cần thiết. Một chính quyền dù xuất phát từ những cuộc bầu cử tự do và lương thiện nhưng nếu can thiệp vào tất cả mọi địa hạt, qui định quá nhiều và đảm nhiệm quá nhiều sinh hoạt cũng là một chính quyền kềnh càng gây trở ngại cho người dân. ý thức rõ ràng rằng tự do mới là cứu cánh chúng ta sẽ hiểu rằng chính quyền tốt nhất là chính quyền nhẹ nhất và nguyên tắc tiên quyết của một nhà nước là những gì người dân có thể làm được nhà nước sẽ không làm.

Cũng cần ý thức rằng nền tảng của tự do là sự hiểu biết, quyền tự do cần bản nhất là quyền được thông tin đầy đủ. Tự do thực sự là tự do trong sự hiểu biết chứ không phải tự do trong sự u mê. Trong thánh kinh Thiên Chúa Giáo, thượng đế đã tạo ra Adam và Eva, hai người nhởn nhơ trong vườn địa đàng trong sự ngu dốt, họ chỉ thành những con người tự do sau khi Eva rủ chồng ăn trái cây hiểu biết. Thượng đế đã chỉ tạo ra hai động vật, Eva đã tạo ra loài người. Chúng ta đã nói, nhưng cần nhắc lại vì tầm quan trọng của nó, đặc tính đầu tiên của dân chủ là cho tới nay nó đã là thể chế duy nhất đem lại tự do và sung túc. Sự thực hiển nhiên này thực ra mới chỉ hoàn toàn sáng tỏ trước mắt mọi người từ hơn một thập niên nay sau khi phong trào cộng sản thế giới sụp đổ. Trước đó những thành quả ngoạn mục của các chế độ phát-xít Nhật, Đức, ý, rồi các chế độ cộng sản, nhất là Liên Xô, có lúc đã làm một só khá đông người tin rằng một chế dộ độc tài thông minh có thể đem lại một nhịp độ phát triển nhanh hơn. Thực ra những thành tích ngoạn mục của các chế độ độc tài, phát-xít và cộng sản, ngay cả khi có thực, cũng chỉ là những bịp bợm nếu được đồng hóa với phát triển kinh tế. Về bản chất đó là sự gia tăng của đầu ra (output) hậu quả của sự gia tăng của đầu vào (input). Cố gắng lớn hơn đã đưa tới kết quả lớn hơn chư không phải bộ máy đã hiệu lực hơn. Trong hầu như mọi trường hợp, cố gắng quá lớn về nhân lực và tài nguyên còn đưa tới sự kiệt quệ sau đó. Tần Thủy Hoàng đã xây được Vạn lý Trường Thành, các vua Ai Cập đã xây được những kim tự tháp chỉ nhờ áp đặt những hy sinh tàn bạo; chế độ Liên xô sau này đã bắn được nhiều vệ tinh vào không gian và chế ra hàng ngàn đầu đạn nguyên tử nhờ những đầu tư quá sức chịu đựng của Liên Xô. Tất cả những thành quả ấy đã được xây dựng trên máu và nước mắt và đã làm kiệt quệ tiềm năng quốc gia. Các chế độ bạo ngược chà đạp lên tự do đã đành nhưng cũng không đem lại phát triển. Phát triển là gia tăng đầu ra ở một tỷ lệ lớn hơn so với gia tăng của đầu vào, nghĩa là không những gia tăng đầu tư mà còn gia tăng năng suất nhờ một cách làm việc hay hơn.

Đặc tính quan trọng thứ hai của dân chủ là hầu như mọi suy tư lớn về dân chủ đã xuất hiện như một sự phản bác đối với chế độ đương hành. Platon, nhà tư tưởng dân chủ đầu tiên, thực ra đã lý luận về dân chủ để phản bác chế độ dân chủ sơ khai được hình thành một cách ngẫu nhiên tại Hy Lạp. Ông định nghĩa dân chủ như sau: Dân chủ đến sau khi những người nghèo lật đổ những người giàu, tàn sát một số, lưu đầy một số và giữ lại một số khác. Đó là chính quyền của người nghèo. Với một nhận định khinh bỉ như vậy dĩ nhiên Platon đề nghị một chế độ khác mà ông cho là lý tưởng hơn, đó là chế độ cộng hòa đặt dưới sự lãnh đạo của những hiền triết. Tuy phản bác dân chủ như nó xuất hiện vào thời điểm của ông, nhưng thực ra Platon đã đóng góp nhiều ý kiến quí báu cho dân chủ sau này. Các nhà tư tưởng dân chủ tại La Mã và tại châu Âu sau này cũng đã lên tiếng để phản bác các chế độ đương thời của họ. Những người đấu tranh cho dân chủ ở mọi nước hiện nay cũng không khác. Như vậy một nét đặc thù cần được ghi nhận của dân chủ là nó có sự năng động riêng của nó. Do bản chất phản bác của nó, dân chủ luôn luôn nhận ra và sửa đồi những sai lầm của chính nó. Nhờ khả năng tự phê phán và điều chỉnh đó, một mặt ta không lo các xã hội dân chủ sẽ thỏa mãn và dừng lại ở một lúc nào đó, nghĩa là sẽ không có sự chấm dứt của lịch sử như Francis Fukuyama tiên đoán, và mặt khác cũng không cần lo sợ sẽ có dân chủ quá độ.

Đặc tính quan trọng thứ ba của dân chủ là những cuộc tranh luận về dân chủ tự chúng đã rất có lợi cho xã hội. Thảo luận về dân chủ là thảo luận về công việc quốc gia, nhờ đó, một mặt, người dân hiểu được việc nước và cảm thấy gắn bó với đất nước, mặt khác, họ cũng qua đó mà hấp thụ được nhiều kiến thức mà họ khó có thể có một cách khác. Tôi xin dẫn chứng một kinh nghiệm mà cá nhân mình đã sống. Nhóm Thông Luận chúng tôi mặc dầu đại bộ phận là thành phần được gọi (hay bị gọi) là trí thức khoa bảng nhưng phần lớn là kỹ sư. Chúng tôi chỉ có rất ít chuyên viên về luật. Về luật hiến pháp chúng tôi lại càng thiếu. Năm 1995, để chuẩn bị cho việc tu chỉnh Dân Chính Trị dân Chủ Đa Nguyên 1996, chúng tôi quyết định thảo luận và biểu quyết một cách dân chủ việc đề nghị một định chế chính trị cho Việt nam trước các đại hội thành viên. Nhiều người cho đây là một quyết định liều lĩnh và phiêu lưu vì anh em phần đông có rất ít kiến thức về các định chế chính trị và có thể biểu quyết không đúng. Chúng tôi đã có rất nhiều cuộc thảo luận sôi nổi và chính nhờ những cuộc thảo luận này mà kiến thức chính trị trung bình của tổ chức cao hẳn lên. Phải hơn một năm sau chúng tôi mới đi đến đồng thuận nhưng sau đó tôi nhận xét là sự hiểu biết của nhiều bạn tôi về các định chế chính trị còn hơn cả một số vị mà trước đó chúng tôi coi là chuyên viên về hiến pháp. Tôi khám phá một cách thích thú một điều không ngờ là phúc lợi của dân chủ càng lớn khi quần chúng thiếu hiểu biết về chính trị. Chính khía cạnh mà nhiều người coi là tiêu cực của dân chủ, nghĩa là những cuộc thảo luận triền miền do sự thiếu hiểu biết, lại là khía cạnh tích cực nhất, bởi vì sau đó là một bước nhảy vọt của sự hiểu biết, và sự hiểu biết là nền tảng của tiến bộ.

Đặc tính thứ tư của dân chủ, đã được đề cập tới trong một chương trước nhưng vẫn cần nhắc lại, là nó là điều kiện không có không được để có thể nói tới quốc gia hay lòng yêu nước mọt cách đúng đắn. Khi đất nước đã bị chiếm đoạt làm của riêng dưới quyền định đoạt tùy tiện của một người hay một nhóm người thì dân chúng không còn lý do gì để phải lo âu cho đất nước cả. Lý do thật giản dị: đất nước đã là của riêng anh thì anh cứ lo liệu lấy một mình, tôi đã không có quyền thì cũng chẳng có bổn phận. Chưa kể là nếu anh chà đạp tôi thì tôi còn phá cho bõ ghét, không phá công khai được thì tôi cũng phá ngầm.
Các chế độ độc tài như vậy hủy diệt ý thức quốc gia và lòng yêu nước. Di sản độc hại nhất của các chế độ cộng sản chính là sự phá hoại này. Một thí dụ: ai cũng biết nước Nga ngày nay đang bị khủng hoảng tài chính rất nặng và hầu như không có lối thoát. Tuy nhiên rất ít người biết rằng đó là một cuộc khủng hoảng tài chính rất kỳ cục: nước Nga thiếu tiền trong khi vẫn xuất siêu (xuất cảng nhiều hơn nhập cảng) một cách liên tục và ở một mức độ rất cao. Trên nguyên tắc tình trạng đó phải đưa tới một sự dồi dào ngoại tệ, nhưng ngược lại ngân quỹ nhà nước Nga lại thiếu ngoại tệ một cách cực kỳ bi đát, ngân sách trống rỗng đến nỗi không trả được cả lương công chức. Đó là vì người Nga hoàn toàn không còn tinh thần trách nhiệm đối với quốc gia, họ coi trốn thuế và gian lận thuế như một môn thể thao lành mạnh. Những người có tiền thì cất giấu trong nhà hoặc tại các ngân hàng ngoại quốc. Nước Nga rộng lớn mênh mông như vậy nhưng cũng là một trong những nước mà môi trường bị hủy hoại trầm trọng nhất bởi vì người Nga thiếu tinh thần quốc gia và do đó hành xử một cách vô trách nhiệm.

Các chế dộ độc tài còn tạo ra một mối nguy khác là để chúng thường khơi dậy tinh thần dân tộc hẹp hòi, nghĩa là sự thù ghét người khác để thay thế cho lòng yêu nước, nghĩa là sự yêu mến và gắn bó với dân tộc và đất nước mình. Tinh thần dân tộc hẹp hòi này ngăn cản những hợp tác lành mạnh giữa các quốc gia và là mối đe dọa cho hòa bình.

Sau cùng, cần lưu ý đặc biệt là các chế độ cộng sản đã phản bội chính lý tưởng cộng sản. Trong cuộc thảo luận sôi nỗi về dân chủ ở thế kỷ 19, vấn đề trọng tâm là làm thế nào để thực hiện dân chủ. Những lý thuyết gia cộng sản tiên khởi, kể cả Karl Marx khi ông chưa bị lão hóa, không hề đặt lại nguyên tắc cơ bản của dân chủ (tự do ngôn luận, tự do thành lập và gia nhập các tổ chức, tự do bầu cử và ứng cử). Họ chỉ cố gắng tìm một phương thức để bảo đảm dân chủ thực sự, nghĩa là dân chủ cho những người nghèo khổ, chiếm đại đa số lúc đó. Lý luận của họ là những người nghèo và thiếu kiến thức sẽ không có khả năng, cả tinh thần lẫn vật chất, để sử dụng các quyền tự do mà họ được hưởng trên lý thuyết và như thế chính quyền cuối cùng vẫn ở trong tay một thiểu số giàu có. Từ đó họ chủ trương tập thể hóa các phương tiện sản xuất và phủ nhận quyền tư hữu để bảo đảm sự bình đẳng thực sự về chính trị. Về cơ bản những ý kiến của họ nhằm cải tiến chứ không phủ nhận dân chủ. Trong hai hướng để tăng cường dân chủ, một hướng là nâng cao các quyền tự do chính trị và một hướng thứ hai là mở rộng dân chủ cho thật nhiều người, họ đã đặt trọng tâm vào hướng thứ hai và coi nhẹ hướng thứ nhất. Họ vấp vào hai sai lầm cơ bản, một về chính trị và một về kinh tế. Về chính trị, họ không nhận thức được rằng dân chủ là một chế độ mới và sẽ còn thay đổi không những về hình thức mà còn cả về nội dung quyền lực chính trị, họ đã quá nóng vội. Về kinh tế, họ nhìn hoạt động kinh tế như một trò chơi với tổng số cố định người này được người kia phải thua; họ không nghĩ là mọi người đều có thể cùng tiến lên sự sung túc; họ không thể tưởng tượng một xã hội trung đó những người thất nghiệp cũng sẽ có xe hơi. Họ lầm, nhưng dứt khoát họ không phủ nhận dân chủ. Trong đầu óc họ không có độc quyền báo chí của nhà nước, không có những cuộc bầu cử bịp bợm, với kết quả định sẵn, không có những nhà tù chính trị, không có việc cấm đoán các hội đoàn. Các chế độ cộng sản sau này thực ra chỉ là một sự thoán đoạt, sau khi đã phản bội, những tư tưởng của các nhà lý thuyết cộng sản đầu tiên. Bây giờ hãy bàn về một số lấn cấn của người Việt nam chung quanh vấn đề dân chủ.

Dân chủ sẽ đưa tói hỗn loạn! Lập luận này được đảng cộng sản đưa ra như một sự thực hiển nhiên không cần chứng minh và được một số người chấp nhận một cách thụ động. Nhưng nó chỉ là một lập luận lỗ mãng, bất chấp cả lý luận lẫn thực tại đất nước. Hiện nay nước ta đang hỗn loạn và - hơn thể nữa - đang rất hỗn loạn. Trộm cướp hoành hành như chỗ không người. Buôn lậu có kho nhà nước, tàu chiến, xe tăng. Móc ngoặc, tham nhũng, hối mại quyền thế trở thành một nếp sống. Cây rừng, bờ biển, danh lam thắng cảnh, ngay cả di tích lịch sử bị phá hủy một cách vô tội vạ. Chưa kể loạn sứ quân, bắt người tùy hứng, giam giữ, tra tấn. Ngoại trừ chính sách khủng bố chính trị, Việt nam đang ở trong một tình trạng gần như vô chính phủ.

Kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản Việt nam và những trao đổi với những người đã trưởng thành và làm việc trong các chế độ độc tài khác cho tôi một kết luận rất rõ rệt: không cứ gì Việt nam mà mọi chế độ cộng sản, nói chung mọi chế độ độc tài, đều rất hỗn loạn. Một người có thể vượt đèn đỏ, đánh vợ con, đả thương trầm trọng đồng nghiệp, gây mất mát nặng nề cho cơ quan mình, phóng uế bừa bãi, v.v... mà chỉ bị cảnh cáo, hay phạt qua loa. Các chế độ độc tài dung túng sự vô kỷ luật và vô trách nhiệm để bù lại sự thiếu tự do, họ chỉ thù ghét những phát biểu đứng đắn của trí tuệ, chứ không thù ghét những tệ đoan xã hội.

Dân chủ không đưa tới hỗn loạn, trái lại nó đem lại luật chơi rõ ràng minh bạch, nó bảo đảm công lý và luật pháp, nó đem lại tinh thần trách nhiệm vì nó cho phép mọi người có chỗ đứng và tiếng nói trong việc nước. Nó đem lại trật tự trong đầu óc con người và trong xã hội.

Dân chủ không có lợi cho phát triển kinh tế! Một xác quyết nông cạn phát xuất từ ngộ nhận về bản chất của dân chủ do sự nhận diện hời hợt hoặc gian trá về những lúng túng của một số quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ. Dân chủ không phải là chiếc đũa thần giải quyết mọi vấn đề và đem lại phồn vinh. Dân chủ không thay thế cho những chính sách và nhưng con người. Dân chủ là một phương thức sinh hoạt cho phép đặt vấn đề một cách đứng đắn tìm giải pháp một cách đứng đắn và chọn lựa một cách đúng đắn những người trách nhiệm. Tự nó, dân chủ không giải quyết một vấn đề nào cả, nhưng không có dân chủ thì không có vấn đề nào có thể giải quyết được một cách đứng đắn. Chính vì thế mà mức độ dân chủ quyết định giới hạn cho phát triển nói chung và phát triển kinh tế nói riêng. Chính vì thế mà các nước giàu mạnh đều là các nước dân chủ trong khi các nước độc tài đều chậm liến. Khuyết tật của thái độ thực tiễn cho rằng nên gác lại nhưng đòi hỏi chính trị để tập trung cố gắng vào vấn đề phát triển kinh tế rồi chính phát triển kinh tế sẽ đem lại dân chủ chính là ở chỏ nó không thực tiễn: chấp nhận độc tài để hy vọng phát triển kinh tế người la sẽ chỉ có độc tài mà không có phát triển. Dân chủ không đem cơm áo và hạnh phúc để phát không. Dân chủ không bố thí. Nó tạo ra những con người tự do và trách nhiệm, làm chủ đời mình, phát huy được khả năng và sáng kiến của mình để xây dựng đời mình và đất nước mình. Chính vì thế mà dân chủ đã giải tỏa được sinh lực quốc gia và đem đến sự phồn vinh.

Chính vì thế mà dân chủ mới đẹp.

Dân chủ là một xa xỉ phẩm đối với các nước thiếu mở mang! Quả là một thái độ miệt thị và kỳ thị chủng tộc. ở miệng những người thuộc các quốc gia thiếu mở mang, nó còn là một sự mạ lị chính mình một cách ngu ngốc. Dân chủ không phải là một xa xỉ phẩm đối với bất cứ một dân tộc nào. Khi các dân tộc phương Tây bắt đầu dân chủ hóa, họ ở một mức độ kinh tế, xã hội và dân trí còn kém xa chúng ta ngày hôm nay. Riêng người Mỹ chưa hề biết một chế độ nào khác hơn là dân chủ, họ bắt đầu dân chủ từ những con người đến từ nhiều nguồn gốc và phong tục, thiếu thốn tất cả, kể cả văn hóa và đồng thuận. Nhờ có dân chủ họ đã tạo ra quốc gia hùng mạnh nhất trái đất. Những dân chủ có thể là một xa xỉ phẩm, và trên thực tế dân chủ đã từng là xa xỉ phẩm trong nhiều trường hợp. Dân chủ bịp bợm quả nhiên là một trò chơi vô cùng tốn kém và là một gánh nặng. Trái lại dân chủ thành thực là một dụng cụ quí giá. Những người cầm quyền cho rằng dân chủ là một xa xỉ phẩm thực ra chỉ có ý định dàn dựng một thứ dân chủ bịp bợm.

Dân chủ thành thực không nhất thiết là dân chủ hoàn chỉnh, mức độ hoàn chỉnh của một nền dân chủ tăng lên với thời gian, cùng với mức độ phát triển và dân trí; nhưng một nền dân chủ thành thực vần có nhưng thành tố tối thiểu của nó: tự do ngôn luận, đa đảng và bầu cử tự do. Kinh nghiệm cá nhân qua những trao đổi đã cho tôi một nhận định là tất cả những người lo âu một cách lương thiện rằng dân chủ có thể là một xa xỉ phẩm khi dân trí còn thấp đều làm một sai lầm chung: họ trừu tượng hóa dân chủ. Nếu thay vì dặt câu hỏi: Việt nam có thể có dân chủ không?, họ đặt những câu hỏi cụ thể như có nên có tự do ngôn luận không, có nên có bầu cử, tự do lập hôi không, v.v... họ sẽ không còn băn khoăn.
Cũng không nên cuồng tín và quá khích. Phải thực tế mà nhìn nhân dân chủ sẽ không thể đem lại tất cả mọi phúc lợi của nó trong một tình trạng dân trí chưa mở mang. Nhưng điều cần phải ý thức một cách rất rõ rệt là dù trong hoàn cảnh nào dân chủ cũng hơn xa độc tài.

Dân chủ tự nhiên sẽ tới! Nếu dễ dàng như vậy thì tại sao mặc dầu mọi nước dân chủ đều giàu mạnh nhưng chỉ có một số ít dân tộc có được dân chủ? Dân chủ là một điều quí giá cho nên nó không tự nhiên mà mọc lên như cỏ đại mà phải tranh đấu để có. Các nước dân chủ phương Tây, mà đa số người Việt nam mơ ước, đã phải tranh đấu cam go lắm mới có được dân chủ như ngày nay và họ vẫn còn rất cảnh giác bảo vệ nền dân chủ đã tranh thủ được. ở đâu và bao giờ cũng thế, khuynh hướng chuyên quyền độc đoán luôn luôn là một cám dỗ mạnh. Nếu chúng ta không phấn đấu mà chỉ ngồi chờ để có dân chủ thì chắc chắn chúng ta sẽ chỉ có cái ngược lại của dân chủ.

Cũng chớ nên lạc quan mà nghĩ rằng dân chủ sẽ tới nhờ áp lực của đà tiến chung của thế giới. Nhưng áp lực này có thể đem đến dân chủ nhưng cũng có thể làm sụp đổ chính quốc gia. Vấn đề là chúng ta có đủ thì giờ không, đất nước ta có thể tồn tại được cho đến khi có dân chủ hay không? Như đã nói ở một phần trước của cuốn sách này, ý niệm quốc gia dân tộc đang bị công phá một cách gay gắt. Sẽ chỉ còn lại trong thế kỷ 21 những quốc gia được xây đựng trên một đồng thuận nghĩa là những quốc gia có dân chủ. Các quốc gia khác sẽ tan vỡ trong hỗn loạn. Với đà tiến hóa dồn dập hiện nay sự tan vỡ có thể là rất nhanh chóng. Chần chừ mãi trong cố gắng xây dựng dân chủ chúng ta có thể sẽ không còn quốc gia trước khi đạt tới dân chủ. Không cần phải là một nhà thông thái mới thấy được nguy cơ này, chỉ cần một chút quan sát và suy nghĩ lương thiện. Có cần một kết luận cho cuộc mạn đàm chung quanh vấn đề dân chủ này không? Có lẽ không, nhưng thay vào đó là một nhận định về sự khó khăn của cuộc thảo luận về dân chủ, và về chính trị nói chung. Khó ở chỗ người Việt nam hình như có một bản năng tự tin ghê gớm về lý luận chính trị. Nhiều người, kẻ cả nhưng trí thức có tầm vóc, có thể tin chắc như đinh đóng cột vào những lập trường không được xây dựng trên một cơ sở hiểu biết đúng đắn nào, và ở mỗi giai đoạn lại có thể tin chắc như đinh đóng cột vào những lập trường khác nhau. Những xác quyết cứ tự nhiên mọc ra, lúc nào cũng tuyệt đối, và không cần được xây dựng trên một vốn hiểu biết nào. Người Việt nam chúng ta, kể cả trí thức, thật rất vô lễ đối với kiến thức.

Một vị đàn anh của tôi, tốt nghiệp cùng trường nhưng trước nhiều năm, cách đây ba mươi năm thuyết phục tôi tham gia một phong trào trung lập của anh. Anh quả quyết chỉ có con đường đó là cứu vãn được đất nước, anh cũng quả quyết phải đấu tranh rất cam go chứ không thể khoanh tay chờ đợi. Lập trường của anh không dựa trên một hiểu biết đặc sắc nào. Có lẽ anh chỉ tình cờ đọc được một cuốn sách hay một vài bài báo và nghĩ rằng đó là những kiến thức không ai có. Những tôi không thảo luận được với anh vì anh quá quả quyết trong những ý kiến của mình. Sau đó tôi về Việt nam, còn anh, người đã thuyết phục tôi phải dấn thân tranh đấu cam go, vẫn ở lại Pháp. Hơn ba mươi năm sau tôi gặp lại anh và lần này cũng không thảo luận được với anh vì anh lại tin tưởng chắc nịch vào một chân lý mới là cách làm chính trị hay nhất là đừng làm chính trị? Anh nói bằng tiếng Pháp: La meilleure politique, cest pas de politique du tout? . Anh coi những hoạt động của tôi chỉ có hại vì các anh càng đòi dân chủ đảng cộng sản càng chống dân chủ, cứ để mặc họ, họ sẽ tự động dân chủ hóa.

Cái nghiệp hoạt động chính trị nhiều khi cũng éo le. Biết tôi có chút ít hoạt động, nhiều người thường hay muốn gặp tôi để trình bày những con đường cứu nước mà họ đã khám phá ra. Có người vẽ ra những vòng tròn, có người vẽ ra những hình tam giác, có người giảng giải cho tôi về lẽ tuần hoàn của trời đất, có người nói chỉ có triết lý đạo Phật mới là nền tảng vững chắc xây dựng đất nước, cũng có người quả quyết rằng đạo Cao Đài là con đường bắt buộc của Việt nam. Những người này đều giống nhau ở một điểm là họ cho những điều họ nghĩ là hoàn toàn đúng và do đó không thể nghe một lập luận nào khác.

Một người mệt mỏi chỉ có thể nói chứ không thể nghe, vì nghe đòi hỏi sức khỏe và sự tỉnh táo. Có lẽ chúng ta là một dân tộc đã quá mệt mỏi sau nhiều đỗ vỡ và mất mát. Và chính sự mệt mỏi này đã là lý do đầu tiên khiến chúng ta khó thảo luận với nhau về các vấn đề chính trị mà đặc điểm chung là bề mặt có vẻ như rất đơn giản trong khi trong chiều sâu chúng rất phức tạp.

Lý do thứ hai gây khó khăn, và đôi khi hỗn loạn, cho các cuộc thảo luận chính trị là chúng ta không ý thức được rằng muốn lý luận chính trị một cách đúng đắn cần qua một giai đoạn nhập môn nghiêm túc. Đó là giai đoạn nhập tâm những khái niệm căn bản của chính trị, quốc gia, dân tộc, nhà nước, chủ quyền, nhân quyền, tự do, dân chủ, văn hóa, phát triển, v.v... Và nhất là tìm ra mối liên hệ giữa các khái niệm đó. Cố gắng nhập môn này rất khó và đòi hỏi rất nhiều thì giờ, nhưng là một sự bất buộc nếu không người ta sẽ rất dễ quên mình đang nói về cái gì, rồi sẽ nhảy loạn xạ từ khái niệm này sang khái niệm khác, từ đầu Ngô sang mình Sở, sẽ mâu thuẫn với những gì mình mới nghĩ tuần trước và những gì mình có thể nói ngày mai. Tôi đã từng được nghe nhiều bài thuyết trình và đọc nhiều bài tham luận trong đo tác giả mâu thuẫn với chính mình trong vòng vài phút phát biểu hay trong một trang giấy. Những khái niệm chính trị có vẻ giản đơn nhưng thực ra chúng rất phức tạp.

Những người muốn tham gia vào cuộc thảo luận chính trị, và nhất là vào cuộc vận động dân chủ, có lẽ nên quan sát các tu sĩ. Không phải các vị đại đức, thượng tọa, linh mục, mục sư đều có trình độ hiểu biết cao, nhiều vị chỉ có những kiến thức rất sơ sài. Nhưng tại sao nói chung họ vẫn sống và phát biểu được đúng tín ngượng của tôn giáo họ? Đó là vì họ đã trải qua cố gắng nhập môn. Mười điều giáo lệnh, tứ điều đế, v.v... có gì là phức tạp đâu, thế mà họ ván tụng kinh, gõ mõ, lằn tràng hạt hàng ngày. Nhờ đó họ nhập tâm. Các khái niệm chính trị còn phức tạp hơn nhiều, nhưng nếu mọi người phát biểu về chính trị dành được một phần thời giờ mà các nhà tu dành cho việc tụng niệm để nhập tâm chúng thì cuộc thảo luận về dân chủ chắc chắn sẽ được nâng cấp. Và tương lai đất nước cũng sẽ khá hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét