Đại Việt Sử Ký Toàn Thư .P13

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên
Tháng 12, sách phong con gái trưởng của Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn là Huy Thánh công chúa làm Lê Thánh hoàng hậu (tức là Hiến Từ thái hậu).
Lấy Uy Giản hầu (không rõ tên) làm Tham thị triều chính trị quân quốc sự. Thân thuộc có kẻ chê chức ấy thấp. Uy Giản bảo chúng:

"Bọn bay ngu quá, phàm bề tôi được chúa thượng trông tới, đều do ở lòng thánh lựa chọn, chứ không phải là sức người làm nổi, sao lại được càn rỡ nghĩ xằng? Ta may được đội ơn yêu quý, thực đã quá lòng mong muốn rồi, bàn chi đến chức cao hay thấp".

Vua nghe biết, cho là những lời nói phải.

[42b], Giáp Tý, [Khai Thái] năm thứ 1 [1324], (Nguyên Thái Định năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, đổi niên hiệu.

Xét duyệt các sắc mụ nội thị tạp lưu.

Mùa hạ, tháng 4, lấy Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn làm Nhập nội quốc phụ thượng tể, Kiểm hiệu thái úy Nhật Duật làm Tá thánh thái sư; Uy Túc công Văn Bích làm Nhập nội phụ quốc thái bảo, Văn Huệ công Quang Triều làm Nhập nội hiệu tư đồ.

Vua Nguyên sai Mã Hợp Mưu1022 , Dương Tông Thụy sang báo tin lên ngôi1023 và trao cho 1 quyển lịch.

Bọn Mưu đi ngựa đến tận đường ở cầu Tây Thấu Trì không xuống. Những người biết tiếng Hán, vâng lệnh tiếp chuyện, từ giờ Thìn đến giờ Ngọ, khí giận càng tăng.

Vua sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra đón. Trung Ngạn lấy lẽ bẻ lại, Hợp Mưu đuối lý, phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ. Vua rất hài lòng.

Rồi sau bàn việc trái ý vua, [Ngạn] bị giáng làm Thông phán châu Viêm Lãng, [43a] được tiếng là chính sự giỏi. Ít lâu sau, được thăng làm Thiêm tri Thánh Từ cung sự.

Ban cho Trần Bang Cẩn bức tranh và bài thơ. Bấy giờ, Bang Cẩn làm Đại hành khiển thượng thư tả bộc xạ, là người tín thực giữ gìn, giản dị điềm tĩnh, không xa hoa. Vua ban cho bức tranh và bài thơ rằng:

Hình dung cốt cách nại đông hàn,

Tướng mạo đình đình diệc khả khan.

Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận,

Tâm lý nan miêu cảnh cảnh đan.

(Cốt cách dáng hình chịu rét đông,

Hiên ngang tướng mạo thực nên trông.

Phong lưu mọi vẻ đều nên cả,

Vẽ sao canh cánh tấm lòng trung).

Mùa đông, tháng 12, cấm tiền kẽm.

Năm này hạn hán, sâu bọ; trâu bò, gia súa chết nhiều.

Ất Sửu, [Khai Thái] năm thứ 2 [1325], (Nguyên Thái Định năm thứ 2). Mùa xuân, đặt ty Liêm phỏng ở các lộ. Lấy Đặng Lộ làm Liêm phỏng sứ hai lộ Đại Hoàng và An Tiêm.

Mùa thu, tháng 8, ban xuống các điều lệ mới quy định.

Theo quy chế cũ, Hành khiển ty ở cung Quan Triều và Thánh Từ, cùng Nội thư hỏa cục thì gọi chung là Nội mật viện. Đến nay, đổi Hành khiển ty thành Môn hạ sảnh, còn Nội thư hỏa cục vẫn là Nội mật [43b] viện.

Tư đồ Văn Huệ công Quang Triều mất (thọ 39 tuổi).

Bính Dần, [Khai Thái] năm thứ 3 [1326], (Nguyên Thái Định năm thứ 3). Từ tháng 2, mùa xuân, đến tháng 6 không mưa.

Tháng 3, Trung thư thị lang tri Thẩm hình viện sự Bùi Mộc Đạc mất.

Trước đây, khi Anh Tông sắp băng có bảo vua:

"Mộc Đạc trải thờ ba triều, là người cung kính, thận trọng, giữ gìn, học thức khả quan, nên đãi ngộ cho khéo, chớ để bị người ta ngăn trở".

Vua sai vẽ chân dung Mộc Đạc cất ở nhà sách, có ý định dùng vào chức to, nhưng chưa kịp thăng thì mất (thọ 62 tuổi).

Mùa thu, tháng 7, xét duyệt các quan văn võ.

Lấy Nội thư hỏa chánh chưởng phụng ngự Tạ Bất Căng làm Nhập nội hành khiển, hành Tả ty lang trung. Lấy Trần Khắc Chung làm thiếu bảo, hành Thánh Từ cung Tả ty sự, ban tên tự là Văn Tiết, hàm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự.

Buổi quốc sơ, theo quy chế cũ của nhà Lý, hàm Hành khiển có thêm các chữ Trung thư môn hạ bình [44a] chương sự. Từ khi thượng tướng Quang Khải ở ngôi tể tướng, chê chức hành khiển và chức tể tướng ngang hàng nhau, mới tâu xin đổi thành Trung thư môn hạ công sự để cho có phân biệt.

Đến đây, vua cho Khắc Chung thăng chức Thiếu bảo, nhưng vẫn làm việc hành khiển; để ưu đãi, nên đặc cách thêm các chữ Trung thư môn hạ bình chương sự, là theo quy chế cũ.

Giáng Nguyễn Trung Ngạn làm An phủ sứ Thanh Hóa.

Trung Ngạn có tính hay sơ xuất. Bấy giờ, Bảo Vũ Vương được ban tước Tạo y thượng vị hầu1024 , Trung Ngạn ghi sổ, lại xếp vào hàng Tử y1025 . Vua thương ông có tài, vả lại cũng là do lầm lỡ, không bắt tội, nên đuổi ra làm quan bên ngoài. Trung Ngạn từng làm bài thơ tự phụ rằng:

Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí,

Diệu kinh dĩ hữu thốn ngưu chí.

Niên phương thập nhị thái học sinh,

Tài đăng thập lục sung đình thí.

Nhị thập hựu tứ nhập gián quan,

Nhị thập hựu lục Yên kinh sứ.

(Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu1026 ,

Có chí nuốt trâu từ niên thiếu.

Tuổi mới mười hai thái học sinh,

Vừa đến mười sáu dự thi đình.

Hai mươi bốn tuổi làm quan gián,

Hai mươi sáu tuổi sứ Yên Kinh)1027 .

Ông kiêu căng như vậy đấy. Về sau, hai lần sung chức [44b] Hựu sảnh1028 . Đến thời Dụ Tông, vào chính phủ, giữ trọn tiếng tốt, không phụ là bậc nho giả, thọ hơn 80 tuổi. Có Giới Hiên tập lưu hành ở đời.

Bấy giờ Trương Hán Siêu làm Hành khiển. Một hôm, Siêu nói trong triều rằng hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Vua lập tức sai điều tra. Hán Siêu nói kín với người khác:

"Tôi làm việc ở chính phủ, được chúa thượng tin dùng, cho nên mới nói thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này!".

Vua nghe vậy nói: "Hành khiển là quan ở sảnh, Thẩm hình là quan ở viện, ta đều tín nhiệm cả. Sao lại làm ta tin quan sảnh mà ngờ quan viện?".

Đến khi tra hỏi, Hán Siêu đuối lý phải phạt 300 quan tiền.

Ít lâu sau, lấy Phạm Ngộ làm Tham tri chính sự đồng tri thượng thư Tả ty sự, chức ngang với Hán Siêu. Ngộ tuy học vấn không bằng Hán Siêu, nhưng làm quan thanh liêm cẩn thận, được tiếng khen ở thời đó.

Huệ Túc Vương đánh Chiêm Thành không thắng lợi [45a] trở về. Vua nói:

"Tiên đế tắm mưa gội gió mới bắt được chúa nước nó. Quốc phụ là một trọng thần, phụng mệnh đi đánh1029 , khiến chúa nước giặc là Chế Năng phải chạy sang nước khác (Chế Năng chạy sang Trảo Oa cầu cứu), lập tù trưởng A Nan làm Hiệu Thánh á vương. Nay Huệ Túc chỉ là một vương thôi, uy vọng không

thể sánh với Quốc phụ, thế mà ta cứ ở yên trong cung, trao cho chuyên việc đánh dẹp, muốn bắt sống chúa nó thì làm nổi chăng?".

Đinh Mão, [Khai Thái] năm thứ 4 [1327], (Nguyên Thái Định năm thứ 4). Mùa hạ, tháng 5, sét đánh lăng tẩm. Quần thần bàn việc ấy. Xuống chiếu phạt bọn Thiếu bảo Trần Khắc Chung, Hành khiển Đoàn Nhữ Hài theo mức độ khác nhau.

Sau hôm sét đánh, các quan họp bàn ở Nội nhân văn cục. Các vương hầu cùng giải lao với Trần Khắc Chung và Đoàn Nhữ Hài. Khắc Chung nói chuyện có giọng hài hước. Nhữ Hài vội đứng dậy bỏ đi. Khắc Chung nói xong mọi người đều cười, [45b] bị quan Ngự sử hặc tội. Xuống chiếu phạt Khắc Chung và Nhữ Hài. Nhữ Hài cãi:

"Lúc cười đùa thì thần đã đi rồi".

Vua nói:

"Nhữ Hài nghe biết là đùa cợt, không ngăn, lại bỏ mà đi, thế là cố ý hãm mọi người vào tội lỗi mà tính kế tránh lỗi cho mình".

Rốt cuộc vẫn phạt Nhữ Hài.

Có viên quan tên là Hiệu Khả ca ngợi vua giỏi hơn Anh Tông. Vua biến sắc mặt, ngăn không cho nói và bảo:

"Ai mà khen người khác là giỏi hơn cha, thì người ấy hẳn là bất hiếu với cha mẹ, cho nên mới nói ra câu ấy".

Hiệu Khả không biết chiều cha mẹ, nên vua nói thế để răn đe y.

(Hiệu Khả là người trong lòng trí trá. Có lần, vua lấy ra hai chiếc hòm đựng áo mặc, sai Hiệu Khả xếp loại tốt xấu và bảo Khả: "Một cái do chính tay Thái thượng tự làm, một cái do nội nhân Lê Kế làm, cả hai đều tinh xảo cả, ngươi chỉ xem cái nào khéo hơn".

Hiệu Khả xem đi xem lại hai ba lần rồi nói úp mở theo kiểu nước đôi: "Chúa thượng có cái khép của chúa thượng, bề tôi cũng có cái khéo của bề tôi".

Vua cũng phải phì cười.

S ử thần Ngô Sĩ Liên nói: Câu nói ấy của vua, tuy là nhất thời nói ra với Hiệu Khả, [46a] nhưng tấm lòng trung hậu qua đó cũng đủ rõ.

Mậu Thìn, [Khai Thái] năm thứ 5 [1328], (Nguyên Trí Hoà năm thứ 1, từ tháng 9 trở đi là Văn Tông Đồ Thiếp Mục Nhĩ năm Đại Lịch thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, giết Quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn.

Bấy giờ, vua ở ngôi đã 15 năm, tuổi đã cao mà vẫn chưa lập thái tử. Cha hoàng hậu là Quốc Chẩn giữ ý định đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập. Cương Đông Văn Hiến hầu (không rõ tên) là con (có sách chép là em) của Tá Thánh thái sư Nhật Duật, muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, bảo nó vu cáo Quốc Chẩn âm mưu phản loạn. Vua tin là thực, giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến, lại cùng mẹ với Vượng, đều là người Giáp Sơn và đã từng làm thầy dạy Vượng, liền trả lời: "Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó". [46b] Vua mới cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậy lấy áo tẩm nước cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Bắt bớ đến hơn trăm người liên can. Mỗi khi xử án, bị can phần nhiều đều kêu oan.

Vài năm sau, gặp khi vợ cả vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút vàng tâu lên vua. Phẫu bị hạ ngục. Ngục quan Lê Duy là người cương trực, xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị lăng trì, nhưng chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Võ (không rõ tên) là con của Quốc Chẩn đã ăn sống hết cả thịt của nó. Văn Hiến được miễn tội chết, bị giáng làm dân thường, xóa tên trong sổ [hoàng tộc].

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ngôi thái tử là gốc của nước, không thể không lập sớm. Phận chính đích không thể để chi thứ phạm bừa. Vua ở ngôi đã lâu, con thứ đã lớn rồi

mà con chính đích chưa sinh, thì làm thế nào? Tòng quyền là phải. Đợi con đích là chấp chính1030 , lập [47a] con thứ là tòng quyền. Đến khi con đích sinh ra, lớn lên, thì gia phong cho con thứ tước vương, còn ngôi thái tử trả về con đích, ai bảo là chẳng nên?.

Có người hỏi rằng: "Lỡ có chuyện không lành, vua cha mất trước thì nguy lắm".

Xin thưa: Hãy chămchú vào lời dạy thường ngày, nhận rõ lấy những lời trong di chiếu, chọn người bề tôi xã tắc, ủy cho việc gửi gắm con côi, thì không có lo gì. Huống chi Minh Tông chính mình ở vào cảnh ấy rồi, tất nhiên có thể xử trí được ổn thỏa. Quốc Chẩn là người cố chấp không linh hoạtt, để cho kẻ gian thần thừa dịp gieo vạ, đáng thương thay!.

Kinh dịch có câu: "Xét xem có chỗ sáng tỏ thông suốt mà thi hành điển lễ". Quốc Chẩn có lẽ chưa nghe bao giờ! Nhưng mối oan của ôn không thể không làm cho rõ.

Còn như Trần Khắc Chung cũng là nhân vật của một thời, vua trao cho hắn chức vị sư bảo1031 , và đem việc nước hỏi hắn, đáng lẽ phải hết lòng trung khuyên can, để cho vua mình trở thành Nghiêu Thuấn mới phải. Thế mà lại vào hùa với kẻ [47b] quyền quý, làm hại người ngay thẳng, đi theo bọn gian tà, đẩy người lành tới nỗi oan khiên, hãm đức vua vào việc làm tội lỗi. Việc ấy mà nhẫn tâm làm được, thì còn việc gì mà không nhẫn tâm làm nữa? Sau lại xui vua cầu công đi đánh Chiêm Thành, thì cái thói nịnh hót lại lộ ra nữa. Cho nên, bậc làm vua khi dùng người hiền, phải xét kỹ họ, là bởi sợ rằng có đứa tiểu nhân như bọn Khắc Chung có thể lọt vào trong đó vậy.

Lập hoàng tử Vượng làm Đông cung thái tử; phong con thứ là Nguyên Trác làm Cung Tĩnh Đại Vương.

Kỷ Tỵ, [Khai Thái] năm thứ 6 [1329], (từ tháng 2 trở đi là Khai Hựu năm thứ 1, Nguyên Đại Lịch năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 7, sách phong Đông cung thái tử Vượng làm Hoàng thái tử.

Ngày 15, vua nhường ngôi, Vượng lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Khai Hựu năm thứ 1. Đại xá. (Vua tự) xưng là Triết Hoàng, Tôn Thượng hoàng là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng [48a] Hoàng Đế. Tôn Lệ Thánh hoàng hậu làm Hiến Từ thái thượng hoàng hậu (Hiến có sách chép là Huệ). Quần thần dâng tôn hiệu là Thể Nguyên Ngự Cực Duệ Thánh Chí Hiếu Hoàng Đế.

Rước thượng hoàng về ở hành cung Thiên Trường. Các hoàng tử chầu hầu.

Thượng hoàng thường hay bàn đến các nhân vật của bản triều. Thái bảo Uy Túc Văn Bích nói:

"Xét bàn nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nhắc tới người thiện, còn kẻ ác hãy bỏ chớ bàn đến, sợ các hoàng tử nghe được, có thể sẽ có người bắt chước".

Thượng hoàng nói:

"Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu (con ta) không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang1032 thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dưỡng Đế1033 luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Kiệt, Trụ, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao".

Uy Túc cúi đầu nhận là phải.

Lại một hôm, [thượng hoàng] mời Huệ Túc Vương vào tẩm điện, bảo ông ngồi. Thượng hoàng đang ăn chay. Huệ Túc Vương vốn bài xích Phật Lão, nhân nói:

"Thần không biết ăn chay thì có ích lợi gì?".

Thượng hoàng đoán biết ý ông, liền dụ rằng:

"Ông cha ta ngày xưa thường ăn cơm chay, cho nên ta bắt chước đó thôi, còn ích lợi gì thì ta không biết".

Huệ Túc im lặng rồi lui ra.

Phong Tá thánh thái sư Nhật Duật làm Đại Vương.

Mùa đông, Thượng hoàng đi tuần thú đạo Đà Giang, đích thân đi đánh man Ngưu Hống, sai Thiêm tri Nguyễn Trung Ngạn đi theo để biên soạn thực lục.

Trước đó, thời Nhân Tông, Ngưu Hống cùng Đạo Mật vào chầu, cho trở về. Đến nay, chúng làm phản, thả sức cướp bóc; đất cõi Đà Giang về tay chúng cả1034 lại mưu cướp nhà Hoài Trung. Thượng hoàng quyết định thân chinh. Trần Khắc Chung can rằng:

"Đà Giang vốn có tiếng là đất lam chướng, lại nhiều ghềnh thác chảy xiết, không [49a] lợi cho việc hành quân. Chiêm Thành không có lam chướng, khí độc, vả lại đế vương đời trước thân chinh, nhiều lần bắt được chúa nó. Chi bằng bỏ Ngưu Hống đấy mà đánh ChiêmThành là hơn. Thượng hoàng nói:

"Trẫm là cha mẹ dân, nếu sinh dân mắc vào cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ lợi hại hay sao?". Khắc Chung lạy tạ tâu rằng:

"Lòng thánh che chở, nuôi dưỡng rộng khắp, không phải là điều mà trí ngu tối của thần có thể nghĩ tới được".

Trước đây, khi Thượng hoàng sắp đi đánh Ngưu Hống, người Chiêm Chiêu đế cửa khuyết dâng thư, đinh ninh rằng sẽ xin đem cả trại ra hàng, nên đã khắc phù1035 làm tin. Thượng hoàng đang muốn lên trên thành trại của họ, bắt chước chuyện vua Hán Vũ Đế lên đài của chúa Hung Nô ngày xưa. Đến khi thân chinh, sai Chiêm Nghĩa tiến sang để tiếp ứng quân nhà vua và dặn rằng:

"Trại Chiêm Chiêu đã ước hẹn xin hàng, phải đợi quân ta tới, không được hành động liều".

Thượng hoàng đến Mường Việt1036 , đóng quân lại, ban tên [cho đất ấy] là phủ Thái Bình; [ở đây] có suối Bác Tử, ban tên là suối Thanh Thủy [48b]. Chiêu Nghĩa hầuj tới Chiêm Chiêu, muốn tâng công, tấn công trại, bị thua. Tuyên uy tướng quân Vũ Tư Hoằng liều sức chiến đấu, chết tại trận. Thượng hoàng nghe tin nói: "Đã lỡ rồi!".

Song chiến dịch này, Thượng hoàng đích thân chỉ huy, hiệu lệnh nghiêm minh, uy thanh vang dội, Ai Lao nghe tiếng chạy tan.

Khi về đến sông Bạch Hạc, giữa sông có đá ngầm dọc theo dòng chảy. Thuyền đi thường bị chạm phải hay mắc cạn. Nghe nói thần sông ấy là Phụ Vũ Đại Vương. Thượng hoàng khấn thầm: "Nếu thuyền ngự đi được an toàn thì sẽ khen thưởng".

Sau này Hưng Hiếu Vương đi đánh man Đà Giang, đỗ thuyền trên sông Bạch Hạc, đêm thấy thần báo mộng rằng: "Năm trước vua có lệnh khen thưởng mà đến nay vẫn chưa thấy gì".

Hưng Hiếu Vương về tâu lại, Thượng hoàng bèn phong thêm cho hai chữ: Quỷ thần thiêng liêng, ứng nghiệm, quả không sai là ngoa vậy.

Lấy Vũ Nghiêu Tá làm Nhập nội hành khiển Môn hạ hữu ty lang trung.

Nghiêu Tá (người Hồng Châu) với em là Nông, [50a], đều đỗ cùng một khoa hồi Thượng hoàng còn ở ngôi vua. Anh em đều nổi tiếng văn học, Nghiêu Tá làm Hành khiển đồng tri Nội mật viện sự. Đến nay, trao cho chức này.

920 Văn Túc Vương: tên là Đạo Tái, con của Trần Quang Khải.

921 Chỉ các dân tộc ít người sống trên lãnh thổ Đại Việt thời đó. Nhật Duật còn biết tiếng của nước xung quanh Đại Việt, như Hán, Chăm-pa.

922 Tức là xã Vũ Lâm huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

923 Quy cước, mã yên: là hai món ăn. Quy cước là món sò huyết, mã yên: chưa rõ món gì.

924 Theo Cương mục thì miện sam là chức hiệu thư quyền miện, người đỗ thám hoa được bổ chức ấy. Sam là chức bạ thư mạo sam, người đỗ bảng nhãn được bổ chức ấy.

925 Cương mục chép là Thượng chân đô.

926 Theo truyền thuyết Trung Quốc, trãi là loài thú không chân, có 1 sừng, hễ gặp người không chính trực thì húc nên dùng trãi làm biểu tượng cho quan ngự sữ giữ việc đàn hặc, hay gián quan giữ việc khuyên can vua.

927 Ấn trướng hạ: con dấu đóng trong khi hành quân, đánh dẹp.

928 Thanh dã: làm vườn không nhà trống, khiến quân xâm lược tới không có một nguồn hậu cần tại chổ nào.

929 Thành Bình Lỗ: chưa biết là ở đâu, nhưng có lẽ là nằm ở trong vùng hương Bình Lỗ hay quận Bình Lỗ đời Lê Đại Hành, tức khu vực nằm giữa sông Cầu và sông Cà Lô, gần Phù Lỗ, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

930 Đèo Mai Lĩnh: tức đèo Đại Du, phía nam huyện Đại Dũ, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

931 Tức Trần Thái Tông.

932 Sở Chiêu Vương chạy loạn ra nước ngoài, có người làm thịt dê tên là Duyệt đi theo. Sau Chiêu Vương trở về nước, ban thưởng cho Duyệt. Duyệt từ chối và nói: "Nhà vua mất nước, tôi không được giết dê, nay vua về nước, tôi lại được làm nghề giết dê, tước lộc thế là đủ còn thưởng gì nữa".

933 Cao Tổ nhà Hậu Tống Tên là Lưu Dụ vốn là người làm ruộng, sau nhân dịp loạn lạc, nổi lên giành được thiên hạ.

934 Thượng phụ: tức Lã Vọng, giúp Chu Vũ Vương giành được thiên hạ, Vũ Vương tôn làm thầy, gọi là Thượng phụ.

935 Hán Cao Tổ bị Hạng Vũ Vương bao vây, bề tôi là Kỷ Tín giả là Hán Cao Tổ ra hàng. Cao Tổ do đó trốn thoát, còn Kỷ Tín đã bị thiêu chết.

936 Do Vu: là bề tôi của Sở Chiêu Vương thời Xuân Thu, Sở Chiêu Vương lúc lánh nạn bị kẻ cướp đâm. Do Vu đã giơ lưng ra chịu đâm để cứu Chiêu Vương Sở Tử tức Sở Chiêu Vương.

937 Dự Nhượng: là gia thần của Trí Bá nước Tấn thời Chiến Quốc. Trí Bá bị Triệu Tương Tử giết, Dự Nhượng đã nuốt than cho khác giọng, giả làm hành khất, mưu giết Trưng Tử để báo thù cho chủ.

938 Thân Khoái: là viên quan giữ ao cá cho Tề Trang Công đời Xuân Thu. Khi Trang Công bị Thôi Trữ giết, Thân Khoái cũng chết theo.

939 Kính Đức tức Uất Trì Cung là tướng của Đường Thái Tông (lúc ấy còn gọi là Đức xông lên chém tướng giặc, hộ vệ Thái Tông bị Vương Thế Sung vây đánh, Kính Đức xông lên chém tướng giặc, hộ vệ Thái Tông thoát khỏi vòng vây.

940 Nhan Cảo Khanh làm thái thú Thường Sơn, khi An Lộc Sơn nổi loạn đánh bị bắt, Cảo Khanh luôn miệng chửi An Lộc Sơn, bị Lộc Sơn cắt lưỡi.

941 Thát: tức Thát Đát, chỉ Mông Cổ.

942 Vương Công Kiên tức Vương Kiên, trị châu Hợp Châu (Tứ Xuyên) đã huy động nhân dân anh dũng chiến đấu ở núi Điếu Ngư, cầm cự với đạo quân Mông Cổ do vua Nguyên Mông Ke chỉ huy trong 4 tháng trời, cho đến khi Mông Ke ốm chết dưới thành Điếu Ngư, quân Mông Cổ phải rút.

943 Tức Uryangkhađai (Uriyangqadai), tên tướng Mông Cổ đã đánh chiếm vùng Vân Nam và tiến quân vào nước ta năm 1258. Tên của Uryangkhađai ở các thư tịch có nhiều phiên âm: Ngột Lương Hợp Đãi, Ngột Lương Hợp Thai, Ngột Lương Cáp Đãi, Ô Đặc Lý Cáp Đạt, Ô Lan Cáp Đạt...

944 Bản Hoàng Việt văn tuyển chép là Xích Tu Tư.

945 Năm 1253, Hốt Tất Liệt và tướng Uryangkhađai vượt sông Kim Sa đánh chiếm thủ đô nước Đại Lý. Chỉ trong vài tuần, nước Đại Lý bị chinh phục, vua Đại Lý là Đoàn Hưng bị bắt và đầu hàng. Nam Chiếu nói đến trong bài hịch là chỉ nước Đại Lý bấy giờ, ở vùng Vân Nam, Trung Quốc.

946 Vân Nam Vương: tên là Hốt Kha Xích (Hugodi), con trai của Hốt Tất Liệt. Cuối năm 1267, Hốt Tất Liệt phong Hốt Kha Xích làm Vân Nam vương, đem quân đóng giữ đất nước Đại Lý cũ ở Vân Nam.

947 Câu trong sách Hán thư: "Ôm mồi lửa đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên, lửa chưa kịp cháy vẫn cho là yên".

948 Câu từ Sở từ: "Kẻ sợ canh nóng thường thổi cả rau nguội".

949 Bàng Mông, Hậu Nghệ: là hai nhân vật bắn cung giỏi trong thần thoại Trung Quốc.

950 Vốn là nơi trú ngụ của các vua "man di" khi vào chầu vua Hán ở Trường An. Ở đây chỉ nơi dành cho các sứ bộ nhà Nguyên lưu trú trong kinh thành bấy giờ.

951 Theo truyền thuyết Trung Quốc, Cao Dao làm sĩ sư thời Ngu Thuấn. Sĩ sư là chức đứng đầu về việc hành ngục thời đó.

952 Vũ Vương làm tướng cho Văn Vương, Thành Vương làm tướng cho Vũ Vương, đều là những người có công lớn khai sáng ra nhà Chu.

953 Theo truyền thuyết Trung Quốc, Hữu Miêu là một tộc ở phía Nam, nổi lên chống lại Thuấn, Thuấn dùng thủ đoạn vỗ về để thu phục.

954 Tôn Vũ là người nước Tề, làm tướng cho Ngô Vương Hạp Lư (đời Xuân Thu) lấy cung nhân của Hạp Lư, tập trận bày đánh trận, về sau giúp nước Ngô thu phục chư hầu, mở rộng đất đai.

955 Sách Tấn thư (q.27) chép là Mã Long.

956 Đây là truyền thuyết. Thực ra phép tỉnh điền có từ đời Chu.

957 Gia Các Lượng: Tên tự là Khổng Minh, người đời Tam Quốc, giúp Lưu Bị dựng nên nước Thục, cùng hai nước Ngô và Nguỵ tạo thành thế chân vạc.

958 Vệ Công: Tức Lý Tĩnh đời Đường Thái Tông, đã mô phỏng bát trận đồ của Gia Cát Lượng làm ra Lục hoa trận, trận lớn bọc trận nhỏ, gọi là Lý Vệ Công binh pháp.

959 Hoàn Ôn: Tên tự là Nguyên Tử, một danh tướng đờ Tấn, làm đến chức Đại tư mã, đã đánh Nguỵ, Tiền Tần... nổi tiếng thời đó.

960 Lý Thuyên: Người đời Đường, soạn sách Thái bạch âm kinh nói về mưu chước dùng binh.

961 Ngũ hành: Là thuỷ, thổ, kim, mộc, hoả. Ở đây là vận dụng thuyết ngũ hành tương ứng trong binh pháp.

962 Cửu cung: 9 cung. Khái niệm cửu cung ban đầu được đưa ra một cách mơ hồ trong Cần tạo độ của Kinh Dịch: "Thái Nhất lấy số của nó để đi qua cửu cung, 4 chính và 4 duy đều hợp thành 15". Trịnh Huyền chú thích là thần Thái Nhất (hay Thái Ất) ở cung giữa, lần lượt tuần hành 8 cung bát quái ở chung quanh. Cũng từ đó, người Hán lập thành cửu cung số, gồm 9 cung, tức 9 ô vuông trong một hình vuông, 3 ô hàng trên mang các số 4, 9, 2; 3 ô hàng giữa mang các số 3, 5, 7; 3 ô hàng dưới mang các số 8, 1, 6. Như vậy đó là một ma trận (ảo phương) mà tổng các cột ngang, dọc và chéo đều bằng 15. Người ta thần bí hoá cửu cung và về sau đến đời Tống, người ta lại coi cửu cung số là "Lạc thư".

963 Cương nhu, chẵn lẻ, âm dương, thần sát, phương hướng, tinh tú, hung thần, ác tướng, tam cát, ngũ hung... đều là các khái niệm được dùng trong việc lập trận đồ thời xưa.

964 Chỉ nước Nguyên.

965 Chỉ vương quốc Chiêm Thành (Chăm-pa).

966 Văn Bích: là con Đạo Tái, cháu Quang Khải.

967 Mường Mai: nay là đất huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

968 Bản dịch cũ chữa là "Thân vương", có lẽ đúng hơn.

969 Yên Hoa: nay là Yên Phụ ở Hà Nội. Thực ra không phải năm này (1302), đạo sĩ Hứa Tông Đạo mới đến Đại Việt. Theo bài minh trên chuông Thông Thánh Quán ở Bạch Hạc (Việt Trì), do chính Hứa Tông Đạo soạn năm Đại Khánh thứ 8 (1321), thì ông đã đến Đại Việt vào năm Bính Tý (1276). Ông là người hương Thái Bình, huyện Phúc Thanh, Phúc Châu, lộ Phúc Kiến.

970 Tỳ Ni còn gọi là Thi Lị bBì Nại hay Thi Nại (Sri Vinaya), tức là cửa Quy Nhơn ngày nay.

971 Mộc Lạc: có nghĩa là "cây đổ, cây rụng".

972 Nguyên bản in là tam bách tam thiên, hẳn là chữ thiên? in nhầm từ chữ thập?. Các bản in đời Nguyễn đã chữa lại là tam bách tam thập.

973 Y thiên quốc, lấy ở Quốc ngữ, nội dung nói về đạo trị nước. Mục thiên tử truyện bộ tiểu thuyết cổ của Trung Quốc, do Quách Phác đời Tấn chú giải, chép truyện Mục Vương đời Chu. Bản nhầm chữ thiên tử thành thái tử.

974 Kinh nghi: những điều nghi vấn trong kinh điển nho gia.

975 Kinh nghĩa: bàn về nghĩa lý trong kinh điển nho gia.

976 Chế độ rộng, ngặt.

977 Tài khó bắn trĩ.

978 Đức độ đế vương vốn ưa sự sống, phù hợp với lòng dân.

979 Cũng gọi là ngón đeo nhẫn, ngón áp út.

980 Dược thạch châm: nghĩa là bài châm khuyên răn, có tác dụng như thuốc thang.

981 La Hồi: có lẽ là nước La Hộc (Lava) ở Laphuri, Thái Lan.

982 Thiền Vu: tên gọi chúa Hung Nô.

983 Ho Hàn: tức Hô Hàn Da, một thiền vu Hung Nô. Đời Hán Nguyên Đế, Hô Hàn Da sang chầu và xin làm rể nhà Hán, Nguyên Đế đem Vương Tường (tức Chiêu Quân) gả cho.

984 Đông Phương Sóc: tên tự là Mạn Thiến, người đời Hán, giỏi khôi hài, hoạt kê, từng làm Kim mã môn thị trung cho Hán Vũ Đế.

985 "Trần Khắc Chung" theo tiếng Hán có nghĩa là nhà Trần sắp chấm dứt.

986 Tức Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn.

987 Thiệu Vũ Vương là con của Quốc Chẩn.

988 Thượng hoàng Nhân Tông là tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm đời Trần.

989 Sư Pháp Loa trước là đệ tử của Trúc Lâm đại sĩ, sau trở thành vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm.

990 Xá lỵ: phiên âm tiếng Phạn sarira, nghĩa là thân thể, thuật ngữ Phật giáo, chỉ những phần còn lại sau khi thiêu xác, thường là những hạt nhỏ, được gọi là xá lỵ. Bản in khắc nhầm chữ Xá lỵ thành Xá sát.

991 Câu chuyện trên cũng được chép trong Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng. Theo sách này (chuyện Tô linh định mệnh), xá lỵ bay vào ống tay áo hoàng tử Mạnh.

992 Nguyên văn: "Hiền giả quá chi dã". Theo chúng tôi, có lẽ Toàn thư đã khắc nhầm từ câu: "Hiền giả chi quá dã", nên dịch như trên.

993 Nguyên bản Toàn thư chép là An Lỗ Uy, nhầm chữ Khôi ra chữ Uy. Nguyên sử, Bản kỷ (Vũ Tông) chép rằng năm Chí Đại thứ 1 (1308), Lễ bộ thượng thư A Lý sang nước ta. A Lý Khôi hay A Lặc Khôi là những tên phiên âm khác nhau của người Mông Cổ Alqui.

994 Y: Y Doãn, công thần khai quốc của nhà Thương; Chu: là Chu công, công thần của nhà Chu.

995 Di Tề: tức Bá Di, Thúc Tề hai bề tôi trung của nhà Thương, không chịu thần phục nhà Chu, bỏ lên núi Thú Dương ở ẩn, bị chết đói ở đó.

996 Cầu Giang Khẩu: cầu ở vùng của sông Tô Lịch, thuộc phường Giang Khẩu, tức vùng phố Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay.

997 Cửa thành chợ Dừa: ở Ô Chợ Dừa, Hà Nội ngày nay.

998 Cửa thành Tây Dương: ở cửa Ô Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay.

999 Cửa thành Vạn Xuân: ở phía ngoài phường Ông Mạc, tức Ô Đống Mác ở Hà Nội ngày nay.

1000 Nguyên bản chép là huyện Yên Bang, nhưng thực ra Yên Bang là tên lộ thời Trần và tên đạo thời Lê, tức đất tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn có nói: "Yên Bang là nơi hiểm ác, gọi là viễn châu (châu xa), các triều đại đều đày người đến ở đó".

1001 Uy Túc công: tức Trần Văn Bích, con Trần Đạo Tái, cháu Trần Quang Khải.

1002 Văn Huệ công: tức Trần Quang Triều, con Trần Quốc Tảng, cháu Trần Quốc Tuấn. Ở trên, đã chép.

1003 Nãi Mã Đại: các bản Toàn thư khắc nhầm thành Nãi Mã Phản, do chữ Đãi gần giống chữ Phản. Nãi Mã Đãi là phiên âm tên Mông Cổ Naimatai (có nghĩa là "người của bộ lạc Naiman").

1004 Theo chú thích của CMCB9 thì ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, có xã Thâm Thị. Sông Thâm Thị có lẽ là đoạn sông Hồng chảy qua xã này.

1005 Cửa biển Cần Hải: tức Cửa Cờn, nay thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

1006 Đồ Bàn: là kinh đô của Chiêm Thành, nay thuộc tỉnh Bình Định.

1007 Chiêu Vương tức là Trần Lý, Cung Vương là Trần Hấp, Ý Vương là Trần Kinh.

1008 Nguyên văn là chữ "lễ", chúng tôi cho rằng Toàn thư in lầm.

1009 Tuyên Từ: là bà hậu của Nhân Tông, Bảo Từ: là mẹ đích của Minh Tông.

1010 Tức Trần Thủ Độ.

1011 Hưng Ninh Vương, tức Trần Tung, có tên hiệu Phật giáo là Tuệ Trung thượng sĩ.

1012 Đúng ra là An Sinh Vương, tức Trần Liễu. Ở đây Toàn thư nhầm chữ Sinh thành chữ Ninh.

1013 Dịch chữ "cập"? trong nguyên văn. Cương mục sửa lại là "cấp"?. Bản dịch cũ: "... xét định lại quan văn, cấp cho hộ khẩu theo thứ bậc khác nhau".

1014 Năm Nguyên Phong thứ 7 (1257), trong lúc hành quân chống quân Mông Cổ, ấn vua bị mất, phải khắc ấn gỗ để dùng trong giấy tờ việc quân (xem Toàn thư, BK5, 23b).

1015 Vũ hầu: tức Gia Cát Lượng, tướng nước Thục thời Tam Quốc.

1016 Nguyên văn là "Cửu tộc" tức họ 9 đời gồm cao, tằng, tổ, khảo bản thân và con, cháu, chắt, chút, ở đây chỉ họ hàng nói chung.

1017 Thư Kinh (Nghiêu điển) ca ngợi vua Nghiêu: "Làm sáng đức lớn để thân yêu hòa hợp được họ hàng, họ hàng hòa mục rồi, lại làm cho trăm họ tốt đẹp, trăm họ sáng tỏ rồi lại hòa hợp với muôn nước chư hầu. Dân chúng trong thiên hạ đều bỏ ác làm thiện, trở nên yên vui hưng thịnh".

1018 Thuyết âm dương: ở đây là chỉ quan niệm của các nhà chiêm tinh thuật số cho rằng người chết phải chọn ngày, chọn giờ để chôn, nếu không được ngày giờ lành, sẽ có thể gây ra tai họa cho người sống.

1019 Quán đính:(Abhiseka) là một nghi lễ Phật giáo, dùng nước hoặc sữa gội lên đỉnh đầu.

1020 Theo Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng thì Phạm mại làm ngự sử trung thừa, bị cách chức trong vụ án Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn. Sau khi Quốc Chẩn được minh oan, Mại được thăng làm tham tri chính sự.

1021 Chiêu ẩn: có nghĩa là mời bậc ẩn sĩ ra làm quan. Hoài Nam vương An đời Hán có thiên "Chiêu ẩn sĩ", Tống Văn Đề có xây Chiêu Ân quán cho Lôi Thứ Tông ở Chung Sơn.

1022 Phiên âm tên Hồi giáo Mahmud.

1023 Vua Nguyên lên ngôi nói ở đây là NguyênThái Định Đế.

1024 Tạo y thượng vị hầu: tước vị hầu mặc áo đen.

1025 Tử y thượng vị hầu: tước thượng vị hầu mặc áo tía.

1026 Lang miếu: là triều đình, câu thơ có ý "Tiên sinh Giới Hiên là nhân tài của triều đình".

1027 Năm 26 tuổi, Nguyễn Trung Ngạn được lệnh đi sứ sang kinh đô nhà Nguyên, bấy giờ là Yên Kinh (nay là Bắc Kinh).

1028 Hựu sảnh: tức là Nội mật viện.

1029 Toàn thư chép năm Mậu Ngọ (1318). Sai Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành (q.6, tờ 35a). Toàn thư cũng chép năm Giáp Tý (1424) lấy Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn làm Nhập nội quốc phụ thượng tể. Như vậy Quốc phụ ở đây là Quốc Chẩn và lần đi đánh Chiêm Thành này xảy ra vào năm 1318.

1030 Kinh, quyền là hai khái niệm thường gặp trong kinh điển nho gia. Kinh là những nguyên tắc, nguyên là lý về đạo nghĩa, pháp chế không thể thay đổi được, bất di bất dịch, đòi hỏi mọi người phải luôn luôn tuân thủ (chấp kính). Quyền là quyền biến, là những biện pháp linh hoạt có lúc cần phải theo (tòng quyền), để đạt được mục đích (đạo), dù những biện pháp ấy có thể trái với các nguyên lý, nguyên tắc kinh điển.

1031 Khắc Chung được phong Thiếu bảo năm Khai Thái thứ 3 (1326), lại là thầy dạy (sư) của hoàng tử (sau là thái tử) Vượng nên gọi là "sư bảo".

1032 Theo truyền thuyết Trung Quốc: Thái Khang là vua nhà Hạ, con của Khải, chơi bời vô độ, sau bị chư hầu họ Hữu Cùng là Hậu Nghệ đuổi đi.

1033 Tùy Dưỡng Đế Dương Quảng là một tên vua vô đạo, giết cha là Văn Đế để cướp ngôi vua, cực kỳ xa hoa, tàn bạo, sau bị giết.

1034 Nguyên văn là "Bản giang chi địa...", chúng tôi cho rằng bản chữ "bản" vốn là chữ "Đà" Toàn thư chép lẫn.

1035 Phù là vật để làm tin, thường làm bằng tre, gỗ, đồng, ngọc có khắc chữ, chia làm hai, mỗi bên cầm một nữa, lúc cần chứng thực thì đem hai nửa ghép lại.

1036 Mường Việt: nay là đất huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.





Quyển IX

[1a]

Kỷ Hậu Trần

Giản Định Đế

Tên húy là Ngỗi, con thứ của Nghệ Tông, tên hiệu cũ là Giản Định, họ Hồ đổi phong là Nhật Nam Quận Vương. Cuối đời Hồ, khởi binh khôi phục nhà Trần. Ở ngôi hơn 2 năm. Vua không có tài dẹp loạn, lại giết bỏ người giúp mình, tự chuốc lấy diệt vong, chẳng phải vì không may.

Đinh Hợi, Hưng Khánh năm thứ 1 [1407], (từ tháng 10 trở về trước là Hán Thượng Khai Đại năm thứ 5, Minh Vĩnh Lạc năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, ngày 20, Tả tướng quốc Hồ Trừng tiến quân đến sông Lô, quân Minh giữ hai bên bờ sông đánh kẹp lại, quân Trừng thất bại, lui giữ cửa Muộn1335 . Quý Ly và Hán Thương đều trở về Thanh Hóa. Kinh lộ phần nhiều theo giặc làm phản. Hồ Đỗ, Hồ Xạ bỏ Bình Than qua Thái Bình, Đại Toàn đến cửa muộn1336 , hợp sức đắp lũy, đúc hỏa khí, đóng thuyền chiến để chống giặc. Quyên mộ tiền của, ai đóng góp thì được lấy con gái tôn thất và được cấp 10 mẫu ruộng.

Thị trung của họ Hồ là Trần Nguyên Chỉ cùng công chúa Thiên Huy dẫn nhân dân tránh loạn ra Đồ Sơn, trung thư lệnh Trần Sư Hiền cùng công chúa Thiên Gia ngược dòng sông Cái đều đầu hàng quân Minh.

Tướng chỉ huy quân Thần Đinh của họ Hồ là Ngô Thành nhân gió theo nước triều lên tiến đánh, đột kích đến Giao Thủy. Phụ, Thạnh chia quân ra hai bên bờ sông chặn đánh. Thành thế cô bị hãm trận chết, được truy tặng Kiêu vệ tướng quân.

Người Kiến Hưng là Nguyễn Nhật Kiêm tụ tập bạn bè đảng giết viên Trấn phủ sứ Phan Hòa Phủ rồi đầu hàng Trương Phụ (sau Nhật Kiên kiêu căng không giữ phép, bị Phụ giết).

Quân Minh đối luỹ với quân Hồ, ngày đêm đánh nhau, vì nắng mưa, dịch bệnh, lại bùn lầy ẩm uớt khó ở, chúng bèn dời đến đóng ở Hàm Tử, lập doanh trại phòng bị nghiêm ngặt. Tả tướng quốc Trừng và Hồ Đỗ cũng dời quân đến Hoàng Giang, lại đón Quý Ly, Hán Thương từ [2a] Thanh Hóa tới. Bấy giờ người ở Kinh lộ bị quân Minh sai khiến và mất cả gia thuộc, mang lòng oán hận, các quân nhân và tráng đinh đều đến cửa quân tự nguyện gắng sức lập công.

Tháng 3, ngày 13, Tả tướng quốc Hồ Trừng cùng Hồ Đỗ, Đỗ Mãn tiến quân đến cửa Hàm Tử.

Hồ Xạ và Trần Đĩnh chỉ huy quân bộ ở bờ nam; Đỗ Nhân Giám, Trần Khắc Trang chỉ huy quân bộ ở bờ bắc; Nguyễn Công Chửng chỉ huy 100 chiến thuyền làm tiên phong. Trừng và Đỗ ở trong doanh bọn Đỗ Mãn, Hồ Vấn chỉ huy quân thủy. Quân thủy, quân bộ tổng cộng 7 vạn người, nói phao là 21 vạn, đều tiến đánh. Người Minh chia hai mặt thủy bộ xông ra. Quân hai bên bờ sông của họ Hồ quay ngược

giáo nhảy xuống chết, chỉ có thủy quân thoát được. Nhưng các thuyển chiến và thuyền chở lương đều bị chìm, không một người nào sống sót về được.

Khi ấy Hồ Xạ biết người Minh có mai phục, không chịu tiến quân. Hồ Đỗ [2b] sai người đến trách rằng: "Tướng quân sao không đánh giặc?". Xạ bèn tiến đánh, bị thua. An phủ sứ Bắc Giang Nguyễn Hy Chu bị Trương Phụ bắt sống, Hy Chu chửi Phụ là giặc tàn bạo, bị Phụ giết.

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, nhà Minh xuống chiếu cho tìm khắp nơi con cháu họ Trần lập làm quốc vương. Bọn quan lại và bô lão nhiều lần nói là đã bị họ Lê giết hết cả, không còn ai có thể nối dõi nhà Trần được nữa. Nước An Nam vốn là đất Giao Châu, xin được trở lại làm quận huyện như xưa để cùng các nha môn vệ, sở, phủ, châu, huyện. Lấy Đô chỉ huy Lữ Nghị giữ đô ty. Bắc Kinh hành bộ Thượng thư Hoàng Phúc giữ hai ty Bố chính và Án sát. Lại cấm sai phái và ngừng thu các loại thuế 3 năm.

Quý Ly và Hán Thương dẫn các tướng và quan lại [3a] vượt biển trở về Thanh Hóa.

Ngày 23, quân Minh đánh vào Lỗi Giang1337 , quân Hồ không đánh mà tan.

Ngày 29, quân Minh đánh vào cửa biển Điển Canh1338 , quân Hồ bỏ thuyền tự tan vỡ. Hai [cha con] họ Hồ định lánh đến Thâm Giang1339 nhưng không thành. Nguỵ Thức xin hai cha con họ Hồ tự thiêu. Ông nói:

"Nước đã sắp mất, bậc vương giả không chết bởi tay kẻ khác".

Quý Ly giận, chém chết.

Tháng 5, ngày mồng 5, quân Minh đánh vào cửa biển Kỳ La1340 , châu Nhật Nam. Nguyễn Đại (Nguyễn Đại trước thờ họ Hồ, sau phản lại họ Hồ, đầu hàng quân Minh, đến đây dẫn người Minh sang xâm lược) bắt được Hữu tướng quốc Quý Tỳ và con ông là Phán trung đô Nguyễn Cửu1341 .

Ngày 11, quân Minh đánh vào Vĩnh Ninh1342 . Bọn vệ quân Vương Sài Hồ 7 người bắt được Quý Ly ở bãi Chỉ Chỉ; Giao Châu hữu vệ quân là bọn Quý Bảo 10 người bắt được Tả tướng quốc Trừng ở cửa biển Kỳ La.

Ngày 12, đầu mục bộ hạ của Mạc Thúy [3b] là bọn Nguyễn Như Khanh bắt được Hán Thương và thái tử Nhuế ở núi Cao Vọng1343 .

Bọn Hồ Đỗ, Phạm Lục Tài, Nguyễn Ngạn Quang, Đoàn Bồng đều bị bắt. Còn bọn Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cẩn, Đỗ Mãn đều đã đầu hàng từ trước.

Duy có Hành khiển tham tri chính sự Ngô Miễn, trực trưởng Kiều Biểu nhảy xuống nước chết. Khi Miễn chết, vợ là Nguyễn thị ngửa mặt lên trời than rằng:

"Chồng ta thờ chúa, một đời ăn lộc, ngày nay giữ tiết nghĩa mà chết, thế là chết xứng đáng, còn oán hận gì nữ? Nếu thiếp muốn sống cho qua ngày, chẳng lẽ lại không còn chỗ đến nữa hay sao? Nhưng đạo chồng, ơn vua, một chốc mà phụ bạc thì thiếp không nỡ nào! Chi bằng, xin theo nhau!".

Nói xong, cũng nhảy xuống nước chết.

Nói Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vợ Ngô Miễn là Nguyễn thị, không những chỉ chết vì ngghĩa mà [4a] thôi, câu nói cũng đủ làm lời khuyên cho đời, nên chép ra đây để nêu gương.

Trước hai [cha con] họ Hồ đến Kỳ La là định chạy vào Tân Bình. Dân ở đó, có một phụ lão ra bái yết thưa rằng:

"Xứ này tên là Ky Lê1344 , trên có núi Thiên Cầm là điều không lành. Xin chớ lưu lại".

[Quý Ly] liền chém người ấy. Đến đây, quả nhiên bị bắt trói ở chổ ấy.

Người Minh thống kê những thứ đã thu được: 48 phủ, châu, 168 huyện, 3.129.500 hộ, 112 con voi, 420 con ngựa, 35.750 con trâu bò, 8.865 chiếc thuyền.

Trước đây, Hoàng Hối Khanh nhân lệnh cai trị Thăng Hoa. Khi đến quận, dùng thổ quan là Đặng Tất và Phạm Thế Căng làm tâm phúc. Tất cả cùng Tả châu phán Nguyễn Rổ vốn ghen ghét nhau vì công trạng. Gặp khi hai họ Hồ chạy về phía tây, [4b] bị quân Minh đánh gấp, viết thư báo Hối Khanh lấy một phần ba số dân di cư khi trước, gộp với quân lính địa phương giao cho Rỗ chỉ huy để làm quân cần vương, lại sắc phong cho Cổ Lũy huyện thượng hầu Chế Ma Nô Đà Nan làm Thăng Hoa quận vương để vỗ yên dân Chiêm Thành. Hối Khanh đều giấu đi không cho mọi người biết.

Đến khi Chiêm Thành cất quân định thu lại đất cũ, dân di cư sợ chạy tan cã, bọn Hối Khanh trở về Hóa Châu, chỉ một mình Ma Nô Đà Nan chống nhau với Chiêm Thành, thế cô sức núng, bị người Chiêm giết chết. Hối Khanh trước đã thề bồi với dân Nghĩa Châu. Rỗ biết Tất và Hối Khanh có ý đồ khác nên không đi dự thề. Hối Khanh trở về Hóa Châu, thì Rỗ đưa dân di cư đi đường bộ đến chậm, Tất đi đường thủy đến trước, Trấn phủ sứ lộ Thuận Hóa là Nguyễn Phong ngăn không cho vào. Tất cố sức đánh, giết Phong, vào được thành, lại đánh nhau với Rỗ [5a] hơn một tháng. Rỗ không có viện binh, liềm đem gia quyến sang Chiêm Thành. Hối Khanh đem giết mẹ và gia thuộc của Rỗ. Chiêm Thành cho Rỗ làm quan to. Sau nhà Minh đòi Rỗ đến Kim Lăng, giả cách cho làm Hồ Quảng chỉ huy sứ, rồi giết đi.

Hai cha con họ Hồ đã thất bại, Thế Căng trở về Tân Bình, đón hàng người Minh ở Nghệ An nhận chức Tri phủ của Trương Phụ, cướp bóc của dân rồi trở về. Chiêm Thành lại chiếm cứ Thăng Hoa, rồi sang cướp Hóa Châu. Tất xin với Phụ cho làm quan để cai quản Hóa Châu, Chiêm Thành dẫn quân rút về. Đến đây, Tất sai người đưa Hồi Khanh về, đến cửa biển Đan Thai1345 thì Hối Khanh tự vẫn. Phụ đem phụ cấp của Khanh ra bêu ở chợ Đông Đô.

Trương Phụ, Mộc Thạnh sai Đô đốc thiêm sự Liễu Thăng; Hoành hải tướng quân Lỗ Lân; Thần cơ tướng quân Trương Thăng, Đô chỉ huy sứ Du Nhượng; Chỉ huy đồng tri Lương Định; Chỉ huy thiêm sự Thân [5b] Chí bằ1t giải Quý Ly và các con là Hán Thương, Trừng, Triết, Uông, các cháu là Nhuế, Lô, Phạm, cháu nhỏ là Ngũ Lang, em là Quý Tỳ, cháu gọi bằng bác là Nguyên Cữu, Tử Tuynh, Thúc Hoa, Bá Tuấn, Đình Việp, Đình Hoảng; các tướng thần là Đông Sơn hương hầu Hồ Đỗ, Hành khiển Nguyễn Ngạn Quang, Lê Cảnh Kỳ; các tướng quân là huyện bá Đoàn Bổng, đình bá Trần Thang Mông, trung lang tướng Phạm Lục Tài cùng các ấn tín đến Kim Lăng để dâng.

Vua Minh hỏi rằng : "Trung Quốc như vậy, sao không sợ phục mà dám láo xược chống cự?".

Đều trả lời là không biết.

Vua Minh nói: "Từng sai sứ giả sang bảo, không phải là không biết".

Nhà Minh vờ cho Vương Nhữ Tương, Đồng Ngạn Hú, Nguyễn Quân, Lê Sứ Khải làm Kinh Bắc1346 thị lang và tham chính ở Sơn Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông, sai người đưa đi, đến nửa đường thì giết.

Mùa thu, tháng 7, gió lớn [6a] nước to.

Người Minh lùng tìm những người ẩn dật ở rừng núi, người có tài có đức, thông minh chính trực, giỏi giang xuất chúng, thông kinh giỏi văn, học rộng có tài, quen thuộc việc quan, chữ đẹp tính giỏi, nói năng hoạt bát, hiếu để lực điền, tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh dũng cảm, quen nghề đi biển, khéo các nghề nung gạch, làm hương... lục tục đưa dần bản thân họ về Kim Lăng, trao cho quan chức, rồi cho về nước làm quan phủ, châu, huyện. Những người có tiếng tăm một chút đều hưởng ứng.

Duy có Bùi Ứng Đẩu từ chối, lấy cớ đau mắt, bọn hạ trai học sinh Lý Tử Cấu mấy người lui ẩn không chịu ra mà thôi. Bấy giờ có câu ngạn ngữ: "Muốn sống vào ẩn núi rừng, muốn chết làm quan triều Ngô1347 . Đến khi Thái Cao Tổ Hoàng đế1348 ta diệt trừ bọn hung tàn, bọn nguỵ quan, đứa nào có tiếng xấu đều bị giết hết, quả đúng như [6b] lời ấy.

Trương Phụ cho là Nguyễn Đại có công trong việc bắt hai cha con họ Hồ, trao cho chức Giao Chỉ đô chỉ huy sứ. Đại kiêu căng ra mặt, lại ngầm có chí làm phản. Phụ bèn giết đi.

Tháng 8, Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân về, lưu lại đô ty Lữ Nghị, thượng thư Hoàng Phúc để trấn giữ. (Phúc người Xương Ấp, tỉnh Sơn Đông). Trước đây, Hoàng Phúc đốc suất thổ binh tỉnh Quảng Tây điều vận lương thực, theo quân tiến đánh. Đến đây, được giữ lại. Phúc là người thông minh, giỏi ứng biến, có tài trị dân, người ta phục là giỏi.

Phan Phu Tiên nói: Họ Hồ mất nước, Nguyễn Hy Chu chửi giặc, Hồ Xạ, Đỗ Nhân Giám (Nhân Giám là con Đỗ Mãn) chết trận, Lê Cảnh Kỳ đến Kim Lăng không chịu ăn. Loại người như vậy, tựa hồ có thể khen là chết vì tiết nghĩa được. Nhưng Hy Chu từng xui họ Hồ giết họ Trần; [7a] cha con Nhân Giám là bề tôi cũ của nhà Trần, thế là phường ác giúp nhau. Anh ruột của Xạ là Ông Thiện can tội đảng [mưu giết Quý Ly] bị chết, Xạ không chút đoái hoài, lại hăng hái đánh giặc cho Quý Ly. Thế là chỉ biết ăn lộc của ai chế vì người ấy là nghĩa mà không biết người ấy là kẻ bất nghĩa. Cảnh Kỳ là người chỉ lo thỏa mãn thân mình, kiếm chác lộc vị, không chết khi Quý Ly cướp ngôi mà chết lúc hắn bị bại vong thì không đáng khen. Còn như Ngô Miễn, Nguyễn Lệnh, Kiều Biểu vốn là kẻ hoạn nạn, cái chết của bọn họ là điều nên lắm. Than ôi! Dương Hùng nhảy từ trên gác xuống3 không phải là người trung nghĩa, nhưng khó tránh khỏi cái tội làm tôi cho Vương Mãng. Thiệu Hốt chết theo4 không thể coi là phải đạo, thế nhưng những kẻ phản trắc há chẳng thấy thế mà phấp phỏng chột dạ hay sao?.

[7b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ngày xưa, Hạ Trưng Thư giết Trần Linh Công, người trong nước không đánh giết được. Sở Tử vào nước Trần, giết Trưng Thư rồi dùng xe xé xác ở cử thành, kinh Xuân thu ca ngợi việc đánh giết đó.

Họ Hồ giết Trần Thuận Tông mà cướp lấy nước, những người như Trần Hãng, Trần Khát Chân mưu giết mà không được. Sau khi họ chết, trong khoảng 7, 8 năm, không còn ai có thể làm được việc ấy nữa. [Họ Hồ] tự cho là người trong nước không còn ai dám làm gì nữa. Nhưng bọn loạn thần tặc tử thì ai ai cũng có thể giết chết chúng được và trời cũng không một ngày nào tha trừng phạt chúng dưới gầm trời này! Người trong nước giết chúng không được thì ngưoời nước láng giềng có thể giết, người nước láng giềng giết không được thì người Di người Địch có thể giết. Vì thế người Minh mới có thể giết được chúng. Còn như [người Minh] giả nhân giả nghĩa, sát hại sinh linh thì chính là một bọn giặc tàn bạo. [8a] Cho nên Thái Cao Tổ Hoàng Đế ta lại có thể tiêu diệt được bọn chúng.

Than ôi, bọn phạm tội đại ác làm sao trốn được sự trừng phạt của trời? Đạo trời rõ ràng như vậy, đáng sợ thay!

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 2, Gản Định Đế lên ngôi ở Mô Độ1349 , châu Trường Yên, dựng niên hiệu là Hưng Khánh. Trước đó, Trương Phụ yết bảng bắt các tôn thất họ Trần và đầu mục quan lại cũ để đưa về. Vua trốn chạy đến Mô Độ. Người Thiên Trường là Trần Triệu Cơ đem quân đến lập lên ngôi, xưng theo tên hiệu cũ1350 .

Tháng 4, quân Minh đánh vào hành dinh, vì quân mới chiêu tập, không đánh mà tan vỡ. Vua liền đi về phía tây, đến Nghệ An tạm đóng tại đó. Đại trị châu Hóa Châu là Đặng Tất nghe tin, giết vien quan nhà Minh, đem quân tới hội, tiến con gái mình sung vào hậu cung. Vua phong Tất [8b] làm Quốc công, cùng mưu việc khôi phục.

Người Minh ngờ viên thổ quan là Hữu tham nghị Bùi Bá Kỳ có bụng khác, bắt đưa về Kim Lăng.

Bá Kỳ (người Phù Nội, Hạ Hồng) vốn là phe Trần Khát Chân, tự xưng là bề tôi trung nghĩa của Nam triều, trốn sang nước Minh, vừa gặp tên Trần vương nguỵ là Thiêm Bình đến trước, người Minh hỏi có biết không, Bá Kỳ trả lời là không biết.

Đến khi nhà Minh đưa Thiêm Bình về nước, hỏi Thiêm Bình cần bao nhiêu quân, Thiêm Bình nói: "Chẳng qua vài nghìn thôi, đến đó người ta tự nguyện hàng phục". Bá Kỳ nói rằng không thể được. Vua Minh giận, phế bỏ Bá Kỳ, đem an trí tại Thiểm Tây, Cam Túc. Đến khi Thiêm Bình thất bại, vua Minh gọi Bá Kỳ về ban sắc cho, ân cần hứa hẹn lập con cháu nhà Trần và để Bá Kỳ làm phụ thần, rồi sai Kỳ đi theo quân, nên trao cho chức ấy. Bá Kỳ không dự với đồng liêu ở nha môn, chỉ ở nhà riêng thu nạp các viên quan cũ bị sa cơ lỡ bước. Bấy giờ [9a] viên thổ hào ở Đông Triều là Phạm Chấn lập Trần Nguyệt Hồ làm vua ở Bình Than, đề cờ chiêu an gọi là Trung nghĩa quân, cho nên người Minh ngờ Bá Kỳ. Sau Trần Nguyệt Hồ bị người Minh bắt, Phạm Chấn bỏ trốn.

Tháng 12, vua sai Trần Nguyên Tôn, Trần Dương Đình, cựu hành Trần Ngạn Chiêu lại cùng Phạm Chấn thu quân về Bình Than. Không bao lâu bị tan vỡ, chạy về hành tại Nghệ An.

Giết bọn nguỵ quan Trần Thúc Giao, Trần Nhật Chiêu và thuộc hạ hơn 500 người.

Trước đây, người Minh lấy tôn thất họ Trần là Trần Thúc Giao (là con Trần Nguyên Đán) giữ đất Diễn Châu, cựu tướng quân Trần Nhật Chiêu giữ đất Nghệ An. Đến đây, vua lên ngôi, vì họ không đón rước trước nên bị giết.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thiên hạ đại loạn, nhân dân Nghệ An, Diễn Châu biết [9b] ai là chân chúa. Thúc Dao là con người tôn thất, Nhật Chiêu là tướng quân cũ, nhận quan tước của nhà Minh, giữ đất, trị dân, dân không theo có được không? Giết Thúc Dao và Nhật Chiêu là phải, còn bọn thuộc hạ nên vỗ về mà dùng, thì chúng không cảm kích ơn đức đó hay sao? Thế là lại giết nhiều như vậy, sao gọi là quan nhân nghĩa được? Xem như Lê Tiệt và Lê Nguyên Đỉnh nhầm họp quân ở Hát Giang, mưu đánh úp Trùng Quang Đế, mà Trùng Quang Đế chỉ có Tiệt Đế và Nguyễn Đỉnh thôi, còn đều tha cả, so với Giản Định Đế thì đằng nào hơn?

Năm ấy đói và dịch bệnh, nhân dân không cày cấy được, người chết gối lên nhau.

Mậu Tý, [Hưng Khánh] năm thứ 2 [1408], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 30, tướng nhà Minh là Trương Phụ cùng bọn thổ quan Mạc Thúy đánh vào Diễn Châu. Vua và Đặng Tất vì quân ít không địch nổi, rút về nam đến Hoá [10a] Châu, Quân Minh đuổi theo, đánh vào cửa biển

Bố Chính1351 , Phạm Thế Căng đón hàng, Phụ trao cho chức tri phủ Tân Bình, rồi đặt lưu quan để cai trị. Phụ trở về Đông Đô.

Mùa hạ, tháng 4, Đặng Tất rước vua trở về Nghệ An.

Nhà Minh xuống chiếu, đại lược nói:

"Còn nghĩ bọn dư chúng1352 vốn là ngu muội, hoặc vì đói nghèo bức bách, hoặc bị kẻ mạnh bắt ép, hặc bị bọn gian dụ dỗ, việc không thể đừng, tình cũng đáng thương, nếu nhất loạt bắt tội cả, trẫm thực không nỡ. Khi chiếu thư này tới, đều tha cho cả. Quan lại ở các nha môn, quân dân thuộc đất Giao Chỉ hãy thể lòng chí nhân của trẫm phải khoan hồng thương xót, chớ làm ráo riết, chớ vơ vét của dân, hết thảy những việc không cần kíp phải ngừng bỏ cả".

Tháng 6, ngày 16, Đặng Tất cả phá tên bạn thần Phạm Thế Căng ở cửa biển Nhật Lệ, bắt được Thế Căng và cháu nó là Phạm Đống Cao giải về hành tại giết [10b] đi.

Trước đó, Thế Căng nhận quan chức của nhà Minh, làm oai làm phúc tiếm xưng là Duệ Vũ Đại Vương. Đến đây, họp quân chiếm cứ núi An Đại1353 . Tất đánh dẹp được.

Tháng 9, động đất, nhà cửa, cây cối như nghiêng đổ cả.

Mùa đông, tháng 10, quốc công Đặng Tất điều quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến đánh Đông Đô. Khi quân đi qua các xứ Trường Yên, Phúc Thành1354 , các quan thuộc cũ và các hào kiệt không ai không hưởng ứng đi theo. Tất chọn những người có tài đều trao cho quan chức.

Tháng 12, ngày 14, quốc công Đặng Tất cả phá quân Minh ở Bô Cô hãn1355 .

Bấy giờ nhà Minh sai tổng binh Mộc Thanh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bô Cô, vừa khi vua cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, sai các quân đóng cọc giữ, [11a] và lên hai bên bờ đắp lũy. Thạnh cũng chia quân thủy, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh, các quân thừa cơ xông ra đánh, từ giờ Tỵ đến giờ Thân1356 , quân Minh thua chạy, chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn về thành Cổ Lộng1357 .

Vua bảo các quân:

"Hãy thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu thẳng một mạch, như sét đánh không kịp bịt tai, tiến đánh thành Đông Quan1358 thì chắc chắn phá được chúng".

Tất tâu: "Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau".

Do dự mãi không quyết định được. Quân giữ thành Đông Quan đến cứu viện, đón Mộc Thạnh về. Tất chia quân vây các thành, gửi hịch cho các lộ hành quân đánh giặc.

Phan Phu Tiên nói: Đặng Tất chỉ biết hành quân là gấp mà không biết cứu [11b] Đông Đô còn gấp hơn. Đông Đô có tầm hình thế của cả nước. Chiếm được Đông Đô thì

các lộ không đâu không hưởng ứng, hơn nữa hào kiệt trung châu đều ở cả đó. Bỏ nơi ấy mà không lo đánh chiếm, lại chia quân phân tán đi các xứ, vì thế hiệu lệnh không thống nhất, rốt cuộc đi đến sụp đổ là đáng lắm!

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đường Thái Tông dùng binh, phần nhiều nhân thế chẻ tre mà giành thắng lợi, là vì có tư thế anh hùng mà tướng và quân vốn đã rèn sẳn. Vua tính kế quyết thắng nhưng Tất không theo, cố nhiên là đáng tiếc. Song có lẽ Tất liệu vua mình không phải là bậc anh hùng như [Đường] Thái Tông, mà quân thì từ xa đến, lương thực có thể không tiếp tế được, còn quân ở kinh lộ thì chưa tập hợp được, chẳng thà theo phép hơn địch gấp 10 lần thì bao vây, hơn địch gấp 5 lần thì đánh1359 là hơn. Nếu không thế thì thành Cổ Lộng chỉ cách Bô Cô không quá nửa ngày đường sao vẫn không thể thừa thế chẻ tre mà đánh. [12a] huống chi thành Đông Quan. Kẻũ ấy cũng chưa lấy gì làm hỏng lắm, chỉ vì vua tin lời gièm mà vội giết Tất thôi. Than ôi, Đặng Tất sau khi phá được giặc mạnh, trổ tài mới trong khoảng một tuần một tháng, công việc chưa làm được một nửa mà bị chết oan, đó là cái họa sụp đổ [của nhà Trần], chứ đâu phải là tội của Tất.

Quan quân đến phủ Kiến Xương, viên thổ quan đồng tri Trần Quốc Kiệt trốn vào rừng bị chết đói. Trần Phúc1360 nghe tin cho lập đền thờ.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Quốc Kiệt chết đói, không phải là giữ tiết nghĩa với nhà Minh, mà là xấu hổ vì nhận quan chức của nhà Minh đó! Thế mới biết lòng hổ thẹn là đầu mối của điều nghĩa. Tiếc thay Quốc Kiệt không biết xấu hổ ngay từ đầu.

Kỷ Sửu, [Hưng Khánh] năm thứ 3 [1409], (từ tháng 3 trở đi là Trùng Quang đến năm thứ 1, Minh Vĩnh Lạc năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, giết quốc công Đặng Tất [12b] và Đồng tri khu mật viện sự tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân.

Khi ấy vua đóng ở Hoàng Giang, nội nhân là Nguyễn Quỹ (có sách viết là?) học sinh Nguyễn Mộng Trang mật tâu rằng Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền bổ quan và cách chức, nếu không tính sớm đi, sau này khó lòng kiềm chế. Vua cho gọi hai người đến, bóp cổ giết Tất, Chân chạy lên bờ, lực sĩ đuổi theo chém chết.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi tài mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bô Cô, thế nước lại nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá mình, thì làm sao nên việc được!

Cho nên đức của người làm vua quý ở chỗ cương quyết, sáng suốt. Cương quyết thì có thể [13a] xử đoán được, sáng suốt thì có thể xét rõ được. Ôi, nếu lúc đó vua gọi hai đại thần đến, dẫn hai đứa ấy kể rõ tội gièm pha vu hãm hại đại thần rồi chém ngay chúng đi thì uy lệnh được thi hành và bọn Tất dũng cảm càng tăng, cảm kích càng sâu, giả sử có manh tâm chuyên quyền chả lẽ không sợ uy mà phải tự bỏ, sợ gì khó kiềm chế nữa. Đã không làm được như thế thì chỉ có long đong rồi đến chết chìm mà thôi!

Con Nguyễn Cảnh Chân là Cảnh Dị, con Đặng Tất là Dung đều căm giận vì cha bị chết oan, mới đem quân Thuận Hóa về Thanh Hóa, đón rước Nhập nội thị trung Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lên làm vua.

Tháng 3, ngày 17, vua lên ngôi ở Chi La1359 , đổin niên hiệu là Trùng Quang, lấy Nguyễn Súy là Thái phó, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Đặng Dung làm đồng bình chương [13b] sự, Nguyễn Chương

làm Tư mã. Giản Định Đế giữ thành Ngự Thiên1362 chống nhau với quân Minh. Bọn Súy hội đánh úp bắt được.

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 7, Hưng Khánh thái hậu1363 cùng với hành khiển là Lê Tiệt, Lê Nguyên Đỉnh ngầm khởi binh ở Hát Giang mưu đánh úp Trùng Quang Đế. Người Nghệ An là Nguyễn Trạo tiết lộ việc ấy. Trùng Quang Đế giết bọn Tiệt và Nguyên Đỉnh, còn những người khác đều tha cả.

Ngày 20, bọn Nguyễn Súy dẫn Hưng Khánh Đế đến sông Tam Chế 1364 ở Nghệ An, trùng Quang đổi mặc áo thường xuống thuyền đón rước. Khi ấy trời đất đương tối sầm bỗng nhiên mây vàng rực rỡ hiện ra, mọi người đều kinh ngạc. Bèn tôn Hưng Kháng Đế làm Thượng hoàng, cùng chung sức đánh giặc.

Tháng 5, bà phi của Trùng Quang Đế mất.

Tháng 6, Hưng Khánh thái hậu mất.

Tháng 7, mưa dầm suốt mấy tuần không tạnh.

Tổng binh nhà Minh là Mộc Thạnh sai Hoàng La tới. Vua sai [14a] người tiếp hắn ở Nỗ Giang1365 , Thanh Hóa.

Hai vua ra quân đánh giặc. Thượng hoàng tiến quân tới Hạ Hồng, vua đem quân đến Bình Than, đóng đinh ở đấy. Quân Minh đóng ở cửa thành cố thủ. Vua hạ lệnh cứ 4, 5 ngày một lần đi tuần tra. Hào kiệt các lộ đều hưởng ứng, chỉ có tri phủ Tam Giang1366 là Đỗ Duy Trung (Duy Trung là thổ hào ở Thao Giang) bảo dưỡng quan lại nhà Minh nên không chịu theo thôi.

Vừa khi tổng binh Trương Phụ, với tước Anh quốc công đeo ấn Chinh Di tướng quân sang cứu viện, thế quân Minh lại lên. Thượng hoàng liền bỏ thuyền lên bờ, đến trấn Thiên Quan1367 . Vua ngờ Thượng hoàng có ý khác, sai Nguyễn Súy đuổi theo nhưng không kịp. Trương Phụ chia quân đuổi theo, bắt được Thượng hoàng và Thái bảo Trần Hy Cát cùng ấn báu, giải về Kim Lăng, rồi bị hại.

Tháng 8, Trùng Quang Đế cầm cự nhau với Trương Phụ ở Bình Than.

Vua lệnh cho Bình chương Đặng Dung giữ cửa Hàm Tử. Bấy giờ [14b] lương thực rất thiếu thốn, Dung chia quân đi gặt lúa sớm để cấp cho quân. Quân Minh dò biết, dùng thủy quân đánh cửa Hàm Tử, quân của Dung tan vỡ. Vua nghe tin thất thủ, tự lượng không chống nổi, mới dẫn quân về Nghệ An mưu việc tiến thủ.

Phụ đi đến đâu, giết chóc rất nhiều, có nơi thây chất thành núi, có chỗ moi ruột quấn vào cây, hoặc rán thịt lấy mỡ, hoặc nướng đốt làm trò, thậm chí có đưá mổ bụng lấy thai, cắt lấy hai cái tai để nộp theo lệnh. Kinh lộ các nơi lần lượt đầu hàng. Những dân còn sót lại bắt hết làm nô tỳ và bị đem bán, tan tác khắp bốn phương cả.

Thượng thư Hoàng Phúc lại đặt quan chức, chia ra trị các phủ, huyện từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Người địa phương có ai chiêu an được, hay có công cướp giết, Trương Phụ đều trao cho quan chức. Hoàng Phúc xin nâng hai châu Thái Nguyên và Tuyên Quang lên thành phủ.

Năm này đói và dịch bệnh nặng hơn [15a] năm trước.

TRÙNG QUANG ĐẾ

Tên húy là Quý Khoáng, con thứ của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội Nghệ Tông, cháu gọi Giản Định Đế bằng chú, ở ngôi 5 năm. Vua gặp thời loạn lạc, gắng chí mưu việc khôi phục, nhưng vì trời không giúp nhà Trần nữa, nuốt hận mà chết, thương thay!

Canh Dần, [Trùng Quang] năm thứ 2 [1410], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, Trương Phụ sai người Minh mở thêm đồn điền ở nơi gần thành và thu thóc lúa ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Tam Giang để dự trữ lương quân.

Mùa hạ, tháng 5, vua đem bọn Nguyễn Cảnh Dị tiến quân đến bến La, Hạ Hồng, đánh phá quân của đô đốc Giang Hạo, thừa thắng đuổi theo, tiến quân đến Bình Than, đốt phá gần hết thuyền trại của quân Minh.

Bấy giờ, các hào kiệt nghe tin đều hưởng ứng. Người Thanh Hóa là Đồng Mặc, tên hiệu là Lỗ Lược tướng quân, đánh giết bọn giặc nhiều không kể xiết. Chỉ huy của quân Minh là Tả [15b] Địch bị bắt, Vương Tuyên (có sách ghi là Vương Đản) thế cùng phải tự vẫn. Hưng Khánh Đế cho Mặc làm Phủ quản quận Thanh Hóa.

Lại có người Nguyễn Ngân Hà tuy không bằng Mặc, nhưng cũng là ngườitrội trong đám hào kiệt. Lê Nhị ở Thanh Oai giết cha con tên đô ty Lư Vượng ở cầu Ngọc Tản, lại chiếm giữ huyện Từ Liêm, quân Minh rất sợ hãi. Lê Khang ở Thanh Đàm1368 , Đỗ Cối, Nguyễn Hiệu ở Trường Yên cũng họp quân chống giặc. Nhưng vì hiệu lệnh không thống nhất, quân đội không có chỉ huy chung, nên sau đều tan vỡ cả. Gặp khi Trương Phụ đến Diễn Châu, vua lại đem quân về Nghệ An.

Hoàng Phúc xin cấp ruộng cho các thổ quan, tùy theo phẩm trật, để họ cho người cày cấy thu tô thay cho bổng lộc, còn các lưu quan thì cấp lính để cấy ruộng thu thóc, chi cấp lương ăn.

Tân Mão, [Trùng Quang] năm thứ 3 [1411], (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, Trương Phụ cấp bằng cho thổ quan các phủ vì có công [16a] đánh dẹp, gồm cả những thổ quan ở phủ, châu cai quản quân lính, những người thuộc thiên trưởng, bách trưởng lấy làm chỉ huy thiên bộ.

Tháng 2, nhà Minh xuống chiếu ân xá, đại lược nói: "Giao Chỉ đã thuộc về Chức phương1369 mà liền mấy năm chưa được yên nhgỉ. Nghĩ thương dân ấy sau cơn khốn khổ, đặc cách ban ân khoan thứ, xót thương, ngõ hầu khiến cho triệu dân đều được thấm nhuần đức trạch".

Lại dụ bọn quan lại, quân dân rằng: "Người Giao Chỉ đều là dân của trời, đã vỗ về chúng, thì chúng đều là con đỏ của trẫm. Chúng nhất thời đi theo bọn giặc, nghe nói bị giết, trẫm thực thương xót trong lòng, sao lại nỡ để chúng như vậy? Vả lại, bọn gây tội ác chỉ có mấy đứa thôi, còn trăm họ nơi bãi biển, hang núi,bị chúng cưỡng bức, uy hiếp, hoặc giúp chúng lương thực, hoặc bị chúng đem theo làm giặc ở các nơi, đều là bắt đắc dĩ, bị chúng làm cho lầm lỡ chứ không phải là do bản tâm. Nếu biết [16b] hối hận sửa bỏ lỗi lầm, đều cho được đổi mới. Làm ác chỉ có mấy đứa, trăm họ không có tội gì. Trong đó, người nào hiên ngang dũng cảm, có kiến thức, có thể bắt được mấy đứa kia đem dâng thì nhất định sẽ ban cho quan to, tước cao. Còn bọn làm ác, nếu biết tẩy rửa tâm trí, đổi lỗi sửa mình, thì chẳng những được khoan tha tội lỗi, lại còn chắc chắn được làm quan vinh hiển nữa".

Tháng 3, nhà Minh sai quan mang sắc chỉ cho các thổ quan như sau: "Các ngươi tài năng khôi kiệt, tư chất đôn hậu, sáng suốt nhìn xa, trước đã thành tâm gắng sức, tận trung với triều đình, nghĩ tới công lao của các ngươi, đặc ân thăng cho chức vụ vinh hiển. Nay nghe các ngươi biết làm tròn nghĩa vụ,

dốc sức lập công, bắt giết bọn phản nghịch, giữ vững đất đai, nghĩ đến lòng trung thành ấy, xiết nỗi vui mừng khen ngợi. hiện nay, bọn giặc còn sót chưa dẹp yên hết, các ngươi hãy lập thêm nhiều công, ra sức quét sạch bọn chúng để tiếp nối công tích trước đây. Ta đặc cách sai người [17a] sang úy lạo ban thưởng. Các ngươi hãy kính cẩn phục tùng mệnh lệnh ân sủng này".

Mùa thu, tháng 7, sông Đáy nước lên to, vỡ đê quai, trôi cả nhà cửa của dân.

Tháng 9, vua và bọn Nguyễn Súy chia đường tiến đến cửa biển, bắt được tên chỉ huy Nguyễn Chính người địa phương ở Bài Lâm, chém bêu đầu rồi về.

Sai Hành khiển Hồ Ngạn Thần làm sứ giả cầu phong, Thẩm hình là Bùi Nột Ngôn làm phó, mang biểu văn, phương vật và hai tượng người bằng vàng và bằng bạc thay thân mình.

Trước đó, vua đã sai hành khiển Nguyễn Nhật Tư và thẩm hình Lê Ngân sang cầu phong. Vua Minh nổi giận, bắt giam rồi giết cả. Đến đây lại sai bọn Ngạn Thần đi.

Đến Yên Kinh, vua MInh sai Hồ Trừng giả vờ lấy ân tình cũ hỏi thăm quốc chủ khoẻ hay yếu, tình hình trong nước thế nào, Ngạn Thần nóu hết cả với Trừng. Nột Ngôn thì không chịu khuất phục. Nhà Minh giả cách cho vua làm Giao Chỉ Bố chính sứ, Ngạn Thần làm Tri phủ Nghệ An.

Sứ về nước, Nột Ngôn tâu hết [17b] việv Ngạn Thần tiết lộ việc nước và nhận lệnh của giặc. [Vua sai] bắt Ngạn Thần giam ngục rồi giết.

Gả Quốc tỷ trưởng công chúa1370 cho Hồ Bối người Hóa Châu, phong Bối làm Tư đồ rồi sai ra Thanh Hóa chống giặc.

Nhà Minh bắt giam viên Tham nghị Giải Tấn rồi giết đi (Tấn là người Cát An, tỉnh Giang Tây). Tấn đỗ tiến sĩ cập đệ, bổ Hàn lâm học sĩ, vì nói việc trái ý vua, bị đuổi ra làm Tham nghị ở Giao Chỉ. Khi đến ty, lại nói rằng:

"Giao Chỉ chia đặt quân huyện không bằng để nguyên như cũ, phong tước chia đất cho các thổ hào để họ cai quản lẫn nhau. [Chia đặt quận huyện] dẫu có cái được cũng không bù được những cái mất, cái lợi không chữa được cái hại".

Vua Minh xem tờ tâu nổi giận, cho là Giải Tấn có ý tư vị họ Trần, bất lợi cho nước, xuống chiếu bắt giam ở Cẩm y vệ, rồi ốm chế. Đến năm Minh Nhân Tông lên ngôi, mới được đưa về chôn, gia thuộc mới được về quê hương.

[18a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Lời nói của bề tôi ngay thẳng không phải lợi cho mình mà lợi cho nước. Nhưng các vua chúa tầm thường thì không hay coi đó là lợi mà cứ muốn hại người ta. Đó là do họ bị che lấp nặng rồi. Minh Thái Tông một khi đã manh tâm hiếu đại hý công, tham cướp được nước ta, Giải Tấn há lại không biết nói thế là chạm tới cơn giận giữ hay sao? Đó chính là vì nước không nghĩ đến mình. Thái Tông không nghe, cùng binh độc vũ, cho rằng ắt chiếm được. Lời của Giải Tấn lúc ấy hình như chưa ứng nghiệm.

Đến khi Thái Tổ ta1371 dẹp loạn trừ bạo, bắt được phong thư bọc sáp của Vương Thông nói rằng: "Quân để dùng phải được như số quân đi đánh lúc đầu, và phải được 6, 7 viên đại tướng như Trương Phụ mới có thể đánh được, mà dẫu có lấy được cũng không thể giữ được", thì bấy giờ lời Giải Tấn mới ứng nghiệm. Lời nói của bề tôi ngay thẳng chả lẽ không [18b] lợi cho nước hay sao? Cốt ở người làm vua biết soi xét mới được.

Người Minh bắt giải giáo thụ Lê Cảnh Tuân về Kinh Lăng.

Trước đây, Cảnh Tuân là hạ trai học sinh1372 của họ Hồ. Năm Hưng Khánh thứ 1, viết bức thư một vạn chữ1373 dâng cho Tham Nghị Bùi Bá Kỳ, nêu ba phương sách thượng, trung, hạ, đại lược nói rằng:

"Nhà Minh đã có sắc ban cho ngài theo quân tiến đánh, đợi khi bắt được họ Hồ thì chọn con cháu họ Trần lập làm vua, gia tước cho ngài để ở nước làm phụ tá. Nay thấy thiết lập ty bố chính, phong tước cao cho ngài, mà chỉ cấp người quét dọn đền miếu nhà Trần. Nếu ngài có thể tâu lại, phân tích những lời khai của các quan lại, kỳ lão, nói rõ con cháu họ Trần, đó là thượng sách. Nếu không được như thế, thì xin thôi chức vị hiện nay, nguyên làm [19a] quan coi nhà thờ họ Trần, đó là trung sách. Nếu ngày còn tiếc quan tước to, tham bổng lộc nhiều, thì đó là hạ sách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét