Di sản văn hóa. 001

Hoàng thành Thăng Long: Di sản văn hóa muôn đời
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được công nhận là di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân nước Việt. Đây là tài sản vô giá để lại cho muôn đời sau.
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời
Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Bản đồ Hoàng thành Thăng Long

Vào lúc 20 giờ 30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brasil, tức 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; Tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và Các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.

Đây là món quà vô giá, sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam và thủ đô Hà Nội nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hoàng thành Thăng Long - Di sản toàn cầu

Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo.
Cổ vật tinh xảo được khai quật tại khu di tích

Đây là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một ngàn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.

Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật như chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.


Giếng cổ

Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) công nhận khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới dựa trên 3 tiêu chí. Trước hết, những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), đến từ Trung Hoa, Champa, Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.


Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Tiếp đó, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một ngàn năm.


Rồng đá hàng trăm năm tuổi

Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Ngoài ra, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ.

Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Những khu vực tham quan trong Hoàng thành Thăng Long:

Hiện nay, khu vực di sản Hoàng thành Thăng Long đang được nghiên cứu, bảo tồn bao gồm khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ Hà Nội

─ Khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu được phát lộ năm 2002, với nhiều tầng di vật phong phú, liên tục; thể hiện rõ nét các giá trị văn hóa - lịch sử qua thời gian các triều đại. Tại đây những nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều kiến trúc, điêu khắc bị chôn vùi dưới đất. Tất cả phản ánh cả một quần thể thống nhất, đa dạng và có giá trị cao về nghệ thuật. Tuy nhiên, do vẫn còn đang trong thời gian nghiên cứu thực địa và đưa ra giải pháp bảo tồn lâu dài; nên khu vực này chưa thể trở thành một trung tâm tham quan phổ biến.


─ Khu vực Thành cổ Hà Nội: Là khu trung tâm thành Hà Nội thời Nguyễn, trải dài theo trục Nam - Bắc của thành. Hiện nay, khu vực này còn có các di tích lộ thiên sau:

─ Cột cờ (Kỳ đài): Được xây dựng cùng thành Hà Nội thời Nguyễn. Cột cờ nằm phía trước thành trên trục thần đạo, giữa 2 cửa Đông Nam và Tây Nam.

Kỳ Đài

─ Đoan Môn: Là cổng chính ra vào Cấm thành của Hoàng thành Thăng Long. Đoan Môn được xây dựng từ thời Lý, nhưng kiến trúc Đoan Môn hiện nay là của thời Lê và sau này được tu sửa thêm vào thời Nguyễn.

  Đoan Môn

─ Thềm điện Kính Thiên: Điện Kính Thiên là cung điện trung tâm. Điện Kính Thiên được xây dựng thời Lê, trên nền cũ của điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý - Trần. Điện Kính Thiên đã bị phá hủy, chỉ còn lại thềm điện và đôi rồng đá.

Rồng đá trước thềm

─ Hậu Lâu (Lầu công chúa): Thời Lê có tên gọi là Tĩnh Bắc lâu, đến thời Nguyễn gọi là Hậu điện. Đây là nơi ở của cung tần mỹ nữ theo vua từ Phú Xuân ra ngự giá Bắc Thành. Hậu Lâu đã bị hư hỏng nặng khi Pháp chiếm thành Hà Nội, và được người Pháp tu sửa như hiện nay.

Lầu công chúa

─ Cửa Bắc (Bắc Môn, Chính Bắc Môn): Là cổng thành Hà Nội phía Bắc. Cửa Bắc của thành Hà Nội thời Nguyễn được xây dựng trên chính Cửa Bắc Thành Thăng Long thời Lê. Khi người Pháp phá thành Hà Nội, họ đã giữ lại Cửa Bắc để làm đài quan sát, cùng với ý đồ phô trương sức mạnh quân sự với hai vết đạn đại bác bắn trên cổng khi chiếm thành Hà Nội.


Bắc Môn

Hai vết đại bác của quân Pháp bắn vào thành Hà Nội ngày 25/4/1882 trên thành Bắc Môn. Tổng đốc Hoàng Diệu đã anh dũng chỉ huy quân dân chiến đấu bảo vệ thành.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân Việt Nam, sự tri ân công đức với tổ tiên đã có công khai sáng, xây dựng và bồi đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; là tài sản vô giá để lại cho muôn đời sau; cũng chính là tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của thủ đô và đất nước.

Vinh dự này cũng đặt ra những nhiệm vụ và trách nhiệm to lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của di sản, trước mắt là tập trung tổ chức tốt việc đón nhân dân và du khách trong nước, quốc tế đến tham quan di sản nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét