Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. P02

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục
Sách Hậu Hán thư chép rằng: Lúc bấy giờ thị ngự sử1 Giả Xương sang có việc ở quận Nhật Nam, liền cùng với các châu quận hợp sức lại đánh bọn Khu Liên. Đánh không được, lại bị bọn Khu Liên đánh lại và bao vây. Hơn một năm, quân Hán thiếu lương ăn.
Vua Hán lấy làm lo, triệu tập các công khanh, trăm quan và tơ tào bốn phủ, hỏi về phương kế đối phó. Mọi người đều bàn nên sai tướng đem bốn vạn người các châu Kinh, Dương, Duyện, Dự đi ứng phó việc này. Trong đó có đại tướng quân sung chức trung lang là Lý Cố bác đi mà rằng: "Hiện nay châu Kinh, châu Dương giặc cướp vẫn lẩn quất tụ họp; đất Trường Sa, đất Quế Dương thường phải đóng góp binh lương. Nếu nay lại làm cho dân Kinh, Dương bị náo động, thì tất sinh loạn. Còn người các châu Duyện, Dự cũng bị bắt ra lính và nộp quân nhu, đi xa hàng muôn dặm, nay trát đòi, mai giấy bắt, tất gây ra phản loạn. Vả lại, ở phương nam, khí hậu nắng nóng ẩm thấp, lại thêm có lam chướng, số quân lính đến đấy có thể chết đến bốn năm phần mười. Lặn lội hàng muôn dặm, quân sĩ nhọc mệt, kịp lúc đi đến Lĩnh Nam, không còn hơi sức đâu chiến đấu nữa.
Quân đi mỗi ngày được ba mươi dặm, mà các châu Duyện, Dự cách Nhật Nam hơn chín nghìn dặm, như thế phải đi ba tăm ngày mới đến nơi. Tính đến lương ăn, mỗi người năm thưng, thì phải dùng đến sáu mươi vạn hộc gạo; đó là chưa kể lương ăn của tướng lại và lừa ngựa, chỉ tính số lương của quân sĩ có mang khí giới mà đã tốn đến thế. Nói hẳn ngay quân đã đến nơi rồi, số tử vong hao tổn tất nhiều, đã không đủ chống lại với địch, lẽ tất nhiên rồi lại bắt lính gửi thêm. Như thế có khác gì cắt ruột gan mà vá vào chân tay. Quận Cửu Chân cách Nhật Nam có độ nghìn dặm, đem quan và dân Cửu Chân đi đánh Nhật Nam còn không kham nổi, huống chi lại làm khổ quân sĩ bốn châu để đi chịu cái nạn ở nơi muôn dặm hay sao? Trước đây, Trung lang tướng Doãn Tựu sang đánh quân rợ Khương làm phản ở Ích Châu, nhân dân Ích Châu có lời ngạn rằng: "Giặc đến còn khá, nếu Doãn Tựu đến, thì nó giết chúng ta!". Sau đó, Doãn Tựu bị gọi về, đem quân sĩ giao cho thứ sử (Sử cũ chép "châu phán" là lầm) là Trương Kiều. Trương Kiều dựa vào những tướng lại sẵn có ấy, chỉ trong khoảng hàng tuần (10 ngày), hàng tháng, dẹp yên giặc cướp. Đó là một kinh nghiệm về việc sai tướng đi đánh giặc xa không có ích gì, mà có thể dùng ngay quân ở châu quận ấy. Nay nên chọn lọc những người có dũng lược, nhân huệ, có thể dùng làm tướng được, để cho làm thứ sử thái thú, rồi sai cùng đi sang Giao Chỉ. Hiện nay ở quận Nhật Nam, quân ít, lương không có, giữ thế thủ đã không xong, thế chiến cũng chẳng được; vậy nên đem tất cả lại dân dời ra mặt bắc nương nhờ vào quận Giao Chỉ. Sau khi yên tĩnh rồi, lại cho họ trở về nơi cũ. Một mặt khác chiêu dụ người Man di để cho chúng đánh lẫn nhau; lấy được vàng lụa làm của tiêu dùng; nếu đứa nào biết phản gián chặt được đầu tướng giặc đem nộp thì sẽ được thưởng bằng cách cắt đất và phong cho tước hầu. Thứ sử Tinh châu ngày trước là Chúc Lương có tính dũng cảm quả quyết; Trương Kiều, người quận Nam Dương, trước kia, đã ở Ích Châu, có công đánh được giặc. Cả hai người này đều nên dùng. Vậy nay nên cho ngay bọn Chúc Lương tiện đường phó nhậm làm quan". Các quan trong bốn phủ đều theo như lời bàn của Lý Cố. Vua nhà Hán lập tức bổ Chúc Lương làm thái thú quận Cửu Chân, Trương Kiều làm thứ sử quận Giao Chỉ. Khi Trương Kiều đến nơi, hếu điều vỗ về dẫn dụ. Quân giặc đều ra hàng và giải tán cả. Chúc Lương đến Cửu Chân, một mình đi xe vào trong đám quân giặc, xếp đặt mưu mẹo, lấy uy tín chiêu dụ dân; số người ra hàng có đến mấy vạn. Vì thế những đất ngoài Ngũ Lĩnh lại được yên.

Lời chua - Trương Kiều: Người quận Nam Dương. Chúc Lương người đất Lâm Tương thuộc Trường Sa.

Năm Giáp Tân (144). (Hán, năm Kiến Khang thứ 1).

Tháng 10, mùa đông. Người quận Nhật Nam làm phản. Thứ sử quận Giao Chỉ là Hạ Phương hàng phục được họ.

Sách Hậu Hán thư chép rằng: Hơn một nghìn người ở quận Nhật Nam lại nổi dậy, đánh đốt các huyện ấp, họ cổ động và liên kết với cả người quận Cửu Chân. Thứ sử Giao Chỉ, Hạ Phương, dùng ân nghĩa chiêu dụ; quân giặc đều hàng phục. Lúc đó thái hậu họ Lương nắm quyền triều đình, khen Hạ Phương là người có công, thăng cho làm thái thú Quế Dương; cử Lưu Tảo sang thay.

Lời chua - Hạ Phương: Người quận Cửu Giang nhà Hán.

Năm Canh Tí (160). (Hán, Hoàn đế, năm Duyên Hi thứ 3).

Tháng 11, mùa đông. Nhà Hán lại dùng Hạ Phương làm thứ sử Giao Chỉ. Dư đảng đánh giặc ở Nhật Nam đến doanh trại Hạ Phương xin hàng.

Sách Hậu Hán thư chép rằng: Trước kia, huyện lệnh huyện Cư Phong là người tham lam, tàn bạo, không biết tế nào là chán. Người trong huyện là bọn Chu Đạt họp nhau với quân Man đánh giết huyện lệnh. Họ có đến bốn năm nghìn quân, tấn công vào quận Cửu Chân. Thái thú Cửu Chân, Nghê Thức, ra đánh, bị tử trận. Nhà Hán sai đô úy quận Cửu Chân là Ngụy Lãng đi đánh, phá tan được. Nhưng tướng giặc vẫn còn đóng chiếm Nhật Nam, thế lực ngày càng cường thịnh. Đến đây, triều Hán lại cho Hạ Phương làm thứ sử. Hạ Phương vốn là người có uy tín, khi đến quận, có hơn hai vạn quân giặc kéo nhau đến đầu hàng.

Lời chua - Ngụy Lãng: Người đất Thượng Ngu quận Cối Kê, có tính công bằng, trung thực và trí sáng suốt, sau thăng làm thượng thư, rồi vì đình nghị khép vào vụ bè đảng, phải bãi chức về.

Cư Phong: Tức là huyện Cư Phong. Xem lời chua ở năm Kiến Vũ thứ 19 đời Hán. (Tb.2, 12).

Năm Mậu Ngọ (178). (Hán, Linh đế, năm Quang Hòa thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Quận Giao Chỉ, quận Hợp Phố và Mán Ô Hử nổi dậy làm phản. Nhân thế người Giao Châu là Lương Long khởi lên làm loạn, đánh phá, vây hãm các thành ấp.

Năm Tân Dậu (181). (Hán, năm Quang Hòa thứ 4).

Mùa hạ. Nhà Hán dùng Chu Tuấn làm thứ sử, đánh tan được bọn giặc nói trên.

Thời bấy giờ, quận Giao Chỉ, quận Hợp Phố và Mán Ô Hử làm loạn mãi, mục thú là Chu Ngung không chống nổi. Nhân đó bọn Lương Long là người Giao Châu cũng khởi quân đánh phá các quận huyện. Họ có đến mấy vạn quân. Đến nay, nhà Hán sai huyện lệnh huyện Lan Lăng là Chu Tuấn sang cứu Chu Ngung, nhân tiện đường đi qua quận nhà (Cối Kê), Chu Tuấn mộ thêm gia binh, hợp với quân của mình mang đi tất cả được năm nghìn người, chia ra hai đạo kéo vào Giao Châu. Khi đến địa giới Giao Châu, đóng quân lại, không tiến, trước hết sai người đi dò xem hư thực, và tỏ bầy uy đức để làm nao núng quân địch; rồi hợp cùng quân bảy quận kéo sát đến đánh, giết được Lương Long; số người ra hàng có tới mấy vạn. Trong khoảng hàng tuần, hàng tháng, bình định xong cả.

Lời chua - Chu Tuấn: Người quận Cối Kê.

Ô Hử: Theo truyện Tây Mai di trong sách Hậu Hán thư và theo sách Nam châu dị

vật chí của Vạn Chấn, Ô Hử, là tên đất, ở về phía nam Quảng Châu, phía bắc Giao Châu, thường hay đón đường rình những hành khách qua lại, ập ra đánh, cốt bắt lấy người ăn thịt, không thiết đến của cải; có khi lấy thịt người ướp làm món ăn. Cho nên lại gọi là Hám nhân quốc (nước ăn thịt người).

Năm Giáp Tí (184). (Hán, năm Trung Bình thứ 1).

Tháng 5, mùa hạ. Binh sĩ quận Giao Chỉ nổi loạn. Nhà Hán dùng Giả Mạnh Kiên (Sử cũ chép là Giả Tông) làm thứ sử.

Quân đóng ở quận Giao Chỉ bắt giết thứ sử Chu Ngung, rồi sai người sang triều Hán kể tội trạng của Chu Ngung. Vua Hán thấy thế, hạ chiếu kén người tài giỏi sang làm thứ sử. Trong các quan có người tiến cử ngự sử Giả Mạnh Kiên, vua Hán bổ Mạnh Kiên sang làm thứ sử. Trước kia, ai sang làm thứ sử, thấy đất Giao Chỉ có nhiều hạt châu, cánh trả, ngà voi, tê giác, đồi mồi, hương lạ, gỗ quý, đều không giữ được thanh liêm; khi của đầy túi rồi, lại xin đổi đi nơi khác. Cho nên lại và dân đều hay làm phản. Kíp khi Mạnh Kiên đến nơi, dò hỏi tình trạng gây ra phản bội, thì mọi người đều nói: "Chính lệnh trước kia bắt đóng thuế khóa rất hà khắc, nhân dân khốn khó, đường sang kinh đô thì xa, không biết kêu đâu được. Nhân dân không sao sống nổi, cho nên họp nhau để kháng cự lại chính sách ấy, chứ không thực là làm phản". Giả Mạnh Kiên mới sai người chia đi các nơi phủ dụ để cho dân chúng yên nghiệp làm ăn. Lại chiêu tập vỗ về những người lưu vong, tha cả thuế khóa. Rồi giết những quan lại đầu sỏ về tội tham ngược, chọn lấy người quan lại lương thiện cho đi cai trị các quận huyện. Do đấy nhân dân mới được yên ổn. Nơi đường sá họ có làm câu hát, đại ý nói: "Người cha chúng ta là họ Giả đến muộn, khiến ta trước kia làm phản, nay được thanh bình, ai dám còn lòng phản bội?" (Sử Cương mục [của Trung Quốc] chép câu cuối là "... kẻ nha lại không dám hạch sách cơm rượu của dân nữa"). Giả Mạnh Kiên làm việc được ba năm thì triều Hán gọi về, phong làm nghị lang, cho người bản châu (Giao Châu) là Lý Tiến lên thay làm thứ sử.

Lời phê - Xem đây, ta thấy rõ triều Hán có nhiều nhân tài, đời sau không thể sánh kịp được. Thời đó chưa có khoa cử mà được nhiều nhân tài như thế, lại càng thấy rõ khoa mục chỉ vụ cái danh về việc học, chứ có bổ ích gì cho chính trị lắm đâu?

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Xét sách Hán thư có chép đến tên Mạnh Thường là người ở Thượng Ngu quận Cối Kê, cuối đời Hán làm thái thú quận Hợp Phố. Quận này không sản xuất thóc gạo, mà hải phận thì sản châu báu. Quận này giáp giới Giao Chỉ, người trong quận thường sang buôn bán và đong thóc gạo ăn. Trước kia, bọn thú tể ở đấy nhiều người tham tàn, bắt ép nhân dân Hợp Phố đi tìm kiếm hạt châu, không có mức độ nào! Hạt châu do đấy dần dần chuyển sang địa giới Giao Chỉ. Khi Mạnh Thường đến nhậm chức, sửa bỏ những tệ hại trước; hơn một năm, hạt châu đã đi mấy ấy lại trở về chốn cũ. Nhân dân đều yên nghiệp làm ăn, gọi Thường là bậc "thần minh". Than ôi! nếu các thú mục trong mấy quận này, ai cũng được như Mạnh Thường cả, thì dân ta việc gì phải khổ sở làm phản nữa.

Lời chua - Mạnh Kiên: Người Liêu thành thuộc Đông quận, đậu Hiếu Liêm, rồi thăng làm Kinh Triệu Doãn, có thành tích chính trị; đến đây, các quan cử sang làm thứ sử quận Giao Chỉ.

Năm Đinh Mão (187). (Hán, năm Trung Bình thứ 4).

Triều Hán dùng Lý Tiến làm thứ sử Giao Chỉ.

Sử cũ chép: Lý Tiến dâng thư nói với vua Hán: "Khắp cả thiên hạ, đâu chẳng là bầy tôi của nhà vua, thế mà bây giờ làm quan ở trong triều đều là người Trung Châu1, chưa thấy nhà vua khen thưởng, khuyến khích những người phương xa". Lời lẽ thiết tha cảm động, có viện dẫn nhiều lý do. Vua Hán hạ chiếu cho người Giao Châu ta ai đỗ Hiếu Liêm hay Mậu Tài được bổ làm chức trưởng lại thuộc Giao Châu, chứ không được làm quan ở Trung Châu. Lý Tiến lại dâng sớ "xin cho những người đã đỗ Hiếu Liêm được như các bác sĩ 12 châu: chỉ căn cứ vào nhân tài để nhận xét"2. Nhưng các quan trong triều sợ rằng người phương xa hay nói suông, chê bai bắt bẻ triều đình Trung Quốc, nên không ưng cho. Khi bấy giờ, người Giao Châu ta có Lý Cầm làm túc vệ ở điện đài, mới rủ người đồng hương là bọn Bốc Long năm sáu người, giữa mồng một Tết là ngày các nơi đến triều hội, bọn Lý Cầm phục ở sân điện kêu rằng: "Ơn vua thấm ra chưa khắp". Các quan trong triều hỏi cớ sao. Lý Cầm đáp: "Nước Nam Việt ở lánh về một phương xa, không được trời che đất chở, nên không được hưởng gió mát mưa lành!". Lời lẽ rất là đau khổ, thiết tha. Vua Hán hạ chiếu yên ủi rồi cho nước ta một người đỗ Mậu Tài làm quan lệnh huyện Hạ Dương, một người đỗ Hiếu Liêm làm quan lệnh huyện Lục Hợp. Về sau, Lý Cầm làm đến chức Tư Lệ hiệu úy; Trương Vọng làm đến thái thú Kim Thành. Như thế thì nhân tài nước Việt ta được cùng thăng tiến như người bên Hán là do từ Lý Tiến, Lý Cầm mở đường lối trước.

Lời cẩn án - Theo sách Lĩnh Nam di thư, Trương Trọng người quận Hợp Phố, chăm học, nói giỏi, là một người có danh vọng ở đất Lĩnh Biểu, được thứ sử kén chọn cất lên làm việc cối kế ở quận Nhật Nam, đem dâng sổ sách vào Lạc Kinh. Vua Minh đế (8- 75) thấy vóc người nhỏ bé, lấy làm kỳ dị, hỏi rằng: "Tiểu lại quận nào?". Trương Vọng, với giọng thẳng thắn cứng cáp, thưa rằng: "Tôi là kẻ lại giữ chức cối kế ở quận Nhật Nam, không phải là tiểu lại. Nhà vua muốn được có nhân tài, hay chỉ cân xương đọ thịt thôi?". Vua Hán khen câu trả lời của Trương Trọng là phải. Buổi đại hội ngày mồng một Tết, vua Hán hỏi: "Có phải rằng ở quận Nhật Nam người ta hướng về phía bắc để chầu mặt trời không?". Trương Trọng thưa: "Tên các quận có quận Vân Trung là trong mây, có quận Kim Thành là thành vàng, vị tất phải có sự thức. Như thế ở quận Nhật Nam mặt trời cũng mọc ở phương đông; còn như khí hậu ấm áp, mặt trời đi ngang đỉnh đầu vẫn đứng bóng. Nhà ở của quan dân tùy theo ý muốn đông tây nam bắc muốn hướng chiều nào thì hướng, không có nhất định, vì thế gọi là lĩnh vực mặt trời ở về Nam". Vua Hán thấy Trương Trọng nói thế, lại càng thêm trọng, ban thưởng vàng lụa. Nếu ta xét kỹ lời chép trong Lĩnh Nam di thư, và xét về đời Hoàn đế (147-167), người đất Lệ Phố là Từ Trưng lúc thường vẫn hay so sánh với Trương Trọng, thì biết Trương Trọng là người về đời Minh đế nhà Hán, quyết không còn nghi ngờ gì nữa. Còn như việc Lý Tiến sang làm thứ sử thì lại ở về sau Trương Trọng, cách nhau đến hơn mấy chục năm. Về đoạn này, Sử cũ lại chép "về sau, Lý Cầm làm đến chức Tư Lệ hiệu úy, Trương Trọng làm Thái thú Kim Thành, là do từ Lý Tiến đã mở đường lối trước". Như thế là vì Sử cũ nhận Minh đế nhà Hán lẫn với Minh đế nhà Tấn (323-325), nên đoạn này mới chép lầm; nay xét kỹ, cải chính lại.

Lời chua - Lý Tiến: Theo sách Bách Việt tiên hiền chí, Tiến, người đất Cao Hưng, quận Giao Chỉ, là người thông minh, hiểu khắp Kinh Truyện, được bổ làm chức công tào ở quận, sau thăng dần đến chức kỵ đô úy. Năm Vĩnh Hòa thứ 2 (137 s.c.ng.), quân Man ở Kinh Châu làm phản, Lý Tiến được sai làm thái thú quận Linh Lăng, đánh tan được giặc ấy. Khoảng năm Trung Bình (184-189), Lý Tiến được thay Giả Mạnh Kiên làm thứ sử quận Giao Chỉ, tâu xin theo đúng lệ cống sĩ bên Trung Châu. Về sau, có Nguyễn Cầm do đỗ mậu tài làm đến chức tư lệ hiệu úy. Nhân tài quận Giao Chỉ được tuyển bổ cùng với người Trung Châu thực là bắt đầu từ Lý Tiến.

Lý Cầm: Sách Bách Việt tiên hiền chí chép là Nguyễn Cầm, người Giao Châu. Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng chép Lý Cầm, Trương Trọng đều là người do khoa mục xuất thân.

Nhà Hán dùng Sĩ Nhiếp làm thái thú quận Giao Chỉ.

Truyện Sĩ Nhiếp trong sách Ngô chí chép rằng: Nhiếp tên tự là Nghiện Uy, người đất Quảng Tín quận Thương Ngô. Tiên tổ Sĩ Nhiếp gốc người đất Vấn Dương nước Lỗ, đến hồi loạn Vương Mãng, lánh nạn sang ở Giao Châu. Sau đó sáu đời đến cha Sĩ Nhiếp, tên là Tứ, làm thái thú quận Nhật Nam ở thời Hán Hoàn đế. Sĩ Nhiếp, lúc còn nhỏ, du học ở kinh sư, tôn thờ Lưu Tử Kỳ, người đất Dĩnh Xuyên, làm thày, chuyên học sách Tả thị Xuân thu, đỗ Hiếu Liêm, được bổ làm thượng thư lang, vì việc công, phải bãi chức. Khi mãn tang cha là Tứ rồi, lại đậu Mậu tài, được bổ làm huyện lệnh huyện Vu Dương, rồi thăng làm thái thú quận Giao Chỉ.

Xét ra, Sĩ Nhiếp chỉ là một thái thú nhà Hán, chưa hề xưng vương. Sử cũ chép riêng làm một kỷ, đem so với nghĩa lệ chép Cương mục của Chu Tử thì không hợp, nay tước bỏ đi.

Năm Tân Tị (201). (Hán, Hiến đế, năm Kiến An thứ 6).

Nhà Hán dùng Trương Tân làm thứ sử quận Giao Chỉ.

Trước kia, thứ sử Chu Phù dùng nhiều người đồng hương chia cho làm trưởng lại, hà hiếp nhân dân, thuế khóa nặng nề.

Mọi người đều ta oán, khởi lên làm phản, đem quân đánh phá châu quận. Chu Phù phải chạy về mạn biển, bị dân giết chết. Vua Hán mới sai Trương Tân sang làm thứ sử Giao Chỉ.

Năm Quý Mùi (203). (Hán năm Kiến An thứ 8).

Nhà Hán đặt Giao Chỉ làm Giao Châu.

Trước kia, về đời Hán Thuận đế (126-144), Thái thú Giao Chỉ là Chu Xưởng xin lập Giao Chỉ làm châu, triều đình nhà Hán bàn định không nghe. Đến đây, thứ sử Trương Tân và thái thú Sĩ Nhiếp cùng nhau dâng biểu xin lập Giao Chỉ làm châu, nhà Hán mới đặt Giao Chỉ làm Giao Châu; Giao Châu được ngang hàng với các châu khác ở Trung Quốc, và phong Trương Tân làm quan mục ở Giao Châu. Bất đầu từ đấy có tên Giao Châu.

Năm Đinh Hợi (207). (Hán, năm Kiến An thứ 12).

Nhà Hán bổ Sĩ Nhiếp làm tuy nam trung lang tướng, quản đốc cả bảy quận, lĩnh chức thái thú quận Giao Chỉ; kế đó lại cho làm An Viễn tướng quân, phong tước Long Độ đình hầu.

Theo truyện Sĩ Nhiếp trong sách Ngô Chí, trước kia, thứ sử Giao Châu Chu Phù bị giặc Man di giết chết, các quận trong châu đều rối loạn. Vì thế Sĩ Nhiếp dâng biểu xin cho em là Nhất lĩnh chức thái thú quận Hợp Phố, em thứ hai trước làm huyện lệnh huyện Từ Văn, tên là Vĩ , lĩnh chức thái thú quận Cửu Chân, em Vĩ là Vũ lĩnh chức thái thú quận Nam Hải. Sĩ Nhiếp, tính nết khoan hậu, khiêm tốn, nhã nhặn, trọng đãi nhân sĩ, nên những nhân sĩ từ Trung Quốc sang, phần nhiều tới đó nương nhờ. Sĩ Nhiếp ham đọc sách Xuân thu, có làm lời chú giải. Viên Huy, người nước Trần, (lúc bấy giờ ở ngụ tại Giao Châu), viết thư cho thượng thư lệnh là Tuấn Úc, có nói: "Ông Sĩ Nhiếp ở quận Giao Chỉ đã là người học giỏi, biết rộng, lại trội về chính trị. Đang lúc loạn lạc, bảo toàn được một quận hơn 20 năm, giữ cho bờ cõi được vô sự, nhân dân được làm ăn yên ổn. Những người lữ khách đều được đội ơn. Dẫu họ Đậu (Sử cũ chép là Đậu Dung) xưa kia giữ đất Hà Tây, cũng không hơn được thế. Khi rảnh việc quan một chút, lại chăm xem sách vở, nhất là Xuân thu Tả thị truyện lại càng suốt hết mọi nghĩa tinh vi. Tôi thường hỏi những nghi ngờ trong Tả truyện, thì Sĩ Nhiếp đều có lời dẫn giải riêng đáng làm khuôn mẫu, ý tứ rất sát. Lại như sách Thượng thư thì Sĩ Nhiếp kiêm thông cả đại nghĩa đời xưa lẫn đời nay. Nghe nói ở kinh sử đang có cuộc tranh luận phải trái về nghĩa cổ văn kim văn, Sĩ Nhiếp có ý muốn điều trần những nghĩa phải trong các sách Tả thị và kinh Thượng thư để dâng vua". Ấy, Sĩ Nhiếp được người ta khen ngợi là thế.

Anh em Sĩ Nhiếp đều là bậc hùng trưởng ở các quận. Sĩ Nhiếp giữ một châu ở ngoài muôn dặm, uy tôn, quyền trọng, không còn ai hơn: khi đi ra đi vào đều có chuông, có khánh, rất oai nghi. Thời bấygiờ ai cũng quý trọng, đám Man di cũng phải sợ phục, dầu Triệu Úy Đà khi xưa cũng không hơn thế.

Sau khi Chu Phù chết, nhà Hán sai Trương Tân sang làm thứ sử Giao Châu được ít lâu, Trương Tân lại bị bộ tướng là Khu Cảnh giết chết. Quan mục Kinh Châu, Lưu Biểu, sai huyện lệnh huyện Linh Lăng là Lại Cung sang thay Trương Tân. Bấy giờ thái thứ quận Thương Ngô là Sử Hoàng chết, Lưu Biểu lại sai Ngô Cự sang thay, cùng với Lại Cung cùng đến một lúc. Nhà Hán nghe tin Trương Tân mất, ban cho Sĩ Nhiếp bức tỉ thư1 trong có nói: "Đất Giao Châu bờ cõi xa xăm, phía nam gần sông giáp biển, ơn bề trên chưa được thấp khắp, tình dân khó giãi tỏ. Ta vẫn biết nghịch tặc Lưu Biểu đã cho Lại Cung sang rình lấy đất miền Nam. Bây giờ cho nhà ngươi làm Tuy Nam trung lang tướng, quản đốc bảy quận, lĩnh chức thái thú quận Giao Chỉ như trước". Sau đó Sĩ Nhiếp sai kẻ lại là Trương Mân đem lễ vật sang cống tận kinh đô Hán. Hồi ấy, thiên hạ loạn lạc, đường đi đứt nghẽn, thế mà Sĩ Nhiếp vẫn không bỏ cống hiến, vì thế Hán lại hạ chiếu cho làm An Viễn tướng quân, phong tước Long Độ đình hầu. Về sau Ngô Cử với Lại Cung ghét nhau, Ngô Cự đem quân đánh đuổi Lại Cung chạy về huyện Linh Lăng.

Lời chua - Từ Văn: Theo Quận quốc chí trong Hậu Hán thư, huyện Từ Văn thuộc quận Hợp Phố.

Quyển thứ III

Năm Canh Dần (210). (Hán, năm Kiến An thứ 15).

Tháng 12, mùa đông. Chúa Ngô, Tôn Quyền, dùng Bộ Chất làm thứ sử Giao Châu.

Theo sách Cương mục (Trung Quốc), trước kia, Sĩ Nhếp làm thái thú Giao Chỉ, có dâng biểu xin cho ba em làm thái thú các quận Hợp Phố, Cửu Chân, Nam Hải, hùng trưởng một phương. Còn thứ sử Giao Châu là Trương Tân mê mải việc quỷ thần, thường đầu đội khăn mầu đỏ sẫm, đọc sách đạo Lão, bị bộ tướng giết chết. Đến đây, Tôn Quyền dùng Bộ Chất làm thứ sử, Sĩ Nhiếp đem anh em ra vâng theo mệnh lệnh nhà Ngô; do đấy đất Lĩnh Nam mới phụ thuộc Tôn Quyền.

Lời chua - Bộ Chất: Người đất Hoài Âm thuộc Lâm Hoài.

Giao Châu, Cửu Chân: Xem Triệu Vũ Vương năm thứ 10 (Tb.I, 20).

Thái thú quận Giao Chỉ nhà Hán, là Sĩ Nhiếp, sai con vào làm tin ở nước Ngô. Nước Ngô phong Sĩ Nhiếp làm Long Biên hầu.

Theo truyện Sĩ Nhiếp trong Ngô chí, lúc bấy giờ Sĩ Nhiếp sai con là Hâm vào làm con tin, Tôn Quyền cho Hâm làm thái thú Vũ Xương; còn các con của Sĩ Nhiếp và của Sĩ Nhất ở bên Nam đều được phong làm trung lang tướng. Sĩ Nhiếp lại dụ cường hào Ích Châu, là bọn Ung Khải, đem nhân dân trong quận xin với danh nghĩa ở xa mà phụ thuộc Đông Ngô. Tôn Quyền lại càng ngợi khen Nhiếp, thăng cho làm vệ tướng quân, phong tước Long Biên hầu, cho em Sĩ Nhiếp là Nhất làm thiên tướng quân, tước Đô Hương hầu. Mỗi lần Sĩ Nhiếp sai sứ giả sang Ngô Tôn Quyền, không năm nào là không đem cống các thứ hương thơm, vảo nhỏ kể có hàng nghìn, hạt trai sáng, vỏ xà cừ, ngọc lưu ly, chim trả, đồi mồi, ngà voi, tê giác và các thứ quả lạ như chuối tiêu, dừa, nhãn. Lại còn cống cả hàng mấy trăm ngựa. Mỗi khi như thế, Tôn Quyền lại viết thư khen ngợi, ban cho rất hậu để yên ủi lại.

Lời cẩn án - Con Sĩ Nhiếp là Hâm, Sử cũ chép sai là Ngẩm.

Lời phê - Sĩ Nhiếp chẳng qua là một thái thú nhà Hán, tùy thời nịnh hót, cầu sao cho mình được an toàn, chứ không có mưu lược tài cán gì giỏi cả, đến nỗi truyền được hai đời đã mất, có gì đáng khen! Thế mà Sử cũ cho rằng Úy Đà cũng không hơn được, chẳng cũng là lời khen quá đáng dư!

Năm Bính Ngọ (226). (Ngô, Tôn Quyền, năm Hoàng Vũ thứ 5; Hán, năm Kiến Hưng thứ 4; Ngụy, năm Hoàng Sơ thứ 7).

Sĩ Nhiếp mất, con là Huy tự động quyền làm thái thú Giao Chỉ.

Theo truyện Sĩ Nhiếp trong Ngô chí, Sĩ Nhiếp làm quan ở quận Giao Chỉ hơn 40 năm, thọ 90 tuổi mới mất.

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Người nước ta thông Thi Thư hiểu lễ nhạc, trở thành một nước văn hiến là bắt đầu từ Sĩ Nhiếp. Tục truyền: sau khi Sĩ Nhiếp mất, đến cuối đời nhà Tấn cách xa hơn 600 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mả Sĩ Nhiếp lên, thấy thân thể diện mạo vẫn nguyên như lúc sống, liền đắp trả lại. Nhân dân vùng ấy cho thế là thần, dựng miếu để thờ, gọi là Sĩ Vương tiên.

Mùa đông. Nước Ngô chia tách đất Giao Châu đặt ra Quảng Châu, dùng Lữ Đại và Đái Lương làm thứ sử. Lữ Đại dụ Sĩ Huy ra hàng rồi giết đi. Ít lâu sau, nước Ngô bỏ Quảng Châu, lại cứ để làm Giao Châu như cũ.

Chúa Đông Ngô nghe tin Sĩ Nhiếp đã chết, cho rằng quận Giao Chỉ cách xa, mới chia từ Hợp Phố trở về phía bắc thuộc Quảng Châu, cho Lữ Đại làm thứ sử; từ Hợp Phố trở về phía nam thuộc Giao Châu, cho Đái Lương làm thứ sử. Tôn Quyền lại sai Trần Thì sang thay Sĩ Nhiếp làm thái thú. Lữ Đại lưu lại Nam Hải, còn Đái Lương và Trần Thì đều đi trước đến Hợp Phố. Lúc ấy con Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy đã tự động quyền làm thái thú, đem quân ra chống lại. Đái Lương ở lại Hợp Phố. Người quan lại cũ của Sĩ Nhiếp là Hoàn Lân khấu đầu can Sĩ Huy, khuyên nên ra đón Đái Lương. Sĩ Huy nổi giận, lấy roi đánh chết Hoàn Lân. Anh Hoàn Lân là Trị, con Hoàn Lân là Phát (Sử cũ chép lầm là các con nhà anh của Lân là Trị và Phát), họp quân trong họ lại đánh Sĩ Huy. Sĩ Huy đóng cửa thành cố thủ. Bọn Hoàn Trị đánh mãi mấy tháng, không hạ được thành, mới giao ước hòa hảo với nhau; hai bên cùng rút quân. Về phần Lữ Đại nhận được tờ chiếu chúa Ngô bảo giết Sĩ Huy, Đại mới từ Quảng Châu đi gấp vào Hợp Phố, cùng với Đái Lương cùng tiến thẳng đến nơi, dụ dỗ con Sĩ Nhất là trung lang tướng Sĩ Khuông, để Sĩ Khuông bảo Sĩ Huy ra thú tội, thì dẫu mất chức quận thú, nhưng không có sự gì khác đáng lo. Lữ Đại cũng đi theo luôn Sĩ Khuông đến, thì bọn anh Sĩ Huy là Chi, em là Cán và Tụng sáu người cởi trần ra đón Lữ Đại. Lữ Đại từ chối, bảo mặc áo lại (Sử cũ chép sai là mặc áo thường), rồi Lữ Đại tiến thẳng đến trước quận. Sớm ngày hôm sau, xếp đặt màn trướng, cho mời anh em Sĩ Huy theo thứ tự tiến vào. Trong khi quan khách ngồi đầy cả, Lữ Đại đứng lên, cầm phù tiết, tuyên đọc chiếu thư, kể tội Sĩ Huy, rồi sai trói lại đem chém, đưa thủ cấp về Vũ Xương. Còn Sĩ Nhất, Sĩ Vĩ và Sĩ Khuông ra hàng sau, vua nước Ngô tha tội cho; bọn này cùng với con Sĩ Nhiếp là Hâm đang làm con tin bên Ngô, đều bị cách chức làm dân thường. Mấy năm sau, Nhất và Vĩ phạm pháp, đều bị giết; chỉ có Sĩ Khuông bị bệnh chết trước. Khi Sĩ Hâm mất, bộ tướng của Sĩ Huy là Cam Lễ cùng với Hoàn Trị đem các quan lại và nhân dân đánh Lữ Đại. Lữ Đại ra sức đánh phá được, nên được thăng phong lên làm Phiên Ngung hầu. Bấy giờ mới bỏ Quảng Châu, lại để làm Giao Châu như cũ.

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Khi cha mất rồi, Sĩ Huy đã không xin mệnh trên, tự lập làm thái thú, lại đem quân ra cự lại! Như thế, đối với lẽ phải, cố nhiên là nên đánh Sĩ Huy rồi; nhưng Lữ Đại dụ người ra đầu hàng để mà giết đi thì là trái lẽ. Giữ tin thực, là việc quý của một nước. Sĩ Huy đã ra hàng, nên trói đưa về Vũ Xương, để quyền sinh sát cho người trên định. Như vậy, mình có uy tín đối với kẻ dưới, chẳng cũng hay lắm dư! Tôn Thịnh có nói: "Hòa người phương xa, được lòng người gần, không gì hay bằng điều tín". Lữ Đại kết thân với Sĩ Khuông như thày, như bạn để thông tin tức và thề ước với Sĩ Huy, khi anh em Sĩ Huy cởi trần chịu tội, dốc lòng gửi mạng, thế mà Lữ Đại lại nhân đấy diệt đi, để cầu lấy công lợi. Do việc này, người quân tử biết rằng Tôn Quyền là người không biết cách kinh lý nơi xa và họ Lữ không được lâu dài.

Lời chua - Lữ Đại: Tên tự là Đinh Công, người đất Hải Lăng thuộc Quảng Lăng, trước được bổ làm trưởng đất Dư Diêu, đến khi Cối Kê có giặc, Tôn Quyền cho Lữ Đại làm đốc quân hiệu úy, đem quân dẹp yên, được thăng làm thái thú Lư Lăng; đến đây, sang thay Bộ Chất, làm thứ sử Giao Châu.

Nước Ngô thăng chức cho Lữ Đại làm trấn nam tướng quân, rồi lại cho làm Giao Châu mục.

Lữ Đại đã dẹp yên loạn Sĩ Huy ở Giao Châu, lại tiến quân đánh quận Cửu Chân, vừa giết vừa bắt được kể có hàng vạn người, rồi lại sai người làm việc tuyên dương giáo hóa Trung Quốc vào miền nam cho cả vùng ngoài biên thùy. Các vua nước Phù Nam, nước Lâm Ấp và nước Đường Minh đều sai sứ dâng cống. Chúa nước Ngô, Tôn Quyền, ngợi khen công của Lữ Đại, phong lên làm trấn nam tướng quân. Năm Hoàng Long thứ 3 (231) dân Mán Ngũ Khê quận Vũ Lăng (nước Ngô) làm phản. Chúa Ngô cho rằng đất đai về mặt nam đã yên rồi, cho triệu Lữ Đại về. Thái thú Hợp Phố là Tiết Kính Văn (Sử cũ chép là Tông) sợ rằng người sang thay Lữ Đại không được tốt chăng, bèn dâng sớ sau đây lên vua Ngô: "Xưa kia, vua Thuấn đi tuần phía Nam, mất ở quận Thương Ngô. Nhà Tần đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận, thì bốn quận ấy thuộc vào đất Trung Quốc cũng đã lâu lắm. Triệu Đà khởi lên ở Phiên Ngung, vỗ về thuần phục được vua Bách Việt. Đấy là những nước về phía nam quận Châu Quan. Vũ đế nhà Hán giết Lữ Gia, mở rộng ra làm chín quận, đặt quan thứ sử để trấn thủ và cai quản, rồi đưa người Trung Quốc sang ở lẫn với dân bản thổ, cho dân bản thổ học viết qua loa và võ vẽ biết được ngôn ngữ Trung Quốc; lại có sứ thần thời thường đi lại, (họ) trông thấy lễ nghi mà tự thay đổi theo. Đến khi Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân, dựng ra trường học, dìu dắt nhân dân theo đường lễ nghĩa. Nhưng mà, (ở đấy) là nơi đất rộng, người nhiều, rừng hiểm, nước độc, dân dễ khởi loạn. Vả lại, đất này ở ngoài hẳn chín cõi, cách lựa chọn chức quan cầm đầu việc cai trị phần nhiều

không được kỹ mấy. Như tôi được biết có các việc sau đây: Nam hải Hoàng Cái sang làm thái thú Nhật Nam, khi mới xuống xe, thấy cách đón tiếp không được long trọng, đánh chết người chủ bạ, rồi Hoàng Cái cũng bị dân đuổi đi. Thái Thú Cửu Chân, Đam Manh, làm chủ tiệc rượu của bố vợ là Chu Kinh, mời cả các quan to đến dự. Lúc rượu đã say, nổi khúc nhạc vui, Công Tào Phiên Hâm đứng lên múa, mời Chu Kinh múa. Chu Kinh không chịu đứng dậy, Phiên Hâm còn cứ ép Kinh mãi. Đam Manh tức giận cầm trượng đánh Phiên Hâm. Em Hâm là Miêu đem dân chúng đến đánh phủ lỵ. Đam Manh đến nỗi phải chết. Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp (thấy thế), sai quân đến đánh, cuối cùng vẫn không dẹp được. Lại như việc thứ sử trước đây là Chu Phù, người quận Cối Kê, phần nhiều đem người làng, như bọn Ngu Bao, Lưu Nghiệm ra làm trưởng lại, chiếm đoạt nhũng nhiễu nhân dân, cưỡng bức dân phải nộp phú thuế: cứ mỗi một con cá vàng, thu một hộc lúa. Nhân dân ta oán, kéo nhau đánh châu này, phá quận kia. Chu Phù phải bỏ chạy về đường biển, rồi trôi giạt đâu mất. Sau đó đến Trương Tân, người quận Nam Dương, không có uy lực mấy, bị người ta khinh nhờn, rồi bị giết chết. Sau nữa, Lưu Biểu sai Lại Cung là bậc cao tuổi sang làm quan, Lại Cung là người cẩn thận, nhưng hiền lành, không hiểu việc đời. Kế đó lại sai Ngô Cự làm thái thú quận Thương Ngô, Ngô Cự là người vũ phu nóng nảy. Lại Cung không phục tòng, rồi hằn học lẫn nhau, Ngô Cự đuổi Lại Cung ra khỏi Giao Châu. Khi Bộ Chất đến nơi rồi, thì lúc đó bộ tướng cũ của Trương Tân trước, như bọn Di Liêu, Tiền Bác, vẫn còn khá nhiều. Bộ Chất tiễu trừ được dần, xếp đặt vừa mới tạm ổn, thì lại bị gọi về. Lữ Đại bình xong đám loạn Sĩ Huy, đổi đặt trưởng lại, làm sáng tỏ cương kỷ, uy thanh ra các muôn dặm, đâu đấy đều vâng theo cả. Xem như thế thì việc yên ủi dân ngoài biên cương, vỗ về người cõi xa xôi, cần phải có người giỏi. Chức mục bá, nên lựa lấy người thanh liêm. Ngoài nơi hoang phục, thì việc họa hay phúc lại càng quan hệ ở quan lại. Ngày nay Giao Châu tuy rằng tạm yên, nhưng còn có bọn giặc cũ ở Cao Lương. Còn biên giới bốn quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm và Châu Quan chưa yên, giặc cướp vẫn thường tụ họp quấy nhiễu. Nếu Lữ Đại không trở lại phương Nam nữa, thì nên chọn người có thao lược, mưu kế, cho làm thứ sử để phủ dụ dân chúng. Đối với người ấy, nên cho họ có uy quyền, được tùy tình thế à tìm cách đối phó, cốt phải làm được có hiệu quả tốt, như thế thì may ra mới có thể hàn gắn được. Còn những hạng người thường, chỉ biết giữ lề lối cũ, không có mưu hay chước lạ gì, thì lũ ác nghịch ngày thêm nảy nở, lâu ngày thành hại. Vì thế, sự an nguy trong nước quan hệ ở việc dùng người. Vậy việc này không thể không xét kỹ được". Chúa nước Ngô nghe theo lời sớ này, lại cho Lữ Đại làm Giao Châu mục.

Lời chua - Tiết Kính Văn: Người ấp Trúc, quận Bái, khi còn nhỏ, theo người trong họ, lánh loạn sang ở Giao Châu, theo học Lưu Hi. Khi Sĩ Nhiếp đã quy phụ Tôn Quyền, Kính Văn được vời làm ngũ quan trung lang tướng, thăng lên làm thái thú Hợp Phố. Khi Lữ Đại đem quân sang đánh Giao Châu, Kính Văn với Lữ Đại cùng đi, vượt biển sang đánh phương Nam.

Châu Quan: Nguyên là quận Hợp Phố nhà Hán, đến Ngô đổi làm châu quan.

Phù Nam: Tên nước. Xem đời Hùng Vương (Tb.I, 7).

Lâm Ấp: Tên nước. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9(Tb.3, 20).

Đường Minh: Tên nước. Ở trong vụng biển, cách quận Nhật Nam bảy nghìn dặm về phía Bắc, tức là nước Đạo Minh.

Cao Lương: Tên huyện, thuộc quận Hợp Phố.

Năm Mậu Thìn (248). (Ngô, năm Xích Ô thứ 11; Hán, năm Diên Hi thứ 11; Ngụy, năm Chính Thủy thứ 9).

Bà Triệu Ẩu, người quận Cửu Chân, họp dân chúng đánh phá các quận huyện. Thứ sử Lục Dận đi đánh, dẹp yên.

Người quận Cửu Chân lại đánh phá thành ấp. Các châu quận đâu đấy đều náo động, chúa nhà Ngô cho đốc quân đô úy châu Hành Dương là Lục Dận làm thứ sử kiêm chức hiệu úy. Lục Dận đến nơi, dùng ấn tín hiểu dụ, hơn ba vạn nhà ra đầu hàng; đất Giao Châu lại yên. Bây giờ có người con gái quận Cửu Chân là Triệu Ẩu tụ họp dân chúng, giành cướp các quận huyện; Lục Dận đi đánh, dẹp yên.

Lời chua - Lục Dận: người đất Ngô quận, cháu họ Lục Tốn, người nước Ngô. Lục Dận trước làm tuyển tào lang, sau làm đốc quân đô úy Hành Dương. Đến khi giặc Man Di quận Cửu Chân đánh và hạ được các thành ấp, Giao Châu náo động, chúa nước Ngô dùng Lục Dận làm thứ sử Giao Châu.

Bà Triệu Ẩu: Theo sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử nhà Tống, trong miền núi quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, tụ họp đồ đảng đánh cướp các quận huyện thường mặc áo vải mộc màu vàng, đi guốc, cưỡi đầu voi, xông ra trận đánh. Sau khi chết, thành thần. Nay có đền thờ ở xã Phú Điền, huyện Mỹ Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Lời phê - Con gái nước ta, nhiều người hùng dũng khác thường. Bà Triệu Ẩu cũng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem như vậy thì Bắc sử chép chuyện thành Phu Nhân quân nương tử, há có phải chỉ Trung Quốc là có đàn bà nổi danh tiếng đâu? Nhưng nói là vú dài ba thước thì cũng quái gở, đáng cười!

Năm Quý Mùi (263). (Ngô, năm Vĩnh An thứ 6; Hán, năm Viêm Hưng thứ 1. - Năm này nhà Hán mất. Ngụy, năm Canh Nguyên thứ 4).

Tháng 5, mùa hạ. Kẻ lại quận Giao Chỉ là Lữ Hưng giết Thái thú quận ấy là Tôn Tư, đem quận Giao Chỉ đầu hàng nhà Ngụy (Sử cũ chép lầm là hàng nhà Tấn).

Trước kia, nhà Ngô dùng Tôn Tư làm Thái thú Giao Chỉ. Tôn Tư là người tham lam bạo ngược, thường chọn bắt hàng hơn nghìn người thợ thủ công khéo ở trong quận đưa sang Kiến Nghiệp; nhân dân khổ sở về việc đó. Đến đây, chúa nước Ngô sai Đặng Tuân đến quận, Đặng Tuân lại tự tiện bắt dân phải nộp ba mươi con công đưa sang Mạt Lăng. Nhân dân sợ phải làm lực dịch ở nơi xa, do đấy định mưu làm loạn. Kẻ quận lại là Lữ Hưng giết cả Tôn Tư và Đặng Tuân, rồi xin với nhà Ngụy đặt Thái thú khác và cho quân sang đóng. Quận Cửu Chân và Nhật Nam đều hưởng ứng việc này.

Năm Giáp Thân (264). (Ngô, Tôn Hạo, năm Nguyên Hưng thứ 1; ngụy, năm Hàm Hi thứ 1).

Tháng 7, mùa thu. Nhà Ngô lại chia đất Giao Câu, đặt ra Quảng Châu.

Năm ấy, nhà Ngô cắt ba quận Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm đặt làm Quảng Châu, châu lỵ ở Phiên Ngung; Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố làm Giao Châu, châu lỵ ở Long Biên. Việc chia ra Giao Châu và Quảng Châu bắt đầu từ đấy.

Lời chua - Nam Hải: Xem An Dương Vương, năm 44 (Tb.1, 11). Thương Ngô, Uất Lâm, Nhật Nam, Hợp Phố: Xem Triệu Vương, Kiến Đức, năm thứ 1. (Tb.2, 4...).

Nhà Ngụy dùng Lữ Hưng làm An Nam tướng quân, đô đốc mọi việc quân ở Giao Châu; dùng Hoắc Giặc ở xa lĩnh chức Thứ sử Giao Châu.

Nhà Ngụy phong Lữ Hưng làm An Nam tướng quân, đô đốc mọi việc quân ở Giao Châu; dùng nam trung giám quân là Hoặc Giặc, ở xa lĩnh chức Thứ sử Giao Châu, được quyền tùy tiện kén bổ các trưởng lại. Hoặc Giặc đề cử Thoán Cốc (có chỗ chép là Phàn Cốc) làm Thái thú GiaoChỉ, thống suất thuộc lại trong nha môn mình là lũ Đổng Nguyên và Vương Tố đem quân đến giúp đỡ Lữ Hưng. Quân chưa đến nơi, Lữ Hưng đã bị công tào Lý Thống giết chết; Thoán Cốc cũng chết.

Năm Ất Dậu (265). (Ngô, năm Cam Lộ thứ 1; Tấn, Vũ đế, năm Thái Thủy thứ 1).

Nhà Tấn dùng Mã Dung làm Thái thú Giao Chỉ. Mã Dung bị bệnh mất. Hoắc Giặc đề cử Dương Tắc sang thay.

Lời chua - Mã Dung: người Ba Tây.

Dương Tắc: người Kiện Vi.

Năm Mậu Tí (268). (Ngô, năm Bảo Đinh thứ 3; Tấn, năm Thái Thủy thứ 4).

Nhà Ngô dùng Lưu Tuấn làm thứ sử Giao Châu, đánh lại Dương Tắc nhà Tấn. Dương Tắc đánh phá được quân Lưu Tuấn ở Cổ Thành.

Nhà Ngô dùng Lưu Tuấn làm thứ sử, cùng với bộ đốc trước là Tu Tắc (Sử cũ chép lầm là đại đô đốc Tu Tắc), tướng quân là Cố Dung, trước sau ba lần đánh vào Giao Châu, nhưng Dương Tắc đều đem quân chống cự lại và đánh phá được cả. Quận Uất Lâm, quận Cửu Chân đều phụ theo với Dương Tắc.

Dương Tắc sai tướng quân là Mao Quế (Sử cũ chép lầm là Linh), Đổng Nguyên, nha môn tướng là bọn Mạnh Cán, Mạnh Thông, Lý Tùng, Vương Tố, Thoán Năng, đi từ đất Thục sang Giao Chỉ, đánh phá quân Ngô ở Cổ Thành, giết được Tu Tắc và Lưu Tuấn quân còn sót lại đều tan rã cả. Nhân thế, Dương Tắc đề cử Mao Quế làm thái thú Uất Lâm, Đổng Nguyên làm thái thú Cửu Chân.

Lời chua - Cổ Thành: Tức là thành Hợp Phố.

Năm Kỷ Sửu (269). (Ngô, năm Kiến Hành thứ 1; Tấn, năm Thái Thủy thứ 5).

Tháng 11, mùa Đông. Nhà Ngô đem quân sang đánh Dương Tắc nhà Tấn.

Nhà Ngô sai giám quân là Ngu Phiếm, úy nam tướng quân là Tiết Hủ và thái thú Thương Ngô là Đào Hoàng đi đường Kinh Châu; giám quân là Lý Húc (Sử cũ chép sai là Đỉnh) và đốc quân là Từ Tồn đi đường biển Kiến An. Cả hai đạo gặp nhau ở Hợp Phố để sang đánh Dương Tắc. Lý Húc, vì thấy đi đường biển không được tiện lợi, bèn giết tướng đưa đường là Phùng Phỉ, rồi đem quân về. Chúa nhà Ngô cho rằng Lý Húc đã giết uổng Phùng Phỉ và tự tiện rút quân về, nên bắt cùng với Từ Tồn đều phải tội chết.

Năm Tân Mão (271). (Ngô, năm Kiến Hành thứ 3; Tấn, năm Thái Thủy thứ 7). Đào Hoàng nhà Ngô đánh và bắt được bọn Dương Tắc nhà Tấn. Nhà Ngô lại lấy được đất Giao Chỉ, chia đất ấy ra làm quận Tân Xương.

Trước kia, Đào Hoàng và bọn Ngu Phiếm, Tiết Hủ chống nhau với Dương Tắc ở trên sông Phần. Đào Hoàng thua, lui giữ quận Hợp Phố, chết mất hai tướng. Tiết Hủ tức giận, bảo Đào Hoàng: "Ngươi tự dâng biểu xin đi đánh giặc mà để mất hai tướng, trách nhiệm ấy tại ai?". Đào Hoàng thưa: "Tôi là quan cấp dưới, không được làm theo ý muốn của mình, quân sĩ không hòa thuận nhau, nên đến nỗi bị thua đó thôi". Tiết Hủ chưa nguôi giận, muốn đem quân về. Đêm hôm ấy Đào Hoàng đem vài trăm quân đánh úp Đổng Nguyên, bắt được của báu đưa xuống thuyền chở về. Tiết Hủ thấy thế mới xin lỗi Hoàng, dùng Hoàng lĩnh chức đô đốc quân tiền bộ ở Giao Châu, Đào Hoàng lại đi đường biển, nhân lúc không ngờ, đi tắt đến Giao Châu. Đổng Nguyên đem quân ra chống cự. Các tướng của Hoàng đều muốn ra đánh, nhưng Hoàng ngờ trong chỗ cầu đổ có lẽ có quân mai phục, mới để toán quân sử dụng trường kích dàn riêng hàng ngũ ở phía sau. Khi quân hai bên mới giáp trận, Đổng Nguyên giả cách rút lui; Đào Hoàng đuổi theo, quả nhiên quân mai phục đổ ra. Quân trường kích của Hoàng đón đánh, phá tan được quân địch và giết Đổng Nguyên tại trận. Lúc đó Đào Hoàng lấy tất cả những thuyền chở của báu và mấy nghìn tấm thổ cẩm mà trước kia cướp được, đem gửi cho tướng giặc Phù Nghiêm là Lương Kỳ (Sử cũ chép sai là Lương Tề). Lương Kỳ đem hơn một vạn người đến giúp Đào Hoàng. Bấy giờ Dương Tắc dùng bộ tướng là Vương Tố thay Đổng Nguyên. Dũng tướng của Đổng Nguyên là Giải Hệ cùng ở trong thành. Đào Hoàng sai em Hệ là Tượng viết thư cho Hệ; lại sai Tượng đi xe độc mã, có người thổi sáo, đánh trống, hộ vệ diễu đi. Bọn Vương Tố thấy thế, bảo nhau: "Tên Tượng là em Giải Hệ còn được như thế, chắc hẳn Giải Hệ cũng có ý muốn đi theo". Họ bèn giết Hệ. Đào Hoàng nghe tin ấy, lập tức đem quân đánh gấp, phá được châu lỵ, bắt được bọn Dương Tắc và Mao Quế. Mao Quế ngầm lập mưu đánh úp Đào Hoàng. Việc ấy tiết lộ, Đào Hoàng bắt giết Mao Quế, rồi cho đưa bọn Dương Tắc về nước Ngô. Đi đến Hợp Phố, Tắc bị bệnh chết. Còn bọn Mệnh Cán, Lý Tùng, Thoán Năng khi về đến Kiến Nghiệp, thì Mạnh Cán trốn về với nhà Tấn; nhà Tấn dùng làm thái thú Nhật Nam. Lý Tùng và Thoán Năng đều bị nhà Ngô giết cả. Nhà Tấn truy tặng cho Dương Tắc chức thứ sử Giao Châu, các con của Mao Quế, Lý Tùng và Thoán Năng đều được phong tước quan Nội hầu. Viên Công Tào quận Cửu Chân là Lý Tộ giữ toàn được quận, đem quận ấy phụ thuộc về nhà Tấn. Đào Hoàng sai tướng đến đánh không được. Cậu Lý Tộ là Lê Hoảng (có chỗ chép là Lê Minh) đi theo quân thứ nhà Ngô, khuyên Lý Tộ ra hàng. Lý Tộ đáp: "Cậu cứ việc làm tướng bên Ngô, tôi cứ việc thần phục bên Tấn, ngưoời nào cũng chỉ nhìn vào sức mạnh mà mình cho là có thể trông cậy được". Lý Tộ giữ thành không hàng. Quân của Đào Hoàng đánh mãi mới hạ được thành.

Lời chua - Đào Hoàng: Con Đào Cơ, người Mạt Lăng thuộc Đan Dương.

Tân Xương: Theo chú thích của Hồ Tam Tỉnh, Tân Xương tức là Phong Châu, nay là đất tỉnh Sơn Tây.

Nhà Ngô dùng Đào Hoàng làm thứ sử, giữ phù tiết tiền tướng quân, Giao Châu mục, đô đốc mọi việc quân ở Giao Châu.

Sau khi Đào Hoàng phá được bọn Dương Tắc, bình được Giao Châu, nhà Ngô dùng luôn làm chức Châu mục. Đào Hoàng là người có mưu chước, biết thương kẻ khó, sẵn lòng bố thí, được lòng dân. Người ta ai cũng thích giúp việc, nên Hoàng đi đến đâu cũng được thành công. Bấy giờ tại các quận Vũ Bình, Cửu Đức, Tân Xương, vì thế đất hiểm trở, dân Di, Lạo hung hăng mạnh tợn, đã từ lâu vẫn không chịu thần phục. Đào Hoàng đem quân đi đánh, dẹp yên, mở thêm đất, đặt làm ba quận và hơn 30 huyệnở các nước phụ thuộc với quận Cửu Chân. Sau đó, nhà Ngô gọi Đào Hoàng về làm đô đốc quận Vũ Xương, và dùng Tu Doãn là thái thú quận Hợp Phố, sang thay. Có đến hàng nghìn người dân bản thổ (Giao Châu) xin giữ Đào Hoàng ở lại. Chúa nhà Ngô lại cho Hoàng trở về châu lỵ cũ.

Lời chua - Vũ Bình: Vốn là đất huyện Phong Khê, đặt ra từ nhà Ngô, Vũ Bình thống trị 7 huyện: đời Tùy bỏ quận, đổi làm huyện Long Bình; đời Đường đổi làm huyện Vũ Bình rồi lại đặt làm Đằng Châu. Triều Đinh, Lê đổi làm phủ Thái Bình; triều Trần đổi gọi Khoái Lộ; triều Lê đổi đặt làm hai phủ Tiên Hưng và Khoái Châu. Nay là địa hạt Hưng Yên.

Cửu Đức: Đất của Việt Thường thị xưa, nhà Ngô lấy đặt làm quận Cửu Đức,thống trị 8 huyện. Đời Tấn, Tống, Tề vẫn cứ theo cũ; nhà Lương bỏ quận, đổi làm huyện Cửu Đức thuộc quận Nhật Nam; nhà Đường đổi cho thuộc Hoan Châu. Nay là đất Hà Tĩnh.

Năm Canh Tí (280). (Tấn, năm Thái Khang thứ 1).

Quan mục ở Giao Châu của nhà Ngô là Đào Hoàng đầu hàng nhà Tấn. Tấn hạ chiếu cho Hoàng làm chức cũ.

Chúa Ngô là Tôn Hạo, khi đã đầu hàng nhà Tấn, tự tay viết thư khuyên Hoàng nên về với Tấn. Nhận thư ấy, Hoàng sụt sùi ứa nước mắt đến mấy ngày, rồi sai đưa nộp ấn và thao về Lạc Dương. Vua Tấn hạ chiếu cho Hoàng giữ chức cũ, phong tước Uyển Lăng hầu, đổi làm quán quân tướng quân.

Khi nhà Tấn đã đánh được nhà Ngô, giảm bớt số quân ở các châu quận (Sử cũ chép sai là bắt lính Giao Châu). Đào Hoàng dâng thư trình bày: "Giao Châu ở trơ trọi một nơi, liền sát núi, biển, cách nước Lâm Ấp ở ngoài chỉ độ 700 dặm (Sử cũ chép sai là mấy nghìn dặm). Tướng người Di ở Lâm Ấp là Phạm Hùng, suốt đời làm kẻ cướp lẩn lút, thường đánh cướp nhân dân. Hắn lại còn liên kết với Phù Nam, thường làm giặc cướp đánh phá các quận huyện, giết hại quan và dân. Tôi trước làm quan nước Ngô, được cử đem quân đóng ở bên Nam có đến hơn mười năm. Trước sau nhiều phen đi đánh dẹp, tuy có giết được tướng lĩnh họ, nhưng vì ở chỗ núi sâu hang cùng, nên còn có kẻ ẩn núp được. Vả lại, quân lính thuộc dưới quyền tôi tất cả có hơn tám nghìn người. Thủy thổ phương Nam nóng nược, ẩm thấp, (Sử cũ chép lầm là ôn nhuận), có nhiều khí độc; thêm vào đó nhiều năm phải đi đánh giặc, quân lính ngày một hao mòn, hiện còn có hai nghìn bốn trăm hai mươi người. Ngày nay bốn biển hợp nhất, đâu cũng thần phục cả, đáng lẽ nên cuốn áo giáp, hủy bỏ gươm, chăm lo về đường lễ nghĩa. Nhưng mà, người châu này lại không thích yên vui, ưa làm những sự khởi loạn. Vả lại, về phía nam Quảng Châu, cả vùng có đến hơn sáu nghìn dặm, trong đó có đến hơn năm vạn hộ không phục theo và không phụ thuộc. Những bọn ngang tàng ở Quế Lâm cũng có đến một vạn hộ nữa. Nói đến những người chịu phục dịch việc quan chỉ có hơn năm nghìn nhà. Hai châu Giao và Quảng, hình thế như môi với răng, phải có quân đóng mới giữ được. Lại còn đất Hưng Cổ thuộc Ninh Châu ở mạn thượng lưu, cách quận Giao Chỉ một nghìn sáu trăm dặm, đường thủy, đường lục đều tiện, hộ vệ lẫn nhau. Vậy thì số quân đóng ở châu chưa nên giảm bớt, để có vẻ yếu đuối cô đơn". Vua nhà Tấn theo lời Đào Hoàng. Đào Hoàng ở Giao Châu 30 năm, tỏ ra người có ân, có uy, được dân Giao Châu yêu mến. Khi Hoàng mất, vua Tấn dùng viên ngoại lang tán kỵ thường thị là Ngô Nghiện (Sử cũ chép chữ "Ngô" là họ "Ngô") làm chức nam trung đô đốc, thứ sử Giao Châu. Hồi Đào Hoàng mới mất, lính thú ở quận Cửu Chân nổi loạn, đánh đuổi thái thú Cửu Chân. Tướng giặc là Triệu Chỉ bao vây quận. Ngô Nghiện dẹp yên được cả. Ngô Nghiện làm quan được 25 năm, dân Giao Châu được yên ổn. Ngô Nghiện tự dâng biểu xin đổi người khác thay mình. Vua nhà Tấn cho Cố Bí sang thay. Cố Bí cũng là một quan tốt, cả châu ai cũng yêu mến. Kịp khi Cố Bí chết, người Giao Châu ép con Bí là Tham quản lĩnh công việc Giao Châu. Khi Cố Tham chết, em là Thọ cố ý cầu xin lên thay. Thọ giết người trưởng lại là Hồ Triệu, lại toan giết cả đốc quân thuộc dưới quyền mình là Lương Thạc. Lương Thạc chạy thoát, cất quân đánh giết được Cổ Thọ. Sau đó, Lương Thạc chuyên quyền, nhưng sợ dân tình không thuận, mới đón con Đào Hoàng là Uy, đương làm thái thú Thương Ngô, về lĩnh chức thứ sử Giao Châu. Đào Uy làm quan, rất được lòng dân, giữ chức được ba mươi năm thì chết. Em Uy là Thục, con Uy là Tuy, kế tiếp nhau làm thứ sử. Từ Đào Cơ đến Đào Tuy tất cả bốn đời, đều làm thứ sử. Đào Cơ là cha Đào Hoàng (Sử cũ chép sai là ông nội Đào Hoàng).

Lời chua - Phù Nam: Xem đời Hùng Vương (Tb.I, 7).

Năm Mậu Dần (318). (Đông Tấn, Nguyên đế, năm Đại Hưng thứ 1).

Tháng 10, mùa Đông. Nhà Tấn hạ chiếu gia phong cho thứ sử Quảng Châu là Đào Khản đô đốc các việc quân ở Giao Châu.

Theo Sử ký của Ngô [Thì] Sĩ, thời bấy giờ người Trường Sa là Vương Cơ cùng với giặc đất Thục là Đỗ Hoằng, và tú tài ở Giao Châu là Lưu Trầm cùng nhau làm phản. Đào Khản sai đốc hộ đánh phá, bắt được Lưu Trầm, chém được Vương Cơ. Vì có công ấy, Khản được phong chức nói trên.

Lời chua - Đào Khản: Người Phiên Dương.

Vương Cơ: Theo Tấn thư , trước kia có người ở Trường Sa tên là Vương Cơ, cha Vương Cơ tên là Nghị làm thứ sử Quảng Châu, rất được lòng dân chúng. Sau người Quảng Châu đón Vương Cơ làm thứ sử. Khi ấy gặp dư đảng giặc đất Thục là Đỗ Hoằng đem vàng cho Vương Cơ, xin đi đánh giặc Quế Lâm để tự lập công. Vương Cơ đem việc ấy bầy tỏ lên triều đình. Vương Đôn cho Vương Cơ là người khó chế ngự, vì có công hàng được Đỗ Hoằng, cũng muốn nhân đó sai đi đánh Lương Thạc. Vì vậy đổi Vương Cơ sang làm thứ sử Giao Châu. Lương Thạc nghe tin ấy, sai con đón Vương Cơ ở Uất Lâm. Vương Cơ giận việc đến đón chậm, trách rằng: "Đợi khi đến châu, sẽ hỏi tội cho!". Con Lương Thạc vội sai người về báo cho cha biết. Lương Thạc nói: "Chàng Vương đã làm hại Quảng Châu rồi, lại còn đến đây phá Giao Châu nữa sao!". Nói rồi liền cấm người trong châu không ai được ra đón. Quan Tư Mã ở phủ là Đỗ Tán thấy Lương Thạc không cho đón Vương Cơ, liền đem quân đánh Lương Thạc, bị Thạc đánh thua. Lương Thạc lại sợ những người kiều ngụ bênh vực Vương Cơ, bấy giờ đem bao nhiêu người khá giết đi hết, rồi tự lĩnh chức thứ sử Giao Châu. Vương Cơ đã bị Lương Thạc chống cự lại, liền đi sang Uất Lâm. Khi ấy Đỗ Hoằng đi đánh được giặc Quế Lâm về, gặp Vương Cơ ở giữa đường. Vương Cơ khuyên Đỗ Hoằng đánh lấy Giao Châu. Đỗ Hoằng vẫn có ý lấy Giao Châu đã lâu, mới cầm lấy phù tiết của Vương Cơ, bảo rằng: "Ta nên thay đổi nhau cầm, sao nên một người cầm!". Vương Cơ mới đưa phù tiết cho Đỗ Hoằng. Bấy giờ Vương Cơ với Hoằng và bọn Ôn Thiệu, Lưu Trầm đều làm phản. Liền đó, Đào Khản đến Quảng Châu, đánh giết được Ôn Thiệu, Lưu Trầm trước; rồi sai đốc hộ đánh Vương Cơ. Vương Cơ chạy, bị chết. Đào Khản sai quật thây lên đem chém.

Năm Quý Mùi (323). (Tấn, Minh đế, năm Thái Bình thứ 1).

Lương Thạc đánh giết thứ sử là Vương Lượng. Đào Khản sai quân đánh chém được Lương Thạc. Nhà Tấn dùng Đào Khản lĩnh chức thứ sử Giao Châu.

Trước kia, Vương Đôn dùng Vương Lượng làm thứ sử Giao Châu để đánh Lương Thạc. Lương Thạc đem quân vây Vương Lượng ở Long Biên, hạ được thành, cướp lấy phù tiết của Vương Lượng; Vương Lượng không cho, Lương Thạc chặt mất cánh tay trái của Lượng. Vương Lượng nói: "Chết, ta còn không sợ, chặt mất tay thì có làm gì!". Được hơn 10 ngày, Lượng chết. Lương Thạc giữ Giao Châu, vì hung bạo, nên mất lòng dân chúng. Đào Khản sai tham quân là Cao Bảo ánh chém được Lương Thạc. Vua Tấn cho Đào Khản lĩnh chức thứ sử Giao Châu, tiến phong cho hiệu là Chinh nam đại tướng quân khai phủ nghi đồng tam ti.

Lời chua - Long Biên: Còn tên gọi là Long Uyên. Xem thuộc Hán, Vũ đế, năm Nguyên Phong thứ nhất. (Tb.2, 7).

Năm Quý Sửu (353). (Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9).

Tháng 3, mùa xuân. Thứ sử Giao Châu là Nguyễn Phu đánh phá được nước Lâm Ấp.

Vua nước Lâm Ấp là Phạm Phật thường sang xâm lấn quấy nhiễu. Nguyễn Phu đem quân đi đánh, phá được hơn năm mươi lũy.

Lời chua - Lâm Ấp: Quốc giới của Việt Thường thị xưa; đời Tần là huyện Lâm Ấp, thuộc Tượng Quận; đời Hán đổi làm huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam. Cuối đời Hán, con viên Công tào ở huyện ấy là Khu Liên, giết huyện lệnh, tự lập làm vua nước Lâm Ấp. Sau vì Khu Liên không có con kế tự, cháu ngoại là Phạm Hùng lên thay làm vua, truyền ngôi đến con là Phạm Dật. Người gia nô Phạm Dật là Phạm Văn dạy Phạm Dật xây đắp thành trì, nhà cửa, đặt bày binh trận, chế tạo khí giới. Phạm Văn được Phạm Dật tin yêu. Kịp khi Phạm Dật chết, Phạm Văn cướp ngôi làm vua. Phạm Văn chết, con là Phạm Phật nối ngôi. Phạm Phật chết, cháu là Hồ Đạt lên làm vua. Đến Văn Địch, cháu năm đời của Phạm Phật, bị con vua Phù Nam là Đương Côn Thằng (có chỗ chép là Thuần) giết chết. Đại thần là Phạm Chư Nông bình được loạn ấy, tự lập làm vua. Chư Nông chết, con là Dương Mại lên kế vị. Dương Mại chết, con là Đốt lên làm vua, vẫn lại lấy tên là Dương Mại, thường sang lấn cướp quận Nhật Nam. Nhà Tấn sai Đàn Hòa Chi đi đánh. Dương Mại sợ, sai sứ sang triều cống; về sau, không triều cống nữa. Nhà Tùy sai Lưu Phương sang đánh. Chúa Lâm Ấp là Phạm Chí sai sứ sang tạ lỗi. Khoảng giữa niên hiệu Trinh Quán (627-649) nhà Đường, vua Lâm Ấp là Đầu Lê chết, con là Trấn Long bị giết, người trong nước lập con nhà cô của Đầu Lê là Gia Cát Địa lên làm vua, đổi quốc hiệu là Hoàn Vương, thường sang xâm lấn An Nam. Bị đô hộ nhà Đường là Trương Chu đánh phá, nước ấy mới bỏ Lâm Ấp, dời đến Chiêm, gọi là nước Chiêm Thành.

Liệt Thánh bản triều, trước mở cơ nghiệp ở đất này, sau thống nhất được toàn quốc; việc đóng đô ở đây đã xem xét kỹ càng, không khác gì các vua đời Tam đại dùng ngọc thổ khuê để đo bóng mặt trời ở Lạc Thủy, đem con linh quy để bói chỗ đóng đô ở Hoàng Hà . Kinh đô đóng ở đây, có cửa ải Hải Vân, có đèo Ngang, có cửa Thuận, có núi Thương Sơn. Thật là nơi kín đáo hiểm trở cũng như một cái kho của nhà Trời. Do đấy, thanh danh văn vật ngày thêm phồn thịnh, không triều đại nào trước đây có thể sánh kịp. Bây giờ, thành Phật thệ ở Phủ Thừa Thiên, thành Chà Bàn ở tỉnh Bình Định đều là di tích cố đô của Chiêm Thành đó.

Năm Canh Thìn (380). (Tấn, Hiến Vũ đế, năm Thái Nguyên thứ 5).

Tháng 10, mùa đông. Thái thú quận Cửu Chân là Lý Tốn chiếm giữ châu, làm phản.

Năm Tân Tị (381). (Tấn, năm Thái Nguyên thứ 6).

Tháng 7, mùa thu. Thái thú quận Giao Chỉ là Đỗ Viện đi đánh, dẹp yên được loạn Lý Tốn.

Theo Liệt truyện trong Tống thư, trước kia, Thái thú quận Cửu Chân là Lý Tốn, cha con khỏe mạnh, và có quyền thế, uy danh khống chế được đất Giao Châu. Nghe tin thứ sử Đằng Độn Chỉ sắp đến, Tốn sai hai con chia đi chẹn những chỗ hiểm yếu về đường thủy và đường bộ. Đỗ Viện thu thập quân sĩ đánh chém được Lý Tốn. Đất Giao Châu được yên. Nhà Tấn phong Đỗ Viện làm Long nhương tướng quân.

Lời chua - Đỗ Viện: Người huyện Chu Diên quận Giao Chỉ, gốc tích là người đất Kinh Triệu. Ông nội là Nguyên làm thái thú quận Ninh Phố, di cư sang ở quận Giao Chỉ.

Năm Kỷ Hợi (399). (Tấn, An đế, năm Long An thứ 3).

Tháng 3, mùa xuân. Vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt (có chỗ chép là Tu Đạt) vào lấn cướp. Đỗ Viện đánh phá được. Nhà Tấn thăng Đỗ Viện làm thứ sử Giao Châu.

Theo Lương thư , năm ấy, vua nước Lâm Ấp, là Phạm Hồ Đạt, lấn cướp quận Nhật Nam, bắt thái thú là Quế Nguyên; lại tiến sang cướp quận Cửu Đức, bắt thái thú là Tào Bính. Thái thú Giao Chỉ, Đỗ Viện, sai đốc hộ là bọn Đặng Dật đi đánh, phá tan được. Nhà Tấn liền thăng cho Đỗ Viện làm thứ sử.

Lời cẩn án - Tống thư và Lương thư đều chép năm Long An thứ 3 (399), thăng Đỗ Viện làm thứ sử Giao Châu, dính liền với năm có việc đánh phá Lâm Ấp . Sử cũ lại chép việc thăng Đỗ Viện làm thứ sử vào năm Thái Nguyên thứ 6 (381)5. Như thế là sai, nay theo sự thực đổi lại . Năm Tân Hợi (411). (Tấn, năm Nghĩa Hi thứ 7).

Tháng 4, mùa hạ. Giặc bên Tấn là Lư Tuần chạy sang Giao Châu. Thứ sử Giao Châu là Đỗ Tuệ Độ đánh và giết, đưa thủ cấp về Kiến Khang.

Trước đây, cháu họ Lư Tuần là Ân làm giặc. Ân chết, Lư Tuần đầu hàng nhà Tấn, được làm thứ sử Quảng Châu; đến đây, Tuần lại làm phản, bị bộ tướng của Lưu Dụ là Lưu Phiên đánh bại, phải chạy sang Giao Châu. Khi bấy giờ thứ sử trước là Đỗ Viện đã mất, vua Tấn cho con Viện là Tuệ Độ lên thay làm thứ sử. Khi tờ chiếu chưa đến nơi, Lư Tuần đã đánh úp và phá được Hợp Phố, đi tắt sang Giao Châu. Tuệ Độ đem các quan văn võ ở các châu phủ chống nhau với Lư Tuần ở trấn Thạch Kỳ, phá tan quân Lư Tuần. Tàn quân của Lư Tuần còn tới ba nghìn người, lại có dư đảng của Lý Tốn là bọn Lý Thoát, liên kết với dân Lý, Lạo tới hơn năm nghìn người để hưởng ứng với Lư Tuần. Lư Tuần đến bến sông bên Nam thành Long Biên. Tuệ Độ đem hết của nhà thưởng cho quân sĩ. Em Tuệ Độ là Tuệ Kỳ, thái thú Giao Chỉ, cùng với Chương Dân, Thái thú Cửu Chân, cùng đốc suất quân thủy, quân bộ. Tuệ Độ tự trèo lên chiếc thuyền cao cùng với Lư Tuần đánh giáp lá cà, dùng mồi tẩm dầu châm lửa ném đốt thuyền giặc, rồi cho quân bộ đứng hai bên bờ bắn xuống. Quân Lư Tuần bị vỡ. Lư Tuần trúng tên lăn xuống nước chết. Tuệ Độ vớt xác Lư Tuần, đem chém, sai đóng hòm đựng thủ cấp Lư Tuần, thủ cấp vợ con hắn và thủ cấp bọn Lý Thoát, đưa về Kiến Giang127 .

Lời chua - Tuệ Độ: Con thứ năm Đỗ Viện.

Thạch Kỳ: Tên trấn, ở phía Tây Nam phủ trị Giao Châu. Họ Hồ cắt nghĩa rằng: bờ cong queo gọi là Kỳ.

Năm Quý Sửu (413). (Tấn, năm Nghĩa Hi thứ 9).

Tháng 3, mùa xân. Nước Lâm Ấp lại sang cướp Cửu Chân. Đỗ Tuệ Độ đánh tan được.

Theo Lương thư , vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt lại sang cướp Cửu Chân. Tuệ Độ đi đánh phá được, chém con nó là Giao Long vương Chân Tri và tướng nó là bọn Phạm Kiện, bắt sống được hơn trăm người trong có con nó là Na Năng.

Năm Ất Mão (415). (Tấn, năm Nghĩa Hi thứ 11).

Nước Lâm Ấp xâm phạm Giao Châu. Tướng ở Giao Châu đánh bại quân Lâm Ấp.

Năm Canh Thân (420). (Tấn, Cung đế, năm Nguyên Hi thứ 2; Tống, Vũ đế, năm Vĩnh Sơ thứ 1).

Tháng 7, mùa thu. Đỗ Tuệ Độ đánh Lâm Ấp, phá tan được, bắt Lâm Ấp phải hàng.

Theo Lương thư , khi bấy giờ Tuệ Độ đi đánh, cả phá được nước Lâm Ấp, số người bị giết có tới quá nửa; nước Lâm Ấp phải xin hàng, dâng nộp voi lớn, vàng, bạc, vải hoa, mới được tha. Những người Lâm Ấp trước sau bị bắt đều được cho về. Sau đó, Tuệ Độ sai trưởng sử là Giang Du dâng biểu sang Tống báo tin thắng trận.

Tuệ Độ ở Giao Châu, ăn cơm rau, mặc áo vải, cấm những đền thờ thần nhảm nhí, dựng trường dạy học. Gặp phải năm đói thì lấy lương bổng riêng của mình phát chẩn cho dân. Tuệ Độ làm việc tinh tế chu đáo, coi việc công như việc nhà. Các quan lại và nhân dân ai cũng kính nể và yêu mến. Cửa thành đêm bỏ ngỏ, ngoài đường không ai nhặt của bỏ rơi. Khi Tuệ Độ mất, vua nhà Tống tặng chức Tả tướng quân và cho con là Hoằng Văn làm thứ sử. Hoằng Văn cũng là người khoan hòa, được lòng mọi người, nối tước phong là Long Biên hầu.

Lời chua - Hoằng Văn: Con trưởng Tuệ Độ. Trước kia, Vũ đế nhà Tống đi đánh miền bắc, Tuệ Độ dâng "phủ bản" xin cho Hoằng Vân làm thái thú Cửu Chân; đến đây, lại được kế chân Tuệ Độ làm thứ sử.

Bản: Tức là phủ bản. Theo Tống chí , được nhà vua bổ dụng thì làm chức tham quân, do quan tiến cử bằng "phủ bản" thì làm chức hành tham quân.

Năm Đinh Mão (427). (Tống, Văn đế, năm Nguyên Gia thứ 4).

Tháng 4, mùa hạ. Thứ sử Giao Châu là Đỗ Hoằng Văn chết. Nhà Tống dùng Vương Huy là thứ sử.

Nhà Tống với Hoằng Văn về làm đình úy. Bấy giờ Hoằng Văn đang bị bệnh, cũng tự mình cố gắng đi kiệu lên đường. Có người khuyên Hoằng Văn nên đợi khi bệnh khỏi sẽ đi. Hoằng Văn trả lời: "Nhà tôi ba đời giữ phù tiết, tôi vẫn muốn đem thân cống hiến đế đình, huống chi bây giờ lại có lệnh triệu". Nói rồi, nhất quyết đi, đến Quảng Châu thì mất.

Năm Tân Mùi (431). (Tống, năm Nguyên Gia thứ 8). Nước Lâm Ấp cướp Cửu Chân. Thứ sử Giao Châu là Nguyễn Di Chi đánh không được, kéo quân về.

Theo Sử ký của Ngô [Thì] Sĩ, bấy giờ vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại sai hơn một trăm thuyền lầu sang cướp Cửu Chân, vào cửa sông Tứ Hội. Thứ sử Giao Châu là Nguyễn Di Chi sai đội chủ là Tướng Đạo Sinh đem quân đi đánh. Đánh thành Khu Lật không được, kéo quân về.

Lâm Ấp, từ sau khi thứ sử Giao Châu là Đỗ Viện mất, không năm nào không vào cướp các quận Nhật Nam và Cửu Chân, giết hại nhiều lắm, đến nỗi Giao Châu bị hư nhược. Đầu năm Nguyên Gia (424- 453), Dương Mại lại càng xâm lấn dữ lắm. Hoằng Văn định đi đánh, nhưng nghe tin có người sang thay mình, nên lại thôi. Đến đây (Nguyên Gia thứ 8), Lâm Ấp lại đem lực lượng toàn quốc sang cướp. Hai biên giới Nhật Nam và Cửu Chân từ đấy mới sinh ra nhiều sự rối loạn.

Lời chua - Thành Khu Lật: Ở phía Bắc nước Chiêm Thành. Theo sách Thủy Kinh chú , sông Lư Dung phát nguyên từ núi cao ở phía Nam thành Khu Lật thuộc huyện Lư Dung, quận Nhật Nam, về mặt đông chảy qua phía Bắc thành Khu Lật . Binh khí chiến cụ của nước Lâm Ấp để ở cả trong thành ấy. Sau này Đàn Hòa Chi từ đồn Chu Ngô, tiến quân vây Phạm Phù Long ở thành Khu Lật, tức là thành Khu Lật này.

Năm Quý Dậu (433). (Tống, năm Nguyên Gia thứ 10).

Tháng 5, mùa hạ. Vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại sai sứ sang nhà Tống xin quản lĩnh Giao Châu. Vua Tống không cho.

Vua nước Lâm Ấp là Phạm Dương Mại sai sứ sang cống nhà Tống, xin quản lĩnh Giao Châu. Vua Tống xuống chiếu trả lời vì cớ ở xa, không cho. Ngay năm ấy, nhà Tống dùng Hữu quân tham quân là Lý Tú Chi làm thứ sử Giao Châu.

Năm Bính Tuất (466). (Tống, năm Nguyên Gia thứ 23).

Tháng 3, mùa xuân. Nhà Tống sai thứ sử Giao Châu là Đàn Hòa Chi đánh Lâm Ấp, thu được toàn thắng. Hòa Chi kéo quân vào kinh thành Lâm Ấp.

Trước kia, vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại tuy sai sứ sang cống hiến nhà Tống, nhưng vẫn cướp bóc Giao Châu luôn luôn. Vua Tống mới sai Đàn Hòa Chi đi đánh. Bấy giờ có người quận Nam Dương là Tông Xác, vốn là dòng dõi nhà Nho, nhưng riêng về phần Tông Xác lại thích võ nghệ, thường nói: "Muốn giong ruổi theo luồng gió, phá tan làn sóng muôn dặm". Đến khi Hòa Chi đi đánh Lâm Ấp, Tông Xác hăng hái quyết xin tòng quân: vua Tống cho Tông Xác làm chấn vũ tướng quân. Hòa Chi sai Tông Xác làm tiền phong. Phạm Dương Mại nghe tin quân Tống đã xuất phát, sai sứ dâng biểu xin trả lại những dân quận Nhật Nam trước kia đã cướp về và xin nộp một vạn cân vàng, mười vạn cân bạc. Vua Tống hạ chiếu cho Hòa Chi: "Dương Mại nếu quả thực lòng hàng phục cũng nên ưng cho quy thuận". Sau Dương Mại bị mê muội về lời can ngăn của đại thần là Đốc Tăng Đạt, nên không cho quy thuận nữa. Khi Đàn Hòa Chi đến đồn Chu Ngô, sai bọn hộ tào tham quân ở phủ thứ sử Giao Châu là Khương Trọng Cơ đi thẳng đến chỗ Dương Mại. Trọng Cơ bị Dương Mại bắt giữ lại. Đàn Hòa Chi giận lắm, tiến quân vây tướng Lâm Ấp là Phạm Phù Long ở thành Khu Lật. Dương Mại sai tướng là Phạm Côn Sa Đạt đến cứu, bị Tông Xác bí mật đem quân đón đánh, phá tan. Tháng 5, bọn Hòa Chi hạ thành Khu Lật, chém được Phù Long, nhân thắng thế, đánh vào Tượng Phố. Dương Mại đem cả quân trong nước ra đánh, và trang bị đầy đủ cho các thớt voi, trước sau không chỗ nào sơ hở. Tông Xác nói: "Nghe nói nước ngoài có giống sư tử, oai phục được trăm loài thú". Nói rồi, liền chế ra hình sư tử, để chống lại voi: quả nhiên voi sợ, chạy. Quân nước Lâm Ấp bị thua to. Vì thế, Đàn Hòa Chi đánh được nước Lâm Ấp. Dương Mại cùng với con đều chỉ chạy thoát thân. Hòa Chi lấy được của báu lạ không biết bao nhiêu mà kể, lại phá hủy những tượng đúc bằng vàng được mấy mươi vạn cân vàng. Tông Xác không lấy một thứ gì, khi về đến nhà khăn áo có vẻ tiêu điều.

Lời chua - Đàn Hòa Chi: Người đất Kim Hương thuộc Cao Bình. Đến năm Hiếu Kiến thứ 3 (456), đổi đi làm thứ sử Duyện Châu, can tội say rượu và nhũng loạn của công, bị bãi chức. Lúc bị bệnh, Hòa Chi thấy ma quỷ rợ Hồ hiện hình hành hạ, rồi chết.

Chu Ngô thú: Chu Ngô: tên huyện, từ nhà Hán về sau, thuộc quận Nhật Nam; bấy giờ ở đấy có đặt ra đồn lính thú ở phía bắc nước Chiêm Thành.

Tượng Phố: Tên huyện, ở phía tây bắc nước Chiêm Thành, vốn là huyện Tượng Lâm, về đời án, thuộc quận Nhật Nam. Đến đời Tùy, năm Đại Nghiệp (605-616) đổi thuộc về quận Lâm Ấp.

Tượng người vàng: Theo Tống thư, tục Lâm Ấp theo đạo Ni Kiền130 , đúc tượng người vàng người bạc, to đến mười vòng131 .

Năm Mậu Thân (468). (Tống, Minh đế, năm Thái Thủy thứ 4).

Tháng 3, mùa xuân. Người Giao Châu là Lý Trường Nhân chiếm giữ châu trị, tự xưng là Thứ sử.

Trước đây, nhà Tống dùng Lưu Mục làm Thứ sử Giao Châu. Lưu Mục bị bệnh chết. Người trong châu là Lý Trường Nhân giết những bộ thuộc của Lưu Mục đem từ Trung Quốc sang, rồi chiếm giữ đất Giao Châu làm phản, tự xưng làm Thứ sử. Nhà Tống lại dùng Nam Khang tướng là Lưu Bột làm Thứ sử Giao Châu. Khi Lưu Bột đến nơi, bị Trường Nhân chống cự lại; chưa được bao lâu, Lưu Bột mất. Nhân thế Trường Nhân sai sứ xin hàng, tự giáng chức mình xuống làm người chấp hành công việc Giao Châu. Vua Tống y cho.

Năm Kỷ Mùi (479). (Tống, Thuận đế, năm Thăng Minh thứ 3; Tề, Cao đế, năm Kiến Nguyên thứ 1).

Tháng 7, mùa thu. Nhà Tề dùng Lý Thúc Hiến là Thứ sử Giao Châu.

Thúc Hiến là em họ Trường Nhân. Trước kia, Trường Nhân mất, Thúc Hiến, do chân quyền Thái thú Vũ Bình, lên thay Trường Nhân, lĩnh việc Giao Châu. Vì hiệu lệnh của mình chưa được thi hành, nên sai sứ sang nhà Tống xin làm thứ sử. Nhà Tống dùng Thái thú Nam Hải là Thẩm Hoán làm Thứ sử Giao Châu và cho Thúc Hiến làm Ninh viễn quân tư mã, giữ chức thái thú hai quận Tân Xương và Vũ Bình. Khi Thúc Hiến đã nhận được lệnh triều Tống, dân chúng vui lòng phục tùng. Thúc Hiến liền đem quân giữ nơi hiểm yếu, không nhận Thẩm Hoán sang nhậm chức; Thẩm Hoán phải lưu lại Uất Lâm rồi chết ở đấy. Nhà Tề cho ngay Thúc Hiến làm thứ sử, để vỗ về đất miền Nam cho được yên ổn.

Lời chua - Tân Xương, Vũ Bình: Đều xem thuộc Ngô, năm Kiến Hành thứ ba. (Tb.3, 15).

Năm Ất Sửu (485). (Tề, Vũ đế, năm Vĩnh Minh thứ 3).

Lý Thúc Hiến đi đường tắt sang chầu nước Tề.

Bấy giờ Thúc Hiến đã phụng mạng nhà Tề làm thứ sử, nhưng không cống hiến gì cả. Tháng giêng mùa xuân năm ấy, nhà Tề dùng đại tư nông là Lưu Khải làm thứ sử, điều động quân các quận Nam Khang, Lư Lăng và Thủy Hưng sang đánh. Thúc Hiến sai sứ xin bãi binh, dâng mũ đâu mâu bằng bạc nguyên cất, đủ dùng cho hai mươi đội, và lông công để trang sức. Vua nước Tề không nghe. Thúc Hiến sợ bị Lưu Khải đánh úp, mới đi đường tắt từ Tương Châu sang châu nước Tề . Còn Lưu Khải thì vào trấn giữ Giao Châu.

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Do việc này ta nhận thấy hình pháp nước Tề thực là sai hỏng. Thúc Hiến là họ với kẻ bạn thần, lân la xin làm chức châu mục. Khi uy lệnh chưa thi hành được thì xin với Tề cho làm thứ sử; khi đã nhận được mệnh triều đình, thì lại chống cự thứ sử Thẩm Hoán ở Uất Lâm. Thế mà, Tề đối với Thúc Hiến khi chống cự lại, thì lại thực thụ cho làm thứ sử. Khi đã được nhà Tề trao cho cờ lệnh và ấn phù, Thúc Hiến lại thôi không cống hiến nữa. Đến khi Lưu Khải lĩnh mệnh sang đánh, nhà Tề lại để cho Thúc Hiến đi tắt vào chầu. Sau đó cũng không nghe nói nhà Tề tuyên bố tội trạng Thúc Hiến. Việc Đăng Chi xảy ra sau này cũng thế. Thưởng, phạt như vậy thì làm thế nào cho lòng người phục tùng và tỏ rõ được thể thống một nước? Lời chua - Nam Khang, Lư Lăng, Thủy Hưng: Nam Khang và Lư Lăng, hai quận này thuộc Giang Châu. Quận Thủy Hưng thuộc Tương Châu.

Tương Châu: Là Kinh Châu xưa, nhà Tấn chia đất 8 quận làm Tương Châu; nay thuộc đạo Hồ Nam.

Năm Mậu Thìn (488). (Tề, năm Vĩnh Minh thứ 6).

Tháng 6, mùa hạ. Nhà Tề dùng Thái thú Thủy Hưng là Phòng Pháp Thừa làm thứ sử Giao Châu.

Năm Canh Ngọ (490). (Tề, năm Vĩnh Minh thứ 8). Tháng 10, mùa đông. Trưởng sử Giao Châu là Phục Đăng Chi bắt giam thứ sử Phòng Pháp Thừa. Nhà Tề cho Đăng Chi làm thứ sử.

Trước kia, nhà Tề cho Pháp Thừa sang thay Lưu Khải. Pháp Thừa đến trấn, mượn cớ ốm đau, không trông nom đến việc quan, chỉ thích đọc sách. Vì thế, trưởng sử Phục Đăng Chi chuyên quyền, tự tiện thay đổi tướng và quan lại, không cho Pháp Thừa biết. Lục sự Phòng Quý Văn đem việc ấy nói với Pháp Thừa. Pháp Thừa giận lắm, bắt giam Đăng Chi vào ngục đến hơn mười ngày. Đăng Chi đút lót cho em rể Pháp Thừa là Thôi Cảnh Thúc, nên được thả. Sau khi ở ngục ra, Đăng Chi đem quân thuộc dưới quyền mình đánh úp châu lỵ, bắt Pháp Thừa, bảo Pháp Thừa rằng: "Sứ quân đã là người có bệnh hay yếu đau, không nên làm việc nhọc mệt". Hắn giam lỏng Pháp Thừa ở một nhà riêng. Pháp Thừa không có việc gì, lại đến nói với Đăng Chi cho sách để đọc. Đăng Chi trả lời: "Sứ quân nghỉ ngơi yên tĩnh, còn sợ bệnh lên cơn, lại còn xem sách thế nào được?". Rồi không cho sách. Đăng Chi liền tâu với triều Tề rằng Pháp Thừa bị bệnh tim, không thể trông nom việc quan được. Nhà Tề lại dùng Đăng Chi làm thứ sử Giao Châu. Pháp Thừa về đến Ngũ Lĩnh thì chết.

Năm Ất Dậu (505). (Lương, Vũ đế, năm Thiên Giám thứ 4).

Tháng 2, mùa xuân. Thứ sử Giao Châu nhà Tề là Lý Khải chiếm giữ Giao Châu, chống lại nhà Lương, bị trưởng sử Lý Tắc giết chết.

Lý Khải thay Đăng Chi làm thứ sử. Khải thấy nhà Lương mới được nhà Tề truyền ngôi vua cho, bèn giữ Giao Châu, chống lại nhà Lương. Đến đây, Lý Tắc đem quân giết Lý Khải. Nhà Lương dùng Lý Tắc làm thứ sử Giao Châu.

Lời cẩn án - Lý Khải , Sử cũ chép lầm là Lý Nguyên Khải . Năm Bính Thân (516). (Lương, năm Thiên Giám thứ 15).

Tháng 11, mùa đông. Thứ sử Giao Châu nhà Lương là Lý Tắc đánh dư đảng của Lý Khải là bọn Nguyễn Tôn Hiếu, chém được Tôn Hiếu, dẹp yên được đất Giao Châu. Nhà Lương tha hết tội cho tất cả người theo đảng làm loạn ở Giao Châu.

Lời chua - Tôn Hiếu: Sử cũ chép lầm là Tôn Lão.

Năm Quý Mão (523). (Lương, năm Phổ Thông thứ 4).

Nhà Lương chia đất Giao Châu, đặt ra Ái Châu.

Theo Sử ký của Ngô [Thì] Sĩ, từ đời Hán trở về sau, cho đơn vị châu kiêm quản các quận. Suốt đời Lục triều135 vẫn theo như thế, hễ gọi là Giao Châu tức là lỵ sở của thứ sử, thống lĩnh cả Thái thú bảy quận; các quận thú không được gọi là châu.

Lời chua - Ái Châu: Tức là đất quận Cửu Chân.

Từ đây trở lên, nước ta bị thuộc về Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương. Kể từ Tân Mùi, thuộc Hán, Vũ đế, Nguyên Phong thứ 1 (110 tr.c.ng.) đến năm Canh Thân, thuộc Lương, Vũ đế, Đại Đồng thứ 6 (540), cộng sáu trăm bốn mươi chín năm (110 tr.c.ng. - 540 tr.c.ng.).

Quyển thứ IV

Năm Tân Dậu (541). (Lương, năm Đại Đồng thứ 7).

Tháng 12, mùa đông. Người Giao Chỉ là Lý Bôn khởi binh, đánh đuổi thứ sử triều Lương là Tiêu Dư, rồi đóng giữ thành Long Biên.

Tổ tiên Lý Bôn gốc ở phương Bắc (Trung Quốc), cuối đời Tây Hán, tránh loạn sang ở phương Nam, đến Lý Bôn là đời thứ bảy đã thành người phương Nam. Lý Bôn tài kiêm văn võ làm quan triều Lương, coi đạo quân Cửu Đức. Vì bất đắc chí, nên về Thái Bình khởi binh. Tù trưởng huyện Chu Diên là Triệu Túc cũng đem quân theo Lý Bôn. Tiêu Tư biết rõ việc ấy, đem tiền của đút lót cho Lý Bôn rồi chạy về Quảng Châu. Lý Bôn liền giữ thành Long Biên.

Theo sách Cương mục (Trung Quốc), Lý Bôn là dòng dõi nhà hào trưởng. Lúc ấy có Tinh Thiều là người học giỏi, văn hay, đã sang triều Lương ứng tuyển để ra làm quan, nhưng Thượng thư bộ Lại triều Lương là Thái Tỗn cho rằng tiên tổ họ Tinh không có người hiển đạt, nên bổ cho làm Quảng Dương môn lang . Tinh Thiều lấy làm xấu hổ, trở về; mưu bàn việc khởi binh với Lý Bôn. Giữa lúc đó thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư vì tàn bạo khắc nghiệt mất lòng dân. Hai người, Lý Bôn và Tinh Thiều, nhân đấy liên kết với mấy châu, các tay hào kiệt đều hưởng ứng, theo cả.

Lời chua - Giao Chỉ: Xem Triệu Vũ vương, năm thứ 10 (Tb.I, 20). Sử cũ chép Lý Bôn người Thái Bình thuộc Long Hưng. Nay xét: tên Thái Bình đặt từ năm Vũ Đức thứ tư (621) triều Đường, tên Long Hưng đặt từ đời Trần (1225-1400). Đời Lương không có tên đất này. Sử cũ chỉ theo đó mà truy gọi thôi. Bây giờ ở xã Từ Đường, huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định138 còn có đền thờ Lý Bôn.

Long Biên: Tức là Long Uyên. Xem thuộc Hán, năm Nguyên Phong thứ nhất (Tb.2, 7).

Chu Diên: Xem thuộc Hán năm Kiến Vũ thứ 16 (Tb.2, 10).

Quảng Châu: Tên mới đặt từ triều Ngô (222-280), đất Giao Châu bị chia lấy một số thuộc về Quảng Châu.

Thái Tỗn: Người Khảo Thành, quận Tế Dương.

Tiêu Tư: Tước Vũ Lâm hầu, người cùng họ vua Lương.

Năm Quý Hợi (543). (Lương, năm Đại Đồng thứ 9).

Quân nước Lâm Ấp xâm lấn quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng Phạm Tu đi đánh và phá được ở Cửu Đức.

Lời chua - Lâm Ấp: Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb.3, 20-21).

Nhật Nam: Xem Triệu Thuật Dương vương, năm đầu (Tb.2, 5-6).

Cửu Đức: Xem thuộc Ngô, Kiến Hành năm thứ 3 (Tb.3, 15).

Năm Giáp Tí (544). (Lý, Nam Việt đế Bôn, năm Thiên Đức thứ 1; Lương, năm Đại Đồng thứ 10).

Tháng giêng, mùa xuân. Lý Bôn tự xưng là Nam Việt đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, tên nước là Vạn Xuân.

Lý Bôn nhân thắng quân địch, tự xưng đế, đặt niên hiệu gọi tên nước là Vạn Xuân, có ý mong xã tắc lâu dài đến muôn đời; dựng điện Vạn Xuân để làm chỗ triều hội.

Lời chua - Vạn Xuân: Theo sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử triều Tống, huyện Long Biên có đài Vạn Xuân139 . Đài này của Lý Bôn ở Giao Chỉ làm năm Đại Đồng triều Lương. Nay ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, có hồ Vạn Xuân, còn gọi là đầm Vạn Phúc. Vậy điện Vạn Xuân có lẽ ở đấy.

Đặt ra trăm quan.

Dùng Triệu Túc làm thái phó140 , Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ.

Năm Ất Sửu (545). ([Tiền] Lý, năm Thiên Đức thứ 2; Lương, năm Đại Đồng thứ 11).

Tháng 6, mùa hạ. Triều Lương sai Dương Phiếu, Trần Bá Tiên sang đánh. Nam Việt đế Lý Bôn chạy sang Gia Ninh.

Theo sách Cương mục (Trung Quốc), trước kia, Lý Bôn giữ thành Giao Châu, nhà Lương sai thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh và thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng đem quân sang đánh. Bấy giờ là mùa xuân, đương có khí lam chướng, bọn Quýnh xin đợi đến mùa thu; nhưng tước Vũ Lâm hầu là Tư cứ giục tiến quân. Đến quận Hợp Phố, thì quân bị vỡ, chúng lại quay về. Đến năm này, nhà Lương sai thứ sử Giao Châu là Dương Phiếu sang đánh Lý Bôn, cử Trần Bá Tiên làm tư mã; thứ sử Định Châu là Tiêu Bột cùng họp với Dương Phiến ở Tây Giang. Tiêu Bột biết ý các tướng sĩ sợ phải đi đánh xa, nên nói dối để Dương Phiếu ở lại. Dương Phiếu tập họp các tướng lại để hỏi mưu kế. Bá Tiên nói: "Quan thứ sử Định Châu muốn tạm an nhàn trước mắt, không nghĩ đến mưu kế lớn, Tiết hạ vâng mạng vua đi đánh kẻ có tội, dù sống chết thế nào cũng không quản ngại, lẽ nào dùng dằng không tiến quân để nuôi cho thế giặc thêm mạnh mà làm cho quân mình nản chí hay sao?". Bá Tiên liền thúc quân mình đi trước. Dương Phiếu cử Bá Tiên làm tiên phong; đến Giao Châu, Lý Bôn bị thua to, chạy sang thành Gia Ninh. Quân Lương tiến vây thành.

Lời chua - Gia Ninh: Theo Đường Nguyên Hòa (806-820) Quận huyện chí, Gia Ninh vốn là đất huyện Mi Linh do Hán đặt; nhà Ngô chia lập thành huyện Gia Ninh; sau để theo như thế.

Hợp Phố: Xem Thiệu Thuật Dương vương năm thứ 1 (b.2, 5).

Tây Giang: ở cách nửa dặm về phía Tây huyện Vĩnh Phúc thuộc phủ Quế Lâm (Trung Quốc).

Dương Phiếu: Người Tây Huyện thuộc Thiên Thủy.

Bá Tiên: Người Trường Tành thuộc Ngô Hưng, tức là Trần Cao Tổ sau này.

Tiêu Bột: Tôn thất nhà Lương.

Định Châu: Chỉ Tiêu Bột.

Tiết hạ: Nghĩa cũng như các hạ, chỉ Dương Phiến.

Năm Bính Dần (546). ([Tiền] Lý, năm Thiên Đức thứ 3; Lương, năm Trung Đại Đồng thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Bọn Dương Phiến đánh được thành Gia Ninh, Nam Việt đế Lý Bôn chạy đi Tân Xương.

Lời chua - Tân Xương: Tức là Phong Châu. Xem thuộc Ngô, năm Kiến Thành thứ 3 (Tb.3, 14).

Mùa thu, tháng tám. Nam Việt đế Lý Bôn đóng đồn ở hồ Điển Triệt. Quân Lương đến đánh, quân Lý Bôn bị vỡ, rút vào giữ động Khuất Lạo.

Theo sách Cương mục (Trung Quốc), Lý Bôn lại đem quân từ trong xứ người Lạo ra, đóng đồn ở hồ Điển Triệt. Quân Lương sợ, cứ đóng ở cửa hồ, không dám tiến. Bá Tiên bảo các tướng: "Quân ta ở đây đã lâu, mà lại không có quân tiếp viện. Bây giờ đã đi sâu vào trong nước người ta, nếu một trận đánh nào bất lợi, còn mong gì sống mà về được nữa? Chi bằng bây giờ nhân dịp quân địch đang thua luôn mấy trận, lòng người chưa cố kết, ta nên liều chết gắng sức quyết đánh bằng được. Nếu vô cớ cứ đóng ở đây thì việc hỏng mất!". Các tướng không ai trả lời. Đêm hôm ấy, nước sông bỗng lên to đến bảy thước, chảy rót vào trong hồ. Bá Tiên đốc thúc quân bản bộ mình theo dòng nước tiến đi trước. Quân Lương đánh trống, reo hò, kéo tràn vào. Quân Lý Bôn bị vỡ, lại trốn vào trong vùng người Lạo.

Sử cũ chép: Nam Việt đế Lý Bôn lại rút lui, giữ trong động Khuất Lạo, điều chỉnh binh lính, mưu tính chiến đấu về sau; giao cho tả tướng quân Triệu Quang Phục giữ nước, cầm quân chống nhau với Bá Tiên.

Lời chua - Hồ Điển Triệt: Theo lời chua của Hồ Tam Tỉnh trong sách Thanh Tông giám tập lãm , hồ này ở Tân Xương, tức là Phong Châu. Theo sách Phương dư kỷ yếu , của Cố Tổ Vũ đời Minh thì hồ Điển Triệt ở về phía Tây phủ Thái Nguyên, nay đã bị lấp. Trong hai thuyết ấy, chưa biết rõ ai phải, nay hãy ghi cả hai để cùng tham khảo.

Động Khuất Lạo: Không rõ ở đâu.

Năm Đinh Mão (547). (Nhà [Tiền] Lý, Năm Thiên Đức thứ 4; Lương, năm Thái Thanh thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Triệu Quang Phục đóng giữ Dạ Trạch.

Quang Phục cầm cự với Bá Tiên, chưa phân thua được. Quân Bá Tiên nhiều và mạnh lắm. Quang Phục liệu mình không chống nổi, bèn lui giữ Dạ Trạch. Dạ Trạch là cái chằm, chu vi không biết bao dặm mà kể, cỏ cây rậm rạp, giữa chằm có bãi ở được, bốn mặt thì bùn lầy. Người ở đấy thuộc đường, dùng sào đẩy thuyền độc mộc để đi lại. Quang Phục đem hơn một vạn người vào giữ trong chằm ấy: ban ngày thì bặt hẳn khói bếp thổi nấu, đến đêm thì đem quân ra đánh úp trại quân Lương giết chết và bắt được địch rất nhiều; trông vào những lương thực bắt được để làm kế duy trì lâu dài. Bá Tiên cứ theo dõi để đánh nhưng rút cục vẫn không thắng được. Người trong nước bấy giờ gọi Quang Phục là Dạ Trạch vương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét