Việt Nam Sử Lược
CHƯƠNG VII
Người Âu-châu sang nước Nam
I. SỰ ĐI TÌM ĐẤT
1. Người Âu-châu sang Á-đông
2. Người Âu-châu sang đất Việt-nam
II. SỰ ĐI TRUYỀN GIÁO
1. Đạo Thiên-chúa
Nguyên người Âu-la-ba đi du-lịch thiên-hạ là vì có hai cớ: một là đi ìm đất để buôn-bán, hai là để truyền-bá tông-giáo Thiên-chúa ở các nước.
1. Sự đi tìm đất.
Người Âu-châu sang Á đông - Từ đời La- mã, đã có sách chép người Âu-châu sang đến nước Tàu, nhưng không rõ cách giao-thiệp ra làm sao; đến thập-tam thế-kỷ mới có ông Marco Polo, người nước I-ta-li sang ở triều nhà Nguyên về đời vua Thế-tổ Tất Liệt hằng 17 năm, rồi sau đi qua Ấn-độ-dương về nước, làm ra quyển sách: "Thế-giới kỳ-quan" (Les merveilles du monde), kể những chuyện ông ấy đã biết.
Về sau vào thập-ngũ thế-kỷ, ông Kha Luân Bố (Christophe Colomb) dùng địa-bàn chỉ nam (boussole) định đi qua Đại-tây dương sang Ấn độ, rồi tìm thấy châu A-mỹ-lị-gia (Amérique); đến năm 1479, người Bồ đào-nha (Portugal) tên là Vasco de Gama đi vòng qua Hảo-vọng-giác (Cap de Bonne Espérance) sang Ấn-độ-dương vào đất Ấn độ. Năm 1521 lại có người Bồ đào-nha tên là Magellan đi qua Ấn độ dương sang Thái-bình-dương vào đất Phi-luật-tân (Philippines).
Từ đó về sau người Bồ đào-nha (Portugal) mới sang Tây-ban-nha (Espagne) và người Hòa-lan (Hollande) mới sang Á đông lấy đất thuộc địa và mở cửa hàng buôn-bán như sau này:
Năm quí-hợi (1563) về đời Gia-tĩnh nhà Minh, người Bồ-đào-nha đến ở đất Áo-môn (Macao) nước Tàu.
Năm mậu-thìn (1568) người Tây-ban-nha sang lấy đất Phi-luật-tân làm thuộc địa.
Năm bính-thân (1596) người Hòa-lan sang lấy đất Trà-và (Java) làm thuộc địa. Về sau dần dần người Bồ-đào-nha, người Pháp-lan-tây (France) và người Anh-cát-lợi (Angleterre) đến ở đất Ấn độ.
Người Âu-châu sang đất Việt-nam. Người Âu-châu sang buôn-bán ở nước ta, thì có người Bồ-đào-nha đến ở xứ Nam trước hết cả, mở cửa hàng ở phố Hội-an (tức là Faifo) thuộc đất Quảng-nam. Ở đấy lại có người Tàu, người Nhật-bản và người Hòa-lan đến buôn-bán nhiều lắm. Sách của ông Maybon và Russier có chép rằng năm giáp dần (1614) đời chúa Sãi đã có người Bồ-đào-nha tên là Jean de la Croix đến lập lò đúc súng ở đất Thuận- hóa, mà bây giờ ở Huế người ta còn gọi chỗ ấy là Phường đúc.
Ở ngoài Bắc thì trước đã có tàu của người Bồ-đào-nha ra vào buôn-bán, nhưng mãi đến năm đinh-sửu (1637) đời vua Thần-tông nhà Lê, Thanh đô- vương Trịnh Tráng mới cho người Hòa-lan đến mở cửa hàng ở Phố-Hiến (gần chỗ tỉnh-lỵ Hưng-yên bấy giờ). Về sau ở đấy có người Nhật-bản, người Tàu, người Tiêm-la đến buôn-bán kể có 2.000 nóc nhà, làm thành ra chỗ vui-vẻ lắm, cho nên tục-ngữ bấy giờ có câu rằng:
" Thứ nhất Kinh-kỳ, thứ nhì Phố-hiến "
Lúc bấy giờ người Bồ-đào-nha sang buôn-bán ở trong Nam nhiều hơn, mà ở ngoài Bắc thì có người Hòa-lan nhiều hơn, nhưng thủa ấy người hai nước ấy hay tranh-cạnh với nhau, bởi thế chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều có ý muốn nhân cớ ấy mà nhờ họ giúp mình. Song vì lợi buôn-bán cho nên họ không chịu ra mặt giúp hẳn, thành ra lâu ngày các chúa cũng chán và lại lôi-thôi về việc tông-giáo, cho nên đến năm canh-thìn (1700) đời vua Lê Hi-tông, người Hòa-lan thôi không vào buôn-bán ở ngoài Bắc nữa.
Đời bấy giờ người Anh-cát-lợi và người Pháp-lan-tây cũng vào buôn- bán ở nước ta. Năm nhâm-tí (1672) đời vua Lê Hi-tông, người Anh-cát-lợi đem chiếc tàu Zant vào xin mở cửa hàng buôn-bán, chúa Trịnh cho xuống ở Phố-hiến, nhưng vì sau sự buôn-bán không được thịnh-lợi, người Anh-cát-lợi chỉ ở đến năm đinh-sửu (1697) rồi thôi.
Còn người Pháp-lan-tây thì từ năm canh-thân (1680) đã có tàu vào xin mở cửa hàng ở Phố-hiến; đến năm nhâm-tuất (1682) lại có chiếc tàu Saint Joseph ở Tiêm-la sang đem phẩm-vật dâng chúa Trịnh.
Ở trong Nam thì năm bính-dần (1686) có người Pháp tên là Verret được phép mở cửa hàng ở cù-lao Côn-lôn. Đến năm kỷ-tị (1749) lại có một người Pháp tên là Poivre đi chiếc tàu Machault vào cửa Hội-an, xin vào yết- kiến chúa Nguyễn và dâng tờ quốc-thư cùng phẩm-vật để tỏ tình giao hiếu của hai nước. Chúa Nguyễn cũng đáp thư lại, thuận cho người Pháp vào thông-thương. Nhưng chẳng được bao lâu thì công-ty của Pháp ở Ấn độ bãi đi, cho nên sự thông thương với người Pháp cũng bãi.
Sự đi truyền giáo.
Đạo Thiên-chúa. Nguyên khi xưa toàn xứ Âu-la-ba không có nhất định một tông-giáo nào cả. Mỗi dân-tộc thờ một vị thần riêng của mình. Thường hay lấy cái lực hoạt động của tạo-hóa mà tưởng-tượng ra các vị thần, rồi làm đền, làm đài, để thờ cúng. Như dân- tộc Hi-lạp (Grec) và dân-tộc La-mã (Romain) thờ thần Giu-bi-te (Jupiter), thần A-bô-lông (Apollon) và các vị thần khác vậy. Duy có dân-tộc Do-thái (Juifs) ở đất Tiểu Á-tế-á, nay là đất Palestine đã được độc-lập, chỉ thờ một vị thần gọi là Jéhovah sinh-hóa vạn vật và người; cho nên người chỉ phải thờ một vị thần ấy mà thôi. Đến đời dân La-mã đã kiêm-tính được cả đất Tiểu Á-tế-á, đất bắc A-phi-lị-gia và đất tây-nam Âu-la-ba, dân Do-thái cũng thuộc về La-mã, mà đạo Do-thái bấy giờ cũng đã suy lắm rồi. Lúc ấy đức Gia-tô ra đời, nhân đạo Do-thái mà lập ra đạo mới [113]
dạy người lấy sự yêu-mến và tôn-kính Thiên-chúa làm gốc, lấy bụng từ-bi nhân thứ, coi người như anh em ruột thịt làm cốt. Từ đó về sau các môn đồ đem đạo ấy đi truyền-bá các nơi. Ông Saint Pierre thì sang lập giáo đường ở tại Kinh-thành La-mã, ông Saint Paul thì đi truyền đạo ở khắp trong nước.
Lúc đầu đạo Thiên-chúa bị nhiều phen vua La-mã nghiêm-cấm, dùng cực hình mà giết hại các giáo-sĩ và những người theo đạo mới, nhưng dẫu nguy-nan thế nào mặc lòng, các môn đồ cứ một niềm đi truyền đạo khắp bốn phương. Mãi đến đầu đệ-tứ thế-kỷ (313) vua La-mã là Constantin mới cho giảng đạo Thiên-chúa ở mọi nơi trong nước. Từ bấy giờ trở đi đạo Thiên-chúa ở mọi nơi trong nước. Từ bấy giờ trở đi đạo Thiên-chúa một ngày một thịnh, lập Giáo-hoàng để thống-nhất việc giáo, đặt Giám-mục để coi việc giáo ở các nơi, lại sai giáo-sĩ đi truyền đạo khắp trong thiên-hạ: hễ ở đâu có người là có giáo-sĩ đến dạy đạo. Bởi vậy cho nên chẳng bao lâu mà toàn Âu đều theo đạo Thiên-chúa cả. [113]
Đạo của ông Gia Tô lập ra cho nên ta thường gọi là đạo Gia Tô, lại vì đạo ấy chỉ thờ Thiên Chúa mà thôi, cho nên lại gọi là đạo Thiên Chúa. Có phái gọi là Cơ đốc bởi chữ Christ là bậc cứu thế.
Bên Á đông ta thì từ đời nhà Đường (618-907) sử chép có Cảnh- giáo 114
tức là một phái Gia-tô-giáo đã sang Tàu, nhưng vì bấy giờ đạo Phật đang thịnh, cho nên đạo Cảnh-giáo mất dần đi. Mãi đến đời nhà Nguyên, nhà Minh mới thật có giáo-sĩ sang giảng đạo Gia-tô ở nước Tàu.
Đạo Thiên-chúa sang nước Nam. Ở nước Nam ta từ khi đã có người Âu-la-ba sang buôn bán, thì tất là có giáo-sĩ sang dạy đạo. Cứ theo sách Khâm định Việt-sử, thì từ năm Nguyên-hòa nguyên-niên đời vua Trang-tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I-nê-khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên-chúa ở làng Ninh-cường, làng Quần-anh, thuộc huyện Nam-chân (tức là Nam-trực) và ở làng Trà-lũ, thuộc huyện Giao-thủy.
Sách Nam-sử của Trương vĩnh Ký chép rằng năm bính-thân (1596) đời ông Nguyễn Hoàng có người giáo-sĩ Tây-ban-nha tên là Diego Adverte vào giảng đạo ở trong Nam trước hết cả. Nhưng lúc bấy giờ lại có mấy chiếc tàu Tây-ban-nha cùng đến, chúa Nguyễn sợ có ý quấy-nhiễu gì chăng, bèn đuổi đi.
Đến năm ất-mão (1615) đời chúa Sãi, giáo-sĩ là P. Busomi lại đến giảng đạo, rồi đến năm giáp-tí (1624) có giáo-sĩ tên là Jean Rhodes, người Pháp-lan-tây, đến giảng đạo ở Phú-xuân và lập ra các giáo đường. Năm bính-dần (1626) đời vua Lê Thần-tông, giáo-sĩ là Baldinoti vào giảng đạo ở ngoài Bắc, bị chúa Trịnh không cho, phải bỏ đi. Được ít lâu ông Jean Rhodes ở trong Nam ra Bắc vào yết-kiến chúa Trịnh và đem dâng các đồng- hồ quả lắc, chúa Trịnh cho ông Jean Rhodes được giảng đạo tại Kinh đô.
Từ đó về sau các giáo-sĩ cứ dần dần vào nước dạy đạo, mà người mình càng ngày càng theo đạo cũng nhiều. Nhưng vì nước ta tự xưa đến nay vẫn theo Nho-giáo, lấy sự thờ-cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế-tự thần-thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng-tế làm một việc rất quan- trọng. Đột nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên-chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tả đạo, làm hủy-hoại cả cái phong-hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không tuân theo chỉ đụ ấy.
Cứ theo trong sử thì năm tân-vị (1631) ở trong Nam, chúa Thượng là Nguyễn-phúc Lan cấm không cho người Tây vào giảng đạo ở trong nước. [114]
Cảnh giáo là một phái đạo Gia Tô của người chủ giáo tên là Nestorius lập ra từ đệ ngũ thế kỷ ở Đông La Mã, rồi truyền sang nước Ba Tư (Perse) và nước Tàu.
Năm quí-mão (1663) ở ngoài Bắc, chúa Trịnh là Trịnh Tạc bắt đuổi các giáo-sĩ và cấm không cho người mình theo đạo Gia-tô.
Năm giáp-thìn (1644) chúa Hiền ở miền Nam bắt giết những người đi giảng đạo ở Đà-nẵng.
Năm bính-tí (1696) đời vua Lê Hi-tông, Trịnh Căn bắt đốt phá hết cả những sách đạo và nhà đạo ở các nơi và đuổi những người giảng đạo ra ngoài nước.
Năm nhâm-thìn (1712) đời vua Lê Dụ-tông, Trịnh Cương bắt những người theo đạo Gia-tô phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ "học Hoa-lan đạo" 115 .
Năm giáp-tuất (1754) đời Cảnh-hưng, Trịnh Doanh lại nghiêm-cấm một cách rất ngặt, không cho người ta đi theo đạo, và lại giết cả các đạo- trưởng và đạo đồ.
Từ đó về sau việc cấm đạo một ngày một nghiêm, mà người đi giảng đạo cũng không lấy luật nước làm sợ, cứ cố sức dụ cho được nhiều người theo đạo. Rồi dần dần người trong nước phân ra bên lương bên giáo, ghen-ghét nhau hơn người cừu địch. Vua quan thì thấy dùng phép thường không cấm được, mới dùng đến cực hình để mà trừng-trị, giết hại bao nhiêu người vô tội.
Tóm lại mà xét, thì giả sử người ngoại quốc vào nước ta mà chỉ có việc buôn bán mà thôi, thì chắc rằng nước ta xưa nay vốn là một nước văn hiến, vua quan ta cũng không có lẽ gì mà ngăn-cấm; nhưng bởi vì khi đã quan-hệ đến việc sùng-tín, thì dù hay dở thế nào mặc lòng, người ta ai cũng cho sự sùng-tín của mình là phải hơn, thành ra không ai khoan dung cho ai, rồi cứ phải dùng thế-lực để mà đè-nén nhau. Cũng vì thế cho nên về sau nước ta không chịu suy-xét lẽ phải-trái cho kỹ-càng, làm lắm sự tàn-ác để đến nỗi mất cả sự hòa-hiếu với các nước ở Tây dương và gây nên cái mối biến-loạn cho nước nhà vậy. [115]
Hoa Lan tức là Hòa Lan (Hollande). Người Hòa Lan sang buôn bán ở ngoài Bắc trước hết cả cho nên mới gọi là đạo Hòa Lan. Vả lúc bấy giờ người Việt Nam ta không phân biệt được những nước nào, hễ thấy người Tây thì thường cứ gọi là Hòa Lan
CHƯƠNG VIII
Vận Trung Suy của Chúa Nguyễn
1. Trương Phúc Loan chuyên quyền 2. Tây Sơn dấy binh 3. Quân họ Trịnh vào lấy Phú Xuân 4. Chúa Nguyễn vào Gia Định 5. Nguyễn Vương khởi binh đánh Tây Sơn 6. Nguyễn Vương định cầu viện nước Pháp Lan Tây 7. Nguyễn Huệ phá quân Tiêm La
1. Trương Phúc Loan chuyên quyền.
Từ ông Nguyễn Hoàng trở đi, họ Nguyễn làm chúa trong Nam: phía bắc chống nhau với họ Trịnh, phía nam đánh lấy đất Chiêm thành và đất Chân Lạp, truyền đến đời Vũ Vương là Nguyễn Phúc Khoát mới xưng vương hiệu. Vũ Vương định triều nghi, lập cung điện ở đất Phú Xuân, và phong cho người con thứ 9 là Nguyễn Phúc Hiệu làm thế tử.
Năm ất dậu (1765) Vũ Vương mất. Bấy giờ thế tử đã mất rồi, con thế tử là Nguyễn Phúc Dương hãy còn nhỏ, mà người con trưởng của Vũ Vương cũng mất rồi. Tờ di chiếu để lại định lập người con thứ hai lên nối nghiệp chúa 116 . Nhưng khi ấy người quyền thần là Trương Phúc Loan, ý muốn chuyên quyền làm bậy, bèn đổi tờ di chiếu đi mà lập người con thứ 16 của Vũ Vương, mới có 12 tuổi, lên làm chúa, gọi là Định Vương.
Trương Phúc Loan là người tham lam, làm nhiều điều tàn ác, trong nước ai ai cũng oán giận, bởi thế cho nên, ở phía nam thì có Tây Sơn dấy binh đánh phá tại đất Qui Nhơn; ở mặt bắc thì có quân họ Trịnh vào lấy đất Phú Xuân, làm cho cơ nghiệp họ Nguyễn xiêu đổ vậy. [116]
Tức là hoàng khảo vua Thế Tổ, sau truy tôn là Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng Đế. 2. Tây Sơn Dấy Binh.
Lúc bấy giờ ở huyện Phù Ly (nay đổi là Phù Cát) đất Quy Nhơn, có người tên là Nguyễn Nhạc khởi binh phản đối với chúa Nguyễn.
Nguyên ông tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là họ Hồ cùng một tổ với Hồ Quý Ly ngày trước, người ở huyện Hưng Nguyên, đất Nghệ An, gặp lúc chúa Trịnh, chúa Nguyễn đánh nhau, bị bắt đem vào ở ấp Tây Sơn 117
thuộc đất Quy Nhơn. Đến đời ông thân sinh là Hồ Phi Phúc dời nhà sang ở ấp Kiên Thành, nay là làng Phú Lạc, huyện Tuy Viễn, sinh được 3 người con: trưởng là Nhạc, thứ là Lữ, thứ ba là Huệ.
Anh em ông Nhạc muốn khởi loạn, mới lấy họ mẹ là Nguyễn để khởi sự cho dễ thu phục nhân tâm, vì rằng đất trong Nam vẫn là đất của chúa Nguyễn.
Nguyễn Nhạc trước làm biện lại ở Vân Đồn, cho nên sau người ta thường gọi là biện Nhạc. Nhưng vì tính hay đánh bạc, tiêu mất cả tiền thuế, sợ phải tội, bỏ đi vào rừng làm giặc. Đến năm tân mão (1771) mới lập đồn trại ở đất Tây Sơn, chiêu nạp quân sĩ, người theo về càng ngày càng đông. Thường hay lấy của nhà giàu cho nhà nghèo, cho nên những kẻ nghèo khổ theo phục rất nhiều.
Thế Nguyễn Nhạc mỗi ngày một mạnh, quân nhà chúa đánh không được. Vả lại Nhạc là một người có can đảm và lắm cơ trí; một hôm định vào lấy thành Qui Nhơn, bèn lập mưu, ngồi vào trong cái cũi, cho người khiêng vào nộp quan Tuần Phủ ở đấy là Nguyễn Khắc Tuyên. Nguyễn Khắc Tuyên tưởng là thật, cho đưa vào trong thành. Đến nửa đêm, Nhạc phá cũ ra, mở cửa thành cho quân mình vào đánh đuổi quan quân đi, giữ lấy thành Qui Nhơn làm chỗ căn bản. Bấy giờ lại có mấy người khách buôn tên là Tập Đình và Lý Tài cũng mộ quân nổi lên theo giúp Tây Sơn. Nguyễn Nhạc chia quân ra làm 5 đồn là: trung, tiền, hậu, tả, hữu, rồi tiến lên đánh lấy đất Quảng Nam . Chẳng bao lâu từ đất Quảng Nghĩa bây giờ vao cho đến Bình Thuận đều thuộc về Tây Sơn cả.
3. Quân Họ Trịnh vào lấy Phú Xuân.
Đang khi trong Nam có quyền thần chuyên chính ở trong, Tây Sơn đánh phá ở ngoài, ở ngoài Bắc chúa Trịnh là Trịnh Sâm biết tình trạng như vậy, bèn sai đại tướng là Hoàng Ngũ Phúc đem thủy bộ hơn 3 vạn quân cùng với Hoàng Phùng Cơ, Hoàng [117]
Ấp Tây Sơn nay là đất thôn An Khà và thôn Cửu An thuộc phủ Hoài Nhân. Vì anh em Nguyễn Nhạc khởi nghiệp ở chỗ ấy, nên mới gọi là Tây Sơn. Đình Thể, Hoàng Đình Bảo vào đất Bố Chính để đánh họ Nguyễn, giả nói là vào đánh Trương Phúc Loan.
Đến tháng 10 năm giáp ngọ (1774) quân Hoàng Ngũ Phúc sang sông Linh Giang, sai Hoàng Đình Thể đem binh đến đánh lấy lũy Trấn Ninh, nhờ có nội ứng, cho nên không đánh mà lấy được lũy. Trịnh Sâm được tin Hoàng Ngũ Phúc đã phá được thành Trấn Ninh rồi, bèn quyết kế đem đại binh đi vào tiếp ứng. Đến tháng chạp thì quân của Ngũ Phúc tiến lên đóng ở làng Hồ Xá (thuộc huyện Minh Linh, Quảng Trị) rồi truyền hịch đi nói rằng quân Bắc chỉ vào đánh Trương Phúc Loan mà thôi, chứ không có ý gì khác cả. Các quan ở Phú Xuân bèn mưu bắt Phúc Loan đem nộp.
Hoàng Ngũ Phúc bắt được Trương Phúc Loan rồi, lại tiến binh đến huyện Đăng Xương, sai người đưa thư đến Phú Xuân nói rằng Phúc Loan tuy đã trừ, nhưng mà Tây Sơn hãy còn, vậy xin đem binh đến hội tại Phú Xuân để cùng đi đánh giặc.
Chúa Nguyễn biết mưu Hoàng Ngũ Phúc chực đánh lừa để lấy kinh thành, bèn sai Tôn Thất Tiệp cùng với quan Chưởng cơ là Nguyễn Văn Chinh đem thủy bộ quân ra án ngữ ở sông Bái Đáp Giang (nay gọi là Phu lệ ở huyện Quảng Điền). Hoàng Ngũ Phúc sai Hoàng Đình Thể đem binh đi lên đường núi rồi tiến binh hai mặt đánh ập lại, quân họ Nguyễn vỡ tan bỏ chạy cả, quân Bắc tiến lên lấy thành Phú Xuân, chúa Nguyễn và các quan chạy vào Quảng Nam.
Bấy giờ Trịnh Sâm đóng ở Hà Trung, được tin Hoàng Ngũ Phúc đã lấy được Phú Xuân rồi, mừng lắm, sai quan đưa cho Ngũ Phúc 100 lạng vàng, và cho các tướng sĩ 5000 lạng bạc, lại phong cho Ngũ Phúc làm Đại Trấn Phủ, đất Thuận Hóa để lo việc lấy đất Quảng Nam. Đoạn rồi Trịnh Sâm rút quân về Bắc.
4. Chúa Nguyễn vào Gia Định.
Chúa Nguyễn vào đến Quảng Nam đóng ở Bến Vân, lập cháu là Nguyễn Phúc Dương lên làm đông cung, để lo việc đánh giặc. Được mấy tháng quân Tây Sơn ở Quy Nhơn kéo ra đánh lấy Quảng Nam, quân Chúa Nguyễn đánh không nổi, thua chạy về đóng ở Trà Sơn.
Chúa Nguyễn liệu chừng không chống giữ được, bèn cùng người cháu là ông Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Định, để Đông Cung ở lại Quảng Nam chống giữ với giặc. Đông cung đóng đồn ở làng Câu Để (thuộc huyện Hòa Vinh).
Nguyễn Nhạc biết Đông cung yếu thế, và lại muốn lấy tiếng để mà sai chúng, bèn sai người đi rước Đông cung về đóng ở phố Hội An (Faifo, thuộc Quảng Nam ).
Ngay lúc ấy quân của Hoàng Ngũ Phúc đã qua Hải Vân Sơn vào lấy đồn Trung Sơn và đồn Câu Để ở huyện Hòa Vinh, Nguyễn Nhạc sai người khác là Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân, tự mình làm hậu tập ra đánh nhau với quân họ Trịnh ở làng Cẩm Sa (thuộc Hòa Vinh). Quân của Tập Đình đều là người khách Quảng Đông và những người mọi to lớn, ai nấy cởi trần ra đội khăn đỏ cầm phang, đeo khiên, đánh thật là hung mạnh. Quân tiền đội của Ngũ Phúc đương không nội, Ngũ Phúc mới sai Hoàng Đình Thể và Hoàng Phùng Cơ đem kỵ binh vào xông trận, rồi bộ binh đánh tràn vào. Tập Đình thua chạy. Nguyễn Nhạc và Lý Tài phải lùi về giữ bến Bản rồi đưa Đông Cung về Quy Nhơn. Tập Đình vốn là người bạo ngược, Nguyễn Nhạc muốn nhân dịp thua trận bắt giết đi. Tập Đình biết ý bỏ chạy về Quảng Đông bị quan nhà Thanh bắt được đem chém.
Lúc bấy giờ ở phía nam có quan Lưu thủ đất Long Hồ là Tống Phúc Hợp đem quân đánh lấy lại được ba phủ là Bình Thuận, Diên Khánh và Bình Khánh, rồi lại tiến binh ra đánh đất Phú Yên; ở phía bắc thì có quân họ Trịnh đóng ở Quảng Nam, Nguyễn Nhạc liệu thế chống không nổi, bèn sai Phan Văn Tuế đem thư và vàng lụa ra nói với Hoàng Ngũ Phúc xin nộp đất Quảng Nghĩa, Quy Nhơn, Phú Yên và xin làm tiền khu đi đánh họ Nguyễn.
Hoàng Ngũ Phúc cũng muốn dùng Nguyễn Nhạc để đánh đất Gia Định, bèn làm biểu xin chúa Trịnh cho Nguyễn Nhạc làm tiên phong tướng quân, Tây Sơn Hiệu trưởng, sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem cờ và ấn kiếm vào cho Nguyễn Nhạc.
Nguyễn Nhạc không lo mặt bắc nữa, bèn lập mưu để đánh lấy đất Nam, đem con gái mình là Thọ Hương dâng cho Đông Cung và khoảng đãi một cách rất tôn kính, rồi sai người giả đến nói với Tống Phúc Hợp xin về hàng để lo sự khôi phục lại đất Phú Xuân. Tống Phúc Hợp cho sứ đến xem hư thực, Nguyễn Nhạc đưa Đông Cung ra tiếp, rồi viết thư cho sứ đưa về nói lấy nghĩa phù lập Đông Cung, điện an xã tắc, Tống Phúc Hợp tin là thực tình, không phòng bị gì nữa.
Nguyễn Nhạc biết rõ tình hình, sai em là Nguyễn Huệ đem quân đến đánh Tống Phúc Hợp. Quân họ Nguyễn thua to bỏ chạy về giữ Vân Phong. Nguyễn Nhạc cho người đưa tin thắng trận ra cho Hoàng Ngũ Phúc biết. Ngũ Phúc xin chúa Trịnh phong cho Nguyễn Huệ làm Tây Sơn Hiệu Tiên Phong Tướng Quân.
Quân Hoàng Ngũ Phúc đóng ở Châu Ổ, giáp đất Quảng Nghĩa, đến tháng chạp năm ấy là năm ất tị (1775) bị dịch chết mất nhiều. Ngũ Phúc viết thư ra xin chúa Trịnh cho rút về giữ Thuận Hóa. Trịnh Sâm thuận cho. Hoàng Ngũ Phúc về đến Phú Xuân thì mất, chúa Trịnh sai Bùi Thế Đạt vào thay, và sai Lê Quý Đôn vào làm Tham Thị cùng giữ đất Thuận Hóa.
Đất Thuận Hóa bấy giờ kể từ đất Nam bố chính trở vào là 2 phủ: Triệu Phong và Quảng Bình 118 , 2 huyện, 8 châu. Số nhân đinh được 126.857, số ruộng đất rộng được 265.508 mẫu, nhưng mà trừ đất rừng và các thứ đi, thì còn được 153.181 mẫu phải đóng thuế.
Từ khi quân họ Trịnh lui về Thuận Hóa rồi, đất Quảng Nam lại thuộc về Tây Sơn. Năm bính thân (1776) Nguyễn Nhạc sai em là Nguyễn Lữ đem thủy quân vượt bể vào đánh Gia Định, lấy được thành Sài Côn. Chúa Nguyễn phải chạy về Trấn Biên (tức là Biên Hòa).
Bấy giờ ở Đông Sơn có Đỗ Thành Nhân khởI binh chống với Tây Sơn lấy lại thành Sài Côn. Nguyễn Lữ lấy thóc gạo rồi rút quân về Quy Nhơn.
Nguyễn Nhạc thấy thế mình một ngày một mạnh, bèn sai sửa lại thành Đồ Bàn (là kinh thành cũ của Chiêm Thành ngày trước) rồi đến tháng ba năm bính thân (1776) tự xưng làm Tây Sơn Vương và phong chức tước cho mọi người. Bấy giờ Tây Sơn đem Đông Cung ra ở chùa Thập Tháp. Đông Cung bèn trốn xuống thuyền chạy về Gia Định.
Người khách Lý Tài trước đã bỏ Nguyễn Nhạc theo giúp chúa Nguyễn, rồi sau lại phản lại, đánh chúa Nguyễn, nay nghe Đông cung trốn về, lại đem binh rước về Sài Côn lập lên làm Tân Chính Vương, tôn Định Vương làm Thái Thượng Vương để cùng lo sự khôi phục.
Năm đinh dâu (1777) Nguyễn Nhạc sai người ra xin với chúa Trịnh cho trấn thủ đất Quảng Nam, Trịnh Sâm bấy giờ cũng chán sự dụng binh, bèn nhân dịp phong cho Nguyễn Nhạc làm Quảng Nam trấn thủ, Tuyên Úy đại sứ, Cung Quận Công.
Nguyễn Nhạc được phong rồi, không phải phòng giữa mặt bắc nữa, bèn sai Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem thủy bộ quân vào đánh Gia Định. Lý Tài chống khôngh nổi phải bỏ chạy. Tân Chính Vương chạy về bến Trà (thuộc Định Tường) rồi lại chạy về Ba vát (thuộc Vĩnh Long), còn Thái [118]
Triệu Phong phủ có 5 huyện; Quảng Bình phủ có 3 huyện 1 châu. Thượng Vương thì chạy về Long Xuyên. Nhưng chẳng bao lậu Nguyễn Huệ đem quân đuổi bắt được cả Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương, đem giết đi.
Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lấy xong đất Gia Định, để tổng đốc Chu ở lại trấn thủ, rồi đem quân về Quy Nhơn. Qua năm sau là năm mậu tuất (1778) Nguyễn Nhạc tự xưng đế hiệu, đặt niên hiệu là Thái Đức, gọi thành Đồ Bàn là Hoàng Đế Thành, phong cho Nguyễn Lữ làm Tiết Chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương Tướng Quân.
5. Nguyễn Vương Khởi Binh Đánh Tây Sơn.
Khi Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương bị bắt, thì người cháu Thái Thượng Vương là Nguyễn Phúc Ánh, chạy thoát được. Đến khi Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ về Quy Nhơn rồi, Nguyễn Phúc Ánh lại tụ tập những tôi tớ cũ, khởi binh từ đất Long Xuyên, tiến lên đến Sa đéc, và cùng với quan chưởng dinh là Đỗ Thanh Nhân, quan cai đội Lê Văn Câu 119
và các tướng là Nguyễn Văn Hoằng, Tống Phước Khuông, Tống Phước Lương về đánh đuổi tổng đốc Chu, lấy lại thành Sài Côn. Bấy giờ Nguyễn Phúc Ánh mới có 17 tuổi, các tướng đều tôn làm Đại Nguyên Súy, Nhiếp Quốc Chính.
Được ít lâu vua Tây Sơn lại sai tổng đốc Chu, tư khấu Uy, và quan hộ giá Phạm Ngạn đem quân thủy vào đánh Trấn Biên và Phan trấn cùng các miền ở mặt bể. Đỗ Thanh Nhân đem quân Đông Sơn đánh chém được tư khấu Uy, đuổi được quân Tây Sơn đi, ông Nguyễn Phúc Ánh bèn sai Lê Văn Quân đem binh ra đánh lấy thành Bình Thuận và thành Diên Khánh.
Từ khi khôi phục được đất Gia Định rồi, Nguyễn Phúc Ánh sai sứ sang thông với nước Tiêm La, và lại sai Đỗ Thanh Nhân, Hồ Văn Lân đem binh đi đánh Chân Lạp, lập con Nặc Tôn là Nặc In lên làm vua để Hồ Văn Lân ở lại bảo hộ. Ở đất Gia Định thì ngài sửa sang mọi việc: đặt quan cai trị các dinh, định lệ thu thuế để nuôi binh lính, làm chiến thuyền, tập binh mã để phòng bị việc chiến tranh.
Năm canh tí (1780) Nguyễn Phúc Ánh xưng vương hiệu rồi phong cho Đỗ Thanh Nhân làm chức Ngoại Hữu, Phụ Chính, Thượng Tướng Công, và thăng thưởng cho các tướng sĩ. Nhưng sau vì Đỗ Thanh Nhân cậy công lộng quyền, cho nên Nguyễn Vương mới giết đi. Cũng vì việc ấy cho nên Đông Sơn trước đã hết lòng giúp Nguyễn Vương, sau đều bỏ cả, và lại phản lại, thành ra lôi thôI phải đánh dẹp mãi. [119]
Lê Văn Câu là người ở Vĩnh Tường đất Gia Định, trước theo Châu Văn Tiếp sau làm thuộc tướng Đỗ Thanh Nhân.
Tháng 10 năm tân sửu (1781) vua nước Tiêm La là Trịnh Quốc Anh sai tướng là Chất Tri (Chakkri) và Sô Si, hai anh em sang đánh Chân Lạp. Nguyễn Vương sai quan Chưởng cơ là Nguyễn Hữu Thoại và Hồ Văn Lân đem 3000 quân sang cứu. Trong khi quân Nam và quân Tiêm La còn đang chống giữ nhau ở Chân Lạp, thì ở Vọng Các vua nước Tiêm La bắt giam cả vợ con của hai anh em Chất Tri, bởi vậy hai tướng ấy mới giao kết với Nguyễn Hữu Thoại thề phải cứu nhau trong lúc hoạn nạn. Đoạn rồi Chất Tri đem quân về Tiêm La. Ngay lúc ấy ở bên nước Tiêm có giặc nổi lên, vua nước ấy bị ngươi Phan Nha Văn Sản đuổi đi cướp mất ngôi. Chất Trí về đến Vọng Các, sai người đi tìm quốc vương là Trịnh Quốc Anh đem giết đi, và bắt giết cả Phan Nha Văn Sả, rồi tự lập làm vua, xưng là Phật Vương, phong cho em là Sô Si làm đệ nhị vương, cháu là Ma Lạc làm đệ tam vương. Họ Chakkri làm vua đến nay hãy còn, và các vua đều xưng là Rama.
Tháng ba năm nhâm dần (1782) vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem hơn 100 chiếc thuyền vào cửa Cần Giờ, đánh nhau với quân Nguyễn Vương ở Thất Kỳ Giang (tức Ngả Bảy). Trận ấy quân Nguyễn Vương thua to, có người nước Pháp tên là Mạn Hòe (Manuel) làm chủ một chiếc tàu phải đốt tàu mà chết. Nguyễn Vương phải bỏ thành Sài gòn chạy về đất Tam phụ (Ba giồng), rồi ra lánh ở đảo Phú Quốc.
Vua Tây Sơn bình xong đất Gia Định, rút quân về Quy Nhơn, để hàng tướng là Đỗ Nhàn Trập ở lại giữ thành Sài Côn (tức Sài Gòn).
Khi quân Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ về Quy Nhơn rồi, các tướng nhà Nguyễn lại nổi lên đánh quân Tây Sơn. Bấy giờ có Châu Văn Tiếp là người ở Quy Nhơn, nhân lúc loạn, tụ chúng giữ núi Trà Lang (thuộc Phú Yên). Đến khi chúa Nguyễn bỏ Phú Xuân chạy vào Gia Định, Châu Văn Tiếp đem binh ra giúp. Sau chẳng may chúa Nguyễn thất thế ngộ hại, Nguyễn Vương lên nối nghiệp. Văn Tiếp theo giúp, được phong làm chức chưởng cơ, đem binh ra đánh Tây Sơn, bị thua, phải bỏ về giữ Trà Lang. Nay được tin Gia Định lại thất thủ, Văn Tiếp bèn đem quân từ Phú Yên về hợp với quân các đạo, đánh đuổi quân Tây Sơn đi, lấy lại được thành Sài Côn rồi cho người ra Phú Quốc đón Nguyễn Vương về.
Nguyễn Vương về sửa sang mọi việc để chống giữ với Tây Sơn, nhưng qua năm quý mão (1783) vua Tây Sơn lại sai Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem binh vào đánh. Nguyễn Vương lại phải rước vương mẫu và cung quyến ra Phú Quốc. Đến tháng 6 năm ấy, Nguyễn Huệ ra đánh Phú Quốc. Nguyễn Vương chạy về Côn Nôn; quân Tây Sơn lại đem thuyền đến vây Côn Nôn; nhưng may nhờ có cơn bão đánh đắm cả thuyền của Tây Sơn, cho nên Nguyễn Vương mới ra khỏi trùng vi, chạy về đảo Cổ Cốt, rồi lại trở về Phú Quốc.
6. Nguyễn Vương Định Cầu Viện Nước Pháp Lan Tây.
Lúc bấy giờ lương thực hết sạch, Nguyễn Vương cùng với những người đi theo phải hái rau và tìm củ chuối mà ăn, thế lực cùng kiệt, thật là nguy nan quá. Nhân vì khi trước Nguyễn Vương có quen một người nước Pháp làm giám mục đạo Gia Tô, tên là Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine, évêque d'Adran) khi ấy đang ở đất Chantaboun (thuộc nước Tiêm La), ngài bèn sai người đến bàn việc. Ông Bá Đa Lộc nói nên sang cầu cứu nước Pháp, nhưng phải cho Hoàng Tử đi làm tin thì mới được.
Nguyễn Vương theo lời ấy, ben giao Hoàng Tử Cảnh và cái quốc ấn cho ông Bá Đa Lộc, lại làm tờ quốc thư cho ông ấy được quyền tự tiện sang thương nghị với chính phủ Pháp để xin viện binh.
Tờ quốc thư ấy có 14 khoản, đại lược nói nhờ ông Bá Đa Lộc sang xin nước Pháp giúp cho 1500 quân và tàu bè, súng ống, thuốc đạn, đủ mọi cả thứ. Nguyễn Vương xin nhường cho nước Pháp cửa Hội An (Faifo), đảo Côn Nôn và để riêng cho người nước Pháp được đặc quyền vào buôn bán ở nước Nam 120 .
Nguyễn Vương lại làm một cái thư riêng để dâng cho vua nước Pháp, và sai quan phó vệ úy là Phạm Văn Nhân, quan cai cơ là Nguyễn Văn Liêm theo hộ vệ Hoàng Tử Cảnh bấy giờ mới có 4 tuổi.
Mọi sự đã xếp đặt cả rồi, nhưng vì còn trái mùa gió cho nên ông Bá Đa Lộc chưa khởi hành được. Nguyễn Vương tuy đã nghe lời ông Bá Đa Lộc định sang cầu cứu nước Pháp, nhưng trong bụng chưa quyết hẳn, còn có ý muốn nhờ nước Tiêm La.
Nguyên lúc đánh thua ở Sài Côn, Châu Văn Tiếp chạy sang Tiêm La cầu cứu. Đến tháng 2 năm giáp thìn (1784) vua Tiêm La sai tướng là Chất Si Đa đem thủy quân sang Hà Tiên, tìm Nguyễn Vương để mời sang bàn việc. Nguyễn Vương lại tiếp được mật biểu của Châu Văn Tiếp, cho nên mới đến hội với tướng nước Tiêm, rồi cùng sang Vọng Các xin binh cứu viện.
Tiêm Vương tiếp đãi Nguyễn Vương rất hậu, và sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem hai vạn quân cùng 300 chiếc thuyền sang [120]
Tờ quốc thư này và cái thư của Nguyễn Vương viết cho vua nước Pháp nay hãy còn ở Ngoại Giao Bộ tại Paris . giúp Nguyễn Vương. Quân Tiêm La sang lấy được Rạch Giá, Ba thắc, Trà Ôn, Mân thít, Sa đéc. Khi đánh ở Mân thít, Châu Văn Tiếp bị thương nặng mà mất. Từ đó quân Tiêm ỷ thế đi đến đâu quấy nhiễu dân sự, làm nhiều điều tàn ác, cho nên lòng người oán hận lắm.
7. Nguyễn Huệ Phá Quân Tiêm La.
Tướng Tây Sơn giữ đất Gia Định là Trương Văn Đa, thấy quân Tiêm La sang đánh phá, thế lực mạnh lắm, bèn sai người về Quy Nhơn phi báo. Vua Tây Sơn sai Nguyễn Huệ đem binh vào chống giữ.
Nguyễn Huệ vào đến Gia Định nhử quân Tiêm La đến gần Rạch Gầm và Xoài mút ở phía trên Mỹ Tho, rồi đánh phá một trận, giết quân Tiêm chỉ còn được vài nghìn người, chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Nguyễn Huệ phá được quân Tiêm La rồi, đem binh đuổi đánh Nguyễn Vương. Nguyễn Vương bấy giờ hết cả lương thực, cùng với mấy người chạy về Trấn Giang, ra đảo Thổ Châu, đảo Cổ Cốt, rồi sang Tiêm La.
Đánh dẹp xong, Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn để đô đốc là Đặng Văn Chân ở lại trấn đất Gia Định.
Nguyễn Vương biết thế không mong cậy được người Tiêm La, bèn giục ông Bá Đa Lộc đem Hoàng tử đi sang nước Pháp cầu viện. Ông Bá Đa Lộc đi rồi, Nguyễn Vương rước vương mẫu và cung quyến sang trú ở Vọng Các để chờ có cơ hội lại về khôi phục.
CHƯƠNG IX
Họ Trịnh Mất Nghiệp Chúa
1. Chúa Trịnh bỏ trưởng lập thứ 2. Kiêu binh 3. Tây Sơn lấy Thuận Hóa 4. Tây Sơn dứt họ Trịnh
1. Chúa Trịnh bỏ trưởng lập thứ.
Từ khi quân chúa Trịnh lấy được đất Thanh Hóa rồi, Trịnh Sâm đắc chí, càng thêm kiêu hãnh, lại có ý muốn cướp ngôi nhà Lê, bèn sai quan Thị Lang là Vũ Trần Thiệu sang nhà Thanh dâng biểu nói rằng con cháu họ Lê không có ai đáng làm vua nữa, và lại sai quan nội giám đi với Vũ Trần Thiệu đem tiền cũa sang đút lót mà xin phong làm vua. Nhưng sang đến Động Đình Hồ, thì Vũ Trần Thiệu đem tờ biểu đốt đi, rồi uống thuốc độc mà chết, bởi vậy việc cầu phong lại bỏ, không nói đến.
Sau Trịnh Sâm say đắm nàng Đặng Thị Huệ, bỏ con trưởng là Trịnh Khải mà lập người con của Đặng Thị là Trịnh Cán làm thế tử. Từ đó người thì theo Đặng Thị, người thì phò Trịnh Khải, trong phủ chúa chia ra bè đảng.
Tháng chín năm nhâm dần (1782) Trịnh Sâm mất để di chiếu lập Trịnh Cán làm chúa và Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo làm phụ chính. Trịnh Cán còn ít tuổi mà lại lắm bệnh, không mấy người chịu phục, bởi vậy cho nên thành sự biến loạn.
2. Kiêu Binh.
Nguyên từ khi họ Trịnh giúp nhà Lê Trung Hưng về sau, đất Kinh Kỳ chỉ dùng lính Thanh, lính Nghệ gọi là ưu binh để làm quan túc vệ.
Những lính ấy thường hay cậy công làm nhiều điều trái phép. Năm giáp dần (1674) đời Trịnh Tạc, lính tam phủ tức là lính Thanh, lính Nghệ đã giết quan Tham Tụng Nguyễn Quốc Trinh và phá nhà Phạm Công Trứ. Năm tân dậu (1741) quân ưu binh lại phá nhà và chực giết quan Tham Tụng Nguyễn Quý Cảnh. Những lúc quân ưu binh làm loạn như vậy, tuy nhà chúa có bắt những đứa thủ xướng làm tội nhưng chúng đã quen thói, về sau hễ hơi có điều gì bất bình, thì lại nổi lên làm loạn.
Đến năm nhâm dần (1782) Trịnh Sâm mất, Đặng Thị và Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên làm chúa. Con trưởng Trịnh Sâm là Trịnh Khải mưu với quân tam phủ để tranh ngôi chúa. Bấy giờ có tên biện lại thuộc đội Tiệp bảo tên là Nguyễn Bằng, người Nghệ An, đứng lên làm đầu, vào phủ chúa đánh ba hồi trống làm hiệu, quân ưu binh kéo đến vây phủ, vào giết Hoàng Đình Bảo, bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ, lập Trịnh Khải lên làm chúa.
Trịnh Khải phong quan tước cho Nguyễn Bằng và trọng thưởng cho quân tam phủ. Từ đó quân ấy một ngày một kiêu, cứ đi cướp phá các nhà, không ai kiềm chế được. Năm giáp thìn (1784) quân tam phủ lại phá nhà quan tham tụng Nguyễn Ly, nhà Dương Khuông và giết Nguyễn Triêm ở trước cửa phủ chúa. Khi bấy giờ Nguyễn Ly chạy thoát được lên Sơn Tây cùng với em là Nguyễn Điều bàn định rước Trịnh Khải ra ngoài, rồi gọi binh các trấn về trừ kiêu binh. Nhưng sự lộ ra, quân kiêu binh vào canh giữ phủ chúa, Trịnh Khải không ra được. Quân ấy lại chia nhau ra giữ các cửa ô. Quân các trấn cũng sợ chúa bị hại đều phải rút về. Từ đó quân kiêu binh kéo nhau hàng trăm hàng nghìn đi cướp phá các làng. Hễ có đứa nào đi lẻ loi thì dân làng lại bắt giết đi, thành ra quân với dân xem nhau như cừu địch, mà các văn thần võ tướng cũng bó tay mà chịu không làm sao được. Sau có quan tham tụng là Bùi Huy Bích dỗ dành mãi mới dần dần hơi yên.
Lúc bấy giờ ở trong đang có kiêu binh làm loạn, ở ngoài Tây Sơn nhân dịp đem quân vào đánh phá, bởi thế cho nên cơ nghiệp họ Trịnh đổ nát vậy.
3. Tây Sơn Lấy Thuận Hóa.
Nguyên khi trước Hoàng Đình Bảo trấn thủ đất Nghệ An, có nhiều thủ hạ giỏi, mà trong bọn ấy có một người ở huyện Chân Lộc, thuộc Nghệ An, tên là Nguyễn Hữu Chỉnh, đỗ hương cống từ lúc 16 tuổi, tục gọi là cống Chỉnh, tính hào hoa, lắm cơ trí, nhiều can đảm, mà lại có tài biện bác. Trước theo Hoàng Ngũ Phúc, thường đi đánh giặc bể, giặc sợ lắm, gọi là chim dữ; sau khi Hoàng Ngũ Phúc mất rồi, Hữu Chỉnh về theo Hoàng Đình Bảo.
Đến khi kiêu binh đã giết Hoàng Đình Bảo rồi, có người đem tin Hữu Chỉnh biết, Hữu Chỉnh vào bàn với quan trấn thủ Nghệ An là Võ Tá Giao để tự lập ở xứ Nghệ, nhưng mà Võ Tá Giao sợ không dám làm, Hữu Chỉnh bèn bỏ vào với vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc.
Nguyên khi trước Nguyễn Hữu Chỉnh theo Hoàng Ngũ Phúc vào đánh Quảng Nam thường vẫn đi lại quen Nguyễn Nhạc, cho nên Nguyễn Nhạc tin dùng, đãi làm thượng tân. Từ đó Nguyễn Hữu Chỉnh bày mưu định kế xin vua Tây Sơn ra đánh Thuận Hóa và đất Bắc Hà.
Vả, từ khi Hoàng Ngũ Phúc mất rồi, Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt vào trấn thủ đất Thuận Hóa, sau lại sai Phạm Ngô Cầu vào thay Bùi Thế Đạt. Phạm Ngô Cầu là người nhu nhược vô mưu, mà lại có tính tham lam, chỉ lo việc làm giàu, chứ không nghĩ gì đến việc binh. Quan phó đốc thị là Nguyễn Lệnh Tân đã viết thư về bày tỏ mọi lẽ và xin Trịnh Sâm cho tướng khác vào thay Phạm Ngô Cầu. Trịnh Sâm không nghe, lại đòi Nguyễn Lệnh Tân về.
Vua Tây Sơn biết đất Thuận Hoá không phòng bị, bèn sai em là Nguyễn Huệ làm tiết chế, rể là Vũ Văn Nhậm làm tả quân đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm hữu quân đô đốc, đem quân thủy bộ ra đánh Thuận Hóa.
Một hôm Phạm Ngô Cầu thấy một người khách buôn nói thuật số, đến bảo Ngô Cầu rằng: "Hậu vận tướng công phúc lộc nhiều lắm, nhưng năm nay có hạn nhỏ có lẽ phải ốm đau, nên lập đàn làm chay mới được yên lành". Phạm Ngô Cầu nghe lời ấy lập đàn cầu khấn bảy đêm ngày, bắt quân sĩ phải phục dịch không được nghỉ ngơi chút nào. Chợt nghe tin quân Tây Sơn đã lấy được đồn Hải Vân, tướng giữ đồn là Hoàng Nghĩa Hồ đã tử trận, lại thấy báo rằng thủy quân của Tây Sơn đã vào cửa bể, thủy bộ hai mặt đều kéo đến đánh. Ngô Cầu hốt hoảng, từ ở đàn chạy về dinh, gọi binh tướng để chống giữ, nhưng quân lính đều mỏi mệt cả, không ai có lòng muốn đánh.
Phạm Ngô Cầu lại có tính đa nghi. Nguyễn Hữu Chỉnh bèn làm một cái thư đề ngoài gửi cho phó tướng là Hoàng Đình Thể, rủ về hàng Tây Sơn, rồi giả tảng sai người đưa nhầm sang cho Ngô Cầu. Ngô Cầu bắt được thư ấy nghi cho Hoàng Đình Thể nhị tâm. Đến khi quân Tây Sơn đến đánh, Hoàng Đình Thể đem quân bản bộ ra trận đối địch bắn hết thuốc đạn. Ngô Cầu đóng cửa thành lại không ra tiếp ứng. Hoàng Đình Thể cùng hai con và tì tướng là Vũ Tá Kiên đều tử trận cả.
Khi quân Tây Sơn kéo đến đánh thành, Phạm Ngô Cầu kéo cờ trắng mở cửa thành ra hàng. Quân họ Trịnh giữ ở các đồn đều tan vỡ bỏ chạy. Trong mấy ngày mà đất Thuận hóa ra đến Linh Giang đều thuộc về Tây Sơn cả. Bấy giờ là tháng năm năm bính ngọ (1786) đời Cảnh hưng năm thứ 47.
4. Tây Sơn Dứt Họ Trịnh.
Nguyễn Huệ lấy được đất Thuận Hóa rồi, sai người giải Phạm Ngô Cầu về Qui Nhơn định tội phải chém, đoạn rồi Nguyễn Huệ hội các tướng lại bàn sai người ra sửa sang đồn Đồng Hới, và định giữ địa giới cũ ở sông La Hà. Nguyễn Hữu Chỉnh nói rằng: "Ông phụng mệnh ra đánh một trận mà bình được đất Thuận Hóa, uy kinh cả chốn Bắc hà. Phàm cái phép dùng binh, một là thời hai là thế ba là cơ, có ba điều đó đánh đâu cũng được. Bây giờ ở đất Bắc Hà tướng thì lười, quân thì kiêu, triều đình không có kỷ cương gì cả, nếu ông nhân lấy cái uy thanh này, đem binh ra đánh thì làm gì mà không được. Ông không nên bỏ mất cái cơ, cái thời và cái thế ấy". Nguyễn Huệ nói rằng: "Ở Bắc Hà có nhiều nhân tài, không nên coi làm thường". Hữu Chỉnh đáp lại rằng: "Nhân tài Bắc Hà chỉ có một mình Chỉnh, nay Chỉnh đã bỏ đi, thì nước không có ai nữa, xin ông đừng có ngại gì!" Nguyễn Huệ cười mà nói rằng: " Ấy! người khác thì không ngại, chỉ ngại có ông đó thôi!" Hữu Chỉnh thất sắt đi rồi nói rằng: " Tôi tự biết tài hèn, nhưng mà tôi nói thế là có ý tỏ cho ông biết ngoài Bắc không có nhân tài đó thôi". Nguyễn Huệu lấy lời nói ngọt để yên lòng Hữu Chỉnh và bảo rằng: " Nhà Lê làm vua đã mấy trăm năm nay, bây giờ cướp lấy, chưa chắc lòng người đã theo mình." Hữu Chỉnh nói: "Nay Bắc Hà có vua lại có chúa, ấy là một sự cổ kim đại biến. Họ Trịnh tiếng rằng phù Lê, thực là hiếp chế, cả nước không ai phục. Vả xưa nay không ai làm gì để giúp nhà Lê, là chỉ sợ cái thế mạnh đó mà thôi, nay ông mà, phù Lê diệt Trịnh thì thiên hạ ai chẳng theo ông." Nguyễn Huệ nói: "Ông nói phải lắm, nhưng ta chỉ phụng mệnh đi đánh đất Thuận Hóa mà thôi, chứ không phụng mệnh đi đánh Bắc Hà, sợ rồi can tội kiểu mệnh thì làm thế nào ?" Hữu Chỉnh nói: "Kiểu mệnh là tội nhỏ, việc ông làm là công to. Vả làm tướng ở ngoài có điều không cần phải theo mệnh vua, ông lại không biết hay sao?"
Nguyễn Huệ bèn sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem thủy binh đi tiên phong vào cửa Đại An đánh lấy kho lương ở bên sông Vị Hoàng. Nguyễn Huệ tự đem binh đi sau, ước với Hữu Chỉnh đến sông Vị Hoàng đốt lửa lên làm hiệu.
Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân đi qua Nghệ An, Thanh Hóa, quan trấn thủ là Bùi Thế Toại và Tạ Danh Thùy không ai dám ra cự địch; khi ra đến Vị Hoàng, quan coi đồn ở đấy bỏ chạy. Hữu Chỉnh lấy được hơn trăm vạn hộc lương, rồi đốt lửa làm hiệu, quân Nguyễn Huệ kéo đến đóng giữ ở đấy.
Trước kia thành Phú Xuân đã vỡ rồi, tin báo đến Thăng Long, các quan bàn rằng: xứ ấy vẫn không là đất của triều đình, bây giờ mất cũng không hại gì. Vì thế, chỉ sai Trịnh Tự Quyền đem 27 cơ vào giữ đất Nghệ An. Trịnh Tự Quyền thu xếp hơn 10 ngày chưa xong, đến khi đi được độ 30 dặm thì đã có tin báo Tây Sơn đến đóng ở sông Vị Hoàng rồi. Tự Quyền bèn đem quân xuống giữ ở mặt Kim Động. Quan trấn thủ Sơn Nam là Bùi Thế Dận đem bộ binh xuống đóng ở xã Phù Sa, thuộc huyện Đông An. Đinh Tích Nhưỡng đem thủy quân ra giữ cửa Luộc Bấy giờ gió Đông Nam thổi to, đến đêm Nguyễn Huệ sai lấy tượng gỗ để lên trên mấy chiếc thuyền rồi đánh trống kéo cờ thả thuyền cho trôi đi. Đinh Tích Nhưỡng trông thấy tưởng là quân Tây Sơn đến đánh, giàn thuyền ra trận thành chữ nhất, rồi truyền lấy súng mà bắn. Bắn mãi, sau mới biết người trên thuyền là tượng gỗ. Lúc quân Tây Sơn tiến lên đánh, thì Đinh Tích Nhưỡng hết cả thuốc đạn, phải bỏ thuyền mà chạy. Quân của Bùi Thế Dận và Trịnh Tự Quyền cũng tan cả. Nguyễn Huệ hạ được thành Sơn Nam rồi, rồi một mặt truyền hịch đi các lộ nói lấy nghĩa phù Lê diệt Trịnh, một mặt kéo quân lên lấy Thăng Long.
Bấy giờ ở kinh thành thì quân kiêu binh không sai khiến được, mà quân Tây Sơn thì đã đến nơi rồi. Trịnh Khải mới cho gọi Hoàng Phùng Cơ, ở Sơn Tây về, đem quân đóng ở hồ Vạn Xuân (xã Vạn Phú, Thanh Trì) còn thủy binh thì đóng ở bến Tây Long (Thọ Xương) để phòng giữ. Quân Tây Sơn tiến lên đánh tan thủy quân của nhà Trịnh, Hoàng Phùng Cơ phải bỏ chạy. Trịnh Khải mặc áo nhung y cầm cờ lên voi thúc quân vào đánh, nhưng thế Tây Sơn mạnh lắm, đánh không được, Trịnh Khải bỏ chạy lên Sơn Tây. Đi đến làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, gặp tên Nguyễn Trang đánh lừa bắt đem nộp cho Tây Sơn. Trịnh Khải về đến làng Nhất Chiêu lấy gươm cắt cổ tự tận. Bấy giờ là năm bính ngọ (1786). Nguyễn Huệ cho lấy vương lễ mà tống táng cho chúa Trịnh, rồi vào thành Thăng Long yết kiến vua Lê.
Họ Trịnh giúp nhà Lê trung hưng lên, rồi giữ lấy quyền chính, lập ra nghiệp chúa, lưu truyền từ Trịnh Tùng đến Trịnh Khải được 216 năm (1570- 1786) đến đấy là hết.
CHƯƠNG X
Nhà Hậu Lê Mất Ngôi Vua
1. Tây Sơn rút quân về Nam 2. Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ở đất Bắc 3. Tây Sơn lấy đất Bắc Hà
1. Tây Sơn Rút Quân Về Nam .
Nguyễn Huệ đã dứt được họ Trịnh rồi, vào thành Thăng Long, xuống lệnh cấm quân lính không được cướp phá dân gian, và định ngày xin yết kiến vua Lê ở đền Vạn Thọ.
Bấy giờ vua Hiển Tông đang đau, không ngồi dậy tiếp được, ngài mời Nguyễn Huệ vào ngồi gần sập ngự, lấy lời ôn tồn mà phủ dụ. Nguyễn Huệ tâu bày cái lẽ đem binh rà phù Lê diệt Trịnh, chứ không dám có ý dòm ngó gì. Vua mừng rỡ mà tạ Nguyễn Huệ.
Khi quân Tây Sơn ra đến Thăng Long, các quan triều thần chạy trốn cả, chỉ còn có mấy người nội giám ở lại hầu hạ vua. Nguyễn Hữu Chỉnh thấy vậy vào tâu với vua xin xuống chiếu tuyên triệu các quan về triều; được mấy hôm có độ mươi người lục tục kéo nhau trở về. Vua bèn định đến ngày mồng 7 tháng 7 lập đại trào ở điện Kính Thiên, Nguyễn Huệ đem các tướng và lạy và dâng sổ quân sĩ, dân đinh, để tỏ rõ cái nghĩa tôn phù nhất thống, nghĩa là tự đó về sau nhà Lê có quyền tự chủ.
Vua phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên Soái Uy Quốc Công, và lại gả cho bà Ngọc Hân Công Chúa là con gái của ngài. Chẳng bao lâu vua Hiển Tông mất, Hoàng Tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Chiêu Thống.
Nguyên lúc trước vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc vốn không có ý ra đánh Bắc Hà, đến khi tiếp được thư của Nguyễn Huệ nói sắp ra đánh ngoài Bắc, Nguyễn Nhạc vội vàng sai người ra Thuận Hóa ngăn lại. Nhưng khi sứ thần ra đến nơi, thì Nguyễn Huệ đã cử binh đi rồi. Sau lại tiếp được thư nói rằng quân Tây Sơn đã lấy được Thăng Long rồi, và còn phải ở lại để giúp nhà Lê. Nguyễn Nhạc sợ em ở lâu ngoài Bắc Hà có sự biến chăng, bèn đem 500 quân ra Thuận Hóa, rồi lấy thêm 2000 quân, đi không kỳ ngày đêm ra Thăng Long.
Vua Chiêu Thống được tin vua Tây Sơn ra Bắc, bèn đem bách quan ra đón ở ngoài Nam Giao. Nhưng Nguyễn Nhạc cứ đi thẳng, rồi cho người đến nói rằng: xin để ngày khác tiếp kiến. Được mấy hôm Nguyễn Nhạc mời vua Chiêu Thống sang phủ đường là lễ tương kiến. Nguyễn Nhạc ngồi giữa, vua Chiêu Thống ngồi bên tả, Nguyễn Huệ ngồi bên hữu, các quan văn võ đứng hầu hai bên.
Khi vào làm lễ xong rồi, vua Chiêu Thống xin nhường mấy quận để khao quân. Nguyễn Nhạc nói rằng: "Vì họ Trịnh hiếp chế, cho nên chúng tôi ra giúp nhà vua; nếu bằng đất nước họ Trịnh thì một tấc cũng không để lại, nhưng mà của nhà Lê thì một tấc cũng không dám lấy. Xin mong nhà vua gắng sức làm việc, giữ yên cõi đất, để đời đời giao hiếu với nhau, ấy là cái phúc của hai nước đấy."
Đoạn rồi vua Chiêu Thống về điện, hôm sau anh em Tây Sơn bàn rút quân về Nam, và thấy Nguyễn Hữu Chỉnh là người giảo quyệt, định bỏ lại ở Bắc Hà, bèn mật truyền cho các tướng thu xếp quân thủy bộ, kho tàng có gì lấy hết, rồi đến nửa đêm ngày 17 tháng 8, kéo quân về Nam. Sáng hôm sau Nguyễn Hữu Chỉnh biết Tây Sơn về rồi, sợ hãi lắm, hoảng hốt bỏ cả đồ đạc, chạy xuống chiếc thuyền buôn vào Nghệ An, theo vua Tây Sơn. Nguyễn Nhạc thấy Hữu Chỉnh lại theo về, không nỡ bỏ, cho ở lại cùng với Nguyễn Duệ giữ đất Nghệ An.
Bấy giờ quyền bính ở đất Bắc Hà về cả vua nhà Lê, thật là một cơ hội ít có để lập lại cái nền tự chủ của nhà Lê, nhưng tiếc vì vua Chiêu Thống không có tài quyết đoán, mà đình thần lúc bấy giờ không có ai là người biết kinh luân: hễ thấy có giặc thì bỏ chạy, giặc đi rồi thì kéo nhau ra bàn ngược bàn xuôi, người thì định lập lại nghiệp chúa, kẻ thì muốn tôn phù nhà vua. Lại có dòng dõi họ Trịnh là Trịnh Lệ và Trịnh Bồng chia đảng ra đánh nhau để tranh quyền. Vua Chiêu Thống bất đắc dĩ phải phong cho Trịnh Bồng làm Án Đô Vương, lập lại phủ Chúa. Đảng họ Trịnh lại toan đường hiếp chế nhà vua, vua Chiêu Thống phải xuống mật chiếu vời Nguyễn Hữu Chỉnh ra giúp.
2. Nguyễn Hữu Chỉnh Chuyên Quyền ở Đất Bắc.
Nguyễn Hữu Chỉnh từ khi trở về Nghệ An, chiêu mộ dũng sĩ, ngày đêm luyện tập, nhân có chiếu nhà vua gọi vào, bèn thu xếp được hơn một vạn quân ra giúp vua Lê. Trịnh Bồng đem quân ra chống giữ, đánh thua phải bỏ chạy. Hữu Chỉnh vào yết kiến vua Chiêu Thống và chuyên giữ binh quyền.
Trịnh Bồng có khởi binh mấy lần để toan sự khôi phục, nhưng không thành co6ng, cho nên cũng chán sự đời bèn bỏ đi tu, về sau không biết chết ở đâu. Họ Trịnh mất từ đấy.
Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi họ Trịnh đi rồi, vua phong cho chức Đại Tư Đồ Bằng Trung Công. Từ đó Hữu Chỉnh cậy công khinh người, làm lắm điều trái phép, vua cũng lấy làm lo. Nhưng không biết trông cậy vào ai, cho nên đành phải chịu vậy.
3. Tây Sơn Lấy Đất Bắc Hà.
Ở trong Nam thì từ khi vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc về Quy Nhơn rồi, tự xưng làm Trung ương Hoàng Đê, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương ở đất Gia Định, cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, ở đất Thuận Hóa, lấy Hải Vân Sơn làm giới hạn.
Được ít lâu Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ có chuyện hiềm khích với nhau, Nguyễn Huệ đem binh vào vây đánh thành Qui Nhơn, ngặt đế nỗi Nguyễn Nhạc phải thân lên thành mà kêu khóc, gọi Nguyễn Huệ mà bảo rằng: " Nỡ lòng nào lại nồi da nấu thịt như thế" 121
- Nguyễn Huệ động lòng mới giải vây rút quân về Thuận Hóa.
Trong khi anh em Tây Sơn đánh nhau, thì Nguyễn Hữu Chỉnh ra Bắc Hà, đến khi anh em Tây Sơn đã giảng hòa rồi, Nguyễn Huệ ở Phú Xuân thấy Hữu Chỉnh lừng lẫy ở đất Bắc, bèn sai Vũ Văn Nhậm ra bắt.
Tháng 11 năm đinh tị (1787) Vũ Văn Nhậm phá quân Nguyễn Hữu Chỉnh ở Thanh Quyết Giang (làng Thanh Quyết, huyện Gia Viễn), và ở Châu Cầu ( phủ Lý Nhân) rồi đánh đuổi ra đến Thăng Long.
Vua Chiêu Thống thấy quân của Nguyễn Hữu Chỉnh đã thua rồi, bèn bỏ Kinh đô, chạy sang Kinh bắc, và sai Lê Quýnh cùng với hơn 30 người tôn thất đem bà Hoàng Thái Hậu, bà Hoàng Phi và Hoàng Tử lên Cao Bằng. Còn vua thì cùng với Hữu Chỉnh về đóng ở núi Mục Sơn ở đất Yên Thế.
Tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Hòa đem binh lên đánh bắt được Hữu Chỉnh đem về làm tội ở Thăng Long.
Vũ Văn Nhậm giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi, cho đi tìm vua Chiêu Thống không được, bèn tôn Sùng Nhượng Công tên là Lê Duy Cẩn lên làm giám quốc để thu phục lòng người.
Bấy giờ các quan không ai theo, Sùng Nhượng Công ở trong điện chỉ có vài người hoàng thân và mấy viên võ tướng, sớm tối hầu hạ, còn thì [121]
Tục người trong Bình Định hễ ai đi săn được hươu nai gì thì lột da ra làm nồi mà nấu thịt: ở đây Nguyễn NHạc có ý nói rằng cùng da cùng thịt nỡ nào hại lẫn nhau vậy. không ai tâu hỏi việc gì cả. Ngày ngày cứ đi bộ sang chầu chực bên dinh Vũ Văn Nhậm. Văn Nhậm cũng không biết xử làm sao. Người kinh thành thấy vậy gọi Sùng Nhượng Công là thầy đề lại giám quốc. Khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh thì đã có lòng nghi Vũ Văn Nhậm, cho nên lại sai Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm tham tán quân vụ để chia bớt binh quyền. Đến khi Văn Nhậm lấy được Thăng Long, bắt được Hữu Chỉnh rồi, có ý cậy tài và ra bộ kiêu ngạo. Ngô Văn Sở đem ý ấy viết thư về nói Vũ Văn Nhậm muốn làm phản. Bắc Bình Vương lập tức truyền lện kéo quân kỵ, đêm ngày đi gấp đường ra Thăng Long, nửa đêm đến nơi bắt Vũ Văn Nhậm giết đi, rồi truyền gọi các quan văn võ nhà Lê cho vào yết kiến, đặt quan lục bộ và các quan trấn thủ, để Lê Duy Cẩn làm giám quốc, chủ trương việc tế lễ, dùng Ngô Thời Nhậm làm Lại Bộ Tả Thị Lang. Còn các quan nhà Lê thì có người ở lại nhận chức, có người trốn đi, cũng có người tuẩn tiết.
Bắc Bình Vương đã đổi đặt quan quân, chỉnh đốn mọi việc xong cả rồi, chọn ngày về Nam, để bọn Ngô Văn Sở ở lại giữ đất Bắc Hà.
Vua Chiêu Thống từ khi thua trận Mục Sơn chạy về núi Bảo Lộc, rồi nay ở Hải Dương, mai ở Sơn Nam, cùng với mấy người trung nghĩa lo sự khôi phục, nhưng vì thế lực mỗi ngày một kém, bề tôi như bọn Đinh Tích Nhưỡng thì giở mặt làm phản, còn thì ai nấy trốn tránh đi mất cả, bởi thế cho nên cơ nghiệp nhà Lê đổ nát vậy.
Nhà Lê kể từ vua Thái Tổ khởi nghĩa, đánh đuổi quân nhà Minh về Tàu, lập lại cái nền tự chủ cho nước nhà, truyền đến vua Chiêu Tông thì họ Mạc cướp mất ngôi. Sau nhờ có họ Nguyễn và họ Trịnh giúp đỡ, nhà Hậu Lê lại trung hưng lên, truyền đến vua Chiêu Thống tức là Mân Đế thì hết.
Nhà Lê làm vua, kể cả Tiền Lê và Hậu Lê, được 360 năm (1428- 1788), trước sau sửa sang được nhiều việc: sự học hành, việc luật pháp, việc canh nông đều được mở mang ra hơn trước. Nhưng từ khi trung hưng lên trở về sau nhà vua bị họ Trịnh hiếp chế thành ra có vua lại có chúa. Vua ngồi làm vì, chúa giữ cả quyền chính trị. Đến khi nghiệp chúa suy thì ngôi vua cũng đổ vậy.
CHƯƠNG XI
Nhà Nguyễn Tây Sơn
1. Nhà Nguyễn Tây Sơn dấy nghiệp 2. Vua Quang Trung 3. Tôn Sĩ Nghị đem quân sang Việt Nam 4. Vua Quang Trung đại phá quân nhà Thanh 5. Vua Quang Trung cầu phong 6. Vua Chiêu Thống nhà Lê bị nhục bên Tàu 7. Đức độ vua Quang Trung 8. Chính Trị của vua Quang Trung 9. Quan Chế 10. Việc Dinh Điền 11. Việc Học Hành 12. Việc làm chùa chiền 13. Việc định đánh Tàu 14. Vua Quang Trung mất 15. Vua Cảnh Thịnh
1. Nhà Nguyễn Tây Sơn Dấy Nghiệp.
Những người làm quốc sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính thống và ngụy triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung nguyên, thì cho là chính thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán đoạt không thành, hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa, bà là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua, thì cho là ngụy triều.
Vậy nay lấy những lẽ ấy mà xét xem nên cho nhà Nguyễn Tây Sơn làm chính thống hay ngụy triều, để cho hợp lẽ công bằng và cho xứng cái danh hiệu những người anh hùng đã qua.
Nguyên nước ta là nước quân chủ, lấy cái nghĩa vua tôi làm trọng hơn cả, thế mà từ khi nhà Lê trung hưng lên trở về sau, họ Nguyễn hùng cứ phương Nam, họ Trịnh xưng chúa miền Bắc; trên tuy còn tôn vua nhưng mà quyền về cả nhà chúa. Trong nước ta đã có vua lại có chúa, làm thành ra vua không phải là vua, tôi không phải là tôi, ấy là một thời loạn. Đến sau ở trong Nam thì có Trương Phúc Loan chuyên quyền làm bậy, ở ngoài Bắc thì có kiêu binh làm loạn, giết hại quan đại thần, vua chúa phải nhún mình mà chiều đãi, đình thần phải khoanh tay mà chịu một bề, ấy lại là một lúc đại loạn vậy.
Lúc ấy anh em Nguyễn Nhạc là người dân mặc áo vải, dấy binh ở ấp Tây Sơn, chống nhau với chúa Nguyễn để lập nghiệp ở đất Quy Nhơn. Tuy rằng đối với họ Nguyễn là cừu địch, nhưng mà đối với nước Nam, thì chẳng qua cũng là một người anh hùng lập thân trong lúc biến loạn đó mà thôi.
Còn như Nguyễn Huệ là vua Thái Tổ nhà Nguyễn Tây Sơn, thì trước giúp anh bốn lần vào Gia Định đều được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Tiêm La, chỉ còn được mấy trăm người lủi thủi chạy về nước; sau lại ra Bắc Hà, dứt họ Trịnh; tôn vua Lê, đem lại mối cương thường cho rõ ràng. Ấy là đã có sức mạnh mà lại biết làm việc nghĩa vậy.
Nhưng vì vua nhà Lê nhu nhược, triều thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh luân, lại để cho Trịnh Bồng và Nguyễn Hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền, đến nỗi thành ra tán loạn. Dẫu thế mặc lòng, khi Nguyễn Huệ giết Vũ Văn Nhậm rồi, không nỡ dứt nhà Lê, đặt Giám Quốc để giữ tông miếu tiền triều; như thế thì cách ở với nhà Lê không lấy gì làm bạc.
Sau vua Chiêu Thống và bà Hoàng Thái Hậu đi sang kêu cầu bên Tàu, vua nhà Thanh nhân lấy dịp ấy mượn tiến cứu nhà Lê, để lấy nước Nam , bèn sai binh tướng sang giữ thành Thăng Long. Bấy giờ cứ theo như tờ mật dụ của vua nhà Thanh thì nước Nam ta, bề ngoài tuy chưa mất hẳn, nhưng kỳ thật đã vào tay người Tàu rồi.
Vậy nước đã mất, thì phải lấy nước lại, ông Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng Đế, truyền hịch đi các nơi, đường đường chính chính, đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín mà chạy, làm cho vua tôi nước Tàu khiếp sợ, tướng sĩ nhà Thanh thất đảm. Tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ công nào lẫm liệt như vậy.
Vả đánh đuổi người Tàu đi lấy nước lại mà làm vua thì có điều gì mà trái đạo? Há lại chẳng hơn nhà Lý, nhà Trần nhân lúc ấu quân, nữ chúa, mà làm sự thoán đoạt hay sao? Vậy thì lấy lẽ gì mà gọi là ngụy? Huống chi sau vua nhà Thanh cũng công nhận cho ông Nguyễn Huệ làm vua nước Nam, và lại sai sứ sang phong cho ông làm An Nam Quốc vương theo như lệ các triều trước, như thế thì nhà Nguyễn Tây Sơn mở nước có khác gì nhà Đinh và nhà Lê không?
Tuy rằng chẳng được bao lâu nhà Nguyễn Tây Sơn sinh ra nội loạn, vua Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn lại thu phục được cơ nghiệp cũ mà nhất thống cả nam bắc lại làm một, nhưng việc thành bại hưng vong là mệnh trời, vả lại khi hai người anh hùng đuổi một con hươu, tất là người nọ gọi người kia là cừu địch. Vậy lấy lẽ tôn bản triều mà xét thì nhà Nguyễn Tây Sơn là ngụy, mà lấy công lý mà suy thì vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một ông vua cùng đứng ngang vai với vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Thái Tổ, mà nhà Nguyễn Tây Sơn cũng là một nhà chính thống như nhà Đinh và nhà Lê vậy.
2. Vua Quang Trung (1788-1792).
Ông Nguyễn Huệ (sau đổi tên là Nguyễn Quang Bình) là một người có sức khỏe tuyệt trần, lại có mưu trí quyền biến, mẹo mực như thần, khởi binh ở đất Tây Sơn (thuộc huyện An Khê, Bình Định) giúp anh là Nguyễn Nhạc lập nên nghiệp lớn, được phong làm Bắc Bình Vương, đóng đô ở đất Phú Xuân.
Năm mậu thân (1788) quân nhà Thanh mượn tiếng sang cứu nhà Lê, chiếm giữ thành Thăng Long, có ý muốn lấy đất An Nam, Bắc Bình Vương lên ngôi Hoàng Đế đặt niên hiệu là Quang Trung, rồi đem binh đi đánh giặc.
3. Tôn Sĩ Nghị Đem Quân Sang An Nam .
Nguyên vua Chiêu Thống đã mấy lần toan sự khôi phục, nhưng không được, phải nương náu ở đất Lạng Giang; còn bà Hoàng Thái Hậu thì đem hoàng tử sang Long Châu kêu van với quan Tàu, xin binh cứu viện. Bấy giờ quan tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị dâng biểu tâu với vua Càn Long nhà Thanh, đại lược nói rằng: "Họ Lê là cống thần nước Tàu, nay bị giặc lấy mất nước, mẹ và vợ Tự quân sang cầu cứu, tình cũng nên thương. Vả nước Nam vốn là đất cũ của nước Tàu, nếu sau khi cứu được nhà Lê, và lại lấy được đất An Nam, thực là lợi cả đôi đường."
Vua Càn Long nghe lời tâu ấy sai Tôn Sĩ Nghị khởi quân bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam, đem sang đánh Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị chia quân ra làm 3 đạo, sai quan tổng binh tỉnh Vân Nam và Quý Châu đem một đạo sang mạn Tuyên Quang 122 , sai Sầm Nghi Đống là tri phủ Điền Châu đem một đạo sang mạn Cao Bằng. Sĩ Nghị cùng với đề đốc là Hứa Thế Hanh đem một đạo sang mạn Lạng Sơn, hẹn ngày tiến binh sang đánh An Nam. [122]
Khi xưa đất Hà Giang, Lao Kay, Yên Báy thuộc về địa hạt tỉnh Tuyên Quang.
Tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở ở Thăng Long được tin quân Tàu đã sang, sợ thế yếu đánh không nổi, bèn rút quân thủy bộ về đóng giữ từ núi Tam Điệp 123
ra đến bờ bể, rồi sai người về Phú Xuân cáo cấp.
Tôn Sĩ Nghị kéo quân đến Kinh Bắc (Bắc Ninh), vua Chiêu Thống ra chào mừng rồi theo quân Tàu về Thăng Long. Sĩ Nghị đóng đồn ở giữa bãi, về mé nam sông Nhị Ha, bắc cầu phao ở giữa sông để tiện đi lại, và chia quân ra giữ các mặt.
Ngày hôm sau, Sĩ Nghị là lễ tuyên độc tờ sắc của vua nhà Thanh phong cho vua Chiêu Thống làm An Nam Quốc Vương.
Vua Chiêu Thống tuy đã thụ phong, nhưng các tờ văn thư đều phải đề niên hiệu Càn Long. Mỗi khi buổi chầu xong rồi, lại đến dinh Sĩ Nghị để chầu chực việc cơ mật quân quốc. Vua cưỡi ngựa đi với độ mười người lính hầu mà thôi. Sĩ Nghị thì ngạo nghễ, tự đắc, ý tứ xử với vua rất là khinh bạc; có khi vua Chiêu Thống lại hầu, không cho vào yết kiến, chỉ sai một người đứng dưới gác chiêng truyền ra rằng: không có việc quân quốc gì, xin ngày hãy về cung nghỉ.
Người bấy giờ bàn riêng với nhau rằng: "Nước Nam ta từ khi có đế vương đến giờ, không thấy vua nào hèn hạ đến thế. Tiếng là làm vua mà phải theo niên hiệu vua Tàu, việc gì cũng phải bẩm đến quan Tổng Đốc, thế thì có khác gì đã là nội thuộc rồi không?"
Vua và triều thần bấy giờ việc gì cũng trông cậy vào Tôn Sĩ Nghị; ngày đêm chỉ lo việc báo ân báo oán, giết hại những người trước đã đi theo Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị thì càng ngày càng kiêu ngạo thêm, coi việc binh làm thường, lại thả quân lính ra cướp phá dân gian, làm lắm sự nhũng nhiễu. Vì thế cho nên lòng người mất cả trông cậy.
4. Vua Quang Trung Đại Phá Quân Thanh.
Bắc Bình Vương được tinh quân nhà Thanh đã sang đóng ở Thăng Long, lập tức hội các tướng sĩ để bàn việc đem binh ra đánh, các tướng đều xin hãy chính ngôi tôn, để yên lòng người rồi sẽ khởi binh.
Bắc Bình Vương bèn sai đắp đàn ở núi Bàn Sơn, ngày 25 tháng mười một năm mậu thân (1788), Vương làm lễ lên ngôi Hoàng Đế, rồi tự mình [123]
Núi Tam Điệp trước gọi là đèo Ba Dội ở chỗ phân biệt địa giới tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa. thống lĩnh thủy bộ đại binh ra đánh giặc Thanh. Ra đến Nghệ An nghỉ lại 10 ngày để kén lấy thêm binh, cả thảy được 10 vạn quân và hơn 100 con voi.
Vua Quang Trung điểm duyệt quân sĩ, truyền dụ nhủ bảo mọi người phải cố gắng đánh giặc giúp nước. Đoạn rồi kéo quân ra Bắc, đến ngày 20 tháng chạp thì đến núi Tam Điệp. Bọn Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhiệm đều ra tạ tội, kể chuyện quân Tàu thế mạnh, sợ đánh không nổi, cho nên phải lui về giữ chỗ hiểm yếu.
Vua Quang Trung cười mà nói rằng: "Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa."
Vua Quang Trung truyền cho tướng sĩ ăn tết Nguyên Đán trước, để đến hôm trừ tịch thì cất quân đi, định ngày mồng 7 tháng giêng thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Đoạn rồi, truyền lệnh cho ba quân đến nghe lệnh điều khiển.
Đại tư mã Sở, Nội Hầu Lân đem tiền quân đi làm tiên phong. Hô hổ Hầu đem hậu quân đi đốc chiến.
Đại đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết đem hữu quân cùng thủy quân, vượt qua bể vào sông Lục Đầu. Rồi Tuyết thì kinh lược mặt Hải Dương, tiếp ứng đường mé đông; Lộc thì kéo về vùng Lạng Giang, Phượng Nhỡn, Yên Thế để chặn đường quân Tàu chạy về.
Đại đô đốc Bảo, đô đốc Mưu đem tả quân cùng quân tượng mã đi đường núi ra đánh phía tây. Mưu thì xuyên ra huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ), tiện đường kéo thẳng đến làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, đánh quân Điền Châu; Bảo thì thống suất quân tượng mã theo đường huyện Sơn Lãng ra làng Đại Áng thuộc huyện Thanh Trì tiếp ứng cho mặt tả.
Năm quân được lệnh đều thu xếp đâu đấy, đến hôm 30 khua trống kéo ra Bắc. Khi quân sang sông Giản Thủy 124 , cánh nghĩa quân của nhà Lê [124]
Giản Thủy chắc là bến đò Giản ở giáp giới tỉnh Ninh Bình và Hà Nam bây giờ. tan vỡ chạy cả. Vua Quang Trung thân đốc các quân đuổi theo đến huyện Phú Xuyên bắt sống hết được toán quân Tàu đóng ở đấy, không một người nào chạy thoát được; vì thế cho nên không có tin báo về, những quân Tàu đóng ở làng Hà Hồi và làng Ngọc Hồi không biết gì cả. Nửa đêm ngày mồng 3 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) quân vua Quang Trung đến làng Hà hồi vây kín đồn giặc, rồi bắc loa lên gọi, các quân dạ rầm cả lên, có hàng muôn người. Quân canh đồn bấy giờ mới biết, sợ hãi thất thố, đều xin hàng, bởi thế, lấy được hết cả quân lương và đồ khí giới. Sáng mờ mờ ngày mồng năm, quân Tây Sơn tiến lên đến làng Ngọc Hồi, quân Tàu bắn súng ra như mưa. Vua Quang Trung sai người lấy những mảnh ván, ghép ba mảnh lại làm một, lấy rơm cỏ giấp nước quấn ở ngoài, rồi sai quân kiêu dũng cứ 20 người khiêng một mảnh, mỗi người dắt một con dao nhọn, lại có 20 người cầm khí giới theo sau. Vua Quang Trung cưỡi voi đi sau đốc chiến, quân An Nam vào đến gần cửa đồn, bỏ ván xuống đất, rút dao ra, xông vào chém, quân đi sau cũng kéo ùa cả vào đánh. Quân Tàu địch không nổi, xôn xao tán loạn, xéo lẫn nhau mà chạy. Quân Nam thừa thế đánh tràn đi, lấy được các đồn, giết quân Thanh thây nằm ngổn ngang khắp đồng, máu chảy như tháo nước. Quân các đạo khác cũng đều được toàn thắng. Quan nhà Thanh là đề đốc Hứa Thế Hanh, tiên phong Trương Sĩ Long, tả dực Thượng Duy Thăng đều tử trận cả; quan phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa 125
bị quân An Nam vây đánh cũng thắt cổ mà chết 126 .
Tôn Sĩ Nghị nửa đêm được tin báo, hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáo, đem mấy tên lính kỵ chạy qua sông sang Bắc. Quân các trại nghe tin như thế, xôn xao tan rã chạy trốn, tranh nhau sang cầu, một lát cầu đổ, sa cả xuống sông chết đuối, sông Nhị Hà đầy những thây người chết.
Vua Chiêu Thống cũng theo Tôn Sĩ Nghị sang sông cùng với bà Hoàng Thái Hậu và mấy người cận thần chạy sang Tàu.
Đạo quân Vân Nam và Quý Châu đóng ở miền Sơn Tây 127
nghe tin Tôn Sĩ Nghị đã thua, cũng rút quân chạy về.
Ngày hôm ấy vua Quang Trung đốc quân đánh giặc, áo ngự bào bị thuốc súng bắn vào đen như mực. Đến trưa thì vào thành Thăng Long, sai [125]
Ở cạnh Thái Hà Ấp, gần Hà Nội. [126]
Về sau bọn khách trú ở Thăng Long làm cái đền thờ Sầm Nghi Đống ở ngõ Sầm Công, sau Hàng Buồm, nữ sĩ Hồ Xuân Hương có vịnh bài tuyệt cú rằng: Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo, Kìa đền Thái thú đứng cheo leo. Ví đây đổi phận làm trai được, Thì sự anh hùng há bấy nhiêu? [127]
Trước đất Phú Thọ, Vĩnh Yên thuộc về địa hạt tỉnh Sơn Tây. tướng đem binh đuổi đánh quân nhà Thanh đến cửa Nam Quan. Những dân Tàu ở gần Lạng Sơn sợ khiếp, đàn ông, đàn bà dắt díu nhau mà chạy, từ cửa ải về mé bắc hơn mấy trăm dặm, tịnh không nghe thấy tiếng một người nào?
Vua Quang Trung vào thành Thăng Long, hạ lệnh chiêu an, phàm những người Tàu trốn tránh ở đâu ra thú tội, đều được cấp cho áo mặc, lương ăn. Lại bắt được cả ấn tín của Tôn Sĩ Nghị bỏ lại, trong những giấy má bắt được có tờ mật dụ của vua Càn Long nói rằng: " Việc quân nên từ đồ, không nên hấp tấp. Hãy nên đưa hịch truyền thanh thế đi trước, và cho các quan nhà Lê về nước cũ hợp nghĩa binh, tìm tự quân nhà Lê đem ra đứng đầu để đối địch với Nguyễn Huệ, thử xem sự thể thế nào. Nếu lòng người nước Nam còn nhớ nhà Lê, có quân ta kéo đến, ai là chẳng gắng sức. Nguyễn Huệ tất phải tháo lui; ta nhân lấy dịp ấy mà sai Tự quân đuổi theo, rồi đại binh của ta theo sau, như thế không khó nhọc mấy nỗi mà nên được công to, đó là mẹo hay hơn cả. Ví bằng suốt người trong nước, nửa theo đằng nọ, nửa theo đằng kia, thì Nguyễn Huệ tất không chịu lui. Vậy ta hãy đưa thư sang tỏ bảo đường họa phúc xem nó đối đáp làm sao. Đợi khi nào thủy quân ở Mân, Quảng đi đường bể sang đánh mặt Thuận Hóa và Quảng Nam rồi, bộ binh sẽ tiến lên sau. Nguyễn Huệ trước sau bị địch, thế tất phải chịu thua. Bấy giờ ta sẽ nhân mà là ơn cho cả hai bên; tự đất Thuận Hóa Quảng Nam trở vào Nam, thì cho Nguyễn Huệ; tự châu Hoan, châu Ái trở ra Bắc thì phong cho Tự quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm chế cả hai bên, rồi sẽ có xử trí về sau".
Vua Quang Trung đem tờ mật dụ ấy bảo với Ngô Thì Nhiệm rằng: " Ta xem tờ chiếu của vua nhà Thanh chẳng qua cũng muốn mượn tiếng để lấy nước ta đó thôi. Nay đã bị ta đánh thua một trận, tất là lấy làm xấu hổ, chắc không chịu ở yên. Hai nước mà đánh nhau thì chỉ khổ dân. Vậy nên dùng lời nói khéo, để khiến cho khỏi sự binh đao; việc ấy nhờ nhà người chủ trương cho mới được".
Ngô Thì Nhiệm vâng lệnh làm thư đại khái nói rằng: "Nước Nam vốn không dám chống cự với đại quốc, nhưng chỉ vì Tôn Sĩ Nghị làm nhỡ việc cho nên phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng hòa."
Vua Quang Trung sai sứ đem thư sang Tàu, và lại sai đem những quân nhà Thanh đã bắt được, để ở một nơi, cấp cho lương thực, đợi ngày cho về nước. Xếp đặt mọi việc xong rồi, đem quân về Nam, lưu Ngô Văn Sở và Phan văn Lân ở lại tổng thống các việc quân quốc; còn những việc từ lệnh giao thiệp với nước Tàu thì ủy thác cho Ngô Thì Nhiệm và Phan Huy Ích cho được tự tiện mà khu xử, hễ không có việc gì quan hệ thì bất tất phải đi tâu báo mà làm gì.
5. Vua Quang Trung Cầu Phong.
Vua nhà Thanh nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại binh, nổi giận đùng đùng, lập tức giáng chỉ sai quan nội các là Phúc Khang An 128
ra thay Sĩ Nghị làm tổng đốc Lưỡng Quảng, đem binh mã chín tỉnh, sang kinh lý việc An Nam.
Phúc Khang An ra đến Quảng Tây nghe tiếng quân An Nam thế mạnh trong bụng đã sợ, có ý muốn hòa, bèn sai người đưa thư sang nói việc lợi hại và bảo phải làm biểu tạ tội để cho yên việc binh đao.
Vua Quang Trung bèn cho người đưa vàng bạc sang đút lót cho Khang An, rồi sai người cháu là Nguyễn Quang Hiển và quan là Vũ Huy Tấn đem đồ cống phẩm sang Yên Kinh vào chầu vua nhà Thanh và dâng biểu xin phong.
Bấy giờ quan ngoài thì có Phúc Khang An đề đạt giúp đỡ, quan trong thì có các thần là Hòa Thân 129
làm chủ trương, cho nên vua nhà Thanh mới thuận cho giảng hòa. Hòa Thân được tiền bạc của vua Quang Trung đút lót, rồi dùng lời nói khéo, điều gì cũng hợp ý vua nhà Thanh. Vua nhà Thanh bèn sai sứ sang phong cho vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương, và lại giáng chỉ vời quốc vương vào chầu.
Vua Quang Trung bèn chọn một người hình dung giống mình, tên là Phạm Công Trị trá làm quốc vương, rồi sai Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Võ Huy Tấn đưa sang Yên Kinh, vào chầu Càn Long. Ngoài những phẩm vật phải đem cống, vua Quang Trung lại đem cống thêm đôi tượng đực, làm cho các cung trạm ở dọc đường bên Tàu phảI phục dịch đưa đón thật là vất vả. Quan Tổng Đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An và quan Tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh phải đưa Quốc Vương An Nam vào Kinh.
Sang đến Yên Kinh, vua Càn Long nhà Thanh tưởng là Nguyễn Quang Trung thật, vời đến chầu ở Nhiệt Hà, cho vào làm lễ ôm gối, như là tình cha con một nhà, và cho ăn yến với các thân vương. Đến lúc về nước, vua lại sai thợ vẽ làm một bức ảnh truyền thần để ban cho ân lễ thật là hậu. [128]
Phúc Khang An là người Mãn Châu, thuộc về dinh Hoàng Kỳ, vốn là người tìn dùng của vua nhà Thanh. 129
Hòa Thân cũng là người Mãn Châu về dinh Hoàng Kỳ, cùng với Phúc Khang An coi việc phiên viễn. 6. Vua Chiêu Thống Nhà Lê bị nhục bên Tàu.
Vua Chiêu Thống theo Tôn Sĩ Nghị vào thành Nam Kinh ở Quảng Tây, được ít lâu thì vua nhà Thanh sai các thần là Phúc Khang An ra thay Tôn Sĩ Nghị. Khang An muốn giảng hòa với Tây Sơn, bèn mời vua Chiêu Thống về Quế Lâm. Bấy giờ những quan cựu thần nhà Lê là: Hoàng thúc Lê Duy Án, Đinh Nhạ Hành, Đinh Lịnh Dận, Trần Huy Lâm, Lê Doãn, Lê Dĩnh, Phan Khải Đức, Bế Nguyễn Cung, Bế Nguyễn Doãn, đều lục tục sang theo vua Chiêu Thống, vào ra mắt Khang An.
Khang An dùng Đinh Nhạ Hành làm chức thủ bị Toàn Châu, Phan Khải Đức làm chức đô tư Liễu Châu, còn thì tùy tiện an trí mỗi người một nơi. Duy chỉ có Lê Duy Án, Trần Huy Lâm, Lê Doãn, Lê Dĩnh về Quế Lâm theo vua nhà Lê.
Đến tháng tư năm kỷ dậu (1789), vua tôi nhà Lê vào thành Quế Lâm, Khang An nói thác ra bảo với vua Chiêu Thống rằng: Trời đang mùa hè nắng nóng, sang đánh phương nam không tiện, nên để đến mùa thu mát mẻ sẻ khởi binh. Vậy nhà vua nên gióng giả dần bọn tướng thuộc đi trước. Nhưng nhà vua hãy nên gọt đầu thay áo, làm như dáng người Tàu, để khi về nước, giặc không nhận được mặt. Việc hành binh phải nên biến trá, đợi khi thành công rồi lại theo tục nước mà ăn mặc. Vua Chiêu Thống không ngờ là Khang An đánh lừa mình, bèn cùng với các quan cạo đầu gióc tóc và đổi y phục.
Phúc Khang An bèn làm một tờ biểu tâu với vua nhà Thanh rằng: "Vua nước Nam là Lê Duy Kỳ không có ý xin viện binh nữa, vua tôi hiện đã gióc tóc, thay áo, xin yên tâm ở lại nước Tàu. Vậy xin bãi binh đánh An Nam". Ở trong lại có Hòa Thân tán thành, bởi vậy vua nhà Thanh mới xuống chỉ bãi binh.
Vua nhà Thanh đã nghe lời bọn Phúc Khang An và Hòa Thân, và đã phong vương cho vua Quang Trung rồi, lại giáng chỉ triệu vua tôi nhà Lê về Yên Kinh [130] .
Bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến cả thảy đến 10 người sau cũng bị Phúc Khang An gọi về Quảng Tây, rồi bắt đổi áo gióc tóc như mọi người. Lê Quýnh nói rằng: "Ông cho gọi chúng tôi đến chẳng bàn được điều gì, lại dỗ chúng tôi đổi áo, gióc tóc, ấy là nghĩa gì? Đầu chúng tôi có thể chặt được, chứ tóc không gióc, da có thể lột được, chứ áo không đổi!". Phúc Khang An tức giận cho giải về cả Yên Kinh, đi đến Sơn Đông gặp vua Càn Long đi chơi, vua đòi vào hỏi sao vua An Nam đã chịu đổi áo gióc tóc theo nhà Thanh mà bọn ấy lại còn không chịu ? Lê Quýnh tâu rằng: " Chúng tôi muôn dặm tòng vong, xin cứ theo tục bản quốc vào ra mắt quốc vương, rồi sau sẽ vâng chỉ" Vua nhà Thanh khen là trung. Nhưng về sau Lê Quýnh không chịu gióc tóc, chiếu tội vi mệnh phải giam mãi.
Mùa xuân năm canh tuất (1790), vua Chiêu Thống cùng với các quan tòng vong vào kinh. Vua Càn Long để vua Chiêu Thống, bà Thái Hậu và Hoàng Tử ở ngõ Hồ Đồng, Tòa Quốc Tử Giám, cửa Tây Định ở Yên Kinh, ngoài cửa đề chữ "Tây An Nam Dinh". Còn các quan An Nam đi theo, thì cho ở ngõ Hồ Đồng, cửa Đông Trực, ngoài cửa đề chữ: "Đông An Nam Dinh".
Vua Chiêu Thống đến Yên Kinh được mấy hôm, thì thấy quan Đô Thống Nhương Hoàng Kỳ là Kim Giản phụng chỉ vua nhà Thanh ra phong cho chức Tá Lĩnh, và ban cho áo mão quan tam phẩm. Còn các quan đi theo thì cấp cho mỗi người ba lạng bạc và một thạch gạo.
Vua Chiêu Thống giận vì bị người Tàu đánh lừa, bèn cùng với bề tôi là bọn Phạm Như Tùng, Hoàng Ích Hiển, Lễ Hân, Nguyễn Quốc Đống, Nguyễn Viết Triệu, Lê Quý Thích, Nguyễn Đình Miên, Lê Văn Trương, Lê Tùng, Lê Thức uống máu ăn thề, định sống chết thế nào thì cũng dâng biểu xin binh cứu viện. Nếu không cho thì xin đất hai tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên để phụng thờ tông tự; mà không nữa, thì xin cho về nước vào đất Gia Định với chúa Nguyễn để đồ việc khôi phục.
Văn biểu làm xong, đến nói lót trước với Kim Giản, Kim Giản không nghe, vua tôi nhà Lê phục xuống đất mà kêu khóc. Kim Giảng bất đắc dĩ mời vào an ủi, rồi nói rằng: hãy xin về quán nghỉ ngơi, đợi để thương lượng thế nào, sau sẽ cho biết.
Kim Giản bèn mưu với Hòa Thân phân trí vua tôi An Nam đi ở mỗi người một nơi, để cho khỏi kêu ca khó chịu.
Đến tháng tư năm tân hợi (1791) Hoàng Ích HIểu phải đày sang I-lê (thuộc Hồi-bộ ở Tây-vực, phía Tây nước Tàu); Lê Hân đày đi Phụng Thiên (Mãn Châu); Phạm Như Tùng đày lên Hắc Long Giang (Mãn Châu); Nguyễn Viết Triệu, Lê Quý Thích, Nguyễn Đình Miên, Đàm Thận Xưởng, Lê Văn Trương đày ra bến Trương-gia ở Nhiệt-hà (thuộc tỉnh Trực-lệ). Chỉ để Phạm Đình Thiện, Đinh Nhạ Hành ở lại hầu hạ vua Lê.
Vua Chiêu Thống nghe chuyện ấy lo lắng chua xót, ruột nóng như lửa đốt, sáng hôm sau cưỡi ngựa đế nhà Kim Giản, để kêu oan cho mấy người phải đi đày, gặp Kim Giản vào chầu vua nhà Thanh ở vườn Viên Minh, vua Chiêu Thống đi vào cửa vường, bị lính giữ vường ngăn cấm không cho đi. Bấy giờ có Nguyễn Văn Quyên đi theo hầu vua, thấy lũ lính vô lễ, mới nổi giận lên mà chửi mắng rằng: "Lũ chó Ngô kia sao chúng bay được làm nhục đến vua tao!" Rồi lấy gạch ném vào chúng nó. Chúng nó xúm nhau lại đánh Văn Quyên về thành bệnh mà chết.
Tự đó vua Chiêu Thống trong bụng buồn bã rầu rĩ, không dám nói đến việc xin binh nữa. Qua tháng năm năm nhâm tí (1792) hoàng tử lên đậu mất. Vua nhân dịp đó phải bệnh một ngày một nặng, đến tháng mười năm quý sửu (1793) thì mất, thọ được 28 tuổi.
Vua nhà Thanh sai theo lễ tước công mà táng ở ngoài cửa Đông Trực.
Tháng 11 năm kỷ mùi (1799) đời vua Gia Khánh thì bà Hoàng Thái Hậu mất.
Đến năm nhâm tuất (1802) nhân khi bên Việt Nam ta vua Thế Tổ nhà Nguyễn đã thống nhất cả nam bắc, và có sứ ta sang cầu phong, các quan nhà Lê mới nhân dịp dâng biểu xin đem ma Thái Hậu và Cố Quân về nước. Vua Gia Khánh cho tất cả những người Việt Nam theo vua Lê sang Tàu về nước.
Sử chép rằng khi đào đất lên để cải táng mả Cố Quân, thì thấy da thịt đã tiêu cả, chỉ còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường. Ai trông thấy cũng động lòng thương xót. Dẫu chuyện đó thực hư thế nào mặc lòng, nhưng tưởng đến tình cảnh vua Chiêu Thống lúc bấy giờ, thì ai cũng ái ngại thay cho ông vua một nước, phải đày đọa đến nỗi như thế, có thể làm được một bài bi kịch thảm xót muôn đời. Tuy rằng tại vua tôi nhà Lê vụng tính cho nên bị người ta đánh lừa, nhưng cũng nên tránh vua quan nhà Thanh xử tệ, bạc đãi một ông vua vong quốc, đem thân đến nương nhờ nước mình. Ấy cũng là một thời dã man về đời áp chế, khiến cho cái oan khổ của người ta muôn đời về sau không tiêu thoát đi được.
Khi đem ma bà Thái Hậu và vua Chiêu Thống về đến Việt Nam thì bà Hoàng Phi trước phải ẩn nấp ở đất Kinh Bắc, nay lên đến Ải quan đón rước, rồi về đến Thăng Long cũng nhịn ăn mà tự tử.
Ngày 24 tháng 11, rước ma Cố quân, Thái Hậu, Hoàng Phi và Hoàng tử về táng ở lăng Bàn Thạch ở Thanh Hóa.
7. Đức Độ Vua Quang Trung.
Vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn là ông vua anh dũng, lấy võ lược mà dựng nghiệp, nhưng ngài có độ lượng, rất am hiểu việc trị nước, biết trọng những người hiền tài văn học. Khi ngài ra lấy Bắc hà, những người như Ngô Thì Nhiệm, Phan Huy Ích đều được trọng dụng và nhất là đối với một người xử sĩ như Nguyễn Thiệp thì thật là khác thường.
Ông Nguyễn Thiệp, tự là Khải Chuyên, hiệu là Nguyệt Úc, biệt hiệu là Hạnh Am. Ông làm nhà ở Lục Niên Thành, thuộc huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, cho nên người ta gọi là Lục Niên tiên sinh hay là La sơn phu tử. Vua Quang Trung từ khi đem quân ra đánh Bắc hà, biết tiếng Nguyễn Thiệp, đã mấy lần cho người đem lễ vật mời ông ra giúp, ông không nhận lễ và cũng từ chối không ra. Đến khi ngài đã đăng cực, lại mấy lần cho người đến mời ông, ông có đến bái yết và khuyên vua nên lấy nhân nghĩa mà trị dân trị nước, rồi lại xin về. Vua Quang Trung tuy không dùng được ông, nhưng bao giờ cũng tôn kính ông như bậc thầy, và việc chính trị trong nước thường theo ý nghĩa của ông đã trình bày.
8. Chính Trị của vua Quang Trung.
Vua Quang Trung tuy đã thụ phong nhà Thanh, nhưng vẫn tự xử theo cách Hoàng Đế, lập bà Ngọc Hân con vua Hiển Tông nhà Lê làm Bắc Cung Hoàng Hậu, lập con là Quang Toản làm Thái Tử. Lại lấy thành Nghệ An là đất giữa nước và lại là đất tổ khi xưa ở đó, mới sai thợ thuyền tải vận đá, gỗ, gạch, ngói, sửa sang đền đài cung điện, và sai quân các đạo đào lấy đá ong để xây nội thành, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Cải thành Thăng Long là Bắc Thành, chia đất Sơn Nam ra làm hai trấn, gọi là Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ [131] .
Mỗi trấn đặt quan trấn thủ và quan hiệp trấn. Mỗi huyện, văn thì đặt chức phân tri để xét việc kiện cáo, võ thì đặt chức phân suất để coi việc binh lương.
9. Quan Chế.
Quan Chế thời bấy giờ thì không thấy sử chép rõ, nhưng xem các dã sữ thì thấy có tam co6ng, tam thiếu, có Đại chủng tể, Đại tư đồ, Đại tư khấu, Đại tư mã, Đại tư không, Đại tư cối, Đại tư lệ, Thái Úy, Đại tổng quản, Đại đổng lý, Đại đô đốc, Đại đô hộ, v.v... Lại có Trung thư sảnh, Trung thư lệnh, Đại học sĩ, Hiệp biện đại học sĩ, Thị trung ngự sử, Lục bộ thượng thư, Tả hữu đồng nghị, Tả hữu phụng nghị, Thị lang, Tư vụ, Hàn lâm, v.v....
Về đường quân binh thì đặt ra tiền quân, hậu quân, trung quân, tả quân, hữu quân, v.v...
Trấn lị Sơn Nam Thượng ở Châu Cầu, trấn lị Sơn Nam Hạ ở Vị Hoàng. 10. Việc Đinh Điền.
Đinh thì chia ra làm ba hạng: từ 2 tuổi đến 17 tuổi làm hạn "vị cập cách"; từ 18 đến 55 tuổi làm tráng hạng; từ 56 đến 60 tuổi làm lão hạng; từ 61 trở lên làm lão nhiêu.
Ruộng cũng chia ra làm ba hạng: nhất đẳng điền mỗi mẫu phải nộp 150 bát thóc, nhị đẳng điền mỗi mẫu 80 bát, tam đẳng điền mỗi mẫu 50 bát. Lại thu tiền thập vật, mỗi mẫu một tiền và tiền khoán khố mỗi mẫu 50 đồng.
Ruộng tư điền cũng đánh thuế: nhất đẳng điền mỗi mẫu nộp 40 bát thóc, nhị đẳng điền mỗi mẫu 30 bát, tam đẳng điền mỗi mẫu 20 bát. Tiền thập vật cũng theo như ruộng công điền, còn tiền khoán khố thì mỗi mẫu phải nộp 30 đồng.
11. Việc Học Hành.
Đời Tây Sơn việc cai trị thường hay dùng chữ nôm. Nhà vua muốn rằng người Việt Nam thì phải dùng tiếng Việt Nam , để gây thành cái tinh thần của nước nhà, và cái văn chương đặc biệt, không phải đi mượn tiếng mượn chữ của nước Tàu. Vậy nên khi thi cử thường bắt quan ra bài chữ nôm và bắt sĩ tử làm bài bằng chữ nôm. Thời bấy giờ nhiều người không hiểu rõ cái ý nghĩa sâu xâ ấy, cho là vua Tây Sơn dùng hà chính mà ức hiếp nhân dân.
12. Việc Làm Chùa Chiền.
Vua Quang Trung thấy làng nào cũng có chùa chiền, mà những người đi tu hành thì ngu dốt, không mấy người đạt được cái đạo cao sâu của Phật, chỉ mượn tiếng thần thánh mà đánh lừa kẻ ngu dân, ngài xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ ở các làng, đem gỗ gạch làm ở mỗi phủ mỗi huyện một cái chùa thật to, rất đẹp, rồi chọn lấy những tăng nhân có học thức, có đạo đức, ở coi chùa thờ Phật. Còn những người không xứng đáng thì bắt về làm ăn. Ý vua Quang Trung muốn rằng chỗ thờ Phật phải cho tôn nghiêm, mà những người đi tu hành thì phải là người chân tu mộ đạo mới được.
Những việc cải cách ấy rất có nghĩa lý, nhưng vì thủa ấy có nhiều sự chiến tranh, vả nhà Tây Sơn cũng không làm vua được bao lâu, cho nên thành ra không có công hiệu gì cả.
13. Việc Định Đánh Tàu.
Trước vua Quang Trung cầu hòa với nước Tàu và chịu phong là cốt để đợi ngày có đủ sức mà đánh báo thù, cho nên từ khi trong nước đã dẹp yên rồi, ngày đêm trù tính việc đánh Tàu. Đình thần ai cũng bàn nên xét số dân đinh cho đích thực để kén lấy lính. Vua bèn xuống lệnh cho các trấn bắt dân xã làm lại sổ đinh, ai ai cũng phải biên vào sổ, rồi cấp cho mỗi người một cái thẻ bài, khắc bốn chữ "Thiên Hạ Đại Tính", chung quanh ghi tên họ quê quán, và phải điểm chỉ làm tin. Người nào cũng phải đeo thẻ ấy gọi là tín bài. Ai không có thẻ là dân lậu, bắt sung vào quân phòng, và bắt tội tổng trưởng, xã trưởng. Nhân có việc ấy, những kẻ lại dịch hiệp với xã trưởng đi lại làm bậy: thường vào làng vây bắt hỏi thẻ, làm cho dân gian nhiễu động, nhiều người phải trốn vào rừng mà ở.
Sổ đinh làm xong rồi cứ ba tên đinh kén lấy một người lính.
Quân thì chia ra làm đạo, cơ, đội. Đạo thì thống các cơ, cơ thì thống các đội. Cơ đội nào theo về cơ đội ấy, bắt phải diễn tập luôn luôn.
Bấy giờ ở bên Tàu có những giặc Tàu ô, quấy nhiễu ở miền bể bị quân nhà Thanh đánh đuổi, chạy sang xin phụ thuộc nước ta, vua Quang Trung cho người tướng Tàu-ô làm chức tổng binh, sai sang quấy nhiễu ở mặt bể nước Tàu. Lại có người thuộc về đảng Thiên Địa Hội làm giặc ở Tứ Xuyên, vua cũng thu dùng cho làm tướng.
Công việc xếp đặt đâu vào đấy rồi, đến năm nhâm tí (1792) vua Quang Trung sai sứ sang Tàu, xin cầu hôn và xin trả lại cho Việt Nam đất Lưỡng Quảng. Việc ấy tuy không phải là bản ý nhưng muốn mượn chuyện để thử ý vua nhà Thanh. Không ngờ vua Quang Trung phải bệnh mất, các quan dìm việc cầu hôn và việc xin trả đất đi, không cho Thanh triều biết.
14. Vua Quang Trung mất.
Vua Quang Trung mất năm nhâm tí (1792), làm vua được 4 năm, thọ được 40 tuổi, miếu hiệu là Thái Tổ Võ Hoàng Đế.
Triều thần bấy giờ là Bùi Đắc Tuyên, Trần Quang Diệu 132 , Vũ Văn Dũng lập thái tử là Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi làm vua, rồi sai sứ sang Tàu dâng biểu cáo tang và cầu phong. Trong biểu nói dối rằng khi vua Quang Trung mất có dặn lại rằng phải đem chôn ở Tây Hồ gần Bắc Thành, để tỏ cái bụng quyến luyến trông về Thiên triều. Vua nhà Thanh xem biểu tưởng là thật, khen là trung, đặt tên thụy cho là Trung Thuần, lai ngự chế một bài thơ sang viếng, sai quan án sát Quảng Tây là Thành Lâm sang tế, và phongcho Quang Toản làm An Nam Quốc Vương. Trong bài văn tế có câu rằng:
Chầu ngô Nam cực,
Lòng trung nghĩa hết đạo thờ vua
Chôn đất Tây hồ [132]
Có sách chép là Nguyễn Quang Diệu.
Nghĩa thần tử vẫn còn mến chúa.
15. Vua Cảnh Thịnh (1782-1802).
Khi vua Quang Trung mất thì Thái Tử là Nguyễn Quang Toản mới lên 10 tuổi, triều đình tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Thịnh, sau thành Phú Xuân thất thủ, vua tôi nhà Tây Sơn chạy ra Bắc hà lại đổi niên hiệu là Bảo Hưng.
Vua Cảnh Thịnh tuy đã lên ngôi nhưng mà việc gì cũng do ở thái sư là Bùi Đắc Tuyên quyết đoán cả. Bùi Đắc Tuyên là anh ruột bà Thái Hậu, cho nên uy quyền lại càng hống hách lắm. Các quan văn võ có nhiều người không phục, bởi vậy cho nên về sau trong Triều phân ra bè đảng; các đại thần giết hại lẫn nhau. Vả lại lúc bấy giờ có vua Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn là một bậc có tài trí, quyết chí phục thù, cho nên cơ nghiệp nhà Tây Sơn không được bao lâu mà đổ nát vậy.
Phần V
Cận Kim Thời Đại
CHƯƠNG XII
Nguyễn Vương Nhất Thống Nước Nam
11. Nguyễn Vương Ánh ở Tiêm La 12. Nguyễn Vương về lấy Gia Định 13. Nguyễn Vương sửa sang mọi việc ở Gia Định 14. Việc khai khẩn điền thổ 15. Việc buôn bán 16. Ông Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh ở Pháp về 17. Nguyễn Vương đánh Quy Nhơn lần thứ nhất 18. Thế lực Tây Sơn 19. Nguyễn Vương đánh Quy Nhơn lần thứ hai 20. Nguyễn Vương đánh Quy Nhơn lần thứ nhất 21. Quân Tây Sơn vây thành Bình Định 22. Nguyễn Vương thu phục Phú Xuân 23. Võ Tính tử tiết 24. Nguyễn Vương lên ngôi tôn 25. Quân Nam ra lấy bắc hà
1. Nguyễn Vương Ánh ở Tiêm La.
Tháng tư năm ất tị (1785), ông Nguyễn Huệ phá quân Tiêm La ở Mỹ tho, Nguyễn Vương thế cô, lại phải sang nương nhờ nước Tiêm. Đến khi các tướng sĩ đã biết ngài ở Tiêm La, đều lục tục kéo sang bái yết, bấy giờ có quan cũ là Lê Văn Câu (còn gọi Quân hay Duân) đem 600 người sang theo giúp. Vua nước Tiêm để cho người Việt Nam ở riêng một chỗ gọi là Long Kỳ, ở ngoài thành Vọng Các (Bangkok ) . [ 133 ]
Nguyễn Vương bèn phân trí mọi người đi làm các việc: người thì đi làm ruộng để lấy thóc gạo nuôi quân, người thì đi ra các đảo làm sẵng chiến
Nay ở Bangkok có một chỗ gọi là làng Gia Long tức là chỗ Nguyễn Vương ở ngày trước. thuyền, người thì đi lẻn về Gia Định, chiêu tập những kẻ nghĩ dũng để đợi ngày khôi phục.
Lúc bấy giờ nhân có quân Diến Điện sang đánh Tiêm La, Nguyễn Vương cùng với bọn Lê Văn Câu, Nguyễn Văn Thành đem quân bản bộ đi đánh giúp nước Tiêm. Nguyễn Vương lại có công trừ được những giặc Mã Lai thường vẫn hay đến quấy nhiễu ở mặt bể. Bởi vậy cho nên nước Tiêm lại càng trọng đãi vua tôi nhà Nguyễn.
2. Nguyễn Vương Về Lấy Gia Định.
Trong khi Nguyễn Vương còn phải nương náu ở đất Tiêm La, ông Nguyễn Huệ tiến binh ra Bắc Hà giết Trịnh Khải, tôn vua Lê, rồi về được phong là Bắc Bình Vương, đóng ở Phú Xuân. Ông Nguyễn Nhạc xưng là Trung Ương Hoàng Đế, phong cho Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương vào giữ đất Gia Định.
Nhưng chẳng được bao lâu, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ không hòa với nhau. Nguyễn Nhạc đem quân Phú Xuân vào vây thành Quy Nhơn nguy cấp lắm. Nguyễn Nhạc phải vời đô đốc Đặng Văn Chân đem quân ở Gia Định ra cứu.
Từ đó quân thế của Tây Sơn ở Gia Định đã kém, ở các nơi lại có nhiều đảng theo về chúa Nguyễn, rồi nổi lên đánh phá, làm cho quân Tây Sơn càng ngày càng khó giữ. Vả trong mấy anh em Tây Sơn chỉ có Nguyễn Huệ là anh hùng kiệt hiệt hơn cả, mà đã ra chuyên giữ mặt bắc, thì công việc mặt nam phó mặc Nguyễn Lữ là người tầm thương, cho nên thế Tây Sơn ở mặt ấy thành ra suy nhược.
Lúc bấy giờ Nguyễn Vương ở Tiêm La vẫn có người đi về tin tức, biết có cơ hội lấy được đất Gia Định, mà cũng biết rằng người Tiêm La vẫn không giúp được cho mình lại còn có bụng ghen ghét: như năm đinh mùi (1787) có người Bồ Đào Nha đưa quốc thư cho Nguyễn Vương xin đem binh và thuyền ở thành Goa 134
lại giúp. Vua Tiêm La biết việc ấy làm không bằng lòng, Nguyễn Vương phải từ chối và tạ ơn người Bồ Đào Nha.
Đến khi được tin rằng đất Gia Định có thể lấy được, Vương bèn để thư lại từ tạ vua Tiêm La, rồi nửa đêm đem vương mẫu và cung quyến xuống thuyền về nước. Bấy giờ là tháng bảy năm đinh mùi (1787).
Nguyễn Vương đi qua đảo Cổ cốt có người nhà Thanh tên là Hà Hỉ Văn thuộc về Thiên Địa Hội đem mấy người đến xin theo giúp. Vương về [ 134 ]
Đất thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ đến Hà Tiên cho người đưa vương mẫu và cung quyến ra ở Phú Quốc, rồi cùng mọi người về đóng ở Long Xuyên.
Lúc bấy giờ Nguyễn Vương đi đến đâu, những người hào kiệt ra theo rất nhiều lại có tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Trương đem 300 quân, 15 chiếc thuyền ra hàng. Qua tháng 6, vương vào cửa Cần Giờ, quân thế to lắm, Đông Định Vương Nguyễn Lữ khiếp sợ để quan thái phó Phạm Văn Tham ở lại giữ thành Sài Gòn rồi lui về đóng ở Lạng Phụ, thuộc Biên Hòa.
Nguyễn Vương sai người trá làm một cái thư của Nguyễn Nhạc gửI cho Nguyễn Lữ, trong thư bảo phải giết Phạm Văn Tham đi, rồi vương sai người giả tảng đưa lầm cho Phạm Văn Tham, Phạm Văn Tham bắt được cái thơ ấy sợ hãi, lập tức về Lạng Phụ để phân giải tình oan với Nguyễn Lữ, nhưng Nguyễn Lữ thấy tự nhiên Phạm Văn Tham kéo quân đến, lại có cờ trắng đi trước, tưởng là Văn Tham đã hàng nhà Nguyễn rồi, vội vàng bỏ thành chạy về Quy Nhơn, được ít lâu thì mất.
Phạm Văn Tham trở về giữ thành Gia Định đánh phá được quân nhà Nguyễn. Nguyễn Vương phải rút quân về miền Mỹ Tho, chỉ còn được 300 quân và vài mươi chiếc thuyền, thế lực đã núng lắm. Nhưng nhờ có mộ thêm được mấy nghìn quân Cao Miên và lại có mấy toán quân Tây Sơn về hàng, cho nên quân thế mới hơi vững.
Bấy giờ lại nhờ có Võ Tính là tướng giỏi ra giúp, cho nên Nguyễn Vương lại tiến lên đánh Nước Xoáy, Phạm Văn Tham lùi về đóng ở Ba Thắc.
Võ Tính là người ở Biên Hòa, có người anh tên là Võ Nhân làm thuộc tướng Đỗ Thanh Nhân. Sau Đỗ Thanh Nhân bị giết, Võ Nhân tụ quân Đông Sơn làm phản, đánh lại chúa Nguyễn, nhưng chẳng bao lâu cũng bị bắt, phải giết. Võ Tính mới đem dư đảng Đông Sơn của anh về giữ Vườn Trầu (thuộc Gia Định), rồi sau lại về đóng ở Gò Công, xưng là Tổng Nhung, thủ hạ có mấy vạn người, quân Tây Sơn đã bị đánh phá nhiều lần, thường nói rằng: "Trong bọn tam hùng đất Gia Định, Võ Tính là anh hùng bậc nhất, không nên phạm đến". Khi Nguyễn Vương ở Tiêm La về có sai Nguyễn Đức Xuyên đến dụ Võ Tính về giúp. Đến khi Nguyễn Vương về đóng ở Nước Xoáy, Võ Tính đem bộ hạ đi đuổi đánh Phạm Văn Tham, rồi đến tháng tư năm mậu thân (1788) mới đem Võ Văn Lượng, Nguyễn Văn Hiếu, Mạc Văn Tô, Trần Văn Tín đến hành tại bái kiến Nguyễn Vương. Nguyễn Vương mừng rỡ, phong cho làm Tiền Phong Dinh Chưởng Cơ và lại gả cho bà Ngọc Du Công Chúa là em gái. Bọn Võ Văn Lượng đều được phong làm cai cơ.
Qua tháng 7 năm ấy (1788) Nguyễn Vương đem quân về đóng ở Ba Giồng, rồi sai Tôn Thất Hội và Võ Tính đem binh vào đánh quan đốc chiến Tây Sơn là Lê Văn Minh ở đồn Ngũ Kiều, đốt phá cả đồn trại, bắt được tướng sĩ rất nhiều. Lại có tướng là Nguyễn Văn Nghĩa phá được quân Tây Sơn ở Lộc Dã (tức là Đồng Nai). Tháng tám thì Nguyễn Vương vào thành Gia Định, chiêu yên trăm họ, sửa sang phép tắc và phong thưởng cho các tướng sĩ.
Bấy giờ quan thái bảo Tây Sơn là Phạm Văn Tham vẫn đóng ở Ba Thắc; vương sai giữ các cửa bể không cho quân Tây Sơn chạy thoát, rồi sai Nguyễn Văn Nhàn sang Tiêm La báo tiệp; sai Nguyễn Văn Nhân và Trương Phúc Giáo ra Phú Quốc đón vương mẫu và cung quyến về Gia Định.
Sang năm kỷ dậu (1789) Phạm Văn Tham ở Ba Thắc đem binh xuống thuyền định ra bể về Quy Nhơn, nhưng Nguyễn Vương đã sai Lê Văn Câu (còn gọi Duân), Tôn Thất Hội, Võ Tính, Nguyễn Văn Trương hợp binh lại đánh ở Hỗ Châu, quân Phạm Văn Tham không phá được vây, lại phải lui về Ba Thắc. Văn Tham chờ không thấy viện binh, liệu thế giữ không nổi, bèn đem binh ra hàng, được ít lâu bị tội phải giết.
Từ đó toàn đất Gia Định thuộc về chúa Nguyễn cả.
3. Nguyễn Vương Sửa Sang Mọi Việc ở Gia Định.
Nguyễn Vương thu phục được đất Gia Định rồi, lập ra luật pháp, khôNg cho dân gian đánh cờ bạc, lại nghiêm cấm phù thủy và đồng bóng để giữ phong tục cho khỏi sự mê hoặc.
Trước hết vương lo chỉnh đốn những việc thuế khóa, việc canh nông, để lấy lương tiền nuôi tướng sĩ và tu bổ việc vũ bị. Lại đặt ra các sở công đồng để các quan văn võ hội nghị mọi việc quốc quân, và lo sự tiến binh đánh Tây Sơn.
4. Việc Khai Khẩn Điền Thổ.
Đất Gia Định lúc bấy giờ chi ra làm 4 doanh là: Phiên Trấn, Trấn Biên, Trấn Vĩnh, và Trấn Định, nhưng vì phải loạn lạc mãi, dân sự đói khổ, ruộng đất bỏ hoang, lương thực không đủ. Nguyễn Vương bèn sai văn thần là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tùng Chu, Hoàng Minh Khánh cả thảy là 12 người làm điền tuấn quan để khuyên nhủ quân dân cố sức làm ruộng. Từ lính phủ binh cho đến người cùng cố đều bắt phải làm ruộng cả. Hễ ai không chịu thì bắt phải làm lính để thay cho phủ binh. [ 132 ]
Đến mùa lúa chín, thì cứ mỗi người cày ruộng đồng bằng phải nộp 100 cơ 135 , mà ai cày ruộng núi thì phải nộp 60 cơ trở lên. Ai nộp đủ lệ ấy, như phủ binh thì được miễn cho một năm không phải đi đánh giặc, mà dân đinh thì được miễn cho một năm giao dịch. Ai không nộp đủ thì không được dự vào lệ miễn ấy.
Lại mộ những dân ở các nơi đến làm ruộng, gọi là điền tốt. Quan điền tuấn lấy ruộng đất bỏ hoang cấp cho để cày cấy. Ai không có đủ trâu bò mà cày bừa, thì quan cũng cấp cho, rồi đến mùa phải trả bằng thóc.
Nguyễn Vương lại phát trâu bò và điền khí cho quân dân, bắt đi khai khẩn những nơi rừng núi để làm ruộng gọi là đồn điền, rồi đến mùa lấy thóc để vào kho, gọi là đồn điền khố.
Các quan văn võ đều phải mộ người lập thành đội, gọi là đồn điền đội, mỗi năm mỗi người phải nộp 6 hộc thóc. Còn dân mà ai mộ được 10 người trở lên, thì cho làm cai trại và được trừ sưu tịch.
Cách Nguyễn Vương khai khẩn đất Gia Định thật là khôn khéo, khiến cho đất Nam Việt trước là một chỗ đất bỏ hoang, không có người ở, mà sau thành ra một nơi rất đông người và rất trù phú trong nước Nam ta. Ấy cũng là một cái công lớn của ông Nguyễn Phúc Ánh vậy.
5. Việc Buôn Bán.
Nguyễn Vương lập lệ: phàm những thuyền của khác mà có chỡ những đồ gang, sắt, kẽm và lưu hoàng, thì quan mua để làm binh khí, và cho cứ theo số hàng nhiều ít, được chở thóc gạo về nước. Bởi vậy những khách buôn bán cũng vui lòng đem đồ hàng đến bán. Vương lại sai quan ở doanh Trấn Biên cứ theo giá chợ mà mua lấy đường cát để đổi cho những người Tây Dương mà lấy đồ binh khí.
6. Ông Bá Đa Lộc và Hoàng Tử Cảnh ở Pháp về.
Từ mùa đông năm giáp thìn (1784), ông Bá Đa Lộc đem Hoàng Tử Cảnh cùng với Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Khiêm xuống tàu sang Tây; đi qua Ấn Độ Dương và thành Phong ti thê ri (Pondichéry) đất Ấn Độ, ở lại gần 20 tháng, rồi đến mùa xuân năm đinh mùi (1787), thì chiếc tàu chở ông Bá Đa Lộc mới vào cửa Lorient ở phía tây nước Pháp Lan Tây.
Ông Bá Đa Lộc đưa Hoàng Tử Cảnh vào yết kiến Pháp Hoàng Louis XVI. Pháp Hoàng lấy vương lễ tiếp đãi Hoàng Tử, và giao cho thượng thư [ 135 ]
Mỗi một cơ là 42 bát. ngoại giao bộ là De Montmorin Bá Tước, thương nghị với ông Bá Đa Lộc việc sang giúp Nguyễn Vương.
Đến ngày 28 tháng 11 năm 1787 thì ông Bá Đa Lộc và De Montmorin bá tước ký tờ giao ước, đại lược nói rằng:
1. Vua nước Pháp thuận giúp cho Nguyễn Vương 4 chiếc tàu chiến và một đạo binh: 1.200 lục quân, 200 pháo binh, 250 hắc binh ở Phi Châu (Cafres) và đủ các thứ súng ống thuốc đạn. 2. Vì vua nước Pháp có lòng giúp như thế, Nguyễn Vương phải nhường đứt cho nước Pháp cửa Hội An (Faifo) và đảo Côn Lôn (Poulo-Condore). 3. Nguyễn Vương phải để cho người nước Pháp ra vào buôn bán tự do ở trong nước, ngoại giả không cho người nước nào ở Âu Châu sang buôn bán ở nước Nam nữa. 4. Khi nào nước Pháp có cần đến lính thủy, lính bộ, lương thực, tàu bè ở phương đông, thì Nguyễn Vương phải ứng biện cho đủ giúp nước Pháp. 5. Khi Nguyễn Vương đã khôi phục được nước rồi, thì phải cứ mỗi năm làm một chiếc tàu, y như tàu của nước Phám đã cho sang giúp, để đem sang trả cho Pháp Hoàng 136 .
Tờ giao ước ký xong rồi, Pháp Hoàng xuống chiếu giao cho quan tổng trấn thành Pondichéry ở đất Ấn Độ, tên là De Conway bá tước, kinh lý việc sang giúp Nguyễn Vương.
Ngày mồng 8 tháng chạp tây, năm 1787, ông Bá Đa Lộc vào bái tạ Pháp Hoàng Louis XVI, rồi đem Hoàng Tử Cảnh xuống tàu về nước Nam. Nhưng đến khi sang tới thành Pondichéry, vì De Conway bá tước có chuyện bất hòa với ông Bá Đa Lộc, cho nên bá tước mới tìm cách ngăn trở việc giúp Nguyễn Vương, rồi làm sớ về tâu Pháp Hoàng xin bãi việc ấy đi, lấy cớ rằng sự đem binh sang cứu viện Nguyễn Vương là việc rất khó mà không có lợi gì.
Pháp Đình thấy sớ của De Conway bá tước nói như vậy cũng lấy làm nản; vả lại lúc bấy giờ chính phủ còn đang bối rối về việc trong nước dân cách mệnh đã rục rịch cả mọi nơi, cho nên bỏ việc ấy không nói đến nữa.
Ấy cũng vì có De Conway bá tước, cho nên việc sang cứu viện Nguyễn Vương không thành, bởi vậy sau ông Faure chép truyện ông Bá Đa [ 136 ]
Tờ giao ước này hiện còn ở Ngoại Giao Bộ ở Paris , và đã biên rõ ở sách ông Gosselin. 163 Lộc, có tiếc rằng: "Ví bằng lúc bấy giờ chính phủ nước Phám mà sẵn lòng giúp ông Bá Đa Lộc, thì có lẽ ông ấy đã lập nên cho nước Pháp thành cuộc bảo hộ ở An Nam ngay từ cuối đời thập bát thế kỷ, khiến cho về sau khỏi phải dùng đến sự chiến tranh mới xong công việc".
Ông Bá Đa Lộc thấy De Conway bá tước không chịu xuất binh thuyền, bèn đứng lên đi mộ người, mua tàu và súng ống khí giới để đem sang giúp Nguyễn Vương.
Đến tháng 6 năm kỷ dậu (1789), ông Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh đi chiếc tàu chiến Méduse về đến Gia Định. Các tàu buôn chở súng ống thuốc đạn cũng lục tục sang sau.
Bấy giờ những người Pháp tên là Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng), túc là chúa tàu Long, Vannnier, (Nguyễn Văn Chấn), tức là chúa tàu Phụng, De Forcant (Lê Văn Lăng), Victor Ollivier (ông Tín), Dayot v.v... cả thảy đến non 20 người theo ông Bá Đa Lộc sang giúp Nguyễn Vương; vương phong quan tước cho cả mọi người để luyện tập quân sĩ, làm tàu, đúc súng, và chỉnh đốn mọi việc vũ bị.
Từ đó, thế lực của Nguyễn Vương mỗi ngày một mạnh, tướng tá mỗi ngày một đông, lương thực nhiều, quân sĩ giỏi, việc đánh phá Tây Sơn đã chắc lắm rồi.
Tháng tư năm tân hợi (1791), bà thứ phi sinh ra hoàng tử thứ tư lên là Đảm, tức là vua Thánh Tổ ở làng Tân Lộc, gần Sài Gòn bây giờ. Đến tháng ba năm quý sửu (1793), thì vương lập hoàng tử Cảnh làm Đông Cung, phong chức nguyên súy, lĩnh tả quân doanh.
7. Nguyễn Vương Đánh Quy Nhơn Lần Thứ Nhất.
Nguyễn Vượng đã khôi phục được đất Gia Định rồi, nghỉ ngơi hơn một năm để chỉnh đốn mọi việc. Đến tháng tư năm canh tuấn (1790) mới sai quan chưởng tiền quân là Lê Văn Câu đem 5.000 quân thủy và quân bộ ra đánh lấy Bình Thuận, sai Võ Tính và Nguyễn Văn Thành đem quân đi làm tiên phong. Chẳng bao lâu nhà Nguyễn lấy được đất Phan Rí và hạ được thành Bình Thuận. Nhưng vì Lê Văn Câu và Võ Tính hai người không chịu nhau, Nguyễn Vương bèn lưu Lê Văn Câu ở lại giữ Phan Rí, triệu Võ Tính và Nguyễn Văn Thành về Gia Định. Lê Văn Câu đem quân ra đóng ở Phan Rang bị quân Tây Sơn đến vây đánh, phải cho người đi gọi Võ Tính và Nguyễn Văn Thành trở lại cứu, nhưng Võ Tính không chịu trở lại, chỉ có Nguyễn Văn Thành đưa binh đến đánh giải vây rồi cùng Lê Văn Câu về giữ Phan Rí.
Lê Văn Câu lấy điều bại binh ấy làm thẹn, xưng bệnh không ra coi việc binh nữa. Đến khi về Gia Định nghị tội phải cách hết chức tước, Lê Văn Câu uống thuốc độc tự tử 137 .
Quân nhà Nguyễn ra đánh Tây Sơn lần ấy không lợi; vả bấy giờ là mùa tháng 7, gió bắc thổi mạnh, cho nên Nguyễn Vương truyền rút quân về Gia Định để đợi mùa gió thuận thì mới đem quân đi đánh nhau, cho nên người đời bấy giờ gọi là giặc mùa.
Năm nhâm tí (1792) tháng ba, nhân khi mùa gió nam thổi mạnh, Nguyễn Vương sai tướng là Nguyễn Văn Trương cùng với Nguyễn Văn Thành, Dayot và Vannier (Nguyễn Văn Chấn) đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ ra đốt phá thủy trại của Tây Sơn ở cửa Thị Nại (cửa Quy Nhơn) rồi lại về.
Tháng ba năm quý sửu (1793) Nguyễn Vương để Đông Cung ở lại giữ đất Gia Định, sai Tôn Thất Hội cùng Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Thành đem bộ binh ra đánh Phan Rí. Nguyễn Vương cùng với Nguyễn Văn Trương và Võ Tính đem thủy sư đi đánh mặt bể. Đến tháng năm thì chiến thuyền của Nguyễn Vương vào cửa bể Nha Trang rồi lên đánh lấy phủ Diên Khánh và phủ Bình Khang, sau lại ra đánh lấy phủ Phú Yên.
Mặt thủy, Nguyễn Vương được toàn thắng, còn mặt bộ, thì Tôn Thất Hội chỉ lấy được phủ Bình Thuận mà thôi. Vương bèn sai người đưa thư giục Tôn Thất Hội phải kíp tiến binh lên hội với thủy sư, để hai mặt cùng ra đánh Quy Nhơn.
Khi quân của Nguyễn Vương vào cửa Thị Nại, vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc sai thái tử là Nguyễn Bải, đem binh ra chống giữ. Nguyễn Vương bèn mật sai Võ Tính đem binh lẻn đi hội với toán quân Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Thành để đánh tập hậu. Quân của Nguyễn Bảo bị hai mặt đánh lại, chống không nổi, phải bỏ chạy về Quy Nhơn. Từ đó quân thủy và quân bộ của Nguyễn Vương tương thông được với nhau. Vương bèn sai Tôn Thất Hội, Võ Tính, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành đem binh tiến lên đánh thành Quy Nhơn.
Nguyễn Nhạc phải sai người ra cầu cứu ở Phú Xuân.
Bấy giờ vua Quang Trung đã mất rồi, vua Cảnh Thịnh, tức là Nguyễn Quang Toản, sai quan thái úy là Phạm Công Hưng, quan hộ giá là Nguyễn [ 137 ]
Lê Văn Câu là một người công thần đã theo phò Nguyễn chủ trong lúc gian nan, nay cũng bất đắc kỳ tử. 164 Văn Huấn, quan đại tư lệ là Lê Trung và quan đại tự mã là Ngô Văn Sở đem 17.000 bộ binh và 80 con voi đi đường bộ, và sai quan đại thống lĩnh là Đặng Văn Chân đem hơn 30 chiếc thuyền đi đường bể, cả hai đạo cùng tiến vào cứu Quy Nhơn.
Nguyễn Vương thấy viện binh đã đến, liệu thế chống không nổi, rút quân về Diên Khánh (tức là Khánh Hòa bây giờ) rồi về Gia Định. Để Nguyễn Văn Thành ở lại giữ Diên Khánh, Nguyễn Huỳnh Đức ở lại giữ Bình Thuận.
Đến tháng 11, Nguyễn Vương lại sai Đông Cung Cảnh và ông Bá Đa Lộc, Phạm Văn Nhân, Tống Phúc Khê ra giữ thành Diên Khánh.
8. Thế Lực Tây Sơn.
Bọn Phạm Công Hưng giải được vây rồi, kéo quân vào thành Quy Nhơn, chiếm giữ lấy thành trì và tịch biên cả các kho tàng.
Nguyễn Nhạc thấy vậy, tức giận đến nỗI thổ huyết ra mà chết. Ông làm vua được 16 năm.
Vua Cảnh Thịnh ở Phú Xuân thấy Nguyễn Nhạc mất rồi, phong cho Nguyễn Bảo làm Hiến Công, cho ăn lộc một huyện, gọi là tiểu triều rồi để Lê Trung và Nguyễn Văn Huấn ở lại giữ thành Quy Nhơn.
Từ đó các tướng Tây Sơn mới hoạt động hơn trước. Tháng ba năm giáp dần (1794) Nguyễn Văn Hưng đem bộ binh vào đánh Phú Yên, và Trần Quang Diệu vào vây thành Diên Khánh.
Đông Cung Cảnh cho người về Gia Định cầu viện, NguyễN Vương bèn đem đại binh đến đánh giải vây. Trần Quang Diệu rút quân về.
Nguyễn Vương thấy thế Tây Sơn còn mạnh và lại đến mùa gió bắc, cho nên vương đem Đông Cung về Gia Định; để Võ Tính ở lại giữ thành Diên Khánh.
Tháng giêng năm ất mão (1795) Trần Quang Diệu lại đem quân vào đánh Diên Khánh, Võ Tính hết sức chống giữ, Quang Diệu đánh mãi không được. Đến tháng hai, Nguyễn Vương để Đông Cung ở lại giữ Gia Định, đem thủy sư ra cứu Diên Khánh.
Trong khi hai bên còn đang chống giữ nhau ở đất Diên Khánh, thì ở Phú Xuân các quan đại thần nhà Tây Sơn giết hại lẫn nhau, gây thành mối loạn.
Nguyên từ khi vua Quang Trung mất rồi, vua Cảnh Thịnh lên ngôi, nhưng quyền về cả Thái sư Bùi Đắc Tuyên, các quan có nhiều người oán giận. Năm ất mão (1795) Bùi Đắc Tuyên sai Ngô Văn Sở ra Bắc hà thay cho Vũ Văn Dũng. Văn Dũng về Phú Xuân, đi đến trạm Hoàng Giang 138
gặp quan trung thư lệnh là Trần Văn Kỷ phải tội đày ra ở đấy. Văn Kỷ nhân đang căm tức Bùi Đắc Tuyên, bèn xui Vũ Văn Dũng rằng: "Thái sư ngôi trùm cả nhân thần, cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết; nếu mà không sớm trừ đi, thì rồi có chuyện bất lợi cho nhà nước. Ông nên liệu sớm đi".
Vũ Văn Dũng xưa nay vẫn tin trọng Văn Kỷ, nay thấy nói như vậy, bèn nghe lời ấy, về mưu với Phạm Công Hưng và Nguyễn Văn Huấn, lừa đến đêm đem quân vây nhà Bùi Đắc Tuyên bắt bỏ ngục, rồi sai Nguyễn Văn Huấn vào Quy Nhơn bắt con Đắc Tuyên là Bùi Đắc Trụ, và cho người đưa thư ra Bắc Hà truyền cho quan tiết chết là Nguyễn Quang Thùy (em Nguyễn Quang Toản) bắt giải Ngô Văn Sở về Phú Xuân.
Bọn Vũ Văn Dũng bèn đặt chuyện ra vu cho nhữNg người ấy làm phản, đem dìm xuống sông giết đi. Vua Cảnh Thịnh không sao ngăn giữ được, chỉ gạt nước mắt khóc thầm mà thôi.
Lúc bấy giờ Trần Quang Diệu đang vây thành Diên Khánh, nghe tin ấy, thất kinh, nói với các tướng rằng: "Chúa thượng không phải là người cứng cỏi, để cho đại thần giết lẫn nhau. Nếu trong mà không yên, thì ngoài đánh người ta thế nào được?"
Quang Diệu bèn giải vây rút quân về. Khi về đến Quy Nhơn, Nguyễn Văn Huấn đến tạ tội trước. Trần Quang Diệu không hỏi đến, rồi dẫn quân về đến làng An cựu đóng bên bờ sông mé nam.
Vũ Văn Dũng cùng với nội hậu Tứ cũng đem quân bản bộ ra đóng ở mé bắc bờ sông, ỷ mệnh vua ra cự nhau với Trần Quang Diệu.
Vua Cảnh Thịnh sợ hãi sai quan ra khuyên giải cả hai bên, Trần Quang Diệu mới đem các tướng vào chầu, rồi với bọn Vũ Văn Dũng giảng hòa.
Từ đó Trần Quang Diệu làm thiếu phó, Nguyễn Văn Huấn làm thiếu bảo, Vũ Văn Dũng làm đại tư đồ, Nguyễn Văn Danh (hay là Nguyễn Văn Tứ) làm đại tư mã, gọi là tứ trụ đại thần. Nhưng chẳng được bao lâu có người [ 138 ]
Có nơi chép là trạm Hán Xuyên 165 gièm pha, Trần Quang Diệu bị thu hết cả binh quyền, chỉ được giữ chức tại trièu mà thôi. Thế lực Tây Sơn từ đấy về sau mỗi ngày một kém: trên vua thì còn nhỏ dại, không có đủ uy quyền để sai khiến các quan, dưới tướng tá thì vì lòng ghen ghét rồi cứ tìm cách mà giết hại lẫn nhau. Bởi vậy cho nên đến khi quân Nguyễn Vương ở Nam ra đánh, chẳng phải mất bao nhiêu công phu mà lập nên công lớn vậy.
9. Nguyễn Vương Đánh Quy Nhơn Lần Thứ Hai.
Từ khi quân của Trần Quang Diệu giải vây Diên Khánh về Phú Xuân rồi, Nguyễn Vương cũng rút quân về Gia Định sửa soạn việc quân lương, và sai người đi do thám mọi nơi để chiêu mộ người về đánh Tây Sơn.
Đến năm đinh tị (1797) Nguyễn Vương để Tôn Thất Hội ở lại giữ Gia Định, rồi cùng Đông Cung Cảnh đem binh thuyền ra đánh Quy Nhơn. Lại sai Nguyễn Văn Thành và Võ Tính ra đánh Phú Yên.
Quân thủy của Nguyễn Vương ra đến Quy Nhơn, thấy Tây Sơn đã phòng bị, liệu đánh không đổ được, Nguyễn Vương bèn ra đánh Quảng Nam. Được vài tháng quân nhu không đủ, lại phải đem quân về Gia Định, sai Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường ở lại giữ thành Diên Khánh.
10. Nguyễn Vương Đánh Quy Nhơn Lần Thứ Ba.
Nguyễn Vương về Gia Định rồi, một mặt sai Nguyễn Văn Thụy sang Tiêm La xin với quốc vương nước ấy đem quân đi đường Vạn Tượng, hoặc sang đánh Thuận Hóa, hoặc sang đánh Nghệ An, để chận đường quân ở Bắc hà vào. Một mặt sai quan binh bộ tham tri là Ngô Nhân Tĩnh sang sứ nhà Thanh, để do thám mọi việc.
Năm mậu ngọ (1798) Tiểu triều là Nguyễn Bảo căm tức vua Cảnh Thịnh là Nguyễn Quang Toản chiếm giữ mất đất Quy Nhơn, bèn định bỏ về hàng Nguyễn Triều. Vua Cảnh Thịnh biết mưu ấy, sai tướng vào bắt Nguyễn Bảo đưa về dìm xuống sông giết đi.
Lại có người nói gièm rằng việc Tiểu Triều làm phản là tại quan trấn thủ Lê Trung. Vua Cảnh Thịnh triệu Lê Trung về Phú Xuân, sai võ sĩ bắt chém đi. Được ít lâu quan thiếu phó Nguyễn Văn Huấn cũng bị giết. Từ đó quân Tây Sơn ai cũng nản lòng, có nhiều người bỏ theo về Nguyễn Vương.
Bấy giờ có người con rễ Lê Trung là Lê Chất vốn là người đánh trận giỏi có tiếng, quan làm đến chức đại đô đốc; đến khi thấy vua Tây Sơn hay nghi kỵ mà giết hại các công thần như vậy, bèn bỏ trốn sang hàng nhà Nguyễn. Nguyễn Vương trọng dụng cho làm chức Tướng Quân.
Nguyễn Vương thấy thế Tây Sơn đã suy nhược, đến tháng ba năm kỷ mùi (1799) bèn củ đại binh ra đánh Quy Nhơn. Đến tháng tư thủy quân của Nguyễn Vương vào cửa Thị Nại, rồi Nguyễn Vương sai quan hậu quân Võ Tính, hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức đem quân lên bộ đóng ở Trúc Khê. Ngay lúc bấy giờ quan Khâm sai tiền quân chưởng cơ Nguyễn Văn Thành đem bộ binh ra đánh lấy Phú Yên, rồi tiến quân lên tiếp ứng cho toán quân Võ Tính.
Đến tháng năm, thì quân của Nguyễn Vương đến vây thành Quy Nhơn. Ở Phú Xuân sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đm binh vào cứu. Nhưng mà vào đến Quảng Nghĩa gặp quân của Nguyễn Văn Thành giữ ở Thạch Tân, cho nên không cứu được Quy Nhơn.
Sử chép rằng khi đạo quân của Vũ Văn Dũng vào đến Chung Xá, đóng lại ở đấy, đến đêm có con nai ở trong rừng chạy ra, có người trông thấy kêu to lên rằng: Con nai! Quân Tây Sơn nghe lầm là quân Đồng Nai! Mọi người luống cuống bỏ chạy. Các quân đội Tây Sơn tưởng là quân nhà Nguyễn đã vây đánh, đều vỡ tan cả. Quân nhà Nguyễn thừa thế đánh đuổi, thành ra quân Tây Sơn thua to.
Quan trấn thủ Quy Nhơn là Lê Văn Thanh không thấy viện binh đến, mà lương thực ở trong thành thì hết cả, bèn cùng các tướng mở cửa ra hàng. Nguyễn Vương đem quân vào thành rồi đổi tên Quy Nhơn gọi là Bình Định.
Vua Tây Sơn được tin Quy Nhơn thất thủ, liền cử đại binh vào đóng ở Trà Khúc (thuộc Quảng Nghĩa) để đốc các tướng tiến binh đánh quân nhà Nguyễn. Nhưng vì phải độ trái mùa gió, thủy chiến không tiện, cho nên các quan đều can xin rút quân về. Vua Cảnh Thịnh bèn sai Nguyễn Văn Giáp ở lại giữ Trà Khúc, sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng giữ Quảng Nam .
Nguyễn Vương cũng đem quân về Gia Định, để Võ Tính và Ngô Tòng Chu ở lại giữ thành Bình Định. Năm ấy (1899) ông Bá Đa Lộc đi tòng chinh, mất ở cửa Thị Nại. Nguyễn Vương đem về hậu táng ở Gia Định, tặng phong làm Thái Tử Thái Phó Bi Nhu Quận Công.
11. Quân Tây Sơn Vây Thành Bình Định.
Khi quân nhà Nguyễn ra vây đánh thành Quy Nhơn, vua Tây Sơn sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem binh vào cứu, nhưng vì quân cuả Văn Dũng không đánh 166 mà tan, đến nỗi bại binh. Việc ấy là tội Văn Dũng, nhưng nhờ có Quang Diệu giấu đi, cho nên không ai biết. Văn Dũng cảm ơn ấy, cho nên mới kết nghĩa sinh tử với Quang Diệu.
Bấy giờ ở Phú Xuân có nhiều người ghét Quang Diệu, nhân dịp ấy mà đổ tội cho Quang Diệu, bèn tâu vua xin sai người đưa mật thư ra cho Vũ Văn Dũng để giết Quang Diệu. Vũ Văn Dũng tiếp được thư ấy đưa cho Trần Quang Diệu xem. Trần Quang Diệu sợ hãi, lập tức đem quân về Phú Xuân, đóng ở mé nam sông Hương Giang, nói rằng về bắt những người loạn thần. Vua Tây Sơn sai người ra giảng hòa. Không ai dám đi, sau phải bắt mấy người nộp cho Quang Diệu. Quang Diệu mới vào chầu. Vua Cảnh Thịnh cũng tìm lời giảng dụ, khuyên phải hết sức giúp đỡ nhà nước.
Quang Diệu khóc lạy rồi xin cùng Văn Dũng đem thủy bộ quân vào lấy lại thành Quy Nhơn.
Đến tháng giêng năm canh thân (1800), quân của Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng tiến đến gần thành Quy Nhơn. Võ Tính giữ vững, không ra đánh. Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh thành và chia quân ra vây bốn mặt. Văn Dũng thì đem hai chiếc tàu lớn và hơn 100 chiến thuyền ra đóng giữ cửa Thị Nại, xây đồn và đặt súng đại bác ở hai bên cửa bể, để phòng ngự thủy quân nhà Nguyễn.
Nguyễn Vương được tin quân Tây Sơn ra vây thành Bình Định, liền cử đại binh ra cứu viện, sai Nguyễn Văn Thành đem Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc, Trương Tiến Bảo, chia ra làm ba đạo ra đánh lấy đồn Hội An ở Phú Yên, rồi kéo ra đánh ở Thị Dã (thuộc Bình Định). Nguyễn Vương đem thủy binh ra đến Quy Nhơn đóng thuyền ở ngoài cửa Thị Nại. Bấy giờ quân bộ của Nguyễn Văn Thành và quân thủy của Nguyễn Vương không thông được với nhau, cho nên sự cứu viện không có công hiệu gì cả.
Đến tháng giêng năm tân dậu (1801), Nguyễn Vương sai Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương đem quân tiền đạo đến đánh đồn thủy của Tây Sơn, và sai Lê Văn Duyệt, Vũ Di Nguy đem thủy quân vào đánh cửa Thị Nại. Vũ Di Nguy trúng đạn chết, còn Lê Văn Duyệt ra sức xông đột, đốt được cả tàu và thuyền của Tây Sơn.
Tướng Tây Sơn là Vũ Văn Dũng phải bỏ cửa Thị Nại đem binh về hợp với Trần Quang Diệu để phòng giữ mọi nơi.
Nguyễn Vương lấy được cửa Thị Nại rồi, cho người đưa tin về Gia Định báo cho tướng sĩ các nơi đều biết.
Năm ấy Đông Cung Cảnh lên đậu, mất ở Gia Định, thọ được 22 tuổi. Được một tháng hoàng tử thứ hai tên là Hi cũng mất ở Diên Khánh, đem về táng ở Gia Định.
12. Nguyễn Vương Thu Phục Phú Xuân.
Nguyễn Vương đánh được trận thủy ở Thị Nại rồi, bèn sai Nguyễn Văn Trương đem thủy quân ra đánh Quảng Nam, Quảng Nghĩa, và lại thấy quân Tây Sơn vây thành Quy Nhơn một cách cẩn mật lắm, đánh phá không được. Vương cho người lẻn vào thành bảo Võ Tính và Ngô Tòng Chu bỏ thành mà ra. Nhưng Võ Tính phúc thư lại rằng: quân tinh binh của Tây Sơn ở cả Quy Nhơn, vậy xin đừng lo việc giải vây vội, hãy nên kíp ra đánh lấy Phú Xuân thì hơn.
Nguyễn Vương bèn để Nguyễn Văn Thành ở lại chống giữ với Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng, rồi đem đại quân ra đánh Phú Xuân.
Bấy giờ nhà Tây Sơn cũng bối rối lắm: ở Nghệ An thì có tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Thụy và Lưu Phúc Tường đem quân Vạn Tượng sang đánh phá; ở Thanh Hóa thì có phiên thần là Hà Công Thái khởi binh giúp nhà Nguyễn; ở Hưng Hóa thì có thổ ti là Phan Bá Phụng nổi lên quấy nhiễu. Còn các trấn ở Bắc Hà thì rối vì những việc tông giáo; các đạo trưởng và đạo đồ đạo Thiên Chúa cũng nổi lên, có ý giúp nhà Nguyễn; dân tình thì bị quan quân nhũng lạm hà hiếp, ai ai cũng có lòng oán giận. Ở Phú Xuân, vua thì hèn, các quan đại thần thì cứ ghen ghét nhau rồi tìm kế giết hại lẫn nhau, việc chính trị không sửa sang gì cả. Bởi vậy nhân dân đều mong mỏi chúa Nguyễn, cho nên có câu hát rằng: "Lạy trời cho chóng gió nồm, để cho chúa Nguyễn giong buồm thẳng ra".
Nguyễn Vương thấy lòng người đã không theo Tây Sơn nữa, bèn đem binh ra đánh Phú Xuân, đến tháng năm (1801), thủy sư vào cửa Tư Dung. Tướng Tây Sơn là phò mã Nguyễn Văn Trị đem quân ra lập đồn giữ ở núi Quy Sơn. Tiền quân nhà Nguyễn đánh không được. Nguyễn Vương sai Lê Văn Duyệt và Lê Chất đem thủy binh ra đánh tập hậu. Nguyễn Văn Trị bỏ đồn mà chạy. Quân Nguyễn Vương vào cửa Nguyễn Hải (cửa Thuận An) rồi kéo lên đánh thành Phú Xuân. Vua Tây Sơn phải ngự giá đem quân ra chống giữ, hai bên đánh nhau đến giữa trưa, thì quân Tây Sơn vỡ tan. Quân Nguyễn Vương tiến lên đuổi đánh, thu phục được đô thành. Bấy giờ là ngày mồng 3 tháng 5 năm tân dậu (1801).
Nguyễn Vương vào thành Phú Xuân treo biển yên dân, rồi sai Lê Chất đem bộ binh đuổi đánh quân Tây Sơn, sai Nguyễn Văn Trương đem thủy binh ra chặn ở Linh Giang, để đánh quân Tây Sơn chạy ra Bắc. Lại sai Phạm Văn Nhân ra giữ cửa Nguyễn Hải, sai Lưu Phúc Tường đem quân đi 167 đường Cam Lộ sang Vạn Tượng truyền bảo các Mường giữ đường yếu lộ không cho quân Tây Sơn chạy tràn sang.
13. Võ Tính Tử Tiết.
Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đang vây đánh thành Quy Nhơn, được tin Phú Xuân thất thủ, liền sai tướng đem quân ra cứu, nhưng ra đến Quảng Nam, gặp quân của Lê Văn Duyệt kéo vào đánh chặn đường, quân Tây Sơn phải lùi trở lại. Từ đó Trần Quang Diệu ngày đêm hết sức đốc quân đánh thành. Quân Nguyễn Vương ở trong thành hết cả lương thực, không thể chống giữ được nữa, quan trấn thủ là Võ Tính bèn viết thư sai người đưa ra cho Trần Quang Diệu nói rằng: "Phận sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại".
Đoạn rồi sai người lấy rơm cỏ chất ở dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào tự đốt mà chết. Quan hiệp trấn là Ngô Tùng Chu cũng uống thuốc độc tự tử.
Trần Quang Diệu vào thành Quy Nhơn tha cho cả bọn tướng sĩ và sai làm lễ liệm táng Võ Tính và Ngô Tòng Chu, rồi sai đại đô đốc Trương Phúc Thượng và tư khấu Định, đem binh đi đường thượng đạo ra đánh Phú Xuân. Đi được nửa đường thì quân hết lương. Trương Phúc Thượng về hàng nhà Nguyễn, còn tư khấu Định thì đánh thua chạy vào chết ở trong Mường. Trần Quang Diệu lại sai Lê Văn Điềm vào đánh Phú Yên, cũng không được.
Bấy giờ Trần Quang Diệu tuy đã lấy được thành Quy Nhơn, nhưng một mặt thì có quân của Lê Văn Duyệt và Lê Chất ở Quảng Nam, Quảng Nghĩa đánh vào, một mặt thì quân của Nguyễn Văn Thành ở cửa Thị Nại đánh lên, còn ở phía nam, lại có quân của Tống Viết Phúc và Nguyễn Văn Tính ở Phú Yên đánh ra. Ba mặt thụ địch, quân Tây Sơn phải hết sức chống giữ, để chờ quân ở Bắc Hà vào cứu viện.
11. Trận Trấn Ninh.
Từ khi thất thủ Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh ngày đêm kíp ra Bắc Hà, đổi niên hiệu là Bảo Hưng và truyền hịch đi các trấn để lấy viện binh rồi sai em là Nguyễn Quang Thùy đem binh mã vào giữ Nghệ An. Đến tháng 11, vua Tây Sơn đem quân 4 trấn ở xứ Bắc và quân Thanh Hóa, Nghệ An, cả thảy được non 3 vạn người, sang sông Linh Giang. Lại sai tướng đem hơn 100 chiếc chiến thuyền vào giữ cửa Nhật Lệ. Bấy giờ có vợ Trần Quang Diệu là Bùi Thị Xuân cũng đem 5.000 thủ hạ đi tòng chinh.
Quan Chưởng Trung Quân Bình Tây Đại Tướng Quân Nguyễn Văn Trương, cùng với Tống Phúc Lương, Đặng Trần Thương giữ ở Linh Giang, thấy quân Tây Sơn thế mạnh phải lui về giữ Đồng Hới. Nguyễn Vương được tin ấy, liền thân chinh đem đại binh ra tiếp ứng, sai Phạm Văn Nhân và Đặng Trần Thường đem quân ra giữ mặt bộ, sai Nguyễn Văn Trương ra giữ mặt bể.
Tháng giêng năm nhâm tuất (1802), vua Tây Sơn sai Nguyễn Quang Thùy tiến quân lên đánh lũy Trấn Ninh; đánh mãi không đổ. Vua Tây Sơn đã toan rút quân về, nhưng Bùi Thị Xuân không chịu, xin cho ra đốc quân đánh trận. Đánh từ sáng sớm đến chiều tối, chưa bên nào được thua. Bỗng có tin rằng thủy quân của Tây Sơn ở cửa Nhật Lệ (cửa Đồng Hới) đã bị Nguyễn Văn Trương phá tan cả. Quân Tây Sơn khiếp sợ bỏ chạy, tướng là Nguyễn Văn Kiên về hàng nhà Nguyễn.
Vua Tây Sơn đem tàn quân chạy về Bắc, để Nguyễn Văn Thận ở lại giữ Nghệ An.
Nguyễn Vương phá được quân Tây Sơn ở thành Trấn Ninh rồi đem quân về Phú Xuân, để trung quân Nguyễn Văn Trương giữ Đồng Hới, để Tống Phúc Lương và Đặng Trần Thường giữ Linh Giang.
Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng ở Quy Nhơn được tin quân Tây Sơn thua ở Trấn Ninh, liệu chống không nổi, bèn đến tháng 3 năm nhâm tuất (1802) bỏ thành Quy Nhơn, đem binh tượng đi đường thượng đạo qua Ai Lao ra Nghệ An, để hội với vua Tây Sơn mà lo sự chống giữ.
15. Nguyễn Vương Lên Ngôi Tôn.
Nguyễn Vương từ khi khởi binh ở Gia Định tuy đã xưng vương, nhưng vẫn theo các chúa đời trước không đặt niên hiệu. Đến nay khôi phục được Phú Xuân, thanh thế lừng lẫy, bắc phá đại quân của Tây Sơn, nam lấy lại thành Quy Nhơn; đất An Nam bấy giờ từ sông Linh Giang vào đến Gia Định lại thuộc về nhà Nguyễn như trước. Các quan thân thuộc đều xin Nguyễn Vương đặt niên hiệu và lên ngôi tôn.
Tháng 5 năm nhâm tuất (1802) ngài lập đàn tế cáo trời đất, rồi thiết triều để các quan chầu mừng, và đặt niên hiệu là Gia Long nguyên niên.
16. Quân Nam Ra Lấy Bắc Hà.
Nguyễn Vương đã lên ngôi làm vua rồi, sai Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh đem các đồ phẩm vật và những ấn sách của nhà Thanh phong cho Tây Sơn sang nộp cho Thanh Triều và xin phong. Ngài lại định ngự giá đi đánh Bắc Hà, bèn sai Nguyễn Văn 168 Trương lĩnh thủy binh, Lê Văn Duyệt và Lê Chất lĩnh bộ binh, hai mặt thủy bộ cùng tiến.
Tháng 6, thì quân bộ sang sông Linh Giang tiến lên đóng ở Hà Trung, quân thủy vào cửa Hội Thống rồi lên đánh phá các đồn lũy của Tây Sơn. Quan Trấn Thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Thận bỏ thành chạy ra giữ đồn Tiền Lý ở Diễn Châu.
Bấy giờ Trần Quang Diệu đi đường Ai Lao ra đến châu Quý Hợp, xuống huyện Hương Sơn thấy quân nhà Nguyễn đã lấy được Nghệ An rồi, bèn cùng với Bùi Thị Xuân về huyện Thanh Chương, bao nhiêu quân sĩ đều bỏ cả, được mấy hôm hai vợ chồng cùng bị bắt. Còn Vũ Văn Dũng chạy ra đến Nông Cống cũng bị dân bắt được đem nộp.
Quân Nguyễn Triều kéo tràn ra lấy Thanh Hóa, đi đến đâu quân Tây Sơn chưa đánh đã tan, chỉ trong một tháng đã ra đến Thăng Long.
Vua Tây Sơn thấy thế mình không chống giữ được nữa, bèn cùng với các em là Nguyễn Quang Thùy, Nguyễn Quang Thiệu, và mấy người bề tôi là bọn đô đốc Tú, và Nguyễn Văn Tứ sang sông Nhị Hà chạy về phía Bắc, nhưng lên đến địa hạt Phượng Nhỡn, bị dân ở đấy bắt được. Nguyễn Quang Thùy tự tử, đô đốc Tú và vợ cũng tự vẫn. Còn vua tôi nhà Tây Sơn mấy người đều bị đóng cũi đem về nộp ở Thăng Long.
Nhà Tây Sơn khởi đầu từ năm mậu tuất (1778), Nguyễn Nhạc xưng đế ở Quy Nhơn, đến năm Nhâm Tuất (1802), cả thảy được 24 năm. Nhưng Nguyễn Nhạc chỉ làm vua từ đất Quảng Nam, Quảng Nghĩa trở vào mà thôi, còn từ Phú Xuân trở ra, thì thuộc về nhà Lê. Đến năm mậu thân (1788), vua Quang Trung xưng đế hiệu, rồi ra đánh giặc Thanh, lấy lại đất Bắc Hà, sửa đổi việc chính trị. Từ đó nước Nam mới thuộc về nhà Nguyễn Tây Sơn.
Vậy kể từ năm mậu thân (1788) đến năm nhâm tuất (1802) thì hà Tây Sơn chỉ làm vua được có 14 năm mà thôi.
Trong bấy nhiêu năm phải đánh nam dẹp bắc luôn, không mấy lúc nghỉ việc chiến tranh, cho nên nhà Tây Sơn không sửa sang được việc gì. Vả sau khi vua Quang Trung mất rồi, vua thì hèn, quan thì nhũng, chính trị bỏ nát, lòng người oán giận, ai cũng mong mỏi được thời thịnh trị để yên nghiệp mà làm ăn. Bởi vậy cho nên khi vua Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn cất quân ra Bắc, lòng người theo phục, chỉ một tháng trời mà bình được đất Bắc Hà, đem giang sơn về một mối, nam bắc một nhà, làm cho nước ta thành một nước lớn ở phương nam vậy. [ 169 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét