Đại Việt thông sử . P06

Đại Việt thông sử
Quyển III
Liệt Truyện
Thần Đôn soạn
Nghịch thần truyện
Phúc Nguyên

[tờ 49a] Phúc Nguyên là con trai trưởng Phúc Hải, tiếm ngôi vào tháng 5 niên hiệu Nguyên hòa thứ 14 (1546), đổi năm Đinh Tỵ sau (1547) làm niên hiệu Vĩnh Định thứ nhất.
Lúc này Phúc Nguyên còn nhỏ tuổi, chưa biết quyết đoán việc gì, bao nhiêu công việc

lớn nhỏ, đều ủy cả vào thúc phụ là Khiêm Vương Kính Điển phân xử.
Ngụy tôn tổ mẫu họ Phạm làm "Thái hoàng Thái hậu ".
Khi Phúc Hải chết, Tướng là Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi bàn rằng: "Hiện trong nước đương lúc nhiều nạn, nên lập [tờ 49b] vua lớn tuổi. Con Đăng Dung ngụy Hằng Vương Chánh Trung đã nhiều phen cầm quân, và thường thắng trận. Vậy xin dựng lên nối ngôi ".
Nhưng các tôn vương họ Mạc, và đại thần là bọn Kính Điển, Nguyễn Kính đều không theo, bàn định dựng Phúc Nguyên lên ngôi. Bởi thế Tử Nghi không toại nguyện, bèn ngầm sinh lòng khác, bí mất tụ hợp các Tướng Bộ khúc, rồi cùng với Thành quốc công khởi loạn. Phúc Nguyên phải qua sông chạy về Đông vào ban đêm, bọn Kính Điển, Nguyễn Kính và Trần Phỉ xuất quân đón cứu Phúc Nguyên.

Tử Nghi bèn đem Chánh Trung chiếm cứ Ngự Thiên ở Hoa Dương, rồi tiếm xưng tôn hiệu, ngụy lập triều đình. Các bầy tôi văn võ nhiều người theo.

Phúc Nguyên sai Kính Điển và Nguyễn Kính phát binh đánh Tử Nghi, nhưng Tử Nghi vốn là một kiện tướng, lại thêm quân sĩ đều gắng sức, bởi thế Kính Điển đánh mấy trận đều bị thua.

[tờ 50a] Tử Nghi đưa tờ bố cáo cho các Trấn, kể tội phản nghịch của Nguyễn Kính, lại kể cả chiến công nơi sông[1]... và bến Lục. Tuyên ngôn là sẽ đánh thẳng vào Đông Kinh. Làm cho phương Đông Nam rung động! tờ bố cáo rằng:

"Thuận đức thì thịnh, đó là lẽ của trời; vì nghĩa động binh, để dương oai vô địch. Tội kẻ nghịch tặc không thể dong tha, người trong thiên hạ ai cũng được hỏi. Giết Hàn Trác để thờ tôn miếu họ Hạ.

Tướng binh nhờ kế Thần mỹ[2], diệt giặc Hồ để phục kinh đô nhà Đường, xuất Tướng nhờ sức Phần dương[3]. Hội đồng không sai, xưa nay cùng hợp.

Vua Thái Tổ mở nền, thực trời cao sinh đức, được danh, được vị và được lộc, lịch số ưng truyền; cùng văn cùng lối lại cùng hàng, xuân thu tổng quát. Kẻ nào không phục, [tờ 50b] liền đánh dẹp ngay; Giặc Như Bích dong ruỗi phương Nam, quan quân kéo đến, thế như sét đánh; giặc Văn Uyên xưng hùng phương Bắc, thần vũ dương oai, mạnh tựa sấm vang. Các châu Khâm Liêm, sợ hải không dám liên can; các nước Đồ Bàn, xưng thần mà tới cống hiến. Việc định công thành sự, được nước tựa ba đời trước; thánh truyền thần nối, hưởng ngôi tôn hơn hai mươi năm. Mưu mô không thiếu, quốc gia thái bình. Triều đình tôn thế chẳng can liên, bầy tôi sợ thẩy đều tuân mệnh.

Tên nghịch Kính kia, vốn là Tướng giặc. Nhờ vua Thái Tổ, lòng nhân trời che đất chở, coi như đứa con; được các vua sau, tỏ đức bể bọc xuân nuôi, [tờ 51a] ân thêm cố kết. Nào là cho đổi họ lại cho ruộng vườn; phong tước cho con trai lại phong con gái.

Đáng lẽ y phải ghi dạ khắc xương, tỏ tình khuyển mã; thế mà y lại tạo ra hung ác, như hổ vào nhà. Lật lọng trái nghĩa bầy tôi, ngấm ngầm rặt lòng phản nghịch. Hấn khích rõ ràng, khi vua quá đáng.

Đánh vào Kinh Quyết, ngầm manh dạ Lộc Sơn[4]; hộ giá tuyên ngôn, vờ theo thói Châu Tỵ[5]. Chúng khoe công lại hung hãn, đương báo oán trả thù riêng. Triều đình đáng tôn, mà y chuyên quyền như bỡn; lão thần đáng trọng, mà y lại dám khinh nhờn. Mũ giày đảo lộn, [tờ 51b] phép tắc đổi thay. Những việc y làm, không lòng sợ hãi. Giặc Khải Khang chưa ráo máu đầu, y tựa làm tay tả hữu; giặc Hữu mệnh mồm có hơi sửa, y dùng làm binh cha con. Hữu Trảo một tên thất phu, y đồng đảng cho giữ nơi xung yếu; Tử Nha như kẻ thất phụ, y viện binh để làm thế phô trương. Thậm chí hành quân vô kỷ luật, chỉ tàn bạo để dương oai; Coi người như cỏ rác, quân kéo qua dân chết hết trơn; bạo ngược hơn nước lửa, quân đến đâu nhà đốt hết sạch. Những việc đó y nỡ lòng làm, thì ai cũng có quyền đánh.

Hiện nay Thánh thượng lòng hưng, chính ngôi nam diện, [tờ 52a] mưu mô hùng đoán, quyết kế tây chinh.

Tôi, tự thẹn tài ngu, nhờ ơn vua mến. Vì nước bỏ nhà, tỏ chút lòng trung Tướng Hán; tập binh nhiều trí. thẹn với tài giỏi tôi Tề. Kế mưu đều theo thành toán, hiên ngang xin nhận tiền phong. Thủy bộ tiếp liên, bày ra trận đường chính; can qua thẳng chỉ, dương oai vũ huy hoàng. Ba quân như tự trời xuống thắng trận tựa cuốn chiếu đi. Thuyền binh tới bến Lục, quân giặc vỡ tan; binh sĩ tới sông... quân giặc hãi sợ. Chúng tuy nhiều quân và dũng mãnh, thẩy đều nghiêng giáo xin đầu hàng. Đã bắt Kình (giặc) dựng quán, [tờ 52b] dân trở lại vui tươi. Đó là, trời giúp thì nên, đúng với kỳ thịnh trị; binh hòa thì thắng, đã định kế vạn toàn. Sẽ thấy nhật nguyệt sáng choang, giáp binh rữa sạch, nước nhà thịnh vượng, cơ nghiệp vững bền".

Mạc Kính Điển hợp binh đánh Tữ Nghi, hẹn với Phụng quốc công Lê Bá Ly giúp sức. Bá Ly bèn sai con trai giữ việc trong Phủ, sai Phổ quận công Khắc Thận truyền hịch cho Quảng quận công Nguyễn Khải Khang, và Phú quận công Mạc hữu mệnh ở phương Tây; Khổng toàn hầu và Khang phụ hầu ở phương Bắc, hợp các đạo quân, cả thủy bộ đều tiến, đánh phá tàn quân của Chính Trung ở Ngự thiên.

Hữu Mệnh là con trai Nguyễn Kính. [tờ 53a] và là anh Ngọc Liễn.

Tử Nghi đem Văn Minh, Chánh Trung, và Ngụy Định vương Phúc Sơn chạy, chiếm cứ An Quảng.

Phúc Nguyên lại trở về Đông Kinh.

Lúc này, xứ Hải Dương bị nạn binh hỏa luôn luôn, rất nhiều người phải lưư vong.

Mùa xuân, năm Nguyên Hòa thứ 15 (1547) mở khoa thi cử nhân, lấy bọn Dương Phúc Tư cộng 30 người trúng tuyển.

Phúc Nguyên thưởng văn thần có công trong việc Cần vương, thăng cho Trần Phỉ lên tước Đông lai hầu.

Mùa hạ, tháp Báo Thiên không vì cớ gì tự nhiên đổ lở.

Mùa thu, tháng 7, Trần Phỉ xin về trí sĩ, Phúc Nguyên không ưng, bèn thăng cho chức Thiếu phó.

Sau khi Mạc Chánh Trung thất thế, bèn cùng Văn Minh và Phúc Sơn đem các gia quyến chừng hơn trăm người chạy sang Khâm châu, vào cửa quân lưỡng Quảng tố cáo; Kể hết tội trạng Nguyễn kính chuyên quyền và ruồng đuổi các vị cựu thần quốc thích. Đề đốc quân vụ Trương Nhạc, [tờ 53b] bèn tâu về triều Minh, xin cứu trợ cho bọn Chánh Trung, vua nhà Minh bèn ra lệnh quan phủ Thiều châu và Thiệu Khánh thu xếp cho bọn Chánh Trung an cư vào xứ Thanh Viễn, và hàng năm phát gạo cho, chiếu theo cấp bậc.

Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 16 (1548), vua Trang Tông dụ Hoàng đế thăng hà, vua Trung Tông lên nối ngôi ở xứ Thanh Hoa, đổi năm sau[6].

Sau khi Tử Nghi đã chạy, giữ xứ Yên Quảng, y lại vào đaị phận nước Tàu, khua dụ các dân Man ở ven biển nổi loạn cướp phá, làm tao nhiễu Khâm châu và tỉnh Quảng Đông, nhà Minh không chịu nổi, bèn truyền thư cho Phúc Nguyên rằng:

"Nhà ngươi vô lễ! Dung túng cho đảng nghịch cướp phá nơi biên thùy thượng quốc, ngươi phải đem quân dẹp ngay. Nếu không thì đại quân sẽ đến hỏi tội ngươi ".

Phúc Nguyên nhận thư trên, xiết đổi sợ hãi, bèn sai Kính Điển dẫn quân đến An Quảng đánh Tử Nghi. Kính Điển mật sai tên tiểu tốt dụ bắt được Tử Nghi, [tờ 54a] đem chém, rồi đưa thủ cấp tới tỉnh Quảng Đông.

Phúc Nguyên phong Trần Phỉ chức Binh bộ Thượng thư Đô ngự sử. Tháng 4, lại gia thêm cho Trần Phỉ Tri quán cục, tham dự triều chính. Sau thăng tước Lai quận công.

Phong Phạm Quỳnh tước Vinh quận công, phong con trai Quỳnh là Dao tước Phú xuyên hầu.

Phạm Quỳnh nguyên quán ở làng ở làng Đặng Xá, huyện Thanh Lâm, đến ngụ cư tại Thôn Bùi Tây xã Thịnh Liệt, nhà nghèo làm nghề bán trà. Khi Kính Điển lên 2 tuổi, thường đau ốm quặt quẹo luôn, muốn tìm người vú nuôi, Lê Bá Ly bèn sai vợ Phạm Quỳnh vào cung làm vú sữa nuôi Kính Điển. Đến đây, Kính Điển giữ chính quyền, nghĩ tới nghĩa bảo dưỡng của vợ Quỳnh, cho nên trọng dụng cả hai cha con Phạm Quỳnh: Sai Phạm Quỳnh giữ quyền tiết chế đông đạo; cho Phạm Dao trấn thủ xứ Sơn Nam, rồi thăng đến tước Văn quận công.

Mùa thu, Phúc Nguyên sai bầy tôi, bọn Lê Quang Bí [tờ 54b] sang nhà Minh dâng cống hiến thường niên.

Thời vua Trung Tông, niên hiệu Thuận Bình thứ nhất (1549), nhằm niên hiệu Gia Tĩnh thứ 28 triều Minh, Mạc Chính Trung đã chạy vào nước Tàu, bèn đến viện Đốc phủ nhà Minh, tố cáo tội trạng Nguyễn Kính chuyên quyền, bức hiếp đuổi bọn Chính Trung. Người nhà Minh ngờ Phúc Nguyên không phải là dòng dõi Đăng Dung, bèn truyền văn thư tra khám. Lúc này là thời kỳ Kính Điển vừa dẹp dư đảng của Tử Nghi xong, nên xứ Hải Dương và xứ Sơn Nam được tạm yên. Kính Điển bèn hộ vệ Phúc Nguyên đến cửa quan Trấn nam, bảo Phúc Nguyên giả tên Hoằng Dực làm tờ trạng cam kết không có giả dối, xin được tập phong chức Đô thống sứ. Lại sai kỳ mục bọn Lê Bá Ly đi theo cùng, và cùng làm tờ văn biện bạch rõ rệt, xin chiếu theo lệ trước, tâu đạt lên triều đình, cho Phúc Nguyên được tập phong. Quan quân môn Lưỡng Quảng [tờ 55a] bằng lòng nhận.

Mùa hạ, ngày 11, tháng 4, giờ tỵ, các Phủ: Nam Sách, Thượng hạ tầng, Lý Nhân, Khoái Châu và Trường An, đương lúc ban ngày, trời bỗng tối sầm, không gian liền nổi tiếng ầm ầm, rồi mưa đá đổ xuống sầm sập! Có hạt mưa to bằng hòn đạn, có hạt to bằng cái hột gà, cũng có hạt to bằng cái đấu hoặc hộc đá, làm hư hại lúa ngoài đồng; cây dâu trong vườn; phá hoại nhà ở; chết chim ngoài đồng; người và súc vật bị thương rất nhiều.

Thượng thư Văn dương bá Tạ Đình Quang dâng tờ sớ rằng: Kính xét sách "Xuân thu khảo dị" và sách "Văn hiến thông khảo ", điều nói rằng: "Mưa đá là cái tượng khí âm hiếp khí dương". Đó là ứng về sự bầy tôi có thế lực chuyên quyền, và cũng bởi những sự; Người hiền bị che kín; chỉ dùng người gian; nghe lời gièm, sưu cao thuế nặng; pháp lệnh đổi thay, cho nên mới có tai dị đó.

Nay bệ hạ tuy đã lớn tuổi, [tờ 55b] nhưng chưa đích thân điều khiển chánh sự, thì cái tai dị mưa đá kia, chưa có thể đổ cả vì lỗi của vua. Vị Hoàng thúc thân vương, không thể coi viêc này làm thường được, và các vị đại thần cùng bá quan văn võ, há không tự nhận lỗi m à tìm phương cứu chữa ru ? Kính mong bệ hạ, ngày ngày chăm học thánh để tiến công thánh; lúc nào cũng tôn mệnh trời và sợ oai trời.

Về phần Khiêm Vương, nên tận thành tự xét mình...[7]. Đừng lấy thiên hạ tạm định tạm yên làm đáng mừng; nên lấy công việc khó thành dể bại làm đáng sợ. Xử quyết công việc, thăng giáng các quan liêu, đừng sợ mếch lòng người mà không quyết đoán; chọn lọc cấm binh, nén hãm kẻ quyền quý, đừng cho là việc khó mà chỉ thờ ơ. [tờ 56a] Những kẻ gièm pha có hại đến người hiền tài, và những kẻ siểm nịnh, chỉ chực cầu ơn, đều nên ruồng bỏ hết thẩy, để cho tà không can chính, âm khỏi xâm dương. Sẽ có thể chuyển tai họa thành điềm lành ".

Phúc Nguyên nhận tờ sớ này, nhưng không theo nổi.

Mùa thu, Phúc Nguyên phong tước Quốc công cho viên Tướng Đông đạo mỗ; đổi phong tước Khiên quốc công của Mạc Đình Khoa ra tước Gia Quốc Công; bổ chức Thái úy cho hai Tướng Tây đạo Tây quốc công Nguyễn Kính và Đoan quốc côngNguyễn Khải Khang, đều cho đổi sang họ Mạc; thăng tước Nam đạo Phụng quốc công Lê Bá Ly lên chức Thái tể; ra lệnh duyệt tuyển quân 4 Vệ nội ngoại.

Bá Ly là một vị lão tướng trọng thần, chuyên giữ binh quyền, tham dự triều chính ai cũng tôn phục. Sau khi đánh phá Phạm Tử Nghi, uy danh càng thêm lừng lẫy! [tờ 56b] Con trai là Phổ quận công Khắc Thận, lấy trưởng công chúa Cẩm Hương, lại giữ quyền Tiết chế Lộ Sơn Nam, và giữ việc trong phủ; con rể là Văn phái hầu Nguyễn Quyện giữ vệ Cẩm y; con trai thứ là Thuần Lương Hầu cũng quản đốc đội cấm binh; nhân gia là, Thư quận công thiến, chức Thượng thư Bộ lại, Đổng giang hầu Bùi Trụ chức Tán lý quân vụ. Thân đảng kết liên, khí thế rực rỡ, bao nhiêu hùng binh các Trấn, đều nắm trong tay, bao nhiêu bầy tôi văn võ, đều ra bởi cửa. Phạm Quỳnh, và Phạm Dao, nguyên trước xuất thân trong hàng đầy tớ nhà Bá Ly, bây giờ chúng được hiển đạt, lại đem lòng oán ghen, muốn tính sự hãm hại Bá Ly.

Mùa xuân, niên hiệu Thuận Bình thứ 2 (1550), Phúc Nguyên mở khoa thi Cử nhân, [tờ 57a] lấy bọn Trần Văn Bảo cộng 25 người trúng tuyển.

Tháng 10, Trần Phỉ xin trí sĩ, Phúc Nguyên phong cho hàm Thiếu sư, cho về làng.

Năm Tân Hợi, niên hiệu Thuận Bình thứ 3 (1551), lúa này con trai Thái tể Bá Ly là Khắc Thận trấn thủ xứ Sơn Nam, đóng Đồn ở Văn Sàng, Thận đương tuổi thanh niên, chỉ ham chơi bời ca hát, ít khi làm việc, lại cất nhà cửa lộng lẫy, sắm kiệu son, lộng vàng. Phạm Quỳnh và Phạm Dao bèn gièm với Kính Điển, bảo Khắc Thận có dị mưu (phản nghịch). Kính Điển ngạc nhiên mà rằng: "Quốc gia trông cậy vào Tướng phụ (Bá Ly) như quả núi cao, các ông không nên nói những lời như vậy ".

Phạm Quỳnh, Phạm Dao lại đem ý trên gièm pha với Phúc Nguyên.

Ngày 12, tháng 2, Phạm Quỳnh, Phạm Dao tự ý sai quân vây Bá Ly ở trại Giang mai vào lúc nửa đêm, lại ngờ là nhân gia Đô ngự sử Nguyễn Thiến đồng mưu, bèn sai quân bắt úp. Nhưng lúc ấy Thiến đương đi dự họp, Bá Ly thì ở trong trại quân, cho nên đều không bắt được. [tờ 57b] Đến lúc gà gáy sáng, người đầy tớ nhà Bá Lý ra ngoài, thấy có quân vây, vội trở vào báo, Bá Ly bèn thu thập người nhà và các quân sĩ, đóng cửa cố thủ, để chờ con em đến cứu viện. Một lát, Vạn an hầu, Văn phái hầu, và Tả vệ hầu, mỗi người mang 3.000 cấm binh tới hộ vệ, giao chiến ác liệt với quân Quỳnh , Dao. Quỳnh, Dao thua chạy, Vạn an hầu bèn đem quân đón Bá Ly về đóng tại Thịnh Liệt, rồi Khắc Thận cũng tự đồng Văn Sàng tới hội.

Bá Ly cùng các tộc thuộc bèn dẫn quân chiếm giữ cửa quan Châu tước, Kinh thành cựa kỳ náo loạn! Phúc Nguyên thấy thế bức bách, hoảng sợ, bỏ thành chạy qua sông, di cư đến Bồ Đề, rồi sai sứ thần dụ Bá Ly bãi binh, Bá Ly không nghe, bảo phải bắt cha con Quỳnh, Dao, giải đến đây sẽ bãi binh.

[tờ 58a] Phúc Nguyên bèn sai Tướng Sơn Tây: Vạn đôn hầu, Anh duệ hầu, Phù long hầu, và Văn giáp hầu, hợp binh tiến đánh Bá Ly. Bá Ly chia quân chống cự, cố thủ, rồi sai tướng dưới trướng Văn tế bá đem thư cầu Thụy quốc công Nguyễn Khải Khang cứu viện. Thụy quốc công nhận lời, liền sai gia thần Đông Khang Hầu dẫn quân giúp Bá Ly, Bá Ly bèn đánh Phúc Nguyên, quân Phúc Nguyên thua chạy, Bá Ly bèn tiến quân đến Cấu Hà, rồi lạy vọng sang và tuyên ngôn rằng: "Cha con hạ thần thực không dám mưu tính sự gì, chẳng qua chỉ vì kẻ gian thần bức bách, ghép hạ thần là phản nghịch, chúng định hãm hại, cho nên hạ thần phải dùng binh tự vệ. Xin bệ hạ bắt cha con Quỳnh, Dao, giải đến để úy dụ ba quân, hạ thần xin bãi binh ngay ".

Phúc Nguyên không nghe lời yêu cầu của Bá Ly, liền dẫn quân đi về Phương Đông, Bá Ly nổi giận, mắng nhiếc Phúc Nguyên, [tờ 58b] rồi trở về kinh thành. Bảo các Tướng rằng: "Ta chút tài mọn, nguyên thờ Quang thiệu Hoàng đế, nhân bất đắc dĩ bèn làm bầy tôi họ Mạc, chính tay dựng 4 đời vua, hao phí biết bao tâm lực. Nay gặp hôn quân, không biết minh đoán, chỉ nghe lời kẻ gièm pha, khiến cho bao nhiêu nghĩa biển tình non, đều thành băng tang ngói trút! sự thế đã như vậy, thôi lại còn nói gì.

Ta nghe vua Lê, chính vị ở xứ Thanh Hoa, có Thái sư họ Trịnh là một vị anh hùng tài lược, chuyên y tá phò, ra quân có danh, 4 phương quy phụ. Đó thực là vị chúa trung hưng vậy.

Nay ta muốn dẫn quân quy thuận, tiễu trừ giặc nghịch tán trợ triều Lê, dựng nên nghiệp lớn, để rửa tội lội trước, mà cũng không mất sự giàu sang. Các ông nghĩ thế nào ? " Tất cả các Tướng đồng thanh thưa: "Kính theo tôn mệnh! ".

Bá Ly được các Tướng đồng ý, rất là mừng rỡ. [tờ 59a] Lúc ấy đang thời kỳ hiếm gạo, bèn mở kho thóc phát chẩn cho dân nghèo, rồi sai nội thần Văn ấp hầu cùng với Tán Lý Đông giang hầu Bùi Trụ, đem văn thư đến hành điện Ngạc Khê xin hàng, kèm theo bức họa địa hình tiến dâng. Vua Lê nhận rồi ban tờ sắc khen ngợi Bá Ly.

Tháng 2, Bá Ly xuất 14.000 quân các đạo Tây Nam cùng với Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện và con trai là Khắc Đôn, Khắc Thận tới bái kiến nơi cửa quyết, rồi đón vua Lê tới đóng tại sách Vạn Lại.

Hoàng đế xiết đổi mừng rỡ! Úy lạo và nhận cho hàng, thăng Bá Ly chức Thái tể tước Diễn quốc công.

Lúc này, Bá Ly đã 70 tuổi, một vị kỳ lão trọng thần, bày tôi trong triều, ai cũng tôn kính. Khi vào yết kiến Thái sư Lương quốc công Trịnh Kiểm, Bá Ly giữ hết lễ, rất cung kính, [tờ 59b] Thái sư tiếp đãi cũng rất là kính cẩn tận lễ.

Sau khi Bá Ly quy thuận, thì bao nhiêu mưu thần mãnh tướng đều ùa theo, kéo cả vào Phương Tây, cháu rể Bá Ly là Khổng Lý và Đặng Huấn, người xã Lương Xá huyện Chương Đức, cũng theo vào bái yết Thái sư ở cửa quân, Thái sư đều hậu đãi; tướng Tây đạo Đại úy Đoan quốc công Nguyễn Khải Khang, khi trước sai tướng đem quân giúp Bá Ly, đến đây cũng xuất 3.000 quân dưới trướng quy thuận, tới yết Hoàng đế ở hành điện Vạn Lại. Hoàng đế úy lạo ban thưởng, cho nhưng theo chức tước cũ.

Khi Khải Khang tới bái yết Thái sư, Thái sư kính nể tước vị cao, nên tiếp đãi rất nồng hậu.

Con trai người cậu Khải Khang là Nguyễn Hữu Liêu, quán làng Tây đam phủ Từ Liêm, là một người tài dũng siêu quần, Hoàng đế triệu kiến, và đem cho binh lệ vào doanh chánh, theo Thái sư đánh giặc.

[tờ 60a] Tự đây, thanh thế quân nhà vua rất là lừng lẫy! Phúc Nguyên thấy vậy, lấy làm lo sợ, bao nhiêu binh quyền ủy cả cho Kính Điển, để tính kế bảo thủ Trường An cho tới các xứ miền Đông.

Tháng 4, Hoàng đế cho là Phúc Nguyên hiện bị bầy tôi lìa bỏ, ngoài phản bạn trong tan rã, bèn bàn nên thừa lúc địch suy, xuất quân tiến đánh liền ban tờ chiếu đốc các tướng đánh Phúc Nguyên: Sai Phụng quốc công Lê Bá Ly xuất đường Sơn Nam; Đoan quốc công Nguyễn Khải Khang xuất đường Sơn Tây; Gia quốc công Vũ Văn Mật tại Tuyên Quang xuống, hội đồng tại Đông Kinh. Bá Ly làm tờ quốc thư (bằng quốc âm) để chiêu dụ các tướng nhà Mạc rằng: "Các chức văn võ ở Sơn Nam, Sơn Tây, kính đạt tới dưới cờ các Tướng quân Kinh Bắc: Từng mảng rằng: Rất trị có loạn, xét cổ kim biết thửa phế hưng; trở nguy làm yên, hay thời thế [tờ 60b] bởi chưng tuấn kiệt. Lý Thông chẳng mất, gương để khá soi. Vua nhà ta, tự Đinh Lê Lý Trần dựng có phong cương, cùng Hán Đường Tống Nguyên đều làm quân trưởng. Đến nhìn Nhuận Hồ mạt vận, 13 thu ngược chánh phiền hà; cho nên ngoại quốc cất binh, hơn 2 kỷ châu thành chiếm cứ. Nước Sa phải mỗi khi truân bĩ, trời đốc sinh có chúa thánh minh. Vua Thái Tổ dấy nghì dẹp loạn, dân được thoát cơn đồ thán; vua Liệt Tổ lấy nhân ra đức, người đều nhuận ở cơ phu. Số truyền ước quá lịch Chu, gặp biến phúc nhân ách Hán. Thác thiện nhường mà lấy thiên hạ, sự chẳng bình tai mặt khôn che; còn duy trì bởi đức tiên vương, dân đoái cảm tơ hào nỡ phụ. [tờ 61a] Xem nhân tâm khá hay thiên ý, suy thiên ý thực ở nhân tâm.

Chúng ta nay, chịu vóc trượng phu, tắm ơn Đại Việt. Có kẻ tự tài tướng súy, lảu lộc thao cầm; có người dựng nghiệp thi thư, ra đường khoa mục. Văn vũ tài dùng há mượn, kinh quyền đạo phải chẳng nề. Hoặc đẹp duyên gặp phải Lê Triều, có quan có lộc; hoặc đội nghĩa phò nhà Mạc thị, chịu tước chịu ơn. Hướng minh tuy nhẫn chẳng cùng, xử biến cho hay có khác. Như thuở trước, thầy tớ Tử Nghi làm dữ, ta đã cùng lòng cùng sức dẹp yên; đến khi giờ, cha con Phạm Quỳnh mọc gian, nó lại đổi sách đổi lèo gây loạn. Làm uy phúc muốn [tờ 61b] về ở nghĩ, kết tội danh hòa hãm ép người. Sai ác đảng luôn thổi phù ngôn, vu chưởng phả mong lòng tự lập. Đô dài làm quan nhĩ mục, ở doanh thành mà đón bắt làm sao; Thái tể bàn việc miếu đường, về kẻ chợ nỡ khua vây mà dám. Phiêu vị sự làm nhẫn bế, đày triều ai có tỏng đâu. Chúa Cảnh Lịch luống giữ giống hư, chước nào khả chế; vua Khiêm Vương dể nghe lời siểm, trách ấy khôn từ. Phép quốc gia chưa sáng hình chương, loài gian ác càng dông bạo ngược. Kinh ấp hai phường phố xá, đốt hết lâng lâng; quan cư mọi chốn nha môn, cướp không thảy thảy. Hàm đồ tịch đày vơi hoại hết, của kho hàng [tờ 62a] nhiều ít chở đi. Nữ phù không dãy quế buồng tiêu, nào kinh danh phận; tư dời hiếp xe rồng liễn phượng, bỏ lẽ thành trì. Thống tốt đồ dấy việc can qua, để sinh linh tới nàn thủy hỏa. Những thói chuột quen nương xã, xã đã mất khôn nương; nào cốc nước đày lấp thuyền, thuyền chẳng ngự dễ lấp. Ếch dưới giếng ngo ngoe xưng lớn, yến trên lương lọc lạch còn ăn...[8] nó lấy làm chơi, biến cả ai hầu chịu thác. Âu cây nát ắt là bỏ rễ, thương vay tệ Mạc mau đời; đến vận lành thực hệ ở trời, mừng lấy chúa Lê lại dấy. Vua Thuận Bình thực dòng Đế Trụ, dưỡng đức Lam Sơn. Nối dấu Thiếu Khang, bởi Luân ấp Ngu ấp [tờ 62b] đặng đồ tái tạo; ắt nghe thần mỹ, có Lương quốc Gia quốc phò vận trung hưng. Được thời được chúa được tôi, có đất có người có của. Cõi Hoan châu cõi Ô Lý, trông đức giáo thuyền bể vượt thông; trấn Thuận Hóa, trấn Tuyên Quang, mang ngọc bạch qua non sum hợp. Binh ứng viện đã dẹp tan Ninh Sóc, thư qui phụ này ngày thấy Lạng Sơn, Quận Huyện đòi chốn khua trừ, thủy bộ hẹn ngày thẳng tới. Ngựa làm cơ, voi làm trận, sáu quân đua khí mãnh hơn hơn; bầu đem nước, giỏ đem cơm, muôn họ dốc lòng về thố thố. Quan nghi cũ người đều mừng thấy, anh hùng nhiều ai chẳng phục đòi. Đây đã biết sở hướng minh, đấy khá toan bề qui thuận. [tờ 63a] Chớ cậy trường giang, có phân nam bắc, mà lấy làm ràng; dù mất đông ngu, còn thu tang du, nào rằng đã muộn. Gặp cơ hội đã đành chẳng lỡ, luận công danh chỉn thực phải thâu. Nhược lo nghĩa cả tòng quân, bao chẳng tòng quân, noi thuở Quang Thiệu, thuở Thống Nguyên cho phải nghĩa; tu ắt học xưa trạch chúa, bao chẳng trạch chúa, bằng ngươi Lý Thông ngươi Mã Viện mới nên hiền. Khuyên chớ hồ nghi, kíp nên quyết đoán. Kìa Trương Lương làm tôi Cao Tổ, bút lại thần tay chép còn khen; nọ Phạm Chất lại thờ Nghệ Tổ, nhân Cơ tử ai rằng có kém. Nhìn thư diển chẳng toan noi trước, dù việc nào ai trách chưng sao. Oai sấm dậy bởi trời, binh khỏe nỡ hùng bi ai địch; ngọn lửa lan [tờ 63b] khắp núi, thế cháy âu ngọc thạch đâu phân. Nhớ nghĩa xưa cũng muốn về lành, ngỏ lòng thực xá tin nhắn bảo"[9].

Tháng 5, Thái sư xuất quân tự Hưng Hóa qua đò sông Thao đến An Lạc, cùng với Vân Mật tiến đóng tại núi...[10], rồi đánh phá quân Kính Điển, bèn thẳng tới Xuân canh Lâm hạ, thắng luôn mấy trận nữa. Bá Ly, Khải Khang[11] và Văn Mật chia làm ba đường tiến đánh, cũng đều phá được các Tướng họ Mạc khác. Thế quân rất mạnh, Phúc Nguyên sợ hãi, đang đêm bỏ Kinh chạy tới Kim Thành, gọi nơi trụ sở là Biện Đăng Long, chỉ Lưu Kính Điển ở lại làm Tướng Đô đốc, chống giữ bờ Bắc sông Bồ Đề. Quân vua Lê bèn khôi phục Đông Kinh, sĩ dân hào kiệt nối tiếp qui phụ. Thái sư cùng các Tướng hội cả ở Kinh Sư, [tờ 64a] mở đại yến khao thưởng Tướng Tá, tùy theo cấp bậc.

Lúc này vương sư thắng trận luôn luôn, một dãy núi phía Tây Nam, và các Phủ: Thường ứng, Lý quốc và Quảng Oai, đều đã thuộc về bên ta. Về bên giặc Mạc chỉ có 2 đạo Đông Bắc, chúng bắt dân các làng lệ thuộc vào các doanh trai, tự sông Bồ Đề trở lên phía Bắc, chúng đắp lũy đất, đặt thuyền chiến, quân thủy quân bộ đóng xen kẻ nhau, phòng thủ rất nghiêm nhặt! Bọn Bá Ly và Nguyễn Khải Khang tính rằng: Hiện Phúc Nguyên đã chạy lên Kim Thành, thì khí thế đã xuống lắm, dù có lưu quân phòng thủ, cũng không đáng làm lo ngại cho ta. Nến bây giờ đón Hoàng thượng tiến ngự tại Kinh thành, thì nhân tâm rất hưởng ứng, hào kiệt sẽ đều qui phụ, nhân giữ trung châu mà hiệu lệnh bốn phương, để quét hết bọn giặc tàn, [tờ 64b] thì công khôi phục, sẽ có thể tính từng ngày. Bèn sai người tâu báo thắng trận, và dâng tờ biểu đón Hoàng đế ra ngự Đông Kinh.

Thái sư thì tính rằng: Hiện đảng giặc hãy còn khá nhiều, chúng có thể kêu viện binh các nơi đến đông đảo. nếu quân ta vào sâu nơi trọng địa, ngộ chúng đón đánh chặn ngang, thì dù có lấy được Đông Kinh, cũng khó lòng giữ nổi. Vả chăng lúc này nhân tâm cũng chưa hết thẩy hướng về mình. Chi bằng hãy giữ vững nơi căn bản đã, chưa nên khinh động. Bởi thế Thái sư không ký tên vào tờ biểu trên.

Khi Hoàng thượng xem tờ biểu của các Tướng, không thấy tên ký của Thái sư, ngài biết ngay Thái sư tất có ý kiến khác, bèn hạ tờ chiếu cho các Tướng kéo quân về.

Trước khi ta lui binh, Phúc Nguyên đã sai tướng Khánh quốc công, dẫn thủy quân tự Đông Nam ngược dòng tiến lên, đóng sẵn tại núi Công, định đánh ngang vào hậu quân ta. Nhưng Thái sư hồi binh tiến đánh, phá tan rồi cùng bọn Bá Ly trở về Thanh Hoa, Văn Mật công thì trở về Tuyên Quang.

[tờ 65a] Sau khi ta đã lui binh, Phúc Nguyên lại chiếm thành Đông Kinh, nhưng còn ở Bồ Lộc. Kính Điển sai bộ binh đóng đồn tại Yên Mô, thủy binh đóng đồn ở Thần Phù. Các xứ Sơn Nam Sơn Tây lại thuộc về họ Mạc.

Mùa xuân, năm Thuận Bình thứ 5 (1553), Thái sư lập hành tại ở An Trường.

Phúc Nguyên mở khoa thu Cử nhân, lấy bọn Nguyễn Lượng Thái cộng 20 người trúng tuyển.

Tháng 6 năm này, bày tôi Phúc Nguyên: Trấn thảo doanh Tổng đốc Hưng quận công Nguyễn Quý Liêm, và Hùng tiệp doanh Hiệu Lý Nguyễn Ngạn Hoằng dâng tờ sớ rằng:

"Quốc gia phải có kỷ cương, kỷ cương có nghiêm thì thiên hạ mới định. Thời xưa, vua nhà Chu chấn chỉnh kỷ cương mà nên danh trung hưng, vua nhà Đường chấn cử kỷ cương mà nên nghiệp trung thiên. Đó là do trên vua giữ kỷ luật, cho nên bầy tôi không dám chuyên quyền vậy.

[tờ 65b] "Gần đây , gặp lúc quốc gia có biến, Tướng ngạo binh kêu, không tuân hiệu lệnh, triều đình hờ hững, chẳng chịu hỏi tra. Nay kỷ cương đã phấn chấn, như việc binh việc ngục tụng, là việc lớn đều có thống giữ, nếu người không phải phận sự, thì không được thiện tiện. Thế mà hạ thần thấy: Các Phủ Huyện lấy lính, tuy đã chiếu đủ số, mà mỗi khi sai làm việc gì, thì người nọ lừa cho người kia, cố ý lánh việc, Tướng quân không cấm nổi, để cho cái tệ quấy nhiễu càng ngày càng nhiều. Đến như việc ngục tụng, là trách nhiệm của quan Hữu Ty, thế mà các Nha Phủ, các quan trong doanh trại, và các quan Đô Ty vệ sở, đều lập sở hỏi kiện trong nhà, có người kiện về việc hộ, việc giá thú, điền sản và các việc khác, [tờ 66a] các nơi trên đều tự tiện nhận đơn, rồi bắt tới tra khảo, hạch sách tiền của, tự ý phân xử, mà các quan Hữu Ty cũng không can thiệp. Thậm chí có viên đích thân đem thuyền đi bắt con gái lương dân! Những tệ đoan như vậy, mà bỏ qua không hỏi tới, thì còn lấy gì để đè nén người quyền quý, chấn chỉnh kỷ cương triều đình.

Hạ thần Quý Liêm, lạm giữ việc binh, tuy không phải chức ngôn quan. Nhưng nếu biết mà không nói, sợ thiếu nghĩa kẻ bầy tôi.

Vậy xin giao triều thần họp bàn, rồi thông sức cho các quan Phủ Doanh và Đô Tư, không được nhiễu dân như trước, để cho trên dưới được yên, kỷ cương lại chỉnh".

Phúc Nguyên cho sớ này là phải.

Bọn Thái bảo Hồng quốc công Nguyễn Phú Xuân, và Chung mỹ hầu Đoàn duy hưu xin sao tờ sớ của Quý Liêm trên, gửi cho các Doanh, truyền lệnh: Nếu kẻ nào vẫn dám [tờ 66b] làm bậy như trước thì; cho các viên Tán lý, Ký lục và bản đạo Thừa hiến doanh ấy, được xét tâu để trị tội. Lại truyền lệnh cho toàn dân thiên hạ; Như có ai đến Doanh môn, nộp đơn kiện, mà nhân viên không phải là người có trách nhiệm về ngục tụng của nha môn, lại thiện tiện đòi hỏi tra xét thì, nên xét tâu để trị tội.

Niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (1554) Phúc Nguyên đổi niên hiệu Cảnh Lịch thứ 7 làm niên hiệu Quang Bảo thứ nhất.

Thái sư Trịnh Kiểm lập hành danh tại Biện thượng. Lúc này khí thế quân sĩ đang lên, bèn sai các Tướng kinh lược Hóa châu, Đàm Bá và Hoàng Bôi, chiếm cứ đầu nguồn nước, chống cự cố thủ. Quan quân bình định các Huyện, các thổ hào và các quan tự Đông Kinh bổ nhiệm, tới đâu đều hàng phục, cả Hương dương bá Nguyễn Đức Trung cũng qui thuận, liền thêm binh đánh gấp, phá tan quân chống cự, [tờ 67a] giết chết Phạm Bôi, bình định cả hai xứ Thuận, Quảng. Tham Tướng Phạm Khắc Khoan lại xuất quân chống cự quân ta, nhưng cũng bị thua và chết trận. Sau khi bình định hai xứ này, Thái sư thu nhập các hào mục và sinh viên trong xứ, bổ nhiệm vào các công chức. Phương này được yên.

Hoàng đế bắt đầu mở khoa thi, cho Đinh Bạt Tụy trúng tuyển hạng "xuất thân". Tự đấy nhân tài các phương, không ngại đường xa ngàn dặm, đều đua nhau vào Thanh Hoa ứng thi, mong để hiệu dụng Hoàng đế bèn tùy tài từng người, bổ nhiệm các chức. Quốc gia càng trở nên thịnh vượng.

Tháng 6, Thiếu sư trí sĩ Trần Phỉ chết, thọ 76 tuổi. Vì lúc này quốc gia đang nhiều biến cố, cho nên Phúc Nguyên không sắm lễ nghi đầy đủ, chỉ cấp tiền phúng điếu 20 quan, và 57 mẫu ruộng "thế nghiệp".

Niên hiệu Thuận Bình thứ 7 (1555), Lúc này Phúc Nguyên đã dàn đủ Tướng sĩ [tờ 67b] chống cự quân ta, phòng thủ các nơi yếu hại, trong nước tạm yên, bèn khiến thúc phụ Kính Điển đem quân vào đánh cướp Thanh Hoa, sai Thọ quận công tiết chế quân Nam Đạo dẫn 300 chiến thuyền làm quân tiền phong, thẳng tới cửa biển Thần Phú. Ngày hôm sau, Kính Điển hội quân ở sông Đại Nại, sai Thọ quân công tiến quân đóng tại Kim Sơn.

Bên ta, Thái sư đã đặt phục binh trước ở núi Bạch Thạch phía Bắc sông, lại tuyển binh tượng hùng mạnh mai phục dưới Kim Sơn; sai Trung quan Thái úy Đinh Công, Thượng tể Lê Bá Ly, và Thái úy Nguyễn Khải Khang, phục binh ở phía Nam sông; còn tự núi An Định cho tới núi Quân An, thì sai Phạm Đốc và Nguyễn Quyện, dẫn thủy quân chiếm cứ thượng lưu sông Hữu Chấp đến sông Kim Bôi, để làm thế "ỷ giác" [tờ 68a] Khi binh thuyền họ Mạc đi qua Kim Sơn, đến chợ Ông Tập, tự thị hùng mạnh, không đề phòng, trong quân nổi tiếng đàn sáo ca hát, như vào chỗ không có người.

Đinh Công và Bá Ly đem quân và voi ngựa tự hạ lưu qua sông, đánh chặn ngang vào hậu quân bên địch; quân ở thượng lưu thì đánh vào mặt tiền; rồi 4 mặt quân dồn đánh ập cả vào, phá tan quân Mạc, Thọ quận công phải nhảy xuống sông, bị quân ta bắt được, còn Vạn đồn hầu và hơn mười Tướng Tá khác, đều bị chết đuối. Kính Điển thu thập tàn binh chạy về Kinh Sư.

Mùa xuân, niên hiệu Thuận Bình thứ 8 (1556) Phúc Nguyên mở khoa thi Cử nhân, lấy bọn Phạm Trấn cộng 14 người trúng tuyển.

Năm này, vua Trung Tông Hoàng đế thăng hà, Thái sư đón cháu huyền tôn của Giám quốc công là Thự nhàn sự Mai Sơn Hầu Duy Bang, ở làng Bố vệ xứ Đông Sơn vào lên ngôi vua. Đó là vua Anh Tông.

[tờ 68b] Năm Đinh Tỵ, niên hiệu Thiên Hựu thứ nhất (1557), nhằm niên hiệu Quang Bảo thứ 4 triều Phúc Nguyên, mùa xuân, Phúc Nguyên dùng Kính Điển kiêm chức Tông nhân lệnh.

Lê Bá Ly sau khi đem con em họ hàng về Thanh Hoa qui thuận, lần thăng tới chức "Khai phủ bình chương quân quốc trọng sự, chưởng triều đường chánh", đến ngày 1, tháng 4 năm này chết, hưởng thọ 82 tuổi, triều đình ban tờ chiếu tặng tước Nghĩa huân công, và ban tên thụy là Trung Hựu.

Mùa thu, tháng 7, Phúc Nguyên sai Kính Điển vào đánh cướp Thanh Hoa; Phạm Quỳnh và Phạm Dao đánh cướp Nghệ An. Kính Điển đến địa phương Tống Sơn, Nga Sơn nơi sông Thần Phù, đốt phá hết cầu nổi của ta. Thái sư sai thuộc tướng Thanh quận công đóng đồn quân tại Nga Sơn; Thụy quân công Hà Thọ Tường đóng đồn quân tại Tống Sơn để chống cự, nên quân giặc không dám tiến. Thái sư đích thân đốc xuất binh tượng, [tờ 69a] đi ngầm theo chân núi Yên Mô thẳng tới cửa biển, phóng quân đánh vào sau lưng quân địch, lại sai thuộc tướng Vũ lăng hầu Phạm Đức Kỳ người ở Hoằng Hóa, vượt thuyền xung kích trước, Đức Kỳ gặp thuyền Kính Điển, liền nhảy vọt sang, tuốt gươm chém tên vác dù đứt làm hai đoạn, rơi xuống sông! Kính Điển không kịp trở tay, liền nhảy xuống sông trốn. Quân đều tan rã chạy vào rừng núi, quan quân ta bắt được rất nhiều thuyền và khí giới.

Sau khi Kính Điển nhảy xuống sông, trốn vào ẩn núp tại hang núi Dân sơn xã Trị nội, trong 3 tháng rất đói khát. Một đêm, nhân thấy cây chuối trôi qua cửa lạch, bèn ôm vào cây chuối tìm lối bơi về, mấy tháng mới tới bến Trinh nữ hạt Yên Mô, gặp người đánh cá ở xã Tràn Tu, dùng thuyền chở cho được thoát nạn. [tờ 69b] Khi Kính Điển về tới Kinh, bảo cử người đánh cá lên tước Phù nghĩa hầu.

Sau khi Thái sư đã đánh phá quân Kính Điển, liền dùng ngay chiến thuyền của Kính Điển chở tinh binh, cắm cờ hiệu của bên địch trên thuyền, rồi sai Phạm Đốc dẫn chiến thuyền tới cửa biển Đan Giai. Phạm Quỳnh và Phạm Dao đang đóng đồn ở Tả Ao hạt Nghi Xuân, trông thấy chiến thuyền, tưởng là quân tiếp ứng của mình, nên không đề phòng, Phạm Đốc thẳng tới đánh úp, phá tan quân địch! Bọn Phạm Quỳnh bỏ thuyền chạy về.

Tháng 8, Thượng thư bộ Lại Thư quận công Nguyễn Thiến chết ở Thanh Hoa, con trai là Quyện và Miễn đều trốn đi, trở về hàng Phúc Nguyên, Phúc Nguyên úy lạo, phục tước Văn phái hầu cũ cho Nguyễn Quyện; tước Phù hưng hầu cho Nguyễn Miễn và gả con gái tôn thất cho. Sai hai anh em xuất binh chống cự quân vua ta.

Tháng 9, Thái sư đem 50.000 thủy lục quân đánh họ Mạc, [tờ 70a] ra trung lộ xứ Sơn Tây, đến sông Phượng Sí, tạo cầu nổi để quân qua sông, rồi tiến đánh phá tan quân giặc, bắt được Tướng là Khánh Quốc Công, quân giặc tan vỡ, ta thu được khá nhiều chiến thuyền.

Sau khi Khánh Quốc Công bị bắt, Thái sư cho ngồi lên lưng voi để theo quân hiến kế. Nhưng y lại mưu phản, bị tiết lộ, bèn đem giết chết.

Quan quân lược định hạ lộ xứ Sơn Nam, đến hạt Cao Thủy, thì họ Mạc sai Nguyễn Quyện xuất quân chống cự ở sông Hổ Trì.

Nguyễn Quyện nguyên là hàng tướng, ở Thanh Hoa đã lâu, nên biết rõ tình hình binh tướng, và sự thực hư về sức mạnh yếu của ta, vả chăng y lại mới hàng họ Mạc, muốn lập công để chuộc tội, cho nên đánh rất hăng. Thái sư nghe biết tên Quyện ở trong trận này, thì giận lắm! Liền đích thân cầm quân, sai bọn Phạm Đốc quản đốc thủy binh; sai Vũ Lăng Hầu [tờ 70b] tiến đánh Nguyễn Quyện. Đang khi Nguyễn Quyện và Đức Kỳ ác chiến kịch liệt, Đức Kỳ vươn mình nhảy sang thuyền Nguyễn Quyện[12], chém người vác dù hầu, rồi quát lớn rằng:

"Có Vũ lăng hầu ta đây! Chúng mày đâu có địch nổi ta ".

Quân giặc nghe đều tan vỡ, bỏ thuyền chạy cả lên bờ.

Thái sư vội ra lệnh thu quân trở về, sai Hoàng Đình Ái cầm đạo quân "điến hậu". Nhưng bị quân giặc đánh chặn lối đường về, quan quân phải hết sức chiến đấu, mới qua được, bị chết mất hơn chục Tướng Tá, bao nhiêu thuyền mảng khí giới phải bỏ hết! Tự đây, các huyện xứ Sơn Nam lại thuộc về họ Mạc. Phúc Nguyên bèn phong tước Thạch quận công cho Nguyễn Quyện.

Năm Mậu Ngọ niên hiệu Chánh trị thứ nhất (1558), Thái sư dẫn quân ra trung lộ xứ Sơn Nam, đánh bất thình lình khi quân địch không để ý, bắt được Tướng bên địch Anh nhuệ hầu, giết chết.

Tháng 9, Thái sư lại xuất quân đánh thượng lộ xứ Sơn Nam [tờ 71a] lược định vài Huyện, rồi về, Lưu Thái úy Nguyễn Khải Khang trấn thủ các Huyện, để chiêu tập dân địa phương.

Ngụy Đà quận công Mạc Ngọc Liễn là con trai Nguyễn Kính, và là cháu gọi Khải Khang bằng cậu, sai thổ dân Mỹ Lương trá hàng Khải Khang, rồi lừa bắt Khải Khang giải về triều Mạc, Phúc Nguyên bèn xử tử Khải Khang bằng cực hình: dùng xe kéo xé xác. Triều đình ta nghe được tin này, Thái sư thương Khải Khang là người có nhiều công lao, bèn tâu xin truy tặng cho tước Hiến trung công, và bổ dùng cháu nội họ ông là bọn Hữu Liêu.

Tháng 10, Thái sư triều Hoàng đế ở nơi hành tại, bàn về kế sách đánh giặc Mạc, phát biểu ý kiến rằng: "Xứ Thuận Hóa là một kho tinh binh trong thiên hạ, thời xưa, quốc triều ta bắt đầu gây dựng cơ nghiệp, cũng đã dùng dân xứ ấy để dẹp giặc Ngô. Xứ ấy, địa hình hiểm trở, dân khí cương cường, lại có rất nhiều nguồn lợi trên rừng núi và dưới bể sông. Về phương diện trọng yếu [tờ 71b] không có xứ nào có thể hơn. Gần đây, quan quân kinh lược hàng mấy chục năm mới lấy được. Vậy nên hết sức bảo thủ, để làm như một bức bình phong vững chắc.

"Còn như lối đường tự xứ Nghệ An vào, thì vì đường thủy đường bộ xa cách, có thể khỏi phải để ý lo ngại.

Duy tự Hải Dương và xứ Quảng Yên, khi nhân thuận chiều gió Nam, giặc phóng thuyền ra biển, thì chỉ vài ngày có thể đến địa phận ta, sợ binh giặc dễ thừa cơ xâm lược ta bằng nẻo đường này.

Hạ thần xét thấy con trai thứ của Chiêu huân Tĩnh công là Nguyễn Hoàng, một người trầm tĩnh cương nghị, lại có mưu lược, đối với quân sĩ có độ lượng, khoan dung giản dị. Vậy xin bổ ông làm Trấn thủ, để trị an nơi biên thùy và chống giặc phương Đông; và lại cùng với Trấn quận công ở xứ Quảng Nam, cùng làm binh cứu viện lẫn nhau. Hết thẩy các việc to nhỏ ở địa phương ấy, xin đều để cho ông được tùy nghi định đoạt; lại xin ủy ông thu các sắc thuế, nộp về triều đình đúng kỳ hạn, để thêm vào sự chi tiêu trong nước. [tờ 72a] Như vậy, thì một khoảng xứ Ô Châu, khỏi phải để ý lo tới, hạ thần sẽ khỏi phải phân tâm, mà chỉ dốc hết ý chí về việc đông chinh; Bắt đầu kinh lý xứ Sơn Nam và xứ Sơn Tây, rồi thứ đến khôi phục Kinh đô cũ, tiễu trừ thoán nghịch. Nghiệp trung hưng sẽ có thể sớm thành công ".

Vua Anh Tông thi hành theo ý kiến này, tự đấy Phúc Nguyên không dám nhòm ngó tới 2 xứ Thuận, Quảng.

Mùa xuân, niên hiệu Chánh Trị thứ 2 (1559), Phúc Nguyên mở khoa thi Cử nhân, lấy bọn Đặng Thời Thố cộng 19 người trúng tuyển.

Lúc này, quân vua ta ra đánh liên miên, năm này qua năm khác, quân họ Mạc bị thua luôn, bởi thế Phúc Nguyên sợ, không dám ở trong kinh thành, bèn tự Bồ đề di cư vào phía ngoài cửa Nam kinh thành, dựng điện lợp tranh để triều quần thần.

Cũng thời kỳ này, Thái sư đã trị an nhân dân, luyện tập quân sĩ, thu dụng nhân tài, tích trữ đầy đủ khí giới lương thực, muốn mở một trận tấn công đại qui mô ra Đông, để khôi phục cơ đồ, bèn mật bàn với các Tướng rằng: [tờ 72b] "Con đường xứ Sơn Nam, mỗi khi quan quân ta đông chinh, đều đi lối này, cho nên Phúc Nguyên đem nhiều tinh binh, cả thủy lục quân bố trí các chỗ hiểm yếu. Ta khó bề tung hoành.

Chỉ có thượng lộ xứ Sơn Tây, và các xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, vùng này phần nhiều rừng rậm bao la, đường hẻm quanh quất, chúng không để ý phòng bị. Vả nơi đó có Tướng doanh An bắc Gia quận công Trấn thủ Đại Đồng, vẫn hết lòng trung thành với vua ta. Một khi ta tới đấy hội hợp với Quận công, thì khi tiến quân có thể đánh phá, khi lui quân sẽ có lối về.

Vậy nay nên xuất quân lối Thiên Quan, đi qua xứ Hưng Hóa; qua đò sông Thao, hội hợp với Gia quốc công[13], thu dụng các Phiên mục Thổ tù nơi đó, để tăng cường tế quân, rồi đi theo đường chân núi, lược định 2 xứ Thái Nguyên và Lạng Sơn, phủ dụ dân biên thùy, chiêu tập các hào kiệt, để cắt vây cánh quân giặc, [tờ 73a], rồi sau mới dẫn quân xuống xứ Kinh Bắc, chia quân đánh vào Hải Dương, Sơn Nam, làm cho rung cành lá vá lay cỗi rễ quân địch, thì thiên hạ sẽ dao động, thế giặc sẽ xuống ngay. Lúc ấy Phúc Nguyên chỉ còn giữ 4 bức tường kinh thành mà thôi, ta sẽ đem đại quân đánh vào 3 mặt, còn lo gì không thắng ".

Trong Tướng Tá có vị thưa rằng:

"Xuất quân con đường ấy, thì sự vận tải lương thực sẽ chậm trễ, vả lại cách với nội địa quá xa, nếu bị chúng đánh chặn, thì sự lui quân cũng rất khó khăn ".

Thái sư rằng:

"Đâu phải thế! Nơi đó 4 xứ: Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên và Lạng Sơn, nhân dân giàu có, tiền thóc dư thừa, ta đến đâu sẽ có lương thực ngay nơi đó, còn lo hì về sự thiếu ăn. Vả đấy có dãy núi quanh co dài hàng ngàn dặm, ta đem tinh binh và voi ngựa hùng mạnh, rải vào những khoảng rừng rậm đó, thì còn ai có thể lường được là nhiều ít hư thực thế nào. Một khi ta đánh chiếm được một xứ nào, thì ta lưu một viên mãnh tướng lại, rồi dùng thêm phiên thần cùng trấn thủ các nơi yếu hại. Như vậy thì đầu đuôi liên lạc, cứu viện tiếp liên, tức là cái thế "Thương sơn xà " (con rắn núi Thương sơn) đó. Nếu chúng đánh chặn, chỉ tổ cho ta bắt hết.

Ta chỉ lo về xứ Thanh Hoa, các cửa biển đều là cái then khóa cốt yếu của nội kỳ, cần phải canh phòng rất cẩn mật, để quân giặc khỏi nhòm ngó. Chỉ cốt giữ cho nội kỳ vô sự, thì đại sự sẽ thành".

Bàn định xong, bèn dâng biểu lên Hoàng đế, xin xuất quân đông chinh. Bảo cử viên Tướng trong họ Phong quận công Trịnh Quang làm Đề thống ngự doanh, Phù quận công Lê Chủng làm Trấn thủ đạo Thanh Hoa, Trào quận công Vũ sư thước và An quận công Lại thế khanh, cùng lãnh tinh binh trấn thủ cửa biển. Dặn 2 viên Tướng này; Phải kiên cố đập lũy; cẩn thận dọ thám, liên lạc mau chóng, để phòng quân giặc đến đánh.

[tờ 74a] Mùa đông, ngày Giáp Tuất tháng 10, Thái sư cùng Tướng sĩ thân xuất 60.000 đạo quân bắc phạt, trương thanh thế là 120.000 quân, dùng Hoàng Đình Ái làm Tướng đạo quân tiên phong, do Thiên Quan tiến ra các huyện Sơn Tây, Mỹ Lương và Bất Bại, quân đi qua nơi nào đều không lấy của dân một mảy may, nhân dân các nơi ấy đều được yên ổn như thường. Khi quân tới Hưng Hóa, thì Tướng Tây đạo Định quận công dẫn binh lại hội, các đồn quân giặc đều bị phá và đều ra hàng. Khi lược địa đến địa giới Tuyên Quang, thì Vũ Văn Mật ra đón, Thái sư nhân bàn tiến binh qua sông, để lược định các đạo Thái Nguyên, Lạng Sơn và Kinh Bắc, bèn sai Văn Mật trấn thủ Đại Đồng như cũ, Định quận công thì trấn thủ An Tây, để giữ nơi xung yếu, rồi đem dân phu nơi dọc đường đi theo, để khai phá đường lối, tự Thiên Quan liền tới [tờ 74b] Kinh Bắc, để tiện vận tải lương thảo; sai các Tướng chia đi đánh các Phủ: Phú Bình, Trường Khánh. Châu Huyện nào cũng tan vỡ ra hàng. Thái sư bèn đích thân xuất đại binh tự Lạng Sơn xuống, đóng quân tại Doanh Thuận, cùng cầm cự với quân Phúc Nguyên. Sau lại đóng đồn quân trên núi Tiên Du.

Tháng 11, Thái sư đem quân đánh các Phủ: Siêu Loại, Văn Giang và Khoái Hồng, binh kéo đến đâu quân giặc đều tan chạy.

Tháng 12, Thái sư sai Tướng khác đánh phá các Phủ Huyện hạt Khoái Châu và Nam Sách, quân địch trông thấy bóng quân ta đều thua chạy.

Niên hiệu Chánh Trị thứ 3 (1560), tháng giêng, Thái sư lại chia quân do Khoái hồng tiến về Nam, đánh phá hạt Tiên hưng, một đạo do Nam sách tiến về Đông, đánh phá hạt Kinh Môn, hạ hết các Huyện: Đông Triều, Giáp Sơn, Chí Linh, và An Dương. Phúc Nguyên kinh sợ, bèn khiến thúc phụ [tờ 75a] Kính Điển đóng đồn tại Kinh Bắc, để chống cự đại quân ta; sai các Tướng chia giữ Đông Kinh, đóng đồn binh khắp phía ngoài thành. Một dãy sông về phía Tây, trên tự Bạch hạc, dưới xuống đến Nam sang, đều đóng doanh trại liền liền, thuyền mỏng san sát, trại nọ liên lạc với trại kia, ban ngày thì bằng ngọn cờ tiếng trống, về ban đêm thì bằng bó đuốc cây đèn. Phúc Nguyên thì di cư về huyện Thanh Trì.

Tháng 3, Thái sư sai Hoàng Đình Ái trấn thủ Lạng Sơn, Lê Khắc Thận trấn thủ Thái Nguyên, Vũ Văn Mật trấn thủ Tuyên Quang, 3 trấn này liên lạc để đều làm binh cứu viện lẫn nhau, ngày đêm đánh phá các Châu Huyện chưa hạ được ở hạt Phú Bình và Văn lan; lại sai Định quận công trấn thủ Hưng Hóa, để chiêu tập nhân dân các châu Mai mộc và Hoa việt, cung cấp lương thực cho quân lính. Tự Thiên Quan tới Kinh Bắc, ta đóng rất nhiều đồn trại liên tiếp. Binh uy lừng lẫy!

[tờ 75b] Tháng 4, Thái sư đóng quân tại Phía Nam Lãm Sơn, sai các Tướng chia nhau tiến về phía Đông, đánh phá các Huyện: Đường an, Đường hào, Thanh miện và Gia cốc, các đồn binh ở các nơi đây đều tan vỡ.

Tháng 10, Kính Điển dẫn quân qua sông, tiến tới huyện Vũ Ninh, để chống đại quân ta. Có viên Tướng khác của Thái sư sai là Đặng Huấn, thừa tiện lẻn tiến đánh quân kính Điển, bị Kính Điển đánh cho bại trận, dưới cờ chỉ còn lại chừng hơn hai trăm quân, Đặng Huấn thu thập tàn quân, dẫn lên đồi cao nghĩ ngơi, sai quân sĩ bỏ yên ngựa và tắm cho voi, tỏ ra vẽ nhàn hạ ung dung. Quân giặc kéo vây khắp cả đồi dày 3 vòng, Đặng Huấn truyền lệnh quân sĩ; không được huyên náo! Chờ đến khi thấy quân địch vó vẻ trể nải, lúc ấy mới dồn quân ùa xuống, hết thẩy đều hết sức chiến, chạy lọt ra ngoài mấy vòng vây, [tờ 76a] quân giặc đều tơi bời rạt cả ra, không tên nào dám gần, Đặng Huấn bèn dẫn quân về Lãm Sơn, hội với đại quân Thái sư.

Năm này, gặp vụ lúa trúng mùa, Thái sư sai thổ dân đã qui thuận ở các Huyện, cung cấp lúa mùa để thêm quân nhu.

Tháng 3, niên hiệu Chánh Trị thứ 4 (1561), có người hiến kế với Phúc Nguyên rằng: "Vương sư xâm lấn ta rất gắt! Ta sở dĩ kiên thành cố thủ, để cầm cự lâu dài, là có ý muốn chờ khi Vương sư thiếu lương sẽ bại. Nhưng hiện nay đường vận tải của Vương sư rất thuận tiện, tiếp tế lương thảo liên tiếp đầy đủ, bàn cứ đã 2 năm nay, thanh thế rất mạnh. Thì còn chờ đến lúc nào để thừa cơ đánh phá. Chi bằng đánh xuất kỳ bất ý, ngầm dẫn quân đánh thẳng vào Thanh Hoa, đánh ngay vào nơi tâm phúc, thì đạo quân vây nơi Kinh Bắc và Hải Dương, ta không cần đánh cũng sẽ tự giải. Đó là cái kế "đánh nước Ngụy để cứu nước Hàn"[14] của Tôn Tử vậy".

Phúc Nguyên nghe theo lời trên, bèn sai viên Tướng khác thay Kính Điển trấn thủ Kinh Bắc, rồi ngầm vời Kính Điển về Kinh Sư.

[tờ 76b] Tháng 7, Kính Điển dùng chiến thuyền vào cướp Thanh Hoa, đánh vào các cửa biển. Các Tướng trấn thủ cửa biển là Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh không có phòng bị, trong khi hoảng hốt, vội lui quân về giữ sách Vạn Lại. Thái sư được tin trên, bèn gấp truyền lệnh cho Hoàng Đình Ái ngầm dẫn quân về trấn thủ Thanh Hoa.

Tháng 9, Kính Điển đánh vào cửa quan An Tràng, tiến tới sách Vạn Lại, sách sắp bị hãm, thì phục binh của Sư Thước chỗi dậy, cố sức chiến đấu, đánh bại đạo quân tiền phong của địch, chém đầu hơn trăm tên. Kính Điển lại được tin viện binh của Đình Ái sắp đến, bèn lui quân về Kinh ấp.

Thái sư cũng triệt hết quân ở các doanh, lui về Thanh Hoa, dâng công chiến thắng lên Hoàng đế ở nơi hành tại, rồi dừng quân tại phía Nam thành Tây đô, thăng thưởng cho các Tướng sĩ có công chiến thắng, lại dùng mưu thần là Phùng Khắc Khoan [tờ 77a] làm Ngự doanh ký lục tri tứ vệ.

Tháng 12, Phúc Nguyên sai Thái bảo Nguyễn Phú Xuân và Lại bộ Tả thị lang Giáp Trưng, dẫn quân đánh xứ Lạng Sơn. Lúc này, Tướng giữ thành Lạng Sơn Hoàng Đình Ái, đã theo đường núi trở về Thanh Hoa trước rồi, viên Tướng do Đình Ái lưu lại giữ thành bị thua trận, tan vỡ. Phú Xuân bèn chiếm cứ thành, rồi đưa thư sang nhà Minh, tiếp lĩnh người qua Bắc về. Nhà Minh hỏi: Quân chiếm thành Lạng Sơn vừa rồi, là quân họ Mạc hay quân họ Lê? Giáp Trưng phúc đáp: quân chiếm thành Lạng Sơn vừa rồi là quân giặc.

Năm Nhâm Tuất[15], niên hiệu Chánh Trị thứ 5 (1562), Phúc Nguyên mở khoa thi Cử nhân, lấy bọn Phạm Duy Quyết cộng 18 người trúng tuyển.

Tháng 2, vua Anh Tông sai Lộc quận công, Nhân khê hầu đem quân lược định 10 châu xứ Hưng Hóa.

Tháng 3, Phúc Nguyên bổ Giáp Trưng chức Thượng thư bộ lại [tờ 77b] phong tước Tô khê hầu.

Tháng 9, Thái sư xuất binh ra Sơn Nam, đi tuần các địa phương hạt Thanh Trì và Thượng Phúc, lập đại doanh tại Sơn Minh.

Tháng 11, Vương sư trở về.

Tháng 2, niên hiệu Chánh Trị thứ 6 (1563), vợ Phúc Nguyên là Bùi Thị sinh hạ Mậu Hợp.

Ngày mồng... tháng 2 niên hiệu Chánh Trị thứ 7 (1564)[16].






[1]Chữ này là tên con sông, nhưng chính bản bỏ trắng khoảng một chữ, vậy không biết là sông gì? Xét văn dưới, chép đến khi tiến quân tới con sông này, cũng bỏ trắng khoảng một chữ như đây.

[2]Hàn Trác bầy tôi vua Hậu Nghệ, giết Nghệ tự lập làm vua. Thiếu Khang giết Hàn Trác khôi phục nhà Hạ.

[3]Quách Tử Nghi Tướng nhà Đường, phong tước Phần dương vương, dẹp giặc Hồ khôi phục nhà Đường.

[4]Lộc Sơn bầy tôi vua Huyền Tông nhà Đường, cướp ngôi, tự xưng Đại yên Hoàng đế.

[5]Châu Tỵ bầy tôi vua Đức Tông nhà Đường, nhân gặp loạn, loạn quân suy tôn làm chủ, rồi xưng Đế.

[6]Câu này chính bản chép "cải minh niên" (đổi năm sau). Như vậy chưa đủ nghĩa. Hoặc chép sót mấy chữ "vi thuận bình nguyên niên" (làm niên hiệu Thuận bình thứ nhất) chăng?

[7]Câu chữ Hán này gồm 5 chữ, nhưng chép bõ trắng, mỗi khoảng một chữ, chỉ có 3 chữ cách quãng nhau. Như vậy không đủ nghĩa dịch.

[8]Khoảng này chính bản bỏ trắng chừng 3 chữ.

[9]Bài văn này, bắt đầu tự câu "từng mảng rằng ", đến câu "ngỏ lòng thực xá tin nhắn bảo "này, chính bản chép bằng chữ Nôm. Đây là phiên âm, chứ không phải dịch văn chữ Hán.

[10]Chữ này là tên quả núi. Nhưng chính bản bỏ trắng. Vậy không biết là núi gì?

[11]Chữ này chính bản chép "khải hoàn" (dẫn quân thắng trận trở về). Xét không hợp nghĩa câu văn. Hoặc do chữ "khải khang" chép lộn ra chăng? Khải Khang là tên người, tức Đoan quốc công Nguyễn Khải Khang. Xin dịch theo chữ "khải khang".

[12]Chữ này chính bản chép "Đức kỳ thuyền " (thuyền Đức Kỳ). Có lẽ lầm, vì Đức Kỳ đang ở trong thuyền của mình, sao lại còn nhảy sang thuyền Đức Kỳ để giết giặc. Hoặc do chữ "Nguyễn Quyện thuyền " (thuyền Nguyễn Quyện) chép lộn ra chăng? Xin dịch theo chữ "Nguyễn Quyện ".

[13]Cũng là một người và chỉ trong một thời gian ngắn, mà văn trên chép "Gia quận công ", đây chép "Gia quận công ". Vậy không biết văn trên hay văn dưới chép lộn.

[14]Câu này chính bản chép "công Hàn cứu Hàn " (đánh nước Hàn để cứu nước Hàn). Đó là do chữ "công Ngụy cứu Hàn " chép lộn ra . Điển này như sau:

Thời chiến quốc, vua nước Ngụy sai Bàng Quyên dẫn quân đánh nước Hàn, Hàn bị nguy cấp, cầu nước Tề cứu, nước Tề sai Tôn Tẫn làm quân sư dẫn quân cứu nước Hàn. Nhưng Tôn Tẫn không đến nước Hàn để giải vây, hạ lệnh quân sĩ tiến thẳng vào đường tới nước Ngụy, tuyên ngôn sẽ đánh vào kinh đô nước Ngụy. Bàng Quyên được tin cấp báo, vội vàng kéo quân về cứu bản quốc. Thế là nước Hàn được thoát nạn

[15]Chữ "Nhâm tuất" chính bản chép lộn ra chữ "Nhâm mậu".

[16]Đoạn văn này chính bản chép tới đây là hết, như vậy chưa đủ nghĩa. Xét văn dưới chép: "Mậu Hợp tiếm ngôi tháng 2 năm Giáp Tý niên hiệu Chánh Trị thứ 7 ". Vậy có thể phỏng đoán là chính bản chép sót mấy chữ "Phúc Nguyên tử " (Phúc Nguyên chết) chăng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét