Tuyển Tập Thơ

Tiểu sử tác giả

 Nguyễn Trãi (1380 - 1442)

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (tức phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông). Năm 21 tuổi đỗ Thái học sinh (tiến sỹ) niên hiệu Thánh nguyên thứ 1 triều vua Hồ Quí Ly (1400). Làm quan đến chức Ngự sử đài chánh chưởng. Thân phụ là Nguyễn Phi Khanh, đỗ Bảng nhãn niên hiệu Long Khánh thứ 2 triều vua Trần Duệ tông (1374), vì cớ là hàn tộc mà lấy con gái Trần Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần, theo phép nhà Trần không được bổ dụng.

Mãi đến triều nhà Hồ mới được dùng làm Trung thư thị lang. Khi quân Minh sang xâm lấn, hai cha con vua nhà Hồ bị bắt. Phi Khanh cũng bị giải về Tàu. Nguyễn Trãi khóc theo đến Nam quan. Phi Khanh ngoảnh lại bảo rằng: "Con về rửa hờn cho nước, báo thù cho cha, mới là người đại trung đại hiếu, không nên theo nhi nữ thường tình!" Nguyễn Trãi trở về đi theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Trong 10 năm kháng chiến với quân Minh, giúp vua Lê bằng mưu kế: phàm các văn thư từ trát giao thiệp với tướng nhà Minh, đều do một tay ông thảo thiện. Sau khi đã đánh đuổi ngoại xâm về Tàu, Nguyễn Trãi được phong tước Quan phục hầu, liệt vào hạng khai quốc công thần đệ nhất. Triều vua Lê Thái Tông được làm Nhập nội hành khiển (tức Tể tướng). Năm 60 tuổi, về trí sĩ tại Côn Sơn (thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ba năm sau, vì án Nguyễn Thị Lộ, bị tru di tam tộc.

Sử chép: Niên hiệu đại bảo thứ 3 triều Lê Thái Tông (1442), nhà vua đi tuần phương đông, duyệt võ ở Chí Linh, Nguyễn Trãi đón xa giá đến chơi chùa Côn Sơn. Thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, có tài sắc, được nhà vua vời. Khi xa giá đến vườn Lệ Chi (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) nhà vua bị bệnh sốt, Thị Lộ vào chầu suốt đêm rồi vua mất, ai nấy đều nói Thị Lộ thí nghịch, nên Nguyễn Trãi phải tội tru di. Năm ấy, Nguyễn Trãi 63 tuổi, có người thiếp đương có thai trốn được, sau sinh ra Nguyễn Ánh Vũ. Đời Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi được minh oan, truy tặng Tế văn hầu. Anh Vũ được bổ chức Tri châu.

Bình Nam Dạ Bạc

Phiếm phầm cao chiếm* vãn phong khinh
Mộ túc Bình Nam (1) cổ huyện thành
Đăng ảnh chiếu nhân hòa nguyệt ảnh
Thụ thanh xao mộng tính than thanh
Hồ sơn hữu ước vi sơ chí
Tuế nguyệt như lưu mạn thử sinh
Dạ bán thú lâu xuy họa giác
Khách trung thê sảng bất thăng tình.

Dịch Nghĩa:

Cánh buồm giương phập phồng trong gió chiều thổi nhẹ - Buổi tối tá túc ở huyện thành cổ Bình Nam - Ánh đèn hòa cùng ánh trăng chiếu vào người - Tiếng cây cùng với tiếng thác nước xua giấc mộng - Chí nguyện trước với núi sông giờ đã bị vi phạm - Năm tháng như trôi qua cuộc đời uổng phí - Nửa đêm tù và thổi trên lầu canh - Trong lòng khách thương xót khôn xiết.

Dịch Thơ:

Đêm Đậu Thuyền Ở Bình Nam

Buồm lộng chiều hôm ngọn gió êm
Bình Nam huyện cũ ghé qua đêm
Trăng đèn bàng bạc chung luồng sáng
Cây suối rì rào động giấc chiêm
Trót nguyện non sông đành bội bạc
Tiếc đời năm tháng phí triền miên
Giữa đêm tiếng ốc vang chòi gác
Dạ khách buồn đau lắm nỗi niềm.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

* Có một phiên âm khác là triển

(1) Bình Nam: một huyện ngày xưa thuộc phủ Tầm Châu trên sông Tầm Giang (Quảng Tây, Trung Quốc).

Bạch Mai

Giữa mùa đông, lỗi thức xuân,
Nam chi nở, cực thanh tân.
Trên cây khác ngỡ hồn Cô Dịch,
Đáy nước, ngờ là mặt Thái Chân.
Càng thủa già, càng cốt cách,
Một phen giá , một tinh thần.
Người cười rằng kém tài lương đống,

Thửa việc điều canh, bội mấy phần.



Bạch Đằng Hải Khẩu

Sóc phong xuy hải khí lăng lăng
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng (1)
Ngạc đoạn kinh khô (2) sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Quan hà bách nhị do thiên thiết (3)
Hào kiệt công danh thử địa tằng
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ
Lâm lưu phủ ảnh (4) ý nan thăng.

Dịch nghĩa:

Gió bắc thổi trên biển, khí trời lạnh như băng giá - Dong buồm reo (trong gió) băng qua cửa Bạch Đằng - Núi chia từng đoạn như cá sấu cá kình bị chặt lìa - Như những giáo bị chìm, kích bị gãy lớp lớp trên bờ - Sóng và cửa ải (nhờ hiểm trở) giúp cho hai (người) chống được cả trăm, đây là do trời xếp đặt - Tại nơi này từng có bao kẻ hào kiệt nên công danh - Quay đầu lại với chuyện cũ, ôi đã qua rồi ! - Trìu mến cúi nhìn ánh nước nhưng khó diễn tình ý.

Dịch thơ:

Cửa Biển Bạch Đằng

Gió biển bắc phương về giá buốt
Buồm reo vượt cửa khẩu sông Đằng
Núi như kình ngạc phân đòi đoạn
Đất tựa kích đao rải ngổn ngang
Hai chống hàng trăm, trời yểm trợ
Nhiều nên hào kiệt, đất tiềm tàng
Ôi, quay đầu lại ôn muôn sự
Ánh nước nhìn ra, ý nặng vương.

Chú thích:

(1) Bạch Đằng: con sông lịch sử của Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), bắt nguồn từ Phát Lại chảy ra biển. Cửa khẩu Bạch Đằng là một danh lam thắng cảnh, nơi đã từng hai lần quân Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, Ngô Quyền (thế kỷ 10) phá quân Nam Hán, bắt sống thái tử Hoằng Thao, Trần Hưng Đạo (thế kỷ 13) đại thắng quân Nguyên, bắt được các tướng Ô Mã Nhi, Phan Tiệp, Tích Lệ...

(2) Kình, ngạc: ý nói chiến thuyền của địch (như cá kình, cá ngạc) bị tan rã như núi non đứt đoạn.

(3) Thiên thiết: ý nói địa thế thiên nhiên hiểm trở có lợi cho kháng chiến.

(4) Các bản đều ghi Hán văn là cảnh, duy có bản Nguyễn Trãi Toàn Tập lại ghi là ảnh (bóng). Theo văn cảnh chúng tôi nghĩ chữ ảnh thích hợp hơn.


Cây Chuối
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình như một bức còn phong kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem.
 

Côn Sơn Ca

Côn Sơn (1) hữu tuyền,
kỳ thanh lãnh lãnh nhiên,
Ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn Sơn hữu thạch,
vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi đạm tịch.
Nham trung hữu tùng,
vạn lý thúy đồng đồng (2) ,
Ngô ư thị hồ yển tức kỳ trung.
Lâm trung hữu trúc,
thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ ngâm khiếu kỳ trắc.
Vấn quân hồ* bất quy khứ lai (3) ,
Bán sinh trần thổ trường giao cốc (4) .
Vạn chung cửu đỉnh (5) hà tất nhiên,
Ẩm thủy phạn sơ tùy phận túc.
Quân bất kiến Đổng Trác (6) hoàng kim
doanh nhất ổ,

Nguyên Tải (7) hồ tiêu bát bách hộc.
Hựu bất kiến Bá Di dữ Thúc Tề (8) ,
Thú Dương ngạ tử bất thực túc.
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
Diệc các tự cầu kỳ sở dục.
Nhân sinh bách tuế nội,
Tất cánh đồng thảo mộc.
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
Nhất sinh nhất tạ hoàn tương tục.
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,
Tử hậu thùy vinh cánh thùy nhục.
Nhân gian nhược hữu Sào, Do (9) đồ,
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.

Dịch Thơ:

Côn Sơn có suối khe róc rách
Lắng nghe như tiếng phách gần xa
Có mưa gội đá chan hòa
Một màu xanh biếc mượt mà nệm rêu

Thông tùng mọc rảnh đều vạn dặm
Quả là nơi êm thắm nghỉ ngơi
Rừng tre nghìn mẫu xanh tươi
Ngâm nga ta cứ thảnh thơi một mình.

Tự hỏi sao chẳng đành trở lại
Đà nửa đời khổ ải gian truân
Sá gì danh lợi phù vân
Rau rừng nước suối đủ cần ngày qua.

Người chẳng thấy, giàu xưa nhắc mãi
Đổng Trác, vàng, Nguyên Tái, hồ tiêu?
Nhà Chu, Bá Thúc đâu theo
Thú Dương ẩn trốn, chịu điều thiệt thân.

Hiền ngu rõ, dù phân hai phía
Sở dục đều một nghĩa như nhau
Trăm năm chẳng trước thì sau
Khác gì cây cỏ, lọ cầu bi hoan.

Tươi tốt đấy, héo tàn cũng đấy
Động núi như lầu giãy dọc ngang
Xuôi tay, hèn khác gì sang
Vinh hơn gì nhục, một đường ấy thôi.

Sào, Do ai chuộng trên đời
Hãy vào chốn núi nghe lời ta ca.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

* Chép theo Ức Trai Thi Tập là hồ. Ức Trai Tập và Nguyễn Trãi Toàn Tập ghi là hà, nghĩa cũng tương tự.

(1) Côn Sơn: Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.

(2) Có sách chép: Côn Sơn hữu tùng, vạn cái thúy trùng trùng.

(3) Quy khứ lai: bỏ đi về. Lấy theo ý của bài Quy Khứ Lai Từ của Đào Tiềm đời Tấn, Trung Quốc.

(4) Giao, cốc: chất keo và cái còng tay. Ý nói sự ràng buộc.

(5) Chung, đỉnh: vật để đo lường và cái vạc lớn. Khi nói miếng đỉnh chung là ngụ ý hưởng nhiều bổng lộc.

(6) Đổng Trác: người cuối đời Đông Hán (Trung Quốc), một đại thần gian ác. Khi vua Hán Linh đế chết, Đổng Trác ở chức Tiền tướng quân phế vua thiếu đế và giết Hà Thái Hậu, tự phong chức Thừa tướng, chuyên quyền giàu sang rất mực. Nhưng cuối cùng bị Lữ Bố theo mưu Vương Doãn giết chết, gia sản bị tịch thu.

(7) Nguyên Tái: người đời Đường (Trung Quốc) thời vua Đại Tông giữ chức Trung thư thị lang, chuyên quyền, tham nhũng, vua khuyên nhiều lần không được, bắt phải tự vẫn.

(8) Bá Di, Thúc Tề: tương truyền là hai anh em con vua nước Tô Trúc đời nhà Thương. Khi Võ Vương nhà Chu diệt nhà Thương, hai anh em can không được (lấy lẽ tôi không đánh vua) nên không phục, quyết không ăn thóc nhà Chu, bỏ vào núi Thú Dương, chịu ăn rau mà chết đói.

(9) Sào, Do: Sào Phủ và Hứa Do, hai cao sĩ đời thượng cổ Trung Quốc và đều không ưa danh lợi, lên núi ở ẩn. Tương truyền vua Nghiêu hai lần mời Hứa Do, định nhường ngôi trị vì thiên hạ nhưng Hứa Do đều từ khước, lại còn ra bờ sông rửa lỗ tai! Sào Phủ dắt trâu xuống định cho trâu uống nước, nhưng khi nghe Hứa Do nói vì sao rửa tai bèn kéo trâu lên, sợ nước ấy sẽ làm bẩn miệng trâu!



Cúc
Người đua nhan sắc thủa xuân dương,
Nghỉ, chờ thu: cực lạ nhường!
Hoa nhaÜn rằng đeo danh "ẩn dật",
Thức còn phô, bạn khách văn chương.
Tính tình nào đoái bề ong bướm,
Tiết muộn chẳng nài thủa tuyết sương.
Dầu thấy xuân lan cùng lọn được,
Ai ai đều có mỗ mùi hương.
 

Chí Linh Sơn Phú

Rồng thiêng dậy, bay rợp Lam Kinh
Giáo trời chỉ, dẹp tan bắc binh
Dựng nước thành công nhiều khó nhọc
Miền Tây sông núi hẳn anh linh
Ôi ! Vua ta tài thánh vũ
Đứng lên bốn phương kinh dinh
Vận nước gian truân, khổ tâm lo tính

Thấy lẽ tất yếu của trời càng quyết chí để nghiệp thành

Nhờ thế ngày nay Hồ Việt được một nhà, mà núi này cũng lưu danh muôn thuở
Khi nghĩa quân mới dấy là lúc thế giặc đương hăng

Anh hào cả nước lưa thưa như lá thu gặp sương
Chí nuốt giặc Ngô, ai Chủng, ai Lãi
Mưu dựng nghiệp Hán, ai Bình, ai Lương
Vua ta ẩn náu núi này, đành bặt tăm hơi, bưng kín ánh sáng
Vợ con lưu lạc,quân sĩ tha phương
Trong cảnh khốn vẫn bền lòng, vững tin ở ngày hưng vượng
Lấy giáo sắt làm áo mặc, lấy rễ lau làm quân lương
Chí rộn ràng lo khôi phục, lòng u uất thật khôn lường
Tưởng núi này lúc ấy khác nào đất Mang Đăng khi Hán hoàng khởi nghiệp
Biết người, biết mình, khi mềm, khi mạnh
Chờ thời, rình mệt, giấu nhọn, che sắc
Gôi củi nằm gai, ngậm cay nuốt đắng
Lo rửa nhục trước,g iành lại quê hương
Tưởng núi này khi đó khác nào đất Cối Kê thời Việt vương ẩn náu
Thế rồi, thu nhặt tàn quân,nuôi dưỡng ân cần
Trong sửa chiến cụ, ngoài giả hoà thân
Quyên tiền mộ lính, giết voi khao quân
Ai cũng thân người trên, chết cho người trưởng, cố sức để đền ân
Từ đấy,luyện quân kén tướng, đánh địch ra kỳ
Chết vinh hơn sống nhục, biết quân ta dùng đuợc
Lấy của giặc đánh giặc, thu quân lương vũ khí
Vẹn toàn vững kế, một mũi tên không để phí
Cầm Bành rạp đầu dâng đất
Phương Chính khiếp vía chạy dài
Bèn giữ hiểm để lập công
Lại nhiều phương lừa đánh địch
Đêm lửa đốt, ngày cờ bay
Sớm chiếm Đỗ Gia, giành thế tiện trên núi ấy
Trước vượt Khả Lưu, đánh đắm địch trên sông này.


Nhưng thịnh đức của vua ta ngày nay, chỉ quy mô rộng lớn của Hán Cao Tổ mới sánh kịp
Còn như Câu Tiễn, ngoài chí phục thù là đáng kể, thì trong muôn phần không so được với vua ta
Đến như : uy thần chẳng giết, đức lớn hiếu sinh

Nghĩ kế nước nhà trường cửu
Tha cho mười vạn hàng binh
Gây lại hoà hảo hai nước
Dập tắt chiến tranh cho muôn đời


Địch phải theo thượng sách : hai nước vẹn toàn dân được an ninh

Như thế thì thịnh đức của vua ta Cao tổ nhà Hán sao sánh kịp

Vua ta phải sánh ngang hàng với hai đế ba vương lừng danh thuở trước

Than ôi ! Xưa nay đi lại, trăm đời nên nghĩ
Nghiêu nổi dậy từ Đường hầu, Thuấn khởi dậy tự hàn vi
Thành Thang dấy nghĩa nơi đất bạc, Thái vương khởi binh tại núi Kỳ
Nhiều hoạn nạn là nền dựng nước
Lắm lo toan là gốc trị vì
Biến cố trải nhiều thì suy nghĩ sâu
Mọi việc lo trước thì thành công kì
Nối nghiệp đế vương,không thể khác thế
Vậy thì vua ta dựng nghiệp thật đã tự núi này trở đi
Công cao đức cả của vua ta cũng sẽ cùng núi này hùng vĩ muôn đời
Bèn cúi đầu chắp tay, dâng lời ca rằng
trời sinh vua thánh,đất dấy nghiệp vương
Càn khôn mờ mịt, vận hội phi thường
Nhìn Linh Sơn cao vút, nhớ những ngày gian khổ
Vỗ nghiệp vương bền vững, không một ngày xao lãng
Xin ghi thịnh đức vào đá,lưu truyền bất hủ
Ngàn vạn đời sau, vẫn cùng trời đất dài lâu.



Dục Thúy Sơn
Hải khẩu hữu tiên sơn
Niên tiền lũ vãng hoàn
Liên hoa phù thủy thượng
Tiên cảnh trụy nhân gian
Tháp ảnh trâm thanh ngọc
Ba quang kính thúy hoàn
Hữu hoài Trương Thiếu Bảo (1)
Bi khắc tiển hoa ban.

Dịch Nghĩa:

Có ngọn núi tiên nơi cửa biển - Năm trước đã nhiều lần đi lại ở đây - Hoa sen nở nổi trên mặt nước - Khác gì cảnh tiên rơi xuống trần - Bóng tháp (phản chiếu) như trâm ngọc xanh cài vào - Ánh nước như gương phản chiếu búi tóc màu xanh biếc - (Cảnh gợi) nhớ đến Trương Thiếu Bảo - Trên bia đá lốm đốm những khóm rêu hoa.

Dịch Thơ:

Núi Dục Thúy

Có ngọn núi tiên đầu cửa biển
Mấy lần năm trước đã qua đây
Lênh đênh nước tựa đài sen nở
Tiên cảnh đâu như lạc chốn này
Bút tháp tựa trâm cài ngọc biếc
Tưởng chừng nước rọi làn tóc mây
Cảnh xui hồi tưởng ngài Thăng Phủ
Bia cổ rêu phong một lớp dày.

Chú thích:

(1) Trương Thiếu Bảo: tên chính là Trương Hán Siêu, mang cung hàm Thiếu bảo do vua ban. Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ, quê làng Phúc Thành, huyện An Ninh (sau đổi là Phúc Âm, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, làm quan đời Trần, chức Tham tri chính sự. Về già ở ẩn tại núi Dục Thúy.



Du Sơn Tự

Đoàn trạo hệ tà dương
Thông thông yết thượng phương
Vân quy thiền tháp lãnh
Hoa lạc giản lưu hương
Nhật mộ viên thanh cấp
Sơn không trúc ảnh trường
Cá trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương (1)

Dịch Nghĩa:

Buộc mái chèo ngắn lúc xế chiều - Vội vàng lên chiêm bái chốn cao ấy - Mây kéo về, giường nhà sư thêm lạnh - Hoa rụng xuống con suối thoảng mùi thơm - Tiếng vượn kêu dồn trong hoàng hôn - Bóng trúc vươn dài trên sườn núi quạnh - Trong cảnh thực có nhiều ý gợi - Muốn nói ra nhưng bỗng quên mất.

Dịch Thơ:

Viếng Chùa Núi

Ghé thuyền trong buổi hoàng hôn
Vội lên chiêm bái sơn môn Phật Đà
Giường thiền nhuốm lạnh mây xa
Bên bờ suối đượm hương hoa ngát mùi
Vượn chiều kêu giục liên hồi
Trên sườn núi quạnh trúc dài bóng buông

Cảnh kia gợi ý lạ dường
Giờ sao quên bẵng, nan phương diễn bày!

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Chữ vong đọc là vương để hiệp vần.

Họa Tân Trai Vận

Phong lưu quận thú văn chương bá
Kiều mộc (1) năng linh ngã cố gia
Tín mỹ giang sơn thi dị tựu
Vô tình tuế nguyệt nhãn tương hoa
Can qua thập tải thân bằng thiểu
Vũ trụ thiên niên biến cố đa
Khách xá hương trần (2) xuân trú vĩnh
Đằng đằng thanh mộng nhiễu yên ba

Dịch Nghĩa:

Quận thú là người phong lưu thuộc hạng đàn anh trong văn chương - Cây cổ thụ (cây cao) như ngài khiến tôi nhớ đến nhà (gia đình) tôi - Non sông rõ ràng đẹp khiến nguồn thơ dễ đến - Năm tháng qua vô tình mắt sắp lòa - Sau mươi năm loạn ít bạn bè còn lại - Nghìn năm nhiều biến cố xảy ra trong vũ trụ - Bụi (hồng) thơm có mãi nơi quán khách mùa xuân - Mộng nhẹ cứ lân la quanh chỗ ẩn dật (khói và sóng).

Dịch Thơ:

Họa Vần Thơ Tân Trai

Phong lưu quận thú hàng văn bá
Cổ thụ xui tôi nhớ cảnh nhà
Xinh đẹp non sông, thơ dễ gợi
Vô tình năm tháng mắt gần hoa
Mười năm ly loạn thân bằng thiếu
Chẳng tận càn khôn biến cố thừa
Nhuốm bụi hồng thơm xuân quán khách
Mộng luôn quất quít chốn yên hà.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Kiều mộc: cây cao. Đây nói người cao sang.

(2) Hương trần: bụi thơm. Một danh từ nhà Phật để chỉ một trong 6 thứ bụi (lục trần) là: sắc (sắc đẹp), hương (mùi thơm), xúc (đụng chạm), thanh (tiếng hay), vị (vị ngon), và pháp (tưởng tượng). Lục trần được xem như là lục cảnh (sáu điều cảnh giới), lục căn (sáu cội gốc) làm nhơ bẩn tịnh tâm (lòng thanh tịnh) của con người trong đời sống gọi là trần gian (cõi bụi bặm).



Hoa Mai

Xuân đến nào hoa chẳng tốt tươi?
Yêu mi vì tiết sạch hơn người.
Gác Đông ắt đã từng làm khách,
Há những Bô Tiên kết bạn chơi?



Hoa Nhài

Mài son bén phấn hây hây,
Đêm nguyệt đưa xuân, một nguyệt hay.
Mấy kẻ hồng nhan thì bạc phận,
Hồng nhan kia chớ cậy mình thay.



Hoa Sen

Lầm nhơ chẳng biến, tốt hòa thanh,
Quân tử ham, nhân được thửa danh.
Gió đưa hương đêm nguyệt tĩnh,
"Trinh" làm của, có ai tranh?



Hoa Đào
Một đóa đào hoa khéo tốt tươi,
Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười.
Đông phong ắt có tình hay nữa,

Kín tiễn mùi hương dễ động người.



Ký Hữu

Loạn hậu thân bằng lạc diệp không
Thiên biên thư tín đoạn thu hồng
Cố viên quy mộng tam canh vũ
Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng*
Đỗ lão (1) hà tằng vong Vị Bắc (2)
Quản Ninh (3) do tự khách Liêu Đông
Việt Trung (4) cố cựu như tương vấn
Vị đạo sinh nhai tự chuyển bồng.

Dịch nghĩa:

Sau loạn lạc bà con bạn bè thưa thớt như lá rụng - Bên trời vắng bóng chim hồng mùa thu đưa thư - Suốt ba canh mưa ta mộng về vườn cũ - Ngâm thơ trong quán khách, tiếng dế rộn bốn phía tường - Đỗ lão có bao giờ quên bờ bắc sông Vị? - Quản Ninh còn tự mình làm trú khách Liêu Đông - Giá có ai ở đất Việt Trung xưa hỏi thăm - Xin hãy nói lý do sự sống đổi dời mãi như cỏ bồng.

Dịch thơ:

Gửi Bạn

Sau loạn bà con bè bạn hiếm
Bên trời bóng nhạn mãi chờ trông
Đêm mưa trong mộng khu vườn hiện
Quán khách ngâm đề, dế họa ngân
Đỗ lão bao giờ quên bến Vị?
Quản Ninh còn mãi trú Liêu Đông
Ai người cũ hỏi bên trời Việt
Xin bảo đời ta tựa cỏ bồng.

Chú thích:

* Nguyễn Trãi Toàn Tập ghi là tứ bích trùng.

(1) Đỗ lão (hay lão Đỗ): đại thi hào Đỗ Phủ đời Đường, đồng thời với Lý Bạch. Được mệnh danh Lão Đỗ để phân biệt với nhà thơ trứ danh Đỗ Mục (gọi là Tiểu Đỗ vì trẻ hơn).

(2) Vị Bắc: bờ bắc sông Vị. Sông này phát nguyên từ núi Điểu Thử, huyện Vị Nguyên, tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây rồi đổ vào sông Hoàng Hà. Tác giả ngụ ý tình bạn giữa Đỗ Phủ và Lý Bạch, dựa theo hai câu thơ sau đây của Đỗ trong bài Xuân Nhật Hoài Lý Bạch:



Vị Bắc xuân thiên thụ

Giang Nam nhật mộ vân

(Cây cảnh trời xuân bờ Vị Bắc

Ánh mây chiều muộn đất Giang Nam).



Ý nói có thần giao cách cảm, Đỗ nhìn bờ Vị Bắc nhớ Lý, hẳn Lý cũng nhìn mây đất Giang Nam mà nhớ Đỗ.

(3) Quản Ninh: tác giả đề cập khí phách của Quản Ninh, dân đất Ngụy thời Tam Quốc. Thiếu thời, đang cùng ngồi học chung chiếu với bạn là Hoa Hâm, bỗng một hôm Hoa Hâm bỏ chạy ra đường nhìn xem kẻ giàu sang cưỡi ngựa đi qua nên Quản Ninh cắt đôi chiếc chiếu, không chịu ngồi chung nữa. Cuối đời Hán, Quản Ninh tỵ loạn 37 năm ở Liêu Đông, từ chối mọi chức do hai vua Văn Đế và Minh Đế ban cho ông.

(4) Việt Trung kinh đô nước Việt ngày xưa thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), sau bị nhà Hán thôn tính. Tác giả ngụ ý nhắc đến quê hương Việt Nam lúc bấy giờ khi đang ở nước ngoài (?)



Lam Quan Hoài Cổ

Hành tận thiên sơn dữ vạn sơn
Sóc phong suy khởi mãn Lam Quan (1)
Quân vương tằng thử tư trung gián (2)
Chướng hải diêu quan thất mã hoàn (3)

Dịch Nghĩa:

Đi mãi tận nghìn non vạn núi - Ngọn núi bắc nổi lên khắp ải Lam Quan - (Bởi vì) nhà vua thời ấy chẳng nghe lời can gián của kẻ trung - (Nên từng) có cảnh con ngựa không người cưỡi trở về từ quan ải xa và vùng biển độc địa.

Dịch Thơ:

Nhớ Lam Quan Xưa
Nghìn non vạn núi, vượt muôn trùng
Gió bắc trùm quan ải lạnh lùng
Thuở ấy lời trung vua hiểu thấu
Thì đâu tủi bóng ngựa về không?

Chú thích:

(1) Lam Quan: cửa ải ở huyện Thương thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

(2) Trung gián: lời can ngăn của người tôi trung - TÁc giả ngụ ý về Hàn Dũ, quan nhà Đường dưới thời vua Hiển Tông (Trung Quốc), không được vua nghe lời can gián còn bị giáng chức và bắt đi làm thứ sử ở Triều Châu là nơi xa xôi. Hàn Dũ có bài thơ Tự Vịnh, trong đó có hai câu:

Vân hoành Tần lãnh gia hà tại

Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền

(Mây giăng ngang núi Tần, nhà ở nơi đâu?

Tuyết che lấp ải Lan, con ngựa không chịu tiến bước).



Tựa đề bài thơ của Nguyễn Trãi gợi ý ải Lam này.

(3) Thất mã hoàn: con ngựa (một mình) trở về - Ý nói người trung thần bị đày ải có thể chết và con ngựa sẽ trở về không.

Loạn Hậu Cảm Tác

Thần Châu (1) nhất tự khởi can qua
Vạn tánh ngao ngao khả nại hà
Từ Mỹ (2) cô trung Đường nhật nguyệt
Bá Nhân (3) song lệ Tấn sơn hà
Niên lai biến cố xâm nhân lão
Thu việt tha hương cảm khách đa
Tạp tải hư danh an dụng xứ
Hồi đầu vạn sự phó Nam Kha (4)

Dịch Nghĩa:

Từ khi xẩy ra chiến tranh trên đất tổ (thần châu) - Muôn dân rên xiết, chẳng biết làm sao được - Tử Mỹ giữ lòng trung một mình với nhà Đường qua ngày tháng - Bá Nhân buồn cho sơn hà nhà Tấn - Mấy năm lại đây biến cố khiến cho người chóng già hơn - Trải qua mùa thu nơi đất khách khá nhiều cảm xúc - Ba chục năm hư danh có dùng được gì? - Quay đầu lại, vạn sự phó cho giấc mộng Nam Kha

Dịch Thơ:

Cảm Tác Sau Thời Loạn


Đất tổ từ khi vương loạn lạc
Muôn dân rên xiết, khổ làm sao!
Theo Đường, Tử Mỹ lòng trung giữ
Vì Tấn, Bá Nhân giọt lệ trào
Bao chuyện năm qua, đầu nhuốm bạc
Mấy thu đất khách, dạ mòn hao
Ba mươi năm ấy là danh hão
Một giấc Nam Kha, có khác nào!

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Thần Châu: Xu Diên thời Chiến Quốc gọi Trung Quốc là Xích huyện Thần Châu, về sau gọi tất là Thần châu, có ý nghĩa tôn xưng, cũng có ý chỉ nơi kinh kỳ. Đây tác giả nói về nước ta (đất tổ).

(2) Tử Mỹ: Tự hiệu của Đỗ Phủ, đại thi hào đời Đường, đồng thời với Lý Bạch. Được mệnh danh Lão Đỗ để phân biệt với nhà thơ trứ danh Đỗ Mục (gọi là Tiểu Đỗ vì trẻ hơn).

(3) Bá Nhân: tức Chu Khởi, trung thành với nhà Tấn. Khi nhà Tấn mất, chạy qua Giang Đông, nhìn núi sông nhớ quê nhà mà khóc.

(4) Nam Kha: Có người nằm ngủ dưới gốc hòe mơ thấy đến nước Hòe An được vinh hoa phú quý (làm phò mã, thái thú quận Nam Kha), về sau đánh giặc thua, công chúa chết, bị thất sủng, nên cũng gọi là giấc mộng Nam Kha.



Loạn Hậu Đáo Côn Sơn* Cảm Tác
Nhất biệt gia sơn kháp (1) thập niên
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lý tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
Hà thời kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên.

Dịch Nghĩa:

Từ khi rời núi quê đến nay đã vừa vặn mười năm - Trở về thấy tùng cúc phân nửa đã hoang hóa - Có hẹn với núi rừng sao đành phụ? - Cúi đầu xuống bụi đất mà tự thương mình - Làng xóm mới đi qua như thấy trong chiêm bao - Chưa xong giặc giã, sung sướng chiếc thân còn vẹn - Bao giờ thì ta làm được nhà ở chốn mây núi này? - Lấy nước suối pha trà và gối đầu lên đá ngủ?

Dịch Thơ:

Cảm Tác Khi Trở Về Côn Sơn Sau Loạn

Cách biệt mười năm cảnh núi nhà
Về xem tùng các nửa tiêu sơ
Suối rừng trót hẹn, đành xao lãng
Đất bụi nghiêng mình, tự xót xa
Bước đến làng quê, lòng ngỡ mộng
Chưa tàn khói lửa, phước còn ta
Dưới chân mây núi lều mong cất
Nước suối pha trà, gối đá mơ...

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

* Côn Sơn: Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.

(1) Bản Ức Trai Thi Tập chép chữ Hán là kháp nhưng phiên âm là cáp.



Mạn Thuật

I.
Ngày tháng, kê khoai những sản hằng,
Tường đào ngõ mận ngại thung thăng.
Đạo ta cậy bởi chân non khỏe,
Lòng thế tin chi mặt nước bằng?
Trì cỏ được câu ngâm gió,
Hiên mai cầm chén hỏi trăng.
Thề cùng viên hạc, trong hai ấy,
Thấy có ai han chớ đãi đằng.

Ngẫm ngượi sơn lâm mấy thị triều,
Nào đâu là chẳng đất Đường Nghiêu?
Người tham phú quí, người hằng trọng,
Ta được thanh nhàn, ta sá yêu.
Nô bộc ắt còn hai rặng quít,
Thất gia chẳng quản một con lều.
Miễn là tiêu sái qua ngày tháng,
Lộc được bao nhiêu ăn bấy nhiêu.

II.
Sơn thủy nhàn chơi phận khó khăn,
Cửa quyền hiểm hóc ngại chen chân.
Say minh nguyệt, chè ba chén,
Dịch thanh phong, lều một gian.
Ngỏ cửa nho chờ khách đến,
Trồng cây đức để con ăn.
Được thua phú quí dầu thiên mạng,
Chen chóc làm chi cho nhọc nhằn?

Ở chớ nề hay, học cổ nhần,
Lánh mình cho khỏi áng phong trần.
Chim kêu cá lội yên đòi phận,
Câu quạnh cày nhàn dưỡng mỗ thân.
Nhà ngặt, túi không tiền mẫu tử,
Tật nhiều, thuốc biết vị quân thần.
Ấy còn laÜng đaÜng làm chi nữa?
Sá tiếc mình chơi áng thủy ngân.



III.
Chân chăng lọt đến cửa vương hầu,
Ấy tuổi nào thế đãbạc đầu?
Liệu cửa nhà xem bằng quán khách,
Đem công danh đổi lấy cần câu.
Thân đà hết lụy thân nên nhẹ,
Bụt ấy là lòng, bụt há cầu?
Bui một quân thân ơn cực nặng,
Tơ hào chưa báo, hãy còn âu.

Náu về quê cũ bây nhiêu xuân,
Lẳng thẳng chưa lìa lưới trần.
Ở thế những hiềm qua mỗ thế,
Có thân thì sá cộc chưng thân.
Vườn còn thông trúc đáng năm mẫu,
Câu ước công danh đổi một cần.
Miệt bẻ, hài ngai, khăn cóc,
Thênh thang làm mỗ đứa thôn nhân.



IV.
Trường văn nằm ngả mấy thu dư,
Uổng tổn công nhàn biện lỗ ngư.
Còn miệng tựa bình đà chỉn giữ,
Có lòng bằng trúc mỗ nên hư.
Yến từ nẻo lạc nhà Vương Tạ,
Quạt đã hầu thu lòng Tiệp Dư.
Chỉn sá lui mà thủ phận,
Lại tu thân khác, mức thi thư.

Quê cũ nhà ta thiếu của nào?
Rau trong nội, cá trong ao.
Cách song, mai tỉnh hồn Cô Dịch,
Kề nước, cầm đưa tiếng cửu cao.
Khách đến, vườn còn hoa lác,
Thơ nên, cửa thấy nguyệt vào.
Cảnh thanh nhường ấy chăng về nghỉ?
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào?



Mộ Xuân Tức Sự
Nhàn trung tận nhật bế thư trai
Môn ngoại toàn vô tục khách lai
Đỗ Vũ (1) thanh trung xuân hướng lão
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.

Dịch Nghĩa:

Nhàn rỗi suốt ngày đóng cửa phòng sách - Ngoài cửa vắng khách tục đến - Trong tiếng đỗ vũ kêu ý chừng xuân đã muộn - Cả một sân hoa soan nở dưới mưa phùn.

Dịch Thơ:

Tức Cảnh Cuối Xuân

Phòng thư suốt buổi rỗi then cài
Khách tục ngoài kia chẳng vãng lai
Xuân sắp qua rồi trong tiếng cuốc
Phượng đầy sân nở, nhẹ mưa rơi.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Đỗ Vũ: tên một vua nhà Thục (Trung Quốc) được đặt cho chim đỗ quyên, tức chim cuốc, còn có tên là từ quy, tiếng kêu nghe rất buồn thảm. Tương truyền vua Thục vì thông dâm với vợ đại thần là Biệt Linh nên phải nhường ngôi cho Biệt Linh và bỏ nước ra đi. Sau khi chết biến thành chim đỗ quyên, vào hè kêu thảm thiết, tỏ ý nhớ tổ quốc quê hương.



Mộng Sơn Trung

Thanh Hư (1) động lý trúc thiên can
Phi bộc phi phi lạc kính hàn
Tạc dạ nguyệt minh thiên tự thủy
Mộng kỳ hoàng hạc (2) thượng tiên đàn.

Dịch Nghĩa:

Trong động Thanh Hư có hàng nghìn cây trúc - Thác nước bay xuống như lớp kính lạnh - Đêm qua trăng sáng trời như nước - Chiêm bao thấy cưỡi hạc vàng lên cõi tiên.

Dịch Thơ:

Mộng Trong Núi

Trong động Thanh Hư trúc cả nghìn
Như màn gương, thác đổ triền miên
Đêm qua trăng sáng, trời như nước
Mơ cưỡi hạc vàng lên cõi tiên.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Thanh Hư: Động Thanh Hư tại núi Côn Sơn, nơi Trần Nguyên Đán, ông ngoại của tác giả dưỡng già.

(2) Hoàng hạc: Hạc vàng. Theo tích Phí Văn Vi quê ở Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) sau khi chết hóa thành tiên, thường cưỡi hạc vàng về thăm quê.



Ngôn Chí

Cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân,
Trúc rợp hiên mai quét tục trần.
Nghiệp cũ thi thư hằng một chức,
Duyên xưa hương hỏa, tượng ba thân.
Nhan Uyên nước chứa bầu còn nguyệt,
Đổ Phu thơ nên bút có thần.
Nợ quân thân chưa báo được,
Hài hoa còn bện dặm thanh vân.



Quá Hải

Bát tận nhàn sầu độc ỷ bồng
Thủy quang diểu diểu tứ hà cùng
Tùng Lâm (1) địa xích cương Nam Bắc
Long Vĩ (2) sơn hoành hạn yếu xung
Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ
Tráng hoài hô khởi bán phàm phong
Biển châu tiện ngã triều thiên khách (3)
Trực giá kình nghê khóa hải Đông.

Dịch Nghĩa:

Gác bên mọi sầu muộn, một mình ta tựa mạn thuyền - Ánh nước mênh mông khó tả sao cho hết ý - Rừng tùng mở ra ranh giới chia Nam Bắc - Núi Long Vĩ chặn ngay chỗ hiểm yếu - Lòng nghĩa khí quét sạch mây mù - Chí anh hùng gọi gió thổi căng nửa cánh buồm - Thuyền con mừng ta làm khách đi chầu Thiên khuyết (Triều đình Trung Quốc) - Cưỡi cá kình vượt biển Đông.

Dịch Thơ:

Qua Biển

Xua hết ưu tư tựa mạn bồng
Vô biên trời nước ý mông lung
Tùng Lâm dựng đứng phân Nam Bắc
Long Vĩ nằm ngang, hạn hiểm xung
Nghĩa khí quét mây mờ bóng phủ
Hùng tâm hô gió đẩy buồm phồng
Thiên triều ta viếng, thuyền vui lướt
Như cưỡi kình ngư vượt bể Đông.

Chú thích:

(1) Tùng Lâm: theo Đại nam Nhất Thống Chí, tại châu Vĩnh Yên (Bắc Việt) có trang Tùng Kính, trước thuộc nước ta, sau nhà Mạc hiến cho Trung Quốc. Có nghi vấn Tùng Lâm có thể là ở đấy.

(2) Long Vĩ: núi Bạch Long Vĩ tại châu Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), cũng gọi là bán đảo vì dãy núi đi từ lục địa ra biển về hướng đảo Hải Nam của Trung Quốc; có lẽ được mệnh danh theo địa thế giống như đuôi rồng. Xưa thuyền bè qua đây thường bị sóng gió.

(3) Đây cũng là một điểm nghi vấn vì tiểu sử tác giả không thấy đề cập việc công du sang Trung Quốc.

Tùng

Đống lương tài có mấy bằng mày,
Nhà cả đòi phen chống khỏe thay.
Cội rễ bền, dời chẳng động,
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày.

Tuyết sương thấy đã đạng nhiều ngày,
Có thuốc trường sinh cành khỏe thay.
Hổ phách, phục linh nhìn mấy biết,
Dành, còn để trợ giúp dân này.



Tức Hứng

Lãm Thúy đình (1) đông trúc mãn lâm
Sài môn trú tảo tịnh âm âm
Vũ dư sơn sắc thanh thi nhãn
Lạo thoái giang quang tịnh tục tâm
Hộ ngoại điểu đề tri khách chí
Đình biên mộc lạc thức thu thâm
Ngọ song thụy tỉnh hồn vô mị
Ẩn kỷ phần hương lý ngọc cầm. (2)

Dịch Nghĩa:

Phía đông đỉnh Lãm Thúy trúc mọc đầy rừng - Cửa rào tre ban ngày quét sạch bong - Mưa tạnh, sắc núi xanh làm trong trẻo mắt nhìn thơ mộng - Lụt rút rồi, ánh sáng trên sông tẩy sạch lòng tục - Chim kêu ngoài cửa biết là có khách - Lá rụng bên sân báo mùa thu đã muộn - Bên cửa sổ ban trưa tỉnh dậy rồi không ngũ được nữa - Dựa ghế đốt trầm đánh đàn ngọc.

Dịch Thơ:

Tức Hứng

Rừng trúc rậm phía đông Lãm Thúy
Cửa sài quét sạch bóng buông râm
Mưa xong núi biếc đầy thơ mộng
Sau lụt sông ngời hết bợn tâm.

Ngoài cổng tiếng chim mừng báo khách
Sân đầy lá rụng biết thu sang
Bên song tỉnh giấc rồi thôi ngủ
Gối tựa trầm xông dạo khúc đàn.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Lãm Thúy đình: nhà nhỏ nơi nắm cả màu xanh của cảnh vật. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có hai câu thơ tả cảnh như sau (297 - 280):

Có cây, có đá sẵn sàng

Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai.

(2) Ngọc cầm: cây đàn nạm ngọc.

Tức Sự

Lấy biều phú quí đuổi biều nhàn,
Có kẻ thì chê, có kẻ khen.
Chốn ở trải gian lều lá,
Mùa qua chằm bức ao sen.
Hoa còn để động lam đất,
Cửa một đường cài lướt then.
Ai thấy rằng cười là thế thái,
Ghê thế biến bạc làm đen.

Giậu thưa thưa hai khóm cúc,
Giường thấp thấp một nồi hương.
Vượn chim kết bạn non nước quạnh,
Cầm sách cùng nhau ngày tháng trường.
Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh,
Áo bồ quen cật vận xênh xang.
Bốn dân nghiệp có cao cùng thấp,
Đều hết làm tôi thánh thượng hoàng.

Thư trai vắng vẻ, cảnh ngày trường,
Một quyển Hy kinh, một triện hương.
Tréo chân, nằm vườn Độc Lạc,
Dựng lều ở đất Nam Dương.
Hoa trang dùng thải, bầy chi phấn?
Thông xá bù trì mộng quyết lương,
Mã trách thế gian lòng đạm bạc,
Thế gian đạm bạc đấy lòng thường.



Thái Thạch Hoài Cổ

Thái Thạch (1) tằng văn Lý trích tiên
Kỵ kình phi khứ dĩ đa niên
Thử giang nhược biển vi xuân tửu
Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên.



Dịch Nghĩa:

Về sông Thái Thạch từn gnghe chuyện trích tiên họ Lý - Cưỡi cá kình bay đi đã nhiều năm qua - Ví thử (nước) sông ấy biến thành rượu xuân - Ắt sẽ ngại ông còn mãi ngủ say dưới lòng sông!

Dịch Thơ:

Nhớ Xưa Sông Thái Thạch

Từng nghe Lý Bạch là tiên đọa
Cưỡi cá kình bay, chuyện tích xưa
Ví thử nước sông thành rượu cả
Dưới dòng e mãi lặn say sưa.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Thái Thạch: một con sông tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tương truyền nhà thơ Lý Bạch (Lý Thái Bạch) đi thuyền uống rượu say, cúi xuống sông định bắt lấy ánh trăng nên chết đuối tại sông này. Nơi đây có xây một cái đài gọi là Tróc Nguyệt Đài (đài bắt trăng). Lý Bạch tự cho mình là Hải thượng kỵ kình (khách cưỡi cá kình trên biển). Người đương thời bảo Lý Bạch là tiên bị đày xuống trần gian (Lý Trích Tiên). Nhà thơ Đỗ Phủ, cùng thời với Lý Bạch có câu:

Nhược phùng Lý Bạch kỵ kình ngư

Đạo Phủ vấn tấn kim hà như

(Nếu gặp Lý Bạch cưỡi cá kình

Thì bảo giùm rằng Phủ đây hỏi Bạch nay ra sao?)



Nguyễn Tôn Quai, nhà thơ Việt Nam đời Hậu Lê, có câu thơ về Lý Bạch như sau:

Ẩm tàn giang quốc thiên ba nguyệt

Ngâm động tinh hà ngũ dạ thiên

(Uống hết bóng trăng trong nghìn sóng giữa sông
Ngâm lên cho chuyển động dòng sông Ngân hà suốt đêm).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét