Tám mươi năm Pháp thuộc
Người Pháp khởi sự bắn phá Đà Nẵng năm 1858 rồi bỏ đi. Vài năm sau họ trở lại với một ý chí chinh phục thực sự. Năm 1862 họ đánh chiếm ba tỉnh miền Tây, sau đó chiếm hoàn toàn miền Nam rồi tiến ra Bắc. Nếu tính từ cột mốc 1862 này đến khi Việt nam tuyên bố độc lập năm 1945 thì cuộc đô hộ của người Pháp đã kéo dài 83 năm. Tuy
nhiên, chỉ từ năm 1884 trở đi sự thống trị của người Pháp mới được thiết lập trên toàn lãnh thổ. Nếu lấy cột mốc 1884 thì cuộc đô hộ của người Pháp kéo dài 61 năm. Thực ra hiệp ước Patenôtre trên lý thuyết cũng không đặt toàn bộ lãnh thổ Việt nam dưới ách đô hộ của người Pháp. Nó chia Việt nam làm ba phần. Nam Phần là thuộc địa hẳn hoi của Pháp, Bắc Phần vẫn là lãnh thổ của triều đình Nguyễn nhưng đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Còn Trung Phần vẫn hoàn toàn thuộc chủ quyền nhà Nguyễn. Nhưng người Pháp đã nhanh chóng lấn chiếm thêm chủ quyền Việt nam trước sự bất lực của triều Nguyễn. Đến năm 1888, vua Thành Thái lên ngôi ký thêm một hiệp ước nhượng bộ nữa, đặt toàn lãnh thổ Việt nam dưới sự đô hộ của Pháp. Từ đó người Pháp tha hồ phế lập các vua nhà Nguyễn. Những sự kiện này mọi người đọc qua lịch sử Việt nam đều biết. Sự kiện cần được nhấn mạnh là nói chung, trừ một số sĩ phu bất khuất, người Việt nam đã hoan hô sự thống trị của Pháp, hay ít nhất đã ưa chính quyền thuộc địa Pháp hơn là triều đình nhà Nguyễn. Tại miền Bắc, các cô tôi kể chuyện các bà có thai cố gắng đi vào Hà Nội để để con vì Hà Nội, không giống như các tỉnh miền Bắc khác, được coi là thuộc địa từ năm 1888 và những người ra sinh ra tại Hà Nội được coi là thần dân Pháp (sujet francais).Tới đây có lẽ cũng nên mở một ngoặc đơn để nhận xét một đặc tính của người Pháp. Tại sao lại thần dân mà không phải là công dân (citoyen francais)? Lại là một trò chơi chữ và phân biệt tinh vi của người Pháp. Người Pháp có biệt tài lấp lửng và mơ hồ để bắt cá hai tay, vừa thủ lợi vừa tránh né trách nhiệm khi cần. Năm 1948 lại vịnh Hạ Long, Pháp thỏa thuận với Bảo Đại để Việt nam được độc lập, nhưng lại bắt buộc Việt nam ở trong khối Liên Hiệp Pháp. Bình thường ra đã độc lập thì phải có quyền gia nhập hoặc không gia nhập một khối nào, nhưng chính quyền Pháp đã ràng buộc hai vấn đề với nhau. Pháp thừa nhận Việt nam độc lập, nhưng độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp, có nghĩa là nếu Quốc Gia Việt nam quyết định rút ra khỏi khối Liên Hiệp Pháp thì Pháp cũng không còn nhìn nhận nền độc lập của Việt nam nữa. Người Pháp chia rẽ nhau trên một giải pháp cho Việt nam và họ chọn một giải pháp nửa chừng và mâu thuẫn. Chưa hết, người Pháp còn đẩy trò chơi chữ đến một mức độ lố bịch, khôi hài. Câu nhìn nhận Việt nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp chỉ được viết bằng tiếng Việt chứ không được dịch ra tiếng Pháp trong hiệp ước Hạ Long. Người Pháp không có óc minh bạch của các dân tộc Anglo-saxon. Phải nói ngay rằng trong tiếp xúc với phương Tây ta đã không được tiếp xúc với phần tinh hoa nhất của họ, đó là điều đáng tiếc.
Tuy nhiên, mặc dầu những khổ nhục của tình trạng ngoại thuộc tám mươi năm Pháp thuộc đã đem lại cho đất nước ta những tiến bộ rất trọng đại. Đó là giai đoạn mà nước ta phát triển mau chóng nhất. Người Pháp đã xây dựng ra nhiều thành phố lớn, trong đó có hai cảng Hải Phòng và Sài gòn, đã xây dựng phần lớn các trục lộ giao thông lớn. Họ cùng đã đem văn hóa, nếp sống, cách tổ chức và những giá trị phương Tây vào đất nước ta. Có thể nói Pháp đã còng tay Việt nam và dẫn vào thời đại mới. Đóng góp của người Pháp cho nước ta không thể chối cãi, ngay cả dưới mắt một người Việt nam yêu nước. Năm 1936 khi chính phủ Mặt Trận Bình Dân Pháp của thủ tướng Lon Blum có ý định trở lại hiệp ước 1884, nghĩa là trả lại miền Bắc và miền Trung cho triều đình Nguyễn họ đã bị ngay những trí thức Việt nam tiến bộ phản đối dữ dội. Các trí thức này không phải không muốn độc lập, nhưng họ không muốn lập lại sự cai trị của triều đình Huế. Không ai, kể cả vua Bảo Đại và các cận thần, ngạc nhiên trước sư phản đối này. Chúng ta đã bị ngoại thuộc nhiều lần trong quá khứ, nhưng lần này là một ngoại thuộc hoàn toàn khác. Từ trước kẻ xâm lăng đến vò vét tài sản, tàn phá đất nước và đẩy dân chúng vào cảnh cơ cực.
Làn này kẻ thống trị ngoại bang mở mang đất nước, nâng cao mức sống và trí tuệ của dân ta. ách đô hộ của người Pháp, với sự du nhập của văn hóa và các giá trị phương Tây còn có giá trị giải phóng của nó. Chính từ giai đoạn này mà chúng ta hoàn toàn không còn lệ thuộc Trung Quốc về mặt chính trị nữa và cũng có luôn khả năng ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đá quá lỗi thời. Không những bảo vệ Việt nam đối với Trung Quốc, người Pháp còn đủ sức mạnh để buộc Trung Quốc chấp nhận những thỏa hiệp có lợi cho Việt nam, chẳng hạn như hiệp ước về vịnh Bắc Phần.
Người Pháp còn cho Việt nam một cơ hội mở rộng không gian sinh hoạt. Họ thành lập ra Liên Hiệp Đông Dương gồm ba kỳ của Việt nam, Lào và Cam-bốt. Hai nước Lào và Cam-bốt vừa quá ít dân so với Việt nam, lại vừa ở mức độ phát triển thấp hơn nên Đông Dương thực ra là Việt nam. Chỉ trong vài thập niên, phần lớn các công chức cao cấp tại hai nước này đã là người Việt. Điều nghịch lý là sau thế chiến II, khi người Pháp bằng lòng trả độc lập cho các nước Đông Dương nhưng đòi duy trì Liên Bang Đông Dương trong khối Liên Hiệp Pháp, chính phủ cách mạng Việt nam, do ông Hồ Chí Minh cầm đầu, đã phản đối dữ dội làm cho hội nghị Đà Lạt năm 1946 thất bại. Dĩ nhiên, tại Hội Nghị Đà Lạt, Pháp còn đưa nhiều đòi hỏi bắt chẹt khác, thí dụ như đòi tách Nam Kỳ ra riêng, nhưng điều đáng để ý là chính phủ Hồ Chí Minh đã phản đối dữ dội Liên Bang Đông Dương mà sau này họ đòi lập lại. Điều này chứng tỏ rằng những người làm chính trị của Việt nam thiếu hẳn viễn kiến. Nhiều người Việt nam ngày hôm nay vẫn còn tiếc cơ hội đó. Nhưng tiếc hay không cũng là sự đã rồi. Vấn đề là Liên Bang Đông Dương không nên nhắc lại nữa. Nó chỉ gây ngờ vực và lo âu cho hai nước Lào và Cam-bốt đối với Việt nam mà thôi. Điều chúng ta cần mưu tìm là một hợp tác bình đẳng trong tinh thần tương kính với hai nước láng giềng này. Một sự hợp tác như thế sẽ có lợi cho cả ba dân tộc. Chính vì sự thành công của chính quyền thuộc địa Pháp mà thái độ đối với nó đã gây chia rẽ trầm trọng giữa người Việt nam. Có những người cho chế độ thuộc địa Pháp là hay và nên tiếp tục cũng có những người cho rằng độc lập là cần thiết nhưng cần phải tiếp tục hợp tác với người Pháp để mở mang dân trí và dân sinh trước đã, trong số những người này có hai trí thức lỗi lạc nhất đầu thế kỷ 20 là Phan Chu Trinh và Phạm Quỳnh. Sau cùng cũng có những người cho rằng phải đánh đuổi người Pháp để chấm dứt cái nhục bị đô hộ và giành lại chủ quyền ngay tức khắc. Các khuynh hướng này thay vì thảo luận bình tĩnh với nhau đã mạt sát và kết án lẫn nhau. Người này gọi người kia là ngu dốt, người kia gọi người này là phản quốc bán nước.
Vấn đề thực là phức tạp. Điều phức tạp hơn nữa là giữa những người chủ trương giành độc lập ngay tức khắc cũng không có đồng thuận Có những người chỉ chủ trương giành độc lập, nhưng cũng có những người chủ trương đánh đuổi người Pháp để thiết lập một chế độ cộng sản. Và hai khuynh hướng này cũng sẵn sàng tàn sát nhau.
Chúng ta đã không biết ra khỏi ách đô hộ của người Pháp một cách tốt đẹp bởi vì chúng ta đã thiếu hẳn một đồng thuận dân tộc. Đồng thuận dân tộc không phải là dễ, nó đòi hỏi một tư tưởng quốc gia và nó cũng đòi hỏi những khuôn mặt uy tín để có thể thuyết phục và qui tụ mọi người trên những chọn lựa quan trọng. Nhưng tư tưởng của chúng ta vốn đã rát kém, nếu không muốn nói là không có gì. Tư tưởng Khổng Giáo đã sụp đổ, nhưng thời gian tiếp xúc với phương Tây vẫn còn quá ngắn nên chưa xuất hiện được những nhà lý luận mới. Phan Chu Trinh là một nhân vật đã có thể góp phần tốt đẹp vàn cuộc chuyển hóa tư tưởng trọng đại của đất nước ta, nhưng tiếc thay ông đã qua đời quá sớm, năm 1925, lúc mới vừa 52 tuổi .
Một bài học lịch sử
Lý do vẫn thường được viện dẫn để giải thích tại sao chúng ta bị người Pháp thôn tính là: vì ta thiếu vũ khí và kỹ thuật tói tân. Chúng ta có vẻ hài lòng với giải thích đó, nhưng khi sự thôn tính đó diên ra một cách quá dễ dàng thì vũ khí không giải thích tất cả. Vũ khí ngay cả thêm kỹ thuật tổ chức quân đội, cũng không thể giải thích thất bại quá hổ nhục của ta.
Để đánh thành Hà Nội do Nguyễn Tri Phương có chuẩn bị trước để phòng vệ, người Pháp đã chỉ cần 170 quân và họ hạ thành Hà Nội trong nháy mắt, bắt sống Nguyễn Tri Phương. Lần thứ hai, họ đem một số quân đông gấp ba, gần 500 người, nhưng lần này Hoàng Diệu không kháng cự mà tự tử để quân Pháp chiếm thành. Để chiếm Hải Dương, quân Pháp đã chỉ cần 15 người lính bắn vài phát súng là xong. Quân nhà Nguyễn đã không kháng cự chứ không phải đã thua trận. Tại Ninh Bình chúng ta còn nhục nhã hơn nhiều. Một viên thiếu úy dẫn bảy tên lính tới thành. Tổng đốc Nguyễn Đức Tuân và toàn bộ quân sĩ Việt nam phải hạ khí giới, quì xuống hai bên đường đầu hàng.
Trước đó, Jean Dupuis, một lái buôn với vài tên lính đánh thuê do y tuyển dụng đã có thể làm mưa làm gió mỗi lần đưa tàu buôn ra Bắc. Các quan lại Việt nam tại Hà Nội mỗi khi thấy tàu Dupuis tới gần phải chạy trước, sợ y bắt và nọc ra đánh.
Nếu bảo rằng ta thua vì không có vũ khí thì tại sao vài ngàn quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc lại hai lần đánh bại quân Pháp một cách dễ dàng, chém đầu viên chỉ huy Pháp? Mà Lưu Vĩnh Phúc có đánh lén đâu. Trong lần Henri Rivière ra Hà Nội, cũng là lần Pháp đem lực lượng hùng hậu nhất, trên 500 người, Lưu Vĩnh Phúc đem quân đến sát Hà Nội, đóng doanh trại, gởi chiến thư gọi Rivière ra đánh. Cách đối địch này chẳng có gì là độc đáo. Henri Rivière đem quân ra. Quân Cờ Đen xông tới tàn sát quân Pháp, chém Henri Rivière, đem bêu đầu. Năm đó là năm 1872.
Trước đó, đầu thế kỷ 19, giữa lúc Pháp hùng mạnh nhất về quân sự, với hoàng đế Napoléon I làm bá chủ cả châu Âu, thì những người nô lệ da đen trên đảo Haiti nổi dậy thành lập một quốc gia độc lập thách thức đế quốc Pháp. Napoléon I đã cử một hạm đội hùng hậu gồm 86 chiến thuyền và 34.000 lính thủy dưới sự chỉ huy của đô đốc Leclerc, em rể Napoléon I, sang chinh phạt. Dưới quyền đô đốc Leclerc là 13 trung tướng và 27 thiếu tướng. Đạo quân hùng hậu và tinh nhuệ này còn mang theo một đàn chó trận được tập luỵện để săn người da đen. Chúng sử dụng những biện pháp cực kỳ tàn bạo, treo cổ, nhận nước cho chết, thả tù nhân cho chó ăn thịt, v.v... Nhưng những người da đen đơn sơ đã chống trả, họ đã đánh tan đạo quân này trong thời gian không đầy hai năm, buộc quân Pháp phải đầu hàng. Lúc đó tổng số người da đen tại Haiti chưa tới nửa triệu người.
Thành tích này thật nổi bật so với Việt nam. Lúc đó chúng ta đã có khoảng xấp xỉ mười triệu dân, đã có một lịch sử dài với nhau quá khứ chống ngoại xâm và mở mang bờ cõi rất oanh liệt. Quân Pháp sang chiếm nước ta cũng chỉ vài ngàn người với phương tiện thô sơ, mỗi lần ra Bắc họ chỉ đem vài trăm lính dưới sự chỉ huy của những sĩ quan trung cấp.
Vũ khí kỹ thuật tổ chức, ngay cả số đông cũng không phải là tất cả. Chúng ta thua, và thua rất nhục nhã, chỉ vì tinh thần dân tộc của chúng ta không còn. Mỗi lần quân Pháp ra đánh Bắc Hà, dân chúng kéo nhau đi xem quân Tây và quân Nam đánh nhau như những người bàng quan. Các vua nhà Nguyễn đã chỉ coi miền Bắc và miền Nam như những vùng đất xa xôi. Các chính sách hà khắc, giết hại công thần, cấm đạo đã làm tan vỡ hoàn toàn đồng thuận dân tộc. Nước Việt nam vào giai đoạn đó chỉ còn là một hư cấu và vì thế nó đã mất hết sức tự vệ.
Từ đó đến nay chúng ta có xây dựng cho lòng yêu nước mạnh hay không? Một cách ngược đời, giai đoạn Pháp thuộc đã làm tăng trưởng tinh thần quốc gia và lòng yêu nước. Ba yếu tố đã đóng góp vào sự tăng trưởng này. Một là sự hổ nhục vì bị đô hộ bởi một số ít thực dân, thuộc một chủng tộc khác và đến từ phương xa, đã gây ra một phản ứng liên đới giữa những người cùng chung nòi giống và văn hóa. Hai là do tiếp xúc với phương Tây, chúng ta đã tiếp thu được ý thức quốc gia, một ý thức trước đó chúng ta chỉ có một cách mơ hồ và người phương Tây cũng chỉ khám phá trước chúng ta không bao lâu; tôi sẽ còn trở lại vấn đề này trong những trang sắp tới. Ba là thời Pháp thuộc đã đem lại phồn vinh, và do đó một sinh lực mới cho cộng đồng dân tộc.
Sức mạnh mới đó đã khiến dân ta quật khởi vùng lên giành chủ quyền. Đảng cộng sản đã vận động được lòng yêu nước đó để dựa vào chiêu bài giải phóng dân tộc mà tranh đấu cho chủ nghĩa cộng sản và họ cũng đã giáng một đòn chí tử vào lòng yêu nước vừa mới có được một sức mạnh. Lần đầu tiên ở nước ta xuất hiện một lực lượng không kêu gọi đoàn kết dân tộc mà kêu gọi hận thù giữa dân tộc. Tiếng gọi đấu tranh giai cấp về thực chất là một tiếng gọi nội chiến, một tiếng gọi giải thể quốc gia, thay thế tinh thần quốc gia bằng tinh thần giai cấp. Sau đó chính sách toàn trị của họ đã biến đất nước thành của riêng một đảng - như ngày trước nó là của riêng một dòng vua - và trục xuất đại khối dân tộc khỏi định mệnh đất nước. Đã thế, đảng cầm quyền lại còn áp dụng vô số biện pháp phân loại dân chúng và phân biệt đối xử. Những đỗ vỡ và thất vọng kéo dài quá lâu đã làm sụp đổ lòng yêu nước của người Việt.
Ngày trước, chính sự suy sụp của tinh thần dân tộc đã khiến chúng ta thua một cách hỗ nhục dưới tay người Pháp chứ không phải vì người Pháp mạnh. Ngày nay cũng chính sự suy sụp tinh thần dân tộc đã khiến chung la không tự giải phóng được khỏi tay đảng cộng sản chứ không phải vì chế độ cộng sản mạnh. Có những lúc mà những bài học lịch sử thật đáng suy ngẫm.
Soi lại chân dung, ba nét đậm của đất nước
Cuốn sách này dĩ nhiên không thể có tham vọng lố bịch là viết lại lịch sử. Nó đã mời độc giả theo dòng lịch sử mà nghĩ lại một số nhân vật và sự kiện với một dụng ý khác.
Cách mà một dân tộc đánh giá các triều đại và các nhân vật lịch sử nói lên rất nhiều về tâm lý của dân tộc đó. Chính qua cách chọn lựa và tôn vinh các anh hùng mà mỗi dân tộc bộc lộ hon tính của mình.
Một mặt, việc luận công và tội trong lịch sử tùy thuộc ở các giá trị mà mỗi dân tộc đề cao hơn là ở những sự kiện đã thực sự xảy ra, và vì thế có thể thay đối với thời gian. Một thí dụ là hoàng đế Napoléon I của nước Pháp. Napoléon là một thiên tài về quân sự, đã đánh bại và chế ngự gian hết châu Âu. Ông cũng là một nhân vật hào hoa phong nhã, có sức truyền cảm khó bì và không những chỉ đem vinh quang quân sự cho nước Pháp, ông còn làm ra luật pháp, đặt ra những định chế quan trọng mà nước Pháp tới nay vẫn còn gìn giữ và tự hào. Thời đại của ông cũng để lại những công trình lớn, vĩ đại cả về tầm vóc lẫn mỹ thuật. Có một dạo người Pháp tôn sùng ông như một thần tượng, nhưng ngày nay, nếu được hỏi, ít có người Pháp nào còn bày tỏ sự ái mộ với Napoléon. Không phải vì Napoléon đã thay đổi mà vì tâm lý và cách nhìn lịch sử của người Pháp đã thay đổi.
Mặt khác, những nhận định và đánh giá rõ ràng là sai lầm mà lại kéo dài quá lâu cũng tố giác sự hời hợi và sự thiếu óc phê phán của một dân tộc.
Đặt lại một số vấn đề lịch sử như vậy cũng là chất vấn tâm lý tập thể của một dân tộc và rà soát lại các giá trị nền tảng, các giá trị đã góp phần quyết định tạo ra số phận của dân tộc đó. Các nhà tư tưởng hiện nay đều đồng ý trên một điểm: tâm lý và các giá trị là tất cả đối với một dân tộc; địa lý, tài nguyên thiên nhiên và ngay cả bối cảnh quốc tế chỉ là thứ yếu. Các dân tộc như Mỹ, Đức, Nhật, dù ở hoàn cảnh nào, dù có bị tàn phá đến đâu cũng vẫn nhanh chóng phục hồi và vươn lên trong khi nhiều dân tộc khác dù được thiên nhiên và hoàn cảnh ưu đãi tới đâu cũng vẫn thua kém. Một dân tộc vì thế chỉ thay đổi được số phận của mình nếu thay đổi tâm lý và các giá trị, nghĩa là thay đổi văn hóa, thay đổi cách suy nghĩ, hành động và ứng xử.
Đặt lại một số vấn đề lịch sử như vậy cũng là chất vấn tâm lý tập thể của một dân tộc và rà soát lại các giá trị nền tảng, các giá trị đã góp phần quyết định tạo ra số phận của dân tộc đó. Các nhà tư tưởng hiện nay đều đồng ý trên một điểm: tâm lý và các giá trị là tất cả đối với một dân tộc; địa lý, tài nguyên thiên nhiên và ngay cả bối cảnh quốc tế chỉ là thứ yếu. Các dân tộc như Mỹ, Đức, Nhật, dù ở hoàn cảnh nào, dù có bị tàn phá đến đâu cũng vẫn nhanh chóng phục hồi và vươn lên trong khi nhiều dân tộc khác dù được thiên nhiên và hoàn cảnh ưu đãi tới đâu cũng vẫn thua kém. Một dân tộc vì thế chỉ thay đổi được số phận của mình nếu thay đổi tâm lý và các giá trị, nghĩa là thay đổi văn hóa, thay đổi cách suy nghĩ, hành động và ứng xử.
Cuộc hành trình qua lịch sử mà cuốn sách này mời độc giả cùng đi đã không thoải mái. Tôi hiểu là những phân tích không khoan nhượng đã làm phiền lòng không ít độc giả. Những gì mà chúng ta đã biết hoặc đã tin là một phần của chính chúng ta, và dĩ nhiên chúng ta cảm thấy như bị xúc phạm và bị đả thương khi có người bác bỏ. Tôi mong các độc giả đó hiểu cho rằng chính tôi đã rất đau nhức khi phải xét lại những gì mà chính mình trong một thời gian dài đã cho là đúng và lấy làm nền tảng cho nhiều lý luận khác. Nhất là khi tôi phải làm việc đó tự mình và một mình, trong một cuộc xung đột với chính mình.
Nhưng đó là việc phải làm. Chúng ta phải nhận định lại lịch sử để nhận diện lại chính chúng ta và thay đổi số phận của chúng ta. Hoàn cảnh bi đát của chúng ta hiện nay không cho phép chúng ta thỏa mân. Khi chúng ta nhìn lịch sử của mình một cách khác cũng là lúc chúng ta nghĩ về mình một cách khác, để từ đó chấp nhận một cách ứng xử khác và tiến tới một tương lai khác.
Cuộc hành trình này đã dẫn chúng ta tới lịch sử hiện đại, nghĩa là phản lịch sử còn đang diễn ra mà chúng ta còn có thể tác động. Phần lịch sử này chúng ta sẽ phải đề cập một cách khác. Nhưng tới đây chúng ta đã có thể rút ra một vài nhận định quan trọng.
Một là đất nước ta đã hình thành như một phần của Trung Quốc, rồi do hoàn cảnh địa lý mà tách rời ra, nhưng chỉ tách rời về mặt hành chánh chứ không tách rời về mặt văn hóa. Như vậy ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trên chúng ta rất lớn, ngay cả khi chúng ta không ý thức được. Không phải là một sự ngẫu nhiên mà các vua quan nhà Nguyễn vẫn cố bám vào Trung Quốc giữa lúc chính Trung Quốc cũng đang rất khốn đốn. Cũng không phải là một ngẫu nhiên mà sau khi đã bị Pháp đô hộ và đã chịu ảnh hưởng nặng nề của Pháp, Việt nam Quốc Dân Đảng mà những người chủ xướng đều có Tây học, vẫn chủ trương rập khuôn Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Cũng không phải là một ngẫu nhiên mà đảng cộng sản Việt nam luôn lếch thếch chạy theo Đảng cộng sản Trung Quốc, dù có lúc hai bên đã thù ghét nhau thậm tệ. Cho dù thương nhau hay ghét nhau, cùng một văn hóa thì vẫn cùng một cách hành động. Chúng ta còn muốn tiếp tục đi theo và đi sau người Trung Hoa nữa không, hay chúng ta đã nhìn thấy những khuôn mẫu khác và những lộ trình khác tốt đẹp hơn? Nếu không muốn theo mô hình Trung Quốc nữa thì chúng ta cần một cố gắng cởi trói, vượt thoát và khai thông rất trọng đại.
Hai là trong quá trình lịch sử chúng ta đã bị ngoại thuộc nhiều hon là độc lập, chúng ta đã chịu đựng quá nhiều chiến tranh và chỉ được hưởng quá ít hoà bình, đã bị chia cắt nhiều hơn thống nhất. Đó là một lịch sử rất chật vật và vì thế chúng ta là một dân tộc bị chấn thương nặng. Cách suy nghĩ và hành động của chúng ta chắc chắn là không bình thường. Do đó cần rất dè dặt trong các phân tích và các dự đoán chính trị. Có những sự kiện đáng lẽ phải xảy ra lại không xảy ra và cũng có những biến cố đáng lẽ không thể có lại vẫn có. Trong nhưng trường hợp như thế, một nhận định bình thường, nghĩa là không kể đến tình trạng bất bình thường của dân tộc ta, rất dễ khiến chúng ta lý luận gượng ép, khen chê một cách sai lạc và gây khó khăn thêm cho sự tìm kiếm một giải pháp đúng đắn. Trong hoàn cảnh phức tạp và khủng hoảng tinh thần này, chúng ta cần rất nhiều bình tĩnh và sáng suốt.
Sau cùng, tuy chúng ta có một lịch sử dài nhưng lại là một quốc gia mới hình thành xong. Chúng ta đã không ngừng đón nhận nhiều đóng góp về đất đai và chủng tộc. Cấu tạo địa lý và nhân văn của chúng ta mới chỉ rõ rệt từ nửa sau thế kỷ 18. Từ đó đến nay lại là giai đoạn đầy rẫy những thảm kịch nội chiến, ngoại xâm, ngoại thuộc, chia cắt, xung đột ý thức hệ, v. v... Chúng ta là một quốc gia chưa ổn vững, cần được cũng cố, xây dựng và gìn giữ với tất cả thận trọng, nhất là vào giữa lúc mà ý niệm quốc gia đang bị công phá khắp nơi trên thế giới. Nguy cơ tan rã có thực. Trong khi dù muốn hay không chúng ta vẫn cần có một quốc gia để làm không gian liên đới cho cố gắng xây dựng một tương lai chung. Vì nhiều lý do, mà lý do giản dị nhất là không ai muốn hòa nhập với một dân tộc nghèo khó như chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét