Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu. P08

Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu

Quyển thứ VI

Phế Đế
Niên hiệu Hiệp Hòa

Tên húy Ngài là Hường Dật, con thứ 29 đức Hiến tổ (Thiệu Trị), bà Thụy Tân họ Trương sanh Ngài trong tháng 9 năm thứ 7 triều Thiệu Trị (1847). Ngài trước được phong tước Lãng quốc công, nhơn khi tự quân là ông Dục Đức bị bỏ, đình thần lập Ngài làm vua, đặt niên hiệu Hiệp Hòa. Được ít lâu, cũng bị thí. Đến năm thứ 2 triều Đồng Khánh (1887), có chỉ cho được phép đời xưa biên là Phế Đế.



Năm Quý Vị hiệu Tự Đức thứ XXXVI (1883), tháng 6, ngày Mậu Thìn, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế Ngài Dục Đức mà lập Ngài. Khi ấy có quan Ngự sử Phan Đình Phùng can ngăn việc ây, phải bị Tường và Thuyết bắt giam vào ngục Cẩm Y, rồi cách chức cho về nguyên tịch1.


Ngày Ất Hợi, làm lễ tấn hôn tại đền Thái Hòa. Khi các quan đương sắp hàng lạy, có một con chim đậu trên ngọn cây trước đền kêu bốn tiếng lớn. Đến khi đọc di chiếu, lại có một đoàn dê đi qua cầu Kim Thủy. Người ta cho là điềm không tốt.

Đòi Đề đốc ở quân thứ Bắc Kỳ là Trần Xuân Soạn và Thương tá Thanh Hóa là Trương Văn Đệ về Kinh. Bởi vì khi ấy trong Kinh phòng bị khẩn lắm, choi nên đòi về. Được ít lâu Trần Xuân Soạn được bổ Kinh thành phó Đề đốc.

Cho Đề đôc Lưu Vĩnh Phúc được phong tước Nghĩa lương nam; vì nhơn lễ tấn tôn, nên ban ơn phong tước.

Tháng 7, cho Tuần phủ Lạng Bình là Lã Xuân Oai làm chức Hậu mạng sứ, Trực học sĩ Toản tu sử quán là Nguyễn Khuyến làm Phó sứ.

Tàu binh Đại Pháp tới Trà Úc thường đi gần cửa Thuận An. Ngài sai Chưởng vệ Nguyễn Văn Sĩ đem một cây cờ lệnh và một cái bài "dùng việc binh" giao tướng quân Tôn Thất Thuyết được phép tùy tiện làm việc.

Tàu binh Đại Pháp đánh thành Trấn Hải (ở cửa Thuận An), Harmand đưa thơ giảng hòa. Ngài sai Hiệp tá hưu trí là Trần Đình Túc làm Toàn quyền đại thần, Thượng thơ bộ Lại là Nguyễn Trọng Hợp làm phó Toàn quyền, qua lầu sứ giảng định hòa ước, khi ấy thương thuyết đến 2,3 lần, mãi đến tháng 5 hiệu Kiến Phước (1884) mới giao tờ hòa ước với nhau.

Quan quân ở quân thứ Sơn Tây hiệp cùng quân Tàu đánh nhau với binh Đại Pháp tại xứ Hương Canh và xứ Phú Diễn đều được thắng trận. Nhưng khi ấy Hải Phòng đã mất rồi, nên nghe báo tiệp cũng không lấy chi làm mừng.

Ông Sâm Bô (Paiasne de Champeaux) bên Đại Pháp lại qua làm Trú kinh Khâm sứ.


1 Nguyên tịch nghĩa là danh sắc khi mới xuất thân. Thí dụ: như người Tấn sĩ xuất thân, sau ra làm quan bị tội cách mất chức quan, cho về nguyên tịch Tấn sĩ, Phó bảng, Cử nhơn, Tôn sanh, Ấm sanh xuất thân cũng vậy.



Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết xin sắc phế Ngài tự quân là Thụy Quốc công xuống Công tử, cho ra ở nhà Giảng Đàng viện Thái Y.

Truy tặng những tướng sĩ tử trận tại các cửa biển, cho chiếu theo hàm tặng mà cấp tiền tuất và khai ấm cho con cháu, lại cấp thêm tiền lụa, khiến các tỉinh cho tế một lần nữa; sau lại cho mấy người tử tiết ấy đều được dự miếu Trung Nghĩa.

Quân Đại Pháp vào huyện An Dương (Hải Dương) bắt Tri huyện Trần Đôn xuống tàu; Trần Đôn nhảy xuống sông.

Ngày Bính Thìn, mặt trời biến ra sắc xanh. (Buổi mai sắc xanh, rồi đổi ra sắc trắng; người đi không có bóng, suốt ngày không sáng).

Khi ấy các sở Quân thứ Bắc Kỳ chưa lui hết binh. Ngài ban rằng: "nếu Hoàng Tá Viêm làm không khéo, e lại sanh ra một sự khó khăn". Ngài lại truyền dụ: "lập tức triệt binh dõng lui, để tỏ điều tin với Đại Pháp. Còn như toán quân Lưu Vĩnh Phúc và quân Tàu, không phải quyền mình sai khiến được, nên đã giao ước để mặc quân Đại Pháp làm sao thời làm, không can thiệp gì nước mình; nên đem thiệt tình viết thơ cho quý Toàn quyền rõ. Như vậy mới hiệp thời thế".

Cho quan Thượng thơ bộ Lại là Nguyễn Trọng Hợp làm Khâm sai đại thần, Thượng thơ bộ Công là Trần Văn Chuẩn và Tham tri bộ Lại là Hường Phì làm Phó Khâm sai. Tá lý bộ Lễ là Đinh Văn Giản làm Tham tá, ra Bắc Kỳ thương thuyết với quan Toàn quyền Đại Pháp về việc giao nhận tỉnh thành, hiểu trấp chúng dân và triệt bãi binh dõng.

Đại Pháp sai quân bắt các quan tỉnh Hải Dương đem xuống Hải Phòng; Bố chánh là Võ Túc1 tức giận mà chết.

Các quan Sơn Phòng tỉnh Nghệ là bọn Lê Doãn Nhã mộ được 90 tên dân mọi, khai khẩn được hơn 2.070 mẫu ruộng đất. Ngài ban thưởng Lê Doãn Nha kỷ lục 2 thứ, Nguyễn Tài Tuyển gia 1 cấp, Hồ Duy Tỉnh thăng 1 trật. Các quan tỉnh cũng được thưởng kỷ lục 2 thứ. Ngài lại truyền cho quan tỉnh và quan Sơn Phòng xét kỹ các hạt trên miền thượng du, tùy chỗ lập đồn, phái lính giản và lính mộ tới đó tùy thế khai khẩn, và hiểu dân Thổ, dân Mọi nhóm thành thôn ấp, biên vào sổ đinh, để chúng cày ruộng nạp thuế; cho đặng thành hiệu.

Quan Tuần phủ Quảng Tây (nước Tàu) là Nghê Văn Úy phúc thơ báo tin có Sứ Tàu qua phong2; Nguyễn Văn Tường và Nguyễn Hữu Cư đem việc ấy qua lầu Sứ thương cùng quan Đại Pháp biết.

Đòi Đề đốc Nam Định là Tạ Hiện, Đề đốc Hải Dương là Tôn Thất Hòe về Kinh. Tạ Hiện liền theo quân Tàu làm Đề đốc, đi chiêu tập những quân nghĩa dõng, không chịu về.

Quan Tán tương quân thứ Sơn Tây là Nguyễn Thiện Thuật3 lãnh bằng quan Tàu đem quân Tàu về Hải Dương củ tập những quân nghĩa dõng. Khi ấy các xứ khởi nghĩa đều nhờ Nguyễn Thiện Thuật đem lãnh bằng cấp quan Tàu.

Ngày Đinh Sửu, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thí Ngài Hiệp Hòa và giết đại thần là Trần Tiễn Thành. Rước ông Hoàng tử thứ ba vào ở đền Hoàng Phước.


1 Võ Túc quê ở Nam Định.

2 Nguyên khi trước nước mình có báo quốc tang với Tàu.

3 Nguyễn Thiện Thuậ quê ở Hải Dương.



Cho quan Hộ lý Tổng đốc Lạng Bằng là Lã Xuân Oai làm Chánh sứ, Aùn sát Hoàng Xuân Phong làm Phó sứ, đệ biểu qua Tàu. Nhưng rồi quan Đại Pháp thương rằng: ta nên tuyệt giao với Tàu, rồi không sai hai ông ấy đi nữa.

Quân Đại Pháp đánh tỉnh Sơn Tây, quân Tàu thua. Quân Đại Pháp vào tỉnh, quan Tổng thống là Hoàng Tá Viêm trở về đóng tại đồn Thuộc Luyện. Từ khi tỉnh Sơn Tây mất rồi, quan tỉnh bỏ đi không ai về tỉnh. Quan tướng Đại Pháp là Cô Bê (Courbet) tư dục quan Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ lựa cử quan khác. Hữu Độ tư cử Trực Học sĩ là Nguyễn Khuyến lãnh Tổng đốc. Thị độc Thành Ngọc Uẫn quyền lãnh Bố chánh; nhưng hai ông ấy không đến. Mới cho Tú tài là Nguyễn Hậu làm quyền sung; việc ấy tâu lên, Cơ mật xin đừng cho. Thương với quan Khâm sứ Sâm Bô nhờ gởi thơ ra đình bãi việc ấy.

Tháng 12, lại xuống dụ truyền khắp Nam Kỳ, Bắc Kỳ khiến bình dân và giáo dân đều nên yên phận. Bởi vì khi ấy Công tử Hường Thành (con Ngài Trấn Định Quận công) tụ đảng đốt nhà giết giáo dân làng Dương Hòa, (thuộc về huyện Hương Trà), việc ấy phát ra, Hường Thành nghĩ án trảm quyết. Triều đình nghĩ rằng trong Nam ngoài Bắc bình dân và giáo dân phần nhiều còn đương phân đảng ghét nhau, cho nên xuống lời dụ ấy.

Quan Khâm sứ Bắc Kỳ là Lại bộ Thượng thơ Nguyễn Trọng Hợp và thự Công bộ Thượng thơ Trần Văn Chuẩn nghĩ rằng vâng mạng đi thương thuyết không được việc gì, đều xin nhận lỗi. Ngài truyền chỉ trước phải giải chức về Kinh, đợi Triều đình sẽ nghĩ.

Dời nha Sơn phòng Quảng Trị và lỵ sở phủ Cam Lộ tại làng Bảng Sơn. Bởi vì các quan Sơn Phòng tâu rằng: "Làng Bảng Sơn đất rộng, xin dời nha Sơn Phòng tới đó và phủ lỵ cũng xin dời về trong Sơn Phòng". Ngài cho.

Xuống chỉ cho các biền binh tử trận tại cửa Thuận An được tặng hàm, cấp tuất, khai ấm tử và nhiêu ấm. Bởi vì các quan tử tiết tại trận ấy như Lê Sĩ, Lê Chuẩn, Lâm Hoành, Nguyễn Trung đã được tặng hàm cấp tuất rồi, còn từ Hiệp quản, Suất đội trở xuống, đến bây giờ bộ Binh mới cứu rõ tân lên cả thảy 256 người. Cho nên mới có chỉ ấy.

Xuống chỉ cho các quan quân có công đánh giặc tại tỉnh Hà Nội được thưởng hàm và được truy tặng. Tỉnh ấy từ tháng 10 tới nay, bọn giặc thừa cơ xâm cướp, hai lần vây phủ Ứng Hòa, quan Phủ đem binh dõng giữ vững thành trì; rồi sau giặc tự giải vây bỏ đi. Mấy lần đánh giặc, bắt sống và chém chết đều có thiệt trạng. Cho nên có chỉ cho chiếu lệ nghĩ thưởng: (lãnh Tri phủ Cao Xuân Dục được thăng thọ Tri phủ, Suất đội Nguyễn Văn Nhung được tha tội cách lưu, tên Phó tổng Nguyễn Đình Toán bị chết trận được truy tặng hàm tùng bát phẩm bá hộ).
Sao chổi mọc ra: (đầu ở phương tây na, đuôi trỏ qua đông bắc; sắc hơi mờ mờ; dài 6,7 tấc, giáp cung Tí Hợi và ở dưới sao Bích. Được vài ngày rồi lặn).

Năm Giáp Thân hiệu Kiến Phước thứ 1 (1884), tháng giêng, khiến các quan Thống chế, Chưởng vệ đem quân các dinh vệ sửa bốn mặt Kinh thành, các cửa thành và cửa Trấn Bình đài.

Cho quan Thượng thơ bộ Lại kiêm quản bộ Binh là Nguyễn Văn Tường đổi qua Thượng thơ bộ Lại, Phạm Thận Duật đổi qua Thượng thơ bộ Hộ, Châu Đình Kế đổi qua Tả tham tri bộ Hộ, Nguyễn Thành Ý qua thự Tả tham tri bộ Công.

Tháng 2, Hộ lý Tổng đốc Thanh Hóa là Tôn Thất Trường, Chánh sứ Sơn Phòng là Hồ Tư Cung, Phó sứ Đỗ Huy Toản bị tội về việc phá đốt giáo dân.

Tướng Đại Pháp là My Lô đánh quân Tàu hiện đóng tại tỉnh Bắc Ninh, rồi vào thành tỉnh, lại kéo tới đánh tỉnh Thái Nguyên, đem hết cả tiền, bạc, đồ đồng chở về Bắc Ninh. Từ đó trong tỉnh Thái Nguyên bị quân Tàu tan ra tàn phá rất cực khổ. Đến tháng 5, Đại Pháp mới chia binh đóng giữ.

Phủ Tương phủ Quỳ thuộc về tỉnh Nghệ bị giặc Xá thông đồng với giặc Tàu kéo tới xứ ấy ăn cướp.



Tháng 3, quân Đại Pháp đánh lấy tỉnh Hưng Hóa. Ngài truyền đòi quan quân thứ Sơn Tây là Hoàng Tá Viêm, Lương Tư Thứ, Ngô Tất Ninh, Nguyễn Đình Nhuận và quan tỉnh Hưng Hóa là Nguyễn Quang Bích1 đều phải về Kinh đợi chỉ. Nguyễn Quang Bích sai người nạp ấn, bỏ lên thượng du để qua nước Tàu, rồi mất tại trên miền rừng tỉnh ấy; còn Hoàng Tá Viêm, Lương Tư Thứ, Ngô Tất Ninh thời dần dần về Kinh, Nguyễn Đình Nhuận qua Tàu; Nguyễn Văn Giáp và Nguyễn Thiện Thuật cũng đều bỏ đi.

Định lệ phúc hạnh thi Hương và thêm số giải ngạch Tú tài nguyên lệ một Cử nhơn thời hai Tú tài; bây giờ một Cử nhơn thời ba Tú tài, để rộng đàng cho học trò.
Định lại lệ thi đình và thi hội.

Tháng 4, truy thụy vua Xuất Đế2 nhà Lê là Mẫn Hoàng đế. Trong bài Sách phong có câu rằng: Mạng thường giả mạng, nan vi phục Hạ chi Thiếu Khương3. Bất tử kỳ tâm4, vô quý tuẫn Minh chi Trang Liệt5 nghĩa là: mạng có thường đâu, khôn sánh Thiếu Khương đem lại Hạ; tim còn sống đó, nào thua Trang Liệt thách theo Minh.

Tháng 5, quan Đại Pháp đem quân tới đóng tại tỉnh Tuyên Quang. Tuần phủ là Hoàng Tướng Hiệp bị tướng tàu là Hoàng Thủ Trung đem qua Long Châu, rồi mất. Đến triều Đồng Khánh, Tướng Hiệp được truy tặng hàm Lễ bộ Thượng thơ.

Quan Toàn quyền Đại Pháp là Ba Đức Na và Giám đốc là Lê Na tới định hòa ước mới. Nguyên khi trước đức Giám quốc Đại Pháp tiếp thơ nước ta rồi trả lời thăm và nói hòa ước đã định trước đó xin châm chước lại cho đặng công bình; và lại nói việc ấy tháng trước đã cho quan Toàn quyền tới nói rồi. Ngài bèn sai quan Thượng thơ bộ Hộ là Phạm Thận Duật làm Khâm sai toàn quyền đại thần, Tham tri bộ Công là Tôn Thất Phan quyền sung Thượng thơ bộ ấy mà làm Phó toàn quyền đại thần, Tham tri Châu Đình Kế và Thị lang Lương Thành đều làm chức Hộ tiếp để phòng khi tiếp ứng. Lại cho dự nghĩ các sự nghi cả thảy năm điều để đợi khoản tiếp quý Toàn quyền. Đến bây giờ ông Ba Đức Na và ông Lê Na đem các quan tùy phái và quân lính tới lần sứ, rồi đem sắc thơ Đại Pháp dâng lên ngự lãm. Ngài sai Phạm Thận Duật và Tôn Thất Pham đem sắc thơ ra tiếp, hai bên so sánh in nhau, rồi truyền chỉ hỏi thăm, thương định hòa ước. Ngày 13 tháng ấy là ngày Đinh Hợi hòa ước rồi. Liền ngày ấy hội đồng đem phá cái ấn Tàu phong cho mình khi trước. Rồi quan Toàn quyền cho ông Lê Na ở lại làm Khâm sứ Huế, thay ông Ba Rô.

Quan Lãnh sự Đại Pháp là ông Na lại tới làm việc tại sở Thương chánh Quy Nhơn. (thuộc về tỉnh Bình Định). Nguyên trước khi ấy ông bổ đi làm việc sở khác, thuế sở Quy Nhơn quan mình cứ thâu; bây giờ ông ấy trở lại, biểu các quan biên bạc thuế mấy lâu mình đã thâu giao lại cho ông ấy.

Khiến đặt thêm chức Tham tá và chức Lãnh binh nha Sơn Phòng Quảng Trị. Bởi vì khi ấy việc dẹp giặc yên dân hơi phiền, cho nên đặt thêm.

Quan Khâm sứ Đại Pháp ở Huế là ông Lê Na đưa tờ điện báo của Hải bộ Thượng thơ nước Pháp điện qua nói rằng: "Đại Pháp với Tàu hiện đương giảng hòa ở Thiên Tân; tờ hòa ước mới quy định, còn chưa giao nhận với nhau". Nhờ Cơ mật đem việc ấy tâu lên Ngài rõ.

Quân Đại Pháp đánh nhau với quân Tàu tại cầu Quan Âm, (thuộc về tỉnh Lạng Sơn) lấy lại được đồn Bắc Lê.

Tháng 6, cho các quan tỉnh và quan Quân thứ bị tội mất thành tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương được khỏi tội giáng tội cách khác nhau.

Ngài se, ngày 10 là ngày Nhâm Ngọ Ngài băng ! Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết truyền lời chỉ rước Ngài Hoàng đệ Ưng Lịch vào nối ngôi.


1 Nguyễn Quang Bích là người làng Trình Phố, tỉnh Nam Định.

2 Xuất Đế là vua Chiêu Thống.

3 Vua Thiếu Khương xưa chỉ còn có một đám đất và một đạo quân mà khôi phục được cơ nghiệp Hạ.

4 Khi đưa tang vua Chiêu Thống từ bên Tàu về, còn trái tim cứ đỏ không tan.

5 Trang Liệt là vua Sùng Trinh nhà Minh, khi Minh mất nước tự tử theo nước.





HÀM NGHI ĐẾ


Tên chữ Ngài là Ưng Lịch.

Ngài là con thứ 5 đức Hoàng thúc phụ Thuần Nghị Kiên thái vương. Bà sanh mẫu húy là Phạm Thị Nhờn sanh Ngài trong năm Tân Vị (1871).

Năm Giáp Thân (1884), Ngài lên ngôi tại đền Thái Hòa. Đặt niên hiệu Hàm Nghi, lấy sang năm làm Hàm Nghi năm đầu.

Tháng 7, sửa nha Sơn phòng Quảng Nam. Bởi vì quan Đốc tiểu sứ là Trần Văn Dư xin sửa cho kỹ để vững mặt tả kỳ, cho nên có chỉ cho sửa.

Tháng 8, truyền cho đặt Bang tá châu Lương Chánh và châu Thường Xuân1 cho con tên Thổ ti tổng Trịnh Vạn là Cầm Bá Thước làm chức ấy. Đó là theo lời quan Tổng đốc Tôn Thất Triệt tâu xin.

Tháng 9, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đem tự quân cũ là ngài Thụy quốc công giam cấm, rồi thí tại ngục kín.

Quan Khâm sứ Lê Na ở Kinh đưa thơ nói rằng: "Đại Pháp và nước Tàu giảng hòa tại Bắc Kinh, nhờ có nước Nga điều đình. Xin các quan Cơ mật và các quan Thương bạc tâu lên Ngài rõ".

Chủ buôn người Tàu là tên Lý Thành Long chở trộm tiền đồng dị dạng tới vũng tàu Yên Vĩnh thuộc về tỉnh Quảng Nghĩa; việc ấy phát giác, tên Long bị tội trảm quyết. Sau lại có mấy người buôn Tàu là bọn La Dậu cũng đem tiền ấy ra buôn bán, đều bị tội trảm cả.

Quan Khâm sứ kiêm chức Bắc Kỳ toàn quyền là ông Lô Mi Ơ tới Huế làm Khâm sứ thay cho ông Lê Na về Đại Pháp.

Tháng 12, quan Thống binh Đại Pháp là ông My Lô đánh được quân Tàu tại đồn Đống Hoàn thuộc về tỉnh Lạng Sơn; rồi vào đóng trong thành tỉnh ấy.

Năm Ất Dậu (1885), bãi chức Chánh, Phó sứ nha Hải Phòng Quảng Nam. Bởi vì tháng chạp năm ngoái Đại Pháp phái quan lập sở Thương Chánh tại đó, để thâu thuế xuất cảng nhập cảng các thuyền buôn Tàu và thuế nha phiến. Nha Hải Phòng mình không dự nữa; cho nên đình bãi.

Tháng 2, triệt mấy khẩu súng đại bác để trên mặt Kinh thành mà chỉ qua lầu sứ. Vì nhơn khi ấy Đại Pháp sai người đóng đinh lấp các lỗ ngòi súng bác cả thảy 45 khẩu.

Tháng 4, quan Khâm sứ Đại Pháp ở Huế là ông Sâm Bô đưa thơ nói: "Đại Pháp và Đại Thanh giảng hòa tại Bắc Kinh, ngày 28 tháng nầy hai bên đã ký tờ hòa ước giao nhận xong rồi; nhờ tư ra các tỉnh ngoài Bắc Kỳ biết".

Tháng 5, ngày 23 là ngày Ất Mão, Kinh thành hữu sự. Tôn Thất Thuyết đem ngài và Tam cung2 ra Bắc. Ngày 24, Ngài vàTam cung tới tỉnh Quảng Trị đóng tại Hành cung. Ngày 27, Ngài ngự tới Sơn Phòng Quảng Trị; còn Tam cung thời cứ trú tại Hành cung. Nguyễn Văn Tường tâu xin Tam cung ngự về Khiêm cung để cho yên lòng thần dân. Khi ấy Nguyễn Văn Tường ở lại thương thuyết với quan Đại Pháp, hẹn trong hai tháng xin rước ngự giá về Kinh.

Tháng 6, ngày 3, Tam cung từ Quảng Trị ngự về, ngày 5 tới Khiêm cung. Tôn Thất Thuyết phò Ngài ở lại Sơn Phòng Quảng Trị. Thuyết thiện tiện truyền mạng Ngài dụ khắp trong nuớc khởi nghĩa cần vương; lại truyền một tờ dụ cho Nguyễn Văn Tường, một tờ dụ cho các Hoàng phái ở Kinh, đều phát trạm đưa về Kinh cả. Mấy việc ấy đều là việc từ ngày 7 tháng 6 trở về trước.

Tam cung truyền dụ chỉ sai người tới Sơn Phòng Quảng Trị rước Ngài về Kinh.


1 Lương Chánh là Thường Xuân thuộc về phủ Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa.
2 Tam cung là đức Từ Dũ thái hoàng thái hậu, đức Thuần Hiếu hoàng thái hậu và bà Học Phi.



Ngày 9, Ngài ngự tới Bửu Đài, nghe tàu Đại Pháp đóng tại cửa Nhựt Lệ (Quảng Bình), đạo ngự liền trở lại Sơn Phòng để đi đàng Thượng Đạo. Ngày 11, ngự tới thành cũ phủ Cam Lộ.

Ngày 15, Ngài ngự đàng Thượng Đạo qua Mai Lãnh tới Lao Bảo.

Ngày 20, Ngài ngự tới sách Bạn Cạn; rồi ngự tới xứ Hàm Tháo (Hàm Tháo ở gần phía Bắc sông Không (Mékông), từ đó tới Sơn Phòng Hà Tĩnh đàng đi 7 ngày); truyền sắc các quan Sơn Phòng Hà Tĩnh chở lương lên và dọn đàng rước Ngài về Sơn Phòng. Các quan tỉnh Hà Tĩnh đem việc ấy tâu vào Huế; Tam cung phê rằng: mừng lắm, và truyền ý chỉ ai mà rước Ngài về đặng sẽ được hậu thưởng tiền bạc, để cho đua nhau rước Ngài về mau, khỏi điều quan ngại. Quan Khâm sai là Tôn Thất Phan đem 350 tên quân Hà Tĩnh và 1 quan Lãnh binh tới Sơn Phòng rước Ngài. Người ta đồn rằng quân Đại Pháp tới, Thuyết phò Ngài đi nơi khác, nên rước không được.

Tam cung truyền chỉ dụ trong Kinh và các tỉnh hết thảy thân hào và Giám mục, lương dân giáo dân, đều nên yên phận.

Quan Đô thống Đại Pháp là ông Cô Ra Xy (De Courcy) bắt Nguyễn Văn Tường xuống tàu chở vào Gia Định. Rồi chở Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật, Lê Đính1 qua nước Đại Pháp; nhưng đi giữa đàng, Phậm Thận Duật bị bệnh mất, ném thây xuống biển.

Tam cung xuống chỉ nhờ quân Đại Pháp đóng giữ các tỉnh. Bởi vì quan Đô thống Đại Pháp thương xin chia quân đóng phía nam từ tinh Quảng Nam đến Bình Thuận, phía Bắc từ tỉnh Quảng Trị đến Thanh Hóa, để canh giữ cho đặng yên dân; đợi khi nào giao lại Kinh thành và đủ ngạch lính giản, thời sẽ triệt binh Pháp về, để khỏi người ta nghi hoặc. Cho nên mới có dụ chỉ ấy

Rước ngài Kiên Giang quận công vào nối ngôi.





Cảnh Tôn Thuần Hoàng Đế

Niên Hiệu Đồng Khánh


Tên húy Ngài là: Trên chữ, dưới chữ.

Tên chữ Ngài:

1. Bên tả chữ, bên hữu chữ.

2. Bên tả chữ, bên hữu chữ


Hai tên chữ đều có chữ đứng trên làm chữ lót.

Ngài là con trưởng đức Hoàng thúc phụ Thuần nghị Kiên Thái vương. Sanh mẫu là bà Bùi Thị sanh Ngài năm thứ XVII triều Tự Đức là năm Giáp tý (1864). Đến năm thứ XVIII (1865), Ngài mới có hai tuổi, đức Dực Tôn truyền Bà Thiện phi họ Nguyễn nuôi Ngài tại trong cung làm Hoàng tử thứ hai. Năm thứ XXXII triều Tự Đức (1879) Ngài ra đọc sách tại Chánh Mông đàng. Năm thứ XXXVI (1883), tháng giêng, phong tước Kiên Giang quận công. Năm Ất Dậu (1885), Ngài lên ngôi trị vì được 3 năm; hưởng thọ 25 tuổi; lăng Ngài là Tư lăng.

Tháng 8, ngày Đinh Sửu, Ngài lên ngôi tại đền Thái Hòa. Đặt niên hiệu Đồng Khánh, kể từ năm Bính Tuất (1886) làm đầu. Ban ân chiếu 12 điều.

Truyền làm quốc thơ đưa qua Đại Pháp cám ơn. Tặng Toàn quyền là ông Cô Ra Xi tước Bảo hộ quận vương, Khâm sứ là ông Sâm Bô tước Bảo hộ công.

Quan Đại Pháp giao lại 20.000 lượng bạc và 20.000 quan tiền đồng. Trong số tiền bạc ấy dâng lên trong Nội một nửa, dâng lên Lưỡng cung một nửa. (Khi ấy Kinh thành mới chỉnh đốn lại, nên quan Đại Pháp giao lại số tiền bạc ấy để dâng trong Nội dùng. Còn kho tàng thời quan quân Đại Pháp canh giữ, cứ mỗi tháng chiếu số lương bổng hết bao nhiêu tiền gạo, thời giao cho các người giữ kho nhận phát).

Phong ông Nguyễn Hữu Độ làm Cố mạng lương thần, gia hàm Thái tử Thái sư, Cần chánh điện đại học sĩ, Bảo quốc huân thần, nhưng kiêm Cơ mật đại thần, sung Bắc Kỳ Kinh lược đại sứ, tấn phong Vĩnh Lại Bá; Phan Đình Bình làm Cố mạng lương thần, thăng thọ Hiệp tá đại học sĩ, thự Văn minh điện đại học sĩ, Tá quốc huân thần, lãnh Lại bộ Thượng thơ, nhưng sung Cơ mật đại thần, quản lý Khâm thiên giám sự vụ, tấn phong Phò nghĩa tử.

Thân hào tỉnh Quảng Nam kết nhau làm nghĩa hội, cử Chánh sứ Sơn Phòng là Trần Văn Dư làmThủ hội nhóm chứng chiếm giữ tỉnh thành. Quân Đại Pháp kéo tới đuổi đi. Hà Tĩnh Lê Ninh (người huyện La Sơn, con Bố chánh Lê Kiên) nhóm chúng chiếm giữ thành. Quan Bố chánh Lê Đại bị giết, Án sát Trịnh Văn Bưu bị bắt, rồi phát bệnh mất; các quan phủ, huyện bỏ thành chạy trốn; cả tỉnh đều khởi binh ứng tiếp nhau. Tỉnh ấy bị nạn binh hỏa so với các tỉnh khác thiệt là khổ hơn.

Thân hào tỉnh Phú Yên chiếm giữ tỉnh thành, quan Bố Chánh Phạm Như Xương bị chúng nó bắt giam, còn Án sát và Lãnh binh đều bỏ trốn.

Đức Hàm Nghi tới Sơn Phòng Hà Tĩnh, quan Chánh sứ Sơn Phòng là Nguyễn Chánh đem quân tới rước, thân hào cũng nhiều người tới chầu, rước Ngài về đóng tại nha Sơn Phòng. Khi ấy các quan chức bắt dân dõng, lập thêm tạm xá để toan ở lâu. (Được ít hôm, Nguyễn Chánh trốn bỏ về tỉnh Nghệ).

Quan Khâm sứ Đại Pháp là ông Sâm Bô về nghỉ, ông Ba Duy Đam quyền Khâm sứ.

Tặng quan quyền Khâm sứ Đại Pháp là ông Ba Duy Đam tước Bảo quốc công, quan Tham tán Đại Pháp là ông Phan Nê tước Dực quốc công, quan Thượng thơ Đại Pháp là ông Sanh Bích tước Vệ quốc công.

Thổ tù ở tỉnh Thanh Hóa là Hà Văn Mao đem giặc Tàu về huyện Cẩm Thủy dụ dân Thổ lừa dịp khuấy rối ăn cướp.

Giặc Bãi sậy hiệp đảng với những tên bị tội bỏ trốn tại huyện Thanh Trì, Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, Thường Tín, về khuấy rối tỉnh Hà Nội, quan Bố chánh là Cao Xuân Dục thân hành đốc suất người trong tỉnh là tên bát phẩm Nguyễn Chúc, tên cửu phẩm Phùng Văn Thoan, đem các toán binh đánh nhau với giặc, giặc thua trốn, chém và bắt sống rất nhiều, lấy lại đặng các phủ, huyện. Việc ấy tâu lên, Ngài truyền chỉ thưởng Cao Xuân Dục quân công kỷ lục 2 thứ, 1 cáci khánh vàng quân công và giây đeo; bọn tên Chúc tên Thoan cũng được thưởng mỗi tên 1 cái bài tử kim và thăng trật. Ngài lại truyền chỉ thông lục việc ấy khắp cả Tả Kỷ, Hữu Kỳ1 đều biết.

Ngài truyền từ ngày 1 tháng 10 năm ấy cho tới cuối năm, niên hiệu viết: "Đồng Khánh Ất Dậu niên", thông lục trong ngoài đều biết.

Truyền tước tên Tôn Thất Thuyết trong sổ Tôn Phổ.

Tháng 10 năm ấy, Ngài khiến từ Thanh Hóa trở vào Bình Thuận phải kén lính tập. Đó là theo điều khoản trong hòa ướ mới.

Tỉnh Quảng Trị phái quân hiệp với quân Đại Pháp đánh đặng thân hào tại miền rừng phủ Cam Lộ và huyện Do Linh. Từ đó đàng cái quan mới đi thông được. Đầu mục thân hào là Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như đều chạy trốn cả.


Thân hào trong các phủ, huyện tỉnh Nghệ đều khởi nghĩa, cử Đốc học Nguyễn Xuân Ôn và Chánh sứ Sơn Phòng là Lê Doãn Nhã làm đầu. Quan Đại Pháp kéo quân tới đánh, được luôn. Ngài truyền Cơ mật làm thơ ủy lạo các quan Đại Pháp.

Ngài nghĩ rằng khi Kinh thành hữu sự, vua Hàm Nghi ngự ra ngoài, cho nên thân hào sĩ dân có lòng cần vương khởi nghĩa, không phải ưng làm loạn; mới xuống dụ hiểu thị bọn ấy phải mau tỉnh ngộ, trở đầu về với Triều đình. Lại truyền dụ sĩ, dân Bắc Kỳ đều biết những việc Tôn Thất Thuyết chuyên quyền trộm phép giả danh nghĩa mà nói dối dân.

Thân hào ở phủ Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, huyện Bố Trạch, thuộc về tỉnh Quảng Bình đều khởi nghĩa; cử Tri phủ Nguyễn Phạm Tuân làm đầu, dựng hiệu cờ "Cần Vương" và cờ "Cử nghĩa". Bố chánh Quảng Bình là Nguyễn Đình Dương bị hại.

Chế 8 lá cờ Bảo hộ (phát cho sáu Bộ, Cơ mật, ti Hành Nhơn để dùng treo khi lễ mừng, lễ Nguyên đán, lễ Chánh trung).

Quân Đại Pháp kéo tới Sơn Phòng Hà Tĩnh. Tháng trước đức Hàm Nghi tới đó, truyền chiếu chỉ đòi các thân hào, đặt quan đóng đồn giữ các nơi hiểm yếu để toan ở lâu. Đến bây giờ tên Thuyết phò đức Hàm Nghi về cửa Ve2, để Ngài ở đó; còn Thuyết với Trần Xuân Soạn thời ra Bắc. Các người mới giữ tỉnh đó nghe nói Sơn Phòng mất rồi, đều bỏ tỉnh chạy trốn; tỉnh thành cũng lấy lại được, mấy người khởi nghĩa biết việc không thể làm được, đều về nhà làm ăn, cũng có người tới tỉnh đầu thú. Chỉ có Phan Đình Phùng không chịu về.

Quân Đại Pháp đánh lấy lại nha Sơn Phòng Quảng Nam, bắt được Chánh sứ Trần Văn Dư giết ngay. Nguyên khi ấy Trần Văn Dư toan về Kinh đợi chỉ, vừa tới tỉnh Quảng Nam, bị quân Đại Pháp bắt được.

Hà Văn Mao khuấy rối phủ Thọ Xuân và huyện Cẩm Thủy. Quan tỉnh Thanh và quan Đại Pháp đánh phá tan được.


1 Tả Kỳ là từ Bình Định đến Bình Thuận; Hữu Kỳ là từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa.
2 Cửa Ve thuộc tỉnh Quảng Bình, chỗ tên Thổ Ty Trương Quang Thủ ở.



Ngày Giáp Dần, sao Thái Bạch mọc giữa ban ngày; lại có sao chổi mọc phương đông nam đuôi trỏ qua tây bắc dài chừng 7,8 thước.

Khiến quan Hiệp tá đại học sĩ lãnh Lại bộ Thượng thơ là Phan Đình Bình đi Kinh lược Quảng Bình. Mới cho lãnh trưng thuế quế trong tỉnh Quảng Nam.

Năm Bính Tuất niên hiệu Đồng Khánh năm đầu (1886), tháng giêng, Nguyễn Loan1 ở Quảng Ngãi hiệp với Bùi Điền, Đặng Đề ở Bình Định tụ đảng chia làm ba đạo, kéo tới khuấy rối tỉnh Quảng Ngãi. Quan Sơn Phòng là Nguyễn Thân đón đánh phá tan.

Ngài cho Nguyễn Hữu Độ làm Toàn quyền đại thần, Nguyễn Thuật làm Phó toàn quyền đại thần, đưa tờ hòa ước về việc khai khoáng, qua lầu sứ cùng quan Khâm sứ Hách Tô hai bên giao thuận với nhau.

Khi hòa ước rồi, Ngài truyền làm quốc thơ, sắm phẩm vật tặng hảo đức Giám quốc Đại Pháp và các quan Đại Pháp ở Bắc Kỳ. Sai Nguyễn Hữu Độ ra Hà Nội tuyên ý chỉ Ngài cho các quan Đại Pháp rõ.

Từ khi Kinh thành có việc, mấy đảng giặc ngoài Hải Dương hoành hành trong các phủ huyện; hoặc yên bức huyện Mỹ Hào và huyện Cẩm Giàng, hoặc đánh đuổi huyện Bình Giang, bắt quan huyện Gia Lộc; còn các phủ huyện khác cũng dần dần mất cả. Quan Tổng đốc là Nguyễn Thành Ý đem việc ấy tư Cơ mật xin tâu Ngài rõ.

Tháng 2, tỉnh Thanh Hóa có hơn 300 tên dân (nhơn bữa chợ phiên, giả cách cu ly, giấu dao vào trong đòn ống) mưu vào trong thành đánh lén. Việc ấy phát giác, chúng nó bị bắt, liền chạy trốn cả.

Khiến Phan Liêm làm Khâm sai đại thần, Phạm Phú Lâm làm phó Khâm sai, cầm cờ tiết mao đi từ Quảng Nam trở vào, khắp trong các tỉnh hiểu dụ thân hào phải nên về thú. Lại cho hai ông Khâm sai nghĩ thảo một tờ cáo thị dâng Ngài ngự bút sửa lại. Rồi truyền Sử quán in ra 100 tờ dụ và 100 tờ cáo thị giao hai ông Khâm sai tới đâu yết đó.

Tháng 3, tặng hảo đức Giám quốc và các quan Đại Pháp 112 cái Long bội tinh (mày đay rồng). Quan Quyên kinh lược Bắc Kỳ là Nguyễn Trọng Hợp đem tình thế ngoài ấy tư Cơ mật viện. Khi ấy sự thế Bắc Kỳ đã khác, không thể mỗi việc tâu báo được, cho nên mỗi năm chỉ một hai lần tư vào Cơ mật tâu lên Ngài rõ.

Đảng thân hào Bình Thuận phá phủ Ninh Thuận, kéo tới vây tỉnh thành; Tuần phủ, Bố chánh, Án sát đều bỏ trốn; chúng nó liền giữ tỉnh.

Tháng 4, đảng thân hào Quảng Bình bắt giết quan Khâm phái là Võ Bá Liêm. Truy tặng Võ Bá Liêm hàm Thị giảng học sĩ, bọn Suất đội cũng được truy tặng.

Quan Thương tá Quảng Trị là Lê Thâm phó Lãnh binh Lê Xuân Tranh đi tuần trấp đến làng. Võ Xã (thuộc về phủ Triệu Phong) bị giặc đánh; Lê Thâm bị bắt, Lê Xuân Tranh bị giết.

Ngài nghĩ rằng: phía Nam phía Bắc lâu nay chưa yên, nhưng từ Quảng Nam trở vào đã sai Khâm sai đi phủ trấp rồi; Ngài muốn ngự về Thanh Hóa trở vào phía Nam dần dần tới đâu dẹp loạn yên dân đó. Truyền Cơ mật tư ra quan Toàn quyền Bắc Kỳ. Được ít lâu, thấy trả lời rằng: "thành Hà Nội đã triệt phá rồi, xin đạo ngự đóng tại Thanh Hóa thời yên ổn vững vàng hơn".

Tháng 5, cho quan Sứ Sơn Phòng Nghĩa Định là Nguyễn Thân thăng hàm Tham tri bộ Binh, phong tước Diên Lộc Nam, sung chức Nghĩa Định chiêu thảo xử trí sứ.
Ngài 16 là ngày Đinh Vị, đạo ngự từ Kinh đô khởi hành.

Quan Toàn quyền đưa thơ nói: "trong số tiền bạc xin chia một nửa giao lại nước mình, một nửa chở về quý quốc đúc bạc đồng để cấp lương lính tập trong hai năm và chi phí về việc công tác". Ngài truyền Thị lang bộ Hộ là Hồ Lệ kiểm nhận. Hai bên biên giao với nhau làm bằng.


1 Loan người huyện Mộ Đức, con quan Tổng đốc Nguyễn Bá Nghị.



Ngài ngự đóng tại Châu Thị, truyền sắp ngự xem dân phong, ban bạc cho Linh mục ở làng Yên Ninh và các giáo dân xứ ấy; còn mấy người tị nạn thời ban cho một trăm đồng bạc.

Quan tỉnh Quảng Bình cấp 800 phương gạo cho các giáo dân bị đốt phá, quan Đại Pháp cũng cấp cho 250 đồng bạc. Linh mục Bùi Quang Lộc lại xin trù tể nữa. Cơ mật đem việc ấy thương với quan Khâmsứ, quan Khâm sứ trả lời: không cho, nhưng sức cho các người Linh mục và các quan Đại Pháp ở tỉnh ấy biết.
Ngài ngự tới Quảng Bình, truyền yết sức những tên cừ mục phải ra đầu thú.
Đảng thân hào trong Bình Định phân tạo ra khuấy rối tỉnh Quảng Ngãi. Chiêu thảo sứ Nguyễn Thân đánh phá chạy tan.

Tháng 8, Ngài định ngự về Kinh; vì Thánh thể hơi se, ở lâu không tiện. Rồi cho ông quan Ba ra Hà Nội thương với quan Toàn quyền cho tàu hỏa tới cửa Nhật Lệ rước Ngài. Ngày 7 là ngày Đinh Mão, quan quân theo hầu Ngài ngự xuống tàu; ngày mai tới Kinh.

Tỉnh Quảng Trị hiệp với quan Đại Pháp đánh phá giặc tại phía Nam cửa Việt, bắt được tướng giặc là Hoàng Văn Phúc, đem chém ngay.

Tháng 9, cho ông Hoàng Tá Viêm khai phục hàm cũ mà sung Hữu trực kỳ yên phủ kinh lược sứ1 lãnh cờ tiết mao, được phép tự tiện làm việc; nhưng trước phải ra Quảng Bình xử trí cho yên, rồi tới Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa tuỳ nghi sắp đặt. Ngài dụ các thân hào rằng: "Hào kiệt biết thời mới phải, quân tử đổi lỗi là hơn. Năm ngoái Kinh thành có việc, vua Hàm Nghi ra đi. Trong các thân hào có người tức vì việc nước, khởi lên giúp vua, như người trót cỡi cọp, bước xuống cũng gay, nên phải trốn trong rừng rú, thường thường mượn tiếng phò vua Hàm Nghi. Đã mấy phen xuống dụ rước vua Hàm Nghi về, phong cho tước Công hoặc làm Tổng trấn Bắc Kỳ; còn thân hào ai ra thú, đều được tha tội. Mới đây, ta lại ngự ra đổng nhung, tới Quảng Trị trước, hào mục phần nhiều cứ còn tụ hội, Vã chăng, trong Triều có lời chiếu khoan dung mà ngoài dân không chút lòng thành ứng, bụng nghĩ làm sao? Hay là bảo rằng: nước mình không thể bảo toàn được chăng? Sao không nghĩ bây giờ đại cuộc thiên hạ đã định, cách chánh trị đổi mới, hòa với Đại Pháp đều giữ như cũ, chánh lệnh thi hành đều là quyền mình tự chủ, nào có ai trở ngại? Sao còn mấy điều làm ngờ mà thập thò như chuột? Hay là chúng mầy bảo rằng nếu bây giờ vua Hàm Nghi trở về, e không quyền lộc, chúng mầy cũng không được nhờ gì chăng? Chúng mầy phải biết thời muốn giàu; Hàm Nghi là em ta, ta nay suy rộng tỉnh Thanh, Nghệ, Tỉnh, cấp bổng lộc rất hậu, đồ thường dùng cũng như vua, chớ có biếm truất gì đâu? Nay ta cho tôi cũ là Hoàng Tá Viêm khai phục hàm Đông các đại học sĩ, sung làm Hữu trực kỳ Yên phủ kinh lý đại sứ; thế là lòng ta muốn xếp cho yên, không phải muốn đánh cho được. Từ nay trở đi, thân hào chúng mầy nên mau tỉnh ngộ, đuổi hết quân lính bó thân về với Triều đình, hoặc tới tỉnh, hoặc tới các sở quân thứ đầu thú. Trừ ra tên Lê Thuyết (tức là Tôn Thất Thuyết) Triều đình không thể dùng lại được, nhưng nếu nó biết trở về, thời cho nó chức quan cũ như: Trương Văn Ban, Nguyễn Trực, Nguyễn Chư, Lê Mô Khởi, Nguyễn Nguyên Thành, Phan Trọng Mưu, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã, Ngô Xuân Quỳnh, sẽ cho chiếu theo nguyên hàm bổ làm quan từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào mấy tỉnh phía nam, để lo báo bổ về sau. Còn mấy tên trước chưa có chỉ tha như Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Đình Phùng, nếu biết về thú, quả có thiệt trạng, xét như thiệt sẵn lòng đổi lỗi, thời cũng khoan giảm tội cũ, sẽ thưởng phẩm hàm, để yên người phản trắc. Còn mấy tên khác, khi nào về thú, xét quả thiệt lòng, rồi sẽ nghĩ. Những mấy khoản nói trên đó, khi trước quan Toàn quyền Côn Pha (Paul Bert) tới Kinh vào yết, ta đã thương miệng, ông ấy cũng đã bằng lòng; chắc là không nói sai đâu. Chúng mầy còn dùng dằng không quyết, ngu dại, không biết lo trước, đến khi đại binh kéo tới, ngọc đá đều phải ra tro, ta tuy sẵn lòng thương, cũng không biết nghĩ sao cho chúng mầy nhờ được !".

Nhường sở Trấn Bình đài cho Pháp, phá súng đồng đúc tiền để tiêu việc công tác.

Khiến Quang lộc tự khanh Hoàng Hữu Xứng coi làm sách Địa dư nói về giới hạn nươc mình. Sách làm rồi, các người dự làm sách đều được thưởng.


1 Hữu trực là Quảng Trị, Quảng Bình, Hữu kỳ là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa.



Quân Đại Pháp đi tuần tiễu trong huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam, đánh phá tan đồn Trung Lộc.

Tháng 11, quan Phó Khâm sứ Tả trực kỳ là Phạm Phú Lâm có tội bị cách chức, cho sai phái chuộc tội. (Phạm Phú Lâm sợ quá, không kịp đợi chỉ đã về Kinh chịu tội trước).

Cho ông Nguyễn Tri Phương dự thờ trong miếu Hiền Lương, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, Trương Văn Uyển đều được khai phục nguyên hàm.

Cho quan Hưu trí là Võ Trọng Bình mỗi tháng được lãnh hưu bổng 20 quan tiền và 3 phương gạo1.

Tháng 12, các Cừ mục trong bọn thân hào Bình Định tới tỉnh đầu thú rất nhiều. Truyền ân chỉ cho 7 người được chiếu theo nguyên hàm bổ làm việc tỉnh ấy, còn bao nhiêu cho về làm ăn.

Cừ mục tỉnh Quảng Bình trở vào đều được yên lặng.

Năm Đinh Hợi thứ II (1887) , tháng giêng, cho Tuần phủ Hưng Yên Hoàng Cao Khải thực thọ Tổng đốc kiêm chức Tiễu phủ sứ. Khi ấy giặc Bải Sậy kéo tràn qua phía đông bắc; quyền Kinh lược là Nguyễn Trọng Hợp tâu: "Hoàng Cao Khải có tài cán mưu lược, lại quen thuộc tình thế xứ đó". Cho nên Ngài xuống chỉ ấy.

Quân Đại Pháp ở tỉnh Thanh phá tan toán quân Phạm Bành2 tại đồn Ba Đình (thuộc về huyện Nga Sơn). Nguyên khi trước Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng giữ chỗ hiểm lập đồn, quân Đại Pháp đánh không được, kéo về; rồi phi tư ra Ninh Bình, Nam Định lấy thêm quân vào hội vây đến vài tháng, bọn Phạm Bành xông vây chạy ra; Quân Đại Pháp phá được đồn ấy.

Tháng 2, chẩn cấp các dân mọi phiêu lưu thuộc về phủ Tương và phủ Quỳ. Bởi vì hai phủ ấy thường bị giặc phá, dân mọi chạy vào huyện Hương Sơn, (tỉnh Hà Tĩnh). Cho nên truyền chỉ ban cấp.

Tháng 3, quan Đại Pháp ở đồn Minh Cầm (thuộc về huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình) bắn chết Nguyễn Phạm Tuân. Triều đình tặng hảo một cái Kim Khánh trung hạng.

Tháng 4, Phạm Bành ở tỉnh Thanh thấy con là Phạm Tiêu bị bắt, Bành tới tỉnh đầu thú; Phạm Tiêu được tha; liền đêm ấy Phạm Bành tự tử. Hoàng Bật Đạt bị dân bắt giải tới, quan Đại Pháp giết ngay, Đinh Công Tráng sau trốn vào phủ Tương tỉnh Nghệ, cũng bị quan quân bắn chết.

Lập trường dạy chữ và tiếng Đại Pháp. Cho Diệp Văn Cương làm Chưởng giáo, Nguyễn Hữu Mẫn làm Trợ giáo3.

Tháng 4 nhuần, quan Đại Pháp ở Hà Nội bắt quan Bố chánh cũ là Nguyễn Cao; Nguyễn Cao không chịu khuất, tự tử.

Quan Đại Pháp ở Nghệ An bắt được Đốc học Nguyễn Xuân Oân. Tháng 4 năm sau giải về Kiinh, các quan thương với quan Khâm sứ cho ở ngoài khỏi giam. Được ít lâu, Nguyễn Xuân ôn bị bệnh mất.

Quan Đại Pháp ở Bình Định bắt được Mai Xuân Thưởng4, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận và từ Phó tướng trở xuống cả thảy 11 người, đều chém cả.

Tháng 5, đòi Hữu trực kỳ Khâm mạng đại sứ là Hoàng Tá Viêm về Kinh đợi chỉ. Lại cho ông Nguyễn Hữu Độ ra làm Kinh lược đại sứ ngoài Bắc Kỳ.
Tỉnh Thanh bắt được Tú tài Nguyễn Phương và con là Nguyễn Quýnh5. Nguyễn Phương liền tự tử


1 Khi ấy chưa có lệ được ăn hưu bổng.

2 Phạm Bành nguyên Thị độc lãnh Án sát Nghệ An, khi khởi sự xưng Tán lý.
3 Diệp Văn Cương hàm kiểm thảo, kiêm quản sở Hành Nhơn, Nguyễn Hữu Mẫn làm Tư vụ sở Hành Nhơn.

4 Mai Xuân Thưởng đậu Cử nhơn khi khởi nghĩa tự xưng Nguyên soái.
5 Nguyễn Phương tự xưng phó Đô thống, Nguyễn Quýnh tự xưng Lãnh binh.



Gặp ngày Chánh trung, quan Khâm sứ xin duyệt binh trước lầu Ngọ Môn, rước Ngài lên Ngũ phụng lâu xem duyệt binh. Ngự xem duyệt binh từ đây là đầu.

Tháng 6, Nguyễn Thân đánh phá toán quân Nguyễn Hiệu tại núi An Lâm, chém những người cừ mục, lấy được khí giới tiền lương nhiều lắm. (Hiệu đậu Phó bảng, hàm Hường lô tự khanh).

Tháng 7, ngày Nhâm Tuấtn, có vì sao chạy, tiếng kêu như sấm. (Sao ấy từ đông nam chạy qua tây bắc rồi rớt xuống, sắc xanh xen sắc đỏ, khi đầu nghe ầm một tiếng như súng lớn, rồi sau nổ hai ba tiếng như sấm nhỏ).

Nguyễn Thân tìm ra bọn Nguyễn Hiệu ở miền thượng nguyên Phước Sơn, bắt sống được 8 người cừ mục và thân quyên.

Nguyễn Thân sai người bắt được Nguyễn Hiệu, chạy cờ đỏ về báo tiệp, bỏ Nguyên Hiệu vào củi giải về Kinh. Khoản trong 10 ngày, cừ mục ra thú rất nhiều. Tỉnh Quảng Nam yên lặng.

Thân hào tỉnh Nghệ ra thú 442 người; đều cho về nhà làm ăn.

Cho Khâm sai đại thần là Nguyễn Thân gia hàm Thượng thơ nhưng sung Nghĩa Định Tiễu phủ sứ; lại thưởng thêm một cái Kim khánh hạng lớn khắc 4 chữ "Lao năng khả tưởng".

Cho Nguyễn Thuật làm chức Tả trực kỳ1 Tuyên ủy xứ trí đại thần, Nguyễn Thuật đem tình hình điêu háo trong tỉnh Quảng Nam tâu lên, xin rằng trong năm Hàm Nghi, tỉnh ấy còn thiếu thuế đinh và thuế các hạng bao nhiêu xin gia ân tha hết. (Trừ thuế nha phiến, thuế yến sào, thuế mỏ than và thuế rượu thời phải chiếu lệ nạp đủ). Ngài cho.

Tháng 10, quan Văn minh điện đại học sĩ tước Phò nghĩa tử là Phan Đình Bình bị việc, định tội chết.

Tháng 11, người tỉnh Nghệ là Hường lô tự thiếu khanh Nguyễn Thành ra thú. Được ít lâu, bị bệnh mất.

Tháng 12, quan Đại Pháp giao lại miếu Công thần và các đại trại lính ở trong Kinh thành từ cửa tây nam đến cửa Chánh Tây, còn các sở chưa giao lại.

Năm Mậu Tý thứ III (1888), tháng giêng, đặt nha Kinh lược ngoài Bắc Kỳ.

Tháng 2, quan Toàn quyền là ông Công Tăng tới Kinh vào yết và dâng quốc thơ nước Đại Pháp. Trong thơ đại ý nói rằng: đức Giám quốc mới thiệt sẵn lòng về việc giao hiếu. Ngài ngự qua lầu sứ hỏi thăm, truyền phủ Tôn Nhơn và Đình thần làm thơ đáp lại.

Cho học trò trường Hành nhơn được ăn lương và được trừ xâu thuế. Ấy là theo lời Diệp Văn Cương xin.

Tháng 3, đặt tỉnh Phương Lâm ngoài Bắc Kỳ. Tỉnh lỵ đóng tại làng Phương Lâm thuộc về huyện Bất Đạt. Đem đạo Mỹ Đức trong tỉnh Sơn Tây và các hạt dân Mọi, dân Thổ trong tỉnh Ninh Bình lập thành tỉnh ấy, giao quan Công sứ quản trị.
Tháng 4, quan Đại Pháp mới lập sở Đại Nam nhật báo.

Sai các quan thầy thuốc mình qua lầu sứ học phép trồng đậu. Trong tỉnh Nghệ đất mọc lông (dài hơn 2 tấc, sắc đen).

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bị chứng dịch.

Đặt nha Điển Nông trong tỉnh Quảng Ngãi. Vì các quan tỉnh tâu rằng: "người tỉnh ấy có quan quyền Bố chánh cũ là Võ Duy Tĩnh trình rằng: trong hạt ấy những đất ruộng bỏ hoang và những chỗ đầm lầy cát bồi có thể khai khẩn được hãy còn nhiều lắm, xin khai khẩn hết để thêm địa lợi. Võ Duy Tĩnh lại xin làm chủ việc ấy và xin lựa một người Thổ trước đặt làm Bang tá, phái thêm vài người tỉnh thuộc


1 Tả trực là tỉnh Quảng Nam, Quảng Nghãi; Tả kỳ là tỉnh Bình Định, Phú Yên. với Hiệp quản, Suất đội đem 100 quân đóng thành một sở để làm việc. Còn bổng hướng, trâu bò, cày bừa, xin quyên thại mà cấp. Đợi ba năm rồi sẽ chiếu số thành hiệu nghĩ định thưởng phạt".



Tháng 5, chuẩn cho đem tiền nạp thuế; cứ mỗi hộc lúa nạp 8 quan tiền.

Tháng 6, Tây buôn tên là Đô Phối xin rằng: trước ông ấy đã lãnh trưng thuế gỗ, nứa, mây, thuộc về tỉnh Thanh, tỉnh Nghệ. Bây giờ xin trưng hạn trong ba năm hết thảy các thuế sản vật trên rừng. Ngài xuống chỉ giao bộ Hộ bàn định điều lệ giao cho ông ấy nhận làm.

Tháng 7, quan Khâm sứ Hách Tô giao lại một quyển sách chữ Pháp đã dịch rồi của ông quan ba Lô Sơ coi về việc địa đồ. Cơ mật tâu xin giao cho quan tỉnh xét trong tỉnh người nào quan thuộc tình thế trên mọi, thời cho phẩm hàm, phái lên các xứ mọi thám xét.

Tháng 8, đem xứ Hàn (Tourane) làm đất nhượng địa Đại Pháp.

Tháng 9, đổi nha Kinh lý An Khê làm huyện Bình Khê (thuộc tỉnh Bình Định) đặt quan lại coi việc huyện ấy.

Tháng 10, quan Đại Pháp đóng đồn ở Quảng Bình rước ngài Hàm Nghi về cửa Thuận An; rồi rước lên tàu hỏa qua ở xứ Anh Xe Nhi (Algérie). Nguyên khi trước Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Trình tới đồn Đại Pháp đầu thú, xin dẫn quan Đại Pháp qua miền Thượng nguyên huyện Tuyên Hóa gọi là xứ Thằng Cuội, rước Ngài Hàm Nghi về Cửa Thuận; rồi quan Toàn quyền tới thương xin rước qua ở xứ khác, đợi khi nào trong nước yên lặng rồi sẽ đưa về. Ngài ngự truyền quan Cơ mật là Đoàn Văn Bình tới cửa Thuận hầu thăm, về tâu. Rồi tàu hỏa nhổ neo đi ngay.

Tháng 11, người tỉnh Quảng Bình tên là Lê Trực1 đem hơn 100 quân và khí giới tới đồn Thuận Bài đầu thú.

Các quan Cơ mật thấy biên lời khẩu cung Lê Trực nói nhiều câu vô phép, liền thương hỏi quan Toàn quyền xử trí thế nào. Quan Toàn quyền thương rằng: "khi Lê Trực ra thú quý quan trót đã hứa cho tha tội mà lại hậu thưởng; nay nên đừng thưởng nữa, nhung tha nó khỏi tội, để khiến nó dụ giặc ra thú, chắc rằng nó cũng hết lòng gắng sức". Quan Cơ mật đem việc ấy tâu lên, Ngài cho.

Quan Toàn quyền là ông Lê Na thương rằng: tiền chi phí về khoản đức Hàm Nghi đi thời nước ta cứ mỗi năm chịu 4.981 đồng bạc, và 1 tên bồi hầu mỗi năm cấp lương 299 đồng.

Tháng 12, Ngài se, ngày 27, Ngài băng ! Ngài có 6 ông Hoàng tử và 3 Công chúa. Các quan thấy mấy ông Hoàng còn nhỏ chưa nối ngôi được, mới rước con thứ bảy đức Cung Huệ Hoàng Đế2 vào nối ngôi.
1 Lê Trực trước đậu Tiến sĩ võ, sau làm quan đến Đề đốc.

2 Cung Huệ Hoàng Đế là ông Dục Đức. Đến triều Thành Thái mới truy tôn, chớ khi trước bị bỏ chưa có miếu hiệu.
Quốc Triều chính biên toát yếu - Tổng Tài Quốc sử quán triều Nguyễn Cao Xuân Dục chủ biên, quyển VI, ghi đến ngày vua Đồng Khánh băng hà . Để Quý vị tiện theo dõi, tôi đưa lên hình Phả hệ nhà Nguyễn:

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét