Đại Việt Sử Ký Toàn Thư .P09

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên
Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu bằt cư sĩở chùa Phù Đổng là Nguyễn Nộn, vì bắt được vàng ngọc mà không đem dâng.
Tháng 9, hoàng thứ nữ sinh, sau phong làm công chúa Chiêu Thánh.
Mùa đông, tháng 10, Trần Tự Khánh đi đánh người Man ở Quảng Oai711 không được.
Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, Lý Bất Nhiễm đánh tan được, thăng tước hầu, ban thực ấp 7.500 hộ, thực phong 1.500 [30b] hộ.
Kỷ Mão, [Kiến Gia] năm thứ 9 [1219] , (Tống Gia Định năm thứ 12). Mùa xuân, tháng 2, Trần Tự Khánh tâu xin tha cho Nguyễn Nộn, cho đi theo quân đánh giặc để chuộc tội. Vua y cho. Mùa đông, tháng 10, sai Nguyễn Nộn đem quân đi đánh người Man ở Quảng Oai.

Canh Thìn, [Kiến Gia] năm thứ 10 [1220] , (Tống Gia Định năm thứ 13). Mùa xuân, tháng 3, Nguyễn Nộn giữ hương Phù đổng, tự xưng là Hoài Đạo Vương, dâng biểu xưng thần, xin đi dẹp loạn để

chuộc tội. Vua sai người đem sắc thư đến tuyên dụ. Song vì vua có bệnh phong, không thể chế ngự được.

Tân Tỵ, [Kiến Gia] năm thứ 11 [1221] , (Tống Gia Định năm thứ 14). Mùa xuân, tháng giêng, tìm khắp thầy thuốc trong nước để chữa bệnh cho vua, nhưng không hiệu nghiệm gì. Vua thì ở tít trong cung, giặc cướp bừa bãi, nhân dân ở ngoài thành lưu ly cực khổ lắm.

[31a] Nhâm Ngọ, [Kiến Gia] năm thứ 12 [1222] , (Tống Gia Định năm thứ 15). Mùa xuân, tháng 2, chia trong nước làm 24 lộ, lộ chia cho công chúa ở, lấy các hoành nô thuộc lệ và quân nhân bản lộ, chia nhau làm giáp.

Làm đồ binh khí và ghe thuyền để tuần bắt giặc cướp.

Quý Mùi, [Kiến Gia] năm thứ 13 [1223] , (Tống Gia Định năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 10, hạn, lúa bị sâu cắn.

Tháng 12, thế quân của Nguyễn Nộn ngày càng mạnh.

Trần Tự Khánh chết, truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương; lấy Trần Thừa làm Phụ quốc Thái uý, khi vào chầu không xưng tên.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Năm đầu niên hiệu Kiến Gia, giặc cướp đua nhau nổi dậy, Huệ Tông nhu nhược không đánh dẹp được. Trần Tự Khánh vì cớ Huệ hậu bị thái hậu làm khổ mà đem quân phạm cửa khuyết xin đón xa giá. Đương lúc bấy giờ, lòng người không thể không ngờ vực, cho nên Huệ [31b] Tông có lệnh bắt Tự Khánh mà không bắt được. Tự Khánh muốn làm cho kỳ được mới nhiều lần làm kinh động đến vua, xa giá phải dời chổ mấy lần, tội rõ ràng rồi. Nhưng mà Huệ Tông và Huệ hậu rốt cuộc phải nhờ Tự Khánh mới được yên, thì tội ấy không kể đến. Thế là việc tuy là trái nhưng tình thì thuận, sử chép không nêu lên nhưng thực cũng có nêu đấy. Nếu không thế thì chỉ là kẻ đầu sỏ giặc cướp mà thôi.

Giáp Thân, [Kiến Gia] năm thứ 14 [1224] , (Từ tháng 10 về sau là niên hiệu cuả Chiêu Hoàng Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1; Tống Gia Định năm thứ 17). Bệnh của vua ngày càng tăng mà không có con trai để nối nghiệp lớn, các công chúa đều được chia các lộ làm ấp thang mộc, uỷ nhiệm cho một mình chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình.

Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu [32a] Hoàng.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo trời có khi thường có khi biến. Thánh nhân phối với trời đất, giúp việc hoá dục thì có đạo xử trí lúc biến mà vẫn không mất phép thường. Như Đan Chu con vua Nghêu là kẻ bất tiếu712 , thì vua Nghêu tiến vua Thuấn với trời, mà thiên hạ thịnh trị. Thương Quân con vua Thuấn là kẻ bất tiếu không thể truyền ngôi, thì vua Thuấn tiến vua Vũ với trời, mà xã tắc được yên, đều là xử trí lúc biến mà không mất phép thường cả. Đời sau chỉ truyền ngôi cho con mà không truyền ngôi cho người hiền, vì là không có người nào được như Thuấn và Vũ. Nếu không may mà không có con thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình để nối giữ nghiệp lớn, đó cũng là một cách xử trí trong lúc biến vậy. Lý Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không xét việc cũ mà làm theo, lại để [32b] đến sau lúc tật bệnh mới lập con gái mà truyền ngôi cho, thế có phải lẽ không? Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ hậu và Vũ hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý.

Chiêu Hoàng

Trước tên huý là Phật kim, sau đổi là Thiên Hinh, con gái thứ của Huệ Tông. Huệ Tông không có con trai nối, lập làm hoàng thái tử để truyền ngôi713 , ở ngôi được 2 năm [1224- 1225] rồi nhường ngôi cho họ Trần.

Ất Dậu, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2 [1125] , (Từ tháng 12 về sau là niên hiệu Trần Thái Tông Kiến Trung năm thứ 1; Tống Lý Tông Hú, Bảo Khánh thứ 1). mùa ông, tháng 10, xuống chiếu tuyển con em của quan viên trong ngoài sung vào các sắc dịch trong nội, như lục hỏa thị cung ngoại, Chi hậu, Nội nhân thị nội714 , ngày đêm thay phiên nhau chầu hầu. Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ coi giữ mọi việc quân sự trong ngoài thành thị. Cháu gái Thủ Độ bằng chú là Trần Bất Cập làm Cận thị thự lục [33b] cục chi hậu715 , Trần Thiêm làm Chi ứng cục, Trần Cảnh làm Chính thủ (Cảnh sau là Trần Thái Tông). Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?". Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh". Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ độ sợ việc [33b] tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi". Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng. Xuống chiếu rằng: "Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm [34a] người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết". Tháng 12, ngày mồng một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân.

Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến [34b] trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng716 , sau đổi là Văn Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế. Phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước. Thủ Độ nói: "Hiện nay giặc cướp đều nổi, họa loạn ngày tăng. Đoàn Thựng giữ mạn đông, Nguyễn Nộn giữ mạn bắc, các châu Quảng Oai, Đại Viễn717 cũng chưa dẹp yên. Nhà Lý suy yếu, thế nước nghiêng nguy, nữ chúa Chiêu Hoàng không gánh vác nổi, mới uỷ thác cho nhị lang [Chàng Hai]. Nhưng Nhị lang chưa am hiểu việc nước, chính sự nhiều chổ thiếu sót, vận nước mới mở,

lòng dân chưa phục, mối họa không phải là nhỏ. Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi đông tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm thượng hoàng tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao quyền chính cho Nhị lang". Các quan đều cho là phải, mời thánh phụ Trần Thừa nhiếp chính.

[35a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: "Đến thời Huệ Tông, cái độc hại cho thiên hạ đã ăn sâu lắm, mà vua không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa cái độc đã sâu thì làm thế nào được. Huống chi vua lại bị chứng hiểm, chữa không khỏi, lại không có con trai để nối nghiệp lớn, thế là điểm nguy vong đã hiện ra rồi. Tục truyền rằng Lý [Thái] Tổ khi mới được thiên hạ, xa giá về Cổ Pháp ngự chơi chùa ở hương Phù Đổng, có thần nhân đề thơ ở cột chùa rằng: "Nhất bất công đức thủy, Tuỳ duyên hoa thế gian. Quang quang trùng chiếu chúc. Một ảnh nhật đăng san". [Một bát nước công đức [của Phật], theo duyên sinh hoá ở thế gian. Sáng rực hai lần đuốc rọi, mặt trời gác núi là hết bóng]. Sư chùa là vạn hạnh đem bài thơ ấy dâng lên. Lý Thái Tổ xem xong rồi nói: "Việc của thần nhân thì không thể hiểu được". Người đời truyền tụng, không ai biết thơ ấy nói thế nào. Đến khi nhà Lý mất, mới cho bài thi8 ấy là nghiệm. Vì từ đời Huệ Tông trở lên đến Thái Tổ là tam đời mà Huệ Tông [35b] tên là Sảm, tức là mặt trời gác núi, hết bóng718 . Thế thì nhà Lý được nước là tự trời, mất nước cũng là tự trời vậy.

Trở lên triều Lý, 9 vua, từ Thái Tổ năm canh Tuất [1010] đến Chiêu Hoàng năm Ất Dậu [1225], cộng 216 năm.

620 Việt Sử Lược chép năm Kỷ Mùi (1139) là niên hiệu Thiệu Minh thứ 3. Sở dĩ có sự chênh lệch đó, có lẽ là do việc ghi năm mất của Lý Thần Tông. Việt Sử Lược chép Thần Tông chết tháng 9 năm Đinh Tỵ (1137). Toàn Thư chép Thần Tông chết ngày 26 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138). Đến điều chép về năm Tân Dậu (1141) thì không có sự khác biệt ấy: cả hai tài liệu đều chép Tân Dậu (1141) là niên hiệu Đại Định thứ 2.

621 Theo Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, niên hiệu Thiệu Hưng thứ 9 (1139) đời Tống, Quảng Tây suý ty nói: "Vua Nhân Tông nhà Lý có người con của cung thiếp sinh ra, vua không nhận. Khi Lý Thần Tông lên ngôi, người con ấy chạy sang nước Đại Lý, đổi họ là Triệu, tên là Trí Chi, tự xưng là Nam Bình Vương. Khi Thần Tông mất, [Trí Chi] bèn trở về tranh ngôi với Anh Tông, xin mượn quân của nhà Tống. Quan tỉnh Quảng Tây đem việc ấy tâu lên, vua Tống từ chối". Vậy có lẽ Trí Chi và Thân Lợi chỉ là một người, khi trần tình để xin viện binh của nhà Tống thì nói dối [là con Nhân Tông] để lừa nhà Tống.

622 Thái Nguyên: tên châu thời Lý, tức đất tỉnh Bắc Thái ngày nay.

623 Châu Tây Nông: nay là đất huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái.

624 Châu Hạ Nông: miền Thượng Nông và Hạ Nông huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái. Như vậy châu Lục Lệnh và châu Thượng Nguyên ở vào khoảng giữa huyện Phú Bình và huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái.

625 Lưu Vũ Nhĩ, Cương mục chép là Lưu Vũ Xứng (CMCB4,25a).

626 Sông Bác Đà: chưa rõ ở đâu, nhưng chắc chỉ là một đoạn sông Cầu, trong vùng đất các huyện Phú Lương, Bạch Thông ngày nay. Phải chăng là đoạn sông ở vùng Bắc Thắm, chợ mới?

627 Bác Nhự, Bồ Đinh: chưa rõ ở đâu, nhưng hẳn ở cạnh khúc sông Cầu từ Chợ Mới đến thị xã Bắc Cạn.

628 Tuyên Hóa: nay là đất huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái.

629 Cảm Hóa: nay là đất huyện Ngân Sơn, Na Rì và một phần phía Bắc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái.

630 Vĩnh Thông: nay là huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái.

631 Phú Lương: nay là huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái.

632 Quảng Dịch: (trạm Quảng): Việt sử lược chép là Khoảng Dịch (q.3,3a), chưa rõ ở đâu.

633 Bình Lỗ quan: cữa quan ở sông Bình Lỗ. Sông Bình Lỗ có lẽ là sông Cà Lồ.

634 Vạn Nhai: nay là đất huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái.

635 Hai chùa này đều gọi là chùa Keo, ở huyện Giao Thủy, tỉmh Nam Định cũ. Chùa Keo Giao Thủy, hay chùa Keo Dưới, nay ở xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa Keo Phả Lại hay chùa Keo Trên, nay ở xã Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉmh Nam Hà.

636 Nguyên văn: điển thục điển, điển tức là điển mại, nghĩa là bán nhưng còn có quyền được chuộc lại (khác với tuyệt mại nghĩa là bán đoạn tức là bán hẳn, không được chuộc lại). Thục điền là ruộng đã cày cấy thành thục, khác với ruộng đất mới khai khẩn.

637 "Vương dĩ công pháp" vua theo việc công.

638 Châu Tư Lang: nay là đất huyện Trùng Khánh và một phần đất huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

639 Việt sử lược chép là Lữ tiên sinh (q.3, 3b). Hai chữ "Lữ" và "Triệu" có thể lầm với nhau.

640 Đối chiếu thì thấy một số sự việc từ năm 1140 đến năm 1157, toàn thư phần nhiều chép lùi 2 năm so với Đại Việt sử lược như việc Đàm Hửu Lượng nói ở trên, Đại Việt sử lược (ĐVSL) chép vào năm Quý Hợi (1143); làm kho Thiên Tư, ĐVSL chép năm Giáp Tý (1144), Toàn thư chép vào năm Bính Dần (1146); hoàng hậu họ Đỗ (Chiêu Hiến) mất. ĐVSL chép năm Ất Sửu (1145), Toàn thư chép năm Đinh Mão (1147) v. v... Sở dĩ có sự chênh lệnh như vậy có lẽ vì Toàn thư chép năm Lý Thần Tông mất nuộn một năm với ĐVSL (xem chú BK4, 1a) và về khoảng thời gian này, ĐVSL lại chép sớm lên một năm nữa (Trong bản dịch Việt sử lược Trần Quốc Vượng đã so điều ghi về việc sao Chổi xuốt hiện, ĐVSL chép vào tháng 4 năm Giáp Tý (1144), Mà Tống sử thì ghi tháng 4 năm Ất Sửu (1145), cho thấy ĐVSL chép sớm một năm). Sự chênh lệnh ấy đến năm Mậu Dần (1158), kể từ việc Nguyễn Quốc (ĐVSL chép là Nguyễn Quốc Dĩ) đi sứ về tâu xin làm hộp thơ bằng đồng, lại tiếp tục ăn khớp.

641 Châu Thông Nông: nay là huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.

642 Tức thợ thủ công làm các đồ dùng cho vua và nhà nước.

643 Yên Hưng: nay là đất huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.

644 Địa danh thời Lý- Trần không thấy tài liệu nào ghi tên Quy Nhân, ngờ là Quy Hóa mà bản in khắc lầm. Quy Hoá là tên phủ thời Lý, cuối thời Trần đổi làm trấn, đầu thời Lê đổi làm lộ, từ đời Hồng Đức (1470- 1497) về sau lại đổi làm phủ: nay thuộc tỉnh Yên Bái, Lao Cai, Đại Thông là tên phủ thời Lý (có ghi trong Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi) chỉ miền Hưng Hoá, phía tây sông Hồng. Như vậy, hai trấn Đại Thông và Quy Nhân (sửa là Hoá) đại thể là đất tỉnh yên Bái, Lao Cai, Lai Châu và một phần Vĩnh phú ngày nay.

645 Trảo Oa: tức đảo Java, (Inđônêxia). Cương mục chép là Qua Oa (CMCB4,33a), cũng tức là Java, theo cách phiên âm thường dùng trong Nguyên sử và Minh sử.

646 Lộ lạc: chưa rõ chỉ nước nào. Thời trần, có thuyền buôn Lộ hạc đến Vân Đồn. Có lẽ Lộ Lạc chính là Lộ Hạc. Dựa vào âm đọc, có thể cho rằng Lộ Hạc là nước La Hộc được nhắc đến trong thư tịch Trung Quốc thời Nguyên-Minh (xem thêm chú thích về Xiêm la ở dưới). La Hộc là quốc gia Lavo ở Lopburi, Thái Lan. Lộ Hạc có khả năng là nước Locac được nhắc đến trong du ký của Marco Polo.

647 Xiêm La: quốc gia của người Thái vùng thượng lưu sông Mê Nam thời trung đại. Điểm đáng chú ý là Toàn thư đả chép tên Xiêm La vào năm 1149. Trong khi đó, thư tịch Trung Quốc chỉ nhắc đến nước này vào cuối thế kỷ XIII (xem Nguyên sử, Xiêm quốc truyện) nhưng trong suốt thời Nguyên, chỉ gọi là Xiêm chứ không phải là Xiêm La. Sang thời Minh, từ năm Hồng Vũ thứ 4 (1371), mới thấy nhắc đến tên Xiêm la. Minh sử, Minh nhất thống chí, Quảng Đông thống chí giải thích rằng vào khoảng niên hiệu Chí Chinh (1341-1368), nước Xiêm đầu hàng nước La Hộc (tức Lavo) bên cạnh, hai nước mới hợp nhất thành nước Xiêm La. Nguyễn Thiên Túng chú Dư địa chí của Nguyễn Trãi cũng theo thuyết đó mà nói rằng Xiêm La xưa là hai nước Xiêm La và La Hộc. Nếu đúng như thế thì phải chăng tên Xiêm La chép ở Toàn thư năm 1149 là do Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Lê chữa từ tên xiêm? Nhưng chưa có căn cứ để nói rằng thuyết đó đúng. Nước Xiêm nói trong Nguyên sử rõ ràng là vương quốc Sukhothai hình thành vào thế kỷ XIII ở Thái Lan. Mãi đến thế kỷ XV, Sukhothai mới trở thành thuộc quốc của vương quốc Ayuthya.

648 Hải Đông: vùng đất tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

649 Núi Vụ Thấp: còn gọi là Vụ Ôn, tức là núi Vụ Quang ở huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh.

650 Nguyên văn: "tả Hưng đô" tức là Tả Hưng thánh đô, "đô" vừa là tên đơn vị đội quân cấm vệ (đô Ngọc Giai đô Quảng Vũ v. v...) vừa là tên quan chức của viên chỉ huy đội quân cấm vệ ấy.

651 Chỉ cách đọc hai chữ "cát đái" thêm âm Nôm.

652 Việc này, Cương mục chỉ chép là Đỗ Anh Vũ bị đày làm "điền nhi" (CMCB5, 3a) tức là những người có tội bị bắt buộc phải làm ruộng cho nhà nước. Chữ "cảo", Cương mục chữa làm Tảo và chú thích là "Tảo xả" nay là xã Nhật Tảo huyện Từ Liêm (CMCB6,9). Vậy "Cảo điền nhi" là những người bị tội đày phải cày ruộng cho nhà nước ở địa phương ngày nay là xã Nhật tảo huyện Từ Liêm, Hà Nội. Vùng này BK10, 28a gọi là Cảo Động.

653 Cưỡi ngựa gỗ (thượng mộc mã): thứ hình phạt thời cổ, đem tội nhân đóng đinh lên tấm ván, đem đi bêu chợ rồi đem ra pháp trường tùng xẻo.

654 Long Thủy: vùng Thác Bờ, tỉnh Hòa Bình.

655 Nghĩa: vua theo tám phương.

656 Đại Việt sử lược chép là Ung Minh Điệp (ĐVSL3,5a), tức ông Vangsaraja.

657 Chế Bì La Bút: tức Jaya Harivarman I (ở ngôi: 1145-1170).

658 Viên Khâu: đàn tế trời vào tiết Đông Chí hàng năm.

659 Đại Việt sử lược chép: Chế Bì La Bút nước Chiêm Thành đến cống (ĐVSL3,5b).

660 Thời Xuân Thu, con các vua chư hầu gọi là công tử vì cha nhận tước công của nhà Chu.

661 Công tử Củ: em Tề Tương công lánh nạn, nương nhờ nước Lỗ. Sau khi Tương công bị giết. Lỗ Trang công cho quân đưa công tử Củ về lập làm vua, nhưng bấy giờ Tiêu Bạch (là anh của củ) đã lên ngôi (tức Tề Hoàn Công), nước Lỗ phải rút quân về.

662 Tiệp Tri: con Văn công nước Trâu (mẹ là con vua nước Tấn), sau khi Văn công chết, Tấn cho quân đem Tiệp Tri về nước, nhưng con trưởng của Văn công là Quắc Thư đã nối ngôi, người nước Tấn biết là trái đạo, phải rút về.

663 Chỉ quan lại.

664 Ngự Thiên: nay là một phần đất huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (vùng huyện Hưng Nhân cũ).

665 Ngự trù: bếp của nhà vua.

666 Về việc này, Toàn thư và Cương mục đều chép người đi sứ về là Nguyễn Quốc, nhưng Đại Việt sử lược chép là Nguyễn Quốc Dĩ, giữ chức Tả ty và kể sự việc kỷ hơn: Người giữ việc đọc thư nói lại với Đỗ Anh Vũ về bức thư nặc danh, Anh Vũ nói: "Ông vì ta tâu vua xin xét việc đó". Tìm không ra người viết thư, Anh Vũ tâu rằng: "Thư ấy tất do người xướng xuất ra việc làm hòm viết ". Vua lấy làm phải, sai bắt Quốc Dĩ và em là Nghi Giao cho quan xét xử, sau đó, đày Quốc Dĩ lên trại Quy Hóa (Toàn thư, ghi là Thanh Hóa?). Khi biết vua có ý định cho gọi Quốc Dĩ về, Anh Vũ sai người đem thuốc độc cho Quốc Dĩ (ĐVSL3,6b).

667 Xuy Vưu: theo truyền thuyết Trung Quốc, là hậu duệ của Viêm Đế, làm vua nước Cửu Lê thời thượng cổ, thua trận ở Trác Lộc, bị Hoàng Đế bắt giết.

668 Chùa Pháp Vân: tức là chùa Dâu ở xã Thanh Khương,Hà Bắc.

669 Có nhầm lẫn ở điều ghi này của Toàn thư. Phải đến năm 1206 quốc gia Mông Cổ mới thành lập. Sứ đến nước ta bấy giờ có lẽ là sứ nước Kim. Cương mục cũng chữa là sứ thần nước Kim. (CMCB5, 14a).

670 Văn Tuyên Vương: tức Khổng Tử.

671 Đại Việt sử lược chép đổi niên hiệu vào tháng giêng (ĐVSL3,8a).

672 Nguyên bản khắc nhầm chữ đạo lý với chử lý (lẽ) đúng ra là chữ lý (dặm đường).

673 Đại Việt sử lược chép là Đỗ An Thuận (ĐVSL3, 9b).!Chữ Di và chữ Thuận gần giống nhau, dễ lầm lẫn.

674 Năm Đại Định thứ 20 (1159), Tô Hiến Thành đã phong làm thái uý, lúc này lại là đại thần nhận di chiếu của Anh Tông làm phụ chính cho Cao Tông, ở đây lại ghi phong lại chức vụ cũ, Cương mục ngờ rằng Toàn thư có thể chép nhầm (CMCB5, 18a).

675 Đại Việt sử lược chép hoàng hậu họ Đỗ tên là Thuỵ Châu (ĐVSL3, 8b).

676 Huỳnh Hoặc: tức sao Hỏa.

677 Đế sư: thầy của vua.

678 Tam Phật tề: tức vương quốc Srivijaya ở đảo Smatra, được nhắc đến với tên Thất Lợi Phật Thệ từ thế kỷ VII trong thư tịch Trung Quốc và với tên Tâm Phật Tề từ thế kỷ V trong thư tịch Trung Quốc.

679 Các sách Tư Mông...: Đại Việt sử lược chép sách Tư Mông, sách Trịnh, sách Ô Mễ, vua sai thái phó Vương Nhân Từ đi đánh. Nhân Từ lấy người trong châu là Phạm Phẩm đóng ở ải Ông trọng, Trương Nhạn, Phạm Đỗ đóng ở hương Bái, Đoàn Tùng đóng ở ải Khả Lão. Khi đến trại La Biều, quan quân bị người Lão đánh úp, thua to, Nhân Từ chết trận. Cuộc hành quân năm sau (1185) do Kiến Khang Vương (Đại Việt sử lược chép là Kiên Ninh Vương) chỉ huy là để báo thù việc thất trận ở La Biều (ĐVSL3,10b,11a). các sách, trại ghi ở đây đều chưa rõ ở đâu, nhưng có khả năng là ở vùng núi Hà Sơn Bình. Đại Việt sử lược chép đến các quan lang họ Đinh ở vùng này.

680 Nhà Tống đối với các vua nước ta lúc mới lên ngôi thường chỉ phong tước Giao Chỉ Quận Vương, rồi Nam Bình Vương, sau mới phong An Nam Quốc Vương. Riêng với Lý Cao Tông, ngay lần đầu nhà Tống đã phong tước ấy, vì vậy chế thư có câu: "Tức lạc quốc dĩ triện phong..." (ngay bắt đầu đã phong...). Theo Tống sử (q.488) thì tước ấy đã phong ngay năm đầu khi Cao Tông mới lên ngôi (1177).

681 tây Vực: chỉ các nước ở miền Trung và Nam Á.

682 Chùa Pháp Vân: tức chùa Dâu, ở xã Thanh Khương, tỉnh Hà Bắc. Đào Duy Anh chú bản dịch cũ đoán Duềnh Bà là chép nhầm từ chữ Luy Lâu. Nhưng Duềnh bà cũng có thể là tên Nôm thời bấy giờ của vùng này. (Duềnh chỉ sông Dâu, Bà chỉ Bà Dâu, nữ thần thờ ở chùa Dâu).

683 Sao Huỳnh Hoặc tức sao Hỏa. Sao Thái Bạch tức sao Kim.

684 Cổ Hoằng: nay là đất huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

685 Nay là Diễn Thịnh huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

686 câu này dẫn thơ "Thước sào": Duy thước hữu sào, duy cưu cư chi" (Kinh Thi Thiệu nam).

687 Bố Trì: tức Suryavarmadeva.

688 văn Bố Điền: tức ôngDhanapatigrama: Đại Việt sử lược (Q3,14b), ghi là Bố Do.

689 Cơ La: tên cửa biển, thời Trần đổi là Kỳ La, tức là cửa Nhượng ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

690 Đại Hoàng: là tên châu, vừa là tên sông ở châu ấy, nay là sông Hoàng Long ở huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình.

691 Đại Việt sử lược (q.3, 14b) ghi Bảo Lương họ Nguyễn, tức họ Lý (văn bản đại việt sử lược theo lệ kiêng huý đời Trần đổi Lý thành Nguyễn), giữ chức Thượng tướng quân.

692 Sông Lộ Bố: Cương mục dẫn Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư nói Lộ Bố là sông ở địa phận Y Yên, (CMCB3, 30a). Xác định như vậy khá hợp lý. Dựa vào các chi tiết được chép rõ hơn ở Đại Việt sử lược, có thể cho rằng sông Lộ Bố là đoạn sông Đáy chảy qua huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà và cửa sông Lộ Bố là ở chổ sông Hoàng Long gặp sông Đáy.

693 Quốc Oai: nếu châu Quốc Oai thời Lý tương đương với phủ Quốc Oai thời Lê thì là đất các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất và huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây ngày nay. Nhưng theo đây thì núi Tản Viên cũng thuộc châu Quốc Oai, vậy Quốc Oai thời Lý có một phần đất huyện ba Vì ngày nay.

694 Thanh Oai: tên hương thời Lý, nay là huyện Thanh Oai, tỉnh Hà tây.

695 Hậu nhân: người do thám.

696 Đằng châu: ten châu thời Đinh Lê; năm 1005 Lê Long Đình đổi gọi là phủ, nhà Lý đổi lại là châu, nay là phần đất Hưng Yên (cũ), tỉnh Hải Hưng.

697 Khoái Châu: nhà Lý tách một phần Đằng Châu đặt ra Khoái Châu, nay là đất các huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng.

698 Cương mục chép: Du ngầm sai người đến kinh đô đem vàng bạc đút lót cho bọn nội nhân để tâu vua rằng Bỉnh Di tàn ác giết người vô tội và bày tỏ oan trạng của mình (CMCB5, 32b).

699 Cương mục có ý ngờ về điều ghi Phụ là con Bỉnh Di, vì Bỉnh Di là hoạn quan (CMCB5, 33b). Nhưng hoạn quan có thể vẩn có con từ trước khi chưa bị hoạn.

700 Nguyên văn: "Lương thạch xứ". Đại Việt sử lược có chổ chép là "Lương thạch toạ" (ĐVSL3,30b). Theo mặt chữ có thể hiểu đó là cái bệ đá để ngồi mát, ở bên hoặc gần sát bậc thềm có tên là thềm Kim Tinh (Kim Tinh giai).

701 Đông Bộ Đầu: tức bến Đông ở Thăng Long, bên sông Hồng, ở vào khoảng gần cầu Long Biên và dốc Hàng Than hiện nay.

702 Quy Hóa Giang: một tên khác của sông Thao (tức sông Hồng từ Việt Trì trở lên), ở đây chỉ miền núi Vĩnh Phú, Yên Bái. An Nam chí lược (q.12) chép thêm là Cao Tông nương nhờ ở nhà Hà Vạn.

703 Đội Sơn: còn gọi là núi Long Đội tức núi Đội ở huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà ngày nay.

704 Nay là Lưu Xá, huyện Hưng Hòa, tỉnh Thái Bình.

705 Đại Việt sử lược chép là Đỗ Anh Doãn (ĐVSL3, 20a).

706 Đại Việt sử lược chép đủ tên huý của Lý Huệ Tông là Hạo Sảm (ĐVSL3, 20b).

707 Bến Triều Đông: bến sông Hồng ở phía đông Thăng Long. cương mục chép là Đông Bộ Đầu và chú là bến Đông Tân sông Nhị Hà.

708 Nguyên văn: "dĩ Trung Từ vi Thái uý phụ chính, phong Thuận Lưu bá Trần Tự Khánh vi Chương Thành Hầu". Về việc này, Cương mục chép: "Vua bèn phong cho Tự Khánh tước hầu, cho Tô Trung Từ làm Thái uý, phong tước Thuận Lưu bá" (CMCB5, 35b). Đúng ra Lưu Thuận bá là tước của Trần Tự Khánh (như Toàn thư đã chép ở BK4, 26b) và theo Đại Việt sử lược đến năm này (Nhâm Thân 1212), ngày Canh Tuất tháng giêng "vua cho Tự Khánh lên tước hầu, tước hiệu là Chương Thành hầu" (ĐVSL3, 24a). Như vậy có thể nhận thấy rằng ở câu của Toàn thư (đã dẫn), soạn giả Cương mục đã đặt nhầm một dấu ngắt đoạn ở sau chữ "bá", cho nên mới chép Thuận Lưu bá là tước của Tô Trung Từ.

709 Huyện Binh Hợp: chưa rõ ở đâu.

710 Cửu Liên châu: có lẽ là bãi tả ngạn sông Hồng, gần Cửu Cao, trong đất huyện Văn Giang cũ, nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng.

711 Quảng Oai: vùng đất ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây ngày nay.

712 Bất tiếu: không giống, không bằng (như con không giống cha), chuyển nghĩa là không phải người hiền không thể truyền ngôi.

713 Theo Cương mục, Chiêu Hoàng khi nối ngôi mới lên 7 tuổi (CMCB5, 41b).

714 Lục hỏa thị cung ngoại: sáu hỏa (có lẽ là sáu đội lính) hầu ngoài cung; Chi hậu, Nội nhân thị nội: các chức chi hậu và nội nhân hầu bên trong.

715 Cận thị thự lực cục chi hậu: chức chi hậu ở sáu cục của cận thị thự là thự giữ việc hầu cận vua.

716 Thiện hoàng: hoàng đế được nhường ngôi Thiện có nghĩa là nhường ngôi.

717 Châu Đại Viễn: có lẽ muốn nói châu Đại Hoàng.

718 Loại thơ sấm thường được dùng chữ theo lối đồng âm khác nghĩa và chiết tự: chữ "bát" ở câu đầu có nghĩa là cái bát (bát nước0 đồng âm với chữ "bát" là tam (tam đời). Chũ Sảm gồm phần trên là chữ "nhật" (mặt trời), phần dưới là chữ "sơn" núi= mặt trời gác núi.

Quyển V

[1a]

K ỷ N h à T r ầ n

Thái Tông Hoàng Đế

Họ Trần, tên húy là Cảnh, trước tên húy là Bồ, làm Chi hậu chính triều Lý, được Chiêu Hoàng nhường ngôi, ở ngôi 33 năm [1226-1258], nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi [1218- 1277] băng ở cung Vạn Thọ, táng ở Chiêu Lăng. Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dựng cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy. Song quy hoạch việc nước đều do Trần Thủ Độ làm và chốn buồng the cũng có nhiều điều hổ thẹn.

Trước kia, tổ tiên vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc719 , phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, Kiến Gia thứ 8 triều Lý720 . Vua mũi cao, mặt rộng, giống như [1b] Hán Cao Tổ. Khi mới 8 tuổi, làm Chi hậu chính chi ứng cục triều Lý. Vì có chú họ là Trần Thủ Độ làm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ, nên vua được vào hầu trong cung. Chiêu Hoàng thấy vua thì ưa.

Năm Ất Dậu [1225], mùa đông, tháng 12, ngày 12 Mậu Dần, nhận thiền vị của Chiêu Hoàng, lên ngôi Hoàng Đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung.

Bính Tuất, Kiến Trung năm thứ 2 [ 1266], (Tống Bảo Khánh năm thứ 2) mùa xuân, tháng Giêng, sách phong Chiêu Hoàng làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh.

Phong Trần Thủ Độ làm Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sư.Phế thượng hoàng nhà Lý ra ở chùa Chân Giáo, gọi là Huệ Quang đại sư.

Tháng 2, định luật lệnh, điều lệ.

Sai Trần Thủ Độ đem quân đi đánh Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng và các man.

Lúc ấy, nhân thế suy yếu của triều Lý, giặc cướp tụ tập nhiều. Người Man ở vùng núi Tản Viên, vùng núi Quảng Oai xâm phạm đánh lẫn nhau. [2a] Nguyễn Nộn chiếm cứ Bắc Giang721 , Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu 722 . Thủ Độ điều động các quân đi đánh dẹp.

Bấy giờ Nộn và Thượng binh thế còn mạnh, chưa dễ hàng phục được, mới phong cho Nộn làm Hoài Đạo Vương, chia cho các huyện Bắc Giang Thượng, Bắc Giang Hạ, Đông Ngạn723 cũng hẹn phong làm vương cho Thượng định ngày đến thề, nhưng Thượng không đến.

Mùa hạ, tháng 5, phong em là Nhật Hiệu làm khâm Thiên Đại Vương (khi ấy mới 2 tuổi).

Trao phẩm cấp cho các quan văn võ theo hẫu theo thứ bậc khác nhau.

Tháng 6, lấy ngày sinh làm tiết Càn Ninh.

Mùa thu, tháng 8, ngày mồng 10, Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo.

Trước đó, Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời đến ở chùa Chân Giáo; bề ngoài giả vờ là để phụng sự, mhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt.

Có lẫn Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấ Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: "Nhổ cỏ thì phải nhổ cả [2b] rễ sâu".

Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: "Điều ngươi nói, ta hiểu rồi".

Đến nay, sai người bày biện hương hoa đến bảo [Huệ Tông]: "Thượng phụ sai thẫn đến mời"..

Thượng hoàng nhà Lý nói: "Ta tụng kinh xong sẽ tự tử".

Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: "Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi thác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế".

Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa.

Thủ Độ ra lệnh cho các quan đến khóc, khoét tường thành phía nam cửa (người bấy giờ gọi là "cửa khoét"), đưa linh cữu ra phường Yên Hoa để thiêu, chứa xương vào tháp chùa Bảo Quang, tôn miếu hiệu là Huệ Tông. Giáng hoàng hậu của Huệ Tông làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ, cho châu lạng làm ấp thang mộc.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tam Đại xưa lấy được thiên hạ là vì lòng nhân. Cho nên [3a] những vua có đức lớn mà không làm nhiễu việc ác quá lắm thì trời chưa bao giờ vội dứt bỏ họ. Nhà Hạ nếu không có Kiệt, nhà Thương có Trụ, thì việc truyền ngôi hẵn cũng chưa hết. Xem như cuối đời nhà Chu, các nước chư hẫu cưỡng bức, tiếm lấn mà ngôi chính thống vẫn truyền nối mãi mãi không dứt. Đó là do nhân sâu ơn dày của tổ tông để lại mãi đến đời sau vậy.

Họ Lý được nước không kém gì Tam Đại, truyền nối nhiều đời, đến Huệ Tông không có con trai, lại mắc bệnh tật, chắc là ơn trạch của tiên vương đến đây là hết rồi, cho nên họ Trẫn mới có thể lấy được nước. Đã lấy nước của người ta, lại giết vua của người ta thì thực bất nhân quá lắm.

Sau này, Phế Đế phải thắt cổ chết, Nguyên Quân bị giết724 , mình làm thế nào thì phải chịu thế ấy, đạo trời là như vậy đó. Dù không có lời nguyền của Huệ Tông, cũng tin là phải thế. Thủ Độ coi việc đó là hết lòng trung, lo việc nước, nhưng có biết đâu thiên hạ đời sau chỉ mặt [3b] gọi là giặc giết vua, huống chi lại còn làm thói cho lợn725 .

Đưa các cung nhân và con gái họ hàng nhà Lý Huệ Tông gả cho các tù trưởng người Man.

Mùa đông, tháng 10, tôn cha là Thừa làm Thượng hoàng, ở cung Phụ Thiên, phường Hạc Kiều phía bên tả. Hễ khi nước có việc lớn, thì ở trong đó xem xét, quyết định. Tôn mẹ là Lê thị làm Quốc Thánh hoàng thái hậu ( có sách chép là Bảo Thánh Quốc mẫu).

Xuống chiếu cho dân gian dùng tiễn "tỉnh bách"726 mỗi tiễn là 69 đỗng. Tiền nộp cho nhà nước ( tiễn " thượng cung") thì mỗi tiễn là 70 đồng.

Tuyển thục nữ trong nước sung làm cung nhân.

Sai Phụ quốc thái phó Phùng Tá Chu quyền Tri phủ Nghệ An, cho phép ban tước từ tá chức, xá nhân trở xuống cho người khác, rồi sau về triều tâu lê .

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ban tước cho người là quyễn của thiên tử, không phải là quyền của kẻ làm tôi [4a]. Phùng Tá Chu là bề tôi cũ triều Lý, không có việc cần phải chuyên quyễn như ra ngoài cương giới, làm lợi cho quốc gia, vỗ yên trăm họ, mà lại cho phép chuyên quyền thì cả người cho phép đều sai cả.

Bễ tôi nhà Trẫn mà biết đạo ấy, phải chăng chỉ có Quốc công Hưng Đạo Đại Vương. Thánh Tông vì thấy ông có công lao to lớn, cho phép được tự tiện phong tước cho người, nhưng chưa bao giờ ông phong cho một ai cả. Giữa lúc giặc Hỗ vào cướp, cầm quân chuyên chế, lấy thóc của người giàu để cấp lương quân, nhưng cũng chỉ cho người đó làm giả Lang tướng mà không dám cho làm Lang tướng thực.

Đinh Hợi [Kiến Trung] năm thứ 3 [1227] , (Tống Bảo Khánh năm thứ 3). Thi tam giáo tử (nghĩa là những nối nghiệp Nho giáo, Đạo giáo, Thích giáo).

Xuống chiếu rằng tất cả các đơn từ văn khế đều dùng phép in ngón tay vào nửa tờ giấy.

Tuyên bố các điều khoản lễ minh thệ, theo như lệ cũ của triều Lý và bắt đẫu định việc thực hiện. Nghi thức lễ đó như sau:

Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng 4, tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, [4b] tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh trăm quan mặc nhung phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ727 , họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng:

"Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết".

Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đườngđể xem như ngày hội lớn.

Mậu Tý, [Kiến Trung] năm thứ 4 [1228]. (Tống Thiệu Định năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, phong Khâm Thiên Vương Nhật Hiệu làm Quận vương.

Tháng 2, thi lại viên bằng thể thức công văn (bạ đầu cách).

Mùa thu, tháng 8, phong anh là Liễu làm thái úy.

Xác định số đinh tỉnh Thanh Hóa.

Lệ cũ, hằng năm vào đầu mùa xuân, xã quan (nay là xã trưởng) [5a] khai báo nhân khẩu gọi là đơn sổ, rồi căn cứ vào sổ, kê rõ các loại tông thất, văn quan văn giai, võ quan võ giai, quan theo hầu, quân nhân, tạp lưu, hoàng nam, già yếu, tàn tật, phụ tịch, xiêu tán v.v... Người có quan tước, con cháu được tập ấm mới được ra làm quan, người giàu có khoẻ mạnh mà không có quan tước thì sung quân đội, đời đời làm lính.

Tháng 9, thi lại viên bằng thể thức công văn gọi là bạ đầu. Người trúng tuyển được sung làm thuộc lại ở các sảnh viện. (Việc này đã chép vào tháng 2 rồi).

Mùa đông, tháng 10, nước Chiêm Thành sang cống.

Tháng 12, Nguyễn Nộn đánh giết Đoàn Thượng.

Nộn đã phá được Thượng, nhân gộp cả quân của Thượng, cướp bắt con trai, con gái, tài sản, trâu ngựa đất Hồng Châu. Con của Thượng là Văn đem gia thuộc đến hàng.

Thanh thế của Thượng rất lừng lẫy. Thủ Độ lo lắm, chia quân chống giữ và sai sứ đem thư đến chúc mừng, gia phong Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, đưa công chúa Ngoạn Thiềm gả cho hắn để ngầm [5b] dò la tin tức. Nộn cũng chia nha tướng riêng cho công chúa ở. Vì thế công chúa không thể báo được tin gì.

Kỷ Sửu,[ Kiến Trung] năm thứ 5[1229] , (Tống Thiệu Định năm thứ 2, Nguyên Thái Tông Oa Khoát Đài năm thứ1. Mùa xuân, tháng 3, nhật thực.

Nguyễn Nộn ốm chết.

Sau khi kiêm tính quân của Thương, Nộn tự xưng là Đại Thắng Vương, chè chén chơi bời bừa bãi. Nhưng Nộn cũng biết là thế không thể cùng đối lập với nhàTrần, định đến tháng 10 sẽ vào chầu, song còn do dự chưa quyết.

Đến khi ốm nặng, vua sai nội nhân tớihỏi thăm, Nộn cố gượng ăn cơm, phi ngựa để tỏ ra còn khoẻ mạnh, không bao lâu thì chết. Người dưới quyền là Phan Ma Lôi Ngầm phóng ngựa chạy trốn, không biết là đi đâu.

Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần. Sau khi Nộn chết, thiên hạ lại quy về một mối.

Sai sứ sang thăm nước Tống. Nha Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương.

[6a] Canh Dần, [Kiến Trung] năm thứ 5 [1230 ], (Tống Thiệu Đinh năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 3, khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành Quốc triều thống chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển.

Định bị đồ có mức độ khác nhau:

Loại bị đồ làm Cảo điền hoành thì thích vào mặt 6 chữ, cho ở Cảo xẵ (nay là xã Nhật Cảo), cày ruộng côn, mỗi người 3 mẫu, mỗi năm phải nộp 300 thăng thóc.

Loại bị đồ làm Lao thành binh thì thích vào cổ 4 chữ, bắt dọn cỏ ở Phượng Thành, thành Thăng Long, lệ vào quân Tứ sương729 .

Định các phường về hai bên tả hữu của kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường.

Đặt ty Bình bạc730 .

Lại mở rộng phía ngoài thành Đại La, bốn cửa thành giao cho quân Tứ sương thay phiên nhau canh giữ.

Sửa đổi quan chức các phủ lộ. Đặt 2 viên An phủ sứ và An phủ phó sứ.

Trong thành dựng cung, điện, lầu, các và nhà lang vũ ở hai bên phía đông và tây. Bên tả là cung Thánh Từ ( nơi thượng hoàng ở), bên hữu là cung Quan Triều (nơi vua ở).

Chép công việc của quốc triều làm bộ Quốc triều thường lễ, 10 quyển.

[6b] Mùa xuân, tháng 7, xuống chiếu rằng phàm người coi tục đi đòi người kiện tụng, thì cho lấy tiềncước lục tùy theo quãng đường gần hay xa.

Tháng 9, Quốc Thánh hoàng thái hậu băng, truy tôn làm Thuận Từ hoàng thái hậu.

Tân Mão, [ Kiến Trung] năm thứ 7 [1231] , (Tống Thiệu Định năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai NộI minh tự Nguyễn Bang Cốc (hoạn quan) chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và

kênh Hào731 từ phủ Thanh Hóa đến địa giớI phía nam Diễn Châu. Việc xong, thăng Bang Cốc làm Phụ Quốc thượng hầu.

Mùa thu, tháng 8, vua ngự đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau.

Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước hễ chổ nào có đình trạm đều phải đắp tượng phật để thờ.

Trước đây, tục nước ta vì nóng bức, nên làm nhiều đình cho người đi đường nghỉ chân, thường quét vôi trắng, gọi là đình trạm. Thượng hoàng khi còn hàn vi từng nghỉ ở đó, có một nhà sư bảo rằng : "Người trẻ tuổi này ngày sau sẽ đại quý". Nói xong [7a] thì không thấy nhà sư đâu nữa. Đến nay vua lấy được thiên hạ mới có lệnh này.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Việc này của Trần Thái Tông cũng giống như việc Vạn Hạnh với Lý Thái Tổ. Đó là mầm đầu tiên của sự sùng Phật ở đời Lý, đời Trần. Kể ra, người thức giả mọi việc đều biết trước, có gì lạ đâu.

Nhâm Thìn, [Kiến Trung] năm thứ 8 [1232], (Từ tháng 7 về sau là Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 1, Tống Thiệu Định năm thứ 5).

Mùa xuân, tháng giêng, bắt đầu định triều nghi.

Phong con của thượng hoàng là Bà Liệt làm Hoài Đức Vương.

Xưa Thượng hoàng còn hàn vi, lấy người con gái thôn Bà Liệt (thuộc huyện Tây Chân)732 . Người đó có mang thì bị ( Thượng hoàng) ruồng bỏ. Đến khi Bà Liệt ra đời, Thượng hoàng không nhận con. Lớn lên Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin sung vào đội đánh vật. Một hôm, bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ Liệt đến suýt tắt thở. Thượng hoàng thét lên : " Con ta đấy". Người ấy [7b] sợ hãi lạy tạ.

Ngay hôm đó, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con, cho nên có lệnh này.

Tháng 2, thi thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm; đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu; đệ tam giáp là Trần Chu Phổ.

Mùa hạ, tháng 6, ban bố các chữ quốc húy và miếu húy.

Vì Nguyên tổ tên húy là Lý, mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý.

Tháng 8, gió lớn, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết.

Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý.

Khi ấy, Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng.

Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm733 , Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết.

(Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa [Phan] Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm [8a] chép vào đây).

Quý Tỵ, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 2 [1233], (Tống Thiệu Định năm thứ 6), sai Phùng Tá Chu duyệt định các ấp lớn phủ Nghệ An.

Hoàng Thái tử Trịnh mất.

(Xét phép chép sử: Hoàng thái tử sinh, tất phải chép rõ ngày, tháng, năm sinh; khi mất cũng thế. Đây chỉ chép khi mất, có lẽ là vừa mới sinh đã chết ngay, nên không chép ngày tháng sinh).

Nước to.

Giáp Ngọ, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 3 [1234], (Tống Đoan Bình năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 18, thượng hoàng băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi.

Mùa thu, tháng 8, ngày 28, táng [Thượng hoàng] ở Thọ Lăng phủ Long Hưng. (Lăng ở hương Tinh Cương734 . Ba lăng Chiêu, Dụ Đức735 đều ở hương ấy). Miếu hiệu là Huy Tông, tên thụy là Khai Vận Lập Cực Hoằng Nhân Ứng Đạo Thuần Chân Chí Đức Thần Vũ Thánh Văn Thùy Dụ Chí Hiếu Hoàng Đế.

Lấy thái úy [ Trần] Liễu làm phụ chính, sách phong làm Hiển Hoàng.

[8b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thái Tông đối với anh là Liễu, có ý muốn tôn kính khác thường, cho nên làm việc việc quá đáng này. Sách phong là Hiển Hoàng, thế là danh không chính rồi. Đã danh không chính thì nói không thuận, nói không thuận thì việc không thành. Liễu manh tâm làm loạn, vị tất đã không phải do đấy.

Phong Trần Thủ Độ làm Thống quốc thái sư, tri Thanh Hóa phủ sự.

Gia phong thái phó triều Lý là Phùng Tá Chu làm Hưng Nhân Vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái phó, tước Bảo Trung quan nội hầu.

Ất Mùi , [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 4 [1236], (Tống Đoan Bình năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, sét đánh 30 chỗ trong thành Đại Xá.

[9a] Bính Thân, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 5 [1236], (Tống Đoan Bình năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, định lệ cấp lương bổng cho các quan văn võ trong ngoài và các quan ở cung điện, năng miếu, chia tiền thuế, ban cấp theo thứ bậc.

Tháng 2, định quan hàm cho các đại thần.

Phàm người tôn thất vào chính phủ, hoặc là Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Thái uý, hoặc là Tư đồ, Tả Hữu tướng quốc, đều kiêm hàm Kiểm hiệu đặc tiến nghi đồng tam ty bình chương sự736 .

Mùa hạ, tháng 6, nước to, vỡ tràn vào cung Lệ Thiên.

Bấy giờ Hiển Hoàng [Trần] Liễu làm tri Thánh Từ cung, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý liền cưỡng dâm ở cung Lệ Thiên. Đình thân hặc tâu, vì thế mới đổi tên cung Thưởng Xuân, giáng Hiển làm Hoài Vương.

Mùa thu, tháng 8, chọn các nho sinh đã thi đỗ vào chầu, sau làm định lệ.

Mùa đông, tháng 10, cho Phạm Ứng Thần làm Thượng thư tri Quốc tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần vào học.

[9b] Gia phong Hưng Nhân Vương Phùng Tá Chu làm Đại Vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái úy, ban cho mũ áo đại vương.

Đinh Dậu, [ Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 6 [1237], (Tống Gia Hy năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, xuống rằng: khi làm giấy tờ về chúc thư, văn khế ruộng đất và vay mượn tiền bạc thì người làm chứng in tay ở 3 dòng trước, người bán in tay ở 4 dòng sau.

Lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa.

Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực bàn kính với vua là nên mạo nhận lấy để làm chổ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy. Vì thế, Liễu họp quân ra sông Cái làm loạn.

Vua trong lòng áy náy, ban đêm, ra khỏi kinh thành đến chỗ quốc sư Phù Vân (quốc sư là bạn cũ của Thái Tông) trên núi Yên Tử rồi ở lại đó [10a]737 .

Hôm sau, Thủ Độ dẫn các quan đến mời vua trở về kinh sư. Vua nói: "Vì trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng năng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc".

Thủ Độ cố nài xin nhiều lần vẫn chưa được vua nghe, mới bảo mọi người rằng:

"Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó".

Thế rồi [Thủ Độ] cắm nêu trong núi, chỗ này là điện Thiên An, chỗ kia là các Đoan Minh, sai ngườ xây dựng. Quốc sư nghe thấy thế bèn, tâu rằng:

"Bệ hạ nên gấp quay xa giá trở về, chớ để làm hại núi rừng của đệ tư".

Vua bèn trở về kinh đô. Được hai tuần, Liễu tự lượng thế cô, khó lòng đối lâp được, ngầm đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin hàng.

Lúc ấy vua đang ở trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Đô:

"Phụng Càn Vương (Phụng Càn là tên hiệu [10b] cũ của Liễu hồi còn nhà Lý) đến hàng đầy!" rồi lấy thân mình che đỡ cho Liễu. Thủ Độ tức lắm, ném gương xuống sông nói:

"Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?".

Vua nói giải hòa, rồi bảo Thủ Độ rút quân về.

Lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang738 cho Liễu làm ấp thang mộc. Nhân đất được phong, mà Liễu có tên Hiệu là Yên Sinh Vương. Binh lính [theo Liễu] làm loạn ở sông Cái đều bị giết.

Phan Phu Tiên nói: Tam cương ngũ thường là luân lý lớn của loài người. Thái Tông là ông vua khai sáng cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng phép tắc để truyền lại cho đời sau, lại nghe mưu gian của Thủ Độ, cướp vợ của anh làm hoàng hậu, chẳng phải là bỏ cả luân thường, mở mối dâm loạn đó ư? Liễu từ đó sinh ra hiềm khích, cả gan làm loạn, là do Thái Tông nuôi nên tội ác cho Liễu vậy. Có người bảo Thái Tông không giết anh, thế là nhân, nhưng tôi thì cho rằng cướp vợ của anh, tội ác đã rõ ràng, không giết anh [11a] là vì lẽ trời chưa mất mà thôi, sao được gọi là nhân? Xét ra sau này Trần Dụ Tông dâm loạn làm càn chưa hẳn không do Thái Tông đầu têu vậy .

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thái Tông mạo nhận con của anh làm con của mình. Sau này Dụ Tông và Hiến Từ đều cho Nhật Lễ làm con của Cung Túc Vương, đến nỗi cơ nghiệp nhà Trần suýt nữa bị sụp đỗ, há chẳng phải là không có ngọn nguồn của nó sau?

Các quan dâng tôn hiệu là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Hậu Đức Hiền Công Hựu Thuận Thánh Văn Thần Vũ Hiếu Nguyên Hoàng Đế.

Ban yến cho các quan ở điện Thiên An.

Tháng 2, dời dựng điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu, gọi là điện Phong Thủy. Khi xa giá dừng ở đây, các quan đưa đón, đều dâng trầu cao và trà, nên tục gọi là điện Trà.

[11b] Mùa hạ, tháng 5, tết Đoan ngọ làm lễ điếu Khuất Nguyên và người hiền đời xưa như Giới Tử Thôiv.v..Hằng năm cứ đến tháng này đều cử hành [lễ điếu].

Mậu Tuất, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 7 [1238], (Tống Gia Hy năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, sai Thống quốc thái sư Trần Thủ Độ duyệt định sổ đinh phủ Thanh Hoá.

Mùa thu, tháng 7, nước to, vỡ tràn vào cung Thưởng Xuân.

Tháng 8, định quy chế thuyền xe cho vương hầu, công chúa, các quan văn võ và người tông thất.

Ban yến cho các quan từ ngũ phẩm trở lên ở điện Bát Giác.

Kỷ Hợi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 8 [1239], (Tống Gia Hy năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội thái phó. Sai [Chu] về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện.

Tháng 2, thi thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Lưu Miễn, Vương Giát; đệ nhị giáp là Ngô Khắc; đệ tam giáp là Vương Thế Lộc.

[12a] Kiểu Hiền làm loạn.

Canh Tý, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 9 [1240], (Tống Gia Hy năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai Phùng Tá Chu dựng 5 sở hành cung ở phủ Thanh Hoá.

Mùa thu, tháng 7, gió lớn, mưa to, động đất.

Tháng 9, ngày 25, hoàng đích trưởng tử là Hoảng sinh, lập làm Đông cung thái tử. Đại xá.

Mùa đông, tháng 10, quan đóng giữ Lạng Giang sai chạy trạm tâu về việc người phương Bắc đến bắt người cướp của dân cư trong hạt ấy. Vua sai thị thần là Bùi Khâm đến biên giới phía bắc để bày tỏ.

Tân Sửu, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 10 [1241], (Tống Thuần Hựu năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, chọn người có sức khoẻ, am hiểu võ nghệ sung làm quân Túc vệ thượng đô.

Mùa hạ, tháng 4, hạn hán, núi nhiếu nơi bị lở, ở chợ Dừa739 , đất toác ra.

Tháng 9, xuống chiếu cho các ty xét án được lấy tiền bình bạc740 (bình tức là xét, trước có ty bình bạc cũng là thế).

Mùa đông, tháng 10, người Man phương bắc đến cướp biên giới. Sai đốc tướng Phạm Kính Ân đi đánh lấy được các động Man rồi về.

Hoàng tử thứ ba Quang Khải sinh, là em cùng mẹ với thái tử Hoảng. Quốc Khang là anh trưởng, sau đều phong đại vương. Thứ đến Nhật Vĩnh, Ích Tắc, Chiêu Văn, đều phong vương. Thứ nữa thì phong thượng vị hầu. Con trưởng của các vương thì phong vương, các con thứ thì phong thượng vị hầu, coi đó là chế độ lâu dài.

Vua thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình741 của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là vua mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. [13a] .Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về.

Phùng Tá Chu mất.

Nhâm Dần, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 11 [1242], (Tống Thuần Hựu năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, chia nước làm 12 lộ742 . Đặt chức an phủ, trấn phủ, có 2 viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại, tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên là đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là tiểu tư xã. Có người làm kiêm cả 2, 3, 4, xã, cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là xã quan.

Làm đơn số743 hộ khẩu. Con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão. Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả. Có 1, 2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 3, 3 mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc.

Mùa hạ, tháng 4, sai [13b] Thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình đem quân trấn giữ biên giới phía bắc, đánh lấy các đất thuộc lộ Bằng Trường.

Trước kia, từ sau khi Nguyên Thái Tông mất, thì cửa ải thường không thông. Nếu có sứ mệnh thì chỉ có hai viên chánh phó sứ và hai bọn người đi theo, còn sản vật tiến cống có bao nhiêu thì gói bọc đưa đến địa đầu biên giới, quan địa phương nhận giữ và chuyển nộp. Sứ thần đến kinh, chỉ dâng biểu tâu thôi, các vật tiến cống không đến nơi cả được. Đến nay, sai tướng chống giữ, đánh chiếm mới thông hiếu được với nước Tống.

Tháng 5, tháng 6, hạn hán, soát tù, đại xá.

Mùa thu, tháng 7, mưa. Miễn một nửa tô ruộng.

Tháng 9, ngày canh thìn, mồng 1, nhật thực.

Mùa đông, tháng 10, Chiêm Thành sang cống.

Tháng 12, rồng vàng hiện.

Quý Mão, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 2 [1243] , (Tống Thuần Hựu năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, lệnh cho quan các lộ làm sổ dân đinh, [14a] hạn trong hai tháng phải xong.

Tháng 2, đắp thành nội, gọi là thành Long Phượng và trùng tu Quốc tử giám.

Mùa hạ, tháng 6, sai viên ngoại lang Trương Thất xét xử các án ở Đô vệ phủ.

Mùa thu, tháng 8, nước to, vỡ thành Đại La.

Mùa đông, tháng 10, chọn người bổ sung vào các quân bộ đ? sai khiến.

Giáp Thìn, [Thiên Ưng Chính Bình] năm thứ 13 [1244] , (Tống Thuần Hựu năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai các văn thần chia nhau đi trị nhậm các phủ, lộ trong nước gồm 12 nơi. Phủ có tri phủ, lộ có thông phán, châu có tào vận sứ và phó sứ, giữ việc vận chở.

Định các cách thức về luật hình.

Tháng 3, cho Phùng Tá Khang, cha Phùng Tá Chu, làm tả nhai đạo lục, tước Tả Lang.

Bấy giờ các vương hầu bổ quan tăng đạo thì gọi la Tả nhai, vì không thể cho đứng vào hàng ngũ các quan trong triều. Tả nhai là phẩm cao nhất của tăng đạo. Không phải là người thông thạo [14b] tôn giáo của mình thì không được dự càn. Nay đem phong cho Tá Khang là lễ ưu hậu lắm.

Mùa đông, tháng 10, qui định lương bổng cho các quan làm việc trong ngoài và các quan túc vệ.

Ất Tỵ, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 14 [1245], (Tống Thuần Hựu năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự hành cung Ứng Phong (nay là phủ Kiến Hưng)744 .

Mùa thu, tháng 8, nước to, vỡ đê Thanh Đàm745 .

Mùa đông, tháng 12, gió to, mưa lớn 3 ngày, nước sông tràn ngập, rắn, cá chết nhiều.

Bính Ngọ, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 15 [1246], (Tống Thuần Hựu năm thứ 6, Nguyên Định Tông, Quý Do746 năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, định quy chế các quận.

Chọn người khoẻ mạnh sung làm quân Tứ thiên, Tứ thánh, Tứ thần747 . Đinh tráng lộ Thiên Trường748 và Long Hưng749 , sung vào các quân Thiên thuộc, Thiên cương, Chương thánh và Củng thần; lộ Hồng750 và lộ Khoái751 sung quân tả hữu Thánh dực; lộ Trường Yên 752 và lộ Kiến Xương753 sung vào Thánh dực, Thần sách. Còn các lộ khác thì sung vào cấm quân trong Cấm vệ. Hạng thứ ba thì sung vào đoàn đội trạo nhi754 [15a] (có sách chép là phong đội).

Tháng 3, xét duyệt các quan văn, võ, trong ngoài. .

Cứ 15 năm 1 lần xét duyệt, 10 năm thăng tước 1 cấp, 15 năm thăng chức 1 bậc. Chức quan nào khuyết thì chức chánh kiêm chức phó. Chánh phó đều khuyết thì lấy quan khác tạm giữ, đợi đủ hạn xét duyệt thì bổ chức ấy.

Bấy giờ quốc gia vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan giữ mãi một chức, người ở quán, các 10 năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục 15 năm mới được xuất thân, chức tể tướng thì chọn người hiền năng trong tôn thất, có đạo đức, tài nghệ, thông hiểu thi thư thì cho làm.

Mùa hạ, thạng, tháp trên núi Long Đội đổ.

Mùa thu, tháng 7, định lệ thi tiến sĩ, cứ 7 năm 1 khoa.

Mùa đông, tháng 12, cho Trương Mông làm Ngự sử đại phu (Mông người Thanh Hóa, có hùng tài).

Đinh Mùi , [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 16 [1247], (Tống Thuần Hựu năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên [15b] Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ thám hoa lang. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau.

Trước đây, hai khóa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chia làm giáp, ất, chưa có chọn tam khôi755 . Đến khoa này mới đặt [tam khôi].

Mùa hạ, tháng 4, động đất.

Mùa thu, tháng 8, thi các khoa thông tam giáo. Ngô Tần (người Trà Lô0 đỗ giáp khoa, Đào Diễn, Hoàng Hoan (người Thanh Hóa) và Vũ Vị Phủ (người Hồng Châu) đỗ ất khoa.

Mậu Thân , [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 17 [1248], (Tống Thuần Hựu năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, đổi miế hiệu của Huy Tông gọi là Thái Tổ, Thọ Lăng gọi là Huy Lăng.

Tháng 3, lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là để quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển, để ngăn nước lũ tràn ngập.

Đặt hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền [16a]. Đắp đê quai vạc là bắt đầu từ đó.

Mùa hạ, tháng 4, làm cầu Lâm Ba ở chùa Chân Giáo, qua hồ Ngoạn Thiềm, đến quán Thái Thanh cung Cảnh Linh, cực kỳ tráng lệ.

Tháng 6, hoàng hậu Thuận Thiên băng, truy tôn là Hiển Tử Thuận Thiên hoàng thái hậu.

Sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ756 đục núi Chiêu Bạc757 ở Thanh Hóa; còn lấp các khe ở kênh mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết. Đó là làm theo lời Trần Thủ Độ.

Sứ thần Ngô Sĩ Liên nói: Từ khi có trời đất này, thì đã có núi sông này, mà khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời, đều có số cả. Khí trời từ bắc chuyển xuống nam, hết nam rối lại quay về bắc. Thánh nhân trăm năm mới sinh, đủ số lại trở lại từ đầu. Thời vận [16b] có lúc chậm lúc chóng, có khi thưa khi mau mà không đều, đại lược là thế, có can gì đến núi sông? Nếu bảo núi sông có thể lấy pháp thuật mà trấn áp, thì khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có pháp thuật gì trấn áp được không? Ví như Tần Thủy Hoàng biết là phương đông nam có vượng khí thiên tử, đã mấy lần xuống phương ấy để trấn áp, mà rút cuộc Hán Cao vẫn nổi dậy, có trấn áp được đâu.

Kỷ Dậu, [ Thiên Ứng Chính bình] năm thứ 18 [1249], (Tống Thuần Hựu năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, trùng tu chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ.

Đại xá.

Mùa hạ, tháng 4, ngày Nhâm Dần mồng 1, nhật thực.

Mùa thu, tháng 7, mưa đá lớn.

Canh Tuất, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 19 [1250], (Tống Thuần Hựu năm thứ 10). Mùa xuân, tháng 3 động đất.

Xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quan gia758 .

Đổi Đô vệ phủ làm Tam ty viện, gồm các viện Phụng tuyên, Thanh túc, Hiến chính.

Mùa hạ, tháng 5, xuống chiếu các việc kiện tụng đã thành án, phải cùng quan thẩm hình viện xem xét định tội.

[17a] cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử trung tướng, tri Tam ty viện sự.

Mùa thu, tháng 7, cho Minh tự Lưu Miễn làm an phủ sứ phủ lộ Thanh Hóa.

Tân Hợi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 20 [1251] (Từ tháng 2 về sau là Nguyên Phong năm thứ 1, Tống Thuần Hựu năm thứ 11, Nguyên Hiến Tông Mông Kha năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 1, đổi nguyên hiệu là Nguyên Phong (năm thứ 1).

Vua tự viết bài minh ban cho các hoàng tử, dạy về trung, hiếu, hoà, tốn, ôn, lượng, cung, kiệm.

Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn.

Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc759 và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành là lễ kết tóc với Trung Thành Vương.

Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào [17b] chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng.

Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời:

"Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu"

Vua vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết chuyện.

Hôm sau, Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống, tâu rằng: " Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật".

Vua bắt đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên760 để hoàn lại sính vật cho Trung Thành Vương.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Con gái vua lấy kẻ bề dưới tất phải sai chư hầu cùng họ đứng ra làm chủ hôn [18a] theo lễ phải thế. Thái Tông đem Thiên Thành công chúa gả xuống cho Trung Thành Vương, nhưng công chúa lại về với Hưng Đạo Vương, việc hôn nhân rất là bất chính. Thế thì lễ cưới này không ai đứng chủ ư? Vì vua đã bất chính trong đạo vợ chồng, cho người làm tôi con cũng bắt chước. Vả lại, hôn nhân không lấy người khác họ mà lấy người cùng họ, thì chỉ có nhà Trần làm thế. Trong việc trái lễ, lại trái lễ nửa.

Vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy, dang tay mà hát. Ngự sử trung tướng ( sau đổi là Trung úy) Trần Chu Phổ Cũng dang tay theo mọi người, nhưng không hát câu gì khác, chỉ nói: "Sử quan ca rằng, sử quan ca rằng".

Sau này, trong yến tiệc, có người đội mo nang, cầm dùi làm tửu lệnh thì lại càng thô bỉ lắm.

[18b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Xem thế đủ thấy, tuy bấy giờ vua tôi cùng vui, không gò bó vào lễ pháp, cũng là điều giản dị, chất phát của phong tục, nhưng không còn chừng mực gì nữa. Hữu Tử nói: "Biết được hòa đồng rồi hòa đồng, nhưng không lấy lễ mà tiết chế, thì cũng không thể làm được" Ngự sử là bề tôi giữ việc can ngăn, chức

phận là phải uốn nắn, đã không nói thì thôi, lại còn vào hùa với họ thì kỷ cương của triều đình để đâu?

Mùa hạ, tháng 4, Yên Sinh Vương Liễu mất, thọ 41 tuổi, gia phong đại vương.

Phạm Kính Ân mất (Kính Ân là thái úy quan nội hầu của triều Lý cũ).

Nhâm Tý, Nguyên Phong năm thứ 2 [1252] , (Tống Thuần Hựu năm thứ 13). Mùa xuân, tháng giêng, vua thân đi đánh Chiêm Thành, sai Khâm Thiên Đại vương Nhật Hiệu làm lưu thủ.

Chiêm Thành từ khi nhà Lý suy yếu, thường đem thuyền nhẹ [19a] đến cướp bóc dân cư ven biển. Vua lên ngôi, lấy đức vỗ về, sai sứ sang dụ, tuy họ có thường sang cống, nhưng lại đòi xin lại đất cũ, và có ý dòm ngó [nước ta]. Vua giận, nên có viễc thân chinh này.

Mùa đông, tháng 12, bắt được vợ của chúa Chiêm Thành là Bố Da La và nhiều thần thiếp, nhân dân của y rồi về.

(Có thuyết nói bắt được chúa Chiêm Thành Bố Da La là sai. Nếu quả như thế thì Lê Văn Hưu làm Sử ký sao không dẫn để ca ngợi cùng với việc bắt được Sạ Đẩu. Nay theo [Phan] Phu Tiên là phải).

Quý Sửu, Nguyên Phong năm thứ 3 [1253], (Tống Bảo Hựu năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 4, cho Khâm Thiên Đại Vương Nhật Hiệu làm Thái úy.

Tháng 6, lập Quốc học viện. Đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người hiền761 để thờ.

Muà thu, tháng 8, lập Giảng võ đường.

Tháng 9, xuống chiếu vời nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện giảng tứ thư lục kinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét