Nguyễn Trãi

Ức Trai thi tập
[ 2 ]

Ký Hữu - Kỳ I

Loạn hậu thân bằng lạc diệp không
Thiên biên thư tín đoạn thu hồng
Cố viên quy mộng tam canh vũ
Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng*
Đỗ lão (1) hà tằng vong Vị Bắc (2)
Quản Ninh (3) do tự khách Liêu Đông
Việt Trung (4) cố cựu như tương vấn
Vị đạo sinh nhai tự chuyển bồng.

Dịch nghĩa:

Sau loạn lạc bà con bạn bè thưa thớt như lá rụng - Bên trời vắng bóng chim hồng mùa thu đưa thư - Suốt ba canh mưa ta mộng về vườn cũ - Ngâm thơ trong quán khách, tiếng dế rộn bốn phía tường - Đỗ lão có bao giờ quên bờ bắc sông Vị? - Quản Ninh còn tự mình làm trú khách Liêu Đông - Giá có ai ở đất Việt Trung xưa hỏi thăm - Xin hãy nói lý do sự sống đổi dời mãi như cỏ bồng.

Dịch thơ:

Gửi Bạn (1)

Sau loạn bà con bè bạn hiếm
Bên trời bóng nhạn mãi chờ trông
Đêm mưa trong mộng khu vườn hiện
Quán khách ngâm đề, dế họa ngân
Đỗ lão bao giờ quên bến Vị?
Quản Ninh còn mãi trú Liêu Đông
Ai người cũ hỏi bên trời Việt
Xin bảo đời ta tựa cỏ bồng.

Chú thích:

* Nguyễn Trãi Toàn Tập ghi là tứ bích trùng.

(1) Đỗ lão (hay lão Đỗ): đại thi hào Đỗ Phủ đời Đường, đồng thời với Lý Bạch. Được mệnh danh Lão Đỗ để phân biệt với nhà thơ trứ danh Đỗ Mục (gọi là Tiểu Đỗ vì trẻ hơn).

(2) Vị Bắc: bờ bắc sông Vị. Sông này phát nguyên từ núi Điểu Thử, huyện Vị Nguyên, tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây rồi đổ vào sông Hoàng Hà. Tác giả ngụ ý tình bạn giữa Đỗ Phủ và Lý Bạch, dựa theo hai câu thơ sau đây của Đỗ trong bài Xuân Nhật Hoài Lý Bạch:
 
Vị Bắc xuân thiên thụ
Giang Nam nhật mộ vân
(Cây cảnh trời xuân bờ Vị Bắc
Ánh mây chiều muộn đất Giang Nam).
 
Ý nói có thần giao cách cảm, Đỗ nhìn bờ Vị Bắc nhớ Lý, hẳn Lý cũng nhìn mây đất Giang Nam mà nhớ Đỗ.

(3) Quản Ninh: tác giả đề cập khí phách của Quản Ninh, dân đất Ngụy thời Tam Quốc. Thiếu thời, đang cùng ngồi học chung chiếu với bạn là Hoa Hâm, bỗng một hôm Hoa Hâm bỏ chạy ra đường nhìn xem kẻ giàu sang cưỡi ngựa đi qua nên Quản Ninh cắt đôi chiếc chiếu, không chịu ngồi chung nữa. Cuối đời Hán, Quản Ninh tỵ loạn 37 năm ở Liêu Đông, từ chối mọi chức do hai vua Văn Đế và Minh Đế ban cho ông.

(4) Việt Trung kinh đô nước Việt ngày xưa thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), sau bị nhà Hán thôn tính. Tác giả ngụ ý nhắc đến quê hương Việt Nam lúc bấy giờ khi đang ở nước ngoài (?)
 

Ký Hữu - Kỳ II

Bình sinh thế lộ thán truân chiên
Vạn sự duy ưng phó lão thiên
Thốn thiệt đản tồn không tự tín
Nhất hàn như cố diệc kham liên
Quang âm thúc hốt thời nan tái
Khách xá thê lương dạ tự niên
Thập tải độc thư bần đáo cốt
Bàn duy (1) mục túc tọa vô chiên.
 
Dịch nghĩa:

Bình sinh đường đời nhiều vất vả quá thể - Vạn việc chỉ nên phó cho trời già - Tấc lưỡi hãy còn, tưởng cũng tự tin được - Cứ một cảnh nghèo như cũ thật đáng thương - Ngày tháng (sáng tối) đi qua vùn vụt khó mà trở lại - Quán khách lạnh lùng, đêm dài như cả một năm - Mười năm đọc sách (học hành) mà nghèo đến tận xương - Trên mâm cơm chỉ có rau mục túc, chỗ ngồi chẳng có chiếu.
 
Dịch thơ:
Gửi Bạn (2)

Biết bao gian khổ suốt đường đời
Vạn sự đành cam phó mặc trời
Tấc lưỡi tự tin, mong giữ được
Cảnh nghèo khó giảm, đáng than thôi
Ngày mau tháng lụn khôn lùi lại
Quán lạnh đêm thâu cứ thấy dài
Đèn sách mười năm, nghèo kiệt xác
Cơm toàn rau ráng, đệm đâu ngồi?
 
Chú thích:

(1) Các bản Ức Trai Tập và Ức Trai Thi Tập ghi là vô.
 
Khất Nhân Họa Côn Sơn* Đồ

Bán sinh khâu hác phế đăng lâm
Loạn hậu gia hương phí mộng tầm
Thạch bạn tùng phong cô thắng thưởng
Giản biên mai ảnh phụ thanh ngâm
Yên hà lãnh lạc trường kham đoạn
Viên hạc tiêu điều ý chỉ câm
Bằng trượng nhân gian cao họa thủ
Bút đoan tả xuất nhất ban tâm.
 
Dịch Nghĩa:

Nửa đời người phải ngưng hưởng thú leo trèo khe núi - Sau loạn chỉ tìm về quê nhà qua lắm giấc chiêm bao - Thông reo trong gió trên bậc đá chẳng có ai thưởng ngoạn - Đành phụ thú ngâm vịnh với bóng hoa mai bên suối - Cảnh yên hà (khói và ráng chiều) vắng vẻ khiến đứt ruột - Cầm thú (vượn, hạc) tiêu điều khiến khó cầm được ý - Cậy một tay vẽ giỏi trong nhân gian - Cầm bút tả ra được một cõi lòng.
Dịch Thơ:
 
Cậy Người Vẽ Tranh Côn Sơn

Nửa đời khe núi bỏ mê say
Sau loạn về quê, mộng mãi thay*
Bậc đá thông reo, sầu điệu lẻ
Bờ khe ai cảm, vịnh mami gầy?
Khói mây vắng vẻ lòng se thắt
Vượn hạc đìu hiu, ý gợi bày
Muốn cậy nhân gian người vẽ giỏi
Tả sao cho đạt nỗi niềm đây?

Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Chú thích:

* Côn Sơn: Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.

(1) Bản Ức Trai Thi Tập chép chữ Hán là kháp nhưng phiên âm là cáp.
 
Lam Quan Hoài Cổ

Hành tận thiên sơn dữ vạn sơn
Sóc phong suy khởi mãn Lam Quan (1)
Quân vương tằng thử tư trung gián (2)
Chướng hải diêu quan thất mã hoàn (3)
 
Dịch Nghĩa:

Đi mãi tận nghìn non vạn núi - Ngọn núi bắc nổi lên khắp ải Lam Quan - (Bởi vì) nhà vua thời ấy chẳng nghe lời can gián của kẻ trung - (Nên từng) có cảnh con ngựa không người cưỡi trở về từ quan ải xa và vùng biển độc địa.
 
Dịch Thơ:
 
Nhớ Lam Quan Xưa

Nghìn non vạn núi, vượt muôn trùng
Gió bắc trùm quan ải lạnh lùng
Thuở ấy lời trung vua hiểu thấu
Thì đâu tủi bóng ngựa về không?
 
Chú thích:

(1) Lam Quan: cửa ải ở huyện Thương thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

(2) Trung gián: lời can ngăn của người tôi trung - TÁc giả ngụ ý về Hàn Dũ, quan nhà Đường dưới thời vua Hiển Tông (Trung Quốc), không được vua nghe lời can gián còn bị giáng chức và bắt đi làm thứ sử ở Triều Châu là nơi xa xôi. Hàn Dũ có bài thơ Tự Vịnh, trong đó có hai câu:
 
Vân hoành Tần lãnh gia hà tại
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền
(Mây giăng ngang núi Tần, nhà ở nơi đâu?
Tuyết che lấp ải Lan, con ngựa không chịu tiến bước).
 
Tựa đề bài thơ của Nguyễn Trãi gợi ý ải Lam này.
(3) Thất mã hoàn: con ngựa (một mình) trở về - Ý nói người trung thần bị đày ải có thể chết và con ngựa sẽ trở về không.
 
Lâm Cảng* Dạ Bạc

Cảng khẩu thính triều tạm hệ đao
Âm âm cách ngạn hưởng bồ lao (1)
Thuyền song khách dạ tam canh vũ
Hải khúc thu phong thập trượng đào
Mạc ngoại hư danh thân thị ảo
Mộng trung phù tục sự kham phao
Nhất sinh tập khí hồn như tạc
Bất vị ky sầu tổn cựu hào.
 
Dịch nghĩa:

Đến cửa khẩu nghe thấy triều tạm buộc thuyền con - Văng vẳng bên kia bờ nghe tiếng chuông - Bên cửa thuyền khách mưa rơi suốt ba canh - Trong vịnh biển gió thu thổi dâng sóng lên cao mười trượng - Danh hảo bỏ ra ngoài, thân này cũng là ảo - Đời phù dung tục lụy trong giấc mộng đáng bỏ đi - Một đời vẫn giữ quen cái nết ngày trước - Chẳng phải vì mối sầu xa quê hương mà giảm chí khí cũ.

Dịch thơ:
 
Đêm Đậu Thuyền Tại Vũng Lâm

Cửa khẩu thuyền neo bởi sóng trào
Bờ xa chiều vắng, tiếng chuông gieo
Cạnh thuyền mưa vỗ ba canh suốt
Trước gió mòi dâng chục trượng cao
Đeo vỏ thân danh đều huyễn cả
Bỏ đời mộng tưởng đáng làm sao*
Trót quen nếp nghĩ khôn đường chữa
Đâu bởi ly hương giảm khí hào*
 
Chú thích:

* Lâm cảng: vũng Lâm, chỗ sông Thần phù, chảy qua xã Lâm Ngọc trước khi đổ ra biển (có lẽ do đấy mà mang tên Lâm cảng). Chỗ này có một con lạch ngày xưa Hồ Quý Ly cho đỗ đá lấp để chống giặc Minh, nay đã thành đất bằng, chỉ còn một cái đầm.

(1) Bồ lao: tên một giống thú ở biển vốn rất sợ cá kình (cá voi), hễ bị tấn công thì kêu rất lớn. Vì thế người ta thường mượn hình bồ lao đúc trên đầu chuông để chuông kêu lớn (?) khi đánh. Tác giả dùng bồ lao để chỉ cái chuông.
 
Loạn Hậu Đáo Côn Sơn* Cảm Tác

Nhất biệt gia sơn kháp (1) thập niên
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lý tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
Hà thời kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên.
 
Dịch Nghĩa:

Từ khi rời núi quê đến nay đã vừa vặn mười năm - Trở về thấy tùng cúc phân nửa đã hoang hóa - Có hẹn với núi rừng sao đành phụ? - Cúi đầu xuống bụi đất mà tự thương mình - Làng xóm mới đi qua như thấy trong chiêm bao - Chưa xong giặc giã, sung sướng chiếc thân còn vẹn - Bao giờ thì ta làm được nhà ở chốn mây núi này? - Lấy nước suối pha trà và gối đầu lên đá ngủ?
 
Dịch Thơ:
 
Cảm Tác Khi Trở Về Côn Sơn Sau Loạn

Cách biệt mười năm cảnh núi nhà
Về xem tùng các nửa tiêu sơ
Suối rừng trót hẹn, đành xao lãng
Đất bụi nghiêng mình, tự xót xa
Bước đến làng quê, lòng ngỡ mộng
Chưa tàn khói lửa, phước còn ta
Dưới chân mây núi lều mong cất
Nước suối pha trà, gối đá mơ...

Bản dịch của Lê Cao Phan
Chú thích:

* Côn Sơn: Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.

(1) Bản Ức Trai Thi Tập chép chữ Hán là kháp nhưng phiên âm là cáp.
 
Loạn Hậu Cảm Tác

Thần Châu (1) nhất tự khởi can qua
Vạn tánh ngao ngao khả nại hà
Từ Mỹ (2) cô trung Đường nhật nguyệt
Bá Nhân (3) song lệ Tấn sơn hà
Niên lai biến cố xâm nhân lão
Thu việt tha hương cảm khách đa
Tạp tải hư danh an dụng xứ
Hồi đầu vạn sự phó Nam Kha (4)
 
Dịch Nghĩa:

Từ khi xẩy ra chiến tranh trên đất tổ (thần châu) - Muôn dân rên xiết, chẳng biết làm sao được - Tử Mỹ giữ lòng trung một mình với nhà Đường qua ngày tháng - Bá Nhân buồn cho sơn hà nhà Tấn - Mấy năm lại đây biến cố khiến cho người chóng già hơn - Trải qua mùa thu nơi đất khách khá nhiều cảm xúc - Ba chục năm hư danh có dùng được gì? - Quay đầu lại, vạn sự phó cho giấc mộng Nam Kha
 
Dịch Thơ:
Cảm Tác Sau Thời Loạn

Đất tổ từ khi vương loạn lạc
Muôn dân rên xiết, khổ làm sao*
Theo Đường, Tử Mỹ lòng trung giữ
Vì Tấn, Bá Nhân giọt lệ trào
Bao chuyện năm qua, đầu nhuốm bạc
Mấy thu đất khách, dạ mòn hao
Ba mươi năm ấy là danh hão
Một giấc Nam Kha, có khác nào*

Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Chú thích:

(1) Thần Châu: Xu Diên thời Chiến Quốc gọi Trung Quốc là Xích huyện Thần Châu, về sau gọi tất là Thần châu, có ý nghĩa tôn xưng, cũng có ý chỉ nơi kinh kỳ. Đây tác giả nói về nước ta (đất tổ).

(2) Tử Mỹ: Tự hiệu của Đỗ Phủ, đại thi hào đời Đường, đồng thời với Lý Bạch. Được mệnh danh Lão Đỗ để phân biệt với nhà thơ trứ danh Đỗ Mục (gọi là Tiểu Đỗ vì trẻ hơn).
(3) Bá Nhân: tức Chu Khởi, trung thành với nhà Tấn. Khi nhà Tấn mất, chạy qua Giang Đông, nhìn núi sông nhớ quê nhà mà khóc.

(4) Nam Kha: Có người nằm ngủ dưới gốc hòe mơ thấy đến nước Hòe An được vinh hoa phú quý (làm phò mã, thái thú quận Nam Kha), về sau đánh giặc thua, công chúa chết, bị thất sủng, nên cũng gọi là giấc mộng Nam Kha.
 
Long Đại Nham

Khứ niên hổ tuyệt (1) ngã tằng khuy
Long Đại (2) kim quan thạch quật (3) kỳ
Ngao (4) phụ xuất sơn, sơn hữu động
Kình (4) du tắc hải, hải vi trì
Hồ (5) trung nhật nguyệt thiên nan lão
Thế thượng anh hùng thử nhất thì
Lê Phạm (6) phong lưu ta tiệm viễn
Thanh đài bán thực bích gian thi.
 
Dịch Nghĩa:

Năm trước ta đã từng xem hang cọp - Nay lại đến xem động Long Đại, một động núi lạ - Con ngao đội núi lên thành động - Cá kình bơi lấp biển thành ao - Trong bầu nhật nguyệt trời khó già. - Anh hùng trên đời thì chỉ là một thuở - Nếp sống phong lưu của hai họ Lê và Phạm than ôi cũng xa dần - Thơ trên vách đá cũng đã bị rêu xanh gấm nhậm rồi.
 
Dịch Thơ:
Núi Long Đại

Đã từng năm trước thăm hang hổ
Long Đại nay xem động đá kỳ
Ngao đội đất, tạo vòm rỗng núi
Kình khoanh ao, chặn biển xây đê
Trời trăng khó lão trong bầu Tạo
Danh kiệt hằng llưu chỉ thuở thì
Lê Phạm văn phong dần vắng thấy
Rêu tường xóa lấp nửa phần thi.

Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Chú thích:

(1) Hổ huyệt: hang cọp, đây ngụ ý sào huyệt của quân Minh ở Đông Đô (Hà Nội ngày nay).
(2) Long Đại nham: núi Long Đại, nay gọi là núi Hàm Rồng, làng Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cảnh trí bên ngoài rất đẹp, có sông lạch chảy qua và hậu chẩm là núi non trùng điệp. Trong động có nơi thờ Phật. Tục gọi là Núi Dơi vì tương truyền có một con dơi khổng lồ từng sống trong động.

(3) Ức Trai Thi Tập và Ức Trai Tập đều chép là bất (?), quật, thay vì thạch quật. Nguyễn Trãi Toàn Tập chép là thạch quật nhưng phiên là thạch huyệt, tự dạng khác hẳn, dù nghĩa có thể tương đương.

(4) Ngao, kình: Kình (cá kình), ngao (một loài rùa lớn ở biển).

(5) Hồ (cái bầu): theo sách Lão giáo, xưa có người tên là Trương Thân, đặc biệt có một cái bầu lớn có thể hóa thành trời đất, trong có mặt trời mặt trăng, đêm chui vào đấy mà ngủ, gọi là hồ thiên, trời trong bầu, do đấy ta thường nói bầu trời.

(6) Lê - Phạm: là hai nhân vật. Lê Quát, tự Bá Quát, quê tỉnh Hải Dương, và Phạm Sư Mạnh, quê tỉnh Thanh Hóa, hai vị quan nho gia, thi sĩ thường cùng nhau ngâm vịnh. Do đó thời bấy giờ người ta thường gọi Lê Phạm để nói về đức tài của hai ông, đặc biệt cùng là môn sinh của Chu Văn An, và đều làm quan đến chức Nhập nội hành khiển (thượng thư).
 
Mạn Hứng - Kỳ I

Thế lộ sa đà tuyết thượng điên
Nhất sinh lạc thác (1) cánh kham liên
Nhi tôn chủng phúc lưu tâm địa
Ngư điểu vong tình lạc tính thiên
Tảo tuyết chử trà hiên trúc hạ
Phần hương đối án ổ mai biên
Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng
Nguyệt mãn bình than tửu mãn thuyền.
 
Dịch Nghĩa:

Đường đời thất thế vất vả như lội trong tuyết - Một kiếp sống lạc lõng thật đáng thương - Cho con cháu gieo giống phúc vào lòng - Như chim cá chẳng suy nghĩ gì, vui vẻ với tính trời cho - Quét tuyết pha trà dưới mái hiên trúc - Đốt hương trầm ngồi trước án cạnh cây mai ngoài sân - Hình ảnh núi quê ghi vào mộng nhẹ - Trăng giải khắp bãi sông bằng phẳng, rượu đầy thuyền.
 
Dịch Thơ:

Mạn Hứng (1)

Như lội tuyết đường, bước ngả nghiêng
Một đời luân lạc tủi thân riêng
Vì con cháu, phước trồng ghi nhớ
Như cá chim, vui sống tự nhiên
Bên giậu pha trà, xua tuyết thoáng
Kề mai tựa án, đốt trầm lên
Núi quê trong mộng hoài vương vấn
Bến bãi đầy trăng, rượu khẳm thuyền.

Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Chú thích:

(1) Chữ phách, đọc là thác đi đôi với lạc (lạc phách).
 
Mạn Hứng - Kỳ II

Cửu vạn đoàn (1) phong ký tích tằng
Đương niên thác tỷ bắc minh bằng
Hư danh tự thán thành cơ đẩu (2)
Hậu học thùy tương tác chuẩn thằng
Nhất phiến đan tâm chân hống hỏa
Thập niên thanh chức ngọc hồ băng
Ưu du thả phục ngôn dư hiếu
Phủ ngưỡng tùy nhân tạ bất năng.
 
Dịch Nghĩa:

Nhớ xưa từng có ý muốn cưỡi gió lên chín vạn dặm cao - Bây giờ toan tự sánh mình với chim bằng ở biển bắc - (Tự thẹn) hư danh (vô dụng) chẳng khác nào sao cơ sao đẩu - Kẻ học sau ai lại đem mình ra làm mức làm chuẩn - Một tấm lòng son sắt như lò lửa luyện kim đan - Mười năm phục vụ liêm khiết trong như bầu ngọc - lại bảo rằng ta ưa thanh nhàn - Còn như cúi mình theo người thì ta không có khả năng.
 
Dịch Thơ:

Mạn Hứng (2)

Từng ước mơ bay chín vạn tầng
Giờ mong biển bắc giống chim bằng
Đáng than danh giả thành nia đấu
Khó để người sau dựa mực cân
Một tấm lòng son như thuốc luyện
Mười năm chức sạch tựa bầu băng
Thanh nhàn, ấy rõ điều ta thích
Luồn cúi theo người ta chẳng vâng.

Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Chú thích:
(1) Cửu vạn đoàn: chín vạn dặm, do ngữ "bằng đoàn cửu vạn", chim bằng bay cao chín vạn dặm, ý nói rất cao xa.
(2) Cơ đẩu: sao cơ (giống cái nia), sao đẩu (giống cái đấu). Kinh Thi có câu:


Duy Nam hữu cơ, bất khả dĩ bá dương
Duy Bắc hữu đẩu, bất khả dĩ ấp tửu tương.
(Phương Nam có sao cơ (nia) không thể dùng sàng sảy được
Phương Bắc có sao đẩu (đấu) không thể dùng chứa rượu được).
 
Ý nói vô dụng.

Mạn Hứng - Kỳ III

Ô thố thông thông vãn bất lưu
Hồi đầu vạn sự tổng nghi hưu
Không hoa ảo nhãn miên tiêu lộc (1)
Tục cảnh kinh tâm suyễn nguyệt ngưu (2)
Nụy ốc thê thân kham độ lão
Thương sinh tại niệm độc tiên ưu
Bành thương Tang Cốc (3) đô hưu luận
Cố vãng kim lai lạc nhất khâu.
 
Dịch Nghĩa:

Ngày và đêm qua vùn vụt không ngừng lại - Quay nhìn mọi việc thấy đều nên ngưng là vừa - Hoa mắt tưởng chiêm bao thấy lá chuối giấu con hưu - Nhìn cảnh tục lòng sợ như trâu sợ trăng thở phì phào - Mái nhà nhỏ nương mình có thể qua tuổi già - Vì dân đen luôn luôn để dạ lo trước cho họ - Sống lâu hay chết yểu (như Tang và Cốc) khỏi bàn luận làm gì - Xưa nay xem như loài chồn ở cùng một gò cả.
 
Dịch Thơ:

Mạn Hứng (3)

Thời gian qua lẹ, có dừng đâu
Ngưng cũng vừa, xem việc trước sau
Hoa mắt, mộng nhìn hươu ẩn chuối
Hãi lòng, sợ thấy nguyệt soi trâu
Đành vui dưỡng lão căn nhà nhỏ
Vốn hướng về dân ý nghĩ đầu
Tang, Cốc, bàn chi câu yểu thọ
Chồn gò một loại, khác gì nhau?

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Miên tiêu lộc: con hươu ngủ trong bụi chuối. Sách Liệt Tử chép truyện người kiếm củi nước Trịnh (Trung Quốc) đánh chết được một con hươu lạc, bèn đem giấu trong một bụi chuối, về sau không nhớ nổi chỗ giấu thú, đi lẩm bẩm than lời tiếc nuối, cứ ngỡ là mơ. Có kẻ nghe được liền đi kiếm và nhặt được xác hươu, ,mang về khoe với vợ nhưng vợ không tin, cứ cho rằng chồng mộng mị, dù thấy có hươu thật* Ngụ ý nói trên đời này mộng và thực lẫn lộn.

(2) Suyễn nguyệt ngưu: trâu thở phì phào dưới trăng. Sách Phúc khê nguyên bản chép:

Nam địa đa thử, hạo ngưu úy nhiệt, kiến nguyệt ngộ vi nhật nhi suyễn.

(Đất Nam nóng nhiều, trâu sợ sức nóng, thấy mặt trăng cũng lầm là mặt trời nên thở phì phào).

Ngụ ý nói về sự ám ảnh thường khiến người ta lo sợ hão huyền, như tục ngữ ta có câu "trượt vỏ dưa, thấy vỏ dừa cũng sợ".

(3) Tang, Cốc: Sách Trang Tử nói về Tang và Cốc là hai kẻ chăn dê, cùng mất dê vì mãi ham việc khác, Tang lo xem sách, Cốc mải mê cờ bạc, nên đều bị thiệt hại. Tô Đông Pha có câu: Tang Cốc tuy thù, cánh lưỡng vong.

(Tang và Cốc tuy có khác nhau, rốt cuộc hai người đều mất).
 

Mạn Hứng - Kỳ IV

Phác tán thuần ly thánh đạo nhân (1)
Ngô nho (2) sự nghiệp yểu (3) vô văn
Phùng thời bất tác Thương Nham vũ (4)
Thối lão tư canh Cốc Khẩu vân (5)
Mỗi thán bách niên đồng quá khách
Hà tằng nhất phạn nhẫn vong quân
Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn
Pha lão tằng vân ngã diệc vân.
 
Dịch Nghĩa:

Những gì gọi là thuần phác đều tan rã, đạo Thánh bị chìm - Sự nghiệp của nhà nho ta lu mờ chẳng có tiếng tăm gì - Gặp thời chẳng tạo được mưa ở Thương Nham - Lúc già trở về cày mây ở Cốc Khẩu - Thường than trăm năm của cõi đời y như khách qua đường - Chưa từng lúc nào ăn một bữa cơm mà không nhớ đến vua - Con người sinh ra biết chữ nghĩa gặp nhiều nạn phải lo lắng - Ông già Tô (Tô Đông Pha) hằng nói thế, ta cũng nói thế.
 
Dịch Thơ:

Mạn Hứng (4)

Đạo Thánh phác thuần đã một mai
Nghiệp nho ta chịu hết danh rồi
Gặp thời mưa móc Thương Nham khó
Về lão cấy cày Cốc Khẩu thôi
Cuộc sống trăm năm buồn bóng khách
Lòng trung từng bữa niệm vua tôi
Thế nhân lắm chữ thêm nhiều họa
Pha lão xưa kia cũng bấy lời.

Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Chú thích:

(1) Ức Trai Thi Tập ghi và phiên là chân, giống như bản Dương Bá Cung (Nguyễn Trãi Toàn Tập trích dẫn), thiết nghĩ không hợp văn cảnh.

(2) Ngô nho: đạo nho của ta. Sách Pháp Ngôn giải thích: người thông suốt tất cả thiên văn, địa lý và nhân sự gọi là Nho (Thông thiên, địa, nhân giả viết nho), ngụ ý phải rút kinh nghiệm qua sách vở để hiểu biết về trời, đất và người (tam tài), dựa trên thực tiễn để xử sự.

(3) Bản Đào Duy Anh (N. T. T. T.) phiên là diểu, bản Nguyễn Gia Tuân (U. T. T. T.) phiên là điểu. Chữ yểu (sâu xa mờ mịt) có thể đọc là miểu hay liễu. Cũng có thể đây là chữ hạnh (tự dạng gần giống chữ yểu) dùng theo nghĩa hạnh lâm (rừng hạnh), vườn hạnh, ý nói về nho học, theo tích Khổng Tử xưa ngồi dạy dưới giàn hạnh.

(4) Thương Nham vũ: Vua Cao Tông nhà Thương (triều đại trị vì Trung Quốc từ 1783 đến 1135 trước Tây lịch) mộng thấy một người hiền, liền cho vẽ lại chân dung để tìm kiếm. Quả nhiên, tìm được Phó Duyệt ở đất Phó Nham và mang về triều giúp nước. Tin ở tài năng của Phó Duyệt, nhà vua nói nếu gặp đại hại ông sẽ là người làm nên mưa móc, nếu gặp lũ lớn ông sẽ làm cây chầm chèo thuyền cứu vãn. Từ đấy cứ ngữ "Thương Nham vũ" (mưa đất Nham nhà Thương).

(5) Cốc Khẩu vân (nghĩa đen: mây ở cửa động). Trịnh Tử Chân đời Hán ở ẩn tại Cốc Khẩu (thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay) có tiếng học đạo giữ mình, từ chối không tham chính.
 

Mạn Hứng - Kỳ V

Tiểu viện âm âm thạch kính tà
Tiêu nhiên hoạn huống tự tăng gia
Hoạn tình dị khiếp thương cung điểu
Mộ ảnh nan lưu phó hác xà
Mộng giác cố viên tam kính cúc
Tâm thanh hoạt thủy nhất âu trà
Hồi đầu lục thập niên tiền sự
Song mấn tinh tinh lưỡng nhãn hoa.
 
Dịch Nghĩa:

Viện nhỏ âm u với lối đi lát đá gập ghềnh - Cảnh làm quan mà vắng vẻ như cảnh nhà sư - Con đường làm quan dễ khiếp như chim phải cung - Bóng xế chiều khó ngăn con rắn về hang - Tỉnh mộng nay về vườn cũ với ba hang cúc - Có nước suối với một bình trà để tẩy sạch lòng - Hồi tưởng lại sáu chục năm công việc đã qua - Hai mái tóc đã lốm đốm, hai mắt đã hoa rồi.

Dịch Thơ:
Mạn Hứng (5)

Lối đá chênh chênh, buồn cảnh nhà
Làm quan sao giống kiếp thiền gia*
Đời công chẳng khác chim vương ná
Rắn phải tìm hang lúc xế tà.

Nhớ cúc vườn quê khi mộng tan
Ngụm trà suối nước tẩy lòng son
Việc đời sáu chục năm hồi tưởng
Lốm đốm tóc mai, nhãn lực mòn.

Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Mạn Thành - Kỳ I

Thanh niên phương dự ái nho lâm
Lão khứ hư danh phó mộng tầm
Trượng sách (1) hà tòng quy Hán thất
Bão cầm không tự tháo Nam âm (2)
Trọng Ni tam nguyệt vô quân niệm
Mạnh Tử cô thần lự hoạn tâm
Đản hỷ cung cơ (3) tồn cựu nghiệp
Truyền gia hà dụng mãn doanh câm.
 
Dịch Nghĩa:

Thuở thanh xuân từng được tiếng thơm trong rừng nho học - Đến lúc già chỉ biết tìm danh hão trong mộng - Do đâu (có người) chống roi ngựa đi theo phục vụ nhà Hán? - Ôm đàn chỉ gãy khúc nhạc Nam âm - Trọng Ni buồn vì ba tháng không có vua - Mạnh Tử lo lắng cho cảnh cô thần (lòng lâm cảnh hoạn nạn) - Mừng được sự nghiệp cung cơ cũ còn lại - Cần gì nhiều vàng bạc để lưu lại cho con cháu?
 
Dịch Thơ:
Mạn Thành (1)

Tuổi trẻ danh nho vốn rỡ ràng
Già tìm trong mộng chút dư vang
Sao cầm roi ngựa tâm phò hán
Chẳng mượn cung đàn chỉ hướng Nam?
Mạnh Tử lo cô thần gặp nạn
Trọng Ni sầu ba tháng xa vương
Mừng còn nghiệp cũ cung cơ giỏi
Lưu vốn đời sau lọ phải vàng?

Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Chú thích: (1) Trượng sách: chống roi ngựa. Đặng Vũ đời Đông hán (Trung Quốc) là bạn của Lưu Tú (Hán Quang Vũ), khi nghe bạn thu được Hà Bắc bèn chống roi ngựa đến mừng và phò tá rất trung thành.

(2) Nam âm: âm điệu phương Nam. Chung Nghi người nước Sở vốn biết âm nhạc, bị bắt sang nước Tần. Khi được vua Tần hạ lệnh cho đánh đàn, ông ôm đàn gảy ngay một điệu phương Nam, tỏ ý vẫn nhớ tổ quốc là nước Sở.

(3) Cung cơ: cái cung và cái nia. Ý nói con nối nghiệp cha mà giỏi hơn cha, như con thợ uốn cung mà còn uốn cả vành nia và đan nia.
 
Mạn Thành - Kỳ II

Nhãn trung phù thế tổng hù vân
Oa giác kinh khan nhật Tấn Tần (1)
Thiên hoặc táng tư tri hữu mệnh
Bang như hữu đạo diệc tu bần
Trần Bình tự tín năng vi tể (2)
Đỗ Phủ thùy linh dĩ ngộ thân (3)
Thế sự bất tri hà nhật liễu
Biển châu quy điếu Ngũ Hồ xuân (4)
 
Dịch Nghĩa:

Nhìn vào cuộc thế đều là mây nổi cả - Sợ thấy cảnh Tấn Tần tương tranh hằng ngày như chuyện sừng ốc sên - Khi Trời đã bỏ mất nền tư văn tất có mệnh - Nước có đạo đức mà nghèo thì cũng xấu hổ - Trần Bình tự tin có thể làm tể tướng - Đỗ Phủ ai ngờ bị lầm lẫn mà thân phải khổ - Việc đời không biết ngày nào xong - Chèo một con thuyền nhỏ về câu cá mùa xuân ở Ngũ Hồ (là tốt).
 
Dịch Thơ:
Mạn Thành (2)

Nhân sinh nào khác cảnh mây trôi
Tần Tấn sừng sên, rõ chán đời
Trời bỏ tư văn là mệnh đấy
Nước còn đạo lý, hổ nghèo thôi
Trần Bình tể tướng vai tròn vẹn
Đỗ Phủ nhầm thân cảnh ngậm ngùi
Mãi mãi thế tình còn lắm chuyện
Thuyền xuân câu cá Ngũ Hồ chơi.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Tấn và Tần là hai nước vào đời Xuân Thu ở Trung Quốc thường đánh nhau, ví như hai nước trong sách Trang Tử, một đằng gọi sừng con ốc sên (oa giác) là man, đằng kia gọi là xúc, và cứ thế tranh chấp mãi.
 
Mạn Thành - Kỳ III

Bác sơn (1) hương tận ngọ song hư
Lại (2a) tính tòng lai ái tác (2b) cư
Gia hữu cầm thư nhi bối lạc
Môn vô xa mã cố nhân sơ
Tê diêm tùy phận an hoành bí (3)
Hồ hải thê thân ức điếu ngư
Dữ thế tiệm sơ đầu hướng bạch
Đông Sơn (4) nhật nhật phú qui dư.
 
Dịch Nghĩa:

Lò trầm hương đã cháy hết, cửa sổ buổi trưa để ngỏ - Tính lười trước nay vốn thích ở một mình - Nhà có đàn có sách thì con cháu vui - Ngoài cửa không có xe ngựa tức bạn bè xa - An phận muối dưa nơi cửa ngõ thô sơ, nước non rộng rãi - Nương mình chỗ hồ biển nhớ thú chài lưới - Dần bớt thân thiện với cuộc đời đầu tóc đã đốm bạc - Ngày ngày cứ nuôi ý về núi Đông Sơn chăng?

Dịch Thơ:

Mạn Thành (3)

Lò hương trưa lụn, cửa song hờ
Sống lẻ riêng mình, tính biếng ưa
Nhà có sách đàn, con cái thích
Ngõ không xe ngựa, bạn bè thưa
Muối dưa, nước suối, cài sơ cửa
Hồ biển câu, chài, nhớ tự xưa
Vừa lánh xa đời đầu đã bạc
Đông Sơn chốn ẩn muốn về ư?
 
Chú thích:

(1) Bác sơn: đỉnh trầm có trang trí hình núi (Bác sơn) dưới có chứa nước sôi để hơi bốc lên hòa với hương trầm khỏi hại mắt.

(2a) - (2b) Nguyễn Trãi Toàn Tập phiên là lạn và sách đều được, riêng chữ tác (thay vì sách) có lẽ hợp hơn, theo thành ngữ "ly quần tác cư" (lìa đàn ở một mình).

(3) An hoành bí: yên với cây tre ngáng cửa và suối nước. Hai chữ hoành bí là do hai câu thơ trong bài Hoành Môn (Kinh Thi):
 
Hoành môn chi hạ khả dĩ thê trì
Bí chi dương dương khả dĩ lạc cơ.
(Dưới cây ngáng ở cửa có thể nương thân được
Bên suối nước có thể vui mà quên đời).

 
(4) Đông Sơn: một ngọn núi tại tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) nơi Tạ Ân, người có tiếng phong lưu đời Tấn ở ẩn. Tại miền Bắc Việt Nam cũng có núi Đông Sơn (theo sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc). Tác giả ngụ
(2) Trần Bình người Trung Quốc, thuở nhỏ nhà nghèo, làm việc chia thịt trong làng xã, được các phụ lão khen, bèn nói nếu làm được tể tướng trong thiên hạ thì cũng sẽ làm tốt như việc chia thịt. Về sau quả nhiên giúp Lưu Bang Hán Cao Tổ làm đến chức Tả Thừa Tướng.
(3) Đỗ Phủ: đại thi hào đời nhà Đường (Trung Quốc). Người đại tài nhưng khổ suốt đời, nói: "Nho quan đa ngộ thân", nghĩa là cái mũ nhà Nho lắm khi khiến bị hiểu lầm, sinh lụy. Ý nói đạo Nho có lúc chẳng hợp thời.

(4) Ngũ Hồ: một hồ lớn ở Tô Châu (Trung Quốc) thường được dùng để chỉ nơi ở ẩn của những nhân vật không thích công danh phú quý nữa và tránh mọi liên lụy. Như trường hợp của Phạm Lãi, sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn báo thù được Ngô Vương Phù Sai, đã bỏ đi ở ẩn, ngao du ở Ngũ Hồ. Đường thi có câu:
Thùy giải thừa châu tầm Phạm Lãi
Ngũ Hồ yên thủy cộng vong ky.
(Ai biết thuyền con tìm Phạm Lãi
Ngũ Hồ mây nước chuyện đời khuây).


Mộ Xuân Tức Sự

Nhàn trung tận nhật bế thư trai
Môn ngoại toàn vô tục khách lai
Đỗ Vũ (1) thanh trung xuân hướng lão
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.
 
Dịch Nghĩa:

Nhàn rỗi suốt ngày đóng cửa phòng sách - Ngoài cửa vắng khách tục đến - Trong tiếng đỗ vũ kêu ý chừng xuân đã muộn - Cả một sân hoa soan nở dưới mưa phùn.
 
Dịch Thơ:
 
Tức Cảnh Cuối Xuân

Phòng thư suốt buổi rỗi then cài
Khách tục ngoài kia chẳng vãng lai
Xuân sắp qua rồi trong tiếng cuốc
Phượng đầy sân nở, nhẹ mưa rơi.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Đỗ Vũ: tên một vua nhà Thục (Trung Quốc) được đặt cho chim đỗ quyên, tức chim cuốc, còn có tên là từ quy, tiếng kêu nghe rất buồn thảm. Tương truyền vua Thục vì thông dâm với vợ đại thần là Biệt Linh nên phải nhường ngôi cho Biệt Linh và bỏ nước ra đi. Sau khi chết biến thành chim đỗ quyên, vào hè kêu thảm thiết, tỏ ý nhớ tổ quốc quê hương.
 
Mộng Sơn Trung

Thanh Hư (1) động lý trúc thiên can
Phi bộc phi phi lạc kính hàn
Tạc dạ nguyệt minh thiên tự thủy
Mộng kỳ hoàng hạc (2) thượng tiên đàn.
 
Dịch Nghĩa:

Trong động Thanh Hư có hàng nghìn cây trúc - Thác nước bay xuống như lớp kính lạnh - Đêm qua trăng sáng trời như nước - Chiêm bao thấy cưỡi hạc vàng lên cõi tiên.
 
Dịch Thơ:
Mộng Trong Núi

Trong động Thanh Hư trúc cả nghìn
Như màn gương, thác đổ triền miên
Đêm qua trăng sáng, trời như nước
Mơ cưỡi hạc vàng lên cõi tiên.

Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Chú thích:

(1) Thanh Hư: Động Thanh Hư tại núi Côn Sơn, nơi Trần Nguyên Đán, ông ngoại của tác giả dưỡng già.

(2) Hoàng hạc: Hạc vàng. Theo tích Phí Văn Vi quê ở Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) sau khi chết hóa thành tiên, thường cưỡi hạc vàng về thăm quê.
 
Ngô Châu*

Lộ nhập Thanh Ngô cảnh cánh gia
Ngạn biên dương liễu thốc (1) nhân gia
Cửu Nghi (2) tích thúy phong như ngọc
Nhị Quảng phân lưu thủy nhược xoa
Lâm Quán (3) không văn phi bạch hạc
Tiên nhân (4) bất kiến tụ thanh xà
Hỏa sơn băng tỉnh chân kỳ sự
Cựu tục tương truyền khủng diệc soa (5)
 
Dịch Nghĩa:

Đường đến Thanh Ngô (Ngô Châu) cảnh lại càng đẹp - Dương liễu bên bờ rợp bóng nhà dân - Núi Cửu Nghi màu biếc nom như ngọc - Miền Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) dòng nước chia như rẽ đôi - Đền Ngọc (Bạch hạc quán) thấy nói có hạc trắng bay - Trong (bụi) cây tiên nhân chẳng thấy có rắn xanh tụ tập - Núi lửa và giếng băng quả là chuyện lạ - Tục xưa truyền lại e có sai chăng?
 
Dịch Thơ:
 

Quận Ngô Châu

Cùng đến Ngô Châu cảnh đẹp thêm
Bờ đường rợp xóm lá buông rèm
Cửu Nghi màu ngọc tô triền núi
Lưỡng Quảng dòng sông tác mỗi bên
Hạc trắng nghe từng qua Quán Ngọc
Rắn xanh nào thấy tụ cây tiên?
Giếng băng, núi lửa, kỳ quan đấy
Cổ tục e truyền sai cũng nên.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

* Ngô Châu: một châu quận thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nay gọi là Thương Ngô hoặc Thanh Ngô.

(1) Nguyễn Trãi Toàn Tập ghi là ánh, thiết nghĩ không thích hợp.

(2) Cửu Nghi: dãy núi gồm chín ngọn tại huyện Ninh Viễn, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).

(3) Lâm Quán (Quán Ngọc): tức đền Bạch Hạc hoặc lầu Bạch Hạc (Bạch Hạc quán, Bạch Hạc lâu) tại thành Ngô Châu (quán thường chỉ đền thờ của Lão giáo).

(4) Tiên nhân: một loại danh thảo bốn mùa đều xanh tốt.

(5) Soa: một âm của chữ sai. Có bản chép là sa (?).
 

Ngẫu Thành - Kỳ I

Thế thượng hoàng lương (1) nhất mộng dư
Giác lai vạn sự tổng thành hư
Như kim chỉ ái sơn trung trú
Két ốc hoa biên độc cựu (2) thư.
 
Dịch Nghĩa:

Đời là kết quả của một giấc mộng kê vàng - Tỉnh ra mới biết vạn sự đều hóa thành không cả - Như nay ta chỉ thích ở chốn núi non - Làm nhà bên hoa mà đọc sách xưa.
 
Dịch Thơ:
 
Ngẫu Nhiên Thành Thơ

Cuộc đời chi khác mộng nồi kê
Muôn sự hoàn không đã rõ bề
Nay chỉ thích vào non ở ẩn
Bên hoa đọc sách, mái lều che.
 
Bản dịch của Lê Cao Phan

(1) Hoàng lương: kê vàng. Chàng Lư Sinh hỏng thi ghé một quán trọ, được một ẩn sĩ cho mượn gối kê để nghỉ. Trong lúc nằm nghỉ mơ thấy thi đỗ tiến sĩ, ra làm qua hai mươi năm, công danh sự nghiệp hiển hách, con cái cũng đều làm quan to. Sau vì dâng sớ hạch tội Lý Lâm Phủ nên bị cách chức. Lúc tỉnh dậy mới biết đó là một giấc mộng. Khi bắt đầu ngủ, chủ quán nấu một nồi kê, đến khi Lư tỉnh dậy nồi kê vẫn chưa chín. Do sự tích này người ta gọi là hoàng lương mộng, tức giấc mộng kê vàng.

(2) Cựu thư: bản Dương Bá Cung chép là cựu thư. Thi lục và Thi tuyển, chép là phụ thư. Tự dạng hai chữ cựu (cũ) và phụ (cha) rất khác nhau. Điểm này chưa được xác minh nên chỉ dịch thoát (nguyên văn tạm chép theo Dương Bá Cung.

Ngẫu Thành - Kỳ II

Hỷ đắc thân nhàn quan hựu lãnh
Bế môn tận nhật thiểu tương qua
Mãn đường vân khí triêu phần bách
Nhiễu chẩm tùng thanh dạ thược trà
Tu kỷ đản tri vi thiện lạc
Trí thân vị tất độc thư đa
Bình sinh vu khoát chân ngô bệnh
Vô thuật năng y lão cánh gia.
 
Dịch Nghĩa:

Mừng được nhàn thân, chức quan rảnh rỗi - Trọn ngày đóng cửa, ít qua lại với ai - Hơi bốc đầy nhà vì xông gỗ bách buổi sáng - Tiếng reo của cây tùng làm rộn gối ngủ, đêm pha trà uống - Sửa mình chỉ biết làm điều thiện là vui - Lập thân chưa hẳn cần đọc nhiều sách - Bình sinh vu khoát quả là bệnh của ta - Vô phương chữa được mà lại thêm nặng theo tuổi già.
 
Dịch Thơ:
Ngẫu Thành

Mừng được thân nhàn công vụ rỗi
Then cài suốt buổi chẳng ai qua
Sớm nhà khói tỏa xông mùi bách
Khuya gối tùng reo đượm chén trà
Hành thiện là tu, vui chính đáng
Lập thân nào phải học sâu xa
Thói quen vu khoát thành căn bệnh
Thật khó chừa khi tuổi đã già.

Oan Thán*

Phù tục thăng trầm ngũ thập niên
Cố sơn tuyền thạch phụ tình duyên
Hư danh thực họa thù kham tiếu
Chúng báng cô trung tuyệt khả liên
Số hữu nan đào tri thị mệnh
Văn (1) như vị táng dã quan thiên
Ngục trung độc bối (2) không tao nhục
Kim khuyết hà do đạt thốn tiên.
 
Dịch Nghĩa:

Nổi chìm trong cảnh phù tục đã năm mươi năm - Đành phụ với khe đá núi cũ - Danh hư mà họa thực, thật đáng buồn cười - Chúng nhạo kẻ trung thành đơn độc thật đáng thương hại - Khó chạy khỏi số trời, biết là có mạng - Nền văn cũng chưa mai một nhờ trời - Trong ngục xem lưng tờ giấy, thật là nhục nhã - Làm sao đạt được tờ giấy (khiếu oan) đến cửa khuyết vàng (cung vua)?

Dịch Thơ:
Oán Than

Năm mươi năm thế tục bình bồng
Khe núi lòng cam bội ước chung
Cười nạn hư danh, trò thực họa
Thương phường báng bổ kẻ cô trung
Mạng đà định số, làm sao thoát
Trời chửa mất văn, vẫn được dùng
Lao ngục đau nhìn lưng mảnh giấy
Oan tình khó đạt tới hoàng cung.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

* Bài thơ này hẳn là được sáng tác năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) lúc tác giả bị bắt giam vì nghi có liên can với tướng Trần Nguyên Hãn, anh em họ ngoại của tác giả, từng theo Lê Lợi tại Lam Sơn nhưng bị Lê Lợi bức tử (trầm mình) vì nghi làm phản.

(1) Văn: ý nói về văn trị.

(2) Ngục trung độc bối: mặt trái tờ giấy trong ngục. Theo Hán Thư (Chu Bột liệt truyện), Chu Bột là công thần của Hán Cao Tổ (Trung Quốc) có công giúp khôi phục nhà Hán, làm đến chức Hữu thừa tướng, nhưng bị vu là muốn làm phản nên bị hạ ngục. Họ Chu phải dùng nghìn vàng hối lộ cho quan cai ngục để được giải cứu. Khi thẩm vấn, quan ngục viết chữ ở lưng tờ giấy đang cầm đọc để nhắc ông nêu tên nàng dâu trưởng của ông là một công chúa ra làm chứng minh oan cho ông, nhờ đấy ông được tha. Đấy là xuất xứ của cụm từ độc bối (lưng tờ giấy, có viết chữ).

Quan Duyệt Thủy Trận

Bắc hải đương niên dĩ lục kình (1)
Yến an do lự cật nhung binh
Tinh kỳ y nỉ liên vân ảnh
Bề cổ huyên điền động địa thanh
Vạn giáp diệu sương tỳ hổ (2) túc
Thiên sưu bố trận quán nga (3) hành
Thánh tâm dục dữ dân hưu tức
Văn trị (4) chung tu trí thái bình.
 
Dịch Nghĩa:

Biển bắc năm ấy đã diệt cá kình - Yên ổn vẫn còn phải lo luyện binh - Cờ xí bay phấp phới liền với bóng mây - Trống trận nhiều làm huyên náo rung động cả đất - Muôn binh giáp sáng ngời dưới sương, quân dõng mãnh (như loài tỳ, hổ) - Nghìn thuyền dàn trận thành hàng (như chim quán, chim nga) - Lòng Thánh muốn cùng dân nghỉ ngơi - Rốt cuộc nên xây dựng thái bình bằng văn trị.

Dịch Thơ:
Xem Tập Trận Dưới Nước

Biển Bắc năm xưa đã diệt kình
Dù yên, còn luyện ngũ ôn binh
Vờn mây bóng phất, cờ lồng lộng
Động đất âm vang, trống xập xình
Vạn giáp ngời sương oai dũng hổ
Muôn thuyền thẳng lối, dáng uy linh

Quan Hải*

Trang mộc trùng trùng hải lãng tiền
Trầm giang thiết tỏa diệc đồ nhiên
Phúc châu thủy tín dân do thủy (1)
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên
Càn khôn kim cổ vô cùng ý
Khước tại Thương Lang (2) viễn thụ yên.
 
Dịch nghĩa:

Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển - Xích sắt cũng được trầm dưới nước để phong tỏa như thế - Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước - Cậy vào địa thế hiểm trở cũng khó bằng mệnh trời - Họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày - Anh hùng để lại mối hận nghìn năm - Xưa nay ý trời đất thì vô cùng tận - Lui về chốn cây cỏ mây trời ở đất Thương Lang xa xôi.
 
Dịch thơ:
Công Tác Phòng Ngự Trên Biển

Cọc đóng trùng trùng trước sóng khơi
Lại ngầm lưới sắt bủa nơi nơi
Đắm thuyền biết hẳn dân như nước
Dựa hiểm bằng đâu mệnh tại trời
Phúc họa chẳng thành do một buổi
Anh hùng lưu hận mãi muôn đời
Xưa nay vẫn ý càn khôn ấy
Cây khói trời Thương trở lại thôi.
 
Chú thích:

* Bài này nói về Hồ Quý Ly chống Minh giỏi nhưng không được dân ủng hộ, do đấy cuối cùng phải thất bại.

(1) Tuân Tử: triết gia nước Triệu, Trung Quốc (giữa thế kỷ 4 và 3 trước Công Nguyên) có câu:
Dân do thủy dã, thủy năng tải châu, nhi năng phúc châu (Dân cũng như nước, nước chở thuyền được mà cũng làm đắm thuyền được) Tác giả ngụ ý về sách trị dân của Hồ Quí Ly.
(2) Thương Lang: phần hạ lưu sông Hán (Trung Quốc). Hai câu thơ 5 và 6 đề cập khúc sông này và những ngư phủ sống ở đây khiến nhớ lại bài ca Ngư Phủ của Khuất Nguyên trong Sở Từ. Cuối bài có hai câu sau đây:
Thương Lang chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh
Thương Lang chi thủy trọc hề, khả dĩ trạc ngã túc.
(Dòng nước Thương Lang trong ư? Ta có thể giặt giãi mmũ
Dòng nước Thương Lang đục ư? Ta có thể rửa chân)

Trong thi văn, Thương Lang thường dùng để chỉ nơi ẩn dật.
Lòng vua cũng muốn dân ngơi nghỉ
Nên lấy nền văn dựng thái bình.

Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Chú thích:

(1) Kình: cá kình. Đây ngụ ý thuyền bè địch.

(2) Tỳ, hổ: tỳ - một loại thú giống beo; hổ - cọp. Ý nói quân lính dũng mãnh.

(3) Quán, nga: quán - một loài chim giống hạc; nga - một loài chim giống chim nhạn nhưng lớn hơn. Đây ví với thuyền bè vì dáng vẻ xinh đẹp.

(4) Văn trị: cai trị bằng nền văn, trái với võ trị (quân sự).
 
Quá Hải

Bát tận nhàn sầu độc ỷ bồng
Thủy quang diểu diểu tứ hà cùng
Tùng Lâm (1) địa xích cương Nam Bắc
Long Vĩ (2) sơn hoành hạn yếu xung
Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ
Tráng hoài hô khởi bán phàm phong
Biển châu tiện ngã triều thiên khách (3)
Trực giá kình nghê khóa hải Đông.
 
Dịch Nghĩa:

Gác bên mọi sầu muộn, một mình ta tựa mạn thuyền - Ánh nước mênh mông khó tả sao cho hết ý - Rừng tùng mở ra ranh giới chia Nam Bắc - Núi Long Vĩ chặn ngay chỗ hiểm yếu - Lòng nghĩa khí quét sạch mây mù - Chí anh hùng gọi gió thổi căng nửa cánh buồm - Thuyền con mừng ta làm khách đi chầu Thiên khuyết (Triều đình Trung Quốc) - Cưỡi cá kình vượt biển Đông.
 
Dịch Thơ :

Qua Biển

Xua hết ưu tư tựa mạn bồng
Vô biên trời nước ý mông lung
Tùng Lâm dựng đứng phân Nam Bắc
Long Vĩ nằm ngang, hạn hiểm xung
Nghĩa khí quét mây mờ bóng phủ
Hùng tâm hô gió đẩy buồm phồng
Thiên triều ta viếng, thuyền vui lướt
Như cưỡi kình ngư vượt bể Đông.
 
Chú thích:

(1) Tùng Lâm: theo Đại nam Nhất Thống Chí, tại châu Vĩnh Yên (Bắc Việt) có trang Tùng Kính, trước thuộc nước ta, sau nhà Mạc hiến cho Trung Quốc. Có nghi vấn Tùng Lâm có thể là ở đấy.

(2) Long Vĩ: núi Bạch Long Vĩ tại châu Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), cũng gọi là bán đảo vì dãy núi đi từ lục địa ra biển về hướng đảo Hải Nam của Trung Quốc; có lẽ được mệnh danh theo địa thế giống như đuôi rồng. Xưa thuyền bè qua đây thường bị sóng gió.
(3) Đây cũng là một điểm nghi vấn vì tiểu sử tác giả không thấy đề cập việc công du sang Trung Quốc.

Quá Lãnh

Tiền cương nhật lạc mã hôi đồi
Hành tận Mai quan bất kiến mai
Giáp đạo thiên tùng xanh hán (1) lập
Duyên vân nhất lộ phách sơn khai
Trường An (2) nhật cận liêu thư mục
Cố quốc thiên diêu trọng cảm hoài
Đường tướng (3) nhất tùng thông thử đạo
Bách tri kim kỷ bách niên lai.
 
Dịch Nghĩa:

Ở dốc núi phía trước mặt trời đã lặn, ngựa đã nhọc - Đi đến (cửa ải) Mai quan mà chẳng thấy có mai - Sát đường nghìn cây tùng (vươn lên) chống giải ngân hà - Gần cõi mây một con đường xẻ núi mà đi - Mặt trời đã xuống (kinh đô) Trường An, khiến tầm mắt tạm được thư thái - Xa bầu trời cố quốc lòng nặng cảm hoài khi tướng nhà Đường mở con đường này - Đến nay chẳng biết đã mấy trăm năm rồi.
 
Dịch Thơ:
 
Qua Đèo

Lên đèo ngựa nhọc buổi hoàng hôn
Danh gọi Mai quan, mai chẳng còn
Vươn ngọn, nghìn tùng lên giải hán
Vờn mây, một lộ xẻ sườn non
Trường An gần đến, thư tầm mắt
Cố quốc vời xa, nặng cõi hồn
Công lớn tướng Đường xưa mở lối
Qua bao thế kỷ dấu lưu tồn.
Bản dịch của Lê Cao Pha
   Chú thích:

(1) Hán: sông ngân hán hay ngân hà (mệnh danh một chòm sao).

(2) Trường An: kinh đô cũ của nhà Tây Hán (Trung Quốc) nay thuộc tỉnh Thiểm Tây. Về sau danh từ Trường An dùng để gọi kinh đô nhà vua.

(3) Đường tướng: tức tướng nhà Đường Trương Cửu Linh, mở đường này trên đèo Đại Đô gọi là Mai Lĩnh (núi mai) vì có trồng nhiều mai (xem câu 2: mai quan, cửa ai có trồng mai). Đến đời Tống, Thái Đĩnh cho trồng tùng hai bên vệ đường đèo nên tác giả không thấy mai.
 
Quá Thần Phù Hải Khẩu

Thần Phù (1) hải khẩu dạ trung qua
Nại thử phong thanh nguyệt bạch hà
Giáp ngạn thiên phong bài ngọc duẩn
Trung lưu nhất thủy tâu thanh xà
Giang sơn như tạc anh hùng thệ
Thiên địa vô tình sự biến đa
Hồ Việt (2) nhất gia kim hạnh đổ
Tứ minh tùng thử tức kình ba (3)
 
Dịch Nghĩa:

Qua cửa khẩu Thần Phù vào lúc giữa đêm - Gió mát trăng thanh quá, làm sao đây? - Gần bờ nhìn ngọn núi bày ra như búp măng ngọc - Giữa dòng con nước chảy như rắn xanh - Non sông như cũ nhưng anh hùng đã mất - Trời đất vô tình tạo nên bao nhiêu biến đổi - Nay được thấy Hồ, Việt một nhà là điều may mắn - Bốn biển từ nay hết cảnh sóng kình.
 
Dịch Thơ:
Qua Cửa Khẩu Thần Phù

Thần Phù hải khẩu lái buồm qua
Gió mát trăng thanh, đêm mặn mà
Nghìn chóp non bờ nhô ngọc biếc
Một dòng nước rắn lượn xanh mơ
Giang sơn đấy, anh hùng biệt dạng
Dâu bể ơi* Trời đất hững hờ*
Hồ, Việt chung nhà, may được thấy
Từ nay bốn bể lặng phong ba.
Bản dịch của Lê Cao Phan
 
Chú thích:

(1) Thần Phù một hải khẩu tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, xưa đoàn chiến thuyền của vua Hùng Vương qua đây bị gió chướng, nhờ một đạo sĩ tên là La Viên dùng phép làm biển lặng giúp vượt qua. Khi trở về không thấy ân nhân nữa, vua bèn phong cho Người là Áp Lăng Chân Nhân (vị chân nhân dằn được sóng) và lập đền thờ bên bờ cửa khẩu. Vua Lê Thánh Tông về sau khi qua cửa Thần Phù cũng đã làm thơ lưu niệm.
(2) Hồ, Việt: tên hai nước thuộc Trung Quốc. Hồ ở phía bắc, Việt ở phía nam, rất xa nhau. Tác giả ngụ ý khi hòa hợp thì xa cũng hóa gần.
(3) Sóng kình: ý nói chiến thuyền địch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét