Nguyễn Trãi

Phần Quân trung từ mệnh tập

( Phần 3 )

3. THƯ DỤ HÀNG (CÁC TƯỚNG SĨ TRONG)
THÀNH BÌNH-THAN(1)
Thư gửi chỉ huy sứ vệ Trấn-di(2) là ông họ An và các quan ở trong thành.
Ta nghe: đại đức thích cho người ta sống, thần vũ không hay giết người, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để yên dân. Người nào theo đúng lẽ ấy thì phúc nào cũng đem lại,

làm trái lẽ ấy thì họa nào cũng đưa đến. Xem như (xưa kia), Đặng vũ không giết càn, Tào Bân giả cách ốm(*) so với việc Bạch Khởi, Lý Quảng(**) thỏa ý giết người qui hàng, đối với lẽ báo ứng: làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, có thể lấy đó làm gương. Ta từ khi dấy nghĩa đến giờ, về việc thuận đức, trái đức, tuy đối với lẽ phải, cố nhiên có sự thỏa đáng, nhưng giữa (những điều đối xử) nghiệt hay khoan, cho hay lấy, không bao giờ là không thể theo đức hiếu sinh của trời đất và lòng (đại lượng) của thánh nhân: Thà bỏ sót một người mắc tội phi thường.
Nay các ngươi bằng số quân không đầy một ngàn mà còn giữ lấy một thành trơ trọi, ròng rã hàng năm, tin tức không thông, cái ngày mà thành bị hãm mất, chẳng sớm thì chiều. Ta sở dĩ để hoãn lại không kịp đánh ngay là có ý muốn bọn các ngươi xét rõ về cơ nghi của sự thế, hiểu rõ về lẽ thành bại, hoặc may trời nhủ bảo trong lòng, có thể chuyển họa làm phúc để toàn được tính mệnh cho (nhân dân) cả một thành. Về lẽ họa phúc, chính ngay trước mắt, về cơ thuận nghịch, không thể không xét kỹ. Ngay như các thành Tân-bình, Thuận-hóa, Diễn-châu, Nghệ-an, Tiều Hậu vệ Tâm-giang Thị-kiều, mà đô đốc Thái và 2 quán đô ti họ Chu, họ Tiết, quan bố chánh họ Kim, án sát họ Trương (phụ trách)(3) cùng các quan chỉ huy các thành, thiên lộ phủ, huyện đều biết thời thông biến; cùng ta hòa giải để cho nhân dân các thành ấy đều được sống cả. Ngày mà quân ta kéo vào thành, tịnh không xâm phạm mảy may; người nhà vợ con đều được yên vui, thì cái lẽ trời cao ban phúc cho người thiện há có sai đâu! Còn như cái thành Xương-giang tự cho là thành cao, hào sâu, lương chứa lại nhiều, không biết tự lượng (khác nào) con bọ ngựa dám lấy càng mà chống lại xe (đang đi). Ta mỗi khi nghĩ đến nhân dân trong thành, họ không có tội gì mà phải giết chết, mới gửi thư tín không ngại phiền phức, lấy lẽ họa phúc (ân cần) nhủ bảo; lại bảo đô đốc họ Thái và các quan chỉ huy ba ti ở các phủ huyện đều đến dưới thành, hai ba lần hiểu dụ mà kẻ kia vẫn chố chấp hôn mê như người lòa không biết sợ chết. Ta bất đắc dĩ mới sai bọn tì tướng đúng hẹn tiến đánh. Ngày 18 tháng này(4), giờ ngọ trống trận mới nổi tiếng, liền bị tan vỡ. đó là lầm lỗi của bọn chỉ huy Lý Nhiệm(5) để đến nỗi người trong một thành, hóa ra máu chảy, há chẳng đáng đau sót lắm ru? Bọn các ông nên coi vào bọn họ Thái, thuận lẽ thì được hưởng phúc và bọn Lý Nhiệm trái lẽ thì bị mắc họa: ai hơn ai kém là người có ý thức, tất phải phân biệt. Nếu còn cậy thành cao, hào sâu, không răn việc xe trước đã đổ thì ta sợ thành trì của các ông không phải là nơi hiểm trở trời đặt ra mà không thể vượt qua. Vả lại, lòng người nhân đức đúng mực, không nỡ để cho một kẻ nào không được yên chốn, huống chi là người cả một thành? (Thấy) gan óc họ dày xuống đất mà không xót xa trong lòng hay sao? Ta sở dĩ luôn luôn lấy việc ấy để hiệu dụ chẳng qua là để theo đức hiếu sinh của trời để toàn vẹn cho sự sống còn của nhân dân trong một thành đó mà thôi. Bọn các ông hãy nghĩ cho kỹ, chớ để hối về sau. Thư nói không hết lời.

(1) Bình-than: Cương mục (q. 7, 28a) chú thích là xã Trần-xá, huyện Chí-linh (Hải-hưng). Nhưng theo Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Hải-dương) thì xã Bình-than thuộc huyện Quế-dương, tỉnh Bắc-ninh (Hà-bắc). Ở đó, trước đây quân Minh có lập một đồn trại. Nhưng trong số các thành quân ta bao vây và dụ hàng trong khoảng cuối năm 1426, năm 1427 chép trong chính sử của ta, không thấy thành Bình-than. Và ngay trong thư này tiếp theo đề mục lại viết: “Thư gửi chỉ huy sứ vệ Trấn-di là ông họ An và các quan ở trong thành”. Vậy thư này gửi cho thành Bình-than hay thành Trấn-di?

(2) Trấn-di là một huyện thuộc phủ Lạng-sơn, nay là huyện Chi-lăng tỉnh Lạng-sơn. Thành Trấn-di ở ải Trấn-di, là trị sở huyện Trấn-di. Ải Trấn-di tức ải Chi-lăng. Ở đó nay vẫn còn vết tích những thành vỡ. Quân Minh đắp thành lũy và đặt một vệ quân trấn giữ cửa ải quan trọng này. Chính sử không chép rõ quân ta đánh và giải phóng thành Trấn-di vào lúc nào, nhưng điều chắc chắn là trước khi viện binh của Liễu Thăng tiến vào biên giới.

(*) Tướng Tống Tào Bân tấn công nhà Nam Đường, bao vây Kim Lăng. Bỗng ông trở bệnh, không ngó ngàng gì tới công việc Các tướng lĩnh đến hỏi thăm bệnh tình của ông, Tào Bân nói rằng: “Bệnh của ta không thể trị bằng thuốc men được. Vào ngày các ngươi chiếm được thành, nếu các tướng lĩnh của ta có thể nghiêm túc lập lời thề rằng sẽ không giết bừa một người nào, không tham lam trộm cướp bất cứ vật gì, thì bệnh ta sẽ khỏi!”. Các tướng lĩnh đều thắp hương và thề rằng sẽ tôn trọng triệt để quân lệnh này. Nhờ vậy Hậu Chủ Lý Dục và quan tướng cùng dân chúng được bảo toàn tính mạng.

(**) Lý Quảng tướng nhà Hán, làm thái thú Lũng Tây. Người Khương làm phản, Lý Quảng dụ hàng. Người Khương hàng hơn tám trăm người, bị Quảng lừa giết cả trong một ngày.

(3) Đô đốc Thái là Thái Phúc, trấn thủ thành Nghệ-an. Hai quan đô ty họ Chu, họ Tiết là đô chỉ huy Chu Quảng va tiết Tụ ở thành Diễn-châu.

Án sát họ Trương có lẽ là Trương Lân ở thành Điêu-dêu, tức thành Tiền vệ của thành Đông-quan.

Bố chính họ Kim chưa rõ tên.

41) Theo Toàn thư (q.10, 38b), quân ta chiếm được thành Xương-giang vào ngày

8 tháng 9 năm Đinh mùi (ngày 28 tháng 9-1427). Ở đây chép ngày 18, có lẽ do sao chép sai lạc.

51) Lý Nhiệm giữ chức đô chỉ huy, là tướng Minh giữ thành Xương-giang. Lý Nhiệm ngoan cố chống cự và cuối cùng phải tự sát

4. THƯ DỤ HÀNG (CÁC TƯỚNG SĨ TRONG)
THÀNH XƯƠNG-GIANG(1)
Kể ra, thích cho người sống mà ghét việc giết người, là một người tướng có nhân nghĩa; xét biết thời cơ mà biết lượng sức mình là một người tướng có trí thức. Ta kính vâng mệnh trời, lấy đại nghĩa chuyên việc dánh dep. Nghĩ đến (cơ đồ) tổ tông bị nguy đổ, thương nỗi (đời sống) nhân dân phải lầm than; đánh thành lấy đất không giết một người nào. Cho nên đánh đông dẹp tây, không nơi nào không phục.

Thành Xương-giang nhỏ mọn kia dám chống lại mệnh trời, nổi giận đi đánh, nghĩa nên phải thế, sự không được đừng. Nhưng đem núi Thái-sơn đè bẹp quả trứng, sức không chịu được bao lâu, lấy lửa đỏ rực đốt cháy lông gà, thế khó đương được chốc lát. Lấy thuận mà đánh kẻ nghịch, lo gì không phải theo; lấy sức mạnh mà đánh kẻ yếu, lo gì không đánh được. Mà, còn lấy lời nói chăm chăm hiểu dụ, thực vì nhân mạng trong một thành là hệ trong, mà không nỡ làm cho thương tổn. Vả lại, các xứ Tân-bình, Diễn-châu, Nghệ-an, Thuận-hóa, thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, thóc không phải là không nhièu, binh không phải là không giỏi. Thế mà đô đốc họ Thái cùng các quan ba ti đều bỏ thành về hàng, đem quân theo mệnh. Vì rằng họ hiẻu rõ việc thành hay bại đều có mệnh (trời) mà không dám trái. Bọn các người nếu biết trên sét thời trời, dưới suy việc người thì có thể giữ được vị lộc đến vô cùng, khỏi để nhân dân một thành bị chém giết; lũ các ngươi được là người trí thức mà ta cũng không mất tiếng là một vị tướng có nhân nghĩa. Thế mà cứ mê muội không hiểu biết gì, thì đến ngày thành bị hạ, ngọc đá không phân biệt, không phải là ta cho làm bạo ngược bừa bãi mà là tự lũ các người làm ra tội nghiệt đó thôi. Đó thực là lúc còn mất nguy cấp đấy, nên tính cho kỹ, chớ để hối về sau. Thư nói không hết lời.

(1) Thành Xương-giang nay vẫn còn di tích ở làng Thành thuộc thị xã Bắc-giang, tỉnh Hà-bắc. Thời thuộc Minh, thành này phủ trị phủ Lạng-giang và là thành lũy quan trọng nhất trên con đường từ Pha-lũy đến Đông-quan. Tháng 12 năm Bính ngọ (từ 29-12-1426 đến 27-1-1427), quân ta bắt đầu đánh thành Xương-giang. Quân ta vừa vây hãm vừa dụ hàng. Đây là thư dụ hàng thứ nhất gửi thành Xương-giang.
 

5.THƯ DỤ (TƯỚNG SĨ TRONG) THÀNH
XƯƠNG-GIANG(1)
Ta nghe: (đối với) đạo quân nhân nghĩa, kẻ nào thuận đức thì sống, kẻ nào trái đức thì chết. Vì người cầm quân ấy giữ việc đánh giết, nắm quyền sống chết: khi thì khoan hồng như khí dương, khi thì thần khắc như khí âm, đều tuân theo lẽ phải của trời, không thể theo ý riêng mình được. Nay các ông bằng một nghìn quân(2), một mình giữ thành trơ trọi. Đã đến hơn một năm nay(3), tin thức không thông, mà tự cậy là thành cao hào sâu, có khác gì người mù mà không sợ cái chết, không biết tự liệu sức mình.

Kể ra, thời có khi thịnh khi suy, thế có kẻ mạnh kẻ yếu; cũng là lẽ trời lòng người, thuận hay nghịch, hướng theo hai trái ngược. Nếu chỉ khăng khăng câu nệ và kiến thức hẹp hòi, cam lòng chịu lấy tai vạ, âu cũng đáng thương lắm. Vì thế mà tính mạng của mấy vạn đàn ông, đàn bà ở trong thành đều bị các ông lừa dối làm hại, làm cho ngọn người không tội một mai bị chết. Cho nên ta không ngại nói đi nói lại, lại sai người đến nơi dụ bảo.

Nếu các ông biết tỉnh ngộ thì không những người cả trong thành ấy nhờ đó được an toàn; cả sự giàu sang của các ông cũng có thể giữ được lâu dài, mà đức hiếu sinh của thượng đế cũng thấm khắp đến với lòng dân. Nếu không thế thì giữa người thuận đức với kẻ trái đức, tất có một kẻ sống một kẻ chết. Đó là lẽ tất nhiên. Ta có thể tự theo ý riêng mình sao được! Các ông nên mau mau mở cửa thành, cởi áo giáp cùng ta hòa giải. Ta nếu trái lời giao ước tất nhiên trời chẳng dung cho, nếu các ông cứ chấp mê, ta tất không tha thứ.

Nay hãy tạm lấy một việc trước mắt, hãy tỏ từng việc cho các ông nghe: các thành Tân-bình, Thuận-hóa, Nghệ-an, Diễn-châu, Tam-đái, Thị-kiều, Tiền-vệ đều may biết thời thế, hiểu quyền biến, chuyển họa làm phúc, để cho người trong các thành ấy có đến hơn 56.000 người đều được an toàn. Duy có một thành Khâu-ôn(4) không hiểu sự biến, bo bo giữ kiến thức nhỏ, để cho người trong một thành ngọc đá đều bị thiêu cháy, há chẳng đáng xót thương! Các ông nên nghĩ, chớ để hối hận về sau.

(1) Quân Minh trong thành Xương-giang do Lý Nhậm, Kim Dận… chỉ huy vẫn cố thủ chờ viện binh. Lê Lợi - Nguyễn Trãi điều thêm quân đến bao vây và tiếp tục du hàng. Đây là thư dụ hàng thứ hai. Nhưng quân địch vẫn ngoan cố chống cự đến cùng. Sau hơn 9 tháng bao vây và tiến công quyết liệt, ngày 8 tháng 9 năm Đinh mùi (ngày 28-9-1427), 10 ngày trước khi viện binh địch đén biên giới, quân ta chiếm được thành Xương-giang.

(2) Quân Minh đóng giữ thành Xương-giang có trên 2.000 quân. Nhưng bị tiêu hao dần, cho dến trước khi thành bị chiếm, số quân địch chỉ còn một nửa, nghĩa là khoảng 1.000 quân.

(3) Hơn một năm ở đây không phải tính mỗi năm 12 tháng mà kể từ năm trước - năm Bính ngọ (1426) - đến năm nay - năm Đinh mùi (1427).

(4) Thời thuộc Minh, huyện Khâu-ôn thuộc phủ Lạng-sơn, nay là vùng bắc huyện Chi-lăng, huyện Cao-lộc và thị xã Lạng-sơn. Thành Khâu-ôn ở khoảng thị xã Lạng Sơn ngày nay, là một thành quan trọng trên con đường từ Pha-lũy đến Đông-quan. Cuối năm Bính ngọ (1426) quân ta đánh thành này. Ngày 13 tháng 1 năm Đinh mùi (9-2-1427), một bộ phận quân địch bố trốn về Quảng-tây, bộ phận còn lại vẫn liều chết cố thủ và cuối cùng bị quân ta tiêu diệt.
 
6. THƯ GỬI LIỄU THĂNG(1)
Ta nghe, Mạnh tử có bảo rằng: “Chỉ nó người nhân giả (người có lòng nhân đạo yêu thương mọi người v.v…) là có thể mình là nước lớn mà đi lại tốt với nước nhỏ; người trí giả (người khôn ngoan, tử tế v.v…) là có thể mình là nước nhỏ mà hòa hảo với nước lớn. Nước lớn mà đi lại với nước nhỏ chính là biết vui theo đạo trời (lẽ phải). Nước nhỏ mà hòa hảo với nước lớn chính là biết kiêng nể mệnh trời.

Xưa kia, đức Thái tổ Cao hoàng đế(2) ta lúc mới nổi lên làm vua, thì vua An-nam trước kia đã vào cống trước cả các nước, đặc biệt là được khen thưởng, được phong tước vương. Đời (nọ truyền đời kia), giữ gìn bờ cõi, triều cống đầy đủ. Gẫm xem đức Thái tổ ta, theo đúng đường lối (đạo) lạc thiên cùng với lòng thày úy thiên của các vua Trần chúng tôi trước kia, đã thuận theo (lẽ phải) được hưởng phúc lành, há chẳng hay lắm sao?

Một khi từ lúc Hồ (Quí Ly) gây việc càn bậy, lật đổ bàn thờ cúng tổ tiên (họ Trần) chúng tôi, hắn đối với trên thì nói dối triều đình, đối với dưới thì làm khổ cực dân chúng. (Vì thế) đức Thái tông(3) đem quân trừng phạt, một đánh yên ngay, hạ chiếu tìm con cháu họ Trần để cho nói việc thờ cúng tổ tiên. Lúc đó, biên thần muốn lập công, tâu bậy về triều, bảo rằng con cháu họ Trần đều đã hết cả. Chúng liền xin đặt (đất An-nam) làm quận huyện giống như đời Hán Đường.

Từ đấy đến nay hơn 20 năm(4), binh đao liền liền, tai vạ thảm thương, nhân dân Trung-quốc khổ về việc đánh dẹp. Kể cả những trận lần trước kia cùng là những trận lần gần đây, quân lính lừa ngựa đưa tới mười phần không còn một. Cái mà lấy được không bù nổi cái mất đi, mưu mẹo lo lắng không hàn gắn nổi vết thương nặng. Tất cả là do Hồ (Quí Ly) không biết đi lại kính mến triều đình đến nỗi bị phải sụp đổ. Nhưng mà đối với đường lối thuận theo lẽ phải (lẽ trời) của nước lớn thì tôi sợ cũng có điều thiếu sót.

Nay tôi tủi phận là con cháu còn sót lại của vua Trần, ẩn náu ở đất Lão-qua đã hơn 10 năm nay. Người trong nước tôi khổ về chính sự khắc nghiệt của các quan lại (triều đình); nhớ lại ơn đức cũ của các vua Trần trước kia, mới cùng bàn nhau đánh đuổi bọn quan cai trị, ép tôi về nước. Khoảng tháng 11 năm ngoái(5), các quan quân đóng giữ ở các thành các xứ đều đã lục tục mở cửa, bỏ binh giáp, hòa giải cùng với chúng tôi. Tất cả các quan lại và quân dân trai gái gồm có hơn một vạn người, chúng tôi đều thu nuôi cả, không phạm đến mảy may.

Nay tôi lại nghe thấy, tiều đình lại sai tướng quân đem đại quân đến bờ cõi (nước tôi); không biết rõ đạo quân ấy là quân cứu viện chăng? Hay là quân đến đóng giữ chăng? Hay lại là quân đến làm việc lập lại họ Trần chăng? Các ông ví xét rõ sự tình thời thế, đóng đại quân lại rồi đem việc hào giải của tất cả các quan lại quân dân nói trên kia, làm tờ số tâu rõ công việc về triều đình, tôi cũng liền lập tức cho đúc người vàng, mang tờ biểu, tiến cống thổ sản địa phương. Còn các bầy tôi trong triều may ra biết đem đường lối thẳng thắn (can ngăn Vua) lại làm việc dấy kẻ bị diệt, nối lại dòng kẻ mất gốc mà tránh được việc phi lí dùng binh đến cùng, khoe khoang võ lực như đời Hán, Đường. Sai một vài đặc sứ dụ dỗ bằng lới nói êm ấm để tha tội cho nước An-nam. Làm như thế thì các ông có thể ngồi yên đó mà hưởng thành công. Mà nước lớn sẽ làm trọn được đạo “lạc thiên”; nước nhỏ cũng tỏ được hết lòng thành thực “úy thiên”. Như thế há chẳng tốt đẹp lắm ru!

(1) Đây là thư đứng tên Trần Cảo gửi Liễu Thăng. Theo thư mới tìm thấy thì Liễu Thăng nhận được thư của Lê Lợi khi tiến đến Khâu-ôn (Lạng-sơn). Theo đường hành quân cua Trương Phụ từ Quảng-tây vào nước ta năm 1406 được chép lại trong Việt kiệu thư của Lý văn Phượng thì Pha-lũy đến Khâu-ôn đi mất một ngày. Ngay 18 tháng 9 năm Đinh mùi (ngày 8-10-1427), Liễn Thang qua cửa Pha-lũy đến biên giới nước ta. Vậy Liễu Thăng tiến đến Khâu-ôn ngày 19 tháng 9 (ngày 9-10-1427).

(2) Tức Minh Thái-tổ (1308-1398).

(3) Tức Minh Thành-tổ (1402-1424).

(4) (1406-1427)

(5) Năm Bính ngọ (1426).


7. THƯ GỬI LIỄU THĂNG(1)
Thư bảo cho các vị tổng binh của Thiên triều.

Ta nghe: Quân của Vương giả chỉ có dẹp yên mà không có đánh chém. Việc làm nhân nghĩa cốt để yên dân. Trước đây gửi thư, chính là muốn Trung-quốc mở rộng đường vỗ yên, nước nhỏ hết lòng thành kính nể. May ra cái tệ thích khoe khoang, ưa lập công của nhà Hán, nhà Đường từ đây hết đi, mà đạo của vua Thang vua Vũ dấy nước bị diệt, nối dòng đã tuyệt, lại thấy cử hành, không biết thư trước có đến các ông hay không?

Nay nghe thấy đại quân thốt nhiên đến bờ cõi (tôi thật) vừa sợ vừa mừng: đây là quân cứu viện chăng, hay sẽ làm việc dấy nước đã diệt, nối dòng đã tuyệt chăng? Trước đây hơn hai mươi năm, binh đao liền liền, tai họa lắm lắm. Quân lính của Trung-quốc mười phần không còn một phần. Dân vô tội của nước nhỏ tôi gặp nhiều sự chết uổng. Cái lấy được không đủ bù cho cái mất, sự thu hoạch không bõ vào sự mất đi. Nói đến việc ấy, chắc các ông không thích nghe.

Nay, nước tôi tìm được người cháu ba đời của họ Trần ở đất Lão-qua đã hợp lòng mọi người. Ngày tháng 11 năm nay(2), nước tôi đã sai đúc hai pho tượng người bằng vàng, sắp đủ đồ sản vật địa phương để tiến cống, sai người đến kinh tâu bày. May ra cuộc bàn của đại đình lại tuân theo điều chương của Thái tổ (hoàng đế), và sự lý trong tờ chiếu để lại cho Thái tông hoàng đế, thì đó là sự may cho nước Giao-chỉ chúng tôi, và sự may lớn cho cả thiên hạ.

Các ông là tướng lão luyện của Thiên triều vâng mệnh (đem quân) ra cõi ngoài, công việc ngoài (đô) thành, mình tự chuyên là được rồi. Sao không xét rõ thời nghi, tùy tiện sắp việc, lui quân ra ngoài bờ cõi, sai một viên sứ giả mang một lá thư đến, xem hư thực, rồi sau đem công việc nên làm ở trên đây xin mệnh lệnh của tiều đình, may được chuẩn y, thì bọn các ông không phải khó nhọc lòng sức mà hưởng thành công. (Nếu) đình nghị không bằng lòng thì lúc đó tiến quân cũng chưa muộn gì. Nay, các ông không nghĩ đến việc ấy, đem quân cô độc đi sâu vào đất người cầu may nên được công việc. Tôi không cho việc làm ấy của các ông là phải. Và lại, con ong cái bọ còn có cái nọc, huống chi người trong một nước, tôi há lại không có người nào là người có mưu kế dũng lược hay sao? Các ông chớ cho nước tôi là ít người mà coi người. Đến lúc ấy thì lòng thành của nước tôi thờ nước lớn thực có phần thiếu, mà các ông hối lại sẽ không kịp nữa. Kể ra cứu đám đánh nhau, không nên đánh đập, gỡ mối rối loạn chớ nên tay không. Nay các ông quả muốn cứu đám đánh nhau chăng? Muốn gỡ mối rối loạg chăng. Xin chớ có đánh đập, chớ có tay không khiến cho người giận lại càng giận thêm mà rối loạn lại càng rối loạn thêm. Thư này đến nơi, kính mong trả lời cho biết.

(1) Nhận được thư trước, Liễu Thăng không thèm xem và ra lệnh tiếp tục tiến quân. Nguyễn Trái viết thư thứ hai này gửi Liễu Thăng xin rút quân ra ngoài bờ cõi rồi tâu về triều về việc lập con cháu nhà Trần. Theo Hoàng minh thực lục thì khi tiến quân đến Ải-lưu (vùng Lạng-bắc, huyện Chi-lăng, Lạng-sơn), Liễu Thăng nhận được thư của Lê Lợi. Từ Khâu-ôn đến Ải-lưu, theo cuộc hành quân của Trương Phụ, đi khoảng nửa ngày (Lý Văn Phượng, Việt kiệu thư). Ngày 19 tháng 9 năm Đinh mùi, Liễu Thăng đến Khâu-ôn thì ngày hôm sau, ngày 20 tháng 9 (ngày 10-10-1427) - đến Ải-lưu, rồi cũng trong ngày hôm đó, lọt và trận địa mai phục ở Chi-lăng, đây có lẽ là thư Nguyễn Trãi gửi cho Liễu Thăng khi ở Ải-lưu. Mục đích của những bức thư này là kích động thêm tính chủ quan, khinh địch của Liễu Thăng để dục địch vào trận Chi-lăng, phối hợp với hoạt động vừa đánh vừa lui của tướng Trần Lựu từ biên giới đến Chi-lăng.

(1) Ngày 20 tháng 9 năm Đinh mùi, Liễu Thăng bị giết chết ở Chi Lăng. “Tháng 11 năm nay” trong thư này có lẽ là do sao chép sai lạc.
 
8. THƯ GỬI LƯƠNG MINH, HOÀNG PHÚC(1)
(Ngày 16 tháng 8)(1)
Thư gửi các ông: quan tổng binh là Bảo định bá tên là Lương Minh, quan thượng thư Hoàng Phúc.

Tôi thường nghe, binh cốt để bảo vệ cho dân, không phải là để làm hại dân, dẹp yên để không phải giết, không phải là để giết nhiều người. Cho nên có câu rằng: “Binh là bắt đắc dĩ mới phải dùng”. Điều mà có thể thôi được hay không thể thôi được, không phải là bản tâm của thánh nhân. Nay các ông đem quân đi sâu vào (cõi đất người) chính là bị hãm vào thế trong miệng cọp, muốn tiến không được, muốn lui không hay. Còn ta thì nhân thế chẻ tre, sau khi chẻ được mấy đốt, cứ lọng lưỡi dào mà chẻ đi, thực không khó gì. Nhưng ta vẫn nghĩ đến nghĩa nước nhỏ thờ nước lớn, có mặt trời soi trên, không dám thiếu lòng (thành kính). Cho nên nhiều lần gửi thư mà các ông vẫn không trả lời. Thế có phải là sự không may của một nước ta chăng? (Hay) thế là sự không may lớn cho cả nhân dân thiên hạ. Sao có thể thôi được mà không thôi hẳn.

Trước đây, các thành Tân-bình, Thuận-hóa, Diễn-châu, Nghệ-an và Tiền, Hậu vệ, Thị-kiều, Xương-giang, Tam-giang đều đã mở cửa thành, cởi cùng ta hòa giải. Phàm hết thảy quan quân, đàn ông, đàn bà, lớn bé cộng mấy vạn người, ta đều thu nuôi tất cả, không xâm phạm một chút nào. Xin các ông lui ngay quân ra ngoài bờ cõi, ta tự dẹp mở lối về, cho các ông được thung dung đem quân về, ta sẽ đem các quan lại đàn ông, đàn bà nói trên kia trao tất cả ở ngoài bờ cõi. Như thế thì các ông có thể ngồi hưởng thành công mà Nam, Bắc từ nay vô sự, há chẳng hay ư? Nếu có thể thôi được mà không thôi, là do các ông không biết dập tắt lửa đi để cho nó tự cháy lên, không phải là tội của ta vậy. Thư nói không hết lời.

(1) Trong đạo quân của Liễu Thăng, Bảo-định bá Lương Minh giữ chức phó tổng binh (sử ta chép là tham tướng), Hoàng Phúc là công bộ thượng thư. Sau trận Chi-lăng (10-10-1427), Liễu Thăng bị giết chết, phó tổng binh Lương Minh lên nắm quyền chỉ huy cùng với thượng thư Hoàng Phúc và Lý Khánh, cố chấn chỉnh lại đội ngũ tiếp tục mở đường tiến quân. Nhưng đến Cần-trạm (Kép, Hà-bắc), quân địch bị phục kích, Lương Minh bị chết tại trận (ngày 15-10-1427). thư này gửi cho Lương Minh, Hoàng Phúc trong khoảng thời gian sau trận Chi-lăng và trước trận Cần-trạm, nghĩa là trong khoảng từ sau ngày 10-10 đến trước ngày 15-10-1427.
(2) Ngày 16 tháng 8 năm Đinh mùi là ngày
6-9-1427. Chưa rõ đây là lời chú thích của ai nhưng không phù hợp với thực tế lịch sử đương thời. Ngày 16 tháng 8 là lúc viện binh nhà Minh chưa đến biên giới, thế mà trong thư lại có đoạn viết: “Xin các ông lui ngay quân ra ngoài bờ cõi, ta tự dẹp mở lối về…”

9. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM KÍNH GỬI CÁC VỊ
TỲ TƯỚNG CỦA THIÊN TRIỀU(1)
Tôi nghe: quân của Vương giả, cốt trên thuận òng trời, dưới hợp lòng người. Nay các ông vâng mệnh đi đánh dẹp, chỉ nên trên xét lòng trời, dưới thuận việc người. Trước đây cái tai họa đắm thuyền(*), thì trời đã răn bảo rõ lắm. phàm quan đi qua một đường nào, việc chạy trốn hại thường thường có đến bao nhiêu người, nhân dân chừa oán lại quá lắm. Các ông bỏ việc ấy không xét đến mà xông pha nguy hiểm, khinh xuất tiến quân. Kinh Dịch có câu nói rằng: “Quân đi phải có kỷ luật, nếu không có kỷ luật thì dẫu phải cùng gặp sự không hay”. Huống chi lòng trời lòng người đã như thế mà các ông còn cố gượng cứ làm, thì tự mua lấy thất bại, há chẳng đáng ư? Vả lại, bọn An Viễn hầu (Liễu Thăng) Bảo định bá (Lương Minh), Lý thượng thư (Lý Khánh) lại nối nhau bị chết, quân không người thống lĩnh, và không theo kỷ luật, chẳng bại vong sao được. Xin các ông nên chóng lui quân, đóng lại ở đất Long-châu, Bằng-tường, tôi lập tức đem ngay các quan lại quân nhân đã bắt được ở các thành đến ngoài cõi, trả lại hết cả. Và đem người vàng đã đúc, sai người đi theo, dâng biểu vào cống để nước nhỏ tôi được hết lễ thờ nước lớn, mà nước lớn được hết đạo vỗ yên người xa. Làm một việc mà được hai điều lợi, hai bên đều tốt cả. Thế không phải là may lớn cho nhân dân cả thiên hạ ư? Các ông nếu còn dùng dằng lâu ngày, chứa lòng nghi ngờ, làm hỏng mưu kế, tôi sợ rằng các ông sẽ chết vùi xương trong bụng cá ở Xương-giang(2), còn có ích gì đâu?

Thư này gửi đến, kính xin trả lời cho biết.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.

(1) Sau những thất bại nặng nề ở Chi-lăng (ngày 20 tháng 9 năm Đinh mùi, tức ngày 10-10-1427, chủ tướng Liễu Thăng bị giết chết), Cần-trạm (ngày 25 tháng 9 năm Đinh mùi, tức ngày 15-10-1427, phó tổng binh Lương Minh Lương Minh bị giết chết) và Phố Cát (ngày 28 tháng 9 năm Đinh mùi, tức ngày 18-10-1427, binh bộ thượng thư Lý Khánh phải thắt cổ tự tử), đạo quân tiếp viện chủ yếu của nhà Minh còn khoảng 7 vạn quân, do đô đốc Thôi Tụ và thượng thư Hoàng Phúc cầm đầu, cố tiến về thành Xương-giang (Hà-bắc). Nhưng thành Xương-giang đã bị quân ta hạ 10 ngày trước khi quân địch tiến vào biên giới và đã trở thành một pháo đài kiên cố chắn ngang đường tiến quân của địch về Đông-quan. Quân địch phải đóng quân giữa cánh đồng phía trước thành Xương-giang rồi đắp lũy để tự vê. Quân ta chẹn các đường rút lui và tiếp tế lương thực của địch, rồi khép chặt vòng vây. Trước khi mở trận tổng công kích vào ngày 15 tháng 10 năm Đinh mùi (ngày 3 tháng 11-1427), Lê Lợi - Nguyễn Trãi chủ trương vừa vây vừa hãm vừa dụ hàng làm cho quân địch càng suy yếu về lực lượng, khốn quẫn về lương thực và tan rã về tinh thần. Thư này và thư số 10, 11 gửi cho những viên tướng quân Minh đang bị bao vây ở Xương-giang. Ba bức thư này gửi trong khoảng thời gian sau ngày 28-9 và trước ngày 15-10 năm Đinh mùi (sau ngày 18-10 và trước ngày 3-11-1427).

(*) Thư số 15 ở sau cũng có đoạn: “Hiện nay có An viễn hầu là Liễu thăng vâng mệnh (triều đình) đem hơn 10 vạn quân, đi đến Quảng-tây, đã hai lần sắc thư gọi về, Liễu thăng trót đã mang quân ra, chống lại mệnh lệnh mà cứ đi. Quân đi đến Lễ-giang, bị tai họa đắm thuyền, chết đuối đến hơn một vạn người. (Đó là), trời bảo cho biết đã rõ lắm rồi”.

(2) Sông Xương-giang tức sông Thương. Quân địch bị bao vây giữa cánh đồng phía trước thành Xương-giang, ở phía bắc sông Thương.
 
10. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM THƯ GỬI CÁC VỊ
TỲ TƯỚNG THIÊN TRIỀU(1)
Trước đây, mấy lần gửi thư, nói về việc thành hay bại của nhà nước và nỗi vui hay buồn của nhân dân. Những việc ấy rất là quan trọng. Người có chí vỗ yên bờ cõi há chẳng xót xa ư! Tôi không biết lá thư trước đây có đến nơi hay không?... Lòng của người nhân nhân quân tử, há lại dửng dưng như thế được sao?

Xưa nay đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm; thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng đến. Còn việc đánh nhau đến cùng, thánh nhân vẫn có lời răn. Từ khi (Triều Minh) lấy được Giao-chỉ đến giờ, dụng binh liên miên, tai họa chồng chất, mỗi ngày càng quá lắm. Trừ số người, ngựa, nguyên phái đi đánh trước, và nhiều lần tiếp tục đem thêm đã bị chết hại thì không kể, mỗi năm lại đem sang thêm mấy vạn quân và ngựa nữa(2). Số quân mà tổng binh đem đến sau, hiện không còn ai. Nay An viễn hầu Liễu đại nhân thống lĩnh đại quân vào cõi, chúng tôi đã gửi thư(3) đến khẩn khoản nói: nên trên xét thiên thời, dưới xem nhân sự, may ra nước lớn có thể hết đạo vỗ yên, người xa nước nhỏ được hết lòng thờ nước lớn. Nhưng không may các đại nhân cho là lời nói ấy không đáng nghe, đem quân đi sâu vào cõi nước tôi, quân lính giữ bờ cõi của chúng tôi không làm thế nào được, ví như loài chim cùng thì phải mổ lại, loài thú cùng thì phải đánh lại. Trong khi vội vàng còn thì giờ đâu mà nghĩ đến lễ nghĩa chứ? Đó tuy là tội lỗi của tôi, cố nhiên không thể chối cãi được, nhưng cũng vì các ông khu xử, chưa chắc đều là phải cả. Tính việc ngày nay không gì bằng (các ông) lui quân ra ngoài bờ cỗi, tôi lập tức đem ngay các quân nhân đã bắt được ở các thành trả lại hết. Rồi đem thư của nước tôi và bản tâu nói rõ đầu đuôi, tâu lên triều đình. May ra mà lời bàn của triều đình ưng cho, thì các ông có thể không mất tiếng tốt, mà Nam, Bắc từ nay vô sự. Đó không những là sự may cho nước An-nam tôi, cũng là sự may lớn cho cả bàn dân thiên hạ. Các ông đều là người Trung-quốc; về đạo nhân nghĩa và lẽ thành bại, được, hỏng xưa nay, ngày thường đã học tập, tất biết rõ rồi, tôi còn phải nói đi nói lại làm gì nữa.

Thư nói không hết lời

Tuyên-đức, ngày, tháng, năm.

(1) Xem chú thích (1) bài 9. Nhận được thư trước, quân Minh bị vây ở Xương-giang không trả lời. Nguyễn Trãi gửi tiếp bức thư này.

(2) Trong thời gian đô hộ nước ta, nhà Minh đã nhiều lần phái quân sang đàn áp khốc liệt phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Trước đạo viên binh của Liễu Thăng, chỉ tính từ tháng 10-1426 đến tháng 7-1427, nhà minh đã 3 lần điều viện binh sang nước ta với số quân trên 10 vạn do các tướng Vương An Lão, Vương Thông, Cố Hưng Tổ chỉ huy.

(3) Khi đạo viện binh của Liễu Thăng vừa vượt qua cửa ải biên giới, tiến đến Khâu-ôn, Lê Lợi sai người đưa thư cho Liễu Thăng xin lui quân về biên giới để xem xét tình hình rồi tâu về triều xin vua Minh bãi binh rút quân về nước. Xem thư gửi cho Liễu Thăng, bài 7, 6.

11. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM THƯ GỬI CÁC
VỊ TỲ TƯỚNG CỦA THIÊN TRIỀU(1)
Tôi nghe, mưu việc từ trước khi có việc xảy ra, thì khi việc đến dễ mưu tính; việc xảy ra rồi mới mưu tính, thì mưu tính sẽ không kịp. Tôi đã gửi thư đến hai ba lượt không ngại phiền để nói nhiều. Mới rồi lại đã gửi đến một văn bản giãi tỏ chân tình, việc gì cũng nói hết ở trong bản ấy rồi. Các ông nên chóng lui quân ra ngoài cõi, không nên như Giả Hồ(2) lưu liên lâu ngày đến nỗi hỏng việc.
Kể ra, Vương giả không lừa dối bốn biển, Bá giả không lừa dối láng giềng, cho nên Văn-hầu không tham đánh ấp Nguyên, Thương quân không bỏ việc thưởng người dời cây gỗ; người mà không có thì thì làm gì được. Ngày nay tôi đã răn bảo quân lính, dẹp mở dường về cho các ông từ Cần-trạm đến Khâu-ôn(3), nếu thấy đại quân qua lại không được xâm phạm mảy may. Các ông, trọng hạn ba ngày, nên thu nhặt mà đi. Quá hạn ấy mà còn chậm lại, thế là các ông thất tín, không phải lỗi ở tôi vậy. Kinh thi có câu nói: “Người khác có lòng, ta lường tính xem”. Chắc rằng các ông sở dĩ ở chậm lại, có ý trông mong vào quân ở thành Đông-quan sang tiếp ứng chăng? Hay là ở quân Vân-nam sang tiếp ứng chăng? Thì, từ Đông-quan đến đây chỉ có một ngày đường, không phải hẹn còn có thể tự đến cứu được, há lại nỡ lòng nào dửng dưng ngồi nhìn không đau lòng hộ ư? Thế thì các ông trông mong về quân thành Đông-quan đã tuyệt vọng rồi.

Còn như Kiềm quốc công ở Vân-nam trước đây cùng với các ông cũng vâng mệnh trên họp quân ở đấy. Nhưng Kiềm đại nhân tuổi cao đức cả, đã sớm biết lẽ phải, thấy việc làm rõ. vừa mới đến bờ cõi, lập tức sai người dò thăm hư thực, nghe tin trước đây thành trì các xứ Tam-giang đều đã hòa giải, bèn lui quân về Lâm-an(4), làm bản tâu về triều. Tôi lại đem những quân nhân của các ông mà tôi đã bắt được đưa đến chỗ Kiềm đại nhân, nói rõ duyên do, bọn An viễn hầu, Bảo định bá, Lý thượng thư bị chét. Kiềm quốc đại nhân đã lui quân về Vân-nam rồi. Thế là bọn các ông trông mong về đạo quân ở Vân-nam lại tuyệt vọng nốt.

Hai mặt trông mong ấy đều đã tuyệt vọng, mà quân nhân mỗi ngày một bị chết, lương thực lại hết thì các ông còn đợi gì mà dùng dằng ở lại không đi chứ? Sao mà xét việc câu nệ, mưu việc không sớm thế? Than ôi, chén nước đã đổ khó mà vét lại được nữa, việc trước đã qua rồi, bỏ việc ngày nay không mưu tính đến, hối sao cho kịp. Thư nói chẳng hết lời.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày

(1) Xem chú thích (1) bài 9. Đây là thư thứ ba Nguyễn Trãi gửi cho tướng Minh bị vây ở Xương-giang. Trong thư, Nguyễn Trãi có đề ra thời hạn trong ba ngày, phải rút quân. Vậy bức thư này gửi vào khoảng cuối ghời gian vây hãm và dụ hàng, trước khi tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

(2) Giả Hồ: chưa rõ điển tích.

(3) Cần-trạm nay là vùng Kép, Khâu-ôn là vùng thị xã Lạng-sơn. Đó là hai địa điểm trên đường từ Pha-lũy đến Xương-giang.

(4) Lâm-an thuộc Vân-nam Trung-quốc.
 
12. CHÁU BA ĐỜI VUA NHÀ TRẦN NƯỚC AN-NAM TRƯỚC,
LÀ TRẦN CẢO THƯ GỬI QUAN TỔNG BINH VÂN-NAM KIỀM QUỐC CÔNG CÙNG CÁC VỊ QUYỀN BA TI XÉT(1)
Tôi thường nghe: đạo người quân tử làm trọn cái tốt đẹp của người khác; lòng người có nhân thường muốn (đạt ý người khác lên người trên). Trước đây tôi gửi thư đến nói về việc quan hệ giữa nhà nước thành hay bại, cùng sinh dân vui hay buồn. Người có lòng muốn yên dân, há chẳng chạnh lòng thương xót ư? Nay đã mấy tháng rồi, không biết thư tôi gửi khi trước có đến đại nhân hay không, mà không từng thấy một chữ nào trả lời cho biết(2). Lòng của người có nhân lại im lặng như thế ư? Kể ra đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm. Thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến. Còn việc dùng binh đến cùng, cậy vào vũ lực là điều mà xưa nay vẫn răn dạy. Từ khi quân nhà vua dẹp yên cõi Giao-chỉ đến giờ, binh đao liền liền, tai vạ chồng chất, một ngày một quá lắm. Người Trung-quốc thì bị đòi bắt tần phiền, quân và ngựa đều bị chết. Cái mà lấy được không bù cho cái mà bị mất, cái mà cướp được không chữa được vết tổn thương. Trừ ra, nguyên số quân đi đánh lần tước, và nhiều lần tiếp tục, quân và ngựa chết hại không biết đâu mà tính, thì không kể, năm ngoái, lại điện phát quân và ngựa ở ba tỉnh Vân-nam, Tứ-xuyên, Quí-châu hiện nay mười phần không còn một phần(3). Cứ xem thế, (thì người xưa) bảo đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, há chẳng đúng lắm ru? Từ tháng 11 năm ngoái(4) trở về sau, các xứ Tân-bình, Diễn-châu, Nghệ-an đều đã cởi áo giáp ra ngoài thành cùng với chúng tôi bàn việc hòa giải. Các vị tổng binh quan Thành-sơn hầu, Vinh-xương bá, các quan đố đốc họ Phương, họ Mã, họ Thái, Thái giám Sơn Thọ đều trong tháng 4 năm nay, đã mở cửa thành cởi áo giáp(5). Tất cả hết thảy quan viên quân nhân và người trong, cộng mấy vạn người, tôi đều thu nuôi, không xâm phạm mảy may. Chỉ đợi ngày chiếu thư ban xuống thì đem trở về đủ số. Các đại nhân đều là nhân nhân quân tử, há lại khôngbiết rõ nghĩa giao thiệp của với nước láng giềng cùng đạo vui trời, sợ trời. May ra được (đại nhân) đem ý trong thư trước của tôi chuyển tâu về triều đình rồi truyền bảo cho tôi biết ý định của triều đình để cho dân vô tội cõi Giao-chỉ tôi được thoát mình khỏi nước sôi lửa bỏng mà quân đi đánh dẹp của Trung-quốc được về quê hương; thế làm làm một việc mà được hai điều tiện lợi. nếu không thế, chỉ chăm đòi bắt quân lính lại sang lần nữa, các ông đã biết rõ lời răn từ xưa tới nay về viêc cùng binh độc vũ, há chẳng thấy thế mà sờn lòng ư? Kinh xin trả lời cho biết.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.

(1) Thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh giữ chức tổng binh chỉ huy đạo quân tiếp viện gồm 5 vạn quân và 1 vạn ngựa, từ Vân-nam sang phối hợp với đạo quan chủ yếu của Liễu Thăng. Để tập trung lực lượng tiêu diệt đạo quân của Liễu Thăng trước, bộ chỉ huy nghĩa quân chủ trương kiềm chế đạo quân Mộc Thạnh ở vùng biên giới. Các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Khuyển, Lê Trung được lệnh đem quân lên ải Lê-hoa (vùng Hà-giang, giáp Vân-nam) với nhiệm vụ “chỉ đặt quân phục để chờ, chưa nên đánh vội” (Toàn thư, q. 10, 41b). Đồng thời, Nguyễn Trãi lấy danh nghĩa Trần Cảo, gửi thư cho Mộc thạnh vốn là Tổng binh trấn thủ Vân-nam và các quan chức nhà Minh phụ trách ba ty ở Vân-nam (ba ty là ty đô, ty bố chính, ty án sát). Thư có lẽ gửi vào khoảng tháng 9 năm Đinh mùi khi đạo quân Mộc Thạnh mới tiến đến biên giới gần ải Lê-hoa và trước khi Liễu Thăng thất bại (trong thư này chưa nói đến thất bại của Liễu Thăng).

(2) Theo Toàn thư (q. 10, 45a), tháng 8 năm Đinh mùi (1427), Lê Lợi có sai sứ chuyển sang Quảng-tây, Vân-nam tờ biểu cầu phong đứng tên Trần Cảo để nhờ gửi về triều đình nhà Minh. Mộc Thạnh đã chuyển tờ biểu đó về triều. Lúc đó, có lẽ Nguyễn Trãi đã gửi cho Mộc Thạnh một bức thư. Lần này, Nguyễn Trãi nhắc lại bức thư đó mà đến nay Mộc Thạnh vẫn chưa trả lời.

(3) Năm Bính ngọ (14260 nhà Minh cử thái tử thái bảo Thành-sơn hầu Vương Thông đem 5 vạn quân sang tiếp viện cho thành Đông-quan. Tháng 10 năm đó, Vương Thông huy động 10 vạn quân mở cuộc phản công lớn, nhưng đã bị thất bại thảm hại trong trận Tốt-động - Chúc-động.

(4) Tháng 11 năm Bính ngọ (1426).

(5) Các tướng Minh ở thành Đông-quan: Thành-sơn hầu Vương Thông giữ chức Tổng binh, Vĩnh-xương bá Trần Trí, đô đốc Phương Chính, Mã Kỳ, thái giám Sơn Thọ. Thực ra, đến tháng 4 năm Đinh mùi (1427), quân địch ở Đông-quan chưa chịu đầu hàng.
 
13. THƯ CỦA ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM
KÍNH GỬI TỔNG BINH QUAN, THÁI PHÓ, KIỀM QUỐC CÔNG XÉT(1)
Tôi nghe, trời đất sinh muôn vật, tất trước phải có sấm sét làm vang động,rồi mới gia ơn mưa móc; thánh nhân trị nhân dân, tất phải đặt ra hình phạt để ngừa phòng rồi mới làm việc giáo hóa. Cho nên, vua Thành-thang đánh nhà Hạ là có ý đẩy nước đã mất lên làm làm vững người hiện còn; vua Vũ Vương (đánh) nhà Thương là có ý đẩy nước đã diệt mà nối dòng đã tuyệt. Lòng của thánh nhân, tức là lòng của trời đất về việc ban mệnh, về việc dánh dẹp, một khi vui mừng, một khi tức giận, toàn là do lòng chí công của trời đất, không có mảy may ý riêng ở đó. Trước đây (Hồ Quí Ly) làm việc không có đức, Thái tôn hoàng đế dấy quân hỏi tội; sau khi dẹp yên rồi, xuống chiếu tìm con cháu họ Trần, để giữ việc thờ cúng; thế thì đối với cái nghĩa làm vững người hiện còn, dấy nước bị diệt, há chẳng cùng một đường lối với vua Thang, vua Võ hay sao? Không may mà các quan coi biên giới tâu man là con cháu ngành vua Trần đều đã chết hết, rồi đem bọn con cháu họ hàng nhà Trần như Trần Nguyên Hy, Trần Sư Trinh, Trần Nguyên Chỉ, vài mươi người đem về kinh sư, đem an trí mỗi người một nơi(2). Thế há chẳng rõ ràng là lừa dối triều đình ư?

Tự khi ấy đến giờ, binh đao liền liền, tai họa chồng chất, hơn hai mươi năm không được yên nghỉ. Cái mà lấy được không bù cho cái mất đi, số người bắt được không bõ với số người chết đi. Huống chi, nếu lấy được đất An-nam, không thể cho dân Trung-quốc đến ở được, bắt được dân An-nam không thể dùng để phục dịch cho Trung-quốc được. Thế thi được hay hỏng, lẽ phải hay tái, há chẳng rõ ràng lắm ư?

Kính nghĩ đại nhân là họ thân của nhà vua được ủy nhiệm cho việc nặng nề như ông Chu, ông Thiện ngày xưa. Trên chín lần yêu dấu trông cậy, dưới muôn dân thấp thỏm ngóng trông. Ra làm tướng võ, vào làm tướng văn, thiên hạ yên hay nguy quan hệ ở mình. Văn sư võ bị không phải người thường tài có thể sánh kịp, nên mới vâng mệnh sang cói Nam lấy đức vỗ về, mà người nào cũng vui lòng. Sau khi đem quân về thì công ơn để lại dân, còn nhớ mãi, chẳng khác gì cây cam đường của Thiện công nhà Chu(*) xưa kia.

Nay lại vâng mệnh sang chầu lần nữa, đóng quân ngoài cói, có thể tưởng thấy sự tiến hay dừng của đại nhân, vững chắc như gò núi. Về sự việc thấy sáng suốt, biết việc được sớm, tất người khác không thể theo kịp. Nay đem thực sự bày tỏ hết để đại nhân rõ:

Ngày tháng 9 năm này(3), An viễn hầu Liễu Thăng thống lĩnh đại quân đến địa phận thành Khâu-ôn. Tôi đã hai ba lần gửi thư nói kỹ về thiên thời, về nhân sự (thời trời, việc người); nói đi nói lại không ngại rờm lời, mà Liễu công cho lời nói của tôi là không đáng tin, bèn mạo hiểm tiến quân vào sâu chuyên việc chém giết, ý định giết hết không để sót người nào(4). Nhưng không biết đạo trời ưa sống, lòng người ghét loạn. Thành hay bại, phúc hay họa, chỉ trong khoảng trở bàn tay thôi.

Ngày 20 tháng 9, (Liễu Thăng) tiến quân đến cửa Chi-lăng, quân lính giữ cửa ải của tôi không làm thế nào được, liền phải chống cự lại. Liễu công bị chết tại trước trận, không biết lẫn lộn vào đâu. Bảo định bá, Thái đô đốc, Lý thượng thư cũng bị chết nối nhau. Còn các quân lính đều bỏ trốn chạy tan. Đó tuy cũng là tội lỗi của tôi, cố nhiên không thể chối cãi được, mà cái họa của Liễu công tất phải tự mình chuốc lấy. Người xưa có câu nói: “Cậy vào đức thì tốt, cậy vào sức thì chết”, tức là thế đấy.

Nay chúng tôi nhờ ơn của đại nhân như trời đất cha mẹ, nên mới thổ lộ tình thực; mong đại nhân thương cho. Đại nhân đem lòng người quân tử nhân đức, tất sẽ làm việc nhân nghĩa, để cho người đời này đều tiến lên cõi thái hòa, há lại chịu lấy đất chỗ An-nam bé như nốt ruồi, mà làm cho thiên hạ nhọc ư? Trước đây Hóa-châu làm loạn(5), đại nhân còn dung thứ vì tấm lòng hướng thiện của họ, bảo sắp đủ lễ vật, mong cho bản thân được đạt tới triều đình. Nhưng lời bàn của triều đình không ưng thuận, và cứ lo việc tiến đánh. Nay vua tôi nước tôi một lòng, quân lính cùng một chí hướng. Về cái nghĩa kính trời thờ nước lớn không dám bỏ thiếu. Trước đây các thành Tân-bình, Thuận-hóa, Diễn-châu, Nghệ-an, Tiền-vệ, Xương-giang, Thị-cầu, Tam-giang, Trấn-di đều mở cửa thành, cởi áo giáp cùng hòa giải với tôi. Hết thảy các quan lạy quân dân cộng mấy vạn người, tôi nhất nhất thu nuôi cả, không xâm phạm đến mảy may nào. Đại nhân quả có lòng thương, tôi xin đem nộp tất cả các quan lại quân nhân nói trên và xin chuyển tâu về triều đình cái việc nói rõ trong lá thư này. May ra lời bàn của triều đình y cho cái ơn của đại nhân như trời đất cha mẹ, mới toàn vẹn được trước sau. Nếu triều nghị không nghe thì chúng tôi dẫu chết cũng không ân hận gì. Nay đem các quân lính của Liễu công mà tôi đã bắt được ấy, đưa trả về doanh(6). Trừ ra việc hỏi rõ thực hư không kể trước hết xin đệ trình bản thảo thư riêng chữ viết (của Liễu công). Kính xin đại nhân có lòng thương tới mà dạy bảo cho thì may lắm.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày

(1) Thư này gửi cho Mộc Thạnh sau khi đạo quân của Liễu thăng đã bị thất bại nặng nề, Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh đã bị chết.

Theo Toàn thư (q. 10, 42a), Cương mục (q. 14, 19b-20a) và những tài liệu khác, thì sau khi tiêu diệt xong toàn bộ đạo quân Liễu Thăng, Lê Lợi sai một số tù binh đem sắc, thư, phù, ấn của Liễu Thăng đến Lê-hoa cho Mộc Thạnh xem. Nhân khi quân địch hoảng hốt tháo chạy, quân ta phản công và truy kích ở ngòi Nước-lạnh hay (Lãnh-câu) và Đan-xá giết chết hơn 1 vạn, bắt sống hơn 1 nghìn. Nhưng theo thư số 11 mới tìm thấy, thì Lê Lợi sai tù binh báo cho Mộc Thạnh biết Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh đã bị chết và đạo quân Mộc Thạnh tháo chạy về Vân-nam khi quân Minh (bộ phận còn lại của đạo quân Liễu Thăng đang bị bao vây ở Xương-giang. Như vậy thư gửi cho Mộc Thạnh cũng như trận Lãnh-câu, Đan-xá xảy ra sau trận Chi-lăng, Cần-trạm, Phố-cát và trước trận tiêu diệt quân địch ở Xương-giang (nghĩa là trong khoảng từ 10-10 đến 3-11-1427). Điều đó phù hợp với đoạn văn trong Bình Ngô đại cáo :

“Bị quân ta chẹn ở Lê-hoa, quân Vân-nam kinh sợ mà trước đã vỡ mật.
Nghe quân Thăng thua ở Cần-trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau để chạy thoát thân”.
(2) Sau khi đánh bại nhà Hồ (1406-1407), nhà minh một mặt lấy cớ con cháu nhà Trần không còn ai để chiếm lấy nước ta, một mặt lùng bắt những người họ Trần trong đó có Trần Nguyên Hi, Trần Sư Trinh, Trần Nguyên Chí, đem đày về nước.
(*) Thiệu Công Cơ Thích phò tá Chu Văn Vương, Chu Võ Vương. Có lần ông đi ra ngoài, có người dân đến kiện cáo. Ông bèn ngồi dưới gốc cây lê xử kiện. Sau khi ông đi khỏi, nhân dân nhớ tới ơn ông, bèn cùng nhau bảo vệ cây lê không cho ai chặt và làm thơ ca ngợi.

(3) Năm Đinh mùi (1427).

(4) Khi đạo quân Liễu Thăng đến Khâu-ôn, Lê Lợi hai lần gửi thư cho Liễu Thăng xin lui binh về biên giới. Nhưng Liễu Thăng rất chủ quan, khinh địch, nhận được thư không thèm xem, chỉ sai người chuyển về triều rồi tiếp tục tiến quân (Cương mục q. 14, 19b; Hoàng Minh thực lục).

(5) Hóa-châu là vùng Thừa-thiên, trước đây là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Trân Quý Khoáng (1409-1414). Lúc đó Mộc Thạnh chỉ huy quân Minh ở nước ta đàn áp cuộc khởi nghĩa này.

(6) Theo Toàn thư (q. 10, 42a), Cương mục (q. 14, 19b), Lê Lọi sai một số tù binh vừa bắt được trong đạo quân Liễu Thăng gồm 1 viên chỉ huy, 3 viên thiên hộ, mang sắc, thư, phù, ấn của Liễu Thăng đưa đến cho Mộc Thạnh xem.
 
14. THƯ GỬI QUAN TỔNG BINH, SƠN ĐẠI NHÂN VÀ CÁC VỊ(1)
Ta nghe, người phương Nam, phương Bắc cũng ví như trâu với ngựa, khi tới kỳ sinh đẻ không bao giờ đến với nhau. Trước đây vì Hồ Quí Ly không có đức, mình chết nước mất, hơn hai mươi năm họa loạn, khổ cực lắm rồi. Dân mong được bình trị hầu như người đói mong ăn, khát mong uống. Con cháu họ Trần ta nhờ ơn người trước để lại, được người trong nước yêu mến suy tốn, mới được như thế. Nay quan tổng binh mang tiết việt chuyên việc đánh dẹp. Từ ngày vâng mệnh ra đi, được phép tiện nghi làm việc. Và, đại nhân thực không phụ với kí thác long trọng của triều đình. Xem như thư đã tâu lên, thì ý của đại nhân, thực đáng ghi nhớ. Nay đem chân tình thực sự báo cho đại nhân biết. Vào tháng giêng năm nay(2), triều đình sắc cho thái tử thái phó An viễn hầu là Liễu Thăng, đô đốc họ Thôi, thượng thư họ Hoàng(3)… Ngày 20 tháng này(4), họ đến cửa ải Chi-lăng(5), quân giữ cửa ải của ta liền cùng đánh nhau. Liễu Thăng tự mình lên trước, thân đốc quân tiền phong, bị quân ta giết chết. Những quân nhân đi trước thăm dò, đều bị giết hết. Đến ngày 25, trận đánh ở núi Mã-yên(6), Bảo định bá trúng phải phi lao bị thương nặng tắt thở ngay. Quân nhu khí giới mất hết không còn gì. Ngày 28 trận đánh ở Cầm-trạm(7), Lý Khánh cũng chết nối theo. Về lương thực, xe chở lương, các vật kiện công để thưởng cho quân, bài vàng, súng lớn, súng nhỏ, giáp sắt, linh ba, cung tên các thứ, tất cả cùng bị quân ta lấy được. Ngày 29(8) lại đánh nhau, quân ta bao vây bốn mặt, bắt sống được các quan và đô đốc Thôi, thượng thư Hoàng hãy còn kia. Quân nhân mấy vạn người bị đói, rủ nhau trốn đi; có người vào rừng núi tự vẫn chết, không thể xiết kể. Ngày nay quân lính của ta, chỉ để giữ nước không lại cùng đánh nhau nữa. Tất cả các quân giỏi mạnh của ta và người có tri thức đều ở xứ khác; duy có bọn già yếu, ốm đau không dùng được, mới cho ở đấy giữ trại mà thôi. Nay nghĩ đến ơn của đại nhân ngày trước, săng sắc không quên, mới đem sự thực về quân tình của đàn trẻ báo cáo về, báo cho tướng quân biết đó thôi. Thư nói không hết lời.

(1) Sau khi tiêu diệt đạo quân tiếp viện của Liễu Thăng, Nguyễn Trái viết thư này báo cho tổng binh Vương Thông, thái giám Sơn Thọ và các tướng Minh ở thành Đông-quan biết.

(2) Năm Đinh mùi (1427).

(3) Các tướng Minh chỉ huy đạo quân tiếp viện từ Quảng-tây sang. Đô đốc họ Thôi là Thôi Tụ, Thượng thư họ Hoàng là Hoàng Phúc. Câu này chưa trọn nghĩa và thiếu những tướng quan trọng như Bảo-định bá Lương Minh giữ chức phó tổng binh, binh bộ thượng thư Lý Khánh giữ chức tham tán quân vụ. Có lẽ thiếu sót vì sao chép.

(4) Ngày 20 tháng 9 năm Đinh mùi tức ngày 10-10-1427.

(5) Ải Chi-lăng nay thuộc huyện Chi-lăng, tỉnh Lạng-sơn. Nơi đây quân ta mai phục tiêu diệt ngay từ trận đầu đội kỵ binh tiên phong của địch và giết chết Liễu Thăng bên núi Mã-yên.

(6) Ngày 23-9 (ngày 15-10-1427), Bình Ngô đại cáo, Toàn thư (q. 10, 40b) đều chép ngày 25-9, quân ta giết chết Bảo-định bá Lương Minh, nhưng không nói rõ nơi xảy ra trận đánh. Đoạn văn của Toàn thư: “Ngày 25, vua lại sai Lê Lý và Lê Văn An đem 3 vạn quân tiếp đến ải núi Mã-Yên. Bọn Sát và Nhân Chú tung các quân ra đánh, chém được Bảo-định bá Lương Minh tại trận”, dễ làm người đọc tưởng Lương Minh bị giết ở Mã-yên. Nhưng núi Mã-yên, tên nôm là núi Yên-ngựa, nằm trong phạm vi ải Chi-lăng. Thư số 15 cho biết rõ: ngày 25, Lương Minh tiến đến Cần-trạm (Kép, Hà-bắc) bị giết chết. Vậy trận đánh ngay 25 ở Cần-trạm chứ không phải ở núi Mã-yên.

(7) Ngày 28 tháng 9 là ngày 18-10-1427. Theo thư số 15 thì trận đánh ngày 28 xảy ra ở Phố Cát (gần ga Phố Tráng, Hà-bắc), chứ không phải ở Cần-trạm.
(8) Ngày 29 tháng 9 là ngày
19-10-1427. Theo Toàn thư (q. 10, 41b) thì ngày 15 tháng 10 (ngày 3 tháng 11-1427) quân ta mới mở cuộc tiến công cuối cùng tiêu diệt số quân minh còn lại ở Xương-giang và bắt sống Thội Tụ, Hoàng Phúc. Ngày 29 tháng 9, quân Minh mới từ Phố Cát tiến xống Xương-giang và bị quân ta bao vây bốn mặt. Ở đây có 2 khả năng:

─ Hoặc do chép nhầm và phải chữa lại là ngày 15 tháng 10.

─ Hoặc Nguyễn Trãi viết thư này vào ngày 29 tháng 9, ngay sau trận Phố Cát. Lúc đó, số quân Minh còn lại đang bị vây ở Xương-giang, chưa bị tiêu diệt, nhưng Nguyễn Trái nói như trong thư để uy hiếp tinh thần Vương Thông.
 
15. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM LÀ LÊ LỢI
THƯ GỬI QUAN TỔNG BINH VƯƠNG ĐẠI NHÂN, THÁI GIÁM SƠN ĐẠI NHÂN XÉT(1)
Tôi thường nghe: thời có nước thịnh suy, quan hệ ở vận trời; việc có thành bại thực bởi tại người làm. Nay thử lấy những việc đã qua, kể ra từng việc để các đại nhân rõ, rồi sau lấy việc ngày nay bày tỏ sự thực, có nên không? Trước đây về giao ước hòa giải, không những lòng của tôi và của các đại nhân đều được yên, mà cả đến lòng quân sĩ của hai nước đều thế, ai cũng vui mừng nhảy nhót tự bảo rằng: cả Nam lẫn Bắc từ nay trở đi đều được vô sự.

Tại sao hai ông Phương và Mã cố chấp ý riêng của mình, nệ mà không thông, đến nỗi làm ngăn trở việc hòa ước của hai bên. Thế tức là người xưa có câu: “Một lời nói làm hỏng việc” há chẳng đáng tin sao? Từ đấy biến thân thiết làm thù địch, chuyển yên làm nguy. Hàng ngày chỉ nghĩ việc đánh nhau, lại làm cho kẻ không có tội bị gan óc dây đầy cỏ nội, khí tức giận xông lên tận trời. Nước lớn lỗi đạo giải hòa, vỗ yên người xa, nước nhỏ thiếu lễ kính trời thờ nước lớn. Xét ra việc làm ấy là lỗi của ai? Song việc trước đã qua, thực không thể lấy lại được. Hiện nay có An viễn hầu là Liễu thăng vâng mệnh (triều đình) đem hơn 10 vạn quân, đi đến Quảng-tây, đã hai lần sắc thư gọi về, Liễu thăng trót đã mang quân ra, chống lại mệnh lệnh mà cứ đi. Quân đi đến Lễ-giang, bị tai họa đắm thuyền, chết đuối đến hơn một vạn người. (Đó là), trời bảo cho biết đã rõ lắm rồi. Còn khi đi đường, người trốn, kẻ chết kể có đến hàng vạn người, lòng người không thuận, oại có thể thấy rõ hơn đấy. Khi đến Nam-ninh, lại có sắc chỉ đòi về, đó là bởi các quan ở trong triều tất có người biết thời thông biến, biết đem chính đạo can vua, muốn cho thánh thượng lại làm như việc dấy lại dòng giống đã tuyệt, nối lại cho nước đã bị diệt, như vua Thang, vua Vũ ngày xưa, mà không bắt chước việc làm thích khoe khoang, ưa lập công của nhà Hán, nhà Đường, Liễu thăng không nghĩ đến mức ấy, không xét thời trời, không biết việc người, chỉ lấy việc chém giết làm oai, ý muốn đánh giết không sót người nào. Đã trái lòng người lại trái mệnh vua, (Liễu thăng) tiến qnân đến cửa ải Chi-lăng, cùng với quân lính giữ cửa ải ấy của ta đánh nhau kịch liệt một trận, rốt cuộc bị quân ta giết chết. Còn lại Bảo định bá(2) lại thu họp tàn quân, ngày 25(3) tiến ra Cần-trạm(4), lại bị quân ta giết chết; Lý thượng thư(5) cũng bị chết tại trận, duy có Thôi đô đốc một mình chạy thoát, thì lại tức tối không thể thôi được, ngày 28 tiến quân đến phố Cát(6), lại bị quân ta đánh cho thua, quân nhân đều mạnh ai nấy chạy, ẩn trốn tan nát, khí giới cũng bị mất hết chỉ còn lại hơn một vạn quân(7), quân ta đến nơi bao vây bốn mặt, muốn tiến không hay, muốn lui không được. Đến nay, đã 1 tháng, 14 ngày(8), lương thực hết cả, quân nhân chết đói xác chất thành núi. Kế cùng sức hết, bèn xông vòng vây mạo hiểm ra đánh, từ giờ mão đến giờ thân, sức không thể chống được. Quân của Thôi công, lại ngay khi đó bị đánh giết gần hết, chỉ còn lại người gầy yếu ốm đau, tự mở cửa trại ra hàng. Ta tuy không giết chết, cũng là bởi Thôi công trái mệnh trời, rước lấy tai họa. Mà câu nói là: “Việc thành hay bại, thực bởi người làm ra”, há chẳng đúng lắm ư?

Ví bằng việc hòa giải đã xong, thì ngày nay tất không có cái họa Liễu Thăng, mà cái ơn của đại nhân như ơn cha mẹ khi trước, quyết không thể quên được. Nay đem chân tình thực ý, phúc báo để cùng biết. Nếu như các đại nhân lại theo đúng ước xưa, tôi mong được Sơn đại nhân sang qua sông cùng họp, tôi sẽ xin lui quân về các vùng Thành-đàm, Ái-giang, để cho đại nhân được thung dung trở về nước. Phàm trời sở dĩ cần quyền đưa ra ý kiến không ngại phiền phức, chính là lấy lòng thành của nước nhỏ thờ nước lớn, muón mưu việc lâu dài trên thuận lòng hiếu sinh của trời, dưới cứu thoát nhân dân từ trong chỗ nước sôi lửa bỏng. Nếu khong thế, xua nhân mệnh vào đám tên đạn, để quyết sống mái, thì tôi xin quyết ý mà làm, cần gì phải nói đi nói lại mãi làm gì?

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.

(1) Nhận được thư trước (thư số 14), Vương Thông biết tin viện binh đã bị diệt. Nhưng hắn còn hoài nghi, chưa trả lời và vẫn đóng cửa thành cố thủ. Nguyễn Trãi viết tiếp thư này gửi cho Vương Thông và Sơn Thọ. Theo chính sử của ta thì sau chiến thắng Chi-lăng - Xương-giang, Lê Lợi sai thông sự Đặng Hiếu Lộc giải Thôi, Tụ Hoàng Phúc cùng một số tù binh, mang theo song hổ phù, ấn bạc của Liễu Thăng và khí giới, cờ trống, số quân bắt được, đến dưới thành Đông-quan cho quân Minh tận mắt thấy rõ ràng bằng chứng của sự thất bại (Toàn thư, q. 10, 42a).

(2) Sau khi Liễu Thăng chết, phó tổng binh là Bảo-định bá Lương Minh lên nắm quyền chỉ huy.

(3) Ngày 25 tháng 9 năm Đinh mùi (ngày 15-10-1427).

(4) Cần-trạm nay là vùng Kép, huyện Lạng-giang, Hà-bắc. Ở đây còn di tích một thành lũy cổ tương truyền do quân Minh xây, nhiều địa danh và truyền thuyết gắn liền với chiến trận chống quân Minh. Trận Cần-trạm có được Nguyễn Trãi ghi nhận trong Bình Ngô đại cáo, nhưng không được chép rõ trong chính sử như Toàn thư, Cương mục.

(5) Bình Ngô đại cáo, Toàn thư (q. 10, 40b) đều chép thượng tư Lý Khánh chết ngày 28 tháng 9 (ngày 18 tháng 10-1427), tức trận Phố Cát trong thư này. Do đó câu “Lý Thượngthư cũng bị chết tại trận” đáng lẽ phải đưa xuống dưới, đặt sâu câu “ngày 28, tiến quân đến Phố Cát, lại bị quân ta đánh cho thua”.
(6) Phố Cát có lẽ là vùng Phố Tráng thuộc xã Tân Đĩnh, huyện Lạng-giang, Hà Bắc. Ngày 28 tháng 9 là ngày 18-10-1427.

(7) Thực ra sau trận Phố Cát, số quân Minh không phải chỉ hơn 1 vạn, mà còn khoảng dưới 7 vạn. Theo Toàn thư, số quân địch bị vây và diệt ở Xương-giang là: 5 vạn bị giết và 3 vạn bị bắt sống.

(8) Toàn thư (q. 10, 41b) chép rõ ngày 15 tháng 10 (3-11-1427) quân ta mở cuộc tiến công tiêu diệt toàn bộ số quân địch bị vây ở Xương-giang. Điều đó phù hợp với câu trong Bình Ngô đại cáo: “Lại hẹn giữa tháng mười diệt giặc”. Thời gian quân địch bao vây ở Xương-giang là từ sau trận Phố Cát ngày 28 tháng 9 đến 15 tháng 10 năm Đinh mùi (từ sau ngày 28-10 đến 3-11-1427) tính ra là khoảng 14 hay 15 ngày, chứ không phải 1 tháng 14 ngày. Có thể là do sao chép nhầm và nên chữa lại là 14 ngày.


16. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM LÀ LÊ LỢI TRẢ LỜI TỔNG BINH ĐẠI NHÂN, THÁI GIÁM SƠN, MÃ HAI ĐẠI NHÂN XÉT(1)
Tôi nghe: lời nói không cứ thực hay dối mà tình không thể tự che giấu được, việc phải có, phải hay trái mà lẽ không thể tự mờ tối được, duy có người trí giả mới có thể phân biệt được. Còn người chấp nhất thủ thường, mà đắm đuối vào việc nghe thấy, tất nhiên có chỗ mờ tối mà vẫn không tự xét ra.

Tôi nay nhận được thư đại nhân gửi đến(2), nói về thứ bậc lớn nhỏ, tôn ti và chia ra việc trí, ngu, được, hỏng. Lời nói ấy thực là đúng lắm. Phàm xưa nay tôi sở dĩ cần quyền đưa ra, ý kiến hai ba lần gửi thư như thế, chính là đúng như lời tôn công đã nói. Nước lớn hết đạo của nước lớn, nước nhỏ hết lòng thành của nước nhỏ. Về việc mưu tính cho nhân dân trong thiên hạ, há chẳng sâu và xa ư? Địa nhân gọi là lẽ chính, đạo lớn, trừ ra ngoài hai việc ấy, há lại có đạo lý nào khác nữa ư? Lại bảo rằng: tôi không lấy lối Diễn, Nghệ mà đối đãi với đại nhân, sao câu nói ấy không có lượng rộng thế! Tôi trước đây có bắt được quan và quân các thành, bất tất nói làm gì. Hiện nay lại mới bắt được quân lính đến hơn hai vạn: các cấp thượng thư đô đốc, đô ti, chỉ huy, thiên bách hộ, hơn một trăm người, ngựa 3.000 con, đều là tôi làm sự giả dối mà bắt được chăng? Nay tôi muốn giữ lại mấy vạn người phục dịch cho tôi cũng không ích gì, mà tiều đình lại mấy vạn người ấy cũng không tổn gì. Nay tôi liệu tính số quân của các đại nhân ở trong thành, chẳng qua chỉ độ vài mươi vạn người mà thôi. Tôi tuy lại kiếm cách lừa dối để bắt được hết cũng chẳng bổ ích gi cho việc cả. Ví bằng dùng mưu kế dĩ nhiên trong một lúc mà để mối ho cho bốn biển đến mãi vô cùng, thì chi bằng khéo tính việc dài lâu để làm phúc cho nhân dân toàn thiên hạ. Cho nên sao bằng không thấy cái này mà đổi cái kia, bỏ cái ngắn mà lấy cái dài. Do đó mà bàn, thì sự thành thực hay giả dối của tôi có thể biết được.

Nay đại nhân mang tiết việt chuyên việc đánh dẹp, thì việc quân ở cõi ngoài có thể tùy tiện mà xử trí. Huống chi việc binh không thể ở xa mà ức đạc được; việc, có việc hoãn việc gấp, có thể nhất nhất đợi lệnh triều đình được ư? Nay kẻ bày kế cho đại nhân bảo chỉ có việc đánh và giữ, cuối cùng là chết, quyết không có lẽ nào không vâng mệnh mà tự bỏ về. Thế thì câu nói là: “Đại tướng ở bên ngoài, mệnh lệnh của vua có thể có việc không tuân theo cũng được”. Câu nói ấy cho là không đáng tin ư? Huống chi bảo rằng: Chết mà có ích cho nước, dù chết cũng đáng. Nếu chết mà không bổ ích gì cho nước thì chết uổng mà thôi. Biết thế nào có ích, thế nào là vô ích? Kia như Trương Tuần giữ thành Thú-dương mà có ý che chắn cho Giang, Hoài. Nếu Giang, Hoài không giữ được thì nhà Đường sẽ nguy. Cho nên cái chết của Trương Tuần là đáng chết, không như thế, chỉ bo bo giữ tiết nhỏ mọn mà chết, làm hại cả tính mệnh của nhân dân trong một thành, thì lòng của người dân giả không làm thế. Nay, bọn các ông giữ một thành tở trọi, mà tự bảo là chịu chết theo với thành, thế thì thực có bổ ích gì cho nước không? Hay là muốn đợi khi không còn viên đạn nào đều khêu ra cái họa cùng binh độc vũ chăng! Túng nhiêu giữ được thành không bị mất thì có bổ ích gì cho Nhà nước? Nếu thành ấy bị hạ, lại có người như An viễn hầu (Liễu Thang) lại đến, để cho dân nước nhỏ phải mệt mỏi tai họa, thế là lỗi của ai chứ? Đúng như câu nói: “Tham hư danh mà chịu thực họa”.

Nếu bảo rằng: một năm không đánh được thì hai năm phải đánh được, cho đến năm năm, mười năm, hết năm này đến năm khác, cũng đến đánh được. Ta sợ rằng đức hiếu sinh của thượng đế tất không nỡ lòng như thế. Nếu quả như vậy là việc làm của đời cuối sắp suy mất. Lẽ nào ngày nay đương buổi thánh minh, mà đại nhân là vị nguyên soái có văn học, há lại không biết nhân dân có tội gì, mà nỡ để cho gặp phải họa hại lâu đến mãi trăm năm mà không dứt ư? Lại nói ngay đến chuyện nhà Hán với Hung-nô, nhà Đường với Cao-ly, đại nhân há chẳng thấy Vũ-đế (nhà Hán) xuống chiếu bỏ Luân đài; Thái tông (nhà Đường) rút quân ở Tân-thị về. Hai bậc vua ấy, nếu không biết hối lỗi, thì thiên hạ chẳng suýt nữa nơm nớp lo ư? Sách Truyện (tức Luận ngữ) có câu: “Ba người cùng đi tất có người là thầy ta, mình chọn lấy điều nào thiện thì theo, điều nào ác thì đổi đi” (三人同行必有吾師焉。擇其善者而從之其不善者而改之 Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên: trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỹ bất thiện giả nhi cải chi). Thế thì người thiện, người ác đều là thầy ta cả. Tôi không biết đại nhân sẽ lấy vua Hán, vua Đường biết hối lỗi là bậc đáng làm thầy ư? Hay là lấy vua Hán vua Đường cùng binh độc vũ là bậc đáng làm thầy ư? Sẽ lấy vua Thang vua Vũ dấy nước đã diệt nối dòng đã tuyệt làm phép nhất định chăng? Hay là lấy nhà Hán nhà Đường thích khoe khoang, ưa lập công làm phép nhất định ư?

Nay hãy bỏ việc ấy mà bàn (thiết thực ngay): đại nhân thực cho lời nói của tôi là phải thì nên theo ước trước, xin được Sơn thái giám sang qua sông cùng hội họp. Tôi cũng sai người thân ruột thịt của tôi vào thành trực hầu, để cho lời giao ước được chắc chắn, rồi sau sẽ lui quân ở các vùng Thanh-đàm, Lũng-giang(3) để cho đại nhân được thung dung đem quân về nước. Phàm các đường sá, cầu đập, lương chứa cung cấp và sản vập địa phương đem triều cống, tờ biểu lời lẽ có lễ độ, các hạng, tôi dã dự bị sẵn. Và các ông Hoàng thượng thư, Thái đô đốc, cũng đã vì tôi dâng một bản tâu lên rồi. Đại nhân nếu có thể suy lòng mình, đặt vào lòng người, thì chúng tôi còn tội gì mà nỡ lòng phụ bạc nữa? Nếu cứ như thế, kéo dài năm tháng chỉ lấy lời nói suông cùng lừa dối nhau, muốn đợi quân khác đến cứu viện, như ngày trước đã làm, ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác, rồi đại quân kéo đến, lại để cho tôi phải phía bụng, phía lưng đồng thời phải đương với địch thủ, như thế thì bọn ngu phu ngu phụ cũng còn chẳng tin được, huống chi tôi là kẻ tuy không có mưu trí mà lại tin thế ư? Những việc tôi làm đều là tình ý thực thà, có trời đất quỷ thần soi rọi trên đầu, xét ở bên cạnh. Nếu làm không đúng lời nói đã có mặt trời sáng soi.

Thư này gửi đến, cúi xin trả lời cho biết.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.

(1) Vương Thông đã viết thư trả lơi cho Lê Lợi nhưng còn tỏ ra lo sợ, nghi ngại. Hắn sợ tự bỏ thành rút quân về thì mang tội với triều đình. Hắn sợ ta lừa dối, không bảo đảm cho hắn và quân Minh được rút về an toàn. Lê Lợi - Nguyễn Trãi chủ trương khép chặt vòng vây quanh thành Đông-quan và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để khi cần thiết sẽ hạ thành, nhưng mặt khác vẫn kiên trì dụ hàng Vương Thông, mở đường rút lui cho quân Minh. Trong thư này, Nguyễn Trãi dùng lý lẽ xác đáng, có lý có tình để bác bỏ mọi lo lắng của Vương Thông và đề ra việc trao đổi con tin, cử Sơn Thọ sang sông họp bàn trực tiếp.
(2) Theo Toàn thư (q. 10, 42b), tháng 11 năm Đinh mùi, Vương Thông, Sơn Thọ sai thiên hộ họ Hạ đem thư sang xin giảng hòa với Lê Lợi.

(3) Thanh-đàm nay là Thanh-oại, Hà-tây, Lũng-giang là sông Đáy, đoạn phía bắc.


17. THƯ LẠI GỬI CHO VƯƠNG THÔNG
Tri phủ phủ Thanh-hóa là Lê Lợi thư trả lời tổng binh quan Vương đại nhân và các vị đại nhân và các vị cùng soi xét:

Bữa nọ tôi gửi thư đến, chưa được trả lời, sai thông sự đi nói mồm không có gì làm bàng. Song, việc trước đã qua, khó lấy lại được, từ nay về sau, nên biết hối cải, chớ diễn lại nữa. Đại nhân nếu nghĩ đến nhân dân một phương An-nam, như đứa trẻ chập chững không biết gì, không nỡ để cho kẻ không có tội mà bị giết chết, thì lời nói ngày trước có thể không sai.

Tôi xin lại phiền Sơn đại nhân là người già cả sang qua sông cùng họp (với chúng tôi). Tôi cũng sai một hai đầu mục hoặc người thân tín của tôi vào thành hầu tiếp. Tất phải như thế thì lòng ngờ vực của đôi bên mới tiêu tan được. (Sau đó), tôi lập tức lui quân, dẹp mở đường về (cho quân đại nhân). Phàm đại nhân có truyền bảo gì, tôi đều nghe theo hết. Nếu hoặc không thế, thì muôn nghìn câu nói, sợ cũng đều hão cả thôi. Đêm trước các lộ Thiên-trường, Nam-sách, người canh giữ ở cửa sông Tân-hà, thấy quan quân hàng ngày đánh đuổi, tên đạn bắn xuống nhiều, không nơi náu mình, bèn bàn nhau đắp con đường quai nhỏ, để làm kế náu mình(1), xin đại nhân chớ có hiềm nghi. Nghĩa lớn một khi đã nhất định, thì mọi việc khác không nên để ý lo ngại. Lòng tôi thực hay dối, lâu ngày sẽ biết rõ. Thư này gửi đến, kính xin trả lời cho biết. Thư nói không hết lời.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.

(1) Để khép chặt vòng vây thành Đông-quan, quân ta đắp một số lũy sát thành. Theo Toàn thư thì tháng 8 năm Đinh mùi, quân ta chiếm đê Vạn-xuân, đắp thành lũy phía nam thành. Tháng 11, quân ta lại đắp thêm hai lũy sát cửa nam và cửa bắc thành. Trong thư, Nguyễn Trãi nói chỉ là những “con quai nhỏ” và tìm cách giải thích để Vương Thông bớt lo ngại.

18. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM LÀ LÊ LỢI THƯ GỬI TỔNG BINH QUAN VƯƠNG ĐẠI NHÂN, THÁI GIÁM SƠN, MÃ HAI ĐẠI NHÂN, CÁC VỊ XÉT(1)
Về việc tôi muốn các đại nhân rút quân về, trước sau chưa từng thay đổi, ma mà được thỏa lòng mong muốn ấy, là tự trời. Không may mà không được thỏa lòng mong muốn ấy cũng bởi tự trời. Nhưng, bảo rằng “lấy đất đem cho người, không phải là người làm tôi được tự chuyên”, thì tôi thiết nghĩ là không phải.

Từ đời xưa, đế vương trị thiên hạ chẳng qua chỉ có “chín châu” mà nước Giao-chỉ lại ở ngoài “chín châu”. Xét ra từ xưa Giao-chỉ không phải là đất của Trung-quốc rõ lắm rồi. Lại khi buổi đầu mới dẹp yên (Giao-chỉ), Thái tông hoàng đế có chiếu tìm con cháu họ Trần để cho giữ việc thờ cúng. Thế là ý của triều đình vẫn không cho đất Giao-chỉ là đất của Trung-quốc. Vả lại, lời huấn của Thái tổ Cao hoàng đế để lại, hãy còn rõ ràng, cứ theo thế mà làm, có gì mà không nên. Huống chi đất ở ngoài cõi xa không dùng gì, nếu giữ lấy thì chỉ tốn cho Trung-quốc, bỏ đi thì dân Trung-quốc lại có thể sống lại. Thế thì bỏ đi và giữ lấy, nên hay không, tuy đến muôn đời sau ta cũng có lời nói được. Ai bảo là đại nhân ngày nay ở ngoài cửa ngoại thành, rút quân về mà không có danh nghĩa.

Lại bảo rằng: không có việc nước nhỏ chống lại nước lớn, để cho bốn rợ di trông vào. Thì, như tôi nghe lại khác thế. Kể ra, nước nhỏ sợ trời, nước lớn vui trời, nước lớn nước nhỏ đều được phải đạo cả. Như Thái vương nhà Chu thờ nước Huân-dục; vua Văn đế nhà Hán hòa với Hung-nô. Hai vua ấy há chẳng đáng làm phép cho muôn đời sau ư? Vả lại, tôi nay muôn dặm vượt thuyền, trèo thang, đúc vàng làm người, dâng bản tâu tạ tội, xưng làm bầy tôi nộp cống phẩm, lại đem những quan quân đã bắt được quân hơn mấy vạn người, ngựa hơn mấy vạn con, và Hoàng thượng thư, Thái đô đốc cùng đô ti chỉ huy, thiên bách hộ hơn một vạn người, đều trở về kinh sư hết. Thế là tôi dám kháng cực với nước lớn ư?

Lời bàn của triều đình nếu biết lại lấy điều chương của Thái tổ Cao hoàng đế và tờ chiếu của Thái tông Văn hoàng đế lại đem ra mà làm, thì ai bảo không phải là để cho bốn rợ, muôn nước trông vào? Tôi nghe: đấng vương giả trị nước ngoài, coi như là không thèm trị để mà trị; chưa nghe thấy làm nhọc dân, đem quân để làm việc ở chỗ đất vô dụng mà làm cho bốn rợ, muôn nước trông vào bao giờ. Tôi không biết ý của đại nhân thế nào?

Vả lại, đất Giao-chỉ từ mấy năm nay đến giờ, trồng dâu làm ruộng đều thất nghiệp, cùng nhau đau xót kêu gào. Hoặc cón giờ bảo rằng: nếu quân nhà vua không rút về thì đánh nhau không bao giờ thôi. Vả lại, chiếu lệnh của thiên tử, biết rõ có xã tội chăng? Hay lại hỏi tội cũng chưa biết chừng. Ngày nay, quân nhà vua tiến hay dừng lại, do ở đại nhân đạt quyền thông biến mà thôi. Tôi xem trong thư giử đến đã nói, và suy xét rõ lời nói của đại nhân, chẳng qua (đại nhân muốn) bảo là nghị luận là việc làm của tôi đều không tin được. (Đại nhân) sợ rằng, ngày rút quân về, hoặc có mưu kế gì khác chăng. Cho nên dùng dằng ngờ vực mà không thể quyết được. Kin thi có câu:

“Người khác có lòng, ta lường tính xem”. Tôi sở dĩ cần quyền gửi thư, đi đi lại lại không dứt, chính là ơn của đại nhân như trời đất cha mẹ, không ngày nào quên, mà cái lẽ nước nhỏ thờ nước lớn lại không thể thiếu được. Có thế may ra sẽ không còn lo về sau nữa. Nếu không, như người trước đã bảo: “Có đất thì phong lại còn xin gì”? Như thế thì tôi quyết ý không cùng đi lại với đại nhân nữa, còn đợi gì rút quân hay không rút quân?

Cúi xin đại nhân thương đến cho, may lắm.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.

(1) Thư gửi cho tổng binh Vương Thông, thái giám Sơn Thọ và Mà Kỳ ở thành Đông-quan. Trên cơ sở những thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định đã giành được, Nguyễn Trãi tiếp tục phân tích hơn thiệt mọi lẽ, mở ra lối thoát cho quân Minh để sớm kết thúc chiến tranh. Thư gửi khoảng tháng 11 năm Đinh mùi.

19. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM LÀ LÊ LỢI
THƯ GỬI QUAN TỔNG BINH VƯƠNG ĐẠI NHÂN CÙNG HAI VỊ THÁI GIÁM SƠN VÀ MÃ SOI XÉT(1)
Tôi nghe: thiên hạ được yên hay phải nguy, sinh dân bị họa hay hưởng phúc, thực do ở việc binh, mà giữ quyền lấy hay bỏ, cho hay cướp lấy, lại quan hệ ở người làm tướng. Cho nên có câu nói rằng: “Tướng là người giữ vận mệnh của quân”.

Nay đại nhân chuyên việc đánh dẹp ở ngoài cửa ngoại thành trở đi. Một địa phương Giao-chỉ, mệnh mạc của dân chúng, cùng là trong thiên hạ yên hay nguy, do ở ngày nay quân của nhà vua tiến đi hay dừng lại. Vì bằng đại nhân không nghĩ đến lợi hại riêng mình, chuyên vì thiên hạ mưu tính công việc, thì chỉ cốt ở một tấm lòng thành thực mà thôi. Nếu quả là lòng thực chăng, thì nên đem lòng thực của mình đặt vào lòng người, quả là không có lòng thực chăng, thì trăm thứ lo, vạn thứ nghĩ, phòng giữ quá cần, mà việc đưa đến tất có việc xây ra ngoài ý nghĩ của mình. Như bảo rằng người tâu việc đi ra ngoài cõi, cần phải có được thư tín chắc chắn, có bằng cứ về báo, chỉ có một việc ấy, sao cho là tin cả được. Tôi có thể lui quân và voi ngựa về Thanh-đàm; dìm thuyền xuống sông Xương-giang, nhưng nếu lồng tôi không thành, thì quân và voi ngựa đã lui cũng có thể lại tiến được, thuyền đã dìm xuống ấy cũng có thể làm lại cho nổi lên được. Huống chi trong khoảng dọc đường, đi đến đâu mà không có chỗ đáng ngờ. Như thế chỉ nhọc lòng tốn nghĩ uổng công, mà không ích gì cho việc cả.

Vả lại, Nhân Chú (hay Thụ) là con tôi, Nguyễn Trãi là mưu sĩ của tôi. Tất cả công việc phá thành đánh trận đều là công của hai người ấy. Các đại nhân há lại không biết Nhân Chú, Nguyễn Trãi(2) là con tin, thì lòng nghi ngờ của các đại nhân cũng có thể tiêu tan được chứ. Nay đại nhân chòn cho là chưa đủ tin, thì tôi không còn biết lấy kế gì câu nói gì để đại nhân cho là đáng tin được. Đại nhân nếu có lòng thương mà nghe lời tôi thì không những là may riêng cho một địa phương nước Giao-chỉ mà cũng là may chung cho cả thiên hạ nhân dân. Nếu không được đại nhân ưng thuận thì không thể làm thế nào được, tôi xin chịu tội lỗi với triều đình, chỉ có một điều là chết mà thôi.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày

(1) Trong thư này, Nguyễn Trãi đề nghị trao đổi con tin để xóa mối hoàn nghi của Vương Thông.

(2) Theo Toàn thư (q. 10, 44b thì lúc đầu Lê Lợi sai Lê Quốc Trinh và Lê Như Trì vào thành Đông-quan làm con tin. Sau đó Lê Lợi lại sai Tư Tề là con trai trưởng và Lưu Nhân Chú là một tướng lĩnh cao cấp, sang Đông-quan thay làm con tin. Vương Thông cũng cho Sơn Thọ, Mã Kỳ sang dinh Bồ-đề làm con tin. Trong cả hai trường hợp, Nguyễn Trãi không làm con tin. Về điểm này, bức thư có chỗ không phù hợp với chính sử, xin nêu ra để xác minh thêm. Có thể do sao chép sai lạc và cũng có thể là điều kiện đề ra trong thư nhưng sự thực hiện sau này có thay đổi. Một điểm nữa là trong thư nói: “Nhân Chú là con tôi (tức con Lê Lợi)”, thi không đúng và cũng không thể lừa quân Minh được.

20. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM LÀ LÊ LỢi
(THƯ GỬI VƯƠNG THÔNG (?))(1
Tôi tiếp được thư, thấy lòng của đại nhân rất thành, có thể động đến trời đất, cảm được quỷ thần. Quả đúng như lời, thì không những may riêng cho nước An-nam, cũng là may chung có cả nhân dân trong thiên hạ. Chí nguyện của tôi từ đây thỏa mãn rồi, lại còn phải nói gì nữa. Xin cùng với các đại nhân giết muông sinh uống máu, đối chứng với quỷ thần, rồi sau tôi sai người thân ruột thịt và người đại đầu mục thay thế cho bản thân tôi, hoặc đại tiểu đầu mục năm ba người, đến thành đợi chỉ thị. Đại nhân thì sai Sơn đại nhân sang qua sông nói chuyện để cho lời ước được chắc chắn thêm, và xem lại công việc làm của tôi, quả là thực chăng hay dối dá chăng?

Tôi tự lui quân ở các vùng Ninh-kiều(2), Lũng-giang để đại nhân được thung dung sắp quân về nước. Khi đến Khâu-ôn, tức thì trả lại ngay các đầu mục của tôi nói trên đây trở về; tôi cũng thân cho đưa bọn Sơn đại nhân ra đến đấy. thế thì lòng ngờ vực của đôi biên đều tiêu tan mà lòng mọi người đều yên cả. Tất cả đường sá cầu đập, lương chứa cung ứng, đều đã đủ cả, không dám thiếu gì. Còn Hoàng thượng thư, Thái đô đốc, bố chánh, án sát, chỉ huy, thiên, bách hộ, quan lại ở phủ, châu, huyện; quan quân ở các xứ Tân-bình, Thuận-hóa, Diễn-châu, Nghệ-an, Tam-giang, và quân nhân, ngựa nghẽo bắt được của An viễn hầu, hết thảy đưa trả về đủ số. Chỉ có bẩm lại như thế thôi, không có nói gì khác nữa. Cúi xin đại nhân soi xét.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.

(1) Vương Thông và bọn tướng Minh dù ngoan cố nhưng cuối cùng cũng phải xin giảng hòa rút quân về nước mà thực chất là chịu thất bại, đầu hàng. Thư này, Nguyễn Trãi đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện sự thỏa thuận như sau: trao đổi con tin, ăn thề, bảo đảm sự rút lui an toàn cho địch…

(2) Ninh Kiểu vốn là cầu qua sông Ninh tức sông Đáy, thuộc huyện Chương-mỹ, Hà-tây.
 
21. BÀI VĂN HỘI THỀ(1)
Ghi rõ: năm Tuyên-đức thứ hai của nước Đại Minh là năm Đinh mùi tháng 11 ngày mồng 1 là ngày Ất dậu qua đến ngày 24 là ngày Mậu thân(2).

Tôi là đại đầu mục nước An-nam tên là Lê (Lợi) và bọn Trần Văn Hãn, Lê Nhân Chú, Lê Vấn, Trần Ngân, Trần Văn Xảo, Trần Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Trần Lý, Phạm Bôi, Trần Văn An, Bế Khắc Thiệu, Ma Luân(3), cùng với:

Quan tổng binh của Thiên triều là thái tử thái bảo Thành-sơn hầu tên là Vương Thông, và các quan tham tướng hữu đô đốc là Mã Anh, Thái giám là Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh xương bá là Trần Trí, Yên bình bá là Lý An, đô đốc là Phương Chính, Chương đô ti sự Đô đốc Thiêm sự là Thuế Lự, đô đốc thiêm sự là Trần Hựu, giám sát ngự sử là Châu Kỳ Hậu, Cấp sự trung là Quách Vĩnh Thanh, bố chính là Dặc Kiêm, tả tham chính là Thanh Quảng Bình, hữu tham chính là Hồng Thừa Lương, hữu tham nghị là Lục Trinh, Án sát sứ là Dương Thời Tập, thiêm sự là Quách Hội(4);

Kính cáo Hoàng thiên (trời), Hậu thổ (Đất) cùng với Danh sơn (núi), Đại xuyên (Sông) và thần kỳ các xứ:

Chúng tôi cùng nhau phát tự lòng thành, ước hẹn thề thốt với nhau:

Từ sau khi lập lời thế này, quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông quả tự lòng thành,đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng, để đợi viên binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lí trong bản tâu, đúng lời bán trước mà làm.

Bọn Lê (Lợi) chúng tôi nếu còn chứa giữ lòng làm hại, tự làm việc lừa dối, không dẹp xa ngay quân lính ngựa voi, việc làm không đúng lời nói ngầm sai… Các việc nói trên tuy là không tự mình làm lấy, lại chuyển sang người khác có xâm phạm đến một chút nào tức thì Trời, Đất, thần minh, núi cao sông lớn, cho đến thần kỳ các xứ, tôi cùng con cháu thân của tôi, và người cả một nước tôi, giết chết hết cả, không để sót lại mống nào.

Về phía bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thề (đối với việc) người phục dịch và các thuyền đã định rồi, cầu đập đường sá đã sửa rồi, mà không làm theo lời bàn, lập tức đem quân về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viên binh, cùng là ngày về đến triều đình lại không theo sự lí trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông ở nước An-nam lại bàn khác đi, hoặc cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân, thì Trời, Đất cùng là Danh sơn, Đại Xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà.
Nếu mà cả hai bên đều do lòng thành cả thì Trời Đất thần minh đều phù hộ cho đến bản thân mình mạnh khỏe, trong nhà mình vinh thịnh, cùng hưởng lộc vị, đều được bình yên.

Trời, Đất thần kì cùng soi xét cho!

(1) Viện binh bị tiêu diệt, quân Minh bị vây ở Đông-quan và các thành bị lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt. Vương Thông dù ngoan cố, cuối cùng cũng phải “giải giáp xin hàng” (Lam-sơn thực lục), Nhưng để mở lối thoát cho kẻ thù và tôn trọng thể diện của triều Minh, Lê Lợi - Nguyễn Trãi cho Vương Thông “giảng hòa” rút quân về nước. Theo Toàn thư (q. 10, 43b-44a), ngày 22 tháng 11 năm Đinh mùi (ngày 10-12-1427), Lê Lợi cùng với Vương Thông “họp thề ở phía nam thành, hẹn đến ngày 12 tháng 12 (29-12-1427) thì đem quân về nước”. Đây là văn thề trong hội thề đó.

(2) Ngày Ất dậu mồng 1 tháng 11 năm Đinh mùi là ngày 10-11-1427. Ngày Mậu thân 24 tháng 11 là ngày 12-12-1427.

(3) Danh sách những người trong phái đoàn Lê Lợi chép văn bản này có người đổi sang họ Lê như Lê Nhân Chú (vốn họ Lưu), Lê Vấn vốn họ Phạm), do được ban “quốc tính” họ vua) như thường thấy trong nhiều tài liệu khác, nhưng có người đổi sang họ Trần như Trần Ngân (vốn họ Lê), Trần Văn Xảo (vốn họ Phạm), Trần Bị (vốn họ Bùi), Trần Lý (vốn họ Nguyễn), Trần Văn An (vốn họ Lê). Trong quan hệ bang giao với nhà Minh lúc bấy giờ, Lê Lợi lấy danh nghĩa là người phò tá Trần Cảo, lập con cháu nhà Trần lên làm vua. Đổi một số người sang họ Trần nhằm chứng tỏ với nhà Minh sự tham gia của nhiều người thuộc họ Trần hoặc ban “quốc tính” cũng theo họ Trần (Trần Cảo được lập làm vua). Thực ra trong số những người đó chỉ có Trần Nguyên Hãn (sách chép là Trần Văn Hãn, có lẽ là do chép nhầm chữ Nguyên ra chứ Văn là con cháu vua Trần. Bế Khắc Thiệu, Ma Luân là những tù trưởng dân tộc thiểu số.

(4) Danh mục những người trong phái đoàn Vương Thông chép trong văn bản này có 4 người không phù hợp với Toàn thư (q. 10, 41a):

─ Thuế Lự, Toàn thư chép là Trần Tuấn.

─ Tả tham chính Thanh Quảng Bình, Toàn thư chép là hữu tham chính Lục Quảng Bình.

─ Hữu tham chính Hồng Thừa Lương, Toàn thư chép là tả tham chính Hồng Bỉnh Lương.

─ Quách Hội, Toàn thư chép là Quách Đoan.
 
22. BÀI BIỂU TIẾN CỐNG, TÂU TRÌNH TẠ TỘI(1)
Đại đầu mục nước An-nam, thần là Trần Cảo, thực rất sợ hãi rạp đầu dâng lên mấy lời:
Thần kính thấy năm Vĩnh lạc thứ 4 (1406) sau khi đại quân dẹp yên cõi Giao-chỉ, người trong nước lại sinh ra nhiễu loạn. Thần lánh mình sang nước Lão-qua để kéo dài hơi thở tàn. Không ngờ người trong nước lại bức bách thần về nước, cho đến nỗi này. Thần tự biết tội thần đáng chết muôn phần, kính xin dâng biểu trân tình tạ tội.

Kính nghĩ: đánh kẻ có tội cứu vớt nhân dân, là thánh nhân làm việc đại nghĩa, dấy nước đã diệt, nối dòng đã tuyệt, là vương giả có lòng chí nhân. Xét từ đời xưa, vẫn có thường điển(2). Thần trộm nghĩ, đất cõi Giao-nam thực là nơi ở bên ngoài (bốn) biển (Trung-quốc). Nhà Hán, nhà Đường tuy đặt làm quận huyện, mà thực ra chỉ ràng buộc qua loa; đời Tống, đời Nguyên cũng có đem quân dẹp yên, mà sau lại ban phong tước mệnh. Đến khi thái tổ Cao hoàng đế ta mở vận, cha ông thần, trước cả các nước (cho người) đến chầu. Hàng năm tiến cống đế đình, liền đời nối phong vương tước. Mời rồi, vì Hồ Quí Ly không có đức để đến nỗi làm mệt quân thiên triều đi đánh xa, Triều đình khoan nhân, xuống chiếu tìm con cháu họ Trần đểgiữ việc thờ cúng; biên thần tâu bậy xin đặt (Giao-chỉ) làm quận huyện mà bổ quan cai trị. Tuy lòng Thiên triều chăm việc dạy dỗ tác thành, nhưng tục mọi rợ chưa thể biến đổi được hết. Rủ nhau trái lời dạy bảo, cùng nhau thường vẫn làm càn.. Nhân dân lưu li liền năm chết hại không sao xiết kể; quân lính đánh dẹp nhiều hồi khốn khổ rất là đáng thương. Thần ban đầu cũng vì trong lúc vội vàng, mà chiều theo lòng chúng; đến sau bởi tự nghĩ ngu xuẩn mà can phạm phép trời. Tự biết tội lỗi do mình làm ra, thường nghĩ náu mình không nơi ẩn trốn, có đau đớn mới biết thét gào, là lẽ thường tình tất nhiên; thấy tội lỗi tự biết đổi thay, chắc được thánh nhân dung thứ, hết lòng thành sự tình bày tỏ; kêu nhà vua mệnh lệnh rộng ban.

Kính nghĩ, hoàng đế bệ hạ, như thiên địa chở che; như nhật nguyệt soi sáng. Như mùa xuân nuôi sống, như đáy biển thênh thang, tỏ ra lượng cả bao dung; như áng mây kéo phủ, như hạt mưa thấm nhuần, rày khắp ơn trên đào tạo. Cho là tổ tiên của thần hết lòng trung nghĩa, mà trèo non vượt biển không ngại xa xội; thương đến nhân dân của thần, không mắc tội tình mà khốn khổ lầm than, không may đụng độ. Xá lỗi, tha tội, rộng suy hiếu sinh đức tốt; nghĩ bình yên dân, dùng đến chỉ qua(3) vũ thuật. Thần dám chẳng ghi lòng tạc dạ, theo thuận dâng trung. Dâng biểu xưng là thần chức phiên bang từ nay xinh kính giữ; kính trời, thờ nước lớn, lòng nước nhỏ xin hết tiết chân thành. Thần, lòng dưới trông trời thành, khôn xiết vui mừng, kính dâng tờ biểu, bày tỏ tạ tội, tâu lên ngự lãm.

(Danh sách các cống phẩm gửi theo):

─ Hai pho tượng người vàng người bạc thay cho bản thân để thân để tạ tội, cộng nặng 200 lạng

(1 pho vàng nặng 100 lạng;

1 pho tượng bạc nặng 100 lạng)

─ Sản vật địa phương:

Lương hương bạc 1 cỗ,

Bình cắm hoa bạc một đôi, cộng nặng 300 cân,

Lụa thổ sản 300 tấm,

Ngà voi 10 chiếc(4)

Hương xông áo 20 bánh, cộng 130 cân.

Hương nén 20.000 nén.

Trầm hương, tốc hương 24 khối.

─ Số người đầu mục tiến kinh(5)

Đầu mục 4 người là: Lê Dĩnh, Lê Cảnh Quang Lê Đức Huy, Đặng Hậu Lộc.

─ Các hàng trả về:

Hai đài Song hổ phù của tổng binh quan An viễn hầu lĩnh chinh lỗ phó tướng quân.

Một quả ấn bạc.

Các quan và quân nhân: 13.587 viên danh,

Quan coi quân: 280 viên,

Quan coi dân và điển lại: 137 viên,

Kỳ quân: 13.170 viên danh(6).

Ngựa: 1.200 con.

(1) Theo Toàn thư (1. 10, 45b-46a), ngày 20 tháng 11 năm Đinh mùi ( ngày 17-12-1427), Lê Lợi sai sứ bộ sang Yên-kinh đem “tờ biểu và sản vật địa phương” để “trần tình” với nhà Minh và xin phong cho Trần Cảo. Sứ bộ gồm có Hàn lâm đại chế Lê Thiếu Dĩnh, chủ thư sứ Lê Cảnh Quang làm Thẩm hình viện sứ; Quốc tử bác sĩ Lê Đức Huy, Kim Ngô vệ tướng quân Đặng Hiếu Lộc làm Thẩm hình viện phó sứ và bốn người đi theo (tòng nhân) là Nội lệnh sử Đặng Lục, Lê Trạc, Vũ vệ tướng quân Đõ Lãnh, Trần Nghiễm. Đây là bài biểu của sứ bộ đó. Tháng 3 năm sau (năm Mậu thân, 1428), sứ bộ dến Yên-kinh và cuối tháng 4 trở về đến Đông-đô.

(2) Thường điển: lề lối thường làm.

(3) Chữ “chỉ ”. chữ “qua ”, là hai phần chữ “vũ ”, nghĩa là dừng cái giáo lại.

(4) Toàn thư (1. 10, 46a) chép: ngà voi 14 chiếc.

(5) Bản chép viết chữ “Việt kinh 越京” cũng có nghĩa, nhưng ngờ là viết sai, có lẽ đúng ra là chữ “tiến kinh 進京”.

(6) Toàn thư (1. 10, 46a) chép: kỳ quân 13.180 người.
 
23. THƯ GỬI CHO (VƯƠNG) THÔNG, (SƠN) THỌ(1)
Mới rồi tiếp được thư của ông, theo lời trong thư thì công việc đại khái cố nhiên đã định rồi. Nhưng, về chi tiết bên trong, còn có chỗ chưa ổn. Tôi thực là người khí lượng nhỏ hẹp, kiến thức nông cạn, không được như ông, độ lượng rộng lớn, không vì là không bao dung. Xin ông cố gượng y theo thì thật may cho tôi lắm.

Như bảo rằng, (hãy cứ gửi) biểu văn tâu xin dâng tiến người, ngựa (đợi) báo về cho biết rồi mới đem quân ra khỏi cõi nước tôi. Thế là, ông còn có lòng ngờ, muốn tôi đem trước người và ngựa vào trong cõi đất (Trung-quốc) tạm lấy làm tin chắc chăng? Như thế e rằng đôi bên còn ngờ vực lẫn nhau. Ngày nay tôi cùng ông đều nên hết lòng rất thực, không nên còn có một ý riêng nào. Tôi thỉnh cầu: tờ biểu cùng người ngựa đi nộp ở thành Xương-giang, hôm trước thì (hôm sau) bọn các ông cũng sẽ khởi hành theo đường bộ. Còn ngoài ra các việc khác đều xin theo mệnh lệnh của ông.

(1) Vương Thông vẫn còn nghi ngại nên viết thư muốn Lê Lợi gửi biểu văn và đồ tiến cống sanh nhà Minh, cho quân lính bị bắt rút trước rồi mới chịu rút quân. Nguyễn Trãi viết thư trả lời và đề ra kế hoạch rút quân cho Vương Thông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét