Nguyễn Gia Kiểng 030

Quốc gia, dân tộc

  Trên những khái niệm rất cơ bản về chính trị hầu như chúng ta không có cùng một ngôn ngữ. Thảo luận chính trị là điều khá mới đối với người Việt, nếu thêm vào đó chúng ta lại không đồng ý trên những khái niệm như quốc gia, dân tộc, nhà nước, v.v... thì cuộc thảo luận lại càng khó khăn. Điều này thực ra không đáng ngạc nhiên lắm vì ít nhất hai ly do.

Lý do đầu tiên là do chính sự phức tạp của những khái niệm chính trị cơ bản, đó là những phát minh rất phức tạp của trí tuệ mà cho tới nay vẫn chưa có đồng thuận dứt khoát.

Lý do thứ hai là do cách tiếp cận của người Việt nam (đúng ra là của người Trung Hoa mà người Việt bắt chước) đối với các khái niệm chính trị đến từ phương Tây. Cách tiếp cận này là lấy một từ ngữ được coi là tương đương của ngôn ngữ Trung Hoa để dịch một từ ngữ của phương Tây, trong khi những từ ngữ tương đương đó có thể chẳng tương đương chút nào vì chứa đựng hai khái niệm khác nhau, có khi còn ngược hẳn với nhau. Cách tiếp cận này đưa đến ngộ nhận cả trong các cuộc thảo luận lẫn trong cách suy nghĩ.

Một vài thí dụ:

Càng ngày tôi càng được đọc nhiều bài của các vị rất uyên thâm, trong đó từ ngữ dân tộc được kèm theo trong ngoặc đơn chữ nation. Các vị này muốn nhấn mạnh dân tộc có nghĩa là nation trong tiếng Pháp và tiếng Anh. Khi viết dân tộc (nation), chắc chắn tác giả rất tin tưởng về sự hiểu biết của mình và sợ người đọc không hiểu. Tuy nhiên cũng những vị này, có khi trong cùng một bài, lại dịch peuple, hay people, cũng là dân tộc, trong khi trong tiếng Pháp peuple và nation là hai khái niệm khác nhau. Tôi cũng đã từng gặp nhiều vị dịch từ kép nation-state (hay état-nation) là quốc gia dân tộc. Tôi tưởng tượng ra sự bối rối của những độc giả có đôi chút kiến thức chính trị. Cụm từ quốc gia dân tộc trong tiếng Việt từ trước đến nay vẫn chỉ là cách viết tắt của quốc gia và dân tộc. Tranh đấu vì quốc gia dân tộc có nghĩa là tranh đấu cho quốc gia và dân tộc. Mỗi ngôn ngữ có những đặc tính riêng, một trong những đặc tính của tiếng Việt là hay tiết kiệm chữ và. Chúng ta hay nói anh em họ hàng thay vì anh em và họ hàng. Tinh thần quốc gia dân tộc có nghĩa là tinh thần quốc gia và dân tộc. Từ kép nation-state (hay état-nation) có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Chúng ta sẽ còn trở lại trong đoạn sau. Ngộ nghĩnh hơn nữa, nhiều vị còn chiết tự những danh từ chính trị theo chữ Hán. Chẳng hạn như nhiều vị giải thích danh từ pháp luật bằng cách giải nghĩa pháp là gì, luật là gì, v.v... trong khi khái niệm pháp luật của phương Tây và của Trung Hoa rất khác nhau, và tác giả đang nói về luật pháp theo nghĩa thông dụng đối với mọi người hôm nay, nghĩa là theo quan niệm phương Tây, do đó không thể chiết tự theo chữ Hán.

Chúng ta đã không quen với lý luận chính trị mà lại hiểu khác nhau những khái niệm cơ bản thì làm sao hiểu được nhau? Như vậy chúng ta cần đồng ý với nhau trên ý nghĩa của một số từ ngữ trước khi muốn đồng ý với nhau về lập trường. Có thể sau khi đã đồng ý với nhau về từ ngữ, chúng ta sẽ khám phá ra rằng chúng ta không có gì khác biệt.

Tôi sắp liều lĩnh đề nghị một số định nghĩa cho một số từ ngữ cần thiết cho các cuộc thảo luận chính trị. Liều lĩnh, bởi vì quốc gia, dân tộc, nhà nước, chủ quyền, v.v... là những ý niệm tuy thường gặp nhưng lại rất phức tạp. Đã có hàng trăm cuốn sách trong đó có nhưng cuốn dầy cả ngàn trang đề cập tới những khái niệm này mà vẫn chưa sáng tỏ. Những đề nghị sau đây chỉ có thể là sơ sài. Tôi cũng tự giới hạn trong cái nhìn của một người dân chủ, nhưng điều này có lẽ cũng không thực sự là một giới hạn nếu ta hiểu rằng cái nhìn dân chủ là cái nhìn chung của cả thế giới hiện nay. Độc giả sẽ lưu ý là tôi dùng nhiều qui chiếu bằng tiếng Pháp hơn là tiếng Anh. Lý do là các dân tộc Anh và Mỹ nặng đầu óc thực nghiệm, không mất thì giờ để định nghĩa những ý niệm phức tạp về mặt lý thuyết. Họ cũng không có yêu cầu, bởi vì gần như họ không có tranh luận chính trị thực sự. Họ đã chấp nhận ngay từ đầu chủ nghĩa cá nhân tự do, với cái hệ luận tất yếu của nó là dân chủ thị trường, và không bao giờ phải đặt lại những vấn đề triết lý chính trị và chủ nghĩa. Đó là những dân tộc may mắn, nhưng cũng vì thế mà tư tưởng chính trị của họ không phong phú bằng Pháp, đất nước của các cuộc cách mạng và xung đột ý thức hệ.

Quốc gia

Trước hết là quốc gia, danh từ Việt nam để dịch chữ nation, cả trong tiếng Pháp lẫn tiếng Anh. Quốc gia là một khái niệm rất trừu tượng được phát minh ra trong cuộc cách mạng Pháp để bao gồm một lãnh thổ, một chính quyền, một di sản văn hóa trong đó thông thường ngôn ngữ là chính, một lịch sử và một tập thể nhưng con người chấp nhận lịch sử đó và di sản văn hóa đó, chịu sự chi phối của chính quyền đó và cùng xây dựng với nhau một lương lai chung. Điều khó hiểu trong định nghĩa này là phần lớn các thành tố của quốc gia lại không chắc chắn. Quốc gia Hoa Kỳ chẳng hạn đã ra đời vào lúc hầu như chưa có lịch sử với nhiều di sản văn hóa khác nhau. Lãnh thổ có thể bị chiếm đóng, chính quyền có thể bị lưu vong hoặc tạm thời tan rã, ngôn ngữ có thể không phải chỉ có một, v v. mà quốc gia vẫn có hoặc vẫn còn. Ngoại trừ dân tộc và ý định chia sẻ một tương lai chung hình như không có thành tố nào tuyệt đối phải có, mặc dầu nếu có cũng có thể làm rõ hơn sự hiện hữu của quốc gia. Một thành tố mạnh, thí dụ như di sản văn hóa, có thể bù lại cho sự yếu kém, hoặc ngay cả vắng mặt, của một hay nhiều thành tố khác

Người ta có thể định nghĩa một quốc gia bình thường nhưng lại gập bối rối lớn trong những trường hợp đặc biệt. Quốc gia trước hết là một khái niệm tinh thần và tình cảm, trong đó nguyện ước chia sẻ một tương lai chung có tầm quan trọng quyết định. Một quốc gia trong đó mọi người không theo đuổi một dự án tương lai chung, vì có nội chiến hay vì quốc gia bị đặt dưới quyền định đoạt tùy tiện của một số người trong khi đa số dân chúng không có tiếng nói trong những quyết định lớn, không còn là một quốc gia đúng nghĩa. Đồng nghĩa với quốc gia là nước, đất nước, non sông hay tổ quốc được dùng tùy trường hợp.

Nước được dùng khi ta muốn nhấn mạnh đến yếu tố địa lý. Về nước có nghĩa là về lãnh thổ Việt nam. Nước cũng được dùng khi muốn đề cập đến quốc gia một cách giản dị. Tương đương với nước trong tiếng Pháp là pays, trong tiếng Anh là country. Đất nước được dùng để chỉ quốc gia một cách tình cảm. Non sông càng tình cảm hơn vì bé nhỏ và gần gũi hơn, cũng như sơn hà, sông núi.

Tổ quốc cũng tình cảm như đất nước, non sông, nhưng nhấn mạnh hơn về lịch sử và di sản văn hóa. Chính vì nó gợi lại lịch sử và tổ tiên, mà tổ quốc có tính thiêng liêng hơn, và do đó cũng xa cách hơn đất nước. Tổ quốc, do đó, chỉ nên dùng trong những trường hợp đặc biệt trang trọng. (Dùng tổ quốc để đạt tên cho một tổ chức chính trị, nhất là một tổ chức bù nhìn như Mặt Trận Tổ Quốc, là một sự thô bỉ).

Nhà nước 

 Đi kèm với quốc gia là nhà nước, danh từ của tiếng Việt tương đương với từ état của tiếng Pháp hay state của tiếng Anh. Chắc không khỏi có những độc giả xua tay phản bác: Tầm bậy, quốc là nước, gia là nhà, quốc gia là nhà nước. Xin chớ nóng nảy, chúng ta đang nói tiếng Việt, và không phải tiếng Việt nào cũng phải rập khuôn theo chữ Hán. Máy bay trực thăng không đồng nghĩa với máy bay lên thẳng vì có những máy bay lên thẳng không phải là trực thăng. Trực thăng là loại máy bay lên thẳng và có quạt trên nóc. Người Việt nam ta hiểu khá rõ thế nào là nhà nước. Đó là toàn bộ guồng máy chính quyền: lập pháp, tư pháp và hành pháp. Nói một cách giản dị đó là quốc hội, các tòa án, chính phủ và các cơ quan thuộc quyền điều khiền của chính phủ.
Nếu định nghĩa vật chất của nhà nước khá giản dị thì ý nghĩa và vai trò của nó lại rất phức tạp. Georges Burdeau, một trong những học giả nổi tiếng của nước Pháp về các định chế chính trị, từng nói rằng nhà nước là phát minh phức tạp nhất của loài người từ ngày khai thiên lập địa. Nhận định này không phải là quá đáng. Đặc tính nổi bật của nhà nước là nhà nước là thực thể duy nhất trong quốc gia có quyền áp đặt một cưỡng chế thân xác trên con người. Nhưng đây là một đặc tính chứ không phải là một định nghĩa. Nhà nước (état, State) đảm nhiệm vai trò đại diện toàn quyền và đuy nhất cho quốc gia. Thế giới chỉ biết đến quốc gia qua nhà nước. Đối với quốc tế, nhà nước là quốc gia. Chính vì thế mà một số nước đã tự giới thiệu mình là état hay state. Trước đây chúng ta đã có Quốc Gia Việt nam, được dịch ra là état du Vietnam, hay State of Việt nam. Hiện nay có état dIsrael hay State of Israel, sắp tới có état Palestinien hay Palestinian State, có thể dịch là Quốc Gia Do Thái, Quốc Gia Palestine, nhưng thực ra là Nhà Nước Do Thái, Nhà Nước Palestine. Lý do khiến các quốc gia này hay xưng mình là état hay State thay vì nation là vì ý niệm nation vừa phức tạp vừa tình cảm mà lại thiếu sự xác nhận rõ rệt và mạnh mẽ là có một guồng máy chính quyền tự chủ.

Nếu sau hiệp ước Hạ Long năm 1948, ông Bảo Đại thay vì dùng cụm từ Quốc Gia Việt nam đã dùng cụm từ Nhà Nước Việt nam để dịch cụm từ état du Vietnam mà ông đã thỏa thuận với nước Pháp thì chúng ta đã tránh được sự lấn cấn này.

Một chức năng khác của nhà nước là có toàn quyền, theo luật định, trên khắp lãnh thổ. Một quốc gia chỉ có thể có một nhà nước. Trong trường hợp của các nước theo thề chế liên bằng phải hiểu rằng quyền hành của các chính quyền tiểu bang là quyền được chính quyền liên bang chuyền nhượng. Nhà nước Hoa Kỳ là chính quyền liên bang. Trong trường hợp nước Mỹ, chúng ta lại gặp một sự lẫn lộn do lịch sử để lại là các bang cũng được gọi là state, nhưng đó không phải là những nhà nước cũng không phải là những quốc gia. Người Đức chỉ gọi các bang là các lander (vùng).

Một danh từ khác đáng lẽ đã có thể dùng để thay thế cho nhà nước là chính quyền. Trong tiếng Việt, thói quen cho đến nay là chính quyền thường được dùng để chỉ bộ máy hành pháp, đôi khi bao gồm cả các tòa án. Thực ra chính quyền và nhà nước chỉ là một.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét