Đại Việt Sử Ký Toàn Thư .P26

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên

Quyển XVI
Kỷ Nhà Lê
Phụ: Họ Mạc (Đăng Doanh 8 năm, Phúc Hải 6 năm, Phúc Nguyên 2 năm)
Trang Tông Dụ Hoàng Đế
Tên húy là Ninh, lại húy là Huyến, ở ngôi 16 năm, thọ 34 tuổi. Vua gặp vận gian truân
phải đi lánh nạn, nhờ được bề tôi cũ tôn lập, bên ngoài liên kết với nước láng giềng, bên trong dùng được các tướng giỏi, cho nên mọi người đều vui lòng gắng sức, nền móng trung hưng bắt đầu từ đấy.
Vua là con của Chiêu Tông2386 , cháu xa đời của Thánh Tông, mẹ là Phạm thị, tên húy là Ngọc Quỳnh, người sách Cao Trĩ, huyện Thụy Nguyên2387 . Khi Đăng Dung cướp ngôi, tiếm hiệu, vua tránh về Thanh Hóa. Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim sai người dò tìm, đón vua sang nước Ai Lao tôn lập.

Quý Tỵ, [Nguyên Hòa] năm thứ 1 [1533], (Mạc Đại Chính năm thứ 4; Minh Gia Tĩnh năm thứ 12). Mùa xuân, tháng giêng, vua lên ngôi ở Ai [1b] Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, tôn Đại tướng quân Nguyễn Kim là Thượng phụ thái sư Hưng quốc công, chưởng nội ngoại sự, lấy trung nhân Đinh Công2388 làm Thiếu Úy Hùng Quốc Công, còn lại, người nào cũng được phong thưởng để họ đồng lòng khuông phù. Lại liên kết với vua Ai Lao Xạ Đẩu, nhờ họ giúp binh khí, lương thực để mưu việc đánh lấy lại nước.

Vua sai Trịnh Duy Liêu sang nhà Minh tâu rằng vì Mạc Đăng Dung tiếm loạn, chiếm giữ kinh thành, ngăn trở đường đi nên bỏ lâu việc tiến cống2389 .

Giáp Ngọ, [Nguyên Hoà] năm thứ 2 [1534] , (Mạc Đại Chính năm thứ 5 Minh Gia Tĩnh năm thứ 13). Nhà Minh nghe tin Mạc Đăng Dung cướp ngôi, đặt quan lại nguỵ, chiếm giữ Kinh thành, ngăn trở đường tiến cống, tự tiện làm bài Đại cáo, tiềm xưng là thượng hoàng, tội trạng đã rõ, bèn sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm tổng đốc quân vụ, Binh bộ thượng [2a] thư Mao Bá Ôn làm tham tán quân vụ, đem quân sang hỏi đánh2390 .

Ất Mùi, [Nguyên Hoà] năm thứ 3 [1535] , (Mạc Đại Chính năm thứ 6; Minh Gia Tĩnh năm thứ 14). Nhà Mạc mở khoa thi Hội, lấy bọn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bùi Khắc Đốc, Nguyễn Thừa Hưu đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Di Lượng 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Trùng Quang 22 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Bính Thân, [Nguyên Hoà] năm thứ 4 [1536] , (Mạc Đại Chính năm thứ 7 - Minh Gia Tĩnh năm thứ 15). Vua sai Trịnh Viên sang nhà Minh trình bày việc họ Mạc cướp ngôi giết vua, và vua phải xiêu giạt vào Thanh Hoa2391 .

Họ Mạc sai Đông quân đô đốc phủ tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Đình Khoa trùng tu Quốc tử giám.

Đinh Dậu, [Nguyên Hoà] năm thứ 5 [1537] ; (Mạc Đại Chính năm thứ 8; Minh Gia Tĩnh năm thứ 16). Mùa xuân, tháng giêng, họ Mạc thăm nhà Thái học.

[2b] Mùa hạ, tháng 4, gió to, gãy cây, tốc nhà, nước biển dâng tràn, làm chết nhiều người và súc vật.

Tây An hầu Lê Phi Thừa của họ Mạc khởi quân cướp lấy của cải của ba ty rồi thu quân chạy vào nước Ai Lao đầu hàng vua.

Họ Mạc phong cho con là bọn Kinh Điển làm vương, ngoài ra đều theo thứ tự bậc mà được nhận phong.

Mậu Tuất, [Nguyên Hoà] năm thứ 6 [1538] , (Mạc Đại Chính năm thứ 9; Minh Gia Tĩnh năm thứ 17). Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội, cho bọn Giáp Hải, Trần Toại, Hoàng Sầm đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Phan Cảo 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Hoàng Thuyên 25 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Họ Mạc tuyển hoàng dinh.

Họ Mạc sai Nguyễn Văn Thái sang nhà Minh dâng biểu xin hàng và xin phân xử2392 .

Kỷ Hợi, [Nguyên Hoà] năm thứ 7 [1539] , (Mạc Đại Chính năm thứ 10; Minh Gia Tĩnh năm thứ 18). Vua phong đại tướng quân Trịnh Kiểm làm Dực [3a] quận công, (người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc2393 ), Trịnh Công Năng làm Tuyên quận công, Lại Thế Vinh2394 làm Hoà quận công. Bọn Hiệp quận công, Tường quận công, Từ quận công, Trấn quận công, Tây quận công, Dương quận công, Thuỵ quận công, Nghi quận công đều được ban ấn coi quân, sai đem quân bản bộ tiến đánh các nơi để lo lấy lại Tây Kinh, khí thế quân sĩ mạnh thêm. Sau tiến đánh huyện Lôi Dương, quân Mạc phần nhiều bị thua, rồi đem quân về.

Đại hạn.

Mùa đông, tháng 10, động đất.

Canh Tý, [Nguyên Hoà] năm thứ 8 [1540] , (Mạc Đại Chính năm thứ 11; Minh Gia Tĩnh năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 15, Mạc Đăng Doanh chết. Con trưởng là Phúc Hải lên ngôi, lấy năm sau làm Quảng Hoà năm thứ 1.

Mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy

Nhất, Bùi [3b] Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ2395 , đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh2396 quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương2397 , La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước và chờ lệnh thay đổi hay quyết định khác. Lại sai bọn Văn Minh và Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh.

Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim đem quân về đánh Nghệ An, hào kiệt phần nhiều theo về, thanh thế rất lừng lẫy, đến đâu là gần xa đều hàng phục.

Tân Sửu, [Nguyên Hoà] năm thứ 9 [1541] . (Mạc Quảng Hoà năm thứ 1; Minh Gia Tĩnh năm thứ 20). Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Nguyễn Kỳ, Phạm [4a] Công Sâm, Nguyễn Thế Lộc đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Quang 4 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Nguyên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Bấy giờ, Tây An hầu Lê Phi Thừa có ý bất bình, thường nói ra những lời phẫn uất, càng ngày càng kiêu căng; ngang ngược. Thái sư Nguyễn Kim sai người bóp cổ chết. Trước kia, Phi Thừa xuất thân là xá nhân, thờ Mạc Đăng Dung, được Đăng Dung khen ngợi, cho cai quản quân dân bảy huyện thuộc đạo ấy2398 . Đến năm Đại Chính, Thừa quy thuận triều đình, vua vẫn cho giữ chức cũ. Đến đây lại oán hận, kiêu căng bạo ngược nên bị giết.

Tháng 8, ngày 22, Mạc Đăng Dung chết.

Tháng 10, ngày 20, bọn Mao Bá Ôn nhà Minh kính dâng bản tâu về Yên Kinh nói rằng: Mạc Đăng Dung tự trói mình đầu hàng ở cửa ải, xin kính theo chính sóc2399 , xoá bỏ tiếm hiệu, trả lại đất bốn động đã chiếm, [4b] xin nội thuộc xưng thần, xin hàng năm ban lịch Đại Thống2400 và bù đủ lễ vật tiến cống hàng năm, cúi mình cung kính thuận phục. Nếu như coi Đăng Dung là kẻ có tội đầu hàng, chưa kể khinh xuất trao cho chức tước, đất đai, thì cháu của y là Mạc Phúc Hải nay đang đợi mệnh, nếu được đội ơn khoan thứ, cũng có thể cho làm các chức khác như đô hộ, tổng quản theo như lệ cũ của nhà Hán, nhà Đường2401 , hàng năm quan Bố chính ty Quảng Tây ban cấp lịch Đại Thống, cho y đến Trấn Nam Quan kính nhận, những lễ vật tiến cống các năm trước còn thiếu, thì tra xét bắt bù đủ, từ năm sau chiếu sổ nộp dần. Còn như Lê Ninh tuy tự xưng là con cháu họ Lê, nhưng cứ theo các ty tra xét, thì ngọn ngành tung tích khó biết rõ ràng. Trịnh Duy Liêu trước có lén lút tới các đồng trại ở châu Thạch Lâm nước ta, sát vùng thổ quan Quảng Tây, nhưng mặt mũi Lê Ninh ra sao cũng không được biết, cho nên khi thì gọi là [5a] Lê Ninh, khi thì gọi là Lê Hiến, lúc thì gọi là Quang Hoà, có lúc lại bảo là họ Trịnh trá xưng. Còn Trịnh Viên thì khai rằng ở động Tất Mã Giang2402 có Lê Ninh thực, nhưng lại lịch tông phái không biết được rõ; những điều trình bày về tuổi tác, nét mặt, lại khác với lời khai cũ của Trịnh Duy Liêu, đều khó dựa vào đó mà nghe được. Hãy cho Ninh ở lại Tất Mã Giang, những vùng đã lấy được đều thuộc quyền y quản thúc, có thể bàn trao chức tước, cho thực thuộc về Vân Nam. Nếu không phải là con cháu nhà Lê thì thôi không bàn nữa. Còn Trịnh Duy Liêu thì cho sở thuộc Quảng Đông tuỳ nghi sắp xếp, cấp cho ruộng đất, nhà ở, đừng để y phải bơ vơ. Xử phân như vậy, ngõ hầu mới được chu tất. Vua Minh bèn phong cho Mạc Đăng

Dung làm An Nam Đô thống sứ ty đô thống sứ, ban ấn bạc và cho thế tập2403 . Còn đất 13 lộ2404 [5b] thì cứ chiếu theo tên đất cũ, mỗi lộ đều đặt ty Tuyên phủ, đặt các chức tuyên phủ đồng tri, phó sứ, thiêm sự mỗi chức 1 viên, đều thuộc quản hạt của đô thống sứ sai khiến mà triều cống. Lễ cống lên vua và Đông cung thì theo lệ cũ.

Nhâm Dần, [Nguyên Hoà] năm thứ 10 [1542] , (Mạc Quảng Hoà năm thứ 2; Minh Gia Tĩnh năm thứ 21). Vua lấy Thuỵ quận công Hà Thọ Tường làm Ngự doanh đề thống ngự giá để mưu việc tiến đánh, sai Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim thống đốc tướng sĩ các dinh đi trước, tiến đánh các nơi ở Thanh Hoa, Nghệ An. Tướng lĩnh cũ và hào kiệt hai trấn này phần nhiều theo về, thế quân càng thêm mạnh (Thọ Tường người xã Cổ Lũng, huyện Cẩm Thuỷ2405 ).

Tháng 2, ngày mồng 8, Mạc Phúc Hải phong tước vương cho các em là bọn Kính Điển và các con.

Bấy giờ, quan quân giao chiến với tướng Mạc, cầm cự nhau đến vài tháng.

[6a] Tháng 3, ngày 22, Mạc Phúc Hải lên Trấn Nam Quan chịu khám nghiệm và nhận 1.000 bản lịch Đại Thống của nhà Minh ban cho. Lại lĩnh một đạo sắc mệnh cũ phong Mạc Đăng Dung làm An Nam đô thống sứ ty đô thống sứ và một quả ấn bạc.

Tháng 8, ngày mồng 3, họ Mạc sai bọn Nguyễn Điển Kính, Nguyễn Công Nghi, Lương Giản sang tạ ơn nhà Minh; bọn Nguyễn Chiếu Huấn, Vũ Tuân và Tạ Định Quang sang tuế cống.

Tháng 12, ngày 15, nhà Minh phong Mạc Phúc Hải làm An Nam đô thống sứ ty đô thống sứ.

Quý Mão, [Nguyên Hoà] năm thứ 11 [1543] , (Mạc Quảng Hoà năm thứ 3; Minh Gia Tĩnh năm thứ 22). Mạc sai sứ sang tuế cống nhà Minh. Vua Minh raệnh ban cấp cho sứ giả theo như lệnh cũ, nhưng bãi việc ban yến, giảm bớt cỗ bàn để tỏ ra không phải là [6b] lễ tiếp bồi thần2406 .

Vua tiến quân ra từ thành Tây Đô, tướng Mạc là Trung Hậu hầu (không rõ tên) dẫn con em đến trước quân lạy chào ở cửa nam thành Tây Đô. Ba quân sôi nổi mừng rỡ. Bấy giờ, Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim còn ở Ai Lao chưa theo đi2407 . Vua sai Tuyên quận công Trịnh Công Năng mang chiếu thư về gọi. Kim bèn chỉnh đốn bộ ngũ lên đường ngày, bái yết vua ở hành tại sông Nghĩa Lộ2408 . Vua cả mừng, gia thăng Kim làm thái tể, sai làm đô tướng, tiết chế tướng sĩ các dinh, chia đường cùng tiến, bình định vùng tây nam, đánh là thắng.

Tuyên quận công Trịnh Công Năng nổi quân làm phản, chiếm giữ đầu nguồn Quảng Bình2409 , dựng đất đặt doanh trại. Vua sai Dực quận công Trịnh Kiểm đi đánh, giết được Năng.

[7a] Giáp Thìn, [Nguyên Hoà] năm thứ 12 [1544] , (Mạc Quảng Hoà năm thứ 4 - Minh Gia Tĩnh năm thứ 23). Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Vũ Kính 3 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hữu Dục 14 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Ất Tỵ, [Nguyên Hoà] năm thứ 13 [1545] , (Mạc Quảng Hoà năm thứ 5; Minh Gia Tĩnh năm thứ 24). Tháng 4, vua lấy Thiếu uý Hùng quốc công Đinh Công làm thái uý, sai coi giữ ngự dinh. Vua thân hành đem các tướng đi đánh miền Sơn Nam, đến huyện Yên Mô đóng dinh.

Tháng 5, ngày 20, hàng tướng Mạc là Trung Hậu hầu ngầm chứa hai lòng, mời Thái tể Nguyễn Kim đến dinh của hắn, bỏ ngầm thuốc độc trong quả dưa dâng lên trước mâm cỗ, Kim tin thực ăn dưa, bị trúng độc, đến khi về thấy trong người khó chịu rồi mất, Trung Hậu hầu đêm ấy trốn đi, lại quay về [7b] với họ Mạc2410 . Trước kia, Trung Hậu hầu xuất thân là hoạn quan, trải thờ Mạc Đăng Dung, làm quan đến chức chưởng bộ, nghe tin vua nổi quân khôi phục bờ cõi, liền bàn mưu với họ Mạc dùng kế trá hàng, thường muốn hại vua.

Việc đó không thành, mới bỏ ngầm thuốc độc để hại Thái tể Kim, Kim không để ý, bị trúng độc. Vua xuống chiếu truy tặng Kim làm Huân Tĩnh công, thuỵ là Trung Hiến, sai người rước về Bái Trang2411 , huyện Tống Sơn để hậu táng. Phong con trưởng của Kim là Uông làm Lãng quận công, con thứ là Hoàng làm Hạ Khê hầu, sai đem quân đi đánh giặc.

Tháng 8, vua sai Dực quận công Trịnh Kiểm làm đô tướng tiết chế các dinh quân thuỷ bộ các xứ kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, Thái sư Lượng quốc công. Mọi binh quyền ngoài khổn, công việc trong nước, trù tính mưu lược, phong tước bổ quan xa gần đều được [8a] tuỳ mình quyết định, rồi sau mới tâu vua. Lượng quốc công càng dốc lòng trung trinh, mọi việc đều quyết đoán rõ ràng, công việc đều đâu ra đấy cả.

Bính Ngọ, [Nguyên Hoà] năm thứ 14 [1546] , (Mạc Quảng Hoà năm thứ 6; Minh Gia Tĩnh năm thứ 25). Vua lập hành điện ở sách Vạn Lai2412 . Mỗi khi có đánh dẹp, đều giao cả cho Thái sư Lượng quốc công thống lĩnh, đánh đâu được đấy. Do vậy, hào kiệt các châu Hoan, Diễn, Ô, Quảng2413 đua nhau tới cửa đình, ai nấy đều vui lòng gắng sức, cõi đất Ái Châu2414 yên dần.

Tháng 5, ngày mồng 8, Mạc Phúc Hải chết. Con trưởng là Phúc Nguyên mới lập, lấy năm sau làm năm Vĩnh Định thứ 1.

Đinh Mùi, [Nguyên Hoà] năm thứ 15 [1547] , (Mạc Vĩnh Định năm thứ 1; Minh Gia Tĩnh năm thứ 26). Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội, cho bọn Dương [8b] Phúc Tư, Phạm Du, Nguyễn Tế đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Kính Chỉ 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Vũ Hiệu 19 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháp Báo Thiên bị đổ.

Tướng Mạc là Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi2415 mưu lập người họ Mạc là Hoằng Vương Chính Trung2416 làm chúa, không xong, bèn nổi loạn, bức dời Chính Trung về xã Hoa Dương2417 , huyện Ngự Thiên. Họ Mạc sai Khiêm Vương Kính Điển2418 cùng bọn Tây quận công Nguyễn Kính đem quân đi bắt, bị Tử Nghi đánh bại. Sau Tử Nghi nhiều lần đánh không được, mới ép Chính Trung ra chiếm cứ vùng Yên Quảng. Dân hạt Hải Dương bị nạn binh lửa luôn luôn, nhiều người phải lưu vong. Tử Nghi lại chạy vào đất nhà Minh, thả quân đi bắt người cướp của Quảng Đông, Quảng Tây. Người Minh không kiềm chế nổi. (Tử Nghi người huyện An Dương).

[9a] Mậu Thân, [Nguyên Hoà] năm thứ 16 [1548] , (Mạc đổi Vĩnh Định thành Cảnh Lịch năm thứ 1; Minh Gia Tĩnh năm thứ 27). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 29, vua băng, Thái tử Huyên lên ngôi, lấy năm sau làm Thuận Bình năm thứ 1. Dâng tôn hiệu cho Đại Hành Hoàng Đế là Trang Tông.

Họ Mạc phong Phạm Quỳnh làm Vinh quận công, và con là Dao làm Phú xuyên hầu. (Quỳnh người xã Thịnh Liệt2419 , huyện Thanh Trì).

Họ Mạc sai bọn Lê Tiên Quý sang tuế cống nhà Minh.

Trung Tông Hoàng Đế

(Tên húy là Huyên, là con trưởng của Trang Tông, ở ngôi 8 năm, thọ 22 tuổi)

Phụ: Họ Mạc (Phúc Nguyễn 8 năm)

Vua uỷ nhiệm bậc trung thần mưu lược, đánh giết kẻ tiếm hiệu cướp ngôi, có thể gọi là có tài lược đế vương, song hưởng thọ không lâu, đất đai của tiên vương chưa thu phục được hết, tiếc thay!

Kỷ Dậu, [Thuận Bình] năm thứ 1 [1549] , (Mạc Cảnh Lịch năm thứ 2; Minh Gia Tĩnh năm thứ 28). Họ Mạc lấy tướng Đông đạo (không rõ tên) làm Thiệu quốc công, tướng Bắc đạo Mạc Đình Khoa làm Gia quốc công, tướng Tây đạo Nguyễn Kính làm [9b] thái uý Tây quốc công, Nguyễn Khải Khang làm thái uý Đoan quốc công, đều cho họ Mạc; tướng Nam đạo Lê Bá Ly2420 làm thái tể Phụng quốc công, cùng các thần thuộc trên dưới đều được phong để mưu giữ đất đai bờ cõi.

Mạc Phúc Nguyên bỏ chính điện ở thành Thăng Long, dời ra ở ngoại thành, trong cõi rối loạn.

Tháng 3, lấy Phạm Đốc làm Kinh ngô vệ chưởng vệ sự, phong Quảng quận công (Đốc người xã Thổ Sơn, huyện Vĩnh Phúc2421 ).

Canh Tuất, [Thuận Bình] năm thứ 2 [1550] , (Mạc Cảnh Lịch năm thứ 3; Minh Gia Tĩnh năm thứ 29). Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Trần Văn Bảo, Trần Văn, Nguyễn Minh Dương đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Lê Khâm 4 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Thừa Hưu 18 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Bấy giờ Mạc Phúc Nguyên nghe lời dèm pha của cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao2422 , cho nên tướng Nam đạo, Thái tể [10a] Phụng quốc công Lê Bá Ly và con là Phổ quận công Lê Khắc Thận; văn thần là Lại bộ thượng thư ngự sử đài đô ngự sử, Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên Thư quận công Nguyễn Thiến2423 và con là Nguyễn Quyện, Nguyễn Phủ, mỗi người đem hơn trăm quân bản bộ đi đêm trốn vào cửa ải Thanh Hoa xin hàng. Vua cho hàng. Bọn họ đến cửa khuyết lạy chào. Vua cả mừng, ban thưởng và uý lạo cho.

Từ đó, hào kiệt các nơi kéo đến hưởng ứng như mây trời quần tụ, ai cũng vui lòng.

Tân Hợi, [Thuận Bình] năm thứ 3 [1551] , (Mạc Cảnh Lịch năm thứ 4; Minh Gia Tĩnh năm thứ 30). Họ Mạc sai bọn Kinh Điển đốc quân đi đánh Mạc Chính Trung và Phạm Tử Nghi ở Yên Quảng. Đuổi đánh và bắt được Tử Nghi đưa về Kinh sư chém lấy đầu gửi sang nước Minh. Người Minh không nhận, trả lại. Chính Trung chạy vào đất Minh rồi chết ở [10b] đấy. ( Bản kỷ viết: Trước kia, Phạm Tử Nghi vẫn

định lập Hoằng Vương Chính Trung làm người nối ngôi họ Mạc, nhưng các thân vương trong họ và đại thần của họ Mạc lại mưu lập Phúc Nguyên. Chính Trung không được lập, mới cùng với Tử Nghi nổi loạn, và cướp bên nước Minh, người Minh bị nhiều tai hoạ. Đến đấy, nhà Minh trách họ Mạc là phiên thần vô lễ, dung túng bọn cướp nước sang cướp bóc đại quốc, sẽ phải đem quân sang, họ Mạc rất sợ, liền ngầm sai kẻ tiểu tốt đi bắt được Tử Nghi, chém đầu sai người đưa sang nhà Minh. Nhưng hễ đi tới đâu là hay sinh ôn dịch ở đó, làm chết hại nhiều người và súc vật, nên người Minh phải trả lại).

Thái sư Lượng quốc công sai hàng tướng của họ Mạc là Lê Bá Ly cùng với bọn Vũ Văn Mật2424 tiến quân sát đến Kinh sư. Mạc Phúc Hải chạy về Kim Thành2425 , để Mạc Kính Điển làm đô tổng soái ở lại cầm quân chống giữ.

Nhâm Tý, [Thuận Bình] năm thứ 4 [1552] , (Mạc Cảnh Lịch năm thứ 5; Minh Gia Tĩnh năm thứ 31). Thái sư Trịnh Kiểm đem quân đi đánh dẹp miền tây nam. Tướng Tây đạo thái uý đoan quốc công của họ Mạc là Nguyễn Khải Khang đem quân về hàng, đến Yên Trường2426 [11a] vua uý lạo, ban thưởng, vẫn cho giữ chức tước như cũ.

Quý Sửu, [Thuận Bình] năm thứ 5 [1553] , (Mạc Cảnh Lịch năm thứ 6; Minh Gia Tĩnh năm thứ 32). Vua dời hành tại đến Yên Trường.

Họ Mạc mở khoa thi Hội, cho bọn Nguyễn Lượng Thái, Hoàng Tuân, Trần Vĩnh Tuy đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Nghĩa Lập 5 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Công Tộc 12 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Giáp Dần, [Thuận Bình] năm thứ 6 [1554] , (Họ Mạc đổi niên hiệu Cảnh Lịch thành Quang Bảo năm thứ 1; Minh Gia Tĩnh năm thứ 33). Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm dời hành dinh đến Biện Thượng2427 . Thế quân thêm mạnh, hiền sĩ bốn phương nhiều người quy phụ.

Mở chế khoa2428 , chọn kẻ sĩ. Cho bọn Đinh Bạt Tuy 5 người đỗ đệ nhất giáp chế khoa xuất thân2429 ; bọn Chu Quang Trứ2430 8 người đỗ đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân.

[11b] Tháng 10, ngày mồng 1, lấy Kim ngô vệ chưởng vệ sự Quảng quận công Phạm Đốc làm thái bảo.

Ất Mão, [Thuận Bình] năm thứ 7 [1555] , (Mạc Quang Bảo năm thứ 2; Minh Gia Tĩnh năm thứ 34). Tháng 8, họ Mạc sai Khiêm Vương Mạc Kính Điển đem quân vào cướp Thanh Hoá; lấy Thọ quận công (không rõ tên) tiết chế quân Nam đạo, đem hơn 100 chiếc thuyền làm tiên phong, tiến đến cửa biển Thần Phù đóng dinh.

Hôm sau, Kính Điển đem quân đến hội ở sông Đại Lại2431 , sai Thọ quận công đốc suất quân bản bộ đi trước, đóng dinh ở núi Kim Sơn2432 .

Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm đại hội các tướng bàn rằng: Giặc cậy đông khinh ta, ta dùng kế mai phục đợi chúng, thế nào cũng bắt được. Bèn sai người dặn trước dân chúng hai bờ sông không được kinh động, ai nấy cứ vững yên như cũ. Lại sai [12a] trung quan là Thái uý Hùng quốc công Đình Công đốc suất bọn hàng tướng Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang, Nguyễn Thiến, Lê Khắc Thận cùng binh tướng bản bộ mai phục sẵn ở phía nam sông, trên từ núi Yên Định, dưới đến núi Quân Yên2433 . Thái sư Trịnh Kiểm đích thân đốc suất đại quân mai phục ở phía bắc sông, trên từ núi Bạch Thạch2434 , dưới đến núi Kim Sơn, lại chọn 50 con voi phục ở chân núi Kim Sơn2435 . Lại sai Quảng quận công Phạm Đốc đem thuỷ quân và chỉ huy bọn hàng tướng Nguyễn Quyện đem hơn 10 chiếc thuyền chiến chiếm cứ mạn thượng lưu từ sông Hữu Chấp đến sông Kim Bôi2436 , đi đi lại lại làm thế ỷ dốc.

Hôm sau, giờ Tỵ, thuyền giặc qua Kim Sơn, đến chợ Ông Cung2437 . Trong chiến thuyền, nghe tiếng đàn sáo ca hát, như vào chỗ không người. Gần trưa, nghe một tiếng súng nổ ở núi Quân Sơn, dọc hai bờ sông [12b] liên tiếp có bảy tiếng súng đáp lại. Thái sư Trịnh Kiểm tung quân đánh lớn, voi ở hạ lưu đã qua sông. Binh thuyền của bọn Phạm Đốc, Nguyễn Quyện đã thuận dòng mà xuống. Binh tượng hai bên bờ hăng hái tranh nhau tiến lên trước. Quân giặc quay ngược giáo, vứt bỏ áo giáp, chiến thuyền, nhảy xuống sông trốn chạy. Thọ quận công tự liệu không thể thoát được, nhảy xuống sông trốn, bị Triều quận công Vũ Sư Thước bắt sống. Quân Mạc bị bắt rất nhiều. Trói Thọ quận công trên lưng voi đem nộp ở cửa dinh cùng với mấy chục viên tướng giặc lớn nhỏ đã bắt được. Quân giặc chết nhiều, xác nghẹn cả sông, nước sông đỏ lòm. Thu được khí giới nhiều không kể xiết. Mấy vạn quân giặc chết gần hết. Kính Điển sợ vỡ mật, thu nhặt tàn quân quay về Kinh sư. Thái sư dâng biểu báo tin thắng trận, vua sai chém hết vài chục tên tướng giặc như bọn Thọ quận công ở núi Đồng Lộc.

Bính Thìn, [Thuận Bình] năm thứ 8 [1556] , (Mạc Quang Bảo năm thứ 3; Minh Gia Tĩnh năm thứ 35). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 24. Vua băng, không có con nối. Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm bàn với các đại thần rằng: Nước không thể một ngày không có vua. Liền sai người đi tìm con cháu họ Lê lập lên, tìm được cháu bốn đời của Lam quốc công Lê Trừ là Lê Duy Bang ở hương Bố Vệ2438 , huyện Đông Sơn, đón về lập làm vua. Đại xá, lấy năm sau làm năm Thiên Hựu thứ 1. Dâng tôn hiệu cho Đại Hành Hoàng Đế và Vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Trung Tông.

Lấy Thái bảo Quảng quận công Phạm Đốc làm Binh bộ thượng thư chưởng bộ sự.

Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Phạm Trấn, Đỗ Uông và Nguyễn Nghiêu Tá đỗ tiến sĩ cập đệ; [13b] bọn Phạm Viết Mậu 4 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Nhân An 7 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Anh Tông Tuấn Hoàng Đế

(Tên húy là Bang, ở ngôi 16 năm, thọ 42 tuổi)

Phụ: Họ Mạc (Phúc Nguyên 5 năm, Mậu Hợp 11 năm)

Vua là dòng dõi đế thất, nhờ huân thần tôn lập, mưu cuộc trung hưng, thực là mệnh trời trao cho vậy. Song sự nghiệp chưa xong một nửa, lòng nghi hoặc dần nảy sinh, chỉ tin lời gièm pha mà xiêu giạt ra ngoài. Thương thay!

Trước kia, anh thứ hai của Thái Tổ là Trừ (tặng Lam quốc công, nay tôn phong là Hoằng Dụ Vương). Trừ sinh ra Khang (tặng Quỳ quốc công, nay tôn phong là Hiển Công Vương). Khang sinh ra Thọ (nay tôn phong là Quang Nghiệp Vương), Thọ sinh Duy Thiệu (nay tôn phong là Trang Giản Vương), Duy Thiệu sinh Duy Khoáng (nay tôn phong là Hiếu Tông Nhân Hoàng Đế), Duy Khoáng lấy vợ người hương Bố Vệ, huyện Động Sơn, sinh ra vua. Bấy giờ, Trung Tông băng, không có con nối, Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm và các đại thần đón lập lên.

[14a] Đinh Tỵ, [Thiên Hựu] năm thứ 1 [1557] , (Mạc Quang Bảo năm thứ 4; Minh Gia Tĩnh năm thứ 36). Họ Mạc lấy Khiêm Vương Kính Điển kiêm chức Tông nhân phủ Tông nhân lệnh.

Tháng 7, họ Mạc sai Kính Điển đem quân xâm phạm Thanh Hoa, đến sông Thần Phù và vùng Tống Sơn2439 , Nga Sơn2440 , đốt phá cầu phao. Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm sai Thanh quận công2441 giữ Nga Sơn, Thuỵ quận công Hà Thọ Tường giữ Tống Sơn, ai nấy đều đem tinh binh đi chống giữ, quân Mạc không tiến lên được. Thái sư đích thân chỉ huy binh tượng, ngầm tiến đến chân núi Yên Mô2442 thẳng tới cửa biển, gặp giặc, tung quân ra đánh, lại đánh úp phía sau, tiếng súng liên hồi, trên dưới đánh kẹp vào. Thái sư sai người huyện Hoằng Hoá là Vũ Lăng hầu lao thuyền xông vào đánh, gặp thuyền Mạc Kinh Điển, Vũ Lăng hầu tung người nhảy qua, vung gươm chém người cầm dù đứt làm hai đoạn rớt [13b] xuống sông. Kinh Điển trở tay không kịp, nhảy xuống sông trốn thoát. Quân Mạc đại bại, bỏ thuyền chạy trốn vào núi rừng. Kính Điển chỉ thoát được thân, vào hang núi ẩn náu 3 ngày, đói quá, ban đêm thấy cây chuối trôi qua cửa hang, liền ôm chuối trôi theo dòng để tìm đường về. Vài ngày sau, đến sông Yên Mô, gặp người đánh cá ở xã Trà Tu2443 cứu thoát. Đến khi về, Kính Điển bảo cử người ấy làm Phù Nghĩa hầu.

Tháng 7 nhuận, lấy Thái bảo Quảng quận công Phạm Đốc làm thái phó.

Tháng 8, Thái sư sai Phạm Đốc đi cứu Nghệ An2444 . Bấy giờ họ Mạc nghe tin Thái sư thừa thắng tiến đánh, bèn trốn về Kinh.

Năm này, hàng tướng Mạc là Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến chết. Con của Thiến là bọn Nguyễn Quyện, Nguyễn Phủ [15a] lại trốn về với họ Mạc. Họ Mạc phong Quyện làm Văn Phái hầu, Phủ làm Phù Hưng hầu, đem con gái tông thất gả cho.

Tháng 9, Thái sư Trịnh Kiểm đem 5 vạn quân thuỷ bộ đánh ra miền giữa Sơn Nam. Đến sông Phụng Xí2445 bắc cầu phao qua sông, phá tan quân Mạc, bắt sống tướng Mạc là Khánh quốc công trên thuyền, quân Mạc tan vỡ. Thái sư Trịnh Kiểm để Khánh quốc công trên voi, sai đi theo quân để hiến kế. Sau Khánh quốc công mưu phản, việc tiết lộ, bị giết.

Quan quân đánh dẹp huyện Giao Thuỷ ở mạn dưới Sơn Nam. Thái sư Trịnh Kiểm tự mình chỉ huy bộ binh, sai bọn Phạm Đốc chỉ huy thuỷ quân, lấy Vũ Lăng hầu làm Tiền Thuỷ đội2446 , tung quân đánh lớn.

Họ Mạc sai Nguyễn Quyện chống giữ ở sông Giao Thuỷ. Quyện và Vũ Lăng hầu đánh nhau to. Vũ Lăng hầu [15b] rướn mình nhảy sang mui thuyền của Quyện trước. Quyện cầm gươm chém, Vũ Lăng hầu nhảy xuống sông lặn đi. Quyện vội nhảy sang thuyền của Vũ Lăng hầu, chém được đầu của người cầm dù rồi hô lớn: "Đầu Vũ Lăng hầu đây, lũ chúng mày địch sao nổi ta". Các quân nghe nói thế, không kịp ngoảnh lại nhìn, nhảy cả xuống sông. Toàn quân tan vỡ, bỏ thuyền nhảy lên bờ tháo chạy. Quân Mạc thừa thắng đuổi đánh. Nhân dân các huyện đều hưởng ứng theo. Thái sư kíp bàn rút quân. Họ Mạc sai tướng đem quân chặn lối về, quân sĩ phần lớn bị hại, chiến tướng bị giết đến vài chục viên, thuyền bè, khí giới phải vứt bỏ hết, sĩ tốt chạy thoát được còn độ một nửa.

Tháng 10, Thái sư đem quân về Thanh Hoa, sai ác tướng vỗ nuôi quân lính, chế tạo chiến khí, sai tuyển tráng đinh biên chế vào quân ngũ cho đủ số quân để lại mưu đánh lần sau.

[16a] Mưa to kéo dài hàng tháng không tạnh. Ở Thanh Hoa, Nghệ An lúa đồng phần lớn bị ngập nước, mùa màng bị mất, do vậy vua xuống chiếu đổi năm sau thành năm Chính Trị2447 thứ nhất.

Mậu Ngọ, [Chính Trị] năm thứ 1 [1558] , (Mạc Quang Bảo năm thứ 5; Minh Gia Tĩnh năm thứ 37). Thái sư thân đốc đại quân lại ra miền giữa trấn Sơn Nam, lừa đánh lúc giặc bất ngờ, bắt sống tướng Mạc là Anh Nhuệ hầu đưa về hành tại Yên Trường, sai đem chém.

Năm này, lập trường thi Hương ở xã Đa Lộc, huyện Yên Định.

Tháng 8, ngày Mậu Ngọ 14, Thái phó Quảng quận công Phạm Đốc chết2448 , thọ 46 tuổi. Được truy tặng Đặc tiến khai phủ thái uý Tĩnh quốc công, thuỵ là Trung Nghị.

Tháng 9, Thái sư Trịnh Kiểm thân đốc đại binh lại ra miền trên trấn Sơn Nam chiếm đất rồi [16b] trở về, để hàng tướng Nguyễn Khải Khang ở lại trấn thủ để chiêu tập dân chúng. Sau họ Mạc dùng mưu sai người địa phương trá hàng để dụ. Khải Khang lại phản bội, quay về với họ Mạc. Họ Mạc dùng xe xé xác Khang.

Tháng 10, Thái sư Trịnh Kiểm vào chầu, dâng biểu tâi xin sai con thứ của Chiêu Huân Tĩnh công2449 là Đoan quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hoá để phòng giặc phía đông2450 cùng với Trấn quận công (không rõ tên) ở Quảng Nam cứu viện cho nhau2451 . Mọi việc của xứ này, không cứ lớn hay nhỏ, và các ngạch thuế đều giao cả cho, hàng năm đến kỳ hạn thì thu nộp.

Kỷ Mùi, [Chính Trị] năm thứ 2 [1559] , (Mạc Quang Bảo năm thứ 6; Minh Gia Tĩnh năm thứ 38). Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Đặng Thì Thố đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Đạt Thiệu 4 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Thầm 14 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

[17a] Bấy giờ quân Mạc bị thua luôn, Phúc Nguyên hoang mang lo sợ, bỏ thành Thăng Long dời ra ở ngoài cửa Nam.

Tháng 3, Thái sư Trịnh Kiểm sai Hộ bộ đạc chi Văn Toàn tử Lê Trọng Nguyên đi khám đo ruộng đất công và tư ở Thanh Hoa để định ngạch thuế.

Tháng 8, ở Thanh Hoa, Nghệ An, nước lũ tràn ngập, đê điều, đường sá bị vỡ lỡ, trôi mất vài trăm nhà. Trong thành Tây Đô do vậy bị ngập, kho tàng phần nhiều ngập nước, nhân dân đói kém.

Tháng 9, Thái sư bảo cử viên tướng cùng họ là Phong quận công Trịnh Quang2452 trông coi ngự bình, Phù quận công Lê Chủng làm tổng trấn đạo Thanh Hoa, trấn giữ binh dân, bọn Triều quận công Vũ Sư Thước, An quận công Lại Thế Khanh2453 cùng đem tinh binh trấn giữ cửa biển để phòng chống giặc. Thái sư chỉ huy hơn 6 vạn đại quân, nói phao là 12 vạn, đích thân đi đánh [17b] miền bắc để mưu việc khôi phục. Đại quân từ Thiên Quang2454 ra miền thượng lộ Sơn Tây2455 . Quân đi đến đâu, không mảy may xâm phạm của dân, dân chúng đều thuận lòng hàng phục, yên ổn như xưa, mọi người tranh nhau đem rượu thịt lúa gạo cấp cho quân. Khi đến Tuyên Quang, Hưng Hoá, tướng Tây đạo là Định quận công2456 đem quân đến hội. Lại bàn tiến quân, vượt sông2457 đánh chiếm các xứ Thái Nguyên, Lạng Sơn, Kinh Bắc. Viên thổ tướng Gia quận công2458 cũng quy thuận triều đình, nguyện xin cấp quân đánh giặc. Lại sai Định quận công trấn giữ An Tây và Đại Đồng2459 để củng cố cõi phiên trấn và mở đường từ Thiên Quang nối liền với Hưng Hoá, Tuyên Quang, thông đến Kinh Bắc để vận tải lương thực cung cấp cho quân.

Tháng 10, Thái sư Trịnh Kiểm thống lĩnh binh tướng đi đánh dẹp các xứ Kinh Bắc, đóng dinh ở [18a] phủ Thuận An2460 , cầm cự với quân Mạc, sau lại dời đến đóng ở núi Tiên Du2461 .

Tháng 11, Thái sư Trịnh Kiểm chia quân đi đánh các phủ Khoái Châu, Hồng Châu2462 các huyện Siêu Loại, Văn Giang2463 quân đi đến đâu, giặc đều vỡ chạy.

Tháng 12, Thái sư Trịnh Kiểm lại chia quân tiến đánh các phủ Khoái Châu, Hồng Châu, Nam Sách2464 quân Mạc nghe tin đều bỏ chạy.

Canh Thân, [Chính Trị] năm thứ 3 [1560] , (Mạc Quang Bảo năm thứ 7; Minh Gia Tĩnh năm thứ 39). Tháng giêng, Thái sư Trịnh Kiểm sai các tướng đem quân đi đánh phá các phủ Hồng Châu, Khoái Châu, Tiên Hưng2465 , đánh đâu được đấy.

Năm này được mùa lớn. Hạ lệnh cho dân địa phương đã quy thuận ở các huyện thuộc trấn Kinh Bắc nộp lúa để cung cấp cho quân lính.

Tháng 2, Mạc Phúc Nguyên sai tướng đem quân giữ thành Thăng Long, bên ngoài đóng đồn một dải từ dọc [18b] sông về phía tây, trên từ Bạch Hạc, dưới đến Nam Xang2466 , dinh trại liền nhau, thuyền ghe san sát, ban ngày thì phất cờ dóng trống báo nhau, ban đêm thì đốt lửa làm hiệu cho nhau để chống giữ với quan quân. Thái sư Trịnh Kiểm bàn chia quân cho các tướng đi đánh các huyện Đông Triều, Giáp Sơn2467 , Chí Linh, An Dương ở miền đông, đều lấy được cả. Họ Mạc bèn dời ra ở huyện Thanh Đàm.

Tháng 3, Thái sư Trịnh Kiểm sai bọn Vinh quận công Hoàng Đình Ái đem quân trấn giữ Lạng Sơn. Vị quận công Lê Khắc Thận trấn giữ Thái Nguyên, Gia quận công2468 trấn giữ Tuyên Quang. Quân đóng liền nhau để cứu viện cho nhau, ngày đêm tiến công các phủ huyện Phú Bình, Văn Lan2469 . Lại sai Định quận công trấn giữ Hưng Hoá, chiêu tập vỗ yên cư dân mười châu An Tây, tư cấp binh lương. Từ Thiên Quang đến Kinh Bắc đường liền không dứt.

[19a] Tháng 4, Thái sư Trịnh Kiểm đóng quân ở phía nam núi Lãm Sơn2470 . Bấy giờ, quan quân cầm cự nhau với tướng Mạc liền năm không dứt. Thái sư Trịnh Kiểm lại chia quân đi đánh phá các vùng Thanh Miện, Gia Phúc2471 , Hồng Châu, Khoái Châu. Các huyện ở Hải Dương do vậy mà chấn động.

Tân Dậu, [Chính Trị] năm thứ 4 [1561] , (Mạc Quang Bảo năm thứ 8; Minh Gia Tĩnh năm thứ 40). Tháng 3, họ Mạc sai tướng đem quân đến Kinh Bắc chống nhau với Thái sư Trịnh Kiểm; rồi ngầm sai Mạc Kính Điển đem quân vào đánh cướp Thanh Hoa, đến tận các cửa biển. Bấy giờ, các tướng trấn giữ là Triều quận công Vũ Sư Thước và An quận công Lại Thế Khanh đều bỏ dinh trại rút về; Phù quận công Lê Chủng thì quân vỡ, tháo chạy, đem quân chạy vào sách Vạn Lại, cửa Yên Trường. Gia thuộc của Thái sư và vợ con của các tướng chạy vào sách Thuỷ Đả2472 để lánh nạn. Thế giặc hung hăng, dân chúng phần nhiều phải lưu tán.

[19b] Tháng 9, quân Mạc đánh vào cửa Yên Trường, đến sách Vạn Lại, sắp lấy được kho công. Bọn Vũ Sư Thước, Lại Thế Khanh hợp sức cố đánh, tung quân mai phục đánh thắng liền mấy trận, chém được hơn trăm thủ cấp giặc. Quân Mạc tan vỡ tháo chạy. Quan quân thừa thắng đuổi theo. Mạc Kính Điển phải rút quân về Kinh. Thái sư Trịnh Kiểm liền đem quân về Thanh Hoa, lạy chào vua ở hành tại Yên Trường, cáo thắng trận xong, đóng quân ở Cao Mật, phía nam thành Tây Đô, thưởng chiến công đánh giặc.

Phù quận công Lê Chủng chết.

Tháng 12, Mạc Phúc Nguyên chết, con là Mậu Hợp lên ngôi, đổi niên hiệu là Thuần Phúc.

Nhâm Tuất, [Chính Trị] năm thứ 5 [1562] , (Mạc Thuần Phúc năm thứ 1; Minh Gia Tĩnh năm thứ 41). Tháng giêng, Mạc Mậu Hợp tuổi còn nhỏ lên nối ngôi, lấy Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng làm nhập nội phụ chính ẵm Mậu Hợp ra coi chầu, tôn ông chú là [20a] Khiêm Vương Kính Điển là Khiêm Đại Vương, Hoa quận công (không rõ tên) là chưởng Triều Đông vệ, Phò mã đô uý Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn làm chưởng Phù Tây vệ, Thạch quận công Nguyễn Quyện là chưởng Phù Nam vệ, Phò mã tông chính thái bảo Ninh quận công (không rõ tên) là chưởng An Bắc vệ. Ngoài ra, từng người đều được phong chức tước để hiệp lực phò tá nhà Mạc.

Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Phạm Duy Quyết, Trương Lỗ, Ngô Khiêm đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Vũ Văn Thiện 5 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Vĩnh Miện 10 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 2, vua sai Lộc quận công đem quân đánh dẹp mười châu2473 , sau Nhân Khê hầu cùng đi để chiêu tập, phủ dụ dân chúng.

[20b] Tháng 8, vua lập trường thi Hương ở cửa nam thành Tây Đô.

Tháng 9, Thái sư thân hành đốc suất đại quân đi đánh dẹp lộ Sơn Nam2474 , sai thế tử2475 cùng đi. Quân đến vùng Thanh Trì, Thượng Phúc, sai lập đại dinh ở huyện Sơn Minh2476 , hạ lệnh thu thóc lúa chứa để làm kế lâu dài.

Tháng nay, Hùng quốc công Đinh Công chết, cho hậu táng. Công là người Quảng Bình2477 .

Tháng 10, Mạc Mậu Hợp ngờ Thái bảo Văn quốc công Phạm Dao có lòng khác, sai giết.

Tháng 11, thái sư rút quân về Thanh Hoa, sai Nghĩa quận công Đặng Huấn giữ dinh. Huấn làm phản về với họ Mạc. (Đặng Huấn người làng Lương Xá, huyện Chương Đức2478 ).

Giáp Tý, [Chính Trị] năm thứ 7 [1564] , (Mạc Thuần Phúc năm thứ 3; Minh Gia Tĩnh năm thứ 43). Bấy giờ, con trưởng của Mạc Kính Điển là Đoan Hùng Vương Kính Chỉ [21a] ngầm tư thông với vợ lẽ của Kính Điển. Việc bị phát giác, Kính Chỉ phải giáng làm thứ nhân. Lấy con thứ của Kính Phu làm Đường An Vương và trao cho binh quyền. Đến khi Kính Điển chết, họ Mạc lại lấy Kính Chỉ làm Hùng Lễ công nhưng không trao binh quyền.

Bấy giờ Sạ Đẩu nước Ai Lao sai bề tôi sang cống phẩm vật địa phương và 4 con voi đực. Vua sai Thái sư đem con gái nuôi gả cho Sạ Đẩu để kết hoà hảo với nước láng giềng.

Tháng 9, Thái sư đốc suất đại quân đi đánh dẹp miền giữa lộ Sơn Nam, đánh phá các huyện ở phủ Trường Yên2479 . Khi đến cửa Chu Tước đóng quân thì Nghĩa quận công Đặng Huấn lại đem quân bản bộ đến cửa dinh quân xin chịu tội. Thái sư Trịnh Kiểm tha tội, cho giữ tước cũ, lại sai Huấn ra miền Hoài An, Sơn Minh2480 để mưu việc tiến đánh.

[21b] Tháng 10, Thái sư Trịnh Kiểm sai Xá nhân ty Hoa Dương hầu đốc thúc dân chúng đã đầu hàng ở các phủ Trường Yên, Thiên Quan2481 sửa đắp đê điều, mở rộng đường xá, từ Phố Cát2482 thẳng đến Bình Lương2483 , thông đến Hoài An, Sơn Minh để vận chuyển lương thực, đi lại thông suốt. Từ đấy, lộ Sơn

Nam, từ sông Cái về phía tây, đất đai và nhân dân các huyện đều thuộc về triều đình, quân thanh lừng lẫy, đánh đâu được đấy.

Tháng 12, Thái sư đem quân về Thanh Hoa.

Ất Sửu, [Chính Trị] năm thứ 8 [1565] , (Mạc Thuần Phúc năm thứ 4; Minh Gia Tĩnh năm thứ 44). Đặt chế khoa chọn kẻ sĩ. Cho bọn Lê Khiêm 4 người đỗ đệ nhất giáp chế khoa xuất thân; bọn Lê Nghĩa Trạch 6 người đỗ đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân.

[22a] Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Phạm Quang Tiến đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Phạm Hoành Tài 3 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Lại Mẫn 12 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 4, thái sư đốc quân đánh ra miền giữa lộ Sơn Nam, Thế tử Trịnh Cối, Trịnh Tùng cùng đi theo. Quân đến phủ Trường Yên, đánh phá các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khang.

Tháng 9, Thái sư mưu chia quân sai bọn Vũ Sư Thước, Lại Thế Khanh trấn giữ các cửa biển để phòng sự bất ngờ. Lại sai cháu gọi bằng cậu là Văn Uyên hầu giữ vững doanh trại, cùng trấn giữ cư dân với bọn Sư Thước, tự mình đốc suất đại quân đánh dẹp các huyện ở Sơn Nam. Quân đi tới đâu, đều lấy được đấy. Mạc Mậu Hợp thấy quan quân đánh gấp quá, hỏi mưu kế đánh lui. Mạc Kính Điển trả lời: Quân họ tinh nhuệ, khó [22b] tranh với họ, sợ địch không nổi. Trịnh Kiểm thân đốc đại quân đến đây đánh dẹp lô Sơn Nam, chưa dễ đã qua được sông. Thanh Hoa là đất căn bản của họ, nay đã suy yếu, dẫu có để quân ở lại chia giữ đất ấy, chẳng qua cũng chỉ là một hai tướng mà thôi. Thần xin sai vài viên đại tướng đem quân đi giao chiến với họ để kìm giữ thế quân của họ, rồi chia mấy vạn quân cho thần ngày đêm thẳng tiến. Tới nơi, sẽ tung kỳ binh ra để bắt tướng họ. Đó là phép tất thắng, là kế bỏ chỗ chắc, đánh chổ hở, bất ngờ đánh vào chỗ giặc không phòng bị. Đó là ước nguyện của thần. Mậu Hợp nghe theo.

Tháng 11, Kính Điển tiến quân đánh Thanh Hoa, vượt biển, vào cửa Linh Trường2484 , đánh phá các huyện Thuần Hựu2485 , Hoằng Hoá, lấn cướp cư dân. Bọn Sư Thước sai người cáo cấp với Thái sư. Thái sư bèn sai [23a] Lộc quận công đem quân về cứu Thanh Hoa. Về tới hành dinh, cũng bàn mưu với bọn Sư Thước, Thế Khanh hợp quân tiến đánh, giao chiến với quân Mạc ở Du Trường2486 . Quân Mạc phục sẵn ở chỗ hiểm yếu, cho kỳ binh ra khiêu chiến, rồi giả cách thua chạy. Bọn Sư Thước đem binh tượng đuổi theo, dấn sâu vào đất hiểm. Kính Điển liền tung phục binh ra, bốn mặt cùng nổi dậy, đánh kẹp lại vây thành mấy lớp. Bọn Sư Thước, Thế Khanh tự liệu quân ít không địch nổi nhiều, liền đột phá lớp vòng vây, cố sức đánh thoát chạy vào rừng núi. Lộc quận công đánh một mình bị quân Mạc đâm chết trên lưng voi. Quan quân chết đến hàng nghìn. Tướng Mạc định mưu tiến đánh, nhưng nghe tin Thái sư đã rút quân về đến Thạch Thành, Kính Điển bèn đem quân về.

Tháng 12, truy phong Lộc quận công làm Nghiêm quốc công, vì giữ trọn tiết với việc vua.

[23b] Bính Dần, [Chính Trị] năm thứ 9 [1566] , (Mạc Thuần Phúc năm thứ 5; Minh Gia Tĩnh năm thứ 45). Mùa xuân, tháng giêng, vua Minh băng, Thái tử Cứ lên ngôi, tức là Văn Tông, đổi niên hiệu là Long Khánh.

Họ Mạc đổi niên hiệu là Sùng Khang năm thứ 1, dời ra ở quán Bồ Đề.

Ngày 25, họ Mạc sai bọn Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Kế Khê bá Giáp Hải và Đông các hiệu thư Phạm Duy Quyết lên đầu địa giới Lạng Sơn đón tiếp sứ thần Lê Quang Bí về nước. Quang Bí phụng mệnh đi sứ năm Gia Tĩnh thứ 27, bị nhà Minh giữ lại 18 năm, đến nay trở về.

[24a] Đinh Mão, [Chính Trị] năm thứ 10 [1567] . (Mạc Sùng Khang năm thứ 2; Minh Long Khánh năm thứ 1). Bấy giờ, Thái sư đang ốm, ngồi kiệu đi đánh dẹp vùng tây nam, nhiều lần thắng trận, quân sĩ càng thêm tinh nhuệ. Quân Mạc thường đánh không được, mới thu quân không ra nữa.

Lấy Lại bộ thượng thư kiêm Ngự sử đài đô ngự sử Trương Quốc Hoa làm Thiếu phó Văn Khê Hầu.

Mậu Thìn, [Chính Trị] năm thứ 11 [1568] , (Mạc Sùng Khang năm thứ 3, Minh Long Khánh năm thứ 2). Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Vũ Hữu Chính đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Đỗ An 4 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Giáp Phong 12 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Bấy giờ bọn Thanh hình hiến sát sứ Hoàng Chấn và Hiến sát phó sứ Nguyễn Hà ở Quảng Nam [24b] dâng biểu tạ ơn nói: "Kính vâng thánh dụ ban khen vì đã dốc lòng trung thành, vỗ yên biên giới. Nay bọn thần thiết nghĩ mình là thư sinh, dựa vào uy đức của triều đình mới có thể làm nên việc, mà được ban ân huệ e không xứng đáng, dám xin trình bày rườm rà lên trên".

Tháng 3, viên thổ quan Quảng Nam là Trấn quận công2487 chết. Thái sư Trịnh Kiểm lấy người Nghệ An là Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh2488 làm tổng dinh, giữ đất ấy.

Mùa hạ, tháng 4, Thái sư đương ốm, cố gượng ra trận, đánh phá các huyện Yên Mô, Yên Khang, Phụng Hoá, Gia Viễn, hạ lệnh thu thóc lúa rồi về.

Kỷ Tỵ, [Chính Trị] năm thứ 12 [1569] , (Mạc Sùng Khang năm thứ 4; Minh Long Khánh năm thứ 3). Tháng 2, vua gia phong Thái sư Lương quốc công Trịnh Kiểm làm Thượng tướng Thái quốc công, tôn làm thượng phụ2489 .

[25a] Mùa hạ, tháng 4, em vua là Lê Duy Hàn ngầm có chí khác, lẻn vào trong cung lấy trộm ấn báu, bị bắt, lại được tha. Sau Hàn lại phạm pháp giết người, sai giao xuống nghị tội. Vua nói với Thượng tướng rằng: "Kẻ ít tuổi này may nhờ thượng phụ và các quan văn võ cùng tôn làm quân trưởng, vẫn muốn hữu ái từ người ruột thịt đến nhà, đến nước, cho đến cả thiên hạ, cùng hưởng an toàn. Nay Duy Hàn với ta, cùng sinh một bọc, cha mẹ đều mất, dạy bảo không nghe, vẫn thường vụng trộm làm trò nhơ bẩn, nào ngờ bẩm tính ngoan ngu, lại còn phạm pháp, vô cớ giết người, đáng phải giam lại". Đến ngày 25 tháng 7, bọn Thiếu phó Văn Khê hầu Lương Quốc Hoa vâng thánh chỉ, bẩm xin ý kiến của Thượng tướng, dựa theo luật pháp xử tội, thích vào mặt 6 chữ, phế làm thứ nhân, giao cho Hình bộ tuân hành.

[25b] Mùa thu, tháng 9, trấn thủ Thuận Hoá là Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào chầu, lạy chào ở hành tại; lại đến phủ thượng tướng2490 lạy mừng, giãi bày tình cảm anh em2491 , rất thương yêu quý mến nhau. Bấy giờ có viên phó tướng trung cơ là Bút Xuyên hầu thấy thượng tướng bị ốm, ngầm chứa mưu gian, việc bị phát giác, bỏ trốn, nhưng bị đuổi theo bắt về. Thượng tướng định tha tội, Hoàng cố can, mới giết.

Trước kia, Chiêu Huân Tĩnh công Nguyễn Kim biết Thượng tướng tài lược hơn người, yêu quý như con, đem con gái thứ là Ngọc Bảo gả cho. Ngọc Bảo là chị ruột của Hoàng. Đến khi Kim chết, vua trao cho Thượng tướng trông coi việc nước, nên sai Hoàng làm trấn thủ Thuận Hoá, thu nộp tô thuế để chi dùng vào việc nước. Đến đây vào chầu. Ngọc Bảo sinh con là Trịnh Tùng, tài đức hơn người, anh hùng nhất đời, có thể nối được chí cha, giúp nên nghiệp đế. Công trung hưng của triều Lê [26a] thực dựng nền từ đấy.

Mùa đông, tháng 10, ngày Giáp Tý, ban đêm động đất, núi lở, cây cỏ chết khô. Thượng tướng tự biết mình bệnh nặng, liền dâng biểu xin thôi giữ binh quyền, lời lẽ rất khẩn thiết. Vua nói: "Trẫm hãy tạm theo lời xin. Đặc cách sai con trưởng của Thượng tướng là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối đốc lĩnh các dinh

quân thuỷ bộ, con thứ là Phú Lương hầu Trịnh Tùng cùng bọn tướng tá đều phải theo mà đánh giặc để yên thiên hạ, cho thoả lòng mong đợi của trẫm".

Tháng 11, có sao băng dài 5 trượng sa xuống đất, tiếng kêu như sét đánh.

Họ Mạc lấy Bắc quân đô đốc phủ tả đô đốc thự phủ sự Lâm quận công làm Binh bộ thượng thư chưởng bộ sự.

[26b] Canh Ngọ, [Chính Trị] năm thứ 13 [1570] , (Mạc Sùng Khang năm thứ 5; Minh Long Khánh năm thứ 4). Tháng giêng, Thượng tướng dâng biểu tâu vua cho Nguyễn Hoàng đi các xứ Thuận Hoá và Quảng Nam, thống suất binh tượng, thuyền bè, và trấn phủ dân địa phương để cõi phiên trấn được vững mạnh. Thượng tướng khuyên răn Hoàng rằng: "Nhà nước trao cho khanh chức nhiệm nặng nề này, khanh nên trước sau một tiết, dốc hết tâm sức như xưa để phò tá nhà vua". Hoàng cảm tạ vâng mệnh đến trấn.

Gọi Tổng binh Quảng Nam là Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh về.

Tháng 2, ngày 18, Thượng tướng Thái quốc công Trịnh Kiểm ốm nặng, ngày hôm ấy mất. Truy tôn là Minh Khang Thái Vương, thuỵ là Trung Huân. Có chiếu cho con trưởng là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối thay lĩnh binh quyền, cầm quân đánh giặc. Bấy giờ Cối buông thả mình trong tửu sắc, ngày càng rông rỡ kiêu ngạo, không [27a] thương gì đến quân lính. Do đó, các tướng hiệu đều có ý lìa bỏ, kẻ giúp đỡ ngày một ít đi, lòng người thay đổi, ai cũng nghĩ đến chuyện sinh biến, mầm hoạ đã thành.

Tháng 4, ngày mồng 2, Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu2492 , Vệ Dương hầu Trịnh Bách cùng bọn Lương quận công, Phổ quận công và Lai quận công Phan Công Tích2493 đang đêm đem con em và binh lính tới chỗ Phúc Lương hầu Trịnh Tùng bàn định kế sách, ép Tùng phải hành động. Tùng bất đắc dĩ phải cùng với bọn Cập Đệ, Vĩnh Thiệu thu thập binh tướng, đang đêm chạy về hành tại Yên Trường.

Hôm sau, đến dinh Kim Thành, ép Nghĩa quận công Đặng Huấn cùng đi đến cửa khuyết vào bái yết vua. Bọn Tùng khóc nói rằng:

"Anh thần là Cối say đắm tửu sắc, mất lòng mọi người, sớm muộn thế nào cũng sinh loạn, lại đêm ngày mưu đoạt binh tượng và ấn báu của thần, nên bọn thần [27b] phải nửa đêm trốn vào cửa khuyết, đau xót báo tin, xin thánh thượng thương tình thu nạp!"

Vua nói: "Khi thượng phụ còn sống không đến nỗi thế, làm thế nào bây giờ?"

Phúc Lương hầu cùng bọn Cập Đệ, Vĩnh Thiệu, Bách mật tâu vua dời hành tại vào trong cửa ải Vạn Lai, chia quân chiếm giữ cửa luỹ để phòng bị quân bên ngoài.

Hôm sau, Trịnh Cối tự mình đốc suất bọn Phúc quận công Lại Thế Mỹ2494 , An quận công Lại Thế Khanh, Lâm quận công Nguyễn Sư Doãn, Thạch quận công Vương Trân, Vị quận công Lê Khắc Thận, Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu2495 , Hùng Trà hầu Phạm Văn Khoái2496 , Hoành quận công (không rõ tên), và hơn 1 vạn quân, đuổi đến ngoài cửa quan, đóng dinh ở đấy. Cối đóng quân vài ngày, các tướng ở trong cửa ải cũng đóng cửa giữ không ra. Hai bên sai người đưa thư qua lại, bên này nói xấu bên kia, lời lẽ rất ngạo mạn.

Ngày mồng 7, vua sai sứ ra chiêu dụ các tướng ở ngoài cửa quan, bảo họ giảng hoà. [28a] Bọn Lại Thế Khanh nói: "Không ngờ ngày nay bọn chúng ta thành ra ở dưới người khác", rồi không chịu hoà, nói là đem quân đánh vào cửa khuyết, rồi bày chiến trận.

Lại Thế Mỹ dùng giáo trỏ vào cửa quan: "Bao giờ bắt được người ở trong cửa quan thì việc mới hoà được".

Vua biết ý không hoà giải được, bèn sai các tướng đốc quân chống lại, suốt ngày đêm không nghỉ.

Cối thấy đánh mãi không được, trong lòng ngần ngại, tự lui quân về Biện Dinh, hội các tướng tá dưới quyền và nói: "Trong cửa quan có quân2497 , ngoài cõi có giặc2498 , ta ở quãng giữa, nếu có tai biến khẩn cấp thì khó mà chống đỡ được". Bèn hạ lệnh chia quân chiếm giữ những nơi xung yếu, Vũ Sư Thước thì giữ cửa biển Linh Trường và Hội Triều2499 , Lại Thế Khanh giữ cửa biển Chi Long2500 và Thần Phù, Nguyễn Sư Doãn giữ cửa biển Du Xuyên2501 và Ngọc Giáp2502 đề phòng quân Mạc vào đánh. Bọn Lại Thế Mỹ, Lê Khắc Thân, [28b] Nguyễn Hữu Liêu, Phạm Văn Khoái chỉnh đốn binh tượng, thuyền bè, khí giới, ngày đêm đóng đồn dọc bờ sông đề phòng các tướng trong cửa quan xông ra đánh. Lại sai Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh trấn thủ Nghệ An để vỗ yên dân miền ấy.

Tháng 8, người châu Bố Chính là Lập quận công (không rõ tên)2503 thấy Thái vương mất và Tuấn Đức hầu Trịnh Cối anh em bất hoà, Thanh Hoa rối loạn, mới dẫn con em đầu hàng họ Mạc. Họ Mạc ban tước Tiên quận công, sai đem quân đi trước dẫn đường.

Ngày 16, họ Mạc sai Kính Điển đốc suất các thân vương và tướng tá, đem hơn 10 vạn quân, 700 chiếc thuyền chiến, đánh cướp Thanh Hoa. Khi đến cõi, liền chia quân sai Đôn Nhượng2504 cùng với tướng Bắc đạo là Gia quận công Mạc Đình Khoa và phó tướng là Mậu quận công (không rõ tên) đem quân giữ [29a] cửa biển Thần Phù. Sau khi đã tiến vào, chia sai tướng bản đạo là Hoằng quận công (không rõ tên) làm đội thứ nhất đi tiên phong, tướng Nam đạo là Thạch quận công Nguyễn Quyện làm đội thứ 2, tướng Tây đạo là Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn làm đội thứ 3, tướng Đông đạo là Hoa quận công và Kỳ quận công (đều không rõ tên) làm đội thứ 4, Kính Điển từ đốc đại quân trung dinh làm đội thứ 5, các thân vương tông thất họ Mạc thống đốc quân của vệ Triều Đông và các nội vệ làm đội thứ 6, ngay hôm ấy, cùng tiến vào các cửa biển Linh Trường, Chi Long, Hội Triều, hội quân ở Bút Cương2505 . Đến Hà Trung, đóng dinh ven sông. Hai bên bờ khói lửa mù mịt che khuất đến 10 dặm.

Trịnh Cối tự liệu không chống nổi, thế quân ngày càng cô lập, liền đem bọn Lại Thế Mỹ, Vũ Sư Doãn, Trương Quốc Hoa và vợ con đón hàng họ Mạc. Kinh Điển tiếp nhận, phong cho Cối [29b] tước Trung Lương hầu, lấy Lại Thế Mỹ làm Khánh quận công, Nguyễn Sư Doãn làm Lý quận công, Vương Trân làm Sơn quận công, sai các tướng này dẫn quân bản bộ tiến trước. Duy có Vũ Sư Thước2506 định bỏ doanh trại vào cửa quan Yên Trường theo vua, nhưng quân lính muốn hàng họ Mạc, không chịu theo. Sư Thước bất đắc dĩ phải về theo họ Mạc với mọi người, họ Mạc ban tước là Thuỷ quận công. Lại Thế Mỹ bỏ dinh

đem quân trốn vào Vĩnh Ninh2507 quan huyện Cẩm Thuỷ, vào cửa quan Yên Trường. Bấy giờ Hoàng Đình Ái đóng quân ở sông Kim Bôi, đem quân bản bộ dời đến giữ sách Đa Nẫm, rồi dẫn Lê Khắc Thận, Nguyễn Hữu Liên và Hùng Trà hầu cùng đem quân vào cửa quan Yên Trường hội quân. Hoành quận công tự đem quân bản bộ về Nghệ An cùng với Nguyễn Bá Quýnh chia giữ đất ấy.

Ngày 20, vua sắc phong Trịnh Tùng làm trưởng quận công, tiết chế [30a] các dinh thuỷ bộ, cầm quân đánh giặc. Hôm ấy, Tiết chế Trịnh Tùng hội các tướng, mở tiệc uý lạo quân sĩ. Võ tướng Vinh quận công Hoàng Đình Ái, Tấn quận công Trịnh Mô2508 , Lương quận công (chưa rõ tên), Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Vệ Dương hầu Trịnh Bách, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Nghĩa quận công Đặng Huấn, Lai quận công Phan Công Tích, Vị quận công Lê Khắc Thận, Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu, Hùng Trà hầu Phạm Văn Khoái, Tây Hưng hầu Hà Thọ Lộc cùng 30 viên tướng hiệu, văn thần là bọn Lại bộ thượng thư Từ quận công Nguyễn Đình2509 12 viên, đều chỉ trời mà thề, đồng lòng chung sức, ngày đêm bàn kế đánh giặc, chia quân chiếm giữ cửa luỹ các xứ, đào hào đắp luỹ, đặt phục binh giữ nơi hiểm yếu để phòng quân Mạc.

Ngày 25, họ Mạc ra quân lớn, các đạo cùng tiến, dọc sông mã từ Ưng Quan2510 trở [30b] xuống, dọc sông Lam từ Bổng Luật2511 trở xuống khói lửa mù trời, cờ xí rợp đất. Nhân dân Thanh Hoa dắt già cõng trẻ, chạy nhớn nhác ngoài đường, không biết nương tựa vào đâu, tiếng kêu khóc vang trời, bao nhiêu tiền của, đàn bà con gái đều bị quân Mạc lấy cả.

Bấy giờ, họ Mạc cậy có tướng nhiều quân mạnh định thôn tính cả đất Ái Hoan2512 , đánh vào ngoài luỹ Yên Trường ngày đêm không ngớt. Quan quân thế yếu, chỉ đắp luỹ cao, đào hào sâu, giữ chỗ hiểm để chờ thời.

Tháng 6, bọn Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ dùng mẹo sai quân lính ban đêm dựng luỹ tầng ngoài kéo dài đến hơn 10 dặm, lấy nhiều vách nhà2513 để che chắn, dùng bùn trát bên ngoài, trên thả chông tre, chỉ một đêm mà thành giả làm xong. Hôm sau, Mạc Kính Điển trông thấy, cho là thành thật, sợ lắm, không dám đến gần, bàn với các tướng rằng: "Không [31a] ngờ ngày nay quân Lê vẫn còn kỷ luật, pháp lệnh nghiêm minh như vậy. Chỉ một đêm mà đắp thành luỹ đâu ra đấy! Hẳn là số quân lính liều chết còn nhiều, nên mới dốc sức đắp xong chóng thế, khiến lòng ta không yên. Không dồn hết công sức, thì chưa dễ dẹp được. Nếu ta không đánh gấp diệt trừ đi, thì tất sẽ trở thành mối lo sau này". Bèn tự ình đốc suất tướng sĩ, ngày đêm đánh gấp, hẹn phải lấy được mới thôi. Do vậy, bên tả sông từ Da Châu, Tàm Châu, bên hữu sông, từ đầu nguồn hai huyện Lôi Dương, Nông Cống đều là chiến trường, hầu như mất hết vào tay giặc. Bấy giờ nhân dân các huyện ở Thanh Hoa tan tác tháo chạy, ruộng đồng bỏ không cày cấy, nhiều người bị chết đói.

Tháng 9, sai Hà Khê hầu đem quân ra giữ luỹ Ai ở huyện Cẩm Thuỷ, nhân dịp này, y làm phản đầu hàng họ Mạc. Vua lấy Tây Hưng hầu Hà Thọ Lộc thay giữ đất ấy.

[31b] Tháng 10, tướng Mạc đem quân giao chiến với quan quân, chống nhau ở sông Bảo Lạc, Long Sùng2514 . Các tướng hay dùng kỳ binh, ban ngày thì cố thủ, ban đêm thì đánh cướp doanh trại, quấy rối quân địch. Từ đấy, quân Mạc phấp phỏng kinh sợ, lính thủ ngự bị đâm chém nhiều. Mỗi khi chém cắt được tai giặc thì được thưởng bạc, nên quân lính nhiều kẻ tự nguyện xông ra, liều sức đánh quân Mạc về ban đêm. Quân Mạc tuy nhiều, nhưng có nhiều người bỏ trốn. Mạc Kính Điển thấy đánh mãi không được, liền lui giữ dinh Hà Trung, hạ lệnh cấm không được mang muối lên bán ở đầu nguồn mà liên lạc với quan quân. Sau có người gánh trộm muối vào luỹ, bị bắt chém để thị chúng.

Tháng ấy, Vũ Sư Thước mật sai người ngầm vào trong luỹ dùng thư đầu hàng, xin mang tội về chầu. Vua nhận được thư của Sư Thước, liền hội các tướng bàn đem đại quân tiến đánh để lấy lại [32a]2515 đất nước, chia quân thành ba đạo cả tiến. Sai bọn An quận công Lại Thế Khanh, Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Tấn quận công Trịnh Mô đem quân ra phía tả, từ huyện Yên Định qua huyện Vĩnh Phúc, đánh lấy huyện Tống Sơn.

Gia phong Trường quận công Trịnh Tùng làm tả tướng, tiết chế tướng sĩ các dinh quân thuỷ bộ các xứ. Vua tự làm đô tướng, thống đốc đại quân ra đường giữa, từ huyện Thuỵ Nguyên, qua huyện Yên Định thẳng đến đóng quân ở huyện Đông Sơn. Bọn Vinh quận công Hoàng Đình Ái, Nghĩa quận công Đặng Huấn, Lại quận công Phan Công Tích, Vệ dương hầu Trịnh Bách đem quân ra đường phía hữu, qua các huyện Lôi Dương và Nông Cống, đánh lấy miền Quảng Xương. Vua đến đóng dinh ở huyện Đông Sơn, Vũ Sư Thước đem 500 quân bản bộ, nửa đêm, hồi canh ba bỏ dinh đi, sáng hôm sau đến ngự dinh ở Đông Sơn [32b] lạy xin chịu tội. Vua dùng lời an ủi, cho giữ chức cũ, vỗ về các tướng sĩ, ba quân đều cả mừng. Sư Thước lại đến dinh tả tướng, khóc kể lại tình nghĩa xưa, các quân đều rất vui vẻ. Từ đấy, quan Thanh lừng lẫy, quân Mạc hễ đánh là thua, không dám tiến đánh nữa, lui về giữ dinh sông Bút Cương.

Ngày 20, vua sai người làm cầu phao ở phía hạ lưu sông An Liệt2516 , qua Kim Bôi. Vua cùng tả tướng đem đại binh qua sông, đến xã Kim Tử2517 , đi tắt qua huyện Thuần Hựu2518 để tiến đánh các dinh quân Mạc. Sai Vũ Sư Thước chiêu tập quân cũ của huyện ấy, được hơn 1000 người, cho làm tiên phong khiêu chiến quân Mạc ở bến sông Lôi Tân2519 . Bọn Lại Thế Khanh và Lê Cập Đệ đánh Tống Sơn và Nga Sơn, lấy được, đi đến đâu quân Mạc tan chạy đến đó, nhân dân được trở về yên nghiệp.

Tháng 12, bọn Mạc Kính Điển thấy2520 [33a] đánh mãi không được, bàn rằng:

"Tiến quân đánh giặc mạnh đã trải 9 tháng trời mà chưa thành công. Hơn nữa, bây giờ mùa đông rét mướt, sông nước vơi cạn, lại thêm mưa xuân sắp đến, chướng khí sẽ sinh, quân không đủ ăn, người nào cũng nhớ quê, còn ai đồng lòng gắng sức với ta nữa. Huống chi, quân ta lại dần dần trễ biếng, chi bằng hãy tạm rút quân về, lần sau sẽ đánh tới toàn thắng. Nếu cứ giữ mãi chỗ này, sợ không có ích gì, chỉ khiến quân địch cười cho thôi". Bèn hạ lệnh nhổ trại mà về.

Bất ngờ Trịnh Cối và mẹ là Thái Vương phu nhân cùng vợ con và bọn Lại Thế Mỹ, Trương Quốc Hoa, đã trót đầu hàng họ Mạc, không dám trở về nữa, bèn đem con em trai gái hơn 1000 người ra biển theo Kính Điển về Kinh sư, đến lạy chào họ Mạc. Thạch quận [33b] công2521 đem quân đến cửa khuyết rập

đầu xin chịu tội. Nguyễn Sư Doãn đem con em về chiếm giữ huyện Ngọc Sơn2522 , cậy chỗ núi cao sông sâu, không chịu quy thuận. Vua sai Lê Cập Đệ cùng các tướng đem quân tinh nhuệ đi đường tắt đến huyện Ngọc Sơn đánh úp. Sư Doãn đã biết trước, đang đêm xuống thuyền trốn đi đầu hàng họ Mạc.

Năm ấy phủ Hà Trung được mùa to, nhà nào cũng thừa thóc.

Tân Mùi, [Chính Trị] năm thứ 14 [1571] , (Mạc Sùng Khang năm thứ 6; Minh Long Khánh năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, vua xét công đánh giặc và phong quan tước.

Gia phong Tả tướng Trường quận công Trịnh Tùng làm thái uý Trường quốc công; Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ vì dũng cảm, quyết đoán, và có nhiều kế sách được thăng làm thái phó; bọn Vệ Dương hầu Trịnh Bách, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Lương quận công (không rõ tên), Tấn quận công Trịnh Mô, An quận công Lại Thế [34a] Khanh, Nghĩa quận công Đặng Huấn, đều được thăng làm thiếu phó, ngôi thứ ở hàng dưới. Lại phong em ruột của tả tướng là Trịnh Đỗ làm thiếu bảo Phúc Diễn hầu; Trịnh Đồng làm Vĩnh Thọ hầu, Trịnh Ninh làm Quảng Diên hầu, đều sai đem quân đánh giặc để mưu khôi phục.

Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Nguyễn Miễn, Nguyễn Cung đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Hoàng 2 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Hoa Hữu Mô 12 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Ra lệnh cho những người xiêu tán trong cơn binh lửa ở các huyện, xã xứ Thanh Hoa trở về quê quán yên ổn làm ăn.

Tháng 7, họ Mạc sai Kính Điển đốc suất quân lính vào cướp đánh các huyện ở Nghệ An. Bấy giờ, dân Nghệ An sợ uy giặc đã lâu, địa thế lại xa cách, quan quân không thể cứu giúp được, phần nhiều đầu hàng họ Mạc. Vì thế, từ sông Cả2523 vào Nam đều là đất của giặc. Viên thổ tướng Nguyên quận công Nguyễn [34b] Bá Quýnh nghe tin giặc đến giật mình kinh hãi, chưa thấy bóng đã bỏ chạy. Hoàng quận công chống nhau với giặc Nguyễn Quyện, sức không địch nổi, bỏ cả thuyền chạy vào Hoá Châu, bị giặc bắt sống. Từ sông Cả về Bắc, lại thành đất của giặc. Từ đó, thế giặc lại mạnh, đi đến đâu, dân đều bỏ chạy.

Năm ấy, người huyện Khang Lộc, Thuận Hoá là Mỹ quận công2524 đem quân bản bộ mưu đánh Đoan quận công Nguyễn Hoàng, thôn tính quân lính của Hoàng rồi về hàng họ Mạc. Hoàng biết được, đem quân đánh giết chết. Đất Thuận Hoá tạm yên. Sau các thổ tướng ở Quảng Nam đánh giết, thôn tính lẫn nhau, Hoàng đều đánh dẹp được cả, giao cho tỳ tướng là Dũng quận công2525 ở lại giữ đất và thu nhặt quân lính còn sót lại.

Tháng 9, vua bàn với tả tướng Trịnh Tùng chia quân cho Tấn quận công Trịnh Mô là Lai quận [35a] công Phan Công Tích đi cứu Nghệ An. Quân Mạc rút về, Nghệ An lại yên.

Tháng 10, vua sai Thái phó Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ đem quân vào đánh dẹp miền Thiên Quan, đều dẹp yên.

Bấy giờ, chúa nước Ai Lao là Sạ Đẩu dâng 4 con voi đực và vật báu để cầu hôn. Vua muốn hoà hảo với nước láng giềng, bèn đem con gái riêng của vợ mình, phong làm Ngọc Hoa công chúa gả cho.

Năm ấy đất Thanh Hoa mất mùa, dân đói to, nhiều người xiêu giạt.

Bấy giờ, người sách Thái Lai, huyện Thuỵ Nguyên là Lê Cảnh Thuần tự xưng là Si Nhân2526 hầu.

Nhâm Thân, [Hồng Phúc] năm thứ 1 [1572] , (Mạc Sùng Khang năm thứ 7; Minh Long Khánh năm thứ 6). Mùa xuân, tháng gêng, vua tế trời đất ở đàn Nam Giao. Khi làm lễ, vua bưng lư hương khấn trời xong, bỗng lư hương rơi xuống đất. [35b] Vua biết là điềm chẳng lành, bèn xuống chiếu đổi niên hiệu thành Hồng Phúc2527 năm thứ 1.

Tháng 3, Lê Cập Đệ ngầm có chí khác, mưu giết Tả tướng để đoạt binh quyền, từng rủ Tả tướng đi thuyền ra giữa sông để giết. Tả tướng biết được, mưu ấy không thành. Từ đấy, hai nhà thù oán nhau, bên ngoài thì giả vờ hiệp sức để lo đánh giặc, nhưng bên trong thì đều ngờ nhau, đề phòng ám hại nhau.

Mùa thu, tháng 7, họ Mạc sai Kính Điển đốc suất quân lính xâm lấn các xứ Thanh Hoa, Nghệ An. Vua bàn với các tướng, ra lệnh cho quân dân dọc sông của các huyện2528 di chuyển của cải, súc vật tránh vào rừng núi để phòng quân giặc.

Tháng 8, quân Mạc quả nhiên kéo đến bắt người cướp của, nhưng dân chúng các huyện ven sông đã di tản đi cả, chỉ còn lại một vùng đất bỏ không.

Bấy giờ, viên tướng vong mệnh2529 ở Bố Chính là Tiên quận công [36a] dẫn đường cho tướng Hải Dương là Lập quận công2530 đem hơn 60 binh thuyền đi đường biển vào cướp các xứ Thuận Hoá và Quảng Nam. Dân địa phương nhiều người đầu hàng. Từ đấy, thế giặc lại mạnh. Trấn thủ Nguyễn Hoàng dùng mưu dụ Lập đến, chém ở giữa sông, quân giặc tan vỡ, vượt biển trở về, bỗng gặp gió bão, chết hết ở ngoài khơi2531 . Tiên quận công trốn về châu Bố Chính, lại về với họ Mạc. Đất Thuận Quảng lại được yên. Hoàng vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hoà, thưởng ban ân huệ, dùng phép công bằng, chấn chỉnh, khuyên răn tướng sĩ bản bộ. Cấm chỉ, trừ bỏ bọn hung ác, dân hai trấn đều cảm mến nhân đức, thay đổi phong tục, chợ búa không nói thách, dân chúng không làm giặc, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều tới buôn bán trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, người người gắng sức. Do vậy, [36b] họ Mạc không dám dòm ngó, trong cõi được an cư lạc nghiệp.

Thái phó Vi quận công Lê Khắc Thận làm phản, vượt luỹ về hàng họ Mạc. Tả tướng Trịnh Tùng bắt các con của Tuân, Khoái, Thầm đều giết cả.

Tháng 9, vua sai bọn An quận công Lại Thế Khanh, Tấn quận công Trịnh Mô, Lai quận công Phan Công Tích đem quân đi Nghệ An. Đến nơi thì quân Mạc rút lui, Nghệ An lại yên.

Năm ấy, các huyện ở Nghệ An, đồng ruộng bỏ hoang, không thu được hạt thóc nào, dân đói to, lại bị bệnh dịch, chết đến quá nửa, nhiều người xiêu giạt, kẻ thì lần vào Nam, người thì giạt ra Bắc, trong hạt rất tiêu điều.

Mùa đông, tháng 11, vua sai Lai quận công Phan Công Tích đi kinh lược xứ Thuận Hoá, uý lạo [37a] các tướng sĩ. Khi đến xứ đó, rất chú ý đến Nguyễn Hoàng. Hoàng cũng đem quân đến hội, đặt tiệc thết đãi, giãi bày tình xưa nghĩa cũ rất là vui vẻ. Khi Công Tích về, Hoàng thân hành đi tiễn.

Ngày 21, Lê Cập Đệ từng có chí khác, định mưu hại Tả tướng Trịnh Tùng. Tả tướng giả vờ không biết, gửi biếu nhiều vàng. Khi Cập Đệ tới tạ ơn, Tùng sai đao phủ phục ở dưới trướng bắt giết đi rồi sai

người nói phao lên rằng Cập Đệ mưu làm phản, vua sai ta giết chết, tướng phản thì phải giết cả họ. Thế là quân lính đều khiếp sợ, không ai dám hành động2532 .

Bấy giờ, Cảnh Hấp và Đình Ngạn nói với vua rằng: "Tả tướng cầm quân, quyền thế rất lớn, bệ hạ khó lòng cùng tồn tại với ông ta được". Vua nghe nói vậy, hoang mang nghi hoặc, đương đêm, bỏ chạy ra ngoài, đem theo bốn hoàng tử cùng chạy đến thành Nghệ An và ở lại đó. Tả [37b] tướng bàn với các tướng rằng: Nay vua nghe lời gièm của kẻ tiểu nhân, phút chốc khinh suất đem ngôi báu xuôi giạt ra ngoài. Thiên hạ không thể một ngày không có vua, bọn ta và quân lính sẽ lập công danh với ai được? Chi bằng trước hết hãy tìm hoàng tử lập lên để yên lòng người, rồi sau sẽ đem quân đi đón vua cũng chưa muộn. Bấy giờ hoàng tử thứ năm là Đàm ở xã Quảng Thi, huyện Thuỵ Nguyên, bèn sai người đi đón về tôn lập làm vua, đó là Thế Tông2533 .

2386 Tức là Lê Y, con trưởng của Cẩm Giang Vương Lê Sùng, cháu của Kiến Vương Lê Tân, cháu bốn đời của Lê Thánh Tông. Như vậy, Trang Tông là cháu năm đời (huyền tôn) của Lê Thánh Tông.

2387 Sách Cao Trĩ : thuộc châu Ngọc Lặc, nay là huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

2388Trung nhân : hoạn quan. Đinh Công là viên hoạn quan người Thanh Hóa.

2389Minh sử , Q.321, và Cương mục đều chép việc bọn Trịnh Duy Liêu sang nhà Minh vào năm Gia Tĩnh thứ 16, tức là năm Nguyên Hoà 5 (1537). Đoàn này đi thuyền buôn từ Chiêm Thành, vượt biên, sau hai năm mới tới Yên Kinh.

2390 Theo Minh sử , Q.321, việc này xảy ra vào các năm Gia Tĩnh thứ 16 (1537), 17 (1538) và 19 (1540).

2391 Sau chuyến đi của Trịnh Duy Liên, vua tôi nhà Lê thấy lâu không được tin gì, lại sai Trịnh Viên đi (CMCB27, 27).

2392 Nguyễn Văn Thái mang tờ biểu đầu hàng sang nhà Minh. Tờ biểu đại ý nói nhà Lê không còn ai nối dõi, Đăng Dung được trao ấn chương để nối coi việc nước... Vì Trần Cung chiếm giữ Lạng Sơn, nên chưa dâng biểu và sang tiến cống được... Bọn vua tôi nhà Minh không nghe, sai Cừu Loan và Mao Bá Ôn gấp đến Quảng Tây chiêu tập binh mã tiến đánh nhà Mạc.

2393Huyện Vĩnh Phúc : nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Trịnh Kiểm hồi còn nhỏ phải đi ở chăn trâu, đến nương nhờ dưới trướng Nguyễn Kim, được Kim tin cậy, phong Dực Nghĩa hầu và gả con gái lớn là Ngọc Bảo cho.

2394Lại Thế Vinh : người xã Quang Lãng, huyện Tống Sơn. Nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá.

2395Cầm thước, buộc dây ở cổ : biểu thị sự tự trói mình và chịu nhận trừng phạt.

2396 Mạc phủ do bọn Mao Bá Ôn dựng trấn ở Trấn Nam Quan để xâm lược nước ta. Số quân chúng điều động gồm 20 vạn chính binh và kỳ binh.

2397Khâm Châu chí của nhà Thanh chỉ ghi 5 động, không có động An Lương. Cương mục dẫn Quảng Yên sách cho rằng động An Lương sau là phố An Lương, thuộc châu Vạn Ninh nước ta và cho là Toàn thư chép lầm.

2398 Tức đạo Thanh Hoa, nay là tỉnh Thanh Hoá.

2399 Theo lịch của nhà Minh.

2400Lịch Đại Thống : lịch của nhà Minh.

2401 Nhà Hán, nhà Đường thôn tính nước ta, chia cắt nước ta thành châu quận của chúng. Theo lệ đời Hán, đời Đường, tức là bắt ta nội thuộc.

2402Cương mục , có chỗ ghi là Mã Giang, có lẽ động này nằm ở vùng thượng lưu sông Mã.

2403Thế tập : là được truyền từ đời nọ sang đời kia.

240413 lộ : năm 1466, Lê Thánh Tông đặt 13 đạo thừa tuyên, có lẽ là 13 lộ này.

2405 Nay thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá.

2406Bồi thần : là bề tôi của vua chư hầu. Không theo lễ tiếp bồi thần có nghĩa là không coi họ Mạc là vua chư hầu.

2407 Năm trước đã có việc Nguyễn Kim thống suất các quân tiến đánh Thanh Hoa, năm nay lại chép Nguyễn Kim còn ở Ai Lao. Sách Cương mục (CMCB27, 40) cho là Toàn thư chép lầm.

2408Sông Nghĩa Lộ : chưa rõ ở đâu.

2409Quảng Bình : tên huyện, nay là vùng đất phía tây bắc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá.

2410 CMCB27, 39, 40 ghi rõ tên của viên quan Trung Hậu hầu này là Dương Chấp Nhất.

2411Bái Trang : tức là Gia Miêu Ngoại trang, đời Nguyễn gọi là Quý Hương, nay ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá.

2412Sách Vạn Lai : nay là xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

2413Hoan Diễn : là vùng đất các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay. Ô : là chỉ miền đất tỉnh Bình Trị Thiên ngày nay, Quảng : là chỉ miền đất tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ngày nay.

2414Ái Châu : tức là đất tỉnh Thanh Hoá ngày nay.

2415Phạm Tử Nghi : người xã Trung Hành, huyện An Dương, trấn Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng.

2416Chính Trung : là con thứ của Mạc Đăng Dung.

2417Hoa Dương : tên xã, sau là của Mạc Phúc Hải.

2418Mạc Kính Điển : là em của Mạc Phúc Hải.

2419Thịnh Liệt : tục gọi là làng Sét, ở phía dưới xã Bạch Mai và Hoàng Mai; thuộc Hà Nội ngày nay.

2420Lê Bá Ly : người làng Cổ Phạm, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá ngày nay.

2421Huyện Vĩnh Phúc : sau là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

2422Phạm Quỳnh, Phạm Dao : người làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc ngoại thành Hà Nội.

2423Nguyễn Thiến : người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, nay thuộc tỉnh Hà Tây, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1532) đời Mạc.

2424Vũ Văn Mật : là em Vũ Văn Uyên, người xã Ba Động, huyện Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc tỉnh Hải Hưng). Khi họ Mạc cướp ngôi nhà Lê thì Vũ Văn Uyên cát cứ vùng Tuyên Quang chống lại nhà Mạc. Văn Uyên chết, Vũ Văn Mật nối nghiệp anh, được vua Lê phong tước Gia quốc công.

2425Kim Thanh : tên huyện, thuộc tỉnh Hải Dương, nay là tỉnh Hải Hưng.

2426Yên Trường : tên xã, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá ngày nay.

2427Biên Thượng : tức làng Bồng Thượng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

2428Chế Khoa : theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn thì lệ thi cử thời Lê như sau: Những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu là khoa thi Hương; những năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất là khoa thi Hội. Nhưng có khi nhà vua có bài chế ban xuống cho mở khoa thi đặc biệt không theo lệ trên thì gọi là chế khoa . Phép thì chế khoa cũng giống khoa thi Hội (thi kinh nghĩa, tứ lục, thơ, phú và văn sách).

2429Đinh Bạt Tuy : người làng Bùi Khổng, huyện Hưng Nguyên, nay thuộc tỉnh Nghệ An.

2430 Chu Quang Trứ: người xã Nam Hoa Thượng, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

2431Sông Đại Lại : tức sông Lèn, một nhánh của sông Mã ở Thanh Hoá.

2432Kim Sơn : có tên là núi Biện hay núi Bồng. Động Kim Sơn là một danh thắng.

2433Yên Dịch và Quân Yên : tên hai ngọn núi thuộc huyện Yên Định, Thanh Hoá.

2434Bạch Thạch : tên một ngọn núi ở phía tây bắc huyện Đông Sơn, Thanh Hoá.

2435 Chi tiết chọn voi mai phục này không thấy có trong Bản dịch cũ .

2436Sông Hữu Chấp : ở xã Hữu Chấp; Sông Kim Bôi : ở xã Kim Bôi. Hai xã Hữu Chấp và Kim Bôi đều thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá.

2437Chợ Ông Cung : hay chợ Ông, ở làng Bồng Thượng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

2438Bố Vệ : tên xã, ở phía nam thị xã Thanh Hoá ngày nay.

2439Tống Sơn : nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá.

2440Nga Sơn : tên huyện, nay thuộc tỉnh Thanh Hoá.

2441Thanh quận công : tên quan tước, chưa rõ họ tên thực.

2442 Yên Mô: tên huyện, thuộc tỉnh Ninh Bình.

2443Trà Tu : tên xã, thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

2444 Khi Kính Điển vào đánh Thanh Hoá thì Mạc Phúc Nguyên sai bọn Phạm Quỳnh, Phạm Dao vào đánh Nghệ An. Trịnh Kiểm phá tan quân của Mạc Kính Điển, tước lấy chiến thuyền, giả làm quân Mạc kéo vào đánh quân Phạm Quỳnh, Phạm Dao ở Nghệ An. Bọn Quỳnh, Dao không đề phòng, bị đại bại.

2445Sông Phụng Xí : có lẽ là sông Phượng Tường ở huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Hà.

2446 Tức Phạm Đức Kỳ, người xã Tào Xuyên, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

2447Chính Trị : có nghĩa là sửa sang việc trị nước.

2448Phạm Đốc : là con nuôi của Trịnh Kiểm, có tài dùng binh.

2449 Tức Nguyễn Kim.

2450 Trịnh Kiểm tuy đã lấy được đất Thuận Hoá, nhưng nhiều người ở đó vẫn theo họ Mạc, hoặc vượt biển đi theo họ Mạc, hoặc đưa quân Mạc đến phá phía sau của quân Lê - Trịnh.

2451 Sau khi Nguyễn Kim chết, binh quyền về tay Trịnh Kiểm. Hai người con trai của Nguyễn Kim thì một người là Lãng quận công tả tướng Nguyễn Uông đã bị Trịnh Kiểm mưu sát. Đoan quận công Nguyễn Hoàng lo cho số phận của mình, nhờ chị là Trưởng công chúa Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin cho vào trấn thủ Thuận Hoá. Trịnh Kiểm cũng muốn trừ bỏ mối lo bên cạnh mình, nên đồng ý cho đi. Nguyễn Hoàng đem quân thủ hạ của mình vào Thuận Hoá, đóng dinh ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, trên sông Ái Tử.

2452Trịnh Quang : người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (sau là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá).

2453Lại Thế Khanh : người xã Quang Lăng, huyện Tống Sơn (sau là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá).

2454Thiên Quang : nay là huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

2455 Trịnh Kiểm, trong chiến dịch này, dùng viên tướng Hoàng Đình Ái, người xã Vân Lũng, huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) làm tiên phong.

2456Định quận công : tên thực là Đặng Định.

2457 Tức vượt sông Hồng.

2458 Tức Lê Duy Mật, một viên tướng cát cứ vùng Tuyên Quang khi ấy.

2459Đặng Định : Trước theo Nguyễn Kim sang Ai Lao, sau khi Trang Tông trung hưng, được sai đi trấn thủ 10 châu của phủ An Tây, trấn Hưng Hoá. Còn Đại Đồng vốn do anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật chiếm giữ từ trước. Vì thế, CMCB 28, 13 chép là: Lại sai Vũ Văn Mật trấn giữ Đại Đồng, Đặng Định trấn giữ An Tây, thì đúng hơn.

2460Phủ Thuận An : nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Phủ lỵ phủ Thuận An ở khoảng Dâu Keo.

2461Núi Tiên Du : ở huyện Tiên Du cũ, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

2462Phủ Khoái Châu : gồm các huyện Đồng Yên (sau là huyện Khoái Châu), Kim Động, Tiên Lữ, Thiên Thi (sau là huyện Ân Thi), Phù Dung (sau là Phù Cừ), tỉnh Hưng Yên cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng. Phủ Hồng Châu : gồm các huyện Đường Hào (sau là Mỹ Hào), Đường Yên (sau là Bình Giang), Cẩm Giàng, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại (sau là Ninh Giang), đều thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay.

2463Huyện Siêu Loại : nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Huyện Văn Giang : sau sát nhập vào huyện Văn Lâm, nay thuộc tỉnh Hưng Yên.

2464Phủ Nam Sách : gồm các huyện Thanh Lâm (sau là Nam Sách), Chí Linh, Thanh Hà thuộc tỉnh Hải Dương và huyện Tiên Minh (nay là huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).

2465Phủ Tiên Hưng : gồm phần đất của các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ngày nay.

2466Nam Xang : sau là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nay thuộc tỉnh Nam Hà.

2467Giáp Sơn : sau là huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

2468 Tức Vũ Văn Mật.

2469Phủ Phú Bình : gồm phần lớn tỉnh Thái Nguyên cũ (nay thuộc tỉnh Bắc Thái) và huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú bây giờ. Huyện Văn Lan : tương đương với các huyện Bằng Mạc và Điềm He, tỉnh Lạng Sơn ngày nay.

2470Núi Lãm Sơn : ở xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

2471Gia Phúc : tên huyện, sau là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cũ, nay là tỉnh Hải Hưng.

2472Sách Thuỷ Đả : sách ở miền thượng du Thanh Hoá, có lẽ ở khoảng huyện Ngọc Lặc ngày nay.

2473Mười châu : tức là 10 châu của phủ An Tây, miền thượng du sông Đà. Theo CMCB 28, 16 thì 10 châu ấy là: Chiêu Tân, Quỳnh Nhai, Lai Châu, Tung Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phi, Lê Tuyền, Khiêm Châu, Tuy Phụ, Luân Châu.

2474Lộ Sơn Nam : là một vùng rộng gồm các tỉnh Nam Hà, Ninh Bình và tỉnh Thái Bình ngày nay.

2475Thế tử : chỉ con trưởng của Trịnh Kiểm, tức Trịnh Cối.

2476Thượng Phúc : tên huyện, nay là huyện Thường Tín. Sơn Minh : tên huyện, nay là huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây.

2477Quảng Bình : tên huyện, nay là vùng tây bắc huyện Thạch Thành, Thanh Hoá.

2478Chương Đức : tên huyện, sau là huyện Chương Mỹ, nay thuộc tỉnh Hà Tây.

2479Phủ Trường Yên : gồm các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khang (nay là Yên Khánh), thuộc tỉnh Ninh Bình. Phủ lỵ Trường Yên ở thị xã Ninh Bình ngày nay.

2480Hoài An : tên huyện gồm vùng đất phía nam huyện Ứng Hoà và một phần huyện Mỹ Đức ngày sau. Sơn Minh : tên huyện, gồm phần lớn huyện Ứng Hoà ngày sau.

2481Phủ Thiện Quang : gồm các huyện Phụng Hoá (sau là huyện Nho Quan), Yên Hoà (nay là vùng Xích Thổ) của tỉnh Ninh Bình, huyện Lạc Thổ, sau là huyện Lạc Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

2482Phố Cát : thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá.

2483Bình Lương : tên xã thuộc huyện Lạc Thuỷ trên sông Bôi, gần Châu Sơn, tỉnh Hoà Bình ngày nay.

2484Cửa biển Linh Trường : nay ở cửa Lạch Trường, thuộc huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

2485Thuần Hựu : tên huyện, nay là huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

2486Du Trường : tên xã, thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá.

2487 Tên là Bùi Tá Hán.

2488 Nguyễn Bá Quýnh: người xã Thượng Xá, huyện Chân Lộc (sau là Nghi Lộc), tỉnh Nghệ An.

2489 Thượng phụ: Thượng phụ là Lã Thượng, làm tướng cho Chu Vũ Vương lấy được thiên hạ, được Vũ Vương tôn làm thầy. Tôn làm thượng phụ có nghĩa là tôn lên làm bậc thầy.

2490Phủ thượng tướng : phủ đệ của Trịnh Kiểm.

2491 Trịnh Kiểm lấy chị ruột của Nguyễn Hoàng.

2492Trịnh Vĩnh Thiệu : người xã Biện Thượng, huyện Vĩnh Lộc, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa, nay thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

2493Phan Công Tích : người xã Thái Xá, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An.

2494Lại Thế Mỹ : người xã Quang Lãng, huyện Tống Sơn, nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá.

2495Nguyễn Hữu Liêu : người xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội.

2496Phạm Văn Khoái : người xã Tiêu Phấn, huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Nam Hà.

2497 Chỉ quân của Trịnh Tùng.

2498 Chỉ quân của họ Mạc.

2499Linh Trường : là cửa Lạch Trường. Hội Trường : là cửa sông Mã, đều thuộc tỉnh Thanh Hoá.

2500Cửa Chi Long : hay cửa Bạch Câu, là cửa sông Nga Giang hay sông Lèn, ở huyện Nga Sơn, Thanh Hoá.

2501Cửa Du Xuyên : là cửa Bạng bây giờ, ở xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, nay là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

2502Cửa Ngọc Giáp : sau là cửa Hãn, nay là cửa Chép, ở tỉnh Thanh Hoá.

2503 CMCB 28, 25 ghi tên của viên tướng nay là Lập Bạo.

2504Đôn Nhượng : là con út của Đăng Doanh.

2505Bút Cương : theo Cương mục, chú là tên xã, thuộc huyện Vĩnh Phúc (tức huyện Vĩnh Lộc; tỉnh Thanh Hoá) (CMCB28, 29). Bản dịch cũ cho là xã Bút Sơn, huyện Hoằng Hoá ngày nay.

2506Vũ Sư Thước : người huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

2507Vĩnh Ninh : tên huyện, sau là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

2508Trịnh Mô : người xã Nông Sơn, huyện Nam Đường (sau là Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), trước họ Nguyễn, tên là Cảnh Hoan. Sau được chúa Trịnh ban cho họ Trịnh, đổi tên là Mô.

2509Nguyễn Đình : người xã Hoàng Xá, huyện Từ Liêm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội).

2510Ưng Quan : Cương mục chú làở tổng Cổ Lũng, huyện Cẩm Thuỷ. Ưng Quan là cửa quan trên sông Mã, ở khoảng mường Ông, tổng Thiết Ông sau này.

2511Bổng Luật : có sách chép là Bổng Tân, tức bến Bổng, ở phía thượng lưu Bái Thượng, trên sông Chu. Sông Lam nói ở đây là đoạn sông Chu chảy qua huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Hoá (nay là huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá).

2512Ái Hoan : trước là tên hai châu. Chỉ vùng đất Thanh Hoá sau này.

2513Cương mục chép là "phên nứa" (CMCB28, 26).

2514Bảo Lạc, Long Sùng : là tên 2 xã thuộc huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thiệu Hoá. Sông Bảo Lạc, Long Sùng tức là đoạn sông Chu chảy qua hai xã đó.

2515 Nguyên văn (bản Chính Hoà) mất tờ 32, chúng tôi dịch theo bản A3 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) để bổ sung vào.

2516An Liệt : tên xã, Sông An Liệt tức đoạn sông chảy qua xã An Liệt, huyện Vĩnh Phúc (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá).

2517Kim Tử : tên xã, cũng thuộc huyện Vĩnh Phúc.

2518Thuần Hựu : tên huyện, nay là huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

2519Sông Lôi Tân : theo CMCB28, 29 thì Lôi Tân là tên xã, thuộc huyện Vĩnh Phúc (nay là huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá).

2520 Từ đây lại dịch theo bản Chính Hoà.

2521Thạch quận công : tức Vương Trân, trước theo Trịnh Cối.

2522Ngọc Sơn : tên huyện, nay là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

2523Sông Cả : tức sông Lam.

2524Mỹ quận công : CMCB18 chép là Mỹ Lương: Mỹ Lương cùng hai em là Văn Lan và Nghĩa Sơn đều vì dâng thóc cho họ Trịnh, được chuyện việc trưng thu tô, thuế. Bởi có công lao, Mỹ Lương được làm tham đốc, Văn Lan và Nghĩa Sơn làm thự vệ. Khi quân Mạc vào đánh Nghệ An, đất Thuận Hoá bị dao động, Mỹ Lương định đánh úp Vũ Xương rồi thu lấy cả quân ở đó về hàng họ Mạc.

2525Cương mục chép: Sai thuộc tướng là Mai Đình Dũng ở lại trấn thủ Quảng Nam (CMCB28, 30).

2526 Si Nhân có nghĩa là "thằng ngốc".

2527 Niên hiệu trước là Chính Trị có nghĩa là sửa sang việc trị nước. Còn Hồng Phúc có nghĩa là "phúc lớn".

2528 Nên sửa theo câu dưới "... dân chúng các huyện ven sông" đúng hơn.

2529Vong mệnh : có nghĩa là "bỏ cả chức tước mà chạy trốn". Đây là viên tướng của Nguyễn Hoàng, bỏ theo về với họ Mạc.

2530Lập quận công : Cương mục chép là Lập Bạo (CMCB28).

2531 Nguyễn Hoàng dùng kế mỹ nhân, sai Ngô Thị đem nhiều vàng lụa đến biết Lập Bạo, khuyên Bạo về với Nguyễn Hoàng. Lập Bạo nghe theo, đem mấy chiếc thuyền đến chỗ hội thề, phục binh của Hoàng nổi lên. Lập Bạo chạy xuống thuyền nhưng thuyền đã rời khỏi bờ, bèn lao mình nhảy theo, bị quân của Nguyễn Hoàng bắn chết (Xem CMCB28, 32).

2532 Cương mục dẫn Lê triều trung hưng lục của Hồ Sĩ Dương: Lê Cập Đệ bí mật bàn với vua, bố trí đâu vào đấy, hẹn với nhau là ban đêm, khi nghe tiếng pháo nổ thì nhà vua qua sông để cử sự. Tùng biết rõ chuyện đó, nhưng vẫn cứ biếu Cập Đệ nhiều vàng bạc. Khi Cập Đệ đến tạ ơn, thì Tùng cho đao phủ mai phục sẵn xông ra giết chết.

2533 Lúc ấy Hoàng tử Lê Duy Đàm mới lên 7 tuổi, được nuôi dưỡng ở xã Quảng Thi, một xã ở phía dưới Lam Sơn, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá ngày nay.

Quyển XVI

[[1a]

Kỷ Nhà Lê

Phụ: Họ Mạc (Đăng Doanh 8 năm, Phúc Hải 6 năm, Phúc Nguyên 2 năm)

Trang Tông Dụ Hoàng Đế

Tên húy là Ninh, lại húy là Huyến, ở ngôi 16 năm, thọ 34 tuổi. Vua gặp vận gian truân phải đi lánh nạn, nhờ được bề tôi cũ tôn lập, bên ngoài liên kết với nước láng giềng, bên trong dùng được các tướng giỏi, cho nên mọi người đều vui lòng gắng sức, nền móng trung hưng bắt đầu từ đấy.

Vua là con của Chiêu Tông2386 , cháu xa đời của Thánh Tông, mẹ là Phạm thị, tên húy là Ngọc Quỳnh, người sách Cao Trĩ, huyện Thụy Nguyên2387 . Khi Đăng Dung cướp ngôi, tiếm hiệu, vua tránh về Thanh Hóa. Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim sai người dò tìm, đón vua sang nước Ai Lao tôn lập.

Quý Tỵ, [Nguyên Hòa] năm thứ 1 [1533], (Mạc Đại Chính năm thứ 4; Minh Gia Tĩnh năm thứ 12). Mùa xuân, tháng giêng, vua lên ngôi ở Ai [1b] Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, tôn Đại tướng quân Nguyễn Kim là Thượng phụ thái sư Hưng quốc công, chưởng nội ngoại sự, lấy trung nhân Đinh Công2388 làm Thiếu Úy Hùng Quốc Công, còn lại, người nào cũng được phong thưởng để họ đồng lòng khuông phù. Lại liên kết với vua Ai Lao Xạ Đẩu, nhờ họ giúp binh khí, lương thực để mưu việc đánh lấy lại nước.

Vua sai Trịnh Duy Liêu sang nhà Minh tâu rằng vì Mạc Đăng Dung tiếm loạn, chiếm giữ kinh thành, ngăn trở đường đi nên bỏ lâu việc tiến cống2389 .

Giáp Ngọ, [Nguyên Hoà] năm thứ 2 [1534] , (Mạc Đại Chính năm thứ 5 Minh Gia Tĩnh năm thứ 13). Nhà Minh nghe tin Mạc Đăng Dung cướp ngôi, đặt quan lại nguỵ, chiếm giữ Kinh thành, ngăn trở đường tiến cống, tự tiện làm bài Đại cáo, tiềm xưng là thượng hoàng, tội trạng đã rõ, bèn sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm tổng đốc quân vụ, Binh bộ thượng [2a] thư Mao Bá Ôn làm tham tán quân vụ, đem quân sang hỏi đánh2390 .

Ất Mùi, [Nguyên Hoà] năm thứ 3 [1535] , (Mạc Đại Chính năm thứ 6; Minh Gia Tĩnh năm thứ 14). Nhà Mạc mở khoa thi Hội, lấy bọn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bùi Khắc Đốc, Nguyễn Thừa Hưu đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Di Lượng 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Trùng Quang 22 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Bính Thân, [Nguyên Hoà] năm thứ 4 [1536] , (Mạc Đại Chính năm thứ 7 - Minh Gia Tĩnh năm thứ 15). Vua sai Trịnh Viên sang nhà Minh trình bày việc họ Mạc cướp ngôi giết vua, và vua phải xiêu giạt vào Thanh Hoa2391 .

Họ Mạc sai Đông quân đô đốc phủ tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Đình Khoa trùng tu Quốc tử giám.

Đinh Dậu, [Nguyên Hoà] năm thứ 5 [1537] ; (Mạc Đại Chính năm thứ 8; Minh Gia Tĩnh năm thứ 16). Mùa xuân, tháng giêng, họ Mạc thăm nhà Thái học.

[2b] Mùa hạ, tháng 4, gió to, gãy cây, tốc nhà, nước biển dâng tràn, làm chết nhiều người và súc vật.

Tây An hầu Lê Phi Thừa của họ Mạc khởi quân cướp lấy của cải của ba ty rồi thu quân chạy vào nước Ai Lao đầu hàng vua.

Họ Mạc phong cho con là bọn Kinh Điển làm vương, ngoài ra đều theo thứ tự bậc mà được nhận phong.

Mậu Tuất, [Nguyên Hoà] năm thứ 6 [1538] , (Mạc Đại Chính năm thứ 9; Minh Gia Tĩnh năm thứ 17). Mùa xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội, cho bọn Giáp Hải, Trần Toại, Hoàng Sầm đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Phan Cảo 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Hoàng Thuyên 25 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Họ Mạc tuyển hoàng dinh.

Họ Mạc sai Nguyễn Văn Thái sang nhà Minh dâng biểu xin hàng và xin phân xử2392 .

Kỷ Hợi, [Nguyên Hoà] năm thứ 7 [1539] , (Mạc Đại Chính năm thứ 10; Minh Gia Tĩnh năm thứ 18). Vua phong đại tướng quân Trịnh Kiểm làm Dực [3a] quận công, (người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc2393 ), Trịnh Công Năng làm Tuyên quận công, Lại Thế Vinh2394 làm Hoà quận công. Bọn Hiệp quận công, Tường quận công, Từ quận công, Trấn quận công, Tây quận công, Dương quận công, Thuỵ quận công, Nghi quận công đều được ban ấn coi quân, sai đem quân bản bộ tiến đánh các nơi để lo lấy lại Tây Kinh, khí thế quân sĩ mạnh thêm. Sau tiến đánh huyện Lôi Dương, quân Mạc phần nhiều bị thua, rồi đem quân về.

Đại hạn.

Mùa đông, tháng 10, động đất.

Canh Tý, [Nguyên Hoà] năm thứ 8 [1540] , (Mạc Đại Chính năm thứ 11; Minh Gia Tĩnh năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 15, Mạc Đăng Doanh chết. Con trưởng là Phúc Hải lên ngôi, lấy năm sau làm Quảng Hoà năm thứ 1.

Mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy

Nhất, Bùi [3b] Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ2395 , đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh2396 quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương2397 , La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước và chờ lệnh thay đổi hay quyết định khác. Lại sai bọn Văn Minh và Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh.

Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim đem quân về đánh Nghệ An, hào kiệt phần nhiều theo về, thanh thế rất lừng lẫy, đến đâu là gần xa đều hàng phục.

Tân Sửu, [Nguyên Hoà] năm thứ 9 [1541] . (Mạc Quảng Hoà năm thứ 1; Minh Gia Tĩnh năm thứ 20). Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Nguyễn Kỳ, Phạm [4a] Công Sâm, Nguyễn Thế Lộc đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Quang 4 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Nguyên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Bấy giờ, Tây An hầu Lê Phi Thừa có ý bất bình, thường nói ra những lời phẫn uất, càng ngày càng kiêu căng; ngang ngược. Thái sư Nguyễn Kim sai người bóp cổ chết. Trước kia, Phi Thừa xuất thân là xá nhân, thờ Mạc Đăng Dung, được Đăng Dung khen ngợi, cho cai quản quân dân bảy huyện thuộc đạo ấy2398 . Đến năm Đại Chính, Thừa quy thuận triều đình, vua vẫn cho giữ chức cũ. Đến đây lại oán hận, kiêu căng bạo ngược nên bị giết.

Tháng 8, ngày 22, Mạc Đăng Dung chết.

Tháng 10, ngày 20, bọn Mao Bá Ôn nhà Minh kính dâng bản tâu về Yên Kinh nói rằng: Mạc Đăng Dung tự trói mình đầu hàng ở cửa ải, xin kính theo chính sóc2399 , xoá bỏ tiếm hiệu, trả lại đất bốn động đã chiếm, [4b] xin nội thuộc xưng thần, xin hàng năm ban lịch Đại Thống2400 và bù đủ lễ vật tiến cống hàng năm, cúi mình cung kính thuận phục. Nếu như coi Đăng Dung là kẻ có tội đầu hàng, chưa kể khinh xuất trao cho chức tước, đất đai, thì cháu của y là Mạc Phúc Hải nay đang đợi mệnh, nếu được đội ơn khoan thứ, cũng có thể cho làm các chức khác như đô hộ, tổng quản theo như lệ cũ của nhà Hán, nhà Đường2401 , hàng năm quan Bố chính ty Quảng Tây ban cấp lịch Đại Thống, cho y đến Trấn Nam Quan kính nhận, những lễ vật tiến cống các năm trước còn thiếu, thì tra xét bắt bù đủ, từ năm sau chiếu sổ nộp dần. Còn như Lê Ninh tuy tự xưng là con cháu họ Lê, nhưng cứ theo các ty tra xét, thì ngọn ngành tung tích khó biết rõ ràng. Trịnh Duy Liêu trước có lén lút tới các đồng trại ở châu Thạch Lâm nước ta, sát vùng thổ quan Quảng Tây, nhưng mặt mũi Lê Ninh ra sao cũng không được biết, cho nên khi thì gọi là [5a] Lê Ninh, khi thì gọi là Lê Hiến, lúc thì gọi là Quang Hoà, có lúc lại bảo là họ Trịnh trá xưng. Còn Trịnh Viên thì khai rằng ở động Tất Mã Giang2402 có Lê Ninh thực, nhưng lại lịch tông phái không biết được rõ; những điều trình bày về tuổi tác, nét mặt, lại khác với lời khai cũ của Trịnh Duy Liêu, đều khó dựa vào đó mà nghe được. Hãy cho Ninh ở lại Tất Mã Giang, những vùng đã lấy được đều thuộc quyền y quản thúc, có thể bàn trao chức tước, cho thực thuộc về Vân Nam. Nếu không phải là con cháu nhà Lê thì thôi không bàn nữa. Còn Trịnh Duy Liêu thì cho sở thuộc Quảng Đông tuỳ nghi sắp xếp, cấp cho ruộng đất, nhà ở, đừng để y phải bơ vơ. Xử phân như vậy, ngõ hầu mới được chu tất. Vua Minh bèn phong cho Mạc Đăng

Dung làm An Nam Đô thống sứ ty đô thống sứ, ban ấn bạc và cho thế tập2403 . Còn đất 13 lộ2404 [5b] thì cứ chiếu theo tên đất cũ, mỗi lộ đều đặt ty Tuyên phủ, đặt các chức tuyên phủ đồng tri, phó sứ, thiêm sự mỗi chức 1 viên, đều thuộc quản hạt của đô thống sứ sai khiến mà triều cống. Lễ cống lên vua và Đông cung thì theo lệ cũ.


Đại Việt Sử Ký
Toàn Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét