Nguyễn Trãi

Ức Trai thi tập
[ 4 ]
Bia Đá: Ức Trai thi tập

Quy Côn Sơn* Châu Trung Tác

Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình
Quy tứ dao dao nhật tự tinh
Kỷ thác mộng hồn tầm cố lý
Không tương huyết lệ tẩy tiên doanh (1)
Binh dư cân phủ (2) ta nan cấm
Khách lý giang sơn chỉ thử tình
Uất uất thốn hoài vô nại xứ
Thuyền song thôi chẩm đáo thiên minh.

Dịch Nghĩa:
Mười năm phiêu dạt như cỏ bồng cánh bèo - Ý muốn trở về ngày nào cũng nao nao (như cờ dựng trong trí) - Bao lần gửi hồn trong mộng về làng cũ - Mang bằng tưởng tượng huyết lệ về tẩy mộ tổ tiên - Than ôi, sau loạn lạc làm sao cấm cản được vụ búa rìu? - Trong cảnh khách này chỉ có mối tình ấy với giang sơn - Tấc lòng u uất thật khó xử - Song cửa thuyền lay gối mãi đến sáng trời.

Dịch Thơ:

Cảm Tác Trên Thuyền Về Côn Sơn

Bình bồng phiêu lạc đã mười năm
Ý định hồi hương một dạ chăm
Hồn mộng gửi về quê vắng cũ
Lệ hồng mơ rưới mộ xa xăm
Búa rìu khó cản sau thời loạn
Chốn khách xin dành chút cảm thâm
Khôn giải tấc lòng đầy uẩn khúc
Thuyền chao, gối động, sáng đêm nằm.
Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

* Côn Sơn: Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.
(1) Bản Đào Duy Anh (Nguyễn Trãi Toàn Tập) phiên là uynh.
(2) Cân phủ: rìu búa, đây ý nói hình phạt sau thời loạn.

Tầm Châu

Tầm Châu (1) thành hạ cổ bề thanh
Khách lộ hoàn yêm sổ nguyệt trình
Khê động hữu manh sơn bát vạn (2)
Thú lâu xuy giốc nguyệt tam canh
Ngạn hoàng sắt sắt bi phong khởi
Giang thủy du du lữ mộng thanh
Lão ngã thế đồ gian (3) hiểm thục
Trung tiêu bất mị độc thương tình.

Dịch Nghĩa:

Dưới thành Tầm Châu vang tiếng trống - Hành trình của khách phải dừng lại ở đây mấy tháng - Trong khe động có dân miền núi ở hàng vạn (tám vạn) - Trên vọng gác vang tiếng tù và - Khách lữ hành mơ màng trên nước sông mênh mông - Ta đã già, đường đời gian khó đã thấm nhuần - Giữa đêm không ngủ, một mình riêng thương xót.

Dịch Thơ:
Quận Tầm Châu

Tiếng trống Tầm Châu dội khắp thành
Dừng đây mấy tháng dọc hành trình
Động khe chen chúc dân hàng vạn
Ốc gác vang rền, trăng mấy canh
Rặng trúc gió luồn nghe ảo não
Dòng sông khách cảm thấm mông mênh
Đường đời ta đã thừa gian khó
Thao thức đêm thâu, xót một mình.
Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Tầm Châu: một châu quận ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nay là huyện Quế Bình. Xưa có lần lấy tên con sông Tầm Giang đặt cho quận, gọi là quận Tầm Giang.
(2) Sơn bát vạn: theo Nguyễn Trãi Toàn Tập có ngọn núi tên là Bát Vạn ở Huệ Châu, gần
Tầm Châu, tác giả mượn tên núi ấy chăng? Trong nghi vấn chúng tôi tạm xem "bát vạn" là dân số.
(3) Các bản Nguyễn Trãi Toàn Tập và Ức Trai Tập đều ghi sai là nan, tự dạng gần giống chữ gian.

Tặng Hữu Nhân

Bần bệnh dư lân nhữ
Sơ cuồng nhữ tự dư
Đồng vi thiên lý khách
Câu độc sổ hàng thư
Hồ lạc (1) tri hà dụng
Thê trì lượng hữu dư
Tha niên Nhị khê (2) ước
Đoản lạp hà xuân sừ.

Dịch Nghĩa:

Ta thương bạn nghèo và bệnh tật - Bạn ngông cuồng giống ta - Cùng là khách nơi xa nghìn dặm - Đều đọc được mấy giòng sách - Nông nổi như chúng ta quả là vô dụng - Nhởn nhơ thì hẳn là thừa sức - Ta hẹn nhau năm nào về đất Nhị Khê - Sẽ cùng đội nón chụp và vác bừa mùa xuân.

Dịch Thơ:

Tặng Bạn

Cảm bạn nghèo thêm bệnh
Giống nhau ta cuồng ngông
Đều làm khách nghìn dặm
Sách cùng đọc mấy giòng
Nông cạn đời vô dụng
Nhởn nhơ hẳn khôn cùng
Nhị Khê hẹn năm tới
Đội nón chụp bừa xuân.

Chú thích:

(1) Hồ lạc (hay bộ lạc): hồ là quả bầu, ý nói trống rỗng, không sâu sắc.

(2) Nhị Khê: làng Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Đông, Bắc Việc), nơi thân sinh Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh đến ở. Nhị Khê cũng là bút hiệu của Nguyễn Phi Khanh.

Tặng Khổng, Nhan, Mạnh* Tam Thị Tử Tôn Giáo Thụ Thái Bình

Nhân sinh thập lự cửu thường quai
Thạnh thế thùy tri hữu khí tài
Pha lão (1) tích tằng Đam Nhĩ khứ
Trường Canh (2) diệc hướng Dạ Lang lai
Văn Chương tự cổ đa vi lụy
Thi tửu tùng kim thả cố hoài
Hội đãi kim kê (3) khai xá nhật
Ngũ vân (4) thâm xứ đổ Bồng Lai (5)

Dịch Nghĩa:

Sinh ra ở đời, tính mười điều thường sai đến chín - Buổi thịnh ai biết được chuyện bỏ sót (quên) kẻ tài năng - Pha lão xưa từng đi đày tại Đam Nhĩ - Trường Canh cũng đã phải đến vùng Dạ Lang - Từ xưa văn chương vốn gây nhiều hệ lụy - Nay ta lại càng trở lại với thơ rượu - Chờ mong ngày mở hội đại xá kim kê - Tại xứ ngũ vân xa thẳm thấy cảnh bồng lai.

Dịch Thơ:

Tặng Con Cháu Ba Họ Khổng, Nhan, Mạnh Dạy Học Ở Thái Bình

Đời sao mười tính chín khôn thành
Lúc vượng nhân tài bị yểm danh
Phu lão từng đi vùng Đam Nhĩ
Dạ Lang đà đón gót Trường Canh
Văn chương vạn thuở thường gây lụy
Thơ rượu từ nay tự giải mình
Ân xá mãi chờ khi mở hội
Năm mây vời thấy cảnh bồng doanh.
Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:
* Khổng Tử, Nhan Uyên và Mạnh Tử, ba bậc thánh hiền của đạo Nho Trung Quốc.

(1) Pha lão (già Pha): Tô Đông Pha (1037 - 1101), văn học gia - thư họa gia đời Bắc Tống, làm quan đến chức Binh bộ thượng thư, nhưng rồi từ quan, ông bầu rượu ngâm thơ. Có lần bị tội đày ba năm đến quận Đam Nhĩ, nay thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)

(2) Trường Canh: một tên riêng của Lý Thái Bạch, thi bá đời thịnh Đường. Từng bị phát vãng đến vùng bộ lạc Dạ Lang (năm 758) nay thuộc Quỳ Châu vì tội theo Vĩnh Vương Lân (con vua Huyền Tông) làm phản.

(3) Kim kê (gà vàng): nói về sao Thiên kê, mỗi lần xuất hiện lấp lánh thì có ân xá, một hiện tượng được các đế vương xưa thể theo.

(4) Ngũ vân (năm mây): chỉ nơi vua ở và cũng ngụ ý điềm tốt lành.

(5) Bồng Lai: tên một hòn đảo ở biển Bột Hải, tương truyền có tiên ở, nên được gọi là chỗ có hạnh phúc.
Tống Tăng Đạo Khiêm Quy Sơn

Ký tằng giảng học thập dư niên
Kim hựu tương phùng nhất dạ miên
Thả hỷ mộng trung phao tục sự
Cánh tầm thạch thượng thoại tiền duyên
Minh triêu Linh Phố (1) hoàn phi tích (2)
Hà nhật Côn Sơn (3) cộng thính tuyền
Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã
Lâm kỳ ngã điệc thượng thừa thiền.
Dịch Nghĩa:

Nhớ từng dạy học hơn mười năm qua - Nay lại gặp nhau ngủ một đêm cùng nhau - Mừng được quên hết mọi sự trong giấc mộng - Lại tìm lên núi nói chuyện tiền duyên - Sáng mai gậy sẽ bay về Linh Phố - Ngày nào mới cùng nghe suối reo ở Côn Sơn được? - Già rồi hay nói chuyện ngông cuồng, xin chớ lấy làm lạ - Gặp lúc cũng có khi tôi vào cửa thiền.

Dịch Thơ:
Tiễn Thầy Tăng Đạo Khiêm Về Núi

Nhớ ngày dạy học quá mười niên
Nay được gần nhau qua một đêm
Vào mộng đẹp, nguôi trò thế sự
Lên non cao nhắc chuyện tiền duyên
Mai về Linh Phố hèo bay sớm
Hẹn viếng Côn Sơn suối hát rền
Lẩm cẩm già ngông, xin chớ lạ
Đến phiên tôi rồi cũng theo thiền.
Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:
(1) Linh Phố: bến sông Chí Linh ở huyện Chí Linh phía tả ngạn sông Lục Đầu, chỗ nhà sư tu hành.
(2) Phi tích( hèo bay): tương truyền các đạo sư cưỡi gậy bay để di chuyển.

(3) Côn Sơn: Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.

Tức Hứng

Lãm Thúy đình (1) đông trúc mãn lâm
Sài môn trú tảo tịnh âm âm
Vũ dư sơn sắc thanh thi nhãn
Lạo thoái giang quang tịnh tục tâm
Hộ ngoại điểu đề tri khách chí
Đình biên mộc lạc thức thu thâm
Ngọ song thụy tỉnh hồn vô mị
Ẩn kỷ phần hương lý ngọc cầm. (2)

Dịch Nghĩa:
Phía đông đỉnh Lãm Thúy trúc mọc đầy rừng - Cửa rào tre ban ngày quét sạch bong - Mưa tạnh, sắc núi xanh làm trong trẻo mắt nhìn thơ mộng - Lụt rút rồi, ánh sáng trên sông tẩy sạch lòng tục - Chim kêu ngoài cửa biết là có khách - Lá rụng bên sân báo mùa thu đã muộn - Bên cửa sổ ban trưa tỉnh dậy rồi không ngũ được nữa - Dựa ghế đốt trầm đánh đàn ngọc.

Dịch Thơ:

Tức Hứng

Rừng trúc rậm phía đông Lãm Thúy
Cửa sài quét sạch bóng buông râm
Mưa xong núi biếc đầy thơ mộng
Sau lụt sông ngời hết bợn tâm.

Ngoài cổng tiếng chim mừng báo khách
Sân đầy lá rụng biết thu sang
Bên song tỉnh giấc rồi thôi ngủ
Gối tựa trầm xông dạo khúc đàn.

Bản dịch của Lê Cao Phan
Chú thích:

(1) Lãm Thúy đình: nhà nhỏ nơi nắm cả màu xanh của cảnh vật. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có hai câu thơ tả cảnh như sau (297 - 280):
Có cây, có đá sẵn sàng
Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai.

(2) Ngọc cầm: cây đàn nạm ngọc.
Tức Sự

Tiểu tiểu hiên song nụy nụy tư
Quan cư đốn giác loại u cư
Thương ba giang thượng nhàn thủy điếu
Lục thụ âm trung tĩnh khán thư
Vũ quá tình lam khuy hộ dũ
Phong lai tuyết lãng vũ đình trừ
Ngọ song tiêu sái vô trần lụy
Nhất phiến nhàn tâm nhiếp thái hư.


Dịch nghĩa:

Hiện và song cửa nho nhỏ, mái lá thấp - Nhà quan bỗng thấy như nhà ẩn dật - Trên sông xanh màu sóng thong thả buông câu - Trong bóng cây màu lục ung dung đọc sách - Mưa tạnh bốc hơi bay qua cửa sổ - Gió thổi làm tuyết bay múa ở sân thềm - Nằm ở cửa sổ lòng nhẹ lâng lâng chẳng vướng lụy trần - Một tấm lòng nhàn nhã vượt lên tận cõi hư vô.

Dịch thơ:

Tức Cảnh

Mái đổ thấp, hiên tà, khung cửa hẹp
Khác chi nhà ẩn dật, cảnh nhà quan
Trên dòng xanh vui hưởng thú câu nhàn
Dưới bóng mát tàn cây say đọc sách
Mưa tạnh, hơi lam luồn qua cửa ngách
Gió nhẹ đưa, hoa tuyết múa đầy sân
Bên cửa lâng lâng lòng nhẹ lụy trần
Hướng tận hư không tâm hồn thư thái.

Thanh Minh

Nhất tùng luân lạc tha hương khứ
Khuất chỉ Thanh Minh (1) kỷ độ qua
Thiên lý phần doanh vì bái tảo
Thập niên thân cựu tận tiêu ma
Sạ tình thiên khí mô lăng vũ (2)
Quá bán xuân giang tê cú hoa (3)
Liêu bà nhất bôi hoàn tự cưỡng
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia.

Dịch Nghĩa:

Từ khi luân lạc đến nơi khác - Bấm đốt tay đã mấy lần trải qua tiết Thanh Minh - Xa nghìn dặm, thiếu phần thăm viếng mồ mả - Qua mười năm, người thân thuộc cứ hao mòn hết - Chợt khi trời lạnh ráo vào buổi mưa rào - Đã quá nửa mùa xuân, hoa đã tàn tạ - Buồn cầm chén rượu gượng uống - Để khỏi thêm buồn khổ hàng ngày.

Dịch Thơ:
Tiết Thanh Minh

Kể từ đất khách ta lưu lạc
Đã trải Thanh Minh mấy độ rồi
Nghìn dặm mộ phần không viếng được
Mười năm thân thích tận tàn thôi
Giữa chừng mưa giảm, trời thêm thoáng
Quá nửa xuân tàn, hoa kém tươi
Chén rượu giờ nâng, môi gắng gượng
Cố hương mong nhẹ mối quan hoài.
Bản dịch của Lê Cao Pha
Chú thích:
(1) Thanh Minh: tiết trời vào tháng ba âm lịch, thời gian dân chúng thường đi tảo mộ. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du (1765 - 1820) có 2 câu 43-44 tả cảnh này:
Thanh minh trong tiết tháng ba
lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

(2) Mô lăng vũ mưa không thường, tín thời tiết đặc biệt vào dịp Thanh Minh.
(3) Tê cú hoa: hoa bớt tươi thắm. Có sách chú theo bản chữ Hán là hoa đồ mi, liên quan đến rượu đồ mi Trung Quốc mà vua chúa thường mang thiết đãi quần thần vào dịp Thanh Minh.

Thái Thạch Hoài Cổ

Thái Thạch (1) tằng văn Lý trích tiên
Kỵ kình phi khứ dĩ đa niên
Thử giang nhược biển vi xuân tửu
Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên.

Dịch Nghĩa:

Về sông Thái Thạch từn gnghe chuyện trích tiên họ Lý - Cưỡi cá kình bay đi đã nhiều năm qua - Ví thử (nước) sông ấy biến thành rượu xuân - Ắt sẽ ngại ông còn mãi ngủ say dưới lòng sông*

Dịch Thơ:
Nhớ Xưa Sông Thái Thạch

Từng nghe Lý Bạch là tiên đọa
Cưỡi cá kình bay, chuyện tích xưa
Ví thử nước sông thành rượu cả
Dưới dòng e mãi lặn say sưa.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Thái Thạch: một con sông tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tương truyền nhà thơ Lý Bạch (Lý Thái Bạch) đi thuyền uống rượu say, cúi xuống sông định bắt lấy ánh trăng nên chết đuối tại sông này. Nơi đây có xây một cái đài gọi là Tróc Nguyệt Đài (đài bắt trăng). Lý Bạch tự cho mình là Hải thượng kỵ kình (khách cưỡi cá kình trên biển). Người đương thời bảo Lý Bạch là tiên bị đày xuống trần gian (Lý Trích Tiên). Nhà thơ Đỗ Phủ, cùng thời với Lý Bạch có câu:

Nhược phùng Lý Bạch kỵ kình ngư
Đạo Phủ vấn tấn kim hà như
(Nếu gặp Lý Bạch cưỡi cá kình
Thì bảo giùm rằng Phủ đây hỏi Bạch nay ra sao?)

Nguyễn Tôn Quai, nhà thơ Việt Nam đời Hậu Lê, có câu thơ về Lý Bạch như sau:

Ẩm tàn giang quốc thiên ba nguyệt
Ngâm động tinh hà ngũ dạ thiên
(Uống hết bóng trăng trong nghìn sóng giữa sông
Ngâm lên cho chuyển động dòng sông Ngân hà suốt đêm).

Thính Vũ

Tịch mịch u trái lý,
Chung tiêu thính vũ thanh.
Tiêu hao kinh khách chẩm*
Điểm trích sổ tàn canh.
Cách trúc khao song mật,
Hoà chung nhập mộng thanh.
Ngâm dư hồn bất mị,
Đoạn tục đáo thiên minh.

Dịch nghĩa:

Trong phòng tối tăm tịch mịch - Suốt đêm nghe tiếng mưa rơi - Khiến gối khách giao động nhẹ - Giọt nước điểm mấy canh tàn - Cành trúc bên ngoài khua vào cửa sổ đóng kín - Tiếng chuông đi vào giấc mơ nhẹ nhàng - Ngâm thơ rồi nhưng vẫn không ngủ được - Chập chờn mãi đến lúc sáng trời.

Dịch thơ:
Nghe Mưa

Phòng tối u tĩnh mịch
Đêm trường lắng mưa rơi
Nhẹ nhàng lay gối khách
Giọt nối giọt canh dài
Cửa ngoài tre sột soạt
Nhập mộng chuông khua hoài
Thơ ngâm rồi khó ngủ
Dứt nối đến trời mai.

Thượng Nguyên* Hộ Giá Châu Trung Tác

Duyên giang thiên lý chúc quang hồng
Thái nghịch (1) thừa phong khóa lãng bồng
Thập trượng lâu đài tiêu thẫn khí
Tam canh cổ giác tráng quân dung
Thương ba nguyệt tẩm ngọc thiên khoảnh
Tiên trượng vân xu thiên cửu trùng (2)
Ngũ dạ bồng song thanh mộng giác
Do nghi Trường Lạc (3) cách hoa chung.

Dịch Nghĩa:

Nghìn dặm ven sông ánh đuốc sáng tỏ - Chiếc thuyền vẽ hình chim nghịch thuận gió lướt sóng đi - Lâu đài mười trượng đã tiêu hết khí bẩn - Tiếng trống và tù-và suốt ba canh làm cho dáng vẻ quân đội mạnh mẽ hơn lên - Sóng nước xanh ngâm ánh trăng như ngọc nghìn mảnh - Gậy tiên lướt như trên mây bay cao trên chín tầng trời - Nằm đêm bên song cửa thuyền tỉnh cơn mộng nhẹ - Còn ngỡ là nghe tiếng chuông vang cách hoa ở cung điện Trường Lạc.

Dịch Thơ:

Cảm Đề Trong Thuyền Hộ Giá Tiết Thượng Nguyên

Đuốc hồng sáng ven sông nghìn dặm
Thuyền rồng theo gió thuận vượt lên
Lâu đài mười trượng khí tan
Trống còi đêm giục chí quân thêm cường
Trăng rọi nước, nghìn vuông ngọc bích
Gậy tiên hằng xê dịch tầng mây
Khoang thuyền tỉnh giấc canh chầy
Nghe như Trường Lạc đó đây chuông rền.
Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:
* Thượng nguyên: tiết khởi đầu trong năm vào rằm tháng giêng âm lịch.

(1) Thái nghịch: tên đặt cho một chiếc thuyền có vẽ hình chim nghịch rực rỡ.

(2) Cửu trùng (chín lớp): chỉ nơi cung điện thâm nghiêm, qua chín lớp cửa mới đến được.
(3) Trường Lạc: một cung điện của nhà Hán xưa ở trong thành Trường An (thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay), cùng với cung Vị Ứng là nơi xưa Hán Cao Tổ tiếp quần thần chư hầu.

Thôn Xá Thu Châm

Mãn giang hà xứ hướng đông đinh,
Dạ nguyệt thiên kinh cửu khách tình.
Nhất chủng Tiêu quan (1) chinh phụ oán,
Tổng tương li hận nhập thu thanh.

Dịch nghĩa:

Từ đâu vẳng đến khắp sông tiếng nện thình thình ? - Trong đêm qua làm kinh động lòng khách trú lâu ngày ở đây - (Như) một nỗi ta thán của người chinh phụ có chồng đang ở chốn Tiêu quan - Cả một niềm ly hận như thấm vào tiếng thu.

Dịch thơ:
Tiếng Chày Thu Nện Vải Trên Sông

Tiếng chày đâu dội khắp trên sông
Xa xứ đêm trăng khách chạnh lòng
Hay ải Tiêu quan chinh phụ khóc
Tiếng thu lời ly hận hòa chung?

Chú thích:

(1) Tiêu quan: tên một cửa ải xa xôi hiểm trở tại Quan Trung phía bắc Trung Quốc. Các đời Đường, Tống xây đồn lũy ở đây để chống rợ Thổ Phồn. Cũng trong văn cảnh này, Chinh Phụ Ngâm Khúc, thơ Hán văn thể cổ Nhạc phủ của Đặng Trần Côn (đời Lê, đầu thế kỷ 18) có hai câu sau đây:

Liên tưởng lương nhân kinh lược xứ
Tiêu quan giốc, hãn hải ngung
(Tưởng chàng giong ruổi mấy niên
Chẳng nơi hãn hải cũng miền Tiêu quan).


Thù Hữu Nhân Kiến Ký

Kiểu kiểu long tương vạn hộc chu
An hành mỗi cụ phúc trung lưu
Sự kham thê lệ phi ngôn thuyết
Vận lạc phong ba khởi trí mưu
Thân ngoại phù danh Yên Các (1) quýnh
Mộng trung hoa điểu cố sơn u
Ân cần kham tạ hương trung hữu
Liêu bả tân thi tả ngã sầu.

Dịch Nghĩa:

Con thuyền muôn hộc lướt mạnh mẽ như rồng - Dù đi yên ổn nhưng vẫn sợ bị lật giữa dòng - Việc đáng ứa lệ nhưng không nói được - Vận rơi vào cảnh phong ba, mưu trí thế nào được - Phù danh ở ngoài bản thân mình, xa rời Yên Các - Hoa và chim ở trong giấc mơ, cảnh non quê lặng lẽ - Ân cần xin tạ lòng các bạn trong làng - Tạm mang mấy vần thơ mới để giải bày mối sầu của ta.

Dịch Thơ:
Đáp Thư Bạn

Tựa dáng rồng, thuyền lớn phóng mau
Vẫn lo lật đắm giữa dòng sâu
Việc đành ứa lệ, hết trí mưu
Yên Các mờ tên, danh huyễn hoặc
Hoa chim tràn mộng, núi âm u
Ân cần xin tạ lòng hương hữu
Tạm có vần thơ giải mối sầu.
Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:
(1) Yên Các (lầu khói): nơi vua Đường Thái Tông (Trung Quốc) cho trèo hình của các bậc danh tướng, cũng như Hán Minh Đế (Trung Quốc) cho vẽ hình của các công thần treo ở Vân Đài (đài mây), một hình thức biểu dương công trạng.

Thần Phù* Hải Khẩu

Cố quốc quy tâm lạc nhạn biên
Thu phong nhất diệp hải môn thuyền
Kình (1) phun lãng hống lôi nam bắc
Sóc (2) ủng sơn liên ngọc hậu tiền
Thiên địa đa tình khôi cự tẩm
Huân danh thử hội tưởng đương niên
Nhật tà ỷ trạo thương mang lập
Nhiễm nhiễm hàn giang khỉ mộ yên.

Dịch nghĩa:

Theo cánh nhạn hướng lòng về quê cũ - Chiếc thuyền lan ở cửa biển như chiếc lá trong gió thu - Sóng tung như cá kình, sấm dậy ở phía nam cũng như phía bắc - Núi liên tiếp như giáo ngọc dựng trước lẫn sau - Trời đất đã cố tình mở ra vịnh lớn - Công danh gặp hội nhớ lại năm nào - Chiều tà dựa vào cột chèo nhìn cảnh bát ngát - Dòng sông lạnh mênh mông trong khói mù.

Dịch thơ:
Cửa Khẩu Thần Phù

Lòng theo cánh nhạn về quê cũ
Cửa bể thuyền lan lướt gió thu
Sóng dậy sấm gầm nam lẫn bắc
Núi liền giáo dựng trước cùng sau
Vịnh kia công Tạo, hình lưu dấu
Thuở nọ danh lừng, tiếng chửa lu
Chiều xuống dựng chèo trông bát ngát
Khói mờ lên, sông lạnh âm u.

Chú thích:

* Thần Phù một hải khẩu tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, xưa đoàn chiến thuyền của vua Hùng Vương qua đây bị gió chướng, nhờ một đạo sĩ tên là La Viên dùng phép làm biển lặng giúp vượt qua. Khi trở về không thấy ân nhân nữa, vua bèn phong cho Người là Áp Lăng Chân Nhân (vị chân nhân dằn được sóng) và lập đền thờ bên bờ cửa khẩu. Vua Lê Thánh Tông về sau khi qua cửa Thần Phù cũng đã làm thơ lưu niệm.
(1) Sóng kình: ý nói chiến thuyền địch. Đây ngụ ý nói chung về các chiến thuyền hoạt động trong thời gian qua tại cửa khẩu (vào thời Hồ Quý Ly chống Minh).
(2) Sóc: cây nứa, một loại tre dùng làm giáo rất bén.

Thứ Cúc Pha Tặng Thi

Thái bình Thiên tử chính sùng văn
Hỷ kiến hoàng kim lịch ngõa phân
Mỹ ngọc bất lao cầu thiện giá
Ỷ lan chung tự thổ thanh phân
Tiễn quân dĩ tác nghi đình phụng (1)
Quý ngã ưng đồng xuất tụ vân (2)
Lưỡng nhãn hôn hoa đầu cánh bạch
Quyên ai hà dĩ đáp quân ân.

Dịch Nghĩa:

Thời thái bình vua chuộng văn chương là chính - Mừng thấy vàng được phân biệt với sỏi gạch - Ngọc tốt khỏi phiền đòi giá đắt - Lan quý cuối cùng cũng tỏa hương thơm - Mừng thấy người đã làm chim phượng ở triều đình - Thẹn cho bản thân tôi còn giống áng mây bay khỏi cửa động - Hai mắt đã hoa, đầu tóc đã bạc - Lấy gì mà đền đáp mảy may ơn vua?

Dịch Thơ:

Họa Thơ Của Cúc Pha Tặng

Thái bình văn được vua ưa chuộng
Mừng thấy vàng không lẫn sỏi sành
Ngọc tốt đầu cần nêu giá đắt
Lan thơm rồi sẽ tỏa hương hinh
Điện đình khen phượng, người lui tới
Cửa động làm mây ta quẩn quanh
Mắt kém dần, thêm đầu nhuốm bạc
Ơn vua chưa đáp, dạ đâu đành?
Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Nghi đình phụng (phụng chầu sân vua): theo câu phụng hoàng lai nghi - chim phụng hoàng đến chầu. Ý nói lúc chế độ thịnh có người tài giỏi ra giúp vua.

(2) Xuất tụ vân: lấy ý trong câu Vân vô tâm nhi xuất tụ, bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm (đời Đông Tấn, Trung Quốc), nghĩa là mây kia vô tình bay ra từ hang núi một cách nhàn nhã.

Thứ Vận Hoàng Môn Thị Lang Nguyễn Cúc Pha* Hạ Tân Cư Thành

Cung dư tịch địa bán trăn kinh
Hỷ đắc tân thi đương tọa minh (1)
Ung thuật lũ khuynh mưu phụ tửu
Nang thư duy hữu thảo huyền kinh (2)
Bồng môn đảo lý nghinh giai khách
Hoa ổ di sàng cận khúc linh
Tiếu ngã lão lai cuồng cánh thậm
Bàng nhân hưu quái (3) Thứ công (4) tinh.

Dịch Nghĩa:

Chỗ đất vắng hơn một công, phân nửa rậm rạp gai - Mừng được bài thơ mới nên chép vào chỗ ngồi (để nhớ) - Hũ gạo thường dốc nghiêng, nghĩ chuyện nấu rượu với vợ - Túi sách chỉ có chép Thái Huyền kinh thôi - Mang ngược dép vội ra cửa bồng đón khách quý - Dời giường gần chỗ gốc giàn hoa - Tự cười ta về già càng điên lắm - (Nhưng) người láng giềng chớ lạ rằng Thứ Công vẫn tỉnh đây.

Dịch Thơ:

Họa Vận Bài Thơ Của Hoàng Môn Thị Lang Nguyễn Cúc Pha Mừng Nhà Mới

Già công đất vắng, nửa đầy gai
Mừng chép tân thư tại chỗ ngồi
Rủ vợ thường nghiêng vò cất rượu
Xem kinh lo giữ sách ghi lời
Ngõ bồng đón khách, giày mang chéo
Song cửa xem hoa, giường kéo dời
Cười tớ càng ngông theo tuổi tác
Thứ Công vẫn tỉnh, láng giềng ơi*
Chú thích:
* Nguyễn Cúc Pha: hiệu của Nguyễn Mộng Tuân, danh sĩ đời Lê Thánh Tông, làm Thượng kinh xa Đô úy.

(1) Đương tọa minh: ghi vào chỗ đang ngồi (để nhớ). Tích xưa, có người viết một bài cẩm nang đặt bên phải chỗ ngồi để thường xuyên xem mà sửa mình, gọi là tọa hữu minh. Nguyễn Trãi dùng ngữ đương tọa minh để tỏ lòng quý bài thơ của bạn.

(2) Huyền kinh: tức kinh Thái Huyền do Dương Hùng, đời nhà Hán (Trung Quốc) soạn theo Kinh Dịch.

(3) Quái: Nguyễn Trãi Toàn Tập và Ức Trai Thi Tập ghi là khoái, thiết nghĩ không thích hợp.
(4) Thứ Công: tức văn học gia Nguyên Kết đời Đường (Trung Quốc), tự là Thứ Sơn, đỗ tiến sĩ, làm quan nhưng tính tình phóng khoáng, có khi ngông cuồng. Tác giả tự gọi mình là Thứ Công ngụ ý ví mình với nhân vật ấy



Thứ Vận Trần Thượng Thư Đề Nguyễn Bố Chánh Thảo Đường

Nhất tâm báo quốc thượng hoàn hoàn
Tiểu cấu (1) mao đình thả tự khoan
Vi tỉnh (2) thối quy hoa ảnh chuyển
Kim môn (3) mộng giác lậu thanh tàn
Cầm thư nhã thú chân kham thượng
Tùng cúc hoan minh diệc vị hàn
Hậu lạc (4) tưởng tri chung hữu ý
Hảo tương sự nghiệp bách niên khan.

Dịch Nghĩa:
Một lòng báo quốc vẫn còn đeo đẳng hăng hái - Dựng mái tranh để tự giải khuây - Từ chỗ vi tỉnh về thì bóng hoa đã chuyển - Tỉnh mộng kim môn ra thì đồng hồ lâu cũng đã cạn - Cái thú cầm thư trang nhã thật đáng chuộng - Lời hẹn vui với hoa lá cũng chưa nguôi - Vui sau (lo trước) tưởng cuối cùng cũng có ý - Đáng mang sự nghiệp trọn đời ra nêu gương về sau.

Dịch Thơ:
Họa Vận Trần Thượng Thư Đề Thảo Đường Của Nguyễn Bố Chánh

Báo quốc đã nguyền, chí vẫn theo
Nhà tranh một nếp thú tiêu tao
Tan giờ vi tỉnh, hoa tàn mất
Tỉnh mộng kim môn, hồ đã hao
Thú hưởng sách đàn lòng đáng chuộng
Nguyện vui tùng cúc ý chưa xao
Giữ niềm "hậu lạc" chung là tốt
Sự nghiệp đời, gương ấy hẳn cao.
Bản dịch của Lê Cao Phan
Chú thích:
(1) Bản Nguyễn Gia Tuân (Ức Trai Thi Tập) phiên là cách, tự dạng gần giống chữ cấu.
(2) Vi tỉnh (hay vi sảnh): vi (hoa tử vi), tỉnh (từ chữ Trung thư tỉnh, tức nội các của vua). Tại Trung thư tỉnh thường trồng nhiều hoa tử vi nên vào đời vua Huyền Tông nhà Đường (Trung Quốc) đổi tên gọi là Tử vi tỉnh, rút gọn là Vi tỉnh. Bạch Cư Dị làm quan đời Đường, khi trực tại Trung thư tỉnh có bài thơ với hai câu sau đây:

Độc tọa hoàng hôn thùy thị bạn
Tử vi hoa đối Tử Vi lang.
(Hoàng hôn một bóng cùng ai bạn?
Chàng Tử Vi đối hoa tử vi).

(3) Kim môn: do chữ Kim mã môn rút gọn. Đời nhà Hán (Trung Quốc) trước cửa cung Vị Ương có một con ngựa đồng, nên gọi là Kim mã môn. Các quan chầu chực tại đây để vào triều. Đây cũng là một điểm danh dự.

(4) Hậu lạc: (bản Đào Duy Anh - Nguyễn Trãi Toàn Tập - ghi là tiên ưu chí: ý niệm lo trước), do chữ tiên ưu hậu lạc (lo trước vui sau). Bài Nhạc Dương Lâu ký của Phạm Trọng Yêm đời Tống (Trung Quốc) có câu:
Tất kỳ tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu.
Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc.
(Phải lo trước cái lo của thiên hạ.
Vui sau cái vui của thiên hạ).

Nói về tinh thần phục vụ của kẻ giúp dân giúp nước.

Thiều Châu* Văn Hiến Miếu

Phản trạng đương niên biện Yết nhi (1)
Chí minh tiên kiến nhược thi quy
Tế thời nho thuật sinh bình hữu
Gián chúa trung ngôn tử hậu tri
Vạn cổ bất ma Kim giám lục (2)
Thiên niên do hưởng Khúc giang từ
Cao phong truy tướng hồn như tạc
Thủ phất thanh đài nhận thạch bi (3)

Dịch Nghĩa:

Kết tội phản trắc của bọn Yết nhi (chỉ An Lộc Sơn) năm xưa - Sáng suốt thấy trước như bói quẻ (cỏ thi, mai rùa) - Thuật của nhà nho giúp đời thường vốn có - Lời trung can gián chúa sau khi chết rồi mới nhận ra - Muôn thuở chẳng mòn tấm gương vàng được ghi lại - Nghìn năm hướng lên từ đường (miếu tổ) ở sông Khúc Giang - Phong độ cao quý nhớ lại hoàn toàn như mới hôm qua - Dùng tay phủi lớp bụi rêu để nhận ra bia đá.

Dịch Thơ:

Miếu Thờ Văn Hiến Ở Thiều Châu

Ngài từng tố giác mưu An Lộc
Thấy trước như xem cỏ, bói rùa
Giúp đời vốn thuật nhà nho đấy
Thấu rõ lời trung, đời đã qua*

Gương vàng muôn thuở còn lưu mãi
Chiêm bái đền thiêng chốn Khúc Giang
Cao thay, phong độ còn như mới
Phủi lớp rêu mờ, bia hiển dương.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

* Thiều Châu: một châu quận thuộc Trung Quốc. Đây nói về Văn Hiến Trương Cửu Linh.
(1) Yết nhi: tên gọi một chủng tộc man rợ (cũng như nói Hồ nhi, tức rợ Hồ, chỉ bọn Hung Nô). Tác giả đề cập An Lộc Sơn phản loạn đời vua Đường Huyền Tôn (Trung Quốc). Tể tướng Trương Cửu Linh, thúy hiệu là Văn Hiến, đề nghị vua giết An Lộc Sơn ngừa phản lọan nhưng vua không tin, về sau An Lộc Sơn làm phản thật sự. Văn Hiến miếu thờ vị tể tướng nói trên ở phía Nam huyện thành Khúc Giang. (An Lộc Sơn bị mệnh danh là rợ Phiên)
(2) Kim giám lục: Cuốn "Thiên Thu Kim Giám Lục" do Trương Cửu Linh tặng Đường Huyền Tôn làm quà sinh nhật, nói về lẽ hưng vong của các chính thể chế độ qua các thời đại.
(3) Thạch bi: Nguyễn Trãi Toàn Tập ghi theo bản Dương Bá Cung là cổ bi, vì tự dạng gần giống như thạch, chữ này xét ra thích hợp hơn.

Thu Dạ Dữ Hoàng Giang Nguyễn Nhược Thủy Đồng Phú

Hồng diệp đôi đình trúc ủng môn
Mãn giai minh nguyệt quá hoàng hôn
Cửu tiêu thanh lộ tam canh thấp
Tứ bích hàn tương (1) triệt dạ huyên
Thiên lại (2) ngữ thu kinh thảo mộc
Ngọc Thằng (3) đê Hán (4) chuyển càn khôn
Cao trai độc tọa hồn vô mị
Hảo bà tân thi hướng chí luân (5)

Dịch Nghĩa:

Lá đổ chồng chất đầy sân, khóm trúc dồn ở cửa - Đầy thềm trăng sáng lúc đã hoàng hôn - Sương từ trời cao thấm ướt ba canh - Tiếng ve lạnh kêu quanh bốn vách suốt đêm - Tiếng sáo trời báo tin mùa thu đến, khiến cây cỏ kinh động - Sao Ngọc Thằng chuyển thấp xuống ở Ngân Hà, trời đất chuyển vần - Ngồi một mình trong phòng cao chẳng ngủ được - Hãy làm bài thơ mới nói chí hướng của mình.

Dịch Thơ:

Đêm Thu Cùng Ngâm Vịnh Với Hoàng Giang Nguyễn Nhược Thủy

Lá đổ sân dầy, trúc án cửa
Cả thềm trăng, trời đã về đêm
Sương xa tỏa lạnh ba canh thấm
Ve rét than khuya bốn vách rền.

Thiên lại báo thu lay cỏ lá
Ngọc Thằng xuống Hán, động đất trời
Phòng cao một bóng, ngồi không ngủ
Chí hướng vào thơ gửi mấy lời.
Bản dịch của Lê Cao Phan
Chú thích:

(1) Nguyễn Trãi Toàn Tập chép là cung (dế), có thể tương đương với tương (con ve).

(2) Thiên lại: tiếng vi vu giữa trời, nghe như tiếng sáo. Các bản Ức Trai Thi Tập và Ức Trai Tập chép là tiên lại (tiếng sáo tiên ?).
(3) Ngọc Thằng: tên một vì sao gần sao Bắc đẩu.
(4) Hán: sông Ngân hà.
(5) Luân: gốc là luận, có thể đọc thành luân hoặc lôn trong thơ.

Thu Dạ Khách Cảm - Kỳ I

Lữ xá tiêu diêu tịch tác môn
Vi ngâm tụ thủ quá hoàng hôn
Thu phong lạc diệp ky tình tứ
Dạ vũ thanh đăng khách mộng hồn
Loạn hậu phùng nhân phi túc tích
Sầu trung tống mục ngụ càn khôn
Đáo đầu vạn sự giai hư huyễn (1)
Hưu luận Phàm vong dữ Sở tồn (2)

Dịch Nghĩa:

Quán khách tiêu điều treo chiếu làm cửa - Ủ tay vào áo ngâm nga khẽ giọng trong buổi hoàng hôn - Lá rụng trong gió thu gợi tình tứ - Đêm mưa ánh đèn leo lét khiến khách thả hồn vào mộng - Sau loạn chẳng ai là quen cũ - Trong cảnh sầu gửi tầm hồn vào trời đất - Chung quy muôn việc đều là hư ảo cả - Thôi chớ bàn chuyện Phàm mất với Sở còn làm gì.

Dịch Thơ:

Đêm Thu Khách Cảm (1)

Quán trọ buồn, chiếu thay cửa liếp
Ủ tay ngâm khẽ cuối hoàng hôn
Gió thu lá rụng vương tình tứ
Mưa tối đèn lu gợi mộng hồn
Loạn dứt tìm đâu người cố cựu
Sầu dâng hướng mãi cõi càn khôn
Chung cung muôn sự đều hư ảo
Thôi luận Phàm tiêu với Sở còn.

Chú thích:

(1) Bản Nguyễn Gia Tuân (Ức Trai Thi Tập) phiên là hư ảo.

(2) Phàm vong, Sở tồn: Phàm và Sở là hai nước thuộc Trung Quốc vào thời Xuân Thu, nước Phàm nhỏ, nước Sở lớn. Sách Trung Tử đề cập về việc nước Phàm không vì nhỏ mà có thể mất (vong) hẳn, nước Sở không hẳn nhờ lớn mà còn (tồn) mãi.

Thu Dạ Khách Cảm - Kỳ II

Tây phong hám thụ hưởng tranh tranh (1)
Diêu lạc thanh bi cửu khách tình
Hoàng diệp mãn đình thu quá bán
Thanh đăng hòa vũ dạ tam canh
Bệnh đa cốt sấu miên ưng thiểu
Quan lãnh thân nhàn mộng diệc thanh
Nhất niệm tức lai thiên niệm tức
Kê trùng (2) tự thử liễu tương tranh.

Dịch Nghĩa:

Gió tây lay động cây cối nghe tiếng rì rào - Tiếng buồn khiến đau lòng khách tha phương lâu ngày - Lá vàng rụng đầy sân, quá nửa mùa thu đã sang - Ánh đèn xanh hòa trong tiếng mưa đã ba canh - Bệnh nhiều, xương gầy nên mất ngủ - Rảnh việc quan, nhàn rỗi nên mộng cũng nhẹ nhàng - Dứt được một niềm suy tư, hẳn nghìn mối khác cũng dứt - Gà và bọ từ nay thôi chớ tranh nhau nữa.

Dịch Thơ:
Đêm Thu Khách Cảm (2)

Rì rào cây cối gió tây lay
Xa vẳng xui đau dạ khách này
Lá úa sân tràn, thu tiết muộn
Mưa dai đèn lụn, khắc canh chầy
Bệnh nhiều thiếu ngủ, châu thân ốm
Việc rỗi dư nhàn, thanh mộng say
Một mối lo nguôi, nghìn mối dứt
Chuyện sâu gà, dứt điểm từ nay.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Ức Trai Thi Tập (theo Dương Bá Cung ?) ghi là đề tranh, thiết nghĩ không thích hợp.
(2) Kê trùng: gà và bọ. Do tích "Kê trùng đắc thất" trong bài Hành Phược kê của Đỗ Phủ, với câu Kê trùng đắc thất vô liễu thời. Ý nói gà ăn bọ, người lại ăn gà, chẳng bao giờ hết vòng lẩn quẩn.

Thu Nguyệt Ngẫu Thành

U trai thụy khởi độc trầm ngâm
Án thượng hương tiêu tịnh khách tâm
Tĩnh lý càn khôn kinh vạn biến
Nhàn trung nhật nguyệt trị thiên câm
Nho phong lãnh đạm thì tình bạc
Thánh vực ưu du đạo vị thâm
Độc bãi quần thư vô cá sự
Lão mai song bạn lý dao cầm.

Dịch Nghĩa:

Ngủ dậy trong phòng vắng trầm ngâm một mình - Trên án hương trầm cháy lụn xống sạch lòng người - Trong cõi yên lặng kinh sợ trời đất sinh vạn biến cố - Ngày tháng trong cảnh thanh nhàn đáng giá nghìn vàng - Thói nhà nho lãnh đạm, tình đời cũng bạc bẽo - Cõi Thánh ta rong chơi, mùi đạo sâu đậm - Xem hết cả sách cũng chẳng thấy có việc gì - Bên cửa sổ có cây mai già, ngồi gảy đàn nạm ngọc dao.

Dịch Thơ:
Dưới Trăng Thu Tình Cờ Thành Thơ

Trầm ngâm tỉnh dậy trong phòng vắng
Xông sạch lòng bên án lụn hương
Vốn sợ đất trời sinh vạn biến
Mừng yên nhàn hạ giá nghìn vàng
Nho phong lãnh đậm đời đen bạc
Đạo thánh nhuần thâm bước nhẹ nhàng
Sách đọc bao pho điều lạ hiếm
Ngắm mai kề cửa dạo cung đàn.


Thu Nhật Ngẫu Thành

Tiêu tiêu trụy diệp hưởng đình cao
Bệnh cốt tài tô khí chuyển hào
Thiên địa tư văn (1) tùng cổ trọng
Hồ sơn thanh hứng nhập thu cao
Kính trung bạch phát giai nhân lão
Thân ngoại phù danh mạn nhĩ lao
Miến tưởng cố viên tam kính cúc (2)
Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao.

Dịch Nghĩa:

Lá rụng tiêu điều nghe tiếng vì vèo ngoài sân - Bệnh nặng vừa khỏi, lấy lại được hào khí - Nền tư văn của trời đất từ xưa vốn được trọng nể - Nguồn cảm hứng với non nước sang mùa thu càng cao - Xem gương thấy tóc đã bạc, cũng già như thiên hạ - Danh hão ở ngoài cái thân con người, chỉ đưa đến sự nhọc mà thôi - Nhớ về vườn cũ xa vời ba luống cúc - Đêm đêm hồn mộng cứ giục lên thuyền để về.

Dịch Thơ:

Ngẫu Hứng Ngày Thu

Nghe lá sân ngoài rụng ủ ê
Bệnh qua, hào khí lại thu về
Tư văn trời đất tôn nghìn thuở
Thu cảm non sông dậy mọi bề
Già giống người, tóc sương rõ rệt

Trại Đầu Xuân Độ

Độ đầu xuân thảo lục như yên
Xuân vũ thiêm lai thủy (1) phách thiên
Dã kính hoang lương hành khách thiểu
Cô châu trấn nhật các sa miên.

Dịch Nghĩa:

Nơi đầu bến đò cỏ xuân màu lục như khói - Lại thêm mưa xuân nước vỗ trời - Đường quê hoang vắng ít người qua lại - Một con thuyền lẻ loi suốt ngày ngủ trên bãi cát.

Dịch Thơ:

Bến Đò Xuân Đầu Trại

Cỏ xuân đầu bến xanh màu khói
Lại cảnh mưa xuân tạt khắp trời
Đường quê thưa bóng người qua lại
Bờ cát thuyền lan tựa nghỉ ngơi.

Bản dịch của Lê Cao Phan
Chú thích:

(1) Thủy phách thiên: nước vỗ trời. Lấy theo bản Đào Anh Duy. (Các bản Dương Bá Cung, Nguyễn Gia Tuân đều ghi nguyệt phách thiên). Chúng tôi thiển nghĩ đây là cảnh trời xuân có mưa ban ngày.

Nhẹ cho ta, danh hão ê chề
Vườn xưa gợi nhớ ba bồn cúc
Đêm mộng lên thuyền giục lại quê.

Bản dịch của Lê Cao Pha
Chú thích:

(1) Tư văn: nền văn ấy. Văn tức là lễ nhạc, chế độ do đạo Khổng đặt ra cho việc cai trị (văn trị).
(2) Tam kính cúc: tác giả lấy từ bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm (đời Đông Tấn, Trung Quốc) trong đó có câu:

Tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn
(Ba lối cũ tuy bỏ hoang nhưng tùng cúc hãy còn).

để nói về sự ẩn dật của các quan xưa.

Vân Đồn

Lộ nhập Vân Đồn (1) sơn phục sơn
Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan
Nhất bàn lam bích trừng minh kính
Vạn hộc nha thanh đỏa thúy hoàn
Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc
Phong ba bất động thiết tâm can
Vọng trung ngạn thảo thê thê lục
Đạo thị phiên nhân trú bạc loan.

Dịch Nghĩa:

Đường vào Vân Đồn núi non trùng điệp - Trời đất cao rộng rõ là cảnh diệu kỳ - Cả một mặt phẳng màu xanh biếc, nước trong như gương sáng - Hàng vạn ô màu huyền xanh như mái tóc rũ - Vũ trụ bỗng thể hiện rõ ràng qua dáng núi và biển - Sóng gió chẳng lay chuyển được tâm can vững chắc - Nhìn vào thấy bờ cỏ màu lục xanh dờn - Thấy nói người láng giềng xưa từng đỗ thuyền trong vịnh.

Dịch Thơ:

Vân Đồn

Đường tới Vân Đồn lắm núi non
Trời cao đất rộng, đúng kỳ quan
Một màu xanh phẳng, ngờ gương chiếu
Vạn mảnh đen huyền, tưởng tóc buông
Sơn thủy rõ cùng tô vũ trụ
Phong ba nào dễ chuyển tâm can
Nhìn ra bờ cỏ dờn xanh thẳm
Xưa khách neo thuyền đây bán buôn.

Bản dịch của Lê Cao Phan
Chú thích:

(1) Vân Đồn: huyện Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), nơi có núi Đoạn Sơn. Giữa hai ngọn núi (đoạn sơn) có con sông chảy, có cắm cừ làm thủy môn, địa cuộc thành một vịnh, ven sông có dân ở. Đời Lý Trần (1010 - 1400) có thương thuyền nước ngoài đậu buôn bán ở đây.


Vãn Hứng

Cùng hạng u cư khổ tịch liêu
Ô cân trúc trượng vãn tiêu diêu
Hoang thôn nhậc lạc hà thê thụ
Dã kính nhân hy thủy một kiều
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu
Qui lai độc bẵng lan can tọa
Nhất phiến băng thiềm (1) quải bích tiêu.

Dịch Nghĩa:

Xóm cùng hạng ở nơi vắng khổ quạnh hiu - Khăn đen gậy trúc đi dạo quanh buổi chiều - Thôn hoang vắng, trời đã chiều, ráng đọng trên cây - Trên đường quê vắng người cầu bị ngập nước - Xưa nay vô cùng tận, dòng sông rộng bát ngát - Anh hùng mang mối hận, lá rụng buồn hiu - Trở về tựa lan can ngồi một mình - Một mảnh trăng lạnh treo trên vòm trời biếc.

Dịch Thơ:

Chiều Cảm Hứng

Góc xóm âm u cảnh khổ nghèo
Khăn đen gậy trúc dạo quanh chiều
Thôn hoang bóng xế cây vương ráng
Lộ vắng người thưa nước ngập cầu
Kim cổ khôn cùng, sông bát ngát
Anh hùng vương hận, lá buồn hiu
Một mình trở gót, lan can tựa
Xanh một khung trời trăng lạnh treo.

Bản dịch của Lê Cao Phan

Chú thích:

(1) Băng thiềm (băng: nước đông giá - thiềm: con cóc): mặt trăng lạnh. Theo tích Hằng Nga đánh cắp thuốc tiên của chồng là Hậu nghệ uống vào thành tiên, lên ở cung trăng, sau biến thành con cóc. Do đó có danh từ Băng thiềm hoặc Ngọc thiềm (con cóc bằng ngọc).
Vãn Lập

Trường thiên mạc mạc thủy du du
Hoàng lạc sơn hà thuộc mộ thu
Tiện sát hoa biên song bạch điểu
Nhân gian lụy bất đáo thương châu (1)

Dịch Nghĩa:

Trời rộng bát ngát, nước mênh mông - Lá vàng rụng, nước non đã vào cuối thu - Lòng mến bắt gặp đôi chim trắng bên hoa - Lụy nhân gian chẳng đến nơi cồn bãi này.

DỊch Thơ:

Đứng Trông Cảnh Chiều

Bát ngát mênh mông trời lẫn nước
Lá vàng rơi báo hiệu tàn thu
Chim trắng bên hoa, nhìn những mến
Nơi xa này, tục lụy còn ư?

Bản dịch của Lê Cao Phan
Chú thích:
(1) Thương châu (cồn bãi): thường ngụ ý nơi ở ẩn.

Vọng Doanh

Vọng Doanh (1) đầu mộ hệ ngâm thuyền
Thi cảnh liêu nhân vãn hứng khiên
Dục thúy (2) vũ tình phong tợ ngọc
Đại An (3) triều trướng thủy như thiên
Y y viễn thụ thanh yên lý
Diểu diểu bình sa bạch điểu tiền
Tam thập niên tiền hồ hải thú
Tư du kỳ tuyệt thắng Tô tiên (4)

Dịch nghĩa:

Đầu buổi chiều đến Vọng Doanh buộc thuyền thơ - Cảnh nên thơ trêu ghẹo và lôi kéo cảm hứng con người vào buổi chiều - Mưa tạnh núi Dục Thúy biếc như màu ngọc - Cảnh Đại An nước triều lên hòa với trời - Lờ mờ rặng cây, xa trong làn khói xanh - Bãi sông bát ngát bằng phẳng trước bầy chim trắng - Thú hồ hải ba mươi năm về trước - Tô tiên (Tô Đông Pha) cũng phải chịu thua cuộc chơi tuyệt vời này.

Dịch thơ:

Vọng Doanh

Buộc thuyền lên bến Vọng Doanh đây
Gợi hứng chiều thơ một cảnh bày
Dục Thúy mưa tan xanh tựa ngọc
Đại An triều dậy nước hòa mây
Mịt mù khói biếc cây mờ hiện
Bằng phẳng cát vàng chim trắng bay
Ba chục năm, từng đây đó khắp
Tô tiên đâu được thú như vầy*

Chú thích:

(1) Vọng Doanh: huyện sở tại của thị trấn Ninh Bình, nơi có núi Dục Thúy.

(2) Dục Thúy sơn: tức núi Non Nước ở tỉnh Ninh Bình (Bắc Việt Nam), phong cảnh đẹp nổi tiếng. Đến khi văn hào Trương Hán Siêu tức Trương Thiếu Bảo về ở ẩn tại đây, núi được gọi là Dục Thúy.

(3) Đại An: cửa biển tại Nam Định (Bắc Việt).

(4) Tô tiên (hay Pha lão: Tô Đông Pha (1037 - 1101), văn học gia - thư họa gia đời Bắc Tống, làm quan đến chức Binh bộ thượng thư, nhưng rồi từ quan, ông bầu rượu ngâm thơ. Có lần bị tội đày ba năm đến quận Đam Nhĩ, nay thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét