Đại Việt Sử Ký Toàn Thư .P28

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên

2505 Bút Cương : theo Cương mục, chú là tên xã, thuộc huyện Vĩnh Phúc (tức huyện Vĩnh Lộc; tỉnh Thanh Hoá) (CMCB28, 29). Bản dịch cũ cho là xã Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá ngày nay.
2506 Vũ Sư Thước : người huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.
2507 Vĩnh Ninh : tên huyện, sau là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.
2508 Trịnh Mô : người xã Nông Sơn, huyện Nam Đường (sau là Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), trước họ Nguyễn, tên là Cảnh Hoan. Sau được chúa Trịnh ban cho họ Trịnh, đổi tên là Mô
2509 Nguyễn Đình : người xã Hoàng Xá, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội).

2510 Ưng Quan : Cương mục chú làở tổng Cổ Lũng, huyện Cẩm Thuỷ. Ưng Quan là cửa quan trên sông Mã, ở khoảng mường Ông, tổng Thiết Ông sau này.

2511 Bổng Luật : có sách chép là Bổng Tân, tức bến Bổng, ở phía thượng lưu Bái Thượng, trên sông Chu. Sông Lam nói ở đây là đoạn sông Chu chảy qua huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Hoá (nay là huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá).

2512 Ái Hoan : trước là tên hai châu. Chỉ vùng đất Thanh Hoá sau này.

2513 Cương mục chép là "phên nứa" (CMCB28, 26).

2514 Bảo Lạc, Long Sùng : là tên 2 xã thuộc huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Hoá. Sông Bảo Lạc, Long Sùng tức là đoạn sông Chu chảy qua hai xã đó.

2515 Nguyên văn (bản Chính Hoà) mất tờ 32, chúng tôi dịch theo bản A3 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) để bổ sung vào.

2516 An Liệt : tên xã, Sông An Liệt tức đoạn sông chảy qua xã An Liệt, huyện Vĩnh Phúc (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá).

2517 Kim Tử : tên xã, cũng thuộc huyện Vĩnh Phúc.

2518 Thuần Hựu : tên huyện, nay là huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

2519 Sông Lôi Tân : theo CMCB28, 29 thì Lôi Tân là tên xã, thuộc huyện Vĩnh Phúc (nay là huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá).

2520 Từ đây lại dịch theo bản Chính Hoà.

2521 Thạch quận công : tức Vương Trân, trước theo Trịnh Cối.

2522 Ngọc Sơn : tên huyện, nay là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

2523 Sông Cả : tức sông Lam.

2524 Mỹ quận công : CMCB18 chép là Mỹ Lương: Mỹ Lương cùng hai em là Văn Lan và Nghĩa Sơn đều vì dâng thóc cho họ Trịnh, được chuyện việc trưng thu tô, thuế. Bởi có công lao, Mỹ Lương được làm tham đốc, Văn Lan và Nghĩa Sơn làm thự vệ. Khi quân Mạc vào đánh Nghệ An, đất Thuận Hoá bị dao động, Mỹ Lương định đánh úp Vũ Xương rồi thu lấy cả quân ở đó về hàng họ Mạc.

2525 Cương mục chép: Sai thuộc tướng là Mai Đình Dũng ở lại trấn thủ Quảng Nam (CMCB28, 30).

2526 Si Nhân có nghĩa là "thằng ngốc".

2527 Niên hiệu trước là Chính Trị có nghĩa là sửa sang việc trị nước. Còn Hồng Phúc có nghĩa là "phúc lớn".

2528 Nên sửa theo câu dưới "... dân chúng các huyện ven sông" đúng hơn.

2529 Vong mệnh : có nghĩa là "bỏ cả chức tước mà chạy trốn". Đây là viên tướng của Nguyễn Hoàng, bỏ theo về với họ Mạc.

2530Lập quận công : Cương mục chép là Lập Bạo (CMCB28).

2531 Nguyễn Hoàng dùng kế mỹ nhân, sai Ngô Thị đem nhiều vàng lụa đến biết Lập Bạo, khuyên Bạo về với Nguyễn Hoàng. Lập Bạo nghe theo, đem mấy chiếc thuyền đến chỗ hội thề, phục binh của Hoàng nổi lên. Lập Bạo chạy xuống thuyền nhưng thuyền đã rời khỏi bờ, bèn lao mình nhảy theo, bị quân của Nguyễn Hoàng bắn chết (Xem CMCB28, 32).

2532 Cương mục dẫn Lê triều trung hưng lục của Hồ Sĩ Dương: Lê Cập Đệ bí mật bàn với vua, bố trí đâu vào đấy, hẹn với nhau là ban đêm, khi nghe tiếng pháo nổ thì nhà vua qua sông để cử sự. Tùng biết rõ chuyện đó, nhưng vẫn cứ biếu Cập Đệ nhiều vàng bạc. Khi Cập Đệ đến tạ ơn, thì Tùng cho đao phủ mai phục sẵn xông ra giết chết.

2533 Lúc ấy Hoàng tử Lê Duy Đàm mới lên 7 tuổi, được nuôi dưỡng ở xã Quảng Thi, một xã ở phía dưới Lam Sơn, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá ngày nay.

Giáp Ngọ, [Quang Hưng] năm thứ 17 [1594], (Minh Vạn Lịch năm thứ 22). Tháng giêng, Mạc Ngọc Liễn đem Mạc Kính Cung đến chiếm cứ huyện An Bắc.

Tiết chế Trịnh Tùng sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái đem quân đi đánh.

Tháng 2, Đình Ái đốc quân đánh phá huyện An Bác, bắt sống nguỵ Vạn Ninh Vương, Nghiêm quốc [45b] công và dư đảng, đều chém hết. Ngọc Liễn chạy sang phủ Tư Minh xưng thần với nhà Minh. Sau Đình Ái đem quân về đến huyện Yên Dũng bắt được nguỵ Phúc quốc công rồi về.

Năm này, các xứ Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn can qua rối động. Khánh Vương Mạc Kính Khoan chiếm giữ huyện Đại Từ, Thứ vương chiếm giữ Thái Nguyên, An quận công chiếm giữ huyện Phổ Yên, Đông quốc công chiếm giữ huyện Lục Ngạn, Yên Dũng Vương chiếm giữ huyện Vũ Nhai, Việt quốc công chiếm giữ huyện Sơn Dương. Quan quân đến thì giặc giải tán, đi rồi giặc lại tụ họp, các quận huyện đều khổ vì chúng.

Bấy giờ nhà Minh hay sai người sang dò la sự tình, hầu như không ngày nào là không có. Miền dưới Hải Dương và Sơn Nam, giặc cướp nổi lên nhiều, dân địa phương ngày đêm không yên.

Ở Đại Đồng, Hoà quận công Vũ Đức Cung từ sau khi về trấn, ngầm chứa hai lòng, [46a] ngầm thông tin đi lại với Mỹ Thọ2648 của giặc, bí mật sai người xâm lược các huyện ở đầu nguồn Trấn Sơn, đánh phá các huyện Thanh Ba, Hạ Hoa. Lại dời dân cư huyện Đông Lan và Tây Lan2649 vào ở Đại Đồng. Tiết chế Trịnh Tùng sai thái uý Nguyễn Hữu Liêu đem quân đến đánh đuổi, bắt được Mỹ Thọ rồi về.

Tháng 3, ngày rằm, nguyệt thực, trời mưa to.

Ngày 22, vua sai Nguyễn Hoàng mang kim sách gia phong Minh Khang Thái Vương làm Minh Khang Nhân Trí Vũ Trinh Hùng Lược Thái Vương.

Lời kim sách nói: Đại thần lập nên công to, muôn dân trông đợi; triều đình truy phong điển lớn, phải ghi công đầu. Đã chọn ngày tốt ban ra, lại tạc sách vàng rực rỡ. Nay Suy trung dực vận hiệp mưu đồng đức phụ quốc kiệt tiết đôn hậu minh nghĩa công thần đặc tiến khai phủ kim tử [46b] vinh lộc đại phu kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sứ Thái quốc công đặng Minh Khang Nhân Trí Thái Vương Trịnh Kiểm vốn là đường kiều họ lớn2650 , hoàn quyển dòng sang2651 . Buổi đầu ứng theo cờ nghĩa, sửa kinh luân giềng mối buổi gian truân; một phen thu lại cõi xưa, định hưng phục quy mô khi phò tá. Đối với Tiên vương, công tốt có nhiều; xét đến con nối, nghiệp lớn càng rõ. Có khác gì Tây Bình2652 cả nhà trung nghĩa, xã tắc được yên; Phần Dương2653 dựng lại quốc gia, thiên hạ công nhất. Phúc trước đến nay

rực rỡ, hiệu mới nên được tôn sùng. Đặc sai Suy trung dực vận đồng đức công thần đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Trung đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái uý Đoan quận công thượng trụ quốc Nguyễn Hoàng mang kim sách tiến phong làm Suy trung dực vận hiệp mưu đồng đức phụ quốc kiệt tiết đôn hậu minh nghĩa [47a] công thần thượng tướng Minh Khang Nhân Trí Vũ Trinh Hùng Lược Thái Vương. Mong lâu bền mãi mãi, để cho con cháu được vinh hiển lâu dài. Hãy kính theo đó.

Sai bọn Nguyễn Mậu Tuyên đem sắc chỉ truy tặng gia phong Thái tể thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim là Chiêu Huân Phụ Tiết Tĩnh Công.

Tháng 4, ngày Kỷ Mậu mồng 1, nhật thực, trời mưa.

Đại hạn.

Ngày 28, Hữu tướng Hoàng Đình Ái đem quân đánh phá huyện Hữu Lũng2654 , chém được nguỵ Phúc quận công, lấy đầu truyền về Kinh sư.

Viên hàng tướng đất Thái Nguyên là Địch nghĩa dinh Liêm quận công (không rõ tên), bắt được nguỵ Hoành Mỹ công [47b] (không rõ tên). Vĩnh quận công đem dư đảng chạy đến huyện Võ Nhai.

Ngày 11, Mạc Kính Cung lấy Mạc Ngọc Liễn làm thái phó đem quân chiếm giữ núi Yên Tử 2655, đánh cướp huyện Vĩnh Lại, đi đến đâu nhiều người theo về. Tiết chế Trịnh Tùng sai Nguyễn Hoàng đem thuỷ quân tiến thẳng đến Hải Dương đánh tan. Ngọc Liễn chạy về huyện An Bác, sau chiếm giữ châu Vạn Ninh2656 .

Tháng ấy, sao Kim đi trái độ.

Hạn, cầu đảo được mưa.

Mạc Kính Cung và đảng nguỵ trốn sang ở Long Châu2657 của nhà Minh, đến đây hay [48a] đem người Long Châu về cướp các châu ở Lạng Sơn. Tiết chế Trịnh Tùng sai quân họp với quân ba ty Lạng Sơn đánh đuổi. Đảng nguỵ chạy về Long Châu.

Tháng 6, người xã Vũ Lăng, huyện Tiên Minh2658 là Vũ Đăng dấy binh chiếm giữ huyện Siêu Loại, tụ tập bè đảng, tự xưng là La Bình năm thứ 1. Tiết chế Trịnh Tùng bắt được đem chém.

Nguỵ Tín Vương (không rõ tên) dấy binh chiếm giữ huyện Vũ Nhai, sai Ninh quốc công nguỵ (không rõ tên) đem quân chống đánh ở Thái Nguyên.

Việt quốc công nguỵ tự mặc áo hoàng bào dấy binh chiếm giữ huyện Tam Dương2659 cướp bóc dân địa phương. Tiết chế Trịnh Tùng sai phó tướng Bạt quận công Phạm Doãn Sinh đem quân bản bộ trấn giữ huyện Tam Nông để giữ yên dân Hưng Hoá.

[48b] Tháng 7, ngày mồng 2, Phò mã2660 đô uý thái phó Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn đem quân chiếm giữ châu Vạn Ninh, bị ốm chết. Con là bọn phò mã Sơn Đông chạy sang Long Châu phụ theo Mạc Kính Cung.

Khi Ngọc Liễn sắp lâm chung, có di chúc để lại khuyên Mạc Kính Cung rằng: "Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại

nỡ thế! Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ tranh nhau tất có một con bị thương, không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ là hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào [49a] trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng". Đến đây thì chết.

Tráng Vương Mạc Kính Chương của họ Mạc cùng với Thái quốc công nguỵ đem quân đến cướp bóc các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ. Lại quốc công người huyện Vĩnh Lại mưu phản cũng đem quân bản huyện đi theo. Bấy giờ nhân dân các huyện ở Hải Dương mất mùa to, đói kém đến ăn thịt lẫn nhau, chết đói đến một phần ba.

Tháng 8, Hữu tướng Hoàng Đình Ái đem quân đánh phá Lạng Sơn. Nghiêm quốc công nguỵ ra hàng, vẫn bị giết.

Tháng 9, nguỵ Uy Vương Mạc Kính Dụng sai bè lũ là bọn Xuân Sơn hầu và Văn quốc công đem quân đánh úp Thái Nguyên. Tướng quy thuận là Liêm quốc công bị chết trận. Tiết chế [49b] Trịnh Tùng sai Thái uý Nguyễn Hoàng đem quân đánh phá ở Vũ Nhai, dẹp yên rồi đem quân về.

Tháng 10, Tiết chế Trịnh Tùng sai Thái uý Nguyễn Hoàng thống lĩnh thuỷ quân, Thái uý Nguyễn Hữu Liêu đốc suất bộ binh, hai đường tiến thẳng đến Đại Đồng, đánh phá dinh của Hoà quận công Vũ Đức Cung, chia quân đằng trước, đằng sau đánh ập lại. Đức Cung đem bọn con em chạy về Nghĩa Đô. Hai tướng đem quân về.

Thái uý Nguyễn Hữu Liêu tung kỳ binh đánh trại của bọn Xuân Sơn hầu và Văn quốc công, phá được, bắt được 3 con voi, đốt doanh trại, nhà cửa rồi về.

Tháng 12, tên nguỵ Vũ Đức Cung ở Đại Đồng sai người dâng nộp vàng bạc, của báu và ngựa, [50a] về Kinh vào chầu, thú tội xin tha. Vua y cho.

Lập phủ Thái Vương ở phường Phúc Lâm, sai dời hành tại đến bên tả cửa Nam của thành.

Bấy giờ, các huyện ở Thái Nguyên vẫn bị bọn Uy Vương nguỵ Mạc Kính Dụng chiếm giữ, Lạng Sơn vẫn bị bọn Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan chiếm giữ, những nơi chúng chiếm bị cướp bóc, nhân dân địa phương quá nửa không được về làm ruộng, đồng ruộng bị bỏ hoang.

Ất Mùi, [Quang Hưng] năm thứ 18 [1595] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 23). Tháng giêng, bấy giờ vua bị bệnh phong không coi chầu được. Xuống chiếu miễn chầu cùng các lễ yết, lễ giao tự.

Tháng 2, Tiết chế Trịnh Tùng sai tướng hiệu các dinh đóng 50 chiến thuyền.

Tháng 3, thi Hội các cử nhân trong nước ở bến Thảo Tân. Cho Nguyễn Thực và Nguyễn Viết Tráng đỗ tiến [50b] sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Đức Mậu 4 người đỗ tiến sĩ đồng xuất thân.

Tiết chế Trịnh Tùng cho đóng xe hai bánh, trang sức bằng ngọc ngà, trên xe làm mui sơn, hai bên xe khắc lan can bằng ngà, bốn vách sơn then, thếp vàng. Lại làm thang nhỏ để lên xe. Trước xe đặt một đòn ngang, sai bốn lực sĩ đẩy. Kiểu xe này do Thái uý Nguyễn Hoàng sáng chế.

Sao Kim, sao Mộc mọc chung vào vùng sao Thất.

Sai thu tiền đại tập2661 của các xứ trong nước để dùng vào việc nước.

Xuân Sơn [hầu] nguỵ tự xưng là Nghĩa quốc công, sai người bắt trộm một con voi công đem về châu Cảm Hoá2662 .

Tháng 4, Tiết chế Trịnh Tùng sai chỉ huy sứ, Trung Tín hầu (không rõ tên) cùng với tổng binh Thái Nguyên là Đức Trạch hầu Lại Thế Quý đem quân đến châu Cảm Hoá, gặp [51a] Uy Vương nguỵ

Mạc Kính Dụng và bọn Xuân Sơn [hầu], Sơn Đông [hầu]. Thế Quý tung quân ra đánh, chém được 600 thủ cấp, lại lấy được 1 con voi đực, 10 con ngựa và quân nhu khí giới rồi về.

Bấy giờ, người ở đầu nguồn xứ Thanh Hoa là thái phó nguỵ Cương quốc công (không rõ tên) nổi quân chiếm giữ miền trên huyện Quỳnh Lưu, xứ Nghệ An, cướp bóc cư dân. Quân trấn thủ Thanh Hoa là bọn Hà Thọ Lộc, Trịnh Văn Hải gọi quân đi đánh phá được, bắt được đồ đảng của giặc, đều giết hết.

Tháng 5, hạ lệnh cho các dinh cơ kê khai các công thần dốc lòng ra sức, trước sau bảo toàn được chiến công, định thành ba bậc, tâu công để xét ban thưởng. Lệnh ra hai ba lần, rồi lại ỉm đi không thi hành.

Bấy giờ nhân dân mất mùa, đói to, lại thêm ôn dịch, người chết xác gối lên nhau.

[51b] Tháng 6, ngày 12, Xuân Sơn [hầu] nguỵ cùng với những người huyện Phổ Yên là bọn nguỵ Tấn quận công (từ đây trở xuống đều không rõ tên). Thắng quận công, Quế quận công tập hợp được 500 quân cướp bóc huyện Tam Dương. Khi ấy, huyện quan đem nhiều binh dân, chặn đón đường hiểm yếu, chém được 46 thủ cấp của bọn nguỵ Tấn, Thắng, Quế, Xuân Sơn [hầu] chỉ thoát được thân mình.

Hạn.

Ngày 22, giờ Thân, hai mặt trời cùng mọc.

Ngày 24, tổng binh Thái Nguyên là Nghiêm quận công Trịnh Duy Tinh chém được Nghĩa quốc công nguỵ Đỗ Điền và bè lũ ở Thái Nguyên. Bây giờ Lại quận công nguỵ tự xưng là Ly quốc công, cha con cùng đem đảng giặc từ Yên Quảng thâm nhập Hải Dương, cướp bóc các huyện ở ven sông, đến huyện Đông Triều đánh úp dinh trấn thủ, Lăng quận công (không rõ tên) bị hại.

[52a] Tháng 7, Xuân Sơn [hầu] nguỵ tự xưng là Bảo quốc công, đem đảng giặc đánh cướp huyện Phổ Yên. Tiết chế Trịnh Tùng sai quân đi đánh phá, bắt được 4 con ngựa, 1 quả ấn đồng, bọn giặc chạy tan. Lại sai Lại Thế Quý đem quân đánh phá các xứ Thái Nguyên, Cao Bằng, bắt được tướng giặc là bọn Kỳ Sơn Vương, Phúc Vương (đều không rõ tên) đều giết cả.

Ngày Giáp Ngọ 13, trời không mây mà có sấm, bỗng sét đánh vào cột cung điện. Đêm ấy, mặt trăng lại đi vào vùng sao Tâm, sau thành quầng ở sao Tuế.

Ngày Giáp Thìn 13, đại hội các quan văn võ tuyên thệ ở phố bên tả cửa Nam thành Thăng Long.

Ngày 25, Xuân Sơn [hầu] nguỵ về hàng, đến Kinh sư xin chịu tội, giao về cho tướng bản thuộc, sau bắt giết.

Sao Hoả phạm vào vùng sao Mão, đến hết năm không về khu vực mình.

[52b] Sai Nghị quận công Nguyễn Duy Nhất giữ huyện Kim Động2663 .

Tháng 8, hạ lệnh đại điểm duyệt quân lính ở Thảo Tân, số quân được hơn 12 vạn.

Đại hạn, từ tháng 8 đến hết năm không mưa, đến tháng 2 năm sau mới mưa, lúa má chết khô, mùa màng mất hết, nhân dân đói to.

Tháng 9, hạ lệnh đặt quân khám xét hình ngục, để xử đoán các án đáng ngờ trong nước. Lấy hai viên quan văn là Ngô Tháo và Nguyễn Hoành Từ, võ quan là Lê Chẩn là chức ấy, ban cho ấn công sai. Sau lại đặt thêm 3 viên nữa, nhưng đều không giữ được đúng luật pháp, nên lại bãi bỏ chức ấy.

Tháng 10, sai sửa chữa điện Tây Kinh.

Bấy giờ, bề tôi cũ của họ Mạc là Hàn lâm học sĩ Nguyễn Thì Dự người huyện Đông Ngàn, tự xưng là thái bảo Lễ quận công, tiếm đặt hiệu cho con là Thuận Trị [53a] Vương, dấy quân chiếm giữ huyện

Lục Ngạn, đón chặn đường hiểm yếu ở Lạng Sơn giết viên tổng binh bản xứ là Lang quận công (không rõ tên), cướp đoạt 1 con voi và tài vật.

Tháng 11, Tiết chế Trịnh Tùng sai Kế quận công Phan Ngạn đem các cơ thuỷ quân, 300 chiến thuyền và 1 con voi đến trấn giữ huyện Thanh Lâm trấn Hải Dương, Trịnh Văn Chương giữ huyện Vĩnh Lại, Nguyễn Đình Luân giữ huyện Cẩm Giàng, Hải quận công (không rõ tên) giữ huyện Đường An, Vương Trân giữ huyện Siêu Loại.

Tháng 12, trộm cướp nổi lên khắp nơi, đốt nhà giết người, cướp bóc của cải gia súc.

Bính Thân, [Quang Hưng] năm thứ 19 [1596] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 24). Tháng giêng, ngày mồng 2, Tráng Vương nguỵ Mạc Kính Chương dời ra đóng ở Yên Quảng, chiếm giữ xã Hương Lan châu Vạn Ninh, sai tướng là Lỵ quốc công người Vĩnh Lại, Thái quốc công người Gia Phúc (đều không rõ tên), các con em dòng họ Mạc là bọn Mạc Vĩ, Mạc Lý đem 80 chiếc thuyền chiến lớn nhỏ [53b] đánh vào các huyện Tứ Kỳ, Vĩnh Lại.

Ngày mồng 3, đến sông ở các huyện Thanh Lâm, Thanh Hà, đánh nhau với quân của Phan Ngạn từ giờ tý đến giờ ngọ, kịch chiến trên sông.

Bấy giờ Phan Ngạn ngựa chưa kịp đóng yên, quân chưa kịp mặc giáp mà thuyền giặc đã đến cửa dinh, quân lính đều luống cuống, cùng ra với Phan Ngạn để chống cự chỉ có 45 người thôi. Viên tướng người Giao Thuỷ là Lễ quận công thấy thế giặc mạnh, tự liệu quân ít, sức không chống nổi, tự đem quân của thuyền mình lui trước.

Phan Ngạn cho là nhát sợ, chém chết rao cho mọi người biết. Thế là ai nấy đều liều chết cố đánh. Lại được một đội thuyền nhẹ ở Tây Chân2664 xông đến. Tướng giặc ngờ có quân cứu viện đến, liền tự tan vỡ, bỏ thuyền nhảy xuống sông trốn chạy. Phan Ngạn bèn vẫy các thuyền lớn nhỏ của quân mình, nhất tề xông lên kịch chiến ở giữa dòng, chém tướng giặc là bọn Lỵ [54a] quốc công, Thái quốc công, An quận công, Thuỵ quận công (đều không rõ tên) và hơn 20 viên tỳ tướng, chém được 2298 thủ cấp giặc, thu được thuyền bè khí giới nhiều không kể xiết, bắt sống được mấy viên tướng giặc là bọn Hào quận công (không rõ tên). Đảng giặc đều tan về quê quán.

Ngay hôm ấy, giải tướng giặc là Hào quận công đến cửa quân. Phan Ngạn tự mình cởi trói và dỗ rằng: Ngươi muốn sống hay muốn chết. Nếu muốn sống thì ta dùng ngươi làm hướng đạo, bắt được Tráng Vương thì ta tha tội chết cho ngươi. Hào quận công bèn xin đưa đường, dẫn quân đi gấp theo đường biển ra Quảng Yên bắt Tráng Vương để lo báo đáp. Phan Ngạn nghe xong, sai chọn thuyền nhẹ và mấy trăm quân tinh nhuệ, cùng 5 chiếc thuyền chiến, tự mặc áo giáp khắp mình, giấu Hào quận công ở trong thuyền.

[54b] Ngày mồng 4, Ngạn bàn với các tướng rằng: Việc binh quý ở thần tốc. Ta lấy quân chiến thắng, thừa thế chẻ tre, nếu một trận đánh hai lần thắng, thì đó là trời giúp cho ta thành công lớn, có thể so cùng các danh tướng đời xưa. Tôi mong các tướng sĩ nghe lệnh hãy đồng tâm hiệp lực để lập công danh, tiễu trừ giặc nguỵ thì công của bọn ta không gì to bằng.

Các tướng đều nói: Xin tuân lệnh.

Hôm ấy, Ngạn chọn các tráng sĩ, giả làm sắc áo và cờ của quân Kính Chương. Ngạn tự làm tiền đội, các thuỷ quân lục tục tiến theo. Đêm hôm ấy, Ngạn tự đi thuyền nhẹ, xông trước vào hai lần cửa. Người giữ cửa hỏi, trả lời rằng: Ta là binh thuyền của Hào quận công, nhân thắng trận, bắt được tướng giặc là bọn Kế quận công giải về trước dâng nộp vương ta. Do đấy, vào được các lớp cửa mà thẳng tiến, 3 ngày đêm thì đến [55a] xã Hương Lan, châu Vạn Ninh. Khi sắp đến gần thuyền Kính Chương, Kính Chương ngỡ là Hào quận công thắng trận trở về liền ra đón. Ngạn thét: Ta là Kế quận công đây, bọn ngươi nên mau mau chịu trói để khỏi bị gươm đao.

Kính Chương nghe nói, trở tay không kịp, liền bỏ thuyền chạy lên bờ, chạy đến giữa bãi cát thì bị quan quân bắt được, cùng với vợ cả vợ lẽ 20 người, chém 40 tên đồ đảng. Bấy giờ quân lính phần nhiều

tranh nhau lấy của cải của giặc, để dư đảng giặc tản mác chạy trốn được vào rừng núi. Quân Ngạn đã thu được toàn thắng, một lần đánh thắng hai trận liền, quân lính vui mừng, khải hoàn về Kinh giải nộp.

Mạc Kính Chương ở dưới cửa khuyết. Hôm ấy, Tiết chế Trịnh Tùng ban thưởng chiến công, ban cho Phan Ngạn 1 bài vàng, 10 cân vàng ròng. Lại thưởng cho các tướng sĩ đã chấp hành mệnh lệnh 300 cân bạc, [55b] đặt yến tiệc lớn để khao thưởng.

Bấy giờ bề tôi họ Mạc lắm quỷ kế, tố cáo với nhà Minh rằng: Quân nhà Lê chính là họ Trịnh tranh cường, dấy binh đánh giết bề tôi thần phục của thượng quốc cùng con cháu họ Mạc, thực không phải là quân trung hưng của con cháu nhà Lê. Vì thế, nhà Minh nhiều lần sai sứ qua cửa Trấn Nam Giao2665 , mang điệp văn sang nước ta hẹn đến cửa quan hội khám xem có thực là con cháu nhà Lê hay không.

Ngày 29, sai bọn Hộ bộ thượng thư kiếm Đông các học sĩ Thông quận công Đỗ Uông và Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Văn Giai làm quan hầu mệnh đến cửa Trấn Nam Giao trước, trao đổi điệp văn thư từ với viên Tả giang binh tuần đạo Trần Đôn Lâm, lời lẽ phần nhiều khiêm tốn. Sau lại sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái [56a] đem quân tiếp đến Lạng Sơn làm hậu ứng. Sai tộc mục2666 là hoàng huynh Lê Ngạnh, Lê Lựu và bọn Công bộ thị lang Phùng Khắc Khoan cùng mang con ấn của An Nam đô thống sứ ty và hai tờ kiểu ấn mực của quốc vương An Nam trước, 100 cân vàng, 1000 lạng bạc cùng mấy chục kỳ lão lên cửa Trấn Nam Giao để chờ hội khám.

Tháng 2, ngày mồng 1, Tả giang ninh tuần đạo, đề hình án sát sứ ty phó sứ Trần Đôn Lâm gửi điệp văn đòi vua phải đích thân đến cửa Trấn Nam Giao để hẹn hội khám.

Ngày mồng 5, vua đích thân đốc suất bọn Hữu tướng Hoàng Đình Ái, Thái uý Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó Trịnh Đỗ và các tướng sĩ, binh tướng gồm hơn 1 vạn đến cửa Trấn Nam Giao hẹn ngày hội khám. Bấy giờ nhà Minh dây dưa thoái thác, đòi lấy người vàng, ấn vàng [56b] theo lệ cũ, không chịu đến khám, thành ra quá kỳ hạn.

Tháng 3, vua trở về Kinh.

Mùa hạ, tháng 4, hạ lệnh cho phủ, huyện, tổng, xã các xứ trong nước, nơi nào phải trải binh lửa, nhân dân xiêu tán, thì cho về làm ăn, tha phu dịch 3 năm. Nhưng quan địa phương phần nhiều nhũng nhiễu, hà khắc bạo ngược, dân nhiều người vẫn phải xiêu tán, chưa được an cư lạc nghiệp.

Hạ lệnh duyệt tuyển binh lính nguyên ngạch mới và cũ. Người nào có công đã được trao chức tước thì miễn, người nào tuổi già sức yếu thì sa thải, người nào sức vóc mạnh khoẻ thì bổ sung cho đủ ngạch binh.

Ngày rằm, nguyệt thực.

Bấy giờ đại hạn, thóc lúa vụ chiêm đều không thu được, đầm phá khô cạn, cây cỏ úa vàng, hoa không kết trái. Trộm cướp quần tụ trong dân gian, bọn lớn đến 7, 8 trăm đứa, bọn nhỏ cũng không dưới vài trăm, ngày đêm đốt phá [57a] nhà cửa, cướp đoạt của cải gia súc, thuỷ bộ không thông, đường sá bế tắc, dân đói nhiều, chết đến quá nửa.

Tháng 5, Thái bảo Hoà quận công Vũ Đức Cung tự dời dinh Đại Đồng về ở Nghĩa Đô.

Tháng này, sai viên hàn lâm quy thuận là Phạm Hồng Nho cùng với thừa chính sứ Thanh Hoa là Lễ Cung nam Hồ Bỉnh Quốc đi khám đạc đất bãi dâu xứ ấy để định ngạch thuế.

Mùa thu, tháng 7, bấy giờ trời không mưa gió mà nước sông Lô tự dâng tràn đến hơn một tuần.

Sao Chổi xuất hiện, vận hành theo hướng tây bắc.

Sai sửa làm các điện thái miếu ở trong thành Thăng Long.

Ngày Nhâm Ngọ 17, rước [57b] thần vị của Thái Tổ Cao Hoàng Đế và liệt thánh hoàng đế vào điện Thái Miếu thành Thăng Long để cúng tế quanh năm.

Tháng 8, ngày Giáp Thìn mồng 9, giờ Nhâm Thân, nước ở sông hồ, đầm ao, giếng thơi bỗng dưng sôi động, một giờ mới yên.

Tháng này, hạn, mật đảo có mưa.

Tháng 8 nhuận, ngày mồng 1, nhật thực.

Bấy giờ sai thợ đúc 2 tượng người vàng và bạc, đều cao 1 thước 2 tấc, nặng 10 ân, lại đúc 2 đôi bình hoa bạc, 5 chiếc bình hương nhỏ bằng bạc, lại sắm sẵn lụa thổ quyến và các vật cống để phòng sang sứ phương bắc.

Mùa đông, tháng 11, ngày 25, Phạm Hàng, người xã Thi Vụ, huyện Đại Yên, tự xưng là [58a] Thiên Nam chiêu thảo đô nguyên suý, ngày 27 vào chiếm giữ núi Đam Khê, huyện Yên Mô, đánh phá các xã gần đấy, đến đâu mọi người đều theo phục, hơn 1 tháng đã được hơn 1 vạn quân. Từ đó các phủ Trường Yên, Lỵ Nhân, giặc cướp đều nổi dậy, trở ngại nhiều cho người qua lại mà dân binh các xã Đồi Thượng phần nhiều theo đảng giặc. Cha con Lễ Giang hầu cũng dốc lòng theo phục. Tiết chế Trịnh Tùng sai Mỹ quận công Bùi Văn Khuê đem quân cùng với viên thổ quan Yên Mô là Lương quận công Nguyễn Thể đi đánh bắt được Phạm Hàng giải về Kinh chém.

Tháng 12, ngày mồng 4, viên tướng trấn thủ Thanh Hoa là Thiếu bảo Diễn quận công Trịnh Văn Hảo chết. Tặng Thái bảo.

Tháng này, sai bọn Hộ bộ thượng thư kiêm Đông các học sĩ Thông quận công Đỗ Uông [58b] làm quan hầu mệnh, cùng với Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc mang hai người vàng người bạc và các vật cống tới thành Lạng Sơn để đợi nhà Minh hội khám. Bấy giờ viên thổ quan Long Châu của nhà Minh nhận nhiều của đút lót của bọn họ Mạc, vì thế vào bè với chúng mà thoái thác, nên việc không xong, lại vừa gặp tết Nguyên đán, bọn Đỗ Uông, Vĩnh Lộc lại trở về Kinh.

Đinh Dậu, [Quang Hưng] năm thứ 20 [1597] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 2). Tháng 2, ngày mồng 10, sai viên phủ doãn Phụng Thiên sửa lễ trâu rượu tế miếu Minh Khang Thái Vương.

Ngày 19, sai bọn quan hầu mệnh Đỗ Uông và Nguyễn Văn Giai lại lên cửa Trấn Nam Giao thăm dò tin tức nhà Minh. Sai tướng Bắc đạo Thuần quận công Trần Đức Huệ cùng với bọn Hội quận công, Hoành quận công (đều không rõ tên) đem quân hộ tống. Khi đến thành Lạng Sơn [59a] đóng dinh thì bọn nguỵ Phúc Vương và Cao quốc công (đều không rõ tên) đem quân đến đánh cướp, giết Hội quận công tại trận. Bọn Thuần quận công và Hoành quận công đem quân chạy thoát. Khi trở về Kinh đều bị tước binh quyền. Bọn Đỗ Uông, Nguyễn Văn Giai vào chiếm giữ vách núi được thoát.

Tháng 3, Nguyễn Đương Minh người huyện Yên Phong tự xưng là Phúc Đức năm thứ 22667 đem người trong huyện dấy quân đánh cướp các huyện bên. Hôm ấy, Hữu tướng Hoàng Đình Ái sai thuộc tướng đánh bắt được, đem chém, bắt được 4 tên đồ đảng giải đến cửa dinh, cũng chém cả.

Bấy giờ, ở vùng Sơn Tây, trời mưa ra máu.

Tháng này, nhà Minh lại sai viên quan uỷ nhiệm là Vương Kiến Lập tới nước ta đòi lễ cống và giục hội khám. Điệp văn tới Kinh sư, triều đình nghị bàn việc khởi hành.

Ngày 28, vua đích thân đốc suất bọn Hữu tướng Hoàng [59b] Đình Ái, Thái uý Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó Trịnh Đỗ cùng 7, 8 viên tả hữu đô đốc và 5 vạn binh tướng, đem theo cả viên quan uỷ nhiệm của nhà Minh Vương Kiến Lập cùng đi, lên cửa Trấn Nam Giao ở Lạng Sơn.

Tháng 4, ngày mồng 10, vua chỉnh đốn binh tượng, qua cửa Trấn Nam Giao, cùng với quan nhà Minh là bọn Tả giang tuần đạo sát phó sứ Trần Đôn Lâm và quan các phủ Tư Minh, Thái Bình, các châu

Long Châu, Bằng Tường tỉnh Quảng Tây cử hành hội khám. Trong lễ giao tiếp, hai bên đều vui vẻ mừng nhau. Từ đấy, hai nước Nam Bắc lại trao đổi với nhau.

Sai Công bộ tả thị lang Phùng Khắc Khoan làm chánh sứ, Thái thường tự khanh Nguyễn Nhâm Thiêm làm phó sứ sang tuế cống nhà Minh và cầu phong.

Khắc Khoan đến Yên Kinh, vừa gặp tiết Vạn Thọ của vua Minh, dâng 30 bài thơ lạy mừng. Anh vũ điện đại học sĩ [60a] thiếu bảo kiêm thái tử thái bảo Lại bộ thượng thư nhà Minh là Trương Vị đem tập thơ Vạn Thọ ấy dâng lên. Vua Minh cầm bút phê rằng: Người hiền tài ở đâu mà không có. Trẫm xem thơ, thấy hết lòng trung thành của Phùng Khắc Khoan, rất đáng khen ngợi. Liền sai đưa xuống khắc in để ban hành trong nước. Khi ấy, sứ Triều Tiên là Hình tào tham phán Lý Toái Quang viết tựa cho tập thơ.

Bấy giờ, cha con Dũng quận công Nguyễn Khắc Khoan là thổ quan ở huyện Minh Nghĩa liên kết với đảng nguỵ, tụ tập bọn gian ác, định làm loạn ở Kinh ấp. Ban đêm, chúng thường nổi lửa đốt phá phố phường. Việc phát giác, quan quân bắt được 3 cha con Khắc Khoan và 24 tên đồ đảng ở ngoài cửa Nam thành Thăng Long, tìm được ấn gỗ, cờ chiêng, khí giới và [60b] sắc mệnh đem về nộp. Tiết chế Trịnh Tùng sai đem đốt hết, chém chết cha con Khắc Khoan và đồ đảng, lấy đầu đem bêu.

Ngày 20, vua về Kinh sư. Xa giá đến Yên Thường. Tiết chế Trịnh Tùng thân hành rước lạy ở Yên Thường, đi theo ngự giá về cung. Vua ra coi chầu. Tiết chế Trịnh Tùng thân đem các đại thần và các quan văn võ làm lễ lạy mừng.

Hạ lệnh duyệt tuyển binh lính. Chọn người khoẻ mạnh bổ vào ngạch lính, những người già yếu thì lựa thải ra. Nhưng xét duyệt đã được mấy năm mà chưa từng thấy thải người nào, đến nỗi kẻ già yếu người người chết trong quân ngũ.

Tháng 5, hạn, lúa đậu chết khô.

Ngày 20, vua mật đảo trong cung cấm, lại dựng đàn ở Cầu Muống, thành Đại La, để hợp tế các linh thần núi sông mới được mưa.

[61] Bấy giờ, có người xã Ngải Cầu, huyện Từ Liêm, là Nguyễn Minh Trí, trước cùng bạn với nguỵ Khắc Khoan, cha con dấy binh chiếm giữ vùng Minh Nghĩa, nguỵ xưng là Đại Đức năm thứ 3. Thái uý Nguyễn Hữu Liêu bắt được cha con Minh Trí, đều đem chém cả.

Bấy giờ, Vạn quận công Nguyễn Hữu Lực coi giữ huyện Thanh Miện. Hữu Lực cai trị chú trọng khoan thư, công bằng, dân đều kính phục, giặc không dám xâm phạm, trong cõi được yên, dân được an cư lạc nghiệp.

Tháng 6, ngày mồng 4, viên tướng quy thuận người Sơn Nam là Định quận công Trần Bách Niên chết.

Tháng này, không có gió mưa mà nước sông Lô bỗng dâng tràn cuồn cuộn. Năm này trước thì đại hạn, sau thì lũ lụt, lúa đồng tổn thất nhiều, mất mùa luôn, dân nhiều xiêu tán.

Mùa thu, tháng 7, Thái uý Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu chết, thọ 60 tuổi, tặng [61b] Dương quốc công.

Ngày 15, cháu họ Nguyễn Hữu Liêu là Trung quận công Nguyễn Công lại ốm chết.

Sao Huỳnh Hoặc và sao Tuế cùng ở trong cung độ sao Tất, chỉ cách nhau một ngón tay.

Ra lệnh trong cả nước, mọi vật dụng đều phải tuỳ theo chức phẩm cao hay thấp mà dùng, không được tiếm vượt.

Hạ lệnh duyệt các hạng quân dân, đinh tráng người tứ chiếng2668 để định quán tịch cũ.

Bấy giờ người huyện Tống Sơn là Thắng quận công Mai Cầu coi giữ huyện Thần Khê có chính tích tốt, dân nhiều người ái mộ bảo cử, được thăng làm tổng binh Thuận Hoá.

Tháng 8, viên tướng địa phương huyện Đông Ngàn là Thuần quận công Trần Đức Huệ và con là Trần Đức Trạch tự xưng là Sầm quận công, mưu làm phản, cùng với viên tướng địa phương ở Yên Thế là cha con Thế quận công Dương Văn Cán đều đem con em đang đêm trốn đi theo đảng nguỵ. Tiết chế Trịnh Tùng chia quân, sai con là [62a] Chưởng Cẩm y vệ Hùng Lương hầu Trịnh Đào đem quân đi đánh, chém được đồ đảng. Bọn Đức Trạch, Văn Cán đem con em chạy dài.

Bấy giờ dân tứ chiếng khổ vì phải cắt cỏ voi, lại bị quan địa phương quấy nhiễu, không chịu nổi, nhiều người theo đảng nguỵ cướp bóc trong dân gian.

Bấy giờ, các tướng địa phương ở Hải Dương là Thuỷ quận công (không rõ tên) người huyện Thuỷ Đường, Lễ quận công (không rõ tên) người huyện Nghi Dương đều đem quân làm phản, bắt người cướp của ở các huyện xứ Hải Dương, đánh úp giết chết tướng tuần thú là Hoa Kiều hầu (không rõ tên) và quan huyện ấy. Lại có anh em Quỳnh quận công và Thuỵ quận công (đều không rõ tên) ở huyện Tân Minh, tụ tập đồ đảng, đi đến đâu cũng ức hiếp cướp bóc dân chúng, cùng liên kết với bọn Thuỷ quận công, Lễ quận công, có đến vài nghìn quân. Nhân dân các huyện ở Hải Dương [62b] sợ chúng tàn ngược, đều phải tuân theo cả.

Tháng 11, ngày 20, Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Đô đốc đồng tri Hoà quận công Nguyễn Miện, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê, Kế quận công Phan Ngạn đem thuỷ quân gồm 50 chiếc thuyền ra Hải Dương đánh phá đảng nguỵ, khởi ành ngay hôm ấy. Nguyễn Miện một mình tự kiêu khinh địch, tự cho là bọn giặc tàn chẳng đáng lo, không bàn bạc với các tướng, tự mình đem 4 chiếc binh thuyền bản bộ, khinh suất xông thẳng vào trong trận, đến chỗ giặc mai phục, gặp thuyền giặc. Hào quận công sai bắn súng lớn vào giặc. Lễ quận công bị trúng đạn chết ở trong thuyền. Giặc ở trong thuyền mặc áo của Lễ quận công thúc quân đánh bừa, lại đâm chết Hào quận công tại trận. Quân hai bên đánh giết lẫn nhau, quan quân bị chết cũng đến hơn 80 [63a] người, quân lính đều chạy. Gặp quân của Bùi Văn Khuê tiếp đến, quân giặc bỏ thuyền lên bờ chạy tan. Văn Khuê lấy được thủ cấp của Nguyễn Miện rồi về. Sau Văn Khuê lại đem quân lùng tìm, lấy được đầu của Lễ quận công đem về Kinh dâng nộp, sai đem bêu 3 ngày. Tiết chế Trịnh Tùng xét thưởng cho Văn Khuê 10 cân vàng, thăng chức thiếu bảo.

Tháng này, hạ lệnh cho các xứ trong nước dựng trường thi hương để chọn kẻ sĩ.

Tháng 12, bọn nguỵ Trần Đức Trạch đóng quân ở huyện Đại Từ, sai người bắt trộm 1 con voi đực của nhà nước. Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc, Phụng quận công Trịnh Hữu Dung, An Nham hầu Nguyễn Trấn, An Toàn hầu Nguyễn Quang Đăng, Quỳnh Dương hầu Nguyễn Kim Quy đem quân đuổi kịp, bắt được đem chém, bắt cả vợ con đem về.

[63b] Mậu Tuất, [Quang Hưng] năm thứ 21 [1598] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 28). Tháng giêng, ngày 16, ban bố bào cáo đại xá thiên hạ. Hết thảy bọn trộm cướp, tù trốn đều được ân xá, thuế khoá bỏ thiếu lâu năm đều được tha miễn.

Tháng 2, xuống chiếu thăng Công tử Trịnh Tráng làm Bình quận công, sai đốc suốt binh mã để phòng giặc cướp.

Tháng 3, hạn, gió tây bắc thổi nhiều, lúa má cỏ cây chết khô.

Tiết chế Trịnh Tùng sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái đem quân đánh dẹp huyện Lục Ngạn, bắt được con của Hùng Lễ [công]2669 là Mạc Kính Luân và 35 con ngựa cùng khí giới trở về.

Tiết chế Trịnh Tùng lại sai Thái uý Nguyễn Hoàng đem thuỷ quân đi đánh dẹp xứ Hải Dương đánh phá cha con và bè lũ Thuỷ quận công. Thuỷ quận công chạy vào huyện Thuỷ Đường chiếm giữ lũng núi. Quan quân trở về. Thuỷ quận công sai bọn bè đảng là quận Thuỵ, quận Quỳnh xâm lược các huyện Thanh Lâm, Thanh [64a] Hà, duyệt lấy đinh tráng nơi đó, biên chế vào đội ngũ làm lính, dân nhiều người trốn chạy.

Tháng 4, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Thứ, Nguyễn Duy Thì, Lê Bật Tứ đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Khắc Khoan, Nguyễn Kiệm đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Đại hạn. Từ tháng giêng đến tháng này mới có mưa.

Tiết chế Trịnh Tùng sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái thống lĩnh các quân bộ, và bọn Thái bảo Trịnh Ninh ra đánh dẹp huyện Đông Triều rồi tiến quân đánh miền bắc huyện Thuỷ Đường. Lại sai Thái uý Nguyễn Hoàng thống lĩnh thuỷ quân cùng bọn Thiếu bảo Bùi Văn Khuê ra đánh dẹp xứ Hải Dương rồi tiến quân đánh vào phía nam huyện Thuỷ Đường. Lại chia sai bọn Chấn quận công, Hải quận công, [64b] Kế quận công, Tráng quận công đem các cơ Nội thuỷ đi kinh lược các huyện Thanh Lâm, Thanh Hà, ra huyện Kim Thành để chặn phía trên huyện Thuỷ Đường. Hôm ấy, cả ba đạo cùng lên đường một lúc. Nguyễn Hoàng sai tướng sĩ bản dinh xông trước vào phá lũng núi huyện Thuỷ Đường, quân lính tranh nhau lên trước, bắt được Thuỷ quận công nguỵ, đảng giặc tan vỡ. Quân các đạo tiến lên, thu bắt thuyền ghe của giặc. Bọn [quận] Quỳnh, [quận] Thuỵ đem con em trốn ra, định chạy về huyện Tiên Minh. Đến nửa đường, gặp quân của Bùi Văn Khuê đánh tới; quân hai bên hỗn chiến trên sông, từ giờ Thìn đến giờ Thân, quân giặc sức kém tan vỡ tháo chạy. Văn Khuê thúc quân thừa thắng đuổi đánh, bắt được [quận] Thuỵ nguỵ ở trong thuyền, chém hơn trăm thủ cấp, [quận] Quỳnh nguỵ đem dư đảng chạy về Yên Quảng.

Ngày 24, quan quân về Kinh, đem tù là [quận] Thuỷ nguỵ, [65a] và quận Thuỵ dâng nộp. Thưởng công xong, đem bọn Thuỷ quận công và Thuỵ quận công chém ở Cầu Dền, bêu thủ cấp chúng.

Tháng 5, Việt quốc công ở Sơn Dương chết, quân không có chỉ huy, các tướng trấn giữ Sơn Tây là bọn Thanh quận công Đặng Kính và Giao quận công Nguyễn Hữu Giai tiến quân đánh đuổi, chém vài nghìn thủ cấp, bắt được 10 con ngựa trở về.

Tháng này, hạ lệnh cho Bùi Văn Khuê đốc suất binh đinh hai huyện Tân Minh và An Dương, sai đem quân đi trấn giữ để yên dân phương ấy; Tráng quận công Nguyễn Nga giữ huyện Thanh Lâm, Hoa Dương hầu Vương Châu giữ huyện Gia Viễn.

Năm này đại hạn.

Tháng 7, ngày Kỷ Hợi, trời mưa nhỏ vài ngày.

Tháng 8, hạn.

Con Hùng Lễ [hầu] họ Mạc là Kính Dụng họp đảng ở huyện An Bác, nguỵ xưng là Uy Vương. Sau bị thua luôn, thiếu ăn, bèn mưu dụ giết viên thổ quân là Phú Lương hầu (không rõ tên) để cướp lấy đất đai [65b] và dân chúng. Phu Lương [hầu] biết, mưu ấy không thành. Mạc Kính Dụng tự đem con em đến bức. Phú Lương [hầu] dùng mẹo đánh lừa, sai vợ con ra đón hàng, thú tội rằng: "Đại vương quyền cao, binh thế lớn, những người theo hầu phục dịch lại gan dạ oai hùng. Chồng thiếp chỉ là một người nhà quê, chưa từng thấy việc binh thế này bao giờ, nghe tin quân của đại vương tới, kinh hoàng sợ hãi, sai thiếp đi thay, xin đại vương đóng quân yên trại ở ngoài cõi, hạ lệnh nghiêm cấm, chỉnh đốn binh sĩ, cố thủ dinh trại, phòng giữ cẩn thận. Quân của triều đình có đến thì chống lại. Rồi sau đại vương tự chọn lấy tay chân thân cận, chẳng qua độ mươi người, theo thiếp vào nhà, đến nơi thì thiếp lập tức dẫn chồng vào lạy chào rồi sẽ dâng nộp đất đai và dân chúng".

Uy Vương nghe nói mừng lắm, lập tức chọn lấy 40 người chân tay và con em thân cận [66a] tự vào trong thôn nhà Phú Lương hầu. Phú Lương hầu sai quân canh giữ, đóng kín các cửa ải, rồi từ trong nhà ra đón tiếp, lạy quỳ trước mặt mà nói: "Thần ở cõi xa xôi hẻo lánh, binh ít, lương đủ. Đại vương đến đây có thể tạm yên thân, nuôi quân, chứa sức, thừa thời đợi lúc, chiêu mộ châu huyện, thu thập quân lính thì có thể phục hưng sự nghiệp trước kia. Nay thần có một chỗ lũng núi, đã xa lại sâu hiểm, đại vương chỉ nên đem vài người thân cận vào chiếm giữ chỗ núi sâu ấy, thần sai người nhà cung cấp hầu hạ, còn các tướng hiệu tả hữu khác đều hãy tạm ở nhà thôn của thần để thần cấp dưỡng rồi sẽ tính việc sau này.

Uy Vương nghe xong, tự đem 4, 5 người tay chân vào chiếm giữ chỗ lũng núi. Phú Lương hầu lập tức giết hết 40 con em của Uy Vương, không cho tiết lộ để Uy Vương biết. Phú Lương hầu mật [66b] sai người chạy báo ngay về Kinh sư, xin quân cứu viện, bắt giải Uy Vương. Bấy giờ, Tiết chế Trịnh Tùng

sai bọn Đô đốc Lâm quận công, Quảng quận công, Hoa Dương hầu đem quân đến thôn nhà Phú Lương hầu, quả nhiên bắt được Uy Vương đem về Kinh sư. Sau xét công, thăng thưởng Phú Lương hầu chức tổng binh.

Tháng 9, hạn. Bấy giờ, liền mấy tháng hạn to, lúa mạ chết khô. Vua bèn mật đảo ở trong cung, lại hợp tế các thần ở Cầu Muống mới được mưa.

Ngày mồng 6, Dương Văn Cán ở huyện Yên Thế sai vợ đem 2 con ngựa và 2 con trâu về Kinh thú tội. Vua y cho, sai về bảo chồng ra thú sẽ tha tội cho.

Viên giám sinh người xã Chi Nê, huyện Chương Đức là Nguyễn Thì Đam, tự xưng nguỵ hiệu là Binh bộ thượng thư Lâm Tuyền hầu. [67a] Bấy giờ đã bắt được đưa về giam ở Kinh, sau lại trốn thoát.

Hạ lệnh cho huyện Quảng Đức2670 mở cục làm giấy, làm loại giấy khổ to, kiểu mới nộp quan, không được bán riêng. Bấy giờ, người ta hay làm giả lệnh thị, cho nên có việc cấm này để phòng kẻ gian. Lại hạ lệnh cho thừa ty và phủ huyện các xứ nếu thấy người của quan trên sai xuống có mang thiếp thị thì phải xét thực là giấy kiểu mới mới được y lệ thừa hành, nếu không phải thì bắt nộp trị tội.

Hạ lệnh cho các quan phủ, huyện, xã duyệt tuyển dân đinh trong hạt, người nào từ 18 tuổi trở lên mà sức vóc khoẻ mạnh thì biên bổ làm lính để tăng số quân. Song phép duyệt tuyển nhiều sự nhũng nhiễu, dân khổ không chịu nổi.

Tháng 10, hạ lệnh cho các xứ Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hoá, Quảng Nam dựng bãi duyệt tuyển, đợi [67b] duyệt tuyển đinh tráng để bổ vào ngạch binh. Nhưng gặp buổi hết năm, chưa làm lại thôi.

Ngày 13, Tiết chế Trịnh Tùng dâng biểu tâu sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái thống lĩnh binh tượng cùng bọn Thái bảo Trịnh Đồng, Thiếu bảo Trịnh Bách, Đô đốc Lê Văn Hoan, Chỉ huy sứ Trần Tộ đem hơn 1 vạn quân đi đánh dẹp đảng nguỵ ở Lạng Sơn. Sai Binh bộ hữu thị lang Nguyễn Vỹ làm qua đốc thị. Lại sai Thái phó Trịnh Đỗ thống lĩnh binh tượng cùng bọn Thạch quận công Vương Trân, Thao quận công Trần Chấn, Tổng binh Thái Nguyên Đức Trạch hầu Lại Thế Quý đem quân đánh dẹp đảng nguỵ ở Thái Nguyên. Lại sai bọn Thanh quận công Đặng Kính, Giao quận công Nguyễn Hữu Giai đi đánh dẹp bọn giặc ở các huyện Sơn Dương, Đương Đạo2671 . Lại sai Bạt quận công Phạm Doãn Sinh trấn giữ các con đường hiểm yếu ở Lâm Thao2672 để giữ yên dân hạt Hưng Hoá2673 .

[68a] Ngày 17, cha con Thế quận công Dương Văn Cán đến Kinh xin hàng, được tha tội.

Ngày 23, bọn Đặng Kính, Nguyễn Hữu Giai đem quân đến huyện Đương Đạo, đánh phá giặc ở Thượng Lan2674 . Phù Cao [hầu] nguỵ bỏ trại chạy vào châu Đại Man2675 . Kính tung quân đuổi theo, chém được tướng nguỵ là bọn Phù Vệ, Triều Ba, bắt được ngựa, ấn đồng, chiêng, cờ, khí giới rất nhiều rồi về.

Tháng này, thổ quan ở Cao Bình2676 là Tổng binh đồng tri Dũng quận công Hà Ích đem quân đánh phá giặc ở châu Định Hoá2677 , chém được Trung quốc công nguỵ (không rõ tên) và 35 thủ cấp của đồng bọn, bắt được 30 con ngựa giải về Kinh dâng nộp.

Ngày 28, hạ lệnh thắt cổ giết Mạc Kính Dụng ở chợ Cửa Đông.

Tháng 11, ngày mồng [68b] 4, thổ quan huyện Đương Đạo là Vệ Nghĩa hầu Tống Thì Chiếu đem quân đánh phá nguỵ Mạc chém được Phù Thắng hầu nguỵ (không rõ tên) và 15 thủ cấp đồ đảng, bắt được 1 con ngựa và rất nhiều khí giới.

Ngày mồng 6, Hữu tướng Hoàng Đình Ái đến thành Lạng Sơn, sai đô đốc Lâm quận công Trần Phúc đem hơn 1.000 quân đánh phá giặc ở châu Thoát Lãng2678 . Bấy giờ, quân của Mạc Kính Cung từ Long Châu về Thất Tuyền2679 , sai Vạn quốc công nguỵ (không rõ tên) chống giữ. Trần Phúc tung quân đánh lớn, chém chết con của Vạn quốc công, bắt được vợ con và đồ đảng, đốt dinh trại, quân giặc tan vỡ. Bọn Phúc thừa thắng đuổi dài, thẳng đến dinh của Kính Cung. Kính Cung sai Phúc Vương đem vợ con lương thực rút trước vào Long Châu2680 . Đến nửa đường, gặp quân mai phục của con trưởng Trần Phúc [69a] là Nghĩa Tráng hầu Trần Thiết nổi dậy đánh. Phúc Vương và quân lính tranh nhau cướp đường chạy vào Long Châu.

Phúc Vương ngoảnh lại bảo Trần Thiết: Có Càn Thống Vương2681 còn ở đằng sau; nếu ngươi định đuổi bọn ta, Càn Thống Vương đến đây thì e rằng bọn người đều trở thành quỷ dưới suối vàng cả.

Trần Thiết nghe thế, không dám đuổi nữa, sai các con em thu nhặt tiền của rồi về.

Kính Cung thấy quân Trần Phúc tiến đánh, liền sai tướng là bọn Bàn quận công, Thắng quận công (không rõ tên) đem quân chặn hậu, chống nhau với quân Trần Phúc. Kính Cung tự đem quân nhổ trại ngầm lui về phía sau. Trần Phúc thấy tướng nguỵ chống lại, tung quân ra đánh, chém được bọn Thắng, Bàn tại trận, bọn còn lại tan vỡ tháo chạy. Kính Cung bèn đem mấy nghìn tướng sĩ chạy vào Long Châu, lại gặp quân mai phục của Trần Thiết đón đánh ở đường hiểm. Kính Cung [69b] tự đốc suất đại quân xông vào đánh. Bấy giờ, Trần Thiết quân ít, không địch nổi, bèn vứt bỏ những của cải đã lấy được, nhổ đội chạy thẳng về Cao Bình. Quân Kính Cung vội vã vượt sông rút đi. Sau quân Trần Phúc tiến đến, bắt được con trai thứ hai của Kính Cung mới 12 tuổi. Khi ấy, quân của Kính Cung đã đi xa, Trần Phúc sai thu quân về Lạng Sơn, nghị bàn với Hữu tướng thái uý Vinh quốc công trở về Kinh, đem con trai của Kính Cung dâng nộp.

Lấy Hộ bộ thượng thư Thông quận công Đỗ Uông làm thiếu bảo.

Tháng này, Thái phó Trịnh Đỗ tiến quân đánh các địa phương Cảm Hoá, phủ Thông Hoá2682 , trấn Thái Nguyên.

Sai Tổng binh Lại Thế Quý đánh dẹp xứ Cao Bằng. Quân đến núi Tam Lộng, Thế Quý không biết liệu thế giặc. Bọn giặc đem người Man các động bốn mặt đánh kẹp lại, Thế Quý thua to, [70a] chạy ba ngày ba đêm đến núi Thượng Tư, bị giặc bắt được một con voi công, còn anh em Thế Quý bị thương nhiều chỉ chạy thoát thân. Trịnh Đỗ thấy đánh không lợi, bèn bàn đem quân về, Triều đình luận tội, tước binh quyền của Thế Quý.

Mưa dầm.

Tháng 12, ngày mồng 3, hạ lệnh thắt cổ giết con thứ hai của Mạc Kính Cung ở bên hữu Cửa Đông.

Ngày mồng 6, Tiết chế Trịnh Tùng sai quan hầu mệnh là bọn Đỗ Uông chuẩn bị nghi chú, lễ vật đến cửa Trấn Nam Giao đón tiếp Bắc sứ.

Trước đây, sứ thần là bọn Phùng Khắc Khoan mang vật cống cùng người vàng thay thân mình, trầm hương, ngà voi đến Yên Kinh, dâng biểu xin theo lễ cống. Vua Minh xem biểu rất mừng, lại xuống chiếu phong vua làm An Nam đô thống sứ ty đô thống sứ, quản hạt đất đai nhân dân nước Nam, và ban cho một quả ấn [70b] An Nam đô thống sứ ty bằng bạc, sai bọn Phùng Khắc Khoan mang sắc thư về nước. Khắc Khoan bèn dâng biểu rằng: Chủ của thần, họ Lê là dòng dõi của An Nam quốc vương, giận nghịch thần họ Mạc tiếm ngôi, cướp nước, không chịu được mối thù ngàn năm, mới nằm gai nếm mật, lo thu phục lại cơ nghiệp của tổ tông để nối theo dấu cũ của tông tổ. Họ Mạc kia vốn là bề tôi của họ Lê nước An Nam, giết vua, cướp nước, thực là tội nhân của thượng quốc, mà lại ngầm xin chức Đô thống. Nay chủ của thần không có tội như họ Mạc, mà lại phải nhận chức như họ Mạc là nghĩa thế nào, xin bệ hạ xét cho".

Vua Minh cười nói: "Chủ của người tuy không ví như họ Mạc, nhưng vì mới lấy lại được nước, sợ lòng người chưa yên, hãy cứ nhận đi, sau sẽ gia phong tước vương cũng chưa muộn gì. Ngươi hãy [71a] kính theo, chớ có từ chối".

Khoan liền bái nhận ra về. Trước đây, Khắc Khoan qua cửa quan vào tháng 4 năm Vạn Lịch thừ 25, đến tháng 10 tới Yên Kinh bái yết vua Minh, ngày mồng 6 tháng 12 từ biệt vua Minh về nước, trước sau cộng 1 năm lẻ 4 tháng, đường đi sứ mới thông.

Ngày 15, Khắc Khoan về đến cửa Trấn Nam Giao, quan Tả giang nhà Minh sai viên quan uỷ nhiệm Vương Kiến Lập đem công văn đến Kinh sư. Tiết chế Trịnh Tùng sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái và Thái bảo Trịnh Ninh sửa soạn nghi vệ đón tiếp sứ Minh Vương Kiến Lập và bọn Khắc Khoang.

Ngày 25, vua qua sông sang bến Bồ Đề bái lạy chiếu thư đón sứ Minh về nội điện. Tiết chế Trịnh Tùng cùng với các đại thần văn võ vào nội điện triều yết. Khi tuyên đọc sắc thư xong, thấy quả ấn ban cho nói là bằng bạc [71b] mà lại là đồng, bèn cùng với văn võ đại thần bàn gửi thư phúc đáp trách nhà Minh, do vên quan uỷ nhiệm của nhà Minh là Vương Kiến Lập mang về nước đệ tâu vua Minh.

Thổ quan nhà Minh nhận hối lộ của Mạc Kính Cung, lại đệ tâu vua Minh cho Kính Cung được giữ đất Thái Nguyên và Cao Bằng.

Kỷ Hợi, [Quang Hưng] năm thứ 22 [1599] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 27). Tháng giêng, ngày 28, Thiếu phó Quỳnh quận công Nguyễn Mậu Tuyên chết, thọ 82 tuổi. Mậu Tuyên là người xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương.

Ngày 28, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê giải nộp quận Thuỵ nguỵ, sai đem giết.

Tháng 2, bấy giờ viên giám sinh người Chi Nê, huyện Chương Đức là Nguyễn Thì Thầm, nguỵ xưng là thượng thư Lễ quốc công; người làng Man Nhuế, huyện Thanh Lâm nguỵ xưng là Thiếu bảo An quốc công; người Phúc Lộc nguỵ xưng là [72a] Trung quận công; họp quân ở vùng Yên Lãng. Bình quận công Trịnh Tráng sai người đi bắt giải về Kinh sư. Sai đem chém hết.

Lại bộ hữu thị lang Nguyễn Hoàng Từ chết.

Đại lý tự khanh Trần Phúc Hựu chết.

Ngày 27, lấy Công bộ tả thị lang Phùng Khắc Khoan làm Lại bộ tả thị Lang, phong Mai Lĩnh hầu.

Tháng 3, quan Tả giang nhà Minh Trần Đôn Hựu lại sai Vương Kiến Lập mang ngựa tốt, đai ngọc, mũ xung thiên sang cho Tiết chế Trịnh Tùng, xin kết tình láng giềng và gửi hai tấm thiếp, trong viết 8 chữ "Quang hưng tiền liệt, định quốc nguyên huân" (Quang phục nông nghiệp xưa, công đầu định nước). Tiết chế Trịnh Tùng đối đãi rất hậu, sai người hộ tống về nước.

[72b] Tháng 4, ngày mồng 7, có nhiều sao băng xuống nội điện hành tại, một góc điện Kính Thiên bị sập.

Tấn phong Đô tướng tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái uý Trường quốc công Trịnh Tùng làm Đô nguyên suý tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương. Sai bọn Tư thiện giám Lê Văn Huệ chọn ngày làm lễ sách phong.

Lời sách văn như sau: Vương giả dựng ngôi ban phúc, giữ đạo công rộng lớn, công bằng; bề tôi giúp nước lập công, phải hậu lễ tôn nghiêm cao quý.

Chọn ngày tốt hợp, ban sách vẻ vang. Suy trung dực vận kiệt tiết tuyên lực công thần đô tướng tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái uý Trường quốc công Trịnh Tùng, uy vọng lớn như núi cao, bóng cả, đấng võ văn của nhà nước triều đình. [73a] Bày mưu đặt kế yên xã tắc, công cao sáng tỏ giữa trời; giữ tín giảng hoà nước láng giềng, sách giỏi giữ êm ngàn cõi. Công đã ngất cao trong vũ trụ, vị phải đứng đầu khắp thần liêu. Đặc sai Thái tể Vĩnh quốc công Hoàng Đình Ái đem sách vàng tấn phong làm Đô nguyên suý tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương. Lại ban ngọc tản2683 làm vật báu lưu truyền; lại cấp ruộng nương để rộng thêm phong ấp. Mong hãy thận trọng chức vị, luôn luôn giữ phép triều đình; sửa sang đức nhân, đời đời hưởng ơn vua quý. Vương hãy kính theo.

Ngày 21, mở yến hội lớn.

Ngày 26, bàn định luật lệnh.

Năm này, đại hạn từ tháng 3 đến tháng 6. Bấy giờ, trời không mưa, lúa má chết khô.

Ngày 13, vua cùng Bình An Vương đến xứ Xạ Đôi lập đàn cầu đảo, sau mới [73b] được mưa.

Ngày 16, giờ Dậu, nguyệt thực.

Tháng 7, tướng trấn thủ Thanh Hoa là Thiếu uý Lân quận công Hà Thọ Lộc chết. Sai quan khâm sai duyệt tuyển xứ ấy là bọn Lê Văn Hoan, Lê Văn Thực thay làm chức ấy. Sổ tuyển duyệt thì sai người đệ về Kinh dâng nộp.

Bấy giờ Vũ Đức Cung ở Đại Đồng làm phản, tiếm xưng Long Bình Vương, sai tướng thủ hạ là bọn Nhuệ quận công đem quân của châu Đại Man đánh các động núi ở châu Bạch Thông, đất Thái Nguyên, bức thu thuế mỏ bạc. Bấy giờ, Bình An Vương sai bọn Hải quận công, Quảng quận công, Phụng quận công đem quân tiến đánh, lại sai tướng trấn thủ Vệ Nghĩa hầu Tống Thì Chiếu dẫn đường đi đánh phá giặc.

Tháng 8, ngày 16, có lệnh chỉ cho trưởng quan các dinh và cai quan các cơ, đội rằng: [74a] Các đội trưởng và thứ đội trưởng ở các dinh, cơ, viên nào có hạng công thần hết lòng cố sức và bền nghĩa theo quân, lâu ngày có công, thì hãy khai rõ họ tên, chú rõ từng mục địa chỉ, chức tước, hạn đến trung tuần tháng này đệ nộp, đợi duyệt định làm bản gửi cho nha môn phụ trách thăng bổ các chức để đền đáp công lao.

Ngày 23, sao Thái Bạch phạm vào sao Thái Ất.

Ngày 24, giờ Sửu, vua băng.

Bấy giờ, Bình An Vương cùng với triều thần bàn là thái tử không thông minh mẫn tiệp, bèn lập con thứ là Duy Tân. Định ngày 27 tháng này lên ngôi ở hành tại. Đại xá. Đổi niên hiệu.

Xuống chiếu rằng: Trẫm nghĩ, trời đất sinh ra muôn loài là đức, tất chuyển hoá, vận hành âm dương [74b] để tỏ rõ vi dưỡng dục2684 ; Đế vương nắm giữ ngôi cả dùng nhân, phải giáo huấn, phúc lành ban khắp, cho sáng ngời đạo lớn chí công. Lẽ mầu không khác, lời đẹp phải ban. Nước nhà ta, trời cho người theo, thần truyền thánh nối. Kế mưu, sự nghiệp chính đáng vẹn toàn, kỷ cương, mối giềng tận tường đầy đủ. Những gì để lại cho đời sau thực đã sâu xa lắm! Đức Hoàng khảo ta nối rộng công lớn, ở ngôi 23 năm, gặp khi mỏi mệt, đem việc nước phó thác cho trẫm. Trẫm đương khi đau xót, thương nhớ khôn nguôi. Song coi xã tắc là trọng, tạm nén tình riêng, gượng theo công luận, đã lên nối nghiệp lớn vào ngày 27 tháng này năm này, sang năm sẽ đổi niên hiệu. Trẫm tự nghĩ, đương khi tuổi còn trẻ thơ, nối nghiệp gian nan to lớn, cáng đáng những lo không nổi, giúp đỡ cần phải có người. Thực nhờ đức

sáng suốt khuông phủ của Chủ suý thượng phụ Bình An Vương [75a] và sức giúp rập bổ khuyết của các huân cựu đại thần và các quan tả hữu thân cận, mới mong có thể nối được cơ nghiệp tốt lành, rạng tỏ lời dạy đời trước, trên đáp lòng trời, dưới thoả ý dân, để nối dài phúc lớn của tông xã đến ức muôn năm không dứt. Nay trẫm coi nước trị dân, chính là lúc bốn phương mong được ban ơn hưởng phúc. Phải nên dựng đạo, dạy dân, ban ơn, xuống phúc, để cùng với thiên hạ chấn chỉnh buổi đầu. Sẽ lấy sang năm làm Thận Đức năm thứ 1. Nay đương buổi đầu coi việc nước, nên rộng ban ơn cho bốn biển, có những điều mở rộng ân ban, công bố trước thiên hạ như: Ban tước hiệu và ruộng đất cho công thần, gia phong cho các vị thần trong tự điển2685 , tha những thuế còn bỏ phiếu, thương xót chiếu cố dân xiêu tán mới trở về, xét thực tình những người trước đã nhận chức nguỵ để trả lại của cải khi trước, cùng là các quan trong ngoài được ban ân, thăng cấp, và các bọn dũng sĩ, sinh đồ, xã trưởng, quan viên tử tôn, đều được [75b] ban thưởng theo thứ bậc khác nhau.

Ôi, sang sửa buổi đầu, nghĩa lớn Xuân Thu nhất thống, nay xem hiện tượng rõ ràng, hưởng vận nước gồm cả Ân, Hạ số năm, hợp phúc dài lâu to lớn. Bá cáo xa gần, thảy đều nghe biết".

Ngày 25, bộ Lễ ra bảng yết thị rằng: Đại Hành Hoàng Đế chầu trời, thần dân trong nước phải chiếu theo thứ bậc để tang mà tuân hành. Còn Thượng phụ là bậc huân vương, và là trọng thần của xã tắc, không cùng ngang hàng với các quan, nên để tang 100 ngày. Các thân vương và các quan văn võ, từ quận công trở lên, mà dự ban chầu (nếu theo quân dinh thì không câu nệ) cùng các viên ở triều đường (từ ngũ phẩm trở lên), các viên coi một phương diện ở ngoài nên để tang 3 năm. Quan võ từ tước hầu, bá để ngũ phẩm trở lên (nếu theo quân dinh thì không câu nệ); Nội giám ty từ lục phẩm [76a] trở xuống, văn giai từ thủ lính các bộ, các tự, các phủ huyện và hiệu quan trở lên (nếu theo quan dinh thì không câu nệ) để tang 1 năm. Võ giai từ lục phẩm trở xuống, văn giai từ bát cửu phẩm có dự triều yết để tang 9 tháng. Các hộ sĩ, vệ sĩ, hiệu sĩ án lại, hoa văn để tang 5 tháng. Vợ các quan viên dự hàng mệnh phụ để tang 1 năm, không dự hàng mệnh phụ để tang 100 ngày, đều cấm trang sức. Các ấm quan, tụng quan, được cất nhắc mà chưa có chỗ bổ và các quan tạp lưu để tang 5 tháng. Xá nhân, văn thuộc, quan viên tử tôn, tướng thần, xã trưởng, cùng thổ tù, phụ đạo và người làng vua, dân trong Kinh kỳ đều để tang 100 ngày. Dân chúng các xứ trong nước để tang 27 ngày. Cấm hết âm nhạc và mặc dùng các thứ lụa màu, châu ngọc, vàng bạc. Con trai con gái lấy vợ lấy chồng thì con cái nhà quan viên hoãn 100 ngày, thứ dân 27 ngày; đều bắt đầu từ ngày nhận được lệnh này.

[76b] Hôm ấy, giờ Sửu, sao băng rất nhiều, dài như tấm lụa, khi sa xuống đất, có tiếng kêu như sấm lớn.

Tháng 9, ngày 20, sai tướng sĩ rước linh cữu của Đại Hành Hoàng Đế về sơn lăng.

2534 Gia Thái (1573 - 1577), sau lại đổi là Quang Hưng (1578 - 1599).

2535Nguyên văn là chữ "thứ", theo chú thích ở Cương mục thì đáng lẽ phải là chữ "tư" (CMCB24, 2).

2536Hồng Phúc Hoàng Đế : tức Lê Duy Bang.

2537Tống Đức Vị : người xã Khoái Lạc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

2538Vũ Công Kỷ : là con của Vũ Văn Mật, Kỷ người xã Ba Đông, huyện Gia Lộc, nay thuộc tỉnh Hải Hưng.

2539 Nguyên văn là "mỹ dư", in lẫn chữ "sai" thành chữ "mỹ". Tiền sai dư là tiền nộp hàng năm của các trấn cho triều đình.

2540Đại Đồng : là trấn lỵ của trấn Tuyên Quang, nay là vùng thị xã Tuyên Quang, tỉnh Hà Tuyên.

2541Kinh ấp : tức kinh thành Thăng Long.

2542Phan Công Tích : người xã Thái Xá, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An.

2543 Tức Trịnh Kiểm.

2544 Dịch theo nguyên văn. Cương mục chép là "thẳng tiến đến huyện Thuỵ Nguyên và huyện Yên Định (CMCB24, 6), chú thích của bản dịch cũ ghi là phía hữu ngạn hạ lưu sông Mã và tả ngạn hạ lưu sông Chu.

2545Lôi Dương và Đông Sơn : hai huyện của Thanh Hoá bấy giờ, tức vùng trung lưu và hạ lưu.

2546 Bản dịch cũ ghi tên viên tướng này là Vương Trân.

2547 Thuộc xã Tiên Mộc, huyện Nông Cống, Thanh Hoá.

2548Chiêu Sơn chưa rõ ở đâu.

2549Đông Lý : tên xã, thuộc huyện Yên Định, Thanh Hoá.

2550 Đây là quãng sông Chu chảy qua huyện Thuỵ Nguyên, đối với Lam Sơn, chứ không phải là sông Lam ở Nghệ An.

2551Sông Đồng Cổ : khúc sông mã chảy qua địa phận xã Đan Nê, huyện Yên Định. Vì xã này có núi Đồng Cổ, trên núi có đền Đồng Cổ, nên gọi như vậy.

2552 Chỉ miền thuộc phạm vi của nhà Mạc, đối với Giang tây là miền thuộc phạm vi của vua Lê chúa Trịnh.

2553Cương mục chú là các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Yên Định (CMCB24).

2554Luỹ Khoái Lạc : ở xã Khoái Lạc, huyện Yên Định, Thanh Hoá.

2555Giang Biểu : tên xã, thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá.

2556Núi Phụng Công : tức dãy núi ở xã Phụng Công, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá.

2557Châu Thu, Châu Vật : CMCB24 chép là châu Thu Vật, vùng đất tương đương với huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

2558Thái Đường : tên xã, thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá.

2559Kim Âu : tên xã, ở tả ngạn sông Lèn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá.

2560Mục Sơn : tên núi ở xã Bình Hoà, huyện Tống Sơn, nay là huyện Hà Trung, Thanh Hoá.

2561 Nguyễn Văn Giai: người Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, sau là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Phùng Khắc Khoan cũng đỗ tiến sĩ ở khoa này. Bắt đầu từ khoa này, có lệ 3 năm một lần thi, nhưng chưa có thi Đình.

2562Mạc Đôn Nhượng : Là con út của Mạc Đăng Dung.

2563Núi Đường Nang : theo CMCB24 thì núi nàyở thôn Nang, xã Hưng Lễ, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá.

2564Trịnh Đỗ : là con Trịnh Kiểm.

2565 Nguyên văn: "Thời phương chửng hoán, nghĩa hiệu tòng khôn". Hoán và Khôn là hai quẻ của Kinh Dịch , đại ý nói: Hiện nay, đương lúc ly tán gian nguy như điềm quẻ Hoán , phải làm theo phương sách mềm dẻo, hoà thuận của quẻ Khôn .

2566Yên Mô, Yên Khang : tên hai huyện, đều thuộc tỉnh Ninh Bình.

2567Phủ Thiên Quan : sau là huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

2568 Nguyên văn mất bốn chữ " Tiết chế Trịnh Tùng".

2569Thạch Thất : tên huyện, thuộc tỉnh Sơn Tây cũ, nay là tỉnh Hà Tây.

2570Núi Sài Sơn : còn gọi là Chùa Thầy, thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

2571Chợ Quảng Xá : thuộc huyện Yên Sơn, xưa là huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc huyện Quảng Oai, Hà Tây. CMCB24 ghi là chợ Hoàng Xá.

2572 Tức bà phi của Trịnh Kiểm.

2573Núi Trác Bút : thuộc xã Đa Bút, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Huyện Vĩnh Lộc thời ấy gọi là huyện Vĩnh Phúc.

2574 Phương khôn tức phương tây nam.

2575Chợ Rịa : ở gần huyện lỵ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

2576Ninh Sơn : hay Yên Sơn, tức là huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây.

2577Sông Do Lễ : ở xã Do Lễ, huyện Chương Đức, nay thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây.

2578 Quốc Oai và Thạch Thất là hai huyện thuộc tỉnh Sơn Tây cũ.

2579Nhật Chiều : nay là xã Nhật Tân, ngoại thành Hà Nội.

2580 Theo CMCB 24, thì cầu Dừa thuộc phường Thịnh Quang ở Hà Nội.

2581Cầu Dền : nay là ô Cầu Dền, gần Bạch Mai, Hà Nội.

2582Cương mục chép là cửa ải Trường Cát, Phố Cát nay thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá (CMCB 24, 20).

2583Sông Chính Đại : theo Cương mục thì sông Chính Đại ở trang Chính Đại, huyện Tống Sơn, Thanh Hoa (CMCB 24, 20).

2584Trại Dương Vũ : thuộc xã Dương Vũ, huyện Yên Khánh.

2585Núi Tam Điệp : tức là đèo Ba Đội ở giữa Thanh Hoá và tỉnh Ninh Bình, trên đường quốc lộ số 1.

2586Sông Vãn Hà : sông thuộc xã Vãn Hà, ngay ở lỵ sở phủ Thiệu Hoá trước.

2587Phương tốn : tức phương đông nam.

2588Huyện Quảng Bình : sau đổi thành Quảng Địa, rồi Quảng Tế. Nay là phần tây bắc của huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá.

2589Núi Mã Yên : thuộc huyện Yên Sơn, sau là huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc huyện Quảng Oai, tỉnh Hà Tây.

2590Thanh Xuyên : tên huyện, tương đương với hai huyện Thanh Sơn, Thanh Thuỷ thuộc tỉnh Vĩnh Phú.

2591Ma Nghĩa : tên huyện, sau là huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây cũ, nay là Hà Tây.

2592Phúc Lộc : sau là huyện Phúc Thọ.

2593Tân Phong : sau là huyện Tiên Phong, nay thuộc huyện Quảng Oai. Các huyện Yên Sơn (sau là Quốc Oai), Thạch Thất, Phúc Lộc, Tân Phong đều thuộc tỉnh Sơn Tây cũ, nay là Hà Tây.

2594Tốt Lâm : chưa rõ ở đâu.

2595 Bốn trấn là Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương và Sơn Tây.

2596 Bốn vệ là Hưng quốc, Chiêu vũ, Cẩm y và Kim ngô.

2597 Năm phủ là Trung quân, Đông quân, Tây quân, Nam quân, Bắc quân.

2598Hiệp Thượng, Hiệp Hạ : tên hai xã thuộc huyện Quốc Oai.

2599 CMCB 24, 24: chép là Khuông quận công.

2600Phấn Thượng : sau là xã Tảo Thượng, nay là xã Ngọc Tảo, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Tây.

2601 Khoảng từ 6 giờ đến 12 giờ sáng.

2602 Khoảng từ 16 giờ đến 18 giờ.

2603Sông Cù : đoạn sông Hát chảy qua xã Cù Sơn.

2604Sông Ninh Giang : khúc sông Đáy chảy qua xã Ninh Sơn, gần chùa Trầm.

2605Chùa Thiên Xuân : ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Oai (CMCB 24, 28).

2606Cầu Nhân Mục : tức Công Mọc, ở phía tây Hà Nội.

2607Thổ Khối : tên xã, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

2608Xạ Đôi : nghĩa là Gò Bắn, ở khu Giảng Võ, Hà Nội.

2609Cửa Cầu Gỗ : ở khoảng phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ngày nay.

2610Hồng Mai : sau đổi là phường Bạch Mai. Nay là phố Bạch Mai, Hà Nội.

2611Súng lớn Bách Tử : có lẽ là loại máy bắn đạn ria.

2612Sông Do Lễ : khúc sông Đáy chảy qua xứ Do Lễ, huyện Chương Đức.

2613Ngô Trí Tri : là con Ngô Trí Hoà, hai cha con đỗ cùng khoa.

2614 Bản dịch cũ không có đoạn này.

2615 Theo Cương mục thì người con này tên là Bùi Văn Nguyên (CMCB24, 30).

2616Bái và Đính : là tên hai xã thuộc huyện Gia Viễn.

2617Bến đò Đàm Giang : tên cũ là đò Đàm Gia, ở xã Điểm Xá, huyện Gia Viễn.

2618Sông Thiên Phái : khúc sông Đáy làm ranh giới hai huyện Ý Yên và Phong Doanh thuộc tỉnh Nam Định cũ, chảy ra cửa Liêu.

2619Sông Hoàng Xá : thuộc huyện Gia Viễn, giáp huyện Kim Bảng.

2620Kiềm Cổ : tức là Kẽm Trống, trên sông Yên Quyết, một khúc của sông Đáy ở xã Nam Kinh, huyện Thanh Liêm.

2621Bến đò Đoan Vĩ : ở xã Đoan Vĩ, huyện Thanh Liêm, nay thuộc tỉnh Nam Hà.

2622Huyện Đại Yên : sau là huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc tỉnh Nam Hà.

2623Cầu Lấp : nguyên văn là Tắc Kiều.

2624Bãi Tinh Thần : sau là xã Tinh Thần, huyện Thanh Oai, ngày nay thuộc tỉnh Hà Tây.

2625Bến Sa Thảo : nguyên văn là "Sa Thảo tân", có chỗ lại chép là "Thảo tân", có thể hiểu là Bến Cỏ, có thể là vùng ga Hàng Cỏ, Hà Nội ngày nay.

2626Thuận An : nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Tam Đới : gồm tỉnh Vĩnh Yên cũ và huyện Phù Ninh, sau thuộc tỉnh Phú Thọ. Thượng Hồng : phần tây bắc tỉnh Hải Dương.

2627Phù Dung : sau là huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên cũ, nay thuộc huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng.

2628Phủ Hạ Hồng : gồm các huyện Tứ Ký và Vĩnh Lại; phủ Nam Sách : gồm các huyện Thanh Lâm (sau là Nam Sách), Chí Linh, Tiên Minh (sau là Tiên Lãng); phủ Kinh Môn : gồm các huyện Giáp Sơn và Đông Triều.

2629Đỗ Uông : người Đoàn Lâm, huyện Gia Lộc, đỗ bảng nhãn khoa Bính Thìn (1556) đời Mạc.

2630Đồng Hàng : người Triều Dương, huyện Chí Linh, đỗ hoàng giáp, khoa Kỷ Mùi (1559) đời Mạc.

2631Ngô Tháo : người xã Đàn, huyện Thọ Xương (nay thuộc Hà Nội), đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi (1571) đời Mạc.

2632Đàm Văn Tiết : người Lãm Sơn, huyện Quế Dương (nay thuộc tỉnh Hà Bắc), đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1580) đời Mạc.

2633Huyện Vĩnh Lại : gồm huyện Ninh Giang của tỉnh Hải Dương và một phần huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An cũ. Xã Tranh Giang thuộc huyện Ninh Giang sau này.

2634Huyện Vũ Ninh : sau đổi là Võ Giang và huyện Yên Dũng, đều thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay.

2635Huyện Thanh Lâm : sau là huyện Nam Sách của tỉnh Hải Dương.

2636Năm Quý Hợi : là năm 1623. Sau khi Mạc Mậu Hợp chết, họ Mạc còn chiếm giữ được mấy tỉnh phía bắc. Đến khi Mạc Kính Khoan trốn chạy vào rừng núi năm 1623, thì thế lực họ Mạc trên thực tế đã bị xoá bỏ.

2637An Bác : sau là huyện Sơn Động, tỉnh Lạng Sơn.

2638Chân Định : tên huyện, tương đương với huyện Kiến Xương cũ, nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

2639Phủ Kiến Xương : là vùng huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ngày nay.

2640Huyện Sơn Dương : nay thuộc tỉnh Tuyên Quang.

2641Huyện Hạ Hoa : sau là huyện Hạ Hoà, nay thuộc tỉnh Phú Thọ.

2642Phủ Tân Hưng : gồm phần đất các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ngày nay.

2643Vũ Đức Cung : là con của Vũ Công Kỳ, cháu của Vũ Văn Mật.

2644Huyện Thanh Lan : một phần của huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình ngày nay.

2645Sông Hoàng Giang : khúc sông Hồng ở phía trên Nam Định, khoảng ngã ba Tuần Vường.

2646 Theo Cương mục , thì Nguyễn Hoàng đánh Mạc Ngọc Liễn ở Vĩnh Lại, đánh Vũ Đức Cung ở Đại Đồng (CMCB25).

2647 Thứ vương có nghĩa là vua thứ hai.

2648Mỹ Thọ : tức Mỹ Thọ hầu, tên tước.

2649Huyện Đông Lan và Huyện Tây Lan : thuộc phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây bấy giờ.

2650Đường Kiều : đường là cây cam đường. Thiệu Bá con Chu Văn Vương, khi tuần hành các nước phương Nam thường ngồi nghỉ dưới gốc cây cam đường, đời sau gọi quan to, tước cao là "đường phong". Kiều là cây to, bóng cả, cũng ví người làm quan to.

2651Hoàn quyển : hoàn là ngọc hoàn khuê của tước công cầm khi vào chầu vua; quyển là loại áo cổn. Hoàng quyển ví quan cao tước trọng.

2652Tây Bình : tức Tây Bình Vương, tước của Lý Thạnh đời Đường. Lý Thạnh giúp Đường Đức Tong dẹp loạn Chu Thứ. Con Thạch là Lý Tổ dẹp đất Hoài Tây, bắt Ngô Nguyên Tế.

2653Phần Dương : tức Phần Dương quận vương, tước hiệu của Quách Tử Nghi. Tử Nghi dẹp loạn An Lộc Sơn và Sử Tư Minh, xây dựng lại quốc gia cho Đường Huyền Tông.

2654Huyện Hữu Lũng : nay thuộc tỉnh Hà Bắc.

2655Núi Yên Tử : ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

2656Châu Vạn Ninh : sau là phủ Hải Ninh, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.

2657Long Châu : thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc.

2658Huyện Tiên Minh : sau là huyện Tiên Lãng, nay thuộc thành phố Hải Phòng.

2659Huyện Tam Dương : nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

2660 Nguyên văn mất hai chữ "phò mã".

2661Tiền đại tập : tiền chi dùng cho kỳ hội quân lớn.

2662Châu Cảm Hoá : tương đương với các huyện Ngân Sơn và Na Rì tỉnh Bắc Cạn ngày nay.

2663Kim Động : tên huyện, thuộc tỉnh Hưng Yên.

2664Tây Chân : tên huyện, sau là huyện Nam Chân, nay là huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam.

2665Cửa Trấn Nam Giao : Nguyên văn "Trấn Nam Giao quan" tức Trấn Nam quan, nay là Hữu Nghị quan.

2666Tộc mục : người đầu mục của họ. Ở đây là họ vua.

2667 Dịch theo nguyên văn. Bản dịch cũ ghi là "Phúc Đức năm thứ 1".

2668 Nguyên văn "Tứ chính" tức 4 trấn Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây. Người tứ chiếng là người 4 trấn này trú ngụ ở kinh thành Thăng Long.

2669Hùng Lễ công là tước hiệu của Mạc Kính Chỉ.

2670Huyện Quảng Đức : bấy giờ là huyện phụ quách của thành Thăng Long, sau là huyện Vĩnh Thuận, nay thuộc Hà Nội.

2671Huyện Đương Đạo : có lẽ là phần đông bắc huyện Sơn Dương, tỉnh Hà Tuyên ngày nay.

2672Phủ Lâm Thao : bấy giờ thuộc Trấn Sơn Tây, gồm các huyện Sơn Vi (sau là Lâm Thao), Thanh Ba, Hoa Khê (sau là Cẩm Khê), Hạ Hoa (sau là Hạ Hoà), Tam Nông, đều thuộc tỉnh Vĩnh Phú ngày nay.

2673Hưng Hoá : bấy giờ là một trấn tương đương với tỉnh Hoàng Liên Sơn ngày nay.

2674Thượng Lan : có lẽ nằm ở huyện Đoan Hùng ngày nay.

2675Châu Đại Man : nay là huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.

2676Cao Bình : nay là tỉnh Cao Bằng.

2677Châu Định Hoá : nay là huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.

2678Châu Thoát Lãng : nay là huyện Thoát Lãng, tỉnh Lạng Sơn, ở phía nam huyện Tràng Định.

2679Thất Tuyền : tên châu, nay là huyện Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn.

2680Long Châu : thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

2681Càn Thống Vương : tức Mạc Kính Cung.

2682Phủ Thông Hoá : gồm huyện Cảm Hoá, châu Bạch Thông nay đều thuộc tỉnh Bắc Cạn.

2683Ngọc tản : một loại thìa bằng ngọc dùng trong xe tế lễ.

2684 Nguyên văn là "... dĩ thần tính dục chi cơ". Bản dịch cũ dịch là "... để cơ phát dục thiêng liêng". Chúng tôi cho là chữ "thần" ở câu này vốn là chữ "hiển" bị khắc nhầm. "Dĩ hiển tính dục chi cơ..." là để đối với "dĩ thị đại công chi đạo" ở dưới.

2685Tự điển : sổ ghi các vị thần được nhà nước chính thức công nhận và cho thờ cúng. Các vị thần không nằm trong tự điển của dâm thần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét