Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên
Túc Tông Khâm Hoàng Đế Tên huý là Thuần ____ lại huý là Thuần ____, là con thứ ba của Hiến Tông, ở ngôi chưa đầy một năm, thọ 17 tuổi thì băng, táng ở Kính Lăng. [36a] Vua dốc chí hiếu học, thân người hiền, vui việc thiện, xứng đáng là vị vua giỏi giữ cơ nghiệp thái bình, không may mất sớm, tiếc thay!
Mẹ ngài là Trang Thuận hoàng thái hậu Nguyễn thị, huý là Hoàn, người làng Bình Lăng, huyện Thiên Thi. Năm Hồng Đức thứ 19 [1488] tháng 8, ngày mồng 12096 sinh vua. Năm Cảnh Thống thứ 2 [1499], tháng 3 được lập làm Hoàng thái tử. Đến khi Hiến Tông băng, liền lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thái Trinh, lấy ngày sinh làm Thiên minh thánh tiết, tự xưng là Tự Hoàng, sau được truy dâng tôn thuỵ, miếu hiệu là Túc Tông.
Vua lên ngôi, xưng là Tự Hoàng, làm lễ cáo trời đất tông miếu. Tôn tổ mẫu Trường lạc hoàng thái hậu là Thái hoàng thái hậu.
Mùa thu, tháng 7, bọn Quách Hữu Nghiêm vâng mệnh đi sứ nhà Minh trở về.
Tháng 8, ngày mồng 1, [36b] lấy ngày sinh làm Thiên minh thánh tiết.
Tháng này, có sao Chổi mọc ở phương tây bắc.
Tháng 9, ngày mồng 8, kính mang bảo sách dân tên thuỵ cho Đại Hành Hoàng Đế là Thể Thiên Ngưng Đạo Mậu Đức Chí Chiêu Văn Thiệu Vũ Tuyên Triết Khâm Thành Chương Hiếu Duệ Hoàng Đế, miếu hiệu là Hiến Tông. Tôn bà quý phi sinh ra vua làm Trung Thuận Minh Ý Hoàng Thái Hậu2097 .
Bọn phản nghịch Đoàn Thế Nùng bị giết. Bấy giờ, Thế Nùng làm phản ở Cao Bằng, bị bắt cùng với bè đảng hơn 500 người, đều bị giết.
Mùa đông, tháng 10, ngày giáp thìn 18, đưa linh cữu của Hiến Tông về Tây Kinh.
Tháng 11, ngày mồng 8, đưa táng Hiến Tông ở Dụ Lăng. Lễ bộ xét lệ cũ, tâu xin dựng bia. Vua y lời tâu, bèn sai văn thần là bọn Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí [37a] Sâm soạn văn bia.
Sai sứ sang nhà Minh. Bọn Lại bộ thị lang Đặng Tán, Kiểm thảo Khuất Quỳnh Cửu, Hộ khoa đô cấp sự trung Lưu Quang Phụ đi tuế cống; bọn Binh bộ hữu thị lang Nguyễn Lân, Giám sát ngự sử Nguyễn Kính Nghiêm đi báo tang; bọn Lễ bộ hữu thị lang Nguyễn Bảo Khuê, Đông các hiệu thư Trần Viết Lương, Hiệu thư Vũ Châu đi cầu phong2098 .
Tháng này, ngày mồng 8, vua không khoẻ. Khi vua mới lên ngôi, tha tù nhân, thả cung nữ, ngừng những việc không cần kíp, giảm những việc nặng nhọc, bớt đồ dâng cống, giảm nhẹ lực dịch, dùng bề tôi cũ có công, nắm giữ mọi uy quyền; hạn chế, răn đe thế lực họ ngoại, dốc lòng thương yêu các vị thân vương, mọi việc sửa sang nghiệp lớn, dựng đặt gốc lớn, không điều gì không đến nơi đến chốn. Thần dân trong nước đều chăm chú dõi nhìn chính sự buổi đầu, cho rằng ngày nay lại được trông thấy đời thịnh trị của Thành, Khang, Văn, Cảnh2099 .
[37b] Tháng 12, ngày Nhâm Tuất mồng 6, vua sắc dụ triều thần là bọn Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Cống Xuyên bá Lê Năng Nhượng, và các quan văn võ rằng: Bệnh trẫm chưa khỏi, lo rằng việc phó thác nặng nề e sẽ không kham nổi. Con thứ hai của Tiên hoàng đế là Tuấn, là người hiển minh, nhân hiếu, có thể nối được ngôi chính thống, để thừa kế tổ tông, vỗ về thân dân. Đại thần và các quan hãy hết lòng trung trinh để giúp nên nghiệp lớn; thân vương nào dám tiếm vượt ngôi trời thì người trong nước cùng nhau giết đi.
Ngày Quý Hợi, mồng 7, vua ốm nặng; ngày Giáp Tý mồng 8, vua băng ở điện Hoàng Cực, có di chiếu cho các quan để tang theo đúng lễ cổ.
Ngày Giáp Tuất 18, Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Tông nhân lệnh Tự ân sứ Lê Năng Nhượng [38a] cùng các công, hầu, bá, phò mã, đô uý, các quan năm phủ, sáu bộ, Ngự sử đài, Đông các, Hàn lâm, Lục tự, Lục khoa, đề hình các quan 13 đạo, đến điện Hương Minh kính đón con thứ hai của Hiến Tông là Tuấn lên ngôi Hoàng đế. Đại xá, đổi niên hiệu lấy sang năm là năm Đoan Khánh thứ 1.
Bấy giờ, Nguyễn Bảo Khuê sang sứ nhà Minh chưa qua cửa ải, lại sửa đổi tờ biểu cầu phong khác giao cho Bảo Khuê mang đi.
Bấy giờ, ban chiếu đại xá cả nước. Trong chiếu có một điều là người đỗ khoa tiến sĩ chưa được bổ dụng mà ốm chết thì cho con cháu được tập ấm như lệ của các quan viên, và các thí quan nhập lưu thì cho 1 con trai được nhiêu miễn, chỉ tuyển 1 con trai làm tráng đinh thôi.
Ngày 25, định lệ làm điếm trực canh ngoài cửa Ngũ Thành. Có sắc chỉ rằng: Ở ngoài cửa Ngũ Thành, các vệ Hiệu lực, Thần [38b] vũ, Điện tiền, phải làm hai dãy nhà ngói, mỗi dãy 7 gian. Hàng ngày, đơn vị giữ cửa dùng 1 người ra điếm trực để xét hỏi người qua lại, các nhân viên túc thanh của vệ Cẩm y cũng phải ở đó. Ban đêm, nội thần phải ở trong cửa đài. Còn mỗi dãy nhà thì dùng 2 viên quan, 20 lính, 50 chiếc mộc, 5 cây thủ tiễn của các vệ Thần vũ, Điện tiền, Hiệu lực để túc trực theo như pháp lệnh.
Ngày 26, có sắc chỉ định lệ làm gióng gỗ ở ngoài điếm quân của năm phủ. Nếu điếm ở ngoài thì ở chỗ các điếm cách nhau đều phải làm gióng gỗ, cột gióng phải to, mỗi điếm dùng 5 câu liêm có đầu nhọn, trên đầu cũng có nóc, để ở hai đầu điếm để canh giữ. Quan viên và binh lính đều phải trực ở điếm, không được sai phái đi làm việc khác.
[39a] Uy Mục Đế
Tên huý là Tuấn, lại huý là Huyên, là con thứ hai của Hiến Tông, anh thứ của Túc Tông, ở ngôi 5 năm, thọ 22 tuổi, bị Giản Tu công Dinh2100 đuổi đi, rồi sau bị hại, chôn ở An Lăng. Vua nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bấy giờ gọi là Quỷ vương, điềm loạn đã xuất hiện từ đấy.
Mẹ vua là Chiêu Nhân hoàng thái hậu Nguyễn thị, huý là Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, lúc bé mồ côi cha, nhà nghèo, tự bán mình cho người ở phủ Phụng Thiên, sau nhà ấy có tội, Nguyễn thị bị tịch thu sung làm quan tỳ, do đó được vào hầu Quản Ninh hoàng hậu2101 . Khi Hiến Tông còn làm thái tử, thấy có sắc đẹp thì ưa, lấy vào làm phi. Năm Hồng Đức thứ 19 [1488] tháng 5, ngày mồng 5, giờ Tý sinh ra vua. Năm Thái Trinh thứ 1 [1504], Túc Tông băng, không có con nối, mẹ thứ là Kính phi Nguyễn thị2102 mưu lập vua ở trong cung cấm, bèn lên ngôi hoàng đế. Đại [39b] xá, đổi niên hiệu, lấy ngày sinh là Thiên khánh thánh tiết, tự xưng là Quỳnh Đô động chủ.
Ất Sửu, Đoan Khánh năm thứ 1 [1505] , (Minh Hoằng Trị năm thứ 18). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, có nhật thực.
Ngày 21, xuống chiếu cho quan viên và dân chúng ở thừa tuyên các xứ rằng: Việc lớn thì dùng giấy đại phương, việc nhỏ thì dùng giấy tiểu phương. Chúc thư, văn khế thì dùng giấy đại, không được quen dùng giấy phương như trước. Hạn cho một tháng đều phải theo lệnh mới. Nếu quan viên và dân chúng vẫn làm chúc thư, văn khế bằng giấy phương thì cho người trong họ và tộc trưởng họ ấy cáo giác,
nếu xét nghiệm đúng sự thực thì xử là không có giá trị, người bán mất phần của mình, người mua mất số tiền bỏ ra, chúc thư và văn khế đều vô dụng.
Tháng 2, ngày Giáp Tuất 16, dâng tôn thuỵ cho Đại Hành Hoàng Đế là Chiêu Nghĩa Hiển Nhân Ôn Cung Uyên Mặc Hiếu Doãn Cung Khâm Hoàng Đế, miếu hiệu là Túc [40a] Tông.
Ngày Bính Ty 18, truy tôn mẹ đẻ Nguyễn thị làm Chiêu Nhân Hoằng Ý hoàng thái hậu.
Thi Hội các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Lê Nại (người làng Mộ Trạch, huyện Đường An) 55 người. Thi Đình cho bọn Lê Nại, Bùi Doãn Văn, Trần Phỉ (người làng Chi Nê, huyện Chương Đức, con là Trần Khải) 3 ngày đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Tiếu Tượng, Trần Lỗi 16 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Đôn Thục, Nguyễn Tư 36 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 3, linh cữu củ Túc Tông Hoàng Đế đưa về Tây Kinh. Ngày Quý Mão, táng ở Kính Lăng. Lễ quan tâu xin dựng bia, vua y lời tâu, sai bọn Đàm Văn Lễ, Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí Sâm soạn văn bia.
Ngày 22, Thái hoàng thái hậu Nguyễn thị thình lình băng ở chính tẩm điện Trường Lạc, thọ [40b] 65 tuổi. Trước đây, khi Túc Tông băng không có con nối, nội thần Nguyễn Nhữ Vi định lập vua, Thái Thánh Tông cho rằng vua là con người tỳ thiếp, không thể nối được đạo thống, khăng khăng đòi lập Lữ Khôi Vương. Bấy giờ Nhữ Vi liền đóng các cửa thành lại lập vua lên. Thái hậu có vua đã được lập rồi, có ý không vui. Sau vua liền sai quan hầu cận ngầm giết Thái hậu rồi nghỉ chầu 7 ngày.
Ngày 27, rước thần chủ của mẹ là Chiêu Nhân Hoằng Ý hoàng thái hậu thờ vào cung Minh Đức nhà Thái Miếu ở Đông Kinh.
Tháng này, người ở châu nước ngoài tràn vào tranh ruộng ở cửa ải Na Nham.
Vua sai Đan Khê bá Trịnh Hựu đi kinh lý ở vùng Minh Quang, dựng quan ải rồi trở về.
Mùa hạ, tháng 4, ngày 27, truy tôn thuỵ hiệu cho tổ mẫu là Huy Gia Tĩnh Mục Ôn Cung như Thuận Thái hoàng thái hậu.
[41a] Vua dựng điện Chân Nguyên, làm Bảo Thuỵ đường ở hương Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn2103 , làm Tuyên Dự đường ở hương Hoa Lăng, huyện Thuỷ Đường2104 . Lại làm điện Quang Mỹ ở phường Lệ Viên, huyện Quảng Đức2105 để thờ tiên tổ của Thái hoàng thái hậu.
Tháng 5, ngày mồng 7, vua Hiến Tông nhà Minh băng, thay hiệu là Kính Hoàng Đế.
Ngày 13, sai Trịnh Hựu đi công cán ở Tuyên Quang.
Ngày 25, lấy ngày sinh làm Thiên khánh thánh tiết.
Ngày 28, hoàng thái tử nhà Minh là Hậu Chiếu lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Chính Đức (tức là Vũ Tông).
Lấy Dương Trực Nguyên làm Hộ bộ tả thị lang kiêm coi Chiêu Văn quán.
Tháng 6, ngày mồng 5, biếm bọn Lễ bộ thượng thư Đàm Văn Lễ, Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Quang Bật vào Quảng Nam, rồi giết đi.
Trước đây, khi Hiến Tông nằm giường bệnh, mẹ sinh ra vua, [41b] Chiêu Nhân hoàng hậu là ty thiếp được Hiến Tông yêu, sinh ra vua nhưng mất sớm. Mẹ thứ là Kính phi không có con trai, nuôi làm con mình, có ý lập làm vua, sợ các đại thần không theo, đem vàng đút lót, nhưng Văn Lễ không nhận.
Đến khi Hiến Tông ốm nặng, Văn Lễ và Quang Bật nhận di chiếu phụ tá hoàng thái tử nối ngôi. Bấy giờ, các thân vương tranh nhau đòi lập, Văn Lễ sợ xảy tai biến trong lúc bối rối, mới vào tẩm điện lấy ấn báu truyền quốc đem về nhà, rồi cùng các đại thần văn võ lập Túc Tông lên ngôi hoàng đế. Vua [Uy Mục] căm giận lắm. Đến đây, dùng mưu của Khương Chủng, Nguyễn Nhữ Vi biếm hai người làm Thừa tuyên sứ Quảng Nam. Khi họ đến sông lớn huyện Chân Phúc2106 , vua sai người đuổi theo bắt phải tự tử. Hai người khi sắp gieo mình xuống nước, ngâm thơ quốc ngữ rồi mới mất. Sau đình thần trong bụng ai cũng biết là hai người chết không đáng tội, can vua, vua đổ tội cho Nhữ [42a] Vi rồi giết y.
Lấy Lê Tung làm Thừa tuyên sứ Thanh Hoa.
Khởi phục2107 Ngô Hoán làm Hiến sát sứ Thanh Hoa. Hoán trước đây bị sung quân2108 , sau lại thi đỗ sinh đồ, đến đây được bổ dụng lại.
Bính Dần, [Đoan Khánh] năm thứ 2 [1506] , (Minh Vũ Tông Chính Đức năm thứ 1). Mùa xuân, trước đây, viên quản lĩnh họ Trần người làm Nhân Mục2109 vốn là cháu ngoại của [một ông vua] triều Trần sinh được 2 người con gái, con trưởng tên là Tùng, con thứ tên là Trúc. Vua nghe nói Tùng có sắc đẹp, chọn vào hậu cung, sinh được hoàng tử nhưng mất sớm. Sau Trúc cũng được vào hầu2110 .
Tháng 2, tuyển hoàng đinh.
Truất Phạm Khiêm Bính làm hiết sát sứ Hải Dương. Bấy giờ, Khiêm Bính phạm tội cùng với Lê Sạn khắc đá làm bia, bị quan trong triều tâu hoặc nên phải truất.
Triệu viên Trị huyện Phụ Dực Nguyễn Quý Nhã về làm Đề hình giám sát ngự sử. Trước đây [42b] Quý Nhã làm bài ứng chế lạc vần bị truất. Đến đây triệu về bổ dụng.
Mùa hạ, tháng 4, ngày 13, khởi phục Đỗ Nhân là Lễ bộ hữu thị lang, Hàn lâm viện thị độc, Tham chưởng Hàn lâm viện sự, vì Nhân về nghỉ tang mẹ vừa hết trở.
Mùa đông, tháng 12, ngày 12, sai Binh bộ thượng thư Nguyễn Quang Mỹ, Lại khoa đô cấp sự trung Nguyễn Tịnh2111 , Đề hình giám sát ngự sử Nguyễn Trọng Quỳ2112 làm đề điệu; giám thí, giám khảo để khảo thi các quân sắc và nhân dân các môn viết chữ và làm tính ở sân điện Giảng.
Đổi lại quân hiệu từ chức dũng sĩ phó quân trở xuống.
[43a] Đinh Mão, [Đoan Khánh] năm thứ 3 [1507] , (Minh Chính Đức năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 9, nhà Minh sai chính sứ là Hàn lâm viện biên tu Tăng Đạc, phó sứ là Lại khoa hữu2113 cấp sự trung Trương Hoằng Chí sang báo việc [Vũ Tông nhà Minh] lên ngôi và ban cho vóc lụa.
Lấy Nguyễn Xao làm Thừa tuyên sứ Hải Dương. Trước đây, Nguyễn Xao vâng mệnh đi sứ phương Bắc, có mua được cái gối của phương Bắc rất đẹp, không đem dâng tiến lên, bị xá nhân tâu lên, phải bãi chức về nhà, đến đây, mới được bổ dụng. Sau Xao chết ở nhiệm sở.
Tháng giêng nhuận, nhà Minh sai Hành nhân ty hành nhân Hà Lộ sang làm lễ viếng Hiến Tông Duệ Hoàng Đế, lại sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Thẩm Đào, phó sứ là Công khoa tả2114 cấp sự trung Hứa Thiên Tích mang chiếu thư sang phong vua làm An Nam Quốc Vương, [43b] lại ban một bộ mũ áo quan võ bằng da và một bộ thường phục. Thiên Tích thấy tướng vua, đề thơ rằng:
An Nam tứ bách vận vưu trường Thiên ý như hà giang quỷ vương? (Vận nước An Nam bốn trăm năm rất dài, Không biết lòng trời như thế nào lại giáng sinh ông vua quỷ sứ). Phúc khảo 144 người về môn viết chữ và làm tính, người đỗ là bọn Nguyễn Tử Kỳ 25 người được sung làm Hoa văn học sinh.
Đặt thêm ty Cường lực2115 .
Tri phủ Nguyễn Chí bị thân nhân của bọn ngoại thích Khương Chủng2116 đáng chết lại sống lại. Trước đây, thời Hiến Tông, Chí làm Trung thư giám chính sự, sau khi thi Hội trúng trường, vì là người huyện Đông Ngàn, quê ngoại của vua nên được bổ làm Thiếu doãn phủ Phụng Thiên, sau làm Tri phủ phủ Phú Bình2117 . Chí là người cứng cỏi bất khuất. Thân nhân của Khương Chủng là Nguyễn Trọng bắt Chí giam vào ngục của ty Đình uý rồi đáng chết, vứt xác ra ngoại thành. Con cháu lấy chiếu bó xác lại đem về định chôn, bỗng nhiên Chí sống lại. Sau đó, phải ẩn náu ở nhà con em, ban ngày ở dưới hang, ban đêm [44a] ngủ trên cây. Vợ con lấy hài cốt của người khác đem chôn, rồi làm chay theo như lễ để tang, đã qua 3 năm mà hàng xóm không ai biết cả. Đến năm Kỷ Tỵ đời Hồng Thuận, quân khởi nghĩa nổi dậy2118 , Chí đến cửa khuyến trình bày, được cho vào làm Bí thư xá nhân và được ban tên hiệu là Hoàng Sinh. Thời Nguỵ Mạc, làm quan đến tri phủ các phủ Nghĩa Hưng2119 và Cao Bằng. Tháng 3, vua bái yết Tây Kinh. Ngày Mậu Tuất 24, vua từ Tây Kinh trở về, đóng dinh ở hành điện Xuân Đỗ, thân hành ngự điện Chân Nguyên, đi xem xét phúc địa.
Lấy Nguyễn Thì Ung làm Thừa tuyên xứ Thanh Hoa.
Mùa đông tháng 11, sai sứ sang nhà Minh. Bọn Hộ bộ tả thị lang Dương Trực Nguyên, Đông các hiệu thư Chu Tống Văn2120 và Hàn Lâm viện kiểm thảo Đình Thuận2121 mừng Vũ Tông lên ngôi; [44b] Lương Khản tạ ơn ban vóc lụa; Hồng lô tự thiếu khanh Nguyễn Thuyên dâng hương; bọn Công bộ hữu thị lang Nguyễn Thọ, Hàn lâm viện kiểm thảo Doãn Mậu Khôi2122 , Hộ khoa cấp sự trung Lê Đĩnh Chi2123 tạ ơn sang viếng; bọn Thừa tuyên xứ Thanh Hoa Lê Tung, Hàn lâm viện kiểm thảo Đinh Trinh, Giám sát ngự sử Lê
Hiếu Trung2124 tạ ơn sách phong; bọn Tham nghị Nghệ An Lê Uyên, Hàn lâm viện hiệu lý Ngô Tuy2125 , Giám sát ngự sử Hoàng Nhạc2126 đi tuế cống.
Mậu Thìn, [Đoan Khánh] năm thứ 4 [1508] , (Minh Chính Đức năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, thì Hội các cử nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Đỗ Dung (Dung người huyện Thư Trì, thi Đình đỗ đồng tiến sĩ xuất thân) 54 người. Đến kỳ thi đình cho bọn Nguyễn Giản Thanh, Hứa Tam Tỉnh, Nguyễn Hữu Nghiêm 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Trần Tông 15 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Nghĩa Thọ [45a] 36 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Lấy Nguyễn Bá Tuấn làm Tổng binh thiêm sự Thanh Hoa, Nguyễn Trung làm Hiến sát sứ Thanh Hoa.
Tháng 3, ngày mồng 4, có chiếu rằng: Các đô lại, đề lại và các lại thay phiên nhau ở nha môn trong ngoài nếu có khuyết thì Lại bộ chiếu theo lệ đời Hồng Đức, kê khai họ tên người đáng được bổ sung, làm bản danh sách gửi lên Lại khao, sao gửi cho Lại bộ chuyển gửi cho các nha môn tuân hành.
Lấy Mạc Đăng Dung làm Thiên vũ vệ2127 đô chỉ huy sứ ty đô chỉ huy sứ.
Đăng Dung là người xã Cao Đôi2128 , huyện Bình Hà (tức là xã Long Động, huyện Chí Linh), tiên tổ Đăng Dung là Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên triều Trần, làm quan đến Tả bộc xạ. Đĩnh Chi sinh ra Cao2129 , Cao sinh ra Thuý2130 , Thuý sinh ra Tung, dời sang ở xã Lan Khê, huyện Thanh Hà2131 rồi sinh ra Bình, Bình lại dời sang xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương2132 [45b] rồi trú tại đó. Bình sinh ra Hịch, Hịch lấy con gái trưởng của Đặng Xuân người cùng xã, sinh được ba con trai, con trưởng là Đăng Dung, con thứ là Đốc Tín, con út là Quyết. Đăng Dung có sức khoẻ, vì đỗ võ cử, được sung vào quân túc vệ, đến đây phong cho chức này.
Mùa hạ, tháng 6, lấy Đỗ Nhuận làm Ngự sử đài phó đô ngự sử.
Hộ bộ tả thị lang Dương Trực Nguyên từ nhà Minh trở về, vua ban hốt ngà và đai bạc cho ông.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 4, giam Ngự sử đài phó đô ngự sử Đỗ Nhân vào ngục của ty Đình uý. Nhân vì tâu việc trái ý vua phải giam vào ngục, sau lại được tha.
Người nước Hắc La La2133 xâm nhập cửa ải Chu Thôn Điền2134 . Vua sai Bắc quân đô đốc phủ Trần Thúc Mại làm Hữu du kích dinh Phó tướng, Phạm Nhất Ngạc làm Ký lục đi trước, [46a] sai Mỹ quận công Lê Quýnh làm Chinh Man tướng quân, mang ấn Chinh Man tướng quân, Đan Khê bá Trịnh Hựu làm phó
đề lĩnh đem quân các vệ Thần vũ, Hiệu lực, Điện tiền và quân các phủ Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc chia thành 6 dinh, mỗi dinh 1 vạn người, lấy 3 nghìn người chở lương thực, đi đánh Hắc La La. Đến địa phận Chu Thôn Điền liền dựng cột mốc địa giới, rồi sai bọn Quýnh đi kinh lý các vùng Thuỷ Vĩ2135 , Chu Quan xứ Thuận Hoá2136 để tu sửa quan ải.
Kỷ Tỵ, [Đoan Khánh] năm thứ 5 [1509] , (Từ tháng 12 trở về sau là Tương Dực Đế Hồng Thuận năm thứ 1; Minh Chính Đức năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, vua cày ruộng tịch điền, cày bị gãy.
Quai chuông lớn Càn Nguyên ở điện Kính Thiên bị gãy, chuông rơi.
Lấy Nguyễn Thừa Nghiệp kiêm chức Tông nhân lệnh ở phủ Tông Nhân, Con là Mô coi cả quân túc vệ.
Tháng 3, ra lệnh cho bọn Chinh Man tướng quân Lê Quýnh và Trịnh Hựu đem quân về.
Vua [46b] tính ưa vũ dũng, nhân khi đi tế Giao trở về cung, cưỡi trên đầu voi Viện Vân vào cửa Đông Hoa. Hạ lệnh cho các ty năm phủ đem voi công vào trước mặt vua để lựa chọn và kê khai voi công của các trấn đem về kinh sư chọn làm voi ngự để bổ sung cho các vệ.
Bấy giờ Nội thần mới đặt, có chức Phi vũ ty lực sĩ nội sứ, lấy Nguyễn Tông làm Phi vũ ty đô phi vũ lực sĩ nội sứ túc trực ở cung Đoan Khang như lệ Đô lực sĩ túc trực ở điện Kim Quang, đội mũ bạc, cánh mũ thêu phượng vàng, có đuôi bằng lông đỏ; lấy Nguyễn Công Luận làm Phi vũ ty phi vũ lực sĩ nội sứ, đội mũ thuỷ ngân, có lông đỏ2137 .
Đặt chức Cung môn thừa chế giám, như tư lễ giám, hai ty Ngự trong, Ngự mã.
Đặt chức Ngự tượng giám, Ngự mã giám. Ngự tượng đái đao nội sứ thì đội mũ thuỷ ngân, vẽ hoa quỳ vàng. Ngự [47a] mã đội mũ thuỷ ngân vẽ hoa quỳ đỏ.
Hai giám ngự mã, ngự tượng đấu sức với nhau, cầm gậy đánh nhau từ cửa Thanh Dương đến ngoài cửa Thái Miếu, vua lấy làm thích, thưởng cho tiền và lụa2138 .
Từ khi lên ngôi, vua đêm nào cũng cùng cung nhân vui đùa uống rượu vô độ.
Khi rượu say liền giết cả cung nhân.
Bấy giờ, uy quyền thuộc về họ ngoại, phía đông thì làng Hoa Lăng2139 (quê của cha nuôi), phía tây thì làng Nhân Mục (quê của vợ vua), phía bắc thì làng Phù Chẩn (quê của mẹ vua) đều chuyên cậy quyền thế, vùi dập các quan, kẻ thì vì ý riêng mà giết hại sinh dân, kẻ thì dùng ngón kín mà yêu sách tiền của, mọi thứ súc vật, hoa màu của dân, chúng đều cướp đoạt cả, nhà nào có đồ lạ, vật quý, chúng đánh dấu chữ vào và đòi lấy. Muôn dân ta oán mà vua vẫn không chừa, lại mang lòng ngờ vực, đố kỵ. Các quan người nào ngày trước không lập mình, thì thường giết đi. Lại [47b] ngầm sai nội nhân Nguyễn Đình Khoa dò xét cả 26 vương là các chú và anh em của vua. Trong đó, Kinh Vương là chú đã chạy trốn không biết đi đâu, chỉ có Giản Tu công là con chú bác bị giam vào ngục trốn thoát
được. Do vậy, mọi người đều cảm thấy nguy đến thân mình, càng nghĩ đến việc nổi loạn.
Sai bọn Đô đốc Bảo Lộc bá Lê Tử Vân và Vũ Cảnh đi kinh lý vùng Quảng Nam.
Trước đây, năm Hồng Đức thứ 1, Thánh Tông thân hành đi đánh Chiêm Thành bắt được Trà Toại và vợ con nó đem về nước ta an trí ở ngoài cửa Bảo Khánh gần 30 năm. Đến thời Cảnh Thống, con
là Trà Phúc mang trộm hài cốt của cha là Trà Toại trốn về nước, để lại một người chị ruột, đến khi có binh hoả mới chết. Đến nay, nô lệ người Chiêm của các nhà thế gia, công thần ở các điền trang cũng bỏ trốn về nước.
Vũ Cảnh cho chạy trạm tâu vua là người Chiêm làm loạn. [48a] Vua hạ lệnh giết người Chiêm đến gần hết, không biết rằng kẻ làm loạn chính là bọn người Chiêm Chế Mạn2140 . Đến sau bắt được bọn người Chiêm Ma Mạc phiêu giạt ngoài biển, giam ở thừa chế, họ lại cung khai rằng năm trước, Trà Phúc đã trở về nước sai con là Ma La sang cầu viện nhà Minh, lại đóng nhiều thuyền, chứa nhiều lương. Do đó, vua sai bọn Cảnh đi kinh lý.
Lấy Dương Trực Nguyên làm Ngự sử đài đô ngự sử.
Mùa thu tháng 8, xuống chiếu bắt giết hết những người Chiêm hiện đang bị giam giữ.
Tháng 9, Lại khoa đô cấp sự trung Dương Đức Giản tâu rằng: thần kính xét, năm Hồng Đức thứ 7 [1476] có sắc chỉ quy định Quốc tử giám sinh, Tam xá sinh người nào từ 30 tuổi trở lên thì bản quan mới được bảo cử bổ dụng; năm thứ 8 có sắc chỉ nói nho sinh ở Sùng Văn quán và Tú Lâm [48b] cục do bản quan bảo kết khảo xét, người nào lâu năm, tài cán, và thi Hội trúng trường đều được bổ dụng. Thần trộm thấy giám sinh, nho sinh chưa đến 30 tuổi, vào học chưa đầy 15 năm, chỉ vì thi Hội trúng trường lại hay được may mắn tiến thân, như thế thì có sự hỗn loạn không ổn. Cúi xin kể từ nay, các giám sinh, nho sinh tuổi từ 30 trở lên và vào học đã đủ 15 năm trở lên thì bản quan mới được bảo cử bổ dụng như lệ. Người nào dám lấy tình riêng mà bảo cử người tuổi trẻ, năm ít, thì khoa phụ trách, Ngự sử đài tâu hặc trị tội để răn đe những kẻ làm tôi theo tình riêng bảo cử bậy và trừ cái tệ cầu may hỗn loạn. Bọn Ninh quận công Lê Quảng Độ tâu rằng: bọn thần trộm thấy những lời của Dương Đức Giản thực cũng có lý, nhưng do đó vẫn còn có chỗ chưa đủ, nay bọn thần xin bàn lại các điều [49a] như sau:
1- Kinh xét: Giám sinh Quốc tử giám, người nào thi Hội nhiều lần trúng trường, vào học 15 năm trở lên, tuổi cao, trúng trường nhiều mới được sung làm Thượng xá sinh, được dẫn tuyển bổ dụng các chức mục dân, thủ lĩnh, bạn độc, trưởng sử, huấn đạo. Nếu trúng trường nhiều lần, đã đủ 15 năm, mà chưa được sung là Xá sinh2141 và những người trúng trường một lần, đã đủ 18 năm trở lên, thì cũng cho bảo cử, bổ làm các chức cáp môn, tự ban, bạn độc, trưởng sử, giảng dụ.
2- Kinh xét: Con cháu các quan viên sung làm nho sinh ở Sùng Văn quán và Tú Lâm cục, thi Hội trúng trường, người nào cao tuổi, trúng trường nhiều, đủ 15 năm trở lên, hoặc trúng trường một lần, mà đủ 18 năm trở lên, mới được lựa chọn bổ nhậm các chức mục dân, thủ lĩnh. Nếu là người tuổi cao, có tài, không trúng trường mà đủ 25 năm trở lên [49b] thì cũng cho bảo kết khảo thí, bổ làm các chức tá nhị ở châu, huyện. Người nào đã qua dẫn tuyển nhưng chưa đủ niên hạn, phải đợi đủ niên hạn mới được bổ dụng. Còn như dòng dõi thân thuộc của hoàng hậu và con cháu các khai quốc công thần sung làm Nho sinh ở Sùng Văn quán thì vẫn theo lệ cũ.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, có sao Chổi sắc trắng mọc ở phương tây, 10 ngày mới tắt.
Tháng 11, có khí trắng như hình thanh kiếm hiện ở phương đông nam, dài hơn một trượng.
Vua xua đuổi người tông thất và công thần về xứ Thanh Hoa và giết các nữ sử nội thần người Chiêm. Bấy giờ bọn ngoại thích là Khương Chủng và Nguyễn Bá Thắng tự tiện làm oai làm phúc, quyền thế nghiêng lệch trong triều ngoài trấn, dân chúng không dám cất tay động chân. Nhà pháp thuật bị cấm làm phù chú, đạo sĩ thờ đạo phải cắt tóc không được để dài. Do vậy, các phố xá, hàng chợ nhà nào thờ tiên sư đều phải cất giấu đi. [50a] Sau này, bọn Thừa Giáo, Thừa Nghiệp đi đường, quan viên và dân chúng trông thấy chúng từ xa một dặm đã phải chạy trốn vào các nhà ở phố xá hàng chợ, đợi chúng đi qua rồi mới dám ra. Nguyễn Đình Khoa ngầm sai người đến Thừa Hiến phủ huyện các xứ trong nước, tới cả dân gian, cưỡng bắt những con gái chưa chồng, làm khốn khổ nhân dân, khắp nước mất hết hy vọng.
Bấy giờ, thân thích của Trường Lạc Hoàng thái hậu là Nguyễn Văn Lang2142 cũng ở trong số người bị đuổi về quê quán. Đại thần tông thất là Nghi quận công Lê Năng Can, vì bất đắc chí, có bài thơ gửi cho Nguyễn Văn Lang và bảo cử binh giết bọn ác đảng. Văn Lang là người thông thao lược, giỏi binh pháp, khéo xem xét thiên thời, sức khoẻ có thể bắt được hổ. Bấy giờ Văn Lang đem bọn Chế Mạn làm nô lệ người Chiêm cùng Vũ Bá, Vũ Tiếp và người ba phủ nổi nghĩa quân ở thành Tây Đô, đem quân giữ ở cửa biển Thần Phù2143 .
Bấy giờ, vua giết hại người tông thất. Giản [50b] Tu công Dinh còn bị giam ở ngục mới đem của cải ải đút lót người canh giữ, thoát được ra, chưa kịp báo cho mẹ, anh em và vợ mình, một mình trốn vào Tây Đô. Đến cửa biển Thần Phù, được Văn Lang ra đón, lập làm minh chủ, rồi cùng Văn Lang rèn đúc giáo dài và cùng với bọn đại thần Nguyễn Diễn, Ngô Khế, Nguyễn Bá Cao, Lê Trạm, và Thanh Hoa tổng binh thiêm sự Nguyễn Bá Tuấn, Thừa tuyên sứ Lê Tung, Tham chính Nguyễn Thì Ung khởi binh. Sai Lương Đắc Bằng viết hịch dụ đại thần và các quan, đại ý nói: "Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, lần lữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khoé. Giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó2144 ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá2145 ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã [51a] cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính2146 . Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác ngạo mạn quá cả Nguỵ Oanh2147 . Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây, giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương2148 đời Tống; lấp biển xây cung điện, nối gót thói u mê xây cung A Phòng2149 nhà Tần. Công trình thổ mộc xây lên rồi thay đổi, thay đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, cõi tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn. Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng".
Lại làm bài hịch rằng: "Đoan Khánh2150 làm vua, họ ngoại chuyên quyền, Tử Mô2151 làm phường ngu hèn nơi phố chợ làm rối loạn kỷ cương, Thắng Chủng2152 là hạng trẻ ranh miệng còn hơi sữa đã tái oai tác phúc. Đến mức [51b] đánh thuốc độc giết bà nội, tàn sát các thân vương. Theo ý riêng mà giết hại sinh dân, không biết đâu cho thoả; dùng ngón ngầm để vét vơ tiền của, càng mặc sức tham lam. Bốn biển đã khốn cùng, muôn dân đều sầu oán".
Giản Tu Công Dinh trá xưng là Cẩm Giang Vương2153 , dựng cờ chiêu an của Cẩm Giang Vương.
Tháng này, ngày mồng 8, Giản Tu công Dinh từ Tây Đô đem các dinh thuỷ, bộ cùng tiến phát. Quân thuỷ đến núi Thiên Kiện2154 . Vua dùng hai chiếc thuyền nhẹ Hà Thanh và Hải Thanh đi đến chùa Bảo trên núi Thiên Kiện, bắt được một viên tướng thuỷ dinh và giết được 20 sĩ tốt đem về ngoài cửa Đông Hoa. Vua sai phó tướng Đông Nham bá Lê Vũ làm tán lý, Ngự sử đài đô ngự sử Dương Trực Nguyên làm ký lục và bọn Hữu thị lang Phạm Thịnh, Trần Năng [52a] đem cấm quân và quan quân các vệ Thần vũ, Hiệu lực, Điện tiền đi chống giữ nhưng không được. Ngày 23, anh của Dinh là Cẩm Giang Vương Sùng, em là Tĩnh Lượng công Doanh, và Quyên cùng Thọ Mai phò mã Nguyễn Kính đều bị hại. Quân của Dinh vẫn dùng cờ chiêu an của Cẩm Giang Vương để dụ bọn Vũ về hàng, Vũ lấy đầu Cẩm Giang Vương giơ ra cho chúng xem và nói: "Đây là cái đầu của Cẩm Giang vương, chúng bay còn nói láo làm gì?", rồi cưỡi voi chỉ huy binh sĩ tiến đánh đến xứ Đồng Lạc, bị hãm trận, Vũ không chịu khuất phục mà chết. Bọn Dương Trực Nguyên, Phạm Thịnh, Trần Năng cũng bị chết ở Châu Cầu2155 . Quan quân thua trận rút về. Ngày 26, các dinh quân của Dinh đều tiến đến các xứ Bảo Đà, Nhân Mục, Hồng Mia, Thiêu Thân2156 . Vua ra cửa Thanh Dương uý lạo các lực sĩ điện Kim Quang và tướng sĩ các vệ Cẩm y và Kim ngô, đem kiếm ban cho bọn Trình Chí [52b] Sâm, Lê Quảng Độ, lấy vàng bạc tiền của ban cho tù nhân bị giam ở ty Ngũ hình mỗi người 3 quan, rồi sai đi đánh giặc. Các tù nhân nhận tiền xong rồi ai về nhà người ấy. Lại vội vã gọi quân. Vua sai Trung sứ và Hoa văn học sinh mỗi ty 2 người mang sắc phù đến các đô ty Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Băng cho nhận sắc, kháp phù, bắt mỗi trấn lấy 5.000 thổ binh để phòng đánh giặc.
Những người nhận sắc phù đi, vua cho mỗi người một chiếc giáo ngắn ngự tiền sơn son để tuỳ thân. Bọn này chưa đến các xứ Bồ Đề, Xuân Canh2157 thì quân Dinh đã tiến vào sát thành, mọi người đều chạy trốn. Hoàng hậu Trần Thị Tùng trốn ra đến xã Hồng Mai, náu ở nhà dân rồi tự thắt cổ chết ở miếu chùa. Lê Quảng Độ cùng với Giản Tu công Dinh người trong kẻ ngoài thông tin với nhau, bắn súng làm hiệu, dựng gậy làm cờ, chặt cây làm binh khí [53a] đánh lộn lẫn nhau cho các quân kinh hãi, rồi ép vua chạy sang phương Bắc. Giản Tu công tới thành Đông Kinh nghe tin cha là Kiến Vương2158 cùng anh là Cẩm Giang Vương, em là Tĩnh Lượng công2159 , em út là Quyên đều đã bị hại, sai quan sửa việc tang và làm lễ chôn cất.
Ngày 28, vua chạy tới phường Nhật Chiêu2160 , một vệ sĩ cũ đuổi theo bắt được, nộp cho Giản Tu công giam ở cửa Lệ Cảnh. Giản Tu công cho là người vệ sĩ ấy làm điều bất nghĩa, sai giết đi.
Tháng 12, ngày mồng 1, vua uống thuốc độc tự tử. Giản Tu công vì việc trước đây vua giết hại cha mẹ, anh chị em mình rất thảm khốc, mới căm giận chưa nguôi, sai người dùng súng lớn, để xác vua vào miệng súng, cho nổ tan hết hài cốt, chỉ lấy ít tro tàn về chôn tại An Lăng ở quê mẹ là làng Phù Chẩn, giáng xuống làm Mẫn Lệ công (có thuyết nói khi nghĩa quân tiến sát kinh thành, vua chạy ra thôn Cập Hối, xã Đông Cao, huyện Yên Lãng, bị người hành chợ xã ấy đón về nộp cho Nguyễn Văn Lang. Văn Lang đem về quán Bắc Sứ giết đi. [53b]. Bọn ngoại thích cũng đều bị giết hết).
Xét sách Hồng Thuận Trị bình bảo phạm2161 nói: Đời Đoan Khánh, bọn hoạn quan thọc vào chính sự, kẻ ngoại thích mặc sức chuyên quyền, pháp lệnh phiền hà, kỷ cương rối loạn, nông tang tiêu tàn mất
nghiệp, phong tục ngày một suy đồi, thực rất đáng thương tâm. Huống chi, lại tàn sát người cốt nhục, hãm hại kẻ bề tôi, những việc làm như vậy thì muốn không bị diệt vong có được không?
Xét sách Hồng Thuận Trung hưng ký của Nguyễn Dục2162 nói: Mẫn Lệ công thất đức, bọn Chủng, Thắng chuyên quyền. Thừa Nghiệp là thằng nhãi chăn trâu mà kiêm coi cả phủ Tông nhân; Tử Mô là đứa trẻ bán cá lại trông giữ hết quân Túc vệ. Tiến dùng bè lũ sai lang, đua mở rộng đường hối lộ. Xây phủ đệ thì rừng núi các xứ Thái Nguyên, Tuyên Quang không còn cây để lấp nguồn dục vọng, [54a] đòi mắm muối thì sông biển các vùng Nghệ An, Yên Bang không còn cá mà nhét miệng đói thèm. Gươm Thái A trở ngược2163 , đồ thần khí lung lay2164 , tai dị sinh luôn, hạ dân ta oán, bị diệt vong là đáng lắm rồi.
Mẫn Lệ công tin dùng ngoại thích, bạo ngược vô đạo, giết hại tông thất, tàn sát nhân dân, tự mình chuốc lấy diệt vong, chẳng đáng lắm sao!
Tháng này, ngày mồng 4, Giản Tu công lên ngôi hoàng đế, Đại xá, Đổi niên hiệu, lấy năm này là năm Hồng Thuận thứ 1.
Lấy Đỗ Nhân làm Đông các học sĩ, thăng Triều liệt đại phu, vì Nhân từng vâng mệnh đi sứ phương Bắc, nên trao chức ấy.
Sau khi lên ngôi, vua sai bọn đầu mục Lê Quảng Độ, Lê Điêu, Nguyễn Văn Lang, Lê Tung [54b] Hưng Hiếu, Trình Chí Sâm, Trịnh Tuy, Lương Đắc Bằng, Đỗ Lý Khiêm, Đinh Ngạc, Đặng Minh Khiêm, Đỗ Nhân, Lê Nại, Đàm Thận Giản dâng biểu trần tình với nhà Minh. Lời biểu nói: Đoan Khánh Lê Tuấn tập phong tước vương đã được 4 năm, tin dùng phe cánh họ mẹ là bọn Khương Chủng, Nguyễn Bá Tuấn, ngang tàn bạo ngược, đảo lộn triều cương, tàn sát họ hàng, giết ngầm tổ mẫu, người trong nước điêu linh, dân không chịu đựng nổi. Bọn Chủng, Thắng quyền át trong ngoài, ác đảng ngày càng lan rộng, mưu cướp quyền nước.
Ngày 17, truy tôn mẹ là Trịnh thị làm Huy Từ Trang Huệ Kiến Hoàng thái hậu. Sai Điện tiền đô kiểm điểm Thuỵ Dương hầu Trịnh Hựu làm Sơn lăng sứ, Hộ bộ thượng thư Trịnh Duy Đạt làm phó, Diên quận công phò mã đô uý Lê Mậu Chiều làm tổng hộ [55a] sứ, Tổng binh thiêm sự Thanh Hoa Nguyễn Bá Thuyên (tức Nguyễn Bá Tuấn) và Đàm Thận Huy làm phó.
Ngày 19 tháng ấy dời [thi hài mẹ] về táng ở hương Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên2165 . Ngày Ất Sửu 29, dựng bia Huy Từ Trang Huệ Kiến Hoàng thái hậu. Sai Lễ bộ tả thị lang Hàn lâm viện thị độc chưởng Hàn lâm viện sự Lương Đắc Bằng soạn bi ký. Truy tôn thuỵ hiệu, tôn hiệu từ Hiển Tổ, Tuyên Tổ, Thái Tổ Hoàng Đế và Hoàng thái hậu trở xuống. Truy tôn cha là Kiến Vương làm Phối Thiên Dụ Thánh Ôn Lương Quang Minh Văn Triết Khoan Hoằng Chương Tín Tuy Hưu Mục Hiếu Kiến Hoàng Đế, mẹ là Kiến Hoàng thái hậu Trịnh thị làm Huy Từ Trang Huệ Gia Lượng Nhu Thánh Hoà Mục Tôn Khiêm Minh Chính Ý Thuần Phúc Khánh Hoàng Thái Hậu. Truy tặng anh cùng mẹ là Cẩm Giang Vương Sùng làm Trang Định Đại Vương, em thứ là Tĩnh Lượng công [55b] Doanh làm Mục Ý Vương, em út là Quyên làm Dực Cung Vương.
Lấy Ngô Hoán làm Tán trị thừa tuyên sứ ty thừa tuyên sứ Thanh Hoa, ít lâu sau, trao chức Lễ bộ thượng thư.
2030 Chữ ____ có hai cách đọc: sanh ( Quảng vận : Sĩ canh thiết) và tranh ( Tập vận : Trừ canh thiết).
2031 Chữ ____ co hai cách đọc: Huyên và Huyến.
2032 Tức bà Ngô Thị Ngọc Dao, bà hậu của Lê Thái Tông, mẹ của Lê Thánh Tông.
2033Am Từ Công : tức chùa Thầy, thờ Từ Đạo Hạnh, nhà sư đời Lý. Núi Phật Tích : tức núi Sài Sơn, nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Sơn Bình.
2034 Bài ký khắc trên bia đá ở chùa Thiên Phúc, nay là chùa Thầỵ
2035 Ba ty Hộ vệ: Theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn thì năm đầu tiên hiệu Quang Thuận (1460) đặt các vệ quân Thần vũ, Hiệu lực và Điện tiền gọi là ty Hộ vệ.
2036 Xem Kinh Thư , thiên Duyệt mệnh trung , Nguyên văn: "Hữu bị vô hoạn".
2037 Xem Dịch Kinh đại toàn , quyển XIX, Hệ từ hạ . Nguyên văn: "Trùng môn kích thác dĩ đãi bạo khách".
2038 Hai viên là: một viên quản lĩnh, một viên võ uý.
2039 Bản dịch cũ và Cương mục đều ghi là Đông các học sĩ Lưu Hưng Hiếu.
2040 Nguyên văn: "Đế sắc sở ty tất khử thiết bộ binh phủ dự hứa xuất thú phục nghiệp". Bản dịch cũ là: "Vua sắc cho quan có trách nhiệm đặt quân đi bắt tại các nơi và phủ dụ cho ra thú tội làm ăn".
2041 Tức làm lễ mừng ngày sinh Thiên thọ thánh tiết của vua.
2042 Ý của lờI Tượng quẻ Lữ trong Kinh Dịch.
2043 Ý một đoạn trong thiên Khang cáo của Kinh Thư.
2044Vũ Hữu : người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, Hải Dương, đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) năm Quang Thuận đời Lê Thánh Tông.
2045 Thái quan thư: cơ quan phụ trách việc ăn uống của nhà vua.
2046Tiền sai dư : là tiền sưu hay thuế thân sau này.
2047 Nguyên văn "hạ giá", tức là được lấy công chúa là "bậc trên".
2048Hoàng trừ : chỉ ngôi thái tử.
2049Tuân : Tức An Vương Tuân, con trưởng của Hiến Tông, là người thông minh học rộng, sức lực hơn người, nhưng tính ngang bướng, thích mặc áo phụ nữ, hồi nhỏ, vì không được như ý, đem thuốc độc đầu độc mẹ. Sau này, An Vương bỏ nết cũ, thờ mẹ rất hiếu, giữ mình kín đáo (Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn).
2050Tế đàm : lễ tế bỏ tang phục. Theo tục cũ, cha mẹ chết sau 27 tháng thì tế đàm rồi cởi bỏ tang phục.
2051Nghi tào : tức là bộ Lễ.
2052 Tuần xước: những người đi tuần tra, canh gác.
2053Kinh Dịch, Tiệm quái : nguyên văn: "Quân tử dĩ cư, hiền đức thiện tục".
2054Kinh Thư, Quân nha thiên : nguyên văn: "Hoằng phu ngũ giáo, thức hoà dân tắc".
2055Kinh Thi, Xi Cưu : nguyên văn: "Kỳ nghi bất thắc, chính thị tự quốc".
2056Lễ ký, Vương chế thiên : nguyên văn: "Tề bát chính dĩ phòng dâm, nhất đạo đức dĩ đồng tục". Bát chính : là tám điều về chính sự: thức ăn, thức mặc, việc làm, vật dụng, đo, đong, đếm, quy chế.
2057 Theo Hồng Đức Thiên Nam dư hạ tập , có tất cả 24 điều giáo huấn: Điều 1: Quy định trách nhiệm của cha mẹ dạy con cái. Điều 2: Trách nhiệm của gia trưởng đối với gia đình. Điều 3: Quan hệ vợ chồng phải có ân có nghĩa không được thay đổi. Điều 4: Quan hệ anh em trong gia đình. Điều 5: Quan hệ họ hàng làng xóm phải quan tâm thương xót lẫn nhau. Điều 6: Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 quy định đạo lý và bổn phận của người phụ nữ. Điều 11: Nhiệm vụ của người điển lại. Điều 12: Bổn phận của người điển lại. Điều 13: Bổn phận của quân, dân. Điều 14: Trách nhiệm kẻ buôn bán. Điều 15: Quy định việc cưới gả, tế tự. Điều 16: Tục chèo hát, hội hè. Điều 17: Quy định việc hàng quán, nhà cửa dọc đường cho ngủ trọ. Điều 18: Răn cấm trai gái không được tắm cùng một bến. Điều 19: Cử người có uy vọng giảng giải lời cáo dụ cho dân. Điều 20: Quy định việc tố giác, trừng trị bọn hào cường xâm chiếm ruộng đất, ức hiếp nhân dân, xui nguyên giục bị. Điều 21: Cấm các vương hầu và nhà đại thần cho nô tỳ đưa đồ đút lót, mua bán ức hiếp. Điều 22: Khuyên các quan giữ chức trách chăn dân. Điều 23: Khuyên xã trưởng, thôn trưởng, phường trưởng siêng năng dạy bảo dân. Điều 24: Khuyên dân Man Lạo kính giữ luân thường.
2058 Tức lệ đã định từ năm Quang Thuận thứ 1 (1460).
2059 Nguyễn Đức Trung theo lệnh của Quang Thục hoàng thái hậu cầu tự cho Trường Lạc hoàng thái hậu ở am Từ Công, chùa Thiên Phúc, sinh ra Hiến Tông.
2060Ngũ vương tướng : nghĩa đen là cái màn của năm thân vương. Theo tích Đường Huyền Tông yêu quý anh em, khi mới lên ngôi, cho làm cái màn rộng, gối dài, chăn to để vua và năm anh em thân vương cùng nằm.
2061 Nay thuộc đất huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
2062 Nguyên văn: "Thập nguyệt, thập ngũ nhật, các quan chức phẩm kỳ mỗi nguyệt sơ nhật nhất..." Ở đây có lẽ bản in lầm lẫn. Có thể câu "Thập nguyệt, thập ngũ nhật" ở trên, bị đưa lẫn xuống: tháng 10 ngày 15, nhắc lại quy chế y phục thường triều. Xuống chiếu cho các công, hầu, bá, phò mã, quan to phẩm cao cùng các quan hộ vệ và các loại quan chức phẩm trật khác, cứ vào ngày mồng một hàng tháng...
2063Mũ dương đường : Theo Lễ nghi chí trong Lịch triều hiến chương loại chí thì mũ dương đường cũng giống như mũ phác đầu, chỏm đằng sau cao hơn.
2064Cai ty : ty phụ trách.
2065Thuyên tào : Cơ quan tuyển bổ quan lại, tức Lại bộ.
2066Trạm Thọ Xương : sau là Phủ Lạng Thương.
2067Trạm Thị Cầu : sau là Đáp Cầu, thuộc huyện Tiên Sơn, Hà Bắc.
2068Trạm Lữ Khôi : tại huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội ngày nay.
2069Bến Thịnh Liệt : bến đò làng Sét, Thanh Trì, Hà Nội.
2070 Tức Lê Thánh Tông.
2071Nguyễn Duy Trinh : người xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1481) đời Hồng Đức.
2072Lê Lan Hinh : người xã Cổ Đô, huyện Tân Phong (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Tây), đỗ đồng tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) đời Hồng Đức, vốn trước họ Nguyễn.
2073Nguyễn Nho Tông : người xã Vực Đường, huyện Thiên Thi, đỗ đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) đời Hồng Đức.
2074Đỗ Nhân : người xã Lại Ốc, huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Châu Giang, Hải Hưng), đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1493) đời Hồng Đức, sau đổi tên là Nhạc.
2075Bùi Đoan Giáo : người xã Đại Điền, huyện Bình Hà (nay thuộc huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng), đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) đời Hồng Đức.
2076 Bốn thừa tuyên là bốn xứ Sơn Nam, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương.
2077Dẫn tuyển : dẫn vào cho vua lựa chọn.
2078 Đêm trung thu ngắm trăng tại đình Quan Giá. Đình Quan Giá là nơi vua ra xem việc trồng cấy của dân.
2079Hoàng đinh : Theo Hội điển triều Lê, dân đinh 17 tuổi gọi là hoàng nam (dẫn theo Cương mục ).
2080 Nguyên văn là "quan mạo" nghĩa là "mũ". Nhưng xét ở dưới, có quy định về cả y phục, nên sửa như trên.
2081 Quy chế này được ghi rất rõ trong Hội điển triều Lê. CMCB25, 6 có chép khá rõ nội dung quy chế này.
2082 Sau câu này còn có ba chữ "tam hạng đẳng", chưa rõ là nghĩa gì.
2083 Huyện Thuỷ Đường: Nay là huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.
2084 Tức là 1,6m trở lên.
2085Lân kinh : chỉ Kinh Xuân thu . Kinh Xuân thu chấm dứt ở việc bắt được kỳ lân, nên gọi là Lân kinh .
2086Mã sử : chỉ bộ Sử ký của Tư Mã Thiên.
2087Tiến rau cần : xưa có người dân nghèo ăn rau cần thấy ngon, định đem dâng vua. Dâng nắng sưởi : có người đời Tống, mùa xuân sưởi nắng thấy ấm, bảo vợ rằng: Sưởi nắng ấm mà không ai biết, ta sẽ tâu cho vua biết mà sưởi. Tiến rau cần, dâng nắng sưởi là ý chỉ dâng vật tầm thường nhưng xuất phát từ lòng trung thành, chất phác.
2088Kiến Vương Tân : là con thứ năm của Lê Thánh Tông, được phong Kiến Vương năm Hồng Đức thứ 2 (1471), khi mất mới 35 tuổi.
2089 Theo quan niệm của các nhà thuật sĩ đời xưa, sau 180 năm là hết một độ số của trời, gồm 3 giáp tý (mỗi giáp tý 60 năm). Giáp Tý thứ nhất là thượng nguyên, giáp tý thứ hai là trung nguyên, giáp tý thứ ba là hạ nguyên.
2090 Vi Cao đời Đường, làm trấn thủ đất Thục, một hôm họp bạn uống rượu, chợt thấy cầu vồng mọc ở ngoài sân, thò đầu ta uống hết cả rượụ
2091Chu Nhã ở đây chỉ bài thơ Thiên bảo trong Kinh Thi Tiểu Nhã : "Như nhật chi thăng, như nguyệt chi hằng, như Nam Sơn chi thọ, như tùng bách chi mâu" nghĩa là chúc vua như mặt trời mới lên, như mặt trăng đêm mồng tám, sống lâu như núi Nam Sơn, xanh tốt như cây tùng cây bách.
2092 Xã Trát Kiều và xã Cống Xuyên ở huyện Thượng Phúc, nay thuộc huyện Thường tín, tỉnh Hà Tây.
2093Cừ Yên Phúc : ở xã Yên Phúc; cừ Thượng Phúc : ở xã Thượng Phúc, hai xã này thuộc huyện Thượng Phúc, nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
2094 Theo bản dịch cũ.
2095 Tức là vua Túc Tông, nối ngôi Hiến Tông.
2096 Bản dịch cũ ghi là ngày mồng 3.
2097 Tức bà Nguyễn Thị Hoàn, người làng Bình Lăng, huyện Thiên Thi (nay là huyện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng).
2098Đặng Tán : người xã Mạo Bồ, huyện Sơn Vi (sau là Lâm Thao; nay thuộc huyện Phong Châu, Vĩnh Phú) đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487). Khuất Quỳnh Cửu : người xã Lôi Trạch, huyện Thạch Thất (nay thuộc Hà Nội). Trần Viết Lương ( Cương mục ghi là Trần Bá Lương): người xã Lê Xá, huyện Nghi Dương (sau là huyện Kiến Thuỵ, nay thuộc đất huyện Kiến An, thành phố Hải Phòng). Quỳnh Cửu và Viết Lương đều đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499). Nguyễn Bảo Khuê : người xã Lý Hải, huyện Yên Lăng (nay là huyện Mê Linh, Hà Nội), đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487). Vũ Châu : người xã Dị Sử, huyện Đương Hào (nay thuộc huyện Mỹ Văn, Hải Hưng) đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) (theo CMCB25).
2099Thành là Thành vương nhà Chu, Khang là Khang Vương nhà Chu, Văn là Văn Đế nhà Hán, Cảnh là Cảnh Đế nhà Hán.
2100 Cũng đọc là Oanh.
2101Quản Ninh : dịch theo nguyên văn. Theo chú thích của bản dịch cũ thì chữ này là Vĩnh Ninh bị chép lầm, vì Trường Lạc hoàng thái hậu khi còn làm sung nghi thì ở cung Vĩnh Ninh, khi Hiến Tông lên ngôi, tôn làm hoàng thái hậu mới ở cung Trường Lạc.
2102Nguyễn Kính phi : người xã Hoa Lăng, huyện Thuỷ Đường, nay là huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng (theo Cương mục )
2103Hương Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn là quê hương của Chiêu Nhân hoàng thái hậu Nguyễn Thị Cận, mẹ đẻ của Uy Mục Đế.
2104Tuyên Dự đường để thờ tiên tổ Nguyễn Kính phi, có công nuôi Uy Mục Đế, sau lại cùng với Nhữ Vi đưa vua lên ngôi. Hương Hoa Lăng là quê hương của Nguyễn Kính phi.
2105Huyện Quảng Đức sau là huyện Vĩnh Thuận, thuộc phủ Phụng Thiên, nay thuộc Hà Nội.
2106Huyện Chân Phúc : nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh. Sông lớn ở đây tức là sông Lam.
2107Khởi phục : tức là "dùng lại", khi viên quan nào trước bị bãi chức, hoặc nghỉ việc về nhà, sau lại gọi ra bổ dụng thì gọi là khởi phục.
2108 Ngô Hoán đỗ tiến sĩ đời Hồng Đức, thời Hiến Tông làm Đông các hiệu thư, vì can tội đem việc trong triều nói cho người ngoài biết, bị bãi chức sung quân. Năm Cảnh Thống thứ 4 (1501) Hoán lại thi đỗ sinh đồ.
2109Làng Nhân Mục : tức làng Mục, nay thuộc ngoại thành H à Nội. Nguyên văn là "Nhân Mục môn".
2110Cương mục : Ghi sự kiện này như sau: Tháng giêng, mùa xuân, lập Trần thị làm hoàng hậu (xem CMCB 25, 22).
2111Nguyễn Tịnh : người xã Vân Xá, huyện Lạng Tài, nay là huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc, đỗ đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu (1493) đời Hồng Đức.
2112Cương mục : chép là Nguyễn Trọng Đạt (xem CMCB 25, 23).
2113 Bản dịch cũ và Cương mục đều không có chữ "hữu" này.
2114 Bản dịch cũ và Cương mục đều không có chữ "tả" này.
2115Ty Cường lực : sau khi định lại các quân hiệu, bãi bỏ chức phó quân thì đặt thêm ty này.
2116Khương Chủng : là người cùng phe cánh với họ hàng của Nguyễn thái hậu, người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc).
2117Phủ Phú Bình : phủ thời Lê, gồm đất huyện Phú Bình, Phổ Yên, Đông Hồ, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai tỉnh Bắc Thái và một phần đất huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay.
2118 Chỉ cuộc khởi nghĩa của Giản Tu công Oanh (tức là Tương Dực Đế sau này) vào năm 1509.
2119Phủ Nghĩa Hưng : phủ thời Lê, gồm đất các huyện Vụ Bản. Nghĩa Hương, Ý Yên tỉnh Nam Hà hiện nay.
2120Chu Tống Văn : người xã Đa Sĩ, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Văn, Hải Dương), đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) đời Cảnh Thống.
2121Đinh Thuận : người xã An Dương, huyện Tây Lang (nay thuộc đất huyện Đoan Hùng, Vĩnh Phú), đỗ đồng tiến sĩ năm 1499.
2122Doãn Mậu Khôi : người xã An Duyên, huyện Thượng Phúc, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây.
2123Lê Đĩnh Chi : người xã Lạc Sơn, huyện Lập Thạch, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
2124Lê Hiếu Trung : CMCB 25, chép là Lê Trung Hiền, người xã Chi Nê, huyện Chương Đức (nay thuộc Hà Tây), đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) đời Cảnh Thống, làm quan đến Quốc tử giám tư nghiệp. Khoảng giữa năm Quang Thiệu, Trịnh Tuy bắt cóc Lê Chiêu Tông vào Thanh Hoa, Trung Hiếu không chịu khuất mà chết.
2125Ngô Tuy : người xã Tông Tranh, huyện Đường Yên (nay thuộc huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng), đỗ đồng tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) đời Cảnh Thống.
2126Hoàng Nhạc : người xã Hoàng Xá, huyện Đông Thành (nay là Yên Thành, Nghệ An), đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) đời Cảnh Thống.
2127Thiên vũ vệ : Xem Canh Ngọ , năm Hồng Thuận thứ 2 (1510), "đặt hai vệ Thiên vũ và Thánh oai, ban thứ ở trên vệ Cẩm y và Kim ngô".
2128 CMCB 25, 26 chép là xã Đông Cao.
2129Cương mục chép là Dao.
2130Cương mục chép là Tuý.
2131Huyện Thanh Hà : sau thuộc phủ Nam Sách nay thuộc đất huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng.
2132Huyện Nghi Dương : sau là huyện Kiến Thuỵ, nay thuộc đất huyện Kiến An, thành phố Hải Phòng.
2133Nước Hắc La La : là vương quốc của người Lô Lô ở vùng Vân Nam, Trung Quốc bấy giờ.
2134Cương mục chép là Chu quan. Cửa ải Chu Thôn Điền ở châu Thuỷ Vĩ, xứ Hưng Hoá.
2135Thuỷ Vĩ : tên châu thời Lê, gồm toàn bộ đất tỉnh Lào Cai bây giờ.
2136 Nên sửa lại là xứ Hưng Hoá . Xứ Hưng Hoá là vùng đất rộng lớn, bao gồm phần đất tỉnh Lao Cai cũ. Ở đó mới có châu Thuỷ Vĩ và Chu Quan.
2137 CMCB 15, 28: Phi vũ ty gồm có 100 lực sĩ, phụng mệnh túc trực cung Đoan Khang.
2138 CMCB 15, 29 ghi việc này như sau: Hàng ngày, sai hai viên giám quân đấu sức với nhau, hai bên cầm gậy đánh nhau từ cửa Thanh Dương đến ngoài cửa Thái Miếu.
2139Làng Hoa Lăng : Huyện Thuỷ Đường là quê hương bà Kính phi, mẹ nuôi của Uy Mục. Bản in viết thành cha nuôi là lầm.
2140 Chỉ việc sau này Chế Mạn theo Nguyễn Văn Long dấy nghĩa binh ở Tây Đô.
2141 Bản dịch cũ theo CMCB 25, 31 sửa lại thành Thượng xá sinh.
2142Nguyễn Văn Lang : là con Nguyễn Đắc Trung, là em của Trường Lạc Hoàng thái hậu.
2143Thần Phù : là cửa biển thời xưa, nay đã bị bồi lấp. Dấu vết cũ nay còn lại ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình (nay thuộc huyện Tam Điệp), ngày xưa sông Chính Đại đổ ra biển ở chổ đó.
2144Đuôi chó : Tấn sử chép Triệu Vương Lân phong bừa quan tước cho nô lệ, đầy tớ, khi triều hội đầy những người đội mũ đuôi điêu. Người thời ấy có câu chế giễu: Đuôi điêu chẳng đủ, lấy đuôi chó nối thêm vào, ý nói kẻ hèn hạ cũng được thăng quan tước.
2145Đầu cá : Tống sử chép Lỗ Tông Đạo làm Tham tri chính sự, bọn ngoại thích sợ, gọi Lỗ là "tham chính đầu cá" (Chữ Lỗ ____ trên đầu có chữ ngư ____ là cá).
2146Tần Chính : tức Tần Thuỷ Hoàng.
2147Nguỵ Oanh : tức là Lương Huệ Vương đời Chiến Quốc.
2148Hoa Cương : tức là đá hoa cương. Tống Huy Tông thích hoa đẹp, đá lạ, bắt dân chở đá đẹp ở các nơi về Biện Kinh, thuyền ghe nối liền nhau trên sông Hoài, sông Biện.
2149 Tần Thuỷ Hoàng dựng cung A Phòng rất tráng lệ. Sau Hạng Võ vào kinh đô nhà Tần, đốt cung này, lửa cháy ba tháng chưa hết.
2150 Niên hiệu của Uy Mục Đế.
2151 Chỉ Nguyễn Thừa Nghiệp làm Tông nhân lệnh phủ Tông nhân và con là Nguyễn Mô chỉ huy quân túc vệ.
2152Thắng : là Nguyễn Bá Thắng. Chủng : là Khương Chủng, đều là bọn ngoại thích chuyên quyền.
2153Cẩm Giang Vương : là phong hiệu của Lê Sùng, anh ruột Giản Tu công Lê Dinh.
2154Núi Thiên Kiện : hay núi Địa Cận, ở xã Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm, nay thuộc tỉnh Nam Hà.
2155Châu Cầu : tên xã, nay là thị xã Phủ Lý, tỉnh Nam Hà.
2156Bảo Đà : tên xã, thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Nhân Mục : là làng Mọc thuộc Hà Nội, Hồng Mai : tên xã, nay là Bạch Mai, Hà nội, Thiêu Thân : chưa rõ ở đâu.
2157Bồ Đề : tên xã, nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Xuân Canh : tên xã, nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.
2158Kiến Vương Tân : cha của Giản Tu công Dinh đã chết từ năm Cảnh Thống thứ 5, CMCB 25, 30 chép là mẹ (Trịnh thị, người xã Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương, con gái Đô đốc thiêm sự Trịnh Trọng Phong, sau được truy tôn là Từ Huy Hoàng thái hậu) là đúng.
2159Tĩnh Lượng công : là phong hiệu của Lê Doanh, em Giản Tu công Dinh.
2160Phường Nhật Chiêu : nay là làng Nhật Tân, ngoại thành Hà Nội.
2161 Theo Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn, sách Trị bình bảo phạm do Tương Dực Đế soạn.
2162 Cũng theo Nghệ văn chí , Tương Dực Đế có soạn sách Trung hưng thực lực . Trung hưng ký phải chăng là Trung hưng thực lực do Tương Dực Đế sai Nguyễn Dục soạn.
2163Thái A : là tên một thanh gươm quý. Trở ngược gươm Thái A nghĩa là trao cán gươm quý cho người khác, chỉ việc Uy Mục Đế để bọn ngoại thích nắm giữ mọi quyền.
2164Đồ thần khí : chỉ ngai vàng nhà vua.
2165 Huyện Ngự Thiên : sau là huyện Hưng Nhân, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Quyển XV
[[1a]
Kỷ Nhà Lê
Tương Dực Đế
Tên húy là Dinh ____ lại húy là Trừu ____, là cháu của Thánh Tông, con thứ hai của Kiến Vương Tân, ở ngôi 8 năm, thọ 24 tuổi, bị quyền thần Trịnh Duy Sản giết, táng ở Nguyên Lăng. Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp. Song chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên, dẫn đến nguy vong là bởi ở đấy.
Mẹ vua là Huy Từ Kiến Hoàng thái hậu Trịnh thị, tên húy là Tuyên, người làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương, con gái thứ tư của Đô đốc thiêm sự kiêm Tả công chính [Trịnh] Trọng Phong, sinh vua vào năm Hồng Đức thứ 26 [1495], tháng 6, ngày 25. Thời Hiến Tông, được phong làm Giản Tu công. Đến khi Uy Mục Đế giết hại người công thất, mới một mình [1b] trốn vào Tây Đô. Tháng 10, năm Đoan Khánh thứ 5 [1509], đem quân đến Đông Kinh giết Uy Mục Đế, tự lập làm vua, lấy ngày sinh làm Thiên Bảo thánh tiết, tự xưng là Nhân Hải động chủ. Đến khi bị hại, Trịnh Duy Sản giáng phong làm Linh Ẩn Vương, sau được truy tôn là Tương Dực Đế.
Canh Ngọ, Hồng Thuận năm thứ 2 [1510] , (Minh Chính Đức năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, bàn luận công trạng những người ứng nghĩa:
Lấy Nghĩa quận công Nguyễn Văn Lang làm Nghĩa quốc công; gia phong Thiệu quận công Lê Quảng Độ là Thiệu quốc công, Lượng quốc công Lê Phụ làm Thượng quốc công, Uy quận công Lê Bá Lân làm Uy quốc công, Hộ bộ thượng thư Trịnh Duy Đại2166 làm Văn quận công, Điện tiền tô kiểm điểm Thuỵ Dương hầu Trịnh Hựu2167 làm Thọ quận công, Phò mã đô [2a] uý Lê Mậu Chiêu làm Diên quận công; con Văn Lang là Nguyễn Hoằng Dụ làm Yên Hoà hầu; Trịnh Duy Sản2168 làm Mỹ Huệ hầu; Tổng binh thiêm sự Thanh Hoa Nguyễn Bá Tuấn2169 (đổi tên là Bá Thuyên) làm Lễ bộ thượng thư, Do Lễ bá; Thừa tuyên sứ Thanh Hoa Lê Tung2170 làm Lại bộ thượng thư, Đôn Thư bá; Tham chính Thanh Hoa Nguyễn Thì Ung làm ngự sử đài đô ngự sử Lương Văn bá; Đàm Thận Huy2171 làm Hình bộ thượng thư; Hàn lâm viện thị độc tham chưởng Hàn lâm viện sự Lương Đắc Bằng làm Lại bộ tả thị lang.
Bàn đặt quan đề lĩnh, có các chức chưởng đề lĩnh, đồng đề lĩnh và phó đề lĩnh, trông nom việc quân ở bốn mặt thành, chức trách là tuần phòng ở Kinh sư, canh phòng các nơi, tìm bắt kẻ gian phi2172 .
[2b] Tháng 2, vua sai sang nhà Minh. Hình bộ thượng thư Đàm Thận Huy, Đông các hiệu thư Nguyễn Văn Thái2173 , Binh khoa đô cấp sự trung Lê Thừa Hưu2174 , Thông sự Nguyễn Phong, hành nhân 3 người, tòng nhân 8 người sang tâu việc; Lễ bộ tả thị lang Nguyễn Quýnh, Thị thư Vũ Cán, Đề hình Nguyễn Doãn Văn, Thông sự Nguyễn Hảo, hành nhân 3 người, tòng nhân 9 người sang cầu phong. Bấy giờ, Thừa Hưu đi đến đầu địa giới thì bị ốm, liền sai Binh khoa đô cấp sự trung Nguyễn Văn Tuấn đi thay.
Vua tự xưng là Nhân Hải động chủ.
Ngày 27, lấy Đông các học sĩ Đỗ Nhân làm Hộ bộ tả thị lang, đổi tên Nhân thành Nhạc, để tránh tên hiệu của vua là Nhân Hải.
Trần miếu Thái Tổ bị sụt.
Mùa hạ, tháng 4, ngày 25, đêm canh ba, hoạn quan Nguyễn Khắc Hài làm [3a] loạn, ép vua đến cung Trùng Hoa, lại đến các điện Vạn Thọ, Cẩn Đức, Kính Thiên. Vua làm thơ quốc ngữ, các đại thần văn võ vào chầu kính hoạ lại, chỉ có Đông các hiệu thư Trần Dực hoạ hợp cách, được ban 5 quan tiền.
Ban đêm có nội thần Nguyễn Lĩnh đón vua ngự đến đầm sen. Bọn phản nghịch lẻn ra ngoài, đem kiệu ngự đi đón Hoa Khê Vương Tòng làm nguỵ chúa. Vua sai bọn Thọ quận công Trịnh Hựu đi đánh, đuổi đến phường Đông Hà2175 , bọn phản nghịch bị giết quá nửa, số còn lại vượt sông qua Bồ Đề trốn vào núi Tam Đảo. Hựu sai tỳ tướng đuổi đánh2176 .
Ngày 26, đại xá.
Xuống chiếu đặt hai vệ Thiên vũ2177 và Thánh uy2178 , chức ở trên vệ Cẩm y và Kim ngô. Kiểu mũ dùng mũ đỏ có cánh nạm vàng, thêu phụng đỏ.
Cục Mông nước Ai Lao sai [3b] sứ đến Nghệ An đệ bản tâu trạm xin nộp cống quy phụ. Vua xuống chiếu khước từ, vì mới lấy được nước, sợ họ nhòm ngó nước ta.
Tháng 6, lấy ngày sinh làm Thiên Bảo thánh tiết.
Mùa thu, tháng 8, sao Thái Bạch đi ngang trời.
Đổi Hiệu lệnh lực sĩ thành Thể sát lực sĩ.
Tháng 9, ngày mồng 7, có thánh chỉ rằng: Khi ban cấp các hạng ruộng đất, bãi dâu, ao đầm thì cho phép các xứ cấp vào những chỗ còn lọt ở dân, chưa vào sổ quan; cho quan Thái bộc tự xét mình đi tìm, làm bản tâu lên, giao xuống Hộ bộ và Thừa ty xứ đó cho khám xét, làm bản tâu lên, đợi nhận chỉ chuyển giao cho Lễ bộ vâng mệnh thi hành, làm sắc cấp cho các công, hầu, bá theo thứ bậc khác nhau.
[4a] Mùa đông, tháng 10, lấy Hộ bộ thị lang Đỗ Nhạc làm Đông các đại học sĩ, nhập thị kinh diên. Khởi phục Lại bộ tả thị lang Lương Đắc Bằng kiêm Đông các học sĩ, nhập thị kinh diên [nhưng Đắc Bằng] cố từ chối không nhận. Nhân đó, Đức Bằng dâng lên 14 kế sách trị bình, đại ý là "Thần nghe: Bậc
thánh nhân thuở trước, không vì thiên hạ đã trị mà lơ là việc cảnh giác ngăn ngừa, người hiền thần đời xưa không vì vua mình đã thánh mà quên lãng niềm khuyên răn, can gián. Cho nên, đời Ngu Thuấn đã thịnh vượng rồi mà Bá Ích2179 lúc bày mưu mô thì nói chớ ham mê nhàn rỗi, chớ đắm đuối vui chơi, không lười biếng, không trễ nải, phấp phỏng như nguy vong sắp đến. Đế Thuấn nghe lời khuyên mà răn ngừa những việc đáng răn, do đó đã trở thành bậc đại thánh. Thời Hán Văn đã phú [4b] cường rồi, nhưng Giả Nghị2180 khi dâng kế sách lại khuyên điều để lửa gần của, đáng phải chảy nước mắt, đáng phải khóc phải thương, lo lắng như hoạ hoạn đã thành. Văn Đế nghe lời khuyên mà lo nghĩ việc đáng lo, do đó đã trở nên bậc hiền nhân.
Vì là người bề tôi dâng lời khuyên không khẩn khoản, không thiết tha thì không thể giúp vua sáng suốt tiếp thu lời can gián. Vua nghe lời khuyên mà không tiếp thu, không độ lượng thì không thể mở rộng đường cho bề tôi dâng lời can gián. Nay bệ hạ khoan nhân đại độ, không thích giết người, khôi phục cơ nghiệp của Cao Tổ, cứu giúp sinh mệnh cho muôn dân. Khắp trong bốn biển như gỡ được nạn treo ngược, ai cũng vươn cổ kiễng chân, ngóng trông chính sự mới được hoàn thành, hân hoan mừng thái bình thịnh trị.
Nhưng từ khi lên ngôi tới nay, hoà khí chưa thuận, can qua chưa dứt, [5a] kỷ cương triều đình chưa dựng đặt, việc quân, việc nước chưa sửa sang; tai dị xảy ra luôn, sợ đạo trời chưa thuận, núi đá bị sụt lở, e đạo đất chưa yên. Tệ tham nhũng ngầm ngầm phát triển, bọn nghịch tặc lén lút manh nha, sợ đạo người chưa ổn. Thế mà quan trong triều biết mà không nói, họ tự lo cho mình thì được rồi, còn lo cho nước thì ra sao? Thần thẹn là một bề tôi cũ, nghĩa phải cùng vui buồn với nước, tuy còn trong lúc xô gai, tang trở chưa hết, nhưng bệ hạ đã vì nghĩa công nén tình riêng, cho làm chức thị tung, có ý muốn thần bàn luận mưu kế lui tiến, hèn kém theo người để dựa dẫm giữ lấy tước lộc, thì lòng trung hiếu của thần đôi đường đều thiếu cả, lấy gì báo đáp được ân đức của bệ hạ, làm trọn chức phận của kẻ làm tôi? Thần mỗi khi nghĩ tới việc ngày nay thì suốt đêm không ngủ, đến [5b] bữa không ăn, tấm lòng khuyển mã trung thành không sao nguôi được. Kính xin trình bày 14 kế sách trị binh tâu lên như sau: 1- Phải cảnh giác, răn ngừa để chấm dứt tai biến, 2- Dốc lòng hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu, 3- Xa thanh sắc để làm chân chính gốc của tâm, 4- Đuổi tà nịnh để làm trong sạch ngọn nguồn muôn việc, 5- Dè dặt trao quan tước để thận trọng việc khuyến khích răn đe, 6- Tuyển bổ công bằng để đường làm quan trong sạch, 7- Tiết kiệm tiêu dùng để khuyến khích phong tục kiêm phác, 8- Nêu khen người tiết nghĩa để coi trọng đạo cương thường, 9- Cấm hối lộ để trừ bỏ thói tham ô, 10- Sửa sang võ bị để vững thế thành đồng hào nóng, 11- Lựa chọn quan can gián để gây khí thế dám nói, 12- Nới nhẹ việc lực dịch để thoả lòng mong đợi của dân, [6a] 13- Hiệu lệnh phải tín thực để thống nhất ý chí của bốn phương, 14- Luật pháp, chế độ phải thận trọng để mở nền thịnh trị thái bình.
Những kế sách trên đây, xin bệ hạ soi xét. Thần lại nghe cổ ngữ có câu: "Lời nói của kẻ cắt cỏ, kiếm củi, thánh nhân cùng cân nhắc lựa dùng"2181 . Kinh Thư nói: "Biết được không khó, làm được mới khó"2182 . Thần xin bệ hạ đừng cho những lời của thần là vu khoát, xin lựa chọn mà thi hành, răn những điều đáng răn, lo những điều đáng lo, may ra đạo trời có thể thuận, đạo đất có thể yên, đạo người có thể ổn, có thể đạt đến thái bình". Vua nghe theo.
Gia phong Thiệu quốc công Lê Quảng Độ làm Bình chương quân quốc trọng sự, Tổng thống quốc chính. Thái tể thái sư2183 .
Đặt lại chức thường xuyên xá nhân. Trước đây, vào đời Cảnh Thống, thôi đặt chức thường xuyên xá nhân. Đến nay, Chưởng vệ Minh Luân hầu Lê Niệm tâu [6b] xin đặt lại chức ấy. Vua nghe theo.
Làm điện Thiên Quang.
Định lệ thưởng công cho những người đi theo ở Tiêu Viên2184 , Bảo Đà2185 và trấn giữ điếm Hoàng thành. Xuống chiếu rằng: Những viên nhân các xứ Sơn Nam có dự theo nghĩa quân ở Tiêu Viên và theo nghĩa quân doanh tại các huyện Yên Ninh2186 , Yên Mô2187 , Phụng Hoá2188 , Gia Viễn, ai có quan chức thì thưởng 5 tư, ai chưa có quan chức thì tha không phải tuyển lính, theo như lệ đòi bắt cũ, thay phiên nhau tập luyện võ nghệ và túc trực. Người nào tạm ở lại túc trực, thì tính công cũng như người túc trực, đã có quan chức thì thăng 1cấp, chưa có quan chức thì bổ chánh cửu phẩm. Người nào có túc trực được tuyển vào hộ vệ mà không theo nghĩa quân thì bổ tòng cửu phẩm. Các hạng vệ sĩ, tuấn sĩ, con cháu công thần, nho sinh, giám sinh, văn thuộc, người nào siêng năng, tài cán, mạnh khoẻ thì bổ làm hộ vệ, người nào siêng năng, tài cán nhưng không khoẻ mạnh thì bổ các chức bên ngoài. Quân lính [7a] và nhân dân, ai có quân công, đều cho quan có trách nhiệm tuỳ theo thứ bậc mà bổ dụng, con cháu đều được tập ấm. Viên nhân các xứ, người nào có đến thành Tây Đô theo xa giá, có công thì thưởng quân công cũng như viên nhân xứ Thanh Hoa. Còn như nhân viên các huyện Thanh Đàm (nay đổi thành Thanh Trì), Thượng Phúc, Thanh Oai, Từ Liêm trấn giữ hoặc thay phiên gác các điếm ngoài Hoàng thành, người đã có quan chức thì thưởng 1 cấp, người chưa có quan chức thì được tha tuyển lính phỏng theo lệ đòi bắt cũ, thay nhau 20 phiên giữ các điếm ngoài Hoàng thành và tập võ nghệ. Nếu là người thay phiên nhau túc trực mà không trấn giữ thì thưởng 5 tư, thay nhau 20 phiên mà giữ điếm ngoài Hoàng thành. Các nho sinh, sinh đồ được thưởng 5 tư.
Tháng 11, vua sai Ngự sử đài phó đô ngự sử Đỗ Lý Khiêm, Hàn lâm [7b] viện thị độc kiêm sử quan Nguyễn Bỉnh Hoà (người làng Vĩnh Thế, huyện Siêu Loại2189 , trước tên là Văn Hiến), Đề hình giám sát ngự sử Nguyễn Đức Quang, Thông sự Nguyễn Minh, hành nhân 8 người, tòng nhân 25 người sang tuế cống nhà Minh.
Đặt ty Thiêm bảo đao trực ở điện Kim Quang.
Lấy Phí Vạn Toàn (người làng Xuân Trì, huyện Vĩnh Lại) làm ngự sử đài phó đô ngự sử, Phạm Khiêm Bính làm Thiêm đô Ngự sử; gia phong Lương Văn bá Nguyễn Thì Ung làm Phụng trực đại phu, Thượng thư Ngự sử đài đô ngự sử; Đỗ Nhạc làm Phụng trực đại phu, Thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị Kinh diên; Do Lễ bá Nguyễn Thuyên làm phụng trực đại phu, Lễ bộ thượng thư; Trình Chí Sâm làm phụng trực đại phu, Công bộ thượng thư; Vũ Quỳnh làm Triều liệt đại phu, Binh bộ thượng thư; Phạm Hạo làm gia hành đại phu, Hộ bộ [8a] tả thị lang; Đặng Minh Khiêm làm Triều liệt đại phu, Lại bộ tả thị lang; Lê Đĩnh Chi làm Hộ bộ hữu thị lang.
Tân Mùi, [Hồng Thuận] năm thứ 3 (1511) , (Minh Chính Đức năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, có nhật thực.
Tháng 2, vua đi bái yết Lam Kinh. Bấy giờ Thân Duy Nhạc2190 và Ngô Văn Tổng dấy quân ở các huyện Yên Phú2191 , Đông Ngàn2184 . Gia Lâm xứ Kinh Bắc. Có một nho sinh ở Yên Phú là Chu Thực, báo cho
lưu thủ Đông Kinh Thuỵ quận công Ngô Bính và Kim Nguyên bá Trịnh Bá Quát, sai quân đi đánh phá được bọn chúng, bắt sống được bọn Duy Nhạc, Văn Tổng đóng cũi giải về Kinh sư, rồi đưa đến hành tại.
Trước kia, đời Đoan Khánh, Duy Nhạc đỗ tiến sĩ xuất thân, làm quan đến Cẩm y vệ đoán sự, trực điện Kim Quang. Đến khi vua dấy nghĩa quân, giết Mẫn [8b] Lệ công, Duy Nhạc liền về nhà không làm quan nữa, rồi khởi binh làm loạn, đến đây bị giết. Sau thưởng công cho Chu Thực, bổ làm Phủ doãn phủ Phụng Thiên (Duy Nhạc là người xã Đại Liễn, huyện Vũ Ninh).
Vua đi từ Kim Sơn, cùng với phi tần sáu cung ngự đến chùa Kim Âu2193 , chiều dừng ở chùa Phi Lai2194 xem đua thuyền rồi ngự đến điện Hiền Nhân, sau lại ngự đến điện Thịnh Mỹ. Ngự dinh đóng ở bến Thuý Ái2195 , gặp gió lớn nổi lên, thuyền ngự đều bị trôi giạt.
Tháng 3, thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Thái Hoa 47 người (Thái Hoa người làng Địa Dục, huyện Thanh Lâm2196 , thi Đình đỗ đồng tiến sĩ xuất thân). Đến khi thi Đình, vua đích thân ra đề văn sách, hỏi về đạo trị nước xưa nay. Sai Thái tể thái sư Thiệu quốc công Lê Quảng Độ làm đề điệu. Công bộ thượng thư Trình Chí Sâm làm tri cống cử; Hộ bộ tả thị lang Phạm Hạo [9a] và Lại bộ tả thị lang Đặng Minh Khiêm làm giám thí; Lễ bộ thượng thư Nguyễn Bá Thuyên, Thượng thư Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Thì Ung và Thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên Đỗ Nhạc làm độc quyển. Đến khi đọc quyển thi, vua thân hành xem bài thi rồi định bậc cao thấp. Cho bọn Hoàng Nghĩa Phú, Trần Bảo Tín, Vũ Duy Chu 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Bùi Doãn Hiệp 9 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Trần Doãn Minh 35 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân2197 .
Mùa hạ, tháng 4, sai Đô đốc đồng trì Lê Phong làm đô tướng, Phạm Đức Bân làm tham tướng, Nguyễn Đốc làm tổng đốc đi vào vùng Quảng Nam, Thuận Hoá bắt voi công.
Lấy Lê Công Trừng làm tham chính Hải Dương, Phạm Khiêm Bính làm hiến [9b] sát sứ Hải Dương.
Binh bộ thượng thư, Quốc tử giám tư nghiệp kiêm sử quan đô tổng đài Vũ Quỳnh (người xã Mộ Trạch, huyện Đường Yên2198 ) dâng bộ Đại Việt thông giám thông khảo chép từ Hồng Bàng thị đến Mười hai sứ quân về trước làm Ngoại kỷ , từ Đinh Tiên Hoàng đến năm đầu Thái Tổ Cao Hoàng Đế bản triều đại định thiên hạ làm Bản kỷ , đều chép tường tận theo lối kỷ niên các triều đại, gồm 26 quyển2199 .
Tiến phong Thiên vũ vệ đô chỉ huy sứ Mạc Đăng Dung làm Vũ Xuyên bá. Bấy giờ, các hào kiệt và thuật sĩ đều nói là ở phương đông có khí sắc thiên tử.
Vua sai Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang đem thuật sĩ ra Đồ Sơn để trấn yểm. Đăng Dung cũng đi trong chuyến đó mà không ai biết.
Ngày 27, ban sách Trị bình bảo phạm2200 cho cả nước, gồm 50 điều. Dụ các quan văn võ [10a] và dân chúng rằng: Nghĩ trời thương dân chúng, tất lập vua lập thầy; vua vâng mệnh trời, phải lo nuôi dạy trước. Thế là để lòng người hoà hợp, của dân dồi dào, đưa nước nhà đến cõi thịnh trị bình yên lâu dài. Xưa Nghiêu, Thuấn được hạnh phúc yên vui, vốn gốc ở trọng Ngũ điển2201 , vui Cửu tự2202 ; Thang, Vũ đến thái bình thịnh trị, do nền ở ban Ngũ giáo2203 , dùng Bát chính2204 . Xem vậy, các bậc thánh đế minh vương thay trời trị nước, có bao giờ bỏ qua việc nuôi dạy mà trở nên thịnh trị được đâu. Cao Thái Tổ Hoàng Đế khai sáng cơ nghiệp, truyền lại kỷ cương, dựng lập nhà học, khuyến khích nông tang, để vỗ yên bốn phương; Thái Tông Văn Hoàng Đế nối theo chí trước, noi việc người xưa, coi trọng giáo hoá, chăm nuôi muôn dân để yên hoà muôn nước; Thánh Tông Thuần Hoàng Đế kính nối mưu trước, làm hết luân thường, hoàn thiện chế độ, ban Đại cáo để [10b] bồi đắp gốc nền cho phong hoá, Hiến Tông Duệ Hoàng Đế tỏ rạng công trước, sáng suốt yên vui, ban lời dạy để khuyến khích thói hay tục tốt, lớp lớp yên hoà, đức hoá xa rộng, hiệu quả trị bình, đến đây là thịnh hơn cả. Đến đời Đoan Khánh [1505 - 1508], hoạn quan can thiệp vào chính sự, ngoại thích chuyên quyền, pháp luật phiền hà, kỷ cương rối loạn, nông tang mất nghiệp, phong tục suy đồi, thực rất thương tâm. Trẫm nghĩ công tổ tông gây dựng gian nan, thương ức triệu dân cuộc đời đau khổ, vì tông miếu, xã tắc và sinh dân, đã đại cử nghĩa bình, dẹp yên bốn bể. Khi mới lên ngôi, ban hành giáo hoá, thận trọng hình phạt để phòng giữ lòng người; thi hành chính lệnh, ban ra nhân huệ để đón nối mệnh trời. Những muốn cho điển chương chế độ hết thảy đổi mới, bèn chọn lấy những điều có quan hệ đến chính trị, phong tục, biên tập thành sách Trị bình [11a] bảo phạm để ban hành trong nước. Từ quan đến dân các ngươi, phải thể theo lòng trẫm, học lấy mà làm, để cùng đạt đến thịnh trị, để hưởng phúc thái bình muôn đời, để giữ vững cơ đồ mãi mãi. Các điều dạy bảo kê ra như sau:
1- Bề tôi thờ vua, đều phải giữ lòng trung lương, kính ẩn lo giữ chức vụ, vì nước quên nhà, lo việc công, quên việc tư, cùng nhau cung kính hoà hiệp, nói thẳng, can gián đến cùng, không được a dua phụ hoạ, mong được yên thân, ăn hại bổng lộc, cầu may giữ chức, tâu xin việc riêng, bán quan tước, buôn ngục hình, đến nỗi làm phương hại tới đạo trị nước. Kẻ nào vi phạm sẽ bị tội nặng.
2- Những tông thất công thần từ trong cung cấm đến ngoài thế gia, cùng vui buồn với nước, phải thể theo lòng yêu nuôi sinh dân của triều đình. Ruộng đất, chằm ao, bãi dâu được ban cấp theo như lệ đã định rõ, đợi khi khám xong, ban cấp cho và dựng mốc ranh giới rồi mới được cày cấy. [11b] Nếu chưa qua khám thực, chưa dựng cột mốc, thì không được cướp đoạt mà thu thóc lúa. Không được dung nạp kẻ gian ra vào, ức hiếp, lấy lạm ruộng đất của dân, để cho dân mọn bị thất nghiệp. Phải dạy dỗ con cháu, răn bảo nô tỳ cho chúng hiểu biết lễ phép, không được cậy thế kiêu ngạo, đánh đập dân mọn, không được phép phóng ngựa ngoài đường phố, làm thương tổn mạng người, không được chắn ngang đường sá, cướp bóc của dân. Kẻ nào vi phạm, thì cho người bị hại cùng người trông thấy tố cáo lên quan khoa, đài, hiến ty và phủ, huyện, châu, để làm bản tâu lên giao cho Hình bộ trị tội. Nếu quan khoa đài, hiến ty và phủ, huyện, châu sợ hãi, né tránh kẻ quyền thế, không chịu xét hỏi thì cho người ấy đến cửa khuyết tâu lên, bọn quan khoa, đài, hiến ty đó đều nhất loạt bị trị tội.
3- Quan các nha môn trong ngoài phải nghiêm khắc sửa mình, [12a] kính cẩn siêng năng làm chức phận của mình, không được bừa bãi theo dục vọng riêng, say đắm tửu sắc, sai khiến bậy người dưới quyền, dắt mối gái điếm, nàng hầu, yêu sách cỗ bàn, liên miên chè chén, đến nỗi lười nhác bỏ cả việc công, làm hư hại tới phong hoá. Ai vi phạm sẽ bị trị tội theo pháp luật.
4- Lại bộ phải kính giữ công bằng, cân nhắc bổ dùng người, phải thận trọng dè dặt khi trao quan tước, giữ trong sạch quan trường. Nếu có dẫn người tuyển dụng thì mỗi lần 40 người, Lại bộ phải tư trước cho các nha môn, đoan khai họ tên những người đáng được thuyên bổ, rồi cùng với quan khoa, đài hiệp đồng dẫn tuyển, làm bản tâu lên, đợi nhận được sắc chỉ thì bổ dụng. Người nào lâu năm và trúng trường nhiều thì bổ trước, người nào ít năm và trúng trường ít thì bổ sau, người nào có quân công thì theo như lệnh thưởng công đời Hồng Đức mà thuyên bổ. Người ốm yếu hèn kém thì bổ chức tản quan, tạp lưu. Ai dám hối lộ và riêng tư, [12b] tuyển bổ không có thứ tự, thì cho quan đô, đài kiểm xét tâu lên, theo luật trị tội. Quan đô, đài không biết kiểm xét tâu lên cũng bị nhất loạt trị tội.
5- Giám sinh, nho sinh, sinh đồ cứ đến ngày mồng 1, ngày rằm hàng tháng đều phải mặc mũ áo đến điểm mục theo phép đã định. Phải tuân theo học quy, luyện tập văn bài, đợi khi thành tài để nhà nước sử dụng. Người nào dám chạy chọt cầu may, rong chơi ngoài đường, bỏ trễ việc học, thiếu 1 lần điểm mục thì phạt 140 tờ giấy trung chỉ, thiếu 2 lần thì phạt 200 tờ giấy trung chỉ, thiếu 3 lần thì đánh 40 roi, thiếu điểm mục 4 lần thì kiểm xét tâu lên giao cho Hình bộ xét hỏi, thiếu điểm mục 1 năm thì tâu lên bắt sung quân.
6- Trong kỳ thi Hương, các quan đề điệu, giám thí, giám khảo, khảo thí, tuần xước, và các xã trưởng phải thể theo đức ý của triều đình, phải giữ công tâm, mong lựa chọn được người có thực tài [13a] cho nhà nước sử dụng. Xã trưởng làm sổ khai nhận cho học trò, cốt được kẻ có thực học, không hạn chế số người nhiều hay ít, nộp lên quan huyện, châu bản hạt, cho thi một kỳ ám tả, rồi quan phủ cho thi ba đạo kinh nghĩa, quan thừa hiến hiệp đồng khảo thí như lệ. Thi xong, ngay hôm đó, kê khai hạng trúng tam trường là bao nhiêu người, hạng trúng tứ trường là bao nhiêu người, lập thành danh sách, rồi cùng với quan khảo thí ký tên vào để đề phòng gian trá. Hạn trong 3 ngày, các quan đề điệu, giám thí phải làm bản tâu lên, giao cho Hiến ty sát hạch. Ai dám riêng tư xoay tiền, mua ơn trả oán, nghe theo kẻ quyền thế mà lựa chọn không đúng người hoặc nộp bản tâu chậm trễ thì cho quan khoa, đài tâu lên để trị tội.
7- Đời Đoan Khánh, có nhiều kẻ gian phi ra vào nhà bọn ác đảng ở các làng Phù Chẩn, Hoa Lăng, có kẻ giả xưng là họ hàng của bọn ấy, có kẻ đi tìm [13b] mua tờ thiếp, để xâm chiếm ruộng đất của dân, cướp đoạt tiền tài của dân, đánh đập dân lương thiện, trêu ghẹo đàn bà con gái, cũng có kẻ chứa chấp bọn gian phi để chúng chia của cho mình, cậy thế lấn hiếp, gây hại ngày một quá. Nay bọn ác đảng tuy đã bị giết, nhưng bọn gian phi nói trên có kẻ nào vẫn theo thói cũ, ngang ngược hung bạo, quấy nhiễu dân mọn thì cho người bị hại và các phường, xã, thôn trưởng áp giải bản thân nó đến cáo giác với quan thừa, hiến, phủ, huyện, châu né sợ không chịu xét hỏi, thì cho người bị hại đến cửa khuyết tâu lên, nhất loạt giao cho Hình bộ trị tội cả.
Tháng 5, ngày mồng 5, vua ngự điện Kính Thiên, quan Hồng lô truyền loa, xướng danh các tiến sĩ là bọn Hoàng Nghĩa Phú. Các quan mặc triều phục chúc mừng. Các tiến sĩ nhận ân mệnh, Lễ bộ đem [14a] bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Lại ban y phục, đai mũ và ban yến.
Gia phong Lượng quốc công Lê Phụ làm Tả bình chương quân quốc trọng sự, Nhập nội kiểm hiệu, Thượng tướng thái uý: Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Bình chương quân quốc trọng sự, Phụ quốc thượng tướng, Thượng tể thái phó; Uy quốc công Nguyễn Bá Lâm làm Công bộ thượng thư chưởng bộ sự, tri Hiển Phúc điện; Đàm Thận Huy làm Lại bộ thượng thư, tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục; Lê Tán Tương làm Công bộ hữu thị lang.
Mùa đông, tháng 11, ngày 11, người làng Quang Bị, huyện Bất Bạt là Trần Tuân nổi loại ở vùng Sơn Tây. (Tuân là cháu của Lại bộ thượng thư Trần Cận trước kia). Bấy giờ, nhân dân các phố xá ở kinh thành [14b] náo động, đều đem vợ con về quê quán, đường phố không còn một ai đi lại. Vua sai Hộ bộ hữu thị lang Lê Đĩnh Chi, cùng các quan khoa, đài đi khám xét các phố xá hàng chợ, xem người nào còn nhà ở, người nào vợ con đã về quê quán, ra lệnh cấm rất nghiêm ngặt, xử tội rất nặng [những người đã cho vợ con về quê quán], dân chúng khó bè nhắc chân động tay. Những người đã để vợ con về quê, thì phần nhiều đem người khác đến, nói dối là vợ con mình để đợi sai quan tới khám xét. Đến đây, lại sai xá nhân đến tận nhà các đại thần và văn thần xem thực hư ra sao, thì thấy vợ con của 5 người là bọn Lê Đĩnh Chi, Nguyễn Tông Thốc, Nguyễn Lý Quang và Hàn lâm kiểm thảo Ngô Tuy, Giám sát ngự sử Trần
Húc đều về nguyên quán. Vua sai giết bọn Đĩnh Chi ở ngã ba phường Đông Hà, vì bọn Đĩnh Chi [15a] làm quan đi khám xét mà vợ con lại trốn về quê trước, cho nên xử tội.
Vua sai Mỹ Huện hầu Trịnh Duy Sản chỉ huy quan quân đi đánh Trần Tuân. Bấy giờ quân của Tuân đã bức sát đến Từ Liêm (tên huyện, thuộc phủ Quốc Oai2205 ), quan quân bại trận, lui về đóng ở các xứ Đông Ngạc, Nhật Chiêu2206 .
Thế quân của Tuân rất mạnh, muốn bức sát kinh thành. Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang sai quân sáu vệ Điện tiền kéo thuyền Tiểu Thiên Quang xuống sông, định đưa vua ngự về Thanh Hoa, giữ nơi hiểm yếu rồi gọi hết bọn thợ của các sở ở Công bộ và thợ thường ban, bày kỳ binh ở xứ Đông Hà để giữ. Đến đêm, bọn chúng hoảng sợ trốn về cả. Vua sai Minh Luân bá Lê Niệm, Tổng thái giám Lê Văn Huy và 2 người hoa văn học sinh đem lực sĩ của hai ty Hải Thanh và Hà Thanh chèo hai chiếc thuyền nhẹ ra [15b] xứ Từ Liêm để dò xét tình hình quân giặc. Niệm đến chợ An Giang trước thấy phố xá bị thiêu trụi, quan quân đã bại trận rút về, vượt sông vào xã Quả Hối. Niệm lại chạy về, vào điện tâu trước mặt vua. Bấy giờ, Duy Sản bị giặc đánh bại, thủ hạ chỉ còn hơn 30 người, xé áo làm hiệu, thề cùng nhau đánh giặc. Giờ Dậu, Duy Sản thình lình xuất hiện, đột nhập vào dinh của Tuân, thấy Tuân mặc áo đỏ ngồi trên giường, liền dùng giáo đâm chết Tuân, bè đảng của Tuân đều tan chạy cả. Bấy giờ quân lính của Tuân đóng ở chổ khác, không biết là nghịch Tuân đã chết, vẫn cứ đóng quân như trước.
Ngày 20, vua làm lễ tấu cáo ở Thái Miếu, rồi sai Nguyễn Văn Lang đem tướng sĩ, voi ngựa của các doanh đi đánh. Bấy giờ, Duy Sản đã giết Trần Tuân, liền thừa thế bắn ba tiếng súng, các quân đánh trống hò reo tiến vào, đánh [16a] tan quân giặc, đuổi theo đến các xã Thuỵ Hương, Quả Động, Đông Ngạc2207 , đâm chết rất nhiều tên, xác giặc nằm đầy đồng, chết đuối dưới sông không kể xiết. Sau này định công ban thưởng, ban phong Trịnh Duy Sản là Nguyên quận công, những người đi theo Duy Sản đâm chết được nhiều giặc đều được trao chức đô chỉ huy đồng tri2208 . Việc xét quân công có lệ người nào giết được nhiều giặc thì được trao quan chức bắt đầu từ đó.
Chém Hồ bả ở phường Diên Hưng. Trước đó, Đô lực sĩ Hồ Bả đánh giặc lùi trở về, bẻ cánh mũ kim phụng giấu đi, đến khi dẹp yên giặc, Hồ Bả bị xử chém.
Giết viên Hộ bộ tư vụ Lý Văn Tư. Trước đó, khi có loạn Trần Tuân, ở Kinh thành, các thân vương, công chúa và dân chúng ở phố xá, hàng chợ đều chạy ra ngoài thành Đại La, trú ngụ tại các xã Hồng Mai, Thịnh Liệt. Văn Tư cũng đi lánh nạn, nói vụng những lời khinh miệt các đại thần, bọn Nguyễn [16a] Văn Lang, Trịnh Duy Đại tâu lên vua, cho nên bị giết.
Thưởng bọn đại học sĩ Đỗ Nhạc 11 người. Trước đây, Trần Tuân tiến quân sát đến Kinh thành, lòng người sợ hãi, bọn Duy Nhạc vẫn làm việc ở triều đường. Vua sai kê khai các đại thần văn thần, chỉ có 11 viên [còn ở lại]. Nay vâng sắc chỉ bàn định ban thưởng để biểu dương lòng trung thành của họ.
Phân định lệ thuế vàng bạc. Lệ thuế vàng trong nước: vàng mười hạng tốt là 449 lạng 5 phân, 6 ly, 4 hào, lệ cũ là 460 lạng; nộp thay voi công là 20 lạng nữa; vàng mười [hạng thường] là 2.901 lạng, 6 đồng cân, 9 phân, 5 ly, 1 ty, lệ cũ là 2.863 lạng. Còn lệ thuế bạc, thì bạc tốt mười thành là 6.125 lạng, 9 đồng cân, 8 phân, [17a] 4 ty, 8 hào, lệ cũ là 4.930 lạng.
Sai Nguyễn Văn Lang trung tu Sùng Nho điện ở Quốc tử giám và hai giải vũ, sáu nhà Minh Luân, nhà bếp, phòng kho, cùng làm mới hai nhà bia bên đông và bên tây, mỗi gian đặt một tấm bia bên tả, một tấm bên hữu. Năm này, dựng hai nhà bia đề tên các tiến sĩ khoa Ất Sửu năm Đoan Khánh thứ 1 và khoa Mậu Thìn năm Đoan Khánh thứ 4. Khi ấy, sau khi sai trùng tu Quốc tử giám và làm mới nhà bia,
vua lại nghĩ hai khoa thi về đời Đoan Khánh chưa dựng bia, liền sai Đông quan2209 khắc đá, Thượng thư, Đông các đại học sĩ, Nhập thi kinh diên Đỗ Nhạc soạn bài ký, Trung thư giám xá nhân Đỗ Như Chi viết chữ tri thượng bảo giám Bùi Thị viết chữ triện.
Xét bài ký của Đỗ Nhạc ghi : Vua thông minh xứng đáng bậc vua, sáng suốt làm gương cả nước, khôi phục [17b] quy mô xây dựng cơ nghiệp của Thái Tổ, mở rộng nền móng văn giáo thịnh trị của Thánh Tông. Ban đầu đặt kinh diên, lưu tâm điển tịch. Sáng vầng sao Khuê2210 ngang trời dọc đất thì có tập Bảo thiên thanh hạ ; mở gương trị giáo mẫu mực xưa nay thì có tập Quang thiên thanh hạ2211 . Thánh học ngày càng cao minh, thánh đức ngày càng thuần tuý. Hơn nữa, đến nhà Thái học hỏi về đạo trị nước, ra nơi điện đình thi chọn bọn học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan chọn bọn học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan trùng tu Quốc tử giám và làm mới nhà bia, lại nghĩ tới hai khoa Ất Sửu, Mậu Thìn chưa có dựng bia, liền sai quan khắc bia soạn ký để dựng lên. Như vậy có thể thấy được cái ý tôn sùng đạo học, khuyến khích hiền tài sâu sắc dường nào!
Nhâm Thân, [Hồng Thuận] năm thứ 4 [1512] , (Minh Chính Đức năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, sai võ tướng thống lĩnh binh tượng và Đỗ [18a] Nhạc làm tán lý quân vụ đi các vùng Sơn Tây và Hưng Hoá để đánh dẹp bọn phản nghịch Nguyễn Nghiêm2212 .
Tháng 3, ngày mồng 3, có thánh chỉ rằng: Người nào là con cháu công thần khai quốc mà còn phải ở trong quân ngũ thì cho sắc mệnh phong tặng của cha ông đến kêu ở cửa quan. Quan bản xứ xét thực, người nào biết chữ thì được sung làm học sinh ở Sùng Văn quán, người nào không biết chữ thì sung làm tuấn sĩ của vệ Cẩm y.
Gia phong Lê Tung làm Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư, Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu, Tri kinh diên sự, Đôn Thư bá.
Mùa hạ, tháng 4, khảo thí con cháu các quan viên về viết chữ và làm toán.
Người nào đỗ, cho sung làm nho sinh và lại điển ở các nha môn.
Bọn Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt làm loạn ở vùng Nghệ An. Vua sai bọn Khang quận công Trần Nghi và Đông các hiệu thư Trần [18b] Dực đi đánh. Vào đến địa phận Nghệ An, bọn Nghi đằng trước, đằng sau đều bị giặc đánh. Quan quân vượt xa biển, bị sóng gió đánh vỡ thuyền, toàn quân bị chết đuối.
Nghi và Dực cũng chết chìm ngoài biển. Bọn Hy, Hưng tiến sát đến Lôi Dương2213 .
Tháng 5, ngày 16 vua sai Trịnh Duy Sản chỉ huy quan quân, và Đỗ Nhạc làm Tán lý quân vụ đến Thanh Hoa, Nghệ An đánh dẹp quân giặc, chém đầu Lê Minh Triệt đưa về Kinh sư bêu ở phường Đông Tân; bắt sống được Hy và Hưng đóng cũi giải về Kinh sư rồi giết.
Thả các dân binh tứ chiếng2214 đã điều động tập hợp khi trước cho trở về quê cũ. Trong lúc bối rối nghe tin bọn Trịnh Hưng nổi dậy đánh đến Thanh Hoa, bấy giờ, trời đã tối, cửa thành đã khoá, có lệnh gọi các quan ở triều đường tới nghị bàn, lại có sắc dụ ở ngoài cửa Đại Hưng sai các đại thần [19a] đi bắt dân binh tứ chiếng tới các địa phương phân chia vào làm lính nơi đó để phòng đánh giặc. Đến đây, bọn giặc đã bị diệt, có lệnh thả cho về quê quán.
Đặt các đội Tả kim đao và Hữu kim đao.
Hạn hán, trong nước đói to.
Làm điện lớn hơn trăm nóc. Trước đây, xã Minh Quyết, huyện Cẩm Giàng có người thợ Vũ Như Tô (tức tên đô Nhạn), ở nhà lấy cây nứa dựng thành kiểu điện lớn trăm nóc, đến đây đem kiểu nhà ấy dâng lên, khuyên vua xây dựng.
Mùa đông, tháng 10, tặng Dương Trực Nguyên làm Ngự sử đài đô ngự sử.
Quý Dậu, [Hồng Thuận] năm thứ 5 [1513] , (Minh Chính Đức năm thứ 8). Mùa xuân, Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang chết, tặng phong Nghĩa Huân Vương, tang lễ theo nghi thức của tước vương, sai đúc vàng làm tượng.
[19b] Tháng giêng, ngày 26, nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thuỷ, phó sứ là Hình khoa hữu cấp sự trung Phan Hy Tăng sang sách phòng vua làm An Nam Quốc Vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục. Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thuỷ rằng: "Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu". Đến khi về, vua tặng biếu rất hậu. Nhược Thuỷ và Hy Tăng không nhận. Vua làm thơ tiễn Nhược Thuỷ rằng:
Phụng chiếu chi thừa xuất cửu trùng, Hoàng hoa đáo xứ tổng xuân phong. Ân đàm Việt điện sơn xuyên ngoại, Nhân ngưỡng Nghiêu thiên nhật nguyệt trung. Văn quỹ xa thư quy hỗn nhất, Uy nghi lễ nhạc ái chiêu dung. Sứ tinh cảnh cảnh quang huy biến. Dự hỷ Tam thai thuỵ sắc đồng. (Chiếu phượng ban cho tự cửu phùng, Hoàng hoa2215 chốn chốn vẫn xuân phong. Ân trùm cõi Việt non sông khuất, Người ngóng trời Nghiêu nhật nguyệt chung. Lối xe cỡ chữ thâu về một2216 , Lễ nhạc uy nghi rõ chữ đồng. Vằng vặc sứ trời soi sáng khắp, Tam thai2217 ánh đẹp dự vui cùng). Nhược Thuỷ [20a] hoạ vần đáp lại rằng:
Sơn thành thuỷ quách độ trùng trùng, Sơ tụng tân thi kiến quốc phong. Nam phục mạc ngôn phân thổ viễn, Bắc thần trường tại phổ thiên trung. Xuân phong hạo đăng hoa đông vũ, Hoá nhật chiêu hồi hải cộng dung. Ký đắc truyền tuyên thiên ngữ ý, Vĩnh kỳ trung ngoại thái bình đồng. (Thành non, quách nước trải bao trung, Thơ mới vừa ngâm thấy quốc phong.
Chớ bảo Nam bang riêng đất lánh, Còn kia Bắc đẩu khắp trời chung. Gió xuân lồng lộng hoa đua múa, Trời sáng lâng lâng biển cùng đồng. Nhớ lúc truyền ban lời thánh chỉ, Thái bình mọi chốn mãi mong cùng). Bài thơ của vua tiễn Hy Tăng rằng:
Nhất tự2218 hồng vân giả án tiền, Sứ tinh quang thái chiếu Nam thiên. Lễ quy nghĩa củ chu toàn tế, Hoà khí xuân phong tiếu ngữ biên. Ân chiếu phổ thi tân vũ lộ, Viêm phong vĩnh điện cựu sơn xuyên. Tình tri viễn đại lư hiền nghiệp, Miễn phụ hoàng gia ức vạn niên. (Từ chốn mấy hồng án đỏ xa, Trời nam sao sứ rọi quang ba. Lễ nghi quy củ khi thù ứng, Cười nói tươi vui buổi khí hoà. Ân chiếu rộng ban mưa móc mới, Viêm bang vững mãi cựu sơn hà. Hiền thần cơ nghiệp còn cao rộng, Muôn năm gắng sức giúp hoàng gia). Hy Tăng hoạ vần đáp lại rằng:
Hoàng gia thanh giáo cổ vô tiền, Thử nhật xuân phong động hải thiên. Long tiết viễn huy Nam đẩu ngoại, Điểu tinh trường củng [20b] Bắc Thần biên. Duy viên nghĩa tại tư phân thổ, Nạp hối tài sơ quý tế xuyên. Lâm biệt hà tu phân trọng tệ, Tặng ngôn thâm ý ức tha niên. Hoàng gia thanh giáo dậy phương xa, Trời biển xuân về gợn ánh ba. Long tiết2219 sáng coi ngoài Nam đẩu, Điểu tinh2220 chầu mãi Bắc thần hoà. Phong đất nghĩa nên làm vách giậu, Can ngăn tài kém thẹn qua hà, Chia tay chi phải cho nhiều thứ, Tặng lời thâm ý nhớ hoàng gia). Vua lại có bài thơ tiễn Nhược Thuỷ rằng:
Thánh triều thị hoá chính văn minh, Nội tướng chí thừa sứ tiết hành. Thịnh lễ ung dung chiêu độ số, Chí nhân quảng đăng hoá ân vinh. Lưu thời dục tự ân cần ý,
Tiễn nhật nan thăng khiển quyển tình. Thử hậu loạn pha thừa cố vấn. Nam bang dân vật hựu thăng bình. (Thánh triều trị hoá rất văn minh, Nội tướng vâng sai ruổi sứ trình. Lễ hậu ung dung rành độ số, Chí nhân rộng rãi tỏ ân vinh. Khi ở ân cần mong giãi ý, Lúc xa tha thiết xiết bao tình. Hàn viện sau này ban hỏi tới, Cõi Nam dân vật được thăng bình.) Nhược Thuỷ hoạ vần đáp lại rằng:
Lương phú tòng đầu xuân nhật minh, Ngã ca thính bãi ngã tương hành. Tự thiên tam tích nguyên thù số, Bạc hải2221 chủ bang thục dữ vinh. Cánh cẩn chức phương thù thánh đức, Mỗi tương nhân giám sát quần tình. Lâm kỳ bất dụng trung quân phó, Vạn lý minh uy [21a] đạo đăng binh. (Ngày xuân Lương Phú tự bình minh, Ta ca vừa hết, sắp đăng trình. Ba lượt mệnh trời âu số lạ, Muôn bang góc biển hỏi đâu vinh. Chức cống càng lo đền thánh đức, Gương soi năng liệu xét nhân tình. Buổi tiễn cần chi căn dặn lắm, Muôn dặm minh uy rộng lối bình.) Vua lại tặng Hy Tăng bài thơ rằng:
Càn khôn thanh thái thuộc tam xuân, Sứ tiết quang lâm hỷ sắc tân. Bính hoán thập hàng ban Hán chiếu, Uông dương tứ hải dật Nghiêu nhân. Hung trung băng ngọc trần vô điểm, Bút hạ châu cơ cú hữu thần. Kim nhật tinh thiều hồi Bắc khuyết, Tiễn diên bôi tửu mạc từ tần. (Đất trời trong sáng cảnh đang xuân, Sứ tiết qua thăm đẹp bội phần. Chói lọi mười hàng đây Hán chiếu, Mênh mông bốn biển nọ Nghiêu nhân. Băng ngọc trong lòng không điểm bụi, Châu cơ đầu bút lắm câu thần. Ngày nay xe sứ quay về Bắc, Chuốc chén luôn luôn chớ ngại ngần.) Hy Tăng hoạ vần đáp lại rằng:
Vạn lý quan phong Bách Việt xuân, Chướng yên tiêu tận vật hoa tân,
Xa thư bất dị Thành Chu chế, Phi dược nguyên đồng đại tạo nhân. Sảo tự thượng minh lân hải thác, Vĩnh hoài Chu điểu điện Viêm thần. Uý thiên sự đại vô cùng ý, Tài nhập tân thi ký ngữ tần. (Muôn dặm ngắm nhìn Bách Việt xuân, Chướng khí tiêu tan, sáng bội phần. Xa thư chẳng khác Thành Chu trước, Bay nhảy nguyên cùng tạo hoá nhân. Như lượng biển xanh dung sản vật, Nhờ hoài Chu điểu dựng Viêm thần2222 . Lòng kính sợ trời thờ nước lớn, Lời thơ gửi gắm ý khôn ngần.) Gia phong Nguyễn Mậu làm Hộ bộ thượng thư tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục, Cẩn Lễ nam.
Tháng 2, ngày 27, vua sai Lại bộ hữu thị lang Nguyễn [21b] Trang2223 , Hàn lâm viện kiểm khảo Nguyễn Sư2224 (tức Nguyễn Sư Truyền), Lễ khoa cấp sự trung Trương Phu Duyệt2225 sang nhà Minh tạ ơn sách phong và tạ ơn ban mũ áo.
Ngày 28, sứ nhà Minh ở quán Bắc Sứ tìm người viết chữ đẹp sai viết bạch bài2226 gửi về châu Bằng Tường của họ, báo chuẩn bị binh phu đợi đón sứ Minh về nước.
Hôm ấy, vua ngự điện Quang Trị xem voi đấu nhau với hổ.
Lấy Tiền kim quang môn đãi chiếu Nguyễn Huệ làm Lễ bộ tả thị lang hành Kim quang môn đãi chiếu, tri Thượng bảo giám các cục.
Khi vua mới được nước, mất ấn Quốc bảo, không có gì để khớp với phù khế của nhà Minh, có Kim quang môn đãi chiếu Nguyễn Huệ biết làm ấn Quốc bảo, vua sai khắc ấn để khớp với phù khế của nhà Minh, quả nhiên khớp với ấn của nhà Minh đã ban cho. Lần này nhà Minh sai bọn Nhược Thuỷ sang phong thì Huệ đã lui về vì tuổi già. Vua nghĩ [22a] đến công của ông, lại gọi ra để dùng.
Sông Cơ Xá2227 có rắn hiện ra 20 ngày.
Tháng 3, vua thân hành đến cầu tự ở điện Tường Quang.
Gia phong Đỗ Nhạc làm Quang Nghiệp đại phu, Thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên.
Vua làm điện Mục Thanh và hai nhà giáp thất2228 đông, tây ở trước điện Phụng Tiên, đem thần chủ từ Lương Vương Thuyên, Tống Vương Đĩnh trở xuống phối tự ở đó. Trước kia, điện Phụng Tiên thờ Thái Tổ Cao Hoàng Đế2229 ở giữa, Tuyên Tổ Hoàng Đế2222 ở bên tả, Hiển Tổ Hoàng Đế2223 ở bên hữu, Thái Tông,
Thánh Tông, Túc Tông thờ ở phía đông về bên tả thần chủ Tuyên Tổ; Nhân Tông, Hiến Tông, Đức Tông thờ ở phía tây về bên hữu thần chủ Hữu Hiền Tổ. Hiếu Kính đường thì thờ Chiêu Hiếu Đại Vương2232 , Quận Ai Vương2233 ở phía đông, Trung Dũng Đại Vương2234 ở phía tây. Đến đây, làm điện Mục Thanh, nhà giáp thất phía đông gọi là Chương Đức đường, để phối tự Chiêu [22b] Hiếu Đại Vương, Quận Ai Vương, Lương Vương2235 , Đường Vương2236 , Diễn Vương (tên là Cảo), Ứng Vương (tên là Chiêu), Triệu Vương (tên là Thoan); nhà giáp thất phía tây gọi là Chiêu Huân đường để phối tự Trung Dũng Vương (tên là Thạch), Cung Vương2237 , Tống Vương2238 , Phúc Vương (tên là Tranh), Quảng Vương (tên là Thuyên)2239 , Trấn Vương (tên là Kinh), Nghĩa Vương (tên là Cạnh), Kinh Vương (tên là Kiến).
Mùa hạ, tháng 6, ngày mồng 7, nước lũ, vỡ đê phường Yên Hoa2240 thông vào hồ Tây.
Lấy Hàn lâm viện kiểm thảo Nguyễn Mậu2241 làm Hiến sát sứ Thanh Hoa.
Vua thường sai người đi lấy hoa gạo. Mậu dâng sớ can, trái ý vua, vua sai trung sứ bắt đánh đòn.
Mùa thu, tháng 8, ngày 30, có sắc chỉ rằng: Các tuấn sĩ vệ Cẩm y, người nào bị sung quân thì khai lại để đuổi về nguyên quán theo như lệ.
Dựng bia ghi tên tiến sĩ khoa Tân Mùi năm Hồng Thuận thứ 3. Sai Công bộ thượng thư chưởng bộ sự, tri Hiển Phúc điện Uy quận công [23a] Nguyễn Bá Lân trông coi việc dựng bia, Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư, Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu tri kinh diên sự Đôn Thư bá Lê Tung soạn bi ký; Trung thư xá nhân Ngô Ninh viết chữ chân, Tri thượng bảo giám các cục Nguyễn Huệ viết chữ triện.
Mùa đông, tháng 10, ngày 13, sai Binh bộ hữu thị lang Nguyễn Trọng Quỳ, Hàn lâm viện thị thư Hứa Tam Tỉnh, Đề hình giám sát ngự sử Nguyễn Quý Nhã sang tuế cống nhà Minh.
Phong Diên quận công Lê Nghĩa Chiêu làm Thái phó Hùng quốc công, gia phong Nguyễn Lữ làm Hộ bộ thượng thư Quỳnh Nham hầu.
Tháng 12, ngày mồng 3, bọn Thái phó Thọ quận công Trịnh Hựu kính phụng sắc chỉ rằng: Các công thần về đời Thuận Thiên có sắc mệnh ban phong và người họ nhà vua được để tang vua, con cháu trước đã tập [23b] ấm, sung làm tuấn sĩ vệ Cẩm y thì vẫn giữ lại ở vệ cũ, người nào chưa được sung bổ thì tiếp tục cho sung bổ như lệ trước, nếu có ai năm trước bị đưa vào các vệ khác thì nay trả về ngạch tuấn sĩ như trước, làm như vậy để khuyến khích, biểu dương công thần, để tỏ rõ sự thân yêu trong họ.
Giáp Tuất, [Hồng Thuận] năm thứ 6 [1514] , (Minh Chính Đức năm thứ 9). Mùa xuân, tháng 2, vua bái yết Tây Kinh.
Vua cày ruộng tịch điền, cày bị gãy.
Tháng 3, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ, người dự thi là 5700 người. Lấy đỗ bọn Nguyễn Bỉnh Đức (Bỉnh Đức trước tên là Giới, sau đổi thành Ninh Chỉ, sau lại đổi là Ninh Bang, người phường Thịnh Quang, huyện Quảng Đức2242 , thi Đình đỗ đồng tiến sĩ xuất thân, triều Mã làm quan đến thượng thư thiếu sư Liêm quận công, gồm 43 người.
Mùa hạ, tháng 4, ngày 27, vua thân hành ngự điện ra đầu bài văn sách hỏi về nhân tài. Sai Tả bình chương quân quốc trọng sự nhập nội kiểm hiệu thượng tướng thái uý Lương quốc công [24a] Lê Phụ, Lại bộ thượng thư tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục Đàm Thận Huy, Công bộ hữu thị lang Lê Tán Tương, Thiếu bảo Lại bộ thượng thư Do Lễ bá Nguyễn Bá Thuyên, Hộ bộ thượng thư tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục Cẩn Lễ nam Đoàn Mậu, Thiếu báo Lễ bộ thượng thư Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu tri kinh diên sự Đôn Thư bá Lê Tung, Hình bộ thượng thư Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên Đỗ Nhạc chia nhau trông coi việc thi. Cho bọn Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Chiêu Huấn, Hoàng Minh Tá 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Vu 20 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Bỉnh Di 20 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 5, có chiếu cho các tiến sĩ mới là bọn Nguyễn Đức Lượng vào điện Thiên Quang làm bài ứng chế, vua sai làm bài Thiên [24b] Quang điện ký .
Năm ấy có sao Kim mọc ban ngày.
Nước lũ rất lớn, hồ ao trong kinh thành có rắn lớn xuất hiện đến 20 ngày.
Vua sai đốt pháo, mở cờ, đánh trống để doạ nó. Sau 4 tháng rắn mới đi.
Đắp thành bao sông Tô Lịch, làm điện Tường Quang.
Vua nghe lời vu cáo của Hiệu uý Hữu Vĩnh (không rõ họ) giết hết 15 vương công họ tông thất. Cho gọi cung nhân của Mẫn Lệ công và cung nhân của triều trước để thông dâm.
Mùa thu, tháng 9, sai thiếu bảo Lễ bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám tế tửu tri kinh diên sự Đôn Thư bá Lê Tung soạn bài Đại Việt thông giám tổng luận2243 (Tung trước tên là Bang Bản, người làng An Lạc, huyện Thanh Liêm).
Mùa đông, tháng 10, ngày 17, Lại khoa đô cấp sự trung Phạm Trí Năng tâu rằng: Kể [25a] từ nay, khi bổ dụng quan chức, Lại bộ phải theo như lệ đời Hồng Đức, chọn những viên nào ở chức lâu năm, đủ lệ bộ khảo khoá, có công tích, lòng dân thuận phục mới được thăng bổ. Nếu Lại bộ thuyên bổ không đúng thì Hình bộ sẽ theo luật mà trị tội.
Tháng 12, ngày mồng 4, bọn Lễ bộ thượng thư chưởng bộ sự, Phò mã đô uý Hưng quận công Nguyễn Trinh tâu rằng: Bản kê sách lễ tập viết và sách vở cùng một thoi mực cho Phúc quốc trưởng công chúa2244 có nên do Ngự dụng giám làm danh sách hay không, và xin chiếu phát thêm lễ vật để bày bàn thờ bảy chục vị học trò [của Khổng Tử]. (Dùng 80 bàn độc, 18 vòng hương đen, 18 bó bạch mộc hương nhỏ, 20 cây nến, 2 lạng chè, 1 cân dầu, 1 lạng thảo vong2245 , thịt hươu muối, thịt hươu khô, dưa muối, lúa mới, quả táo, rau cần, đậu xanh mỗi thứ 18 mâm, 2 chĩnh rượu, 36 bó củi, đến ngày thì làm lễ.
Vở thì dùng thứ giấy phương chỉ như giấy viết châm).
[25b] Lấy Trần Sùng Dĩnh làm Hộ bộ thượng thư.
Ất Hợi, [Hồng Thuận] năm thứ 7 [1515] , (Minh Chính Đức năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, sai Thuỵ quận công Ngô Bính và Nguyên quận công Trịnh Duy Sản làm Đô tướng, Ngự sử đài thiêm đô
ngự sử Nguyễn Khiêm Bính làm Tán lý quân vụ đi đánh Phùng Chương ở vùng núi Tam Đảo. Chương thua chạy.
Tháng 2, vua thân hành xem tập trận ở xã Định Công2246 , khi về, ngự chơi nhà hoàng phi Lê thị2247 .
Thiều Khê bá Ngô Thứ nổi loạn bị giết.
Năm này, bắt các trấn nộp thuyền gỗ để đi đánh Ai Lao.
Bấy giờ lúa chiêm có cây sinh một hạt thóc hai nhân gạo.
Lấy Công bộ hữu thị lang Lê Tán Tương làm quyền Lại bộ hữu thị lang.
Tháng 8, tháng 9, nước to.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 7, An Hoà hầu Nguyễn Hoằng Dụ tâu xin thu lúa đồn điền [26a] để chi dùng cho nhà nước.
Bọn Đặng Hân và Lê Hất làm loạn ở vùng huyện Ngọc Sơn2248 , Thanh Hoa. Ngày 27, vua sai tướng thống lãnh binh sĩ, lấy Đỗ Nhạc làm Tán lý quân vụ đi đánh dẹp.
Bính Tý, [Hồng Thuận] năm thứ 8 [1516] , (Từ tháng 4 trở đi là Chiêu Tông Quang Thiệu năm thứ 1; Minh Chính Đức năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, bấy giờ là kỳ đại tập các quân, Trần Công Ninh nổi loạn ở xứ đò Hối, huyện Yên Lãng2249 . Ngày 23, vua sai Đông các đại học sĩ Đỗ Nhạc trấn giữ Kinh thành, vua đích thân đem các đại thần văn võ và đô đốc năm phủ đi theo. Quân ra cửa Bắc Thần, vua ngự ở hành tại bên sông Nhị Hà, ra lệnh cho các tướng qua sông tiến đánh, phá tan quân giặc, giết được rất nhiều. Rồi luận công các tướng sĩ, trao quan chức cho từng người.
Trước đây, vua thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp [26b] thành rộng lớn mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía đông đến phía tây bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành, dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên, lấy sắt xuyên ngang. Lại sai làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu, sai bọn nữ sử trần truồng chèo thuyền chơi trên Hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm vui thích lắm. Người thợ Vũ Như Tô làm điện lớn hơn trăm nóc, dùng hết tiền của và sức dân trong nước. Lại làm Cửu Trùng đài, trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch để dẫn nước vào, thả thuyền Thiên Quang cho mặc sức du ngoạn. Hồ ấy quan co khúc khuỷu, mở cửa cống có thể chở thuyền nhẹ ra vào để rong chơi, cực kỳ xa xỉ.
Dân chúng đau khổ, binh lính mệt nhọc. Quân năm phủ đắp thành [27a] chưa xong được, đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong ngoài kinh thành phải làm, tập hợp nhau lấy hồ, khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười.
Tháng 3, nước to.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét